watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Người khắc bia mộ-Chương 1 - tác giả Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Chương 1

Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

- A ! Anh Đỗ về, bác ơi !
Thằng Thụy reo lên khi vừa trông thấy một bóng người xuất hiện trước hiên nhà. Người thanh niên giơ một cánh tay ra, chờ đợi. Thụy đứng dậy. Nhưng rồi nó đứng yên ở chỗ cũ. Không phải nó khước từ sự ôm lấy cánh tay đó và đu cao người lên như mọi lần. Mà nó ngần ngại vì nom thấy cánh tay trái băng bột của người đứng trước mặt.
Thụy kêu lên hoảng hốt:
- Anh Đỗ ! Anh sao vậy?
Đỗ chưa kịp trả lời, đã thấy bác Liêu đang đi ra. Giọng bác hấp tấp:
- Cái chi? Ai? Thằng Đỗ mô?
Và bác đứng sựng lại. Cánh tay băng bột là cái duy nhất để mọi người nhìn vào. Bác Liêu nói lắp bắp:
- Mi bị răng rứa …Đỗ?
- Con bị thương, ba ạ. Nhẹ thôi.
Bác Liêu trợn to đôi mắt:
- Nhẹ? Nhẹ mà như rứa à? Răng mà….cái chi cứng ngắt như ri, tay mi chịu răng nổi?
Vừa nói bác Liêu vừa sờ lên lớp băng bột dày cứng như xi- măng. Thằng Thụy ngơ ngác. Nó không tài nào tưởng tượng nổi đằng sau lớp “xi măng” đó là cái gì. Một vết thương. Nó biết như vậy. Nhưng có đau nhức như hồi kia có lần nó bị té lõa đầu gối không? Thụy hỏi:
- Tại sao lại băng thế này, hở anh Đỗ?
Bác Liêu nói ngay:
- Khoan, Thụy con khoan hỏi, để anh Đỗ ngồi đã nờ. Đỗ, mi ngồi xuống đi. Mi ăn chi chưa? Ba đi mua phở cho mi ăn hỉ !
- Thôi ba, con ăn với anh em trên tiểu đoàn rồi. Còn ba, ba đã ăn cơm chưa?
- Rồi, ba ăn từ chạng vạng. Nhà có ai mô? Ba chờ ai bây chừ mà ăn cho trễ? Mới ăn xong có thằng Thụy qua chơi, biểu ba vẽ cho nó làm lồng đèn ngôi sao. Ba mới tìm ra mấy cọng tre, thì mi về.
Bác Liêu ngồi xuống bên cạnh Đỗ, hỏi với giọng âu lo:
- Răng mi nói là mi đi Căm-Bốt, yên ổn, thảnh thơi lắm? Rứa rồi mi lại bị thương…
Đỗ trấn an cha:
- Con đã nói là con bị nhẹ thôi. Nhưng phải băng bột là vì bị gãy xương…
- Gãy xương?
- Chi mà ba hoảng rứa? Miểng đạn làm gãy một cái xương nhỏ ở cánh tay. Băng bột như ri, độ một tháng là khỏi, ba nờ.
Thằng Thụy hỏi:
- Miểng đạn….chui vô trong thịt lận hả anh?
- Ừ, phải chui vô thịt thì mới đến xương.
Thằng bé thêm một điều thắc mắc:
- Rồi…nó có chui ra không anh?
Hai cha con bác Liêu không nhịn được cười. Đỗ nói:
- May phước là nó chui ra. Vì vậy tay anh có hai vết thương. Nè Thụy, em muốn coi vết thương không? Nếu muốn, khi mô anh lười, anh không lên bệnh viện, anh qua nhờ chú y tá xóm mình băng dùm, em đi theo mà coi.

Thụy như vẫn chưa hết ngơ ngác.Nó thấy anh Đỗ hôm nay mới thật là thay đổi, thay đổi nhiều hơn cả cái ngày anh mặc bộ đồ lính lần đầu tiên. Ngày đó, anh trút bỏ lớp thư sinh hiền lành để làm một người oai dũng. Trong tâm trí Thụy, anh trở thành một “người hùng”, ít ra là đối với một thằng bé như nó. Nhưng hôm nay, cánh tay trái của anh đã bị bó lại bằng một khối bột trắng và cứng ngắt, đã bị treo ngang ngực bằng một sợi dây quàng qua cổ. Anh có đau đớn nhiều không? Mà sao anh vẫn cười nói tự nhiên? Một cánh tay của “người hùng” đã bị treo lên, có nghĩa là cuộc đời đã có một tí thay đổi chăng? Thụy chỉ nghĩ được đến đó.

Đỗ cúi xuống tháo dây giầy. Và Đỗ đã nhìn thấy đôi dép của mình sắp ngay ngắn dưới gầm đi-văng. Đỗ cởi giầy, xỏ chân vào đôi dép. Kể đã hơn một tháng anh xa nhà. Nhưng đôi dép vẫn trơn láng sạch sẽ. Đỗ nhìn bác Liêu. Trong một thoáng thời gian lặng yên, Đỗ nghe bồi hồi trong lòng. Mỗi một vật dụng của Đỗ để lại nhà đều được bác Liêu sắp đặt và chăm sóc. Chiếc áo mưa treo trên tường, cây đàn dựng trong góc nhà, đôi dép sắp dưới đi-văng. Đỗ bỗng thấy thương căn nhà quạnh quẽ nghèo nàn của mình, nơi có một bóng già ngày ngày thui thủi mong chờ buổi con trai trở về. Hôm nay Đỗ đã về để nhận thấy vầng trán của cha nhăn hơn một chút, mái tóc bạc thêm một chút, và dáng đi, giọng nói có vẻ yếu hơn một chút.

Bác Liêu xách đôi giầy của Đỗ để sang một bên. Bác nói:
- Chứ răng mà đôi giầy của mi bùn đỏ chạch ri nè? Mi không xin đôi mới mà mang?
Đỗ cười:
- Ba lo chi từng chút? Giầy nhà binh mà ba biểu sạch sẽ bóng loáng răng được? Ri là sạch được một nửa rồi đó ba, vì con đi riết….nó bở bùn ra, rơi rớt bớt rồi. Còn hồi ở Căm-Bốt mới về, ba biết răng không?
- Chắc mi dơ lắm?
Đỗ cười vang:
- Còn hơn rứa nữa ba. Từ đầu xuống chân của con chỉ toàn màu đất. Dơ và hôi không chịu nổi. Còn đôi giầy ni, là hai khối đất bó hai chân lại. Ba tưởng tượng nổi không?
Bác Liêu giật mình, lắc đầu:
- Tau thiệt không ngờ, có ngày mi cực khổ như rứa. Mới hành quân lần đầu mà phải đi xa.
- Chứ có ai đi hành quân ở thành phố mô ba?
Bác Liêu chép miệng:
- Thì đành rứa. Nhưng…người ta đi hành quân trong nước, chứ có ai mà đi qua tận bên Miên bên Lào.
Đỗ thở ra:
- Ba ơi, thứ lính con đi phải chấp nhận đi xa, và cực khổ.
- Tại mi hết, mi chọn làm chi cái nghề nớ? Ba đã biểu mi cố học cho thành tài, ra trường làm ông này ông nọ…
- Khi mô con về ba cũng nhắc lại chuyện học. Mỗi người có một cách chọn lựa ba à.

Rồi Đỗ chợt nhìn thấy đôi mắt của thằng Thụy đang ngó anh. Như hai hòn bi trong vắt, đôi mắt của thằng bé thật dễ thương. Nét mặt ngây thơ của nó làm anh bật cười. Tiếng cười như khuấy tan sự nặng nề giữa hai cha con. Bác Liêu đến trước bàn thờ, thắp ngọn đèn dầu lên, nói:
- Thôi, nói cho vui rứa chứ chuyện chi cũng đã yên cả rồi. Tới thắp nhang cho mạ mi đi .
Rồi bác ra ngồi ở chiếc ghế dài trước sân. Đỗ đứng dậy tiến đến bên bàn thờ mẹ. Khung ảnh sáng mờ mờ dưới ngọn đèn dầu lung linh. Đỗ thắp một cây nhang cắm vào chiến bình hương cũ kỹ. Tro đã đầy ắp cả bình cũng như những thương nhớ không bao giờ vơi được. Đầu óc trống rỗng. Đỗ không biết phải khấn vái điều gì. Mẹ chắc cũng đã phù hộ cho anh thoát khỏi tai ương khi trái đạn nổ to nhức óc lúc anh bò chưa kịp ra đường cái, vì anh bị vướng một cành cây ngang chân. Mấy người lính ra tới nơi trước anh đã chết không toàn vẹn. Đỗ bị thương nơi cánh tay, một vết thương phải nói là thật nhẹ, nhẹ nhất so với các vết thương, mặc dù trước mắt bác Liêu, nó là một tổn hại quan trọng, và trước mắt Thụy, nó là một cái gì thật lạ lùng và mới mẻ, khó mà tưởng tượng nổi.

Đỗ cắm cây nhang xong, quay lại đã thấy bác Liêu đặt trên bàn một ly nước trà. Bác chỉ vào đó, nói:
- Trà chanh đường đó con. Mi thích thứ nớ, uống hết đi cho khỏe.
Đỗ ngồi xuống bên cha, hỏi nhỏ:
- Ba nè, mai mốt con mới lãnh lương. Ba còn tiền xài không?
Bác Liêu “Ôi chào” một tiếng và tiếp:
- Mi khỏi lo cho tau. Tau có nghề mà.
- Nghề chi, ba?
- Tau quen bác Cai Tòng, đi theo bác làm hồ ở mấy nơi gần đây, cũng đủ tiền rượu thuốc.
Đỗ kêu lên:
- Trời ơi, răng ba phải làm…
- Chừ tới phiên mi hoảng. Làm nghề gì cũng là một nghề để sinh nhai. Mi cứ lo công việc của mi, khỏi bận tâm.
- Nhưng mà… ba làm việc nớ nặng nhọc lắm, con không yên lòng.
Bác Liêu vỗ tay lên vai con, nói như thuyết phục:
- Con nè, mỗi người phải có một việc để làm. Ngồi không, nó hư người đi. Ba đã già yếu mô mà con muốn ba phải ngồi không? Là m hồ cũng chẳng nặng nhọc chi mô. Xưa ba làm cai, nay ba làm phu, thiết nghĩ chẳng có gì đáng áy náy cả. Cũng đều là nghề xây dựng mà thôi. Con có biết, mỗi ngày ba lãnh được ngót một ngàn đồng. Khá ghê không? Con khỏi ái ngại cho ba mỗi khi con đi xa.
- Ba! …
- Ba không đi theo mi được mô, có ai mà chăm sóc? Đi vô rừng sâu muỗi độc nó cắn cho mà ròm người.
Bác thở ra, nói như cho chính mình nghe:
- Vừa vừa vậy, chứ khổ quá…tau cưới cho một “mụ vợ”, dẫn đi theo, nó săn sóc cho.
Thằng Thụy đang mân mê vót những thanh tre, bỗng đưa bàn tay che miệng cười rúc rích. Bác Liêu nói:
- Cười chi? Mi con nít, lo mi đi!
Đỗ uống hết ly nước, nói:
- Tại ba nói “dị” quá mà không cười răng được? Con như ri mà ba nói tới chuyện cưới vợ.
- Chứ răng? Mi còn đợi tới bao lâu?
Đỗ nói bừa:
- Còn lâu lắm ba à. Con còn …nhỏ dại….
- Nhỏ dại, nhỏ dại…
Đỗ lẩm bẩm:
- Mấy ông bà già… răng cứ hay muốn tụi con nít lấy vợ lấy chồng?
Bác Liêu trợn tròn mắt:
- A chớ răng, không lo chuyện nớ thì lo chuyện chi?
Đỗ giơ cánh tay lành lên, xá xá, nói đùa:
- Thôi ba ơi cho con xin. Cho con năm năm nữa.
Bác Liêu cười xòa:
- Lôi thôi quá hỉ ! Thôi con đi nằm đi. Cái tay ra răng? Có đau nhức nhiều không?
- Hơi ê thôi ba. Con nằm “bệnh viện dã chiến” ngoài đồng ruộng bên nớ rồi mới về bệnh viện thật sự để băng bột, bây chừ đã gần lành rồi. Ba đừng lo.
- Thiệt, tau…
Bác Liêu bỏ lửng câu nói rồi đi vào phòng trong giăng mùng. Đỗ nói:
- Ba ngủ sớm rứa? Ba nghỉ trước đi, con ra ngắm trăng với bé Thụy một chút.
Thụy ngước lên, ngạc nhiên:
- Anh Đỗ cũng biết hôm nay có trăng?
- Anh còn biết bữa ni mười hai âm lịch nữa chứ. Trăng chưa tròn mô, nhưng chắc cũng đẹp chán.
- Vậy anh ra sân đi, em không vót tre nữa, ngày mai em làm tiếp.
- Em định làm lồng đèn chi rứa?
- Bác dạy em làm đèn ngôi sao.
Đỗ lắc đầu:
- Đèn ngôi sao thường quá. Làm kiểu khác nhé!
- Vậy anh dạy em đi.
- Làm chiếc tàu của anh, được không?
Thụy sáng mắt lên, reo:
- Hay quá! Anh Đỗ làm dùm em cái sườn nghen!
- Là cái chắc, nhưng….

Đỗ ngập ngừng. Đỗ muốn đổi ý. Anh muốn bảo với thằng bé rằng hãy cứ làm đèn ngôi sao cho có vẻ con nít, có vẻ ngây thơ, đừng làm tàu chiến, tàu đổ bộ….Nhưng Đỗ đã lỡ nói rồi, nếu anh đổi ý thì thằng bé sẽ cho rằng anh nói “phịa ”. Đỗ gật đầu:
- Ờ, để anh làm dùm cái sườn.
Thụy khoái chí:
- Thế nào đèn của em cũng lạ nhất xóm.

Hai anh em ra ngoài sân. Trước hiên gió thổi mát rượi. Đỗ chỉ cho Thụy nhìn lên vầng trăng nấp sau những nhánh lá của cây mận sum suê. Khuôn trăng chưa đầy nhưng vẫn mang một vẻ mộng mơ diễm ảo. Ánh sáng trong xanh tỏa lan khắp xóm nhỏ làm Đỗ nghe lòng lắng dịu lại. Đã trải qua bao nhiêu ngày căng thẳng vì chiến trận rồi. Đỗ tìm lại một khoảng bình yên ở không gian này, ở thời điểm nầy. Một quãng nhỏ của thời thơ ấu bỗng hiện ra trong trí nhớ. Ngày xưa đã có lúc Đỗ mơ mai sau trở thành nhà khoa học thám hiểm mặt trăng. Đỗ thường nhìn vầng trăng đầy bí ẩn đó mà nghĩ đến thật nhiều điều huyền diệu. Có lúc Đỗ lại mơ mình làm kiến trúc sư lên mặt trăng xây cất thật nhiều cung điện, tưởng tượng có một tiên nữ dịu dàng, một Hằng Nga nào đó ra vào nơi cung điện thướt tha. Nhưng từ lúc lớn khôn, Đỗ đã nhìn trăng bằng một con mắt khác. Và phải nói là từ lúc nếm mùi gian khổ, anh đã nhiều lần ao ước mảnh trăng xa xôi mà gần gũi đó, huyền bí mà cũng rất thân mật đó, sẽ chiếu rọi bình yên nơi những xóm thôn. Ở những nơi mà Đỗ đã đi qua, chưa bao giờ thấy được một đêm trăng thanh bình. Trăng đã trở thành một thứ xa xí phẩm, và ngắm trăng là một thói quen đã bị bỏ quên.

Bỗng Thụy đập khẽ vào tay Đỗ, nói:
- Anh Đỗ thấy gì không?
- Thấy gì?
Thụy chỉ tay lên trời:
- Trong mặt trăng đó, anh thấy gì không?
Đỗ nói theo thông lệ:
- Thấy rồi, con thỏ ngọc.
- Không phải.
- Chứ chi nữa?
- Chiếc tàu của anh. Mấy anh đang đổ bộ lên kìa!
Đỗ cười thành tiếng:
- Bé con thiệt có tài tưởng tượng chi lạ. Trên đó không có chiến tranh đâu.
- Vậy thì có hòa bình?
- Lại bắt chước radio, truyền hình nữa rồi. Cũng không có hòa bình nữa. Vì có người ở mô? Chỉ toàn là đất với đá.
Đỗ xoa đầu thằng Thụy, suy nghĩ. Thằng bé này giàu tưởng tượng lắm đây, mai sau sẽ trở thành nhà văn hay nhà khoa học? Năm nay Thụy đang học lớp Nhất. Nó sắp thi vào lớp Đệ Thất trường công. Nhà nghèo, nhưng cái nghèo vẫn không lấn át được trí thông minh và tài tháo vát của nó. Đối với Đỗ, đã từ lâu anh xem nó như đứa em ruột. Anh cũng đã là “thầy giáo” của nó một thời gian rồi. Nhà Thụy sát bên nhà anh, nó thường chạy qua chạy lại nói chuyện với bác Liêu. Vì thế cho nên giữa Đỗ và Thụy mặc nhiên đã có một tình cảm khá sâu đậm. Nếu sự già yếu của bác Liêu khiến Đỗ ưu tư thì sự ngây thơ hồn nhiên của Thụy giúp anh lấy lại niềm vui thanh thản cho mình. Đỗ nghĩ rằng như thế cũng quá đủ cho anh rồi.

Chừng như lúc này vầng trăng không đủ gợi cho Thụy một ý nghĩ gì thêm. Và chừng như đôi mắt nó đang trít lại. Thụy che miệng ngáp, nói:
- Em về nhà nhé anh Đỗ.
- Mới tám giờ mà buồn ngủ rồi hả?
- Em còn học bài một tí. Mai em qua. Anh Đỗ còn ở nhà được bao lâu?
- Còn dài dài mà bé. Rảnh cứ qua đây, anh chỉ cho làm lồng đèn tàu đổ bộ, hỉ!
Thụy “dạ” rồi chạy vụt về nhà. Đỗ nói vói theo:
- Nhớ nói anh Đỗ gởi lời thăm ba má hỉ !
Bóng của Thụy đã khuất trong đêm. Còn lại một mình Đỗ. Anh châm một điếu thuốc. Bỗng nhiên anh thấy nhớ thật nhớ bạn bè còn gian lao trên chiến trường. Trăng trên kia vẫn sáng mờ ảo. Đêm giống như một đêm thanh bình thật sự. Ở một nơi nào, vùng thôn quê ruộng đồng bát ngát hay vùng rừng núi hoang vu, các bạn của anh vẫn đang miệt mài chiến đấu. Cũng vầng trăng đó, nhưng không phải là trăng thanh bình. Cũng ánh sáng đó, nhưng không làm ngọn đèn cho lũ trẻ nhỏ đùa vui. Đỗ nghe ngậm ngùi khôn tả.

Có bóng ai thấp thoáng sau rào. Đỗ nhướng mắt nhìn ra. Một người con gái, dáng nhỏ nhắn thanh tao, đang ngừng bước trước nhà Đỗ. Người đó hình như chùn chân lại vì thấy trong nhà tắt đèn tối om. Đỗ lấy làm lạ. Ai lại đến nhà mình trong lúc này? Anh lên tiếng:
- Xin hỏi ai đó?
Người con gái tiến lại một bước, nói nhỏ:
- Dạ thưa…
Ồ, một giọng nói thật êm, quá êm- Đỗ nghĩ nhanh như vậy, rồi hỏi tiếp:
- Cô tìm ai?
- Dạ thưa…đây có phải là nhà của ông Đỗ không ạ?
Đỗ lại thêm một điều ngạc nhiên nữa. Nhưng anh chưa tự xưng tên mình, mà hỏi:
- Xin lỗi, cô tìm anh Đỗ có việc chi?
Bây giờ cô con gái bước đến ngay trước mặt Đỗ. Qua ánh vàng trong trẻo của trăng, Đỗ nhận ra cô gái có một gương mặt hiền lành dễ mến. Cô gái e dè hỏi:
- Dạ thưa, ông Đỗ có vẫn mở lớp dạy kèm Toán Lý Hóa không ạ?
Đỗ giật mình. Cô gái lại đưa ra một tờ báo hơi cũ, nói:
- Thưa ông, tôi đọc thấy lời rao trong tờ báo này. Tôi…đến hỏi mặc may, hy vọng lớp vẫn còn mở.
- Cô xin học?
- Dạ…. vâng.
Đỗ cầm tờ báo, giở ra mục “Rao vặt”. Đây rồi, Đỗ vẫn chưa quên góc báo đăng những dòng chữ: “Một nhóm sinh viên Khoa Học nhận dạy Toán Lý Hóa tại nhà riêng. Học phí rất nhẹ. Xin liên lạc Nguyễn Thi Đỗ, số nhà…….đường ….”.

Những dòng chữ đó bỗng nhiên tác dụng như một dòng suối, làm tâm tư Đỗ chợt rào rạt cảm xúc. Hơn một năm qua rồi, giấy báo đã cũ, nét chữ hơi mờ. Nhưng có một ngày bao nhiêu kỷ niệm đã được gợi lại trong anh. Những hình ảnh tưởng đã quên, bây giờ hiện trở lại rõ mồn một. Trong sân nhà này, hơn một năm trước, đã có lần Đỗ kê một chiếc bàn và dăm sáu chiếc ghế. Một nhóm sinh viên, gồm có Đỗ và hai người bạn của anh, đảm trách việc dạy kèm Toán Lý Hóa cho những học sinh nghèo hiếu học. Công việc kéo dài chưa đầy hai tháng đã phải dừng lại vì nhóm sinh viên cùng nhau đi lính. Nếu không, biết đâu chừng lớp học vẫn còn duy trì đến ngày nay và biết đâu đám học trò đã lên đến mấy mươi người. Đỗ có cảm giác như mình đang tiếc rẻ. Thời yên lành của một sinh viên đã qua. Người gợi lại hôm nay lại là một cô gái nhỏ, một cô bé có lẽ chưa qua hết quãng đời làm học sinh và hẳn cũng chưa ngờ tới những đổi thay.

Đỗ hỏi một câu không liên quan gì đến câu ban nãy:
- Xin lỗi cô, cô…nhà ở đâu?
- Dạ cháu ở khu phố này, nhưng ở đường bên cạnh.
- À rứa à ?
Cô bé nhận ra tiếng “rứa” của Đỗ, cùng lúc Đỗ nhận thấy tiếng “cháu” xưng vội vàng của cô bé. Cả hai không hẹn mà cùng mỉm cười. Đỗ nói:
- Sao cô lại xưng hô như vậy? Tôi chưa già mà. Xin trả lời cô câu hỏi ban nãy: tôi là Nguyễn Thi Đỗ đây.
Một vẻ ngạc nhiên hiện ra trên mặt cô bé. Và ngạc nhiên là phải, vì chẳng ai có thể nghĩ rằng “người sinh viên Đại học Khoa Học nhận dạy Tóan Lý Hóa tại nhà riêng” lại là một người lính đang đứng ở đây. Cánh tay treo ngang ngực của anh lại làm cô bé thắc mắc hơn nữa. Vài giây yên lặng trôi qua. Lần này cô bé lại đổi cách xưng hô nữa:
- Thưa Thầy, ở đây có còn mở lớp không ạ?
Đỗ mỉm cười lắc đầu:
- Không, dăm ba đứa học trò đã bay nhảy ở đâu rồi. Còn ông thầy thì hiện giờ đang đứng trước mặt cô đây. Một người lính, cô thấy chứ?
Đôi mắt kia long lanh rồi nhìn qua chỗ khác, lộ vẻ bối rối. Cô bé xoắn nhẹ bàn tay trên vạt áo ngắn. Đỗ nói:
- Tiếc quá ! Phải chi lớp còn mở, tôi có dịp được dạy cô. À, xin hỏi cô học lớp mấy nhỉ?
- Dạ thưa lớp Mười Hai.
- Cô ở xóm này?
- Dạ, nhưng ở đường bên cạnh.
Đỗ nhận ra rằng mình vừa mới hỏi một câu đã hỏi.
Có tiếng chân đi ra. Bác Liêu hắng giọng:
- Con nói chuyện với ai rứa Đỗ?
Không đợi nghe Đỗ trả lời, bác Liêu đến gần nhướng mắt nhìn cô bé. Và bác nói to:
- À, Minh, cháu của ông Phương đây mà. Con đi mô rứa Minh?
Minh ngạc nhiên:
- Nhà của bác ở đây hở bác? Vậy mà cháu không biết.
Bác Liêu quay sang nói với Đỗ:
- Cháu của ông Phương đó con. Hắn mới dọn đến ở trọ nhà cậu mợ hắn.
Và bác nói luôn với Minh:
- Răng mà bữa tê con đưa cho bác mấy viên thuốc uống cho hết nhức mỏi thiệt hay ghê đi. Chừ thấy đỡ thiệt nhiều.
- Dạ, hôm nào bác sang bên cậu cháu, cháu sẽ đưa thêm thuốc cho bác.
Minh đã có vẻ bạo dạn hơn, khi thấy có bác Liêu. Bác Liêu như quên mất rằng nãy giờ Minh đã nói chuyện với Đỗ, nên lại giới thiệu:
- Đây là Đỗ, con của bác, con chưa biết hắn phải không? Hắn mới đi hành quân, bị thương đó con. Cực khổ biết bao nhiêu! Khi tê hắn cũng có mở lớp, làm “giáo sư”nữa đó.
Bác Liêu nói một hơi làm cho Minh chỉ biết “dạ” nhịp. Đỗ đứng yên, mỉm cười một mình. Trong lòng anh bỗng thoáng nghe một chút thú vị. Cô bé này, đối với Đỗ còn rất lạ, nhưng đối với cha anh, hẳn cô đã được xem như một người hàng xóm khá quen. Chỉ có điều là cô bé không biết bác Liêu ở nhà này. Dù sao cũng phải cám ơn Minh. Sự hiện diện của Minh khiến Đỗ cảm thấy mình trẻ lại mấy tuổi. Đỗ tưởng như mình còn là anh sinh viên ngày nào. Kỷ niệm đôi khi cũng cần gợi lại. Mà được gợi lại bởi một người xa lạ mới thật là thú vị hơn nữa. Đỗ miên man suy nghĩ, mãi đến lúc cô bé lên tiếng nói với anh:
- Thưa “thầy” Minh về.
…thì Đỗ mới giật mình. Và Đỗ gật đầu như cái máy:
- À…cô Minh về nhé. Cũng sắp khuya rồi đó.
Minh chào bác Liêu rồi đi nhanh. Đỗ ngơ ngẩn nhìn theo. Những bước chân của cô bé êm quá. Đỗ nghe trong lòng anh một nỗi gì rất nhẹ nhàng lướt qua.

*

Đỗ ngồi xuống chiếc ghế dài kê sát tường. Cảm nghĩ đầu tiên của Đỗ là phòng thuốc của ông y tá Phương bài trí giống như một phòng trong bệnh viện quá. Và mùi ê-te cũng hăng hắc quyện khắp nơi. Thuở nhỏ, Đỗ sợ ngửi mùi thuốc, sợ thấy cây kim chích. Bây giờ lớn lên, “chạy trời không khỏi nắng”. Mà trái lại, Đỗ thấy thích mùi thuốc ấy, khung cảnh ấy. Đỗ không hiểu vì lẽ gì. Có thể có một lý do mơ hồ là ở nơi mà tất cả mọi vật dụng đều mang màu trắng sạch sẽ ấy, Đỗ đã bắt gặp những bàn tay êm dịu, những tấm lòng nhân ái. Từ lúc mang vết thương, Đỗ cảm thấy yêu mến những người làm nghề thuốc, từ những người y tá chiến trường đến người bác sĩ quân y , từ người y công thu dọn nhà thương đến người tài xế lái chiếc xe mang dấu hồng thập tự.

Đỗ nhìn xuống tay mình. Cánh tay này cũng đã nhận biết bao công lao của bằng hữu và người chữa trị. Mai mốt đây khi “vỏ xi-măng” vỡ ra, Đỗ lại được tung hoành, lại đi xa miệt mài. Đỗ quay sang nhìn thằng Thụy. Nó đang nóng lòng chờ coi vết thương của Đỗ. Hai anh em còn hẹn nhau đợi khi trăng lên cao sẽ đi rước đèn. Đỗ chìu ý nó, nên việc gì nó đề nghị anh cũng ừ. Đỗ biết, với bộ áo chiến rằn ri và cánh tay treo như thế này mà đi rước đèn chung với trẻ con thì chắc cũng ngộ nghĩnh lắm.

Đỗ tẩn mẩn gỡ mấy miếng băng keo dán chồng lên băng bột. Lớp “gạc” dầy theo đó cũng rơi ra. Đỗ nghe Thụy kêu lên sợ hãi:
- Eo ơi ! Ghê quá, anh Đỗ !
Thằng bé nhắm ngay mắt lại. Vết thương của Đỗ đang bày ra trước mắt Thụy, chẳng giống như vết thương ở đầu gối nó tí nào. Hồi nó bị té, cái té nặng nhất từ lúc sinh ra đến giờ, đầu gối nó bị tróc một mảng da khá lớn, máu chảy cũng nhiều. Nhưng còn vết thương nơi tay của anh Đỗ, không phải là tróc da, mà hình như còn có chiều sâu. Không phải chỉ có máu mà hình như còn có mủ nữa. Thế mà nhìn anh Đỗ, Thụy không thấy anh lộ vẻ đau đớn chút nào. Anh thản nhiên nhìn vết thương rồi nhìn Thụy, cười:
- Ghê hở Thụy? Xem nì, đây là vết mảnh đạn vô, đây là nơi mảnh chui ra.
Lại thêm một điều ghê gớm cho Thụy nữa. Mảnh đạn chui vào tạo nên một lỗ nhỏ, mà khi chui ra lại thành một lỗ lớn. Thật là quá sức tưởng tượng cho một thằng bé lớp năm, khi học đến bài cây cột thu lôi hay cái chuông điện nó đã ngỡ mình đang khám phá những hiểu biết vĩ đại.

Đỗ nhìn vết thương thật lâu. Đối với Đỗ thì khác hẳn với Thụy. Theo dõi da thịt mình từ ngày bị nạn đến nay, nên Đỗ biết rằng vết thương của anh sắp lành. Không có gì quan trọng cả, mọi việc rồi sẽ bình thường như xưa. Và Đỗ giật mình khi nghe một giọng nói quen quen cất lên:
- Thầy để Minh rửa vết thương cho.
Đỗ ngước lên. Cô bé đêm hôm nào đang đứng trước mặt anh. Nếu không nhờ giọng nói, chưa chắc Đỗ nhận ra được ngay. Vì đêm ấy cô bé xõa tóc dài đến ngang vai, mặc áo ngắn, còn ở đây cô vấn tóc gọn sau gáy và mặc áo blouse. Giống hệt những cô y tá mà Đỗ thường gặp ở bệnh viện. Đỗ hỏi:
- Cô Minh làm y tá?
- Dạ không, Minh chỉ làm giúp cậu Phương. Hôm nay đông khách quá, cậu Phương bận luôn tay. Để Minh làm cho thầy.
Và Minh nhẹ nhàng rửa vết thương, băng lại cho Đỗ, không thua một y tá lành nghề. Khi đã dán xong miếng băng keo cuối cùng, Minh cắt dây vải quàng qua cổ anh để treo tay lên. Đỗ hỏi:
- Cô Minh chắc đã quen làm việc này?
- Dạ…với những vết thương thì vết nào cũng vậy. Nhưng Minh chỉ gặp vết thương của những người bị té, bị xe đụng sơ sài, hoặc đánh nhau bị thương. Lần này là lần đầu tiên Minh làm cho một người lính.
- Tôi cũng lần đầu tiên được băng bó bởi một y tá “tài tử”.
Minh cười :
- Vâng, một y tá “tài tử”.
Câu chuyện chỉ đến đó, thì ông Phương đến gần bên, hỏi Đỗ:
- Sao? Cô cháu của tôi có làm anh đau?
- Thưa chú không ạ, mà trái lại, rất..nhẹ ạ.
Minh hơi mỉm cười, rồi quay đi thu dọn những mảnh gạc bẩn. Chờ cho Minh khuất sau vách nhà, Đỗ rút tiền ra đưa cho ông Phương:
- Chú tính cháu bao nhiêu, kể cả tiền thuốc của ba cháu?
Ông Phương xua tay, nói:
- Thôi, thôi ,anh Đỗ, tôi không lấy tiền đâu. Tiền của bác nhà, tôi đã tính với bác rồi. Còn anh thì thôi. Bà con lối xóm làm giúp nhau một chút mà. Lâu ngày anh mới về, tôi chưa có gì mừng anh mà tiền nong chi.
Đỗ áy náy:
- Nhưng….
- Anh đừng ngại. Con cháu của tôi giúp anh một chút, chẳng đáng chi đâu. Cứ qua tôi mà băng cho tiện, khỏi đến nhà thương.
Đỗ cười:
- Rứa thì cháu phải cám ơn cô Minh.
- Được mà. Được mà!
Người y tá mấy mươi năm trong nghề nói chuyện thật dễ dãi. Trước đây ông cũng phục vụ trong quân đội một thời gian rồi mới trở về làm bệnh viện tư và mở phòng chích thuốc trong xóm. Có lẽ vì thế cho nên ông cũng đã dành một sự ưu ái đối với những người thương binh. Vừa bơm thuốc vào ống chích, ông vừa nói:
- Thời chiến tranh, ai cũng phải nặng nợ lính tráng. Xóm mình nhập ngũ cũng khá nhiều đấy anh nhỉ! Riêng con đường nhà tôi đã có hơn mười người. À, kỳ này anh Đỗ đánh trận ở đâu vậy?
- Thưa chú, cháu đi Neak Luong đó chú.
- Neak Luong?
Người y tá nhắc lại bằng vẻ ngạc nhiên và nói tiếp:
- Kỳ này mình đi xa dữ vậy sao? Tôi tưởng anh đi Tây Ninh hay Châu Đốc thôi.
- Thưa chú từ nơi mình qua Căm Bốt cũng đâu có xa chi. Nơi cháu đi là một thị trấn ngang với Tây Ninh của mình đó chú.
Ông Phương chép miệng:
- Tôi mong sao cho chóng bình yên để các anh được trở về. Chiến tranh kéo dài lâu quá. Từ ngày tôi còn trẻ tuổi đã biết đến chiến tranh. Đến lứa tuổi của các anh đây vẫn phải tiếp tục. Lâu quá rồi còn gì!
- Dạ.
Thằng Thụy nói nhỏ bên tai Đỗ:
- Đi về rước đèn, anh.
Đỗ xin phép ông Phương để ra về. Hai anh em đi vòng sang ngõ nhà mình. Khoảng tám giờ đêm. Trăng chưa lên cao lắm, nhưng ánh sáng đã lan đầy ngõ xóm. Thụy chạy vào nhà lấy chiếc lồng đèn ra. Chiếc đèn do anh Đỗ làm khung và Thụy phết giấy. Đỗ thắp cho nó một ngọn đèn cầy. Chiếc lồng đèn có hình chiếc tàu nhỏ sáng rực lên. Thụy reo:
- Đẹp quá! Màu xanh lơ đẹp quá. Đèn của em đẹp nhất, anh Đỗ ơi!
Thụy lại chạy vào nhà gọi mấy đứa em nó. Mấy đứa bé con nối đuôi nhau rước chiếc đèn tàu chiến, trông như một tiểu đội tí hon. Đỗ vui lây với niềm vui trẻ nhỏ. Trong phút chốc quên mình là người lớn, Đỗ đi theo chúng rước đèn đến nhập bọn với bầy trẻ đàng kia.
- Sơn! Hải!
Thụy gọi tên hai đứa bạn rồi kéo “tiểu đội” của nó đến khoe. Thằng sơn trầm trồ:
- Đèn này ngộ quá, mua ở đâu vậy?
- Đố tụi bây đó.
- Mua ở…tiệm Đông Hưng Viên?
- Đoán mò trật lất. Anh Đỗ làm cho tao đó. “Le” không?
Thằng Hải xuýt xoa:
- Anh Đỗ làm đèn đẹp quá! Thằng Thụy sướng nghen. Tụi tao phải làm lấy nè. Tao làm chiếc máy bay nó ra con chuồn chuồn, còn nhóc Sơn muốn làm đèn con cá chép, nó ra…..
Sơn ngắt lời:
- Ra cái gì?
- …ra con cá nục.
Cả đám con nít cười rộ lên. Đỗ cũng cười:
- Vậy cũng đẹp rồi. Tại anh bị cái tay đau này, nếu không thì anh đã làm cho mỗi đứa một cái.
Thụy khoe:
- Anh Đỗ làm có một tay thôi. Tao phải giúp anh nữa đó.
- Thôi đi rước đèn nào!
Đám trẻ nhỏ rước đèn thành một hàng dài. Đủ kiểu đèn được mang ra. Từ đèn xếp đơn sơ, đèn giấy bóng kính có sơn màu mè mua ở tiệm đến những chiếc đèn tự làm lấy bằng giấy hoa, cả những lon sữa bò được biến chế thành đèn và đẩy đi dưới đất phát ra những tiếng leng keng thật vui. Trẻ con ở đây ít biết hát. Và chừng như cái cảnh vừa rước đèn vừa hát bài “Rước đèn tháng tám”chỉ có trên màn hình ti-vi. Còn ở xóm nghèo này, đám rước rộn ràng toàn những tiếng nói cười và đôi khi tiếng cãi vã nhau về đèn này xấu, đèn kia đẹp…Nhưng quá đủ để vui và đầy ắp tính chất “con nít”. Thỉnh thoảng lại có tiếng khóc vì một đứa bé nào đó bị đứa khác chen lấn làm tắt nến. Trong đám náo nhiệt đó, Đỗ thấy mình tham dự bằng tất cả niềm vui. Sự hồi tưởng mảnh đời thơ ấu nổi lên mãnh liệt nhất. Ở đây, Đỗ nhớ đến đêm trên bờ sông Hương rực sáng đèn. Đã hơn mười năm xa Huế rồi còn gì! Có ai đã lớn mà không bồi hồi nghĩ đến tuổi nhỏ của mình?
Nhưng tiếng la to của thằng Sơn làm Đỗ trở về thực tại:
- Đèn của thằng Thụy đẹp nhất.
Có tiếng phản đối:
- Đèn của tao đẹp hơn. Đèn của tao là con rồng mua ở tiệm lớn.
- Nhưng mà màu xấu ỉn. Đèn thằng Thụy làm lấy mà màu đẹp nhất.
Hải phụ họa:
- Ừa, không có tiệm nào làm được tàu đổ bộ.
Thụy hãnh diện:
- Ừa, của anh Đỗ tao làm mà!
Đám con nít đồng ý theo. Chúng nó nhao nhao:
- Anh Đỗ hay quá!
Lũ trẻ ở ngõ bên nhiều đứa không biết anh Đỗ là ai, cũng bắt chước reo:
- Anh Đỗ hay quá! Hoan hô anh Đỗ!
- Đèn tàu đổ bộ của thằng Thụy đẹp nhất!
Đỗ sung sướng cười với lũ trẻ. Bỗng có tiếng con gái nói sau lưng:
- Hoan hô anh Đỗ!
Minh hiện diện với chiếc áo hoa màu xanh, bên cạnh một đám trẻ ba đứa. Đỗ chào:
- A, có cả cô Minh nữa.
- Minh dẫn con của cậu Phương ra rước đèn. Thầy làm đèn hay quá!
Đỗ kêu lên:
- Cô Minh bỏ giùm tôi chữ “thầy”. Tôi có dạy cô một chữ, nửa chữ nào mô.
- Dạ…
- Mà ngày xưa tôi có dạy một nhóm học sinh, họ cũng gọi tôi là “anh” thôi. Tôi coi họ như những đứa em. Ở nhà, tôi vẫn còn để tấm bảng nhỏ trong góc, ghi “Lớp học huynh đệ ”. Tôi chưa nhận làm thầy ai cả.
Minh cúi đầu, cười tinh nghịch:
- Vâng, xin “huynh” bỏ lỗi cho.
Đỗ phì cười. Cô bé này cũng có chất “tếu” trong người đây, không hẳn là rụt rè lắm đâu. Ba đứa bé nhà ông Phương đã nhập bọn để rước đèn. Đỗ nói:
- Chỉ có cô Minh và tôi là không có đèn. Lạc lõng chưa?
Minh ngơ ngác, rồi cười nhẹ, rút trong túi áo ra hai cây đèn sáp nhỏ. Đỗ reo lên:
- A, không sao. Chúng mình cũng có đèn vậy.
Và anh mồi lửa. Hai người cầm hai cây đèn nhỏ, Minh bẻ hai nhánh cây ngắn để cắm lên. Lũ trẻ thấy thế cũng reo vui. Đỗ nói:
- Rứa là ta có quyền rước đèn với bọn nhỏ.

Đám rước đèn đi khắp hai con đường xóm nghèo. Bọn Thụy, Hải, Sơn đã lẫn ở đầu đoàn người. Chỉ có Đỗ và Minh đi sau chót. Một đám rước đèn ngộ nghĩnh nhất Sài Gòn.
Một lát yên lặng, rồi Đỗ hỏi:
- Xin lỗi, nhà cô Minh ở đâu?
- Dạ, Minh ở Thủ Đức, sau dọn về Hàng Xanh. Hồi tết Mậu Thân, ba mẹ của Minh….
Minh ngừng nói, nghẹn ngào. Đỗ hiểu. Thời gian Hàng Xanh bị tai biến là lúc Đỗ còn học lớp Đệ Nhất, tức là lớp Mười Hai. Có lẽ gia đình của Minh đã gặp chuyện không may trong dịp này.
- Xin lỗi cô Minh, tôi đã quá tò mò.
Minh gượng cười:
- Dạ không. Minh phải cám ơn anh. Ba năm rồi Minh ở nhà bà con xa, tình cờ mới đây Minh gặp lại cậu Phương. Cậu bảo Minh về ở nhà cậu mợ để đi học cho gần và kèm cặp giùm mấy đứa con của cậu. Minh đang học lớp Mười Hai. Nhưng Minh dốt Toán Lý Hóa lắm. Nhất là môn Vật Lý, sao mà khó quá đi. Mỗi lần làm bài tập, Minh bị ít điểm, Minh tức quá…
- Chắc cô Minh khóc hoài?
Minh cười thẹn:
- Dạ, có….. Minh tức….Minh học dốt….
- Không đâu, chính tôi hồi xưa cũng bị khó chịu vì môn Vật Lý lớp Đệ Nhất. Tại vì chúng ta quên không phân biệt con kiến bò lên với chiếc lá cây rơi xuống.
Câu ví von của Đỗ làm Minh bật cười.
Đỗ nói tiếp:
- Tôi còn ít nhất một tháng nữa mới ra mặt trận lại. Không chừng còn lâu hơn nữa. Nếu không ngại gì, cô Minh cứ ghé nhà, tôi nhớ được điều chi sẽ chỉ lại cho cô điều nớ.
- Dạ thôi, phiền anh.
- Không phiền chi cả. Chính tôi ở nhà buồn buồn chẳng biết làm chi. Tôi đang muốn có một ngày “Lớp học huynh đệ ” được mở lại.
- Nếu thế anh chỉ có một học trò.
- Cũng được nữa.
Minh lặng im. Đỗ nghe trong lòng có một chút hân hoan. Một cơn gió hơi mạnh thổi qua làm tắt ngọn nến của Minh. Đỗ nghiêng đèn của anh thắp lại đèn cho cô bé. Gương mặt của Minh bị khoảng tối làm mờ đi một lát rồi bỗng sáng trở lại, hiện rõ hai con mắt đen láy và long lanh. Hai ngọn lửa lao chao rồi đứng thẳng. Đỗ nhìn hai “chiếc đèn” độc đáo thắp trên hai nhánh cây sần sùi, cười nhẹ. Anh nhận ra rằng hai người đã đi xa đám rước đèn của bọn trẻ nhỏ. Không gian bình lặng như một khoảng của ngày thanh bình. Bỗng nhiên, Đỗ gọi khẽ:
- Thúy Minh!
Minh ngạc nhiên, nhưng rồi nhớ lại ban nãy mình mặc áo blouse có thêu nguyên tên. Minh ngước nhìn Đỗ, chợt thấy một tia mắt nhìn hiền hòa dưới vầng trán rộng. Một giây thôi. Rồi Minh ngượng ngập cúi xuống nhìn ngọn đèn. Hai má nóng bừng, Minh luống cuống không biết phải làm gì. Đỗ cũng không biết phải nói gì.

Hai ngọn đèn vẫn sáng ở bên nhau.
Người khắc bia mộ
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6 (chương kết)