Thay lời tựa
Tác giả: Bùi Minh Quốc
Khi đánh máy xong cuốn sách này để đăng lên đây, Mọt sách tôi chợt nảy ra ý nghĩ muốn bộc bạch với bạn đọc của thư quán đôi diều suy nghĩ về cuốn sách này và đôi điều về tác giả của nó.
Tôi không biết ông Bùi Minh Quốc là ai, bởi ông thuộc thế hệ trước chúng tôi, thế hệ đã đi qua chiến tranh, thế hệ đã chịu nhiều mất mát và đau khổ, với hy vọng có được một Việt nam tươi đẹp hơn, một quê hương hoà bình và giàu đẹp cho thế hệ của chúng tôi, cho các con ông và những người Việt nam khác.
Tôi là lớp người sinh ra trong chiến tranh, nhưng lớn lên trong hoà bình, chỉ biết chiến tranh qua sách báo phim ảnh, và biết ông qua một vài tin tức trên đài trên báo, chỉ biết ông là một trong số ít người VN dám đấu tranh cho dân chủ và tự do... là một trong số rất ít những người trong tổng số mấy chục triệu người VN dám đứng lên chống lại với cái xấu, cái ác trong xã hội, dám thẳng lưng đương đầu với gió bão để đấu tranh cho lẽ phải..
Do đó tôi kính trọng ông !
Tôi có đọc một vài tác phẩm của ông đang lan truyền trên mạng Internet như "thơ vụt hiện...." hay một vài lá tâm thư, một vài bài viết bức xúc khác. Tôi cảm nhận được nỗi đau, được tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước của ông. nhưng tất cả những tác phẩm đó chỉ thể hiện có một niềm đau, sự phẫn hận mà thôi.
Khi nhìn thấy tên ông và tên sách "nhạc lá" này trong thư viện, thì tôi mượn về liền, bởi vì đơn giản là tôi thích ông, muốn đọc xem ông viết gì? nói gì? Mới đầu tôi cứ nghĩ đó là một tập thơ, bở nó mỏng thôi, khiêm tốn nằm trong một góc khuất của thư viện làm tôi tìm hoài mới thấy. Nhưng không phải là một tập thơ. đây là một tiểu thuyết, một tâm sự của cõi lòng một người yêu nước nhìn thấy, tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá, mà bất lực không làm gì được. Là một bài thơ viết bằng văn xuôi nói lên mơ ước khôn cùng về một thế hệ tương lai sẽ lớn lên và giúp ông hoàn thành ước nguyện.
Trên đầu cuốn sách ông đề "Tặng các con tôi" Tặng cho thế hệ tương lai mà ông đang thấy họ lớn lên, ông muốn đặt lên vai họ gánh nặng xây dựng đất nước này, ông muốn truyền cho họ tình yêu của ông: tình yêu với con người, tình yêu với muôn loài, Tình yêu thiên nhiên đất nước.. và trùm lên tác phẩm là niềm lạc quan của ông ! đó là cái mà tôi tâm đắc nhất và cũng là cái mà tôi muốn nói với các bạn đọc những dòng này.
Trong thư quán hẳn các bạn đã đọc các tác phẩm của các nhà văn như: Chu Lai với "ăn mày dĩ vãng", Lê Lựu với"thời xa vắng", Dương Thu Hương với" Tiểu thuyết vô đề", Bảo Ninh với "Nỗi buồn chiến tranh"... và nhiều tác phẩm khác nữa viết về chiến tranh của nhiều nhà văn khác. Họ đều đã đi qua chiến tranh, mang trên vai gánh nặng của ký ức, nỗi đau buồn của hiện tại, và phấp phỏng của tương lai. đọc họ tôi chỉ thấy hiện lên một sự thật trần trụi và kinh khủng, sự thật đó đè nặng lên tác phẩm, đè nặng lên tâm tư người đọc, đè nặng lên đất nước này... và không có tương lai, không có hy vọng, tất cả đều lấy quá khứ làm chủ đề, đều muốn rên lên: " ôi quá khứ đau thương, ôi tuổi trẻ của chúng ta ! ước gì ta sống lại những ngày đau thương và oai hùng ấy, ước gì ta có thể quên đi được hiện tại xấu xa này,..."
Trong "nhạc lá" của BMQ chúng ta cũng thấy chiến tranh, thoáng qua thôi, nhưng không kém phần khốc liệt, hậu quả của nó không kém phần đau thương, hiện tại hiện ra cũng trần trụi, khốn nạn và bẽ bàng, nhưng vượt lên trên tất cả những bất hạnh đó là một niềm yêu thương tha thiết đối với con người, thiên nhiên, một niềm lạc quan và tin tưởng ở lẽ phải, ở sự công bằng.
Nhân vật chính của tác phẩm là một cô bé, Một nạn nhân của những kẻ xấu xa hiện vẫn nhan nhản trong xã hội. Cô bé ấy được sống trong sự yêu thương của bố mẹ như tất cả những người con khác, nhưng rồi cô đã gặp bao nhiêu bất hạnh chỉ vì bố mẹ cô là những người ngay thẳng, may mắn thay cô đã gặp, làm quen và được sự dìu dắt của một người hoạ sĩ đã đi qua chiến tranh, đã chịu nhiều mất mát và đau khổ, nhưng không để cho quá khứ quật đổ mà vẫn vươn lên, vẫn sáng tác...
Ông đã truyền cho cô bé Tình yêu thiên nhiên, truyền cho cô điệu nhạc lá mê hồn của núi rừng nguyên thuỷ, truyền cho cô nghị lực để vượt qua khó khăn. Cô bé ấy đã lớn lên trong trắng, và kiêu hãnh, đã mang hồn lá trở về cho những cánh rừng bị tàn phá.
Cô bé ấy là chúng ta, là con cháu của chúng ta, những người sẽ xây dựng đất nước này, Ông muốn phủ xanh những ngọn đồi bị đốn trọc, muốn phủ xanh những tâm hồn bị xa mạc hoá. và ông tin điều đó đang được thực hiện hoặc sẽ được thực hiện.
Xin giới thiệu đến các bạn cuốn sách này.
Mọt Sách