Phần 1
Tác giả: Bùi Thụy Đào Nguyên
Hà thành Chính khí ca :
Tổng đốc Hoàng Diệu.
(Phần I)
“Ông ngoại tôi (Hoàng Diệu) làm đến Tổng đốc Hà Nội mà không có tiền lợp nổi cái nhà của ông bà để lại đã tróc ngói…”
.Phan Khôi
I. Tóm tắt tiểu sử:
Hoàng Diệu tên chữ là Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai, sinh ngày 10-2 năm Kỷ Sửu (tức ngày 5-3-1829) tại làng Xuân Đài, nay thuộc xã Điện Quang, vùng Gò Nổi, Điện Bàn. Ông là một trong các nhà khoa bảng yêu nước ở đất Quảng.
Gia đình xuất thân nhà nông và theo nho học. Ông thân sinh là Hoàng Văn Cự làm hương chức, qua đời năm 54 tuổi. Bà thân mẫu Phạm Thị Khuê thọ 88 tuổi, tần tảo làm ruộng và chăn tằm, nuôi dạy con cái. Gia đình có 11 người con, 8 trai, 3 gái. Gần xa trong tỉnh, anh em Hoàng Diệu nổi tiếng hiếu học và học giỏi. Lớn lên 6 người đỗ đạt: một phó bảng, 3 cử nhân và 2 tú tài.
Khoa thi hương tại Thừa Thiên năm 1848, Hoàng Kim Giám, 23 tuổi và Hoàng Kim Tích, tức Hoàng Diệu, 20 tuổi cùng đỗ cử nhân. Hoàng Kim Giám không ra làm quan, qua đời năm 34 tuổi. Hoàng Diệu, 25 tuổi thi đình đỗ phó bảng (1853).
Trên các bước đường làm quan, theo Đại Nam chính biên liệt truyện, Hoàng Diệu được đánh giá là một vị quan "tính tình cương trực, thanh liêm, lâm sự quyết đoán, có phong độ bậc đại thần"…
Bởi thế cho nên, suốt 30 năm làm quan lớn ở nhiều nơi mà cảnh nhà vẫn thanh bạch, nghèo túng.
Một khía cạnh đáng quí khác nữa, đó là tại các nơi ông cai quản trật tự xã hội rất nghiêm minh, không có tình trạng nhũng lạm, trộm cướp hay chuyện áp bức dân lành.
Vua Tự Đức đã khen Hoàng Diệu rằng: "Chăm lo cho dân Bắc Hà, ngoài Hoàng Diệu ra không ai hơn"..
II. Thành Hà Nội thất thủ lần thứ hai(1882):
Đầu năm 1880, Hoàng Diệu nhận chức tổng đốc Hà Ninh kiêm trông coi công việc thương chánh. Biết rõ dã tâm xâm lược của thực dân Pháp lúc bấy giờ, Hoàng Diệu bắt tay ngay vào việc chuẩn bị chiến đấu, biên phòng. Năm 1882 thấy binh thuyền nước Pháp tự nhiên ra Bắc, ông e ngại lắm. Một mặt ông phái Tuần Phủ Hoàng Hữu Xứng ra tiếp, mặt khác ông lo chỉnh đốn thêm thành trì và quân ngũ để đề phòng.
Lấy cớ ta không tôn trọng hiệp ước năm 1874 vì đã giao thiệp với Trung Hoa, dung túng quân Cờ Đen ngăn trở việc giao thông trên sông Hồng Hà và cấm đạo. Thống Đốc Hải Quân Pháp, Đại tá Henri Rivière cho mấy tàu chiến cùng 4000 quân ra đóng tại Đồn Thủy (trên bờ sông Hồng Hà phía Đông nằm sát Hà Nội) và cho quân lính đi phá rối, hăm dọa trên các đường phố.
Trước đó Hoàng Diệu đã dâng sớ lên vua Tự Đức đề nghị việc phòng chống giặc, vì theo ông Hà Nội là yết hầu của Bắc Kỳ và cũng là nơi then chốt của nước ta. Nếu Hà Nội mất thì các tỉnh khác sẽ mất theo, nhưng Vua Tự Đức làm thinh.
Đến khi Hà Nội bị uy hiếp, Hoàng Diệu một mặt xin triều đình Huế viện binh, một mặt ra lệnh giới nghiêm và thông báo các tỉnh đề phòng. Trong khi Hà Nội ở trong tình thế dầu sôi lữa bỏng thì phái chủ bại ở triều đình Huế đề nghị mở cửa thành cho quân Pháp ra vào tự do và triệt binh để giặc khỏi nghi ngờ. Ngay cả Vua Tự Đức cũng hạ chiếu quở trách ông đã đem binh dọa giặc…
Lúc bấy giờ, các quan xung quanh ông có Tuần Phủ Hoàng Hữu Xung, Đề Đốc Lê Văn Trinh, Bố Chánh Phan Văn Tuyển, Án Sát Tôn Thức Bá, và lãnh binh Lê Trực. Tất cả đã cùng nhau uống rượu hòa máu tỏ quyết tâm sống chết với thành.
Rạng ngày 25 tháng 4 năm 1882, tức ngày mồng 8 tháng 3 năm Nhăm Ngọ, Henri Rivière sai thông dịch viên đưa tối hậu thư vào thành, buộc Hòng Diệu phải cho quân lính hạ hết khí giới, rời khỏi thành. Riêng ông cùng các quan phải ra nộp mình cho hắn.
Theo bản Corresponance politique du Commanant Henri Riviere au Tonkin của André Masson thì Henri Riviere buộc "Ðúng 8 giờ sáng ngài phải thân hành đến dinh tôi hàng phục, có mặt đông đủ các quan Tuần Phủ, Bố Chánh, Án sát, Đề Đốc, Chánh, Phó Lãnh Binh. Nếu đúng 8 giờ, Ngài và toàn thể thuộc viên của Ngài không đến Lãnh sự quán để tỏ vẻ chấp thuận những điều kiện của tôi, thì quân đội của tôi lập tức tấn công vào thành . . ."
Lệnh như vậy, nhưng Henri Rivière không chờ thư trả lời. Hắn cho tàu chiến bắn tới tấp vào thành rồi cho quân tiến lên. Tôn Thất Bá xin ra ngoài để giao thiệp với giặc một lần cuối .
Nào ngờ, vừa rời khỏi thang leoắc thang leo, Bá liền cho giặc biết cách bố trí của ta để giặc nổ súng. Rồi y một mặt dâng sớ lên Vua Tự Đức đổ tội cho Hoàng Diệu, một mặt xin với giặc cho y làm Tổng Đốc Hà Ninh.
Một trận kịch chiến xảy ra từ sáng đến trưa. Quân ta dưới quyền chỉ huy của Hoàng Diệu đã anh dũng chiến đấu, giết chết hàng trăm tên giặc
Cuộc chiến đang ác liệt thì bất ngờ kho thuốc súng nổ, lửa bốc cháy ngùn ngụt. Đám cháy càng lan rộng, tinh thần quân Việt càng hoang mang, hàng ngũ càng rối loạn. Quân giặc thừa cơ bắt thang trèo vào, phá cổng thành phía tây rồi ồ ạt kéo vào như nước chảy.
Bố Chánh Phan Văn Tuyển thấy thành lâm nguy bỏ chạy trước; Đề Đốc Lê Văn Trinh giả vờ tự tử; Phó Lãnh Binh Lê Trực cũng tháo lui; Tuần Phủ Hoàng Hữu Xứng bị Pháp bắt, nhịn ăn mấy bữa rồi ăn lại như thường. Duy chỉ có Thủy Sư Đề Đốc Nguyễn Đình Kháng liều chết cố thủ ở cửa thành phía nam cho đến giây phút cuối cùng.
Trong vòng khói lửa ngợp trời ấy, Hoàng Diệu, tay vẫn cầm thanh kiếm tuốt trần, hăng hái xông trong mưa đạn.
Đến khi tình thế quá nguy ngập,ông truyền lịnh: "Ai muốn về kinh thì về, còn ai muốn chiến đấu nữa thì lên Sơn Tây tập hợp với đại binh của Hoàng Kế Viêm chờ ngày báo phục".
Biết ba quân đã tìm được đường thoát thân, ông vào dinh viết bài di biểu tạ tội, rồi đi thẳng đến cửa Võ Miếu, cởi chiếc khăn đang bịt trên đầu, treo mình lên cành cây trước miếu mà tuẫn tiết đúng vào giờ Ngọ, tức ngày 25 tháng 4 năm 1882. Lúc ấy, ông mới 54 tuổi.
III. Ai ai cũng ca ngợi khí tiết của Hoàng Diệu :
Trước cái chết khí tiết của Hoàng Diệu, các giới sĩ phu, văn thân và nhân dân của cả nước, ai nấy cũng đều thương tiếc.
Riêng người dân Hà Nội, ngay hôm sau, nhiều người đã tụ họp lại, sắm sửa, khâm liệm cho ông thật tử tế, rồi mai táng tại khu vườn Dinh Đốc học (nay là địa điểm khách sạn Royal Star ở đường Trần Quý Cáp cạnh chợ Ngô Sĩ Liên, sau ga Hà Nội).
Hơn một tháng sau hai người con trai ông ra Hà Nội lo liệu đưa thi hài thân sinh về an táng ở quê quán vào mùa thu năm ấy.( Hiện nay khu lăng mộ Hoàng Diệu, theo quyết định ngày 25 tháng 1 năm 1994 của Bộ Văn hóa Thông tin, được công nhận là một di tích lịch sử - văn hóa của Việt Nam).
Điểm qua vài câu thơ, câu đối viết về ông :
Tôn Thất Thuyết, người đứng đầu phe “chủ chiến” đã ca ngợi ông trong hai câu đối:
"Nhất cử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện
Bình sanh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khởi vô tâm"
Dịch:
"Một chết đã thành danh, đâu phải anh hùng từng nguyện trước Bình sanh trung nghĩa, đương trường đại cuộc tất lưu tâm ."
Trong bài thơ dài Hà thành Chánh khí ca, Ba Giai cũng đã hết lòng khen ngợi và thương tiếc ông, xin trích:
…Một cơn gió thảm mưa sầu,
Đốt nung gan sắt, giãi dầu lòng son,
Chữ trung còn chút con con,
Quyết đem gởi cái tàn hồn gốc cây.
Trời cao, biển rộng, đất dày,
Non Nùng sông Nhị chốn nầy làm ghi!...
Vua Tự Đức mặc dầu có lần quở trách ông, nhưng vẫn phải hạ chiếu khen Hoàng Diệu đã tận trung tử tiết, và còn lệnh cho quan quân tỉnh Quảng Nam làm lễ quốc táng cho ông .
Sĩ phu Hà Thành lập đền thờ Hoàng Diệu ở phố Văn Tân, sau thờ chung với ông Nguyễn Tri Phương trong đền Trung Liệt trên gò Đống Đa với đôi câu đối:
"Thử thành quách, thử giang sơn
Bách chiến phong trần dư xích địa
Vi nhật tinh, vi hà nhạc
Thập niên tâm sự vọng thanh thiên"
Dịch:
"Kia thành quách, kia non sông
Trăm trận phong trần còn thước đất
Là trời sao, là sông núi
Mười năm tâm sự với trời xanh."
Cụ Phó bảng Nguyễn Trọng Tỉnh có bài thơ điếu Hoàng Diệu, ghi lại trong Lịch sử vua quan nhà Nguyễn của Phạm Khắc Hòe
Tay đã cầm bút lại cầm binh
Muôn dặm giang sơn nặng một minh
Thờ chúa, chúa lo, lo với chúa
Giữ thành, thành mất, mất theo thành
Suối vàng ắt hẳn mài gươm bạc
Lòng đỏ thôi đành gửi sử xanh
Di biểu nay còn sôi chính khí
Khiến người thêm trọng bút khoa danh
VI. Thêm vài tài liệu liên quan:
1. Thành cổ Hà Nội:
Thành cổ này hiện thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình, với tổng diện tích 49.135m2. Gồm 4 khu: Bắc Môn (1112,6m2), Hậu Lâu (2475,1m2), Điện Kính Thiên (41865,8m2), Sở Chỉ huy của Bộ Quốc phòng) và Đoan Môn (3661,5m2).
***
Nhà Nguyễn lên ngôi, Thăng Long từ vị trí Kinh đô của quốc gia trở thành trấn thành rồi tỉnh thành. Mất vai trò trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế… các công trình trong hoàng thành phải thay đổi quy mô.
Năm 1803, vua Gia Long lệnh phá bỏ thành cũ có từ các triều đại trước đã bị hư hại nhiều, xây lại theo kiến trúc của Pháp bằng đá tảng và gạch nung rất kiên cố, nhưng có tầm vóc nhỏ hơn thành của những vương triều trước.
.(Năm 1010, sau khi lên ngôi vua, Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên là Thăng Long.HoàngThành này được nhiều lần tôn tạo nguy nga, tráng lệ & cũng đã nhiều lần bị tàn phá…
Như cuối thế kỷ 13, quân Nguyên-Mông nhiều lần cướp phá Thăng Long. Sang thế kỷ XIV (năm 1371 đến 1378), quân Chiêm Thành đã bốn lần đem quân tấn công đốt phá kinh thành.Và hoang tàn hơn khi nhà Minh sang xâm chiếm Việt Nam vào năm 1407, trong 20 năm liền họ đã phá nát nhiều cung điện, đền chùa, bảo tháp…
Sang thế kỷ XVIII, thành bị sụt lở nhiều, khi nhà Tây Sơn ra Thănglong.Các cửa thành đã đổ gần hết chỉ còn lại hai cửa Đại Hưng ở phía nam và Đông Hoa ở phía đông…)
Các công trình trong thành được bố trí kế thừa những di tích xưa:
Chính giữa vẫn là điện Kính Thiên. Thềm điện Kính Thiên cao ba cấp, có chạm những con rồng bằng gỗ. Gần điện có Hành Cung là nơi vua ngự mỗi khi kinh lý Bắc thành. Từ điện Kính Thiên đi ra là Đoan môn, cấu trúc gồm ba cửa trong đó cửa chính giữa dành cho nhà vua, hai cửa nhỏ dành cho các quan lại. Đàn Xã Tắc để tế trời đặt bên trái ngoài Đoan Môn cùng một Đình bia ghi công trạng của vua Gia Long.
( Mấy năm gần đây nhờ công tác khai quật khảo cổ họ cnên trả lời được nhiều vấn đề sau bao năm tranh luận:
Thành Thăng Long đời Lý vẫn giữ nguyên vẹn vị trí cũ cho đến đời Nguyễn. Núi Nùng (tức núi Long Ðỗ) vẫn là trung tâm của thành qua bao thế kỷ...
Và Bắc Môn được xác định chính là Cửa Bắc của thành Hà Nội thời Nguyễn…)
Năm 1805, Gia Long cho xây dựng Kỳ Đài (Cột Cờ) gần Đình bia. Để xứng tầm với một “tỉnh thành”, năm 1831 Vua Minh Mạng ra lệnh hạ thấp tường thành và đổi tên là thành Hà Nội.
Năm 1848, Vua Tự Đức cho phá dỡ các cung điện còn lại trong thành, những đồ chạm khắc mỹ thuật bằng gỗ, đá đều đưa về Huế, chỉ còn sót lại rồng đá ở điện Kính Thiên…
Lần tàn phá thành cuối cùng là khi quân Pháp tấn công Hà Nội vào cuối thế kỉ XIX.
Khi họ vào chiếm đóng,điện Kính Thiên bị phá để xây nhà chỉ huy pháo binh, Đoan Môn bị sửa biến thành trại lính…
Cuối cùng, năm 1893, thực dân Pháp lại quyết định phá bỏ toàn bộ tường thành. Trong 62 năm (từ 1892 đến 1954) đóng quân, người Pháp đã biến Thành cổ Hà Nội thành một khu quân sự, một trại lính. Hầu như tất cả các công trình cổ còn lại đã bị biến thành nhà ở hoặc phá bỏ lấy đất, gạch xây các công trình quân sự, nhà ở cho các sĩ quan, binh lính, kho tàng…
Cái còn sót lại cho hôm nay là dấu vết của Kỳ Đài (Cột Cờ), Đoan môn, nền điện Kính Thiên và Bắc Môn (Cửa Bắc), cửa duy nhất còn lại của thành Hà Nội thời Nguyễn, vẫn mang hoài dấu vết của đạn đại bác của Pháp bắn từ tàu chiến trên sông Hồng, khi họ tấn công phá thành vào năm 1882, thời của Tổng đốc Hoàng Diệu…
2. Về tấm bia Lệnh cấm trừ tệ:
Hoàng Diệu luôn mong muốn nhân dân được sống trong công bằng và trật tự.
Minh chứng cho điều này là ngày nay, ở Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu, còn áp ở mặt tường cổng ra vào một phần tấm bia Lệnh cấm trừ tệ (Thân cấm khu tệ), niêm yết năm 1881, của Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu và Tuần phủ Hà Nội Hoàng Hữu Xứng.
Nội dung bia nhằm ngăn chặn các tệ nhũng nhiễu đối với nhân dân trong các dịp ma chay, cưới xin; cũng như nạn vòi tiền, cướp bóc trên sông, ở các chợ; kèm theo các quy định cụ thể cần thi hành đến nơi đến chốn.
Một di tích quý hiếm nói lên tấm lòng son của người công bộc, sẽ mãi mãi còn nguyên giá trị của nó.
3. Di biểu củaHoàng Diệu trước khi tuẩn tiết:
“…Tôi sức học rất thường được dùng quá lớn, mang ơn phó thác trọng trấn một phương .Giữa lúc giặc giã lung tung ba cõi , một kẽ học trò việc biên vốn chữa thuộc thông, 10 năm thương ước lòng địch vẫn khó tin .
Từ lúc tôi vâng lịnh vua ra trấn thủ Hà Nội đến nay ba năm vẫn lo rèn tập giáp binh ,sửa soạn thành lũy ; không những ở yên bờ cõi, mà còn phải phòng bị lòng chứng sài lang
Nào ngờ: chim chóc còn đang lót ổ, muôn thú đã dậy lòng tham. Ngày 1tháng hai năm nay, thấy tàu nước Phú -Lãng tấp nập kéo tới phần nhiều đậu ở đây .Binh họ đến phương xa, dân mình thấy mà lo ngại .
Tôi trộm nghĩ Hà thành là đất cuống họng của xứ Bắc, lại là nơi trọng yếu của nước ta, nếu như một may thành này chẳng may sụp đổ như núi lở, thì các tỉnh lần lượt vỡ như ngói tan .Vì thế mà tôi lo sợ khẩn cấp tư giấy đi các tỉnh lân cận, một mặt dâng sớ về triều đình cầu viện.
Nhưng mà mấy lần tiếp được chiếu thư gửi ra, khi thì trách tôi lấy việc binh ra hâm dọa , khi thì quở tôi phòng quân địch không phải đường …
Tôi tự xét không quyền chế, quan to dám đâu lìa chức ra đi ; răn mình theo đạo cồ nhân , lòng trung chỉ biết thờ vua một dạ .
Thường ngày tôi cùng hai người có chức vụ ,bàn soạn công việc, có người bàn nên mở cửa thành cho họ tự do ra vào, có người khuyên phải triệt binh để họ hết điều ngờ vực .Tôi nghĩ dù cho thịt nát xương mòn cũng cam không nở lòng nào làm những việc như thế cho được .
Giữa lúc ra thu xếp chưa địch ra sao, thì họ đã trái lời giao kết ngày trước. Ngày hôm mùng 7, họ đưa chiến thư, sáng hôm sau họ tiến quan đánh thắng.
Quân địch bu như kiến cỏ, súng tây nổ như sấm vang
Ngoài phố cháy lây trong thành khiếp vía.
Tôi tuy mới đau dậy, cũng cố gượng cầm binh, treo gương xông pha ,trước hàng tướng sĩ. Bắn chết quân địch hơn trăm, cố giữ thành trì nửa buỗi.
Nhưng mà họ mạnh ta yếu, viện tuyệt, thế cùng, tướng võ sợ địch bỏ chạy tứ tung, quan văn thấy nguy đua nhau đào tẩu. Tấc lòng tôi đau như dao cắt, một tay mình khó nổi chống ngăn. Làm tướng muốn không phải tài, than thân sống thật vô ích.
Mất thành mà chẳng thể cứu, nghĩ mình tội chết có thừa. Thoát lấy thân hòng chuyện báo phục mai sau, đâu dám đeo gương Tào Mạt; thà rằng chết để bù tránh nhiệm hiện tại chỉ còn bắt trước Trương Tuần
Nào dám khoe khoang gì đâu, chẳng qua vì thế sự khiến vậy
Để cho đất nước mất về quân địch, luống thẹn với sĩ phu đất Bắc ở trần gian; thôi thì lòng riêng nguyện với thành trì, xin theo gót tiên liệt Nguyễn Tri Phương nơi chín suối
Vài hàng lệ máu, muôn dặm quân vương, xin đem ánh sáng của mặt trời, mặt trăng soi thấu lòng tôi vậy.”
Tự Đức năm thứ 35, ngày mồng tám tháng ba
4. Về cây đa nơi Hoàng Diệu tuẩn tiết:
Vào khoảng bốn mươi năm trước, mỗi khi đi lên đường cột cờ nếu ai chủ ý nhìn về trước mặt, phía trên sở tài chính bây giờ, cũng trong thấy một cây cổ thụ, cành lá đã héo khô, chỉ còn trơ lại cái thân cây cằn cổi, một mình đứng trơ trơ trên bãi đất hoang,
theo lời những người có tuổi thường biết mà đó là cái cây của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu đã treo cổ tự tử ngày mồng tám tháng ba năm nhâm ngọ.
Không bao lâu thành phố mở mang khu đất ấy, cậy cổ thụ kia chẳng biết đốn từ khi nào không ai trông thấy nữa, một vật vô cùng đã được làm dấu cũ để chỉ tỏ cho người sau biết tấm lòng hi sinh vì nước của một vĩ nhân và sự thay đổi của một thời đại đã qua, chẳng được người sau che chở hộ trì, đã bị may một dập vùi, thực là đáng tiếc
Không biết ông Hoàng có quả đã mượn cây ấy để chết theo nạn nước không, tôi cũng không chắc, nhưng chứng các sách đã ghi chép lại sư biến hồi đó cũng điều nói là ông treo cổ tuẫn tiết ở một cái cây gần Võ miếu hay miếu thờ Quan Công và do sự nhận xét chỗ của ông tuẫn tiết dù dấu cũ không còn ,cũng có thể nói quyết là giới hạn cũng trong bãi đó mà thôi.
(Theo tài liệu của Doãn Kế Thiện trong sách Hà Nội cũ)
V. Trích bút ký “Đứa con phù sa” của Hoàng Phủ Ngọc Tường để thay lời kết:
…Tôi có đi thăm mộ cụ Hoàng Diệu ở giữa cánh đồng xuân đài.Mộ không bề thế như tôi tưởng,còn quá nhỏ so với lăng mộ của những viên quan lớn vô tích sự trên triều đình Huế mà tôi vẫn thường thấy. Mộ là một nắm vôi khô nằm vùi giữa đồng cỏ voi, xa khu dân cư nên trong chiến tranh thoát khỏi bị xe Mỹ càn ủi.
Đúng một trăm năm sau ngày Hoàng Diệu tuẫn tiết, xã đã trùng tu lại nơi yên nghỉ của cụ, quy cách khiêm tốn như nó vốn thế. Tường lăng sơn trắng phơn phớt hồng nỗi lên màu lá xanh, bát ngát và trong sáng, đúng là giấc ngủ của người anh hùng.
Người sinh ra ở gò nổi để chết dưới chân thành Hà Nội, xương thịt trở về với đất làng mà chính khí vang động sử sách,“trời cao bể rộng đất dày-núi Nùng sông Nhị chốn này làm ghi”.
Trước mặt người ta đọc thấy cặp câu đối viếng của Tôn Thất Thuyết: “nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện- bình sinh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khả vô tâm” (lấy cái chết để thành tên tuổi, xưa nay người anh hùng đâu muốn thế- một thời trung nghĩa lòng không thể hổ thẹn khi nhìn đai cuộc ngày nay)…
Hồi nhỏ nhà nghèo, mẹ chăn tằm dệt lụa nuôi con ăn học. Hoàng Diệu lớn lên bằng tuổi trẻ gian khổ ở làng quê, buổi sáng sớm đi học chỉ súc miệng và nhịn đói, trưa về ăn một chén bắp nấu đậu, đến tối cả nhà chia mỗi người một bát cơm .
Ngày nghe tin chồng tuẫn tiết, bà Hoàng Diệu đang cuốc cỏ lá de, ngất xỉu ngay trên bờ ruộng.
Làm quan Tổng đốc mà nhà còn nghèo đến thế, huống là nhà dân!...
Ảnh: Cửa Bắc với lỗ đạn pháo của thực dân Pháp
Bùi Thụy Đào Nguyên , biên soạn