Phần V
Tác giả: Bình Nguyên Lộc
Thủy Tiên xem nhà từ trước ra sau, nhà đã dọn xong, đủ cả bàn ghế, đủ cả gạc măng dê, son nồi, dao thớt rồi ngồi lên giường ở buồng trong mà rưng rưng nước mắt.
Toàn ngồi xề lại với bạn rồi hỏi:
- Thủy Tiên bằng lòng chớ ?
Cô bán nước nức lên một tiếng rồi ngả đầu lên vai bạn mà khóc òa. Toàn không hiểu nàng nghĩ gì nhưng cứ để cho nàng khóc cho hết nước mắt.
Lâu lắm người nữ thu ngân viên lỡ bước mới lau lệ bằng tay áo rồi tấm tức tấm tưởi nói:
- Năm xưa, em chỉ dám mơ ước một đời sống như vầy: làm một tư chức khiêm tốn, lấy một người chồng công, tư chức khiêm tốn, sắm một nếp nhà như thế nầy, một chiếc xe xì cút tơ để hai vợ chồng đi, mộng chỉ đơn giản có thế thôi mà cũng không đạt, chẳng những thế lại còn bị rơi xuống vực sâu.
- Em có hối tiếc lắm chăng ? Toàn ngạc nhiên hỏi. Chàng đã biết một cô Thủy Tiên không cần cóc gì nữa, đã thất vọng vì sự bất kể của cô ta trong lúc chàng cần một điểm tựa tinh thần, nhưng không thể tìm hơn, mới quơ đại, bám càng vào nàng.
- Không. Cái gì đã qua rồi thì cho qua.
- Nhưng sao em lại khóc.
- Em khóc vì sung sướng. Em sung sướng vì rốt cuộc mộng cũng thành.
Toàn giựt mình. Chàng không định ăn đời ở kiếp với cô bán rượu nầy mà chàng không yêu.
Chàng không còn yêu ai được nữa cả, chàng nghe rõ như vậy. Nhưng nó lại quyết chuyện trăm năm, tin vào cái hạnh phúc bấp bênh mà nó ngỡ sẽ được hưởng mãi mãi.
Tại sao nó ngu đến thế ? Đã bao nhiêu lần bị bỏ rơi mà vẫn không tởn, cứ tin vào bọn đàn ông, và ngốc nhứt là tin vào một kẻ đã nói thật với nó là chỉ tính chuyện chơi chơi thôi.
Toàn lặng thinh mà nghĩ ngợi nhiều về cái ngốc của con bé nầy. Xem ra thì nó còn thông mình hơn Thúy nữa và kinh nghiệm hẳn không kém Thúy vì chắc chắn là nó dạn gió dày sương hơn Thúy.
Có phải chăng là chính sự chân thật của chàng đã gạt gẩm nó ? Phải, bọn phong trần như Thủy Tiên không còn tin được nơi lời hứa hẹn, nơi sự cam kết của ai cả. Chúng nó không thể tin là có người yêu chúng nó.
Thằng nào cần chúng nó một cách khác hơn là cần vì xác thịt và trắng trợn nói ra như thế là chúng nó tin ngay, bởi vì thằng đó không thể nói láo khi tự bôi lọ như vậy. Chúng nó tin và theo vì hi vọng được hạnh phúc bởi chúng nó sẽ có vai trò tối quan trọng trong đời những thằng ấy, vai trò nâng đỡ tinh thần kẻ chán đời.
Trong giây phút viễn ảnh bỏ rơi cô bé bán rượu nầy khiến Toàn nghe khó chịu quá. Chàng hình dung niềm đau khổ của nó rồi không đành...
Phải, nó sẽ đau vì nó tin và hi vọng, đau gần y như lần đầu bị bỏ rơi trong đời nó, chớ không phớt được như những lần khác mà nó đã đề phòng.
Thật là rắc rối. Chàng có tìm một con người đâu. Chàng cần một xác chết cho đỡ lạnh chính cái xác của chàng, nên mới mang con bé nầy về đây.
Nhưng nó chỉ chết giấc thôi và bắt đầu sống dậy thì hỏng bét. Ma không thể sống chung với người, quỉ không thể sống chung với thần. Người và thần sẽ khổ, mà ma quỉ cũng không yên.
Chàng định ở ngay đây hôm nay và cho Thủy Tiên thu xếp vài hôm để đến với chàng nhưng những giọt lệ của nó làm cho chàng đâm sợ, muốn đào ngũ ngay cái tổ ấm tạm bợ của chàng.
- Chừng nào ta dọn nhà ? Thủy Tiên hỏi.
- Chưa biết.
- Sao lại chưa biết ? Em về em xách va ly lại đây ngay.
- Tùy em.
- Còn anh ?
Toàn đưa tay lên, làm một cử chỉ bâng quơ, mệt nhọc, khiến cô chiêu đãi viên giải nghệ sanh nghi.
- Bộ chị Thúy còn hả ? Nếu vậy, em xin xá một cái rồi lùi.
Nói rồi nàng ngoe nguẩy bỏ đi. Toàn vội níu bạn lại. Chàng không muốn bị Thủy Tiên khinh mình ở điểm nầy, tức là điểm nói láo. Chàng có thể làm tất cả mọi điều bỉ ổi trừ nói láo.
- Khoan. Không còn Thúy nào trong đời anh hết.
- Anh xấu lắm. Báo bại em mất sở làm. Giờ tìm lại một chỗ, không phải là dễ.
- Không, em đừng hiểu lầm, anh hoàn toàn rảnh rang.
- Nhưng anh điên hay sao mà sắm nhà rồi không ở ?
- Sắm cho em.
- Chính vì thế mà em sợ. Nếu anh hoàn toàn rảnh rang, anh không để em ở một mình như vậy.
- Khó nói lắm ! ơ... hơ... em nè !
- Gì thì cứ nói đi.
- Ừ, em dùng cái giọng sân si và du côn như vậy, anh thích lắm đa. Em phải là quỉ, anh mới dám ở với em.
- Bộ anh tầm khùng rồi hả ?
- Không, anh sáng suốt vô cùng. Anh cần nói rõ, anh chỉ thích sống với quỉ thôi.
- Như vậy sao còn ghen, không cho người ta đi làm ?
- Hôm trước khác, nay khác. Hôm trước anh còn là người phần nào.
- Như vậy, em đi làm nữa nhé ? Mà hễ em đi làm, em còn cần quái gì ở với anh.
- Em khỏi phải đi làm cho nhọc xác. Nhưng phải có tác phong quỉ.
- Nghĩa là làm sao ?
- Nghĩa là đừng khóc, đừng buồn, đừng nói chuyện gì cảm động và lương thiện.
- Như vậy thì anh ở ?
- Ừ.
- Chừng nào ?
- Chừng nào tùy em.
- Ngay ngày bữa nay nhé.
- Cũng được.
- Vậy em về để xách va ly tới. Nhưng rồi ai mở cửa cho em vô ?
- Anh giao chìa khóa cho em lúc ra đi cùng một lượt với em.
- Nhưng anh mà không dọn đồ về đây thì em bỏ nhà em đi liền nội đêm nay.
- Chắc chắn là dọn.
- Đồ đạc ở đây đều mới hết. Chắc anh cũng chỉ xách va ly lại như em vậy hả ?
- Ừ.
- Để em xét va ly anh thì em biết anh đang có vợ hay không. À nè, em sẽ nấu tốc hành và ta ăn cơm chiều ở đây nhé ? Giờ đã mười một giờ rồi, không kịp đi chợ nữa. Em ăn cơm trong ấy rồi ra đây ngay.
Mãi cho tới bốn giờ chiều Toàn mới xách va ly đến. Chàng có cảm giác rằng đi lộn vào một căn nhà khác, vì mới có mấy tiếng đồng hồ mà Thủy Tiên đã biến hẳn gương mặt của nhà nầy.
Cửa sổ mở được màn che lại, cửa cái có viền trên đầu khung. Bàn được phủ náp. Sau bếp, Thủy Tiên đã sắm ba cái khạp đường thẻ và đã mướn gánh nước đầy khạp rồi, một cái để riêng trong cầu tiêu để tắm, hai cái kia chứa nước uống, nước ăn.
Căn nhà nầy bây giờ đã có sanh khí chớ không giống một căn nhà hoang như khi sáng nữa.
Toàn lặng lẽ đứng nhìn bạn đang thái thịt. Thủy Tiên vừa làm việc vừa nói :
- Em mắc tay, không thể xét va ly được. Thôi tha anh cho tới tối.
Toàn nghe cái gì dễ chịu quá, không rõ rệt là cái gì chàng không thể nói ra được; chàng muốn ở đây lắm, ở mãi nơi đây, chớ không phải miễn cưởng mà tới như hồi nửa tiếng đống hồ trước.
Ánh lửa trên bếp nghe ấm cúng lạ và bỗng dưng, Toàn nhớ lại cái gì xa lắm.
Cái gì ?
Chàng nghe nao nao buồn, một nỗi buồn có vẻ như là vô căn cứ, nhưng chàng tin chắc rằng nó có nguồn gốc và cả trí, cả lòng chàng đang tập trung lại để tìm nguồn gốc ấy.
Trong một cái lò thứ nhì, than đang nhen, un khói đầy cả bếp, Thủy Tiên đã nhúm lửa bằng cũi dầu chẻ ở những gỗ dầu vụn ra. Mùi đặc biệt của thứ gỗ nầy bỗng gợi nhớ chàng những...
Toàn vụt nhớ cả. Cả thời thơ ấu của chàng thình lình sống dậy với ánh lửa bếp, với mùi gỗ dầu, với tiếng liếc dao của Thủy-Tiên trên khu một cái tô sành.
Đó là thời hạnh phúc nhứt của đời chàng vì chàng có mẹ, một bà mẹ không nuông chiều chàng lắm nhưng luôn luôn vỗ về an ủi chàng qua khỏi những lo âu thơ dại.
Rồi mẹ chàng qua đời, lúc chàng mới tên mười. Cha chàng đổi nghề, đi làm cai phu cho các nhà thầu làm đường. Ông cứ đi mãi, một năm chỉ về nhà một vài ngày Tết thôi.
Chàng giống như là một đứa bé bị bỏ bú sớm quá, sớm mất nguồn thương yêu của cả hai người thân nhứt trong đời một đứa trẻ thơ. Chàng không hỏng ngay lúc thiếu niên, không biết nhờ sự may mắn nào.
Người Việt ta không quen ngồi ghế và làm lụng trên bàn, nên Thủy Tiên để thớt thịt ngay dưới gạch mà thái.
Toàn cũng bước tới, ngồi ngay dưới gạch, lặng lẽ nhìn bạn làm việc.
- Anh không lót giấy, dơ quần hết.
- Đừng, em đừng nói gì cả. Để anh nhớ.
- Nhớ chị Thúy ?
Toàn phá lên cười rằng :
- Nếu Thúy chịu ngồi dưới gạch mà thái thịt như em, anh đã chẳng ra thư thế nầy.
- Là như thế nào ?
- Em không biết đâu. Nhưng đừng hỏi. Em sẽ nôn mữa khi nghe anh khai sự thật.
- Nhưng nhớ cái gì mới được chớ ?
- Hỏi mãi, làm anh mất cả hứng !
- Anh nầy tầm khùng.
Thủy Tiên cúi xuống tiếp tục công việc. Toàn đưa mắt để soát lại những gì bạn đã mua sắm trong mấy tiếng đồng hồ của giấc nghỉ trưa : dao, thớt, than, lò, khạp, với lại thững cái hủ nhỏ xíu trong gạc-măng-rê, để đựng tiêu đựng muối gì đó không rõ.
Thủy Tiên để mặt trần. Da mặt của nàng bị kem phấn và những đêm thức khuya làm cho nhăn nheo và tái dợt một màu mét đáng ghê tởm, khiến thoạt tiên, Toàn nhớ Thúy ngay, Thúy mà từ bét mắt cho đến nửa đêm, không bao giờ rời lớp ma ky da.
Nhưng rồi chàng lại tưởng tượng đến cái tái mét của mặt thật của Thúy, không biết nó sẽ ghê tởm hơn không biết bao nhiêu nếu nàng để mặt trần, bởi nàng hóa trang nhiều giờ hơn Thủy Tiên trong một ngày, thì hẳn da mặt nàng phải bịnh hoạn nhiều hơn.
Chàng nhớ rằng lúc ăn ở với Thúy, Thúy chỉ đi rửa mặt vào lúc giữa khuya và rửa xong, cấm hẳn chàng mở đèn lớn. Sáng ra, chàng thức sớm, Thúy còn ngủ tới trưa, cũng cấm chàng mở đèn để đem nước pha cà phê nói là rất sợ chói mắt nhưng chàng biết nàng sợ mặt thật của nàng bị bạn trông thấy.
Năm ngoái, Thủy Tiên chỉ đánh phấn sương sương như một cô học trò và nàng ma ky dê dữ dội không tới một năm. Nàng xanh mét chỉ vì thiếu thốn vật chất thôi chớ da mặt chưa hỏng một trăm phần trăm như nơi Thúy.
Nếu ăn ngủ điều độ chừng một tháng, nàng sẽ hồng hào trở lại như thường.
Toàn nghe gần gũi Thủy Tiên hơn là Thúy, không phải vì hai người đang ngồi gần nhau. Năm xưa, những lúc ôm Thúy trên tay, chàng vẫn nghe Thúy xa lạ, Thúy, con ngươi không thuộc
hàng ngũ của chàng, con người không hề để chơn xuống bếp như mẹ chàng, con người rất sợ lò, sợ lửa.
Tại sao mà chàng lại xem Thúy là bạn đời của chàng được ? Thật là kỳ dị.
Lớn lên, chàng đang mơ yêu, mơ một người bạn nội trợ thì con người ấy bước đến trong đời chàng.
Nàng không đáp đúng giấc mơ khiêm tốn của chàng nhưng nàng lộng lẫy quá, và con sâu đất nằm ở miệng hang về đêm, không làm sao mà không bị vì tinh tú sáng rỡ ấy thôi miên.
- Thủy Tiên nấu ăn như vầy có nghe khổ lắm hay không ?
Người chiêu đãi viên thoát xác lần đầu ngước lên mỉm cười và đáp.
- Em đã nấu ăn gần mười năm, quen đi rồi. Ba má em chết, em mới đi làm. Hôm nay lần đầu, tuy nghe cũng hơi cực nhưng trái lại cũng vui vui, dễ chịu hơn là ngồi không từ hơn hai năm nay.
- Từ hơn hai năm nay em làm gì ?
- Thì như anh đã biết. Em chỉ làm ban đêm thôi. Hơn một năm đầu làm thu ngân viên, non năm sau bán rượu.
- Còn ban ngày ?
- Ban ngày ngủ và ở không.
- Thúy nó khỏi làm ban đêm, nhưng ban ngày nó cũng ngủ và ở không.
- Tại anh giàu nên cưng vợ.
- Không.
- Chị ấy bỏ anh hay anh bỏ chị ấy ?
- Không ai bỏ ai cả. Tự nhiên anh ra đi.
- Chị ấy không tìm à ?
- Không. Nó không cần chồng. Em có cần hay không ?
- Hồi đó thì cần. Năm ngoái không. Giờ cần trở lại y như hồi đó.
- Hồi đó em đẹp lắm, lấy chồng rất dễ, sao không lấy ?
- Có ai cưới mình đâu. Thầy ký không dám cưới mình, còn ông bự không thèm cưới mình. Giờ em mới biết rằng họ sợ mấy cô đi làm đêm.
- Còn anh đưa rước em ?
- Anh ấy không làm quan, nhưng bự lắm. Đó là một ông nhà giàu. Anh ta hứa cưới vì tán em không đưọc. Em ngu quá đã tin hắn bằng lời.
- Giờ em có sợ bị anh bỏ rơi hay không ?
- Chỉ lần đầu là thiệt hại nhiều thôi. Lần nầy bất quá như đi chơi vài tháng. Em đánh bạc đời em đấy, muốn ăn, phải đâm liều. Cỡ thua cũng không đứt vốn mà sợ.
- Hay, em vừa là người lại vừa là quỉ, anh thích lắm. Anh còn yêu người, lại vẫn mê quỉ. Anh mâu thuẫn với anh, mà em lại là con người mâu thuẫn. Có lẽ canh bạc nầy em ăn.
- Nhứt định phải ăn. Em sẽ níu anh không cho anh đi trốn như đã trốn chị Thúy. Sao chị ấy tại buông thả anh dễ dàng quá vậy không rõ.
- Tại nó không cần anh.
- Em cũng không cần anh. Em có sinh kế.
- Sinh kế của em rất nhọc lại không giúp em no ấm.
- Không, không phải như vậy đâu. Đừng có nói xấu em một cách trắng trợn quá như vậy.
Nhọc nào cho bằng lau gạch, giặt áo cho anh và nấu ăn ? Còn trước đây em vẫn no ấm.
- Chớ tại sao...
- Em cũng không biết nữa. Em thích sống như vầy hơn.
- Nghĩa là em không hẳn là con quỉ.
- Anh ưa quỉ lắm hả ?
- Ừ.
- Như vậy chắc ta sống chung nhau không lâu.
- Để xem, cờ bạc thì rã sòng rồi mới biết ai ăn, ai thua.
- Chắc anh ăn.
- Anh sẽ không ăn khỉ mốc gì hết. Anh chơi cần vui, không cần được hay thua. Em thua anh vẫn không được.
Thủy Tiên nổi giận, ném dao lên thớt hỏi :
- Té ra anh chỉ xem em là một món đồ chơi ?
- Đừng vội giận. Đã giao kết rồi mà ! Quên hay sao ?
Thủy Tiên chợt nhớ lời giao kết ấy. Họ sẽ sống chung cho đến ngày nào đứa nầy chán đứa kia.
Ban đầu, chính nàng cũng chỉ xem Toàn là một cái bến mà nàng tạm ghé để núp gió, tránh trận ho lao sắp đến. Nhưng bản năng người đàn bà có một vốn liếng nội trợ làm cho nàng quên rằng đây là trò chơi.
Nàng thừ người ra mà nhớ lại sự thực không hay ho lắm như ảo tưởng của nàng, ảo tưởng hiện lên từ lúc nàng đi mua sắm các thứ đến giờ.
- Con quỉ, đừng có biến ra người đấy nhé.
Toàn thấy mắt và mũi của Thủy Tiên hơi đo đỏ, đâm chán, chỉnh bạn như vậy.
Thủy Tiên cũng thấy mình vô lý nên cười ngất mà rằng :
- Ừ, em sẽ là quỉ. Nhưng đừng tưởng quỉ không nguy hiểm như người đâu.
Nàng đã hiểu được tâm trạng của Toàn. Hắn sợ lòng người tốt làm cho hắn đau thương bước đường lưu manh của hắn mà hắn còn giữ bí mật chớ không lo quỉ hớp hồn như một người lương thiện đã lo.
Nhưng nàng muốn thắng trong canh bạc nầy. Một năm phong trần đã phủ lên người nàng cái cốt quỉ mà kinh nghiệm sẽ níu gã con trai sa đọa nầy lại với nàng.
Và thiện căn còn lại của nàng sẽ giúp hắn hiện nguyên hình là người, một cách từ từ.
Nàng thấy đó là nước bài duy nhứt, và tin chắc sẽ ăn.
° ° °
Thấy bạn không hề đá động đến dĩa xào, Thủy-Tiên ngạc nhiên hỏi :
- Sao anh không ăn món nầy ?
- Anh chỉ ưa rau lang chấm mắm đồng chưng thịt thôi.
Một tia sáng lóe ra nơi trí Thủy Tiên : nàng sẽ biên sổ các thức ăn mà Toàn ưa, sẽ dọn toàn các thức đó và Toàn sẽ ghiền nàng mà không hay.
Khi nào giận nhau, hắn cuốn gói ra đi, hắn sẽ không ăn ở đâu được cả.
Thủy Tiên quyết biến bạn ra con khỉ của bọn Sơn Đông mãi võ, con chim của bọn thầy bói dạo, hai giống vật nầy bị đầu độc mỗi ngày bằng ma túy, muốn đi lắm nhưng sợ phải ngáp vì thèm nhựa nên cứ ở lại, và cứ làm việc siêng năng như tớ trung thành ngày xưa.
- Anh ăn được chớ ? Cô chủ nhà mới hỏi.
- Ngon lắm. Khác hẳn cơm tháng. Cơm tháng thì vì bá nhơn bá bụng, sở thích mỗi người khác nhau, nên các người nấu cơm tháng không làm thỏa mãn ai được cả.
Họ lại tham, đầu tháng mới lấy tiền, thì họ còn cho ta nuốt trôi hột cơm. Đến giữa tháng thì đã mắc nghẹn rồi. Còn tuần trăng cuối cùng thì khách của họ phải nhịn đói, đi ra ngoài ăn thêm vậy.
Con quỉ rất ý thức và lắm thủ đoạn. Ăn cơm xong nó thồn tất cả vào gạc-măng-rê chớ không rửa.
Nó chỉ lo cho thân thể nó sạch sẽ và thơm tho để lên cho có bạn với Toàn vì Toàn đang ngồi không, buồn ghê.
Các bà nội trợ không hề biết rằng sau bữa ăn, chồng họ còn cần họ, cần ngay chớ không phải một tiếng đồng hồ sau mới cần.
Phải ngồi không, nhiều đức phu quân xách áo ra đi và thường hay gặp những cuộc phiêu lưu không tốt.
Các bà ấy làm tròn quá mức bổn phận người vợ mà xao lảng bổn phận người bạn đời của các ông, thì đừng trách đôi khi các ông lăng nhăng.
Ừ, các ông cần cả hai người, người vợ và người bạn.
Mớ chén ấy sáng ra đi chợ về thì rửa rồi hơ, rồi lau, nào có chết chóc ai. Thế mà các bà chịu không được, thấy là hư hèn lắm nếu để cách đêm chén dĩa dơ.
Toàn nằm dài trên giường mà nghĩ gì không rõ, có lẽ không nghĩ gì cả. Chàng đã qua khỏi thời đau khổ, thắc mắc nghĩ ngợi rồi.
Chàng buồn chán vì vậy.
Chàng không ngạc nhiên mà hỏi tại sao Thủy Tiên lại dọn dẹp rửa ráy lẹ thế. Chàng chỉ hài lòng một cách vô ý thức, nghe vui dạ mà không rõ nhờ gì.
Toàn chìa tay làm gối cho bạn nằm và hỏi :
- Có thay áo hôn ? Áo khi nãy hôi nước mắm hành ghê lắm.
- Hửi thì biết.
Toàn lắng nghe mùi bạn và gật đầu nói :
- Tốt. Đêm nay là đêm tân hôn của đôi ta...
- Và anh phải lạy em hai lạy.
Toàn ngạc nhiên và nhìn bạn thì thấy Thủy Tiên rất là nghiêm trang.
- Sao lại lạy em ?
- Các ông già bà cả bảo rằng đêm động phòng hoa chúc, vợ phải lạy chồng, nếu cô vợ cứng đầu như em mà không chịu lạy thì chính anh chồng phải lạy.
Bằng không một trong hai đứa phải chết.
- Xì, họ nói lề.
- Nhưng em vừa ham sống vừa tin dị đoan, lo sợ mãi không an lòng thì làm sao mà gây hạnh phúc cho anh được.
- Thế thì em lạy đi.
- Em lười lắm.
Toàn giựt lỗ mũi bạn một cái rồi hai người cười xòa, cuộc trửng giỡn bắt đầu.
Thủy Tiên đã làm vợ, là bạn và giờ lại làm thêm con quỉ nữa mà hiện trong lúc nầy Toàn đang cần.
Thế nên Toàn nghe chưa bao giờ chàng thấy hạnh phúc bằng đêm nay, hạnh phúc còn hơn cái đêm được làm chồng của Thúy mà chàng si mê.
Mãi cho đến hơn 9 giờ, hai đứa trẻ lớn xác nầy mệt nhoài, chúng nó mới làm người lớn trở lại.
Toàn nghiêm nghị và âu yếm chìa cánh tay ra cho bạn gối đầu rồi hỏi:
- Em nè, em có thể hy sinh vì anh được chăng ?
- Cái đó tùy chớ. Nếu cần thì được. Nhưng không thể chết vì anh đâu, bởi em chưa si anh.
- Khỏi phải chết. Một hy sinh nho nhỏ thôi.
- Anh cứ nói thử.
- Anh ở với Thúy được một đứa con.
- Và chị ấy kiện bắt anh cấp dưỡng. Em sẽ phụ giúp anh tài chánh ?
- Khỉ khô. Em đâu có tiền, không, Thúy nó không kiện. Nó chỉ bỏ con bé để đi lấy chồng.
- Anh chọn vợ mát tay lắm. Giờ anh muốn bắt em nuôi con bé ?
- Không, anh yêu cầu em, năn nỉ em, van lạy em chớ không dám bắt.
- Con bé mấy tuổi ?
- Mới biết đi lửng chửng.
- Nếu nó giống anh thì cũng tạm được.
- Nhưng nó lại giống Thúy mới chết chớ.
Thật ra thì Bích-Thủy giống ông Thành. Nhờ Thủy Tiên không biết mặt Thúy nên Toàn mới nói láo được như vậy, nếu không, Thủy-Tiên sẽ thắc mắc. Tuy nhiên, nàng cũng gạn hỏi :
- Có quả thực là con của anh hay không ?
- Anh tin chắc như vậy, vì Thúy nó đau bại hai tháng trước khi cấn thai. Có thai được hai tháng rồi nó mới khỏi.
- Anh có thương con lắm hay không ?
- Anh lấy vợ, anh lấy em chỉ để được đem con anh về nuôi, vì gà trống không biết nuôi con.
- Nếu thế thì em cũng đành phải hy sinh chớ biết sao. Nhưng hiện nó ở đâu ?
- Thúy nó gởi cho vú nuôi rồi trốn mất không trả tiền tháng cho vú nữa.
Con bé Bích-Thủy là kho vàng vô tận mà Toàn dùng để khai thác ông Thành. Ông Thành sẽ phải sợ hắn cho đến ngày bà Thành qua đời, và càng ngày càng sợ vì ông ta sắp gả con gái lấy chồng; chuyện nầy mà đổ bể tùm lum ra thì có thể bên đàng trai hồi hôn.
Để Bích-Thủy trong tay vú xẩm tức trong tay Thúy có thể Thúy sẽ khôn ra, tìm được mưu mẹo gì đó thì chàng sẽ lúa mất.
Nghe bạn nói thế, gã lưu manh mới nầy cảm động lắm, và đêm nay là đêm tân hôn thật sự của hai người vì sự cảm động nầy làm nảy nở tình yêu nơi chàng, tuy phù du mà rất là thật và chàng yêu người vợ tạm bợ nầy y như là một anh con trai lương thiện yêu vở lòng.
° ° °
Sau ngày tái ngộ với vú xẩm, Toàn trở lại ngõ hẻm Phan đình Phùng mấy lần để quen hơi bén tiếng với Bích Thủy.
Chàng đã bỏ ý định nuôi Bích Thủy suốt tháng rồi trả nó lại cho vú nó một ngày để Thúy đến thăm, không hay biết gì cả, ý định mà chàng đã đề nghị với vú xẩm và vú xẩm vừa xiêu lòng.
Chàng phải bắt cóc luôn bé Thủy mới được, kẻo nó vuột khỏi tay chàng nếu mẹ nó nghĩ được kế hay để lợi dụng nó.
Bắt cóc lối đó, chàng có thể bị truy nã vì người ta biết thủ phạm là ai, mà Thúy thì không phải tay vừa. Nhưng chàng tin Thúy để yên chàng.
Thúy biết rằng chàng không hại con nàng, mà nàng lại khỏi phải tốn tiền cho vú xẩm mỗi tháng. Còn chàng dùng bé Thủy để làm tiền ông Thành thì chính nàng được yên thân khỏi bố thí cho chàng nữa.
Hổm nay, chàng không trở lại khảo tiền Thúy, chắc nó hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn cất sẵn tiền để có mà nạp cho chàng nếu chàng đến. Chắc nó đoán chàng đau ốm gì hay bị bắt cũng nên.
Hôm ấy chàng vào hẻm hồi mười giờ, giờ mà vú xẩm sắp sửa ăn cơn.
- A ông chủ ăn cơm chưa ?
Vú chào chàng bằng câu chào bình dân Trung hoa ấy. Chàng móc ra hai chục biếu vú nhẩm xà rồi nói :
- Vú cho tôi ẵm Thủy đi chơi một lát cho nó quen, để ngày kia, tôi có thể đem nó về nuôi mà nó khỏi khóc, vú nhé.
- Hò, tắc lớ !
Chàng đi từ từ cho vú khỏi sợ, khỏi làm khó dễ. Ban đầu chỉ tới ẵm Thủy giây lát. Kế đó ẵm bé ra phố với vú. Giờ xin mang nó đi dạo phố một mình.
Năm phút sau, chàng đã lên tắc xi với món đồ đánh cắp trên tay. Như thế nầy hay hơn là nuôi bé rồi thỉnh trả lại. Vú xẩm sẽ không biết nhà chàng và cả vú lẫn Thúy đều chỉ biết đi thưa thôi. Nhưng Thúy sẽ không bắt đền vú thì vú sẽ chẳng đi thưa.
Bé Thủy đã quen với chàng và bập bẹ kêu chàng bằng ba. Nó dơ và rách y như con nhà nghèo trong xóm vì vú xẩm cho nó ăn mặc y phục cũ để thả cho nó vọc đất mà khỏi tiếc quần áo tốt.
Thủy Tiên đương nấu ăn thấy của nợ về thì hơi bực mình, nhưng không quạu quọ lắm, nhìn bé một hồi rồi nói:
- Nếu quả nó giống chị Thúy thì chị ấy đâu có đẹp lắm. Nước da bánh ếch như vậy hả ?
- Ừ. Nhưng nó xấu vì còn bé, chớ má nó thì đẹp lắm.
- Mốc xì chớ đẹp gì. Cái mũi tẹt như bị ai đấm mạnh lên đó.
- Má đây con !
Toàn đưa bé tới giới thiệu vợ chàng với bé. Bích Thủy làm quen ngay bằng cách đưa tay tới.
- Cũng dễ thương, Thủy Tiên khen. Nhưng sợ nó khóc lắm.
- Tùy mình biết cách dỗ nó chớ. Hai ngày qua là quên vú xẩm ngay.
- Ừ, anh có giỏi thì dỗ nó đi.
- Ta sẽ cùng lo, anh xin em như vậy và em đã bằng lòng. Nó rách quá nên anh không buồn lấy quần áo của nó về đây. Giờ để anh đem nó ra chợ Bến Thành sắm cho nó vài bộ quần áo may sẵn.
- Cố nhiên. Ít lắm cũng phải bốn bộ. Em làm biếng may lắm đấy nhé.
Toàn lại ẵm bé Thủy đi ngay, vì chàng quyết nhốt nó trong nhà đến mãi mãi để tránh rủi ro bị bà vú hay Thúy bắt gặp dọc đường, riêng hôm nay thì không sao, vì vụ bắt cóc kể như là chưa xảy ra, chàng ẵm Thủy đi giây lát với sự ưng thuận của xẩm già.
Ông cha giả hiệu nầy ghé quán mua cho bé một cái bánh rồi gọi tắc xi dông tuốt ra chợ Bến Thành.
° ° °
Từ đó cho đến bữa ăn không có chuyên gì xảy ra trừ mấy phút bực mình của Thủy Tiên phải rửa ráy cho Thủy sau khi nó vọc chén cơm riêng của nó. Nó chưa biết ăn một mình, làm đổ tháo đầy bàn đầy đất, cơm trắng mặt gạch như người ta gieo mạ, quần áo đầy nước cá kho chan trong cơm.
Trưa lại. Thủy Tiên trải cho nó một manh chiếu dưới gạch, và khỏi dỗ, nó nằm ngủ khò vì đã quen được săn sóc như vậy ở nhà vú già.
Ở đây, nếu nó ý thức, nó sẽ nghe là nó sung sướng hơn. Gạch dầu sao cũng ít ẩm ướt hơn đất nện và xóm nầy ít muỗi hơn xóm bà vú. Nhà nầy lợp ngói cũng ít nóng hơn nhà tôn của xẩm già.
Nhưng khi hai vợ chồng ngủ trưa thức dậy, Thủy Tiên thấy bé bị muỗi đốt đầy mặt, hốt hoảng nói :
- Úy chết ! Ta phải sắm cho bé một chiếc giường nhỏ chớ ! Để có thể treo mùng. Ban đêm muỗi lềnh khênh.
Toàn chỉ làm thinh, hơi ngạc nhiên trước thái độ của Thủy Tiên.
Khi trưa nàng đã vằn vật bé trong lúc rửa ráy nó mà chàng không nghe sao cả, vì nó không phải là con chàng mà lòng thương người cũng đã đào ngũ khỏi lòng chàng rồi.
Nhưng giờ cái ý tốt cửa Thủy Tiên, kẻ có lý do dửng dưng, trung lập được như chàng, khiến chàng đâm ra nghĩ ngợi.
Vừa lúc ấy, bé Thủy cũng thức. Không khí nóng hầm và sự ngứa ngáy do muỗi đốt phải làm cho nó khóc, nhưng không. Nó chỉ lồm cồm ngồi dậy một mình rồi kêu : Á ma ! Á ma !
Nó không bao giờ biết có má. Mỗi tháng Thúy ghé thăm con độ nửa giờ rồi đi mất. Có lẽ nó đã thốt ra mấy tiếng : Ma, ma ấy vì con người trong năm đầu, vừa bập bẹ là phát âm được tiếng đó, nó là cái âm giản dị nhứt trong ngôn ngữ của bất kỳ dân tộc nào.
Nhưng Thủy Tiên không ý thức được điều đó. Nàng nghe hay hay nên tuột xuống giường bước lại chiếu, ngồi lên đó với bé rồi nói, giọng nũng nịu :
- Ma đây cưng !
Bé Thủy ít được người lớn săn sóc lại thừa tánh ít tình cảm, ít e ngại của cả cha lẫn mẹ nó, nên níu Thủy Tiên liền và nói :
- Ma ! Ma ! Ùm !
- Ùm hả ! Mầy cứ đòi ùm mãi. Vừa bét mặt ra, đã đòi ùm.
Giọng nàng là giọng giễu cợt chớ không phải giọng đanh ác, và nói xong câu đó, nàng ẵm bé lên đi ra sau, mở tủ gạc-măng-rê lấy bánh bớ-tí-bơ giả làm ở Chợ lớn trao cho bé một cái, đoạn ẵm nó trở lên bỏ trên chiếc chiếu mà nó nằm ngủ một buổi trưa.
Bé Thủy ngồi yên mà "ùm" trong khi hai vợ chồng đều đi tắm.
Thủy Tiên tắm xong trước trong buồng tắm, đi lên nhà để chải tóc, trong khi Toàn còn ham nước cứ đứng ở sân trong mà xối nước mãi.
Thình lình chàng nghe bạn kêu trời lên một tiếng lớn. Chàng hết cả hồn vía, ngỡ bé Thủy nuốt phải lưỡi dao cạo hay gặp tai nạn gì khác nữa đó, nên chàng nhảy có ba bước là cũng lên tới trên nhà.
Bé Thủy đã trở thành bảo vật của chàng rồi vì nó là con gà đẻ trứng vàng, quí báu còn hơn vàng nữa nên chi một tai nạn xảy đến cho nó làm cho chàng sợ hơn là cho người nhơn tình thời hai mươi của chàng nữa.
Nhưng hú vía ! Bé Thủy chỉ bậy ra trên chiếu thôi, và ngồi đó mà vọc đống bậy bạ ấy, trây trét đầy chiếu, đầy gạch hết.
Thủy Tiên kêu trời luôn miệng năm bảy tiếng, rồi bước lại mà vả cho bé mấy vả khá mạnh trên mặt.
Con bé không khóc, lầm lầm lì lì như bất kể đến trừng phạt nào.
- Mầy giống con gái mẹ mầy như đúc, và chắc cái hư hèn của mầy cũng giống con mẹ đó nữa.
Toàn hơi khó chịu trước bất công ấy. Bé Thủy hoàn toàn vô trách nhiệm, không ai trừng phạt kẻ làm tội vô ý thức.
Thủy Tiên nói thế chớ cũng vội xách bé lên nơi nách, rê tuốt nó ra sau sân lộ thiên cổi áo nó ra rồi tắm cho nó.
Toàn cũng trở ra đó tắm cho xong nốt. Nếu Thủy là con chàng, chàng sẽ nóng ruột không biết bao nhiêu vì bà mẹ ghẻ của nó xối nước cho nó như là xối để rửa một khúc cây.
Thủy Tiên xối liên tiếp gáo nầy đến gáo khác, xối từ trên đầu bé Thủy xối xuống, nó ngộp thở, khóc ré lên, rồi lại không khóc được nữa vì không dám hả miệng ra sợ nước tràn vào đó, hai tay nó vuốt mặt lia lịa trong một cử chỉ tự vệ máy móc của loài người mà nó tự nhiên biết không cần ai dạy, không đợi ai dạy cả.
Nhưng Toàn bỗng dưng ngừng tay xối nước cho chàng cùng một lưọt với Thủy Tiên. Bấy giờ Thủy Tiên đã ngồi xuống, vừa dùng tay kỳ rửa đít rửa khu cho bé Thủy, vừa ngoồm ngoàm,
nhưng nghĩ ra không ác lắm :
- Đồ dịch ! Thật là của nợ đây.
Toàn nhìn sững bạn làm việc, và ý tình của chàng đổi khác đi.
Thì ra Thủy Tiên chỉ vì nhờm tay nên mới xối nước ào ào như khi nãy để làm cho trôi bớt chất bậy bạ đi. Giờ mình mẫy của bé Thủy đã tương đối sạch rồi, nàng mới dám dùng tay mà kỳ rửa cho nó, và cẩn thận làm công việc ấy, coi bộ không phiền hà lắm.
Nếu chàng mà giữ cái bổn phận ấy có lẽ chàng sẽ nhờm hơn và sẽ hành động tệ hơn nữa. Đây là lần săn sóc đầu tiên một đứa bé trong đời Thủy Tiên mà đứa bé ấy không phải là con của nàng. Nàng cũng không dửng dưng được như nếu là con của chủ nhà mà nàng là tôi tớ. Nó là con của kẻ đến trước nàng. Nó gợi nhớ rằng tình của Toàn bị kẻ ấy cướp gần hết rồi, nàng chỉ được ăn mót cái cặn, mà lại phải khổ thân vì hậu quả của khối tình trước.
Họ vui sướng với nhau rồi để nợ lại cho nàng, nàng hưởng cơm thừa canh cặn, rồi lại phải rửa chén rửa bát đây.
Trong giây phút, chàng nghe thương Thủy Tiên quá, nhứt là khi thấy nàng vói tay lên sợi giây kẻm giăng ngang trên đầu nàng, rút chính chiếc khăn lau mặt của nàng để lau mông cho bé Thủy.
Xong đâu đó, nàng ẵm bé Thủy lên, ẵm nách chớ không xách như khi nãy, đem nó lên nhà để nó ngồi trên giường của nàng rồi lấy áo sạch mặc vào cho nó.
Xong đâu đấy, Thủy Tiên mới cuốn chiếc chiếu dơ lại rồi lo rửa gạch, vừa làm vừa rủa, giọng vẫn không ác :
- Của nợ ! Quỉ dịch ở đâu é !
Chàng thay quần áo xong thì Thủy Tiên cũng xong công việc rửa gạch, chiếc chiếu được xối nước ngâm ngoài sau mà chưa giặt.
Nàng trở lên và nói :
- Ứ hự ! Mệt ơi là mệt ! Ông chủ nhà ơi, tôi giữ con cho ông, mỗi tháng ông trả tôi bao nhiêu ?
Toàn rất thưởng thức tánh vui vẻ của bạn. Chàng đáp đùa giỡn lại :
- Bằng một trăm cái hôn mỗi ngày.
Thủy Tiên hứ một tiếng rồi bước lại giường mà nằm.
Bé Thủy kêu : Á Ma ! Á Ma ! rồi lết lại ôm lấy nàng, leo lên ngực nàng mà ngồi, rồi ngã sắp xuống, nghiêng đầu, kề má nó sát vào mũi Thủy Tiên.
Toàn đang chải tóc, bỗng nghe tiếng hôn chùn chụt, day lại thì thấy bà mẹ ghẻ đang hôn "cái của nợ" mà bà ta vừa rủa khi nãy, vừa hôn vừa vỗ lên mông của bé.
Chàng cũng bước lại đó, ngồi cạnh vợ và hỏi :
- Không oán mẹ nó, không bắt nó mà trả thù sao ?
- Nó nhỏ dại biết gì. Nhưng nếu biết mẹ nó là ai, em sẽ đập cho con mẻ một trận. Đồ đàn bà hư. Chắc con đó tên là Thúi chớ không phải Thúy đâu.
- Nó Thúi bên trong, nhưng bên ngoài Thúy thơm lắm.
- Xí, nói không biết mắc cỡ.
Đoạn xỉ tay lên trán Bích Thủy, bà mẹ ghẻ mắng, nhưng giọng đùa cợt :
- Nè mầy ở với tao thì phải giống tao, chớ giống con gái mẹ mầy, họ chưởi tao thì tao giết mầy đa !
- Nhưng giống em ở giai đoạn đời nào của em mới được chớ ? Giai đoạn ngồi kết hay giai đoạn bán rượu ?
- Giai đoạn nầy, giai đoạn nấu cơn, kho cá, giặt áo cho anh và rửa khu cho con anh. Anh muốn em tiếp tục là con quỉ, em phải chìu ý anh. Nhưng chỉ quỉ với anh thôi, còn với thiên hạ và với nó, em phải là người.
- Em thích làm người hay làm quỉ ?
- Anh có thể căn cứ trên tác phong của em lúc em còn con gái mà đoán sở thích bây giờ của em. Hễ người có căn bản người thì dầu đã phải làm quỉ vẫn sẽ hiện nguyên hình là người và trái lại.
Toàn không yêu Thủy-Tiên, không thấy mình được hạnh phúc, nhưng lòng chàng, chàng nghe nó đầy trở lại chớ chẳng trống không như trước đây nữa.
Thủy-Tiên chưa an ủi chàng được, nhưng mãi nghe nàng cười và kêu than cực nhọc, và rủa bé Thủy, chàng quên được sự trống không.
Vả chàng có còn sầu nữa đâu mà nàng có thể an ủi. Chàng đã chán chường, một thứ bịnh khó trị hơn là sầu muộn nhiều lắm.
Được cái là chàng hoàn toàn thỏa mãn trong đời sống vợ chồng với Thủy Tiên.
Không có người đàn bà nào làm cho đàn ông ưng ý một trăm phần trăm bằng bọn quỉ ; nhờ kinh nghiệm của chúng nó, chúng nó ăn đứt cả bất kỳ cô vợ đẹp nhứt nước nào.
Nếu tác phong quỉ của chúng nó mà chỉ dùng phục vụ cho một người độc nhứt thôi, nghĩa là chúng nó lấy chồng với ý chí chơn thành muốn dừng chơn thì những anh chồng ấy sung sướng nhứt trần đời.
Tại sao người ta thích mứt gừng hơn mứt bí ? Vì mứt bí ngọt ngay một cách vô duyên, y như cô vợ nguyên là con gái nhà lành. Còn mứt gừng vừa ngọt, vừa cay xé họng y như cô vợ gốc là quỉ.
Toàn không ý thức rõ rệt điểm ấy, bắt Thủy Tiên cứ là quỉ, ngỡ rằng con người lương thiện sẽ nhắc nhở chàng tác phong bỉ ổi của chàng rồi chàng phải xấu hổ.
Thật ra, tiềm thức chàng đã biết lờ mờ rằng chỉ có quỉ mới làm cho chàng sung sướng miễn nó chỉ quỉ với một người.
Suốt tuần lễ ấy, chàng đọc báo rất kỹ, và tờ nào cũng đọc. Không có ai rao tìm con cả. Cũng chẳng có tin nào về một vụ mất con, loại tin mà các phóng viên lấy ở các bót. Thế nghĩa là Thúy không cần bé Thủy cho lắm, mà cũng không buồn thưa kiện gì ai.
Chàng an lòng, an lòng về sự an ninh của chàng, nhưng lại bất an vì cái thiện căn còn sót lại nơi chàng, nó công phẫn quá trước sự đi vắng của tình mẫu tử như vậy.
Thật là không thể tưởng tượng được rằng con người có thể thú vật đến thế. Còn tệ hơn là thú vật nữa là khác. Chàng nhớ thuở bé nhà chàng có nuôi một con chó cái rất thông minh.
Một kỳ sinh nở kia nó đẻ được năm con rất tốt và bị ai ăn cắp mất hết hai con. Nó kêu gào suốt mấy ngày, chạy đôn chạy đáo để tìm con nó.
Thúy thì không.
Trong cái vỏ xinh đẹp ghê hồn ấy tàng ẩn một tâm hồn bần tiện, một tâm hồn thu hẹp lại thành con số không.
Thúy đẻ con như heo đẻ, đẻ vì một tai nạn sinh lý, đẻ xong ai bắt con nó mà bán, nó cũng bất cần đếm xỉa tới. Lâu lâu đẻ thêm một đứa nữa để cho người ta bắt cóc mà bán nữa.
Chán chường, chàng càng chán chường thêm trước thái độ cuối cùng của người thiếu phụ xinh đẹp mà chàng đã tôn thờ.
Bịnh tình chàng cứ trầm trọng và chàng đâm ra coi rẻ người bạn đường tạm bợ của chàng mà chàng cho là cá mè một lứa với Thúy.
Cả đời, Toàn chỉ mới biết có một đàn bà, mà người ấy lại là con thú trá hình khiến chàng quan niệm sai be bét về toàn thể phụ nữ.
Chàng chán đến đỗi không buồn hành hạ Thúy nữa, việc mà chàng biết chắc rằng làm được và có hiệu quả, Thúy càng bị ngược đãi càng đầu hàng chàng, càng mê chàng.
Chàng không khinh Thúy được nữa thì hành hạ nó mà làm gì. Có ai khi khổng khi không lại đi hành hạ một con chó bao giờ.
Người ta thương con chó, hoặc không thèm kể đến nó, chớ không ghét nó làm gì cho mệt trí.
Và đồng thời, chàng càng tự khinh mình hơn. Chàng đã thờ một con chó để rốt cuộc hành động còn chó má hơn con chó ấy nữa.
Thúy làm tiền ông Thành, còn tha thứ được, bởi nó là nạn nhơn. Chàng, chàng không thấy trường hợp giảm khinh nào cho chính mình cả.
"Mà sở dĩ mình xuống thấp đến thế, cũng tại con đàn bà !"
Luận điệu nầy rất sáo, sáo cho đến cả danh từ "con đàn bà" trong ấy. Đó là luận điệu của các tay ăn chơi sạt nghiệp của đầu thế kỷ hai mươi, trong cái xã hội Việt Nam bắt đầu lên về kinh tế.
Luận điệu nầy là di tích của quan niệm thời phong kiến, bao nhiêu tội lỗi hư hèn đều qui cho đàn bà.
Lập luận như thế xong, chàng nghe mình ghét lây cả Thủy Tiên nữa. Thủy Tiên là kẻ chưa hề làm khổ chàng bao giờ, chỉ có khổ vì chàng thì có.
Dưới mắt chàng, Thủy Tiên cũng đã hóa ra con vật rồi, sống theo bản năng hạ cấp, ăn, ngủ, lấy chồng cũng chỉ vì nhu cầu no ấm chớ chẳng phải với hoài bão lập gia đình.
Thật là chán phèo cho cái thế gian không chứa được lấy một mảnh vụn gì cao đẹp cả, một chút xíu gì thiêng liêng cả.
Vì thế mà mới ăn ở với người bạn mới có mấy hôm cái thời ấy dầu sao cũng là trăng mật, Toàn lại đi uống rượu vào buổi tối.
Mấy con bé bán ruợu ở các ba cũng không cao quí gì hơn Thủy Tiên ở nhà, có lẽ còn trăm lần thúi hơn Thủy Tiên nữa là khác, nhưng chàng cứ tìm chúng nó.
Chẳng ở nhà chàng không say được vì bị bà xã cấm rượu, mấy con bé chiêu đãi viên, ngược lại, cho chàng thả giàn.
Chàng không mong tìm một tâm hồn thanh cao nào nữa thì nhận chìm cả chán chường của chàng trong rượu là thượng sách vậy.
Cửa nhà có hai chìa khóa. Chàng dặn bạn đừng ngăm chìa trong lỗ khóa để chàng về tự mở cửa từ bên ngoài được.
Thủy Tiên phải thức suốt năm đến nám phổi, được dịp ngủ, ngủ say li bì như trẻ con, không hay biết gì cả mỗi khuya chàng về.
Nàng ngủ như người bịnh vừa khỏi, ăn lợi nghĩnh, ngủ vì cơ thể đòi hỏi nhiều cái sự ngủ thiếu thốn từ lâu rồi.
Và như ăn lợi nghĩnh, nàng chỉ ngủ nhiều được có một tuần lễ thôi, rồi cơ thể đã được đền bù phần nào, nàng bắt đầu trở lại bình thường, nghĩa là ngủ nhẹ nhàng hơn.
Hôm ấy tối thứ bảy đầu tháng và lúc Toàn ra đi, nàng còn thức. Nàng đã hết ngủ sớm được rồi và bắt đầu trằn trọc hồi chín giờ đêm, khi đi nằm.
- Tối thứ bảy cũng có công việc nữa à ?
Ấy những đêm trước, Toàn giải thích sau sự ra đi của chàng, giải thích rằng đi lo công việc làm ăn, vì sáng hôm nào Thủy Tiên cũng điều tra lấy lệ một tiếng.
- Ừ, chính đêm thứ bảy mới gặp bọn áp phe dễ dàng hơn.
Toàn đi rồi, Thủy Tiên vẫn nằm thao thức. Lần đầu tiên từ ngày về nhà chồng, nàng bắt đầu nhớ không khí các quán rượu nói chung, nhớ các quán rượu đêm thứ bảy đầu tháng, nói riêng.
Nàng nhớ ánh đèn, nhớ nhạc, nhớ những trận cười ha hả của mấy lão say rượu, nhớ lời tán tỉnh rất tức cười của mấy anh chàng si trong một tiếng đồng hồ, nhớ buộc boa mà mấy cha già dê móc cả nắm, không cần đếm, dúi vào túi áo bơ lu của nàng cốt để được làm trò khỉ trong mấy giây đồng hồ.
Thủy Tiên bắt đầu hơi tiên tiếc nếp sống dễ dàng ấy, khỏi nhọc xác mà cũng vẫn no ấm mặc dầu lương căn bản chỉ bằng lương của người đi ở mướn thôi.
Và thình lình nàng nhớ đến người thanh niên sầu tình đã vào quán cách đây mấy tháng để ngâm thơ rồi đột ngột gởi thơ xin ăn ở với nàng như vợ chồng.
Không hiểu sao nàng lại đâm nghi rằng Toàn lại trở lại vào cái quán rượu ấy từ một tuần lễ nay, và tưởng tượng chàng đang tán một cô chiêu đãi viên duyên dáng nào đó.
Thủy Tiên nghe thấy lòng quằn quặn đau, rồi muốn mặc áo đi ngay, rảo khắp các ba để tìm chồng.
Chợt nhớ ra rằng Bé Thủy đang nằm ngủ trên chiếc giường nhỏ bên kia, nàng thấy không thể bỏ nó ở nhà một mình được nên nàng lại thôi.
Nàng trằn trọc mãi cho đến bao khuya cũng không biết nữa. Bé Thủy bị bỏ bê quen rồi nên dễ lắm, ngủ thẳng một giấc từ đầu hôm cho tới sáng nên cũng không quấy rầy nàng để nàng phải bận rộn, mệt mỏi mà quên bứt rứt, và ngủ quên được.
Thình lình nàng nghe tiếng động ngoài cửa rồi tiếng thìa khóa thọc vào lỗ khóa.
Toàn mang giày đế kếp để không làm ồn mà phiền hàng xóm, nên mãi cho tới khi chàng mở cửa, nàng mới hay.
Thủy Tiên hồi hộp ghê lắm, không biết nên có thái độ nào. Mặc dầu cũng chưa yêu Toàn, nàng thấy hắn là người đủ điều kiện làm chồng nàng, hơn thế là người giống với ông hoàng tử đẹp trai mà nàng mơ ước hồi còn con gái, trước cái năm mà nàng ngồi kết, năm ấy, nàng đã trót thấy những người bảnh hơn nên giấc mộng buổi đầu bị biến sắc thái đi.
Giờ, qua bao phen sóng dồi gió dập nàng trở về với giấc mơ khiêm tốn của một nữ sinh con nhà nghèo mà tham vọng về chồng con không cao hơn một tấm chồng thầy ký.
Đã gặp được nơi phải chỗ và muốn trở về quê lòng năm cũ, Thủy Tiên quyết tâm bám vào Toàn, mặc dầu cái hiệp ước miệng mà họ ký với nhau không mang điều khoản ràng buộc vĩnh viễn nào cả.
Nếu buông trôi mãi, thì cuộc sống chung nầy không thể đầy tuổi tôi được. Bằng như mà ra uy một người vợ tào khang, hắn cự lại thì nàng tủi thân không biết bao nhiêu.
Thủy Tiên chưa bịnh hoạn tâm hồn trầm trọng như Toàn. Nàng cũng đã chán chường thế sự nhưng còn hoài bão trở về.
Toàn cũng còn biết lịch sự, tuy đã xuống thấp đến mức chót của thang đạo đức lễ độ và lịch sự là thói quen do giáo dục tạo cho con người. Họ lịch sự hoặc lễ độ một cách máy móc chớ không phải do ý thức.
Chàng thay y phục thật là im lặng rồi đi rửa mặt cũng êm ru. Đoạn giở mùng chung vào cũng nhẹ nhàng như con mèo.
Dưới ánh sáng lờ mờ của bóng đèn chong, chàng thấy vợ nằm day vô vách, chắc đang ngủ say.
Toàn không biết uống rượu nên ly Martini độc nhứt đêm nay làm chàng nhức đầu quá và huyết quản ở hai bên thái dương chàng nhảy kêu nghe bừng bựt.
Nhìn nóc mùng, chàng muốn nghĩ về cái gì để quên khó chịu, nhưng không nghĩ được. Chàng đã đi đến thời kỳ không biết nghĩ nữa. Có lẽ nhờ đó mà chàng sẽ ăn ngon ngủ kỹ, mập béo ra, y như bao nhiêu người không biết nghĩ ngợi khác, nằm xuống là ngáy pho pho.
Chàng sẽ là con heo, như Thúy. Thúy là con heo nái, đẻ con vì tai nạn, đẻ xong, ai bắt bán mặc kệ, còn chàng là con heo đực vì không bận tâm đến cái gì cả.
Thật là khó chịu. Chàng không cần uống rượu lắm, cốt lấy chỗ ngồi. Nhưng nhắm một nhắm, nghe ngòn ngọt rồi cứ quên thỉnh thoảng lại nhắm cho đến hết ly rượu. Đêm nào chàng cũng chịu đựng sự khó chịu nầy đến trót giờ mới ngủ quên được.
Mà cái giờ đó thật kinh khủng. Bé Thủy không khóc, Thủy Tiên không rủa nó, không gọi chàng để hỏi cái nầy cái kia như lúc đầu hôm thì trí óc chàng còn biết làm cái gì bây giờ ?
Trước chàng mơ Thúy rồi chàng yêu nàng, toan tính về tương lai, nghĩ mưu nghĩ kế xoay sở để lên cao, v.v... dễ chịu biết bao nhiêu.
Giờ chàng khộng có chỗ nhắm nào khác hết. Tiền thì có kho vàng của ông Thành cứ hết là điện thoại hăm dọa ông ta.
Tình cảm không có nẻo đi tới nữa vì còn biết mơ yêu ai bây giờ ?
Toàn nghe như có ai dùng ống bôm mà bôm máu chàng từ dưới lên trên, nó bị dồn ở thái dương và mạch máu ở đó coi mòi như muốn bể.
Thủy Tiên trở mình, rên ư ư mấy tiếng rồi nằm ngửa ra.
Nằm nghiêng mãi, tim bị đè hơi mệt, nên nàng phải thay vị trí mà vẫn cứ giả đò ngủ say để tìm thái độ.
Toàn không buồn đề ý tới bạn. Thủy Tiên nằm như vậy mà đợi hơn mười phút, không nghe động tịnh gì, nên mở mắt ra xem thử coi Toàn ngủ hay thức.
Bóng đèn chong gắn ở đầu giường nhỏ của Bé Thủy, tức ở bên kia. Nhờ thế mà nàng thấy rõ được mắt Toàn đang mở trao tráo.
Hắn nhìn nóc mùng như khán giả xi nê nhìn màn bạc lúc phim đang tới phần cụp lạc.
Thủy Tiên do dự vài mươi giây nữa rồi quyết định không nín.
Nhưng nàng không thức ngay đâu. Nàng giả đò trở mình nữa, lần nầy nghiêng qua phía bên Toàn, gác tay, gác chơn lên mình chồng.
Toàn vẫn không nhúc nhích. Sự đụng chạm nầy quấy rầy chàng, làm chàng khó chịu và quên được phần nào sự khó chịu vì rượu hành. Khó chịu mới, dễ chịu hơn khó chịu cũ, nên chàng cứ để cho bị đè.
Thủy Tiên mong chồng day lại hôn trộm nàng một cái để có dịp giựt mình thức dậy, nhưng hắn bất động, khiến nàng bối rối quá.
Nhưng may mắn cho nàng là bé Thủy nằm mơ, khóc thét lên một tiếng khiến nàng giựt mình, giả vờ được.
Bé Thủy im lại như thường và Thủy Tiên hỏi bạn:
- Bộ anh đi chơi vừa về à ?
- Ừ, sao em biết ?
- Anh nực nồng hơi rượu.
- Vậy à ? Anh chỉ uống Martini.
- Rượu đó cũng là rượu. Ở ba nào ?
Toàn đáp láo :
- Chỗ em làm lúc trước.
- Con nào thế em ?
- Chưa có ai thế.
Thủy Tiên an lòng vì hắn đã chọn nàng giữa hai người thì con bạn cũ của nàng không thể là tình địch của nàng được.
- Anh thích ngồi quán vì rượu hay vì cô bán rượu ?
- Trước khi gặp em thì vì cô bán rượu.
- Nhưng được cô bán rượu rồi thì chán ngay. Nếu đúng theo hiệp ước thì ta phải xa nhau, có phải thế không nè ?
- Không, vì anh không chán em.
- Nhưng sao anh lại tìm cô bán rượu khác ?
- Anh chán tất cả, anh chán cả anh nữa.
- Thật là tầm khùng ! Anh uống mấy ly ?
- Không, em đừng tưởng anh say, nói tầm ruồng. Anh vẫn tỉnh táo, sáng suốt như thường.
- Nhưng sao lại chán chính cả mình nữa ?
- Vì mình cũng đáng chán như tụi nó.
- Trong đó có em.
- Em thì khác. Anh đang mang bịnh chán chường nhẹ nên tìm một người để an ủi anh. Vừa tìm ra em thì bịnh bỗng trở nên trầm trọng.
- Có tại em hay không ?
- Hoàn toàn không. Anh tiếc rằng em đến hơi trễ.
- Còn anh, anh đến rất phải lúc đối với em. Em cũng đang chán đời thì yêu đời trở lại từ ngày gặp anh. Thành thử em lời trong vụ nầy. Nhưng lời mà không hưởng lời được vì rồi ta phải xa nhau.
- Không có vấn đề xa nhau. Hay chưa có.
- Anh có còn muốn tự tử hay không ?
- Không mới chết chớ. Trước thì có, nhưng lại ham sống nên không dám chết. Giờ anh không buồn tính đến chuyện gì cả, kể cả chuyện tự tử.
- Em thì trước đây đã muốn tự tử nhiều lần, nhưng cũng vì không dám nên mới còn sống. Giờ nếu xa nhau, chắc em dám.
- Sao giờ lại dám ?
- Em tưởng em sẽ dám chớ cũng chưa biết chắc là dám hay không. Giờ em dám là tại... ơ là
tại lần nầy là lần chót.
- Lần chót cái gì ?
- Lần chót mà em trở về.
- Trở về đâu ?
- Trở về mộng ban đầu.
- Mộng gì ?
- Mộng lấy chồng như bất kỳ ai.
- Sao lại lần chót ?
- Trông anh hiền hậu thế mà còn bỏ rơi em thì còn biết ai cho em làm vợ nữa.
- Em muốn em vợ lắm sao ? Chi vậy ?
- Em cũng không biết để làm gì. Nhưng em thấy là ở vậy mãi không ổn. Em lại cần yêu và cần được yêu.
- Thì em kiếm bồ.
- Bồ nó chỉ yêu trong hai tháng rồi thôi. Trong hai tháng đó em được yêu, nhưng em biết là bấp bênh nên không yêu được.
- Yêu chi vậy ?
- Chớ anh không hề yêu à ? Ai biết đâu là yêu để làm gì, tại nó bắt muốn thư vậy. Coi bộ anh đã yêu chị Thúy lắm mà ?
- Ừ !
- Sao còn hỏi em ?
- Trước anh cũng rất cần yêu và cần được yêu lại. Nhưng anh đã không thành công.
- Giờ em yêu anh đây, đâu anh ráng yêu em thử xem.
- Ừ, để anh ráng.
- Nếu được thì anh hẳn phải thành công chớ. Nhưng em không còn đẹp nữa thì chắc cũng khó lòng cho anh yêu.
- Không, em còn đẹp. Em sắc sảo hơn hồi còn ngồi kết nhiều lắm.
Thủy Tiên kéo đầu bạn nghiêng qua phía nàng, hôn lên trán bạn mà rằng :
- Anh hiền và giống hệt thầy ký mà em mơ hồi còn con gái.
- Thầy ký làm sở nào và tên gì ?
- Không, chỉ là người tưởng tượng.
Toàn cũng hôn lên trán bạn nhưng không phấn khởi, không tin tưởng rồi nói:
- Anh cũng mơ một cô ký như vầy. Nhưng rủi ro anh lại gặp Thúy.
- Anh nè !
- Gì ?
- Hay là hai ta cùng chết ?
- Mất công lắm. Mất công đi mua thuốc ngủ, mất công uống. Nhảy xuống sông thì ta biết lội, không thể chết được. Nhảy vào xe hơi lại sợ gãy giò mà không chết.
- Không, hai ta, hai kẻ chán đời cùng chết giả để rồi sống lại, em thành thầy ký, anh thành cô gái hai mươi đang chạy đi tìm chỗ làm.
Toàn bật cười :
- Em nói ngộ nghĩnh quá.
Lần nầy chàng hôn bạn và nghe được cái vị dễ ưa của cái hôn.
- Anh nhé ?
- Nếu được như vậy thì lên tiên rồi. Nhưng làm sao mà chết giả được, nhứt là sống lại được sau cuộc chết giả.
- Dầu sao anh cũng ráng cho em vài tháng hạnh phúc chớ xa nhau liền như vầy, tức tối quá.
Toàn nghe bạn nấc lên sau câu đó. Thủy Tiên đã thụt xuống và chui mặt vào nách chàng. Chàng nghe nước mắt nóng hổi thẩm qua vải áo chàng.
Nằm nghiêng lại, chàng ôm đầu bạn rồi nói:
- Em cứ an lòng. Em có thể ở đây luôn vì anh cần em. Không có em chắc anh sẽ trở nặng thêm không biết bao nhiêu.
Kẻ mà lòng dạ vừa chết sao lại nghe thương xót cô gái lỡ bước nầy mà hắn chỉ đem về cho có bạn để đỡ khó chịu trong giai đoạn lòng chàng trống không.
Chàng lồm cồm ngồi dậy, nhưng Thủy Tiên níu chàng lại và hỏi :
- Anh đi đâu ?
- Đi mở đèn.
- Để làm gì ?
- Để nhìn lại mặt em.
- Chi vậy ?
- Để xem lại coi có phải là em đẹp không thua gì Thúy hay chăng.
- Chi vậy ?
- Anh cũng không biết để chi.
Chàng nhớ ra rằng sở dĩ năm ngoái, trước khi đi Nha Trang, chàng tìm đến tửu lâu Địa Cầu chỉ vì thấy rằng Thủy Tiên hao hao giống Thúy. Sự giống ấy giờ đây càng rõ rệt hơn và Thủy Tiên đã sắc sảo như Thúy chớ hết ngây thơ cái vẻ ngây thơ học trò nữa.
Chàng muốn xem lại cái cô Thúy đã chết mà chàng còn mê gương mặt. Nhưng Thủy-Tiên giữ riết bạn lại.
Nàng đã xóa hóa trang rồi, không dại mà cho hắn thấy nước da xanh mét của nàng và đôi môi tái lợt của nàng.
- Anh thắp đèn, em sẽ không ngủ lại được nữa.
Dưới ánh sáng của bóng đèn chong, Toàn thấy như Thúy đang nằm cạnh chàng. Nó chết nhưng không chết hẳn, mà cũng không nhập hồn vào Thủy Tiên.
Nếu thế, chàng càng khổ hơn vì tâm hồn nó bẩn thỉu lắm. Trái lại nó cho kẻ khác mượn cái xác của nó.
Nơi Thúy nếu còn cái gì đáng kể là cái xác của nàng, cái xác kiều diễm mà tạo hóa đã chơi rắn mắt đặt trong ấy một tâm hồn thúi tha.
Chỉ còn xem cái hồn mượn xác nầy có khá hơn hồn Thúy chút nào hay chăng.
Toàn lại nằm xuống, day qua hôn lên tóc Thủy-Tiên và nói :
- Em nè, trước đây anh bắt em phải tiếp tục làm quỉ, nhưng giờ thì anh hủy lời nói của anh nha. Em cứ là em đi.
- Anh thật lạ ! Không lẽ anh điên vì cái con không ra gì ấy.
- Hổn ! Sao lại chưởi người vắng mặt ? Trước đây em một cũng chị Thúy, hai cũng chị Thúy.
- Có mặt nó em cũng dám chưởi như thường, vì em vừa biết nó không xứng đáng làm con người. Ít ra con người cũng phải biết thương con. Đó là tình cảm tối thiểu. Cái con Thúy đó, nó không hơn con chim tu hú bực nào hết.
- Để anh xem em hơn Thúy tới đâu. Nhưng anh trở lại câu chuyện khi nãy. Em đừng thèm nghe lời anh nữa, và cứ là em đi.
- Cám ơn anh.
- Sao lại cám ơn ?
- Cám ơn anh trả tự do cho em.
- Té ra em không thích làm quỉ lắm ?
- Anh có thích hay không ?
Câu hỏi bất ngờ của Thủy Tiên bắt chợt Toàn thình lình, khiến chàng giựt mình. Chàng không biết đáp thế nào cho thành thật vì chính chàng cũng chưa rõ chàng thích cái gì.
Bỗng kẻ chán chường nầy nhớ lại một danh ngôn mà chàng đã thuộc hồi còn đi học. Nhớ đâu hình như là đó là một câu của Pascal thì phải : "Con người cứ muốn làm thiên thần hoặc làm quỉ. Nhưng không làm được thứ nào trong hai thứ đó cả, họ quyết làm người vậy".
Nói cho thật đúng ra thì Toàn không thích làm quỉ từ trong bụng mẹ thích ra. Chàng chỉ mới thích đây thôi vì đã trót thành quỉ thì làm quỉ luôn vậy.
Pháp luật không soi tỏ được hành vi bất lương của chàng, nhưng chính chàng đã tự khinh mình quá rồi, nên không còn can đảm trở lại nữa.
Chàng có muốn thế đâu, tự nhiên sự việc đưa
đẩy chàng tới cái thế phải làm quỉ ấy, muốn tránh cũng không khỏi.
Chàng đến thăm Thúy, chỉ để vay một ít tiền. Rồi luận điệu của Thúy và những gì chàng bắt gặp, trong vòng có hăm bốn tiếng đồng hồ, đã biến chàng thành một con quỉ tàn nhẫn nhứt trong loài quỉ.
Đừng hỏi tại sao có sự biến đồi đột ngột như thế. Thật ra thì không có gì đột ngột cả. Toàn đã được chuẩn bị để ngã và những điều kiện thuận lợi cho sự ngã đó, trùng phùng một cách rủi ro cho chàng thì chàng ngã ngay là hữu lý.
"...nhưng không làm được thứ nào trong hai thứ đó cả, họ quyết làm..."
Không, chính chàng không làm quỉ được nên mới bỏ đi một hành động bỉ ổi là mỗi hôm đến nhận tiền của Thúy. Chàng làm tiền thiên hạ vì cần tiền chớ không phải vì ham làm tiền. Đã có tiền của ông Thành để sống thì chàng tha Thúy vậy.
- Đừng hỏi anh, lo trả lời câu hỏi cái đã.
- Anh có nhớ em ngày trước hay không ?
- Sao lại không?
À, em tên gì, anh quên mất. Anh không thích gọi em bằng cái biệt hiệu sáo ấy nữa.
- Cứ lấy thẻ căn cước của em mà xem thì biết. Em để dưới xấp áo, trong tủ. Nếu anh nhớ em hồi trước thì khỏi phải hỏi gì nữa.
Thấy Toàn cứ bóp hai thái đương của chàng bằng hai ngón tay mãi, Thủy Tiên đề nghị :
- Để em bắt gió cho anh nhé ?
Toàn bật cười :
- Không phải nhức đầu vì cảm thì bắt gió chẳng ăn thua gì đâu ! Đợi dã rượu là nó hết ngay.
- Vậy à ? Để em lấy cái nầy cho anh uống.
Thủy Tiên nói rồi, lồm cồm ngồi dậy bước xuống giường rồi chính tay nàng mở đèn, cái điều mà nàng ngăn cản bạn khi nãy.
Cũng may là bây giờ Toàn không buồn nhìn lại mặt nàng nữa.
Chàng nhắm mắt lại, vẫn không nghĩ gì, và cũng không tự hỏi xem bạn sẽ cho mình uống cái gì. Trí và lòng chàng trở lại trống không, sau câu chuyện, mặc dầu chàng rất muốn nghĩ về cái gì.
Không biết bao lâu sau đó, Thủy Tiên trở lên với một ly nước và mời :
- Anh uống đường là dã rượu được liền.
Đường với rượu cọng lại với nhau sẽ thành giấm. Toàn không tin ở hiệu lực dã rượu của trị liệu nầy, nhưng cũng khát nước quá và cũng muốn nghe dạ dày chua xót vì giấm, hi vọng rằng lòng chàng sẽ nhờ thế mà chua xót được cuộc đời, chàng ngồi dậy để uống nước.
Toàn nhớ lại rõ rệt tâm trạng của chàng trước khi đến thăm Thúy. Chàng chua xót mà thấy Thúy đi vào con đường làm me Huê kỳ, nhưng trong nỗi chua xót ấy chàng vẫn còn kể đến cuộc đời, đau khổ nhưng không tê tái, còn ham, còn muốn, còn nghĩ về cái gì.
Nhưng qua mấy tiếng đồng hồ trong nhà Thúy, chàng chỉ còn là một cái xác không hồn, hết thương, hết ghét, hết đau khổ nữa, và bấy giờ chàng mới thấy là đau khổ tuy thế vẫn dễ chịu hơn là rỗng trong đầu, trong tim.
Uống xong ly nước, chàng đổ mồ hôi. Thủy Tiên đi dẹp ly nhưng trở lên, không phải tay không mà với một chiếc khăn nhúng nước đã vắt thật ráo. Nàng lau mặt cho bạn và chợt thấy bạn xuất hạn, nàng lại chạy đi tìm khăn khô để lau đầu lau cổ, lau ngực, lau lưng cho bạn.
Mặc dầu đã ăn ở như vợ chồng với Thúy một thời gian, Toàn chưa sống đời người đàn ông có vợ lần nào cả.
Người ấy phải được săn sóc như thế nầy. Sau một đêm trác táng, hắn có thể bị vợ hắn mắng chưởi thậm tệ nhưng rốt cuộc hắn vẫn được săn sóc. Người đàn bà trị tội con đã nghịch cho mặt mày lọ lem, nhưng đánh đòn nó xong, nhứt định là họ lo rửa mặt cho nó. Đối với chồng họ, họ cũng làm thế.
Toàn nghe sung sướng quá. Thời thơ ấu của chàng và thời niên thiếu của chàng, chàng không được săn sóc bao nhiêu vì thiếu mẹ. Có lẽ chàng si Thúy cũng chỉ vì thiếu tình thương nhiều quá.
Thủy Tiên làm xong phận sự của một người vợ thì tắt đèn rồi vào mùng để ngủ trở lại. Nhưng người đàn ông đã tỉnh rượu, mà khi vừa tỉnh rượu, hắn không ngủ được. Không ngủ được, hắn phá phách người nằm kề để đỡ nằm đó mà không nghĩ gì.
Thấy bạn day vào trong, chàng hỏi:
- Em ngủ lại à ? Sau nói hễ thắp đèn là không ngủ lại được.
- Phải cố mà dỗ giấc ngủ chớ không lẽ thức luôn tới sáng.
- Thức luôn tới sáng cũng không sao kia mà.
- Ho lao chết.
- Chỉ ho lao khi nào thức mãi mỗi đêm để bán rượu như trước đây. Lâu lâu thức một đêm không sao cả.
- Nhưng thức để làm gì mới được chớ ?
- Thức để đừng bỏ anh một mình.
- Sao anh không ngủ.
- Anh không ngủ được, mà như vậy đã non một năm rồi.
- Trời ! Ho lao chết.
- Chưa. Nhưng sẽ.
- Trước đây, anh vẫn thức một mình hay hai mình ?
- Một mình. Nhưng anh được làm bạn với niềm đau của anh, với nỗi nhớ Thúy, giờ Thúy nó đã chết rồi thì...
Thủy-Tiên day lại:
- Thúy chết rồi à ? Em xin lỗi đã mắng người chết.
- Không, nó chỉ chết trong lòng anh thôi. Em nè, trước đây sống một mình, em nghe thế nào?
- Sung sướng lắm vì được tự do không ai bắt em làm quỉ, không ai bắt em thức.
- Nhưng những giờ không ngủ được, em có khó chịu lắm không ?
- Nghe cô đơn vô cùng.
- Hình như là loài người không thể sống riêng rẻ một mình.
- Nhưng loài người cũng không thể sống thành bầy. Nó chỉ ưa sống hai mình thôi.
- Nó ưa sống bầy chớ. Nhiều người ưa có con lắm. Em ham con hay chăng ?
- Hồi đó, mộng của em là lấy chồng rồi đẻ con.
- Nhưng giờ ?
- Rồi mộng không thành, em quên mất dự định ấy.
- Nếu ở chung lâu ngày với nhau, ta sẽ có con. Em nghĩ thế nào ?
- Em sợ anh bỏ rồi không đủ sức nuôi con.
- Nhưng không lo con cái làm mất tự do sao ?
Thình lình Thủy-Tiên day lại, trườn lên, mặt ngang mặt với Toàn, hôn lên trán bạn rồi nói:
- Em quên mất. Nhưng giờ anh hỏi, sao bỗng dưng em lại ham có con. Có con với anh. Có ngay đêm nay, nghĩa là cấn thai ngay đêm nay. Như vậy ít ra sau nầy, nếu bị anh bỏ rơi, em cũng còn lại được cái gì của anh. Và như vậy, sau nầy em khỏi sống một mình với nỗi cô đơn của em nữa.
Nếu bé Thủy là con em đẻ, chắc em sung sướng lắm.
- Anh cũng muốn có con. Có con với em. Có ngay đêm nay. Như vậy anh sẽ không nỡ bỏ rơi em và anh sẽ khỏi cô đơn.
° ° °
Bé Thủy làm biếng ăn trong một ngày. Cho đến bánh hàng là thử trẻ con ưa nhứt, nó cũng không buồn rớ tới.
Nó không lục lạo các hộc tủ để thám hiểm nhà cửa như tất cả mọi đứa trẻ mới biết đi lửng chửng hay làm, cũng chẳng dời chỗ giày dép, chẳng xỏ chơn vào guốc người lớn mà đi.
Nó nằm dài trên manh chiếu mà mẹ ghẻ nó trải ra trên gạch giữa giường lớn và giường nhỏ.
Toàn đi dạo phố, nói đúng ra là đi giết thì giờ ở các công viên, ngồi hàng giờ để nhìn một tàng cây, cố nghĩ cái gì để nhét cho đầy vào khối óc trống rỗng của chàng.
Thủy-Tiên khóa cửa lại, nhốt con ghẻ trong nhà rồi đi chợ. Hồi chín giờ nàng về, dòm sơ một cái thấy nó nằm yên thì nghe nhẹ lòng : nó không đập phá cái gì, cũng chẳng bị cái gì rơi xuống vỡ đầu, không leo trèo cho té gãy giò.
"Có lẽ nó buồn nên ngủ quên", nàng nghĩ thầm như vậy rồi mở cửa buồng trong để xuống bếp nấu ăn.
Cửa nầy nàng gài cẩn thận, sợ bé Thủy mò ra sân trong, té cắm đầu vào khạp nước thì phiền.
Mãi cho đến gần bữa ăn Toàn mới về, nhưng cũng không buồn thấy bé Thủy. Chàng đi tuốt ra sau để trao cho Hồng, tên thật của Thủy Tiên mà Toàn vừa nhớ ra một năm sau cái đêm hỏi tên nàng, hỏi rồi quên luôn, đến hồi hôm nầy Toàn mới nhớ ra, lục thẻ căn cước của nàng để xem hầu khai gia đình
- trao cho bạn món quà đáng giá, một tấm lắc bằng vàng tây có khắc tên nàng trên ấy.
Toàn thấy Hồng có công và phải được thưởng, công chịu khó nuôi dưỡng bé Thủy mà chàng cần.
Hồng rối rít mừng, họ vui với nhau, nói chuyện huyên thiên. Giây lâu sau, bữa ăn dọn ra và như thường lệ, Hồng bới cho bé Thủy một ít cơm trong cái chén nhỏ bằng nhôm chan nước cá kho lên đó rồi gọi bé Thủy khi hai vợ chồng cầm đũa.
Hôm nay nàng phải gọi hơi lâu, phải kêu nhiều tiếng, nhưng vẫn không quan tâm đến sự khác thường nơi đứa bé mau mắn vì quen bị bỏ bê.
Cả hai không ai thấy bé Thủy dã dượi lắm. Nó xuống bếp bưng chén cơm đi như thường, nhưng trở lên trên nầy, nó ngồi nhơi mãi muỗng cơm đầu rồi bỏ mứa.
Lâu lắm, nó đem trả chén cơm mà không ai thấy là còn gần nguyên, rồi đi nằm nữa.
Nó tại bị bỏ xó cho đến buổi ăn tối và sau đó nó tự leo lên giường nhỏ của nó mà nằm.
Dọn rửa xong xuôi, Hồng treo mùng cho nó, rồi hai vợ chồng tiếp tục chuyện trò và đùa giỡn như thường lệ. Hồi mười giờ rưỡi, họ tắt đèn để ngủ thì bên kìa bé Thủy khóc ré lên, Hồng nạt nó một tiếng như người ta nạt một con chó sủa bậy. Nó im đi.
Họ dỗ giấc ngủ khá lâu nên khi họ vừa thiu thiu thì bé Thủy lại khóc ré lên nữa. Hồng nổi giận nạt nó, và lần nầy rủa lớn "mắc dịch, giờ nầy mà không để cho người ta yên thân".
Bé Thủy lại nín.
Rồi cả hai đều ngủ quên, không biết trong bao lâu.
Đang say giấc, Hồng thình lình bị đánh thức. Giấc ngủ của đàn bà nhẹ nhàng hơn của đàn ông nên Toàn không hay gì cả.
Bé Thủy la hét vang nhà, mẹ ghẻ nó mắng thế nào nó cũng không im. Từ ngày giải nghệ Hồng ngủ lại sức và mê ngủ như trẻ con. Thế mà nàng vẫn phải dậy.
Bé Thủy kêu la một cách khác thường, như là nói mơ, nhưng không tỉnh khi bị gọi, bị mắng, bị rủa năm lần nhiều hơn ngày thường.
Hồng vùng vằng đi mở đèn, rồi bước lại dòm qua mùng của bé. Một chi tiết nhỏ nhặt làm cho nàng hơi giật mình : Mặt bé Thủy đỏ rần.
Hồng vội vén mùng để xem lại cho chắc ý. Quả mặt bé đỏ ké như mặt người uống rượu. Bé vẫn tiếp tục la hét mà không hay biết có người vào mùng của bé.
Hồng rờ trên trán đứa con ghẻ mà nàng chỉ săn sóc tối thiểu thôi, rồi giật mình. Bé nóng như ngồi gần một lò lửa lớn hằng giờ.
Nàng gọi:
- Anh ơi !
Không nghe Toàn ừ hử gì cả, nàng phải kêu nữa, kêu lớn hơn :
- Anh ! Anh !
- Ơ...ơ..gì đó ?
- Bé Thủy nóng.
- Vậy à ?
Toàn hỏi bậy một câu rồi ngủ trở lại như không có gì xảy ra.
Hồng phải qua bên ấy lay mạnh bạn.
- Anh nè ! Bé Thủy nó nóng.
- Ơ... ừ ! Anh biết làm sao bây giờ ?
Cả hai chưa ai làm cha làm mẹ bao giờ cả. Nhưng Hồng có mang sẵn bản năng làm mẹ trong người nàng, nên nàng không bình thản như cái ông cha vô sự ấy được.
Nàng lại nắm vai bạn mà lay thật mạnh:
- Mê ngủ như trẻ con ! Phải làm cái gì chớ.
Bây giờ Toàn mới chịu mở mắt. Chàng nhựa nhựa nói:
- Để sáng ẵm nó đi bác sĩ.
- Anh ăn nói như là cha ghẻ. Đành là như vậy. Nhưng anh không nóng ruột, không xem coi nó ra sao hay sao ?
Toàn sợ bị lộ tẩy là cha ghẻ, nên gắng gượng ngồi dậy. Bấy giờ chàng mới thật tỉnh ngủ:
- Nó nóng à ?
- Dữ không ! Chớ nãy giờ anh nghe những gì ?
- Trẻ con nóng là thường.
- Biết vậy nhưng nó nóng lắm. Em sợ...
- Sợ nó chết à ? Kha... kha...khéo lo hảo, nó phải đau năm bảy ngày mới có việc gì chớ.
- Không, em sợ...
Hồng không dám nói ra cái điều làm cho nàng sợ. Điều ấy ghê gớm quá mà thuở bé nàng thường thấy chung quanh nàng ở những nhà lân cận.
Đó là chứng làm kinh khi trẻ con nóng nhiều quá. Không phải lũ trẻ con động kinh là chết ngay, mười đứa nóng, bị giựt gân, chỉ vài ba đứa là chết thôi, nhưng khủng khiếp quá và tội nghiệp quá.
Đứa nào trót bị một lần rồi, về sau thường bị và bị mãi, lớn lên nó cứ đần đần làm sao ấy.
- Phải làm cái gì ! Nàng nói.
- Ừ, nhưng làm cái gì bây giờ ?
- Cho nó uống thuốc.
- Uống gì mới được chớ.
- Anh nên chạy lại hiệu thuốc Bắc ngoài đầu ngõ mua một gói "Tiêu ban tán".
Toàn đang vận sà rông. Chàng bực mình lắm mà bị làm khổ dịch nầy. Phải thay y phục, ít lắm là phải mặc một bộ bi da ma, thật là mất công. Nhưng không thể từ chối được. Bà mẹ ghẻ đã muốn thế, ông cha ruột giả khó lòng làm lơ.
Chàng thở dài rồi nhẫn nại chịu số phận, đi thay đồ. Trong khi đó thì Hồng ra sau nhún nước khăn lau mặt vắt ráo, đem vào để lau cho bé.
Nàng không hề biết săn sóc con bịnh, theo Đông hay theo Tây. Nhưng thấy rằng mình phải làm cái gì, làm bậy vậy thôi, nhưng tình cờ lại đúng phượng pháp Tây y.
Trong những trường hợp như vậy, Tây y quả làm thế để đợi thuốc. Lau bằng khăn mát không phải là một trị liệu nhưng nó có khả năng làm giảm nhiệt độ chút ít tạm thời trong giây lát, ngăn nhiệt độ lên đến cái mức tối đa gây chứng động kinh ghê gớm.
Hồng không bao giờ biết điều ấy, nhưng sốt ruột, suy luận rằng khăn mát sẽ làm cho con bịnh dễ chịu thì hành động dốt nát theo suy luận riêng và theo bản năng làm mẹ của đa số phụ nữ.
Từ nãy giờ, Bé Thủy đã thôi la hét nhưng không ngớt lăn lộn và không ngớt khóc.
Được lau mát quả nó dễ chiu và bớt khóc, bớt cử động. Chiếc khăn lau qua có mấy lần đã nghe âm ấm, nên bà mẹ ghẻ lại phải ra sau nhún nước trở lại.
Nàng cứ làm thế, mặc kệ đúng hay sai vì thấy con bịnh tí hon có đỡ phần nào.
Toàn đi lâu lắm, có lẽ vì khó gọi cửa tiệm thuốc. Nhưng Hồng bận săn sóc bé Thủy nên không sốt ruột bao nhiêu.
Lâu lắm, chàng mới trở về với gói thuốc nhỏ, giở mùng ra vứt vào cho Hồng.
- Thuốc bột ! Hồng kêu lên. Cha, khó cho nó uống lắm.
Lại sợ nó sặc nữa. Nhưng anh rót cho nó tách nước chớ.
Toàn lại nhẫn nại thi hành lịnh mới, khi chàng đem tách nước lại, Hồng gọi bé :
- Cưng ơi, dậy ăn bánh nghe cưng !
Tự nhiên nàng nói cái câu dịu ngọt ấy, lần đầu tiên từ khi nuôi bé. Dỗ trẻ uống thuốc là một việc khó khăn lắm, nàng thấy cần phải dịu ngọt. Nhưng cũng khó lòng mà ngọt giọng nếu lòng nàng không nghe thương nó, hay ít lắm là thương xót nó.
Bé Thủy rất ngoan, lồm cồm ngồi dậy, nhìn hai người lớn mà ngạc nhiên. Chưa hề nó thấy người lớn vây quanh nó thế nầy bao giờ.
Hồng than lớn lên một mình:
- Thuốc bột khó uống lầm. Nó sẽ sặc.
Vừa nói, nàng vừa mở gói thuốc rồi suy nghĩ một giây, nàng trút cả gói vào tách nước trà nguội đoạn hối bạn :
- Anh chạy tìm cái muỗng cà phê mau mau ! Trong gạc-măng-rê ấy.
Toàn lại vưng lời.
Thuốc đã tan hết một mớ trong nước, nhưng xem chừng lâu tan cho hết, nên khi Toàn trở lên với chiếc muỗng đòi hỏi, Hồng dùng muỗng mà quậy lia lịa.
- Nè, ngọt ngay nghe cưng, cưng uống giỏi rồi mẹ mua bánh cưng ăn.
Đây cũng là lần đầu tiên mà Hồng xưng mẹ với bé Thủy.
Bé Thủy nóng quá nên khát nước, thấy nước thì mừng. Nhưng nó ực được hai ngụm thì xô tách nước ra. Thuốc đắng quá hay chua quá không rõ nhưng chắc chắn là mùi vị phải khó chịu.
- Cưng rán uống đi rồi mẹ cưng. Con tôi giỏi lắm, phải không ba ?
Toàn bận cổi y phục ra, không nghe, mà cỡ nghe, hắn cũng không buồn trả lời.
- Phải không ba ? Hồng hỏi lại.
- Gì ?
- Bé Thủy giỏi hạng nhứt phải không ba ?
Toàn bật cười. Bé Thủy ngước lên nhìn mẹ bằng đôi mắt tròn xoe và đen huyền. Lần đầu tiên bà mẹ ghẻ nầy thấy mắt bé đẹp và nhìn lại gương mặt của nó. Nàng đoán rằng nó sẽ đẹp kinh hồn. Và cũng dễ thương quá.
Bé đã chịu uống chỗ thuốc còn lại.
- Cưng của mẹ giỏi quá.
Hồng khen bậy một tiếng để thưởng công nó rồi đỡ nó nằm xuống, đoạn đi dẹp tách.
Bà mẹ ghẻ nầy làm tròn bổn phận. Nhưng trước khi đi ngủ bù trở lại, và ghé qua giường bé rờ lại trán nó thử xem nó có bớt nóng hay không, cho chắc ý để lương tâm được yên ổn.
Nhiệt độ giảm rất nhiều. Nhưng bé bắt đầu đổ mồ hôi.
Nhiều loại thuốc tiêu ban tán của ta làm bằng bột với lại hoá chất thối nhiệt của âu dược, nhưng cân lượng đôi khi lố quá, khiến cho sự xuất hạn mạnh mẽ quá.
Hồng biết rằng như vậy là nguy nên không dám đi nằm, lấy khăn khô lau mồ hôi cho nó. Nhưng nàng không đi ngủ được sau hiệp lau đầu tiên ấy. Mồ hôi lớp nầy được lau khô, lớp khác tiết ra ngay, chẳng bao lâu mà áo của bé ướt dầm.
Hồng lại phải tìm áo để thay cho nó. Mồ hôi lại ra, lần nầy ra dầm dề và nàng lại lau không ngớt tay.
Nhiệt độ của bé Thủy trở lại bình thường mà có lẽ đã sụt xuống khỏi mức bình thường nữa, vì sự xuất hạn quá độ gây ra thế.
Mồ hôi rịn ra lau không kịp, Hồng đành phải lót khăn nơi ngực và nơi lưng của bé, và chốc chốc lại thay khăn ấy, đã ướt mem rồi.
Độ mười phút lại phải thay áo cho nó, vì giữa khoảng thời gian thay khăn, áo bị ướt.
Công việc chán phèo nầy kéo dài bơn nửa tiếng đồng hồ, Hồng mỏi và buồn ngủ, nên ngáp mãi.
Trong khi đó thì Toàn đã phiêu lưu xa lắm trong giấc cô miên của chàng.
Ban đầu, Hồng giận lắm, và muốn bỏ mặc kệ cho đứa bé nó có chết thì chết cho rảnh tay nàng. Nhưng nàng không đành. Lòng thương xót một đứa trẻ không may bị mẹ bỏ hẳn và bị cha bỏ bê, ngăn nàng tán tận lương tâm như đã hơi muốn.
Vì thế mà Hồng lại ráng chịu khổ dịch nầy mãi cho đến hơn mười lăm phút nữa, bé Thủy mới hết xuất hạn.
Nó ngủ yên trở lại chớ hết lăn lộn, hết rên siết nữa và Hồng bây giờ nới dám đi nằm.
Vì thức khuya nên đôi bạn mỏi mệt ngủ quên rất trưa, đến chừng nghe tiếng động và ghe tiếng gọi, Hồng giựt mình trước.
Bé Thủy đã mò lại đó, vén mùng, chui đầu vào trong mà gọi:
- Ma ! Ma !
- Gì đó cưng ? Hồng nhừa nhựa hỏi.
- Ma ! Ma ! Ùm !
Bé đói bụng, vì đã nhịn ăn ngày hôm qua.
Toàn cũng giựt mình thức dậy, rên:
- Dịch ! Ùm hoài hè ! Mới bét mắt đã đòi ùm.
Nhưng Hồng lại ngồi dậy. Nàng không quên một ngày nhịn đói của bé như Toàn đã quên. Bản tánh đàn bà như vậy. Bản tánh của một bà mẹ ghẻ không khác như vậy.
Hồng xuống giường, mở đèn, rờ lại trán bé Thủy thì thấy còn hâm hâm nhưng nó đã biết thèm ăn, tức là bịnh không nặng. Có lẽ một cái răng chớm mọc hành nó nóng thôi, chớ không bịnh hoạn gì đáng kể.
Ngoài kia nắng chói lòa. Hồng vội đi rửa mặt và hối hả mặc áo bà ba vào, đoạn lấy tô, mở cửa đi ra ngoài.
Một lát sau, nàng trở về, tay bưng tô cháo cá nóng hổi. Toàn cứ ngủ. Bé Thủy vẫn còn đứng nửa trong nửa ngoài mùng mà gọi mãi:
- Ba ! Ba ! Ùm !
- Xuống đây ùm cưng.
Bé Thủy mừng lắm, chạy đùi đụi theo người đàn bà xa lạ, nó không biết là ai, tự dưng xuất hiện ra trong đời nó, săn sóc nó tương đối khá hơn xẩm già và nó bắt đầu trìu mến.
Không hiểu sao hôm nay Hồng lại không đặt tô cháo xuống gạch và bố thí cho bé một chiếc muỗng đã có tự do bung thùa đổ tháo như mọi hôm nữa, mà ngồi xuống để đút cháo cho nó.
Bé Thủy "ùm" như con cưởng con còn nằm trong ổ, vừa nuốt xong muỗng cháo nầy, kêu đút nữa ngay, khiến Hồng đút gần không kịp.
Nó vừa ăn vừa đập tay vào đầu gối Hồng, nàng đang ngồi chồm hổm, nó đập vì sung sướng và vì thương yêu.
Bé ăn hết tô cháo cá trong nháy mắt. Ăn xong, mẹ ghẻ nó chưa kịp dẹp tô, nó lại làm rộn bà ta nữa :
- Ma ! Ma ! Ể...!
Nó đòi đại tiện.
- Nợ.
Hồng rủa nhưng vẫn lo cho nó, vì không lo, nó bậy bạ ra trong quần áo, càng khổ hơn.
Con bé thật là một công việc phiền phức vì nó "ể" xong, lại phải rửa rái, lau chùi cho nó.
Xong đâu đấy, nó trở lên giường mà nằm. Nhưng Toàn đã dậy và đòi cà phê ngay, theo thói quen của chàng khiến Hồng lại phải lấy ly đi rửa. Thật là không hở tay !
Toàn chỉ súc miệng sơ qua chớ không rửa mặt. Thúy đã tập cho chàng thói ấy mà nàng bảo là của Tây, nghĩa là đánh răng trước khi đi ngủ và lúc thức đậy ăn điểm tâm liền.
Chàng uống cà phê do bạn mang về và không ăn gì cả. Đó cũng là thói quen của Thúy. Vừa ăn phở, Hồng vừa căn dặn bạn:
- Bữa nay anh ở nhà chớ đừng đi đâu hết a nha.
- Chi vậy ?
- Anh thật là vô sự, con anh đau, anh không hay à ?
Toàn không dám nói gì nữa hết, sợ lỡ lời mà lòi sự thật ra.
Sự im lặng của chàng, Hồng thấy là một sự mặc nhận và quả Toàn mặc nhận trách nhiệm mà bạn chàng giáo phó cho, bởi không thể từ chối. Hồng dọn quét giặt giỵa xong, trót một tiếng đồng hồ sau mới đi chợ và đi chợ mất một tiếng đồng hồ nữa.
Trong khi đó thì Toàn đọc báo, tờ báo mà Hồng mua một lượt với cà phê, đọc không sót một lời rao vặt, vì không còn bài cho chàng đọc. Đọc xong chàng úp tờ báo lên mặt rồi ngủ khò, vì đêm rồi chàng đã thức.
Hồng đi chợ về, thấy thế kêu trời lên. Hôm nay nàng không ghẻ lạnh với bé Thủy được nữa, một là vì nàng biết nó bịnh, hai là không thể không thương xót một đứa bé không mẹ và gần như không cha.
Sự dại dột trong một phút đã xui nàng điên và nhận lời nuôi nó. Sự dại dột ấy y như là sự tình cờ của số mạng, sự tình cờ đã đặt nó vào đời nàng, nàng không thể không kể đến nó được.
Nàng hạ giỏ ngay trong buồng, bước lại rờ thử trán bé Thủy thì thấy nóng hầm. Ngẩn ngơ, Hồng tự hỏi sao có chuyện lạ lùng như thế, nó đã hết, đã biết thèm ăn, đã ăn cả tô cháo kia mà!
Chợt nàng nhớ ra đã có nghe một người quen, có vẻ thạo về thuốc men tây tàu, giải thích về điều đó: những thứ thuốc thối nhiệt chỉ làm cho nóng lui tạm một vài giờ thôi, rồi đâu trở vào đó cả, chớ không trị được bịnh, và nhiều thứ thuốc gọi là tiêu ban của ta làm bằng chất thối nhiệt của tây, nghĩa là không trị được cái gì vĩnh viễn cả. Công dụng của thuốc thối nhiệt chỉ đẩy lui nóng sốt hầu tránh chứng động kinh.
Bé Thủy nóng trở lại, mà nóng nhiều lắm, và Hồng cũng nhớ ra rằng đã nghe người ấy nói không nên cho uống mãi thuốc thối nhiệt.
Do dự một lát, Hồng mở tủ lấy ra lột chiếc khăn lông thật lớn, và lấy tiền, đoạn lại giường của bé Thủy trùm nó rồi lại ẵm nó lên mà không đánh thức nó.
Nàng lặng lẽ ra cửa gọi tắc xi đi ngay.
Bấy giờ đã gần chín giờ rồi và năm phút sau, xe ngừng lại trước phòng khám bệnh của một ông bác sĩ chuyên trị trẻ em.
Số thẻ của Hồng là 49 và người mẹ đang được gọi ẵm con vào trong khám bệnh mang số 7, nghĩa là nàng còn phải đợi 42 người nữa mới tới phiên nàng.
Ngồi được độ năm phút, Hồng đã muốn điên lên rồi. Trừ bé Thủy đang mê man còn thì đa số trẻ con đứa nào cũng khóc la cả, rùm tai như vỡ chợ. Mấy đứa không khóc, nghe các đứa đang bị tiêm thuốc trong kia thét lên khóc điếng, hoảng quá cũng hét theo.
Các bà mẹ lại họp chợ còn điếc tai hơn trẻ con nữa.
Bà nào cũng kể bịnh con mình cho bà ngồi kế cận nghe, không biết để làm gì, rồi phê bình, rồi tán rộng, tạo nên một không khí điên loạn như ở dưỡng trí đường, Hồng có thể bịt tai lại để không thèm nghe. Nhưng nàng không làm sao cho hết sốt ruột. Phải đợi cho bác sĩ khám 42 đứa trẻ nữa thì có thể hóa đá vọng... bác sĩ mất.
Ông bác sĩ nầy nổi danh khám bịnh tốc hành. Đành là thế. Nhưng tốc hành nào, cũng phải tốn ít lắm là 4 phút với mỗi đứa trẻ, tức nàng phải đợi ba tiếng đồng hồ nữa nghĩa là đúng ngọ mới tới phiên nàng.
Trưa nay, bất quá nàng mua phở cho Toàn và nàng cùng ăn, thịt rau đã trót mua cũng chẳng thiu thúi đi đâu nhưng nàng cứ sốt ruột như lửa đang cháy trong lòng.
Hồng sống bất kể từ một năm ray, nhưng người nội trợ nơi nàng, người ấy đào ngũ và trở về đầu thú hồi nào, nàng không hay. Chính người ấy đã sốt ruột chớ không phải cô Thủy Tiên bán rượu sáng ngủ đến hơn mười giờ rưỡi mới dậy.
Kẻ đầu thú cứ nhớ phận sự của mình ở nhà còn bao nhiêu công việc phải làm, chớ không phải chỉ nấu ăn mà thôi, và cái bữa ăn gồm hai tô phở ấy, nàng nghe sao mà kỳ kỳ, nghĩ rằng đó là bữa ăn của người đờn bà hư hèn phải bị chồng khiển trách.
Người nội trợ không được hưởng trường hợp giảm khinh của tình thế đặc biệt nào cả, có bê bối bao nhiêu cũng phải lo cho tròn hết mọi việc. Mẹ nàng đã dạy nàng như thế, và bao nhiêu người đàn bà đàn ông khác cũng nghĩ như thế, không ai hoài nghi về điểm đó, không ai đặt lại vấn đề lần nào, nên Hồng đã quen thấy đó là sự dĩ nhiên không còn gì để bàn cải, cho đến cái ngày nàng đoạn tuyệt với thiên chức nội trợ, đi bán rượu đêm, ngày ấy nàng không hề nổi loạn vì số phần nội trợ mà đổi đời chỉ vì mất chỗ làm, mất tiền, mất tình mới liều như thế thôi.
Thình lình bé Thủy cựa mình rồi khóc lên.
- Sao đó cưng ? Hồng cúi xuống hỏi nhỏ đứa bé mà nếu ai nghe cũng ngỡ là con đẻ của nàng.
Bé Thủy buồn nôn, và bợn dạ với những dấu hiệu ban đầu, trông giống như bắt đầu làm kinh.
Hồng hoảng hốt kêu lên:
- Bà con ơi, nhường cho con tôi vô trước nó động kinh đây nè !
Nhưng liền đó, bé Thủy nghiêng đầu qua rồi mửa lên đùi nàng. Nó mửa toàn cháo cá mới ăn khi nãy mà cái bụng yếu của nó không tiêu bóa nổi.
Hồng đã hết sợ nhưng rất bực mình và rất nhờm tởm cái chất ăn trộn với vị toan, vàng vàng, xanh xanh, nhờn nhờn, hôi một thứ mùi bắt ta buồn nôn theo con bịnh, nhất là chất ấy dính đầy quần áo của nàng.
Tức thì bao nhiêu bà mẹ ở đây đều bu lại và biến thành bác sĩ hết thảy.
Họ đồng thinh nói :
- Thôi, khỏi vào bác sĩ cho tốn tiền vô ích, cháu nó trúng thực chớ không có gì đâu. Về mua vài đồng bạc thuốc trúng thực cho nó uống là hết liền.
Người mình hay lầm lẫn nguyên nhơn với hậu quả. Bé Thủy nôn mửa vì bịnh, tiêu hóa đồ ăn không được, nhưng họ nghĩ rằng tại sự không tiêu hoá được làm cho nó nóng. Trúng thực, theo họ là trúng đồ ăn, nghĩa là đồ ăn không tiêu, hành nó nóng sốt.
Hồng không tin như vậy nên nhẫn nại mở khăn lông ra lau chùi cho bé Thủy và cho chính nàng rồi gói những cái bẩn thỉu vào tấm khăn lông thật lớn ấy.
Tuy nhiên, họ nói thế mà vẫn nhường cho nàng vào trước và bảy phút sau đó thì nàng ra về được, với sự vững bụng rằng bé Thủy không lâm nguy. Bác sĩ bảo rằng bé mắc đến ba chứng: nóng mọc thêm răng và cảm và ban đỏ. Ban chưa mọc, nhưng rồi sẽ mọc nay mai.
Sốt mọc răng và cảm thì kể như sẽ khỏi trong một vài bữa, ban đỏ có thể dây dưa cả tuần, nhưng nếu săn sóc đúng cách thì cũng không sao cả.
Hồng về tới nhà thì mới có mười một giờ. Toàn cũng thức dậy.
Thấy bạn tỉnh queo Hồng hối thúc:
- Anh chạy đi mua thuốc cho nó mau mau đi.
- Gì nữa đó ?
- Không có gì. Em đưa nó đi bác sĩ, ông ấy nói nó chỉ đau ban đỏ thôi không nguy hiểm, nhưng sợ nó nóng quá, động kinh nên cho mua thuốc ngừa. Chính món thuốc ngừa đó là món cần gắp cho nó uống liền bây giờ thì anh phải chạy. Ổng nói trễ một phút cũng có thể phải hối hận.
Toàn bực mình lắm, nhưng không dám phản đối. Chàng chỉ sợ lòi chành thôi chớ không ngán Hồng chút nào. Nhưng lần nầy bắt đầu hơi ngán.
Chàng đã kinh ngạc mà thấy Hồng săn sóc một đứa bé không phải là con nàng; thấy áo quần ướt của Hồng, nghe cái mùi hôi của thực phẩm tiêu hóa nửa chừng và bị trả ra ngoài, chàng hiểu ngay những gì đã xảy ra dọc đường. Thế mà Hồng xem như không có cái khổ ấy, không kêu than, không nguyền rủa, chỉ thúc giục chàng đi mua thuốc thôi.
Để tỏ thiện chí, Toàn đi bằng tắc xi, về cũng bằng thứ phương tiện ấy cho lẹ, mặc dầu mỗi chuyến, đồng hồ xe chỉ có bốn đồng thôi.
Chàng về nhà thì thấy Hồng đã thay quần áo xong cho nàng và cho bé Thủy. Bé Thủy đòi uống nước và mẹ ghẻ nó dỗ:
- Để ba cho uống nước đường.
Đoạn nàng nói với Toàn :
- Anh khui ve thuốc đó ra cho lẹ đi, rồi coi theo toa mà cho nó uống. Em đi nấu nước đây.
Toàn lặng lẽ soạn thuốc, pha với nước trà đêm rồi đã nguội ngắt, nếm thử nghe ngọt lắm nên rất mừng vì khổ dịch cho trẻ uống thuốc của chàng sẽ dễ dàng.
Chàng khỏi phải dỗ dành gì cả, Bé Thủy thấy nước thì mừng nên tự động lồm cồm ngồi dậy giựt ly thuốc mà uống một hơi ráo nạo, đoạn nằm trở xuống mà lim dim.
Trưa hôm ấy, đến hơn một giờ rưỡi, Toàn mới được ăn cơm. Hồng mệt mỏi quá, nên cứ lặng lẽ mà ăn, vội vàng cho mau xong. Toàn đói quá bữa nên ăn không ngon, thành thử bữa ăn tốc hành được triệt hạ ngay mười phút sau đó.
Hồng thồn tất cả vào gạc-măng-rê rồi đi nằm liền sau khi rờ lại trán của Thủy một lần nữa.
Đêm rồi nàng thức nhiều quá và từ sáng đến giờ nàng làm nhiều quá.
Lúc lim dim, nàng còn cố dặn Toàn:
- Nhớ cho bé uống thuốc bột anh nhé.
Toa bác sĩ cho ba món: 1 món thuốc ngừa động kinh, l thuốc bột, và 1 món nhỏ lỗ mũi và lỗ tai. Hồng đã đưa cả cho Toàn vì nàng bận nấu ăn.
Trưa nay Toàn không ngủ vì vừa mới thức hồi mười một giờ. Chàng nằm đó mà nghĩ nhiều về thái độ của người mẹ ghẻ. Lời dặn cho uống thuốc bột trước khi đi ngủ có tánh cách một cuộc thác cô của kẻ hấp hối gởi gắm đứa con thân yêu lại cho một ngươi có thể tin cậy được.
Bỗng dưng chàng nhớ đến Thúy và không muốn cũng phải làm một cuộc so sánh giữa hai người đàn bà.
Thúy giống loài vịt, đẻ con rồi không còn biết tới con nữa, ngay từ lúc nó còn đang ở chung với nàng. Lúc ấy nàng giao phó cho vú xẩm, làm như không có đẻ bé Thủy bao giờ.
Đành rằng sự mang thai bé Thủy là một tai nạn rủi ro đối với nàng, nhưng đã trót hoài thai nó, tình mẫu tử phải phát sanh ra nơi bà mẹ bất đắc dĩ ấy.
Chàng quay qua nhìn bạn, Hồng đã đỡ xanh mét hơn hôm mới về đây nhiều. Khi sáng, bận quá, nàng không kịp hóa trang, nhưng trông không còn ghê tởm như lúc họ mới sống chung.
Không, Hồng chỉ hao hao giống Thúy, nhưng kém đẹp hơn Thúy rõ rệt. Tuy nhiên gương mặt nàng mang cái gì phúc hậu hơn Thúy nhiều. Thúy không ác, cả trong lòng lẫn ngoài mặt, nhưng cũng không thiện. Thúy là một bộ máy không hồn. Cái phần con người nơi Thúy không có.
Toàn thích người ác hơn. Người ác nhiều nhân dục, hay giận, hay căm thù, cố oán nhưng vẫn mang tình người, vẫn người hơn là kẻ không công phạt như Thúy, không ghét ai, nhưng cũng chẳng thương ai.
Khi Hồng nhận nuôi bé Thuỷ, Toàn đoán chừng Hồng ghét Thúy lắm nên quyết trả thù. Bà mẹ ghẻ nầy sẽ ngắt, sẽ véo, sẽ đánh đập con bé cho đã mối hận của kẻ đến sau.
Nhưng chàng không lo sợ, không sốt ruột, bởi bé Thủy không phải là con chàng. Miễn nó còn sống và nằm trong tay chàng để chàng làm tiền ông Toàn là đủ rồi. Ừ, nó sẽ sống vì Hồng có ác bao nhiêu cũng không dám gây án mạng.
Chàng quên mất rằng bé Thủy không bị ngược đãi, vẫn có thể chết như thường với những chứng bịnh trẻ con nó thường mang sang bên kia thế giới một số lớn trẻ sơ sinh từ một đến năm sáu tuổi.
Nuôi con người không dễ dàng quá như nuôi heo, nhưng heo kia mà còn chết yểu huống chi người ! Trận đau đầu tiên của bé Thủy làm chàng đâm sợ mất khí giới đối với ông Thành và sự tận tâm cửa Hồng giúp chàng an dạ được.
Và qua bao nhiêu nghĩ ngợi ấy, sự ngạc nhiên về thái độ của Hồng cứ trồi lên :
- Ác ý gì ẩn sau sự giả vờ tận tâm của Hồng ?
Toàn băn khoăn tự hỏi như vậy và không đáp được.
Chàng lo, nhưng không rõ mối nguy để mà ngừa. Chàng không thế nào tin được người ta có thể thương mến con của một kẻ tình địch.
Đành rằng Thúy như không còn nữa, nhưng bé Thủy lại luôn luôn nhắc nhở người mỹ nhơn mà chàng đã dâng cả tấm lòng chàng và chỉ chừa lại cho Hồng cái cặn không mà thôi. Ừ, Thúy là một tình địch tuy vắng mặt, có thể không bao giờ hiện ra nữa, nhưng vẫn đáng căm thù.
Toàn quá bữa thì ăn không được, mà quá giấc cũng ngủ không được. Nhưng hôm nay chàng nghe dễ chịu lạ. Chàng đã nghĩ ngợi, đã thắc mắc chớ không trống rỗng như trước nữa.
Người ta bảo có hai hạng người khổ sở nhứt đời: một hạng chán chê tất cả, không nghĩ về cái gì được nữa hết bởi đã nghĩ quá nhiều, hạng thứ nhì là hạng không tham vọng lớn, mà cũng không thủ phận, chỉ ham sắm được một đôi giày tốt, một chiếc xì cút tơ mới, ăn được một bữa ăn ngon. Hạng sau nầy, khi có tham vọng nho nhỏ được thỏa mãn thì đầu trống rỗng một cách nan y, chớ hạng trước xem nặng hơn mà còn trị được.
Toàn thuộc vào hạng người thứ nhứt và có lẽ bắt đầu lành bịnh chăng ? Nếu thế thì sự mỉa mai đáng buồn cười quá. Chàng lành bịnh nhờ cơn đau ốm của bé Thủy !
Chàng nghĩ ngợi và rất mừng mà nghĩ ngợi được, và ngạc nhiên mà nghe có người than phiền rằng chỉ muốn rảnh trí, khỏi nghĩ ngợi gì cả.
Trí óc con người giống như một căn buồng, không có đồ đạc trang hoàng, căn buồng sẽ lạnh lẽo và không còn "lẽ có" trên đời nữa.
Bỗng chàng ngứa cổ và ho lên một tiếng. Thình lình Hồng ngốc dậy và hoảng hốt hỏi :
- Gì đó ? Gì đó ?
Chàng chưa kịp đáp thì bà mẹ ghẻ kỳ dị nầy đã vụt ngồi dậy, bò qua mình chàng, tuột xuống giường thật lẹ và chạy chơn không qua bên giường bé Thủy, khiến Toàn càng ngạc nhiên hơn.
Chàng không sao hiểu được rằng Hồng chưa thương bé Thủy như con, nhưng bản năng làm mẹ của người đàn bà nầy đã chồi dậy và nàng ngủ mà tiềm thức cứ còn thức và chực chờ một sự báo động để có mặt ngay trước phận sự làm mẹ, một cách máy móc.
Bản năng làm mẹ ấy, nàng thừa hưởng của hằng mấy triệu thế hệ người rồi, y như muôn triệu người đàn bà tốt khác, trừ vài người bản năng ấy bị diệt đi vì lẽ gì đó, như nơi Thúy, thì không kể.
Bé Thủy toát mồ hôi dầm dề, ướt cả quần áo và nhờ thế cơn sốt đã hạ. Chắc lão bác sĩ cũng đã cho thuốc thối nhiệt, thứ thuốc bột khi sáng.
Nàng nhớ lão ta có căn dặn rất gắt về vụ ướt áo sẽ có. Phải lau ngực, lau lưng nó và thay áo khô nó ngay kẻo nó biến chứng thành sưng phổi thì khó lòng.
Đêm rồi, bé Thủy sau khi uống "Tiêu ban tán" cũng đã xuất hạn như vậy và nàng cũng săn sóc như vậy nhưng vì khó chịu mà làm thế, vô ý thức và vô tình mà đúng.
Giờ nàng tái diễn lại lối săn sóc đó, nhưng với tin tưởng nhiều hơn, nhờ ý thức.
Bé Thủy giựt mình thức đậy và đòi uống nước, đòi ăn. Bấy giờ Hồng mới nhớ nồi cháo nấu ninh, sau khi làm cơm, chắc đã nhừ thành nước. Bác sĩ bảo nó ăn cơm không tiêu thì cho ăn cháo nhừ với sữa, nhẹ tiêu hơn.
- Má, ùm !
- Ừ, ùm cháo nghen cưng.
Thay y phục cho bé xong, Hồng đi lấy cháo. Gạo cháo đã biến thành nước thật rồi, vì đã sôi không biết mấy mươi dạo.
Hồng múc một chén, rót sữa đặc vào rồi dùng muỗng mà đánh. Lâu thật lâu, chén cháo mới nguội. Lần nầy bà mẹ ghẻ cũng không bố thí cho đứa bé chưa biết ăn gọn gàng chén cháo mà nó sẽ làm đổ tháo tùm lum như bao lần rồi, mà chính tay bà đút cho nó ăn.
Bé Thủy đói lắm, hả miệng như chim con trong ổ, nhưng ăn có mấy muỗng rồi thôi.
- Sao vậy cưng ?
Nó lắc đầu rồi khóc chớ không đáp được.
Hồng ngạc nhiên, suy nghĩ một lát rồi chợt nhớ ra những cơn đau ốm của nàng thuở bé, nàng hôi miệng lắm, không ăn uống gì được. Chắc giờ nó cũng thế, chớ không có gì lạ.
Khám phá được duyên cớ sự chê cháo của Thủy, Hồng dẹp chén rồi để áo ngắn như vậy, ra khỏi nhà. Giây lát sau, nàng trở về với xí mụi, ô môi, cà na, mua ở hiệu thuốc Bắc trong xóm, những quà mà hôi miệng đến đâu người bịnh ăn cũng được, nhứt là ăn rồi thì bớt hôi miệng phần nào.
Lần nầy bé Thủy hoan nghinh lắm.
Đêm đó bé lại bị sốt nhiều hơn đêm rồi nữa. Mặc dầu đã có thuốc ngừa chứng động kinh. Hồng vẫn sợ và treo mùng giữa hai giường để ngủ trên gạch với Thủy vì giường nhỏ của nó nàng nằm chung với nó không đủ chỗ, nhứt là ngắn quá.
Nó không nóng suốt đêm, nhưng chính vì thế mà Hồng không ngủ được. Cứ vài giờ nó lại mê sảng khóc thét lên, thế là nàng giựt mình, rồi sau đó thì nó đổ mồ hôi dầm dề, lại phải lau mình cho nó và thay áo cho nó.
Cơn sốt của nó lại dịu được độ một tiếng đồng hồ sau trận xuất hạn để rồi nhiệt độ trở lên lại như cũ, cứ như vậy từ đầu hôm tới sáng.
Sáng ra, Toàn thức hồi nào không rõ, ra đi lúc nào không hay. Hôm nay chàng không muốn bị Hồng sai vặt nữa và nhứt định là cố tránh bị cầm tù ở nhà.
Ngồi trong hiệu ăn, giấc sáng đông khách và ồn ào, Toàn lại không biết tới không khí bên ngoài, vì chàng bận nghĩ ngợi nhiều về sự bấp bênh của cái mỏ vàng.
Bé Thủy có thể chết. Đó là điều chắc chắn đến tám mươi phần trăm. Và nếu sự rủi ro ấy xảy ra, thì chàng
không còn gì trong tay cả.
Loại khí giới bở như bé Thủy, chỉ dùng được một vài lần thôi và nên tận dụng nó lần chót, kẻo không còn mà dùng nữa.
Chàng suy luận rất có mạch lạc và rất khoa học và đi đến cái kết luận cuối cùng ấy. Giờ chỉ còn tìm cách tận dụng con bé lần cuối cùng thôi.
Tận dụng lần cuối cùng là thế nào ? Đó là bài toán bể đầu mà chàng ngồi trong hiệu ăn nầy hằng giờ để tìm giải lý, và hai tiếng đồng hồ sau đó, chàng tìm được.
Nhưng không thể vội. Bé Thủy đang đau ốm, không hành động được đâu. Vái trời cho nó khỏi. Lần đầu tiên người cha giả hiệu nầy tha thiết mong cho đứa con mà hắn bắt cóc, chóng lành bịnh, đứa con đã làm chàng bực mình mấy hôm nay.
Các bà nuôi heo ở thôn quê cũng thế. Con heo là cả sự sản của các bà. Các bà cũng thuốc thang, cũng cúng vái mỗi lần heo bịnh, các bà cũng cuồng lên khi heo bỏ ăn, lo còn hơn con cháu của các bà đau ốm nữa.
Hôm ấy Hồng không có đi chợ. Nàng ngủ quên và dậy trưa trờ trưa trật. Xem lại thì thấy mặt mày tay chơn của Bé Thủy nổi mụt nhỏ và đỏ có dề.
Theo tin tưởng của ta, ban là nguyên nhơn của nóng sốt, nên hễ ban mọc là ta mừng. Hồng cũng thế, chớ không dè nguyên nhơn là cái khác.
Nàng mừng nhưng thấy bé Thủy sốt nhiều nên không yên dạ nên lại ẵm nó đến ông bác sĩ hôm qua.
Lần nầy ông thầy thuốc ấy căn đặn nhiều điều lạ tai mà Hồng chỉ mới nghe lần đầu đây thôi.
Ông ta nói: "Tôi cho thuốc nhỏ con mắt, lỗ tai và lỗ mũi nó, vì ba nơi đó ban mọc nhiều, hay sanh biến chứng cho ba cơ quan mong manh ấy. Lại phải coi chừng nó lạnh ngực vì đổ mồ hôi. Hơi thở của nó bữa nay bất thường, tôi sợ nó sưng phổi.
Hồng lo lắng hỏi:
- Nếu sưng phổi thì có sao không ông ?
- Thì bịnh sẽ nặng thêm, và phải ẵm nó trở lại đây ngay chớ sao.
Hồng thối chí quá. Nàng ngỡ khổ dịch đã hết với sự xuất hiện của ban đỏ, không dè còn nhiều hậu quả, nhiều biến chứng rắc rối nữa có thể xảy ra, và sẽ hành xác nàng nữa.
- Liệu nó sưng phổi hay không ông ?
- Rất có thể, vì như đã nói, hơi thở của nó không được như thường, tiếng phổi nghe khác lạ hơn hôm qua. Nếu không việc gì thì đêm nay nó hết sốt, hoặc bớt sốt. Nhưng nếu tự nhiên mà nó sốt trở lại, và sốt dữ dội thì tức là sưng phổi rồi đó.
Hồng nhẫn nại ẵm con ghẻ ra khỏi phòng khám bịnh, nhưng không về nhà ngay. Nàng phải ghé nhà thuốc mua thuốc mới vì Toàn đã trốn mất thì không mong nhờ cậy hắn nữa.
Nàng lại phải ghé tiệm thịt quay mua vài mươi đồng để ăn cơm, vì không đi chợ được.
Nàng nghĩ tới bữa ăn một cách tự nhiên, xem đó là bổn phận thiêng liêng, không tránh được mặc dầu bận gì đi nữa.
Bản năng nội trợ đi đôi với bản năng làm mẹ nơi người người thiếu phụ nầy mà ngày trước đã được chuẩn bị để làm vợ, làm mẹ chớ không phải để bán rượu ban đêm.
Nàng làm nội trợ một cách máy móc, không nghĩ rằng đó là nhiệm vụ, nhưng cứ làm. Nàng làm mẹ cũng máy móc, nhứt là làm mẹ của một đứa con giả, máy móc y như con gà ấp trứng vịt và nuôi con vịt con.
Sự chuẩn bị lâu năm do nếp nhà, quan trọng hơn là bài học công dân nào cả. Biết nhờ thói quen, vững hơn biết vì ý thức.
Các chà thương điên trên thế giới ngày nay đều áp dụng một trị liệu mới phát minh: công tác trị liệu; ai biết nghề gì cứ tiếp tục làm nghề nấy và sự hoạt động giúp họ mau lành bịnh lắm. Và kỳ lạ thay, họ làm rất giỏi, y như họ là người lành mạnh, mặc dầu họ không còn ý thức nữa, và chính những con bịnh đã vừa khỏi lại làm dở vì họ ý thức và chợt thấy họ làm việc mà không sanh lợi nên nản chí.
Nếu Hồng ý thức, nàng đã không nuôi con của kẻ khác một cách khá chu đáo như thế nầy.
Đã bảo Hồng là con gà mái, nuôi con vịt một cách máy móc theo bản năng và theo tinh thần đã được nếp nhà chuẩn bị sẵn.
Và như con gà mái, nàng thương con vịt con tên là Thủy, nhứt là bắt đầu từ ngày nàng phải chịu khổ hạnh với nó.
Quả như đúng lời tiên liệu và sự báo động của ông bác sĩ ấy, bé Thủy bị sưng phổi. Suốt bảy ngày đêm, Hồng không ngớt tay với những săn sóc cần thiết theo lời thầy thuốc chỉ dạy mà nếu thiếu con bịnh tí hon khó lòng sống sót.
Toàn vẫn có phụ giúp bạn, nhưng chàng thụ động, chỉ thi hành những lời sai vặt của Hồng thôi. Hồng phải thức và nhứt là phải lo, hai điều nầy căng thẳng thần kinh
nàng và khiến nàng mệt nhọc không tả được.
Có thể nói rằng bé Thủy mê sảng suốt ngày đêm, và những lúc ngắn ngủi mà nó tỉnh, nó ôm chặt nàng mà khóc.
Ý thức mờ mịt của trẻ thơ vẫn cho nó biết cái ghê sợ của sự chết và bản năng tự tồn xui bám vào sự sống mà nguồn của sự sống của nó là người đàn bà nầy.
Nó nhìn nàng, không nói gì, nhưng Hồng như thấy được, như nghe được van lơn cầu khẩn của nó xin nàng cứu mạng cho. Nàng thương xót con bé quá và lần đầu tiên, người mẹ ghẻ nầy cúi xuống hôn con vật có linh hồn và gởi linh hồn vào nàng.
Được cái là ba hôm sau ngày sốt dữ, bịnh lui, nhờ công hiệu của thuốc.
Bé Thủy đã hết mê sảng. Nhưng nó lại bắt đầu nhõng nhẽo và hành mẹ. Trẻ con thường thì như vậy, chúng chỉ khó tánh lúc vừa khỏi chớ không phải trong cơn bịnh, vì bấy giờ chúng đuối sức vì mệt mỏi vô cùng, biết bứt rứt, biết khổ sở vì hậu quả của thời mà cơn bịnh hoành hành, trong thời đó, chúng mê man không còn biết gì nữa.
Thành thử sau ba ngày bé Thủy bị bịnh hành, Hồng còn ít khổ hơn là trong bốn ngày mà bịnh lui.
Một tuần lễ kinh khủng ! Nhưng qua khỏi tuần lễ ấy, Hồng nghe Thủy là con của nàng.
Nàng giống một kẻ tiên phuông đã khai khẩn đất hoang một cách tự lực và mặc dầu chủ quyền của va trên miếng đất ấy không được chính quyền nào nhìn nhận cả, hắn vẫn nghe rằng hắn có quyền, quyền của kẻ đổ mồ hôi nước mắt để biến hoang địa ra đất phì nhiêu.
Và hắn thương yêu mảnh đất ấy còn hơn là mảnh đất chôn cha hắn nữa, bởi đó là công trình lớn của hắn, y như là một cuộc mang nặng đẻ đau.
Qua ngày thứ tám thì Hồng bắt đầu thở được. Suốt một tuần lễ, nhà chỉ ăn mì và hủ tiếu, Toàn thỉnh thoảng đi ra ngoài ăn gì không biết và những lần ấy, Hồng không biết gởi con cho ai, nên cũng chẳng có hủ tiếu để đỡ dạ.
Nàng nghĩ ngay đến phận sự nội trợ nhưng đã đuối sức rồi nên nàng chỉ ngủ. Bé Thủy đã ngồi dậy chơi với mấy đứa em búp bê của nó mà nó phải xa hổm nay.
Hồng ngủ được bốn giấc dài trong hăm bốn tiếng đồng hồ, và nhờ sức khoẻ dồi dào nên sau đó, nàng tươi tỉnh trở lại như thường.
Nàng đi chợ, nấu ăn, nhưng Toàn không về. Đợi cơm trưa mãi, Hồng bực mình đâm cáu, rồi hai mẹ con ăn chung với nhau ngay trên gạch.
Một tuần lễ nay, Hồng không có đọc báo. Cái tiểu thuyết trinh thám mà nàng đang mê, nàng phải bỏ dỡ chừng. Ăn cơm trưa xong, nàng không nghe buồn ngủ nên ra buồng ngoài lục báo cũ để xem những kỳ hụt xem.
Tám ngày đã qua, mà báo cũ chỉ còn có năm tờ thôi. Truyện trinh thám mà đọc thiếu một vài kỳ thì còn mùi vị gì nữa.
Thế nên Hồng mở hết các hộc tủ ra xem Toàn có bỏ bậy đâu đó những số báo thiếu hay không.
Một xấp giấy tập học trò mang đầy chữ viết của Toàn khiến nàng chủ ý. Nàng cầm lên đọc thì ra đó là những bức thơ, hay nói cho đúng ra, đó là một bức thơ, viết đi viết lại năm bảy lần và bức cuối cùng, vẫn bị sửa lung tung, ắt hẳn sẽ được chép lại sạch sẽ lần chót, nhưng chưa chép.
Thơ gởi cho ông Thành nào đó, chớ không phải cho gái. Tuy nhiên, tò mò Hồng cũng cầm lên đọc thử.
Kính gởi ông Thành
Tôi kính thơ nầy cho ông mà không viết bằng máy đánh chữ vì tôi không sợ ông dùng tuồng chữ của chính tôi, làm bằng cớ để đi thưa tôi.
Tôi tin chắc rằng ông sợ vụ ấy đổ bể ra lắm thì cho dầu uất ức bao nhiêu, ông cũng sẽ cắn răng mà chịu, còn hơn là để bà Thành đay nghiến ông suốt đời.
Vả lại lần nầy, tôi xử đẹp với ông chớ không chọc giận ông mà phải sợ ông liều.
Chuyện như thế nầy: tôi dùng con bé Thủy mà tống tiền ông mãi tôi cũng thẹn, và cũng thương ông tốn tiền.
Vậy tôi đề nghị một giải pháp rất lợi cho ông là tôi trả bé Thuỷ cho ông, trả vĩnh viễn, nếu ông chịu cho tôi một số tiền bằng ba lần số lần mà ông cho tôi mỗi kỳ.
Ông có thấy là rẻ lắm hay không ? Ông chỉ tốn có một lần nữa thôi, lần chót, tuy bằng ba lần thường, nhưng vẫn ít hơn ba trăm lần. Có phải thế không ông ?
Tôi không thể gạt gẫm ông được vì tôi lấy tiền sau chớ không phải nhận tiền trước mà ông lo.
Tôi dám chịu yếu thế như vậy vì tôi biết rằng giao bé Thủy xong, vẫn không êm, nếu ông phản bội tôi.
Giờ còn vấn đê nầy, có vẻ rắc rối cho ông, nhưng tôi cũng đã nghĩ cách giải quyết ổn thỏa. Là ông sẽ không biết làm sao với đứa con ruột của ông mà ông rất sợ bà biết.
Nhưng dễ lắm ông à ! Tôi sẽ giao nó cho ông nơi quãng đường vắng, rồi ông đi trình cò bót rằng ông bắt gặp nó giữa đường.
Ông xin gởi nó ở viện Dục Anh đợi cha mẹ nó đến lãnh. Cố nhiên là sẽ không có ai tới lãnh cả.
Sau một thời gian mà pháp luật đã qui định, nhà nước sẽ giao cho viện mồ côi ấy nuôi luôn.
Nếu ông thương nó, ông sẽ tặng tiền viện Dục Anh để xin bảo trợ nó và nó sẽ sung sướng hơn các đứa trẻ khác mà vẫn không làm bận lòng ông.
Như thế, tôi không còn khí giới trong tay để ông phải sợ tôi mà ông cũng không khỏi mang cục nợ trong người.
Mong ông cứu xét thơ nầy với tinh thần biết rộng rãi để khỏi phải hận.
TOÀN
Hồng bước từ kinh ngạc nầy sang kinh ngạc khác và đọc xong thơ, nàng run lên vì giận.
Thì ra bé Thủy không phải là con của Toàn và Toàn chỉ là một gã lưu manh. Hắn chợt nghĩ rằng bé Thủy có thể chết và vì thế không tống tiền ông Thành nào đó được nữa nên định bán nó một lần, kẻo không còn mà lợi dụng lâu dài nữa.
Nàng cất thơ trở vào tủ, toan gom góp áo quần để ra đi thì gã lưu manh bị lột mặt nạ vừa về đến nơi.
Trong một cử chỉ máy móc, nàng hành động theo bản năng là chạy lại ẵm bé Thủy và ôm chặt nó vào người nàng, mặt nộ khí xung thiên, nhìn lườm lườm Toàn bằng đôi mắt khiêu khích và thầm nói rõ to lên rằng nàng sẵn sàng liều.
- Em không ngủ trưa à ? Toàn hỏi.
Hồng lặng thinh không đáp và ngồi xuống chiếu. Người ngồi trì nặng được và rất khó mà làm gì được y. Hồng biết điều đó nên thủ thế như vậy.
- Hồng nè ! Công em nhiều lắm, anh định thưởng em nay mai gì đây. Anh sẽ có tiền ngay chiều hôm nay và mai anh sắm nữ trang cho em.
Hồng vẫn lặng thinh một cách khó hiểu, vẫn khiêu khích, vẫn cương quyết đương đầu và vẫn ôm chặt bé Thủy mặc dầu nó bực bội vùng vẫy muốn thoát.
Toàn ngạc nhiên nhìn bạn trân trối rồi gọi khẽ :
- Hồng ! Em sao vậy ? Em mệt mỏi quá rồi hờn anh hả ? Anh biết công em lắm mà và sẽ thưởng công em như anh vừa nói.
Hơn thế, từ đây em khỏi phải cực nhọc vì bé Thủy nữa. Anh đã tìm được vú nuôi nó rồi, anh về để đưa nó đi đây.
- Đừng mong, Hồng vụt hét lớn lên, khiến bé Thủy giựt mình, ôm nàng chặt cứng. Đừng mong đem con bé nầy cho ai cả. Nó là con của tôi. Tôi nói cho anh biết, anh không có quyền rờ tời nó nữa và nếu anh dùng sức mạnh, tôi sẽ liều hoặc sẽ kêu cứu.
Toàn rụng rời chợt hiểu rằng Hồng đã khám phá ra sự thật do sự bất cẩn của chàng, chàng đã chép lại sạch sẽ bức thơ, đã gởi đi, đã gặp mặt ông Thành trong một buổi hẹn, nhưng cứ quên thiêu hủy mấy tờ nháp.
Chàng không sợ bi lật tẩy. Bị Hồng đá đít tống cổ ra khỏi nhà, chàng không đau như bị Thúy phụ bạc. Hồng chỉ là một cái quán bên đường mà chàng mượn tạm ghé đụt mưa, uống một tách cà phê đen cho qua buổi vậy thôi.
Nhưng kỳ lạ quá, Hồng nó không làm gì chàng hết mà chỉ quyết giữ đứa bé thôi.
Một tia sáng bỗng loé ra nơi trí chàng : hay là Hồng muốn thay cho chàng để vĩnh viễn tống tiền ông Thành ?
Chàng cười lên ha hả, cười vui thật tình và cũng rất mỉa mai :
- Ngộ quá ! Cáo gặp cáo. Hồng à ! Ta thật là tâm đầu ý hiệp với nhau, ta phải kết nghĩa vợ chồng đến bạc đầu mới được. Nhưng vô ích em à. Em đâu có biết tên nguyên vẹn và địa chỉ của ông Thành để mà thay anh làm kẻ khảo bạc ông ta.
Bé Thủy lại có thể lăn đùng ra mà chết bất cứ lúc nào, như em vừa có dịp thấy. Chính cơn bịnh của nó làm cho anh chợt nhận ra rằng nó là con gà đẻ trứng vàng và là gà, số phận nó rất mong manh. Vậy để anh giao nó lại cho cha nó là lợi cho mọi người mà em cũng đỡ cực. Anh hứa chắc sẽ thưởng em rất xứng công.
Hồng cũng cười dòn lên, nhưng mười lần mai mỉa hơn sự mai mỉa trong cái cười của Toàn.
- Anh ngỡ tôi cũng một ca líp với anh hả ? Anh 1ầm to. Tôi làm bằng một thứ thép khác hơn thép của anh, tôi sẽ dám chết liền ngay tại đây nếu anh giở trò cường bạo mà giựt bé Thủy.
- Nhưng có đáng giá hay không chớ ? Đời đẹp lắm mà, liều chết làm gì cho uổng mạng. Đời đẹp và nhứt là em đẹp. Nếu không thích ăn đời ở kiếp với anh thì rồi cũng sẽ gặp một thằng triệu phú ngốc nào đó nó bao em. Sá gì mấy ngàn đồng bạc mỗi tháng mà ông Thành ổng bố thí cho, nói thí dụ là em biết lão ấy ở đâu đi nữa, và nói thí dụ là bé Thủy sẽ sống mãi và bà Thành sẽ sống mãi để ông Thành phải sợ đổ bể rồi bị vợ làm tình làm tội.
Sở dĩ anh phải làm thế, chỉ vì...
- Ừ, tại sao anh lại làm thế. Anh có vó thầy bà, tôi cứ ngỡ anh là con người có học, có giáo dục, có lương tâm, không ngờ...
- Đừng, đừng hỏi tại sao mà anh đã làm thế. Không hỏi, nhưng rồi ngày kia em sẽ rõ. Có không biết bao nhiêu là nguyên động lực bất ngờ nó trùng phùng kỳ lạ để hướng dẫn hành động và thái độ của mỗi người. Rồi em sẽ biết đời hơn và sẽ tự nhiên mà hiểu cả, giờ chỉ nên nhìn vào thực tế, là em không nên ngoan cố vô ích. Anh hứa chắc là em sẽ có tiền.
Hồng lại cười dòn, khinh bỉ :
- Anh tiếp tục lầm và lầm to. Không, tôi là con người, và là con người, tôi trọng con người, không thể để cho con người bán đứng một con người.
Vả, tôi đã thương mến bé Thủy rồi tôi xem nó là con tôi, không ai được rớ tới nó hết.
- Em thương bé Thủy ? Có thật hay không ?
- Anh không cần biết. Tôi có hỏi anh địa chỉ của ông Thành đâu mà anh ngỡ tôi lợi dụng nó.
Toàn trố mắt nhìn bạn, trong khi hai mẹ con ôm chặt lấy nhau. Nàng cúi xuống hôn lên tóc con và nó ngước lên hôn má nàng.
- Hồng nè ! Em thương bé Thủy thật à ? Tại sao em lại thương nó ?
- Đừng hỏi tại sao. Tôi không biết cắt nghĩa, nhưng lòng tôi nghe như vậy.
- Em.
Toàn bước tới vịn lấy vai bạn rồi giọng run run, chàng nói:
- Nếu quả thật thế thì anh để nó lại cho em và anh sẽ cưới em làm vợ. Em vừa nhắc anh nhớ rằng trên đời nầy vẫn còn con người và anh thấy rằng anh phải trở lại làm con người.
Chàng cúi xuống hôn lên tóc bạn và mũi chàng bị đầu Hồng chạm mạnh: trong một cái nức nở, đầu của người mẹ ghẻ nầy bị sự giựt gân đẩy lên.
Toàn ôm lấy bạn vả cả ba lặng im trong gian nhà hẹp.
Tia Sáng
1965
Vài từ ngữ thời nay ít được dùng:
tuột đít (tourne disque : máy hát dĩa)
Súp de (chaudière : bồn nấu hơi nước)
Súp báp (hay xúp báp, soupape : nắp đóng mở. Ngày nay người Việt thường dùng phiên âm chữ valve (tiếng Mỹ) có gốc la tinh (valva) : van thay cho chữ xúp báp. Điều nầy gây sự lầm lẫn với chữ van của Pháp do dịch âm của chữ vanne, và valve (tiếng Pháp) cũng có nghĩa là nắp đóng mở nhưng dùng khác nghĩa với xúp báp).
Phin (filtre : khung giấy lọc)
ca bô (capot : 1. nắp buồng máy, 2. mui xe)
cút xết (couchette: giường nằm nhỏ trên toa xe lửa)
gạc-măng-rê (garde-manger: tủ đồ ăn, tủ bếp)
dơ tông (jeton: thẻ tiền)
bớ-tí-bơ (petit beurre: tên một loại bánh nướng, làm bằng bột trộn mỡ sữa)
HẾT