Trương Đàn
Tác giả: Bàn Tải Cân
“Thân mến tặng ông Vương, người đã vắt cạn
tinh lực trên sàn diễn vũ Ba-Lê”
Ngày xưa có anh họ Trương tên Đàn, làm nghề xe ôm dọc phố Võ Thị Sáu, quận Nhất, Sài Gòn. Trương nghèo khổ lắm, gia tài chỉ có độc con xe @ cùng bộ đồ lót mưa nắng che thân, nhưng bù lại khuôn mặt chàng cực kỳ nhu mì xinh đẹp. Ngày ngày Trương lái xe đưa khách qua phố, nghề tuy vất vả nhưng thanh nhã. Những khi vắng khách Trương thường neo xe nơi gốc sấu gần vũ trường Mê Ly cất cao giọng hát. Giọng Trương hơi chua mà ngang tai, nhưng cách ngắt câu nhả chữ rất độc. Tiếng ca bảng lảng bay giữa chiều Sài Gòn...
Có cô Ngọc Yến là cave của vũ trường nhân chiều nhàn ra phố mua me dầm, nghe giọng hát Trương vút cao chợt thấy con tim mình se lại mà da đùi sởn lên. Trương thấy người đẹp mải mê nghe hát, càng dụng tâm nháy câu luyến giọng rung ngân vô bờ. Ngọc Yến cầm lòng không đặng lệ rớt nhạt nhoà phấn son lem luốc. Lát tiếng hát dứt nàng bèn tiến đến dúi vào tay Trương một vật nhỏ, mở ra xem thì là chiếc bao cao su.
Từ bữa ấy Trương tuy tay lái xe mà hồn cứ lãng đãng quẩn quanh tà váy người đẹp. Rảnh khách chàng lại neo xe nơi gốc sấu mà hát, tiếng ca bảng lảng bay giữa chiều Sài Gòn... Qua nửa tháng mới lại thấy mỹ nhân ra, Trương mừng đến thót bụng. Hai người gặp gỡ như tri âm. Ngọc Yến nhân lúc phố vắng mới bảo Trương lấy vật hôm trước ra dùng. Trương thò tay vào túi quần lấy ra chiếc bao, định xé. Tần ngần một hồi lại đút vào túi, ngậm ngùi nói: “Kỷ vật nàng tặng, những khi trống trải ta thường lấy ra ngắm, thấy vật như được thấy người. Nay không nỡ lòng nào xé cho đặng”. Ngọc Yến nghe vậy thì cảm động mà rằng: “Đàn ông nặng tình như chàng thật hiếm. Thiếp muốn cùng chàng cắt tóc se duyên, đợi khi mãn hạn vũ trường sẽ xin má mì hoàn lương, về cùng lái xe ôm, không biết được chăng?”. Trương mừng lắm, hỏi bao giờ mãn hạn. Người đẹp đáp: “Sang năm đúng ngày này giờ này, xin hãy đợi thiếp ở đây”. Đoạn vít cổ Trương mà hôn, nước mắt lã chã. Lại đưa tay lần xuống háng mà sờ nắn thăm dò, một lát khuôn mặt nàng rạng rỡ hẳn lên: “B.. to không lo chết đói, của chàng cỡ thế kia thì đôi ta sau này chắc hạnh phúc lắm”. Nói rồi gạt lệ giã biệt.
* * * * *
Trương sung sướng ngất ngây, ngày ngày cứ dõi vào cổng vũ trường Mê Ly mà cất tiếng hát. Hát rằng:
Gió xuân hây hây
Má xuân hao gầy
Mưa xuân chứa chan
Tay xuân buông màn
Chim xuân rối bời
Bướm xuân chơi vơi...
Giọng hát của chàng bay xa, làm kinh động đến một gã trung niên đương uống cafe ở quán gần đó. Gã họ Quách, vốn có thiên bẩm đặc biệt về thẩm âm, lại là bầu sô có hạng ở Sài thành, giới văn nghệ sĩ vẫn quen gọi là Quách tiên sinh. Nghe giọng hát, tiên sinh bụng bảo dạ: “Giọng dở thế mà vẫn tự tin luyến láy, thật trơ trẽn không biết xấu hổ, người này có thể làm việc lớn được”. Đoạn chạy ngay ra phố, tìm đến gần Trương rồi ngắm nghía kỹ càng, thấy chàng mặt đẹp chân to càng lấy làm khoái. Đợi khi Trương hát xong gã mới lại gần mà nói: “Này con, ta vừa nghe con hát biết không phải hạng thường ca. Con hãy bỏ nghề xe ôm mà theo ta, ba tháng nhất định thành người, sáu tháng thành ngợm, một năm thì thành siêu sao” . Trương vốn mê ca hát nên nghe lấy làm hợp ý, lại cũng muốn đổi đời để cưới Ngọc Yến, bèn nhận Quách tiên sinh làm sư phụ.
* * * * *
Lại nói Ngọc Yến từ khi ước hẹn với Trương trở nên chí thú làm ăn, thái độ dịu dàng, tâm cơ linh mẫn. Khách vừa lòng thường bo cho rất hậu. Thấm thoắt một năm trôi qua. Chiều hôm ấy Yến đến ôm má mì khóc tức tưởi: “Thưa, bấy lâu được má đùm bọc, lại dạy cho bao kỹ năng chăn gối, đến nay phải từ biệt lòng con nhung nhớ vô hạn”. Nàng rút ra một tấm séc trên có ghi một số tiền lớn, điểm chỉ vào phía dưới, đoạn dâng lên mà nói: “Số này đã tính cả vốn lẫn lãi, nay con xin hoàn lại má”. Giờ phút chia ly thật cảm động, má mì cũng nghẹn ngào lấy ra một chiếc nhẫn kim cương đẹp lắm đeo vào tay cho Ngọc Yến: “Ngoài đời nhân tâm vô cùng hiểm ác” - Má dặn - “Không được tử tế lành mạnh như môi trường của ta, con phải gắng bảo trọng”. Ngọc Yến lạy tạ mà lui.
* * * * *
Đúng giờ hẹn Ngọc Yến ra gốc sấu nơi lần đầu được nghe Trương hát, đã thấy chàng chờ ở đó tự bao giờ. Hai người ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Lúc hôn người yêu, Ngọc Yến thoạt lấy làm lạ bởi lưỡi chàng có vị như sấu dầm me muối, nhưng bản tính vốn thích của chua nên nàng vẫn khoái cảm, nếm mút nhiệt tình. Một lát Trương lại rút tặng vật năm trước xé ra dùng. Cả hai cùng tựa lưng vào thân sấu, ngoắc chân vào gốc sấu, quàng tay vào cành sấu, mê man không bút nào tả nổi... Xong việc, nghỉ ngơi bên nhau, Ngọc Yến mới xin được nghe hát. Trương bèn cất giọng mà hát rằng:
Gió hiu hiu thổi hề
Lá sấu xào xạc ghê
Này ve kêu, này chim hót
Này phút đoàn viên
Này mỹ nhân trở về...
Giọng chàng trầm mà ngọt ngào, lắng nghe như có tiếng ve kêu chim hót, tiếng lá cây xào xạc rất thật, có điều không giống giọng người. Ngọc Yến nghe gịọng ca cảm hứng quá bèn đứng dậy ôm gốc sấu mà múa theo tiếng hát, tư thế mềm mại quyến rũ, thể hiện đất trời xoay chuyển, vũ trụ vần vũ.
Ngọc Yến nói với Trương: “Chàng hát hay thế, em múa đẹp thế, hay đôi ta chạy sô các sàn diễn trong khu vực, thế nào chả dư dả”. Trương gạt đi: “Anh đã bán con @ tậu con đò nhỏ bên bờ kênh Nhiêu Lộc, ngày ta chở khách qua kênh, tối về ca vũ bên nhau, trần gian chắc không còn gì thú hơn”. Ngọc Yến vỗ tay khen phải.
* * * * *
Lại nói về Trương Đàn. Từ khi bái Quách tiên sinh làm sư phụ, thời gian đầu chàng thường được thầy dẫn đến các salon, phòng trà có tiếng ở Sài gòn. Tiên sinh giao du rộng lắm, ai ai cũng trọng vọng. Tại những tụ điểm này hai thầy trò người hát kẻ đệm saxophone. Giọng Trương phô mà ngang tai, nhưng tiên sinh thổi kèn rất khéo nên khoả lấp được các khiếm khuyết. Hai sư đồ cứ đêm hát sô, ngày luyện giọng, chỉ ít lâu giọng Trương đã tốt hẳn. Chàng đã đủ tự tin bước lên các sàn diễn tầm trung và có được tên tuổi nhất định trong nền ca nhạc đương đại quận Phú Nhuận.
Chừng nửa năm sau Quách tiên sinh bảo Trương: “Con có muốn đạt tới đỉnh cao trong nghiệp hát không?”. Trương thưa: “Đó là tâm nguyện cả đời con”. Tiên sinh bèn đưa Trương lên núi Liên Thành, cách Sài gòn chừng hai ngàn dặm về phía Nam. Ở đây phong cảnh hữu tình, cỏ hoa tươi tốt. Từ sáng sớm đến tối khuya Trương phải kiên nhẫn toạ thiền trên phiến đá lớn cạnh bờ suối nơi lưng núi, không làm gì ngoài hát. Tiên sinh cầm chiếc roi điện đứng cạnh, hễ Trương nhãng ra là vụt. Lúc đầu chàng phải luyện giọng với tất cả các thể loại âm nhạc từ xanh, đỏ, vàng, tình ca, ballads, rocks, rap, sẩm, quan họ, ca trù, tuồng, chèo, cải lương, jazz, opera..., với tất cả các cung bậc từ Mi thăng trưởng đến Đô giáng thứ, với tất cả các sắc điệu từ Contre-Alto đến Mezzo-Soprano. Đến lúc không còn bài nào tiên sinh bèn bắt chàng hát theo tiếng của thiên nhiên và muôn loài, tiếng gió núi vi vút, tiếng suối reo rì rào, tiếng mấy bà bán hàng chợ Cầu Đông...
Thời gian cứ thế miên man trôi đi. Một ngày, khi đang phải căng người luyện hát theo tiếng mây trôi lãng đãng giữa trời xanh trong vắt, chàng chợt cảm nhận mình bỗng xuất thần như mây, suy nghĩ như mây và hát bằng giọng của mây. Có điều khi hát xong chàng thấy mệt mỏi rã rời, mà sờ xuống thì đũng quần đã ướt sũng tự khi nào. Trương ngượng nghịu thưa với thầy: “Bẩm sư phụ, con vừa lỡ xuất tinh...”. Quách tiên sinh mặt mày rạng rỡ, bế thốc học trò lên cười hô hố mà rằng: “Xin chúc mừng con đã thành tựu! Giờ là lúc ta hạ sơn được rồi”.
Từ dạo ấy, với giọng hát tuyệt đỉnh của mình cộng với khả năng tổ chức và PR cực chuyên nghiệp của Quách tiên sinh, Trương Đàn đã nhanh chóng trở thành một siêu sao trong nền công nghiệp biểu diễn. Các sô lớn tranh rước đua mời, cát xê rất hậu. Có điều mỗi lần biểu diễn thì phía trong chiếc quần dài được nhà mẫu La Corté thiết kế hết sức sang trọng, Trương đều phải đeo bỉm, và khi kết thúc chàng đều cảm thấy mệt mỏi do bao tinh lực đã bị vắt kiệt trên sân khấu. Tuy vậy Trương vẫn luôn cố giữ hàm lượng nghệ thuật đỉnh cao trong mỗi đêm diễn, và quan niệm rằng việc không xuất tinh khi hát cũng đáng xấu hổ như là hát nhép (lip-sync) vậy. Sau mỗi lần công diễn, các fan ái mộ lại khóc nức lên, đồng loạt xông lên sân khấu, phá tan hàng rào cảnh sát, cốt sao để xin được chữ ký hoặc chạm vào cơ thể thần tượng. Nhiều fan nữ xinh đẹp cũng công khai bày tỏ tâm nguyện hiến xác, chỉ hiềm Trương đã dồn toàn bộ nguyên khí cho tiếng ca nên khoản ấy không còn đáp ứng được.
Sự thành công rực rỡ của Trương Đàn trên sân khấu ca nhạc nhẹ đã gây nên một trào lưu mới cho việc thể hiện và sáng tạo nghệ thuật nói chung ở Việt Nam. Bấy giờ hiếm có nhà xuất bản nào chịu in các tác phẩm mà không được nhà văn xuất tinh trong quá trình sáng tác, và các gallery nổi tiếng chỉ bày bán những hoạ phẩm có dấu vết rõ ràng của tinh lực mà người hoạ sĩ đã phải vắt ra khi cầm cây cọ.
* * * * *
Ngoài thì danh tiếng như cồn, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn chàng Trương vẫn đăm đắm hướng về cái hẹn cũ với cave Ngọc Yến. Thời gian thoi đưa, thoắt đã đến ngày hẹn. Hôm ấy Trương từ chối tất cả các sô diễn, cả ngày chỉ thấp thỏm cắt tóc cạo râu, rửa mặt xịt nách, chờ phút tái ngộ với người đẹp. Đến giờ chàng lao ra con xe thể thao ba chỗ đời mới phi thẳng tới vũ trường Mê Ly. Buồn thay, Sài gòn giữa giờ cao điểm. Giao thông tắc nghẽn. Trương vứt xe giữa biển người mà xuống chạy bộ. Khi chàng tới nơi thì trời đã khuya lắm, phố xá vắng lặng không một bóng người. Trương nhìn đồng hồ, đã quá nửa đêm. Chàng thẫn thờ tìm kiếm hồi lâu quanh gốc sấu. Chẳng có ai. Bất chợt, dưới ánh đèn cao áp vàng vọt, chàng tìm thấy ngay dưới chân mình một chiếc bao cao su dùng rồi, cầm lên thấy vẫn còn hơi ấm, mà xem kỹ lại có cùng nhãn hiệu với chiếc nàng tặng năm nào. Trương trân người chết lặng.
Trương không còn thiết sống nữa. Mọi thứ trên đời đối với chàng, kể cả ánh đèn sân khấu chói loà lẫn hàng triệu fan hâm mộ cuồng nhiệt thoát nhiên vô nghĩa. Trong nhiều năm liền Trương bỏ ăn, bỏ hút thuốc lá, thậm chí bỏ cả bia hơi đậu rán, từ chối mọi hợp đồng biểu diễn béo bở mà nằm bẹp ở nhà. Quần áo chàng cũng không buồn thay, trở nên rách rưới và bẩn thỉu như một gã lái đò.
Một lần nằm chán, Trương ngồi dậy, rồi cứ chân đất mà lang thang trong thành phố. Đến chiều đã thấy tới bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Chàng cúi mình soi bóng xuống mặt nước. Dòng kênh trong xanh thơm mát phản chiếu một khuôn mặt cực kỳ nhu mì xinh đẹp, có điều tóc đã điểm bạc mà râu ria xồm xoàm hết rồi. Chàng nhủ thầm: “Ta sẽ nhảy xuống dòng kênh này tự vẫn, giống ngày xưa Trương Chi vì thất tình với Mị Nương mà cắm sào trẫm mình nơi sông Đuống”. Đoạn chàng xắn quần chuẩn bị nhảy. Lại nghĩ bụng: “Trương Chi trước khi chết còn ca khúc tuyệt mệnh, nay ta cũng phải trình diễn một bài”. Chàng cất cao giọng hát. Hát rằng:
Mây bay chừ mây bay
Nước chảy chừ nước chảy
Thế gian chừ về đâu
Tình nghĩa chừ bạc mầu
Cắm sào chừ kênh sâu...
Trương còn câu cuối chưa kịp hát đã nghe một tiếng quát rất trong trẻo mà quen thuộc: “Lão Trương kia, việc ca hát để đến đêm nhé, có khách qua kênh kìa”. Trương nhìn ra thì thấy Ngọc Yến, vận áo tơi nón lá, tay bế một bé trai bụ bẫm đang bươn bả đón khách xuống con đò nhỏ gần đó. Đôi mắt đẹp mê hồn của nàng lườm nguýt chàng ra chiều âu yếm trách móc. Trương nghe tiếng vợ quát thì cả sợ vội nhảy phắt xuống đò, tay rút neo, tay kéo thừng, thoăn thoắt chèo đò đưa khách qua kênh.
Chèo như thể chàng đã từng chèo đò qua lại nơi bến kênh này cả chục năm rồi...
Trên bờ, Quách tiên sinh mắt dõi theo con đò nhỏ, tay nắm tay má mì khẽ bóp nhẹ, đoạn vuốt râu mỉm cười ./.
2/2005