Phụ lục 2:
Tác giả: Bùi Ngọc Tấn
Đằng sau những bức thư
Ba bức thư của Vương Trì Nhàn.
Bức thứ nhất:
Hà Nội ngày 28 tháng 5 năm 1994
Kính gửi anh Bùi Ngọc Tấn
Vừa rồi tôi có gặp anh Lê Bầu. Anh ấy nhắc tôi là lo hộ cuốn sách của Bùi Ngọc Tấn. Tôi phải nói ngay là mọi chuyện đang trong giai đoạn chuẩn bị, và chúng tôi những người biên tập phải tìm được cơ hội tốt nhất để cho sách ra đời. Bởi vậy có một số điểm cũng phải có mẹo mực một chút mới ra được. Xin nói để anh Tấn thông cảm:
- Tôi không dám khoe với ai về tập sách này, cuốn Một thời để mất của anh, vì khoe lắm chỉ gây tò mò, gây chú ý, thậm chí là trở thành một áp lực không có lợi.
- Cứ nên coi đây là quyển sách bình thường, bọn tôi lo làm biên tập rồi lo duyệt, tiếp đó lo “đầu ra”, tức là xem có “đầu nậu” nào (cả nhà nước lẫn tư nhân) nhận in thì kết hợp in cho tiện.
- Trong quá trình biên tập tôi lo chỉnh lại một số việc vặt như viết hoa tên người tên đất, hoặc các trích dẫn chú thích có chính xác không (việc này mong anh tin ở tôi). Gọi là việc vặt song cũng rất cần, nghề nghiệp của người biên tập buộc phải lo như vậy.
Thế còn vấn đề chính là nội dung của cuốn sách?
Những mong có dịp nói trực tiếp với anh, chứ viết thư không phủi bao giờ cĩmg nói hết được ý mình. Như thư trước đã nói với anh: Tôi đã gợi ý để anh viết, không bao giờ tôi quên điều đó. Tôi sẽ cố gắng lo cho nó như lo cho sách của mình. Chắc anh cũng tin là tôi hiểu tâm huyết của anh khi viết. Tôi sẽ bàn với anh Kiên giữ được quyển sách như hình thù hiện nay. Nếu chỗ nào có phải cắt bớt, chúng tôi cũng đau như chính anh vậy. Còn nêu có gì phải chữa, bọn tôi sẽ báo để anh làm chứ không tự tiện đâu.
Đấy về lý mọi chuyện tóm tắt là như thế.
Còn về tình cảm, quả thật, tôi đọc thấy rất cảm động. Trước đây chưa đọc cái gì đàng hoàng của anh ngoài hai bài anh viết về Nguyên Hồng in trên Cửa Biển.
Nhưng tôi thấy không có gì phải hối hận về việc đã “xui dại” anh. Qua hồi tưởng về Nguyên Hồng, anh đã kể về đời mình về thế hệ mình, kể một cách tương đối phải chăng, không bực bội hờn dỗi mà cũng không dạy khôn mọi người, nên nói chung là “nghe được”.
Khi Cát bụi chân ai in ra (cũng do tôi là người biên tập) nhiều anh em đọc xong cứ thấy buồn buồn: Chuyện của Tô Hoài cũng là chuyện mình chứng kiến mà sao mình không kể được như Tô Hoài.
Tôi tin rằng khi cuốn hồi ký của anh in ra, cũng sẽ có người nghĩ vậy Nói thật với anh, trước mắt tôi chưa tin là chúng ta có một nền văn học lớn ở những cái chúng ta làm ra, yếu tố sáng tạo còn thô sơ nhạt nhẽo lắm.
Nhưng tôi tin chúng ta đã sống những năm tháng đáng ghi nhớ, kinh khủng ghê sợ nhưng cung đẹp kỳ lạ, đúng với những gì mà kiếp người có thể có.
Nói cách khác Tôi không tin lắm ở tiểu thuyết. Có thể có cuốn nọ cuốn kia đọc được, một, hai tác giả đọc được. Nhưng toàn bộ nền tiểu thuyết tôi không tin lắm.
Ngược lại, tôi tin ở hồi ký: Nếu anh em ta bảo nhau viết và biết cách viết thì chúng ta có thể có những hồi ký kha khá.
Tôi chưa được đọc tiểu thuyết của anh. Nhưng cuốn hồi ký này tôi nghĩ nên in ra để những anh em khác cũng có dịp nghĩ về đời mình và viết ra những cuốn hồi ký khác.
Viết được như thế là đáng sống rồi.
Tôi xin dừng bút và chúc anh Tấn cùng gia đình vui khoẻ.
Có gì mới tôi sẽ báo cho anh biết ngay.
Kính
Vương Trí Nhàn.
Tái bút: Theo tôi nên đưa hai chữ Nguyên Hồng vào đầu đề Nguyên Hồng và Một thời để mất. Nếu anh không đồng ý xin báo cho tôi biệt ngay. Còn nếu đồng ý không cần báo cũng được.
Bức thứ hai:
Hà Nội ngày 17 tháng 4 năm 1995
Kính gửi anh Tấn.
Tôi ngần ngại mãi, nghĩ là cứ viết thư thẳng cho anh có lẽ hay hơn. Vẫn là chung quanh câu chuyện bản thảo Một thời để mất của anh thôi. Tôi nghĩ là mình có trách nhiệm trong việc này, tôi đã gợi ý để anh viết. Tôi xót xa cho nó, như xót xa cho những gì tự tôi viết ra. Do vậy cứ thấy gờn gợn trước quyết định của mấy anh trong Ban giám đốc chúng tôi, là tước bỏ tột cả những gì “râu ria” đi (những gì liên quan đền chính Bùi Ngọc Tấn và đám bạn bè) mà chỉ giữ lại những gì liên quan đến Nguyên Hồng thôi. Có thể sách viết ra hôm nay có phần hơi tản mạn, và cái phần lam lũ cay đắng trong nghề của các anh hôm nay viết ra chưa tiện (thậm chí, xin phép được nói thẳng: có thể ai đó nghĩ Bùi Ngọc Tấn chưa phải là người. có quyền và cần chia sẻ với bạn đọc và đồng nghiệp những vui buồn của đời mình như thế). Nhưng đã vậy thì nên để quyển sách lại. Chứ tước bỏ đi cái phần “râu ria” ấy, chỉ giữ phần Nguyên Hồng thôi, thì tức là làm nánh hẳn quyển sách, làm nó mất đi sự thống nhất nội tại và tôi nghĩ là cái phần tâm huyết anh đặt vào đó cũng mất đi cơ hội bộc lộ.
Anh Tấn ơi! Tôi viết những dòng này với anh là với tư cách một đồng nghiệp, chứ không phải một biên tập viên nhà xuất bản. Chức năng biên tập viên là làm sao lo để nhà xuất bản có sách in ra và không bị tai nạn. Nếu anh đồng ý cắt phần “râu ria “ và chỉ để lại phần Nguyên Hồng thì dù hơi ngại làm cái công việc là cắt bỏ phần nửa tác phẩm, tôi vẫn làm được thôi. Nhưng anh Tấn ạ, với tư cách một người yêu mến và thích viết về đời sống của những người cầm bút, tôi nghĩ như trên, tức là đừng cắt gì cả. Nếu anh đồng ý với tôi, nghĩa là anh phải tạm gác tác phẩm lại, để đấy, để một dịp khác sẽ in, hoặc tìm một nhà xuất bản khác để in. Tôi không chắc là mình có thể giúp gì được anh trong cái công việc liên hệ để in ấy.
Nhưng ta cứ dùi gắng đợi, anh Tấn ạ. Tôi chờ thư của anh, và các biện pháp đề nghị của anh.
Kính
Vương Trì Nhàn.
Bức thư thứ ba:
Hà Nội ngày 20 tháng 5 năm 1995
Thân gửi anh Tấn
Chờ mãi không thấy thư anh lên, nhưng thôi tôi đã có thể viết lá thư này để xoá sổ lá thư trước:
Rút cuộc là bản thảo đã giải quyết xong anh Tấn ạ.
Số là theo tôi biết, tiểu thuyết của anh vẫn còn đang treo đó. Bởi vậy, anh Kiên, anh Phú chỉ thị cho tôi là cố gắng đưa đưa tập hồi ký này của anh ra.
Tôi chủ yếu làm công việc tước bỏ cho gọn sách lại. Bỏ hết những chi tiết liên quan đến nhà xuất bản chúng tôi (tôi và anh Kiên), tuy vẫn giữ được những câu có tính chất vào truyện của anh (đoạn lên Hà Nội).
Tước bỏ những chỉ tiết đùa tếu gọi là tự nhiên chủ nghĩa kiểu như đôi tất của anh Tất Vinh, hoặc Vũ Tín đi mua thịt v.v...
Như tôi đã viết trong thư trước, nêu các anh ở Ban giám đốc yêu cầu bỏ hết những gì liên quan đến lớp người cầm bút như anh, Vũ Thư Hiên, Vũ Bão, Dương Tường... thì tôi khuyên anh để sách lại đừng in.
Nhưng nay các anh không quyết liệt đến quá thế nữa, và hai bên (tôi, coi như đại diện của anh + ban phụ trách đã tìm được chỗ thoả hiệp). Bản thảo đã duyệt xong, chỉ còn vài việc vặt nữa rồi chuyền sách sang khâu in.
Xong việc này tôi cũng thấy nhẹ cả người, anh Tấn ạ, vì dầu sao tôi cúng “đầu têu ra nó, sách mà không ra được hoặc ra mà méo mó mày mặt thì tôi cũng buồn.
Mong anh tin ở tôi, tin ở cảm giác về một cuốn sách của tôi..
Lần này chắc anh không im lặng nữa mà viết thư cho tôi chứ?
À, vừa rồi tôi thấy có một mẩu đăng ở báo Người Hà Nội, trích từ cuốn sách này ra. Nói chung là tôi hoan nghênh, anh bán được thêm cho báo nào cứ bán. Như Tiền Phong chẳng hạn, họ rất thích loại này. Nếu anh chưa quen họ, xin viết thư cho tôi biết và uỷ nhiệm cho tôi làm việc này. Chỉ cuối cùng anh đừng đưa bản thảo cho nhà xuất bản nào khác là được.
Chúc anh khoẻ.
Vương Trí Nhàn
Thư của Nguyễn Kiên giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà văn (khi đó):
Hà Nội ngày tháng 7 năm 1995
Thân gửi Bùi Ngọc Tấn
Mình đi công tác vắng ít hôm, về nhà nhận được thư Tấn, như vậy là hơi muộn. Về Một thời để mất, Vương Trí Nhàn đã trao đổi với Tấn. Bọn mình muốn in tập sách này vì những tư liệu ở trong đó rất nên được công bố đã đành, ngoài ra còn vì những kỷ niệm bạn bè giữa chúng ta. Một số chỗ Vương Trí Nhàn cắt bớt là để cho nó gọn hơn. Mong Tấn thông cảm với bọn mình. Mình đã nói lại (nhân tiện đưa luôn cả thư Tấn viết cho mình) những điều Tấn muốn qua mình nói với Ngô Văn Phú. Cũng là cái tình đồng nghiệp với nhau.
Tình hình không khí văn học hiện thời có những biểu hiện không đơn giản. Chắc Tấn cũng thấy. Giá gặp nhau thì nói được nhiều hơn.
Cuốn Một thời... của Tấn đã có giấy phép xuất bản, mình đã bàn với Lân Tùng (phó giám đôc phụ trách sản xuất kinh doanh của nhà xuất bản) tìm cách liên kết với một “đầu nậu” nào đó để in (phần lớn sách xuất bản hiện thời đều phải theo cách này). Khi nào có kết quả cuối cùng sẽ tin để Tấn biết.
Mình đã nói với Hội Nhà văn có lẽ mình chỉ làm quản lý một thời gian ngắn nữa thôi. Sẽ nghỉ. Để có chút thì giờ, không bị ràng buộc (tất nhiên là tương đối!) may ra có thể ngẫm nghĩ và viết được thêm một chút gì chăng?
Vài lời vắn tắt. Biết ông bạn vẫn khoẻ, thế là mừng.
Cho mình gửi lời thăm bà xã và các cháu.
Thân mến
Nguyễn Kiên
Thư của Vương Trí Nhàn báo tin Nhàn đã liên hệ với báo Tiền Phong đăng nhiều kỳ Một thời để mất.
Hà Nội ngày 29 tháng 6 năm 1995
Kình gửi anh Bùi Ngọc Tấn
Báo Tiền Phong đã nhận đăng Một thời để mất trong nhiều kỳ (không rõ cuối cùng họ có từ bỏ ý định đó không, nhưng hiện nay là thế). Mọi chuyện tôi sẽ lo tiếp, chỉ cần anh gửi lên cho họ một ảnh nghiêm túc, rõ, đẹp, không cần to lắm cũng được. Gửi cho tôi ở 65 Nguyễn Du hoặc cho cô Dương Phương Vinh, báo Tiền Phong 15 Hồ Xuân Hương Hà Nội, bảo là do tôi nhắn.
Chúc anh khoẻ.
Nhàn
Thư của Dương Phương Vinh, báo Tiền Phong:
Hà Nội ngày 6 tháng 1 năm 1996
Kính gửi chú Bùi Ngọc Tấn
Không in được trên báo, cháu và anh Vương Trí Nhàn đều tiếc. Song từng làm báo, chắc chú cũng hiểu.
Vẫn còn khó lắm chú ạ. Để khi nào tiện, cháu nói rõ hơn cho chú nghe.
Cháu gửi lại cả bản thảo + ảnh. Chắc là không lạc trang nào đâu, mặc dù cháu từng đảo lộn để tìm cách trích và thu gọn. Chúc chú sức khoẻ và viết tiếp được nhiều nữa.
Cháu
Dương Phương Vinh.
Giấy mời của Nhà xuất bản Hội Nhà văn:
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập Tự do Hạnh phúc
Ban giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn vui mừng báo tin với ông Bùi Ngọc Tấn.
Tác phẩm Một thời để mất của ông do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 1995 đã được tặng thưởng năm 1995.
Lễ trao tặng thưởng sẽ tiên hành vào 8 giờ 30 ngày thứ sáu 15-3-1996 tại trụ sở Nhà xuất bản, 65 Nguyễn Du, Hà Nội.
Rát mong ông dành thì giờ về dự.
Xin gửi ông lời chào kính trọng.
Ha Nội ngày 7 tháng 3 năm 1996
Tổng biên tập
Ngô Văn Phú
Thư của Dương Tường:
Hà Nội ngày 5 tháng 3 năm 1996
Tao xin lỗi bây giờ mới viết được cho Tấn vì bận lu bù suốt từ khi đi Mỹ về, nào giải quyết việc ùn đọng, nào lo đám cưới con gái, cháu gái...
Cám ơn Tấn đã nhắc đến mình đầy ưu ái trong Một thời để mất. Cuốn sách chân thành và do đó, nhiều đoạn cảm động. Mừng cho Tấn đã trút vợi được một phần những gì mang trong lòng vào tác phẩm. Trên trang sách đã thấy bớt phần chua chát và ấm thêm nồng độ humour, và cái đó là dấu hiệu tốt về sức khoẻ tinh thần (có một thời gian mình thực tình lo cho Tấn về mặt này vì thấy Tấn coi quá nặng những năm tháng bất hạnh đã qua).
Lấy tờ giấy đẹp, viết những lời chân thành. Mong Tấn hiểu tình cảm của mình. Thăm Bích và các cháu Hiến, Hương, Hải Yến, Dũng cùng gia đình chúng nó”
Thân yêu
Dương Tường.
TB: Tao vẫn nhớ còn nợ mày cuốn Alexis Zorba. Sắp tìm được rồi. Sẽ gửi sau.
Thư của ông Vũ Quốc Phan, 83 tuổi, Việt Kiều ở Pháp, anh họ Nguyên Hồng:
Vũ Quốc Phan, 22 Rue Caillaux, Paris 75013, France.
Mallorca 16.7.2001
Thân gửi anh Tấn, chị Tấn và các cháu.
Rất thích thú tôi được đọc và đọc đi đọc lại trong lúc nghỉ hè nơi đây. Một thời để mất. Quyển ấy anh tặng cho Vũ Thư Hiên rồi anh Đặng Tiến critique làm photocopie gửi lại cho tôi. Tôi là anh họ Nguyên Hồng. Nhờ ngòi bút của anh mà tôi cảm thấy Nguyên Hồng vẫn sống và có Nguyên Hồng ở bên. Anh đã sống với Nguyên Hồng và tôi dám chắc anh biết Nguyên Hồng còn hơn cả Nguyên Hồng phải không Tấn? Vì thế tôi ao ước gặp anh bất cứ ở đâu. Tôi muốn thực hiện ao ước đó và sẽ tạo điều kiện để gặp nhau. À, mà ngày giỗ Nguyên Hồng 80 tuổi năm 1997 anh có lên Yên Thế dự không? Nếu anh cũng lên thì tiếc quá vì tôi cũng về Việt Nam, có mặt ở đấy mà anh em không biết nhau mà gặp. Tôi rất thương xót Nguyên Hồng...
Vũ Quốc Phan.