Đồng bưng
Tác giả: Đào Phạm Thùy Trang
Tôi đã ở nhà thằng cu Lì gần một tuần rồi mà nó cứ khách sáo. Dẽ con mắm lóc chưng, gắp một miếng thật to cho vào chén tôi nó nói:
- Ăn đi dì Hai, mắm nhà làm không tốn tiền mua đâu!
- Bông súng mới hái giòn kháu đó dì Hai, “đặc sản” vùng bưng trên dì khó tìm lắm nghe! Thằng Thịnh phụ hoạ.
- Ừ… từ từ dì ăn, hai đứa làm gì dữ vậy? Mùi mắm lóc chưng hoà quyện trong mùi cơm gạo mới thơm phưng phức, đánh “ực” một tiếng tôi ăn một hơi hết bốn chén làm hai thằng cháu tròn mắt ngó trân trân. Trong suy nghĩ chúng chắc chỉ có những người nông dân mới “bạo ăn” như vậy thôi.
- Bữa nay mình ăn nhanh rồi qua sông chơi nghe dì Hai, anh Lĩnh đang chờ… Thằng cu Lì hồn nhiên.
- Thôi, hôm nay dì không đi, ngày mai sửa soạn về rồi. Tôi đáp
- Ủa, sao kỳ dzậy? Dì nói ở chơi hai tuần mà tới nay chưa đầy mười ngày nữa là…
- Thì lúc đầu tính vậy, giờ nhớ lại dì còn nhiều việc chưa làm ở nhà…
- Mớ cá lóc con phơi chưa khô, làm sao dì đem về? Thằng Thịnh băn khoăn.
- Thì có sao, dì đem về phơi tiếp cũng được.
Tôi đáp và dọn dẹp chén bát để kết thúc câu chuyện. Hai anh em thằng cu Lì bước ra sân, dưới bến lấp ló bóng chiếc xuồng ba lá của Lĩnh nhưng tôi làm bộ như không biết. Thật tình tôi không muốn mình phát sinh tình cảm, nhất là từ hôm qua anh ta vừa cứu tôi, tôi sợ… Mà thật tình tôi cũng không biết gọi Lĩnh bằng gì cho phải.
Tôi và chị Hai – má thằng cu Lì- là chị em bạn dì, nhưng chị hơn tôi những… hai mươi lăm tuổi. Mẹ chị mất sớm “… sẩy mẹ bú dì” thành ra mẹ tôi cũng như mẹ chị. Chị lấy chồng về xứ đồng bưng này hơn hai mười năm nay nhưng tôi không mấy khi về thăm chị, từ ngày thắng cu Lì con ẳm nách tôi về một lần mà nay nó đã mười bốn tuổi chứ ít gì. Ở đây, mọi thứ như tách biệt với thế giới bên ngoài, muốn biết gì, nghe gì ngoài việc đi hai ba lượt xuồng, xe ra chợ thì chỉ có chiếc tivi làm nhịp cầu nối mà thôi. Chắc tại hiu quạnh vậy nên anh chị luôn “nâng cao sản xuất” “năm sau cao hơn năm trước” nên có đến bảy đứa con! Chừng thấy “cung vượt cầu” quá đổi nên “thắng gấp” lại, ai ngờ nhà những mười miệng ăn. Cả nhà con gái chị tôi đi làm lò gạch trên Tân Vạn, chỉ để con bé Cẩm Hà ở nhà với bà ngoại, Lĩnh là anh chồng của con gái lớn chị tôi, thi thoảng hay sang nhà chơi với cháu nên tôi quen Lĩnh. Lĩnh gọi anh chị tôi bằng bác, vậy gọi tôi bằng gì? Mà tôi lại nhỏ hơn anh ta hai tuổi, mối quan hệ “ làm sui một nhà biết ra cả họ” này coi bộ lòng vòng quá. Những ngày đầu Lĩnh cứ gọi tôi bằng “dì” nhưng tôi không biết là dì “lớn” hay dì “em”, chỉ thấy sau tiếng “dì” là có một nụ cười cố giấu. Lĩnh chèo xuồng rất giỏi, tôi thích những buổi chiều ngồi trên xuồng ba lá chèo từ từ hai bên bờ sông rồi dừng lại đâu đó hái những trái bình bát chín, dù hái về chẳng tài nào ăn hết, chỉ nghe mùi thôi là đủ nhức đầu rồi. Vậy mà cái màu vàng roi rói ấy đã hút hồn tôi, tôi cứ rủ, hôm thì Thịnh, ngày thì cu Lì chèo xuồng chở tôi đi. Nhưng hai thằng nhóc đâu có rảnh hoài, chúng phải chăm đám ruộng, rồi còn bắt cá cho mẹ bán chợ, giàn bầu trước nhà cũng cần chúng chăm sóc cho oằn trái để làm giàu thêm mâm cơm gia đình. Nên chúng “bán cái” qua cho Lĩnh đưa tôi đi chơi.
- Lĩnh nè, hàng ngày đi làm mệt rồi sao chiều về còn chở tôi đi chơi vậy?
- Tại anh em cu Lì nhờ mà…
- Nếu tụi nó không nhờ thì Lĩnh không chở hả?
- Biết dì có đồng ý không?
- Không, sao để chở? Mà sao em Lĩnh có vợ rồi còn Lĩnh chưa vậy? Tôi cắc cớ
- Tôi mắc đi làm, không thời gian quen bạn. Mà dì là dì, cháu có chồng rồi sao dì chưa? Lĩnh cũng không vừa
- Ừ… à… tôi cũng mắc đi làm…
- Vậy giống nhau há?
- Không, giống sao được mà giống, tôi là con gái còn Lĩnh là con trai mà?
- Tôi quên. Bây giờ về được chưa dì?
- Đàng trước có trái bình bát chín kìa, tới cho tôi hái đi!
- Ngày nào cũng hái, bộ dì thích ăn bình bát lắm hả, hôm nào tôi hái cho một giỏ ăn mệt nghỉ luôn!
- Tôi không thích ăn, chỉ thấy màu vỏ vàng đẹp quá.
- Trời, tôi ở đây bao lâu có thấy đẹp gì đâu?
- Tại Lĩnh không để ý thôi… nè nè… chèo gần vô một chút … trái cao quá hà…
- Để tôi hái cho.
Lĩnh buông cây dầm, rướn người lên cành cao níu trái bình bát xuống, chiếc xuồng mất thăng bằng mà tôi thì không biết chèo lái gì, sóng nước chònh chành đã làm xuồng lật đổ! Tôi chới với trong dòng nước mát ngọt đùng đục nhưng bây giờ không còn thời gian cảm nhận cái ngọt ngào của nước sông nữa, hai tay chới với không có gì làm điểm tựa, cơ thể mơ hồ như tan ra… tan ra… mắt mũi tối đen, tai lùng bùng không còn biết gì nữa. Tỉnh lại tôi thấy mình nằm trong nhà chị Hai, con bé Cẩm Hà chạy loanh quanh, mắt ràn rụa nước, chị Hai từ nhà sau đi lên nhìn tôi lắc đầu mim mỉm cười. Tôi bật dậy:
- Chị Hai, em bị sao vậy, ai vớt em về?
- Thằng Lĩnh chứ ai, em thiệt là… không biết chèo xuồng cũng không biết bơi, đi trên sông mà tưởng đi trên đường à? Cũng may thằng Lĩnh bơi giỏi, nêu không làm sao chị ăn nói với dì đây? Thôi, mệt thì nghỉ thêm ngày mai đi, mốt hãy về.
Chị xách giỏ ra ngõ, tôi còn một mình suy nghĩ rồi nghe hai tai nóng bừng bừng, hình như là mặt đỏ lắm thì phải. Lúc vớt tôi lên chắc Lĩnh ôm gọn tôi trong lòng chứ gì? Rồi anh ta xóc nước cho tôi hay ai? Có… hô hấp nhân tạo không ta? Có, thì tôi “nợ” anh ta một mạng sống nhưng cũng nghe tưng tức làm sao ấy, sao anh ta chẳng hô hoán lên cho chị Hai ra cứu tôi mà lại một mình làm chuyện “nghĩa hiệp” này? Chẳng biết là có dụng ý gì không?
- Dì Hai, mai dì về thiệt hả?
- Có gì mà giận tụi cháu vậy dì Hai?
Hai anh em thằng cu Lì đi làm về tay chân còn dính đầy phèn đã ào vào nhà hỏi. Tôi nhìn mái đầu hoe vàng vì nắng của chúng mà nghe một nỗi thương cảm dâng trào. Các cháu tôi không đứa nàohọc quá lớp 5! Cái ăn, cái mặc đã bao quanh chúng còn quan trọng hơn cả việc học, ngay cả mái tóc cũng không còn màu đen truyền thống, mà ánh nắng chói chang từng ngày này qua năm nọ đã nhuộm tóc chúng không cần một loại thuốc màu nào.
- Mấy cháu vui và ngoan lắm, dì không có giận gì hết, chỉ tại công việc dì còn nhiều.
- Tiếc quá, đi chơi mà không được thoải mái há dì Hai? Rồi chừng nào dì xuống đây nữa?
- Không hứa được, nhưng rảnh là dì xuống liền
- Dì nhớ nghe… thôi để con ra sau làm món “cá lóc hấp bầu” đãi dì coi như là chia tay hén?! Thằng Thịnh giơ cao con cá lóc to gần cả ký lên, đúng là cá ruộng, đen nhánh chắc nịch chứ không xam xám và bở bở như cá nuôi mà tôi thường ăn.
Xuồng chèo cả tiếng đồng hồ mới ra tới dường lớn, tôi vừa xách va li vừa mang cả giỏ bàng đựng nào cá nào mắm của chị Hai cho, bao gạo mới thì thằng Thịnh phải xách giùm bỏ lên bờ. Chỉ có Lĩnh là im lặng không nói lời nào suốt đoạn đường dài. Trên xuồng còn chiếc giỏ đựng gì đó căng phồâng phồng nhưng tôi không biết đựng gì, mãi đến khi những thứ quà cáp đã chuyển lên bờ hết Lĩnh mới nói:
- Tôi hái cho Son ít bình bát, có trái chưa chín nhưng ủ một hai ngày Son sẽ thấy màu vàng đẹp lắm… Ở xứ đồng bưng tôi không có gì quý giá, chỉ có cái tình với nhau là quý nhất mà thôi…
Tôi không biết nói gì để cảm ơn Lĩnh ngoài hai tiếng “cảm ơn” lí nhí, tôi lên xe, xuồng của Lĩnh và hai cháu tôi cũng trở mui nhưng mắt tôi cứ dõi theo cho đến khi tất cả nhoà vào không gian xa tít, lòng nghe như vừa lạc mất một thứ gì đó quý báu lắm…