Arnold Bennett
Chương VIII
Tác giả: Arnold Bennett
Tập trung tư tưởng chỉ là bước đầu thôi (phải bỏ ra ít nhất nửa giờ vào việc đó). Khi đã điều khiển phần tử vô kỷ luật nhất trong cơ thể phức tạp của ta thì ta phải tròng ngay ách vào cổ nó. Có một bộ óc biết tuân ý ta thì nên lợi dụng nó một cách tối đa. Phải học tập một cái gì đó lâu dài.
Học cái gì? Điều đó không thành vấn đề, từ xưa tới giờ nó chưa bao giờ thành vấn đề. Tất cả các hiền nhân của mọi thời đều đồng ý về chỗ đó. Học không phải là để thông hiểu văn chương, biết nghệ thuật hoặc một môn học nào khác, mà là để tự biết mình. Hỡi người đời, anh phải tự biết anh. Câu ấy tầm thường quá đến nỗi khi viết ra, thực tình tôi cảm thấy mắc cỡ. Mặc dầu vậy, tôi vẫn phải viết vì cần phải viết. Bây giờ thì tôi hết mắc cỡ rồi. Tại sao tôi phải vô lý đến mắc cỡ vì điều đó nhỉ? Hỡi người đời, anh phải tự biết anh. Tôi la lớn lên như vậy. Đó là một trong những câu mà ai nấy đều thuộc, đều biết giá trị, nhưng chỉ những người thông minh nhất mới đem áp dụng. Tôi không hiểu tại sao như vậy. Tôi hoàn toàn tin chắc rằng phần đông người ta thiếu suy nghĩ hơn là thiếu cái gì khác.
Chúng ta không suy nghĩ. Tôi muốn nói là chúng ta không suy nghĩ về những cái thực quan trọng, về vấn đề hạnh phúc của ta, về con đường chúng ta đương đi, về những cái mà đời cho ta, về vai trò của lý trí trong hành động của ta, về mối quan hệ giữa nguyên tắc và hành vi của ta.
Vậy mà bạn đương đi tìm hạnh phúc, phải không? Bạn tìm thấy nó chưa?
Chắc là chưa. Chắc là bạn muốn tin rằng hạnh phúc không sao đạt được. Nhưng đã có người đạt được, nhờ nhận chân rằng không phải tìm cái vui cho thân thể hoặc tâm hồn mà phải luyện trí và bắt hành động phải hợp với nguyên tắc thì mới có hạnh phúc.
Chắc bạn không dám cả gan chối cãi điều đó chứ? Nếu bạn chịu nhận mà còn không chịu bỏ ra một phần mỗi ngày để suy nghĩ kỹ lưỡng về lý trí, nguyên tắc và hành vi thì có khác gì muốn sáng thì phải có đèn, mà bạn lại nhất định không chịu thắp đèn không?
Bạn đừng sợ tôi sẽ bắt bạn chú ý đến nguyên tắc này, nguyên tắc nọ. Lúc này, tôi không cần biết đến nguyên tắc của bạn ra sao. Bạn có thể có những nguyên tắc giúp mình tin rằng cướp bóc là làm việc phải. Cái đó mặc bạn. Tôi chỉ khẩn khoản thưa bạn rằng một đời sống không hợp với nguyên tắc là một đòi sống ngu muội, và muốn hành động hợp với nguyên tắc thì có mỗi một cách là mỗi ngày phải nhận xét, suy nghĩ và quyết định. Bọn trộm cướp suốt đời buồn khổ vì nguyên tắc của chúng trái với hành vi cướp bóc. Nếu chúng thực tâm tin rằng cướp bóc là một hành vi thiện chí thì những năm khổ sai đối với chúng sẽ là những năm đầy hạnh phúc, tất cả những người tuẫn tiết đều sung sướng vì hành động hợp với nguyên tắc.
Còn lý trí, nó chỉ giữ trong đời ta một chỗ nhỏ nhoi. Chúng ta ngỡ hành động theo lý trí, trong thực tế lại hành động theo tình cảm nhiều hơn. Và càng ít suy nghĩ bao nhiêu thì càng ít có lý trí bấy nhiêu. Lần sau, bạn có bất bình với anh bếp vì món bò tái chín quá thì bạn bảo lý trí của bạn cứ ngồi trong phòng làm việc của nó, để bạn lại hỏi ý kiến nó. Chắc chắn nó sẽ bảo bạn rằng anh bếp đã vô ý, mà dẫu anh có lỗi đi nữa thì quạu với anh cũng chẳng ích lợi gì, chỉ thêm mất thể diện cho bạn vì người ngoài nhìn vào thấy bạn như thằng điên mà rốt cục món bò tái cũng chẳng ngon hơn được chút nào.
Bạn hỏi ý kiến lý trí như vậy (nó không đòi tiền công đâu) và kết quả là lần sau, nếu món bò tái lại chín quá nữa thì bạn cũng rất bình tĩnh vui vẻ coi anh bếp như bạn bè và nhã nhặn yêu cầu anh ta cẩn thận hơn một chút. Chắc chắn là như thế sẽ có lợi.
Trong việc quyết định hoặc thay đổi nguyên tắc và trong lúc hành động, sách giúp ta được nhiều việc. trong chương trước, tôi đã kể tên Marc Aurele và Epictete. Còn nhiều cuốn nổi danh hơn nữa. Tôi có thể kể Pascal, La Bruyere (triết gia pháp thế kỷ 17) và Emerson (triết gia Mỹ thế kỷ 18). Nhưng riêng về phần tôi thì không khi nào bạn bắt gặp tôi du lịch mà không mang theo Marc Aurele. Phải, sách quý lắm. Nhưng không cuốn nào có thể thay việc tự xét mình hàng ngày được, tự xét một cách thật thà ngay thẳng những việc mới làm và sẽ làm. Nghĩa là mình phải tự ngắm trân trân cái bộ mặt của mình trong gương, dù có phải thất vọng cũng ráng chịu.
Bạn làm việc quan trọng đó lúc nào? Theo tôi lúc thích hợp nhất là lúc đi từ sở về nhà. Sau khi đã suốt ngày gắng sức lo cơm, áo, tự nhiên óc ta muốn suy nghĩ.
Lẽ dĩ nhiên là bạn thích đọc báo (việc này có thể làm trong khi đợi bữa) hơn là nghĩ tới cái bổn phận bình thường mà quan trọng ấy - bổn phận tự xét mình - thì cái đó tùy bạn. Nhưng thế nào bạn cũng phải chú ý tới bổn phận đó vào một lúc khác.
Và bây giờ tôi xin xét đến những giờ buổi tối.