watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Những người trẻ lạ lùng-Phần IV - tác giả BS. Đỗ Hồng Ngọc BS. Đỗ Hồng Ngọc

BS. Đỗ Hồng Ngọc

Phần IV

Tác giả: BS. Đỗ Hồng Ngọc

Một và kỷ niệm về Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện

Tôi có may mắn được quen Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện từ hơn mười năm trước, vào khoảng năm 1985, khi ông ghé thăm Bệnh viện Nhi Đồng I, nơi tôi đang công tác. Lần đó ông nhờ tôi viết một bài về sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em để ông đăng vào tập sách Tìm hiểu trẻ em của Nhà xuất bản Phụ Nữ do ông làm chủ biên. Từ đó, tôi được nhiều lần gặp ông, đặc biệt trong những năm tôi và Bs. Lâm Văn Điền phụ trách bộ môn Xã hội học – Tâm lý học cho Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế thành phố Hồ Chí Minh, ông đã là cố vấn cho chúng tôi trong những bước đầu bỡ ngỡ để đưa một bộ môn mới vào một trường đào tạo bác sĩ kiểu mới – bác sĩ đa khoa hướng về cộng đồng. Ông chú ý đặc biệt đến việc thực tập. Ông nói phải xây dựng một bộ hồ sơ bệnh án mẫu về tâm lý trẻ em, và các sinh viên phải làm chừng 10 bệnh án như thế. Ông sợ rằng giảng dạy tâm lý không khéo thì thành lý thuyết suông, xa rời thực tế. Nhiều lần tôi đến thăm ông lúc ông “dưỡng sức” ở Viện Pasteur. Thấy hai ông bà (ông và vợ là Nguyễn Thị Nhất) vừa chăm sóc sức khoẻ cho nhau, vừa cùng làm việc với nhau thật là “tâm đầu ý hợp”. Ông có rất nhiều kế hoạch để phát triển NT (Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em, một tổ chức phi chính phủ đầu tiên ở Việt Nam do ông sáng lập). Có lần ông gửi tặng tôi cuốn Tự điển tâm lý vừa in, giải thích cho tôi rõ những từ đầy tính sáng tạo, những ý niệm phức tạp được diễn đạt bằng một từ tiếng Việt tương đương, chính xác mà dễ hiểu, chẳng hạn phân biệt lo hãi, lo âu, lo sợ… Tôi thật sự thán phục về tài dùng tiếng Việt của ông khi ông dịch chữ placébo trong y học. Chữ này có người dịch là “giả dược”, nhưng dịch như vậy thì “Tàu” quá, không phải Việt; có người dịch là “thuốc giả” thì càng sai, vì đây không phải thuốc giả, mà là thuốc giống như thuốc thật nhưng vô hại, dùng để thử nghiệm lâm sàng nhằm so sánh với thuốc thật. Ông đã tìm ra một chữ rất tuyệt vời là “thuốc vờ” để dịch chữ placébo đó. Thuốc vờ thì giống như thuốc thật mà không phải thật. Tôi nghĩ một người đã từng dịch Truyện Kiều sang Pháp ngữ như ông mới có được những tìm tòi, suy nghĩ về ngữ nghĩa tiếng Việt tuyệt vời đến vậy. Sau này, mỗi lần ra Hà Nội công tác, dù bận bịu thế nào thì tôi cũng đến thăm ông. Ông rất ân cần, niềm nở, vui vẻ nói chuyện hàng giờ không dứt dù đã yếu, mệt. Có lần một người chở xe ôm chở tôi từ Giảng Võ đến Nguyễn Chế Nghĩa trong một buổi tối trời mưa to đã hỏi tôi có phải đến thăm Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện không, và ông ta chịu khó đợi tôi gần cả giờ mà không phàn nàn dù trước đó tôi hứa vào thăm chừng mười lăm phút. Lần đó, thấy ông yếu, nằm trên giường, khi có khách ông ngồi cao hơn để tiếp chuyện, gần đó có cái điện thoại, ông nói, nhờ cái điện thoại này mà ông vẫn tiếp tục làm việc với các cộng tác viên bên ngoài dù không đi lại được nữa. Ông “khoe” đã làm xong mấy trăm hồ sơ bệnh án tâm lý trẻ em rồi, đã ra được tập san chuyên ngành, đã tổ chức các chi nhánh của NT ở nơi này nơi khác… Lúc đó tôi đang làm cuốn thuật ngữ về HIV/AIDS, nên trong lúc nói chuyện tôi hỏi ông về vài từ liên quan đến tình dục, tình yêu. Ông nói trong tiếng Pháp chỉ có “Amour” và “Sexe” thì ta có đến những bốn từ: Tình duyên, Tình dục, Tình yêu, Tình nghĩa mà tiếng Pháp không thể dịch được từ Tình duyên, Tình nghĩa! Mỗi từ đều có hàm ý khác nhau nhưng có liên quan mật thiết với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau. “Người đâu gặp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên vì hay không” là tình duyên đó, chữ “duyên” trong Phật giáo. Tôi hỏi sao không nói Tình yêu trước rồi Tình dục theo thứ tự Tình duyên, Tình yêu, Tình dục, Tình nghĩa, ông cười: “Anh nghĩ theo luân lý, còn tôi nghĩ theo tâm lý”.



BS. Nguyễn Khắc Viện đã mất vào tuổi 85, lúc 2 giờ 45 phút ngày 10/5/1997 tại Hà Nội. Ông là một nhà trí thức lỗi lạc, một nhà văn hoá lớn của Việt Nam. Ông là một tấm gương kiên nhẫn, gương tranh đấu với một nghị lực phi thường đáng cho thế hệ trẻ học tập. Từ những năm 1942 – 1951, ông đã chịu mỗ 7 lần, cắt 8 xương sườn, cắt bỏ hẳn phổi bên phải và một phần ba phổi trái vì bệnh lao, trong thời kỳ chưa có thuốc chữa, các giáo sư Pháp lúc đó đã nói ông chỉ có thể sống nhiều lắm là hai năm nữa, thế mà ông đã sống và làm việc tích cực đến 45 năm sau. Ông sinh ngày 5/2/1913 tại Hương Sơn, Hà Tỉnh, tốt nghiệp bác sĩ ở Paris năm 1940, về nước 1963. Ông là người đưa ra phương pháp dưỡng sinh độc đáo, phương pháp “y võ dưỡng sinh” và một “bí kíp” khí công với 48 chữ mà mọi người có thể thực hành:



Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm, chậm, sâu, đều
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được

Và ông dặn: “Nhớ là phải theo thật đúng, không được bỏ sót câu nào!”

Bây giờ trong lúc ngồi viết những dòng này, tôi vẫn còn nhớ cặp mắt sáng quắc của ông, giọng nói tuy chậm nhưng rất rõ ràng của một người đầy rẫy “chân khí” trong người, dù tuổi đã cao, sức đã yếu. Chắc ông cũng muốn tủm tỉm cười dặn thêm: “Coi chừng tẩu mã nhập ma nếu không theo đúng từng câu từng chữ đó nhé!”. Ông thật là một người minh triết rất dễ thương!


Võ Hồng vào tuổi 80

Tôi quen biết anh từ 30 năm trước ở Nha Trang. Tính về vai vế tôi phải gọi anh bằng… “ông”, vì dì tôi là bạn của con gái lớn anh. Nhưng anh vốn xuề xoà, dễ tính, bảo gọi bằng anh thôi. Còn anh luôn toa, moa với tôi một cách thân mật.

Năm nay có dịp về Nha Trang, tôi ghé thăm anh. Tìm nhà hơi khó vì đường xá mở rộng, nhà cửa thay đổi nhiều. Tôi đang loay hoay tìm cây khế, cây trứng cá “làm dấu” trước nhà thì một bà già đi ngang qua thấy, hỏi tìm ai, “Dạ đi tìm nhà văn Võ Hồng”, bà đáp: “Văn võ nào tôi chả biết, chỉ biết có ông già sống một mình ở ngôi nhà kia thôi!”. Tôi kể lại anh nghe, anh cười ha hả, có vẻ… chịu bà già lắm vì nhà văn Võ Hồng thì không biết mà lại biết anh sống một mình!

Mà thiệt vậy! Vợ anh mất sớm lúc anh hãy còn trẻ. Anh vẫn ở vậy, không tục huyền, dù không ít cô thầm thương trôm nhớ ông thầy giào, ông nhà văn nho nhã, dễ mến. Anh vẫn gà trống nuôi con. Tất cả đều thành đạt, đều đang sinh sống ở nước ngoài, chỉ còn ông… gà trống ngày một lớn tuổi loay hoay một mình với những người hàng xóm, với cây trứng cá, cây khế và mấy gốc dừa.

Anh nuôi một con chó con làm bạn. Lần tôi đến thăm, anh lững thững ra mở cổng, con chó ùa ra sủa ầm lên. Tôi hơi hoảng hỏi: chó có dữ không anh? Anh trả lời tỉnh queo: nó còn hiền hơn moa! Rồi anh dẫn tôi lên gác. Vẫn căn gác nhỏ với một phòng chừng hai chục mét vuông, vừa là chổ ăn ngủ, làm việc, tiếp khách… lổn ngổn những sách vở, thư từ, bản thảo… Nhờ cái sân thượng phía trước có bóng râm cây khế, cây dừa mà anh còn có chổ để mà trầm tư mà hoài cố nhân… Anh khoe với tôi cái chậu nhỏ trong đó có một cây gai bàn chải mọc dọc hai bên đường. Anh nhớ nó quá nên tìm một gốc về trồng. Anh giấu nó ở một góc sân thượng, sợ người ta trông thấy cho là lập di!

Có lần Đài truyền hình Trung ương làm một bộ phim ngắn về “Thầy Võ Hồng”. Anh rất cảm động khi được về thăm lại trường Bồ Đề cũ, chùa Hải Đức, nhà thờ Chánh toà Nha Trang… nhưng anh vẫn thấy ngường ngượng khi phải… đóng phim. Rồi cô Thu Trang dạy Cao đẳng sư phạm ở Tuy Hoà, quê hương anh, đã làm một luận văn thạc sĩ ngữ văn về sự nghiệp văn học của anh: “Võ Hồng, nhà văn và tác phẩm” do giáo sư Hoàng Như Mai hướng dẫn, mà người phản biện là tiến sĩ Huỳnh Như Phương ghi nhận xét: mong sớm được thấy in thành sách để giúp bạn đọc hiểu thêm về nhà văn Võ Hồng. Nhắc đến mình, anh như luôn có vẻ ngượng. Mấy năm trước, trong thư gửi tôi, kèm tập thơ mới in của anh, anh viết: “Đọc lại văn mình moa thấy: nếu là văn xuôi thì Ngộ, còn thơ thì Ngượng. Cái gì mà yêu thương, nhớ nhung, đợi chờ… mắc cỡ thấy mồ!”. Tôi hiểu anh, bởi vì văn thì còn đổ thừa tại hư cấu, tại tâm lý nhân vật nọ kia, chứ thơ thì hết phương chối cãi! Nhưng theo tôi, văn Võ Hồng đã là một thứ thơ, một thứ thơ xuôi, nhàn nhã, đầm thắm, chân thật… làm xúc động lòng người!

Hỏi anh lúc này có khoẻ không, anh nói khoẻ gì nổi, bệnh rề rề. Nhiều tuổi rồi, con ở xa, bệnh cũng làm biếng đi bệnh viện nữa. Phải nhờ người quen đưa đi khám hoài ngại quá! Vậy mà hôm nghe tôi bệnh nặng, phải đi mỗ cấp cứu, anh viết thư: “Mười hai giờ khuya, moa ra sân thượng, quỳ hướng về sao Bắc đẩu hết lòng cầu nguyện cho toa tai qua nạn khỏi…”.

Trở lại chuyện thăm anh ở Nha Trang lần này, tôi thật bất ngờ thấy anh không còn “cô đơn” nữa. Trong phòng anh treo một tấm ảnh chân dung khá lớn của cô đào hát bóng xinh đẹp Lý Linh, người đóng vai Tống Khánh Linh trong phim nhiều tập chiếu trên truyền hình! Thì ra “ông lão” mê cô tài tử này không biết tự bao giờ! Thấy tôi bỡ ngỡ, anh cười: “Đứa cháu mình ở ngoài quê coi phim rồi nói với mình: Cậu ơi, sao mà cô đào đóng phim này giống hệt mợ… Mình giật mình, “kiểm chứng” lại quả là có nhiều nét giống y hệt vợ mình hồi đó, nên mình treo ảnh này lên đây”. Anh lại có vẻ ngượng.

Nhớ tết này anh đã tám mươi, tôi thử bói cho anh một quẻ bằng cách mở ngẫu nhiên một trang trong cuốn Trầm tư của anh mà tôi gọi là “bói Võ Hồng”, tình cờ trúng câu 259, câu trao đổi của anh với một “cô nào đó”, chắc là Lý Linh:

- Em như đoá hồng dành cho vương tôn quyền quý, còn anh…

- Câu đó phải do em nói. Tâm hồn anh đẹp và mảnh như hoa. Nên khó nuôi dưỡng, khó chăm sóc. Em đành phụ bạc anh…

Vậy là anh chàng “Tú Uyên” Võ Hồng với “tâm hồn đẹp và mảnh như hoa” đó vẫn chờ đợi nàng Giáng Kiều từ trong tranh một hôm nào đó lại bước ra…


Cậu tôi, ông Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư


Bây giờ, mỗi lần nhớ tới cậu tôi thì tôi thường tự hỏi hồi bằng tuổi cậu, tôi có làm được điều gì đó cho ai như cậu đã làm cho tôi không và tự nhiên tôi thấy lòng mình rộng mở, thanh thản, muốn giúp đỡ, chia sẻ. Cho đến năm 12 tuổi, tôi mới được biết cậu, còn trong ký ức mơ hồ của tôi hồi bốn, năm tuổi gì đó, tôi chỉ còn nhớ ông bà Giáo và dì Nga, là cha mẹ là em của cậu. Ông bà Giáo rất hiền, dì Nga cũng hiền. Ông bà và dì Nga sống bằng nghề chằm đệm buồm. Tôi thường có dịp đến chơi, coi mọi người chằm lá. Khoảng chín, mười tuổi, tôi về sống ở Phong Điền, Hiệp Nghĩa, lại gặp ông bà Giáo ở gần nhà cậu Năm Ý tôi, trên miếng đất ông cố tôi để lại. Bà Giáo là cô ruột của mẹ tôi, còn ông thì tôi chỉ nghe gọi là ông giáo Hoàn. Khi lớn lên thì tôi biết dì Nga đã mất, cậu Ngư thì nghe nói rất ít, và trong nhà khi nhắc tối cậu, người ta hay gọi “Ngư khùng, Ngư điên”. Mẹ tôi, cậu Năm lớn (Bánh), cậu Năm nhỏ (Ý), cậu Năm Chi đều gọi là “thằng Ngư khùng” bằng giọng trìu mến, thương yêu, không ghét bỏ mà có phần quí trọng, nể nang. Tôi lấy làm lạ. Những người nhỏ tuổi hơn như cậu Hội, thì gọi “anh Ngư khùng” bằng một giọng kính nể hơn. Không phải mọi người kính trọng vì ông bà Giáo hiền lành, ông vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc được mọi người trong xóm làng thương mến, mà nể trọng “Ngư khùng” vì cho rằng cậu Ngư học giỏi quá, học giỏi đến hoá khùng, hoá điên. Mà thật, vùng tôi hồi đó không ai học được lên cao như cậu. Tới “Primaire” đã hiếm chớ đừng nói đến “Prevet” trường Tây rồi vào học cao đẳng sư phạm như cậu. Nghe nói hình như vùng quê ngoại tôi có hai ngọn núi án ở phía bắc (Tà Cú) và phía Đông (Tà Đặng) nên ai học giỏi quá, học cao quá thế nào cũng xảy ra chuyện không hay. Từ đó, Ngư khùng, Ngư điên vì học giỏi như một huyền thoại bao quanh tôi. Tôi vừa thích vừa sợ, vừa lo lo. Thế rồi đến năm mười hai tuổi, tôi mới được gặp cậu bằng xương bằng thịt lần đầu tiên.

Ba tôi mất, mẹ tôi rời xóm tản cư trong rừng Bàu Lời, dẫn bốn anh em tôi về thị xã Phan Thiết tá túc ở nhà cô Hai tôi, ngụ trong chùa Hải Nam. Cô Hai và các chị tôi sống bằng nghề chằm lá buông, tôi phụ giúp phơi lá. Cô tôi rất tốt mà cũng rất nghiêm. Cô tôi cũng lại gọi “cậu Ngư Khùng” với cái giọng nể nang. Các anh chị cũng nhắc đến cậu bằng sự mến phục. Mọi người đếu khen cậu hiền lành, dễ thương, chỉ khi điên mới kỳ cục, nhưng điên chỉ vì học quá giỏi mà thôi. Thế rồi có lần cậu từ Sài Gòn về Phan Thiết, ở nhà dì ba Lem. Cậu đến thăm mẹ con tôi và bàn với mẹ tôi cho tôi đi học. Trời ơi, đi học, sướng quá, nhưng phải cẩn thận, học vừa thôi chớ học giỏi quá hoá điên như cậu thì nguy, tôi tự nhủ. Tôi thấy cậu ốm nhom, tóc hớt ngắn, quần rộng thùng thình, sơ-mi sạch sẽ nhưng nhàu nhè, chỉ có đôi mắt là sáng rực sau cặp kiếng cận tròn, gọng đồi mồi. Bộ ria mép che bớt cái miệng với hàm răng hơi hô, nhưng nhờ hay cười nên cũng có duyên, mũi hơi quặp, chịu đựng cặp mắt kiếng khá nặng, tay thì ôm một chồng sách báo, đi nghiêng nghiêng tất tả. Lần về đó có cả mợ tôi. Mợ tròn trịa, da trắng, tóc quăn, nhanh nhẹn, vui vẻ, hoạt bát. Hôm đó tôi diện bộ đồ “pyjama” do anh Hai con cô tôi may cho, đến nhà dì Ba Lem thăm cậu mợ. Sau này tôi có viết lại đoạn hồi ký ấy trong một cuốn vở học trò, với cái tựa là “Cậu tôi”, kể lại “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai… cậu nắm lấy tay tôi, dẫn đi trên con đường…” đến trường học. Tiếc là cậu đã làm thất lạc. Bây giờ tôi không viết lại được nữa. Tôi nhớ cậu dẫn tôi đi mua sách vở chuẩn bị vào trường ở nhà sách Vui Vui bên bờ sông Cà Ty gần cầu Phan Thiết. Tôi bẽn lẽn, hồi hộp, sung sướng không tả. Tôi vừa đi vừa ngó chừng cậu. Cái huyền thoại học giỏi hoá điên của cậu làm tôi ngờ ngợ, lo lo. Nhưng tôi nghĩ là tôi cũng phải ráng học giỏi. Thà học giỏi hoá điên còn hơn học dở. Trước đây, tôi học trong rừng, vùng kháng chiến quê mẹ tôi, không biết sức học thực của mình ra sao. Mười hai tuổi, biết đọc, biết viết, làm toán khá, còn chưa biết một chữ “le, la” trong tiếng Pháp, mà hồi đó, học trò tiểu học đã học tiếng Pháp rồi. Tôi hoảng lắm. Cậu thì tỉnh queo, nắm tay tôi kéo vào tiệm sách Vui Vui mua cho nào vở, nào tập, nào viết chì, viết mực, cục gôm, không thiếu một thứ gì. Cậu còn mua cho một cây viết chì màu hai đầu xanh đỏ mà tôi rất khoái. Mấy cuốn sách Pháp vỡ lòng, sách Việt, sách toán đủ cả. Cậu thiệt là rành nghề học, tôi nghĩ. Cậu vào tiệm sách mua một lèo không đắn đo suy nghĩ gì cả. Người ta nói đúng, cậu có nghề đi học nên cậu rành quá.

Cậu dẫn tôi đến nhà người bạn cậu, cô Tiểu Sính, vợ thầy Lâm Tô Bông. Thì ra cô là Hiệu trưởng trường tiểu học mà cậu định gởi tôi vào học. Cô cũng óm nhom, cũng mang kiếng cận trời ạ. Hoá ra người nào học giỏi cũng mang kiếng cận, phải ốm nhom và chắc cũng khùng khùng, điên điên cả sao? Nhưng cô không có vẻ gì khùng mà lại rất vui vẻ, tử tế. Tôi nghe hai người bàn bạc gì đó với nhau một lúc. Sau đó cô Tiểu Sính dặn dò tôi mấy điều và hẹn ngày cho tôi vào lớp. Lớp ba! Mà người ta đã học cả tháng trước rồi! Tôi lo sốt vó, không biết có học nổi không. Thế nhưng sau đó mấy ngày, tôi được thầy giáo báo với cô Hiệu trưởng cho lên lớp nhì và vài tháng sau đó cho lên lớp nhất luôn (lớp Năm bây giờ). Lần đó cậu Ngư cho tôi một số sách báo để đọc chơi, Có những cuốn sách hình thật đẹp, vừa có thơ, vừa có hoạ như cuốn Con ve và con kiến của Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi muốn mình cũng vẽ được hình, làm được thơ như vậy. Tôi được học bổng toàn phần, nghĩa là được miễn đóng học phí. Tôi chắc là nhờ cậu nói giúp với cô Hiệu trưởng hoàn cảnh gia đình tôi nên mới được như vậy. Nhưng điều kiện nhà trường cho tôi biết là hàng tháng phải học giỏi, phải đứng từ hạng năm trở lên mới tiếp tục lãnh học bổng. Tôi ráng học, thường đứng nhất hay nhì mà thôi. Cuối năm được lãnh thưởng hạng nhất toàn trường, phải kêu xe xích lô chở về chùa. Cô tôi, mẹ tôi và các chị mừng lắm, khuyến khích tôi học. Tôi không nhớ lúc nào cậu Ngư lại về Phan Thiết lần nữa. Lần này cậu đến trường tìm tôi. Trường Bạch Vân bây giờ đã dời về chùa Bà. Tôi không biết sao mà mình ở cũng chùa mà học cũng chùa. Nhưng chùa Bà Đức Sanh Hội là nơi im ả, sân rộng, cây cao bóng mát thật lý tưởng, lớp học cách điện thờ có một vách ngăn. Lần đó thấy tôi học giỏi, cậu khen ngợi và cởi chiếc đồng hồ đeo tay, cho tôi. Lần đầu tiên tôi có cái đồng hồ đeo tay. Tôi khoái lắm, thấy không thua kém bạn bè nữa. Bây giờ đi đâu, có dịp tôi thường cho mấy nhóc nhỏ trạc tuổi tôi hồi đó thứ này, thứ khác… là tôi nghĩ đến cậu tôi, nhớ đến cậu. Từ đó, tôi thường thư từ với cậu. Mỗi lần được thư tôi, cậu đều trả lời. Thư cậu viết trên giấy pelure màu xanh, hồng, có khi là giấy họ trò thi, cậu tiết kiệm để dùng. Thỉnh thoảng cậu cho tôi sách, báo. Tôi mê lắm. Thế rồi gia đình tôi đột ngột theo cô Hai tôi dời về thị xã La Gì, Bình Tuy, quê cũ của họ hàng phía nội tôi. Lúc đó tôi đang học đệ thất trường Phan Bội Châu, Phan Thiết, sắp lên đệ lục, mà phải bỏ trường bỏ lớp thì thật là nản!

Hai năm sau Bình Tuy mới có lớp đệ thất đầu tiên của một trường đạo. Tôi xin mẹ cho tôi học lại. Mẹ tôi đồng ý. Cũng lạ, tôi hết học chùa bây giờ đến học nhà thờ. Tôi học không dỡ, liên tiếp nhất lớp, tôi viết thư cho cậu, cậu khuyến khích ráng học. Năm đệ lục, tôi tình cờ gặp cuốn “Kim chỉ nam cho học sinh” của ông Nguyễn Hiến Lê, tôi áp dụng ngay vì thấy cách chỉ dẫn của ông cũng giống cách tôi làm, chỉ khác là ông hệ thống hoá một cách khoa học, làm tôi tự tin hơn. Thấy sức học dư, tôi quyết định nhảy lớp. Tôi viết thư hỏi ý kiến ông Nguyễn Hiến Lê, ông khuyến khích. Tôi thi thí sinh tự do Trung học đệ nhứt cấp, đậu.

Thời đó, thi Trung học đệ nhất cấp mỗi năm hai lần, thi viết và cả vấn đáp tất cả các môn. Tỷ lệ đậu từ năm, mười phần trăm, nên ai đậu được cũng mừng lắm. Tôi viết thư báo tin vui cho cậu và nói muốn vào Sài Gòn học tiếp. Cậu trả lời ngay trên tờ giấy pelure hồng. Đồng ý. Mẹ tôi thấy cậu đồng ý và bà con cũng khuyến khích nên chịu cho tôi đi Sài Gòn “du học”. Thế là tôi từ một nhóc nhà quê đã khăn gói vào Sài Gòn. Ở tạm nhà cậu mợ mấy hôm, rồi tôi tìm chổ ở trọ, ăn cơm tháng trong xóm Bàn Cờ. Cậu đưa tôi đến xin cho tôi vào học đệ tam (lớp mười) trường trung học Pétrus Ký, một trường nổi tiếng mà ngày xưa cậu đã học, nhưng không còn chỗ. Tôi có người bạn đang học trường tư, rủ tôi ghi danh. Thấy đủ sức, lại tiếp tục học nhảy, thi Tú Tài I, đậu. Lần này cậu dẫn tôi đến trường Võ Trường Toản xin cho tôi vào học lớp đệ Nhất để thi Tú Tài II, tôi được nhận. Cuối năm được phần thưởng danh dự toàn trường và thi đậu Tú Tài II hạng khá, rồi vào Y khoa.

Tôi nghĩ rằng như vậy là tôi đã cố gắng học giỏi để trả ơn mẹ tôi, cho cậu, cho cô Hai tôi. Tôi không sợ học nhiều sẽ điên như cậu nữa. Học bạ của tôi thời gian đầu, cậu ký, thay mặt cho phụ huynh, nhưng sau đó tôi tự ký lấy mà cậu cũng không cần hỏi, cậu tin ở tôi. Cậu đối với tôi từ tình cậu cháu sang gần như bạn bè. Cậu kể cho tôi nghe về đủ thứ chuyện về cuộc đời cậu, về những mối tình của cậu và những ước mơ của cậu. Tôi cũng đưa cậu vào bệnh viện tâm thần mấy lần, hết Chợ Quán đến Biên Hoà, và có lần tôi tính học ngành Tâm thần để chữa cho cậu, lúc tôi đang học y khoa năm thứ năm, thực tập tại Chợ Quán. Lần đó, thấy cậu chịu một đợt chạy điện, giật đùng đùng như cá quằn quại trên tấm thớt, tôi chịu đựng không nổi, thấy ngành này có vẻ “dã man” quá nên thôi.

Cậu có nhiều bài thơ hay. Bài thơ về bà rất cảm động:

“Má ơi con má điên rồi
Má còn trông đứng trông ngồi mà chi…”

Rồi trên bàn thờ ông, tôi lại thấy hai câu đối của cậu:

“Mắt mở đã thấy xiềng nô lê
Hồn đi còn mơ gió tự do”

Ngày giỗ nào của ông bà, cậu cũng cúng bánh hỏi. Cậu nói, ông thích món bánh hỏi thịt quay. Còn nhớ năm 1960, cậu mợ về Hàm Tân làm mộ cho ông bà, tôi cùng cậu mợ và vài người bà con đi bộ từ La Gi lên Hàm Tân dọc theo biển, con đường ngày nhỏ tôi vẫn thường đi lại, dài trên mười lăm cây số. Biển mênh mông, rừng dương vi vút. Đến Nước Nhỉ, cậu dừng chân nghỉ và nằm lim dim trên đóng cát gạch vụn, dưới bóng mát của các bụi dứa gai um tùm nhìn lên trời mây… Một lúc cậu gọi tôi đến và đọc cho tôi nghe bài thơ cậu vừa làm. Tôi còn nhớ mấy câu:

Nằm đây mà ngó lên trời
Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa
Nằm đây mà nhớ mơ hồ
Những xanh tóc ấy bây giờ về đâu…

Thì ra cậu nhớ mấy người bạn cũ, đã cùng nhau xây cái giếng Nguồn Chung này cho khách bộ hành qua đường nghỉ ngơi uống nước ngọt nhỉ từ động cát ra, giữa trưa nắng gắt trên đường dọc biển mênh mông đầy nắng và gió. Bài thơ còn dài, tôi không nhớ hết, trong đó có câu “Ớt, Trì, Dì, Thảo xe trâu…”. Trì là ba tôi đã mất từ lâu, cậu Dì đã hi sinh, còn chú Thảo bị cọp vồ trong rừng thời kháng chiến chống Pháp. Bây giờ giếng đã không còn, chỉ còn mấy miếng gạch vụn. Từ đó lên đến Ngãnh Tam Tân không còn bao xa. Đến Ngãng, cậu chọn một đồi cao, nhìn về biển, Hòn Bà xa xa, dựa đầu lên động cát và núi Tà Cú, đặt ngôi mộ ông bà và dì Nga ở đó. Cậu dành sẵn một chỗ cho Cậu và một chỗ cho mợ. Rồi cậu đọc cho tôi nghe một bài thơ, tôi còn nhớ hai câu cuối:

Em có ngồi đây mà anh không động đậy
Biển trời này sẽ thỏ thẻ chuyện đời anh

Nay, ngôi mộ hoang vu um tùm cây cối và dứa dại, đã trở nên sầm uất, chắc là ngoài dự kiến của cậu. Cũng dịp đó, tôi chịu trách nhiệm vào Sài Gòn, đi bằng xe lửa để mang mộ bia của ông bà và dì Nga về cho cậu dựng mộ. Tôi đi, mang theo một bức “mật thư” của cậu gửi cho một người con gái ở Sài Gòn, người “em tinh thần” của cậu, người con gái đang có những bài thơ tình sầu đăng trên báo, về sau đã là một nữ sĩ thời danh. Bức thư của cậu dài mấy chục trang pelure trắng, chằng chịt những chữ, ngoằn ngoèo những ghi chú, viết thêm… hình như đã viết trong nhiều ngày tháng. Tất cả những tình cảm sục sôi, yêu thương, hờn giận, uất ức, ngậm ngùi… từ văn chương đến thời sự, từ chuyện chung đến chuyện riêng rải trên từng trang giấy pelure trắng, dầy đặc những chữ đọc không ra do cách viết quốc ngữ đặc biệt của cậu. Tôi đến nhà nhà người đó theo địa chỉ cậu dặn, bấm chuông, hỏi người giữ cổng. Một cô gái có vẻ đài các, kiêu xa bước xuống, nhận thư, cám ơn rồi lẳng lặng đi vào. Tôi nhà quê đứng trân, không dám nhìn, vì sợ bất kính với cậu.

Cậu có những mối “tình tuyệt vọng” lửng lơ mà say đắm, gần như điên, trào ra, túa ra trong cách chăm sóc, trong những bức thư, những bài thơ làm cho người đọc hoảng hồn bỏ chạy. Sau này, khi về Hàm Tân, đi Ngãng, tôi nhớ lần về đó với cậu nên viết bài thơ “Đêm trên biển Lagi”, in trong tập “Giữa hoàng hôn xưa” của tôi:

Sóng cuốn từng luồng trăng lại trăng
Đêm Hòn Bà dỗ giấc ai nồng
Phẳng lì bãi cát buồn hiu ngóng
Cao vút hàng dương quạnh quẽ trông
Đá cũ mòn riêu hoài đá Ngãnh
Nguồn xưa cạn nước vẫn Nguồn Chung
Về đâu mái tóc xanh ngày ấy
Câu hỏi ngàn năm có chạnh lòng
(1990)

Cậu có những người “em tinh thần”, ai cậu cũng hết lòng thương yêu, giúp đở. Tôi nhớ một trong những người em tinh thần mà cậu thương quý nhất là nữ sĩ Minh Đức HT, một người ở trời Tây thỉnh thoảng về thăm, lúc nào cũng nghe cậu nhắc đến với lòng tự hào. Có lẽ một phần do ảnh hưởng của nữ sĩ khả ái này, cậu đã đặt cho những người “em tinh thần” khác, dòng họ Minh nào là Minh Ph, Minh X, Minh Kh… ai cũng có một chữ Minh ở đằng trước cho dễ nhận ra nhau. Có khi cả các Minh gặp nhau trong một buổi họp mặt chung vui. Có lúc cậu đưa tôi đến thăm Minh này Minh khác, với ai cậu cũng có những bài thơ, bức thư viết trên đủ thứ loại giấy từ tờ pelure trang trọng đến một mảnh giấy gói đồ, tờ lịch, đụng đâu viết đó. Tình cảm cậu đối với mọi người như tràn ngập, như bão lũ, làm cho nhiều người choáng ngợp, sợ hãi.

Mợ tôi biết hết. Biết mà không hề ghen. Mợ biết các mối tình lơ mơ của cậu là tình nghệ sĩ, tình điên vì quá dạt dào, không tràn ra thì chắc bệnh sẽ nặng hơn. Mợ thì khoẻ khoắn, can đảm, chịu khó, chấp nhận yêu thương một người tài hoa mà khùng khùng điên điên như cậu, chịu hết trận này đến trận khác, đưa cậu đi hết nhà thương điên này đến nhà thương điên khác, thì mợ xứng đáng cho cậu khen “làm vợ Tú Xương dễ, làm vợ Sào Nam cũng dễ, làm vợ Ngu Í mới thật khó…” Cậu có bài thơ “Kén Vợ” rất tuyệt vời mà tôi không dám viết ra đây, chỉ có mợ tôi là người “thục nữ” dám chấp nhận bài thơ đó (*)

Tôi đến nhà chơi, thỉnh thoảng thấy cậu mợ “choảng” nhau bằng tiếng Tây cho con cháu không biết. Mợ đánh bóng bàn, bơi lội, thích hoạt động xã hội, nhờ đó mà cân bằng với những bốc đồng, văn nghệ, văn gừng của cậu. Cho nên kỷ niệm hai mươi năm, cậu làm bài thơ tặng mợ đã sống hai mươi năm “nước lửa” cùng cậu. Có lúc cậu than “không có người yêu để gọi em” vì cậu chỉ gọi mợ bằng tên thôi. Và mợ cũng chỉ xưng tên với cậu. Chắc là do giao kèo từ đầu giữa hai người. Tôi nể phục mợ tôi và tôi thương cậu. Trong những lúc lên cơn, cậu hay tìm đến tôi, nhiều khi nữa đêm về sáng. Tôi đưa cậu vào nhà, lấy cái gì đó cho cậu ăn và ngồi cho cậu trút hết bao bực dọc chừng vài ba tiếng đồng hồ thì cậu dễ chịu trở lại.

Làm văn, viết báo, cậu có nhiều biệt hiệu. Khi thì Trình Nguiên, để nhớ mối tình đầu với cô Trình ở quê nhà; Tân Fong Hiệb do ghép Tam Tân, Phong Điền, Hiệp Nghĩa (là những xã ở huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam bây giờ), nơi quê ngoại của cậu. Rồi Ngê Bá Lí, Trần Hồng Hừng, Kì Gob Jó Cì… Viết sử thì Fạm Hoàn Mĩ. Dạy học thì Nguyễn Hữu Ngư. Nhưng nhà báo Nguiễn Ngu Í thì được nhiều người biết đến nhất. Trong danh thiếp, lúc đã nổi tiếng là một ký giả chuyên phỏng vấn các vấn đề văn học nghệ thuật cho tạp chí Bách Khoa thời đó, cậu ghi: Jáo sư, kí jả kông chuiên ngiệb.

Cuộc đời cậu nhiều truân chuyên, tài hoa nhưng mắc bệnh không thể chữa được. Tuổi lớn, cơn điên lên ngày càng nhặt. Có những đợt cậu nằm Dưỡng trí viện Biên Hoà dài ngày, tưởng đã không qua khỏi. Có lần cậu nằm giữa xa lộ cho xe Mỹ cán, nhưng xe chở thẳng vào Biên Hoà. Có lần trốn viện, bắt đom đóm làm đèn đi trong đêm vì thời điểm giới nghiêm. Câu làm thơ thật nhanh, thật dễ dàng ngay trong lúc lên cơn. Cậu chủ biên tập “Thơ Điên Thứ Thiệt” như để phản đối những người giả điên thời đó. Rồi xuất bản tập “Qê hương” để nói về quê mẹ và nơi chôn nhau cắt rún của mình ở Hàm Tân. Cậu nhờ tôi viết một bài giới thiệu chung, tôi đã viết bài dẫn nhập cho tập Qê Hương với bút hiệu Giang Hồng Vân. Cậu đã có một vài tác phẩm về sử, đặc biệt là về Quang Trung, về Hồ Quý Ly trong thời gian cậu dạy sử ở trung học. Cậu cũng có vài cuốn tiểu thuyết như “Suối Bùn Reo”, “Khi người chết có mặt” v.v… Nhưng tác phẩm nổi tiếng của cậu là “Sống và Viết với …”, tập hợp các bài phỏng vấn mà ai cũng công nhận là tài hoa với các nhà văn nổi tiếng đương thời. Cậu chuẩn bị ra cuốn “Sống và Vẽ với…” phỏng vấn các hoạ sĩ, và “Sống và Đàn với…” phỏng vấn các nhạc sĩ. Tiếc thay ý nguyện chưa tròn. Tập thơ tội nghiệp nhất của cậu là tập “Có những bài thơ”, do Trí Đăng xuất bản, in xong ruột, chưa có bìa, không hiểu sao. Rồi tập thơ cũng được cậu tặng bạn bè quen biết mà chẳng cần có bìa như vậy.

Thời cuộc đổi thay, cậu thích nghi cuộc sống một cách khó khăn, khác với mợ dễ dàng thích ứng, cậu như ngày càng ngơ ngác hơn, càng điên hơn. Thế rồi một buổi trưa tháng giêng năm Kỷ Mùi (1979), người nhà mợ báo tin cho tôi biết là cậu đang hấp hối. Tôi vội chạy đến nhà cậu ở Bàu Sen, đường Nguyễn Trãi, chạy lên căn gát ọp ẹp, thấy cậu nằm im như chìm trong giấc ngủ sâu. Mợ đi vắng. Chỉ có con trai cậu, Nguiễn Hữu Nguiên. Tôi làm thủ thuật hồi sinh cấp cứu nhưng vô hiệu. Lần này cậu đi thiệt…

Những lần trước tôi đến thăm, tuy cậu có yếu nhưng vẫn nói được chút ít, ăn cam, uống chút sữa. Tôi đọc cho cậu nghe mấy câu thơ của cậu và hỏi cậu có biết thơ của ai không, cậu lắc đầu không nói. Trước đó, hình như cậu biết trước cái chết của mình, cậu đã viết một bức thư như là một di chúc cho mợ. Cậu ước ao được thả trôi trên một chiếc thuyền nhỏ, đục lủng đáy, nhét nút lại, rồi để thuyền trôi lênh đênh trên biển Thái Bình Dương, để cậu được nhìn trời mây nước cho thoả thích, rồi rút nút cho thuyền chìm dần và chết trong bụng cá, cho “Ngư về với Cá”. Thế nhưng cậu chết với lửa. Cậu được hoả táng ở An dưỡng địa Phú Lâm và đưa về đặt kề ông bà và dì Nga ở Ngãnh Tam Tân. Tôi nhớ hai câu thơ từ lâu của cậu:

Bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi
Một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi

Và hình như cuộc đời cậu gói ghém vào hai câu đó. Nào chí trẻ, nào tình xa, nào tro bụi. Chí trẻ chắc không ai hơn cậu, muốn vun gươm, muốn dời núi lấp biển đến nỗi hoá điên; tình xa với bạn bè thân thuộc em cháu, với cả những người tình không quen biết, với quê hương núi Cú hòn Bà, với quê hương Việt Nam, rồi sau đó là tro bụi. Cậu đã làm câu đối cho mình.

Mấy lượt tung lòng, được gì chăng, hay trong ai ghi uất hận!
Đòi phen nâng bút, còn gì chăng, hay trên cát viết ngu ngơ…

Thế nhưng cậu làm được nhiều hơn cậu tưởng, và những người thân, những bạn bè, em cháu, người người quen biết… không ai không quý mến cậu, không ai không thấy được cái tình của cậu đằm thắm, mênh mông, thành thực, sâu lắng. Những ai gần gũi cậu sẽ cảm nhận được cái tình đó, cái tình vượt lên trên cái tình bình thường. Riêng tôi, tôi luôn nhớ cậu và nhớ những ngày còn thơ, cậu đã thay mẹ tôi, dẫn tôi đến trường học, một ngôi trường tiểu học nhỏ bên bờ sông Cà Ty, Phan Thiết. Mới đó mà đã hơn bốn chục năm!

1996

(*) Cậu đọc cho tôi nghe. Tôi được mợ cho phép “công bố” sau khi cậu đã mất 20 năm:
“Ta là người lữ khách không xu
Từ trong bụng mẹ thành thằng ngu
Chí ngốc lỡ làng tan mộng trắng
Ai người thục nữ dám nâng ... ?


Nghe GS. Trần Văn Khê kể chuyện… tình

Có thể đọc phần hồi ký để biết thêm những người thầy, người bạn của ông như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Thiều, Nguyễn Văn Cổn, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Ngư…; có thể đọc phần Bút ký để theo bước lữ hành của nhạc Việt cùng ông từ Paris đến Bombay, Đài Bắc, rồi từ Phù Tang, xứ sở của hoa anh đào trở về xứ Huế mộng mơ… Nhưng nhất định phải đọc trước hết “Vài câu chuyện tình” được “che dấu” một cách khiêm tốn ở cuối tập “Tiểu phẩm” gồm ba phần Hồi ký, Bút ký và Truyện ngắn của Trần Văn Khê do Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành (năm 1997).

Dù tác giả đã cẩn thận dặn dò bằng một cái “châpeau” rằng thì là những chuyện này là của nhiều người khác, ông chỉ là người ghi chép lại, người ta dễ nhận ra rằng nhà nhạc học uyên thâm này… đã chân thành kể lại những chuyện tình của chính mình, chính xác đến từng thời gian, không gian cũng như tính cách nhân vật, dưới nhiều cái tên khác nhau nhưng cũng chỉ là của một con người từ thưở thiếu thời đến tuổi xế bóng, từ một học sinh lục tỉnh đến một sinh viên Hà Nội “xếp bút nghiên” dạy học mưu sinh, rồi là một sinh viên đại học Sorbonne ở Pháp đến một giáo sư âm nhạc đi công cán ở Mỹ. Do vậy mà chuyện kể của ông rất thành thực, cảm động với một văn phong giản dị mà màu sắc, mang tính cách Nam bộ khá rõ ràng. “Vài chuyện tình” gần như không có một chút hư cấu trừ chuyện đổi tên và những chổ tác già tự ý… đục bỏ!

Đó là chuyện kể về một mối tình đầu của… ông, truyện “Hai bức thư”, kể về một mối tình trong trắng ngây thơ của Nguyên và Hồng, “đôi trai tài gái sắc” ở miệt vườn: một mối tình nhẹ nhàng mà đằm thắm, hồn nhiên nhưng không kém phần mãnh liệt. “Họ rất thích gặp nhau, nhưng mỗi lần gặp thì mỗi người chỉ ngồi một góc, thỉnh thoảng nhìn nhau mỉm cười…” (tr 311), thế nhưng khi cần bảo vệ người yêu, Nguyên đã nuốt gọn bức thư của bạn tình vào bụng để tránh sự phát hiện của người cô nghiêm khắc. Dĩ nhiên mối tình đó không thành như hàng trăm hàng ngàn mối tình đầu khác, nhưng chuyện bất ngờ làm ta cảm động là bốn chục năm sau đó, hai người gặp lại nhau trên đất Pháp và người con gái ngày xưa nay đã là bà cụ già mà còn phải viết cho Nguyên một bức thư thứ hai trong đời: “Nhưng em xin anh, từ nay về sau đừng bao giờ trở lại đây nữa. Mong anh hiểu và đừng buồn em.” (tr 320). Chuyện làm ta nhớ đến Phan Khôi: “… tình cờ đất khách gặp nhau, hai mái đầu đều bạc, nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được…”; nhưng ở đây không chỉ là hai mươi bốn năm sau mà đến bốn mươi năm sau, thế mà đất khách gặp nhau họ đã vội vã đuổi xua nhau vì sợ dấy lại mối tình ngây thơ từ thuở thiếu thời nơi chốn quê nhà.

“Cô giao liên” là chuyện kể về mối tình câm của cô học trò con nhà giàu ngỗ ngược, cô Ngọc, với ông thầy “Hai mươi ba tuổi, đang học Đại học Hà Nội, trong nhóm Xếp bút nghiên về Nam tạm dạy học mưu sinh” (tr 321). Thầy Trung nghiêm khắc, khó tánh đã thu phục và biến cô gái nhà giàu kênh kiệu thành một người có lòng yêu nước, trở thành một cô giao liên trong kháng chiến chống Pháp, lặn lội trong bưng biền để mong có ngày gặp lại thầy Trung… “Gặp được thầy là em mãn nguyện rồi. Nhờ thầy mà em không còn là đứa con cưng trở thành đứa con hư đốn, em đã ham học, và đặc biệt đã biết yêu nước, biết làm phận sự một người công dân trong lúc đất nước nguy biến như lời thầy thường giảng dạy” (tr 329). Cô giao liên đó đã hy sinh tại vùng ngoại ô Sài Gòn trong một chuyến công tác về Thành.

“Tình kỹ nữ” là câu chuyện tình của một sinh viên nghèo người Việt, học văn khoa ở Sorbonne và chính trị ở Sciences-Po, đêm đêm phải đi hát ở nhà hàng để kiếm sống, với một cô gái Pháp làm nghề vũ khoã thân. Cô gái có một đời sống “không bình thường” đã vì cảm phục anh sinh viên nghèo mà cô có lòng nên đã tìm mọi cách để có được một đêm làm cô gái “bình thường” bên cạnh anh, để rồi đêm đó Khai – tên chàng sinh viên – “đã sống một đêm tình lạ lùng bất ngờ và vô cùng lý thú” (tr 344). Hai câu thơ kết “Hoa đẹp trên núi cao. Tình nghẹn ngào” như một khúc vĩ thanh ngân vang trong lòng người đọc về mối tình như chuyện liêu trai.

Nhưng chuyện có vẻ liêu trai nhất có lẽ là chuyện “Trăng khuyết vành chờ”. Chuyện của giáo sư Trường, dạy nhạc ở một đại học ở châu Âu, trong một chuyến đi Mỹ đã gặp một thiếu phụ xinh đẹp, còn rất trẻ, cô Thu Thuỷ, đã ly dị chồng, làm việc ở một công ty du lịch. Nhờ giáo sư mà cây đàn tranh cẩn xà cừ của cô do nhạc sư VB đóng bấy lâu nay câm lặng đã được “khai khẩu” rồi “bập bẹ” thành những khúc nhạc tình. Giáo sư coi gái như con của mình, tận tình dạy dỗ. Rồi cô gái trả ơn thầy bằng cách đưa thầy đi thăm và khám phá những thắng cảnh tuyệt đẹp của hoang đảo, cho đến một đêm trăng, khi hai người nằm song song trên bãi cát, Thu Thuỷ đã cúi xuống đắp mền che lạnh cho giáo sư Trường, ông bổng nhớ đến những ngày còn thơ, được mẹ mình tấn mền cho mình ngủ (tr 366)…

Ta thử nghe vài câu đối thoại của hai nhân vật:

- Thí dụ nếu như bác hỏi con, con có bằng lòng làm lại cuộc đời với bác không? Thì con nghĩ sao?

Thu Thuỷ lại cười to:

- Bác thí dụ chi một điều không bao giờ hiện thực. Bác là con người của muôn người, của xã hôi, chớ không phải riêng của người nào…

- …. Bác đừng có thí dụ, đừng dùng chữ “nếu”.

Dĩ nhiên là giáo sư “thua”!

Từ đó hàng năm, Thu Thuỷ gọi điện qua bờ địa dương thăm hỏi giáo sư vào những đêm trăng sáng như “ánh trăng đêm đó đã soi tỏ và có lẽ còn ghi rõ lòng hai người như một giấc mộng đẹp!” (tr 372).

Tác giả kết chuyện bằng hai câu thơ:

Trăng khuyết dành chờ đợi
Tuy vơi nhưng không mờ…

Làm ta nhớ đến một câu thơ Đường cổ “Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm”, chỉ khác ở đây dù trăng khuyết vẫn không “hao gầy” như mối tình giữa hai thầy trò ở hai bờ đại dương.

“Tiểu phẩm” của Trần Văn Khê là một tác phẩm đáng có trong tủ sách.


Mối tình chung thuỷ, nhân hậu của “Ông Làm Biếng”

Báo Sức khoẻ & Đời sống, Bộ Y tế, số 59 có bài “Ông Làm Biếng” của nhà văn Hữu Ngọc, giới thiệu cuốn tiểu thuyết mới Monsieur le Paresseux của nữ văn sĩ Pháp Yveline Féray viết về cuộc đời của Hải Thượng Lãn Ông, người tổ ngành Y Việt Nam chúng ta. Một người thầy thuốc tài ba đức độ như Lãn Ông Lê Hữu Trác, tác giả của bộ Y Tông Tâm Lĩnh gồm 66 cuốn, mặc dù suốt đời tận tuỵ chữa bệnh cho mọi người nhưng chỉ mong sao cho không còn ai mắc phải bệnh tật nữa để mình được làm một “Ông Làm Biếng”, đó chẳng phải là một ước mơ ngàn đời của ngành Y sao? Tôi không có cuốn Monsieur le Paresseux trong tay nên không biết Yveline Féray “hư cấu” ra sao chuyện tình đầu của Lãn Ông, nhưng trong Thượng kinh ký sự” (*) , tập ký viết năm 1783 của ông đã kể một cách khá chi tiết về mối tình thuỷ chung và nhận hậu đó, nên muốn ghi lại đây cùng với những cảm nghĩ để bạn đọc cùng chia sẻ nhân dịp xuân về.

Chuyện như sau:

“Một ngày kia, có hai lão ni đến chỗ tôi cư ngụ, nói rằng: chùa Huê Cầu đúc chuông lớn, công quả chưa thành, chúng tôi đến đây khuyến hoá”. Thế rồi một ni sư tự giới thiệu mình là trụ trì chùa núi An Tử, còn lão ni kia thì giới thiệu mình là con gái quan tả thừa ty Sơn Nam, quê ở Huê Cầu. “Tôi nghe nói giật mình như tỉnh giấc mơ”, Lãn Ông viết. Sau đó ông tìm cách “hỏi nhỏ một tiểu cô trong bọn tòng hành mới biết là người cũ của mình”. Rõ ràng một tiểu ni tìm đến một quan nhân (lúc này Lãn Ông đang làm quan thầy thuốc ở trong triều) để khuyến hoá mà lại xưng cái “lý lịch cá nhân” của mình ra như thế, phải có lý do gì chứ. Và đúng vậy, chỉ mới nghe qua địa danh Sơn Nam, Huê Cầu thôi, đã đủ làm cho Lãn Ông choáng váng, “giật mình như tỉnh giấc mơ”. Chuyện đúc chuông, khuyến hoá chẳng qua là cái cớ để cho bà có dịp gặp lại ông.

Tưởng tượng coi, lão ni – người tình cũ của Lãn Ông – đã phải trần mình năn nỉ, thuyết phục sư bà ra sao để sư bà động lòng chịu cùng xuống núi một phen. Tuy biết khá rõ rồi, nhưng vốn thận trọng, Lãn Ông mới “trắc nghiệm” lại lần nữa, vì biết đâu chỉ là một sự tình cờ, ông bèn kể rõ quê quán… “Lúc đó chỉ thấy ni cô chùa Huê Cầu mặt đỏ bừng, vẻ thẹn thùng, bảo sư bà trụ trì rằng: Thôi, chúng ta đi thôi”. Một lão ni nghiêm trang cẩn mật, tuổi tác già nua mà “mặt đỏ bừng, vẻ thẹn thùng” rồi phải hối thúc sư bà “đi đi thôi” trong một tâm trạng như là dỗi hờn thì thật là đáng kinh ngạc. Lãn Ông rất lúng túng, tìm cách “lưu họ lại không được, mới mang ra một ít hương tiền để cúng” rồi hỏi: “Hai lão ni trọ tại nơi nào?”. Họ đáp: “Chưa có nơi nào”, rồi vội vàng từ biệt ra đi. Lãn Ông đâu dễ chịu ngồi yên, ông “vội gọi một tên người nhà linh lợi bảo đi theo sau họ, mà không cho họ biết…”.

Thế rồi Lãn Ông nhớ lại mối tình xưa. Lỗi tại ông. Ông đã nộp đủ lễ vấn danh, lễ nạp thái, vậy mà rồi vì một lý do riêng, ông hồi cư về Hương Sơn quê mẹ và xa luôn người vợ sắp cưới của mình để bà phải mỏi mòn trông đợi đến hôm nay mới bất ngờ gặp lại.

Rồi người thiếu phụ đó ra sao? Lãn Ông có dọ hỏi thì biết bà “thề chung thân ở vậy”. Nhiều người đi hỏi cưới, bà cương quyết từ chối. Sau cùng, bà vào chùa tu. Lãn Ông viết tiếp “Tôi nghe biết vậy thì tâm thần kinh loạn, than rằng: Vì ta bất cẩn trong việc này. Có thuỷ mà không có chung, khiến cho người mang hận, mà ta mang tiếng là người bạc bẽo. Ta bối rối không biết cách nào để gỡ cái mối ra, mới vội vàng đến Huê Cầu mà tìm hiểu sự việc”. Quả thật, bà đã từ hôn nhiều người chỉ vì lòng bà chỉ có Lãn Ông thôi.Bà thà đi tu chớ không lấy ai khác nữa!

Bà nói: “Đã có người hỏi lấy làm vợ thì mình (coi như) đã có chồng rồi, chẳng qua vô phận mà chồng bỏ…”. Trách chi Lãn Ông không tan nát cõi lòng, “tâm thần kinh loạn”. Để chuộc lỗi mình, ông xin bà cho ông được coi bà như “cô em gái nhỏ”, bảo dưỡng bà suốt đời từ đây. Vì bà đã đi tu nên ông đề nghị cất cho bà cái chùa nhỏ, trong một cảnh vườn yên tĩnh: “Mùa đông cũng như mùa hè, lạnh ấm đều sẽ do ta lo liệu, một là để báo ân, hai là để chuộc lỗi…”. Bà cố cầm giọt lệ: “Quan nhân có hậu tình, còn tôi chẳng gặp chồng, cái thân cô khổ cũng là do số mệnh vậy, đâu có dám trách ai… Nay tôi được biết tấm lòng tốt này cũng an ủi cảnh linh lạc vậy”. Và bà đã từ chối. Và Lãn Ông làm thơ. Phải, bởi vì đâu có thứ thuốc nào sắc ba chén còn bảy phân mà chữa được cái bệnh của ông bây giờ! Ông viết: “Tôi lấy làm thương tình, mới giãi lòng trong một bài thơ như sau:

Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa,
Kim nhật tương khan khổ tự ta.
Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ,
Song mâu xuân tận kiến hình hoa.
Thử sinh nguyện tác can huynh muội,
Tái thế ứng đồ tốn thất gia.
Ngã bất phụ nhân nhân phụ ngã,
Túng thiên như thứ nại chi hà?”

Mà Ngô Tất Tố đã chuyển dịch:

Vô tâm nên nỗi luỵ người ta
Trông mặt nhau đây luống xót xa
Gượng cười khôn giấu đôi hàng lệ
Tóc bạc che mờ nữa mặt hoa
Kiếp này hãy kết làm huynh muội
Kiếp khác xin hoàn nghĩa thất gia
Ai nỡ phụ ai, ai nỡ phụ
Dỡ dang, dang dỡ biết ru mà?

Cảm động vì bài thơ “giãi lòng” đó mà đã tha thứ cho ông. Ông viết: “Từ đó thời thường qua lại hỏi thăm nhau”.

Chuyện thời kết thúc ra sao?

Tuổi hạc ngày càng cao, bà chỉ xin ông mua gỗ ở Nghệ An đóng cho bà một cổ quan tài. Vâng, phải đúng gỗ ở Nghệ An bà mới chịu, vì đây là vùng Hương Sơn quê mẹ Lãn Ông (Lãn Ông quê gốc Hải Dương, nhưng sống và thành danh ở Hương Sơn). Có lẽ bà nghĩ lúc sống đã không được nên duyên vợ chồng thì lúc chết ít ra cũng được âu yếm nằm trong một cổ quan tài do ông đóng cho bà từ thứ gỗ của quê hương ông.

Đó, chuyện tình của Lãn Ông, “Ông Làm Biếng” làng Hải Thượng, một chuyện tình thuỷ chung, nhân hậu của một thầy thuốc, ông Tổ của ngành Y, làm ta thấy càng gần gũi với ông hơn, càng quý trọng ông hơn.
------------
(*) Hải Thượng Lãn Ông. Thượng Kinh Ký Sự
NXB Văn học, 1993. Bản dịch của Ứng Nhạc Vũ Văn Đình
Những người trẻ lạ lùng
Lời ngỏ
Phần I
Phần II
Phần III
Phần IV
Phần V