Chương 4
Tác giả: Charles Dickens
Sáng hôm sau, lúc xuống dưới nhà, tôi thấy bà cô tôi ngồi đăm chiêu bên bàn điểm tâm, đến nỗi nước trong ấm trà tràn đầy và sắp trào ra khăn trải bàn, tôi bước vào làm bà cô tôi ra khỏi cơn suy nghĩ miên man.
- Bà viết thư cho hắn. - Bà cô tôi nói.
- Cho...?
- Cho bố dượng cháu. Bà đã gửi cho ông ta một bức thư mà ông ta buộc phải quan tâm.
- ông ta có biết cháu ở đâu không, thưa bà ?
Tôi hoảng hốt hỏi.
- Bà đã cho ông ta biết. - Bà cô tôi nói.
- Thế thì bà... bà lại giao cháu vào tay ông ta ư ? - Tôi ấp úng hỏi.
- Bà không biết, - bà cô tôi đáp, - cứ để xem sao.
- ôi ! Cháu sẽ ra sao nếu cháu phải quay về nhà ông Murdstone? - Tôi kêu lên.
- Làm sao mà biết được, - bà cô tôi lắc đầu nói. - Bà không thể nói trước được. Cứ để xem sao.
Trong ngày hôm đó vào một lúc khác bà hỏi tôi nghĩ gì về ông Dick.
Tôi tránh đi bằng cách trả lời rằng tôi thấy ông ấy đáng mến; nhưng bà cô tôi không bao giờ để mình bị lạc hướng. Bà đặt đồ khâu lên đầu gối, chắp hai tay lại nói với tôi :
- Người ta cứ cho rằng ông ấy điên. Và chính những người rất biết phải trái lại bạo gan nói là ông ấy điên. ông Dick có họ xa với bà, bà không cần giải thích dài dòng với cháu. Nếu bà không có ở đó thì người anh ruột của ông ấy đã nhốt ông lại suốt đời, với lý do rằng ông ta khùng khùng.
Nhưng bà can thiệp và đề nghị với người anh ông ấy : "Em ông còn biết phải trái hơn ông. Hãy trợ cấp cho ông ấy một khoản tiền nhỏ và để ông ấy về ở với tôi. Tôi không sợ ông ấy, tôi sẵn sàng trông nom săn sóc ông ấy và tôi sẽ không ngược đãi như người ta đối xử ở các nhà thương điên".
Sau một loạt những trở ngại, cuối cùng bà thắng lợi và từ đó, ông ở đây. Đó là con người hòa nhã nhất và dịu dàng nhất đời, còn về những lời khuyên... Nhưng chẳng có ai hiểu trí tuệ của con người này, ngoài cô ra..Lòng hào hiệp của bà cô tôi khi bênh vực ông Dick tội nghiệp đã nhen lên trong lòng tôi một niềm hy vọng thầm kín về số phận của bản thân mình.
Một hôm có thư trả lời báo tin ông Murdstone sẽ tới vào hôm sau.
Ông ta đến vào buổi chiều cùng với bà chị ông ta. Họ được mời vào phòng khách và bà cô tôi cho mời ông Dick.
Bà cô tôi gay gắt tránh ông Murdstone đã ít quan tâm đến việc giáo dục tôi. Bà lên án ông ta đã bắt tôi làm việc trong những điều kiện tồi tệ.
- Vợ ông, thưa ngài, - bà cô tôi còn nói, - là một đứa trẻ bất hạnh, không am hiểu sự đời. ông có nói gì thêm nữa không ?
- Chị tôi và tôi đã cố sức dạy dỗ đứa trẻ mất dạy này. Tôi sẵn sàng nhận lại David không điều kiện, để làm cho nó những gì mà tôi cho là tốt.
Tôi không đến đây để hứa suông, cũng không cam kết với bất cứ người nào. Nếu bà cưng chiều nó lần này thì sẽ không có cách nào cứu vãn. Đây là lần đầu tiên và là lần cuối cùng tôi sẵn sàng mang nó về, liệu nó có sẵn sàng theo tôi hay không ?
Nếu nó không chịu theo, nếu bà nói là nó không chịu theo, dù với bất kỳ lý do nào, tôi sẽ vĩnh viễn không bao giờ nhận nó nữa và tôi coi như bà đón nhận nó.
Bà cô tôi hết sức chú ý nghe bài diễn văn ấy, trong khi chưa bao giờ bà ngồi thẳng người lên như thế, tay bắt chéo trên đầu gối, và mắt trừng trừng nhìn ông Murdstone.
- Còn đứa trẻ, nó sẽ nói gì đây ? - Cô tôi lại nói. - David, cháu có sẵn sàng ra đi không ?
Tôi trả lời là không và tôi van xin bà đừng để tôi bị dẫn đi. Tôi nói rằng ông ta và cô Murdstone chưa bao giờ yêu mến tôi và họ đã làm cho mẹ tôi khốn khổ.
- Thưa ông Dick, - cô tôi nói, - Tôi phải làm gì với cháu bé này ?
Ông Dick ngẫm nghĩ, ngập ngừng, rồi hớn hở đáp :
- Cho cháu đi may đo ngay một bộ com lê.
- Thưa ông Dick, - cô tôi nói, - xin bắt tay ông, ông có một tấm lòng vô giá.
Rồi quay về phía ông Murdstone, bà nói:
- ông có thể về được rồi, thưa ông, tôi giữ lại cháu bé này.
Ông Murdstone và chị ông ta cáu kỉnh ra về.
Khi họ đi khỏi, nét mặt cô tôi dịu đi một chút, tôi đánh bạo cảm ơn bà và ôm hôn bà. Liền sau.đó tôi chìa tay cho ông Dick, ông cười lớn rồi lặp lại nhiều lần cái nghi lễ đó.
- ông Dick ạ, ông cứ coi như ông có nửa phần và tôi nửa phần, làm người đỡ đầu cho đứa trẻ này.
- Cô tôi nói.
- Tôi rất mừng, - ông Dick đáp, - được là người đỡ đầu con trai của David.
Từ đó trở đi, tên tôi được gọi là Trotwood Copperfield.
Ông Dick và tôi, chẳng bao lâu chúng tôi trở thành những người bạn tốt của nhau và chúng tôi hay cùng nhau ra ngoài thả một con diều lớn do ông làm. Những tiến bộ tôi giành được trong tình bạn và mối thân tình với ông Dick không ảnh hưởng chút nào đến những tiến bộ tôi giành được trong tình cảm nơi bà bạn trung thành của ông, bà cô tôi. Bà khá yêu thương tôi sau vài tuần lễ, cho nên đã gọi tắt tên tôi từ Trotwood thành Trot. Bà hầu như tha thứ cho tôi việc tôi không phải là con gái.
- Cháu có thích đi trọ học ở Canterbury không ? - Một buổi tối bà hỏi tôi.
Tôi trả lời rằng tôi thích, càng thích hơn nữa vì Canterbury ở gần nhà bà.
- Tốt, ngày mai chúng ta sẽ đi Canterbury. -Với bản tính mau lẹ vốn có của bà, bà quyết định ngay.
Sáng hôm sau cô tôi tự đánh chiếc xe do con ngựa xám kéo. Chúng tôi đến một ngôi nhà cổ, nhô ra trên đường phố.
Xe dừng ngoài cổng, đang ngắm ngôi nhà, tôi chợt thấy một khuôn mặt như của xác chết ló ra ở khuôn cửa sổ bé tẹo của chiếc tháp nhỏ rồi biến mất. Vừa lúc cánh cửa vòm cung mở ra, tôi lại thấy khuôn mặt ấy. Nó vẫn tái nhợt như lúc ở cửa sổ, mặc dầu nước da có khởi sắc đôi chút do những chấm tàn nhang. Anh chàng tóc hoe này, quãng mười lăm tuổi. Cặp mắt hắn màu đỏ quạch trụi hết lông mày, lông mi khiến tôi tự nhủ mắt trần trụi như thế thì ngủ làm sao được. Hắn có đôi vai so, người xương xẩu, góc cạnh, cách phục sức chỉnh tề, vận đồ đen ló ra đoạn cà vạt trắng.
- ông Wickfield có nhà không, Uriah Heep ?
- Cô tôi nói.
- ông Wickfield có nhà, nếu như bà chịu khó vào. Vừa nói hắn vừa đưa bàn tay gầy guộc chỉ căn phòng.
Tôi được biết ông Wickfield quản lý công việc kinh doanh của cô tôi.
- Kìa, cô Trotwood! - ông Wickfield nói, -ngọn gió nào đưa cô đến đây?.- Tôi đến về chuyện đứa cháu tôi.
- Tôi không biết cô có cậu cháu trai nào đấy.
- ông Wickfield nói.
- Tôi sẽ giải thích với ông. Tôi đang tìm một ký túc xá cho cháu theo học. ông có biết chỗ nào phù hợp không ? - Cô tôi hỏi.
Ông Wickfield cho biết có một nơi hơn hẳn những nơi khác, nhưng tôi phải ở ngoại trú thì họ mới nhận. ông Wickfield đề nghị tôi ở lại nhà ông.
Cô tôi vui lòng chấp nhận với điều kiện ông Wickfield nhận khoản tiền trọ của tôi.
- Bây giờ chúng ta đã thỏa thuận xong, - ông Wickfield nói, - mời cô vào chơi với cô bé nội trợ của tôi.
Leo lên thang gác, chúng tôi vào một phòng khách cũ kỹ hơi tối. Một cô gái xấp xỉ tuổi tôi xuất hiện và ôm hôn ông Wickfield. Cô có vẻ vui tươi và hạnh phúc, mặc dầu vậy nét mặt và cung cách của cô vẫn mang một vẻ thanh thản của tâm hồn bình lặng mà không bao giờ tôi quên được.
- Đây là, - ông Wickfield nói với chúng tôi, - cô bé nội trợ của tôi, con gái Agnès của tôi.
Nghe giọng ông nói những lời ấy, nhìn thấy cái cách ông nắm bàn tay cô, tôi hiểu rằng cô là mục đích duy nhất của đời ông.
- Trot, - cô tôi nói với tôi lúc chia tay, -cháu hãy xứng đáng với bản thân, xứng đáng với bà và với ông Dick, cầu chúa ban phúc lành cho cháu.
Tôi rất xúc động.
- Đừng làm điều gì thấp hèn, đừng bao giờ dối trá, và không bao giờ độc ác. Hãy tránh ba thói xấu ấy, Trot, - Cô tôi nói tiếp, - và lúc nào bà cũng đặt những hy vọng tốt đẹp vào cháu.
Tôi chân thành hứa không bao giờ phụ lòng tốt của bà và không bao giờ quên những lời dặn của bà.
Sáng hôm sau, ăn sáng xong, cuộc đời trọ học lại mở ra trước mặt tôi. ông Wickfield dẫn tôi đến địa điểm xin nhập học: đó là một tòa nhà trang trọng, chạy dài theo một cái sân rộng, toát lên không khí học hành, hài hòa với đám quạ đen quạ khoang sà từ tháp nhà thờ xuống để dạo những bước đi đĩnh đạc trên bãi cỏ.
Người ta đưa tôi ra mắt thầy học của tôi, tiến sĩ Strong. Tôi thấy ông cũng cũ kỹ như tấm rào sắt lớn ở nhà ông và cũng gần đồ sộ bằng những chiếc bình đá lớn đặt trên các cột hành lang. Quần áo đầu tóc ông được chải sơ sài, qua quít. ông nói rất hài lòng được gặp tôi.
Bên cạnh tiến sĩ Strong có một thiếu phụ rất xinh đẹp làm việc. Chị tên là Annie, tôi đồ chừng đó là con gái ông. Nhưng không ! Đó là vợ ông. Phòng học rộng rãi, trong một góc yên tĩnh của ngôi nhà. Có khoảng gần hai mươi lăm học trò đang học tập lúc chúng tôi tới. Tất cả đứng lên chào ông tiến sĩ và cứ đứng im như thế trước sự có mặt của ông Wickfield và tôi.
- Giới thiệu với các em, - tiến sĩ nói, - đây là một học trò mới : Trotwood Copperfield.
Anh Adams làm lớp trưởng, rời chỗ đến chúc mừng tôi mới tới. Điều đó làm cho tôi phấn khởi.
Nhưng tôi nhận thấy ngay tôi đi học chậm và tôi được xếp vào lớp dưới cùng của ký túc xá.
Buổi tối, tôi vui thích được trở lại nhà ông Wickfield. Một tối, Agnès chờ cha cô trong phòng khách.
- Chưa bao giờ cô ở ký túc xá có phải không ?
- Tôi hỏi cô.
- Hoàn toàn ngược lại, - cô đáp, - ngày nào em chẳng tới đó.
- ồ ! Đấy là cô muốn nói ở đây, tại nhà cô ?
- Bố, không thể không có em, - cô mỉm cười nói. - ông cần phải giữ em ở nhà.
- Hẳn là bố yêu cô lắm.
- Đúng vậy ! Mẹ chết từ lúc đẻ em ra. - Cô nói tiếp với vẻ dịu dàng và bình lặng.
Buổi tối rất dễ chịu. Lúc đi ngủ tôi để ý thấy có ánh đèn trong căn phòng nhỏ hình tròn. Đó là Uriah Heep đang chăm chú đọc một cuốn sách lớn.
Tôi cảm thấy bị Uriah Heep lôi cuốn, tôi như bị anh mê hoặc.
- Tối nay anh làm việc khuya thế Uriah. - Tôi nói với anh ta.
- Vâng, thưa anh Copperfield.
Anh cho tôi biết không phải anh làm việc cho văn phòng của ông Wickfield, mà là anh học luật.
- Hẳn anh là một nhà luật học lớn ? - Tôi nói sau khi im lặng quan sát anh ta một lát.
- ồ không ! Hoàn cảnh của tôi rất tầm thường.
Mẹ tôi và tôi sinh sống tại một ngôi nhà khiêm nhường. Cha tôi vốn là phu đào huyệt, bây giờ ông mất rồi.
Tôi hỏi Uriah Heep ở đây bao lâu rồi.
- Thấm thoắt đã bốn năm, anh Copperfield ạ, - vừa nói anh vừa gấp sách sau khi đã cẩn thận đánh dấu trang đang đọc. - Nhờ có lòng tốt của ông Wickfield. Tôi được đến đây sau khi bố tôi mất một năm. Tôi mang ơn ông Wickfield biết chừng nào, vì riêng khoản học phí cũng đã vượt quá số thu nhập ít ỏi của mẹ tôi và của tôi rồi.
- Biết đâu chẳng có ngày anh sẽ trở thành người cộng tác với ông Wickfield cũng nên, - Tôi nói cho anh ta vui lòng..Uriah phản đối nói rằng chính tôi sẽ có ngày trở thành người cộng sự của ông Wickfield.
Sau vài phút, anh đứng dậy và mời tôi hôm nào đến chỗ ở xoàng xĩnh của anh uống trà. Tôi vui vẻ nhận lời.
ở ký túc tôi bắt đầu giải quyết công việc tốt hơn. Sau nửa tháng tôi hoàn toàn làm quen với các bạn mới và rất sung sướng sống giữa bạn bè.
Ký túc xá của tiến sĩ Strong thật tuyệt vời,so với chỗ ông Creakle thì khác xa một trời một vực.
Chúng tôi dốc toàn tâm toàn ý vào việc học để làm sáng danh cho tiến sĩ. Về phần ông, công việc biên soạn bộ từ điển các từ nguyên tiếng Hy Lạp đã thu hút ông.
Tôi hay gặp bà Strong, bà tỏ ra có thiện cảm với tôi và bà luôn quan tâm đến tôi với tấm lòng nhân hậu. Bà cũng rất quý Agnès và đến thăm cô ấy luôn.
Tôi trao đổi thư từ thường xuyên với chị Peg-gotty.
Tôi bày tỏ với chị nỗi sung sướng về cuộc sống mới của tôi và những ân đức của bà cô tôi.
Chị Peggotty hãy còn sợ bà cô tôi và khó tin được thái độ thay đổi của bà đối với tôi. Có lẽ chị cho rằng, chẳng bao lâu nữa tôi lại bỏ trốn vì chị vẫn cho tôi tiền lệ phí cần thiết để tìm gặp lại chị ở Yarmouth.
Chị cho tôi biết một sự kiện làm tôi rất xúc động. Người ta đã bán đồ đạc tại ngôi nhà xưa của chúng tôi. ông và cô Murdstone đã bỏ đi. Tôi nghĩ tới ngôi nhà tội nghiệp bị bỏ hoang mà lòng nặng trĩu buồn phiền. ông Peggotty khỏe mạnh, Cham cũng khỏe. Bà Gummidge chỉ tàm tạm khỏe, còn Emilie không muốn trực tiếp gửi cho tôi lời thân ái, nhưng cô bé đã nhờ chị Peggotty vui lòng chuyển giúp cô những tình cảm ấy.
Hồi mới tới Canterbury, nhiều lần bà cô tôi đến thăm tôi và bao giờ bà cũng nhằm vào những thời điểm tôi không ngờ tới. Tôi đoán là bà xem có bắt được tôi sai phạm gì không. Nhưng vì lúc nào bà cũng thấy tôi bận học và chỉ thấy mọi người nói tốt về tôi, nên chẳng bao lâu bà từ bỏ những cuộc đến thăm bất chợt đó. Hàng tháng cứ ngày thứ bảy là tôi về Douvres thăm bà và ở lại đó ngày chủ nhật. Cứ nửa tháng ông Dick đến thăm tôi vào trưa ngày thứ tư và chỉ quay về vào sáng hôm sau.
Những ngày thứ tư ấy là những ngày hạnh phúc nhất đời của ông Dick và cuộc đời tôi cũng hạnh phúc không kém. ông làm quen với tất cả các bạn tôi. Mọi người yêu quý ông và không ai bì kịp sự khéo tay của ông trong những trò vặt vãnh. ông biết cắt quả cam một trăm cách khác nhau; ông làm ra những con tàu từ những vật liệu kỳ quặc nhất; ông biết chế quân cờ từ những chiếc xương sườn.làm bánh xe với những lõi quấn chỉ, và lồng chim bằng những mẩu dây thép cũ.
Tiến sĩ Strong bắt đầu làm quen với ông Dick và thường đi dạo hoặc đọc cho ông Dick nghe những đoạn trong cuốn từ điển nổi tiếng, và bà Strong đón tiếp ông Dick với lòng nhân hậu vốn có của bà. Agnès đã trở thành một trong số những cô bạn gái quý mến của ông và vì ông đến nhà cô luôn nên rốt cuộc cũng quen Uriah.
Một buổi sáng thứ năm, lúc tôi tiễn ông Dick từ khách sạn ông trọ đến bến xe, tôi gặp Uriah Heep đi ngoài phố. Hắn nhắc lại lời tôi hứa đến nhà mẹ hắn uống trà. Tôi bảo hắn là tôi sẽ nói với ông Wickfield.
Được ông Wickfield cho phép, ngay tối hôm đó tôi theo Uriah Heep về "tệ xá" của hắn.
Người con trai và bà mẹ thi nhau khen ngợi tôi đến mức tôi đỏ mặt và cảm thấy xấu hổ. Nếu tôi ít ngây thơ và ít khờ khạo hơn thì tôi đã biết ngay rằng tất cả những sự nhún nhường và những lời khen đó chẳng qua cũng chỉ để moi ở tôi mọi điều họ muốn biết. Vậy là tôi nói rất nhiều về tôi, về ông Wickfield và về Agnès.
Tôi bắt đầu cảm thấy không thoải mái và muốn ra về thì một người đi ngoài đường, ngay trước cửa đang để ngỏ cho thoáng khí căn phòng tầng trệt.
Người ấy quay trở lại, sững nhìn, bước vào và kêu lên :
- Có phải cậu Copperfield đấy không ?
Đó là ông Micawber với kính cặp mũi, cái cổ cồn áo sơ mi, vẻ lịch sự và giọng nói ân cần của ông ta !
- Cậu Copperfield thân mến, - ông Micawber nói trong khi bắt tay tôi.
- Quả là kỳ ngộ ! Tôi đi dạo ngoài phố, đang nghĩ đến khả năng gặp vận may thì gặp ngay được cậu, người bạn trẻ rất thân mến của tôi. Copperfield, cậu có khỏe không ?
Tôi thẳng thắn thú nhận rằng, tuy tôi vui mừng gặp lại ông Micawber, song tôi muốn ông thấy tôi đang ở bên những người khác. Tuy vậy tôi sẵn sàng bắt tay và giới thiệu ông với Uriah Heep theo yêu cầu của ông.
Ông Micawber dẫn tôi ra quán, ở đó tôi gặp lại bà Micawber. Lúc chồng bà xuống tiệm cà phê đọc báo, bà cho tôi biết ông không được họ hàng gia đình bên bà ở Plymouth tiếp đón niềm nở.
Ông cũng không thành công trong việc buôn than mặc dù cũng có nhiều khả năng. Vì vậy lúc nào ông Micawber cũng đi tìm kiếm vận may.
Sau đó vài ngày, ngó qua cửa sổ, tôi hơi sửng sốt và lo ngại thấy ông Micawber và Uriah Heep khoác tay nhau đi ngang qua. Nhưng tôi còn ngạc.nhiên hơn khi tới khách sạn nhỏ nơi gia đình Mi-cawber mời tôi ăn tối thì được biết rằng ông Mi-cawber đã tới uống rượu mạnh pha chanh tại nhà Uriah.
Ông Micawber cực kỳ vui vẻ. Tôi hiếm khi thấy ông ta trong tâm trạng hồ hởi như thế. ông uống nhiều punch đến độ mặt ông đỏ bừng bừng.
Giọng tươi vui tình cảm ông đề nghị uống chúc cho sức khỏe của thành phố Canterbury, ông tuyên bố rằng ở đây cả hai ông bà cảm thấy rất sung sướng và ông sẽ không bao giờ quên những giờ phút thoải mái đã sống tại đây.
Niềm vui của ông Micawber cứ tăng lên mãi cho đến phút cuối cùng của cuộc viếng thăm của tôi. Do vậy tôi thật không ngờ lại nhận được một lá thư tuyệt vọng của ông vào bảy giờ sáng hôm sau, thư đề lúc chín giờ rưỡi tối hôm trước, sau lúc chúng tôi chia tay mười lăm phút. ông Micawber không có tiền trả khách sạn và phải làm giấy khất nợ. ông Micawber viết : "Khi nào họ chìa giấy khất nợ ra, nó cũng sẽ không được thanh toán. Tôi đã sạt nghiệp đến kiệt cùng". Và ông ký tên : "Một kẻ bất hạnh bị bỏ rơi".
Tôi rất bối rối vì nội dung bức thư đau lòng ấy và tôi chạy ngay đến khách sạn để an ủi và khuyên giải ông Micawber. Nhưng đi được nửa đường, tôi gặp chiếc xe ngựa chở khách từ Luân Đôn. Cả ông và bà Micawber ngồi trên xe. Nom ông Micawber có vẻ hoàn toàn bình thản, hạnh phúc và đang mỉm cười nghe bà vợ nói. Họ không thấy tôi và tôi cho rằng đừng để họ nhìn thấy tôi thì hơn. Như trút được gánh nặng, tôi rẽ vào một phố nhỏ dẫn thẳng về ký túc xá và suy cho cùng, tôi cảm thấy khá hài lòng về việc họ ra đi, tuy nhiên điều này không ngăn trở tôi lúc nào cũng giành tình cảm thân ái đối với họ.