Tập 1
Tác giả: Châu Liên
Trong đám đông nhốn nháo đang chờ chuyến bay hạ cánh , Hạ Quỳnh cố chen lên phía trước .
Trông cô thật lạc lõng và lơ ngơ đến tội nghiệp .
Sáng nay , theo lệnh của bà giám đốc khả kính , cô ... nhận sứ mạng đi đến sân bay để đón Đăn Nguyễn , cháu của bà .
Trước khi lao vào phòng họp , bà giámd đốc chỉ cung cấp cho cô một cái tên không kèm theo lời giải thích . Cũng không có cả một tấm ảnh để Hạ Quỳnh ... nhận dạng , thành thử cô không biết tên đàn ông cô đi đón như thế nào . Công việc của cô là tìm người đàn ông có tên là Đăng Nguyễn , trao tặng anh ta một bó hồng , sau đó đưa về dinh thự của bà giám đốc .
Ngắm lại bó hoa trên tay , Hạ Quỳnh khe khẽ lắc đầu . Nó không được tươi lắm vì ít ra cô cũng đã đợi Đăng Nguyễn hơn hai tiếng đồng hồ . Chuyến bay đến trễ so với dự kiến do thời tiết xấu . Cô không biết đến khi nhận hoa tặng , anh chàng Đăng Nguyễn ấy có phật ý hay không nữa .
Chờ mãi , khuông mặt căng thẳng của Hạ Quỳnh chợt nhẹ nhõm khi nghe thông báo trên loa phóng thanh . Cuối cùng , chuyến bay mà cô đang nóng lòng mong đợi cũng hạ cánh ...
Đám đông nhốn nháo hẳn.
Ai cũng mong đón được người thân nên ào lên phía trước .
Một bà béo nãy giờ đứng sau lưng Hạ Quỳnh chợt đẩy mạnh vai cô để vượt lên , nhưng Hạ Quỳnh đã ... cố gồng lại để giữ vị trí thuận lợi nhất . Đưa cao chiếc bảng có ghi hai chữ " Đăng Nguyễn " , cô nhìn chằm chằm từng người đàn ông bước qua khung cửa phòng cách ly .
Có khoảng chục abg chàng đã đi qua chỗ cô nhưng không buồn ngoảnh đầu nhìn lại khiến Hạ Quỳnh hơi hoảng .
Trời ạ ! Đăng Nguyễn là tên đàn ông nào đây ? Cao hay thấp ? Mập hay gầy ? Cô quên hỏi bà giám đốc , thành thử giờ đây cứ ngẩn người ra mà nhìn thiên hạ không biết phải xử trí như thế nào .
Một anh chàng thanh niên thấp đậm người và gương mặt đầy mụn xăm xăm tiến về phía Hạ Quỳnh khiến cô mừng rỡ . Cô vội nói :
− Anh là ...
Anh chàng vội hỏi :
− Cho tôi hỏi mấy giờ rồi ?
Câu hỏi của anh ta làm Hạ Quỳnh cụt hứng . Coi bộ đó không phải là người cô đang mong đợi . Giọng cô khô khốc :
− Mười giờ hai mươi phút .
Anh chàng cộc lốc :
− Cảm ơn .
Cô hỏi với theo :
− Anh tên gì thế ?
Anh chàng nhìn vào mặt cô một cái , giọng hơi khó chịu :
− Tôi tên Mẫn . Mà có gì không ?
Hạ Quỳnh cười cầu tài :
− Vậy mà tôi tưởng anh là ... người khác cơ
− Người khác nào ?
− Tôi cứ nghĩ anh không phải là Mẫn . Bộ anh tên là ... Mẫn thật hả ?
− Trời đất !
Kêu lên một tiếng , anh càng mập mất hút trong đám đông .
Hạ Quỳnh lắc đầu cười . Anh chàng mấp ấy không giận cô mới là chuyện lạ . Khi không cô lại phủ định anh ta , cho rằng anh ta không phải là ... chính mình .
Lượng hành khách đi ra cổng mỗi lúc mỗi nhiều nhưng vẫn chưa có ai đến với cô cả , mặc dù cô đã chen lên đứng ở phía trên cùng với hai chữ " Đăng Nguyễn " được nắn nót bằng chữ in mực đỏ thật là ấn tượng .
Ngán ngẩm nhìn mọi người , Hạ Quỳnh tự hỏi cô sẽ ăn nói sao đây với bà giám đốc khi trở về nhà một mình . Chỉ mới nghĩ đến khuôn mặt giận dữ của bà , cô đã cảm thấy nản kinh khủng .
Chặn vội một anh chàng to béo với mớ hành lý cồng kềnh trên chiếc xe đẩy , Hạ Quỳnh vội hỏi :
− Xin lỗi , anh có phải là Đăng Nguyễn không ?
Chụp nhanh túi hành lý đang rơi khỏi xe vì sự vụng về của Hạ Quỳnh , anh chàng cằn nhằn :
− Sao lại đứng cản đường thế ? Cô không thấy tôi đang đẩy xe sao ? Suýt nữa là đổ nhào hết hành lý .
Hạ Quỳnh rối rít :
− Tôi xin lỗi , Nhưng vì tôi cần hỏi anh một câu .
Anh chàng nhướng mày :
− Chuyện gì thế ?
Hạ Quỳnh kiên nhẫn lặp lại câu hỏi mà suốt buổi sáng nay cô đã hỏi không biết bao nhiêu lần :
− Anh có phải là Đăng Nguyễn không ?
− Đăng Nguyễn à ?
Chăm chú nhìn anh , Hạ Quỳnh bỗng reo lên với vẻ mặt rạng rỡ :
− Thôi đúng rồi , anh chính là Đăng Nguyễn ! Lẽ ra , tôi phải nhận ra anh từ sớm mới phải .
− Cô nói cái gì ?
Hạ Quỳnh tuôn một hơi :
− Anh có biết vì sao tôi biết người tôi đang tìm chính là anh không ? Tôi đoán anh là Đăng Nguyễn vì thấy anh cũng giống giống ... nội anh , giám đốc của tôi . Bà giám đốc của tôi cũng có chiếc mũi cao như mũi của anh , đặc biệt hai bà cháu của anh lại còn giống nhau ở vầng trán và đôi mắt , chỉ có khác biệt lớn ở khuôn mặt . Nhưng không sao , khuôn mặt hai người hơi khác nhau là vì bà giám đốc của tôi thì gầy gầy mà anh lại ... béo .
Khuôn mặt béo phị của anh chàng chảy dài :
− Đăng Nguyễn nào ? Bà nội nào ?
Hạ Quỳnh dẩu môi :
− Bà nội anh mà anh không nhớ sao ? Bà ấy chính là giám đốc của tôi đó , anh Nguyễn ạ .
Anh chàng quát khẽ :
− Nguyễn nào . Tôi không phải là Nguyễn .
Hạ Quỳnh chu môi :
− Có phải anh muốn thử tôi không , Đăng Nguyễn ? Anh có biết là tôi phải đợi đến mấy tiếng đồng hồ mới gặp được anh đó .
Anh chàng bắt đầu nổi cáu :
− Thử cái gì . Đăng Nguyễn là ai tôi không biết !
Cô mở to mắt :
− Có thật không ?
− Trời ạ ! Tôi phải nói như thế nào để cô hiểu là tôi không liên quan gì đến " ông " Đăng Nguyễn nào đó của cô cả .
Hạ Quỳnh tỏ vẻ thất vọng :
− Bộ anh không phải là Đăng Nguyễn sao ? Rõ ràng tôi thấy anh ... giống giống nội của anh mà .
Nhìn sững cô với vẻ lạ lùng , anh chàng béo phụ kêu lên :
− Cô này kỳ ghê ! Thật tình tôi chưa thấy ai như cô . Cô có bị man man không đó . Đẹp như cô mà man man kể ra cũng uổng .
Hạ Quỳnh cười bối rối :
− Xin lỗi vì đã quấy rầy anh . Nhưng tôi không bị ... man man như anh nói đâu . Nếu anh lâm vào tình trạng khó xử như tôi , biết đâu anh lại còn man man hơn tôi nữa .
Để mặc anh chàng to béo trợn mắt theo , Hạ Quỳnh lại phóng đến bên dòng người đang lũ lượt đẩy hành lý ra . Cô căng mắt quan sát từng người một . Ai là Đăng Nguyễn nhỉ ? Chịu thôi . Đã có đến cả trăm tên đàn ông đi qua chổ cô đứng , thản nhiên nhìn chiếc bảng tên trên tay cô và không chịu ... dừng lại .
Cuối cùng thì không còn một người nào ở lại trong phòng nhận hành lý . Cánh cửa kính trong suốt được nhân viên sân bay khép lại trước vẻ mặt đầy thất vọng của Hạ Quỳnh .
Sao vậy nhỉ ? Tại sao không có Đăng Nguyễn trên chuyến bay này nhỉ ? Liệu có một sự nhầm lẫn nào về giờ giấc hạ cánh không nhỉ ?
Suy nghĩ một lúc , Hạ Quỳnh vội rảo bước về phòng bán vé .
Nở nụ cười thân thiệt với cô bán vé xinh như mộng đang mặc chiếc áo dài màu xanh đồng phục , Hạ Quỳnh cất giọng mềm mỏng :
− Chị cho em hỏi với .
Phải để cô nhắc lại lần thứ hai , cô gái xinh đẹp ấy mới miễn cưỡng ngẩng đầu lên .
Một cái nhìn lạnh lẽo lướt qua khuôn mặt thấp thỏm của Hạ Quỳnh :
− Sao ?
Hạ Quỳnh rụt rè hỏi :
− Xin chị cho biết trong danh sách bay sáng hôm nay có hành khách nào tên Đăng Nguyễn không ?
− Bay đi đâu ?
Hạ Quỳnh lớ ngớ :
− Không , từ nơi khác bay đến đây .
Giọng cô gái khó chịu :
− Chuyến bay nào ? Hỏi như thế ai biết gì mà trả lời .
Hạ Quỳnh vội nói :
− Chuyến bay vừa hạ cánh cách đây khoảng nửa tiếng ạ .
Cô gái cau có :
− Từ đâu đến ? Làm ơn nói rõ một chút coi . Khó hiểu quá !
− Dạ , từ Nha Trang đếnd đây sáng nay .
Cô gái gõ tay lên bàn phím máy vi tính , chăm chú dò trên màn hình một hồi giọng lạnh nhạt :
− Đăng Nguyễn ? ... Có ! Nhưng đến hai Đăng Nguyễn lận . Một Vũ Đăng Nguyễn và một Hoàng Đăng Nguyễn . Gần đến giờ bay , ông Hoàng Đăng Nguyễn xin đổi sang chuyến bay khác vào sáng mai . Chỉ có Vũ Đăng Nguyễn đi trên chuyến bay sáng nay mà thôi .
Hạ Quỳnh kêu lên :
− Một cái tên đặc việt như thế mà lại có sự trùng hợp sao ? Có ... hai Đăng Nguyễn thì làm sao em biết mình đón Đăng Nguyễn nào ? Cũng không biết là người em đi đón có mặt đi trên chuyến bay này hay là trên chuyến bay vào sáng mai nữa .
Dù phát bực với vẻ lớ ngớ của Hạ Quỳnh , nhưng cô nhân viên cũng nén giận để hỏi :
− Người nhà cô họ gì ?
Hạ Quỳnh gãi đầu :
− Cũng không biết nữa .
Lại một ánh nhìn lạnh buốt lướt qua khuôn mặt bối rối của Hạ Quỳnh :
− Sao đi đón người nhà mà lại không biết tên họ ? Kỳ cục thế !
Hạ Quỳnh chớp mi :
− Tại em ... đoảng quá nên không hỏi . Chị có cách gì giúp em nữa không ?
Cô nhân viên cau mày :
− Người nhà cô bao nhiêu tuổi
Cô nhân viên càng hỏi , Hạ Quỳnh càng quýnh :
− Em cũng không biết nữa .
Lần này thì một cái nguýt dài :
− Phiền hết sức ! Tôi chưa thấy ai kỳ cục như cô . Đi đón người thân mà không biết tên biết tuổi . Hỏi gì cũng không biết , không biết .
Hạ Quỳnh thở dài :
− Chị thông cảm . Hình như buổi sáng hôm nay em cũng ... sao sao đó , không được bình thường . Chị xem thử có cách nào để biết " ông " Đăng Nguyễn nào là " ông " người nhà của em .
Cô nhân viên gõ lên bàn phím , cao giọng :
− Một Hoàng Đăng Nguyễn sáu mươi tư tuổi , một Vũ Đăng Nguyễn ba mươi mốt tuổi .
Hạ Quỳnh reo lên :
− Vậy là Vũ Đăng Nguyễn chứ không thể Hoàng Đăng Nguyễn . Nội của anh ấy ... chưa được sáu mươi tuổi mà . Anh ấy không thể ... sáu mươi tư tuổi .
Cô nhân viên châm biếm :
− Cô suy luận rất ... khá .
Giọng Hạ Quỳnh vui mừng :
− THế thì Vũ Đăng Nguyễn đâu rồi ? Em tìm anh ấy muốn xỉu mà không thấy .
Nhìn cô bằng ánh mắt khó chịu , cô gái buông giọng :
− Trời đất ! Không lẽ tôi phải giữ anh chàng Đăng Nguyễn ấy lại cho cô ? Khách hàng nào cũng như cô coi bộ tụi tôi điên lên hết .
Hạ Quỳnh đỏ bừng mặt :
− Xin lỗi . Xin lỗi . Chị thông cảm , tại em quýnh quá không biết phải tìm anh ấy nơi đâu . Thôi , cảm ơn chị nhé ...
Cầm chiếc bảng và bó hoa , Hạ Quỳnh lại phóng thật lẹ về phía bãi đậu taxi . Cô không hy vọng là tìm được Đăng Nguyễn . Nhưng thà chạy đi tìm anh với sự vô vọng còn hơn là đứng xớ rớ một chổ để cầu may .
Thật hên , trong bãi đậu xe vẫn còn một số người ngổn ngang với mớ hành lý . Hạ Quỳnh liền tiến về phía một tên đàn ông kính trắng gần cô nhất . Một anh chàng trông rất trí thức .
Cô ấp úng hỏi :
− Anh ... anh có phải là " ông " Vũ Đăng Nguyễn không ?
Thay vì trả lời , anh lại hỏi ngược cô :
− Vì sao cô lại hỏi tôi câu đó ?
Hạ Quỳnh nhỏ nhẹ :
− Tại anh trông giống một kỹ sư . Mà Vũ Đăng Nguyễn là một kỹ sư .
Nheo mắt nhìn cô với vẻ giễu cợt , anh chàng kính trắng cắc cớ hỏi :
− Kỹ sư ? Bộ tôi giống kỹ sư lắm sao ?
Hạ Quỳnh gật đầu :
− Vâng …
− Kỹ sư thì như thế nào ?
Hạ Quỳnh bặm môi :
− Trông anh rất trí thức .
− Bộ chỉ có kỹ sư mới … trí thức sao ?
Hơi quê vì kiểu câu hỏi kiến bò miệng chén . Hạ Quỳnh liền trả lời :
− Không hẳn thế . Nhưng nhìn anh tôi biết anh thuộc giới trí thức .
Anh chàng cười lớn :
− Có phải vì cô thấy tôi bị cận thị ?
Hạ Quỳnh vui vẻ đáp :
− Đúng thế . Phải chăng anh hay đọc sách nên bị cận ?
Sửa lại gọng kính , anh chàng tỉnh bơ phán :
− Tôi không phải là kỹ sư mà là chủ một lò bánh mì . Chuyện tôi bị cận thị không hề liên quan đến sách vì suốt ngày tôi chỉ biết ... bột mì . Tôi bị cận thị là do ... di truyền , dòng họ tôi ba đời bị cận . Nói cặn kẽ như thế , cô đã hài lòng chưa .
Hạ Quỳnh cười hết nổi :
− Thế anh cũng không phải là Đăng Nguyễn sao ?
Nhìn cô với vẻ lạ lùng , anh chàng đeo kính cằn nhằn :
− Tôi nói dối cô thì có lợi gì chứ ? Tôi chảng biết Đăng Nguyễn nào cả .
Hạ Quỳnh rút lui có trật tự :
− Xin lỗi .
Bạo gan hỏi hết người này đến người khác mà vẫn không tìm được kẻ cần tim , thở hắt một cái thật mạnh Hạ Quỳnh lủi thủi tìm đến một gốc cây râm mát để đứng . Dù sao cô cũng không có can đảm để ... chọc giận thêm những con người đang mệt mỏi sau một chuyến bay dài .
Chợt nghĩ đến cơn thịnh nộ của bà giám đốc khó tính , cô đã cảm thấy nản . Cô không biết mình sẽ ăn noí ra sao với bà khi di về với một bóa hoa đã tàn úa trên tay .
Đăng Nguyễn ! " Ông " đang ở đâu ? Nếu " ông " biết là tôi đang khổ sở như thế này , có lẻ " ông " không nỡ biến mất tăm hơi như thế đâu .
Một tên tài xế taxi đứng gần đó nhìn chằm chằm tấm bảng trên tay cô , rồi chợt cười cười thật đáng ghét :
− Sao rầu thế em ? Bị leo cây hả ?
− ...
− Bộ em đi đón Việt Kiều rồi bị xù hả ?
− ...
− Thời buổi này đừng tin ai em ơi , em chỉ nên tin ... anh thôi .
− ...
− Có mỏi tay không , anh cầm giùm bảng cho .
− ...
_ Lên xe anh chở đi , cam đoan chỉ tính em một nửa tiền .
− ...
− Bồ em cho em rơi rồi hả ? Thật đúng là đồ tàn nhẫn . Hắn tên có cái tên thật khá nhưng chơi không đẹp chút nào !
Hạ Quỳnh nguýt dài . Đúng là cô xui tận mạng và ... không giống ai . Không chỉ tên tài xế ấy mà có khá nhiều người nãy giờ cứ đăm đăm nhìn cô với ánh mắt hiếu kỳ . Vẻ mặt cười cười của thiên hạ làm cô quê đến phát khóc .
Chợt cô ... thù " ông " Đăng Nguyễn kinh khủng . Giá như cô có thể rời khỏi phi trường vào lúc này . Thế nhưng viễn cảnh về một trận nổi giận lôi đình của bà giám đốc không cho phép Hạ Quỳnh bỏ cuộc . Thở hắt một cái , cô đổi tấm bảng sang tay khác cho khỏi mỏi tay ( chọn đúng là vào gã lái taxi nhiều chuyện vừa quay mặt nhìn đi nơi khác , nếu không coi bộ cô lại chết vì cái miệng tía lia của hắn quá ! ) .
Một anh chàng trông khá lãng tử đi ngang qua chỗ cô , một tay đút vào túi quần . Nụ cười chế giễu nở trên đôi môi kiêu ngạo của anh :
− Cô đang chờ ai ?
Hạ Quỳnh hất cằm :
− Chuyện riêng của tôi .
Anh chàng khẽ nheo mắt :
− Tấm bảng thì cô có thể giữ lại làm kỷ niệm , còn bó hoa cô có thể cho tôi không ?
Đúng là vô duyên hết chỗ nói , Hạ Quỳnh lườm dài :
− Không .
Anh chàng chế giễu :
− Nó héo hết rồi . Không lẽ cô định tặng anh chàng Đăng Nguyễn nào đó một bó hoa mà lẽ ra người ta nên ... cho nó yên nghỉ trong sọt rác .
Đúng không có một tên đàn ông nào cà chớn hơn .
Giọng cô ấm ức :
− Vậy anh xin làm gì ?
Anh chàng cười lớn :
Để ném vào sọt rác giùm cô . Cầm một cái bảng không thôi đã đủ mệt .
Cắt anh chàng ra thành từng mảnh nhỏ bằng ánh mắt sắc như dao , Hạ Quỳnh day mặt nhìn sang chổ khác .
Chừng cô quay lại thì anh chàng cà chớn ấy cũng biến mất tiêu .
Bãi đậu xe vắng ngắt ...
Vẻ mặt đầy mặc cảm , Hạ Quỳnh đẩy cửa bước vào phòng giám đốc .
− Sao ?
Cô ngắc ngứ :
− Dạ ...
Bà Phú Tịnh nhướng mày :
− Cô đã đón Đăng Nguyễn theo lệnh của ta rồi chứ ?
Hạ Quỳnh bặm môi :
− Vâng .
Trước mặt cô là một bà giám đốc khó tính với vẻ mặt khắc khổ quanh năm không có lấy một nụ cười . Bão táp đang chờ đợi cô .
− Đăng Nguyễn đâu rồi ?
Hạ Quỳnh lúng túng :
− Cháu cũng không biết nữa .
− Sao ?
Hạ Quỳnh cụp mi nhìn xuống đất :
− Cháu không tìm thấy Đăng Nguyễn .
− Cô vừa nói cái gì ?
Hạ Quỳnh hít một hơi thật dài :
− Theo lệnh của bà , cháu đến sân bay rất sớm nhưng không ... gặp được anh ấy .
Bà Phú Tịnh đưa hai tay lên trời :
− Cô vừa nói cái gì ? Thế cháu ta bây giờ đang ở đâu ?
Hạ Quỳnh bối rối :
− Cháu cũng không biết nữa . Cháu đến sân bay từ tờ mờ sáng . Mặc dù chuyến bay có trục trặc về giờ hạ cánh , muộn hơn hai tiếng đồng hồ nhưng cháu cũng không dám đi đâu cả , ngay cả dùng điểm tâm cũng không .
Bà Phú Tịnh ngọt nhạt :
− Cô rất giỏi .
Hạ Quỳnh nhỏ nhẹ :
− Mong bà hiểu cho là cháu đã làm đủ mọi cách để đón cho kỳ được anh Nguyễn .
Bà Phú Tịnh nhướng mày :
− Cô đã làm những gì ?
Hạ Quỳnh nhỏ nhẹ :
− Cháu đã thuê ở sân bay một chiếc bảng nhỏ và ghi tên anh Nguyễn lên đó . Chọn một vị trí dễ nhìn thấy nhất , cháu đã đứng đó cho đến khi người đàn ông cuối cùng rời khỏi sân bay .
Bà Phú Tịnh cười nhạt :
− Thật là kỳ lạ .
Hạ Quỳnh hắng giọng :
− Ngỡ là anh Nguyễn thay đổi chuyến bay , cháu cũng đã nhờ cô nhân viên sân bay kiểm tra danh sách các hành khách có mặt trên chuyến bay ngày hôm nay .
− Họ trả lời với cô như thế nào ?
Hạ Quỳnh xuôi xị :
− Anh Đăng Nguyễn có bay trên chuyến bay ấy .
Bà Phú Tịnh khẽ quát :
− Thế bây giờ cháu nội ta ở đâu ?
Hạ Quỳnh rầu rĩ :
− Cháu cũng không biết nữa .
− Điều quan trọng là bây giờ cháu nội ta đang ở đâu mà cô cũng không biết . Thật là bực mình . Chỉ một việc nhỏ như thế mà cô cũng không làm xong thì đừng bao giờ nghĩ là mình có thể làm một điều gì to tát như ... đội đá vá trời .
Hạ Quỳnh mềm mỏng :
− Cháu xin lỗi bà .
Nhướng cao mày , bà Phú Tịnh phán :
− Ta không muốn nhìn thấy cô nữa . Cô đi làm việc của mình đi .
Dạ nhỏ , Hạ Quỳnh lủi thủi về bàn làm việc . Cô biết là bà giám đốc rất giận cô , nhưng biết làm sao được . Cô đã cố gắng hết sức .
Ngồi chưa được năm phút thì lại có tiếng chuông điện thoại nội bô . Giọng bà giám đốc đầy uy quyền :
− Cô cùng ta ra sân bay thử xem .
Hạ Quỳnh vội lùa chồng hồ sơ đang nằm trên bàn cho vào tủ . Gần như ngay tức khắc , cô đã có mặt bên cạnh chiếc Toyota màu trắng móng lộn dành riêng cho giám đốc .
Chú tài xế ân cần bảo cô :
− Lên xe đi , Quỳnh !
Mở cửa xe , cô cười hiền :
− Cảm ơn chú .
Giọng chú quan tâm :
− Bà giám đốc đang nổi giận với Quỳnh phải không ?
Cô vuốt mái tóc ngắn ngang vai :
− Vâng .
Chú tài xế mỉm cười :
− Nghe giọng của bà trong điện thoại , chú biết là có chuyện .
Vẻ mặt Hạ Quỳnh buồn xo . Cô liền kể cho chú tài xế nghe về cuộc đón tiếp bất thành của cô tại phi trường .
Chú tài xế an ủi :
− Lỗi đâu phải do Quỳnh . Bà giám đốc có giận cô cũng chỉ trong chốc lát thôi .
− Cháu sợ quá . Vì tin tưởng cháu , bà mới sai cháu đi đón người thân . Chưa hết chuyện xui này thì lại đến chuyện xui khác . Không chỉ làm cho bà giận sáng nay , chiều hôm qua cháu lại vô ý thảo sai một văn bản ...
Chú tài xế trấn an :
− Không riêng chi Quỳnh , mọi người trong công ty đều sợ bà giám đốc vì tính độc đoán hà khắc của bà . Nhưng chú nghĩ là do tính cách của công việc nên bà mới thế thôi . Biếy đâu , đằng sau vẻ lạnh lùng khô khan ấy là một trái tim nhân hậu thì sao .
Hạ Quỳnh le lưỡi tỏ vẻ không tin .
Chợt nhìn thấy bà Phú Tịnh xuất hiện , chú tài xế vội bước xuống mở cửa xe :
− Đi đâu , thưa bà ?
Bà Phú Tịnh cao giọng :
− Ra sân bay !
Không một phút chậm trễ , chú tài xế nổ máy cho xe chạy ra cổng . Chỉ một lát sau , chiếc xe hơi bóng lộn màu trắng hòa trong dòng xe đang lưu thông trên đường phố .
Khuôn mặt cau có , bà Phú Tịnh đăm đăm nhìn về phía trước . Bà đang giận kinh khủng . Lẽ ra , sáng nay bà đã đích thân đi đón cháu nội yêu quý của bà , nhưng giờ phút cuối lại bận tham dự một cuộc họp quan trọng . Thế là mọi chuyện đảo lộn tùng phèo chỉ vì con bé thư ký hậu đậu .
Chú tài xế liếc nhìn vẻ mặt khó đăm đăm của bà giám đốc :
− Thế cậu Nguyễn không gọi điện thoại cho bà sao ?
" Hừ " một tiếng với vẻ tức bực , bà Phú Tịnh phán :
− Không . Sáng nay ta gọi cho nó không biết đến bao nhiêu lần nhưng máy không liên lạc được .
Chú tài xế tỏ vẻ băn khoăn :
− Cũng không chắc là cậu Nguyễn đang còn ở sân bay đâu , thưa bà .
Bà Phú Tịnh nhướng mày :
− Chú cứ chở tôi đến đó . Nó còn có ở đó hay không , chuyện ấy tính sau .
Ngồi ở băng ghế sau , Hạ Quỳnh cố thu mình lại . Cô chỉ mong bà giám đốc khả kính của cô ... quên mất sự hiện diện của cô .
Nhưng sự đời đâu đơn giản như thế . Quay lại nhìn cô , bà Phú Tịnh cao giọng phán :
− Còn cô nữa , lát nữa đến sân bay cô phải tìm cho kỳ được cháu của ta đấy . Chỉ vì sự chểnh mảng của cô mà nó đã giận ta , cô có biết không .
Hạ Quỳnh ỉu xìu . Đúng là một nhiệm vụ ... bất khả thi . Cô không hy vọng là sẽ tìm thấy " ông " Nguyễn ấy . Chỉ trừ trường hợp ông ta không biết ... đánh vần trên chiếc bảng cô cầm trên tay .
Chiếc xe vừa đỗ xịch tại sân bay , Hạ Quỳnh lật đật xuống xe . Cô đảo mắt nhìn quanh rồi chợt nhớ một chi tiết vô cùng quan trọng . Chú tài xế và bà giám đốc của cô biết mặt Đăng Nguyễn , còn cô thì không . Chẳng lẽ bây giờ cô đến phòng đón tiếp để thuê mô,t chiếc bảng rồi viết tên của anh như hồi nãy thì .... lảng nhách quá .
Vội vàng đuổi theo bà Phú Tịnh và chú tài xế đang xăng xái đi tìm Đăng Nguyễn , Hạ Quỳnh kêu lên :
− Thưa bà ...
Quay phắt lại nhìn cô , bà Phú Tịnh cau có :
− Cái gì ?
Cô gãi đầu :
− Cháu đâu biết mặt anh Đăng Nguyễn , sao tìm được .
Chú tài xế cười khà một cái ra chiều đắc ý , nhưng vội nghiêm nét mặt khi bắt gặp cái nhìn đầy đe dọa của bà giám đốc .
Bà Phú Tịnh kêu lên :
− Nghe đây này ! Ba mươi mốt tuổi , cao lớn , đẹp trai và ... ngạo mạn . Chừng ấy đã đủ để cô tìm ra cháu của ta chưa ?
Không muốn làm cho bà nổi giận thêm , Hạ Quỳnh vội rảo bước về phía phòng vé . Chân dung mà bà giám đốc vừa phác thảo về anh chàng cháu nội của bà dù sao cũng làm cô thú vị xen một chút tò mò , tạm quên đi nỗi ấm ức mà anh ta mang lại cho cô trong buổi sáng nay .
Ngạo mạn .
Ôi , vậy anh chính là bản sao của bà nội anh .
Hạ Quỳnh sục sạo khắp nơi , từ phòng bán vé cho đến phòng căng tin và thậm chí đến câu lạc bộ bi da của sân bay . Có đến hàng chục tên đàn ông trạc ba mươi tuổi nhưng không có anh chàng nào ... đẹp trai và ngạo mạn như chân dung mà bà giám đốc của cô đã mô phỏng .
Công bằng mà nói , cô cũng không hy vọng là tìm thấy anh .
Hạ Quỳnh vội trở về xe . Không cần chú tài xế thông báo , khuôn mặt hầm hầm của bà Phú Tịnh đã nói lên tất cả . Cũng như cô , họ không tìm thấy Đăng Nguyễn .
Quay lại nhìn bà Phú Tịnh , chú tài xế rụt rè hỏi :
− Biết đâu cậu Nguyễn đã gọi taxi về nhà rồi mà mọi người không biết .
Bà Phú Tịnh so vai :
− Chú không hiểu gì hết .
− Vậy là sao , thưa bà ?
Bà Phú Tịnh bực dọc :
− Ta vừa đổi chỗ ở cách đây một tháng , làm sao Nguyễn biết được nơi ta mới dọn về chứ .
Chú tài xế hùng hồn :
− Nhưng trụ sở của công ty đâu có đổi . Cậu Nguyễn có thể đã đến đó để tìm bà .
Bà Phú Tịnh cườn gằn . Không ai hiểu Đăng Nguyễn bằng bà . Một đứa cháu bất trị như Nguyễn đời nào thích đặt chân đến công ty . Hãn hữu lắm , Nguyễn mới đến đó .
Giọng bà cau có :
− Hôm nay chú nói ... hơi nhiều .
Không dám ... ý kiến thêm , chú tài xế vội mở cửa cho bà , im lặng cho xe nổ máy .
Giọng bà giám đốc đầy quyền uy :
− Không đến công ty nữa . Chú chở ta và Hạ Quỳnh về nhà .
− Vâng ...
Một lát sau , chiếc Toyota sang trọng đỗ xịch bánh trước ngôi biệt thự tráng lệ .
Chú tài xế mở cửa xe :
− Mời bà .
Hạ Quỳnh cũng vội xuống xe . Đây là lần đầu tiên cô đặt chân đến nhà của bà giám đốc nên không khỏi ngỡ ngàng .
Ngôi nhà đẹp hơn rất nhiều so với trí tưởng tượng của cô . Và cô cũng không ngờ là bà giám đốc khó tính khô khan của cô lại cho trồng một vười hoa đẹp đến thế bao quanh ngôi nhà .
Cô tò mò ngắm toàn cảnh ngôi nhà .
Một biệt thự màu trắng với ba tầng lầu xây theo kiểu kiến trúc Pháp , cầu thang nằm lộ thiên một bên hông tòa nhà . Những ô cửa kính với rèm treo màu trứng sáo trông thật thanh lịch .
Hoa hồng được trồng rất nhiều trong vường . Hồng trắng , hồng nhung và có cả hồng ghép . Sát cạnh tường rào bên hông nhà là những cây sao đen già nua , dễ chừng mấy chục tuổi . Cạnh đó là những cây hoa hoàng hậu , bông tím hạt vàng điểm tô trên những dây lá màu xanh .
Vừa nhìn thấy bà giám đốc đi vào , người giúp việc vội đẩy cánh cửa cổng và lễ phép chào bà . Bà phẫy tay bảo Hạ Quỳnh :
− Cô vào nhà đi .
Rụt rè đi theo bà giám đốc , Hạ Quỳnh không khỏi băn khoăn . Cô đã không hoàn thành nhiệm vụ , không biết điều gì đang chờ đợi cô . Có lẽ là một trận lôi đình và sau đó là quyết định cho thôi việc . Mới nghĩ đến đó , cô cảm thấy buồn . Không dễ gì xin vào làm việc được một công ty uy tín như thế , để được tuyển dụng cô đã vượt qua không biết bao nhiêu ứng viên . Vẫn còn nhớ về cuộc phỏng vấn đầy cam go mà người chủ trì không ai khác hơn là bà giám đốc của cô .
Ngồi an vị trong chiếc ghế bọc nhung , vẻ mặt bà Phú Tịnh mệt mỏi :
− Cô ngồi xuống đi !
Vẫn đứng yên một chỗ , Hạ Quỳnh khẽ thở dài :
− Cảm ơn , cháu không dám .
Bà Phú Tịnh nghiêm giọng :
− Hãy ngồi xuống ghế . Và đừng đưa ra khuôn mặt ủ rũ như thế với ta .
Rụt rè ngồi xuống chiếc ghế đối diện với bà , Hạ Quỳnh cắn môi :
− Bà có định sa thải cháu không ?
Nhíu mày nhìn cô thật lâu, bà Phú Tịnh cao giọng:
− Về chuyện gì? Chuyện hôm qua cô đã thảo sai một văn bản hợp đồng suýt làm công ty thiệt hại một đống tiền ư?
Hạ Quỳnh trầm giọng:
− Cháu nghĩ đó không phải là lý do duy nhất.
− Chỉ có một việc ấy thôi cũng đủ để ta sa thải cô rồi.
Hạ Quỳnh chớp mi:
− Chỉ là một lỗi kỹ thuật trên máy tính, cháu nghĩ bà cũng dễ tha thứ vì trước khi đặt bút ký hợp đồng bà sẽ xem kỹ lại các chi tiết.
Bà Phú Tịnh cười nhạo:
− Cô có vẻ tự tin quá nhỉ. Thế thì cô sợ ta sa thải cô vì chuyện gì?
− Cháu biết là bà rất giận cháu. Chưa hết giận về chuyện đánh máy sai hợp đồng, nay lại đến chuyện sáng nay. Nếu không có chuyện đón hụt anh Nguyễn ở phi trường, có lẽ bà sẽ không giận đến thế.
Giọng bà Phú Tịnh bực tức:
− Đúng là ta rất giận.
− Cháu xin lỗi.
− Lời xin lỗi của cô cũng không làm mọi việc tốt đẹp hơn.
Hạ Quỳnh chân thành:
− Nhưng cháu là người có lỗi, cháu phải xin lỗi.
Bà Phú Tịnh khàn giọng:
− Từ nay cô cẩn thận một chút trong công việc mới được. Khi đã nhận một nhiệm vụ nào đó, dù nhỏ hay lớn cũng phải quyết thực hiện đến cùng.
− Vâng…
− Cô làm rất được việc, nhưng chưa có sự khôn ngoan cần thiết. Vào một dịp khác, ta sẽ góp ý thêm cho cô.
− Cám ơn bà.
Ngả đầu trên ghế, bà Phú Tịnh nhắm mắt chấm dứt câu chuyện với Hạ Quỳnh. Cô bối rối nhìn bà không biết nên ngồi yên hay đứng dậy. Cũng không biết là bà đang ngủ hay thức nữa…
Một tiếng nhạc báo giờ thánh thót vang lên. Bà Phú Tịnh mở choàng mắt, liếc nhìn đồng hồ trên tường bà thở dài phán:
− Không biết bây giờ thằng cháu bất trị của ta đang ở đâu. Tệ thật, chỉ cần gọi điện thoại để cho ta yên tâm thế mà nó cũng không chịu làm. Ta đến khổ với nó.
Hạ Quỳnh ngọ ngoạy trong ghế. Đây là lần đầu tiên cô nhìn thấy bà giám đốc của cô dưới một khía cạnh khác. Không phải là một bà giám đốc đầy uy quyền. Mệt mỏi, thất vọng và có một chút gì cay đắng.
− Cô có thể giúp ta được không?
Hạ Quỳnh hăng hái:
− Cháu sẽ bằng mọi cách để tìm ra anh Đăng Nguyễn.
So vai, bà Phú Tịnh nhếch môi:
− Không cần nữa đâu.
Hạ Quỳnh thảng thốt:
− Sao vậy bà?
Bà Phú Tịnh cao giọng:
− Có lẽ nó đang có mặt tại nhà một cô gái nào đó. Rồi thế nào nó cũng gọi vào máy của ta, khi mà nó cảm thấy chán cô gái ấy.
Hạ Quỳnh mở to mắt nhìn bà Phú Tịnh. Chân dung của đứa cháu nội duy nhất của bà đang được phác thảo từng nét. Coi bộ đó cũng chưa phải nét cuối cùng.
Hớp một ngụm trà nóng từ tách trà do người gia nhân mang lại, bà Phú Tịnh phán:
− Ta nghe nói cô đang thuê nhà trọ, phải không?
Hạ Quỳnh đan những ngón tay thanh mảnh vào nhau:
− Vâng.
Bà Phú Tịnh nhướn mày:
− Nếu ta thu xếp cho cô một phòng tại đây thì cô nghĩ sao?
Hạ Quỳnh bối rối nhìn bà giám đốc. Đó là một lời đùa làm tổn thương đến cô. Ngôi nhà thật sang trọng của bà giám đốc không bao giờ dành cho một kẻ như cô. Cô, một con bé mồ côi cha mẹ và nghèo khổ. Hàng tháng, cô phải chật vật trích ra từ đồng lương ít ỏi của mình để trả tiền thuê phòng trọ, phần còn lại để dành cho học phí của năm sau.
Thấy cô im lặng, bà Phú Tịnh kêu lên:
− Sao?
Hạ Quỳnh lí nhí:
− Dạ…
Bà Phú Tịnh cau có:
− Sao cô không trả lời câu hỏi của ta?
Hạ Quỳnh ấp úng:
− Cháu biết là bà đùa…
Bà Phú Tịnh đặt tách trà xuống bàn. Nhìn như xoáy vào đôi mắt màu hạt dẻ đang mở to, bà dằn giọng:
− Ta đùa với cô ư?
Hạ Quỳnh ngắc ngư. Có thể không như cô nghĩ, hình như đó là một lời đề nghị nghiêm túc. Nhưng tại sao bà giám đốc lại ưu ái với cô? (Lẽ ra là sự trừng phạt vì đã làm cho bà giận mới đúng!). Cô không hiểu nổi.
Như đoán được ý nghĩ của Hạ Quỳnh, bà giám đốc lạnh lùng phán:
− Đừng tưởng là tốt bụng với cô. Ta chưa tốt với ai cả. Lòng tốt thường làm cho người khác ỷ lại. Trong trường hợp đó, lòng tốt sẽ là một con dao hai lưỡi.
− …
− Ta dành cho cô một chỗ ở tại đây. Đổi lại, cô sẽ giúp ta theo dõi Đăng Nguyễn. Ta muốn biết thằng cháu bất trị của ta hàng ngày giao du với ai, cặp bồ với những cô gái như thế nào. Công việc ấy ta chỉ có thể tin tưởng khi người đảm đương chính là cô.
Hạ Quỳnh giật nẩy người. Vậy cô là một… kẻ do thám? Không. Không bao giờ cô làm một công việc kỳ cục thế. Dù cô rất cần một chỗ ở ổn định, dù chủ nhà trọ của cô tháng nào cũng dọa dẫm đòi tăng thêm tiền nhà, nhưng cô không thể vì những lý do đó để nhận lời bà Phú Tịnh.
Giọng cô hoang mang:
− Thưa bà, cháu không thể…
Bà Phú Tịnh sốt ruột cắt ngang:
− Cô không mừng vì đã có một chỗ ở tươm tất hay sao?
Hạ Quỳnh nhỏ nhẹ:
− Cháu cám ơn bà, nhưng cháu… không muốn thay đổi chỗ ở. Dù ở nơi ấy hơi xa công ty nhưng cháu đã quen với những người sống quanh đó.
Bà Phú Tịnh khẽ nheo mắt:
− Ta hiểu. Đó chỉ là một lý do để cô từ chối khéo công việc ta giao. Nhưng cô nghĩ sao nếu ta tuyên bố… cho cô nghỉ việc vì cô đã khước từ ta?
Hạ Quỳnh kêu lên:
− Bà giận cháu sao?
Bà Phú Tịnh nhếch môi:
− Ta không quen nghe lời từ chối từ một nhân viên của ta. Ta không muốn nghe tiếng “không”. Với mệnh lệnh phát ra, không thể trả lời “không”.
Hạ Quỳnh giọng khổ sở:
− Thưa bà, mong bà thông cảm…
Bà Phú Tịnh gằn giọng:
− Mọi chuyện không như cô nghĩ. Ta không ra lệng cho cô làm một điều gì sai trái với lương tâm của cô. Đăng Nguyễn là đứa cháu bất trị. Những gì mà ta giao phó cho cô chỉ cốt làm cho nó tốt hơn. Không chỉ giúp ta mà còn cô còn giúp cháu ta đấy!
Hạ Quỳnh hoang mang nhìn bà Phú Tịnh. Không kịp để cô suy nghĩ thêm, giọng bà đầy quyết đoán:
− Lát nữa, chú tài xế sẽ giúp cô chở đồ đạc đến đây. Cô sẽ có mặt tại ngôi nhà trước cả Đăng Nguyễn…
Căn phòng mà bà Phú Tịnh dành cho Hạ Quỳnh là một căn phòng nhỏ trong dãy nhà thấp lè tè nằm phía sau lưng ngôi biệt thự sang trọng.
Hạ Quỳnh mất hết mấy tiếng đồng hồ để quét dọn bụi bặm trong căn phòng bỏ hoang khá lâu cũng như phát quang bụi cỏ mọc cao quá đầu nằm trước cửa đi vào nhà. Mọi việc tạm ổn. Tâm trạng cô hơi hồi hộp khi không biết đối tượng mà cô phải theo dõi như thế nào.
Ngạo mạn.
Chỉ mới nhớ lại điều bà Phú Tịnh nhận xét về người cháu nội của bà, Hạ Quỳnh đã cảm thấy… run vì từ nay cô phải như hình với bóng với anh.
Buổi chiều hôm sau, khi đang ngồi nạp các dữ liệu vào máy vi tính, Hạ Quỳnh được gọi vào phòng giám đốc.
Sau tiếng gõ cửa của cô, giọng khàn khàn của bà Phú Tịnh vang lên:
− Vào đi…
Hạ Quỳnh đi vào. Cô nhỏ nhẹ hỏi:
− Bà cho gọi cháu?
Khuôn mặt lãnh đạm, bà Phú Tịnh phán:
− Cuối cùng thì thằng cháu bất trị của ta đã gọi điện thoại cho ta.
Hạ Quỳnh chân thành:
− May quá! Thế thì bà khỏi phải lo lắng nữa rồi.
“Hừ” một tiếng trong cổ, bà Phú Tịnh nhếch môi tuyên bố:
− Chừng nào ta nhắm mất xuôi tay, chừng ấy ta mới hết khổ vì nó. Ta đã nói với cô rồi đấy, nó chỉ chịu gọi điện cho ta khi chán bạn gái của nó…
Ngừng một lát, bà Phú Tịnh hậm hực nói tiếp:
− Hơn ba tháng nay, ta và nó không hề gặp nhau. Vậy mà vừa đặt chân xuống sân bay, nó đã không thèm đếm xỉa tới ta.
Hạ Quỳnh ngồi im không dám hé răng. Chỉ sợ bà giám đốc trút cơn thịnh nộ lên đầu cô thì khổ.
Lôi từ hộc tủ ra một xấp tiền, bà Phú Tịnh thở dài:
− Cô mang tiền đến cho thằng nghịch tử ấy giùm ta. Nhắn với nó là nội trong ngày hôm nay nếu không về thì đừng có xem ta là bà nội của nó nữa.
Hạ Quỳnh rụt rè hỏi:
− Thưa, cháu phải mang tiền đến đâu?
Đẩy tờ giấy có ghi địa chỉ cho cô, bà Phú Tịnh nhăn mặt:
− Đấy, cô cứ theo địa chỉ đó mà tìm.
− Dạ…
− Ta hạn cho nó trong ngày hôm nay phải về nhà! Nếu không, từ nay nó đi đâu cũng mặc, ta không xem nó là cháu ta nữa.
− Dạ…
Dắt chiếc xe Chaly ra cổng, Hạ Quỳnh nhìn vào tờ giấy ghi địa chỉ thêm một lần nữa rồi nổ máy. Dù sao cô cũng tò mò muốn biết mặt con người đã làm cho bà giám đốc khó tính và đầy quyền lực của cô phải khổ sở, tức bực.
Cuối cùng, Hạ Quỳnh cũng tìm ra ngôi nhà mà cô cần tìm. Đó là một ngôi nhà khá xinh xắn. Cô nhấn chuông gọi cửa.
Mở cửa cho cô là một cô gái có mái tóc loăn xoăn và khuôn mặt tuyệt đẹp.
Nhìn Hạ Quỳnh từ đầu xuống chân có vẻ dò xét, giọng cô ta khó chịu:
− Tìm ai?
Hạ Quỳnh nhỏ nhẹ:
− Cho em hỏi, ở đây có anh Nguyễn không?
Nhướn hàng mày được tô chì nâu thật trau chuốt, cô gái hạch sách:
− Cô là ai mà hỏi anh Nguyễn?
Hạ Quỳnh mềm mỏng:
− Em là Quỳnh, thư ký của nội anh Nguyễn.
Dợm đóng cánh cửa cổng lại, giọng cô gái sắc như dao:
− Đây đâu phải là… công ty của bả mà cô tìm đến. Đây là nhà của tôi, tôi – Đài Trang.
Hạ Quỳnh chớp mi:
− Anh Nguyễn gọi điện bảo… em đến đây.
Cô gái cười giễu cợt:
− Này, có thật không đấy. Bụi như anh Nguyễn đời nào quen mấy người… quê quê như cô để mà gọi điện họa may chỉ là chuyện cổ tích.
Hạ Quỳnh hắng giọng:
− Chị cứ cho em gặp anh Nguyễn đi.
− Anh Nguyễn đang… ngủ trưa. Có gì nhắn lại với tôi.
Hạ Quỳnh dẩu môi. Không lẽ cô nói chuyện tiền bạc với cô gái vừa mới xưng tên là Đài Trang. Gởi tiền cho cô ta để đưa nhờ lại cho cháu nội bà giám đốc càng là một điều không thể.
Cô nài nỉ:
− Chị có thể đánh thức anh Nguyễn dậy được không?
Cô gái phá lên cười:
− Giỡn chơi!
Hạ Quỳnh nhìn đồng hồ. Đã năm giờ chiều. Vậy mà có người còn say giấc ngủ… trưa. Đúng là hết chỗ nói.
Chợt thấy Đài Trang sập cổng lại, Hạ Quỳnh thảng thốt:
− Chị ơi…
Vô ích. Hai cánh cửa to lớn đã sập mạnh, cài then chắc chắn.
Không còn cách nào hơn, Hạ Quỳnh đành dựng chiếc Chaly vào sát cổng rồi ngồi lên yên xe. Có lẽ đành phải đợi cho… nhân vật quan trọng ấy ngủ dậy để… đưa tiền.
Cô ngồi chừng khoảng gần nửa tiếng thì cánh cửa cổng lại mở.
Mừng rỡ, Hạ Quỳnh vọt xuống xe.
Ngỡ là Đài Trang nhưng không phải.
Trước mặt cô là một anh chàng cao lớn, đang nhìn cô với vẻ dò xét.
Cô kêu lên:
− Trời đất…
Không ai xa lạ. Đó chính là anh chàng đã chọc quê cô trong sân bay, ngõ lời xin bó hồng đang héo rũ để… ném vào sọt rác.
Tròn mắt nhìn anh, cô ngắc ngứ:
− Anh là…
Anh chế giễu:
− Là ai? Sao cô không dám mạnh dạn nói tiếp?
Hạ Quỳnh mím môi:
− Anh là Đăng Nguyễn?
Anh nhìn cô với vẻ lãnh đạm:
− Phải…
Thật không có gì làm Hạ Quỳnh giận hơn. Con người đang đứng trước mặt cô đây, kẻ làm cô khổ sở chạy lui chạy tới như một con điên trong sân bay mà không mảy may xúc động, lại còn xỏ xiên chọc quê xin bó hồng… Đúng là một kẻ vô lương tâm.
Giọng cô ấm ức:
− Không ngờ… Đăng Nguyễn là anh.
Nguyễn nhướn mày:
− Nội tôi phái cô đến đây à?
− Vâng…
− Có chuyện gì không?
Cô vội nói:
− Bà bảo tôi tìm anh cho kỳ được.
Nguyễn nhíu mày:
− Sao cô không gọi cửa?
− Tôi có gọi nhưng cô Đài Trang bảo là anh đang ngủ.
Nguyễn cau có:
− Tôi có ngủ đâu. Tôi đang xem đá banh trên truyền hình.
Hạ Quỳnh dẩu môi:
− Báo hại tôi phải ngồi ngoài cổng để đợi.
Đăng Nguyễn nhún vui hỏi:
− Đợi làm gì?
Cô nhăn mặt:
− Để mang tiền đến cho anh.
Nguyễn cao ngạo:
− Thế thì chịu khó mang tiền về.
Cô cắc cớ hỏi:
− Anh chê tiền à?
Nguyễn cười lớn:
− Không ai chê tiền cả. Nhưng cô làm ơn… tha tiền về đi.
Cô mở to mắt:
− Sao thế?
Nguyễn cười nhạo:
− Không lẽ tôi phải giải thích với cô thật cặn kẽ mọi chuyện?
Hạ Quỳnh phân trần:
− Tôi không có ý đó. Nhưng trước khi đến đây, tôi đã nhận được lệnh bà giám đốc là không được mang tiền về.
Nguyễn lại cười:
− Nếu cô sợ nội tôi, cứ việc lấy tiền đó mà xài thoải mái.
Hạ Quỳnh kêu lên:
− Trời đất!
Nguyễn nheo mắt:
− Không xài thì mang trả. Cứ chọn một trong hai phương án mà làm.
Cô khổ sở:
− Phương án nào của anh tôi nghe cũng chẳng lọt tai.
Nguyễn hất hàm:
− Chuyện cô phải xử làm sao số tiền ấy không phải là việc của tôi.
Hạ Quỳnh trách móc:
− Sao anh ác quá vậy?
Nguyễn thản nhiên nhún vai. Đứng trước mặt anh là cô nhóc tuổi mới đôi mươi có vẻ vừa bướng vừa lý sự, chắc hẳn là nhân viên của bà. Không hiểu với nội anh – một bà già nổi tiếng khó tính, một cô nhóc như thế này sẽ làm việc gì ở công ty của bà và làm được… mấy hôm.
Vừa xuống sân bay, lẽ ra anh không ghé nhà Đài Trang nhưng khi nhìn thấy một cô nhóc với tấm bảng đi đón đưa anh, anh bỗng… nổi chướng, muốn đi hoang. Giữa nội anh và anh đang có sự đổ vỡ mà anh chưa bao giờ muốn hàn gắn lại. Nhưng giá như nội anh đích thân đi đón anh, có thể anh đã không nổi giận như thế.
Nguyễn cười nhạt:
− Cô là robot của nội tôi hả?
Câu hỏi của anh làm Hạ Quỳnh tự ái kinh khủng. Cô nhếch môi:
− Anh hiểu như thế nào cũng được. Tôi là nhân viên của nội anh, bà có quyền nhớ tôi những chuyện đại loại như thế này. Miễn sao tôi không làm một điều gì hổ thẹn với lương tâm.
Nguyễn trầm giọng:
− Ngoài chuyện tiền bạc, nội tôi có nhắn gửi gì nữa không?
Hạ Quỳnh bặm môi:
− Nội anh bảo, nội nhật hôm nay anh phải trở về nhà. Nếu không, bà sẽ từ anh luôn.
Đăng Nguyễn cười nhạo:
− Lại còn như thế nữa à?
Hạ Quỳnh mím môi một cái:
− Công việc của tôi thế là xong.
Đăng Nguyễn nhìn cô đúng một góc con mắt:
− Cô làm ở công ty của nội tôi à?
Khuôn mặt Hạ Quỳnh lạnh tanh:
− Vâng.
Đăng Nguyễn chế nhạo:
− Lần sau nội tôi có ngẫu hứng cách mấy thì cô cũng chịu khó dẹp cái trò đón đưa ở phi trường với bó hoa và tấm bảng… tìm trẻ lạc đấy nhé.
Hạ Quỳnh ấm ức:
− Lẽ ra, hôm qua anh có thể cho tôi biết mình là ai. Để tôi phải vô vọng lùng sục tìm anh khắp nơi, anh không thấy áy náy chút nào sao?
Đăng Nguyễn cười ngạo mạn:
− Tôi đâu phải là một đứa trẻ. Làm như thế để cô có một bài học kinh nghiệm, lần sau không còn làm những trò… ngu ngốc.
Hạ Quỳnh nhìn sững Đăng Nguyễn. Bà nội của anh đã phác thảo một chân dung khá hoàn chỉnh về anh. Ngạo mạn đáng ghét đến thế là cùng. Đứng trước cô là một anh chàng đẹp trai đầy phong độ. Tóc bồng bềnh trước trán. Mũi cao và thẳng. Hàng mày rậm đầy cá tính. Đôi mắt quyến rũ. Và sự ngạo mạn toát ra từ đôi mắt anh dường như vô bờ bến.
Cô nhếch môi:
− Thế anh nghĩ là tôi thích đón đưa anh và đi đến đây lắm sao?
Đăng Nguyễn nhún vai:
− Có thích hay không cũng… kệ cô, tôi đâu quan tâm. Cô là nhân viên của nội tôi, bà có sai cô lên núi cô cũng ráng mà đi. Lần sau thì chịu khó… biến đi và để cho tôi yên.
Hạ Quỳnh nhìn Nguyễn với vẻ oán ghét.
Ngồi lên chiếc Chaly, cô cho xe nổ máy. Chiếc xe ra đến tận đầu ngõ, cô vẫn còn cảm thấy mi mắt cay cay…
o0o
Đang vươn vai tập những động tác thể dục buổi sáng, Hạ Quỳnh chợt nghe tiếng chân người đi đến gần. Cô nhoẻn miệng cười khi nhận ra đấy là chị bếp, một người làm công đã lâu năm cho bà Phú Tịnh. Chị bếp xởi lởi:
− Quỳnh dậy sớm ghê ha, còn sớm hơn chị nữa. Vậy mà chị cứ tưởng mình là người dậy sớm nhất đó.
Hạ Quỳnh nhỏ nhẹ dạ nhỏ.
Chị bếp quan tâm:
− Bộ lạ nhà Quỳnh không ngủ được hả?
Hạ Quỳnh cười liền:
− Một phần cũng vì thế, một phần vì em có thói quen thức dậy thật sớm. Chưa bao giờ em dậy sau năm giờ sáng cả.
Chị bếp chép miệng:
− Sao không cố ngủ đẫy giấc cho khỏe vậy Quỳnh? Chị là con sâu ngủ, chị thường thích ngủ hơn là ăn vậy đó.
Hạ Quỳnh ngạc nhiên:
− Thế sao hôm nay chị lại dậy sớm thế?
Chị bếp dài giọng:
− Bộ Quỳnh tưởng chị thích đi ra vườn vào giờ này lắm sao. Nếu không vì ông trời con ấy làm ấm ầm, chị đã vẫn còn ngủ.
Hạ Quỳnh ngơ ngác:
− Oâng trời nào?
Chị bếp hạ thấp giọng:
− Thì còn ai vô đây nữa.
Hạ Quỳnh vẫn chưa hiểu. Cô mở to đôi mắt nhìn chị bếp. Chị tặc lưỡi:
− Thì cậu Nguyễn đó.
Hạ Quỳnh buột miệng:
− Ổng đang ở nhà của…
Chị bếp cắt ngang:
− Cậu Nguyễn về đây lúc nửa đêm, bộ Quỳnh không biết hả?
Hạ Quỳnh chớp mi:
− Dạ không.
Chị bếp gật gù tỏ vẻ hiểu:
− Quỳnh không biết cũng đúng, vì căn phòng của Quỳnh nằm ở cuối vườn. Ngoại trừ Quỳnh còn tất cả mọi người đều được một phen mất ngủ vì sự trở về đại náo của cậu Nguyễn. Quỳnh biết không, đầu tiên là cú dộng vào cửa rầm rầm lúc nửa đêm. Sau đó là quát tháo mọi người, kẻ pha cà phê, mua thuốc, người đi mua phở. Phở mua về trở chứng không ăn, bắt đi mua cháo, mà phải là cháo lươn. Mùa này làm gì có lươn. Vậy là la ầm lên. Cùng chung số phận như mọi người, chị cũng vắt chân lên cổ chạy để phục vụ cậu Nguyễn mà vẫn không yên thân, bị la tơi bời.
Hạ Quỳnh tò mò:
− Vậy… ổng đâu rồi chị?
Chị bếp so vai:
− Ngủ!
Hạ Quỳnh le lưỡi:
− Chị sợ ổng vậy sao?
Chị bếp cười:
− Cứ gặp ổng rồi Quỳnh sẽ biết.
Hạ Quỳnh buột miệng:
− Em gặp rồi.
Chị bếp ngạc nhiên:
− Hồi đêm em ngủ mà. Không lẽ em gặp cậu Nguyễn ở chỗ khác.
Hạ Quỳnh ngắc ngứ:
− Dạ… không.
Chị bếp hỏi dồn:
− Thế sao em bảo là đã gặp cậu Nguyễn?
Hạ Quỳnh gãi đầu:
− Em đùa thôi mà.
Chị bếp khẽ nói:
− Nếu có lỡ gặp cậu Nguyễn, em tránh xa khoảng một… cây số là yên chuyện. Đứng xớ rớ gần cậu Nguyễn, em không bị la vì chuyện này cũng bị rầy vì chuyện khác.
Hạ Quỳnh mỉm cười:
− Dạ, em cám ơn chị.
− Mà cũng bất chừng lắm em ơi. Không ai tử tế như cậu Nguyễn, nhưng cũng không ai khó tánh như cậu Nguyễn cả. Vì thế, nếu có giận cậu coi bộ cũng không giận được lâu đâu.
Hạ Quỳnh tròn mắt:
− Tử tế?
Chị bếp gật đầu:
− Hồi thằng nhỏ con chị bị mổ ruột thừa ở dưới quê, cậu Nguyễn cho chị một mớ tiền. Cậu còn dặn lui dặn tới chị là nên cho thằng nhỏ đi lại đừng nằm một chỗ kẻo bị dính ruột là khổ.
Hạ Quỳnh phì cười. Nếu… ông trời con đã tử tế cho tiền mà chị bếp vẫn còn kể xấu ông trời con thì kể ra cũng hơi… bất công.
Chị bếp cắc cớ hỏi:
− Sao Quỳnh lại cười?
Cô chu môi:
− Dù gì anh Nguyễn cũng là… ân nhân của chị, vậy mà chị lại nói hành nói tỏi người ta.
Chị bếp đỏ mặt:
− Không phải chị vô ơn, nhưng có gặp cậu Nguyễn rồi Quỳnh mới biết. Không một người giúp việc nào mà không ớn cậu Nguyễn. Nhiều lúc cậu tử tế khiến người ta có thể cảm động rơi nước mắt, nhưng cũng có lúc cậu ấy chướng lắm. Chướng kinh khủng, không chịu nổi đâu.
Hạ Quỳnh tò mò:
− Chị đã đụng độ với… ông trời con nhiều lần chưa?
Chị bếp hạ thấp giọng:
− Dài dài.
Hạ Quỳnh hào hứng:
− Chị kể cho em nghe đi.
Chị bếp tặc lưỡi:
− Có lần cậu Nguyễn đã ném chiếc bàn ủi qua sở khi chị… vô ý làm cháy chiếc áo sơ mi mới may của cậu ấy. Chị vẫn còn nhớ đó là chiếc áo màu đồng thau rất đẹp.
Hạ Quỳnh bật cười:
− Thật khó mà kìm cơn giận trong trường hợp ấy. Nếu… ông trời con không giận mới là chuyện lạ.
Chị bếp phân bua:
− Nhưng mới cháy… sém sém. Hôm đó, chị đang ủi đồ thì nhớ là chưa tắt nước máy, chừng từ phòng tắm quay trở lại thì mới hay là mình đã vô ý để bàn ủi nằm trên áo.
Hạ Quỳnh hóm hỉnh:
− Chiếc áo vẫn còn mặc được chứ?
Chị bếp lắc đầu:
− Không… trên vạt áo in nguyên hình dấu bàn ủi ố vàng.
Hạ Quỳnh phì cười:
− Vậy mà chị nói là… cháy sơ sơ.
Chị bếp chống chế:
− Chị không bao giờ vô ý đến vậy đâu. Xui xẻo là hôm ấy, cứ quên trước quên sau. Mở máy nước cũng quên tắt, mà chẳng hiểu sao lại để nguyên bàn ủi trên chiếc áo. Chừng nhớ lại thì đã nghe mùi khét.
Hạ Quỳnh giọng trong trẻo:
− Còn chuyện thứ hai?
Chị bếp mỉm cười:
− Có đến… một tỷ chuyện. Hôm nào rảnh, chị kể cho Quỳnh nghe.
Cô hồn nhiên:
− Giờ mọi người vẫn còn say ngủ, chỉ có hai chị em mình thôi. Không hiểu tại sao sau khi nghe chị kể, em lại thích được nghe tiếp về… ông trời.
Chị bếp vui vẻ:
− Để chị nhớ coi… Có lần bạn gái cậu Nguyễn gọi điện thoại đến hẹn buổi tối đi chơi nhưng không gặp cậu Nguyễn, nhờ chị nhắn lại.
Hạ Quỳnh nghiêng đầu hỏi:
− Chị lại… quên, có phải không?
Chị bếp cười lớn:
− Sao Quỳnh biết, hay quá vậy?
Cô chúm chím:
− Dễ ợt. Nếu không quên nhắn, làm sao anh Nguyễn nổi trận lôi đình.
Chị bếp gục gặc đầu:
− Cô bạn gái cậu Nguyễn đã cẩn thận nhắc lui nhắc tới mấy lần là chị đừng quên, nhưng chẳng hiểu sao hôm ấy chị lại quên mất tiêu.
Không nhịn được, Hạ Quỳnh bật cười:
− Chị làm em tức cười quá.
Chị bếp cười lây:
− Ừ, giờ nghĩ lại chị cũng cảm thấy tức cười. Nhưng hôm đó thì cười không nổi vì cơn giận khủng khiếp của cậu Nguyễn. Cũng vì sự đãng trí của chị mà cậu Nguyễn và cô bạn gái giận nhau đúng một tuần lễ đó.
Hạ Quỳnh trêu:
− Sao chị cứ thích hại ông trời con. Em hỏi thật nha, có phải chị cố tình… chơi khăm ông trời con không?
Chị bếp kêu lên:
− Làm sao chị có gan lớn như thế. Em cứ thử đụng độ với cậu Nguyễn một lần đi, để em thấy là cậu ấy còn dữ hơn… cọp.
Hạ Quỳnh lấp lửng:
− Không những dữ mà người ta còn ngạo đời lắm chị ơi.
Chị bếp chăm chú nhìn cô:
− Chị hỏi thật em nghe, bộ em bị… đụng rồi hả?
Hạ Quỳnh chớp mi:
− Vâng…
Đến lượt chị bếp ngạc nhiên, chị gạn hỏi:
− Chuyện gì thế em?
Cô cười hiền kể lại những gì đã xảy ra. Nghe xong, chị bếp chép miệng phán:
− Cậu Nguyễn đúng là ông trời con, phải không em?
Mỉm cười hồn nhiên, Hạ Quỳnh đi dọc những luốn hồng. Nâng nhẹ một nụ hồng còn đẫm sương mai, cô thốt lên:
− Hoa đẹp quá!
Chị bếp sôi nổi:
− Có phải lọ hoa đặt trong phòng khác là Quỳnh cắm không?
Cô bẽn lẽn:
− Dạ…
Chị bếp khen:
− Cách cắm lạ quá chừng. Chị không hiểu về nghệ thuật cắm hoa nhưng thấy Quỳnh cắm cũng hay hay, không giống mấy bình hoa mà chị thường thấy. Hôm qua, chị nghe bà chủ khen cách cắm hoa của Quỳnh đó.
Hạ Quỳnh tròn mắt:
− Vậy sao?
Chị bếp mỉm cười:
− Thật đó. Thôi, chị đi vào nhà đây.
Hạ Quỳnh nhìn theo chị bếp. Mới chân ướt chân ráo đặt chân đến đây, cô hoàn toàn bỡ ngỡ với mọi thứ. Cũng may chị bếp là người vui tính xởi lởi nên cô cũng đỡ cảm thấy cô độc.
Lùa tay vào tóc, Hạ Quỳnh bặm môi suy nghĩ. Chẳng hiểu sao cô cảm thấy lo lo. Nguyễn đã trở về. Điều đó có nghĩa là cô chuẩn bị được giao phó những nhiệm vụ… trời ơi đất hỡi…
Một tuần sau…
Hạ Quỳnh đang gõ phím lách tách thì có chuông gọi cửa của bà Phú Tịnh. Vội dừng ngay công việc, cô đi vào phòng giám đốc.
Giọng cô dịu dàng:
− Thưa bà, gọi cháu.
Khuôn mặt bà Phú Tịnh phớt lạnh:
− Cô ngồi xuống đi!
Hạ Quỳnh nhỏ nhẹ:
− Hợp đồng với khách hàng, cháu đã đánh máy vi tính gần xong. Lát nữa cháu sẽ mang vào trình giám đốc duyệt.
Bà Phú Tịnh nhăn mũi:
− Ta gọi cô không phải vì chuyện đó.
Nhìn như xoáy vào khuôn mặt bối rối của cô, bà hắng giọng:
− Cô cảm thấy như thế nào khi sống trong căn phòng mà ta dành cho cô?
Hạ Quỳnh chớp mi:
− Thưa bà, mọi thứ đều rất tốt.
Bà Phú Tịnh hừ nhẹ trong cổ:
− Cô nói thật chứ?
Hạ Quỳnh gật đầu:
− Vâng.
Bà Phú Tịnh so vai:
− Một căn phòng nhỏ khoảng ba mươi mét vuông, không trần nhà, mái tôn thấp lè tè và một bụi cỏ hoang cao lút đầu nằm ngay trước phòng… Vậy là… tốt cho cô sao?
Hạ Quỳnh chân thành:
− So với căn phòng trọ trước đây cháu thuê ở thì căn phòng bà dành cho cháu đầy đủ tiện nghi hơn nhiều.
− Trước đây cô sống như thế nào?
Hạ Quỳnh chớp mi:
− Một căn phòng đúng tám mét vuông được ngăn cách với người ở trọ bên cạnh bằng tấm phên cót. Chỗ nấu ăn không có, những người cùng trọ như cháu thường đặt một bếp dầu ngay cửa phòng. Nấu ăn theo kiểu dã chiến, xong là đẩy bếp dầu xuống gầm giường. Mọi thứ đều cho vào gầm giường. Từ áo quần cho đến nồi niêu xoong chảo.
Bà Phú Tịnh nhướn mày:
− Thế máy vi tính cô đặt ở đâu?
Hạ Quỳnh nhỏ nhẹ:
− Thưa, cháu đặt ngay trên giường.
− Cô làm việc trên giường?
− Thưa, mọi thứ đều thế. Làm việc, ăn và ngủ, tất cả đều trên chiếc giường bằng tre ọp ẹp.
Giọng bà Phú Tịnh khàn khàn:
− Ta nghe những đồng nghiệp của cô bảo căn phòng trọ của cô về mùa mưa ngập đến gần thắt lưng. Ai đã một lần đến tìm cô đều không muốn trở lại lần thứ hai.
Hạ Quỳnh khẽ gật đầu:
− Vâng. Về mùa mưa cuộc sống của cháu còn vất vả hơn nhiều. Trong con hẻm ngoằn ngoèo đặc sệt nước cống rãnh, nhiều lúc tưởng chừng không tìm thấy lối ra.
Bà Phú Tịnh nhướn mày:
− Cô không có gì phàn nàn về chỗ ở mà ta dành cho cô chứ?
Hạ Quỳnh nhỏ nhẹ:
− Cháu cám ơn bà về sự ưu ái mà bà đã dành cho cháu.
Bà Phú Tịnh giễu cợt:
− Ta không tốt như cô nghĩ đâu. Và cô đừng nghĩ là ta đã quên những gì ta đã nói với cô hôm trước.
Ngừng một lát như để thăm dò phản ứng của cô, bà Phú Tịnh tiếp:
− Ta muốn cô giúp ta theo dõi, quản lý cháu nội của ta.
Hạ Quỳnh cụp mi nhìn xuống đất. Thật là trái khoáy. Nguyễn không phải là một đứa trẻ mẫu giáo, vậy mà cô lại phải giúp bà Phú Tịnh canh chừng anh.
Bà Phú Tịnh cau có:
− Đêm qua Nguyễn không về, ta không biết nó ở đâu. Điều ta muốn vào lúc này là cô đi tìm gấp nó cho ta.
Hạ Quỳnh vội nói:
− Cháu chưa đánh máy xong bản hợp đồng mà bà đã giao sáng nay.
Bà Phú Tịnh phán:
− Sẽ có người khác giúp cô làm việc đó. Cô phải đi tìm Nguyễn cho ta.
Hạ Quỳnh băn khoăn:
− Thưa bà, cháu biết tìm anh Nguyễn ở đâu bây giờ?
Bà Phú Tịnh nhếch môi:
− Đó là việc của cô.
Hạ Quỳnh kêu lên:
− Thưa bà…
Nhưng bà Phú Tịnh đã cắt ngang:
− Ta không muốn nghe một lời từ chối. Chưa có một nhân viên nào của ta như cô cả. Cô có hiểu thế nào là mệnh lệnh không?
− Cháu phải làm gì bây giờ. Cháu đâu biết phải kiếm anh Nguyễn nơi đâu trong thành phố rộng lớn mênh mông này.
− Cô hãy tự xoay sở lấy!
Không còn cách nào khá chơn, Hạ Quỳnh đành thở dài:
− Vâng. Nhưng trước hết bà hãy cho cháu những địa chỉ của bạn bè anh Nguyễn.
Bà Phú Tịnh nhăn mặt:
− Ta không có.
− Vậy thì làm sao cháu có được?
− Ta không biết. Cô phải tự hiểu phải làm những gì để tìm được cháu ta.
Hạ Quỳnh bối rối:
− Thật sự cháu không biết mình phải làm gì nữa.
Nhưng như để kết thúc cuộc nói chuyện giữa cô và bà, bà Phú Tịnh xô ghế đứng dậy. khuôn mặt bà cau có.
Hạ Quỳnh cũng đứng dậy, cô kìm một tiếng thở dài.
Rời khỏi công ty, Hạ Quỳnh lập tức tìm đến nhà Đài Trang. Vừa nhìn thấy cô, Đài Trang lập tức nhớ ngay. Cô cật vấn:
− Anh Nguyễn bảo cô đến đây hả?
Hạ Quỳnh chớp mi:
− Dạ, đâu phải.
Đài Trang ngúng nguẩy:
− Nói với anh Nguyễn là lần này tôi giận ảnh luôn đó, ảnh có nhờ cô đưa thư xin lỗi tôi cũng không chấp nhận đâu. Đích thân anh phải đến đây chưa chắc tôi đã hết giận.
Lại còn như thế nữa. Hắc ám vội thanh minh:
− Chị hiểu lầm rồi.
Đài Trang nheo mũi:
− Sao?
Hạ Quỳnh ngắc ngứ:
− Không có thư.
Đài Trang tặc lưỡi:
− Thế anh Nguyễn nhắn gì?
Hạ Quỳnh gãi đầu:
− Không nhắn gì cả.
Đài Trang chưng hửng:
− Sao… kỳ vậy?
Hạ Quỳnh cười gượng:
− Tôi… tôi… đi tìm anh Nguyễn.
Nghi ngờ nhìn cô, Đài Trang sẵng giọng:
− Thế không phải anh Nguyễn sai cô đến đây để gởi thư xin lỗi tôi à?
Hạ Quỳnh nhỏ nhẹ:
− Không.
Đài Trang cao giọng:
− Thế tại sao cô lại đến đây?
Hạ Quỳnh bối rối:
− Tối hôm qua anh Nguyễn không về nhà. Nội của anh bảo tôi đi tìm anh về cho bà.
Hạ Quỳnh vừa dứt lồi, Đài Trang đùng đùng nổi cơn thịnh nộ:
− Tối qua Nguyễn không về nhà à? Thế anh ấy đi đâu? Đi với con nhỏ nào? Thật là quá chừng, vậy là tôi hiểu hết mọi chuyện rồi đó. Hèn gì lần này giận nhau, không thấy đến… nửa cú phôn. Thì ra là thế…
Hạ Quỳnh vội nói:
− Chị đừng hiểu lầm, không phải như chị nghĩ đâu.
− Nguyễn dặn cô không được kể lể với tôi chứ gì?
Hạ Quỳnh khổ sở:
− Không phải…
Đài Trang cười khẩy:
− Tôi không buộc cô phải nói thật đâu. Có gan trời mới dám kể cho tôi nghe về chuyện bồ bịch của Nguyễn. Cô là nhân viên của nội Nguyễn mà, nếu không giữ miệng, bị đuổi việc là cái chắc.
Hạ Quỳnh thở dài. Cô không ngờ lại rơi vào tình huống như thế này. Nếu vì chuyện cô đi tìm Nguyễn mà vô tình gây rắc rối cho anh, không chừng anh sẽ lột da cô luôn.
Giọng cô buồn bã:
− Lẽ ra tôi không nên đến đây mới phải.
Như dầu đổ vào lửa, Đài Trang hét lên:
− Cô không cho tôi biết chuyện Nguyễn cặp bồ với người khác thì sớm muộn gì tôi cũng biết. Cô định bao che cho Nguyễn à?
Hạ Quỳnh kêu lên:
− Sao tôi giải thích như thế nào chị cũng không nghe tôi vậy.
Đài Trang giận dữ:
− Tôi không nghe ai cả.
− Xin chị bình tĩnh giùm.
Đài Trang cay cú:
− Lần này, tôi chia tay với Nguyễn luôn.
Hết cả hồn, Hạ Quỳnh kêu lên:
− Mọi chuyện chỉ là hiểu lầm…
Đài Trang hằm hè:
− Nói với Nguyễn là đừng bao giờ đến đây nữa!
Đài Trang vừa dứt lời, cánh cửa cổng sập mạnh trước mặt Hạ Quỳnh.
Hạ Quỳnh đứng chết lặng vì thất vọng não nề. Đã không tìm được Nguyễn, coi bộ cô cũng khó yên thân với anh về vụ Đài Trang.
Không còn cách nào khác hơn, Hạ Quỳnh vội đi tìm chị bếp để cầu cứu. Vừa nghe xong câu chuyện, chị bếp trợn mắt:
− Chịu thôi, Quỳnh ạ. Cậu Nguyễn có đến… chục cô bồ. Mà mấy cô đó ở đâu chị cũng đâu có biết để cho Quỳnh địa chỉ của họ.
Hạ Quỳnh nài nỉ:
− Chị thử nhớ coi!
− Chịu!
Hạ Quỳnh ỉu xìu:
− Bộ chị không nhớ được bất cứ một số phôn hay địa chỉ nào hay sao?
Chị bếp cười cười:
− Ai mà nhớ chi cho cực Quỳnh. Bồ của cậu Nguyễn đâu có ăn nhập đến mình. Nội hàng ngày phải nhớ đến gạo cơm mắm muối, thu xếp đi chợ sao cho khéo, sao cho hợp khẩu vị từ bà chủ cho đến cậu cháu khó tính cũng đủ mệt nghĩ rồi. Thời giờ đâu để ý đến mấy cô… tóc nâu môi trầm.
Hạ Quỳnh thở dài:
− Không ăn nhập đến chị nhưng lại ăn nhập đến… em
Chị bếp trêu:
− Nếu biết có ngày như vầy, chị đã chủ tâm hỏi dò mấy cô bồ của cậu Nguyễn giùm Quỳnh. Thấy bộ dạng Quỳnh bây giờ thảm ghê, giống như một con mèo vừa nhúng nước xong.
Hạ Quỳnh dẩu môi:
− Em thì rối cả ruột, thế mà chị lại cười. Đúng là… ác.
Chị bếp nheo mắt:
− Thế chị làm gì bây giờ để được Quỳnh khen là tốt bụng, không… ác nào?
Hạ Quỳnh giậm chân:
− Chị đừng đùa nữa, em biết là chị có thể giúp em tìm ra… ổng nhưng chị cố tình vờn em như mèo vờn chuột.
− Đừng nói chị là mèo đó nghe. Chị cũng như em thôi. Không chừng em còn tháo vát hơn chị nữa. Nếu không, bà chủ đâu tin tưởng giao cho em sứ mạng quan trọng đó.
Hạ Quỳnh đánh thượt thở dài. Cô thà lội nước cống trong căn hẻm tồi tàn mà cô từng ở trọ suốt mấy năm trời còn hơn sống ở đây với một nhiệm vụ mà chỉ mới nghĩ đến nó thôi, hàng ngày cô cũng đủ mất ăn mất ngủ. Nếu không sợ làm bà Phú Tịnh phật lòng, cô đã xin được trở về với căn phòng trọ tồi tàn của mình từ lâu.
Giọng cô buồn thiu:
− Em nản kinh khủng.
− “Vạn sự khởi đầu nan” mà Quỳnh.
Cô chép miệng:
− “Vạn sự đều nan” thì đúng hơn.
Chị bếp nghiêng đầu nhìn cô trêu:
− Bộ em không có tinh thần vượt khó của tuổi trẻ hả?
Cô cười như mếu:
− Em xin đầu hàng vô điều kiện. Nếu chị không giúp em, em… đi ngủ đây.
− Đi ngủ thật ha?
− Vâng, nếu chị cứ… xí xọn với em như thế.
Chị bếp cười cười:
− Được rồi, chị có một cách nhưng coi bộ hơi… nguy hiểm.
Hạ Quỳnh nôn nóng:
− Chị nói đi, em không sợ một trở ngại nào cả. Nếu vào hang cọp em cũng vào, miễn là tìm ra manh mối của “ổng”.
Chị bếp nhìn thẳng vào đôi mắt đẹp như nhung:
− Không ai đẩy cô em dễ thương của vào hang cọp cả. Nhưng Quỳnh có dám vào phòng của… cậu Nguyễn không, chị đang có chìa khóa đây.
Hạ Quỳnh kêu lên:
− Oâi…
Chị bếp hạ thấp giọng:
− Chị hay dọn phòng cho cậu Nguyễn nên biết cậu Nguyễn có cuốn sổ ghi số điện thoại cá nhân.
Hạ Quỳnh đưa tay lên ngực:
− Lục lọi phòng của người khác sao? Không, em không thể…
Chị bếp tặc lưỡi:
− Mình có làm điều gì sai trái đâu Quỳnh. Mình làm như thế cốt chỉ tìm ra cậu Nguyễn đang ở đâu thôi. Theo chị, mình không còn cách nào khác hơn nữa đâu.
Hạ Quỳnh căng óc suy nghĩ. Đúng là cô không còn sự lựa chọn nào khác.
Giọng cô xuôi xị:
− Tùy chị.
Chị bếp cười cười:
− Nếu đổ bể ra em chịu đó nghe.
Cầm lấy chùm chìa khóa phòng Nguyễn, Hạ Quỳnh phóng nhanh lên mấy bậc thang. Cô sợ nhất là cảnh Nguyễn về bất thình lình rồi bắt gặp cô đang lục lọi trong phòng của anh. Không biết… ông trời con ấy sẽ hành xử cô ra sao.
Run run mở khóa, phải cố gắng lắm Hạ Quỳnh mới không quyết định bỏ cuộc. Cô đẩy nhẹ cánh cửa.
Hoàn toàn khác với những gì cô nghĩ, trước mặt cô là bãi chiến trường sau cuộc chiến hơn là một phòng ngủ.
Trên sàn là những vỏ lon bia nằm lăn lốc. Drap trải giường xộc xệch, trên đó là một núi áo quần vứt tung tóe. Những cọng thuốc vương vãi. Những cuốn tạp chí ném bừa bãi khắp nơi. Hạ Quỳnh suýt ngã nhào vì mấy đôi giần vứt ngổn ngang ngay ngưỡng cửa.
Không một phút chậm trễ, Hạ Quỳnh vội đi đến bàn giấy, trên đó có một cuốn sổ lớn. Mở ra, cô thất vọng vì đó không dùng để ghi danh bạ điện thoại mà đấy là một tập gồm những trang giấy kẻ nốt nhạc. (Trời ạ, không lẽ, “ổng” định làm nhạc sĩ nữa sao?).
Tìm đến trang cuối cùng, Hạ Quỳnh vẫn không thấy một địa chỉ hay một số điện thoại nào cả. Cô liền mở ngăn kéo tìm kiếm tiếp.
Trong ngăn kéo, có một xấp ảnh gồm các cô gái thật đẹp. Hạ Quỳnh vội lật mặt sau để tìm nhưng tuyệt nhiên không có một dòng địa chỉ nào, ngoại trừ những dòng chữ đề tặng thật ướt át tình tứ.
− Ai cho cô vào đây?
Đất như đang sụt lở dưới chân Hạ Quỳnh. Điều cô lo sợ đã đến sớm hơn cô dự tưởng.
Trước mặt cô là Đăng Nguyễn với gương mặt giận dữ. Cô chưa kịp thốt lên lời nào thì Nguyễn đã siết chặt vai cô trong đôi tay cứng như gọng kềm:
− Ai cho cô lục lọi phòng của tôi? Nói đi!
Hạ Quỳnh đỏ bừng mặt:
− Xin lỗi… tôi không cố ý.
Nguyễn hằm hè:
− Nói ngay, cô vào phòng tôi để làm gì?
Hạ Quỳnh nhăn mặt:
− Anh có thể… nhẹ tay được không?
Đăng Nguyễn gầm lên:
− Nhẹ tay à? Lẽ ra tôi phải ném cô qua cửa sổ mới đúng. Thật không thể tưởng tượng nổi là cô đã chui vào phòng của tôi để lục lọi mọi thứ.
Hạ Quỳnh mở to mắt nhìn Nguyễn. Suýt chút nữa cô đã bật khóc. Đúng là cô đã làm một chuyện ngu ngốc. Nếu Nguyễn có giận điên lên như thế cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Cô chùng giọng:
− Tôi xin lỗi anh.
Nguyễn quát:
− Hãy nói đi, cô vào đây làm gì?
Hạ Quỳnh bặm môi:
− Tối hôm qua anh không về nên nội anh sai tôi đi tìm anh. Vì chẳng biết anh đang ở phương nào nên tôi đành phải vào đây để lục tìm số điện thoại của anh. Tôi thành thật xin lỗi anh về chuyện này.
Nguyễn buông cô ra, giọng nhát gừng:
− Xin lỗi à. Cút đi!
Bằng cách nào Hạ Quỳnh thoát ra khỏi phòng Nguyễn và bằng cách nào cô đã về được phòng của mình, Hạ Quỳnh cũng không nhớ được nữa. Hình như là lúc ấy Nguyễn đã thô bạo đẩy cô ra khỏi cửa và sau đó cô đã phóng như bay xuống những bậc thang, suýt ngã nhào.
Ngồi ôm chặt, cô thầm nguyền rủa cho tính nhẹ dạ của mình. Chị bếp hoàn toàn không có lỗi gì trong chuyện này. Chị chỉ nhiệt thành muốn giúp cô. Còn cô, cô đã bốc đồng làm một việc mà lẽ ra một con người tự trọng không nên làm.
o0o
Dựng chiếc môtô trong sân, Nguyễn định đi vòng để khỏi chạm trám nội nhưng bà Phú Tịnh đã gọi phắt:
− Nguyễn!
Vờ như bây giờ mới thấy bà, Nguyễn mỉm cười chào:
− Nội!
Bà Phú Tịnh cao giọng:
− Con vào đây!
Ngồi xuống chiếc ghế sô pha trong phòng khách, Nguyễn trầm giọng:
− Nội chưa đi ngủ sao?
Bà Phú Tịnh nhìn anh không chớp mắt:
− Ta đợi con về.
Nguyễn bật quẹt mồi thuốc:
− Sao nội không đi nghỉ cho khỏe.
Nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, bà Phú Tịnh nhếch môi:
− Mới… mười giờ tối. Cũng may là hôm nay con về sớm phải không Nguyễn, nếu không ta chẳng biết sẽ còn chờ đợi con đến lúc nào.
Nguyễn thả nhẹ vòng khói thuốc mỏng:
− Có chuyện gì không nội?
Bà Phú Tịnh nhướn mày:
− Một chuyện quan trọng. Lẽ ra, ta nói với con ngay từ hôm con mới về nhà, nhưng ta đợi hơn nửa tháng nay vì công việc ở công ty bộn bề. Tối nay, ta muốn trao đổi với con chuyện đại sự ấy.
Nguyễn uể oải:
− Con buồn ngủ quá chừng, ngày mai được không nội?
Bà Phú Tịnh cau mặt:
− Không.
Nguyễn che miệng ngáp:
− Nội nói đi.
Bà Phú Tịnh nghiêm giọng:
− Con bao nhiêu tuổi?
Nguyễn cười:
− Bộ nội không nhớ hả?
Bà Phú Tịnh lừ mắt:
− Con nói đi.
Nguyễn lắc đầu cười:
− Ba mươi hay ba mươi mốt gì đó. Không lẽ nội định làm… thầy bói.
Bà Phú Tịnh bực dọc:
− Ta không đùa. Con không thể nghiêm túc nói chuyện với ta sao?
Nguyễn ngồi thẳng dậy. Anh không biết câu chuyện giữa anh và nội anh sẽ dẫn dắt đến đâu. Giữa anh và nội anh không chỉ là hai thế hệ cách xa nhau mà còn là sự oán trách của quá khứ. Nội anh có lẽ không bao giờ hiểu được anh. Đó cũng chính là lý do khiến anh bỏ về sống ở Nha Trang với dì anh hơn ba tháng nay. Từ khi quay về lại đây theo lời yêu cầu khẩn thiết của bà, hơn nửa tháng nay anh cố gắng càng ít gặp nội anh càng tốt. Không biết nội anh chuẩn bị nói với anh chuyện gì. Hình như với bà, chuyện gì cũng quan trọng.
Nghiêm nét mặt, bà Phú Tịnh phán:
− Tam thập nhị lập. Đã ba mươi mốt tuổi mà với con sự nghiệp không, vợ con không. Ta không biết con còn định rong chơi cho đến bao giờ. nếu như một ai đó ở vào địa vị con, họ sẽ không ngốc nghếch bỏ qua cơ hội ngàn vàng như con. Khi ra rút lui khỏi thương trường, người thay thế địa vị của ta không ai khác hơn chính là con. Thế mà con làm cho ta quá đỗi thất vọng khi suốt ngày rong chơi với một lũ bạn vô tích sự…
Nguyễn kêu lên:
− Nội à! Nội đừng nói nữa. Con nghe đã quá nhiều lần rồi…
Bà Phú Tịnh thở dài:
− Thật là đáng tiếc.
Nguyễn tuyên bố:
− Về những người bạn của con, nội không hiểu được đâu. Con đi ngủ đây.
Bà Phú Tịnh giận dữ:
− Nguyễn!
Anh so vai:
− Có gì mới trong câu chuyện của nội đâu, con chán lắm rồi… Lẽ ra con nên ở lại Nha Trang với dì Bích Trâm của con thì hay hơn là về đây để tiếp tục nghe những lời than vãn của nội.
Bà Phú Tịnh giận gữ:
− Lần này, nếu con còn kiếm chuyện để về Nha Trang thì ta thề sẽ không xem con là cháu nội ta nữa. Từ hồi ba mẹ con mất đi, Bích Trâm chỉ muốn chia cắt con và ta. Ta yêu mến mẹ con nhưng ta không thể nào cảm tình nổi cô em gái không chồng của mẹ con. Chính nó làm con và ta ngày càng xa cách nhau.
Vẻ mặt Nguyễn chán nản:
− Nội cứ nhắc lui nhắc tới một điệp khúc mà con nghe chán tận cổ. Nói thật với nội, dì Bích Trâm chưa bao giờ oán trách nội. Dì ấy chỉ oán trách số kiếp ngắn ngủi của ba mẹ con, oán trách thượng đế bất công.
Bà Phú Tịnh gạt phắt:
− Ta không muốn nghe đến chuyện này nữa.
Nguyễn so vai:
− Thế nội tưởng con muốn nghe nội nhắc đến hay sao?
Nhìn sững Nguyễn, bà Phú Tịnh cảm thấy có một chút gì ai oán trong giọng nói của anh. Quay mặt đi, bà phán:
− Được rồi, chuyện ta sắp nói với con là một chuyện khác.
Nguyễn đốt thêm một điếu thuốc. Anh không muốn khơi ngợi lại nỗi buồn. Nhưng để lãng quên được đang gặm nhấm trái tim của anh không phải là một điều dễ dàng. Giọng anh châm biếm:
− Con đã sẵn sàng, nội nói đi…
Bà Phú Tịnh tuyên bố:
− Ta muốn cưới vợ cho con. Nội trong năm nay chứ không thể đợi lâu hơn nữa.
Nguyễn bực dọc:
− Con chưa muốn lấy vợ. Nội không thể nghĩ ra một chuyện gì đó hay hơn sao?
Bà Phú Tịnh cao giọng:
− Con định chờ đợi đến lúc nào nữa. Hôn nhân sẽ giúp con chín chắn hơn và sống có trách nhiệm hơn.
Vụt đứng dậy, Nguyễn thở dài:
− Con đi ngủ đây.
Bà Phú Tịnh nổi giận:
− Nguyễn!
Nhưng anh đã biến mất sau cánh cửa…
o0o
Đang dán mắt vào màn hình trên máy vi tính, Hạ Quỳnh chợt giật mình vì tiếng hắng giọng của ai đó. Cô quay lại.
Bà Phú Tịnh đang đứng ở ngưỡng cửa. Đó là một được hoàn toàn bất ngờ với cô.
Hạ Quỳnh vội đứng dậy, giọng ấp úng:
− Chào bà…
Bà Phú Tịnh đưa mắt nhìn quanh một lượt quanh phòng. Bà không giấu được vẻ ngạc nhiên. Căn phòng trước đây được dùng làm kho cất các dụng cụ làm vườn bẩn thỉu nhếch nhác nay đã được Hạ Quỳnh trang hoàng lại rất dễ thương.
Một giỏ hoa cát đằng treo ở cửa sổ vừa để làm đẹp căn phòng vừa để che giấu những chấn song cửa mục nát. Trên tường, cô treo những bức tranh rẻ tiền cốt để che đi những mảng tường bị tróc vôi rữa nhưng không vì thế mà làm mất đi tính nghệ thuật của tranh.
Chiếc bình cô dùng để cắm hoa cũng thật là lạ. Nó chỉ là một vỏ lon nước ngọt nhưng được cô cắt vát xéo, một đường xiên đủ để làm nên sự cách điệu thật dễ thương. Trong chiếc bình hoa ấy là những bông cỏ tím.
Bà Phú Tịnh nhướn mày:
− Hay thật, ai cho cô dám cắt trộm hoa trong vườn của ta?
Hạ Quỳnh cười liền:
− Thưa bà, đó chỉ là những bông cỏ thôi mà.
Bà Phú Tịnh nhún vui. Đúng là chỉ những bông hoa sao nhái màu tím. Lạ thật, chỉ có cỏ và hoa rẻ tiền cùng tranh phong cảnh rẻ tiền thôi nhưng cô bé nhân viên của bà đã biết làm cho căn phòng tầm thường trở trành cuốn hút một cách kỳ lạ.
Trước căn phòng này là một bụi cỏ cao lút đầu. Thế mà chỉ gần nửa tháng không để mắt đến bà đã phải hết sức ngạc nhiên khi cỏ được dọn sạch, thay vào đó là những luống hoa bướm. Hoa chưa đơm bông nhưng bà có thể hình dung được trong một thời gian ngắn nữa, một không gian thật dễ thương sẽ hiện hữu ở sau lưng ngôi biệt thự của bà.
Giọng Hạ Quỳnh mềm mại:
− Mời bà ghé vào phòng của cháu chơi.
Khẽ nheo mắt, bà Phú Tịnh ngạo mạn:
− Không. Cô nghĩ gì mà mời ta hạ cố đến đây.
Như sợ cô không hiểu, vẻ mặt bà khó chịu:
− Ta không quen với không khí ẩm mốc của những ngôi nhà mục nát như thế này. Cô tưởng là ta có thời giờ để thăm cô sao. Cảm thấy khó ngủ, ta dạo quanh một vòng. Thế thôi.
Hạ Quỳnh lúng túng nhìn bà. Trước mặt cô là một phụ nữ giàu sang nhưng vô cùng kiêu hãnh. Lạnh lùng, độc đoán và vô cảm – dường như đó là tính cách của bà.
Lướt mắt nhìn qua chiếc máy vi tính rẻ tiền đã lỗi thời của Hạ Quỳnh, bà Phú Tịnh nhếct môi. Bà không hiểu hiểu được bằng cách nào cô nhân viên của bà có thể tìm được niềm hứng thú từ chiếc máy thuộc hàng nghĩa địa phế thải ấy.
Giọng bà khàn khàn:
− Ta nghe Nguyễn nói là cô đã lẻn vào phòng của nó đã lục lọi, điều đó có đúng không?
Hạ Quỳnh giật thót người:
− Thưa… cháu không cố ý…
Bà Phú Tịnh cười gằn:
− Có hay không, thế thôi.
Hạ Quỳnh chớp mi:
− Dạ có.
Bà Phú Tịnh hằn học:
− Cô thật là giỏi.
Hạ Quỳnh rầu rĩ:
− Cháu xin lỗi bà. Chỉ vì muốn tìm cuốn sổ ghi chép số điện thoại của anh Nguyễn mà cháu đã vào phòng của anh ấy mà không xin phép.
Bà Phú Tịnh nhướn mắt:
− Lần sau cô không được ngu ngốc làm điều đó thêm một lần nữa.
− Vâng…
− Nghe Nguyễn than phiền, ta cũng không biết phải nói với nó như thế nào, khi cô chính là người được ta trực tiếp đưa vào công ty cũng như đưa vào ngôi nhà này.
Hạ Quỳnh cụp mi nhìn xuống đất. Mấy hôm nay cô cứ phập phồng chờ đợi cơn thịnh nộ của bà Phú Tịnh về chuyện lục lọi trong phòng của Nguyễn. Cuối cùng thì cũng đến, nhưng mọi chuyện không đến nỗi… kinh khủng như cô tưởng.
Không nói thêm một lời nào, bà Phú Tịnh nhún vai bỏ đi. Chợt nhớ ra một điều gì đó, bà lại gọi:
− Hạ Quỳnh…
Khuôn mặt xinh đẹp của cô bỡ ngỡ ló ra khỏi khung cửa.
− Dạ…
Bà Phú Tịnh vẫy tay:
− Cô đến đây.
Hạ Quỳnh vội đi đến bên bà, giọng ngoan hiền:
− Bà có điều gì sai bảo cháu?
Bà Phú Tịnh thở hắt một cái:
− Ta khó ngủ quá. Thỉnh thoảng ta lại bị như thế. Đôi lúc phải đi dạo đến gần sáng mới chợp mắt được.
Hạ Quỳnh tròn mắt:
− Sao bà không đến bác sĩ ?
Nhìn cô bằng ánh mắt giễu cợt, bà hắng giọng:
− Cám ơn lời khuyên của cô. Trước khi nghe được lời khuyên… muộn màng của cô thì ta đã đến hàng chục bác sĩ danh tiếng trong thành phố.
Hạ Quỳnh ngây thơ:
− Bà đã được chữa khỏi bệnh?
Bà Phú Tịnh phán:
− Một lũ vô tích sự thì đúng hơn. Người nào cũng cho ta một đống thuốc an thần, đủ loại thuốc. Không có thuốc nào mà ta không uống. Nhưng bệnh thì vẫn cứ bệnh.
Hạ Quỳnh nhỏ nhẹ:
− Thuốc bác sĩ kê toa không tốt cho bà sao?
Bà Phú Tịnh nhếch môi:
− Như cô thấy đó, mỗi đêm ta phải đi lang thang cho đến gần sáng mới tìm được giấc ngủ. Đó là kết quả của sự điều trị.
Hạ Quỳnh chớp mi:
− Có thể bà không hợp với Tây y.
Bà Phú Tịnh cười nhạo:
− Cô định khuyên ta chuyển sang Đông y chứ gì. Không có cách chữa trị nào mà ta không dùng đến. Mà thôi… ta gọi cô không phải để cô… đưa ra một lời khuyên về lãnh vực sức khỏe cho ta đâu.
Hạ Quỳnh lùa tay vào tóc. Im lặng. Có lẽ điều đó tốt nhất với cô mỗi khi đối diện bà. Vì thật là khó hiểu được người phụ nữ giàu cá tính và khá bí ẩn như bà.
Giọng bà Phú Tịnh lạnh nhạt:
− Ta muốn có người trò chuyện với ta trong lúc ta đi dạo để tìm giấc ngủ, thế thôi.
Hạ Quỳnh lặng lẽ đi bên cạnh bà Phú Tịnh. Yêu cầu của bà thật là… kinh khủng. Nếu bách bộ với bà… gần suốt trọn một đêm coi bộ cô chết mất.
Ngang qua một bụi nguyệt quế, Hạ Quỳnh buột miệng:
− Thơm quá!
− Cô vừa nói gì?
Hạ Quỳnh hồn nhiên:
− Cháu vừa xuýt xoa vì hương thơm của nguyệt quế.
Bà Phú Tịnh cười nhạo:
− Cô không hiểu cách thưởng lãm hoa chút nào.
Hạ Quỳnh nghiêng đầu nhìn bà:
− Hoa rất thơm.
Bà Phú Tịnh khàn giọng:
− Cái cách mà cô khen hoa như người ta khen… một món chiên xào trong nhà hàng. Không ai hít hà như cô và kêu lên một cách trần tục như thế cả. Cô làm ta phải… phát kinh.
Nâng nhẹ một bông quế trên tay, Hạ Quỳnh mỉm cười:
− Vậy cháu phải làm sao?
Bà Phú Tịnh so vai:
− Hương thơm của nguyệt quế rất nhẹ, nhẹ đến mức người ta phải lắng nghe…
Hạ Quỳnh tròn mắt:
− Lắng nghe? Hương thơm đâu phải là… âm thanh mà… nghe, thưa bà?
Bà Phú Tịnh nhìn cô với ánh mắt thương hại:
− Thật tiếc cho cô, đúng là cô không có một tâm hồn.
Hạ Quỳnh đưa tay lên ngực. Không có tâm hồn. Kết luận của bà Phú Tịnh làm cô hết sức kinh ngạc.
Giọng bà Phú Tịnh đều đều:
− Người yêu hoa và biết cách thưởng thức hoa phải là người đồng cảm với thiên nhiên. Hoa cũng có tiếng nói. Vì thế, cần phải biết lắng nghe. Lắng nghe để cảm nhận.
Hạ Quỳnh ngắt nhẹ một bông nguyệt quế trên tay và hít nhẹ hương thơm dịu dàng như sợi tóc. Cô không biết mình có… tâm hồn hay không. Chỉ biết là vườn hoa tối nay thật đẹp. Trăng mươi bốn kiêu sa treo lên đỉnh trời. Aùnh trăng sáng ngập lối đi. Thảm cỏ như nhung mượt mà dưới đôi chân trần của cô. Chợt thèm được ngả mình trên thảm cỏ mềm ấy, ngửa mặt nhìn lên trời bao la. Còn được xem là… có tâm hồn hay không thì… mặc kệ.
Đi dạo được một chút thì Hạ Quỳnh chóng mặt, cô buồn ngủ quá chừng. Hai mi mắt cứ ríu lại, chân nọ đá chân kia. Thấy cô bước loạng chạong, bà Phú Tịnh quay phắt lại nhìn:
− Cô sao vậy?
Hạ Quỳnh vội bừng tỉnh:
− Dạ…
Bà Phú Tịnh lắc đầu:
− Ta chán cô quá. Muốn có một người đồng cảm nói chuyện mà cô cứ như một người máy vô hồn. Thôi, cô về phòng đi… Ta đi dạo một mình cũng được.
Hạ Quỳnh băn khoăn:
− Bà có giận cháu không?
Bà Phú Tịnh nhún vai:
− Tối hôm nay, ta muốn đi dạo vườn hoa một mình. Không hiểu vì sao cô lại làm ta mất cả hứng thú. Sau này, lúc nào cần ta sẽ cho gọi cô…
o0o
Nhả từng vòng khói thuốc thật điệu nghệ, Nguyễn nhún vai:
− Mày không hiểu được tao đâu, Mạnh à.
Mạnh vỗ vai anh:
− Tao mà không hiểu được mày thì ai hiểu.
Nguyễn nhếch môi:
− Thế thì mày đừng bao giờ khuyên tao làm việc cho công ty của nội tao nữa.
Mạnh chăm chú nhìn Nguyễn:
− Đó là lời khuyên chân thành nhất của tao, một thằng bạn thân của mày.
Nguyễn búng điếu thuốc cháy dở qua cửa sổ:
− Tao có lý do riêng để đi đến quyết định ấy.
Mạnh hắng giọng:
− Tao hiểu, mày có quá nhiều tự ái. Còn nội mày, bà là một người hết sức độc đoán.
Nguyễn nhếch môi:
− Còn gì nữa không?
Mạnh nói chậm rãi:
− Mày không muốn làm cái bóng bên cạnh bà.
Nguyễn thở dài:
− Mày không hiểu gì cả.
Mạnh ngạc nhiên:
− Vậy là sao?
Nguyễn buông giọng:
− Mày cũng không cần hiểu. Chuyện riêng của gia đình tao.
− Mày không xem tao là thằng bạn thân nhất của mày sao?
Nguyễn búng tay:
− Mình nói sang chuyện khác đi. Tao không muốn nhắc đến vấn đề đó nữa.
Mạnh quàng tay lên vai Nguyễn. Vẻ mặt của Nguyễn hôm nay có gì đó buồn buồn. Đây không phải là lần đầu tiên anh bắt gặp thằng bạn thân trong tâm trạng như thế. thỉnh thoảng Nguyễn vẫn thế. Vui buồn bất chợt, mưa nắng thất thường.
Nguyễn gọi hai ly đen, giọng anh đổi khác:
− Đài Trang giận tao rồi.
Mạnh hất hàm:
− Lý do?
Nguyễn nhún vai:
− Vớ vẩn.
Mạnh cười:
− Phụ nữ mà, sáng nắng chiều mưa. Từ hồi mày quen Đài Trang đến giờ, tao thấy hai người giận nhau dài dài.
Nguyễn tặc lưỡi:
− Lần này không vậy. Trầm trọng hơn mày tưởng.
Mạnh không giấu được ngạc nhiên:
− Mày vừa nói là… vớ vẩn mà.
Nguyễn nhướn mày:
− Đài Trang giận tao vì một con bé vớ vẩn thì đúng hơn.
− Ghen?
− Ưø…
− Với một con nhỏ… vớ vẩn.
− Không. Con nhỏ đó chỉ là một con nhỏ tầm thường. Đời nào Đài Trang đi ghen với một người như thế.
Mạnh cười:
− Tao vẫn không hiểu.
Nguyễn hắng giọng:
− Con nhỏ đó là nhân viên của nội tao. Hôm tao ngủ lại nhà mày không hiểu vì sao nó lại… bép xép với Đài Trang để Đài Trang hiểu lầm. Tao đã giải thích rất nhiều nhưng Đài Trang vẫn không tin.
Mạnh hùng hồn:
− Để tao phôn cho Đài Trang.
Nguyễn so vai:
− Vô ích! Đài Trang sẽ nghĩ là mày bênh vực tao.
Mạnh an ủi:
− Đài Trang rất yêu mày. Mọi chuyện cũng không có gì khó giải quyết đâu.
Nguyễn trầm giọng:
− Chuyện xảy ra trong lúc tao và Đài Trang đang giận nhau, vì thế mới càng làm Đài Trang hiểu lầm.
Mạnh chợt hỏi:
− Tao hỏi thật nhé, mày có yêu Đài Trang thật lòng không?
Nguyễn nheo mắt:
− Sao mày hỏi như thế?
Hớp ngụm cà phê ấm, Mạnh mỉm cười:
− Tại mày cặp bồ nhiều quá.
Nguyễn nhướn mày:
− Sao những lần trước mày không hỏi?
Mạnh khàn giọng:
− Tại tao thấy thời gian mày cặp bồ với Đài Trang coi bộ… lâu hơn với những người đẹp trước.
Nguyễn nhún vai:
− Với Đài Trang, không có gì đặc biệt.
Mạnh bật cười:
− Trời đất! Tao sợ mày luôn Nguyễn. Bộ mày không xác định được trái tim của mình hay sao?
Nguyễn cũng cười:
− Quen nhiều quá, trái tim của tao hình như cũng bị xơ cứng rồi.
Mạnh chùng giọng:
− Theo tao, Đài Trang cũng được. Đài Trang rất yêu mày. Mày nên chấm dứt những cuộc tình gió mây với các cô gái khác đi là vừa. Đàn ông tụi mình không thể lông bông mãi được, cuối cùng cũng cần phải có một gia đình để nghỉ chân.
Nguyễn cười nhạo:
− Mày nói hệt nội tao.
Mạnh tò mò:
− Nội mày cũng thích Đài Trang à?
Nguyễn hóm hỉnh:
− Không lạc quan đến thế đâu. Đài Trang chưa chạm trán nội tao bao giờ nhưng nếu có tình cờ gặp mặt coi bộ sẽ là một cuộc đụng độ tóe lửa.
Mạnh ngạc nhiên:
− Sao thế?
− Nội tao rất ghét mấy cô gái tóc nhuộm.
Mạnh cười cười:
− Tưởng gì chứ tóc thì dễ ợt. Mày cứ bảo Đài Trang bỏ mái tóc vàng ấy đi. lấy nhau xong, tha hồ… nhuộm lại tóc.
Nguyễn cười:
− Có lẽ nên nhuộm trái tim của tao thì đúng hơn, cho máu đỏ nồng nàn.
− Nội mày hối thúc mày lấy vợ à?
Nguyễn tặc lưỡi:
− Nội tao giục tao cưới vợ. Suốt mấy hôm nay, bà chỉ khủng bố tao duy nhất một đề tài.
Mạnh tỏ vẻ quan tâm:
− Mày có biết là bà chọn ai cho mày chưa.
Nguyễn lắc đầu:
− Không.
− Sao không hỏi?
− Tao không quan tâm vì chưa bao giờ nghĩ đến chuyện lấy vợ.
Mạnh chăm chú nhìn Nguyễn:
− Có lẽ mày nên chiều ý của bà nội của mày. Còn tao, có lẽ trong năm này cũng phải xúc tiến chuyện vợ con…
o0o
Không thể nào tìm thấy một người đàn ông nào ấn tượng hơn. Đó là cảm giác đầu tiên mà Hạ Quỳnh có được khi nhìn thấy Triệu Phong.
Cao lớn và đầy quyến rũ. Bộ veston màu trắng may thật mode và sang trọng. Cravate kẻ sọc to bản màu ghi. Mái tóc bồng bềnh trước trán.
Cuộc đưa đón người anh họ của Nguyễn từ Pháp trở về thật rầm rộ. Không chỉ có bà Phú Tịnh và Hạ Quỳnh mà còn có khoảng chục nhân viên của công ty cùng đi ra sân bay.
Oâm lấy bà Phú Tịnh trong vòng tay rắn chắc, Triệu Phong kêu lên:
− Con nhớ nội quá!
Bà Phú Tịnh mỉm cười sung sướng:
− Cuối cùng con cũng về với ta. Ta cứ chờ mong mãi giây phút này.
Triệu Phong cười lớn:
− Con đã nói với nội rồi. Thời gian sẽ trôi qua rất nhanh.
Bà Phú Tịnh mắng yêu:
− Ba năm chứ đâu phải một ngày. Từ nay ta sẽ không cho con đi đâu nữa.
Triệu Phong vui vẻ:
− Thế mà con lại muốn có thêm một chuyến du học nữa đó.
Bà Phú Tịnh lừ mắt:
− Không bao giờ ta chiều theo ý của cpn nữa đâu. Tuổi già sức yếu, ta chỉ mong có cháu chắt bên cạnh ta. Con học như thế cũng đủ quá rồi.
Triệu Phong sôi nổi:
− Con đùa vậy thôi.
Bà Phú Tịnh đẩy Triệu Phong ra rồi ngắm nghía anh từ đầu đến chân:
− Để ta xem con như thế nào… Ta thấy con cũng không thay đổi mấy. Trong mấy tấm ảnh con gởi cho ta, ta thấy con to lớn hơn mà.
Triệu Phong mỉm cười:
− Tại con mặc đồ lạnh đó nội.
Bà Phú Tịnh vui vẻ:
− Gởi cho ta mấy tấm hình đó, có phải con muốn đánh lừa bà già này không?
Triệu Phong cùng mọi người cười vang. Chợt anh ngắm nhìn bà, giọng thoáng lo lắng:
− Còn nội, con thấy nội hơi gầy so với lúc con ra đi. Nội phải để ý đến sức khỏe đó. Dù sao nội cũng có tuổi rồi, nội không nên ôm đồm nhiều công việc nữa.
Bà Phú Tịnh lắc đầu:
− Không sao. Con đừng lo cho ta.
− Công việc ở công ty vẫn bình thường chứ nội?
− Mọi việc đều trôi chảy, công ty chúng ta đang mở rộng thị trường sang các tỉnh miền Tây và miền Trung. Đó là điều không phải công ty nào cũng làm được.
Triệu Phong hắng giọng:
− Con chúc mừng nội.
Triệu Phong bắt tay chào từng người trong phái doàn cùng bà Phú Tịnh đi đón anh. Đến lượt Hạ Quỳnh, bàn tay nhỏ nhắn của cô như lọt thỏm trong bàn tay ấm áp của anh.
Nhìn như hút vào đôi mắt đẹp như nhung của cô, anh dịu dàng hỏi:
− Xin lỗi, cô là…
Bà Phú Tịnh đỡ lời:
− Hạ Quỳnh, thư ký của nội.
Triệu Phong lịch sự:
− Rất cám ơn sự đón tiếp của Hạ Quỳnh cũng như tất cả những người đã cùng nội tôi đến sân bay. Sau những ngày xa xứ, từ Pháp trở về tôi thật vui khi nhận được tình cảm nồng hậu của mọi người.
Hạ Quỳnh nhỏ nhẹ:
− Dạ, không có gì…
Trò chuyện thân mật với mọi người một lát, sực nhớ ra Triệu Phong nhìn quanh hỏi:
− Nguyễn đâu rồi hả nội? Sao nãy giờ con không thấy nó?
Bà Phú Tịnh hắng giọng:
− Sáng nay Nguyễn bận việc nên không thể đi đón con được.
Triệu Phong giọng quan tâm:
− Nó đã tu tỉnh làm việc chưa, hay là vẫn lông bông đàn đúm với những kẻ không ra gì làm khổ tâm nội.
Bà Phú Tịnh gượng cười:
− Không sao, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Hạ Quỳnh cùng mọi người ra xe. Cô cùng Triệu Phong được sắp xếp lên cùng một chuyến xe với bà Phú Tịnh.
Thật lịch sự, Triệu Phong mở cửa xe:
− Mời nội, mời Hạ Quỳnh.
Hạ Quỳnh ngồi cạnh chú tài xế, Triệu Phong và bà Phú Tịnh ngồi ở băng ghế sau. Tâm trạng cô thoải mái, dễ chịu. Một cuộc đón tiếp tưng bừng dù sao cũng vẫn thú vị hơn là một cuộc đón đưa không kèn không trống và mệt bở hơi tai với… chiếc bảng ghi hai chữ: “Đăng Nguyễn” và bó hồng tơi tả.
Ngồi hàn huyên với bà Phú Tịnh được một lúc, Triệu Phong hỏi vọng lên:
− Hạ Quỳnh ở đâu, để tôi bảo chú tài xế chở cô về nhà.
Cô quay lại, giọng dễ thương:
− Tôi đang ở nhờ nhà… bà giám đốc.
Không hiểu được câu trả lời của cô, anh trầm giọng:
− Thế bà giám đốc ấy ở đâu?
Câu hỏi của anh khiến chú tài xế bật cười, Triệu Phong ngạc nhiên:
− Sao chú lại cười?
Bà Phú Tịnh giải thích:
− Hạ Quỳnh đang ở tại ngôi nhà của ta. Ta dành cho nó một căn phòng ở sau vườn.
Triệu Phong gật gù:
− Con đoán là nội rất quý Hạ Quỳnh nên mới làm như thế.
Vẻ mặt lạnh như kem, bà Phú Tịnh so vai phán:
− Hạ Quỳnh không là gì cả. Ta chỉ quý trọng công việc.
Câu trả lời nhát gừng của bà khiến không khí trên xe chùng hẳn. Triệu Phong đỡ lời:
− Có lẽ Hạ Quỳnh rất xông xáo với công việc, phải không nội?
Bà Phú Tịnh phán:
− Chưa có ai làm cho ta hài lòng trong công việc cả. Ngay cả Nguyễn cũng thế. ta kỳ vọng vào Nguyễn nhưng nó như một con ngựa chứng không cương. Ta đến mệt mỏi với nó.
Triệu Phong trầm giọng:
− Nội cũng không nên suy nghĩ nhiều về Nguyễn nữa, dù sao nó cũng trưởng thành rồi.
Bà Phú Tịnh nhếch môi:
− Giá như Nguyễn cũng khôn ngoan chín chắn như con thì ta hạnh phúc biết mấy.
Triệu Phong quàng tay lên vai bà thân mật:
− Trưa nay nội đãi con những món gì?
Bà Phú Tịnh mỉm cười:
− Con đoán thử xem.
Triệu Phong cười lớn:
− Thế nào cũng có món thịt ba sợi kho cốt dừa, phải không nội. Đó là món ăn con thích nhất.
Bà Phú Tịnh nhướn mày:
− Không chỉ vậy, còn có món gỏi cá, cá lóc kho tộ và thịt bò nấu canh khế.
Triệu Phong vui vẻ:
− Nội nhớ toàn những món ruột của con. Mới nghe nội kể mà con đã đói bụng, muốn xe mau đến nhà rồi…
o0o
Bữa cơm thật thịnh soạn nhưng chỉ có bà Phú Tịnh và Triệu Phong.
Gắp thức ăn cho anh, bà Phú Tịnh giọng quan tâm:
− Cố ăn nhiều nghe con.
Triệu Phong chống đũa nhìn chén cơm hầu vẫn còn nguyên của bà:
− Sao nội ăn ít thế?
Vẫn đưa mắt nhìn ra cửa, bà Phú Tịnh hắng giọng:
− Ta không thấy đói lắm.
Triệu Phong tặc lưỡi:
− Con đoán là nội đang ngóng thằng Nguyễn. Vì nó không về ăn cơm nên nội cũng không muốn ăn chứ gì?
Bà Phú Tịnh thở dài:
− Đúng là như thế.
Triệu Phong lắc đầu:
− Nội nên lo cho sức khỏe của mình thì hay hơn. Không ăn cơm ở nhà, nó cũng biết tấp vào quán xá để ăn, hơi sức đâu nội lo cho nó.
Bà Phú Tịnh khàn giọng:
− Không lo cho nó và con thì ta còn lo cho ai.
Triệu Phong nhíu mày:
− Nguyễn có hay bỏ cơm như thế này không? Hay là nó cố tình tránh mặt con?
Bà Phú Tịnh xua tay:
− Sao con lại nghĩ thế, Nguyễn và con có gì xích mích đâu.
Triệu Phong so vai:
− Con biết là Nguyễn đố kỵ với con.
Bà Phú Tịnh kêu lên:
− Không, con đừng nghĩ như thế.
Triệu Phong trầm giọng:
− Cho dù Nguyễn như thế nào với con thì con vẫn bỏ qua cho nó. Nó không đáng để con phải bận tâm chấp trách.
Bà Phú Tịnh nhắc:
− Con ăn thêm nữa đi!
Triệu Phong buông đũa:
− Nội cứ bần thần như thế, con ăn sao vô.
Bà Phú Tịnh gượng cười:
− Thôi thì ta cố gắng ăn thật nhiều cho con vui…
Nguyễn về nhà lúc bà Phú Tịnh và Triệu Phong đang ngồi uống nước trong phòng khách. Chào bà nội và Triệu Phong một cách lạnh nhạt, anh định đi thẳng lên lầu nhưng Triệu Phong đã gọi giật ngược:
− Nguyễn!
Nguyễn quay lại, vẻ mặt thờ ơ:
− Có chuyện gì không?
Triệu Phong nhướn mắt:
− Tôi muốn nói chuyện với cậu.
Nguyễn nhún vai:
− Tôi bận, khi khác được không?
Triệu Phong chăm chú nhìn Nguyễn:
− Không lẽ sau ba năm xa cách, cậu không thể dành cho tôi mấy phút?
Nguyễn lẳng lặng đi đến ghế ngồi. Anh bật Zippo thật điệu nghệ để mồi thuốc:
− Nào, xin mời…
Triệu Phong lắc đầu:
− Cậu vẫn như xưa, không khác mấy.
Nguyễn cười nhạt:
− Anh thấy tôi thế nào?
Triệu Phong nhún vai:
− Tôi không thích đưa ra một lời nhận xét. Điều tôi mong muốn duy nhất là cậu nên quan tâm đến nội một chút. Nội già rồi, nội cần được săn sóc. Nếu không săn sóc được nội thì ít ra cậu cũng không được làm cho nội phải phiền lòng.
− Nội phiền tôi điều gì?
Triệu Phong nhướn mày:
− Bộ cậu không hiểu là mình đã làm những gì để nội phải khổ tâm à?
Nguyễn so vai:
− Mỗi người có một cách sống. Nội kỳ vọng nhiều vào tôi làm gì để thất vọng.
− Cậu không thể lý sự như thế.
Nguyễn nhìn thẳng vào mắt Triệu Phong:
− Từ nay anh có thể săn sóc quan tâm đến nội. Chỉ một mình anh là đã quá đủ với nội rồi.
Bà Phú Tịnh xen vào:
− Thôi à… Triệu Phong…
Triệu Phong cau mày:
− Nội cứ để con và Nguyễn nói chuyện với nhau. Con không muốn Nguyễn cứ đố kỵ với con vì những chuyện không đâu.
Nguyễn nhếch môi:
− Vì sao anh bảo tôi đố kỵ với anh?
Triệu Phong so vai:
− Chỉ có ngốc mới không nhận ra điều ấy. Nhưng không sao, tôi hoàn toàn thông cảm với cậy. Nếu ở trong trường hợp của cậu, tôi cũng cảm thấy khó chịu khi thấy người khác hơn mình.
Nguyễn phá lên cười:
− Anh hơn tôi cái gì?
Triệu Phong từ tốn nói:
− Tôi thành đạt, còn cậu thì không.
Nguyễn nheo mắt:
− Anh nói xong chưa để tôi đi ngủ.
Triệu Phong giọng bất lực:
− Cậu không thể nói chuyện nghiêm túc được sao?
Xô ghế đứng dậy, vẻ mặt Nguyễn giễu cợt:
− Tôi đi ngủ. Tôi không quen nói chuyện nghiêm túc những con người thành đạt như anh.
Nhìn theo bóng Nguyễn khuất sau cánh cửa, Triệu Phong chua chát:
− Nội thấy đó, bao giờ Nguyễn cũng có thái độ gây hấn với con.
Bà Phú Tịnh thở dài:
− Ta chỉ mong anh em con hòa thuận là ta mừng.
Triệu Phong trầm giọng:
− Nội có biết vì sao Nguyễn hằn học với con không?
Bà Phú Tịnh kêu lên:
− Không, Nguyễn chỉ ngang tàng chứ không có gì đâu con.
Dựa ngửa người trên ghế, Triệu Phong khàn giọng:
− Nội không biết đó thôi. Nguyễn ganh tỵ với con vì con luôn gặp may mắn trên đường đời. Nhưng nếu nó hiểu rằng những gì con đạt được ngay hôm nay không phải ngẫu nhiên mà có được, nó phải dẹp bỏ lòng đố kỵ ấy đi. Để được đi du học, con phải miệt mài đèn sách ròng rã mấy năm trời. Còn nó, cũng ngần ấy thời gian hoang phí trong mấy vũ trường, mấy quán nhậu. Vậy mà cũng bày đặt ganh ghét, đố kỵ.
Bà Phú Tịnh thở dài:
− Con phải thông cảm cho nó.
Triệu Phong thân mật:
− Nội lúc nào cũng bênh vực nó cả.
− Ta đã la rầy nó hoài rồi.
− Nhưng Nguyễn thừa biết là nội thương nó hơn con. Nội đối xử như thế cũng không công bằng chút nào. Lẽ ra con phải là đứa cháu được nội ưu ái nhất mới phải.
Bà Phú Tịnh vẻ mặt mệt mỏi:
− Ta đi nghỉ đây.
Triệu Phong giọng băn khoăn:
− Nội không giận con đấy chứ?
Bà Phú Tịnh lắc đầu:
− Không. Một đứa cháu ngoan như con thì sao ta có thể phật ý được. Ta không có gì phải phiền trách con cả.
Triệu Phong ân cần:
− Con chúc nội ngủ ngon.
− Ta cũng chúc con ngủ nhon.
Chỉ còn một mình trong phòng, Triệu Phong đánh thượt thở dài. Tự trong thâm tâm anh vẫn biết là nội anh dành nhiều tình cảm cho Nguyễn hơn. Thật là kỳ lạ, anh không thể hiểu nổi là nội anh có thể kỳ vọng gì vào Nguyễn. Nguyễn phá phách và sống bạt mạng. Vậy mà anh chỉ là một kẻ xếp vị trí thứ hai sau Nguyễn. Điều đó thật là vô lý.
− Cô hãy phóng xe chạy the Nguyễn. Nhanh lên!
Nhận lệnh phát ra từ bà giám đốc, Hạ Quỳnh quýnh quáng hỏi:
− Cháu phải làm sao?
Bà Phú Tịnh gắt:
− Còn làm sao nữa. Hãy đi theo nó. Nếu đêm nay nó không về, ít nhất ta cũng biết là nó ngủ lại ở đâu. Nếu cô không theo kịp nó là mất dấu đấy.
Vẻ mặt giận dữ của bà giám đốc càng làm Hạ Quỳnh bối rối, cô vội vàng leo lên chiếc Chaly rồi nổ máy chạy ra cổng.
Vừa rú ga chạy như điên sau chiếc xe của Nguyễn, cô vừa than khổ. Đúng là sứ mạng… bất khả thi. Cũng may cho cô là hôm nay ông trời con chạy xe không nhanh nên dù đường phố đông người, cô cũng không mất dấu vết của anh, cứ bám theo chiếc áo ca rô xám mà chạy tới tới.
Chạy Dursley một lúc, Hạ Quỳnh chợt đứng tim vì Nguyễn phanh xe đột ngột, ngỡ là Nguyễn phát hiện ra cô. Nhưng không phải, anh dừng lại để nghe điện thoại. Hạ Quỳnh cẩn thận dừng xe cách Nguyễn đúng… một trăm mét. Một cự ly đủ xa để Nguyễn không nhìn thấy cô nhưng cũng đủ gần để cô không mất… con mồi.
Nghe xong điện thoại, Nguyễn lại phóng xe chạy. Anh không hề biết phía sau lưng anh có một cái đuôi. Cô lái xe theo anh khá vất vả, càng về tối anh chạy xe càng nhanh và đầy ngẫu hứng.
Khi xe của Nguyễn rẽ vào một ngõ hẻm, Hạ Quỳnh quýnh quáng tăng tốc. Cô thừa sức hiểu đây là thời điểm hoặc có thể vuột mất… con mồi hoặc có thể là cô sẽ bị Nguyễn phát hiện nếu cô bám theo anh quá lộ liễu. (May cho cô là cô cũng hay đọc truyện trinh thám nên cũng biết cách ứng phó kịp thời).
Cuối cùng thì Nguyễn dừng lại trước một ngôi nhà nhỏ thật dễ thương. Đứng nép người cách đó một dãy chừng mười nhà, Hạ Quỳnh hồi hộp nhìn Nguyễn nhấn chuông.
Anh không phải đợi lâu. Một người phụ nữ đứng tuổi mà Hạ Quỳnh đoán là người giúp việc ra mở cửa cho anh. Rồi Nguyễn biến mất hút vào sau cánh cửa.
Mình sẽ làm gì nhỉ?
Hạ Quỳnh nhìn đồng hồ. Cô không biết mình sẽ phải đợi Nguyễn bao lâu. Cô cũng không biết là anh gặp ai trong ngôi nhà này. một cô gái? Một chàng trai? Hay một… ông già hoặc bà già?
Chẳng lẽ cô cứ đứng mãi ở trong ngõ hẻm này để chờ Nguyễn thì vô lý quá.
Tặc lưỡi, Hạ Quỳnh ghé vào một quán cóc gần với ngôi nhà Nguyễn vừa đi vào. Ơû đó, cô vừa nhìn thấy có những món quà vặt khá hấp dẫn có thể giúp cô ngồi đợi Nguyễn mà không thấy chán.
Bà chủ quán hồn hậu hỏi:
− Cô mua gì?
Hạ Quỳnh ngồi xuống ghế, giọng hiền lành:
− Cho cháu một dĩa xoài dầm.
Vừa nhẩn nha gặm xoài, Hạ Quỳnh vừa quan sát ngôi nhà… của Nguyễn.
Đó là một ngôi nhà không sang trọng nhưng xinh xắn. Phía trước sân có trồng những luống hoa cúc vàng. Một cây mận đang nở hoa trắng xóa và mấy cây trạng nguyên xanh ngắt khiến ngôi nhà có vẻ hay hay, dễ thương.
Bà chủ quán bắt chuyện:
− Hình như cô không phải là người ở đây?
Hạ Quỳnh mỉm cười:
− Sao dì đoán như thế?
Bà chủ quán cười vui vẻ:
− Vì tôi thấy cô lạ lạ.
Hạ Quỳnh mở to mắt:
− Dì có biết hết những người sống trong ngõ hẻm này không?
− Không biết hết, nhưng tôi cũng quen một số người.
Nhìn bà chủ quán, Hạ Quỳnh thăm dò:
− Dì có biết những người ở trong ngôi nhà có cây mận trước ngõ không?
Bà chủ quán sôi nổi:
− Nhà cô Trà My đấy.
− Họ được bao nhiêu người vậy dì?
− Trong nhà chỉ có cô Trà My và bà giúp việc thôi.
Hạ Quỳnh hỏi ngay:
− Trà My làm gì, dì có biết không?
− Cô Trà My đang dạy học ở một trường cấp ba…
Hạ Quỳnh khá bất ngờ. Cô không nghĩ là Nguyễn lại quen một cô gái làm nghề dạy học. Bạn gái của Nguyễn ít ra cũng phải tương đương một Đài Trang dữ dội. Sao lại là một cô giáo nhỉ?
Chưa kịp hỏi gì thêm, Hạ Quỳnh mới giật thót người khi nghe tiếng cửa cổng nhà Trà My mở. Nguyễn dắt xe ra, sau lưng anh là một cô gái thật đẹp.
Bà chủ quán kêu lên:
− Trà My đó. Đẹp quá phải không cô, vừa đẹp người đẹp nết. Cô Trà My hiền lắm đó.
Nguyễn phóng xe chở Trà My đi được mấy phút, Hạ Quỳnh mới sực tỉnh. Lật đật trả tiền cho bà chủ quán, cô vội nổ máy chiếc Cha ly để bám theo Nguyễn.
Lạ lùng nhỉ, sao một cô gái đẹp và hiền như Trà My lại yêu Nguyễn? Nếu bà giám đốc của cô biết chuyện này, không biết bà sẽ vui đến thế nào. Mà tại sao một anh chàng… trời ơi đất hỡi như Nguyễn lại yêu một cô gái như Trà My? Mà họ có yêu nhau không nhỉ? Hay chỉ là bạn thôi?
Căng mắt nhìn theo chiếc xe của Nguyễn, Hạ Quỳnh thở phào nhẹ nhõm khi thấy anh và Trà My ghé đến một quán cà phê vườn nằm trên một con đường yên tĩnh.
Trời tối, nên Hạ Quỳnh cũng không sợ Nguyễn phát hiện ra cô.
Nhưng để cho chắc ăn, cô chọn một chiếc bàn bên cạnh họ nằm khuất sau câu dừa nước.
− Trà My uống gì?
Giọng Nguyễn dịu dàng đến nỗi Hạ Quỳnh suýt phì cười.
Aø, thì ra đàn ông là thế! Nếu Trà My biết được hàng ngày anh nói với mọi người bằng thứ âm thanh cao ngạo và phách lối, không biết Trà My sẽ nghĩ sao về Nguyễn.
Trà My nhỏ nhẹ:
− Em uống chanh Rhum.
Hạ Quỳnh lí nhí gọi một ly sữa tươi. Cô thường khoái nhâm nhi sữa vào buổi tối. Chợt Hạ Quỳnh vui vui với ý nghĩ, với một đứa con gái nhà nhgèo như cô làm gì cũng… tính toán. Sữa tươi là thức uống cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, đó là chưa kể đến công dụng… làm đẹp da mặt và nuôi dưỡng tóc. Mà mình có bao giờ chú ý đến chuyện làm đẹp đâu nhỉ. Suy nghĩ tếu táo cho vui, thế thôi…
Nghĩ ngợi mông lông một hồi, cô ngửa mặt nhìn lên trời đếm những vì sao nhỏ đang nhấp nháy. Đó là cách giết thời giờ tốt nhất của cô vì cô đoán là Nguyễn và Trà My sẽ còn ngồi đây khá lâu. (những đôi tình nhân thì có bao giờ ý niệm về thời gian đâu).
Một khoảng im lặng… Hạ Quỳnh tò mò liếc qua bàn của Nguyễn. Cô đỏ bừng mặt khi thấy Nguyễn và Trà My chụm sát đầu vào nhau, họ nói chuyện rất khẽ nên cô không nghe rõ họ đang nói gì.
Mình đúng là một con nhỏ vô duyên. Hạ Quỳnh thở hắt một cái. Lẽ ra cô phải từ chối… sứ mạng này mới phải. Sao cô lại không đủ dũng khí để chống lại lệnh của bà giám đốc nhỉ. Trời ạ! Nếu hai người ngẫu hứng hôn nhau coi bộ chết cô quá.
Nhấp một ngụm sữa lạnh, Hạ Quỳnh liếc nhìn đồng hồ. Chừng nào đôi tình nhân mới chịu chia tay nhau đây. Rồi sau đó cô không biết Nguyễn có chịu về nhà chưa, hay là lại lang thang… đến sáng!
Trà My quả là một cô gái rất đẹp. Mái tóc dài ngang thắt lưng ôm lấy bờ vai mềm mại. Đôi mắt to đen thông minh. Đôi môi đầy gợi cảm. Đúng là một cô gái hoàn hảo. Hạ Quỳnh thầm nhận xét. Chợt cô tiếc cho Trà My. Không biết Trà My có biết rõ về Nguyễn không. Coi bộ là không biết quá, nếu không chắc Trà My đã chạy dài…
Đôi tình nhân còn tỉ tê bên nhau bao lâu, Hạ Quỳnh không biết. Mỏi mệt, cô thiếp đi lúc nào không biết. Đến khi bị ai đó lay nhẹ vai, cô mới choàng tỉnh dậy. giọng anh chàng nhân viên vang bên tai cô:
− Này em!
Hạ Quỳnh dịu mắt nhìn quanh. Bàn Nguyễn ngồi lúc này giờ… trống trơn. Không biết anh và Trà My đã bỏ về từ lúc nào.
− Họ về hồi nào vậy anh?
− Em hỏi ai?
Vừa chỉ về chỗ Nguyễn ngồi lúc nãy, Hạ Quỳnh vừa nói:
− Cái cô tóc dài ngang lưng và anh bạn của cổ.
− Họ quen em à?
Hạ Quỳnh ngượng ngùng gật đầu:
− Vâng…
− Họ về lâu lắm rồi. Mà sao bộ em hết chỗ ngủ rồi hay sao mà vào đây ngủ ngon lành thế?
Hạ Quỳnh cười gượng. Mấy hôm nay, cô thường thức khuya bên máy vi tính. Vào đây trăng thanh gió mát khung cảnh hữu tình, nếu cô không bị ngủ gật mới là chuyện lạ.
Đón cô ở phòng khách với vẻ mặt nghiêm nghị, bà Phú Tịnh chất vấn:
− Sao giờ này cô mới về?
Hạ Quỳnh cười cầu tài:
− Cháu vừa lái xe chạy theo anh Nguyễn.
Bà Phú Tịnh nhướn mày:
− Nó đâu rồi?
Hạ Quỳnh gãi đầu:
− Dạ, đang còn… ngồi ở nhà người bạn.
− Bạn gái à? Ai thế?
Hạ Quỳnh lúng túng:
− Dạ, không… bạn trai.
− Thật không?
Vẻ mặt đầy nghi hoặc của bà Phú Tịnh làm Hạ Quỳnh hơi hoảng, cô vội… bổ sung bằng trí tưởng tượng:
− Dạ, vừa nam vừa nữ… Nói tóm lại là anh Nguyễn chơi với một nhóm bạn. Họ đang… đàn hát với nhau… vui lắm. Có lẽ chỉ một lát nữa anh Nguyễn sẽ về nhà thôi.
Bà Phú Tịnh gằn giọng:
− Vậy tại sao cô không đi theo nó đến cùng. Nếu tối nay nó không về nhà, ta biết tìm nó ở đâu.
Hạ Quỳnh ngắc ngứ. Cô đoán lúc này Nguyễn đang có mặt tại nhà Trà My. Lúc nãy, từ quán cà phê cô định ghé nhà Trà My để… đón lõng Nguyễn, nhưng nghĩ sao cô lại tót về nhà nên giờ đây mới bị bà giám đốc tra gạn mà không biết trả lời sao nghe cho lọt tai.
Giọng cô yếu xìu:
− Cháu… đảm bảo với bà là trước sau gì anh Nguyễn cũng về nhà.
Bà Phú Tịnh nhướn mày:
− Thật không?
− Dạ thật.
− Nếu Nguyễn không về nhà? Cô có dám đi tìm Nguyễn về đây cho ta không?
Cô bặm môi:
− Dạ…
Bà Phú Tịnh hỏi dồn:
− Cô đi tìm chứ?
Hạ Quỳnh như hụt hơi:
− Dạ, cháu sẽ đi tìm…
Bà Phú Tịnh phán:
− Tốt lắm, cô là một người hết sức nhiện thành với công việc.
Hạ Quỳnh chớp mi:
− Dạ… không có gì đâu.
Liếc Hạ Quỳnh một cái, bà Phú Tịnh khàn giọng:
− Lúc cô đi về nhà, Nguyễn vẫn còn… đàn hát với nhóm bạn của nó chứ?
Hạ Quỳnh vội gật đầu:
− Vâng…
− Cách đây khoảng bao nhiêu phút?
− Dạ, khoảng mười lăm phút.
− Cô có chắc không?
Hạ Quỳnh hùng hồn:
− Tối nay cháu theo anh Nguyễn không rời nửa bước.
Bà Phú Tịnh cười nhạo:
− Cô đã hoàn thành rất tốt công việc mà ta giao phó. Rất tốt!
Hạ Quỳnh bối rối nhìn bà Phú Tịnh. Vẻ mặt chế giễu của bà làm cô lạnh lưng. Có… ngốc mới không hiểu được đã có một trục trặc gì đó.
Bà Phú Tịnh phán:
− Ta nói cho cô biết, Nguyễn đang ngủ trên lầu! Nó về nhà hơn nửa tiếng rồi cô mới… bò về nhà, hay thật.
Hạ Quỳnh cúi gằm mặt. Tình huống này cô không nghĩ tới. Thế mà cô cứ ngỡ giờ này Nguyễn đang ở nhà của Trà My và họ đang còn bịn rịn bên nhau.
Giọng cô hiền lành:
− Cháu xin lỗi bà.
Bà Phú Tịnh cười nhạt:
− Tại sao cô lừa dối ta? Lại còn ba hoa rằng Nguyễn đang… đàn hát với một lũ bạn của nó. Thật là kinh khủng.
Hạ Quỳnh vẻ mặt khổ sở:
− Cháu không cố ý.
Bà Phú Tịnh nhướn mày:
− Thế tối nay cô đi đâu?
Hạ Quỳnh vội nói:
− Dạ, cháu phóng xe theo anh Nguyễn.
Giọng bà Phú Tịnh giận dữ:
− Thế đấy, cô còn định nói dối những gì nữa. Ngần ấy vẫn chưa đủ với cô sao?
Hạ Quỳnh cụp mi nhìn xuống đất:
− Thưa bà, cháu không nói dối. Thật tình là cháu có đi theo anh Nguyễn nhưng cháu lại… ngủ quên trong quán cà phê. Chừng tỉnh dậy thì anh Nguyễn đã… đi đâu mất.
Xoay người lại nhìn Hạ Quỳnh, bà Phú Tịnh kêu lên:
− Cô vừa nói cái gì?
− Dạ… cháu ngủ gật trong lúc chờ anh Nguyễn. Vì thế, cháu không biết anh Nguyễn đã rời khỏi quán từ lúc nào.
Bà Phú Tịnh chỉ còn biết buông gọn:
− Quá giỏi!
Hạ Quỳnh ngớ lơ ra vườn cây. Ơû đó, cô nhìn thấy những nhìn bông nguyệt quế trắng muốt thật dễ thương đang tắm trăng.
− Cô đi ra vườn với ta.
Không đợi bà Phú Tịnh giục tới lần thứ hai, Hạ Quỳnh lót tót đi theo bà. Cô thấy mình đúng là một con bé hậu đậu. Nếu tối nay bà Phú Tịnh la cô thì cũng không có gì là oan cho cô cả. Cũng may là bà không đến nỗi giận cô lắm.
Dưới án trăng, những bông hoa nguyệt quế dịu dàng nép vào những chiếc lá xanh ngăn ngắt. Ngắt vội một nụ hoa đưa lên mũi, Hạ Quỳnh hít thật mạnh hương thơm. Chợt nhớ hôm trước có lần đã bị bà Phú Tịnh la vì cái cách thưởng ngoạn hoa, Hạ Quỳnh vội… phanh ngay lập tức.
Nhìn cô với vẻ giễu cợt, bà Phú Tịnh nhận xét:
− Lạ thật, ta thấy cô chẳng trưởng thành một chút nào.
Hạ Quỳnh chớp mi:
− Cháu… quên.
Bà Phú Tịnh phán:
− Có lẽ chẳng có một tên đàn ông nào dám yêu một cô gái như cô.
Hạ Quỳnh giọng cam phận:
− Vâng…
Bà Phú Tịnh khẽ nheo mắt:
− Cô đã có người yêu chưa?
Hạ Quỳnh nhỏ nhẹ:
− Thưa, chưa…
Bà Phú Tịnh vẻ mặt đắc thắng:
− Ta biết, suy nghĩ của ta là đúng.
Chợt bà lại hỏi:
− Có bao giờ cô mơ tưởng về một người đàn ông của mình chưa?
Hạ Quỳnh mở to mắt:
− Thưa… không. Nhưng để làm gì ạ?
Bà Phú Tịnh lắc đầu cười. Thế đấy, Hạ Quỳnh luôn ngớ ngẩn. Trong công việc, cô xuất sắc bao nhiêu thì trong cuộc sống cô lại lãng đãng bấy nhiêu.
Bà cao giọng:
− Cô hết sức trẻ con.
Chỉ vào chiếc ghế đá đặt ở trong vườn, bà Phú Tịnh bảo:
− Cô ngồi xuống đây.
Hạ Quỳnh rụt rè làm theo lời bà. Cô cảm thấy buồn ngủ ghê gớm nhưng không dám nói. Cô ước gì mình có thể trở về căn phòng nhỏ, nằm ngả người thoải mái trên tấm nệm, nghe mùi thơm của cỏ đưa qua cửa sổ.
Bà Phú Tịnh im lặng ngắm bụi tường vi trước mặt. Dạo này bà thường khó ngủ, những khoảng khắc ngắm hoa trong vườn hoặc nói những câu chuyện không đầu không đuôi với Hạ Quỳnh là những giây phút dễ chịu với bà. Không chỉ thế, bà còn có nỗi niềm riêng. Nhưng vốn là một phụ nữ mạnh mẽ, bà Phú Tịnh không bao giờ để người khác đọc được tâm trạng của mình.
Xoay người lại nhìn Hạ Quỳnh, giọng bà khàn khàn:
− Cô sợ ta lắm, phải không?
Hạ Quỳnh bối rối:
− Thưa… cháu…
Bà Phú Tịnh so vai:
− Ta cũng không buộc cô phải nói thật những suy nghĩ của mình đâu, nếu cô sợ.
Ngừng lại một lát, bà lại hỏi:
− Cô nghĩ gì về ta?
Hạ Quỳnh chân thành:
− Thưa, bà là một con người của công việc.
Giọng bà Phú Tịnh lạnh băng:
− Nếu cô và những người cộng sự của ta biết vậy thì tốt. Điều đó sẽ giúp cô và mọi người biết phải xử sự như thế nào. Với ta, công việc là trên hết. Ta chúa ghét những kẻ làm công ty trì trệ…
Ngừng một lát, vẻ mặt trầm ngâm của bà Phú Tịnh tiếp:
− Đăng Nguyễn là cháu ta nhưng nó là một ngoại lệ mà ta không thể làm thay đổi khác đi được. Giá Nguyễn cũng như Triệu Phong thì ta hạnh phúc biết mấy. Triệu Phong có đủ tố chất của một giám đốc tương lai. Khôn ngoan, thông minh và chín chắn. Còn Nguyễn, ta kỳ vọng vào nó bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu.
Tiếng thở hắt rất nhẹ của cô khiến bà Phú Tịnh quan tâm:
− Sáng nay, hình như cô đã làm cho Nguyễn bực mình. Ta nghe tiếng quát tháo của nó trong phòng làm việc của cô?
Hạ Quỳnh gượng cười:
− Thưa, chỉ là một chuyện hiểu lầm nho nhỏ.
− Chuyện gì thế?
− Dạ, cháu vô tình làm Đài Trang và anh Nguyễn giận nhau.
− Đài Trang? Đó có phải là con nhỏ tóc nhuộm vàng không?
− Dạ…
Bà Phú Tịnh phán:
− Bạn gái của nó, ta chẳng thấy được mắt đứa nào.
Chợt nhớ ra, bà vội hỏi:
− Tối hôm nay, Nguyễn lại đi chơi với con nhỏ nhuộm tóc vàng ấy chứ gì?
Hạ Quỳnh như tỉnh ngủ hẳn:
− Thưa, không phải… Tối nay anh Nguyễn đi chơi với Trà My.
Bà Phú Tịnh đánh thượt thở dài:
− Lại một con nhỏ quậy phá khác.
Hạ Quỳnh sôi nổi:
− Không, thưa bà. Trà My là một cô giáo cấp ba, vừa xinh đẹp vừa đoan trang thùy mị.
Ngỡ mình nghe lầm, bà Phú Tịnh kêu lên:
− Cái gì?
Hạ Quỳnh nói một hơi:
− Nếu bà gặp Trà My, bà sẽ thấy đó là một cô gái làm nghề dạy học hết sức dễ thương và hiền dịu, bà không thể không có cảm tình.
Bà Phú Tịnh quát khẽ:
− Cô đừng có đùa.
Hạ Quỳnh giọng lễ độ:
− Thưa bà, cháu không bao giờ dám đùa. Suốt buổi tối hôm nay, cháu đã điều tra về Trà My rất kỹ. Cháu đã theo dõi họ đến mấy tiếng đồng hồ…
Vẻ mặt của Hạ Quỳnh chân thành đến mức làm bà Phú Tịnh phải bị thuyết phục:
− Thôi, ta tin cô… Những gì cô vừa nói làm ta lạ lùng hết sức. Hơn ai hết, ta hiểu được thằng cháu bất trị của ta. Nguyễn chỉ thích cặp bồ với những cô gái quậy phá tưng bừng. Nó chưa từng yêu ai nghiêm túc cả… Hay là nó đang có ý định tiến đến chuyện hôn nhân nhỉ. Ta hiểu, đàn ông là thế: có thể yêu lung tung đủ hạng người nhưng đến khi cưới vợ phải là một cô con gái nhà lành.
Vẻ mặt rạng rỡ của bà Phú Tịnh khiến Hạ Quỳnh vui lây, cô mỉm cười với bà nhưng hai mắt thì lại bắt đầu ríu lại.
Bà Phú Tịnh giọng phấn chấn:
− Cô buồn ngủ lắm phải không? Hãy đi ngủ đi. Ngày mai ta sẽ nói chuyện với Nguyễn…
o0o
Gác chân trên bàn, Nguyễn lặng lẽ nhả từng ngụm khói thuốc.
Có tiếng gõ cửa. Rồi sau đó là Hạ Quỳnh bước vào. Trên tay cô là tập hồ sơ.
Giọng cô nhỏ nhẹ:
− Anh nhận giùm công văn của giám đốc.
Vẫn không bỏ chân xuống, Nguyễn nhát gừng:
− Thả xuống bàn đi!
Hạ Quỳnh giận tràn hông. Đúng là một tên đàn ông bất lịch sự. Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn có thái độ như thế với cô. Giọng cô ấm ức:
− Rất tiếc là tôi không phân biệt được đâu là… bàn và đâu là ghế nữa.
Nguyễn nheo mắt nhìn cô:
− Cô sao thế?
Hạ Quỳnh hếch cao mũi:
− Ít ra anh cũng biết là nên… hạ cái chân xuống, để tôi biết đó có phải là cái bàn hay không.
Nguyễn cười khiêu khích:
− Cứ xem nó là một cái ghế đi.
Hạ Quỳnh lườm Nguyễn một cái. Cô ớn nhất mỗi lần vào phòng làm việc của anh. Thật không ra làm sao cả. Phòng thì bề bộn. Không hiểu bà giám đốc của anh còn kỳ vọng gì vào một anh chàng thích quậy phá như Nguyễn để giao cho chức vụ trưởng phòng kinh doanh.
Vẻ mặt ngạo mạn, Nguyễn chăm chú nhìn cô. Cái nhìn sắc sảo của anh như xuyên suốt ý nghĩ của cô. Giọng anh chế nhạo:
− Cô đang nghĩ gì thế?
Hạ Quỳnh cong môi:
− Có lẽ anh đã đoán biết tôi đang nghĩ gì rồi.
Nguyễn hất hàm:
− Hãy ném mấy tờ công văn xuống bất cứ chỗ nào cô thích, rồi đi ra.
Hạ Quỳnh khiêu khích:
− Chẳng lẽ anh dị ứng với những suy nghĩ của tôi về anh nên nổi nóng.
Nguyễn nheo mắt:
− Cô chỉ là một chú ngựa non háu đá.
Hạ Quỳnh bặm môi:
− Điều quan trọng là chú ngựa non ấy có đá trúng đích hay không.
Nguyễn vùng đứng dậy. Hạ Quỳnh chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì anh đã giật phắt mấy tờ công văn trên tay cô, búng thật đau vào mũi của cô rồi đẩy cô ra cửa.
Rầm…
Cánh cửa đóng sập lại. Hạ Quỳnh đứng bên ngoài với một núi ấm ức. Đúng là một tên đàn ông khiếm nhã. Suýt nữa cô đã khóc nếu Triệu Phong không đi qua.
Nhìn thấy vẻ mặt khác thường của cô, anh ân cần hỏi:
− Có gì không, Hạ Quỳnh?
Cô bối rối:
− Ơ… không…
− Vào phòng làm việc của tôi đi. tôi cũng đang muốn trao đổi với Hạ Quỳnh một số vấn đề.
Hạ Quỳnh cùng Triệu Phong đi vào phòng làm việc của anh. Khác với phòng của Nguyễn, đây là một căn phòng lịch sự. Mùi nước hoa trong phòng thơm ngát, mọi thứ đều được bày biện thật ngăn nắp trật tự. Trên bệ cửa sổ là một giỏ hoa loa kèn màu trắng thật dễ thương.
Giọng Triệu Phong ân cần:
− Hạ Quỳnh ngồi xuống đi.
Cô ngồi xuống ghế sô pha, đưa mắt quan sát quanh phòng một lượt. Đây không phải là lần đầu tiên cô vào phòng làm việc của anh. Nhưng những lần trước, khi nào cũng vội vàng với công việc nên cô không có dịp ngắm nhìn thật tỉ mỉ cách bài trí trong phòng Triệu Phong.
Anh mỉm cười thật nhã nhặn:
− Hạ Quỳnh uống gì?
Cô hiền lành:
− Cám ơn, tôi không khát.
Triệu Phong nhẹ nhàng bảo:
− Hạ Quỳnh khách sáo quá.
Cô nguẩy đầu:
− Đâu có.
Triệu Phong cười thành tiếng:
− Có đấy. Hạ Quỳnh khách sáo kinh khủng.
Cô tròn mắt:
− Vậy sao?
Anh hắng giọng:
− Hôm trước, Hạ Quỳnh đã từ chối đi về cùng với tôi.
Cô cười thật dễ thương:
− Tại chiếc xe sửa cũng gần xong.
Triệu Phong trầm giọng:
− Hôm đó xe Hạ Quỳnh bị cán phải đinh à?
Cô chớp mi:
− Dạ…
Anh mỉm cười:
− Hạ Quỳnh có biết là mình rất lạ không?
Cô ngơ ngác:
− Sao cơ?
Triệu Phong:
− Có lúc Hạ Quỳnh hiền như một con mèo nhỏ, có lúc lại đáo để đến mức không thể tưởng tượng nổi.
Cô bặm môi:
− Thế sao?
Anh gật đầu:
− Có mấy lần tôi bắt gặp Hạ Quỳnh gây gổ với Nguyễn, những lúc ấy nhìn Hạ Quỳnh thật mạnh mẽ, ấn tượng.
Cô đỏ mặt:
− Tôi đâu dám gây sự với anh Nguyễn. Dù gì anh Nguyễn cũng là cháu của bà giám đốc.
Triệu Phong cười nhẹ:
− Tôi không trách Hạ Quỳnh về chuyện đó đâu. Tính cách của Nguyễn thường khiến người ta nổi giận, nếu Hạ Quỳnh không nổi giận với Nguyễn mới là chuyện lạ.
Hạ Quỳnh bặm môi cười, ít ra cô cũng có đồng minh trong chuyện của Nguyễn.
Triệu Phong hạ thấp giọng:
− Hạ Quỳnh có biết là tôi muốn gặp Hạ Quỳnh để nói chuyện gì không?
Cô thẳng thắn:
− Tôi không biết.
Triệu Phong nói chậm rãi:
− Tôi muốn bàn với Hạ Quỳnh về kế hoạch phát triển của công ty.
Cô phát hoảng:
− Trời đất! Tôi có biết gì đâu.
Triệu Phong trách nhẹ:
− Hạ Quỳnh lại khách sáo nữa rồi.
Cô nói một hơi:
− Tôi có biết gì đâu. Tôi chỉ là một nhân viên quèn, suốt ngày thảo công văn cho giám đốc.
Triệu Phong hắng giọng:
− Tôi không nghĩ như thế. Không phải đơn giản mà nội tôi tin cẩn Hạ Quỳnh và thường chia sẻ với Hạ Quỳnh những điều quan trọng. Hạ Quỳnh là một cô gái thông minh, có tính cách. Tôi nghĩ Hạ Quỳnh sẽ đóng góp cho tôi những ý kiến xác đáng nhất trong việc phát triển công ty.
Cô nói như hụt hơi:
− Đó là một vấn đề hết sức quan trọng. Anh có thể trao đổi với bà giám đốc, với anh Nguyễn…
Triệu Phong nhếch môi:
− Với Nguyễn à? Hạ Quỳnh có thể hiểu được kết quả như thế nào rồi. Nguyễn có bao giờ là người của công việc đâu. Còn với nội tôi, bộ Hạ Quỳnh không hiểu là bà đã không còn thích hợp cương vị lãnh đạo công ty nữa à. Nội tôi đã già, mọi suy nghĩ của bà dường như đã bắt đầu cũ kỹ rồi, lỗi thời trong cơn lốc của thị trường.
Hạ Quỳnh kêu lên:
− Bà giám đốc là một người rất tài giỏi.
Triệu Phong nhướn mày:
− Điều đó chỉ đúng với thời gian cách đây khoảng chục năm!
Hạ Quỳnh khàn giọng:
− Không. Như anh thấy đó, công ty của bà vẫn là một công ty lớn chiếm đa số thị phần trên thương trường.
Triệu Phong nhận xét:
− Hạ Quỳnh đã để tình cảm chiếm quá nhiều khi nhận xét về hiệu quả công việc của nội tôi. Thật ra thì mọi chuyện không khả quan đến thế đâu. Cách đây mấy năm trước khi đi du học ở Pháp tôi cũng đã từng nghĩ như Hạ Quỳnh thế. Nhưng nay thì đã khác, tôi không thể nào chịu đựng nổi khi nhìn thấy cách điều hành lạc hậu của nội tôi và những dấu hiệu trì trệ của công ty.
Hạ Quỳnh mở to mắt nhìn Triệu Phong. Cô không suy nghĩ như anh nhưng dù muốn hay không thì những lời nói của anh cũng ít nhiều tác động đến cô.
Triệu Phong trầm giọng:
− Nội tôi có ý định đưa tôi thay bà làm giám đốc quán xuyến công ty.
Hạ Quỳnh chân thành:
− Chúc mừng anh.
Triệu Phong phán:
− Sóng trường giang lớp sau xô lớp trước. Công ty sẽ hùng mạnh hơn nhiều với những thay đổi táo bạo của tôi.
Hạ Quỳnh chớp mi. cô không biết công ty sẽ hùng mạnh cỡ nào, chỉ biết là một nỗi buồn nhẹ nhàng len lỏi vào tim cô rồi đây khi bà Phú Tịnh giã từ thương trường. Dù bà độc đoán và khe khắt bao nhiêu, cô cũng chưa hề oán ghét bà. Với bà, cô chỉ có lòng khâm phục.
Triệu Phong hắng giọng:
− Giờ thì Hạ Quỳnh có thể cùng với tôi bàn về chuyện phát triển công ty rồi chứ?
Cô đan những ngón tay thanh mảnh vào nhau, ngập ngừng:
− Cám ơn anh đã tin tôi, nhưng thú thật là tôi không biết phải nói gì.
Triệu Phong gật gù:
− Tôi biết là Hạ Quỳnh e ngại. Nhưng không sao, chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong một dịp khác.
Nhíu mày, anh nói tiếp:
− Chuyện tôi vừa nói với Quỳnh, Quỳnh hãy giữ kín không nói với ai. Tạm thời, xem như Hạ Quỳnh chưa biết gì về quyết định của nội tôi. Đồng ý chứ…
Cô dạ nhỏ, lòng bân khuâng khi bước ra khỏi phòng làm việc của Triệu Phong…
o0o
− Cuốn tạp chí này bao nhiêu tiền, ông chủ?
Một giọng nói thật dịu dàng vang lên sau lưng Hạ Quỳnh. Cô quay lại.
Thật không thể ngờ. Cô gái ấy lại là Trà My.
Giờ thì Hạ Quỳnh mới có dịp quan sát Trà My thật kỹ. So với buổi tối hôm đó, Trà My còn đẹp hơn nữa khi trang điểm rất nhẹ. Một vẻ đẹp dịu dàng mềm mại nhưng không vì thế mà mất đi vẻ đài các.
Bất chợt cô cảm thấy tội nghiệp Trà My khi nghĩ đến Nguyễn. Giá như Trà My biết được Nguyễn là một anh chàng chỉ thích phá phách không biết Trà My có còn dám yêu Nguyễn nữa không.
Bắt gặp một cô gái đang quan sátmình, Trà My nở một nụ cười. Chậm rãi đi về phía Hạ Quỳnh với cuốn tạp chí trên tay, giọng cô thân thiện:
− Xin lỗi, phải chăng chúng ta đã từng quen biết nhau?
Hạ Quỳnh ngắc ngứ:
− Em thấy chị có vẻ… quen quen.
Trà My bặm môi:
− Thế sao chị lai không nhớ là đã gặp em ở đâu.
Hạ Quỳnh đành nói đại:
− Em có… một đứa em gái đã từng học chị. Có phải chị là Trà My không?
Trà My kêu lên:
− Đúng rồi. Chị là Trà My. Em gái của em tên gì vậy?
Không cần suy nghĩ, Hạ Quỳnh tới luôn:
− Dạ… Mỹ Thu.
Trà My nhíu mày suy nghĩ. Không thể nào nhớ được có một cô học sinh nào có cái tên ấy. Cô nói giọng bối rối:
− Thông cảm cho chị nghe. Tại học sinh nhiều quá, chị không nhớ hết.
Hạ Quỳnh vội nói:
− Dạ, em biết. Thường học sinh và phụ huynh nhớ thầy cô chứ thầy cô nhớ học sinh xao xuể.
Trà My mỉm cười:
− Em cũng mua sách à?
Hạ Quỳnh gật đầu:
− Dạ…
− Cho chị gởi lời thăm cô bé học sinh của chị nghe.
− Dạ…
Nghiêng đầu nhìn cuốn sách Hạ Quỳnh đang cầm trên tay, Trà My mỉm cười:
− Em mua sách chuyên đề kinh tế hả?
Hạ Quỳnh cong môi:
− Dạ…
Trà My trầm trồ:
− Hay quá ha! Đó là một lãnh vực hoàn toàn xa lạ với chị nên cho dù có đọc có lẽ chị cũng không hiểu nổi.
Giọng Hạ Quỳnh thân thiện:
− Chị mua sách gì vậy?
Trà My cười vui vẻ:
− Sách dạy nấu ăn.
Hạ Quỳnh chớp mi:
− Sao chị mua sách dạy nấu ăn mà không mua sách nói về… tình yêu?
Trà My cười nho nhỏ:
− Liệu có cần không?
Hạ Quỳnh trầm giọng:
− Theo em nghĩ là rất cần thiết.
Trà My nhíu mày:
− Vậy sao?
Hạ Quỳnh lấp lửng:
− Nhờ đọc mấy tạp chí tình yêu, biết đâu chị sẽ biết được mình nên… chọn đối tượng nào để yêu.
Trà My chợt hỏi:
− Xin lỗi, em tên gì?
− Hạ Quỳnh…
Trà My gật gù:
− Tên em dễ thương quá. Cách nói chuyện của em cũng hay hay.
Hạ Quỳnh cười hiền:
− Em chỉ sợ chị không vui vì cách làm quen đường đột của em.
Trà My lắc đầu:
− Không. Chị rất có cảm tình với em.
Hạ Quỳnh vẫn không quên… một nhiệm vụ xuất phát từ trái tim cô, (vì vẻ đẹp dịu dàng thánh thiện của Trà My, cô không thể nào nhắm mắt để Trà My phải sa vào… cạm bẫy của Nguyễn!). Giọng cô chùng xuống:
− Chị biết không, khi yêu mình phải nên tỉnh táo một chút.
Trà My cười thú vị. Đứng trước mặt cô là một cô bé thật dễ thương, đầy tính cách nhưng có vẻ… khờ khờ. Cô không hiểu Hạ Quỳnh nói như thế với cô để làm gì.
Giọng Trà My vui vui:
− Cám ơn lời khuyên của em. Nhưng em đã yêu chưa?
Hạ Quỳnh đỏ bừng mặt:
− Dạ… chưa.
Trà My cười thành tiếng:
− Thế thì em dựa vào kinh nghiệm nào để… đúc kết thành những lời khuyên vàng ngọc cho chị?
Hạ Quỳnh cảm thấy quê quê. Cô vớt vát:
− Em… đọc sách.
Trà My so vai:
− Cám ơn em, nhưng chị chưa yêu ai. Khi nào yêu, biết đâu chị sẽ nhớ những gì em vừa nói… để đem ra áp dụng.
Hạ Quỳnh mở to mắt nhìn Trà My. Tội nghiệp Trà My, tình yêu mù quáng. Cô đã cảnh báo Trà My nhưng Trà My vẫn không nghe, coi bộ tình cảm của cô ta với Nguyễn đã sâu đậm lắm rồi.
Giọng Trà My nhỏ nhẹ:
− Chào em nhé, Hạ Quỳnh…
Hạ Quỳnh dạ nhỏ. Cô nhìn theo Trà My cho đến lúc chiếc Su màu xanh của Trà My mất hút trong dòng người…
o0o
Đang tưới nước cho bồn cỏ trong sân, Hạ Quỳnh chợt nghe thấy tiếng chuông gọi cửa. Cô xăng xái bảo với bác gác dan:
− Để cháu mở cửa cho.
Hạ Quỳnh vội đi ra cổng. Đẩy cánh cửa sắt chạy trên đường ray, Hạ Quỳnh không giấu được ngạc nhiên khi đứng trước mặt cô là một Đài Trang nhìn thật cuốn mắt. Chiếc váy ôm màu đen bó sát vòng hông gợi cảm của cô ta.
Nhún vai thật đầm, Đài Trang trịch trượng:
− Có anh Nguyễn ở nhà không?
Hạ Quỳnh cong môi:
− Tôi không biết.
Đài Trang dài giọng:
− Là người giúp việc, sao không biết?
Giận tức cành hông, Hạ Quỳnh lý sự:
− Ai bảo cô tôi là người giúp việc.
Đài Trang cười nửa miệng:
− Anh Nguyễn!
Hạ Quỳnh nguýt dài. Không biết Nguyễn có nói như thế với Đài Trang hay không, nhưng cô thừa biết là Đài Trang không bỏ lỡ cơ hội để kê tủ đứng cô sau vụ hiểu lầm Nguyễn.
Giọng cô ấm ức:
− Dù tôi là người giúp việc hay… gì gì đi nữa trong ngôi nhà này thì đâu liên quan đến cô.
Đài Trang trịch thượng:
− Vào báo với anh Nguyễn là tôi đến!
Hạ Quỳnh nổi chướng:
− Anh Nguyễn… không có ở nhà.
Đài Trang liếc xéo Hạ Quỳnh một cái rồi đùng đùng đi vào sân. Nhìn lên ô cửa tầng hai, cô réo gọi:
− Anh Nguyễn… ơi!
Gọi đến lần thứ hai thì Nguyễn xuất hiện nơi khung cửa sổ. Nhìn thấy Đài Trang, anh liền ra hiệu cho cô chờ anh một lát.
Đi xuống bên cô, khuôn mặt giận hờn của Đài Trang làm Nguyễn ngạc nhiên, anh vội hỏi:
− Sao vậy em?
Đài Trang dấm dẳng:
− Nội anh có một con nhỏ nhân viên giỏi ghê.
Nguyễn quan tâm:
− Chuyện gì thế?
Đài Trang mím môi một cái:
− Anh có dám đuổi nhân viên của nội anh không, nếu người đó làm cho em nổi giận?
Nguyễn so vai:
− Sao lại không?
Đài Trang phán:
− Con nhỏ thư ký xảnh xẹ vừa rồi cố tình không cho em gặp anh đấy. Thế anh có dám đuổi việc nó không?
Nguyễn phán:
− Nếu em thích, anh sẽ chiều theo ý của em.
Đài Trang hăm hở:
− Anh nhớ đấy nhé. Nếu anh không đuổi con nhỏ làm phách ấy, em nghỉ chơi với anh luôn.
Nguyễn mỉm cười:
− Em muốn là trời muốn. Vả lại, anh cũng không có thiện cảm với cô ta.
Cùng Nguyễn đi đến chiếc xích đu đặt trong vườn, Đài Trang cong môi:
− Có thật là anh cũng ghét con nhỏ đó không đấy?
Nguyễn nhún vai:
− Cô ta chỉ làm cho anh bực mình. Hết chuyện này tới chuyện khác.
Đài Trang nhìn Nguyễn không chớp mắt:
− Em chỉ sợ là anh nói không thật lòng thôi.
Nguyễn phì cười:
− Đừng nói với anh là cô ta đẹp đấy nhé. Anh cũng không hiểu nội anh lại thích tuyển mấy con bé nhà quê vào làm việc, lài còn đẩy lên mấy chức vụ cao ngút trời.
Đài Trang nũng nịu tựa đầu vào vai Nguyễn. Cô có đủ khôn ngoan để chấm dứt câu chuyện về Hạ Quỳnh đúng lúc. Cô không ngốc để làm cho Nguyễn phải chú ý đến Hạ Quỳnh nhiều quá.
Nguyễn hôn phớt lên môi Đài Trang:
− Bộ em không sợ nội anh hay sao mà xăm mình đến đây?
Đài Trang khúc khích:
− Sợ chứ, nhưng không lẽ nội anh ăn thịt được em.
Nguyễn nháy mắt:
− Không ăn thịt em nhưng nội anh có ánh mắt lạnh lùng đến khủng khiếp. Mấy cô bồ trước của anh đều chạy dài, không ai dám gặp nội anh đến lần thứ hai.
Đài Trang vênh mặt:
− Em đâu có giống mấy con nhỏ nhát gan đó. Biết đâu nội anh lại thích em thì sao. Hôm trước em đứng chờ anh ngoài cổng, em thấy bà nhìn em lâu lắm.
Oâm vai Đài Trang lắc nhẹ, Nguyễn cười cười:
− Nội anh rất ghét mấy cô gái nhuộm tóc vàng. Như vậy đâu có… cửa cho em.
Đài Trang chu môi:
− Từ ngày quen anh, anh cứ đem nội anh dọa em hoài nên em quyết định… đến đây đó. Để xem nội anh khó cỡ nào.
Nguyễn cười lớn:
− Anh chỉ sợ em bỏ cuộc thôi.
Đài Trang tự tin:
− Em vừa xinh đẹp, lại thạo giao tiếp. Dù nội anh có khó đến đâu cũng không thể ghét em được đâu.
Nguyễn so vai:
− Tùy em, anh chỉ là em thất vọng thôi.
Đài Trang vênh mặt lên:
− Cứ tin em đi, em sẽ… thu phục nhân tâm cho anh xem.
Giọng Nguyễn ân cần:
− Em uống gì?
Đài Trang nũng nịu:
− Cho em ly chanh tươi. Nếu có, một ly chanh muối thì tốt hơn.
Nguyễn xăng xái:
− Chờ anh một lát. Để anh gọi chị bếp pha chanh muối cho em. Nội anh cũng sắp về rồi đó.
Đài Trang đong đưa xích đu. Giọng hơi đả đớt khi Nguyễn quay lại với hai ly chanh trên tay:
− Em làm phiền anh ghê.
Nguyễn mỉm cười:
− Chanh muối. Như thế là đúng yêu cầu của em.
Thật điệu, Đài Trang uống một ngụm nước nhỏ mát lạnh. Chợt cô khẽ nhăn mặt:
− Trời đất!
Nguyễn ngạc nhiên:
− Gì thế em?
Đài Trang kêu lên:
− Đó không phải là một ly chanh muối.
Nguyễn phán:
− Chanh muối mà.
Đài Trang dài giọng:
− Một ly muối thì đúng hơn. Coi bộ… đường đắt hay sao mà pha lạt nhách. Anh uống thử coi.
Nguyễn làm theo lời cô. Giọng anh dễ dãi:
− Uống cũng… được được, có sao đâu.
Đài Trang xụ mặt:
− Em chán anh ghê. Đàn ông các anh chỉ giỏi uống rượu, nên không phân biệt được… đường và muối…
Nguyễn phì cười:
− Một ý kiến hay.
Đài Trang giận dỗi:
− Em đang khát cháy cả cổ, vậy mà anh lại đùa.
Nguyễn dỗ dành:
− Để anh nói Hạ Quỳnh cho thêm đường vào ly của em.
Đài Trang quay phắt lại nhìn Nguyễn:
− Cái gì?
Nguyễn mỉm cười:
− Thêm đường!
Đài Trang nổi giận:
− Em muốn hỏi là… cái gì mà lại… Hạ Quỳnh trong đó? Bộ lúc nãy con nhỏ đó pha chanh muối giùm anh hả?
Nguyễn so vai:
− Có gì đâu. Không có chị bếp nên anh nhờ cô ta làm giùm.
Đài Trang nhìn Nguyễn đến phát khóc:
− Tại sao lại là nó chứ?
Nguyễn đùa:
− Hạ Quỳnh không dám pha thuốc độc cho em đâu.
Hắt trọn ly nước xuống đất, Đài Trang giận dỗi:
− Hình như anh muốn chọc tức em. Em thà nhịn khát còn hơn uống một ly nước do con nhỏ thư ký phách lối ấy mang lại.
Nguyễn cười:
− Tại em quan trọng hóa mọi chuyện nên thấy to tát. Ly nước đâu phải là con người.
Đài Trang bực tức:
− Em quan trọng hóa mọi chuyện hay là anh… thích nói chuyện với con nhỏ ấy nên mới nhờ nó làm chanh muối. Bộ trong nhà anh mấy người giúp việc… chết hết hay sao mà phải sai một con nhỏ nhân viên vào bếp. Chỗ của nó đâu phải ở đó.
Nguyễn trêu:
− Phụ nữ khi nổi giận không đẹp đâu. Bộ em không sợ anh chê xấu hả?
Đài Trang vùng vằng:
− Em về!
Nguyễn vuốt má cô:
− Cho anh xin lỗi. Cho dù anh không biết mình có lỗi ở điểm nào.
Đài Trang hất tay anh:
− Em ghét anh lắm. Ngay cả chuyện xin lỗi cũng đùa.
Nguyễn hắng giọng:
− Cười lên coi. Nếu em thích, anh sẽ đích thân đi làm nước cho em, chịu chưa.
Đài Trang chu môi:
− Thôi khỏi.
− Hết giận anh chưa?
− Chừng nào anh đuổi con nhỏ thư ký đáng ghét ấy, em mới hết giận.
Nguyễn cười:
− Nếu thế, coi bộ em còn giận lâu.
Đài Trang hầm hè:
− Sao?
Nguyễn nhướn mày:
− Mọi chuyện phụ thuộc vào nội của anh.
Giọng Đài Trang thất vọng:
− Một chuyện nhỏ xíu như thế, anh đã hứa với em vậy mà cũng không làm được.
Nguyễn choàng tay lên vai cô:
− Để làm vui lòng em, anh hứa. Nhưng nội anh thường có những nguyên tắc riêng, quyết định của bà lại thất thường, nên anh không dám chắc.
Đài Trang nhìn Nguyễn với ánh mắt có chút nghi ngờ. Cô không lạ gì tính đào hoa của anh. Nhưng một con nhỏ nhà quê như Hạ Quỳnh, để làm anh si mê coi bộ cũng… hơi khó.
Chợt Nguyễn bảo:
− Nội anh về!
Đài Trang nhìn ra cổng. Một chiếc Toyota màu trắng sang trọng đang từ từ lăn bánh vào cổng. Từ trên xe bước xuống, một người phụ nữ lục tuần vẻ mặt còn tinh anh sắc sảo.
Đài Trang nói nhỏ:
− Anh đưa em vào gặp nội anh đi.
Nguyễn mỉm cười:
− Em đã chuẩn bị tinh thần chưa.
Câu hỏi của Nguyễn làm Đài Trang tự ái, cô xăng xái đứng dậy:
− Thế anh cứ ngồi đây chờ em, em vào gặp nội anh một mình.
Nguyễn nheo mắt:
− Không cần anh giới thiệu?
Đài Trang gật đầu:
− Em có đủ bản lĩnh mà anh.
Không phản đối, Nguyễn dựa ngửa người trên xích đu ngắm nhìn bầu trời. Kết quả cuộc gặp gỡ giữa Đài Trang và nội anh như thế nào cũng không làm anh quan tâm. Anh cũng đang tự hỏi là anh yêu Đài Trang đến… cỡ nào. Chợt cảm thấy mệt mỏi vì mọi thứ trong anh đều nguội lạnh…