watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bích Huyết Tẩy Ngân Thương-Hồi 01 - tác giả Cổ Long Cổ Long

Cổ Long

Hồi 01

Tác giả: Cổ Long

Trời đông lạnh buốt, tại tuyết cốc.
Băng đóng ngàn dặm, một màn trắng toát phủ cả vùng rộng lớn. Trên thảm tuyết trắng, một người hì hục đào huyệt, một cái huyệt rộng ba thước, sâu năm thước, bề dài bảy thước.
Người này tuổi còn trẻ, trông mạnh khỏe, cao lớn, anh tuấn, có vẻ thuộc gia đình lương hảo. Y mặc áo choàng da thú cực quý, tay cầm cây ngân thương sáng chói, cán thương được chế bằng bạc thuần chất. Trên thương có khắc năm chữ:
"Phụng Thành, ngân thương, Khưu".
Một người như thế, vốn không phải là người đi đào huyệt, cây ngân thương quí kia, cũng không nên dùng để đào huyệt.
Nơi này là một sơn cốc tuyệt đẹp, không khí trong lắng, tuyết đọng trắng xóa, hoa mai đỏ thắm.
Người thanh niên đã cỡi ngựa đi qua một đoạn đường rất dài để đến đây. Ngựa thuộc loại danh câu thuần chủng, yên cương còn mới, cả bàn đạp cũng làm bằng bạc.
Một người như thế, tại sao cỡi danh câu vượt ngàn dặm đến đây, dùng võ khí của mình đào huyệt ?
Huyệt đã được đào xong, thanh niên thử nằm vào, chừng như muốn thử xem kích thước có vừa thân mình, để có thể nằm thong thả chăng ? Chẳng lẽ y tự đào huyệt cho mình ? Chỉ có người chết mới cần huyệt mộ, thanh niên này còn mạnh khỏe, xem ra chắc chắn còn sống được vài chục năm nữa, tại sao lại đào huyệt cho chính mình ? Hay là y muốn chết ? Cuộc sống y chắc cũng sung túc, tại sao lại muốn chết ? Tại sao phải đến nơi này mà chết ?
Tuyết đã ngừng rơi đêm qua, khí trời trong lành khô ráo, nhưng rất lạnh. Người thanh niên tháo yên ngựa đặt xuống đất, vỗ nhẹ vào cổ ngựa, nói:
- Mi đi đi nhé, hãy đi tìm một chủ nhân khác tốt hơn.
Con ngựa hí nhẹ, tung mình phi ra khỏi sơn cốc tích đầy băng tuyết. Thanh niên kia ngồi xuống yên ngựa, ngửng mặt nhìn bầu trời xanh, thẩn thờ đến xuất thần, ánh mắt mang một nỗi buồn khó diễn tả được.
Đúng lúc này, một hàng người từ ngoài sơn cốc đi vào, có kẻ mang hộp chứa thức ăn, có người khiên bàn ghế, lại có người gánh theo hai vò rượu lớn. Người đầu tiên nhìn có vẻ như chủ quán rượu, y bước đến nở nụ cười hỏi thăm:
- Xin hỏi công tử, nơi này có phải là Hàn Mai Cốc chăng ?
Thanh niên đào huyệt gật đầu, chẳng thèm nhìn hàng người mới vào.
Người kia lại hỏi:
- Có phải Đỗ đại thiếu gia hẹn công tử nơi đây chăng ?
Thanh niên đào huyệt chẳng trả lời.
Người kia thở dài, lẩm bẩm nói:
-Ta thật không hiểu tại sao Đỗ công tử sai chúng ta đem rượu và thức ăn đưa ra đến đây ?
Một người khác cười nói:
- Thiếu gia công tử nhà giàu có, tính khí thường có chút quái dị, những kẻ nghèo mạt như chúng ta đương nhiên làm sao hiểu nổi.
Hàng người kia xếp đặt bàn ghế dưới cây mai, bày rượu, đồ ăn, chén dĩa các thứ trên bàn, xong việc bèn đi ra.
Lại qua một buổi sau, phía ngoài sơn cốc bỗng có tiếng người ngâm:
"Trời tuyết trong sáng, mai hoa tỏa hương, cỡi lừa qua cốc, chuông kêu vang vang".
Quả thật có tiếng chuông kêu, một người cỡi lừa, một người cỡi bạch mã, đủng đỉnh tiến vào sơn cốc. Người cỡi lừa sắc diện trắng xanh, có vẻ đang bệnh, nhưng vẫn nở nụ cười ôn hòa, cử chỉ phong nhã, y phục cực kỳ hoa lệ. Người kia đeo trường kiếm bên hông, đầu đội mũ lông chồn trắng, mình choàng áo cũng làm bằng lông chồn trắng, toàn thân mang màu trắng, cỡi bạch mã thuộc loại danh câu cao lớn, mới nhìn đã cảm thấy y toát đầy ngạo khí. Kể ra y cũng có chỗ đáng kiêu ngạo, một mỹ nam tử như y thật chẳng có mấy người trong thiên hạ.
Cả ba thanh niên này xem ra đều là những công tử xuất thân từ các gia tộc hào phú, không hẹn mà cùng đến nơi này. Nhưng mục đích của họ xem ra không giống nhau, hai người đến sau là đi hưởng thú "đạp tuyết tầm mai, thưởng hoa ẩm tửu", còn người đào huyệt kia lại đến để chờ chết.
Rượu bày ra dưới hoa, người thanh niên có nụ cười rót một chén rượu uống cạn rồi lên tiếng:
- Hảo tửu!
Ngắm nhìn hoa mai đang nở rộ, y lại uống thêm một chén, và bảo:
- Hảo hoa!
Sắc hoa ánh tuyết tương phản, hoa đỏ thắm, tuyết trắng tinh! Người thanh niên đưa chén rượu lên nói:
- Hảo tuyết!
Uống xong ba chén rượu, gương mặt trắng bệch của y đã ửng hồng, như đang hào hứng.
Thân thể của y tuy suy yếu mang bệnh, nhưng bao nhiêu điều sung sướng đẹp đẻ trên đời y đều muốn thưởng thức, như thể đối với chuyện gì y cũng có hứng thú, cuộc sống của y hẳn rất thú vị.
Thanh niên tuấn tú cỡi bạch mã kia lại mang sắc mặt âm trầm, lãnh đạm, như thể chẳng có hứng thú với bất cứ chuyện gì.
Qúi công tử mang bệnh mỉm cười nói:
- Có tuyết đẹp, hoa tươi, rượu ngon như thế, tại sao ngươi lại không uống một chén ?
Thanh niên tuấn tú đáp:
- Ta không bao giờ uống rượu.
- Đến chốn này mà không uống rượu, thật uổng phí, chẳng biết thưởng thức cảnh vạn đóa mai rộ nở.
Thanh niên tuấn tú thở dài lẩm bẩm:
- Người này thật phàm tục, làm mất hứng, tại sao ta lại chơi nhầm loại bạn này ?
Thanh niên đào huyệt đang ngồi suy nghĩ thẩn thờ. Bệnh công tử bỗng đứng dậy bước qua đi vòng quanh huyệt và bảo:
- Hảo huyệt.
Thanh niên đào huyệt chẳng để ý.
- Huyệt này đào rất khéo.
-..... Bệnh công tử đứng ngay trước mặt thanh niên kia:
- Huyệt này có phải các hạ đào chăng ?
Thanh niên kia không thể thờ ơ được nữa đành đáp:
- Phải!
- Ta cứ khen các hạ đào huyệt khéo, các hạ có biết tại sao chăng ?
- Ngươi muốn ta cùng uống rượu với ngươi.
Bệnh công tử cười:
- Thì ra chẳng những các hạ biết đào huyệt, mà cũng am hiểu ý người.
- Rất tiếc ta không biết uống rượu.
Bệnh công tử hết cười:
- Các hạ cũng không hề uống rượu ?
- Lúc nào vui thì uống, không vui thì không uống.
- Bây giờ tại sao không uống ?
- Tại vì bây giờ ta không vui!
Bệnh công tử không giận mà cười nói:
- Bây giờ ta biết các hạ là ai rồi. Ta thường nghe người nói, ngân thương công tử Khưu Phụng Thành tính khí cũng như cây thương của y, vừa thẳng vừa cứng, các hạ nhất định là Khưu Phụng Thành.
Thanh niên đào huyệt chẳng buồn để ý đến lời nói đó.
Bệnh công tử nói tiếp:
- Ta họ Đỗ, là Đỗ Thanh Liên.
Khưu Phụng Thành vẫn chẳng nói gì, như thể y chưa bao giờ nghe đến cái tên này. Thực ra y biết tên này chứ, người đi lại trong chốn giang hồ, có mấy ai chưa nghe đến cái tên này.
Trong chốn võ lâm có bốn vị công tử, Ngân thương, Bạch mã, Hồng diệp, Thanh liên, là nổi tiếng nhất trong lớp nhân tài tuổi trẻ. Dĩ nhiên họ đã nghe danh tiếng của nhau, mỹ nam tử cỡi ngựa trắng chính là Bạch mã công tử Mã Như Long, nhưng Khưu Phụng Thành giả bộ không biết.
Đỗ Thanh Liên thở dài:
- Xem ra hôm nay các hạ nhất định không chịu uống rượu.
Đột nhiên từ phía ngoài sơn cốc có tiếng người nói lớn:
- Họ không chịu uống, có ta uống đây!
Người chịu uống rượu đã đến!
Sau khi tuyết ngừng rơi, khí trời còn lạnh hơn lúc tuyết đang rơi, ai nấy đều choàng áo da mà vẫn cảm thấy khá lạnh, nhưng trên thân người này chỉ mặc y phục mỏng bình thường, chất vải cũng không tệ, nhưng chắc chắn không phải loại y phục mặc vào mùa này. Bởi thế y lạnh run, tuy nhiên trong tay y còn cầm theo một cây quạt. Vừa thấy rượu bày trên bàn, y đi thẳng đến cầm vò rượu lên há họng tu một hơi dài, khà một tiếng bảo:
- Hảo tửu.
Đỗ Thanh Liên cười thích thú. Người này lại uống một hơi nữa rồi nói:
- Chẳng những rượu ngon, hoa đẹp, tuyết cũng đẹp nữa.
Uống thêm ba hơi nữa, y xem ra đã hết run, mặt bớt tái. Người này tuy nghèo nhưng không đáng ghét, thậm chí y trông rất dễ ưa, mi thanh mục tú, lúc cười còn có hai lúm đồng tiền, Đỗ Thanh Liên bắt đầu cảm thấy thanh niên này rất khả ái!
Y lại lên tiếng:
- Giữa phong cảnh này, kẻ không chịu uống rượu thật đáng....
Đỗ Thanh Liên hỏi:
- Đáng làm sao ?
- Đáng phát vào mông vài cái.
Đỗ Thanh Liên cả cười lớn.
Thanh niên đào huyệt vẫn không nghe không hỏi, trừ tâm sự của y và người y đang nhớ, còn ngoài ra y nhìn người khác cũng như không thấy gì, chuyện khác y cũng không thèm để ý.
Mã Như Long hơi nhíu mày, có chút ý bực tức nhưng không nói gì. Chẳng phải y không dám, chẳng qua y không muốn hạ mình giao tiếp với hạn người như vậy.
Người uống rượu giơ vò rượu hướng về phía Mã Như Long:
- Uống một hớp đi nào!
Mã Như Long lạnh lùng đáp:
- Ngươi không xứng.
- Phải là người thế nào mới xứng uống rượu với các hạ ?
- Ngươi là ai ?
Người uống rượu không đáp, xòe cây quạt cầm trong tay đánh "soạt" một tiếng, trên mặt quạt có viết bảy chữ, nét chữ rất thanh tú, cũng như con người của y:
"Sương diệp hồng vu nhị nguyệt hoa".
Người này tuy có vẻ phong trần lạc đệ, nhưng cây quạt lại là một vật quí, bảy chữ đề trên quạt hẳn là thủ bút của danh gia.
Đỗ Thanh Liên nâng chén uống cạn:
- Chữ đẹp!
Người kia cũng cầm vò rượu tu một hơi:
- Nhãn quang của các hạ cũng không kém lắm.
- Chữ này ai viết ?
- Trừ ta ra còn ai viết được chữ đẹp như vậy ?
Đỗ Thanh Liên cả cười:
- Ta biết các hạ là ai rồi! Ngoại trừ Thẩm Hồng Diệp, còn tìm đâu ra người nào ngông cuồng như các hạ ?
Trong võ lâm tứ công tử, kiêu ngạo nhất là Bạch mã Mã Như Long, cương trực nhất là Ngân thương Khưu Phụng Thành, phong lưu tiêu sái nhất dĩ nhiên là Đỗ Thanh Liên, ngông cuồng nhất chính là Thẩm Hồng Diệp. Mã, Khưu, Đỗ, ba họ đều thuộc thành phần hào phú, vọng tộc, chỉ riêng thân thế Thẩm Hồng Diệp là có phần bí ẩn.
Nghe nói Thẩm Hồng Diệp là hậu duệ của thiên hạ đệ nhất hiệp Thẩm Lãng. Lại nghe nói hảo bằng hữu của Tiểu Lý Thám Hoa, thiên hạ đệ nhất khoái kiếm A Phi, là tổ tiên của y.
Thân thế A Phi vốn là một dấu hỏi lớn, thân thế Thẩm Hồng Diệp cũng thế. Từ trước đến giờ y chưa bao giờ kể về lai lịch của mình. Người ta liệt y vào hàng tứ công tử, chỉ vì y lớn lên tại Diệp gia. Diệp gia chính là nhà của Diệp Khai, truyền nhân duy nhất của Tiểu Lý Phi Đao.
Nếu hỏi Tiểu Lý Phi Đao là ai, người nào mà chẳng biết ?
Lúc này võ lâm tứ công tử đã tề tựu đủ, nhưng chẳng phải tự họ hẹn nhau đến đây. Nơi này cách chỗ của mỗi người cả ngàn dặm đường, đến như Đỗ Thanh Liên dù có nhã hứng cao đến đâu, cũng không gàn đến mức vượt ngàn dặm đến đây chỉ vì muốn thưởng hoa nhắm rượu.
Khưu Phụng Thành lại càng không cần đi xa như vậy để chờ chết, ở đâu chết mà chẳng được ? Cả bốn người đến đây để làm gì ?
Mã Như Long vẫn lạnh lùng ngồi đó, thản nhiên nghe tên Thẩm Hồng Diệp, tuy nhiên tay của y đã di chuyển đến đốc kiếm, y nhìn Thẩm Hồng Diệp chăm chú, bỗng nói:
- Tốt lắm.
Thẩm Hồng Diệp hỏi:
- Chuyện gì tốt ?
- Tốt là vì ngươi là Thẩm Hồng Diệp. Ta vốn cho là ngươi không xứng để ta rút kiếm, vì kiếm của ta từ trước đến nay không đả thương tửu quỷ vô danh.
- Bây giờ thì sao ?
- Thẩm Hồng Diệp dĩ nhiên chẳng phải tửu quỷ vô danh, cho nên ngươi mà buông thêm lời khinh bạc vô lễ, là giữa ngươi và ta sẽ có một người đổ máu thịt rơi.
Thẩm Hồng Diệp thở dài, cười gượng:
- Ta chẳng qua chỉ muốn mời các hạ uống chút rượu, các hạ cần gì phải giận dữ vậy!
Đỗ Thanh Liên xen vào:
- Hắn không uống thì ta uống!
Y đỡ lấy vò rượu trên tay Thẩm Hồng Diệp, kê miệng uống mấy hớp, thở ra một hơi nói:
- Rượu ngon!
Thẩm Hồng Diệp lấy lại vò rượu uống tiếp, rồi thở dài nói:
- Rượu ngon vậy, dù có độc ta cũng cố uống.
- Phải đấy, có chết tại đây cũng là vận hên của chúng ta.
- Tại sao ?
- Vì có người biết đào huyệt kia kìa.
Thẩm Hồng Diệp đột nhiên đứng dậy cầm vò rượu đi vòng quanh huyệt, miệng lẩm bẩm:
- Cái huyệt này thật là tốt, người nào chết mà được nằm trong huyệt này kể như vận hên lắm.
Đỗ Thanh Liên đáp:
- Rất tiếc huyệt này chẳng phải dành cho chúng ta.
- Chỉ có người chết mới cần huyệt mộ, chẳng lẽ hắn muốn chết ?
- Xem ra là vậy.
Thẩm Hồng Diệp tỏ vẻ kinh ngạc:
- Một người như vậy sao lại muốn chết ?
Đỗ Thanh Liên đáp:
- Bởi vì hắn cũng như mỗi người chúng ta, đều nhận được một phong thư hẹn đến đây.
- Có phải là thư của Bích Ngọc phu nhân gửi chăng ?
- Nhất định là thế.
- Bích Ngọc phu nhân hẹn chúng ta đến đây, là muốn chọn một trong bốn người chúng ta làm rể.
- Đúng thế!
Thẩm Hồng Diệp nói:
- Bích Ngọc phu nhân là một tay buôn bán nhất thiên hạ, trong Bích Ngọc sơn trang, ai ai cũng là trang thiên hương quốc sắc, nên lúc ta nhận được thư, ta cao hứng đến mất ngủ!
- Ta cũng tưởng tượng ra được.
- Nếu phu nhân chọn ta làm rể, không chừng ta mừng đến phát điên lên!
Đỗ Thanh Liên nói:
- Tốt hơn hết các hạ chớ nên phát điên, Bích Ngọc phu nhân nhất định không muốn có một gã điên làm con rể.
- Vậy phu nhân có chọn người chết làm rể chăng ?
- Dĩ nhiên là không.
- Vậy tại sao Khưu công tử đây đòi chết ?
- Bởi vì hắn là kẻ si tình, đã cùng một vị cô nương xinh đẹp thề non hẹn biển..... nếu Bích Ngọc phu nhân chọn trúng hắn làm rể, thì hắn không thể nào cùng vị cô nương kia sống đến bạc đầu.
- Cho nên nếu lỡ phu nhân chọn trúng Khưu công tử, thì y quyết tâm chết tại đây.
- Đúng vậy!
Thẩm Hồng Diệp suy nghĩ một chút rồi nói:
- Còn có một cách suy diễn khác. Bích Ngọc phu nhân phải chăng nhất định sẽ nhìn thấy cái huyệt này ?
Đỗ Thanh Liên mỉm cười:
- Huyệt đào lớn như vậy, không muốn thấy cũng khó.
Thẩm Hồng Diệp nói tiếp:
- Phu nhân nhìn thấy huyệt mộ, sẽ biết là Khưu công tử nhất quyết muốn chết. Như vậy không chừng phu nhân sẽ tha cho hắn, mà chọn ta làm rể trong Bích Ngọc sơn trang.
Đỗ Thanh Liên than:
- Các hạ đúng là thông minh, người thông minh suy nghĩ khác thường, không giống kẻ si tình.
Thẩm Hồng Diệp cười nói:
- Kẻ si tình chưa chắc là không thông minh.
Khưu Phụng Thành đã biến sắc mặt, đột nhiên đứng lên trừng mắt nhìn Đỗ Thanh Liên nói:
- Làm sao ngươi biết được chuyện này ?
Đây vốn là một bí mật, chỉ có hai người biết, nhưng y nói ra câu này, chẳng khác nào chứng thực lời của Đỗ Thanh Liên.
Đỗ Thanh Liên thở dài:
- Các hạ không ngờ ta lại biết chuyện này phải chăng ? Ta cũng không ngờ.... chỉ tiếc là vị cô nương kia....
Y chưa nói hết câu, trên mặt bỗng biến đổi kỳ dị, gương mặt trắng bệch bỗng đổi sang màu xám đáng sợ, như màu của cái chết. Y nhìn sang Thẩm Hồng Diệp, mở miệng muốn nói, nhưng tiếng nói bị nghẹn đi.
Thẩm Hồng Diệp hỏi:
- Các hạ có phải....
Tiếng nói cũng bỗng nhiên nghẹn mất, y chỉ thốt được bốn chữ. Trên mặt Thẩm Hồng Diệp cũng có những thay đổi kỳ quái.
Hai người đứng nhìn nhau, trong mắt chứa đầy nét kinh hoàng tột bực.
"Xoảng" một tiếng, vò rượu trong tay Thẩm Hồng Diệp rơi xuống dưới huyệt vỡ tan.
Thẩm Hồng Diệp bỗng nở một nụ cười quái dị xen lẫn đau đớn, giọng ngọng ngịu nói từng chữ:
- Xem ra ta có vận may hơn các hạ, ta đứng kề bên huyệt mộ....
Chưa nói dứt lời, cả người Thẩm Hồng Diệp cũng té xuống huyệt. Huyệt này chẳng phải chuẩn bị cho y, nhưng y đã té xuống dưới đó. Người sống tại sao lại đi dành huyệt mộ với người chết ?
Bích Huyết Tẩy Ngân Thương
Hồi 01
Hồi 02
Hồi 03
Hồi 04
Hồi 05
Hồi 06
Hồi 06
Hồi 08
Hồi 09
Hồi 10
Hồi 11
Hồi 12
Hồi 13
Hồi 14
Hồi 15
Hồi 16
Hồi 17
Hồi 18
Hồi 19
Hồi 20
Hồi 21
Hồi 22
Hồi 23
Hồi 24
Hồi 25
Hồi 26
Hồi 27
Hồi 28
Hồi 29
Hồi 30
Hồi 31
Hồi 32
Hồi 33
Hồi 34
Hồi 35
Hồi 36
Hồi 37
Hồi 38
Hồi 39
Hồi 40