Cướp vợ
Tác giả: Đặng Quang Tình
Chuyện xảy ra ở Suối Lềnh mà động trời ở cơ quan huyện. Không thể để thế được. Luật hôn nhân mới triển khai, đã nói đi nói lại không được duy trì tập quán lạc hậu: cướp vợ. Thế mà lại xảy ra với bí thư chi đoàn. Hơn nữa lại là một bí thư đang là kỳ vọng của huyện đoàn và cả huyện uỷ. Thư của chủ tịch xã thật gay gắt: phải cách chức bí thư chi đoàn, phải xoá tên khỏi danh sách đối tưượng Đảng.
Cái gay gắt của chủ tịch xã, bí thư huyện đoàn có thể hiểu. Mới mấy tháng trước bí thư chi đoàn đã gay gắt với chủ tịch xã. Chả là có một phụ nữ không chồng mà chửa. Tục người H’Mông con gái chửa hoang không được cha mẹ cho đẻ trong nhà, “con dâu nó chạy hết”, mà làm cho một túp lều ở góc vườn, số phận phó thác cho ma núi, ma rừng. Cô gái này đẻ khó, kêu khóc đã hai ngày đêm con vẫn chưa chịu ra. Bí thư chi đoàn sốt ruột đòi chủ tịch xã cử dân công khiêng xuống bệnh viện huyện. Chủ tịch chần chừ khiến bí thư chi đoàn dám quát ầm lên: “Bác là chủ tịch phải chịu trách nhiệm tính mạng của nhân dân. Tôi sẽ kiện bác ra toà”.
Bí thư huyện đoàn xin ý kiến bí thư huyện uỷ. Bí thư huyện uỷ cũng hết sức băn khoan, bảo: “Việc này phải lên tận nơi xem xét cụ thể, không đơn giản đưược!”
Thế là hai ngưười đi Suối Lềnh. Bí thư huyện uỷ cũng muốn đưược trở lại nơi ba mươi năm trước ông là cán bộ phụ trách xã. Đã đi nhiều nơi, đảm nhiệm nhiều chức trách, ông vẫn nhớ những con người Suối Lềnh, nhất là ông trưởng bản Lềnh A.
Hôm ấy là ngày hội “Thực phẩm chống Mỹ”. Dân Lềnh A đánh về trụ sở đàn lợn trên chục con đi giữa hai dòng người cờ phất, phèng la vang. Dẫn đầu là con lợn nặng trên ba tạ phải người dắt mũi, người đẩy đít; trên lưng một hàng chữ to tướng: “Lợn chống Mỹ tặng không bán”. Thế rồi đến trưa thì ồn lên: “Không bán, không bán! Về thôi...”, “Cán bộ nói dối. Chúng mày ăn chứ không đem cho bộ đội”. Hoá ra con lợn ba tạ đã bị mổ và cỗ lòng luộc đã được bày ra mâm rượu. Ông phải nói mãi bà con mới chịu: thịt sẽ được ướp muối đưa ra mặt trận, chứ không ai có thể dong đưược con lợn to béo này vào tận miền Nam . Đối với bà con vùng cao phải hết sức cẩn trọng, cụ thể không thì xảy chuyện ngay. Phải nghe dân bản, nhất là chi đoàn thanh niên nói về chuyện cướp vợ này.
*
Suối Lềnh khác một trời một vực so với ba mươi năm trước. Đuờng vào bản quang rộng, vệt xe máy hằn lên vết chân trâu. Mái xi măng lượn sóng xen lẫn mái tranh. Bể chứa nước sừng sững một hàng dài. Nhưng một trời một vực phải kể là cái nắng chói chang dõi thẳng xuống đỉnh đầu, chẳng còn tăm hơi cái khí mát vốn có của đá lạnh và tầng tầng lớp lớp cây rừng. Lại còn cái chói chang nhức mắt hắt chếch từ đỉnh Tào Sa, hắt xiên từ chính những mái xi măng và bể nước. Nhưng cái nhức mắt hơn cả với bí thư huyện uỷ là hơn chục con người lớn bé có, già trẻ có đang chầu trực nước ở dưới cái hố sâu ngay bên đường. Như vậy là các bể không còn nước. Ở đỉnh Tào Sa bị đẽo gọt trọc lóc thế kia thì còn đâu ra nước. Đúng là không giữ được rừng thì ngụm nước uống cũng chẳng còn.
-Huyện đoàn đang phát động trồng rừng. Nhưng sao ở đây yên ắng thế này? Bí thư huyện uỷ hỏi bí thư huyện đoàn.
-Chi đoàn Suối Lềnh đăng ký mùa này trồng một ngàn cây pơ mu trên Tào Sa. Không khéo kế hoạch bị kẹt vì chuyện cướp vợ của bí thư thì chết.
Nhưng bí thư đoàn đã thở phào khi đến trụ sở xã. Góc sân khuất trong bóng râm là những bọng cây giống xanh rờn. Có cả một băng khẩu hiệu đỏ chữ vàng: “Suối Lềnh quyết trồng 1.000 cây pơ mu đúng thời vụ, đúng kỹ thuật”. Công việc chuẩn bị để sáng mai ra quân sớm đã xong.
Hai người đi thẳng đến nhà bí thư chi đoàn Mùa A Páo. Không khí lo lắng bao trùm cả nhà. Ông bố lắc đầu:
-Tôi bảo nó đã theo lệ thì cứ theo cho hết. Nó lại bảo không có giấy đăng ký là phạm pháp. Ôi dà, khó khăn quá! Bí thư nói hộ với chủ tịch xã một tiếng.
-Thế bố mẹ cô dâu thế nào?
-Có thế nào đâu. Ông bà ấy cũng đang mong đấy... Tức cái ông chủ tịch: sao không pháp luật với thách bạc trắng, lại pháp luật với cướp vợ?
Hoá ra bố mẹ nào cũng phải thách. Chẳng lẽ con gái lại không có giá? mà nó đẹp thế, khéo thế! Ông bố vợ thừa biết chúng nó sẽ cướp nhau chứ lấy đâu ra hai mươi đồng bạc trắng bây giờ. Nửa đêm con gái ông đã lách ván chui ra. Cả nhà phải nằm im không dám thở. Luật người H’Mông con gái bị cướp không kêu, không có người chi hô, đuổi theo là xong. Ba ngày sau đưa nhau về xin bố mẹ tha cho là rồi. Chính ông cũng đã cướp bà Khua khi bố mẹ bà sắp nhận bạc của người bên Kim Bon.
Đúng là ông đang sốt ruột. Còn hơn cả sốt ruột là lo. Ông lại tức A Páo sao không sợ phạm pháp cướp vợ lại sợ phạm pháp không có giấy? Ông biết nhà bên ấy đã giữ đúng luật. Mấy ngày này con gái ông ngủ chung với các chị em gái. Đợi đúng ba ngày cho cô dâu đủ “cái thời gian nghĩ” rồi mới cho làm lễ cả nhà nhận con cháu, rồi mới đưược động phòng. Chẳng lẽ ông lại đi tìm chủ tịch bảo cho nó cái giấy?
Nhưng lo nhất là A Páo. Đúng ba ngày mà không thành vợ thành chồng được thì phải để cho người ta về. Mà không có cái giấy đăng ký kết hôn thì không thành vợ chồng được. Cái lý này của nhà nước không phạm được.
Lo thì lo nhưng việc chung vẫn phải lo. Cả ngày nay A Páo chạy khắp nơi đôn đốc việc ngày mai ra quân trồng rừng trên Tào Sa khiến cha mẹ đôi bên càng thêm lo.
Gần tối, một trận mưa đổ xuống. Một người khoác áo mưa chạy xộc vào nhà A Páo. Hoá ra là ông chủ tịch. Vừa ngoắc cái áo mưa vào vách ông vừa kêu:
-Rượu đâu? Cho một bát đi. Lạnh cả ngưười đây này... Rót rượu ra đi. Nước không chịu thì đá phải chịu thôi. A Páo! ra mà cầm lấy giấy này.
Bây giờ chủ tịch mới nhìn thấy hai bí thư huyện ngồi bên kia bếp lửa:
-Chào bác bí thư huyện, chào chú bí thư đoàn... Hôm trước không cho là để đúng pháp luât. Hôm nay lại cho chắc cũng không sai pháp luật?... Cái lý cướp vợ của người H’Mông là để không được ép con gái lấy người không ưng. Cái lý này đúng với pháp luật chứ?... Mà pháp luật cũng cấm thách bạc trắng nhưng không thấy phạt thách bạc trắng thì sao lại phạt cướp vợ?... Tôi sai thì huyện cứ cách chức nhá... ầy dà, trời mưa cũng phải đến để bí thư chi đoàn yên tâm mai đi trồng cây. Không trồng đưược cây trên Tào Sa chắc huyện chẳng để yên cho cái ghế chủ tịch này đâu?...hà, hà...Nào rót rượu ra, rót rượu ra...
Mọi ngưười hoan hỷ uống rượu, ồn ào chuyện trò. A Páo mon men đến bên bí thư huyện uỷ:
-Bác kỷ luật gì cháu cũng xin chịu, nhưng xin đừng xoá đối tượng của cháu.
-Thì mày phải chuộc tội làm sao cả một ngàn cây pơ mu trên Tào Sa sang năm cao bằng ngực. Bố A Páo ở phía sau nói xen vào.
Bí thư huyện uỷ quay lại, chợt nhận ra ông trưởng bản Lềnh A năm xưa. Hai ngưười lấy hết sức lắc tay nhau đúng kiểu của những người bạn cũ gặp lại.
-Bí thư kỷ luật thế nào thì kỷ luật nhưng mai phải đến uống rượu mừng cho cháu nhá!
-Sao không uống ngay bây giờ? Nào dót ra,dót đầy vào.
-Bác cho nó được làm mí nhùa pùa (1) nhá!
-Nào, lại đây với chí pùa (2), A Páo !
Chú thích: (1) con đỡ đầu.
(2) bố đỡ đầu .