Phần III
Tác giả: Bùi Ngọc Tấn
Thời gian gấp ruổi
Ngày nay ngày nay
Chuyện đẹp qua đi
Thời gian gấp ruổi...
Quang Dũng
Trong một lần tới thăm Nguyễn Khải tại thành phố Hồ Chí Minh, đang vui câu chuyện, tôi hỏi anh có biết Mạc Lân không. Hỏi để mà hỏi. Hỏi vì câu chuyện đang xoay quanh thế hệ những người cầm bút chúng tôi trước và sau hoà bình 54. Tôi không nghĩ rằng Khải biết Lân, vì Lân chưa một ngày ở Văn nghệ Quân đội. Và cái tên Mạc Lân chỉ xuất hiện duy nhất có một lần trong một tập sách mỏng mà từ lâu người ta đã quên nó. Thật không ngờ, Nguyễn Khải trả lời:
- Biết chứ. Sao không biết. Mạc Lân. Lê Mạc Lân. Con cả Lê Văn Trương. Chí lớn và tính nết ngang tàng lắm. Khi anh ấy ở quân khu tôi còn đang ở tỉnh. Anh ấy phải hơn tuổi tôi. Không biết dạo này ra làm sao. Có khoẻ không.
Tôi kể cho Khải nghe những thông tin mới nhất về Lân. Có một chuyện vui:
-Lâu lâu không thấy tôi gọi điện lên, ông Lân ông ấy lại gọi xuống tôi, ông ấy bảo: Sao ông không gọi điện cho tôi, ông sợ đau hào à. Tôi bảo không phải sợ đau hào đâu mà chán lắm ông ơi. Tôi có cảm giác ai đó đang nghe câu chuyện của chúng mình nên tôi không muốn gọi. Ông ấy gắt: Ai nghe. Ông cứ thần hồn nát thần tính. Ð. mẹ thằng nào nghe trộm. Ðấy. Tôi chửi rồi đấy. Ông cứ nói đi.
Chúng tôi cùng cười. Khải bảo:
-Tính nết vẫn y như thế.
Tôi thống kê những bệnh tật Lân mang trong người. Nhồi máu cơ tim hơn 20 năm , từ năm 1982 đến nay, sỏi thận, tiểu đường, hai lần gẫy chân nhưng lại phải mổ ba lần...Khải lắc đầu sợ hãi. Không chỉ Nguyễn Khải. Ai biết bệnh của Lân đều sợ. Nhưng Lân là người kiên cường. Rất kiên cường chiến đấu với bệnh tật cũng như kiên cường sống. Ðến nhà Lân, một căn hộ cấp 4 ở khu tập thể ngoại thành, nhìn anh nặng nề ngồi dậy, nặng nề cà nhót cà nhắc ra bàn nước pha nước, tôi không thể không nhớ đến những ngày chúng tôi mới quen nhau, những ngày sau hoà bình 54, khi tôi 20 tuổi còn Mạc Lân 26 tuổi. Một Mạc Lân trẻ trung, cao to, sôi nổi, yêu đời, huy hiệu Ðiện Biên sáng ngực áo. Một Mạc Lân kể chuyện văn công lên Ðiện Biên phục vụ tận chiến hào, con Hồng Ngọc nó hát bài Qua miền Tây Bắc như thế này này. Và cao hứng Lân hát. Lân bắt chước cô văn công Hồng Ngọc nào đó hát. Cái giọng thuốc lào, ống bơ rỉ của Lân rè rè cố bắt chước cô Hồng Ngọc làm chúng tôi không nín được cười. Hôm nay nhìn ông già ngoài bẩy mươi tuổi bạn tôi nét mặt sáng ngời lên vì có bạn đến thăm, tôi hiểu được thế nào là thời gian, thế nào là cuộc đời. Tôi đọc Mai-a-kôp-xki, những vần thơ thời tuổi 20 chúng tôi thường hay đọc để nói về nhau:
Dáng anh đi cao lớn thiên tài
Từng bước một trong đầu em nổi sấm
Và Lân đọc tiếp với giọng hào hùng của một chàng trai ngày trước:
Nhưng vẫn vô công không tài nào anh cướp được em đi
Ông vua An-be đã mất mọi thành trì
Cũng nhiều của hơn tôi nhiều lắm
Một cách đọc của Lân. Vẫn là Mai-a. Nhưng anh đã lắp đoạn này vào đoạn khác. Có hề chi. Miễn là những vần thơ ấy làm chúng tôi trẻ lại, làm chúng tôi sống lại quãng thời gian đẹp nhất của chúng tôi. Hơn nữa nếu bây giờ mà có một ông vua An-be bất hạnh nào đó đã mất mọi thành trì thì đúng là ông ta cũng vẫn giầu hơn Mạc Lân rất nhiều. Tôi nói cho Lân nghe những đêm ít ngủ của tuổi già, tôi nằm tổng kết lại cuộc đời mà thấy rằng những ngày chúng tôi ở báo Tiền Phong với nhau là những năm tháng đẹp nhất. Lân cũng đồng ý với tôi như vậy:
-Nhớ lắm ông ạ. Một cảm giác đau như nhớ lại những ngày thơ ấu.
Ðúng là một cảm giác đau. Ngày ấy tôi mới bước vào đời. Tôi mới 20 tuổi...
Sau tiếp quản Thủ Ðô, khoảng tháng 12 năm 1954, đơn vị thanh niên xung phong chúng tôi có ba người được chuyển về báo Tiền Phong: Vũ Lê Mai, Lê Thị Tuý và tôi. ít ngày sau từ bộ đội lại chuyển về ba người nữa: Mạc Lân, Tất Vinh và Vũ Lê. Rồi tiếp theo là Nguyễn Trí Tình, Vũ Công Luận, Mai Cát, Văn Kim Kim, Phan Mai... Tất cả đều còn rất trẻ. Ðội ngũ phóng viên Tiền Phong lúc đó chưa ai tới 30. Chỉ có Mạc Lân là lớn tuối nhất: 26 tuổi. (Tôi không kể Vũ Lê, vì chỉ nửa năm sau, khi hoàn tất việc tập kết quân đội 300 ngày, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Vũ Lê chuyển về Hải Phòng, nhóm bộ đội chỉ còn Mạc Lân, Tất Vinh.) Ðó là một lớp thanh niên tuyệt vời, có học thức, có khát vọng, có lý tưởng, có nhiệt tình, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ và tràn đầy niềm vui sống, niềm vui làm việc. Tiền Phong là một tờ báo có uy tín lúc đó và phóng viên Tiền Phong luôn được bạn đồng nghiệp các báo kính nể. Ở Tiền Phong tôi đã được hưởng niềm sung sướng của người lần đầu tiên được đọc tin của mình viết in trên báo, sự xúc động đến lặng người khi giở báo ra thấy bài phóng sự của mình chạy dài ba cột , chiếm cả góc trang báo. Chúng tôi không được dự một lớp đào tạo nghiệp vụ nào.Chúng tôi học nghề chủ yếu qua những buổi sinh hoạt rút kinh nghiệm trong nội bộ cơ quan, phân tích ưu khuyết điểm hàng tháng hàng quý. Riêng tôi, tôi đọc thêm. Ðọc báo và đọc cả truyện. Không chỉ đọc. Tôi còn đóng một quyển sổ, ghi chép, phân tích những sáng tác mình đang đọc.
Khi mới về báo Tiền Phong, thấy trong tủ sách cơ quan có một tập truyện viết về Ðiện Biên Phủ, lập tức tôi chiếm giữ nó, cất trong ngăn kéo. Ðó là tập Bảo vệ đường lên mặt trận của Hồ Phương, Mạc Lân, Ðại Ðồng, tập sáng tác duy nhất cho đến lúc đó viết về Ðiện Biên, một tập sách được giải thưởng trong cuộc thi sáng tác về Ðiện Biên Phủ, gần như cùng với quân đội ta tiến vào tiếp quản Thủ đô, bởi vì lúc đó Trần Dần còn chưa viết dòng đầu tiên của bộ tiểu thuyết Người người lớp lớp . Tôi ghi chép, tôi phân tích, tôi ghi vào sổ tay những điều sẽ giúp ích cho tôi trên con đường làm báo và sáng tác sau này. Dễ hiểu rằng khi Mạc Lân về cùng làm phóng viên, tôi thân thiết và quý trọng anh ngay. Một tình bạn có thể gọi là vong niên được, dù cùng trong tuổi 20. Giờ đây khi đã trên dưới 70, chênh nhau 6 tuổi chẳng đáng kể gì, nhưng ngày ấy một người 20 và một người 26 tuổi, khoảng chênh lệch quả là rất lớn. Hơn hẳn một phần ba thời gian mình đã sống đâu phải chuyện đùa. Mà không phải chỉ là năm tháng. Hơn tôi 6 tuổi, có nghĩa là Lân bắt gặp cách mạng đúng vào tuổi trưởng thành. Khi tôi còn ở Nhi đồng cứu vong hội, còn đang đẽo súng gỗ, đánh trận giả, đánh trống cà rùng và hát Nhanh bước nhanh nhi đồng thì anh đã tham gia cướp chính quyền ở Thủ Ðô, đã đi Nam tiến, người anh đã nhuốm mùi lửa đạn. Trong tập Chi Ðội 3 Giải phóng quân Nam tiến của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam do nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm 2000 có một đoạn viết về một trận đánh ở Phan Rang như sau:
Kế hoạch tiến công nhà Công sứ, dinh luỹ cuối cùng của bọn Nhật lúc bấy giờ nghe có vẻ quy mô:
Toàn bộ lực lượng vũ trang và phục vụ các nơi dùng trống, chiêng, thùng, chậu...gây tiếng động lớn để uy hiếp tinh thần địch, đồng thời đẩy "đại bác" vào chiếm lĩnh trận địa, ngắm thẳng vào tường chính diện toà Công sứ. Dự kiến bắn khoảng 20 phát, tạo một lỗ hổng to rồi lăn hai phuy xăng vào phóng hoả, tạo điều kiện cho quân ta xung phong.
Một vài cán bộ và chiến sĩ suy nghĩ và lo lắng kế hoạch khó thực hiện nhưng không ai có chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu nào hay hơn, vũ khí cũng chỉ có vậy.
Ngày bao vây toà Công sứ cuối cùng, Lê Văn Lân (tức Thuận Lân) một chiến sĩ của trung đội Nguyễn Tiệp đang bắn kiềm địch thì tiểu đội trưởng Lê Văn Cử (tức Thái) phái đi rỡ cọc rào có chằng dây thép gai, để chuẩn bị cho đơn vị có đường xuất kích. Bọn Nhật từ trên cao phát hiện. Một tràng liên thanh bắn làm cho Thuận Lân bị thương. Nhanh như cắt, Lê Chân, một chiến sĩ cùng tổ đã xông ra vác bạn trên vai, chạy ẩn vào mép tường. Các đồng chí Phấn và Hạnh hai nữ cứu thương băng bó cho Lân và đưa về hậu phương, sau đó về bệnh viện nơi sơ tán ở gần Cầu Mống (nay thuộc phường Bảo An) gần Tháp Chàm.
Mấy phút sau Cử vào "lỗ" bắn của Thuận Lân, mới bắn được một phát đã bị bọn Nhật bắn trúng mắt và khiêng về bệnh viện thì hy sinh. (Sách đã dẫn, trang 121, 122). Cũng ở trang 122 có chú thích như sau: Thuận Lân tức Lê Văn Lân hiện ở nhà A5, phòng 102, khu tập thể Liên Cơ Dịch Vọng Hà Nội. Lê Văn Lân chính là Mạc Lân. Ðó là tên khai sinh của anh. Lớn lên, anh thay chữ Văn đệm giữa bằng tên người anh yêu quý. Thuận là tên một cô bạn học mà anh yêu vụng dấu thầm suốt thời gian anh cắp sách tới trường. Ngày ấy anh là Lê Thuận Lân. Sau này vào bộ đội, một đồng đội thân thiết của anh tên Mạc hy sinh, anh có tên Lê Mạc Lân. Trận Thuận Lân bị thương vừa kể là trận đánh tại Phan Rang, tháng 11 năm 1945, thời cách mạng còn đang trứng nước. Ðơn vị Nam tiến của anh đã sớm có mặt tại mặt trận Sài gòn, đánh địch ở cầu Bình Lợi, Xuân Lộc, Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, Buôn ma thuột...
Bị thương, Lân trở về Hà Nội, thành phố của thời thơ ấu, của tuổi học trò, thành phố anh đã gia nhập đoàn Thanh niên Cứu quốc, tham gia tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền. Hà Nội khi Lân từ Phan Rang trở ra giống như một thùng thuốc súng. Ngọn lửa chiến tranh có thể bùng phát bất cứ lúc nào và cuối cùng đã bùng phát. Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không, chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Lân tham gia bộ đội Thủ đô với chức vụ tiểu đội trưởng. Anh lại cùng đồng đội đào giao thông hào, dựng chướng ngại vật và cầm súng chiến đấu giữ từng góc phố, từng mét vỉa hè Hà Nội. Ðánh nhau ở phố Huế, Ô Cầu Dền, đê Thanh Lương. Chiến đấu ở Trại Vệ quốc đoàn trung ương (trước cửa rạp Majestic). Ðánh vào toà Ðại sứ Pháp, lúc đó là nhà đại tá La-mi, trưởng phái đoàn Liên Kiểm Pháp, viên sĩ quan Pháp có vinh dự được có mặt trong một bài thơ Việt Nam, bài Hải Phòng 19-11-1946 , kiệt tác của Trần Huyền Trân:
Miệng La-mi ngọt bên tiếng súng
Bao nhiêu bơ sữa reo cười
Ðầu năm 1947, quân ta rút khỏi Thủ Ðô, bắt đầu cuộc trường kỳ kháng chiến. Lân đã là cán bộ đại đội. Anh được kết nạp Ðảng và đi học lớp bí thư chi bộ. Rồi làm phái viên kiểm tra của bộ tư lệnh quân khu. Năm ấy anh mới 19 tuổi. Ðồng chí phái viên kiểm tra của quân khu này không chỉ quá trẻ, mà còn có tác phong lính tráng xuề xoà, hay kể chuyện tiếu lâm, hứng lên còn kể cả chuyện cô đầu Khâm Thiên, theo nhận xét của trên rõ ràng không thích hợp với công tác kiểm tra. Ông Văn Phác bảo Lân:
-Thôi, cậu về làm báo.
Thì làm báo. Ðó cũng là nguyện vọng vủa anh. Về tờ Vệ quốc quân khu 2. Gặp Yên Thao, Văn Thân, Nguyễn Phúc Nghiệp ở đó. Ít lâu sau khu 2 sáp nhập với khu Tả Ngạn thành Liên khu 3, Lân về báo Quân Bạch Ðằng của quân khu 3. Liên miên những ngày đi chiến dịch: Quang Trung, đường 6, Hà Nam Ninh... Và vào địch hậu. Rồi theo một đơn vị pháo binh lên Ðiện Biên phủ. Tập Bảo vệ đường lên mặt trận là kết quả của bao ngày đêm cùng đơn vị pháo ăn bom trên đèo Lũng Lô, mưa dầm cơm vắt, mịt mù khói lửa, cái sống cái chết chỉ trong gang tấc...
Chiến dịch Ðiện Biên kết thúc thắng lợi. Một nửa đất nước hoàn toàn giải phóng. Cha anh, nhà văn Lê Văn Trương di tản vào Sài gòn. Cái gánh nặng lý lịch anh mang suốt thời gian kháng chiến giờ đây càng nặng nề hơn. Cấp trên mời anh lên nói anh sẽ được xuất ngũ. Trần Dần biết tin ấy, nhắn gọi Lân về phòng Văn nghệ Quân đội, nhưng Lân không về. Chính anh cũng muốn rời quân ngũ dù phải phục viên như người bạn Tạ Phương Hiển "tuổi hăm ba treo ấn từ quan" cũng được. May sao ông Trương Công Cẩn, chính uỷ sư đoàn là người có trách nhiệm và thông cảm với anh em văn nghệ sĩ, viết thư cho ông Nguyễn Lam khi đó là bí thư trung ương đoàn Thanh Niên Cứu quốc: "Ðây là những đồng chí có công nhưng cấp bậc thấp vì chính sách đối với văn nghệ sĩ của chúng ta chưa rõ ràng, nhờ đồng chí giúp đỡ tạo điều kiện cho các đồng chí ấy công tác bên đoàn thể, dân sự..." Thế là Mạc Lân, Tất Vinh, Vũ Lê về báo Tiền Phong, Dương Tường về Việt Nam Thông tấn xã. Những bộ quân phục cùng với những huy hiệu Ðiện Biên của các anh làm sáng cả cơ quan báo, càng thêm sức hút đối với những thông tín viên, cộng tác viên khi họ đến toà báo. Cũng xin nói thêm một chút về những bộ quần áo đại quân này. Chỉ có Mạc Lân, cán bộ đại đội (anh ở cái cấp bậc này suốt 8 năm trường kỳ kháng chiến, từ năm 1947 tới năm 1954) là có áo bốn túi, hai túi trên ngực và hai túi dưới vạt. Còn Tất Vinh, Vũ Lê cán bộ trung đội, Dương Tường cán bộ tiểu đội thì áo chỉ có hai túi ngực và vai áo can vá thêm hai miếng để mang vác áo vẫn bền, không rách, loại áo Phùng Quán đã viết thành thơ:
Nhưng áo tôi nàng không mặc được
áo lính vá vai xanh mầu quân phục
*
Ngày mới về Tiền Phong, Lân được làm trưởng ban Văn Nghệ nhưng phải nói rằng cái chức ấy chẳng có sức hấp dẫn chúng tôi, kể cả chính Lân. Ðiều hấp dẫn chúng tôi là lao vào cuộc sống, lao vào thực tế, vừa viết được những bài đặc sắc cho báo vừa tích luỹ cho sáng tác văn chương sau này. Vũ Lê Mai đi sâu vào công nghiệp, Nguyễn Trí Tình rực lửa anh hùng sẵn sàng đến tất cả những mũi nhọn của công cuộc xây dựng. Văn Kim Kim với vốn Trung văn giầu có, áp cặp kính cận xuống những tạp chí Trung Quốc, dịch, lấy tài liệu viết về những hoả tiễn, những loại máy bay đời mới và mục Khoa học và Tuổi trẻ của anh bao giờ cũng hấp dẫn bạn đọc. Tôi đi về nông thôn, hết nghiêng sông đổ nước vào đồng (chống hạn) lại nghiêng đồng đổ nước ra sông (chống úng). Nhà báo già nhất cơ quan khi đó, anh Vương Mộ Thanh, bố hoạ sĩ Ðỗ Phấn sau này (ngày ấy Ðỗ Phấn bé tí hin, tôi hay bế Ðỗ Phấn đi chơi và dạy Phấn những điều ba lăng nhăng nhất, như chân thì gọi là đầu, đầu thì lại là đít, và tên cháu là gì? là Ông Bách Khoa, khiến anh chị Mộ Thanh phải van các chú, các chú đừng dạy cháu như thế nữa) cũng như trẻ lại với chúng tôi. Mạc Lân, Tất Vinh cùng ở tổ văn nghệ. Dễ hiểu rằng các anh phải cáng đáng những phần việc nặng nề nhất cho những số đặc biệt, nhất là số báo Tết: Thơ và truyện ngắn. Thơ cũng không khó. Tất Vinh có thể đi đặt được. Vỡ kế hoạch thì chính anh sáng tác. Nhưng không chỉ có vậy. Còn tuỳ bút, còn điểm thơ. Và Mạc Lân còn phải đẻ ra truyện ngắn. Chúng tôi, cánh trẻ mới vào nghề nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ của mình cho số báo Tết một cách rất nghiêm túc và nộp bài cho biên tập. Và khi đường phố đã lác đác hoa đào, mậu dịch đã xe về cửa hàng những mứt, những rượu, những lá dong, gạo nếp và lòng người ai cũng náo nức cả lên, thì trong bữa cơm tập thể, đồng chí tổng biên tập nói lời cuối cùng: Tất cả bài đã đầy đủ, chỉ còn thiếu của tổ văn nghệ. Tối nay cứ làm ma-két và đầu giờ sáng mai, hai đồng chí ban văn nghệ phải có bài. Ðấy là thời hạn chót.
Ðồng chí nói vẻ nghiêm khắc nhưng không có ý gì bực bội. Ai cũng biết sáng mai tổ văn nghệ sẽ nộp đủ bài. Ai cũng biết "hai ông tướng văn nghệ" là cứ phải nước đến đít mới viết được ra.
Ðêm ấy Lân, Vinh thức khuya, hẳn rồi. Tôi chong đèn ra sân chơi bóng bàn. Ðã khuya, anh em đã mệt, đi nghỉ cả, tôi ghé lên gác nhìn hai anh đang miệt mài cặm cụi. Cả hai cùng quay mặt vào tường im lặng viết, nhưng khi tôi lên các anh biết ngay. Mạc Lân quay ra nhìn tôi cười. Anh gọi Tất Vinh:
-Vinh. Nghỉ đã. Ði uống cà phê.
Tất Vinh đứng lên, khoái chí ngâm nga mấy câu thơ cửa miệng tả vẻ đẹp của người con gái bằng những vật dụng ăn uống phổ thông dễ hiểu nhất: Môi em mọng đỏ cà chua. Mắt em ngọt kẹo vừng kẹo lạc. Em cười dòn phàn xôi, phá sa.
Ðó là dấu hiệu các anh đang làm việc có kết quả. Ba chúng tôi đi bộ ra phố Huế. Ra phố mới thấy rét. Gió đã hẳn. Còn sương. Ðường phố vắng. Lá khô lăn dưới lòng đường, trên vỉa hè. Chúng tôi ôm lấy nhau đi. Ba chàng phóng viên Tiền Phong chưa vợ cảm thấy cuộc đời sao đáng yêu đến thế. Chúng tôi uống cà phê vỉa hè. Ông cà phê vỉa hè ngã tư Hàm Long phố Huế hình như bán hàng suốt đêm. Hàng ông lúc nào cũng đông khách. Càng rét càng đông. Bởi vì các quán cà phê vỉa hè khác người ta thường pha cà phê bít tất nghĩa là cho cà phê vào túi vải rồi đem ninh lên. Còn ông, ông pha phin theo kiểu Pháp. Cốc đựng cà phê đặt vừa trong một cái ống bơ sữa bò có nắp đậy, có quai giây thép quấn vải cầm cho đỡ nóng. Khách hàng mỗi người một phin, một ống bơ, quây quanh cái bếp lò than quả bàng. Chung quanh bếp và ngay trên những hòn than miệng bếp, chen sát nhau là những ống bơ đen khói đựng nước lúc nào cũng sôi sùng sục để làm nóng cà phê theo lối cách thuỷ. Ngồi dưới sương rơi buốt vai, buốt lưng nhưng da mặt ửng hồng, rát lên vì lửa, huơ huơ hai bàn tay quanh bếp, xì xụp thứ cà phê nóng bỏng đậm đặc bắt môi bắt lưỡi, vai chen vai dù không quen biết, dù rì rầm câu chuyện hay yên lặng, khách hàng cũng hoàn toàn hiểu nhau. Nhấc lên đặt xuống cái ống bơ, lấy kẹp gắp một hòn than đặt đúng chỗ cho ngọn lửa lên vừa phải, cho ống bơ của mình không bị cập kênh, lấy một cái đóm giấy lách vào khe than hồng rồi mồi lên điếu thuốc, im lặng nhả khói, mọi người cùng hưởng những giây phút thư dãn tuyệt vời quanh bếp lửa. Ông chủ hiệu cũng hoàn toàn yên lặng. Ông chỉ nói khi phải tính tiền với khách. Và giọng nói của ông. Ðúng là giọng nói của người quanh năm ngồi bên bếp lửa. Nó có mùi khói. Nó ngàn ngạt khê khê, ấm áp vô cùng. Ba chúng tôi đứng lên. Rời xa bếp, rét. Chúng tôi lại khoác vai nhau. Vẫn im lặng. Chỉ có tiếng lá khô gió thổi lăn dưới lòng đường, lăn trên vỉa hè. Bỗng Lân reo lên:
-Tao nghĩ ra được cái kết của truyện rồi. Cô gái sang đò về đến đầu làng thì trời đã tối. Cô leo lên bờ đê và thấy sao đã mọc. Càng nhìn lâu càng thấy nhiều sao. Những ngôi sao như những hạt ngô mẹ tẽ ra phơi nắng ngày mùa.
*
Cái truyện ngắn số báo Tết ấy cũng như tất cả các bài trên báo khác của Mạc Lân đều ký tên Hoàng Hoan. Hình như đó là cái tên đã được đặt trước cho con anh dù nó chưa sinh, dù nó là trai hay gái. Về Tiền Phong ít lâu Mạc Lân lấy vợ. Sinh cháu gái Hoàng Hoan. Mặc dù Lân đã chạy sang hàng ngũ có vợ có con nhưng cánh chưa vợ chúng tôi vẫn cứ coi anh như một thành viên. Chúng tôi xem vợ chồng anh tắm cho cháu. Chúng tôi quây quanh Hoàng Hoan reo hò động viên Hoàng Hoan tênh tênh. Bật cười khi thấy Lân với cái cù dìa bột chạy theo cháu ép cháu ăn và cằn nhằn:
-Tao nuôi mày thế này mà mày ngày sau lại cứ em yêu nhất anh.
Và khi cháu bốn năm tuổi, chúng tôi có xoa đầu vuốt tóc Hoàng Hoan thì Hoàng Hoan hất tay chúng tôi ra, nói với giọng con nít gần như nhăn nhó:
-Ðầu để nghĩ. Không phải để xoa.
Tất cả chúng tôi cười ầm. Hoàng Hoan cũng cười toe toét. Mạc Lân sung sướng xốc con lên vai đi quanh phòng:
-Ðúng. Ðầu để nghĩ! Con gái bố giỏi lắm.
Ðầu để nghĩ. Mạc Lân muốn con bé con có cái đầu không phải để xoa, mà có cái đầu để nghĩ. Và tất nhiên, cái đầu của anh cũng là để anh suy nghĩ. Nói đúng ra kiểu dạy con như vậy là đùa chơi nhưng cũng chỉ có Lân dạy con kiểu ấy. Ðó là phản ứng của anh với tình trạng có những cái đầu chỉ nghĩ theo những điều mà những cái đầu khác đã nghĩ sẵn cho mình.
Chẳng phải vì là bạn với Trần Dần, Phùng Quán mà anh tán thành những quan điểm của báo Nhân Văn. Không chỉ trong suy nghĩ anh còn phát biểu thành lời. Tất nhiên anh không được tin tưởng nữa. Ðang là trưởng ban Văn nghệ, anh sang làm trưởng ban bạn đọc, rồi xuống làm phóng viên. Lương từ bậc 11 hạ xuống còn bậc 7. Nhưng điều đó có hề gì. Anh vốn không thích ở nhà duyệt bài, giữ gôn, mà muốn đi cơ sở. Bắt đầu cuộc chiến tranh leo thang Giôn xơn. Miền Bắc mới được 10 năm im tiếng súng và đang tận lực chi viện cho miền Nam giờ đây phải trực tiếp chiến đấu. Những nơi chiến sự ác liệt nhất đều có Mạc Lân. Cơ quan cử anh đi vì anh là người xông xáo, không ngại hiểm nguy, nắm bắt vấn đề nhanh, viết bài nhanh, hơn nữa trước đây anh từng là phóng viên mặt trận. Yên Vực, Hàm Rồng, Nam Ngạn, Ðò Cấm, Cầu Hổ, Cầu Vằn... đều có anh. Những địa danh giờ đây không gợi một ý niệm gì nhưng ngày ấy là lương tâm của toàn dân tộc. Ðó là quyết tâm của một bên là khoa học kỹ thuật hiện đại tối tân nhất, sức mạnh quân sự hùng hậu nhất của Mỹ và đồng minh với một bên là ý chí gang thép, của quân và dân miền Bắc giữ vững mạch máu giao thông đưa người và súng đạn của cải vào miền Nam chiến đấu. Ðời làm báo của Mạc Lân từ đó là những chuyến đi đột xuất tới những vùng lửa đạn, vất vả, gian khổ, nhịn đói, đêm hôm, nguy hiểm. Lân đã tận mắt chứng kiến nhiều chuyện. Những chiếc cầu bị đánh sập. Những chiếc máy bay bị bắn đứt ngang đâm thẳng xuống gần trận địa. Những trận địa pháo bị trúng bom, những cô gái đi thăm chồng là pháo thủ bỗng trở thành những người tiếp đạn trên trận địa, ẩn hiện trong khói lửa, quần áo, da tóc khét mùi thuốc đạn. Trận chiến đấu kết thúc, sau khi thay phiên trực chiến, sau khi đã xuống sông tắm gội và ăn uống, nghỉ ngơi, hai vợ chồng người chiến sĩ nọ tràn đầy tình yêu bước vào căn buồng của riêng họ: căn buồng hạnh phúc. Lân kể lại chuyện ấy cho tôi nghe trong một lần anh xuống Hải Phòng (tôi đã từ báo Tiền Phong chuyển về báo Hải Phòng hồi cuối năm 1959) viết về nhưng con tầu mở đường mòn trên biển. Anh sôi nổi:
-Giá ông nhìn thấy hai vợ chồng người chiến sĩ nông dân chân chất ở trận địa cầu Hàm Rồng. Buổi chiều còn tơi bời khói lửa, gần như không phải con người bằng xương bằng thịt nữa mà là sắt thép, cái sống cái chết liền nhau mà buổi tối thì trẻ trung tươi tắn thế. Cô cậu ngượng chưa muốn vào nhà hạnh phúc ngay, còn đi la cà buồng nọ buồng kia nhưng đi đến đâu cũng bị xua đuổi. Người ta không muốn cô cậu mất thì giờ vì họ. Thời gian quý lắm. Nhất là thời gian giữa hai trận đánh.
Và gật gù:
-Tôi sẽ viết một cái truyện ngắn về cái lực Việt Nam. Về một đôi vợ chồng chiến sĩ như tôi vừa kể cho ông. Chiến đấu suốt buổi chiều, đến tối, khi cửa phòng hạnh phúc khép lại, chị vợ hỏi chồng: Mệt thế anh có chiều em được không? Anh chồng cười: Ðược chứ, sao lại không? Nhưng anh chiều ít hay chiều nhiều? Chiều nhiều.
Chẳng thể nào diễn đạt được hai tiếng chiều nhiều Lân nói. Quai hàm bên dưới trẹo đi. Vừa âu yếm vừa nũng nịu mà chỉ Mạc Lân mới có.
Tôi không biết anh đã đặt bút viết cái truyện ngắn ấy chưa. ý tưởng về truyện ngắn này nẩy sinh trong lần về trận địa Hàm Rồng nhưng nó bắt nguồn từ những suy nghĩ sâu xa hơn. Ngày ấy người ta sợ viết về tình yêu trai gái. Ngày ấy những con người chiến đấu được giản lược đi đến mức tối đa. Lân bảo: Bọn Liên Xô sang đây nó bảo nhân vật của các anh không có bộ phận sinh dục à? Cứ đọc sách của mấy ông viết thì đúng như thế thật. Nhưng tôi cam đoan với ông rằng trong Nam đang chiến đấu gay go như thế nhưng người ta vẫn yêu nhau, vẫn ghen tuông, vẫn ngoại tình, vẫn ngủ với nhau. Cuộc sống ông ạ. Không có gì dập tắt được cuộc sống. Chỉ có chúng ta dập tắt nó trong sách thôi.
Những suy nghĩ kiểu như vậy ngày ấy cũng là lạc lõng, cần phải uốn nắn. Lân biết rằng thật khó mà viết được một cái gì đó chân thực. Nhưng anh vẫn đi. Vẫn đến với những nơi nguy hiểm nhất. Những tấm gương chiến đấu của quân dân ta ở tuyến lửa động viên anh. Khi bom Mỹ đánh trúng trại hủi Quỳnh Lập, anh đang ở khu 4. Lấy xe đạp đạp suốt đêm tới Trại hủi, lấy tài liệu viết bài ngay, nghĩ tới anh em trong toà soạn đang ở Hà Nội, Lân tự thấy mình là "ghê", nhưng ý nghĩ ấy biến mất ngay khi anh đến phòng mổ của các bác sĩ: Vi trùng hủi Hansen lây bằng đường máu mà các bác sĩ mổ cho những người hủi bị trúng bom không có găng tay!
Ðến những mũi nhọn trong chiến đấu, đó là lương tâm -và cũng có thể là tự ái nghề nghiệp- của anh, là máu mê của anh nữa, chứ anh hoàn toàn không tin là anh sẽ được lãnh đạo báo tin tưởng. Cho nên mỗi khi thấy lãnh đạo tươi cười với anh là anh cảnh giác. Như một hôm, một uỷ viên biên tập thân mật vỗ vai anh, anh hiểu ngay là sắp có nhiệm vụ đột xuất. Quả nhiên, người uỷ viên biên tập nói với anh:
-Nó đánh Nam Ðịnh rồi.
Thế là ba lô xe đạp guồng suốt đêm về Nam Ðịnh viết Thành phố dệt nổ súng.
*
Năm 1967 Mạc Lân rời khỏi báo Tiên Phong. Lê Bầu sau khi đi học phiên dịch ở Trung Quốc, công tác ở ngành bưu điện đã xin chuyển được về Hội Văn Nghệ Hà Nội. Bầu kéo Lân về đó. Lân về Hội Văn Nghệ Hà Nội vì hai lý do: Anh không thể ở báo Tiền Phong được nữa mà Hội Văn Nghệ Hà Nội lại có báo, có nhà xuất bản, nghĩa là có đất dụng võ như lời tán của Bầu.
Nhưng cái đất dụng võ ấy đâu có phải là của Mạc Lân mà cũng chẳng phải của Lê Bầu. Có một ý kiến (hay chỉ thị) không thành văn nhưng mạnh hơn văn bản mà tất cả các báo, các nhà xuất bản đều thực hiện rất triệt để và nghiêm chỉnh là không in bài của Mạc Lân, Lê Bầu. Nếu hãn hữu có in cũng không được ký tên hai người. Người ta thực hiện triệt để tới mức tập Người Hà Nội có bài của Mạc Lân, Lê Bầu thế mà tên không được in đã hẳn, nhuận bút cũng không có nốt. Túng thiếu. Mà phải có tiền. Phải sống.
Ðang loay hoay với kế mưu sinh thì Dương Tường đến. Nào ai ngờ được chính anh chàng lơ ngơ này lại là người giải quyết cho Mạc Lân vấn đề cực kỳ khó khăn ấy: Ði bán máu. Lân tròn xoe mắt, sửng sốt và bất ngờ. Bán máu? Bán ở đâu? Bán như thế nào? Ai mua? Ông lại sáng tác ra chuyện gì nữa thế? Không phải chuyện sáng tác, hư cấu. Người thực việc thực một trăm phần trăm. Chuyện của chính tôi. Chính tôi đã đi bán rồi đây ông ạ. Có mà trời tin. Ðừng bịp nhau. Người một tay xách nặng như ông mà đi bán máu. Trông thấy ông người ta cũng đủ ngán rồi. Ông không tin thì thôi. Bốn hai cân như tôi mà bán được máu đấy. 200 xê xê đàng hoàng. Ông ăn chắc mỗi kỳ 250 xê xê. Thế thì đúng rồi. Nhưng bán ở đâu? Thủ tục ra sao? Lân mừng như người chết đuối vớ được cọc. Thế là Tường giảng giải. Và để kết luận, Tường bảo: "Tôi sẽ đưa ông đi."
Lân không nhờ Tường đưa đi. Anh tự đi. Tường động viên: Cũng nhiều chuyện phức tạp, lôi thôi lắm, chứ không đơn giản đâu. Không biết gan của ông có vấn đề gì không. Có vi trùng sốt rét không. Ở bộ đội thằng nào chẳng sốt rét. Thôi cứ đi. Ðược hay không thì cũng là một lần tổng kiểm tra sức khoẻ. Từ bé đến giờ chúng mình đã kiểm tra sức khoẻ bao giờ đâu.
Nghe lời Tường dặn, Lân mua nửa cân chè Thái đến gặp phó phòng huyết học bệnh viện Việt Ðức như một cái lễ ra mắt. Anh được khám, được X quang tim phổi, thử máu, thử nước tiểu không mất tiền. Không bệnh truyền nhiễm. Không viêm gan. Không có vi trùng sốt rét. Lại còn được nghe giảng về huyết học. Cho đến bây giờ anh mới biết thì ra hồng cầu ba tháng chết một lần, và cũng cứ ba tháng tuỷ sống lại sản sinh ra một thế hệ hồng cầu mới. Hồng cầu chết nằm trong lá lách. Ðó là nghĩa địa hồng cầu. Máu thì có bốn nhóm tất cả. A, B, O, AB. Nhóm máu AB là nhóm máu ích kỷ, rất ít người có nên bệnh viện không mua, khó bán. Nhưng khi cần người ta đến tận nhà mua và lại bán được đắt. Còn nhóm máu O được gọi là nhóm máu xã hội chủ nghĩa, tiếp được cho các nhóm máu khác. Nhóm máu của Lân thuộc nhóm B, chẳng ích kỷ cá nhân chủ nghĩa mà cũng chẳng xã hội chủ nghĩa. Lấy máu theo trọng lượng cơ thể. Tường chắc mỗi lần bán chỉ được 150 cc. Lấy 200cc có thể do cảm tình gì đó. Lân 60 ki lô mới được lấy 200cc.
Về sau những lần cần tiền Lân đeo thêm chì vào người để đạt trọng lượng 70 ki lô và bán được 250, 300cc, anh nghĩ chắc Dương Tường cũng giở trò gian lận này. Lấy xong máu, cầm biên nhận đến tài vụ lĩnh tiền, nhận phiếu bồi dưỡng. Tiền tính theo xê xê còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít máu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu. Cho nên những ngày đi bán máu rất vui. Con người mình bỗng nhiên tăng thêm giá trị trước gia đình và trước bao cặp mắt của cánh phe vé, bỗng nhiên mình được bao bọc quấn quít giữa những cái nhìn trìu mến, tình cảm, hò hẹn của đám đàn ông đàn bà chuyên sống bằng buôn bán tem phiếu lúc nào cũng có mặt ngoài cổng bệnh viện. Ðội ngũ phe vé cũng đông xấp xỉ đội ngũ những người bán máu. Giá cả dễ thống nhất. Giá làng. Người trao tiền, người trao phiếu là xong. Ðiều gay go nhất là tiêu chuẩn bồi dưỡng còn được một bát phở tái bò, nhưng phải xếp hàng ăn ngay tại hành lang bệnh viện. Những lần đầu đứng ngồi xì xụp bát phở ngoài hành lang ngượng lắm. Cắm mặt mà và, mà xụp xoạp cho nhanh. Nhưng rồi quen. Nghĩ mình lương thiện. Quá lương thiện. Lương thiện gấp trăm lần những người khác. Chẳng có gì mà xấu hổ. Thế là dần dần cứ ăn bình tĩnh nhẩn nha. Chẳng nuốt vội nuốt vàng như trước. Ðể thấy chất bổ ngấm vào người, vào máu. Ðể thấy mình đang hồi phục. Ðể thấy máu mình lại đang nẩy nở sinh sôi. Bán máu êm ả là thế mà nhiều lúc vẫn giật mình. Ví như đang ngồi nhìn cả vào người y tá chờ gọi tên mình thì người ấy bỗng bật ra những cái tên bất ngờ nhất:
-Chính Yên!
-Phan Kế Bảo!
Hay đang bưng bát phở lên ăn, nghe tiếng gọi giật giọng:
-Phương Nam!
Toàn những người quen. Toàn những trí thức. Ngượng nghịu nhìn nhau. Rồi cũng quen dần. Lương thiện thì rõ ràng là lương thiện rồi. Nhưng nó tố cáo bước đường cùng. Người bán máu nuôi con đi học. Người lương hưu ít ỏi không đủ sống. Quần áo chỉn chu. Tóc chải gọn gàng. Mặt mũi sáng sủa, đi lại rón rén nhẹ nhàng chỉ trông cũng biết là người có học. Ðấy là một loại. Loại này đông nhất. Loại thứ hai ít hơn: Những nam nữ thanh niên còn rất trẻ, quần áo bít dít cười nói trò chuyện ồn ào. Ðó là cánh thanh niên đua đòi ăn chơi tung tẩy rủ nhau đi bán máu lấy tiền mua nhẫn vàng mua đồng hồ quần bò áo phông. Còn dân bán máu chuyên nghiệp lại khác. Giống cánh trí thức. ít nói. Có nói cũng rất khẽ. Khuôn mặt đầy lo lắng ưu tư. Họ có nhiều sổ, bán ở nhiều nơi. Có khi lên cả Sơn Tây, Thái Nguyên. Về cả Thái Bình. Họ chưa đến hạn được bán. Họ sợ máu họ loãng. Họ sợ bệnh viện nhận ra sự gian dối của họ. Dân chuyên nghiệp bán máu xong là đổ xô đi mua viên sắt, uống nước cua sống. Hy vọng như vậy sẽ có đủ huyết sắc tố cho đợt bán sau. Dân chuyên nghiệp vén ống tay áo lên nhìn biết ngay. Chằng chịt vết kim. Lân bán máu sau Tường. Nhưng Lân là người theo đuổi cái công việc này lâu nhất. Khi kẻ viết bài này lang thang từ các miền rừng núi trở về, đã sẵn có nghề trong tay, Lân đi bán máu đột xuất, chiêu đãi y một bữa bún chả, ăn trong căn buồng hẹp nhà Lê Bầu phố Phùng Hưng. Một bữa ăn vĩnh viễn nằm trong trí nhớ.
*
Năm 1971 Mạc Lân xin nghỉ hưu non. Tình thế bắt buộc, mặc dầu anh không muốn. Thật không ngờ: Nghỉ hưu, anh lại có nhiều việc để làm. Cái chuyện anh không được viết, hoặc được viết nhưng không được in hay được in nhưng không được ký tên cũng không được nhận nhuận bút cả bàn dân thiên hạ đều biết. Và nhiều người tìm đến anh . Ðó là những người đang đi vào con đường viết lách, những cộng tác viên của một vài tờ báo, những người đang muốn có một cái truyện ký đầu tiên, hay cũng đã có một hai cái tin đăng báo và giờ đây đang giao du với những cán bộ biên tập các nhà xuất bản, những người đã có một vài sáng tác được in và đang muốn được kết nạp vào hội văn nghệ địa phương, kể cả hội nhà văn, rất cần bản thảo như một chứng chỉ. Hoặc muốn vây vo với một em nào đó. Ðể chinh phục. Ðể có thể yêu, và không loại trừ cả chuyện hôn nhân. Cũng nhiều khi đơn giản chỉ là một cách kiếm ăn, phe phẩy, nhận việc, không phải làm mà vẫn có tiền tiêu, hơn nữa có tiếng tăm. Thời ấy mọi đơn đặt hàng đều là truyện ký. Một thứ người thực việc thực được văn nghệ hoá, có tả cảnh, tả tình, có đối thoại, một thứ văn chương tổ đội. Cái khoản ấy Lân rành. Chẳng cứ Lân rành. Bầu cũng rành.(Và cả tôi nữa. Cũng rành.) Bầu và Lân làm thành một tổ viết văn chui. Nghĩa là viết văn không cho người khác biết, trừ người đặt hàng mình. Việc nhiều khi không có. Nhưng cũng có lúc làm không hết. Do người ta tự tìm đến. Mà cũng do bè bạn khơi nguồn, tìm việc mang đến cho anh, anh chỉ việc viết mà không biết người sẽ đứng tên sách anh viết, người sẽ phải trả tiền cho anh là ai. Ðủ các đề tài. Chuyện chiến đấu trong Nam. Chuyện nhà máy, cải tiến kỹ thuật, mỗi người làm việc bằng hai, chuyện chăn nuôi trong hợp tác xã nông nghiệp. Chuyện phong trào hai tốt (dạy tốt, học tốt) ở các trường học. Ðề tài gì cũng được. Nhưng các ông phải cung cấp tài liệu. Bọn này chỉ biết có viết thôi. Ðảm bảo đúng thời hạn, đúng số trang số chữ, đảm bảo chất lượng. Hợp đồng chỉ thảo miệng như vậy. Còn nữa. Nhuận bút chia đôi. Cũng là thống nhất miệng. Nhiều khi gặp khách hàng rắn quá, Lân nhận theo tỷ lệ bốn mươi, sáu mươi. Người đứng tên sách ăn sáu, còn Lân ăn bốn. Chung quanh cái việc viết văn chui của Lân thật nhiều chuyện li kì. Có những người nhận nhuận bút rồi nhưng định quịt, không thanh toán tiền cho kẻ viết. Ði lại nhiều lần. Ngọt nhạt. Mềm mỏng. Căng thẳng. Người ta cũng không định quịt của mình. Chẳng qua là vì quá bốc với tác phẩm đầu tay, lỡ liên hoan hết cả tiền nhuận bút. Cuối cùng đành phải tháo đồng hồ Pôn-giốt đưa Lân. Làm ăn phải giữ cái mối chứ nhiều lúc nhục lắm ông ơi. Anh chồng bảo cô vợ thế này: Anh Lân anh ấy túng quá, anh thuê anh ấy chép bản thảo, tạo điều kiện cho anh ấy thêm tý thu nhập, em đến xem anh ấy chép xong chưa cầm về cho anh, nhà xuất bản họ giục. Tiền nong cứ kệ anh. Anh sẽ thanh toán với anh ấy sau. Chị vợ phục tấm lòng ăn ở của chồng sát đất. Chồng mình quan tâm đến bạn như thế chứ còn gì nữa. Một tấm lòng vàng! Thật may cho cái số của mình... Chị vợ đến gặp mình nói lại ý kiến của chồng. Mình khất. Nói rằng mấy hôm nay tôi bận quá chưa chép được. Chị về nói lại với anh hộ. Chị vợ lại hỏi: Chữ anh ấy nhà tôi khó xem lắm đấy. Tôi đọc còn khó, anh có đọc được không. Mình vội bảo: Tôi đã công tác ở toà soạn chị ạ, chữ viết kiểu gì tôi cũng đọc được. Lần đầu tiên vui vẻ. Lần thứ hai bà vợ đến mình vẫn chưa chép được, bà ta đã có vẻ bực nhưng cố nén. Và lần thứ ba cũng vẫn bận quá chưa chép được cho anh thì bà vợ không chịu được nữa. Dắt xe ra cửa còn nói đổng: "Ðã đói còn lười. Người ta thông cảm giao việc cho làm mà không chịu làm." Lân cười. Kể đến đây Lân cười. Rồi anh nghiêm mặt quát lên với tôi: "Những công việc ấy làm sao viết trước, viết sẵn được. Ông cũng viết văn ông còn lạ gì. Cứ là phải nước đến đít rồi mới nhẩy!" Và nhắc lại châm ngôn anh đã nói cùng tôi: "Làm ăn phải giữ lấy cái mối. Ðành chịu. Họ muốn nói thế nào tuỳ họ." Bỗng cười phá lên: "Nhưng anh chồng là người tuyệt vời. Cuối cùng thì bản thảo cũng xong. Sách in trước Tết. Nhuận bút có trước Tết. Ông cũng biết Tết mà có nhuận bút thì tuyệt như thế nào. Mình đến nhà anh ta. Hí hửng sẽ mang được tiền về cho vợ. Nhưng chị vợ anh ta cũng có nhà. Hai thằng chỉ nhìn nhau mà không nói. Không có cách nào đưa tiền được. Truyện trò giữa hai thằng tri kỉ gượng đến chín giờ tối thì mình rút. Nhưng thật không ngờ. Mười giờ bà vợ đạp xe tới nhà mình:
-Anh Lân có mất cái gì không?
Mình ngơ ngác:
-Không. Không mất gì cả chị ạ.
Chị vợ rút ra một xếp tiền đưa cho mình:
-Anh đánh rơi tiền ở nhà tôi đây này. Khi anh về, nhà tôi thấy ở gầm ghế anh ngồi chỗ tiền này, hỏi tôi tiền nào đây. Chồng không mất, vợ không mất. Anh ấy bảo thế thì chỉ có tiền anh Lân đánh rơi thôi.
Mình hiểu ngay tất cả. Sáng kiến ứng xử thông minh của ông chồng, sự thông cảm của ông ta đối với thói cần tiền của mình trong những ngày giáp Tết. Mình giả vờ lục túi quần và reo lên: "Chết rồi. Ðúng rồi. Tiền vợ tôi nó vừa lĩnh họ đưa cho tôi lúc chiều. May quá. Cám ơn anh chị."
-Nhưng sao toàn thấy bà vợ đến nhà ông mà ông chồng không đến?
-Ông ấy bị đau chân. Ði làm sao được.
Như mọi thứ hợp đồng khác, hợp đồng viết thuê của Lân có nhiều chuyện phát sinh. Chẳng hạn chuyện Lân viết (ký tên người khác) bỗng dưng lại ăn một cái giải thưởng nào đó. Như có một năm ba truyện ngắn Lân viết cho ba người được giải thưởng (của Hà Nội và của Tổng công đoàn). Người ta có thể quên hẳn Lân. Nhưng những người trúng giải thường là những người rộng rãi biết điều. Lộc bất khả hưởng tận. Ba cái giải thưởng ấy Lân đều được chia 50 phần trăm. Trần Dần, Phùng Quán đem tiền đến cho Lân. Hai người này nhận việc cho Lân. Người nhận giải chẳng biết Lân là ai. Họ chỉ biết có ông Dần, ông Quán.
Có một điều Lân lấy làm lạ là cái người chỉ đứng tên cho văn bản mà không hề viết lấy một dòng khi sách đã được in, gặp Lân là người đã viết ra nó lại cứ trò chuyện với Lân theo cái kiểu như chính anh ta là người đã sáng tác ra nó, chính anh ta là tác giả. Hoặc nói một cách rất bề trên: "Ðoạn ấy viết được. Mình đi đến đâu người ta cũng khen. Dư luận tốt lắm." Anh lắc đầu: Cũng nhiều lúc muốn tống một quả đấm vào mặt họ nhưng lại cố nén. Rồi cười: Làm ăn phải giữ lấy cái mối.
Nghề viết thuê có nhiều lúc nhục nhưng cũng có lúc vinh. Ấy là cái lần Lân đi viết lịch sử đảng bộ Thuận Hải, tên gọi chung cho hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận thời còn đang sáp nhập làm một. Chưa bao giờ anh có một công việc quy mô như vậy. Nó hứa hẹn với anh nhiều tháng có công ăn việc làm và do đó thu nhập cũng khá hơn. Người dắt mối cho anh là Tạ Văn Bảo, trưởng ban công nghiệp báo Tiền Phong vào cái hồi anh làm trưởng ban văn nghệ. Tạ Văn Bảo đã vào biên uỷ báo rồi chuyển sang làm giám đốc nhà xuất bản Thanh Niên. Khi đó nhà xuất bản Thanh Niên đang có một chương trình liên kết kinh tế gì đó với tỉnh uỷ Thuận Hải. Biết tỉnh uỷ Thuận Hải muốn có một bộ lịch sử tỉnh đảng bộ, Bảo đã đưa từ Hà Nội vào một cây bút có tín nhiệm để viết. Nhưng bản thảo đổ. Không đạt. Mà không thể không có bản thảo, không thể không xuất bản tập lịch sử Ðảng bộ. Bảo nghĩ đến Lân, một người chắc chắn sẽ có bản thảo, hơn thế, một bản thảo tốt. Lân nói với Tạ Văn Bảo:
-Nhưng ông cũng biết rồi đấy. Tôi không phải đảng viên, viết lịch sử Ðảng có được không? Với lại tôi chỉ viết giai đoạn từ khi thành lập Ðảng tới Tổng khởi nghĩa thôi đấy.
Bảo nói không có vấn đề gì, thu xếp vào trong ấy càng sớm càng tốt. Vợ chồng Lân vay giật được 200 đồng. Hằng, vợ Lân khâu vào mỗi cái quần lót của Lân một cái túi con, để cho tiền vào đó, miệng túi cài ghim băng cẩn thận. Mùa hè năm 1982 Lân vào Phan Thiết với 200 đồng, 200 điếu thuốc lá cuốn, một quyển sổ tay, vài cái bút bi, anh gặp các đồng chí trong tỉnh uỷ. Lân thấy cần trực tiếp nói rõ nhân thân của mình với tỉnh uỷ:
- Trước đây tôi là đảng viên, nhưng từ lâu tôi không sinh hoạt Ðảng nữa. Các anh xem tôi có đủ tiêu chuẩn làm việc không. Và tôi cũng báo cáo với các anh là tôi chỉ viết lịch sử Ðảng bộ từ năm 45 trở về trước thôi. Nói rõ như vậy để các anh quyết định...
Ðồng chí đại diện tỉnh uỷ nói với Lân:
- Việc đó là của chúng tôi. Không phải việc của anh. Việc của anh là viết. Còn lại là việc của tỉnh uỷ.
Chỉ đến khi công việc chắc chắn rồi Lân mới dám mở ghim băng lấy tiền khâu trong quần lót ra tiêu.
Hẳn là bản thảo tốt nên khi hoàn thành, tỉnh uỷ hỏi Lân về giá cả, Lân rụt rè nói con số mười lăm nghìn đồng, một con số mà chính anh cũng hoảng lên nhưng anh còn nhận được số tiền cao hơn thế: hai mươi nghìn đồng! Tỉnh uỷ còn nói sẽ có một tặng phẩm cho Lân. Lân nghĩ ngay đến vợ. Anh mạnh dạn đề nghị cái tặng phẩm mà tỉnh uỷ ưu ái dành cho anh sẽ là một suất tầu khứ hồi Nam Bắc để vợ anh có thể vào Sài gòn, tới Phan Thiết cùng với anh. Vấn đề quá đơn giản. Ðề nghị của anh được chấp nhận ngay. Ít ngày sau Hằng vào Sài gòn, ra Phan Thiết. Hai vợ chồng sống như những cặp vợ chồng nhàn cư đi du lịch. Ðó là anh trả cái ơn, cái nghĩa đối với vợ mà nếu không có chuyến đi viết này anh sao làm được.
Ôi! Một khi cái vận nó đã đến thì như vậy đấy. Cứ tự nó đến thôi. Khi nó không đến thì muốn cũng chẳng được. Vừa hoàn công việc với tỉnh uỷ đã lại có công việc mới: Ký hợp đồng viết lịch sử tỉnh đoàn. Chưa xong lịch sử tỉnh đoàn đã ngấp nghé lịch sử huyện đoàn. Cứ như vậy mà thừa thắng xông lên.
Nhưng cuộc đời luôn dành cho anh nhiều vố. Khi anh đã hút hết 200 điếu thuốc lá cuộn, khi Hằng đã trở ra Hà Nội, khi anh đang ngồi viết lịch sử tỉnh đoàn, anh bỗng thấy như có ai đánh rất mạnh vào ngực. Mặt mũi sây sẩm. Choáng váng như muốn ngất. Ngực thắt lại, đau nhói. Nghẹt thở. Có một cái gì cứ cắn trong lồng ngực... Cơn nhồi máu cơ tim đầu tiên của anh mà anh không biết. Từ Phan Thiết, anh trở vào thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh ở bệnh viện Gia Ðịnh. Huyết áp 170 trên 100. Bác sĩ bảo đối với người già, huyết áp như vậy bình thường. May sao anh gặp Vấn, một bác sĩ bạn anh từ hồi còn ở Hà Nội. Vấn khám, kết luận anh nhồi máu cơ tim và đưa đến bệnh viện Ðiện Biên Phủ (Saint Paul cũ). Thở ô-xi. Truyền máu. Tiếp nước. Các bà xơ rất tận tình phục vụ nâng giấc đêm hôm. Quý ngài xa gia đình, mắc bệnh hiểm nghèo, chúng tôi xin được chăm sóc. Bẩy ngày sau Hằng mới có mặt tại bệnh viện. Hai vợ chồng bay ra Hà Nội bằng chuyên cơ của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt. Cũng là trúng số hên. Lân nằm bệnh viện với giấy giới thiệu của tỉnh uỷ Thuận Hải gửi tới T78, nghĩa là Văn phòng Trung Ương Ðảng phía Nam. Chuyên cơ của Thủ Tướng còn thừa hai chỗ. Hai chỗ ấy được dành cho vợ chồng một người bệnh nặng thuộc T78!
*
Ðầu năm 2002 tôi gọi điện cho Lân. Chúng tôi duy trì cách liên lạc này để vẫn biết tin về nhau, được nghe giọng nói của nhau, dù nó hơi đau hào, bởi vì có bao giờ nhấc máy mà chúng tôi nói với nhau dưới năm phút đâu. Mà lương hưu của hai đứa chúng tôi sau bao kỳ tăng -mỗi kỳ 25 phần trăm- đều không quá 250 nghìn, nghĩa là vừa đủ cho hai cái đám cưới và một cái đám ma. Mà ở tuổi chúng tôi, con bạn lấy vợ lấy chồng nhiều, còn bạn thì cũng đã có hiện tượng lần lượt nằm xuống.
Tiếng của Lân qua ống nghe áp vào tai tôi đã khác trước nhiều. Giọng nói của anh qua mỗi lần điện thoại một khác. Thều thào, mệt mỏi. Lần này lại càng mệt mỏi. Ðứt quãng, nghe cả tiếng thở dốc. Nghe mà lo mà thương cho anh. Vụ rét cuối năm Tân Tỵ đầu năm Nhâm Ngọ này khủng khiếp quá. Tám đến mười lăm độ kéo dài cả tháng.
-Tôi lại mới bị viêm thực quản, viêm môn vị. Phiền quá. Bệnh này khiến mình cứ phải ở nhà không đi đâu được. Chứ không thì cũng cố bỏ ra mười nghìn đi xe ôm đến ông Bầu, đến chỗ ông Tường chơi .
Lại thêm bệnh mới. Nghe tiếng anh tôi lo. Anh mệt mỏi lắm rồi. Anh là người kiên cường chiến đấu với tật bệnh. Năm 1982, lần đầu tiên bị nhồi máu cơ tim, bác sĩ đã nói riêng với chúng tôi có cầm cự giỏi lắm cũng chỉ được từ năm năm đến bẩy năm, mà anh đã chiến đấu với nó, đã cầm cự hai mươi mốt năm rồi. Ðâu có phải chỉ nhồi máu cơ tim. Còn bao bệnh khác, bệnh nào cũng là trọng bệnh.
-Tôi định vào bệnh viện nhưng bệnh viện hết giường rồi. Với lại cũng không có người trông nom. Bà Hằng nhà tôi còn phải đi làm. Không đi lấy gì mà sống.
Tôi lên Hà Nội thăm Lân. Qua nút cổ chai Cầu Giấy đang được giải toả, nơi trước đây Lân bị tông xe và bị gẫy chân lần thứ hai. Rẽ vào nhà Lân. Anh đang nằm trên chiếc giường một, chăn đệm đầy người. Một cháu gái xinh xẻo tóc xoã đang ngồi trước bàn với những trang giấy để mở. Tôi biết cháu. Ðó là một sinh viên khoa báo chí trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Cháu ở gần nhà anh. Những lúc rỗi rãi cháu sang cơm nước, phục vụ anh và anh đọc cho cháu chép tập sách anh đang viết, tập sách của đời anh. Thấy tôi cả hai bác cháu reo lên. Cháu gái xếp bản thảo vào trong một cái cặp, đi pha nước. Lân hất chăn đệm ra, ngồi dậy bảo cháu:
-Hôm nay có bác Tấn, chúng ta nghỉ làm việc. Cháu ra ngoài kia mua cho hai bác thứ gì ăn trưa. Hai ổ bánh mì này, mấy quả táo này. Ông uống gì nhỉ. Bia à. Còn tôi nước ngọt.
Cháu cầm tiền ra đi và một lát sau đã quay lại với những thứ đó trong túi ni-lông. Cháu lấy cốc lấy đĩa bầy các thứ ra bàn nước và lễ phép chào chúng tôi, ra về. Chỉ còn hai chúng tôi. Vừa ăn vừa nhìn nhau. Lần nào lên Hà Nội gặp Lân tôi cũng cứ sờ sợ rằng đây là lần cuối cùng tôi nhìn thấy anh dù tôi biết bệnh tật có xúm nhau lại vật được anh cũng còn lâu. Tôi bỗng nhớ đến một câu của Pau-tốp-xki mà tôi đã đọc khi còn đang tuổi hai mươi: "Tôi viết cho bạn bè tôi và vào tuổi này họ đang ít đần đi." Ðến bây giờ tôi mới ngấm câu nói ấy. Lân xếp xếp chồng bản thảo đã được làm vi tính, cất vào hộc tủ:
-Cũng được một nửa rồi ông ạ. Mình định viết bốn cái truyện vừa độc lập. Nhưng khi ghép lại với nhau nó thành một quyển tiểu thuyết...
Mắt anh ánh lên một nỗi khát khao. Giọng anh lại vang vọng sắc thái ngày nào. Tôi cầu mong anh hoàn thành dự định. Nhưng phải gấp lên Lân ơi. Mà không chỉ Lân. Cả mình, cả Bầu, cả Tường, cả Bão... Tất cả anh em mình. Thời gian gấp lắm rồi.
Ngã Sáu
29- 1- 2002
Mùa rét năm Tân Tỵ