watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đạo Oshin - tác giả Bàn Tải Cân Bàn Tải Cân

Đạo Oshin

Tác giả: Bàn Tải Cân

Thân mến tặng Phí A Hoàn,
bạn thân của tôi - oshin chuyên nghiệp.

Mùa xuân các đôi uyên ương vào cuộc hôn phối, mùa thu các đôi uyên ương sinh nở, thành ra mùa thu là mùa Hà Nội khan hiếm oshin. Tại các trung tâm tư vấn việc làm người đến đăng ký nhiều không kể xiết, xếp hàng ra tận đầu ngõ. Khách có nhu cầu đủ loại đủ nghề, nào là vợ chồng tìm oshin trông nom con cái. Con cái tìm oshin phụng dưỡng cha mẹ già. Cha mẹ bị con cái tách ra ở riêng, tuổi già vất quá đành mướn oshin nấu cơm giặt giũ. Đôi uyên ương mới cưới chưa quen mùi cộng sinh, trải vài cuộc đá thúng đụng nia mặt nặng mày nhẹ đành mượn oshin làm biện pháp hoà giải. Mấy vị quan chức cần tìm oshin lo việc nhà cho việc nước đỡ phần bề bộn. Các hộ độc thân muốn có oshin lo khăn áo cho cuộc sống đỡ bề lẻ loi. Lại có ông bác sĩ QA thuê oshin theo giờ, anh tiến sĩ Kh. mướn oshin theo việc, cô ca sĩ L. chọn nam oshin theo lần... Nhân khi chờ lượt khách cũng buôn dưa lê với nhau, chủ đề quanh quẩn nào là oshin nhà này hỗn hào, oshin nhà kia tắt mắt, oshin nhà nọ mê giai, oshin nhà ấy biếng nhác. Khi đó ai nấy miệng thì than vãn kêu ca xem đây như mối hoạ nhãn tiền, mà trong lòng thảy đều hiểu là không thể thiếu. Đại để là phạm trù oshin trăm ngàn khuôn dạng thật phong phú vô cùng.
Thầy tôi là tiên sinh họ Quách từng nói: “Đạo oshin là đạo lớn trong trời đất, bao trùm vạn vật, lan toả thiên hà. Là thứ đạo uyển chuyển mà sâu sắc, nặng như lông chim hồng chim hộc mà nhẹ như núi Thái sơn. Cứ xem trong thiên hạ nếu đa phần giữ trọn đạo oshin thì chính là đang thời Nghiêu Thuấn vậy”.
Nhân bàn về oshin tôi xin kể lại một câu chuyện tình cờ hồi nhỏ đọc được trên một trang giấy hồng điều viết bằng mực tím nằm kẹp trong cuốn đường thi trên giá sách cổ của ông nội tôi. Trải bao thăng trầm thời cuộc mà đến nay không còn dấu tích gì của giá sách đó cùng cuốn đường thi, tôi đành ghi lại theo trí nhớ, âu cũng là để bản thân sống lại với những kỷ niệm ngọt ngào thuở ấu thơ vậy. Câu chuyện có tiêu đề là “Đạo Oshin”.
*****
Vài ngàn năm trước tại ngõ Mai Hoà thuộc phường Mai Động nội thành Hà Nội có gia đình đại trí thức, ông bố họ Vương tên Lâm học vấn rất cao, đã tốt nghiệp đại học, bà mẹ là thủ thư của thư viện khoa học tổng hợp. Nhà có cô con gái nhỏ chừng 5 tuổi tên là Vương Mai Liên tươi xinh như hoa, lại thuê thêm thằng bé oshin quê ở Sơn Tây đỡ đần việc nhà. Thằng bé này tên thật là Phí A Hoàn, tuổi khoảng mười tám, mặt mũi khôi ngô sáng sủa, tính nết hiền hậu đảm đang. Thường nhật ngày đông cũng như ngày rét A Hoàn luôn trở dậy từ canh ba, giặt chậu quần áo, tưới nước hoa viên. Đến giờ mão thì đi patanh ra thẳng chợ Hôm mua đồ ăn sáng, khi mấy đĩa bánh cuốn nóng, lúc vài bát phở tái thơm. Về nhà lại vội pha chén sữa to, nấu xoong bột lớn, ẵm Mai Liên dậy cưng nựng mà cho ăn cho uống, lại bày nhiều trò hay khiến Mai Liên khoái trí cười keckec. Đầu giờ thìn thì đánh chiếc Mazda 6 màu hồng lá mạ đưa Mai Liên đến trường mẫu giáo Hoa Lan là một trường có tiếng ở tiểu khu, rồi trên đường về mới tranh thủ chợ búa thịt cá rau cà, mặc cả rất khéo, cũng không quên chút dưa chua muối dổi là thứ ông chủ thích, vài trái ớt chỉ thiên là vị bà chủ thèm, đại thể công việc tuy không nặng nhọc gì nhưng từ sáng đến tối chẳng lúc nào ngơi tay. Được cái ông bà chủ là người nặng tình nặng nghĩa, dần dần coi A Hoàn như người thân trong nhà, thương yêu lắm.
Mùa thu năm ấy có vị khách ghé chơi nhà Vương Lâm, đôi mắt rất ướt, mũi nhăn tai nhọn, dáng vẻ kỳ vĩ. Khách xưng tên Trần Bười, quê ở Sơn Tây, tự nhận là bác họ người yêu cô em ruột con bà chị dâu với láng giềng họ Vương. Vương Lâm vốn trọng tình họ hàng nghĩa làng xóm, thấy thế bèn mời khách vào nhà mà hàn huyên cho thoả. Trần Bười ngỏ lời xin ở nhờ nhà họ Vương ít bữa để lo chạy mấy dự án lớn ở Bộ Tài chính. Vương vui vẻ nhận lời ngay, thu xếp nơi ăn chốn ngủ cho Bười rất đàng hoàng, lại dặn dò A Hoàn phải phục vụ thật chu đáo. A Hoàn tuy không nói nhưng ban đầu đã có cảm giác bất an về vị khách không mời. Dần dần cảm giác đó được minh chứng thêm bằng nhiều hành vi không được quang minh lỗi lạc, tỷ như việc Bười đi vệ sinh luôn khoá chặt toilet khiến ai vào cũng khó, lại như việc khách lên giường cứ để nguyên cả bộ quần áo lót mà ngủ. Chính vì vậy mà A Hoàn phục vụ Bười cũng có phần miễn cưỡng trễ nải.
Suốt năm năm liên tục Trần Bười tá túc ở nhà họ Vương, ai hỏi Bười đều nhanh nhẩu nói dự án rất triển vọng, các cửa đều đã lo lót đủ, chỉ còn chờ anh Nguyễn bác Hoàng với chú Phan phê duyệt tổng mức đầu tư là xong, hẹn đến khi thành tựu sẽ hậu tạ gia đình. Ông Vương tỏ ý không cần đền đáp, miễn sao việc lớn của Bười thuận lợi là mừng. Bười nhân đó cằn nhằn với Vương Lâm về việc A Hoàn phục vụ không được chu đáo, trên bảo dưới không nghe. A Hoàn bị Vương Lâm gọi ra căn dặn, đồng thời cũng có ý trách nhẹ nhàng rằng A Hoàn chưa trọn đạo oshin. A Hoàn cảm thấy oan ức buồn phiền quá, chiều tối hôm ấy nhân lúc rảnh việc bèn ra công viên dưới gốc cây liễu ven hồ ngồi khóc cho vui.
Một lát thấy có bà già bán vé số, dung mạo mười phần tươi đẹp, mặc áo hai dây ba lỗ, bờ vai trắng muốt, cổ dài cằm thon, hai tai băng bó. Bà già bước đến gần A Hoàn nhẹ nhàng hỏi rằng: “Tại sao con khóc?”. A Hoàn thấy có người ân cần hỏi han mình thì cảm động lắm, bèn vừa tức tưởi khóc to hơn, vừa trả lời rằng: “Con là oshin của nhà họ Vương, nay phần thì oan ức, phần thì giận thay cho chủ bị quái khách phiền nhiễu suốt mấy năm nên mới buồn mà bỏ ra đây ngồi”. Bà già ngắm A Hoàn rất kỹ, đoạn đưa tay nhẹ nhàng cào cào vào tay chàng, lại rúc vào lòng A Hoàn một hồi như thể nũng nịu. Hồi lâu nét mặt trở nên xuất thần dung dị, khẽ nói: “Con chó Trần Bười thật là độc ác, vì hắn mà nhà họ Vương sẽ còn nhiều chuyện oan ức, tan đàn xẻ nghé, vướng vòng tù tội. Âu cũng là ý trời cả. Riêng con có căn phật, phúc phận rất lớn, tuy rằng sẽ gặp đại nạn mà về sau mọi việc đồng loạt hanh thông”. Nói xong bà già lại rút từ yếm đào trước ngực ra chiếc kính râm Vertulano chính hiệu để trong bao da cực đẹp, bảo: “Đây là kính chiếu yêu, đeo vào thì xấu tốt thực hư đều sẽ rõ ràng. Nay tặng con để tri ân nuôi dưỡng bấy lâu”. A Hoàn thoạt nghe cũng cảm thấy lạ bởi mình chưa từng nuôi nấng bà ngày nào, tuy vậy vẫn cảm tạ mà đưa tay đón nhận. Đưa bao kính lên mũi ngửi thấy hương thơm hoa lan toả ngát, cơ thể trở nên phấn trấn khoẻ khoắn lạ thường. Chàng mải thưởng thức hương sắc một hồi, đến lúc nhìn lại đã thấy bà già bán vé số biến mất từ khi nào rồi.
*****
Lại thêm vài năm nữa trôi qua, Trần Bười liên tục lì lợm bám trụ ở nhà họ Vương, hỏi đến thì nói vẫn đang phải đợi duyệt kinh phí, triển vọng to lớn vô cùng. Vương Lâm cùng vợ đã bắt đầu có ý chán chường về ông bác họ người yêu cô em ruột con bà chị dâu với láng giềng họ Vương này, nhưng vốn bản chất hiền hoà lại ngại cãi cọ va chạm nên thường nín nhịn cho qua. Điều đáng nói là trong nhà họ Vương ngày càng xảy ra nhiều hiện tượng quái lạ. Mấy năm trước chú mèo mướp cái tên là Hoa Gấm, bạn thân của cô chủ Mai Liên bỗng nhiên biệt vô âm tín, chỉ để lại đôi tai, mẩu đuôi cùng túm lông dưới gậm giường. Tiền nong trang sức cũng tự nhiên không cánh mà bay, gia sản dần dần khánh kiệt. Việc lạ nhất là thỉnh thoảng lại xuất hiện những bãi phân ngay trên nền nhà, hoặc nhiều bãi tiểu tiện cạnh các góc tường. A Hoàn phải lau dọn giải quyết hậu quả hết sức vất vả. Chàng thường khẳng định với Vương Lâm rằng tất cả những việc đó đều là tác phẩm của Trần Bười, rằng có bằng chứng tối hôm trước Bười chén nguyên cả con gà ri thì sáng nay trong bãi phân vẫn còn dấu hiệu của lông và xương gà... Nhưng ông Vương nhất định gạt đi không tin, lại dặn A Hoàn nên tĩnh tâm kiên trì mà dọn dẹp. A Hoàn càng giận Bười lắm, quyết tâm làm rõ trắng đen.
Một đêm chàng bèn thu mình ngồi dưới gầm cầu thang rình bắt quả tang việc xấu của khách. Đúng nửa đêm thấy Trần Bười mò về, qua chân cầu thang chỗ A Hoàn nấp, nhìn quanh thấy không có ai hắn bèn dừng lại chống hai tay xuống đất, giơ chân phải lên cao, vạch quần tiểu tiện. A Hoàn để ý thấy dương vật Bười có màu đỏ kỳ lạ, phía đầu nhọn hoắt lại có ngạnh như xương cá, mới giật mình vội rút kính râm bà già tặng ra đeo để xem thực hư thế nào. Kinh hãi thay, Bười hiện nguyên hình là một con chó xám đang ghếch chân đứng đái, to như con bê con. Lúc này A Hoàn mới hiểu nguyên nhân Bười luôn phải chốt cửa khi đi vệ sinh cũng như mặc nguyên quần áo lót lúc ngủ.
Từ sau bữa đó A Hoàn càng lấy làm lo lắng cho khổ chủ lắm, chưa kịp nghĩ ra kế sách nào vẹn toàn để có thể bẩm báo lại cho Vương Lâm tin mà hiểu. Thời kỳ này cô bé Mai Liên cũng đã đến tuần cập kê, ra dáng là một tiểu thư con nhà khuê các, dung mạo càng lớn càng xinh đẹp, môi đỏ như hoa, da trơn như lụa, mắt đen thăm thẳm quyến rũ vô cùng. A Hoàn phát hiện thấy ánh mắt Trần Bười nhìn Mai Liên đã có chiều khang khác, thành ra luôn phải để mắt đề phòng. Một tối Mai Liên học thêm về, khi ngang qua cửa phòng Bười nàng lịch sự cúi đầu mỉm cười chào khách. Nào ngờ Bười khởi dục tính lao ra bịt miệng lôi tuột nàng vào phòng định giở trò tà dâm. May thay A Hoàn đã cảnh giác đối phương từ lâu, vội đấm tung cửa buồng Bười rồi nhảy vào vung chân đá mạnh trúng hạ bộ của hắn. Hai hạt vỡ nát. Bười gầm lên như con thú bị thương, hiện nguyên hình là một con chó dái to màu xám như con bê con lao bổ vào đè nghiến A Hoàn ra giữa sàn nhà định cắn đứt cổ. Giữa lúc tính mạng mong manh như tơ nhện, A Hoàn chợt nghe một tiếng nổ chát chúa vang trời, Trần Bười đổ vật ra đất giẫy giẫy một chốc rồi chết hẳn. Đứng ở cửa phòng, ông Vương đang run rẩy cầm trong tay khẩu súng săn Roller Cabinét vẫn thường treo trên bức tường phía nam phòng khách, nòng bốc hơi bỏng rẫy.
Gần căn nhà gia đình Vương Lâm sinh sống có tay du thủ du thực họ Dư, công tác ở vị trí giao tế viên công cộng cho một công ty phần mềm, quan hệ với báo giới rất rộng. Hắn vốn là bạn nhậu với Trần Bười, hai tên thường hay bệ rạc say xỉn với nhau, lại hay đồng tâm làm nhiều điều tục tĩu khó ai mường tượng nổi. Lúc tối thấy bên nhà Vương Lâm có tiếng con gái kêu cứu, Dư vội chạy đến lén ngó qua cửa sổ, nắm được hầu hết diễn biến nội tình. Sẵn điện thoại di động Dư liền gọi ngay cho cảnh sát cơ động đến giải quyết vụ án mạng. Tình ngay lý gian, hai vợ chồng Vương Lâm lập tức bị tống giam chờ ngày xét xử. Sự vụ trở nên càng trầm trọng hơn khi Dư vì thương tiếc bạn nhậu đã gửi đăng một loạt bài trên nhiều tờ báo có uy tín với những tiêu đề như “Trí thức bắn chết người vô tội” hay “Sự thật về tay sát nhân văn hoá Vương Lâm”. Tại phiên toà Dư đứng ra làm nhân chứng kể tội nhà họ Vương, rằng Trần Bười nhân thân rất tốt, trả tiền ăn ở rất hậu, lại thường xuyên kèm thêm môn toán cho Mai Liên, rằng vợ chồng Vương Lâm cùng oshin A Hoàn do muốn tống cổ Trần Bười đi để độc chiếm căn phòng nên mới bày mưu giết người. Toà án dựa trên lời khai của nhân chứng cùng vật chứng là xác chết Trần Bười với khẩu súng săn Roller Cabinét, xử hai vợ chồng Vương Lâm án chung thân. Riêng A Hoàn vì cũng tham gia ẩu đả đá vỡ hạ bộ nạn nhân nên bị hai năm biệt giam lao tù quản thúc. Vương Lâm làm đơn kháng cáo nhưng bị bác. A Hoàn cũng làm đơn xin được tăng án của mình lên chung thân, để được ở cùng biệt lao cho dễ bề chăm sóc ông bà khốn chủ, nhưng không được hội đồng xét xử thông qua.
*****
Hai năm sau ngày xảy ra vụ trọng án, đúng khi tiết trời đương xuân, hoa cỏ tốt tươi, mưa bụi đầy giời, có một chàng trai mảnh mai cao độ mét tám nặng chín chục cân đang hờ hững lang thang vô định trên con đường nhỏ trước cổng trại giam. Đó chính là A Hoàn vừa được phóng thích. Hai năm gian khổ trong lao tù làm cơ thể chàng tiều tuỵ đi nhiều lắm, đặc biệt chiều cao giảm hẳn, cân nặng cũng không còn được như xưa, tuy vậy ánh mắt của chàng vẫn toát lên nét thanh cao, nụ cười vẫn âm thầm ngạo nghễ. A Hoàn về lại căn nhà xưa nơi gia đình Vương Lâm từng sinh sống hạnh phúc, thấy cửa long khoá trễ mạng nhện chằng chịt, sàn đá hoa chàng thường lau bóng lộn ngày nào nay bụi thời gian đã phủ dầy một lớp, khiến lòng thương cảm vô cùng. Chàng lần tìm quanh đó hỏi han tung tích cô con gái Vương Mai Liên qua mấy nhà hàng xóm, nhưng vật đổi sao dời, láng giềng thân quen ngày xưa đã bị qui hoạch đền bù giải toả đất mà phải di dời đến các khu tái định cư mới ở những phương trời nào rồi.
A Hoàn tâm hồn trĩu nặng lặng lẽ quay gót trở về quê cũ là xã Cổ Đông, tỉnh Sơn Tây, cách Hà Nội chừng ba mươi dặm tính theo đường cao tốc Láng - Hoà Lạc. Nơi đây chàng huy động được chút vốn mọn của bà con nông dân cùng xã, rặt những người nghèo khổ mà vô cùng tốt bụng. Chàng bèn quyết định đầu tư kinh doanh bất động sản. Cũng may thời gian ấy tại Hoà Lạc có một loạt các dự án quốc gia liên hoàn công nghệ cao, giáo dục và du lịch văn hoá nên giá đất nơi này cứ tăng vùn vụt, A Hoàn gặp dịp đó mà làm ăn rất khấm khá. Ngày ngày chàng lái ôtô đi khắp các làng xung quanh, gạ nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp với giá rẻ, rồi thông đồng cùng uỷ ban nhân dân và địa chính các xã cấp phép thổ cư, bán lại cho đám thị dân ở Hà Nội với giá cắt cổ làm trang trại với nhà nghỉ cuối tuần. Chỉ ít lâu sau A Hoàn đã trở thành đại gia giàu có nhất tỉnh, sở hữu ba khách sạn loại sang, sáu nhà chứa cao cấp, chưa kể khu chung cư cao tầng rộng gần chục hecta.
Có lưng vốn kha khá rồi A Hoàn mới bắt đầu dùi mài kinh sử, suốt ngày miệt mài đọc sách tại các thư viện điện tử. Sau khi lấy được chứng chỉ TOELF với điểm số 695, chàng liền bay sang đại học viện Oxford lăn lộn suốt sáu tháng trời đêm quên ăn ngày quên ngủ, bảo vệ đồng thời hai luận án tiến sĩ, một về văn chương, một về quản trị kinh tế vĩ mô. Khi về nước, đám thuộc hạ của A Hoàn rất lấy làm lạ, thường hỏi chàng: “Đại ca tuổi tác đã không còn thiếu nhi, tài sản lại nhiều không kể xiết, sao còn phải học hành uyên thâm đến vậy?”. A Hoàn đáp: “Ta vốn là oshin, kiếm tiền cũng chỉ để trọn đạo làm oshin, đi học cũng chỉ để trọn đạo làm oshin”. Lại nói: “Ta làm tiến sĩ văn chương là mong hoàn thiện được ngôn từ với chủ nhân cho phải đạo, làm tiến sĩ quản trị kinh tế vĩ mô là mong tổ chức được việc quản gia cho chu toàn”. Thuộc hạ nghe vậy đều đồng thanh gật gù tâm đắc, nhưng thảy đều không hiểu.
Thời gian làm ăn ở quê A Hoàn vẫn liên tục cho người dò tìm tung tích Mai Liên, lại cũng nhiều lần gửi đơn từ khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền kêu oan cho ông bà chủ, nhưng vì vụ trọng án đó nhân chứng vật chứng đã rành rành nên cũng không thu được thành tựu gì.
*****
Lại nói về chuyện Vương Mai Liên sau khi bị Trần Bười hãm hiếp hụt, lại phải chứng kiến cảnh tan cửa nát nhà mẹ cha tù tội, chú A Hoàn là chỗ dựa cuối cùng cũng không thoát khỏi cảnh biệt lao nên tâm trí trở nên buồn bã hoảng loạn. Không còn nơi nương tựa mà cuộc sống ngày càng đắt đỏ, tiền nong cha mẹ để lại chẳng còn bao nhiêu thành ra chỉ ít lâu sau nàng đã lâm vào cảnh túng quẫn. Mai Liên đành bỏ học, mở quán nước vỉa hè ngay trước cửa nhà để kiếm sống qua ngày. Thời gian sau nàng may mắn gặp được bà dì họ xa ở tận Sài Gòn ra Hà Nội bỏ mối đồ lót nam giới. Bà vốn là đầu nậu cung cấp hàng cho nhiều hãng thời trang lớn lắm, nay thấy hoàn cảnh Mai Liên đáng thương quá mới quyết định ở lại Hà Nội thêm vài ngày giúp đỡ cô cháu gái, hùn vốn cùng nàng mở một công ty nho nhỏ chuyên buôn bán đồ mỹ phẩm cao cấp. Nguồn hàng bà dì đứng ra lo nhập toàn bộ từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo. Mai Liên phụ trách mảng phân phối và thực hiện các chiến dịch quảng cáo. Công ty dần làm ăn phát đạt, trở nên nổi tiếng và có thương hiệu tốt. Mai Liên được bình bầu là doanh nghiệp trẻ tiêu biểu, đoạt đồng thời ba giải Sao Hôm, Sao Chổi và Sao Hoả.
Trong thời gian này tên giao tế viên họ Dư vốn say mê nhan sắc của Mai Liên nên vẫn thường mượn cớ qua lại thăm hỏi, nhưng lần nào cũng bị cự tuyệt đuổi về. Có lần Dư hỏi thẳng: “Sao nàng căm giận ta đến vậy?”. Mai Liên lạnh lùng đáp: “Nhà ta tan tác chia đàn xẻ nghé cũng do một tay ngươi gây nên, sao không căm giận cho được”. Dư cười phân minh: “Cha mẹ nàng giết người, ta với trách nhiệm công dân phải đứng ra trình báo. Bạn thân ta bị giết, ta với trách nhiệm bằng hữu phải viết bài đăng tin. Nàng nên thông cảm mà hiểu cho mối thâm tình của ta dành cho nàng mới phải”. Mai Liên nghe lời nói đểu cáng quá phẫn uất không kìm được bèn dang tay vả mạnh vào miệng Dư, khiến hắn bị văng mất hai răng cửa, vỡ một răng sữa và nứt nửa răng hàm số 6. Dư căm hận nghiến lợi bỏ về, thề sẽ trả thù.
Độ tuần sau có vị khách tóc ngoại quốc mặt Việt nam tìm đến công ty Mai Liên bàn việc làm ăn. Hắn giới thiệu cho nàng một số sản phẩm kem dưỡng da đặc biệt nhãn hiệu Corealine Dream, do chính viện Meduza Paris cấp bản quyền, với một số thành phần hoá học được chiết xuất từ bào thai cừu. Loại kem này rất hiệu quả trong việc loại bỏ các nếp nhăn trên làn da lão hoá, tẩy mụn trứng cá và tàn nhang trên làn da dậy thì. Mai Liên cho nhân viên dùng thử vài ngày, quả nhiên công hiệu rất tốt, liền dồn vốn nhập toàn bộ lô hàng của khách. Hàng bán rất chạy, vốn một lãi ba, Mai Liên mừng lắm bèn mở tiệc khao thưởng nhân viên. Đương khi cả đám nâng cốc chúc tụng hoạt náo vô cùng bỗng nghe xôn xao ngoài cửa, ngó ra thấy một đám đông đàn bà con gái đang đứng biểu tình đòi hành quyết Mai Liên, người nào người ấy nét mặt tả tơi, má sứt mũi lẹm cằm nứt mí sưng. Cho thư ký ra hỏi thì toàn là khách hàng dùng kem dưỡng da nhãn hiệu Corealine Dream mua từ công ty Mai Liên ra cả.
Đám đông như hổ dữ ùa vào đập phá toàn bộ tài sản công ty, hành hung nhân viên bán hàng, lại có kẻ uất quá đã chuẩn bị sẵn cả can sữa chua có nồng độ axit lactic rất cao, chỉ đợi gặp nữ giám đốc Mai Liên là tạt mặt trả thù. Cũng may Mai Liên nhanh chân theo cửa phụ trốn thoát được, nhưng công ty nàng phá sản hoàn toàn, thậm chí còn bị nhiều đơn từ tố giác, vướng vòng hình sự. Mai Liên sợ hãi lắm, giấu biệt tung tích, lại không dám quẩn quanh ở Hà Nội nên cứ một mạch chạy thẳng theo đường Hoà Lạc về phía Nam. Trong ví không còn tiền mặt, nàng lấy thẻ tín dụng ra máy ATM định rút tiền thì tài khoản cũng bị phong toả mất rồi.
*****
Lại nói về A Hoàn thì ngoài việc điều hành kinh doanh khách sạn, nhà chứa, đầu tư khu du lịch và tham gia vào các dự án xây dựng trọng điểm của quốc gia, chàng còn cho mở một trường dân lập lớn tại quê, gọi là A Hoàn Đại Học Đường. Trường được xây dựng rất khang trang hiện đại, phòng học nào cũng có kết nối Internet băng thông rộng. Ngay tại tiền sảnh có treo bức hoành phi cực lớn trên đề tám chữ đại tự “Nhất nhật vi nô, bán nhật vi nô”, nét viết nghiêm trang như có thần, ý nói dẫu làm việc một ngày cho chủ cũng là oshin, làm việc nửa ngày cũng là oshin. Về chương trình thì đại để cứ sau năm năm chuyên cần học hành, trả hết các tín chỉ cả về lý thuyết lẫn thực hành là sinh viên được cấp tấm bằng Oshin chuyên nghiệp, là tấm giấy thông hành tốt nhất để xin được việc làm oshin tại các đại gia. Vì thế mà hàng năm đến kỳ tuyển sinh là A Hoàn Đại Học Đường của hiệu trưởng A Hoàn lại được nhiều thí sinh đăng ký dự thi lắm.
Một lần A Hoàn đi qua kiểm tra sổ sách kế toán tại thanh lâu Thảo Viên là một trong sáu nhà chứa thuộc quyền chàng sở hữu, chợt thấy mụ chủ khúm núm ra thưa: “Có con bé vô cùng kháu khỉnh mới lưu lạc vào đây, kính mời đại nhân tiên dụng”. A Hoàn truyền cho gặp mặt. Lát chủ chứa đưa giai nhân vào, người vận áo dài lụa đỏ, váy ngắn hồng nhạt, dáng vẻ kiều diễm mỹ lệ vô cùng. A Hoàn nhìn kỹ khuôn mặt khả ái của giai nhân, bỗng nhiên giật mình hoảng hốt, vội quì sụp xuống vừa lạy vừa tức tưởi: “Thuộc hạ bấy lâu lần mò tung tích tiểu thư mà đến nay mới thành công quả vậy”. Đoạn đứng dậy ôm chặt lấy Mai Liên mà khóc lóc sụt sùi. Mai Liên gặp lại A Hoàn cũng cảm động không thốt nên lời, ngất đi ngất lại mấy lần.
A Hoàn quát mắng chủ chứa một chập, cắt thưởng quí ba của toàn bộ nhân viên thuộc Thảo Viên lâu. Xong vội đưa Mai Liên lên ôtô về chính thất, cung phụng chu đáo, tự mình làm mọi việc cho nàng mà giữ đạo chủ tớ rất nghiêm. Những buổi sáng rảnh rỗi, uống cà phê tại thư hiên, hai người lại nước mắt vắn dài, vừa ôm nhau vừa ôn lại chuyện xưa. A Hoàn kể cho Mai Liên nghe toàn bộ cuộc đời chàng kể từ khi bước chân vào chốn ngục tù, đến khi được phóng thích lần tìm dấu tích Mai Liên, sau phải tạm về quê làm ăn chờ thời, bảo vệ hai bằng tiến sĩ và hiện đang kinh doanh rất phát đạt. Mai Liên nghe vậy mừng lắm. A Hoàn lại kể: “Ngày xưa có lần thuộc hạ buồn ra công viên khóc, gặp được bà lão bán vé số. Bà an ủi, tặng cho kính râm chiếu yêu khiến nhìn ra chân tướng Trần Bười là con chó xám to như con bê, lại còn nói mọi việc rồi sẽ hanh thông cả. Vậy xin tiểu thư cứ an nhiên tự tại, đừng lo lắng quá”. Mai Liên vốn thông minh sắc sảo, nghe chuyện chó xám với bà lão xong thì ngẩn người một lát mà bảo: “Bà lão bán vé số phải chăng là con mèo mướp Hoa Gấm ngày xưa của ta, bị chó xám Trần Bười lừa bắt ăn thịt, chỉ còn chừa lại đôi tai, mẩu đuôi và túm lông dưới gầm giường”. A Hoàn nghe thấy rất hợp lý, gật gù khen phải.
Mai Liên lại kể A Hoàn nghe chuyện mình mở công ty mỹ phẩm, bị họ Dư lừa đảo hãm hại, sau lưu lạc đói rách khổ sở, làm đủ mọi nghề để sinh sống, từ trồng rau cắt cỏ đến dọn rác ủ phân, từ gánh thuê vú mướn đến bồi bàn cave, chưa nghề nào chưa từng làm từng trải. A Hoàn nghe kể càng lấy làm thương cảm, cứ vò đầu bứt tai vả vào mặt tự trách mình không gặp được Mai Liên sớm hơn để giảm bớt nỗi cơ khổ cho nàng. Lại bàn đến chuyện làm sao đưa ông bà Vương Lâm thoát vòng tù tội, Mai Liên nói: “Chỉ cần họ Dư chịu phản cung, khai đúng sự thật thì án cũng sẽ được giảm nhẹ lắm”.
*****
Độ hai tháng sau đám thuộc hạ A Hoàn bẩm báo đã tóm được Dư khi hắn đang lang thang kiếm gái trên đường Giải Phóng thuộc địa bàn Hà Nội. A Hoàn và Mai Liên cả mừng bèn truyền dẫn giải vào, thấy khuôn mặt Dư vẫn thư sinh trắng trẻo nhưng phong thái độ này đã có chiều nhếch nhác đi nhiều. A Hoàn hỏi: “Huynh giúp đứng trước toà công bố về sự thật của vụ án nhà họ Vương được không?”. Dư sợ hãi nói: “Sự thật tại hạ đã nói hết tại phiên phúc thẩm rồi, còn gì mà khai nữa”. A Hoàn nghe vậy cười nhạt, truyền thuộc hạ đem Dư đi tra tấn. Đám thuộc hạ lao vào lột hết quần áo Dư ra, lau rửa sạch sẽ, đoạn vứt hắn lên chiếc giường Hồng kông mà trói chặt bốn chân tay vào bốn cột giường. Xong đâu đó A Hoàn truyền cho hai mươi kỹ nữ đẹp nhất Thuỷ Tiên lâu vào vây quanh giường Dư, đồng tâm thoát bỏ xiêm y, cùng nhau múa khúc Điêu Ly tưng bừng. Dư thấy vậy cả mừng thầm nghĩ: “Tưởng tra tấn thế nào, chứ thế này khác gì thiên đường, có mơ cũng chẳng được”. Hai kỹ nữ trẻ nhất lại đồng loạt lên giường liên sàng với Dư, giở đủ mọi ngón nghề, khiến hắn càng tràn đầy đê mê hứng khởi. Đám kỹ nữ cứ thế thay phiên nhau tra tấn Dư suốt 24/24. Đến ngày thứ ba thì mặt Dư xám ngoét như đít nhái, hơi thở gần đứt, huyết áp tụt mạnh, tinh xuất ra trong vắt như nước cất. Thấy Dư gần chết A Hoàn mới tới gần giường nhẹ nhàng hỏi lại: “Huynh giúp đứng trước toà công bố về sự thật của vụ án nhà họ Vương được không?”. Dư gục đầu thều thào xin nhận lời.
A Hoàn và Mai Liên ra Hà Nội, gặp gỡ các nhân vật quan trọng nhằm tác động mở phiên toà xét lại vụ nghi án họ Vương giết Trần Bười, chi tiền rất nhiều. Trong phiên toà Dư đã đứng ra xác nhận những lời khai trước đây của mình có phần giả dối, rằng Trần Bười định tâm hãm hiếp Vương Mai Liên, lại định cắn đứt cổ A Hoàn nên mới bị Vương Lâm bắn chết. Chủ toạ phiên toà thấy có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bèn tuyên án: “Vợ chồng Vương Lâm vì lý do tự vệ chính đáng, lỡ tay giết người, giảm nhẹ hình phạt từ chung thân xuống 20 năm tù, cho lao động khổ sai”. A Hoàn nghe vậy thì thất vọng quá, đứng dậy hỏi lớn: “Nếu lỡ tay giết chó thì bao nhiêu năm tù?”. Lại điên lên mà quát rằng: “Trần Bười chỉ là con chó xám to như con bê con, bằng chứng còn nguyên dưới mộ ấy”. Toà bèn truyền pháp y khai quật mộ Trần Bười, quả nhiên trong quan tài chỉ thấy có bộ xương chó rất to. Khi ấy vội ký quyết định phóng thích vợ chồng Vương Lâm, lại bồi hoàn danh dự và hơn 10 năm oan ức bằng một biệt thự sang trọng ngay giữa thủ đô Hà Nội. Dư vì trước đây khai láo, bị toà phạt đòn hai mươi trượng, sau về già mỗi khi thay đổi thời thiết mông trái Dư lại đau buốt như để giúp hắn nhớ lại những lỗi lầm ngày xưa. Bộ xương chó khai quật lên được chuyển cho Viện Pháp y để làm rõ thành phần hoá học, sau lại chuyển cho Dr. Vũ là giáo sư có tiếng về công nghệ gene, nhằm xác định lại cấu trúc ADN xem khác gì với người, khác gì với chó. Đến nay đã mấy ngàn năm trôi qua mà vẫn chưa có kết luận gì.
****
Về phần ông bà Vương Lâm được phóng thích lại về sống với cô con gái cưng, tinh thần hoàn toàn ung dung tự tại, không hề có thái độ hằn học về những năm tháng lao tù oan khổ vừa qua. A Hoàn bán toàn bộ quyền sở hữu các khách sạn, nhà chứa và chuyển nhượng lại A Hoàn Đại Học Đường cho một giáo sư đáng tin cậy, còn bản thân lại về làm oshin cho nhà họ Vương. Thường nhật ngày đông cũng như ngày rét A Hoàn luôn trở dậy từ canh ba, giặt chậu quần áo, tưới nước hoa viên. Đến giờ mão thì đi patanh ra thẳng chợ Hôm mua đồ ăn sáng, khi mấy đĩa bánh cuốn nóng, lúc vài bát phở tái thơm... Có điều Mai Liên giờ đã lớn nên không cần pha sữa nữa.
Một ngày Vương Lâm gọi A Hoàn đến bảo: “Con có ơn với nhà ta nhiều quá mà chưa có gì đền đáp, hay để ta gả Mai Liên cho con?”. A Hoàn nghe vậy cả mừng, vái lạy mà thưa: “Chỉ sợ tiểu thư không có tình ý với kẻ nô bộc này”. Lúc đó Mai Liên đứng gần đấy, vội chạy ra ôm chặt lấy A Hoàn mà bảo: “Còn thiếp chỉ sợ chàng không có tình ý gì với kẻ chủ nhân này. Thú thật thiếp đã yêu chàng từ ngày chàng pha chén sữa to, nấu xoong bột lớn, ẵm thiếp dậy cưng nựng mà cho ăn cho uống, lại bày nhiều trò hay khiến thiếp khoái trí cười keckec”. Hôn lễ được tổ chức lớn lắm, ai ai cũng đến chia vui.
Một tối Mai Liên bảo: “Gã oshin kia, ra đây gãi lưng cho tiểu thiếp”, A Hoàn đang đọc sách gần đó vội chạy ra thưa: “Thuộc hạ xin tuân lệnh”. Đoạn cởi áo vợ mà vuốt ve mơn trớn, không chỉ lưng mà còn nhiều bộ phận nhạy cảm thú vị khác, cứ thế hai vợ chồng lục đục cả đêm. Thật là khí độ của một đại gia vậy./.

Hết

Các tác phẩm khác của Bàn Tải Cân

Tửu sư

Trương Đàn

Trinh Tùng Truyện

Tiểu Linh Trùng

Linh Vật (Tân Liêu Trai)

Lập trình sư

Internet Cafe (Tân Liêu Trai)

Hắc Miêu (Tân Liêu Trai)