watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hổ vằn Nậm Pô - tác giả Đặng Quang Tình Đặng Quang Tình

Hổ vằn Nậm Pô

Tác giả: Đặng Quang Tình

Ô ng Hùng mở tập hồ sơ vụ án làm đường Nậm Pô. Dù đã biết trước, ông vẫn lặng đi trước cái tên Thùng Văn Bình. Cậu trưởng bản này bị dự kiến kêu án mười năm tù bằng với tên chủ thầu.
Bình là một trong "Tứ hổ" của Nậm Pô. Chả là, hồi còn dạy học ở đây, lớp mười hai do ông làm chủ nhiệm có bốn học sinh đều tuổi Giáp Dần là trụ cột của đội bóng nhà trường đã từng đứng đầu khu vực được ông gọi là "Tứ hổ bình cầu". Sau đó, ông lại gọi là "Tứ hổ bình tiên" vì họ đã hỗ trợ nhau cho Bình lấy được cô Piềng hoa khôi của huyện trước bao cặp mắt thẫn thờ của đủ cả bộ đội, viên chức, kỹ sư lâm trường. Rồi ông lại gọi họ là "Tứ hổ bình bần" khi cả bốn học xong phổ thông đã trụ lại quê hương trở thành cốt cán của bản. Những năm đầu chín mươi, Nậm Pô hết sức khó khăn. Thiên tai luôn xảy ra, điểm định canh định cư không phải, thị tứ chẳng thành vì cơ quan huyện đã chuyển ra Mường Mày, vùng sâu vùng xa càng chẳng đúng, Nậm Pô chập chờn giữa các phương hướng sản xuất không được xác định: cây công nghiệp, cây ăn quả, lương thực, chăn nuôi, nghề rừng...
Phải nói là, họ đã tả xung hữu đột với tinh thần "quyết chí phải nên": người thì phụ trách thuỷ lợi cố đảm bảo nước cho một trăm phần trăm diện tích ruộng ít ỏi được cấy hai vụ; người thì chịu trách nhiệm đưa các giống ngô, đậu mới vào phiêng bãi; người thì lo vào xã, ra huyện chạy lương thực, thuốc men... và cả chạy bán củi, nghĩa là trăm thứ bà dằn cho gần năm trăm nhân khẩu. Bí thư chi đoàn Thùng Văn Bình phụ trách mũi kinh tế mới: vườn cây, trang trại. Nhưng rồi Bình bỏ bê mũi này, dẫn năm mươi thanh niên vào Huổi Khiêng nhận trồng rừng cho lâm trường. Bình lý sự: trồng cây ăn quả phải có vốn dài ngày mà còn phải nghĩ đến chuyện bán ở đâu? Còn làm thuê cho lâm trường có cái ăn cứu đói ngay mà cũng là bảo vệ nguồn nước cho Nậm Pô. Tý nữa, Bình bị kỷ luật vì chuyện này. Trưởng ban kinh tế huyện hết sức gay gắt cho là Bình nêu gương xấu không thực hiện nghị quyết của huyện uỷ. Ông đã phải hết sức bênh vực Bình - lúc này ông đã ra huyện làm trưởng ban tổ chức. Ông phải lấy tư cách là người giới thiệu thứ nhất cho Bình vào Đảng, chịu trách nhiệm Bình không phải là kẻ "dội nước lạnh vào phong trào", mà là một việc hoàn toàn vì đời sống dân bản. Và hơn nữa, đây là hướng đi thích hợp với Nậm Pô và nói chung là cả vùng tây bắc của tỉnh: làm kinh tế phải bắt đầu từ rừng, sản xuất phải tính đến tiêu thụ, miền núi vốn nghèo, chỉ một bước hẫng nhỏ là thiếu đói ngay. Những điều này cũng chính là tinh thần các bài học về địa lý Tây Bắc mà ông đã dày công dạy cho học sinh khi còn dạy học.
Ông còn ra sức bảo vệ Bình vì cái tính biết lo cho cộng đồng theo truyền thống Na van. Na van là hình thức hợp công mang nặng tính trợ giúp nhau của đồng bào Thái, Lào để đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt trong sản xuất.
Gọi bốn chàng trai tuổi Dần của mình là Tứ hổ còn bởi vì ông rất thích cái tính "hùng hổ" của họ. Đã quyết là họ hùng hổ xông vào công việc, tắp lự làm bằng được như hổ trước con mồi. Đội bóng nhà trường vốn yếu hơn các đối thủ nhưng đã vài lần đoạt ngôi vô địch. Cô Piềng giữa bao mạng giăng mắc vẫn thuộc về Bình. Nậm Pô suốt mấy năm lao đao chưa bao giờ phải xin cứu tế.
Nhưng chính cái "hùng hổ" của họ lại làm ông ngại. Cái gì cũng phải có ngưỡng. Hổ vồ mồi cũng phải biết chọn thời cơ và tính toán bước nhảy, không thể cứ lao bừa vào búi nứa, ngọn mác. Hay là đã "vật đổi sao dời"? ừ mà trước kia người ta lo gầy bây giờ lại lo béo đấy thôi. Nhưng mà với Thùng Văn Bình sao có thể chấp nhận điều ấy? Nhưng tang chứng sờ sờ ra đây này! Ông quyết định trước khi họp Thường vụ phải đi Nậm Pô một chuyến.
***
Trước khi vào Nậm Pô, ông làm việc với Thường vụ huyện uỷ. Hoá ra có nhiều ý kiến khác nhau. Người thì cho rằng phải trị nặng để lấy lại lòng tin với trên. Người thì bảo nên chiếu cố vì chính dân bản được hưởng chứ không riêng Bình. Người thì nói cần tra cứu xem xét lại từ chủ trương đến thực hiện. Ông rất bực (ông vốn cũng có cái tính "hùng hổ" mà): Sao Thường vụ không đặt vấn đề từ trước? Bí thư huyện uỷ ngập ngừng: “ý kiến anh Xuyền bảo phải làm gấp vì báo chí đã ồn lên và là... án tại hồ sơ. Mà chúng tôi cũng đã trình bày mọi chuyện với anh ấy".
Ông vào Nậm Pô, trở lại là thày giáo Hùng chứ chẳng phải là đồng chí trưởng ban nội chính tỉnh uỷ. Cả bản kéo đến thăm ông, ai cũng gọi "sày giáo", "sày giáo". Người Thái vốn khó phát âm vần "th" mà.
Việc đầu tiên là rượu mừng đã. "Công việc bắt đầu từ rượu mà!" Cụ Khoáng - người đảng viên đầu tiên của Nậm Pô - cười khà khà. Cụ thường kể câu chuyện làm nghĩa vụ lương thực năm nào. Huyện định cho Nậm Pô hai mươi lăm tấn. Chủ nhiệm khăng khăng không nhận. Cụ bảo: “Thôi, về nhà tôi uống rượu đã!”. Giữa bữa rượu, cụ bảo cán bộ đưa tờ chỉ tiêu ra cho chủ nhiệm: “Thôi, ký đi! Nậm Pô mình có thể làm được hai mươi bảy tấn kia!" Cụ biết, chủ nhiệm ký chẳng chỉ vì nể cụ mà chính là ông ta đã "thích" cán bộ. Người Thái dò nhau trong chén rượu, đã có câu: "Mâm rượu, hãi anh không say, kinh thằng giả say". Cán bộ này không giỏi rượu nhưng uống thật.
Mâm rượu được bày ở nhà Bình. Hàng chục chai rượu được cắp nách tới. Chị Piềng chồng sẵn ba tầng đệm ngay sau mâm rượu. Sau chúc tụng, câu chuyện bập ngay vào việc làm đường Nậm Pô.
- Chính phủ tốt quá! Chỉ hai buổi phát dọn, mỗi người được năm mươi ngàn đồng. Lại còn một bữa rượu thịt no cho cả bản.
- ờ, đã cho tiền cho rượu sao lại còn đòi bỏ tù trưởng bản? Là nghe nói vậy.
- Thế theo bà con thì thế nào? - Ông Hùng hỏi?
- Phải cho nó cái bằng khen ấy chứ! Dân đang đói được ăn được rượu, được tiền đi mua gạo cơ mà.
- Trưởng bản có được hơn mọi người không? Ông Hùng lại hỏi.
- Bằng nhau hết, bằng nhau hết. Nhà nó hai người đi làm được một trăm ngàn. Tôi là thủ quỹ lĩnh tiền, phát tiền mà! - Chom, một trong "Tứ hổ" của ông bảo.
- Cậu lĩnh tất cả bao nhiêu? - Ông Hùng hỏi Chom.
- Dạ! Tất cả hai triệu ba trăm năm mươi ngàn đồng. Cứ theo đầu bốn mươi bảy người đi làm mà nhân lên thôi. Còn năm trăm ngàn cho bữa rượu không tính.
- Sổ sách lĩnh tiền, phát tiền có đầy đủ cả chứ?
- Có chứ ạ! Đồng tiền có phải chơi đâu. Thày giáo vẫn dạy chúng em thế mà. Có đủ hết chữ ký của mọi người mà.
- Tiền chưa được ba triệu mà nghe ở huyện xì xào Nậm Pô lĩnh được cả trăm triệu. Ôi dố, được thế thì sướng quá. Cho Nậm Pô lĩnh đi. Cái đói đến chân thang rồi đấy. “Sày giáo" là cán bộ to ở tỉnh xem lại hộ nhá! - Cụ Khoáng nói.
Bữa rượu kéo dài quá nửa đêm. Ông Hùng hăng hái cạn chén với hết cả mọi người, lại còn bốc lên cạn chén với cả chị Piềng "bà chủ canh lửa cho mâm rượu" và vui vẻ nhận đủ hai chén-"một chén của em dâu, một chén gửi chị dâu ngoài tỉnh".
Cuối cùng, Chom và Bình phải đỡ ông lên đệm. Chưa bao giờ ông uống say như hôm nay. Chà, cái rượu hoẵng ngâm ủ như ruợu nếp ở miền xuôi, dìu dịu mà say đến thế.
***
Sáng hôm sau, ông mới làm việc riêng với Bình. Ông đưa các bằng chứng ra cho Bình xem. Anh chàng tái mặt đi trước con số cộng tới cả trăm triệu và công nhận tất cả các chữ ký ở chứng từ.
- Thưa thày, phó chủ tịch Lý đưa cả sấp bảo em ký. Ông ấy bảo chỉ là thủ tục thôi mà.
- Và cậu không xem...
- Chả nhẽ lại không tin ông ấy.
- Cũng ký trong bữa rượu ? Mà chắc rượu Tây?
- ...
- Bây giờ phải thôi cái kiểu “công việc bắt đầu từ rượu” đi. Rượu Tây nó bốc lắm, gắt lắm, chứ không dịu, không êm như rượu men lá đâu. Hãy nhớ lấy bài học này... Mà cậu vẫn nhớ chuyện ngụ ngôn hổ muốn xem trí khôn của người chứ? Cậu bây giờ thành hổ vằn rồi. Nhớ các vệt lửa trên lưng nhá!
Ông trở về tỉnh, lòng đã vui nhưng vẫn đầy âu lo. Thắt tay chủ đầu tư, tay Lý không dễ. Lôi cái đám dự án vào không đơn giản. Tay Xuyền sẽ bênh. Nhưng nhất định phải bảo vệ được “hổ vằn” Nậm Pô

Các tác phẩm khác của Đặng Quang Tình

Xót Xa

Phỉ bọp

Cướp vợ

Chiếc Máy Điện Thoại

Cây đào quỳ ở Tân Cương

Bà La xát

Ai là ai...