- 5 -
Tác giả: Bùi Hạnh Cẩn
Lúc ấy vào thời vua Trụ (theo chữ Hán, Trụ nghĩa là tàn bạo, thất đức, thật ra tên chính thức của vị vua này là Ân Thọ), đời thứ 20 nhà Ân (tính từ Thành Thang). Vua ngày càng ăn chơi hoang dâm. Sách kể, có lần vua Trụ vào đền bà Nữ Oa, thấy tượng bà Nữ Oa đẹp quá, đến nỗi phải nói:
- Ta tuy làm vua, giàu có bốn biển, nhưng trong ba cung, sáu viện không có ai sắc đẹp như thế này.
Rồi truyền đem bút mực, đề một bài thơ tám câu ngay trên tường đền. Hai câu cuối như sau:
Thần tượng ví mà đi lại được
Đem về cung điện sáng long nhan
Từ khi thăm đền về, Trụ Vương đâm ra mơ ước một cô gái đẹp, bèn ra lệnh cho mỗi trấn kém một trăm mĩ nữ, không kể sang hèn, miễn là đẹo đẻ đưa vào cung. Nhưng bị Thương Dung ngăn cản phải thôi.
Trong số các quan phần lớn đều a dua theo vua Trụ. Tuy vậy, vẫn có những người cương trực như Thương Dung, Tô Hộ. Do đó, Tô Hộ, làm chức Thứ sử Ký Châu, thường bị chúng dèm pha. Hộ có một con gái xinh đẹp tên là Đát Kỷ. Trung gián đại phu là Bí Trọng cùng Vưu Hồn, là hai người thân cận vua và không được Tô Hộ ưa liền tâu rằng:
- Thần nghe nói Thứ sử Ký Châu họ Tô có người con gái nhan sắc vào loại nghiêng nước nghiêng thành, nếu Bệ hạ tuyển vào ung một người thì chẳng ai bàn tán gì.
Trụ Vương mừng rỡ, liền cho người mời Tô Hộ vào, nói là để bàn việc nước. Tô Hộ vào cung Long Đức, Trụ Vương nói:
- Trẫm nghe nói nhà ngươi có người con gái nết na, hiền hậu, muốn tuyển vào cung. Khanh sẽ vinh hiển giàu sang, danh lừng bốn cõi. Chẳng rõ ý kiến khanh thế nào?
Tô Hộ lạnh lùng thưa:
- Bệ hạ có ba vị hoàng hậu họ Khương, họ hoàng, họ Dương, đều là những bậc quốc sắc thiên hương, đoan trang đức hạnh tuyệt vời. Ngoài ra lại còn hơn nghìn cung nữ, tất thảy đều mặt hoa da phấn, như thế còn chưa đủ sao. Con gái thần tuổi còn nhỏ, nhan sắc tính tình đều kém cỏi. Xưa vua Kiệt nhà Hạ vì đam mê sắc đục làm điều càn rỡ mà mất nước. Nay dám xin Bệ hạ đừng nhọc lòng nghĩ đến việc ấy nữa.
Vua Trụ nghe thấy thế tức giận quát:
- Xưa nay đạo làm tôi phải giữ chữ Trung. Vua bảo chết cũng không tiếc thân. Nay trẫm chỉ muốn tuyển một người con gái làm hậu phi mà ngươi không nghe, lại đem so sánh với Hạ Kiệt là một gã vua mất nước. Như thế là đại vô lễ.
Nói rồi truyền lệnh cho ba quân đem Tô Hộ ra xử vì tội khi quân.
Vưu Hồn, Bí Trọng vội tâu:
- Tội khi quân của Tô Hộ là đáng xử phạt, nhưng nếu Bệ hạ muốn tuyển con gái Tô Hộ vào cung không được, rồi bắt tội Hộ, thì người trong thiên hạ sẽ bảo nhà vua là "trọng sắc khinh hiền". Nay Bệ hạ tha cho Tô Hộ về, Hộ sẽ cảm ơn đức mà dâng con gái vào cung, như vậy Bệ hạ sẽ được tiếng là nhân đức và vẫn thỏa được ước muốn.
Vua Trụ nghe có lý, tha cho Tô Hộ về. Hộ giận đề mấy câu thơ tỏ ý chống đối. Bọn quan triều đình tâu lên. Trụ Vương nổi giận lôi đình, sai Sùng Hiền Hầu đem quân đến Ký Châu đánh Tô Hộ. Con trai Hộ là Tô Toàn Trung chống lại, bị bắt. Sùng Hiền hầu định giết, nhưng tướng là Hắc hổ can:
- Hiền huynh hãy bớt giận, không nên tự tiện giết đi. Bởi vì Thiên tử sai chúng ta mang quân đi đánh Tô Hộ, là do mơ ước con gái của Hộ là Đát Kỷ, lỡ mai mốt Đát Kỷ được hầu hạ Thiên tử, xin tha tội cho Tô Hộ. Lúc đó Tô Hộ sẽ thành quốc thích, quyền hành trong tay, muốn trả thù hiền huynh là chuyện rất dễ.
Sùng Hiền hầu nghe lời không giết nữa.
Nói về Tô Hộ đêm đó suy nghĩ mông lung...Ôi, chỉ tại ta có đứa con gái Đát Kỷ có chút nhan sắc mà đến nỗi này. Nay con là Toàn Trung đã bị bắt, chi bằng ta hy sinh cả vợ con, còn hơn để chúng bắt về triều làm nhục nhã.
Nghĩ vậy, khoảng canh hai, Hộ cầm gươm trần đi vào hậu dinh. Lúc này Đát Kỷ còn chưa ngủ, thấy cha cầm gươm lúc đêm khuya, vừa lạ, vừa sợ, bèn nhỏ nhẹ run giọng thưa:
-Đêm khuya rồi, sao phụ thân chưa đi nghỉ, lại xách gươm trần vào hậu dinh?
Nhìn vẻ mặt con gái ngây thơ xinh đẹp, Tô Hộ mủi lòng. Bất giác nước mắt dàn dụa, nói:
- Chỉ vì con mà gây nên vạ lớn đó.
Đát Kỷ ngạc nhiên hỏi:
- Chẳng rõ cha phạm tội gì, mà mấy ngày nay Thiên tử cho quân đến đánh Ký Châu ta?
Tô Hộ liền kể lại mọi chuyện gặp vua Trụ, và anh Toàn Trung bị quân triều đình bắt...Nghe xong,Đát Kỷ thưa:
- Chỉ vì con mà cả nhà khổ, thôi để con liều mình vậy.
Hộ bảo:
- Mình con chết cũng không cứu được cả nhà và dân Châu Ký. Chỉ trừ con bằng lòng vào triều hầu hạ hôn quân Trụ Vương mà thôi.
Đát Kỷ nói:
- Như vậy cha cứ cho con vào triều, một mình con vào đó mà cả nhà bình an thì cũng là đạo làm con thôi.
Đang lúc ấy, người hầu vào báo có thư của Tây Bá hầu Cơ Xương. Hộ bóc thư ra xem. Trong thư có đoạn viết: "Nếu hiền hầu dầng con vào cung sẽ có ba điều lợi: một là con gái được làm hậu phi, hai là cha mẹ sẽ vinh hiển uy phong lừng lẫy, không ai dám động chạm tới, Ba là dân chúng và tướng sĩ Ký Châu thoát nạn binh hỏa...". Đát Kỷ đứng bên cạnh cùng xem, buột miệng nói:
- Hay lắm, phụ thân nên làm theo lời Tây Bá hầu.
Tô hộ bèn cho người tới chỗ Tây Bá hầu nhờ thu xếp dùm. Sau đó, Tô Toàn Trung được tha, và gia đình Tô Hộ cũng chuẩn bị vào chầu để đưa Đát Kỷ tiến cung.
Vua Trụ thấy Tô Hộ chịu đưa con gái vào cung, nhưng vẫn chưa hết giận vì chuyện ngày trước, nên khi Tô Hộ mặc áo tù nhân vào quỳ lạy trước sân rồng vẫn đập bàn hét:
- Võ sĩ đâu, đưa tên phản bội Tô Hộ ra pháp trường ngay.
Thấy thế, tể tướng Thượng Dung bèn tâu:
- Tô Hộ đúng là tội rất nặng, nhưng lý do chỉ vì không tuân lệnh Bệ hạ đưa con gái Đát Kỷ vào cung. Nay Hộ đã ăn năn hối cải làm theo lệnh vua, vậy xin bệ hj rộng lòng tha cho.
Bí Trọng cũng tâu:
- Xin Bệ hạ cho vời Đát Kỷ vào chầu, nếu quả là bậc giai nhân tuyệt sắc, thì truyền tha cho Tô Hộ, Bệ hạ càng được thêm tiếng là nhân nghĩa. Nhược bằng Đát Kỷ xấu xí, thì lúc đó giết cả hai cha con cũng chưa muộn gì.
Vua Trụ thấy có lý, bèn cho truyền Đát Kỷ vào. Lúc này, Đát Kỷ vốn đã xinh đẹp tuyệt thế, lại đầu mày cuối mắt, uyển chuyển khơi gợi, quỳ lạy dưới sân rồng. Vua Trụ thoạt nhìn Đát Kỷ, mặt hoa da phấn. mắt phượng mày ngài, không khác tiên nương giáng trần, thế là tâm thần mê mẩn ngay. Tới lúc chợt nghe giọng oanh dìu dặt:
- Thiếp là con gái kẻ tội phạm xin vào chầu, kính chúc Thánh Hoàng vạn tuế.
Nói rồi Đát Kỷ liếc nhẹ nhà vua. Vua Trụ như mất hồn. Lặng đi giây lát, rồi phán gọi cung phi đến ra lệnh:
- Mau dẫn Tô nương nương đến lầu Thọ Tiên đợi trẫm.
Sau đó vua Trụ tha cho Tô Hộ và phong làm quốc thích, rồi bãi chầu luôn, để mặc các quan trơ ra đó.
Trụ Vương về cung Thọ Tiên, uống rượu với Đát Kỷ. Đêm đó vua say Đát Kỷ như quên trời đất.
Liền hai tháng trời, Trụ Vương chỉ ở với Đát Kỷ tại cung Thọ Tiên không ra chầu, không bàn việc nước. Trăm quan dâng sớ xin hầu đều bị gạt bỏ. Ngay cả tể tướng Thượng Dung xin vào tâu việc quan trọng, mãi mới được Trụ Vương cho vào. Thượng Dung liền dâng tờ sớ của Ngự sử Đỗ Nguyên Tiến nói về việc cung cấm có nhiều yêu khí, mong nhà vua sớm bỏ rượu chè, thôi say mê con gái Tô Hộ, trở lại kỷ cương, bàn việc triều đình.
Vua Trụ quay sang hỏi Đát Kỷ:
- Trong sơ, Đỗ Ngự sử có nói đến chuyện yêu quái và khuyên ta nên trừ bỏ ngay là sao?
Đát Kỷ chợt nhớ đến chuyện tháng trước Vân Trung Tử cũng lấy cớ yêu quái để hãm hại mình, bèn rền rĩ tâu:
- Ngày trước Vân Trung Tử đã bày việc trong cung có yêu quái làm cho lòng dân không yên, nay Đỗ Ngự sử lại lặp lại giọng điệu ấy. Vậy yêu quái chính là bọn định gây xao động lòng người, mong Bệ hạ truyền lệnh cho chém đầu những loại người như thế. Vì chính chúng là yêu quái nơi cung điện đó.
Vua Trụ nghe lời Đát Kỷ, ra lệnh chém đầu Đỗ Nguyên Tiến. Khi nghe quan tể tướng Tượng Dung truyền lệnh này, và sai lực sĩ tới bắt Tiến, thì quan Đại phu là Mai Bá vội xin đao phủ chưa động tay. Còn ông kéo Thượng Dung đến ngay cung Thọ Tiên xin gặp Trụ Vương can ngăn. Nói một hồi, vua Trụ không chịu tha Đỗ Nguyên Tiến, Mai Bá thét lên:
- Hôn quân nghe lời Đát Kỷ, sát hại hiền nhân chẳng khác nào phá nát cơ nghiệp của tổ tiên.
Trụ nổi giận sai võ sĩ lôi Mai Bá ra pháp trường lấy dùi đập cho vỡ đầu.
Bỗng dưng Đát Kỷ quỳ xuống tâu:
- xin hãy khoan đã.
Trụ hỏi:
- Bầy tôi dám mắng nhiếc vua như vậy, mỹ nhân còn đòi ta khoan hoãn gì?
Đát Kỷ tâu:
- Tội thì đáng rồi, nhưng xin Bệ hạ nghĩ cách nào, để làm cho việc xử tội này khiến cho những kẻ nghịch thần khác khiếp sợ không dám càn rỡ như Mai Bá.
Mai Bá bị giam vào trong ngục - ngay đêm đó, Đát Kỷ nói vua Trụ cho người đúc một loại cột đồng cao gần ba chục thước, rộng tám thuớc và có ba miệng để đốt than lửa cho nóng, rồi bắt phạm nhân đi vào trong cho cháy thiêu. Cột đó được gọi là Bào Lạc.
Mấy ngày sau Bào Lạc làm xong. Vua sai đốt lửa rồi bắt Mai Bá vào. Tỷ Can chú vua nói với các quan:
- Đây là mẹo của Đát Kỷ thôi.
Trụ Vương xem hành hình Mai Bá xong, trở về cung Thọ Tiên, sai bày tiệc cùng Đát Kỷ vui vầy.
Hoàng hậu họ Khuơng biết chuyện, bèn tới cung Thọ Tiên xin gặp nhà vua. NHà vua đang say sưa nhưng vẫn đủ tỉnh táo bảo Đát Kỷ:
- Có chánh cung tới, nàng nên ra chào đón.
Đát Kỷ nghe lời ra đón, rồi cùng Khuơng hoàng hậu vào chỗ vua Trụ. Vua sai bày tiệc mời Hoàng hậu. Đát Kỷ đứng hầu vua và Hoàng hậu rất lễ độ. Vua Trụ liền bảo ca múa. Trong khi ấy nhà vua chỉ nhìn chăm chăm Đát Kỷ múa hát. Nhà vua nói:
- Sao trông nét mặt Hoàng hậu không vui như vậy?
- Trong lòng thần thiếp có một việc lo buồn, thì dù tiên nữ múa cũng không làm sao khuây khoả được.
Trụ Vương hỏi:
- Mỹ nhân họ Tô hơn tiên nữ Bồng Lai chứ. Tưởng Hoàng hậu cũng nên thưởng thức báu lạ đi.
Hoàng hậu nói:
- Múa hát như Đát Kỷ thì có gì là báu vật? Thần thiếp trộm nghĩ, nhà vua trừ bọn nịnh thần, xa lánh tửu sắc, mới là báu vật.
Nhà vua cười ha hả:
- Trẫm là Thiên tử, giàu có bốn biển, vậy thì các thứ báu lạ trong thiên hạ trẫm đều được hưởng.
Khương hoàng hậu khuyên can vua không động, bèn đứng dậy bỏ về cung.
Theo lệ, mồng một hàng tháng các cung phi phải vào chầu Hoang hậu. Hai quý phi họ Hoàng và họ Dương đã tới cung hoang hậu họ Khương từ trước. Chợt có cung nữ vào tâu:
- Có Tô Đát Kỷ đang đứng hầu ngoài cửa.
Khương hoàng hậu nói:
- Cho vào.
Đát Kỷ khép nép rón rén bước vào. Thấy Hoàng hậu và hai quý phi ngồi hai bên, nàng vội quỳ lạy làm lễ ra mắt, rồi cung kính đứng hầu một bên.
Dương Quý phi nói:
- Có phải đây là người đẹp họ Tô không?
- Đúng. Đó là Tô Đát Kỷ con Tô hầu ở Ký Châu.
Nhưng bất chợt nhớ tới chuyện gì, Khương hoàng hậu nhìn Đát Kỷ quở trách:
- Thánh thượng ở cung Thọ Tiên đã mấy tháng, ngày đêm rượu, hat, vui chơi, bỏ hết việc triều chính, sao nhà ngươi không biết can ngăn, mà cứ nhởn nhơ hát múa...Nếu còn giữ thói ấy nữa, ta sẽ trị tội.
Đát Kỷ nghe thấy rất buồn bực, nhưng vẫn im lặng. Tan buổi hầu, trở về cung Thọ Tiên, Đát Kỷ buồn bã ngồi thừ. Cung nữ hầu cận là Cổn Quyên hỏi:
- Chắc nương nương vào hầu Hoàng hậu gặp chuyện gì không vui?
Đát Kỷ bèn đem chuyện bị Hoàng hậu họ Khương trách mắng và đe dọa trị tội.
Cổn Quyên thưa:
- Thánh thượng chẳng từng hứa cho nương nương làm hoàng hậu. Và khi đã là Hoàng hậu thì bực dọc chi mà chẳng có cách gỡ?
Nghe nói Đát Kỷ thấy mừng, nhưng chưa biết làm thế nào, bèn hỏi thị nữ.
Cổn Quyên thưa:
- Thiếp biết có đại thần Bí Trọng được nhà vua tin yêu, nương nương nên kết giao với người ấy. Ngày mai, nhân lúc Thánh thượng dạo chơi vườn ngự, nương nương cho mời Bí Trọng vào đây, thiếp sẽ hiến kế.
Đát Kỷ còn ngần ngại, Cổn Quyên nói:
- Danh lợi là miếng mồi ngon, ở đời không ai không ham. Khi là Hoàng hậu rồi, nương nương sẽ tâu cho Bí Trọng quyền cao hơn nũa thì ngại gì?
Hôm sau trời nóng oi, Đát Kỷ mời vua Trụ ra dạo vườn. Trong khi đó, Cổn Quyên cho mời Bí Trọng vào cung, trao cho phong thư và nói:
- Thư này của Tô nương nương, quan Đại phu mang về nhà, xem một mình, không được tiết lộ cho ai biết. Việc càng sớm thành, thì quyền lực của ngài không biết đâu mà lường được.
Bí Trọng về nhà, mở thư ra coi thấy Đát Kỷ nhờ mình tìm kế mưu sát Khương Hậu. Thoạt đầu Bí Trọng nghĩ thầm: "Khương hậu là con gái Khương Hoàn, trấn thủ Đông Lỗ, hùng mạnh át các chư hầu. Hơn nữa, Khương Hậu đã sinh với vua hai hoàng tử - khó lòng mà làm gì được". Nhưng rồi lại nghĩ, vua hiện nay đang sủng ái Đát Kỷ lại có lúc hứa lập làm Hoàng hậu. Nếu mình không làm theo, lỡ Đát Kỷ tâu vua xúc xiểm thì tính mạng mình cũng chẳng còn...".
Đang băn khoăn lo lắng,, chợt có người đi vào. Nhìn ra thì là một kẻ hầu tên là Khương Hoàn, dáng vóc to cao khoẻ mạnh, vốn quê Đông Lỗ, vì nghèo nên xin vào hầu hạ...
Bèn gọi Khương Hoàn đến hỏi:
- Khương Hoàn, ngươi đi đâu vậy?
- Tôi thấy trên sảnh đường vắng đại nhân nên đi tìm, xin đại nhân thứ lỗi.
- Lỗi lầm gì? Ngươi làm vậy là tốt chứ. Ngươi đã ở đây được bao lâu?
- Thưa được năm năm, trước đây khổ cực, nay được thế này là toàn nhờ đại nhân mà nên. Cho dù thịt nát xương tan cũng không làm sao đền đáp được công ơn trời bể ấy.
Bí Trọng chợt nảy ra một ý, bèn gọi Hoàn lại gần, nói nhỏ:
- Ta thấy nhà ngươi là một kẻ có dũng khí, nên thu nhận, vốn mong nhà ngươi giúp được việc lớn. Nay thời cơ đã tới, nếu ngươi làm được thì sẽ có quyền cao lộc lớn.
Rồi cùng nhỏ to bàn việc với Khương Hoàn. Khương Hoàn nhất nhất đồng ý nói:
- Xin đại quan hãy tin vào tấm lòng trung thành của kê hèn này.
Bí Trọng bèn tìm cách gặp Cổn Quyên, trình cho Đát Kỷ. Đát Kỷ mừng lắm, một hôm đang vui đùa, bỗng Đát Kỷ đăm chiêu nét mặt. Trụ Vương hỏi:
- Cớ sao Tô mỹ nhân đang vui lại rầu rĩ thế?
Đát Kỷ thưa:
- Thần thiếp đội ơn Thánh thượng quyến luyến, tình nghĩa ấy dù núi mài sông cạn cũng không sao đền đáp được. Nhưng mấy tháng nay, Thánh thượng chưa ra ngự chầu, e lại có kẻ sinh tà tâm dị ý gì chăng? Vậy ngày mai kính mong Thánh thượng bớt chut thời giơg ra triều đường nghe trăm quan tâu trình việc nước.
Vua Trụ khen:
- Mỹ nhân lại quan tâm tới xã tắc như thế, đàn bà ít ai sánh kịp, cho tới các vị hậu phi hiền đức mấy cũng không bằng.
Sau đó truyền lệnh cho các cận thần sáng mai ra triều đường nổi trống họp trăm quan văn võ. Sáng sau, khi nghe trống nổi, các quan đều ngạc nhiên. Có người vui mừng nói với nhau:
- Nếu nhà vua mà bỏ được nữ sắc, rượu chè thì phúc cho trăm họ.
Sớm tinh mơ, khi vua Trụ từ cung Thọ Tiên đi xe rồng ra, hai bên có vệ sĩ hộ giám. Khi tới phấn cung, đèn đuốc sáng trưng, hương bay sực nức, chợt đâu có một người cao lớn, đầu bịt khăn đen, tay cầm gươm trần nhảy ra hét to:
- Hôn quân say mê tửu sắc, nay ta vâng lệnh Hoàng hậu tới trừ khử đi, đem cơ nghiệp Thành Thang cho chúa ta coi trị.
Hét xong, xông lên vung gươm, nhưng lập tức bị binh sĩ hộ giá vây chặt lại và bắt trói ngay.
Vua Trụ vừa sợ vừa tức giận, truyền chocacs võ sĩ đưa ra triều đường cho các quan biết và trị tội. Trăm quan vừa ngạc nhiên vừa chúc tụng. vua Trụ hỏi:
- Ai sẽ thay trẫm xét xử vụ này?
Liền thấy Bí Trọng bước ra, quỳ xuống tâu:
- Hạ thần xin phụng mệnh.
Vua đồng ý. Bí Trọng liền sai dẫn kẻ thích khách ra cửa lớn, cho người tra hỏi. Thích khách là Khương Hoàn khai ra những điều đã được dặn trước. Bí Trọng liền trở vào sân rồng, Trụ Vương hỏi:
- Kẻ gian khai ra những gì?
Bí Trọng đập đầu tâu:
- Việc này hệ trọng vô cùng, hạ thần không dám tấu trình ở đây.
Trụ Vương bực quát:
- Nhà ngươi lãnh nhận việc tra xét, sao lại không nói?
Bí Trọng tâu:
- Nếu Thánh thượng tha tôi chết cho, thì hạ thần mới dám nói.
Vua Trụ gật đầu, Bí Trọng nói:
- Tên thích khách là Khương Hoàn, gia nhân của Đông Lỗ hầu, nó vâng lời Khương hoàng hậu làm chuyện thí nghịch để cướp ngôi báu. May nhờ Thánh Hoàng phúc lớn, vận hội nhà Ân còn bền, nên kẻ gian bị bắt ngay.
Nhà vua bất giác nổi giận đùng đùng, hét to như sấm:
- A! Gan to thực, giặc từ buồng the mà ra. Thế này thì còn tình nghĩa gì nữa?
Rồi truyền cho Hoàng Quý Phi tra xét Khương hậu. Hoàng phi biết hậu oan, vào cung Thọ Tiên tâu xin nhà vua tha thứ, thì bị Đát Kỷ tâu với vua là Hoàng Phi bị Khương hậu kéo bè cánh. Vua Trụ bảo Hoàng phi:
- Chứng cớ rành rành, trăm quan đều nghị tội, trước hãy cho khoét một con mắt.
Hoàng phi buồn rầu phải cho khoét mắt Khương hậu. Nhưng dù bị khoét mắt, Khuơng hậu vẫn kêu oan. Vua Trụ có vẻ ân hận, hỏi Đát Kỷ:
- Bây giờ làm thế nào cho Khương thị nhận tội?
Đát Kỷ tâu:
- Xin cứ dùng nhục hình là sẽ tỏ mọi tội. Bây giờ Thánh hoàng cứ truyền cho Hoàng Quý phi dùng hai tấm sắt nung đỏ rồi ấn vào tay Khương hậu, xem có chối cãi được không?
Trụ Vương nghe theo, truyền lệnh cho quan Phụng ngự mang hai tấm sắt nung đỏ tới cung Khương hậu. Khương hậu thản nhiên đưa hai bàn tay ra chịu nhục hình đến lúc ngất đi.
Hoàng Quý phi tới cung Thọ Tiên kêu oan cho Khương hậu. Đát Kỷ tâu với vua Trụ:
- Cho đưa Khương Hoàn vào đối chất thì Khương hậu sẽ hết đường chối cãi.
con trai Khương hậu là Ân Giao nghe tin chạy tới , thấy mẹ chết oan, bèn rút gươm chém chết Khương Hoàn và định đến cung Thọ Tiên giết Đát Kỷ. Nhưng bị vua Trụ cho tướng sĩ đuổi bắt, đành phải chạy trốn. Dương Quý phi thấy tình hình ấy, biết khó tránh khỏi tai ương bèn tự vẫn trước.
Tể tướng Thượng Dung đã nghỉ hưu, nghe tin vội vã vào triều gặp vua Trụ xin trị tội Đát Kỷ. Vua không nghe, sai võ sĩ lôi Thượng Dung ra hành hình. Dung liền đập đầu chết ngay trước mặt Trụ. Triệu Khải can ngăn cũng bị đưa vào Bào Lạc đốt cháy thành than. Đát Kỷ chính thức được phong làm Hoàng hậu. Tiếp đó lại thông mưu với Bí Trọng tìm cách khiến cho vua Trụ sát hại nhiều trung thần khác.
Đát Kỷ khi đã có quyền thế, liền bày nhiều cực hình, sai người bắt các loại rắn độc bỏ vào hố sâu, hễ cung nữ nào chê bai gì bị lột quần áo quẳng xuống đó. Ngay đợt đầu có 72 cung nữ chết vì trò này. Lúc đó, viên quan là Dao Cách liền bước tới can ngăn, nhưng mới nói được một câu, đã bị Trụ Vương sai võ sĩ lột quần áo rồi quẳng xuống Sái bồn (hố chứa trăm rắn độc). Biết không thoát, Dao Cách chỉ vào mặt Trụ Vương mắng lớn rồi lao đầu từ lầu Trích Tinh xuống đất. Tuy đã chết, nhưng vua Trụ vẫn bắt quăng xác Dao Cách xuống hố rắn.
Tiếp đó, Trụ Vương còn nghe lời Đát Kỷ cho chất đá làm núi, cắm cành cây treo thịt các chim muông gọi là Nhục lâm (Rừng thịt) và cho xây một cái hồ chưa rượu gọi là Tửu trì. Rồi cho hoạn quan và cung nữ đánh nhau, ai thắng thì được ăn ở Nhục lâm và uống ở Tửu trì. Cung nữ vốn yếu sức nên bị thua, lại bị Đát Kỷ quăng xuống hố rắn.
Những người trung thực bi vua giam cầm cũng nhiều, trong đó có Tây Bá hầu Cơ Xương. Đã mấy năm trôi qua, con trai Xương là Bá Ấp Khảo tìm mấy thứ báu vật lỳ lạ tìm đến kinh đô Triều Ca, nhờ Tỷ Can đưa vào gặp Trụ Vương xin dâng báu vật chuộc tội cha.
Gặp Đát Kỷ ở sau rèm, thấy Bá Ấp Khảo khôi ngô đẹp đẽ bèn nổi lòng dâm, bảo thị nữ vén rèm bước ra. Vua Trụ bèn nói cho Đát Kỷ rõ việc Bá Ấp Khảo dâng báu vật. Đát Kỷ tâu:
- Thần thiếp từ lâu đã nghe đồn Bá Ấp Khảo ở Tây kỳ là người giỏi về âm nhạc, xin cho ở lại cung cấm dạy đàn.
Vua Trụ sức ngày càng kém, Đát Kỷ lại ham khoái lạc, nay vì muốn thỏa mãn tình dục với chàng trai trẻ lực lưỡng tài hoa hơn ôm ấp mãi một ông vua già yếu sức, do đó nghĩ ra mẹo này, để sau nay mỗi khi có yến tiệc, Đát Kỷ tự tay đàn hát dâng vui và ân ái.
Vua Trụ không biết âm mưu đó, nên nghe theo, cho giữ Bá Ấp Khảo ở lại trong cung dạy đàn. Chiều ấy, Đát Kỷ tìm cách chuốc rượu cho vua say mèm ngủ lăn để một mình tiện việc thỏa cuộc mây mưa với chàng trai trẻ đẹp.
Đát Kỷ bảo Khảo cùng uống rượu, Khảo giữ lễ không chịu theo. Đát Kỷ bảo Khảo ngồi sau lưng mình rồi cầm tay dạy gẩy đàn. Khảo biết Đát Kỷ có ý khác, nên cũng không nghe theo...Không còn cách nào khác, Đát Kỷ căm tức đuổi Khảo ra. Hôm sau, Đát Kỷ tìm cách nói cho vua Trụ rằng Khảo muốn hại mình, thế là Trụ Vương lại giao Khảo cho Đát Kỷ trị tội. Đát Kỷ truyền cho võ sĩ lột quần áo của Khảo, nhìn cho sướng mắt, rồi sai lấy bốn chiếc đinh lớn đóng vào chân tay, rồi lấy dao xẻo từng miếng thịt ngay trước mặt. Sau đó lai lấy thịt Khảo làm nhân bánh đưa xuống nhà giam cho bố Khảo là Tây Bá Hầu ăn.
Trụ Vương ngày càng đắm đuối hưởng lạc, không thiết việc triều chính, nhưng Đát Kỷ vốn ham mê nhiều kẻ trai trẻ khác, nên bày lễ kiếm thêm gái đẹp (như Hỷ Mị) đưa vào cung để hầu vua.Vua Trụ lại càng hào hứng cho rằng Đát Kỷ rộng lượng bao dung. Có đêm cả ba ngủ chung một giường. Sau này, Đát Kỷ còn đưa thêm một cô gái đẹp nữa là Ngọc Nương vào hầu vua Trụ.
Rừng thịt, Ao rượu, Hố rắn chưa đủ, Đát Kỷ lại tâu xin xây Lộc Đài. Đài cao 49 thước, cột ngọc thềm vàng, vô cùng lộng lẫy. Đêm tối ánh ngọc dạ quang toả sáng như ánh trăng.
Tôi trung bị giết oan, gian thần lộng hành, Đát Kỷ ngày càng hoang dâm tai quái...Lòng dân ai oán cực độ. Cho tới khi quân nhà Chu vây chiếm Triều Ca. Trong lời kể tội Trụ Vương trước quân sĩ các nước, có những điều nói về Trụ Vương nghe lời Đát Kỷ như:
- Theo lời Đát Kỷ chế ra Bào Lạc giết quan ngự sử, lập Hố rắn hại các cung nga...ngày đêm cùng Đát Kỷ vui chơi ở Lộc đài, quên cả chính sự, còn làm bao nhiêu chuyện cuồng bạo như thiến trẻ con, mổ gan người lớn làm thức ăn...
Nghe xong, quân sĩ căm giận, hò hét xông vào.
Kết cục là Đát Kỷ bị giết còn Trụ Vương tự thiêu trên lầu Trích Tinh.