Dưới tầng hầm
Tác giả: Bùi Việt Thắng
Tôi là một thằng bé hay nói dối. Nguyên nhân là tôi học nhiều, óc tưởng tượng của tôi lúc nào cũng cháy rực. Tôi đọc trong giờ lên lớp, giờ ra chơi, trên đường về nhà, ban đêm thì dưới gầm bàn, che bằng tấm khăn bàn rủ xuống tới sàn nhà. Vì đọc sách nên đã bỏ qua mọi chuyện trên đời: tôi bỏ học chuồn ra cảng, chơi bi-a tại các quán cà-phê ở phố Hy Lạp, bơi ở cồn cát Langiêrôn. Tôi không có bạn. Còn ai muốn chơi với một con người như thế.
Một hôm trong tay của học sinh đứng đầu lớp tôi là Mac Boocman, tôi thấy có cuốn sách viết về Xpinôda (1).
Mac vừa đọc xong và cậu ấy nóng lòng muốn kể lại ngay với bọn con trai chung quanh về tòa án trấn áp tà đạo ở Tây Ban Nha. Song những điều Mac kể chỉ là lắp bắp thuật lại sách vở. Trong những lời Mac nói không có chất thơ. Tôi không nhịn được nên đã nói xen vào. Với các học sinh muốn nghe tôi nói, tôi kể về Amxtecđam thời xưa, về cuộc sống tối tăm trong các khu Do thái, về các triết gia, những người làm nghề mài kim cương. Ngoài những điều đọc được trong sách còn có thêm nhiều phần của tôi. Không làm thế thì tôi không chịu được, óc tưởng tượng của tôi đẩy mạnh những cảnh có kịch tính, thay đổi các kết cục, vào đề trong những khung cảnh đầy bí mật. Cái chết của Xpinôda tự do, cô đơn được tôi miêu tả thành một cuộc đấu tranh. Xinêđriôn ép con người sắp chết thừa nhận sai lầm, nhưng Xpinôda không chịu khuất phục. Trong đoạn này tôi đưa cả Rubenx (2) vào. Tôi thấy như có Rubenx đứng ở đầu giường Xpinôda và dùng sáp ong rập hình mặt người chết.
Các bạn cùng lớp của tôi cứ há hốc miệng nghe câu chuyện quái dị này. Nó đã được kể rất hào hứng. Lúc có tiếng chuông chúng tôi miễn cưỡng chia tay. Đến giờ ra chơi tiếp theo, Mac tới gần tôi, nắm tay tôi và chúng tôi cùng đi dạo. Chỉ ít lâu sau chúng tôi đã cảm thấy hợp nhau. Mac không là một dạng hèn kém của những thằng học sinh đứng đầu lớp. Đối với bộ óc đầy sức mạnh của cậu ấy, sự khôn ngoan sáng suốt ở trung học là những lề giấy da cừu trong một cuốn sách chân chính. Cuốn sách này cậu ấy đang khao khát tìm kiếm. Tuy là những thằng bé thơ dại mười hai tuổi, song chúng tôi đã biết rằng Mac sẽ có một cuộc đời học thuật khác thường. Cậu ấy không chuẩn bị các bài học mà chỉ nghe giảng. Thằng bé tỉnh táo và chín chắn này gắn bó với tôi do cái đặc điểm của tôi thích bẻ queo mọi điều trên đời, kể cả những điều mà người ta không thể nghĩ ra cái gì đơn giản hơn.
Năm ấy chúng tôi lên lớp ba. Sổ ghi điểm của tôi bị đánh ba trừ. Với những lời nói ra như mê sảng, tôi là một thằng kỳ quặc đến nỗi các giáo viên đã nghĩ lại và không cho tôi hai điểm. Đến đầu mùa hè, Mac mời tôi đến chơi gia đình cậu ấy. Bố Mac là giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Nga. Đây là một trong các nhân vật đã làm cho Ôđetxa trở thành Macxây hay Napôli. Ông mang trong người chất men của một thương nhân Ôđetxa thời xưa. Ông thuộc cái giới những tay ăn chơi hoài nghi và lịch thiệp. Ông Boocman bố tránh dùng tiếng Nga, ông nói cái thứ tiếng nhát gừng hơi thô lỗ của các thuyền trưởng Livcpun. Hồi tháng Tư, khi có đoàn kịch hát Ý đến thành phố chúng tôi, tại nhà Boocman đã tổ chức bữa tiệc khoản đãi đoàn này. Ông chủ nhà băng béo múp, đại thương nhân cuối cùng của Ôđetxa đã có hai tháng tình tang với diễn viên nữ chính có bộ ngực đồ sộ. Nữ diễn viên này đã ra đi mang theo những hồi ức không dằn vặt gì lương tâm và chuỗi hạt chọn có “gu” nhưng không đắt lắm.
Ông già đã làm lãnh sự ở Achentina, cũng là chủ tịch hội đồng chứng khoán. Chính nhà ông ấy là nơi tôi được mời đến. Thím tôi, tên là Bôpca, đã loan tin này khắp số nhà. Thím cố gắng hết sức cho tôi ăn vận nghiêm chỉnh. Tôi đi chiếc xà-lan chạy hơi nước tới ga 16, chỗ Giếng phun nước Lớn. Tòa biệt thự nằm sát bờ sông, trên một đoạn dốc đứng đỏ lòm không cao lắm. Trên bờ đoạn dốc đứng này có trồng một vườn hoa với những đám vãn anh và những cây trắc bá xén hình cầu.
Tôi vốn xuất thân trong một gia đình nghèo, đầu óc không bình thường. Quang cảnh biệt thự Boocman đã làm tôi kinh ngạc. Những chiếc ghế bành đồ đan hiện lên trắng toát trong những lối đi phủ cành lá xanh rờn. Trước nhà dựng một dãy dài những cột gỗ không cao lắm.
Đến chiều ông giám đốc nhà băng về biệt thự. Sau bữa ăn ông đặt một chiếc ghế bành đồ đan ngay sát bờ dốc đứng trước mặt biển chạy ra xa như một cánh đồng, rồi duỗi hai chân trong chiếc quần trắng, châm xì-gà và đọc tờ “Manchext Gacđian”. Khách khứa, những bà sang trọng ở Ôđetxa chi pô-cơ ngoài hiên. Trong góc bàn, chiếc xa-mô-va thon thả có tay xách bằng ngà voi réo ầm ĩ.
Những mụ mê bài bạc, thích ăn ngon, những làm dáng ăn mặc lôi thôi và những con người dâm đãng ngầm với những đồ lót vẩy nước hoa và hai cái lườn to bè bè, những người đàn bà ấy đập phành phạch những cái quạt đen và bỏ những đồng tiền vàng ra đặt cọc. Nắng len qua dàn nho dại, lọt tới chỗ họ. Mặt trời mang một vừng lửa khổng lồ. Ánh phản chiếu của chất đồng làm những bộ tóc đen nom càng thêm nặng. Những tia hoàng hôn nhập vào kim cương, những viên kim cương đeo khắp chỗ: trong khe hõm giữa những cái vú tách rộng, trên những vành tai bự phấn, những ngón tay sưng phù xanh xanh.
Trời tối dần. Một con dơi loạt soạt bay qua. Biển bỗ vào bờ đá đỏ mỗi lúc một sẫm đen. Trái tim mười hai tuổi của tôi căng mọng trước cuộc sống giầu sang vui chơi và dễ dàng của người khác. Tôi và bạn tôi dắt tay nhau dạo chi trên lối đi xa nhất. Mac nói với tôi rằng cậu ấy sẽ trở thành kỹ sư hàng không. Có tin đồn bố cậu ấy được cử làm đại diện của Ngân hàng Ngoại thương Nga ở Lơnđơn: Mac có thể sang học ở bên Anh.
Ở nhà chúng tôi, nhà thím Bôpca không ai nói những chuyện như thế. Tôi chẳng có gì để có đi có lại trước cái chuỗi liên tục những điều tuyệt diệu này. Tôi bèn nói với Mac rằng tuy ở nhà chúng tôi tất cả đều khác, song ông tôi, ông Lâyvi Itkhôc và chú tôi đã đi chu du thế giới và đã trải qua hàng ngàn chuyện ly kỳ. Rồi tôi lần lượt kể các chuyện ấy. Ý thức về những điều không thể có lập tức rời bỏ tôi, tôi đã đưa chú Vonph qua cuộc chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, tới Alêchxanđri ở Ai Cập...
Đêm tối đứng dựng lên trong những cây tiêu huyền, những ngôi sao đè lên các cành cây trĩu xuống. Tôi vừa nói vừa hoa chân múa tay. Những ngón tay của chàng kỹ sư hàng không tương lai run lên trong bàn tay tôi. Mac phải vất vả lắm mới rũ bỏ được các ảo giác, cậu ấy hứa chủ nhật sau sẽ tới thăm tôi. Với lời hứa ấy tôi lên xà-lan về nhà, với thím Bôpca.
Suốt một tuần sau chuyến viếng thăm ấy, tôi cứ tưởng tượng mình là một giám đốc ngân hàng. Tôi thực hiện hàng triệu vụ giao dịch với Singapo và Cảng Xait. Tôi sắm một chiếc du thuyền chạy buồm và dùng nó đi du lịch một mình. Ngày thứ bảy là lúc tôi phải tỉnh lại. Đến mai Boocman con sẽ đến thăm nhà tôi. Trong những điều tôi kể với cậu ấy không có chút xíu gì là thật. Thật ra vẫn có những cái khác, đáng ngạc nhiên hơn nhiều so với những điều tôi bịa đặt, nhưng mới mười hai tuổi đầu tôi còn chưa biết làm thế nào với sự thật trên đời này. Ông Lâyvi Itkhôc, một rapbi bị tống cổ khỏi địa hạt vì mạo chữ ký của bá tước Branhixki trên những hối phiếu, và dưới con mắt hàng xóm láng giềng cùng những thằng bé chung quanh, ông là một người điên. Chú Ximôn Vonph thì tôi không thể nào chịu nổi ở chú cái tính kỳ quặc, hăng say vô nghĩa lý, hay la hét và thích áp chế người khác. Riêng với thím Bôpca thì tôi có thể bàn bạc nhất trí. Thím Bôpca kiêu hãnh thấy con trai ông giám đốc nhà băng kết bạn với tôi. Thím cho rằng sự đi lại này mở đầu một con đường sự nghiệp, vì thế để đãi khách thím đã làm bánh nhân mứt hoa quả và bánh nướng với hạt anh túc. Tất cả trái tim của bộ tộc chúng tôi, trái tim quen chịu đựng đấu tranh giỏi như thế, đã được đặt vào trong những chiếc bánh nướng này. Ông tôi với chiếc mũ hình trụ rách bươm và cái quần sờn nát trên cặp chân sưng phù, chúng tôi giấu ông bên nhà láng giềng Apenkhôt, và tôi van ông rằng nếu khách chưa ra đi thì ông đừng về vội. Với chú Ximon Vonph cũng đã thu xếp được ổn thỏa. Chú cùng các bạn phe của chú đi uống trà tại quán “con Gấu”. Ở quán này người ta uống vôt-ca thay nước trà và có thể đoán rằng chú sẽ nán lại lâu.
Trong chuyện này cần phải nói rằng gia đình chúng tôi xuất thân không giống các gia đình Do thái khác. Gia đình chúng tôi có nòi sâu rượu, trong gia đình chúng tôi người ta quyến rũ con gái của những ông tướng rồi chưa ra tới biên giới đã bỏ rơi họ; trong gia đình chúng tôi, ông tôi giả mạo chữ ký và giúp những người đàn bà bị chồng bỏ viết thư tống tiền.
Tôi tập trung tất cả cố gắng vào việc làm cho chú Ximôn Vonph vắng nhà suốt ngày. Tôi đã đưa chú ba rúp dành dụm được. Tiêu hết ba rúp không phải là việc chóng vánh. Chú Ximôn Vonph sẽ về muộn và cậu con trai ông giám đốc nhà băng sẽ không bao giờ biết rằng những lời tôi kể về lòng tốt và tinh thần quả cảm của chú tôi đều chỉ là chuyện bịa. Nói đúng lương tâm thì đó là chuyện thật chứ không phải chuyện bịa, nhưng thoạt trông thấy một ông Ximôn Vonph nhớp nhúa và lắm mồm như thế thì không sao phát hiện được sự thật khó hiểu này.
Sáng chủ nhật thím Bôpca diện chiếc áo dài bằng dạ nâu. Bộ ngực đầy đặn, đôn hậu của thím bày ra tứ phía. Thím chít cái khăn bịt đầu đính những bông hoa màu đen, kiểu khăn mà người ta thường chít ở giáo đường Do thái những hôm lễ bát thờ và lễ Rôsơ - Gasôn. Thím bày lên bàn bánh nướng, mứt quả, bánh xèo và bắt đầu chờ. Chúng tôi đi xuống tầng hầm. Mac giương cao lông mày khi đi qua dãy hành lang lát những ván sàn cong vênh. Ở phòng ngoài có để một thùng nước. Mac chưa kịp vào phòng, tôi đã bắt đầu làm cậu ấy chú ý tới mọi thứ lạ lùng. Tôi cho cậu ấy xem chiếc đồng hồ báo thức mà hai bàn tay ông tôi đã làm lấy cho đến cái đinh vít cuối cùng. Chiếc đồng hồ này được lắp liền với một cái đèn. Hễ đồng hồ đánh xong nửa tiếng hay một tiếng, đèn lại bật. Tôi còn cho xem cái thùng làm nước cơ-vát. Bí quyết làm nước cơ-vát này là một phát minh của ông Lâyvi Itkhôc: ông chưa tiết lộ với ai cả. Sau đó tôi đọc cho Mac nghe vài trang trong tập bản thảo của ông. Ông viết bằng chữ Do thái, trên những tờ giấy vuông vàng khè, to như những tấm bản đồ địa lý. Tập bản thảo này mang nhan đề “Người không đầu”. Trong đó miêu tả tất cả những người láng giềng của ông Lâyvi Itkhôc trong bảy mươi năm đời ông: đầu tiên ở Xcvia và Bêlaia Treccva, rồi ở Ôđetxa. Những thợ đóng quan tài, trưởng ban đồng ca ở giáo đường, những con sâu rượu Do thái, những mụ nấu bếp trong các lễ cắt bì và những tay bịp bợm thực hiện nghi thức tôn giáo này, đó là các nhân vật của ông Lâyvi Itkhôc. Tất cả đều là những con người hay gây chuyện, nói năng có khuyết tật, mũi sần sùi, đầu đầy mụn nhọt, mông đi xiên xẹo.
Trong khi chúng tôi đọc, thím Bôpca xuất hiện trong chiếc áo dài màu nâu. Thím đi như lướt trên sàn với ấm xa-mô-va trên cái khay áp vào bộ ngực đầy đặn, đôn hậu của thím. Tôi giới thiệu hai người với nhau. Thím Bôpca nói: “Rất sung sướng”, chìa những ngón tay cứng đờ, đẫm mồ hôi và kéo sát hai chân vào nhau. Mọi việc diễn ra tốt đẹp, không thể nào tốt đẹp hơn. Nhà Apenkhôt không để ông tôi về. Tôi lần lượt lôi các của báu của ông ra: những cuốn ngữ pháp tất cả các thứ tiếng và sáu mươi sáu cuốn của bộ kinh Tanmut. Mac lóa mắt trước cái thùng làm cơ-vat, chiếc đồng hồ rắc rối và cái núi những cuốn Tanmut, tất cả các vật này không thể thấy ở một nhà nào khác.
Chúng tôi uống mỗi người hai cốc nước trà và ăn bánh. Thím Bôpca gật đầu, lui bước và biến mất. Tôi đi tới một tâm trạng hân hoan, bèn làm điệu bộ và bắt đầu ngâm những đoạn thơ mà tôi mê thích hơn bất kỳ những đoạn thơ nào khác trên đời. Ăngtoan cúi xuống cái xác của Xêda(3) và nói với dân La Mã:
Ôi đồng bào La Mã, ôi các bạn của ta.
Xin lắng nghe vài lời ta nói.
Ta đến đây không để ca ngợi Xêda,
Chỉ muốn gặp Xêda làm nghĩa vụ cuối cùng.
Vai Ăngtoan mở đầu như thế. Tôi thở hổn hển, áp hai tay lên ngực:
Với ta Xêda là bạn, bạn rất trung thành,
Nhưng Bruytuyt gọi Xêda: kẻ tham quyền cố vị,
Còn Bruytuyt là con người đáng kính...
Xêda giải tù binh hàng đoàn về La Mã,
Tiền chuộc đám người này làm giàu ngân quỹ quốc gia.
Và làm thế phải chăng tham quyền cố vị...
Trước cảnh nghèo Xêda rơi nước mắt,
Kẻ tham quyền không nhân hậu thế đâu,
Song Bruytuyt nói Xêda tham quyền cố vị,
Còn Bruytuyt là con người đáng kính...
Các người thày hôm tế thần Lupec (4),
Ta ba lần đem vương miện hiến Xêda,
Nhưng ba lần Xêda từ chối,
Đó phải chăng là cố vị tham quyền?...
Song Bruytuyt nói Xêda tham quyền cố vị,
Còn Bruytuyt là con người đáng kính...
Trước mắt tôi bộ mặt của Bruytuyt lơ lửng trong làn khói mù mịt đất trời. Bộ mặt trắng hơn vôi. Dân chúng La Mã kêu la ai oán tiến đến chỗ tôi đứng. Tôi giơ tay, con mắt của Mac ngoan ngoãn chuyển theo bàn tay tôi, bàn tay tôi nắm chặt, rung lên, tôi giơ cao tay... và qua cửa sổ tôi trông thấy chú Ximôn Vonph đang đi trong sân cùng với tay bán đồ cũ Lâycac. Hai người lôi một cái mắc áo làm bằng sừng hươu và một cái hòm đỏ có treo những chi tiết trang trí hình mõm sư tử. Thím Bôpca cũng trông thấy họ qua cửa sổ. Quên cả khách, thím chạy như bay vào phòng, hai bàn tay run bần bật nắm lấy tôi:
- Cháu yêu của thím, ông tướng lại mua đồ...
Mac nhổm dậy trong bộ đồng phục của cậu ấy, cúi chào thím Bôpca, vẻ thắc mắc. Hai nhân vật kia xông vào cửa. Trong hành lang vang lên những tiếng ủng thình thịch. Chú Ximôn Vonph và tay Lâycac tóc đỏ hò hét inh tai nhức óc. Cả hai say nhè.
- Bôpca, - chú Ximôn Vonph la lên, - thử đoán xem anh đã mua cái sừng hươu này bao nhiêu?
Chú gầm lên như cái kèn đồng, nhưng giọng chú nghe không vững vàng. Dù đang say, chú cũng biết rằng chúng tôi căm ghét tay Lâycac tóc đỏ là kẻ chuyên xui chú mua tất cả những đồ không cần thiết, làm chúng tôi bị chìm ngập trong đó.
Thím Bôpca ngậm tăm. Lâycac nói với chú Ximôn Vonph không biết những gì. Để át cái giọng rin rít như tiếng rắn kêu của hắn, cũng để át lòng thấp thỏm của mình, tôi gào lên những lời của Ăngtoan:
Mới hôm qua sai khiến toàn cầu,
Là Xêda quyền hành vô hạn,
Mà hôm nay nằm trong tro bụi,
Kẻ hèn nào cũng khinh được Xêda.
Trong các người, trong trái tim, khối óc,
Ta muốn nhen ngọn lửa phục thù,
Nhưng sẽ nguy cho hai con người đáng kính
Catxiuyt và Bruytuyt...
Đến chỗ này bỗng nghe thấy huỵch một cái. Đó là tiếng thím Bôpca ngã vật xuống dưới quả đấm của chồng. Có lẽ thím đã có một lời nhận xét chua chát về cặp sừng hươu. Thế là bắt đầu diễn ra một tiết mục thường ngày. Tiếng kèn đồng của chú Ximôn Vonph bịt kín tất cả các kẽ hở trong vũ trụ.
- Các người hút kiệt tủy xưng của thằng này, tọng cho đầy những cái mõm chó của các người... Lao động quần quật, thằng này không còn có linh hồn nữa rồi. Thằng này không còn có gì để lao động nữa, chẳng còn tay, chẳng còn chân... Các người buộc đá vào cổ thằng này, tảng đá đã đeo vào cổ thằng này...
Rồi chú dội lên đầu tôi và thím Bôpca những lời nguyền rủa Do thái, chú báo trước rằng mắt chúng tôi sẽ trôi ra ngoài, con cái chúng tôi sẽ thối rữa trong bụng mẹ, chúng tôi sẽ không kịp chôn nhau và người ta sẽ nắm tóc lôi chúng tôi xuống cái huyệt đào chung.
Boocman con đứng dậy, mặt tái nhợt, mắt nhớn nhác nhìn quanh. Cậu ấy không hiểu những lời nguyền rủa tiếng Do thái, nhưng có biết những lời văng tục bằng tiếng Nga. Mà chú Ximôn Vonph thì không ngại dùng những lời tục tĩu này. Cậu con trai ông chủ nhà băng vò nát cái mũ cát-két. Con mắt tôi nhìn một thằng Mac thành hai, và cứ cố gào thật to để lấp tất cả những cái ác trên đời. Sự tuyệt vọng lúc sắp chết của tôi hòa làm một với cái chết đã đến với Xêda. Tôi chết, và tôi la thét. Những tiếng khàn khàn bật ra từ đáy bản thể của tôi:
Nếu các người hãy còn nước mắt,
Thì giờ đây những suối lệ hãy tuôn trào.
Tấm đại bào này còn ai không biết,
Ta nhớ cả nơi Xêda khoác nó lần đầu:
Lúc ấy chiều hè, vừa diệt xong quân Nêvrit,
Giữa quân doanh, lều dã chiến của Xêda.
Catxiuyt đâm chỗ này, đây vết thương
Do con người đố kỵ. Và chỗ này cắm ngập
Lưỡi dao Bruytuyt, đứa con cưng,
Và chỗ này đã tuôn ra bao máu đỏ
Từ vết thưng khi Bruytuyt rút lưỡi dao...
Không gì át nổi tiếng của chú XimonVonph. Thím Bôpca ngồi dưới sàn khóc thút thít và xỉ mũi. Tay Lâyca thản nhiên lôi cái hòm ra sau vách. Giữa lúc ấy cụ già điên là ông tôi muốn cứu tôi. Ông vùng chạy ra khỏi nhà Apenkhôt, bò tới cửa sổ và kéo cò cử cây vi-ô-lông, có lẽ để người ngoài khỏi nghe thấy những tiếng chửi rủa của chú Ximon Vonph. Mac nhìn về phía khung cửa sổ mở ra ngang mặt đất bên ngoài rồi hốt hoảng lùi lại. Người ông đáng thương của tôi nhếch cái miệng xám ngoét đờ đẫn của ông. Ông đội chiếc mũ hình trụ vành cong, mặc áo dài đen, hai bàn chân voi đi đôi giày rách, bộ râu ám khói thuốc rủ xuống từng đám đung đưa ở cửa sổ. Mac bỏ chạy.
- Chẳng sao đâu, - cậu ấy vừa chạy ra ngoài vừa lẩm bẩm, - thật đấy, chẳng sao cả...
Mac đi rồi tôi cũng hết xúc động. Tôi chờ trời tối. Lúc ông tôi vào giường nằm và thiếp đi sau khi đã viết đầy những chữ Do thái toàn là những nét móc lên tờ giấy vuông của ông (ông viết về nhà Apenkhôt, chỗ ông đã gia ơn cho tôi sang ở chơi suốt ngày), tôi mò ra hành lang. Ngoài ấy là sàn đất. Tôi đi lần trong bóng tối, chân đất, trong chiếc sơ mi dài vá chằng chịt. Qua các khe ván tôi thấy những hòn đá cuội phóng ra những mũi tên lấp loáng. Như mọi khi, trong góc có thùng nước. Tôi leo vào trong thùng nước. Nước xẻ người tôi làm đôi. Tôi ngụp đầu xuống nước, ngạt thở, lại ngoi lên.
Bên trên, trên cái giá, con mèo nhìn bằng cặp mắt buồn ngủ. Lần thứ hai tôi chịu được lâu hơn, nước lóc óc chung quanh tôi, tiếng rên rỉ của tôi tan ra trong nước. Tôi mở mắt thì nhìn thấy dưới đáy thùng có cái áo sơ mi nom như một cánh buồm và hai cẳng chân áp vào nhau. Tôi lại không chịu được nữa bèn lại ngoi lên. Ông tôi đứng bên cạnh thùng nước trong chiếc áo len dài tay. Cái răng duy nhất của ông lập bập, lách cách.
- Thằng cháu của ông ạ, - mấy tiếng này ông nói rành rọt, đầy vẻ khinh bỉ, - ông đi uống dầu thầu dầu để có cái gì đem đến mồ cháu đây...
Tôi gào lên, không còn biết gì nữa và lại ngụp xuống nước. Bàn tay yếu ớt của ông tôi lôi tôi lên. Lúc ấy, lần đầu tiên suốt ngày hôm ấy, tôi khóc. Và cái thế giới của nước mắt bát ngát và đẹp đến nỗi tất cả những gì trong tôi đều tuôn ra hai con mắt, trừ nước mắt.
Tôi tỉnh lại trên giường, nằm cuộn tròn trong chăn. Ông tôi đi đi lại lại trong phòng và huýt sáo. Thím béo Bôpca áp hai bàn tay tôi lên ngực thím để sưởi cho tôi.
- Cái thằng ngốc tí hon nhà ta, nó run ghê quá, - thím nói, - không hiểu thằng bé kiếm đâu ra sức lực mà run thế này...
Ông tôi giật giật chòm râu, huýt sáo và vẫn tiếp tục đi đi lại lại. Bên kia tường, chú Ximôn Vonph ngáy với những tiếng thở ra rất vất vả. Suốt ngày gây chuyện lung tung, ban đêm chú không bao giờ thức giấc.
Nguyễn Thụy Ứng dịch
Chú thích
1. (1632 - 1677) Triết gia Hà Lan gốc Do thái - Bồ Đào Nha, được coi như người trình bày giỏi nhất thuyết phiếm thần. (N.D.)
2. (1577 - 1640) Họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan. (N.D.)
3. Xêda (101 - 40 trước C.N.) là chính khách và tướng tài La Mã, Bruytuyt tham gia âm mưu lật đổ của bọn quí tộc chống Xêda. Ăngtoan là phó tướng của Xêda. (N.D.).
4. Thần thời xưa của người La Mã, bảo vệ các đàn cừu chống chó sói. (N.D.)
* Đăng lần đầu trên tạp chí “Thế giới Mới” 1931, số 10, tháng Mười.