Lời giới thiệu
Tác giả: Bình Nguyên Lộc
Bình Nguyên Lộc ở vào số không nhiều những nhà văn Nam Bộ thuần chất, cùng với Hồ Biểu Chánh, Lý Văn Sâm, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức…Trên dòng sông cuộc đời, Bình Nguyên Lộc đã buông chiếc neo vào tâm khảm nhiều người. Chiếc neo ấy là hàng trăm tác phẩm ông đã viết chân thành, tha thiết.
Một người bạn viết thân thiết của Bình Nguyên Lộc, nhà văn Sơn Nam, giải thích: “bình nguyên” là cánh đồng; “lộc” là nai, “Bình Nguyên Lộc” nghĩa là Đồng Nai. Bước vào con đường văn chương, nhà văn lấy tên quê hương, nơi chôn rau cắt rún của mình làm bút danh. Việc ấy, hẳn đã gợi ít nhiều tâm tình, tư tưởng Bình Nguyên Lộc: suốt đời gắn bó với đất nước, Nam Bộ mến thương, mà Biên Hòa, Đồng Nai là những nơi chốn cụ thể.
Nhà văn Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh ngày 7.3.1914 tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Mỹ Trung, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.)
Bình Nguyên Lộc là một trong số ít các cây bút thời bấy giờ được học hành đến nơi đến chốn (đỗ Tú tài niên khóa 1933-1934). Gặp lúc kinh tế khó khăn, Bình Nguyên Lộc đi làm nhân viên Kho bạc Sài Gòn và bắt đầu sáng tác văn chương, cộng tác với các báo: Tín Điển, Sài Gòn, Dân Báo…Dương Tử Giang là người bạn thân. Rồi Bình Nguyên Lộc cộng tác với báo Thanh Niên của nhóm Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ.
Sau Cách mạng tháng Tám, Bình Nguyên Lộc về quê, làm cán bộ tuyên truyền của huyện Tân Uyên, là thành viên Hội Văn hóa Cứu quốc tỉnh Biên Hòa.
Từ năm 1950 trở đi, Bình Nguyên Lộc sống tại Sài Gòn, viết báo, viết văn chuyên nghiệp, không làm công chức cho chế độ thực dân. Năm 1952, Bình Nguyên Lộc chủ trương tuần báo Vui sống, Tin Sớm; năm 1956, cùng các bạn hữu cho ra đời nhà xuất bản Bến Nghé để chuyên xuất bản những tác phẩm lành mạnh, mang đậm sắc thái Nam Bộ, nhằm khơi gợi hào khí Đồng Nai khi xưa.
Sau năm 1975, Bình Nguyên Lộc ở lại Sài Gòn, nhưng sau đó lâm bệnh nặng phải sang Mỹ theo sự bảo lãnh của con. Bình Nguyên Lộc mất nơi xứ người, ngày 7 tháng 3 năm 1987, cùng ngày tháng với năm sinh.
Bình Nguyên Lộc xuất hiện trên văn đàn muộn, vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, lại viết chưa nhiều. Nhưng từ đó về sau, Bình Nguyên Lộc là một trong những nhà văn có khối lượng tác phẩm đồ sộ nhất ở miền Nam, trên nhiều lĩnh vực.
- Về truyện ngắn, có các tập: Nhốt gió (Nxb Thời Thế, 1950), Ký Thác (Bến Nghé, 1960), Mưa thu nhớ tằm (Phù sa, 1965), Tâm trạng hồng (Sống vui, 1963), Tình đất (Tia sáng, 1966), Nụ cười, nước mắt học trò (Miền Nam, 1967), Cuống rún chưa lìa (Lá bối, 1969) Gieo gió gặt bão (Bến Nghé, 1959), Tân liêu trai (Bến Nghé, 1959), Nhện chờ mối ai (Nam Cường, 1962), Nửa đêm trảng sụp (Nam Cường, 1963), Mối tình cuối cùng (Thế Kỷ, 1963), Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương (Thế Kỷ, 1963), Hoa hậu bổ đào (Sống Vui, 1963), Bóng ai qua ngoài song cửa (Thế Kỷ, 1963), Bí mật của nàng (Thế Kỷ, 1963), Xô ngã bức tường rêu (Sống mới, 1963), Đừng hỏi tại sao (Tia Sáng, 1965), Quán Tai heo (Văn Xương, 1967), Uống lộn thuốc tiên (Miền Nam, 1967), Một chàng hai nàng (Thụy Hương, 1967), Trăm nhớ ngàn thương (Miền Nam, 1967), Diễm Phượng (Thụy Hương, 1967),…
Ngoài ra, Bình Nguyên Lộc còn viết nhiều tác phẩm về ngôn ngữ học, dân tộc học, nghiên cứu văn học, sáng tác thơ, sưu tầm văn hóa dân gian. Tiêu biểu là các tác phẩm: Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (Bách Khoa, 1971), Lột trần Việt ngữ (Nguồn xưa, 1972), Tự vựng đối chiếu 10 ngàn từ (1971)….
Sáng tác đầu tay của Bình Nguyên Lộc là truyện ngắn Câu dầm được một người bạn gửi cho hai nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận, lúc bấy giờ đang ở Sài Gòn. Hai thi sĩ nổi danh của phong trào Thơ Mới rất tán thưởng, đã đưa đăng báo Thanh niên vào năm 1942. Truyện ngắn Câu dầm sau được tác giả đưa vào tập Hương gió Đồng Nai. Rất tiếc, tập bản thảo này, gồm nhiều truyện ngắn và tùy bút, đã bị thất lạc hầu hết khi quân Pháp đánh chiếm quê hương ông, huyện Tân Uyên. Trước và sau năm 1945, Bình Nguyên Lộc còn dành nhiều tâm huyết để sưu tập hàng ngàn câu ca dao, dân ca trong công trình rất công phu: Thổ ngơi Đồng Nai.
Tác phẩm đáng chú ý nhất của Bình Nguyên Lộc những năm kháng chiến chống thực dân Pháp là tập Nhốt gió (Nxb. Thời Thế, 1950), gồm 13 truyện ngắn, được giới cầm bút thời bấy giờ rất hoan nghênh. Truyện ngắn Không trốn nữa kể chuyện một gia đình bác sỹ tản cư, toan trốn về thành vì thèm nhớ những mùi vị quen thuộc của phố phường: những miếng đường, miếng mỡ, món thịt ram cuốn bánh tráng….“Nhốt gió” là một ẩn dụ nghệ thuật về hành động của thực dân Pháp đối với Việt Nam “khi toan nhốt phong trào lớn của dân ta chống ngoại xâm”, nhưng “gió là giông tố cách mạng chẳng ai nhốt lại được” (Sơn Nam, Nhớ Bình Nguyên Lộc, Báo Lao Động Chủ nhật ngày 26.5.1991 và Bình Nguyên Lộc với rừng mắm, Văn Nghệ đặc san, số 6.1992).
Trong hơn 20 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở vùng tạm chiếm, Bình Nguyên Lộc vẫn viết rất sung sức. Ở lĩnh vực sáng tác văn học, Bình Nguyên Lộc nổi tiếng là người viết nhiều và nhanh. Nhà văn Sơn Nam kể, chính Bình Nguyên Lộc đã tập cho ông viết nhanh và biểu diễn cho tác giả Hương rừng Cà Mau xem. Còn Thanh Tùng, trong Văn học từ điển (Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, Quyển 1, tr 23-24) chép: “Ông được kể là một trong số những nhà văn viết nhiều nhất, nhiều đến nỗi chính ông cũng không còn nhớ mình đã viết những gì nếu không nhìn vào một biểu liệt kê đã viết ”. Những năm 1974, 1975, người ta thống kê, Bình Nguyên Lộc đã viết trên một nghìn truyện ngắn và hơn năm mươi tiểu thuyết đăng báo.
Một tác phẩm tiêu biểu cho sáng tác Bình Nguyên Lộc về con người và vùng đất Nam Bộ là tiểu thuyết Đò dọc (1958). Chuyện kể, sau chiến tranh với người Pháp, một gia đình có bốn cô con gái chưa chồng lại dắt díu nhau từ Sài Gòn về Thủ Đức dựng nhà. Khi ấy, nơi này chưa hề có phố xá. Hương vị thành phố thoang thoảng trong trí nhớ các cô gái và ánh đèn từ thị xã Biên Hòa hắt lên. Làm sao “hội nhập” với người dân quê? Có lẽ, Bình Nguyên Lộc tìm cách cắt nghĩa điều đó với bao người. Tuy nhiên, một vấn đề mới lại nảy sinh, thật nan giải: các cô gái xinh đẹp kia đang ở độ tuổi lấy chồng, đợi vài năm nữa thì sẽ quá thì, còn hiện tại…thật là phiền toái! Cuối cùng các cô cũng đã có được tấm chồng xứng đôi vừa lứa, là người thành phố. Nhưng làng quê, với họ, lúc ấy không phải là nơi ao tù nước đọng, quá đỗi xa lạ. Người nhà quê vào thành phố, nhiều người đã viết, ngơ ngác và tội nghiệp lắm. Bình Nguyên Lộc không đưa thêm một hình ảnh đáng thương nào nữa, ngược lại, nhà văn nhắc nhở, “trở về mái nhà xưa” cũng chẳng dễ dàng. Nơi đâu cũng có giá trị riêng của nó. Khi nào người ta tìm đến nó với ý nghĩa chân thật và thiêng liêng, đấy mới là cuộc trở về đúng nghĩa.
Đời người, đời văn Bình Nguyên Lộc như một chuyến đò. Ông đã viết Đò dọc, tức tự ví mình như chuyến đò đơn chiếc, buồn lắm. Nhưng với bạn đọc, đời văn, đời người Bình Nguyên Lộc không hẳn là chuyến đò dọc. Ông rong ruổi trên quê hương, nước Việt của mình. Trong văn chương, đấy cũng là chuyến đò tìm kiếm quê hương, nhận diện quê hương. Vì thế, cho dù sau này, bất đắc dĩ phải xa quê, Bình Nguyên Lộc, trong đời lẫn trong văn, Bình Nguyên Lộc vẫn là chuyến đò quê nặng nghĩa, thắm tình…
Tháng Tám, 1995 - Tháng Bảy, 2008
BÙI QUANG HUY