watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Món nợ thiêng liêng-Phần Kết - tác giả Bình Nguyên Lộc Bình Nguyên Lộc

Bình Nguyên Lộc

Phần Kết

Tác giả: Bình Nguyên Lộc

Hồng mới và có hai và cơm thì thình lình thấy mọi vật quay tròn quanh nàng và cái gì cũng đảo lộn cả.

Nàng buông đũa, hai tay bóp lấy thái dương, mắt nhắm nghiền lại.

Thảo hỏi khẽ:

- Chóng mặt hử ?

- Ừ, xây xẩm mặt mày hết.

Hồng cố nuốt vội miếng cơm đang ngậm trong miệng, mở mắt ra, rồi vịn bàn để đứng lên.

- Hồng không nên đi. Ai lại đang chóng mặt mà đi.

Nhưng Hồng chạy chớ không đi.

Nền nhà xưa cao lắm. Thảo hết cả hồn vía mà thấy Hồng bước xuống những nấc thang gạch, từng hai nấc một.

Xuống tới nền hành lang có nóc đưa ra nhà bếp, Hồng ngồi đại lên gạch rồi trả ra tất cả những gì vừa ăn vào bụng, và đã vào bụng khi sáng trong bữa điểm tâm chưa tiêu hóa hết.

Thảo chạy theo Hồng, hỏi lia lịa, quên hạ thấp giọng:

- Sao đó ? Hồng nghe trong người thế nào ? Ăn vô, không “chịu” chắc muốn bịnh hả ?

Hồng bận thở dốc nên không đáp. Lâu lắm nàng mới nói:

- Thảo cứ vào ăn tiếp. Hồng không sao hết !

- Thật không sao chớ ?

- Không có gì. Đã qua rồi.

Đoạn nàng đứng lên, đi rửa miệng.

Thảo trở vào bàn ăn. Bấy giờ chàng mới giật mình đã săn sóc Hồng mà Cúc nghe biết. Trước đây, chàng còn nuôi bịnh cho Hồng nữa, chớ đừng nói là hỏi thăm qua vài tiếng như vừa rồi. Nhưng giờ chàng “có tịch” nên ngại lắm.

Quả Cúc nghe đủ cả, không sót một lời. Nàng tái mặt không phải vì giận chồng đã săn sóc Hồng mà một ý nghĩ kinh khủng: có phải chăng đó là dấu hiệu Hồng cấn thai ?

Khi nàng cấn thai bé Thọ, nàng cũng xây xẩm mặt mày thình lình, cũng đã nôn ọe trong bữa ăn, hoặc trước hay sau bữa ăn.

Từ bao lâu nay, Cúc chỉ ghen tức mà quên nghĩ tới sự việc nầy: Hồng có thể có con với Thảo. Ngõ bí của nàng, bỗng nàng còn thấy là bí hơn.

Trong tình trạng nầy, nàng còn chưa tìm được giải pháp nào ổn thỏa để xử sự cho tốt đẹp: chiếm lại chồng mà không làm hại Hồng, nói chi nếu Hồng lại được cái ưu thế cho Thảo một đứa con !

Cúc vụt ngồi dậy, quá hoảng sợ, nàng định chạy ra ngoài săn sóc Hồng, không phải vì sốt ruột trước bịnh trạng của Hồng, mà để biết chắc coi Hồng bắt đầu ốm nghén, hay đau ốm gì khác, để được an lòng.

Nhưng rồi nàng không đủ can đảm ra khỏi cảnh tự ý cấm khẩu của nàng, nên lại nằm xuống. Nằm mà không yên, trí óc bấn loạn vì nỗi nguy mới: mất vĩnh viễn địa vị một người vợ.

Nàng đã mặc cảm tự ti, thấy mình không còn đủ khả năng làm vợ nữa, không còn đẻ còn được cho chồng nữa, nhưng rồi thương yêu của Thảo xóa được mặc cảm nơi nàng và nàng thấy rồi địa vị mình sẽ vững.

Giờ thì sự thật đã rõ ràng là trong đời Thảo, người đáng kể là Hồng chớ không phải nàng nữa.

Bỗng dưng nước mắt Cúc trào ra ràn rụa. Nàng tủi thân. Một người vợ mắc bịnh cùi, tưởng cũng chẳng nghe mình mất mát hơn là nàng đã mất bây giờ.

*

* *

Thảo thấy Hồng đi thẳng vào buồng, muốn hỏi thăm, nhưng không dám nữa. Chàng ăn qua loa ba hột rồi cũng buông đũa, đi rửa miệng.

Khi bước vào buồng, chàng thấy Cúc day vào trong như từ bao lâu nay rồi. Chàng nằm xuống và gác tay lên trán nhìn trần mùng.

Hồng nó bỏ ăn, chàng nghĩ, tức là nó nghe trong mình nó thế nào đó. Chắc nó bần thần, muốn cảm sốt chăng ?

Không rõ Hồng có sốt hay không, nhưng chắc chắn là Thảo sốt ruột, tìm mãi không được cách nào để hỏi thăm sức khoẻ của Hồng.

Bỗng chàng chợt nhớ rằng hễ Hồng bịnh thì Cúc cũng bịnh, bịnh y hệt với nhau một chứng bịnh. Nhưng hiện giờ, Cúc lại không có sao cả.

Thật là kỳ. Thảo không còn biết sao nữa mà nói.

Chỉ có Hồng là nghe mở hội trong lòng sau khi nôn ọe. Nàng vào tới giường rồi mà vẫn còn thở dốc, nhưng lại mỉm cười sung sướng vô cùng. Đây là ngày nàng chờ đợi và từ đây, nàng sẽ thoát tất cả mọt ưu phiền.

*

* *

Hồng xem lại sổ ghi những lần gởi tiền vào và lấy tiền ra khỏi chương mục vãng lai của nàng. Số tiền chỉ còn chẳng một trăm chín mươi lăm ngàn.

Cô gái nầy cần kiệm vô cùng. Lương không bao nhiêu cô còn cho em mỗi tháng ngàn bạc, trước khi nó lấy chồng, tiền họ ăn là tiền họ cho thuê hai căn nhà ván ở trong ngõ hẻm, thế mà sau năm năm làm việc, nàng cần kiệm được tới bấy nhiêu đó. Đó cũng nhờ Hồng chơi hụi nên tiền của nàng cứ nở lớn ra mãi. Nàng lại chơi hụi rất khôn ngoan, hụi nào trên ba trăm, nàng từ chối, để có bị giựt cũng không đáng kể; và nàng bủa lưới khắp nơi trong thành phố, hụi trong xóm, hụi trong sở, hụi trong giới chị em bạn học cũ, hụi trong ái hữu nầy, ái hữu nọ, gần mười lăm đầu hụi mỗi tháng, lời không dưới một ngàn rưỡi.

Tiền thưởng mỗi năm mà ngân-hàng tặng nhân viên, nàng cũng bỏ vào vốn hết chớ chẳng mua sắm gì.

Nếu có ai đứng sau lưng nàng mà rình đêm nay thì họ sẽ ngạc nhiên ghê lắm mà thấy những bài toán choán đầy cả mấy trang giấy học trò.

Hồng làm toán nhơn, toán chia, toán trừ, toán cọng, đủ cả bốn phép toán. Kẻ vô hình xem sẽ thấy những con số nhơn là 30 và 12, những con số nầy đảo lại rất thường, và rốt cuộc hai con số lớn quân bình nhau, bên nầy một trăm chín mươi lăm ngàn, bên kia cũng một trăm chín mươi lăm ngàn.

Cuối cùng Hồng viết ra một bài toán trừ, hai con số lớn ấy trừ với nhau thì ra con số không.

Kẻ rình xem sẽ đoán biết rằng nàng dự thảo chi phí cho cuộc tiêu pha lớn lao nào và suốt thời gian tiêu pha nàng không thâu lợi được đồng xu nào cả, và rốt cuộc nàng chỉ có hai bàn tay trắng.

Hồng ngắm con số không ấy rất lâu rồi lắc đầu và thở dài, đoạn ngước lên, nhìn sâu vào khoảng không.

Mặc dầu đã quyết tâm lạnh lùng với tất cả mọi việc, Hồng không sao khỏi ngậm ngùi trước một chuyến đi vĩnh viễn, không bao giờ thấy lại được ngôi nhà tổ phụ đã nhìn nàng chào đời nầy.

Ở đây có những cây cột gỗ bằng danh mộc bị Cúc và nàng khắc bằng lưỡi dao con chó những cái ngấn ghi bề cao của hai chị em, lần theo năm tháng !

Ở đây có những gốc cây đã rình hai chị em lớn lên, mà hai chị em cũng rình chúng lớn lên nữa.

Ở đây có những hòn sỏi đóng rêu, làm nhà ở cho mấy trăm thế hệ sâu bọ rồi, thế hệ nào đời sống cũng được Hồng theo dõi từ lúc chúng mới nở ra cho đến lúc chúng tàn lụn.

Buồn ơi là buồn !

Dưới mái nhà lâu đời chứa chấp nụ cười, nước mắt thơ dại của nàng, còn một người em, không, còn phân nửa, người nàng mà nàng phải để lại.

Cái phân nửa ấy hiện đang thù ghét nàng, nhưng mà rồi nó sẽ biết sự thật, sẽ thương nàng. Nhưng nàng không thể trở về được với nó.

Còn người thứ ba nữa chớ ! Vâng đúng là người thứ ba, vì ngôi nhà lâu đời nầy có linh hồn và được Hồng xem là một người, người thứ nhứt.

Ừ, còn người thứ ba nữa.

Nghĩ đến người thứ ba, Hồng bỗng rùng mình vì kỷ niệm đêm mà nàng hiến thân cho Thảo. Cái đêm “tân hôn riêng” của nàng ấy, nàng say đắm tình yêu và biết mình sẽ được ngây ngất như vậy trong ít lắm là một tuần lễ nên nàng cứ hưởng hạnh phúc cái đã. Nàng cứ để cho Thảo yêu nàng và nàng yêu lại Thảo cho đến khuya thật khuya, thì đôi bạn mỏi mòn rồi ngủ quên luôn.

Những đêm sau đó cũng thế.

Nhưng về sau nầy Hổng bắt buộc phải nhìn thẳng vào thực tế.

Mối tình của nàng với Thảo chơn thật và nàng được hạnh phúc thật sự. Nhưng nàng không nhắm các thứ ấy.

Nàng cầm bằng như mình vào rừng hái thuốc cho một con bịnh thân yêu ở nhà, dọc đường bắt gặp nhiều kim cương, châu báu, nhưng không thế dần dà ghé lại để lượm những thứ ấy.

Thuốc trước hết ! Đó là câu châm ngôn mà nàng phải cố nhớ từng giây từng phút để quên ngọc báu, kim cương.

Cương quyết là thế, cô gái thực tế nầy không khỏi quên bổn phận vài giây, chậm bước lại rồi ngậm ngùi.

Nàng yêu Thảo ghê đi, và nghe toàn thân nàng rởn óc lên, khi sống lại những giây phút đầu tiên trong đời con gái của nàng mà nàng được một người bạn tình đặt nhẹ một cái hôn lên trán nàng.

Người con gái khác liều vì quá yêu. Hồng, nàng chỉ liều vì lẽ khác, liều xong rồi mới yêu. Kẻ kia có thể hối hận rồi tình yêu nơi họ giảm đi. Nàng, nàng không phải hối hận thì tình yêu nơi nàng chỉ có thể tăng lên mà thôi.

Người thứ ba ! Nhưng thôi, đã can đảm được thì phải can đảm luôn, mềm lòng một chút là có thể hành động sai, phản bội kế hoạch đã vạch ra, và uổng cái công hy sinh không biết bao nhiêu.

Y như Cúc, Hồng cũng nghi là mình bắt đầu ốm nghén, cái hôm mà nàng nôn ọe trong bữa ăn.

Nàng đợi xem, mười hôm nữa, và cứ chóng mặt và buồn nôn mãi suối thời gian đó nên không còn nghi ngờ gì nưa.

Từ ngày bặt kinh, nàng đã đoán được rằng nàng thọ thai, nhưng không chắc lắm. Dấu hiệu nầy phá tan mọi hoang mang trước nên Hồng ráo riết chuẩn bị, và bài toán nàng làm đêm nay là bài toán thứ một trăm, làm đi làm lại mãi, sợ sai thì khổ.

Xong đâu đó, Hồng sắp vào một chiếc va ly thật to, nói một chiếc rương da thì đúng hơn, áo quần của nàng, những món không cũ lắm và những món còn mới. Nàng không có thơ từ gì, còn tập ảnh gia đình thì Cúc giữ nên chẳng có món kỷ niệm nào khác cần mang theo, hơn là một bức ảnh chụp chung với Thảo và Cúc hồi Thảo mới về đây ở.

Hồng ngủ hồi mười một giờ đêm.

Sáng ra, Thảo đi làm thật sớm. Từ ngày không khí gia đình nặng nề khó thở, bữa ăn lót dạ trong nhà nầy bị bãi bỏ và Thảo đi sớm để ăn ở ngoài.

Hồng thì bảo con nhỏ ở mua xôi, mua cơm tấm, hoặc hủ tiếu để ăn một mình, còn Cúc ăn gì thì không thể biết được, bởi Cúc đợi cho bai người đi rồi mới ra khỏi buồng.

Riêng hôm nay Hồng không sai con nhỏ ở đi mua gì cả mà bảo gọi một chiếc tắc xi.

Xe đậu trước cửa, nàng nhờ nó khiêng chiếc rương da ra xe với nàng. Xong đâu đó, nàng trao cho nó hai bức thơ, dặn đưa cả cho Cúc.

Nàng cho nó mười đồng, rồi nói lên một địa chỉ mà nó không nhớ bởi không để tai nghe cho rõ, rồi xe chạy đi liền.

Trưa lại, Thảo vừa về tới nơi thì con nhỏ ở vội chạy lên trao bức thơ khi sáng cho chàng. Nó đã y lời Hồng, đưa hết cho Cúc, nhưng hồi mười một giờ; Cúc đưa trở lại nó một cái biểu nó giao cho “thầy”.

Phong bì không dán, chớ không phải có dán mà bị gỡ. Trên bì thơ, chỉ ghi gọn lỏn một chữ “Thảo”.

Tuồng chữ là chữ của Hồng.

Thảo ngạc nhiên và lo sợ lắm. Có cái gì bất thường trong vụ nầy. Ai lại viết thơ cho người ở cùng nhà, trừ khi cấm khẩu như Cúc.

Mà Hồng không cấm khẩu, lại viết thơ thì phải chăng là nàng ra đi ?

Thảo đã thấy những dấu hiệu khác thường trong tuần nầy. Hồng đòi gặp chàng mỗi hôm tại cái nhà bà phán quen ấy, và lần nào gặp nhau; nàng cũng vui mừng trông thấy chớ không thờ ơ; lạnh nhạt như từ ngày thuê căn gác nầy tới giờ.

Nàng không nói gì, nhưng chịu tham gia tích cực vào cuộc ái ân và Thảo nghe hạnh phúc y như ngày mới cưới Cúc, hạnh phúc nhiều hơn là đêm mà Hồng đã hiến thân cho chàng.

Chàng cảm giác mơ màng rằng cái gì sẽ xảy ra, do những dấu hiệu báo trước, nhưng không lo lắm, vì nếu có gì nguy thì mối nguy sẽ từ Cúc đến.

“Cái gì đó” chứa đựng trong bức thơ nầy chăng ?

Tay run run, Thảo mở thơ ra xem thì chỉ thấy có một dòng chữ vắn tắt trên một tờ giấy viết thơ lớn khổ:

Vĩnh biệt Cúc và Thảo thân yêu

- Trời !

Thảo kêu lên một tiếng lớn như vậy rồi rụng rời không nói gì được nữa.

Lâu lắm chàng mới hoàn hồn và bước ra cửa hỏi với xuống nhà bếp, giọng còn hốt hoảng và run run:

- Cô Hồng đưa thơ nầy cho mầy hồi nào ?

- Dạ khi sáng lúc cô đi làm.

Con nhỏ ở ngỡ Hồng vẫn đi làm như thường lệ. Và hai tiếng “đi làm” của nó giúp cho Thảo an lòng lại. Ừ, Hồng rời bỏ nhà nầy, nhưng không biệt tích đâu, vì tới ngân hàng là tìm gặp nàng được ngay.

Vì thế mà chàng bình tĩnh trở lại, xây gót đi lên. Nhưng vừa bước vào buồng ăn, chàng giật nẩy mình mà nghe tiếng cửa buồng của Cúc mở ra kêu đánh “bực” một cái.

Cúc ra mặt, tức là phải có chuyện bất thường, quan trọng, và không hiền.

Quả thật thế, Cúc cười gằn rất mỉa mai rồi hỏi:

- Cô cậu âm mưu để xây tổ uyên ương nơi khác hử ?

Thảo lại rụng rời. Chàng trông đợi Cúc ra mặt ghen tương, vì như vậy dễ chịu hơn là nàng tuyệt khẩu. Nhưng nàng lại ra mặt với một câu hỏi bắt bí làm chàng cứng họng.

Chính chàng cũng hơi đoán kế hoạch của Hồng là thế nên bị mặc cảm tội lỗi, chàng sợ hết hồn như đó là sự thật.

Cúc lại cười gằn.

- Hai người lén lút với nhau, tôi còn để xem. Nhưng đã như thế nầy, tôi sẽ có cách.

Thảo làm bộ kêu oan:

- Em đừng nói vậy. Quả thật anh không hay biết gì hết.

- Hừ không hay biết ! Hai người trẻ con chớ tôi có trẻ con đâu mà định qua mặt tôi một cách sơ đẳng quá như thế nầy.

- Thật là anh mắc nỗi oan Thị Kính.

- Oan à ? Cúc hét lên. Nhìn thẳng vào mắt tôi ! Anh là người vô liêm sĩ, là kẻ loạn luân; anh biết chưa ?

Cúc hét to quá, khiến Thảo hoảng sợ con nhỏ ở nó biết chuyện thì xấu hổ lắm, nên chàng kéo Cúc vào buồng.

Cúc vùng vẫy cưỡng lại và càng hét to hơn:

- Á thôi đi, con người mặt chai mày đá đừng có chạm tới tôi.

Thảo xô mạnh Cúc và Cúc bị đẩy trôi vào buồng. Chàng đóng cửa lại thật mạnh, kêu đánh rầm một cái, nhưng tiếng cửa đóng vang không át nổi tiếng hét của Cúc.

- Bây giở muốn giết tôi hả ? Xây tổ uyên ương riêng còn chưa đủ hay sao nè ?

- Anh van lạy em, đừng có làm rầy mà xấu hổ.

- Xấu hổ thì cho xấu luôn. Mà ai xấu chớ tôi có xấu đâu mà tôi lo ?

- Anh xấu, nhưng anh lạy em, tha cho anh.

- Thú tội ? Cũng khá can đảm. Nhưng đã trễ quá rồi. Đợi cho nó có con mới chịu thú tội. Hừ, bộ anh tưởng hễ đặt tôi trước một chuyện đã lỡ rồi thì tôi phải nhẫn nại chịu số phận à ?

Thảo lại rụng rời, hỏi lia lịa:

- Sao, em nói sao, Hồng đã...

- Trời, còn làm bộ ngơ ngác nữa chớ ! Dễ thường anh tưởng tôi đui, tôi điếc hay sao mà không hay rằng Hồng nó ốm nghén.

- Trời, Hồng ốm nghén ?

- Thôi đi, đừng có làm bộ. Anh sung sướng như trúng số độc đắc, còn làm bộ không biết gì hết.

Chỉ có con nầy là phải chịu hiu quạnh suốt đời vì nó kém cỏi, không làm tròn nhiệm vụ, còn ai kia thì người ta sẽ đẻ của cho anh, người ta sẽ thay tôi một cách đắc lực còn tôi thì…

Cúc nghẹn ngào không nói hết câu được, rồi nức nở lên mà khóc.

Bị Thảo xô vào buồng, nàng đã ngồi phệt lên chiếc ghế đặt cạnh giường. Thảo ẵm vợ đặt lên giường thì Cúc khóc oà. Bây giờ nàng đã khóc được suông sẻ chớ không khóc nức nghẹn mà không có nước mắt như khi nãy nữa.

Niềm đau âm thầm và uất hận đã theo nước mắt mà thoát ra đtrợc phần nào, Thảo biết vậy, nên đặt Cúc nằm lên nệm rồi chàng cũng nằm kế người bạn đời của chàng rồi thỏ thẻ:

- Cúc ơi, anh đã nguyền yêu Cúc trọn đời và sẽ giữ vẹn lời nguyền. Ngay bây giờ anh nghe không bớt yêu Cúc mảy may nào hết. Cúc nên tha thứ anh, Cúc trừng phạt, hành hạ anh thế nào, anh cũng cam chịu cả, miễn là rồi Cúc khoan hồng…

Cúc cứ tiếp tục khóc, không nói không rằng, và Thảo vuốt ve và hôn hít vợ.

Lâu lắm rồi, chàng mới được hôn Cúc, và chàng nghe ngon không biết bao nhiêu, như Cúc là một người mới lạ, một người tình mà chàng vừa chinh phục được.

Người vợ hiền, nhứt là khi họ yêu chồng quá sức yêu, mau nguôi giận lắm. Khi Thảo rút khăn tay ra để lau nước mắt cho Cúc thì nàng day qua nằn nghiêng, úp mặt vào ngực Thảo mà thút thít.

Thảo gọi:

- Cưng à !

- Dạ.

- Cưng tha thứ cho anh nhé.

- Hông, phải đem Hồng về đây hè !

- Trời ơi, Cúc vẫn còn nghi Thảo âm mưu với Hồng sao ?

- Nghi gì mà nghi. Đã rõ ràng như ban ngày là hai người đã âm mưu với nhau.

- Anh thề với Cúc.

- Ý thôi đi, ai mà tin được lời thề của đàn ông.

- Nhưng cũng không sao. Để anh thuyết phục Hồng.

- Em giao cho anh. Nếu anh bắt Hồng về không được thì anh biết tay em.

- Nhưng Cúc đã nói gì ? Hồng có thai à ?

- Thôi, đừng làm bộ nữa.

- Thật tình anh không biết.

- Đàn ông thật vô tình. Lấy người ta có thai mà cũng không hay, nếu quả thật anh không biết.

- Anh không biết thật đó chớ.

Cúc xỉ tay lên trán Thảo mà rằng:

- Đồ loạn luân.

- Anh nhận tất cả mọi trừng phạt. Nhưng anh có muốn như vậy đâu !

- Không muốn, không muốn ! Bộ khi không nó lăn vào tay anh à !

- Quả đúng là khi không Hồng lăn vào tay anh.

- Anh khốn nạn lắm. Giờ anh lại nói xấu người vắng mặt. Nếu Hồng như vậy thì Hồng còn ra gì nữa. Mà chính em đây cũng không ra gì bởi cả bè cả lũ cả họ em đều là quân trắc nết cả.

- Em đừng có qui tội. Anh không hề nghĩ như vậy đâu.

- Ruột thịt của em, tụi em sống chung nhau từ thuở bé thơ, lẽ nào lại không biết tánh tình nhau hay sao ? Không, trong gia đình em không có người đĩ thỏa.

- Em nói rất đúng. Nhưng sự kiện cũng đã xảy ra đúng như anh nói. Quả thật anh không có sáng kiến.

- Anh nói làm như Hồng hiếp dâm anh.

- Cũng không phải như vậy nữa. Dầu sao vai chủ động cũng là người đàn ông. Nhưng anh không hề chinh phục, không hề tấn công Hồng. Chắc em không quên là anh đã hết sức tìm cách gả chồng cho Hồng.

- Anh chỉ làm bộ thôi, để tỏ thiện chí. Nhưng biết đâu, và anh lại lo không tới nước nên rồi đám nào cũng không xong hết. Anh để dành cho anh.

- Chỉ có trời và Hồng biết là anh vô tội.

- Anh nói em nghe em tức muốn chết. Chị em của em có phải là đồ lẳng lơ đâu !

- Điều đó cũng đúng nữa.

- Như vậy thì chỉ có trời mới hiểu.

- Ừ, anh cũng nghĩ là chỉ có trời mới hiểu. Chính là lúc đầu, ngay trong khi anh sắp ôm Hồng trong tay, anh vẫn còn khinh Hồng.

- Nó đã làm sao ?

- Cái hôm mà Hồng từ Đàlạt về đây, còn em thì từ đây lên Đàlạt ấy, đêm đó không có gì xảy ra cả.

Nhưng chiều hôm sau, Hồng làm một bữa cơm ngon, cho anh uống rượu và chính Hồng cũng uống rượu.

Hồng chỉ làm bộ uống thôi còn anh thì uống thật.

Anh không say, nhưng Hồng ngỡ anh say và nó giả vờ say.

Hồng đi ngủ trước nhưng làm bộ lộn buồng vì sự say rượu giả vờ ấy.

Anh vào buồng sau và ngạc nhiên hết sức mà thấy Hồng đã nằm sẵn trong đó.

- Rồi anh cũng làm bộ say luôn ?

- Ừ.

- Như vậy mà thề rằng vô tội, mà còn kêu oan. Nếu quả Hồng chủ động, thì anh là đồng lỏa đứt đi rồi chớ có bị nó hiếp đâm đâu.

- Đồng ý, anh chỉ kêu oan ở cái điểm anh không hề tán tỉnh, chinh phục Hồng mà thôi.

- Rồi sao nữa ? Đã nói là không say rượu kia mà.

- Tới đây thì anh phải thú nhận rằng anh có thèm muốn Hồng.

- Trước đó hay chỉ lúc đó thôi ?

- Cả trước đó nữa.

- Xí, thứ đồ anh rể dê xồm. Thì ra anh cũng cá mè một lứa với bao nhiêu thằng anh rể khác. Vậy mà em cứ đinh ninh rằng anh thanh cao.

- Nhưng em cũng phải nhìn nhận rằng sở dĩ anh thèm muốn Hồng là do điều kiện khách quan cả.

- Ai cũng nói thế.

- Em phải biết rằng vì em và Hồng giống nhau như đúc nên anh yêu em thì cũng yêu Hồng chút ít.

- Anh yêu Hồng ?

Cúc vừa hỏi vừa bật ngồi dậy, mặt hầm hầm. Bà vợ nào cũng tha thứ nếu chồng họ ăn vụng vì nhu cầu sinh lý, nhưng khó lòng mà khoan dung được khi chồng họ yêu người khác.

- Khoan, em nên bình tĩnh, anh đã phân trần hết đâu nào. Ừ, anh có yêu Hồng chút ít. Nhưng tình cảm của anh rất là con người em cũng nên hiểu giùm anh. Anh có phải là thánh nhơn đâu.

Nhưng có thể bảo là anh thánh nhơn đó.

- Chà, kẻ bẩn thỉu bây giờ lại tự xưng là thánh nhơn, có buồn cười chưa !

- Anh thánh nhơn ở chỗ anh thủ tiêu được chút tình yêu tội lỗi đó. Nhưng vẫn còn sót lại cái gì, cái đó là một tí “nghi ngờ” thèm muốn.

Cái tí “nghi ngờ” ấy lại bị bao nhiêu điều kiện khách quan giúp cho nó phát triển lên mãi. Em có nhớ chăng là anh đã cứu Hồng khi Hồng chạm phải ổ kiến vàng trên cây mận ?

- Vậy mà có gì đâu !

- Rất là có. Hồng có gần ngất đi, mà kiến thì lại chui trong người nó. Anh đã phải giết kiến lập tức dưới y phục của nó ?

- Hứ, người dê, chỉ đợi dịp tốt để lợi dụng.

- Nào anh có đợi dịp đó hồi nào, vì ai mà dè rằng có một chuyện như vậy xảy ra.

Mà đã hết đâu nào. Chắc em chưa quên lúc hai chị em đau nặng ?

- Ừ, và anh lại lợi dụng lúc nó mê sảng để hôn nó ?

- Đâu có. Nhưng nó đả bài tiết trong quần y như em. Anh hỏi em ngoài anh ra, còn ai mà chịu thay quần áo, giặt quần áo cho nó ?

Cúc bật cười rồi véo chồng một cái đau điếng rồi hỏi:

- Thể là anh đã … thấy ?

Thảo kêu đau, rồi vừa hít hà, vừa cười đáp:

- Ừ.

- Có làm gì không ?

- Bậy nào ! Anh đâu có đê tiện đến thế.

- Cái đó thì em tin.

- Điều nầy anh nói ra, em sẽ phủ nhận, nhưng anh cứ nói. Chính em phải chịu một phần trách nhiệm trong tà tâm của anh.

- Nói dễ nghe dữ ! Tâm anh tà mà em lại chịu trách nhiện !

- Ừ. Chính em đã gợi ý quấy cho anh.

- Em gợi ý quấy ?

- Chớ sao. Em ngây thơ và sơ hở lắm. Lúc ta mới nên vợ nên chồng với nhau, em cứ ám chỉ về thân thể của Hồng mãi.

- Hồi nào đâu ?

- Trong lu bù dịp. Chẳng hạn em nói, ngoài cái nút ruồi son ra thì em và Hồng giống nhau như hệt, không khác ở chỗ nào cả.

Nếu em nói điều ấy ra một cách nghiêm trang thì anh phải hiểu nghiêm trang, tức hiểu rằng em giống hệt Hồng, chỉ giản dị có thế thôi.

Nhưng em lại vừa nói vừa cười cợt khiến anh lại đâm ra ngầm hiểu xa hơn. Mà anh có lý mà hiểu xa hơn, bởi sự cười cợt của em là ngầm ám chỉ về những cái giống khác hơn là gương mặt, là giọng nói chẳng hạn.

Cúc châu mày, làm thinh. Quả đúng như chồng nàng đã lên án nàng. Chính nàng đã gợi ý quấy một cách vô tình. Nàng ngây thơ thật, không biết rằng người đàn ông, người đàn bà đứng đắn nhứt thế gian cũng không khỏi có ý quấy được khi ta gợi ý cho họ. Nàng đã quá ngu dốt về tâm lý con người, tin rằng có sự thanh cao tuyệt đối nơi những người mà nàng xét thấy thanh cao, như chồng nàng chẳng hạn.

Cái ông Quan Công ngày xưa, ông ấy đốt đuốc trước buồng vợ của Lưu Bị để đọc sách, sử nói rằng ông ấy làm thế để ngăn dư luận đàm tiếu xằng bậy, chớ biết đâu ông lại không ngăn chính ông ta nghĩ xằng khi cùng một người đàn bà đẹp ở chung dưới một mái nhà, giữa đêm tăm tối ?

Không, không có người nào tuyệt đối trong sạch cả về phương diện nầy. Mãi đến bây giờ, Cúc mới hiểu được người anh họ bà con của nàng, anh ấy đã hồi hôn một cô gái đẹp và rất nết hạnh, cô gái nầy lại yêu anh vô cùng, chỉ vì anh ấy khám phá ra rằng cô gái đó biết nhảy đầm.

Cúc đã cười người anh họ nàng là một gã thanh niên lạc hậu khi anh ấy nói: “Không lẽ nó học nhảy đầm để rồi không nhảy với ai bao giờ. Mà hễ có nhảy, hẳn nó cũng nhảy ít lắm là một lần với một anh con trai nào đó chớ không lẽ nó nhảy với một ông già. Và cái lần đó, thế nào nó cũng bị rung động sâu xa. Anh ghen với sự rung động ấy”.

Người anh họ của Cúc không có nói thêm gì hơn nhưng giờ Cúc hiểu rằng anh ta muốn ám chỉ đến cái ý quấy của người con gái đẹp đó khi nàng bị rung động.

Kể ra thì cũng lạc hậu và nhà quê thật đó, bởi không nhảy đầm, các cô trinh nữ vẫn có ý quấy được như thường, nhưng quả thật vị hôn phu của các cô quên được rằng các cô đã có ý quấy, vì không có bằng cớ rõ rệt như nếu các cô đã ôm con trai mà nhảy.

Cúc chau mày mà làm thinh. Nàng cũng vừa chợt nhớ ra rằng nàng với Hồng đều đồng cảm nghĩ thì nàng yêu Thảo, Hồng sao lại không yêu Thảo như nàng ?

Chính nàng là chánh phạm trong vụ nầy. Ai lại ở chung như họ đã sống chung tay ba từ mấy năm nay !

Tuy nhiên, rất là “con người”, nên Cúc phủ nhận lỗi mình và trở lại lên án chồng. Nàng nghĩ rằng dầu sao Thảo cũng phải tránh làm quấy, quan niệm đạo đức tuyệt đối luôn luôn trở lại trong việc cân phân tội lỗi của người hôn phối của ta.

Không khí cười đùa giữa đôi vợ chồng khi nãy đã tan mất rồi, sau hồi im lặng của nàng và sóng gió lại bắt đầu nổi trở lại:

- Không, không làm sao em tin được là Hồng đã khiêu khích trong cái màn kịch mà anh vừa kể. Anh chỉ bịa chuyện nói xấu người vắng mặt thôi.

- Tin hay không tin tùy em, tùy thiện chí của em, chớ anh còn biết dẫn chứng nào ra nữa để cho em tin bây giờ.

Nhưng em xử sao; anh cũng đành cam chịu vậy hết.

- Muốn xử, phải có đủ mặt các đương sự, tội nhơn và đồng lõa. Nếu quả anh không âm mưu với Hồng để xây tổ uyên ương nơi khác thì anh phải đem Hồng về đây ngay cho em.

- Khổ quá ! Cũng để anh ăn cơm, anh nghỉ ngơi đã chớ.

- À, cái đó thì được. Em nói ngay, nghĩa là không cho phép hai người hưởng hạnh phúc nơi cái tổ mới của hai người, chớ hẹn một vài hôm vẫn được.

Nồi xúp de Cúc đã xì hơi được thì dầu sao, không khí trong nhà nầy cũng nhẹ đươc đôi phần.

Chỉ nhẹ được đôi phần thôi, vì Cúc vẫn ăn cơm trước, và giờ nàng rút vào buồng sau cái trận khi nãy.

Thảo mừng, chớ không lo lắm. Giông tố mà ta chờ đón, luôn luôn ghê rợn hơn là giông tố thật đã thổi tới rồi. Ta rùng mình không đoán được rằng nó sẽ dữ dội đến mức nào, nhưng nó thổi qua xong mà không việc gì thì ta nghe như là sung sướng hơn cả những ngày thường nữa.

Còn bắt Hồng về cũng khộng phải là việc khó lắm.

Chiều nay, chàng sẽ gọi điện thoại để hẹn với Hồng. Chàng sẽ đưa Hồng về nhà mới của nàng rồi ở đó mà lạy lục nàng.

Bây giờ Cúc đã ra mặt ghen, chàng đã thú tội thì về trễ đến năm tiếng đồng hồ cũng chẳng sao.

Bỗng dưng nơi trí Thảo nẩy ra một gian ý buồn cười. Hay là cứ như thế mãi ? Hôm nay chàng cũng đưa Hồng về nhà Hồng, nhưng không nài nỉ Hồng về với Cúc.

Như vậy lời lên án hồ đồ của Cúc sẽ hóa thành sự thật mà chàng sẽ không bị bà tòa ấy trừng phạt.

Và bỗng dưng chàng thấy đó là một lợi thế lớn lao, không định mà được, và quyết định thực hiện gian ý đó một cách nghiêm trang.

Ừ, nếu Hồng và chàng mà âm mưu để xây tổ uyên ương nơi khác như Cúc đã tố cáo thì thật là phiền, bởi chàng sẽ knông có cớ để đến với Hồng. Cái tổ uyên ương đó sẽ là tổ lạnh chớ không phải là tổ ấm nữa.

Trong trường hợp ngỡ rủi ro nhưng lại may mắn nầy thật là thả cửa, chàng được tự do đến nhà Hồng, hơn thế chàng được Cúc sai đến nhà Hồng, được phép ở lại đó lâu, thật lâu, nói là để thuyết phục Hồng. Nhưng thuyết phục không được thì thôi chớ Cúc chẳng mần thịt chàng mà chàng lo.

Thảo vụt nghĩ ra một điều rồi thừ người ra rất lâu. Hay đây là cái kế tài tình của Hồng ? Chàng tự hỏi thầm nhự vậy. Hồng nó rất thông minh, và biết rằng không thể rủ nhau ra rìêng mà yên với Cúc thì chỉ có làm như thế nầy, chàng mới có thể đến với nàng thôi.

Nếu quả dó là sáng kiến của Hồng thì Hồng là một nhà chiến lược đại tài.

Hôm nay, thoạt tiên Thảo ngỡ là họa đến nhà nầy, không dè cái lối ra thoáng thấy lại rất sáng sủa. Nhờ vậy mà chàng ăn cơm rất ngon, ăn xong, đánh một giấc ngủ say cho đến lúc đồng hồ báo thức reo mới dậy.

Chàng còn một lý do nữa để mà yêu đời. Cái lý do nầy bị cuộc cãi vã với Cúc đánh bạt nó đi, rồi bị cái viễn ảnh tự do hưởng bạnh phúc với Hồng làm mờ đi, nhưng nó vẫn nằm trong tiềm thức chàng để giúp chàng vui dạ: đó là tin chàng sắp có một đứa con để nối dõi tông đường.

Thật ra thì người của thời bây giờ không tha thiết lắm với việc được con cháu cúng cơm về sau nhưng thích có người thừa kế thì ai cũng thích. Sở thích đó rất là “người” và Thảo đã tuyệt vọng không biết bao nhiêu khi rõ được sự thật về cái dạ con bị “cấm đẻ” của Cúc.

Chàng đã làm bộ như không ham con lắm, chỉ để an ủi Cúc thôi chớ thật ra, chàng đã quýnh lên vì muốn con.

Vậy chàng sắp có con. Cưng quá, thằng bé sắp ra đời nầy ! Cưng nó và cưng cả mẹ nó.

Thảo bỗng nghe mình yêu Hồng hơn lên, và quí Hồng hơn lên.

Mặc cảm của Cúc, mặc cảm không làm tròn nhiệm vụ một người vợ, không phải là mặc cảm tầm ruồng đâu. Từ thuở giờ Thảo không hề hạ giá trị của vợ xuống, trong trí chàng. Nhưng quả thật giữa giây phút nầy đây, chàng thấy Hồng hơn Cúc rõ rệt.

Cưng quá ! Nhứt định là chàng sẽ xây tổ uyên ương với Hồng, ông trời đánh cũng không ngăn chàng được chớ đừng nói chi Cúc. Ừ nhứt định !

“Cúc nó đã không làm trọn nhiệm vụ thì nó phải để Hồng làm chớ ? Mà mình nào có phụ nó đâu cho cam. Mình vẫn còn yêu nó, yêu chơn thật thì nó không được quyền phá đám mình.

“Vả lại Hồng là nó, chớ ai đâu xa lạ, còn ruột hơn là chị em ruột nữa. Chán vạn bà vợ khác vẫn phải chịu cảnh chồng chung mặc dầu họ đã đẻ con cho chồng họ thì Cúc sẽ bất công nếu nó không nhận tình trạng nầy.

“Nhứt định ! Mặc kệ Cúc làm gì thì làm !”.

Trưa hôm đó. Thảo tới sở thì chụp lấy điện thoại liền. Chàng gọi lại ngân hàng X. nghe giọng rất qnen của cô điện thoại viên giữ tổng đài, giọng quen nhưng người thì chưa biết, chàng nói:

- À, chào cô, Thảo đáp. Cô mạnh giỏi ?

- Cám ơn anh. Muốn nói chuyện với cô Hồng hử ?

- Cô đoán rất đúng.

- Anh đợi một tí.

Đây là lần đầu mà Thảo hỏi thăm sức khỏe của cô điện thoại viên. Đã bảo chàng yêu đời lắm kia mà, và khi nguời ta yêu đời, người ta đâm ra tử tế với bất kỳ ai.

“Lạ quá, sao cô ấy hôm nay bắt chàng đợi lâu quá khiến Thảo hơi sốt ruột. Thường thì Hồng bận phục vụ cho khách hàng, cũng trả lời một tiếng, bảo chàng đợi, nàng không có điện thoại riêng nhưng điện thoại chung đặt trên bàn viết ông chủ sự, cách chỗ nàng ngồi không hơn ba thước.

- Alô ! Anh Thảo còn đó chớ ?

- Dạ, tôi vẫn còn đây.

- Anh Thảo ơi, chớ anh không hay biết gì hay sao ?

Điện thoại viên coi tổng đài, thường nghe được mọi câu chuyện điện đàm, nên cô nầy biết cả sự thật về mối dây liên hệ giữa Hồng và người con trai quen mà chưa biết là Thảo. Cô ta có cảm tình với nhơn tình của một đồng nghiệp của cô ta, nên mới thân mật như vậy và nên mới có câu hỏi như trên.

Thảo tái mặt, không đoán được tai biến nào đã xảy ra. Vâng chàng đoán là có việc không hay. Chàng bối rối và run sợ hỏi lia lịa:

- Ơ… không. Sao … sao … đó cô … gì đó … cô nói mau … tôi nghe thử xem …

- Chị Hồng đã đệ đơn xin thôi việc từ tháng nay, và thôi việc thật sự từ chiều hôm qua. Khi sáng nầy chị ấy không có đến, hiện giờ đã có người khác thay thế cho chị ấy rồi.

Chị ấy có từ biệt người trong sở, trừ tôi ra. Ấy số phận của điện thoại viên tổng đài là như thế, mặc dầu mỗi hôm, ai cũng nhờ tôi cả, ai cũng biết rằng có tôi cả. Nhưng họ chỉ xem tôi là cái máy thôi. Vả lại cũng bởi điện thoại viên tổng đài ngồi riêng biệt trong một buồng vắng.

Các câu rất dài sau cùng đó, Thảo nghe không trọn, chàng hạ ống nói xuống nghe một cái cộp sau khi kêu trời to lên lột tiếng.

Nhưng cô điện thoại viên chỉ mỉm cười thôi. Cô ta đã quen với những cái mà đương sự cho là “thảm kịch” nên chỉ thấy buồn cười thôi. Loại thảm kịch nầy xảy ra ngày một ở đô thành, bên ngoài và trong các công tư sở, nạn nhân có khi là chàng, có khi là nàng, thường quá rồi mà không ai bị việc gì cả thì cô ta làm sao mà buồn giùm cho họ được.

Thảo hạ máy nói xuống rồi đứng chết lặng nơi đó rất lâu. Nơi đó là trước bàn viết của ông kiến trúc sư chủ nhơn của chàng.

Mãi cho đến lúc ông ấy đến mà chàng vẫn không hay biết gì cả.

Ông kiến trúc sư mỉm cười hỏi:

- Một tấn kịch tình cảm ?

Thảo giựt mình rồi ấp úng nói:

- Xin lỗi ông.

Nói rồi chàng bỏ đi.

Ông ta lắc đầu lẩm bẩm:

- Đã có gia đình rồi mà còn như thế thì không hay tí nào.

Cũng là người có kinh nghiệm như cô điện thoại khi nãy, ông kiến trúc sư thấy Thảo đứng gần máy điện thoại với bộ mặt đưa ma của chàng nên đoán được sự thật ngay.

Thảo thất thểu về bàn giấy của chàng, rồi nghiêng mình xuống con số về bê tông mà ông kiến trúc sư giao cho chàng nghiên cứu.

Những con số nhảy múa trước mặt chàng như là một đám người bất mãn đang xuống đường, hỗn độn, chàng không điểm mặt được từng con nữa.

Người đàn ông trẻ tuổi nầy rất “lành mạnh” từ thuở giờ và đây là cuộc phiêu lưu thứ nhứt trong đời chàng, là tấn kịch tình cảm đầu tiên làm huyên náo đời chàng mà quả thật đối với chàng tấn kịch nầy là “thảm kịch”.

Trời đất và mọi vật quanh chàng đều đang sụp đổ, và không còn gì trên đời nầy đáng kể nữa, kể cả gia đình của chàng.

Nửa tiếng đồng hồ sau, ông kiến trúc sư ra đi có việc và Thảo đã hơi tỉnh hồn lại rồi. Chàng lại quay điện thoại gọi ngân hàng. Lần nầy chàng nói chuyện thẳng với cô điện thoại viên.

- A lô, chào cô; tôi là Thảo đây.

- À, chào anh Thảo, có việc chi ?

- Cô có chắc là cô Hồng đã xin thôi việc hay không ?

Cô điện thoại viên mỉm cười khi hình dung bộ mặt tương tư của người ở bên kia đầu dây. Cô đáp:

- Chính ông chủ sự phòng “khách hàng” đã cho tôi biết điều ấy khi tôi nhờ ổng gọi cô Hồng. Ông ấy là người cao niên lại rất nghiêm trang thì không thế nào ổng nói đùa được.

- Cô có thể chạy ra xem lại giùm tôi hay không ?

- Xin anh cảm phiền, tôi không được phép rời tổng đài phút nào cả.

- Hình như chính cô cũng mới biết việc ấy như tôi ?

- Vâng.

- Cô có ngạc nhiên hay không ?

- Không. Nhân viện xin nghỉ việc là chuyện thường.

- Nhưng cô Hồng lại xin nghỉ đột ngột quá.

- Đột ngột với anh thôi, chớ biết đâu đó là dự định mà chị ấy đã cân nhắc lừ lâu rồi.

- Chớ không đột ngột đối với cô sao ?

- Có mà không. Nghĩa là ai nghỉ việc cũng là đột ngột đối với tôi cả, bởi lúc họ dự định tôi không hay biết tới chừng họ thôi rồi tôi mới hay. Nhưng suy luận rằng hẳn họ đã đắn đo nhiều ngày nên tôi cho là không có gì đột ngột cả.

- Té ra từ nãy giờ cô không có hỏi thăm gì thêm vụ cô Hồng.

- Có, tôi đã hỏi thăm vì thú thật với anh, tôi đoán thấy sự nghỉ việc của cô Hồng rất đột ngột đối với anh, vì vậy mà tôi tò mò.

- Cô đã biết gì rồi ?

- Cứ theo các chị kia thì cô Hồng đi làm cho Huê Kỳ ở Đà nẵng lương cao hơn ở đây. Cô ấy có xin giấy chứng chỉ của ngân hàng.

- Cô chỉ biết có thế thôi à ?

- Vâng có bấy nhiêu đó thôi.

- Thôi, xin cám ơn cô vậy.

- Không có gì.

- Chào cô.

- Chào anh.

Thảo hạ nhẹ ống nói xuống rồi lẩm bẩm:

- Láo khoét cái vụ đi làm cho Huê kỳ ở Đà Nẵng ! Không lẽ Hồng lại tình nguyện xung vào đạo binh các nữ chiêu đãi viên của mấy cái ba ngoài ấy ? Còn làm việc thật sự thì Hồng làm sao được vì nó không biết lấy một tiếng “yes” một tiếng “no”.

Xin giấy chứng chỉ thì hẳn là để rồi xin làm văn phòng mà dốt tiếng Anh như nó thì...

Một tiếng đồng hồ sau, ông chủ trở về.

Ông thấy Thảo vẫn còn thẫn thờ nên gọi chàng mà nói:

- Cho thầy về an nghỉ để sắp đặt mọi việc lại trong trí óc thầy cho có trật tự, thầy ngồi đây hôm nay không ích lợi gì mà còn có thể còn gây hại nữa là đàng khác.

Nghỉ một hôm rồi quên đi nhé.

Thảo cám ơn ông chủ tốt bụng và hiểu đời nầy, đoạn dẹp sổ sách rồi ra đi.

Chàng không về nhà ngay mà phóng xe tuốt lại đằng ngân hàng.

Vào hành lang chạy dài trước dãy ghi-sê, chàng dòm vào trong, nhìn hết bàn giấy nầy tới bàn giấy khác mà không thấy bóng Hồng đâu cả.

Ghi-sê của Hồng quả đã có người thay thế, một cô mặc đầm, cao niên hơn Hồng, nhưng đẹp lắm.

Chàng không có can đảm hỏi thăm ai hết, chỉ tần ngần đứng đó tự hỏi không biết bên trong còn văn phòng nào nữa hay không, bởi các phòng bút toán đều đặt cả ở cái phòng rất rộng nầy, sau các bàng ghi-sê.

Chàng còn nghi là Hồng xin vào trong để trốn chàng và dặn mọi người trong sở trả lờì rằng nàng đã xin thôi, nếu có ai hỏi thăm nàng.

Lâu lắm, chàng ngồi trên băng, cạnh những người khách hàng đến đóng tiền hoặc lãnh tiềa ra, hồi tưởng lại ngày mà chàng tới đây và gặp Hồng lần đầu tiên, bị nàng sửa lưng đau điếng trước mặt công chúng !

Kể từ cái ngày xấu hổ đó, chàng gặp toàn sung sướng trong đời chàng, nếu không kể cái tang nhỏ, cái chết của bé Thọ.

Chàng không tham vọng nhiều thì sao hạnh phúc không ở với chàng ?

Lâu lắm, Thảo đứng lên, nhìn lại cái ghi-sê quen một lần nữa và bước đi với tâm trạng người vĩnh biệt ngàn năm một nơì chốn thân yêu.

Chàng vẫn chưa vội về nhà, phóng xe qua rất nhiều con phố với hy vọng hão huyền gặp Hồng trên đường.

Hồng không phải là một cô gái chuyên đánh áo đánh quần rồi lượn phố như một số cô gái khác, Thảo biết thế, nhưng cứ hy vọng. Biết đâu mới dọn nhà, Hồng lại không đi mua sắm các thứ cần dùng và biết đâu Hồng lại không đi dạo với mục đích như chàng, là gặp chàng.

Thành thử hôm nay, Thảo lại về trễ hơn ngày thưởng.

Cúc nằm nhà mà xốn xang không biết bao nhiêu. Nàng hình dung cả hai đều xin nghỉ phép chiều hôm nay và không chừng vài hôm cũng nên và hai đứa nó phụ nhau để dọn nhà.

Cúc tức sôi gan lên và muốn dậy để đi ngay. Nhưng rồi nàng thấy vô ích nên lại thôi: biết chúng xây tổ ở xó nào bây giờ để mà tìm.

Thấy kim đồng hồ chỉ sáu giờ mười lăm, nàng sốt ruột hơn. Giờ nầy, mọi hôm Thảo đã về tới nhà rồi.

Thảo là chủ gia đình mẫu mực, từ mấy năm nay chàng không về trễ phút nào cả. Ra sở, chàng không hề la cà ở các quán rượu như nhiều anh em đi làm khác, có muốn giải trí gì, cũng cùng đi với vợ nhà! Chẳng hạn dạo mát dưới bến tàu, chẳng hạn đi xi-nê thường trực xuất sau cùng trong ngày.

Thường thì nếu muốn đưa Cúc đi đâu, chàng hẹn với Cúc trước sở, hồi đúng sáu giờ, Cúc tới sở bằng tắc xi, rồi thì chàng đèo Cúc sau xe để hai người cùng đi.

Sáu giờ hai mươi. Cúc vụt ngồi dậy, quyết định không nằm nhà nữa để mà nghe lửa đốt gan, mặc dầu nàng không biết là mình phải đi đâu.

Thình lình nàng nghe tiếng động cơ rất quen của chiếc xì-cút-tơ của Thảo.

Ngày nào con nhỏ ở cũng mở cổng hồi đúng sáu giờ mười và Thảo về tới cửa ngõ là quẹo thẳng được vào sân.

Cúc nghe nhẹ người ghê đi, nhưng lại hồi hộp vô cùng. Nàng tự hỏi Hồng sẽ nghe lời Thảo hay là nổi loạn, hoặc hai đứa nó a tòng với nhau để làm lì mà ra riêng.

Cúc lại nằm trở xuống, lắng nghe tiếng giày của Thảo.

Thảo đi vòng sân hông bên mặt, để xe trên nền nhà cầu đưa từ nhà trước ra nhà bếp, rồi từ đó, chàng lên nhà trên. Hôm nào cũng vậy.

Tiếng bước của Thảo nghe mệt nhọc vô cùng, như là chàng đã đi bộ hằng mấy cây số.

Thảo đẩy nhẹ cửa buồng và bị chụp hỏi liền, giọng của Cúc xẳng vô cùng khiến chàng khiếp sợ quá:

- Sao đó ? Nó nói làm sao ?

Thảo thất thểu bước lại ghế rồi ngồi phệt lên đó. Chàng thở dài rồi đáp khe khẽ:

- Hồng nó đã xin thôi và đi mất rồi Cúc ơi !

- Á, thôi đi. Cúc thét, đừng có bày chuyện, trẻ con lắm, không ai mà tin đâu.

Cúc run lên vì tức giận. Nàng đoán rằng “Hai đứa nó” muốn qua mặt nàng.

Nàng ngồi trên nệm, vừa hét vừa nhảy lên một cái cao hơn hai tấc, rồi lại rơi trở xuống nệm, cả chiếc giường rung rinh như sắp sập đến nơi.

Thảo cũng phát run lên. Chàng không ngờ mà cái cô Cúc đại hiền từ lại bỗng trong giây phút hóa ra một thứ chằng tinh có thể giết người được. Cúc lại hét:

- Anh phải đi kiếm nó về ngay bây giờ cho “tui” nghe chưa ?

Hai con mắt Cúc đỏ ngầu, miệng nàng sôi bọt mép và nàng múa tay như chị bán cá chưởi lộn với chị bán tôm.

Thấy chồng cứ ngồi đó mà làm thinh, Cúc nhảy một cái là tới đất, rồi níu Thảo mà hét liếp:

- Bây giờ anh định cố lì hả ? Thiệt hôn, anh nói đi, tôi chết cho anh coi, tôi chết để hai người hạnh phúc với nhau. Hả nói đi, nói đi, nói đi, nói đi.

Cúc vừa lặp đi, lặp lại hai tiếng “nói đi” ấy vừa xé sơ mi của Thảo.

Chiếc sơ mi popeline nầy cũ quá rồi nên bị níu kéo, nó rách tèn tẹt. Thảo vẫn làm thinh vì quá sợ hãi và chàng cũng không biết ăn nói làm sao, Cúc ngỡ đó là một thái độ bất kể, nên càng tức hơn.

Hai tay nàng nắm hai mảnh vải rách, nàng đứng thẳng người dậy rồi bước tới đầu giường, nàng cúi xuống mở ngăn dưới của cây tủ đầu giường ra.

Tủ nầy chia ra làm hai ngăn, ngăn trên là một cái hộc. Cúc để đồ trang sức như là phấn son, nước hoa trong đó, ngăn dưới đựng cái túi may với nào là kim, chỉ, kéo vân vân.

Khi Thảo thoáng thấy cái vật dụng xi nước men bằng chất cơ rôm sáng giới, chàng hoảng hốt nhảy thật lẹ tới để giựt lấy chiếc kéo trong tay của Cúc.

Lưỡi kéo một tà đầu, một nhọn hoắt và Cúc đã mở banh hai lưỡi ra, cầm kéo nơi cái đầu tà như là cầm một chiếc boa nha, đằng chuôi.

Hai vợ chồng giằn co với nhau rất lâu, và Thảo đến phải siết chặt cổ tay của Cúc, nàng đau điếng, kêu lên, và mới chịu buông kéo ra.

Thảo xô vợ ngã lên giường rồi nói:

- Bộ Cúc điên rồi hay sao chớ ? Đâu còn đó cả, Cúc mặc sức mà kiểm soát, mà theo dõi anh, chớ làm gì mà dữ quá như vậy ?

Cúc khóc kể như cha chết:

- Trời ơi ! người ta giết tôi để người ta sống hạnh phúc với ai kia ! Nhưng sao không đầu độc tôi có yên thân hơn tôi không ? Làm khổ tôi chi đến như thế nầy.

Thảo ẵm Cúc để cho nàng nằm ngay ngắn theo chiều dài của chiếc giường và khi bị xô té lên đó nàng nằm ngang, chơn còn lòng thòng ở ngoài.

Chàng nằm cạnh vợ với cả đôi giày không được sạch lắm của chàng và nói:

- Cúc nên bình tĩnh lại một chút. Nếu anh hết yêu Cúc thì anh đâu có phải khổ thân mà năn nỉ Cúc như thế nầy.

Kẻ hết yêu vợ, cứ mặc kệ cho họ ghen. Bị thưa ra tòa mà họ còn bất kể nữa là.

Lý luận nầy vững lắm nên Cúc hết kể lể, hết khóc lớn nhưng vẫn khóc đến run cả người.

- Cúc ơi chính anh cũng khổ lắm vì sự đi mất của Hồng. Cúc nên hợp tác với anh để tìm Hồng thì hơn.

- Hợp tác ! Hợp tác ! Cúc tấm tức tấm tưởi nói. Anh lại muốn báo bại em mất công một cách vô ích để rồi hai người rúc rích cười chế nhạo em khi tưởng tượng em đi rong ngoài phố như một người điên.

- Nầy, đừng có nói xàm. Anh đã có kế hoạch thực tế. Giai đoạn đầu của kế hoạch ấy anh không làm được vì anh không thể bỏ sở, thì em nên giúp anh vậy.

Ở dưới Ngân Hàng người ta bảo rằng Hồng đã thôi việc, nhưng ta không nên tin họ bằng lời mà phải kiểm soát lại.

Không gì hay hơn là em nên rình trước cửa Ngân Hàng mười lăm phút trước giờ mở cửa và mười lăm phút sau giờ đóng cửa.

Nếu Hồng còn làm ở đó thì thế nào em cũng sẽ bắt gặp Hồng.

- Bộ nó không biết ra vào cửa sau, hoặc cửa bí mật nào khác à ?

- Không. Anh đã dọ hỏi rồi. Ngân Hàng không có cửa nào khác cả. Cả cho đến những lần đi lấy bạc hoặc đi gởi bạc ở Ngân Hàng lớn, họ cũng làm công việc đó do cửa trước.

- Nhưng bắt gặp Hồng rồi để làm gì ?

- Thì chính em đòi anh đem Hồng về đây.

- Chỉ có anh nói nó mới nghe, còn em thì nó dễ nghe đâu ?

- Được, em bắt gặp nó là đủ rồi, không cần làm gì cả. Để mọi việc anh lo cho.

Cúc không nhận, cũng không từ chối. Nàng cứ tiếp tục khóc cho đến khi hai vợ chồng ngủ quên luôn. Thảo ngủ đói, không ăn gì cả.

Sáng ra, Thảo thấy vợ đi ra ngoài tươi tỉnh hơn mọi ngày trước, chàng nghe nhẹ cả người. Cúc ngày thường rất bình tỉnh, nhưng khi ghen thì cũng làm ồn như bất kỳ người đàn bà nào. Được cái là nàng cũng mau nguôi giận. Bằng cớ là sự thản nhiên của nàng hôm nay.

Sợ chọc lửa ngún âm thầm nó bùng cháy lên thì khổ, chàng lặng lẽ ăn điểm tâm do Cúc dọn ra cho, khác hẳn thời gian sau nầy là Cúc rút mãi trong buồng, chàng phải đi ăn sáng ở ngoài.

Xong đâu đó, chàng đi làm liền, mặc dầu còn quá sớm, sợ ở nhà sanh chuyện nữa hay chăng ?

Đi được một đỗi, chàng đâm lo Cúc nó đang ngờ chàng dọn nhà riêng cho Hồng mà chàng lại đi sớm thế nầy hóa ra xác nhận sự nghi ngờ của nàng hay sao ? Nhưng đã trót đi thì đi luôn vậy, đi mà trong bụng không an.

Trưa lại về nhà, chàng lấm la lấm lét như một đứa trẻ trốn học để theo du đãng cả tuần nay.

Nhưng lạ thật, Cúc đang nấu nướng dưới bếp y như những ngày mà hạnh phúc còn ngự trị trong nhà nầy.

Thịt cá rau cải ê chề. Đó là những món làm xong mà chưa cho lên bếp, có lẽ vì Cúc phải làm nhiều quá nên nấu trễ. Thảo có cảm giác như là vợ chàng lo đám giỗ hoặc chuẩn bị đãi tiệc ai.

Nhưng khi nghe nàng ra lịnh cho con nhỏ ở dọn cơm thì chàng ngạc nhiên lắm, bởi đồ ăn phần lớn chưa được nấu kia mà !

Mâm cơm dọn ra, không còn làm chàng ngạc nhiên nữa. Võn vẹn chỉ có một con cá chiên, một tô canh mì chỉ nấu với thịt bầm, loại canh không tốn bao nhiêu công và một dĩa bầu luộc.

Cúc ngồi lại bàn ăn với chồng và nói:

- Em lo đồ ăn đủ ăn hai ba ngày, để rảnh thì giờ đi rình Hồng, theo chương trình của anh.

- À, hèn chi ! Hay lắm !

- Nhưng nếu Hồng thôi việc thật thì sao ?

- Anh cũng đã nghĩ tới điều đó. Không lẽ nó ở không mà ăn mãi. Bằng như nó xin chỗ làm nơi khác thì hẳn cũng phải là ở một ngàn hàng. Nó có chứng chỉ của ngân hàng cũ thì nó dễ tìm chỗ làm ở các ngân hàng hơn.

- Như vậy là em phải rình ở khắp cả ngân hàng.

- Ừ, em nên chịu khó. Saigon chỉ có vài mươi ngân hàng thôi thì em mất nửa tháng là cùng.

- Rồi sau đó. Nếu hai người lại âm mưu, xa nhau tạm nửa tháng cho em tin thì sao ?

- Anh cũng đã nghĩ tới sự rủi ro không tìm đâu ra Hồng cả. Như thế, anh chỉ có thể yên thân khi nào em được kiểm soát anh từng giây từng phút.

Trong sở anh không cần thơ ký. Ông thơ ký già ấy ổng làm đủ thứ việc mà cũng không đủ việc cho ổng làm.

Nhưng anh đã năn nỉ ông chủ của anh nhận thêm em với lương tượng trưng mỗi tháng một ngàn thôi. Cũng như là ổng tăng lương anh vậy mà !

Ổng đã nhận lời. Như vậy em sẽ không nghi là anh trốn đi thăm Hồng giữa giờ làm việc nữa.

Nếu lấy lý mà suy, thì Cúc phải hoàn toàn tin ở sự thành thật của chồng. Nhưng người đàn bà ghen chỉ suy luận bằng tình cảm mà thôi. Vì thế mà Thảo chỉ được hưởng án treo sau khi trình bày kế hoạch nầy.

Tuy nhiên họ cũng làm lành lại được phần nào và nhờ thế mà Cúc ghi được tất cả địa chỉ của các ngân hàng trong đô thành, kể cả chi nhánh của các ngân hàng ấy nữa.

Cúc không kinh nghiệm, nên làm công việc nầy rất hăng hái, không hề kêu ca gì. Không có gì khó bằng đứng rình dưới một gốc me, một người không biết đến lúc nào, nhứt là không chắc sẽ đến.

Sự chờ đợi đã dễ làm ta bực mình, mà một thiếu phụ trẻ đẹp phải thủ cái vai trò ấy lại bực mình gấp mười một người đàn ông hoặc một bà già.

Không có gì khó chịu bằng bị hàng trăm đàn ông nhìn mình bằng cặp mắt mỉa mai dường như thầm lặng hỏi. “Ê, cô kia, bị thằng đó cho leo cây rồi hả ? Đáng kiếp ! Các cô thường cho đàn ông chúng tôi leo cây thì có ngày một thằng nào đó sẽ trả thù giùm chúng tôi”.

Không, Cúc không hề biết có những cái khó chịu đó, mà có biết đi nữa, nàng cũng thấy rằng đó là những hi sinh nho nhỏ mà rất cần thiết.

Riêng Thảo, chàng không có hy vọng gì cho lắm. Trí thông minh của chàng không hơn trí thông minh của Hồng chút nào, mà có lẽ còn kém hơn nữa là đằng khác; bằng cớ là trong cuộc phiêu lưu tình ái giữa Hồng và chàng từ đầu tới cuối do Hồng dẫn dắt không biết để làm gì, chàng đoán không ra.

Như vậy, chàng mà nghĩ ra được cuộc rình rập nầy thì hẳn Hồng cũng đã tưởng tượng đến một cuộc tìm kiếm lối đó. Hồng dại gì mà xin chỗ làm ở các ngân hàng.

Không hy vọng là không hy vọng tìm thấy Hồng kìa, chớ chàng vẫn hy vọng Hồng tự lộ diện với chàng. Chàng mong đợi một bức thơ hay một cú điện thoại hơn là mong Cúc gặp may mắn nào.

Chàng mong điện thoại hơn là thơ, vì Hồng cẩn thận lắm mà giấy trắng mực đen thường hay lưu lại, nó ngại chàng sơ ý bỏ quên cái bao thơ không, chẳng hạn trong túi quần thì chết với Cúc.

Thành thử trong giờ làm việc, mỗi lần nghe chuông điện thoại reo là chàng giựt nẩy mình, dọn chơn nhảy.

Nhưng khi ông chủ “rua” với người ở bên kia đầu dây nói là chàng tuyệt vọng đến rũ người ra. Nếu đó là người lạ xin nói chuyện với nhơn viên thì không thể có tiếng rua ấy. Vả lại Hồng không thông ngoại ngữ cho lắm, hẳn phải nói tiếng Việt, mà hễ nghe tiếng Việt là ông chủ chàng gọi chàng ngay.

Ba ngày qua, không có gì cả. Một tuần lễ qua, Cúc cứ đi rồi về không. Đến trưa ngày thứ mười lăm, Cúc tuyên bố:

- Đã rình khắp trước các ngân hàng, riêng ngân hàng của nó, em rình đến ba ngày. Chà, hai người khéo lắm và cẩn thận lắm.

- Em cứ muốn trở lại cuộc cãi vã hôm nọ. Thì mai em vào làm với anh, ông chủ có nhắc hai lần rồi đó.

Cúc bỗng nhớ lại cái chương trình ấy của Thảo nên làm thinh.

Ngày hôm sau, Thảo đèo theo xe một thiếu phụ mà những người không quen nhưng thường gặp chàng đi làm dạo trước, cứ ngỡ đó là thiếu phụ mà họ đã quen thấy Thảo chở sau xe, vì Cúc ngồi trên xe không thấy mập như đi, đứng.

Đó là chiếc rờ moọc nặng quá đối với Thảo, mười phút sau khi ra hỏi nhà. Trên đường thình lình chàng chợt thấy vợ là một chướng ngại vật rất là khó chịu.

Chàng đã quên mất rằng Cúc sẽ là kỳ đà nếu có thơ của Hồng. Chàng sẵn lòng để cho vợ kiểm soát mình chỉ vì chàng chơn thật, không có âm mưu với Hồng.

Chỉ vài hôm sau, chàng mới không nghĩ rằng Hồng quyết đoạn tuyệt mới mong đợi thơ nàng nhưng đã trót tạo điều kiện cho Cúc kiểm soát rồi.

Ông kiến trúc sư nầy không nhận bao nhiêu thơ từ mỗi ngày, nên ông không có thùng thơ riêng ở bưu điện. Thơ từ tới thẳng văn phòng, mà ác lắm là chính Cúc lại được giao phó công việc lựa chọn và phân phối thơ từ đó, và nàng không có công việc gì làm cả, ông thơ ký già ổng chia bớt cho nàng cái công việc dễ dàng hơn hết đó.

Thành thử ngoài sự giựt mình nhảy nhổm mỗi lần nghe chuông điện thoại reo, Thảo lại qua nhiều phút hồi hộp nín thở khi người phát thơ giao cho Cúc một xấp giấy gồm nào là báo chí ngoại quốc, nào là điện tín, giấy đòi thuế và một mớ phong bì.

Chàng nhìn Cúc trừng trừng để rình phản ứng của nàng hiện lên mặt nàng khi nàng bắt gặp một tuồng chữ quen thuộc trên một phong bì nào.

Cúc không có việc làm, muốn kéo dài bất kỳ công việc nho nhỏ nào để lấp cho hết thì giờ, thành thử nàng xét nét từng chiếc bao thơ như một nhà trinh thám cố tìm dấu vết mong manh nào của một kẻ sát nhơn còn ở trong vòng bí mật.

Cũng có thể nói rằng nàng là một nhà toán số chuyên đoán quá khứ vị lai qua tự dạng của từng người gởi tới.

Nàng lại thích ngắm cò nữa, những con cò nhiều màu sắc, vẽ những cảnh nước non xa lạ, quê hương của ông kiến trúc sư người Phảp nầy.

Những trò chơi ấy kéo dài lâu quá sức lâu và thần kinh của Thảo bị căng thẳng từng hồi mỗi khi chàng bắt chợt một cái giựt nhỏ của một thớ thịt mặt của vợ chàng.

Thật là đáng giận; nếu tình thế nầy mà cứ kéo dài thì chàng sẽ mắc bịnh thần kinh mất.

Nó kéo dài thật đó. Nhưng qua một tháng trong bứt rứt, bồn chồn, thì Thảo không còn hy vọng gì nữa cả.

Chàng bình thản trở lại được, ít lắm là về mặt sợ hãi Cúc bắt gặp thơ của Hồng.

Nhưng một mối sầu mới lạ bắt đầu sanh ra trong lòng chàng. Đây là mối sầu tình đầu tiên của một người đàn ông có thể đã có ba con rồi, nếu y có phước như mọi người.

Nỗi buồn chỉ man mác thôi chớ không có gì dữ dội lắm, nhưng tính cách man mác ấy chính là yếu tố nuôi nấng cho nỗi buồn ấy trường sanh bất tận.

Chàng hình dung Hồng đang ẩn náu ở một chơn trời xa vắng nào, trơ trọi một thân với niềm riêng của nàng và với đứa con chưa ra đời, với lo âu ngày đi biển “mồ côi một mình”.

Nhiều đêm Thảo nằm gác tay lên trán rồi ứa nước mắt thầm, trong khi vợ chàng đang ngủ say bên cạnh chàng.

“Ngủ say” chỉ là điều mà chàng tưởng thế thôi, chớ thật ra Cúc còn thức khuya hơn chàng nữa. Thảo sầu tình, còn Cức thì thương người ruột thịt. Người ta có thể quên một mối tình, nhưng không thể quên người cùng máu mủ.

Niềm đau của hai người khác nhau, nơi Cúc sự ray rứt mãnh liệt hơn nhiền và khó nguôi với thời gian lắm.

Hai vợ chồng đã đăng báo nhiều lần để kêu gọi Hồng, đăng những lời nhắn tin ấy trong tờ Thời Cuộc, tờ báo hằng ngày mà gia đình nầy thường đọc và chắc chắn là Hồng cũng tiếp tục đọc.

Họ đăng cho yên lòng đã làm đủ mọi cách vậy thôi, chớ không hy vọng lắm, vì kẻ ra đi đã biết quá nhiều về những điều láo khoét trong các lời kêu gọi đó, không tin nơi nó nữa. Chẳng hạn:

Nhắn tin

Hồng về ngay! chị tha thứ hết, đã giàn xếp ổn thỏa và ta sẽ an vui

Ký tên

Cúc

và chẳng hạn như:

Nhắn tin thật gấp

Cúc hấp hối, Hồng về ngay

Ký tên

Thảo

Thảo và Cúc đã làm lành lại được như xưa, từ ngày mà Cúc tin chắc nơi sự thành thật của Thảo. Thảo không hề vắng mặt ở sở phút nào hết, và tối cũng không bao giờ đi đâu cả.

Tuy nhiên hạnh phúc vẫn không trở lại gia đình nầy, không phải vì ở đây thiếu ánh sáng và một hai đứa bé để tỏa ra trong nhà, cũng không phải ở đây thiếu bớt một người thân yêu.

Thảo vâ Cúc đã nhẫn nại chịu số phận không con. Và nếu Hồng đi lấy chồng, hay chết đi, nhà cũng thiếu nàng đó, nhưng lại thiếu một cách khác, không gây sự trống trải, lạnh lẽo nầy.

Cả Thảo lẫn Hồng đều đọc báo hằng ngày rất kỹ, mỗi hôm mua tới hai ba tờ, đọc kỹ những tin vặt lô canh, những tin đánh ghen, giựt bóp, quyên sinh.

Họ chắc ý rằng Hồng chưa chết, chớ nếu Hồng mà có tự tử ở Đàlạt hay ở Nha Trang đi nữa, báo chí cũng đã làm rùm lên và họ đã tới nơi để nhận diện rồi.

Khi một người con gái lại có phong thái thành thị như Hồng mà tự tử ở một địa phương thì đó là một cuộc quyên sinh đầy bí mật mà báo chí sẽ biến thành một nghi án ly kỳ. Không, Hồng không thể chết tối tăm.

Như vậy là nàng còn sống. Mà chính vì họ tin rằng Hồng còn sống nên họ mới đau. Tình cảm của Cúc cũng đã biến khác rồi. Oán hận Hồng đã tiêu tan và chỉ còn lại niềm xót thương thôi.

*

* *

Một chiều Chúa Nhựt.

Năm giờ.

Vợ chồng Thảo Cúc ngồi trên chiếc băng ngoài vườn xây bằng xi măng tô mài để làm đá hoa giả. Cả hai đều không nói. Họ hồi tưởng lại những chiều, những đêm trăng nào mà những cuộc trò chuyện tay ba vui không biết bao nhiêu là vui.

Hạnh phúc thấy nó tới dễ dàng quá, cứ tưởng là nó cũng tồn tại dễ dàng, nhưng cuộc sống tầm thường của một gia đình không tham vọng lớn, sao lại đầy dẫy chông gai như thế nầy.

Thình lình một chiếc tắc xi đậu lại trước cổng. Hai vợ chồng đều giựt nẩy mình.

Nói rằng họ đã hết hy vọng từ lâu, nhưng thật ra ngày nào hai người cũng vẫn mong ngóng một cái gì, một tin xa chẳng hạn, và biết đâu một sự trở về bất ngờ của kẻ ra đi.

Tiếng xe ngừng ngoài phố, bất kỳ xe gì, không luận ngày đêm, đều đã làm cho họ giựt nẩy mình như thế nầy.

Cả hai vợ chồng đều ngóng cổ lên dòm ra đường, tim họ đập thình thình, họ cứ nói thầm rằng là “không phải” để mong rằng “phải” vì họ tin dị đoan, đinh ninh rằng khi ta đợi cái gì thì cái ấy không tới và ngược lại.

Họ không gạt gẫm họ, mà chỉ gạt gẫm thánh thần hay một quyền lực vô hình nào, nếu có một quyền lực như vậy nó điều khiển cả mọi việc ở thế gian.

Cả hai đều thất vọng một cách đau đớn. Quả thật không phải.

Đó là một người đàn bà xấu xí, và hơi quê ở cả dáng điệu lẫn y phục. Người ấy ẵm con bước xuống xe, trả tiền rồi... ồ nầy lạ... rồi đi vào cổng.

Thảo và Cúc cố nhớ lại cái gương mặt quen quen ấy rất lâu, mãi cho đến lúc chị ta vào tới thềm nhà, họ đã nhận ra đó là chị Nhãn, người đã nuôi đẻ cho Cúc năm nào.

Mừng quá ! Nhà nầy ít giao thiệp với ai, nên khách nào tới cũng gieo vào đây một nốt nhạc vui.

Mừng nhưng cũng rất tủi. Cả Thảo lẫn Cúc đều nghe nao nao buồn mà nhớ lại năm đó, nhớ bé Thọ đến muốn khóc lận.

Nhưng lịch sự, họ tiếp đón nồng hậu người khách không quen lại gợi buồn nầy:

- Kìa chị Nhãn. Cúc reo lên; trời, lâu quá không thấy chị trở lại chơi.

- Hai vợ chồng tôi cứ nhắc chị luôn. Thảo bải buôi nói láo, chớ thật ra là họ cố hết sức tránh nhắc tới người đàn bà nầy, kể từ ngày bé Thọ lên nghĩa địa.

Chị Nhãn từ đầu chí cuối chỉ làm thinh sau khi cúi đầu chào chủ nhà.

Chị bước lên thềm ở hông hàng hiên, còn vợ chồng Thảo cũng rời băng đá, bước lên thềm giữa và chủ và khách gặp nhau nơi hiên trước ấy.

Chị Nhãn khom xuống; đặt con chị đứng lên gạch rồi nói:

- Đi lại má đi cưng.

Thoạt tiên Thảo và Cúc không ngạc nhiên lắm. Người miền Nam ta dễ thân mật, có khi thân mật quá trớn đến vô lễ. Bạ ai cũng dám gọi bằng ba, bằng má cả, và bạ người nào cũng dám cho con gọi bằng ba bằng má cả.

Hai vợ chồng cúi xuống nhìn đứa bé rồi bỗng rụng rời và chết sửng.

Đứa bé con chị Nhãn là một đứa con trai mới biết đi lửng chửng, nó chạy a lại Cúc và bập bẹ kêu:

“M…á…m…á !”

Mà quái dị thay, nó giống hệt bé Thọ, không khác một nét nào cả.

Từ ngày bé Thọ vắng số, hai vợ chồng cứ chiêm bao thấy nó mãi nên hình ảnh của nó chưa hề lợt phai trong trí họ. Đây là bé Thọ của tuần lễ trước khi nó đau ốm rồi chết. Đây là bóng ma dĩ vãng, một dĩ vãng rất gần, hay là một ảo ảnh nào ?

Cũc vừa cúi xuống đưa tay ra rước bé Thọ, vừa nhắm mắt lại, để rồi mở mắt ra ngay, thử xem mình có bị ảo ảnh nào làm cho thị giác loạn trong giây lát chăng.

Nhưng không, nàng đã chạm phải da thit non của đôi bàn tay bé tí teo của đứa bé, và đã nghe nó lặp lại rõ ràng: “M…á…m…á…!”

Chị Nhãn lại chìa ra một phong bì dầy cộm mà chính Thảo rước lấy vì Cúc mắc bận tay.

Xong đâu đấy, chị đứng lên ngay rồi không chào hỏi ai cả, chị xây lưng mà chạy như kẻ gian tẩu thoát.

- Ô … Kìa ! Thảo kinh ngạc, nhưng không kịp có phản ứng, cho đến nói lên một câu có nghĩa, chàng cũng không nói ra được, chỉ ấp úng hai tiếng trên thôi.

Và chỉ bấy giờ, chàng mới chợt thấy rằng chiếc tắc xi khi nãy vẫn còn đậu trước cổng nhà chàng và máy xe vẫn còn rồ.

Rõ ràng đây là một cuộc sắp đặt tỉ mỉ, vì khi chị Nhãn nhảy lên thì xe chạy liền, có ai muốn rượt theo cũng không đủ thì giờ thi hành ý định.

Cúc vừa sợ hãi, vừa kinh dị nhưng lại nghe sung sướng nhiều hơn hai thứ tình cảm kia, nên không thèm bận tâm tới gì xảy ra chung quanh nàng cả.

Nước mắt ràn rụa, nàng ẵm bé Thọ lên, hôn nó trơ trất và nói:

- Con ơi, con bỏ má mà đi đâu từ bấy lâu nay hở con ?

Bé Thọ cũng mừng rỡ vô cùng, dường như nó xa má nó ít nhứt cũng bốn năm tiếng đồng hồ rồi, nên nó áp mặt nó vào vai Cúc, tay nó vỗ lên vai nàng một cách sung sướng và thương yêu.

Thảo ngẩn người rất lâu, đoạn xé phong bì ra xem. Bao thơ đựng một tờ trích lục hộ tịch làm tại làng Bình Hòa Xã tỉnh Gia Định, trong đó ghi những gì chàng chưa vội đọc vì nóng lòng xem bức thơ kèm theo đó mà chàng nhận ra tuồng chữ là tuồng chữ của Hồng. Thơ rằng:

Cúc, Thảo mến yêu,

Đây là bé Thọ đã bị người ta bắt cóc hơn một năm nay và Hồng tìm được, gởi về cho Cúc, Thảo đây.

Có phải chăng là không khác nét nào hết và hẳn Cúc, Thảo không thể bảo rằng đây là bé Thọ giả.

Trong khai sanh, nó cũng mang tên là Nguyễn văn Thọ, chỉ tiếc rằng mẹ nó tên là Hồng chớ không phải là Cúc.

Hồng hối hận quá đã quên ăn cắp thẻ căn cước của Cúc, mà nhờ ta giống nhau, nên Hồng dùng vẫn được. Bất quá Cúc sẽ đi cớ bót rằng bị móc túi để xin phó bản chớ không có gì phiền lắm, mà Thọ thì đươc làm con của Cúc.

Cúc Thảo ơi, chính Hồng đã cho Thọ uống lộn thuốc nên Thọ mới vắn số như vậy, chắc Cúc Thảo không bao giờ đặt ra nghi vấn đó, nhưng Hồng phải thú nhận tội lỗi để cắt nghĩa hành động về sau, tội lỗi về sau của Hồng.

Vâng, Hồng đã lôi kéo Thảo vào một cuộc phiêu lưu tội lỗi với thiện chí trả món nợ thiêng liêng mà Hồng mắc Cúc, một đứa con yêu mến không thể thay thế được vì tình trạng cái dạ con của Cúc.

Thọ II vẫn mang dòng máu của Thảo và Cúc vì Hồng với Cúc là môt người chớ không phải hai.

Hồng đã cầu trời khấn phật đẻ con trai và phật trời đã không phụ lòng thành của một kẻ có tội và quyết chuộc tội.

Hồng đã hy sinh đời con gái của Hồng để trả món nợ thiêng liêng mà không tiếc gì cả, bởi niềm đau của Cúc một năm rưỡi trước đây có lẽ còn to hơn là nỗi buồn trơ trọi của Hồng ngày nay. Vậy quên hết Cúc nhé và tha thứ cho Hồng, Cúc nhé !

Xa nhau, chị em ta vẫn thương yêu nhau qua không gian và không bao giờ thôi tưởng nhớ tới nhau cả.

Thảo ơi riêng với Thảo, Hồng cũng thú thật rằng Hồng không quên mối tình đầu của Hồng được.

Chắc Cúc và Thảo đã hiểu hết rồi, Hồng không phải nói gì nhiều hơn nữa, mà xin vĩnh biệt ngàn năm.

Ký tên: Hồng

Thảo đọc xong, dậm chơn kêu trời một tiếng rồi vụt chạy ra ngõ; tới nơi, chợt thấy vô lý, chàng thất thểu trở vào và gọi:

- Cúc ơi !

- Gì đó anh.

- Đưa Thọ đây anh ẵm và đọc cái nầy.

Giây lát sau, Cúc cũng dậm chơn kêu trời rồi nói:

- Lần nầy thì Thảo phải tìm cho được Hồng, không thôi thì em chết mất. Em bằng lòng chia tình yêu cho Hồng rồi đó.

*

* *

Mười giờ đêm vừa gõ ở đồng hồ treo tường.

- Em đã chỉ cách truy ra chị Nhãn, mà hễ bắt được chị Nhãn là phăng lần được tới Hồng. Mai đi lo ngay việc ấy Thảo nhé.

- Anh nghĩ lại thì không nên.

- Sao lạ vậy, Cúc ngạc nhiên hỏi.

- Nếu anh mà có chịu đa thê đi nữa, anh cũng phải nghĩ đến Hồng. Anh sẽ hạnh phúc, còn Hồng thì sao ?

Nên để Hồng làm lại cuộc đời với người khác, vì dầu sao, lấy một mình một chồng vẫn hơn, Cúc à !

- Nhưng em nhớ thương Hồng quá !

- Đừng lo. Thế nào rồi Hồng cũng lấy chồng được. Hồi còn con gái người ta kén chọn quá nên phải chịu luống tuổi, giờ một con rồi, Hồng sẽ dễ dãi hơn và nhờ vậy mà lấy chồng được mau lẹ.

Mà hễ lấy chồng được rồi thì Hồng sẽ trở về đây ngay.



-HẾT-



NXB Ánh Sáng, 8.8.1969



Chú thích:

[1] Đây là con số của năm truyện nầy được đăng báo là năm 1964.
Món nợ thiêng liêng
Phần I
Phần II
Phần III
Phần IV
Phần V
Phần VI
Phần VII
Phần Kết