Bến Bình Yên
Tác giả: Đào Phạm Thùy Trang
K hốn nạn nhất đời hắn là sáng sớm mắt nhắm mắt mở đã nghe tiếng chửi của vợ. Từng tiếng từng âm hắn nghe rát buốt như vuốt sắt nhọn hoắt cấu thật mạnh vào vết thương mới lên da non, đau thấu cả ruột gan.
Chuyện có đáng gì đâu: Bộ đui hay sao mà không thấy ca nước pha cho con nhỏ vậy?
Vậy đó, hắn còn chưa kịp cảm nhận hết sự sảng khoái của ca nước ấm đã bị tạt cả thùng nước đá vào mặt. Lùi lũi hắn lau vội bản mặt bèo nhèo như da mèo vào chiếc khăn hình như… không còn nhận ra là khăn hay nùi giẻ nữa.
Chuẩn bị cưỡi lên con ngựa sắt để bắt đầu một ngày vắt mồ hôi và sức lực ra cơm áo thì thằng con lớn học lớp hai nhỏ nhẻ:
- Ba, cho con hai ngàn ăn sáng đi ba, có một ngàn con ăn không no…
Hắn định bảo “Ráng đi con” như hàng trăm lần vẫn nói thế nhưng chợt thấy nét mặt thằng nhỏ in chần dần chữ “đói” nên cố lục lọi hai ba chiếc túi đã dày lên vì xi măng, vôi vữa mà lúc nào nhìn vô cũng tưởng có tiền xâm xấp, đưa thêm con trai một ngàn đồng trong giá “tài khoản” hai ngàn đang hiện hữu.
Vậy là hôm nay hắn chỉ được ăn xôi chứ không đủ tiền uống cà phê rồi. Thật ra, một ngày hắn làm cũng được bốn chục ngàn, nhà bốn người, ngoài cơm ăn còn thuốc uống, con nít mà, bệnh đau làm sao đoán trước được.
Mỗi ngày hắn chỉ cho phép mình xài hai ngàn thôi, đó là bữa “ăn sáng” và ly cà phê đen, cơm trưa thì “ký sổ” tới tuần trả. Hắn chỉ biết vắt sức ra áo cơm cho gia đình chứ không quan tâm nhiều tới chuyện vặt vãnh tỏi hành.
Cuối tuần lãnh tiền cứ đưa hết cho vợ, xong, xin lại đúng mười bốn ngàn và lời dặn phải cho con trai năm ngàn để nó đi học năm ngày trong tuần. Còn tất cả thuộc “quyền sinh sát” của vợ hắn.
Vợ hắn, người đàn bà cũng biết vén khéo nhưng phải tội dữ dằn nanh nọc quá. Nhiều khi hắn tự an ủi, đó là kết quả của những ngày cô ấy phải bôn ba giữa chốn sinh tồn, như hoa hồng có gai để bảo vệ cho nụ hồng xinh tươi thơm thắm.
Đời hắn khổ đã đành, sao đời vợ hắn còn khổ lắm vậy, mười hai tuổi đã phải đi phụ quán ăn, mười lăm tuổi đi phụ hồ; lứa tuổi của bao người còn mộng mơ trong tà áo trắng thướt tha còn cô ấy thì tay chai, mặt nám, áo quần dính cứng những bả vôi vữa.
Chỉ là anh “thợ ép” nhưng hắn đã biết “ăn gian” thời gian để làm việc nhiều hơn cho cô bạn cu li được rảnh tay mà nghe nốt bản nhạc mà cô thích.
Ấy là lần hắn đứng trên giàn giáo kêu mỏi miệng cũng không nghe cô cu li xách hồ vô, nhìn ra sân thì thấy cô ta đang nghểnh cổ, lúc lắc đầu theo bản nhạc đang phát ầm đùng bên hàng xóm.
Hắn lẳng lặng trèo xuống khỏi giàn giáo bốn mét, xúc đầy xô hồ, móc vô sợi dây rồi mới kêu lớn “hồ đi!” làm cô ta giật mình mặt méo xệch vì tiếc bản nhạc hay.
Hắn không cha mẹ, bởi một điều đơn giản ai cũng đi tìm hạnh phúc riêng sau khi cùng nhau tạo ra “cái của nợ” là hắn. Sống với ngoại mười mấy năm, ngoại già lưng còng như dấu hỏi, cái dấu hỏi theo suốt cuộc đời hắn mà không có câu trả lời: Tại sao con người phải sinh ra trong thế giới này?
Gọi là “được sinh ra” hay “bị sinh ra” cho đúng? Tại sao người ta cứ bảo là “đi tìm hạnh phúc” còn bỏ cái “không hạnh phúc” lại cho người khác? Hắn nhớ hoài hình ảnh bà ngoại thèm trầu cau nhưng không tiền mua, trầu có thể xin hàng xóm còn cau thì lượm những trái dừa non rụng gọt lấy phần cuống vừa mềm vừa chát để ăn, thay cho những quả cau xanh non thơm ngon…
Mà người đi lượm những quả dừa cho ngoại không ai khác, chính là hắn. Tuổi lên mười hắn chỉ có một ước mơ duy nhất: Sau này lớn lên, làm có tiền hắn sẽ mua những lá trầu tươi, những chùm cau xanh cho ngoại ăn thỏa thích!
Nhưng khi hắn làm được điều ấy thì ngoại không còn hôn lên mái đầu hoe vàng khét lẹt vì nắng của hắn mà nói “cháu của ngoại giỏi quá” nữa, di ảnh ngoại với ánh mắt xa xăm hình như rưng rưng lệ chỉ gật đầu với hắn trong mơ.
Cô cu li tính nết con trai trong dáng hình con gái ấy cuối cùng cũng đồng ý về sống chung nhà với hắn sau hai mâm cơm: một cúng ông bà, một mời vài người hàng xóm.
Hai mươi hai tuổi hắn làm cha, mười chín tuổi rưỡi cô ta cũng làm mẹ, nhưng tính dữ dằn vẫn không chừa, đố có khi nào cô ta ru được con những câu: “à… ơi… gió mùa thu…” như hàng trăm ngàn bà mẹ khác.
Cô ta cứ: “…giữa chúng ta có điều cần phải nói… là anh cưới vợ khi tôi…” rồi lại “…ngày xưa em như chim sáo…” hoặc “Không, tôi không còn, tôi không còn yêu anh nữa, không, tôi không còn…” đứa nhỏ khóc ngằn ngặt, đi làm thì thôi, chiều lê những bước chân tưởng chừng như muốn sụm xuống về được đến nhà mà nghe như vậy lại muốn bỏ đi phứt cho xong nhưng nhìn đứa con thì không thể nào bỏ được.
Cởi phăng cái áo, ôm thằng nhóc vào lòng, hắn đi qua đi lại với chất giọng khàn khàn ru con, những lời ru của gần hai mươi năm trước ngoại hắn đã ru, vậy mà thằng nhỏ ngủ ngon lành, định trao con cho vợ để còn tắm táp ai ngờ nhìn lại thì… mẹ ngủ trước con từ lúc nào!
- Bộ tưởng dỗ con cả ngày sung sướng lắm hay sao mà mới đặt lưng đã bị xốc đầu dậy? Vợ hắn đanh đá.
- Anh biết em mệt nhưng anh còn mệt hơn. Hắn dịu dàng.
- Vậy ở nhà dỗ con đi, tui đi làm cho!
Vợ hắn lẫy, dù biết không ai mướn đàn bà mới sinh ba bốn tháng nhưng hắn vẫn sợ tính gàn của vợ. Nếu cô ta bỏ đi làm thì con hắn sẽ thiếu mẹ – cảm giác thiếu hụt không có bất cứ thứ gì bù đắp được hắn đã trải qua rồi, nên không muốn con mình lặp lại – vậy là hắn lại cố làm ngày, làm đêm, cuối tuần vẫn làm, lễ lạt không hề nghỉ, chỉ để có thêm tiền mua sữa cho con, cho bữa cơm gia đình thêm tươm tất.
Ngày tháng cũng trôi đi, những người nghèo như hắn vẫn tin vào số mệnh bởi một điều đơn giản “trời sinh voi, sinh cỏ”. Thằng con lớn mới bớt ẵm bớt bồng thì vợ hắn báo tin nhà sắp có thêm thành viên kế tiếp! Trời đất, đúng là “đặng hào con…” mà.
Ừ, nhưng có vợ có chồng thì có con chứ có gì là lạ? Thế là đứa thứ hai ra đời, con gái nhé, đủ nếp đủ tẻ, hắn vui ra mặt, nhất là khi con bé bập bẹ nói và cứ bám theo hắn riết. Cha con coi bộ rất “tâm đầu” dù đứa nhỏ còn bé tí...
***
- Anh, kể từ mai tui đi làm! Vợ hắn nói một câu không nhằm mục đích xin ý kiến hay bàn bạc thảo luận mà là một “thông báo”, loại thông báo mà người nghe phải chấp nhận không được phản đối.
- Nhưng làm ở đâu, giờ giấc, còn con cái?
- Trời sanh voi sanh cỏ, ngồi ôm con để chết đói à? Sáng thằng anh đi học, chiều về giữ em, tui đi làm từ hai giờ tới mười giờ đêm!
- Làm gì mà khuya dữ vậy em?
- Quán ăn của nhỏ bạn cũ, hỏi nhiều làm gì? Việc anh anh làm, việc tui tui biết, tất cả tui chỉ lo cho cái nhà này!
Vậy là đi, đố hắn dám nói thêm câu nào nữa.
Những đêm đầu con bé vắng hơi mẹ khóc ngất lên ngất xuống, tiếng khóc như muối xát vào lòng người cha nghèo như hắn. Trời ơi… phải chi hắn giàu, phải chi hắn có cha mẹ, phải chi hắn lo được vẹn toàn cuộc cơm áo cho vợ con thì giờ này cả nhà đang ấm êm bên nhau chứ đâu phải khổ nhục như thế này?
Vợ hắn đang ở thì chín nhất của người phụ nữ, huống chi lại không phải là người nhan sắc “dưới mức trung bình”, chỉ tội cái nghèo làm cho con người ta bần cùng đi.
Bây giờ ăn mặc lên trông cũng khá lắm. Quán ăn sân vườn theo mô hình nông thôn, từ tiếp tân, tiếp viên tới phụ bếp đều mặc quần đen áo bà ba, có điều hơi “cách điệu” một chút: áo bà ba cổ tim khoét sâu có viền đăng ten, đinh áo xẻ cao phô làn da trắng muốt lồ lộ…
Một vị khách ngày nào cũng đến quán ăn, anh ta chỉ kêu độc một món: Cơm niêu (cơm đập) ăn với cá Sapa nướng, vài ngọn rau thơm nhưng phải có trộn khế chua, và người phục vụ phải là vợ hắn mới được! Nghe đâu ông ta là chủ một cửa hàng trang trí nội thất nào đó to lớn lắm.
- Tương lai thì dài mà đời người rất ngắn em có biết không? Em xinh xắn đảm đang như vầy phải làm bà này bà nọ mới xứng đáng… Em có nghĩ tại sao một người đàn ông không ăn cơm nhà mà phải “cơm hàng cháo chợ” như thế này không?
Vợ anh không yêu anh, ngày này sang tháng kia cô ta chỉ biết đi chùa chiền, rồi shop này shop nọ, thầy bói này thầy bói kia chứ không hề quan tâm tới bữa ăn cho anh…
Anh có tất cả, chỉ thiếu một người vợ đảm như em, anh có thể cho em mọi thứ chỉ mong chiều chiều được cùng nhau ngồi ăn cơm như thế này…
Những lần bưng thức ăn phục vụ, vợ hắn đều nghe người đàn ông lịch lãm ấy rót mật vào tai như thế.
- Cảm ơn anh, tôi đã có chồng con và phải có trách nhiệm với gia đình đó, anh quý mến tôi thì hãy là một người khách quen của quán để tôi được làm việc ở đây lâu hơn…
- Chính vì vậy mà anh càng yêu em nhiều hơn, em là người sống có trách nhiệm với gia đình, những người như thế như kim cương quý giá ẩn trong lòng núi sâu mà không phải ai cũng tìm được.
Chồng em có phước mới lấy được người vợ như em, nhưng em ạ… tình yêu không phải là tất cả, anh ta yêu em nhưng cho em được cái gì? Nhà đẹp? Không. Xe máy? Không.
Ngay cả những bộ quần áo đắt tiền xứng đáng với nhan sắc của em cũng không hề có, vậy tội gì…? Và ông ta kéo tay vợ hắn, một chiếc hôn sỗ sàng lướt qua đôi má ửng hồng.
- Xin lỗi anh, quán tôi cần khách hàng chứ không cần những người sàm sỡ!
Vợ hắn tạt gáo nước lạnh vào mặt gã đàn ông vô liêm sỉ ấy nhưng gã ta vẫn bám theo. Bẵng đi bốn năm hôm không thấy gã đến – hình như gã ngượng cho cái lần bị mắng – hôm nay lại bệ vệ, lịch lãm với áo sơ mi, cà vạt thắt gọn gàng xuất hiện, sau những lời chào hỏi khách sáo vẫn gọi cơm niêu và người phục vụ chính là vợ hắn.
Người phụ nữ đối diện với quá nhiều gió dông vẫn không gục ngã rất tự tin vào bản lĩnh của mình, vả chăng người ta không phải thì người ta thẹn chứ mình tội gì? Vợ hắn tiếp khách với khoảng cách cần thiết khiến gã đàn ông lịch lãm ấy kiêng nể nhiều hơn. Rồi gã lấy ra một gói quà to, bảo rằng cho các cháu và thoảng trong gió là lời xin lỗi muộn màng…
Lại bảo hôm nay buồn quá, mười hai năm chồng vợ thế là xong, chiều nay vợ gã đòi ký đơn ly hôn, tài sản bạc tỉ với biết bao mồ hôi của một mình gã phải chia đôi. Và xin vợ hắn hãy làm bạn của gã vài giờ…
Không biết vì cảm động trước một thói đời hay vì trước túi quà mà lần đầu tiên có được, hoặc ma xui quỷ khiến thế nào mà vợ hắn lại dấn thân và leo lên chiếc SH đồ sộ của gã để đi đến một quán nước nào đó.
Đường đêm, vùng ven thị xã như ẩn như hiện bởi những đoạn đường khi có đèn khi lại tối om om, vụt qua những cửa hàng cửa hiệu, những căn nhà cao tầng, những quán cóc tồi tàn…
Lần đầu tiên được ngồi lên xe máy, tiếng vù vù lạ lẫm, cảm giác lành lạnh rờn rợn cả da thịt, tiếng đồng vọng bên tai nghe như lời tỉ tê ai oán… Rồi lại “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” thế nào đó mà vợ hắn lại theo chân gã đàn ông lịch lãm ấy vào nhà trọ chứ không vào quán cà phê.
Phòng trọ bình dân nhưng tinh tươm sạch sẽ thoảng mùi thơm chứ không như đống bùng nhùng hôi hám nhà hắn, vợ hắn mở gói quà theo lời gã đàn ông lịch lãm để no mắt với những áo quần đắt tiền, mỹ phẩm hảo hạng… và vợ hắn vào phòng tắm theo lời bảo của gã đàn ông ấy.
Người phụ nữ sau những cơ cực nhọc nhằn đã thay hình đổi xác ngay khi mặc trên người bộ đồ ngủ thơm nức, mỏng tang phơn phớt hồng, trong ánh đèn huyền ảo càng tô thêm nét gợi cảm phàm tục…
Gã đàn ông lịch lãm đang lột phăng nét hào hoa bệ vệ của mình ném xuống chân người ngọc thì tiếng cửa ầm ầm giục giã… Vợ gã hiện ra với lố nhố nhiều “cây thịt người” phía sau, tay bà ta cầm chiếc kéo sáng loáng:
- Đồ rẻ tiền, muốn giựt chồng tao à? Tao sẽ cho mày biết thế nào là lễ độ! Rồi mụ ta chồm tới, chiếc kéo loang loáng trên tay xướt qua gương mặt thất thần của vợ hắn, trượt tới mang tai, một nhúm tóc rơi xuống.
- Đi… đi… nhanh đi… còn đứng đó làm gì…
Vài nhân viên nhà trọ lao vô phòng lôi phắt vợ hắn ra khỏi chốn hỗn độn nhớp nhúa ấy, miệng họ liếng thoắng nài nỉ “Bà chị mình ơi, xin hãy bình tĩnh… đàn ông nào không phạm chút đỉnh sai lầm… làm to chuyện xấu chàng hổ thiếp chứ có ai…”.
***
Mười hai giờ đêm, những cơn mưa dai dẳng như âm giọng nhùng nhằng đều đều của những mụ đàn bà lắm lời vẫn không hẹn dứt. Hắn không tài nào chờ được nữa, đắp mền lại cho hai con, khép chặt cánh cửa gỗ không còn nhìn ra màu gì, hắn lao ra đường.
Vài chiếc xe đi về muộn quét những ánh sáng vội vàng xuống mặt đường nhoèn nhoẹt nước, một bóng người nằm co ro trong trang phục rất ư kỳ lạ. Đôi chân trần tận gối không giày dép, thân trên là chiếc áo dài tay thùng thình sẫm màu… Hắn bước tới. Trời ơi… vợ hắn đây mà!
Đôi cánh tay gầy guộc của hắn không hiểu sức mạnh từ đâu dồn lên, ẵm gọn vợ vào nhà, hắn nháo nhào tìm chai dầu gió xoa khắp người rồi lấy mền đắp kín, nấu vội chút nước nóng, may mà có cái vỏ quít hồi chiều thằng con ăn bỏ trên bàn…
Cũng may, khi ra khỏi chốn quỷ quái ấy, một anh xe ôm trong số nhiều tay xe ôm vẫn hay chờ khách trước nhà trọ đã chạy theo và mắc lên người vợ hắn chiếc áo khoác của anh ta. Vợ hắn chạy đi, đôi chân trần liêu xiêu vô định nhưng hình như tận cùng tâm tư vẫn nhớ đường về lại chốn bình yên.
Vợ hắn tỉnh lại, nằm khóc thút thít. Chưa khi nào hắn nghe tiếng khóc của người phụ nữ êm ái dễ thương như bây giờ, hắn không hỏi han cũng không cau có chỉ nhè nhẹ xoa lưng cho vợ, một sự im lặng khiến người ta lo sợ hơn trăm ngàn âm thanh khủng khiếp gầm gào.
- Anh… anh… tha lỗi cho em! Chỉ có anh là người yêu em duy nhất, chỉ có căn nhà chúng ta là bình yên nhất, đừng giận em nghe anh… đừng buồn em nghe anh, em xin lỗi…
Khóc đi em, nước mắt có thể rửa trôi tất cả những gì phù phiếm nhất của cuộc đời, để ngày mai khi mọi việc đã trở thành quá khứ, em sẽ biết giá trị hạnh phúc những người nghèo… Hắn muốn nói với vợ như vậy, nhưng đôi môi mở hoài không thành tiếng, ừ thôi, hắn nói trong lòng. Từng giọt nước mắt của vợ hắn vẫn chưa ngừng rơi.