Hoa Hồng
Tác giả: Đào Phong Lưu
Ảnh: Nguyen Thanh
Hoa Hồng là tên cô bạn cùng lớp cấp III với tôi. Hoa Hồng học giỏi, xinh đẹp lại thuỳ mỵ đoan trang nên thầy cô, bạn bè ai cũng yêu mến. Và tất nhiên là đám con trai lớp tôi không ít người cũng thầm yêu trộm nhớ, anh nào cũng thích Hoa Hồng. Mấy thằng điển trai, con nhà giầu lúc nào cũng bu lấy em mà tán tỉnh không hề giấu giếm “ý đồ xâm lược”. Những lúc như thế Hoa Hồng thường chỉ mủm mỉm cười duyên, đôi khi nàng cũng ăn miếng trả miếng một cách tế nhị, khiến các chàng càng say như điếu đổ. Tôi biết mình thấp bé, nhẹ cân lại vào loại “học chắc” (chúng nó hầu hết đều cứ mỗi năm một lớp, còn tôi cứ tằng tằng hai năm một lớp cho “vững kiến thức”), cho nên tuy cũng rất thích em, nhưng tôi biết thân biết phận nên chẳng bao giờ dám thổ lộ tình cảm với em như kiểu chúng nó. Trong lớp tôi học hành đã kém, mà thân hình thì lại quá khiêm tốn với chiều cao, chỉ hơn chúng nó về tuổi tác và cái khiếu “hoa tay” vẽ vời. Những việc của lớp như kẻ vẽ, trang trí báo tường hay sân khấu cho hội diễn văn nghệ, hội họp gì là tôi đều được “ưu tiên” làm cả. Hoa Hồng vừa là lớp trưởng, kiêm bí thư chi đoàn lớp, lại vừa trúng cử phó bí thư Đoàn trường, nhưng vẫn học rất giỏi. Một hôm lúc nghỉ giải lao, Hoa Hồng nói với tôi:
- Em muốn nhờ anh giúp một việc không biết có được không?
Tôi rụt rè khiêm tốn:
- Chỉ sợ trình độ có hạn, không biết có giúp gì được cho Hoa Hồng không.
Thấy vậy bọn con trai xúm vào:
- Thôi nhận vội đi ông ơi, bọn tôi xếp hàng xung phong mà còn chẳng được Hoa Hồng nhờ đây này!
- Giúp đi, rồi em ấy sẽ trả công cho.
- Thôi đi các ông tướng! – Hoa Hồng nói - Việc này chắc không ai làm được, ngoài anh Hùng ra. Chả là chủ nhật này Đoàn trường mình tổ chức buổi giao lưu với Đoàn trường Đinh Tiên Hoàng, nhờ anh Hùng trang trí cho cái hội trường.
Tôi bảo:
- Nhất trí thôi, việc ấy thì được.
Thằng Dũng bệu liền bảo:
- Tưởng gì, chứ việc ấy dễ ợt, tớ chỉ cần “alô” một cái, là có người đến phục vụ từ A đến Z ngay.
Hoa Hồng bảo:
- Quĩ Đoàn hẻo lắm, không có tiền đâu ông ạ.
Thằng Dũng nhún vai, chìa hai tay:
- Thế thì đành “bó tay chấm com”, để ông Hùng “phát huy tay nghề”vậy!
Lần đó tôi cắt chữ, vẽ phông màn trang trí toàn những hoa hồng. Ngoài ra trên bục đại biểu còn có cả một lọ hoa hồng nữa. Trong buổi giao lưu anh chàng MC bẻm mép trường bạn tán tụng Hoa Hồng rằng “người làm sao chiêm bao làm vậy”. “Bông Hoa Hồng”, Phó Bí thư Đoàn trường của các bạn đẹp như những bông hoa hồng trong buổi giao lưu hội nghị hôm nay.
Lúc về Hoa Hồng chủ động đạp xe đuổỉ kịp tôi cảm ơn vì tôi đã chuẩn bị hội trường cho buổi giao lưu rất chu đáo, và bảo:
- Anh mua hoa hết bao nhiêu, cho em gửi.
- Không mất tiền, tôi cắt hoa trong vườn nhà ấy mà – Tôi nói dối vậy.
- Nhà anh trồng hoa à? – Em ngạc nhiên hỏi - thế chắc vườn phải rộng và trồng nhiều thứ hoa khác nữa chứ?
Tôi gật đầu nói liều:
- Ờ ờ, cũng không rộng lắm, trồng vài thứ ấy mà…
- Bố mẹ em cũng thích trồng hoa lắm, nhưng không có vườn, chỉ trồng bằng chậu, nên hoa không được to và đẹp như hoa của nhà anh đâu.
- Nhà Hoa Hồng trồng hoa gì? – Tôi hỏi cho có chuyện.
- Bố mẹ em chỉ trồng mỗi hai loại là hoa hồng và thược dược thôi. Vì đấy là tên của hai chị em em.
- Hoa Hồng còn có em là Thược Dược à? – Tôi lại hỏi một câu thừa.
- Vâng, nó kém em 5 tuổi, năm nay mới vào cấp II.
Từ hôm đó, thỉnh thoảng tan học Hoa Hồng lại đạp xe về cùng đường với tôi. Em bảo “hôm nào anh phải cho em đến nhà anh xem hoa đấy nhé”. Tôi bối rối “Được… thôi, nhưng mấy cây hoa vớ vẩn ấy mà, có gì đáng để xem đâu”. Nhưng Hoa Hồng cứ “Em rất thích trồng hoa, mà chưa được tận mắt xem người ta trồng hoa thế nào cả”. Thế có chết tôi không cơ chứ. Đâm lao đành phải theo lao, thế là tôi về cuốc tung miếng đất chưa đầy năm mét vuông trong sân nhà mình, nơi vẫn dựng xe lên để trồng hoa. Tôi còn đạp xe xuống chợ ngoại thành mua hẳn cả 5 cái chậu và mấy túi phân vi sinh về trộn vào đất chuẩn bị trồng hoa. Hôm mồng 9 âm lịch phiên chợ Bưởi, tôi bảo thằng Dũng bệu, hôm đó đi học thì xin phép giúp tôi nghỉ học một buổi “vì có việc bận” để đi chợ mua giống hoa. Tôi mua toàn những cây hoa hồng đã nở sẵn đầy những nụ hoa được người ta đánh cả vầng, chằng buộc rất cẩn thận, rồi thuê cả một chuyến xích lô chở về trồng, nên hoa sống ngay, chẳng cây nào bị héo chột gì cả. Tôi tưới tắm tỉa tót cẩn thận, nên vườn hoa nhỏ xinh và năm chậu hoa toàn hoa hồng của tôi để trên tường rào chỉ sau mấy ngày đã đẹp mơn mởn như vườn hoa trồng từ lâu ngày vậy.
Hôm sau, lúc tan học về cùng đường tôi mạnh dạn mời Hoa Hồng:
- Hôm nay có bận gì không, đến nhà mình xem hoa đi!
Nghe vậy em mừng quýnh bảo:
- Đi ngay bây giờ nhé?
- Ừ, ngay bây giờ.
Khi vừa dắt xe bước vào cổng nhìn thấy vườn hoa nhỏ xinh xinh và năm chậu hoa hồng để trên tường rào đều đang nở rộ, em kêu lên:
- Chu cha, sao đẹp dữ vậy!
Lúc ấy mẹ tôi từ trong nhà đi ra, em lễ phép chào và chủ động tự giới
thiệu là bạn cùng lớp với tôi, rồi bảo:
- Cháu nghe anh Hùng nói là nhà bác chuyên trồng hoa nên hôm nay tiện đường đi học về cháu ghé thăm xem hoa và học tập cách trồng.
Nghe vậy mẹ tôi nói với em:
- Hai bác đi làm cả ngày, nào có biết hoa hoét gì đâu. Chẳng biết cái thằng Hùng mới thấy ai trồng hoa nên thích thì về cuốc tung cả cái chỗ dựng xe lên, mới trồng được hơn mười hôm nay chứ mấy.
Em trố mắt ngạc nhiên nhìn tôi và hỏi mẹ tôi:
- Anh Hùng mới trồng mười hôm nay thôi ạ?
Tôi đỏ bừng mặt, gãi gãi tai bối rối. Em liếc nhìn tôi và nở nụ cười âu yếm.
Hôm sau đến lớp em hỏi tôi:
- Sao anh mới trồng hoa mà phải nói dối ?
Tôi thẹn đỏ mặt bảo:
- Biết rồi còn hỏi.
- Chỉ trồng một loại thôi à?
Tôi trả lời chắc nịch:
- Chỉ một loại ấy thôi.
Em lại kín đáo mỉm cười sung sướng.
Chẳng biết có phải vì thấy tôi trồng hoa hồng, mà em đã rung động trước tấm tình si mê thầm lặng của tôi không, từ hôm ấy em rất quan tâm đến tôi. Tan học là em lại về cùng với tôi. Hôm nào em phải ở lại họp hành gì thì lại bảo tôi “chờ em cùng về”, và tất nhiên là tôi rất sung sướng được chờ em. Thực ra thì nhà em cách trường có mấy con phố, từ nhà em còn phải đi thêm bằng ấy đường nữa mới tới nhà tôi, nhưng em thường đi theo tôi về đến gần ngõ nhà tôi rồi mới quay lại nhà mình. Tôi thấy thế thật không công bằng, nên sau này hai đứa đi đến nhà tôi, rồi lại đưa nhau đạp vòng trở lại nhà em, rồi tôi mới chia tay về nhà mình. Rồi thì sáng sáng đi học em lại đợi tôi trước ngõ, khi tôi đến rồi hai đứa mới cùng đến trường. Thỉnh thoảng em dúi cho tôi gói xôi, hoặc cái ngô nướng, củ khoai luộc bắt cùng ăn sáng với em. Đôi khi tan học em lại tìm cớ gì đó kéo tôi ra hàng kem để khao, rồi mới về nhà. Sự gần gũi thân nhau đột ngột của hai chúng tôi làm cho bọn bạn trong lớp phải phát ghen lên. Một hôm thằng Dũng bệu hỏi thẳng tôi “Anh yêu Hoa Hồng rồi phải không?”. Tôi bảo “đâu có”, nhưng nó không tin mà bảo “Yêu rồi thì cứ khai béng ra cho nó tiến bộ đi ông ạ, nếu không là bọn này ‘làm việc’ đấy!”. Nhưng thực tình thì tôi cũng không biết đấy đã phải là tình yêu hay không nữa. Tôi chưa bao giờ chính thức ngỏ lời là yêu em, mà Hoa Hồng cũng chưa bao giờ nói là yêu tôi cả. Nhưng cứ hôm nào không đến lớp, không trông thấy hoặc gặp được Hoa Hồng là tôi thấy nhơ nhớ, như thiếu vắng, mất mát một cái gì đó. Mà cũng thật lạ, người lớn thường hay khuyên những người như chúng tôi là “chớ có yêu đương sớm, hãy tập trung vào học hành đi đã”, cứ như thể là người ta yêu nhau thì không còn làm được việc gì nữa ấy. Trái lại từ ngày thân thiết với Hoa Hồng thì việc học hành của tôi lại tiến bộ hẳn lên. Trước đây vì học kém nên tôi rất chán học, rất hay tìm lý do để xin nghỉ ở nhà không đi học. Nay thì tôi lại rất thích học và rất sợ phải ở nhà không được đến lớp. Tôi chỉ muốn được học liền tù tì không có nghỉ chủ nhật ngày lễ gì cả. Tôi đã mài đũng quần ở ghế trường cấp III, năm ấy là năm thứ năm rồi mà vẫn sợ không lấy nổi cái bằng phổ thông trung học. Nhưng nhờ ham học, thích học vào học kỳ cuối cùng, mà tôi đã dễ dàng qua được kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Ngay từ giữa năm học, mọi người trong lớp ai cũng làm hồ sơ đi thi đại học, nhưng tôi thì không. Tôi luôn biết mình biết ta, lo là không tốt nghiệp phổ thông, và dù có tốt nghiệp phổ thông tôi cũng không đủ sức để thi vào đại học. Khi đã tốt nghiệp rồi, Hoa Hồng khuyên tôi làm hồ sơ xin nộp bổ xung vào một trường nào đấy. Nhưng tôi rất khoát không làm. Năm đó lớp tôi có đến một phần ba đỗ vào đại học. Hoa Hồng vào trường Sư phạm, còn Dũng bệu vào Bách khoa, các bạn khác hầu hết được tuyển vào các trường cao đẳng, trung cấp hay học nghề. Chỉ riêng tôi không đi thi nên phảit ở nhà. Vì là diện “nhàn cư” nên ngay sau đó tôi được uỷ ban phường gọi đi khám nghĩa vị quân sự. Học hành thì tôi yếu kém, chứ sức khỏe và cơ bắp thì tôi có dư. Thời gian các bạn nhập trường thì tôi cũng nhập ngũ. Hôm ra ga tiễn tôi chỉ có Hoa Hồng và Dũng bệu. Lần đầu tiên Hoa Hồng chủ động và công khai ôm hôn tôi thắm thiết trước mặt bao người và nàng còn tặng tôi một bó hoa hồng tươi thắm. Khi ngồi trên tầu rồi, tôi cầm ngắm bó hoa và cẩn thận đếm lại thì có đúng 20 bông, vừa bằng tuổi của Hoa Hồng. Tôi thầm nghĩ chắc em có ý muốn gửi gắm tuổi thanh xuân 20 tươi đẹp như hoa hồng cho tôi đây!
Tôi được đưa về một đơn vị huấn luyện đóng ở Tây Nguyên. Công việc của những người tân binh chúng tôi thật vô cùng vất. Ban ngày tập luyện trên thao trường hay tăng gia ngoài nương rẫy. Tối về lại tập trung sinh hoạt họp hành, tập hát, đọc báo… không còn thời gian nào rảnh rỗi. Nhưng tôi vẫn tranh thủ viết đều đặn cho Hoa Hồng mỗi ngày một lá thư, và tôi cũng nhận được của em trung bình một tuần bảy chiếc phong bì đóng dấu bưu điện Hà Nội gửi vào. Ngày đi học, văn tôi chỉ toàn điểm 4 hoặc 5, khi nào thầy có chấm rộng rãi lắm thì cũng chỉ được điểm 6 là cùng. Ấy vậy mà em viết cho tôi rằng “Các bạn lớp em chúng nói khen anh văn hay chữ tốt đấy!” Chữ tôi viết thì khỏi phải chê rồi, nhưng còn văn thì có lẽ từ khi hay viết thư cho Hoa Hồng nên văn chương của tôi cũng có phần được “nâng cấp” thật. Viết thư cho em tôi chẳng những dùng văn tả cảnh để kể chi tiết núi rừng Tây nguyên hùng vĩ nên thơ thế nào, mà đôi khi nhân dịp lễ tết tôi còn làm cả thơ để tặng em nữa. Tôi nhớ nhân ngày Quốc tế các nhà giáo năm đầu tiên mới xa nhau, tôi đã gửi tặng em một bài thơ như sau:
“ Hai mươi tháng Mười một đến rồi,
Viết vần thơ nhỏ tặng em tôi,
Cô giáo, kỹ sư tâm hồn trẻ
Đang viết trang luận án cho đời.
Tuổi xuân đang phơi phới đôi mươi,
Quanh mình em lồng lộng sắc trời
Học viết nhạc cho ước mơ, khát vọng
Mở lòng ra em học làm người.
Hẹn em cuối thế kỷ Hai mươi
Khi ấy chúng ta một nhà rồi,
Anh sẽ mua mấy sào vườn rộng
Để em chỉ trồng hoa hồng thôi…”
Tôi có ngờ đâu rằng, đó là bài thơ cuối cùng tôi viết tặng cho em.
Năm đó miền Trung bị trận bão rất nặng, đơn vị chúng tôi được lệnh đi giúp đồng bào khắc phục hậu quả lũ lụt, sau chiến dịch, chúng tôi được đơn vị cho tranh thủ về nghỉ ba ngày. Trước khi lên tầu tại Đà Nẵng về nhà, tôi đã vào bưu điện gọi điện báo trước cho Dũng bệu (vì khi đó chỉ có Dũng bệu có máy điện thoại di động) là 4 giờ chiều mai ra ga đón tôi và nhớ báo cho Hoa Hồng cùng đi. Khi tôi về đến ga Hà Nội chỉ thấy mình Dũng mà không thấy em. Dũng bảo Hoa Hồng chiều nay phải thi, hẹn tối gặp nhau ở nhà em. Tôi không nói gì nhưng đã thấy hơi bực mình. Tối đó Dũng phóng xe máy sang nhà tôi đón tôi cùng đến nhà em, hắn hỏi tôi:
- Anh có nhớ hôm nay là ngày gì không?
- Hôm nay là thứ Bảy cuối tuần và cũng là ngày cuối tháng, đúng không?
- Đúng rồi, nhưng anh không nhớ ngày gì nữa à.
- Không – tôi trả lời vô tư.
Dũng bảo:
- Hôm nay là sinh nhật lần thứ 20 của Hoa Hồng đấy!
Tôi sửng sốt bảo Dũng:
- Bỏ mẹ, tao chẳng nhớ gì cả. Thế thì phải đi mua tặng nàng cái gì chứ nhỉ?
Dũng bảo:
- Yên trí đi, em đã thay mặt mặt anh lo đầy đủ rồi.
Khi tôi và Dũng đến, em đã đứng sẵn ở cổng đón. Em ôm chầm lấy tôi hôn chụt một cái vào má mà bảo:
- Khiếp, đi có mấy tháng sao đen thế? Nhưng trông có vẻ rắn rỏi lắm “chú bộ đội” ạ!
Em vui mừng rối rít dẫn chúng tôi vào nhà, giới thiệu với bố mẹ và em gái:
- Đây là anh Hùng mà con thường nói với bố mẹ đấy!
Tôi chào bố mẹ em, rồi trả lời các cụ mấy câu xã giao xong thì được mời ra ngồi ở bàn bầy bánh kẹo và có lọ hoa hồng tươi rực rỡ, liền khen:
- Hoa đẹp quá!
Em bảo:
- Chuyện, hoa của anh trồng sao chẳng đẹp!
Tôi không hiểu em nói vậy là trách tôi hay có ý gì nhỉ? Ngồi một lát tôi xin phép bố mẹ em cho em đi chơi với chúng tôi. Khi ra đến cổng Dũng nhường xe máy cho tôi đèo em đi công viên còn hắn tự bắt xe ôm về. Em ngồi sau xe ôm chặt lấy tôi ríu rít kể đủ thứ chuyện, hỏi đủ thứ việc nhưng tôi chỉ ậm ừ trả lời qua quít, vì đầu óc tôi đang bận nghĩ về câu em bảo “hoa anh trồng sao chẳng đẹp” ban nãy và tại sao chiều em không ra ga đón tôi. Khi vào công viên vừa ngồi xuống ghế đá tôi đã hỏi em:
- Chiều nay thi có tốt không?
Em trả lời tôi bằng một câu hỏi:
- Sao anh biết em chiều nay thi?
- Thì thấy Dũng bệu lúc chiều ra ga đón anh nó bảo vậy.
- Buổi chiều vừa vào phòng thi thì thấy bảo có người nhà đến tìm, nhưng em không ra được. 5 giờ thi xong em vừa định ra nhảy xe buýt về nhà thì Dũng đến bảo đầu giờ chiều đến định rủ em đi đón anh nhưng không gặp nên đã ra ga đón anh về rồi.
- Thế chiều nay Dũng lại đến trường đón em à?
- Vâng! Thế Dũng chưa nói với anh à?
- À… có, nhưng anh quên!
Em véo tôi một cái rõ đau và bảo:
- Chỉ được cái giả vờ là không ai bằng!
Trong đầu tôi rất nhanh nhớ lại câu Dũng bệu nói với tôi năm ngoái “Yêu thì khai béng ra cho nó tiến bộ, nếu không thì bọn này ‘làm việc’ đấy!”. Hay là thằng này đã ‘làm việc’ rồi nhỉ? Tại sao nó đến đón Hoa Hồng chiều nay mà không hề nói gì với mình là thế nào? Lúc tối mình bảo phải đi mua cái gì mừng sinh nhật cho Hoa Hồng thì nó lại bảo “Em đã thay mặt anh lo đầy đủ rồi”. Chắc vắng mình nó đã “thay mặt” mình yêu Hoa Hồng “đầy đủ” rồi sao? Lại còn lọ hoa hồng nữa, sao em nói là “hoa của anh trồng”? À phải rồi, em muốn thông báo cho mình biết “Hoa anh trồng cho thằng Dũng bệu hái” chứ gì! Tôi liền hỏi:
- Sao nãy em lại bảo “hoa của anh trồng” là sao?
- Thế không phải hoa của anh trồng thật à?
- Sao lại là hoa của anh trồng?
- Thế thì anh phải cảm ơn Dũng đi!
Không còn kìm nén nổi cơn giận giữ nữa, tôi gằn giọng rít lên hỏi em:
- Tại sao tôi phải cảm ơn thằng chó đểu lừa bạn, phản bạn ấy?
Rồi tôi nhảy lên xe phóng ra khỏi công viên để mặc em một mình ở đó. Tôi phóng ngay đến nhà Dũng để cho thằng chó đểu này một trận, nhưng hắn không có nhà. Tôi để chiếc xe lại trả hắn và đi lang thang ra phố, vào một nhà hàng gọi chai rượu ngồi uống một mình. Tôi uống say mềm rồi gục ngay xuống bàn ngủ, mãi tới khi nhà hàng đóng cửa họ mới gọi tôi dậy, thuê giúp taxi chở tôi về nhà. Hôm sau khi tôi thức dậy thì đã chín rưỡi sáng, bố mẹ tôi đã đi làm cả. Tôi lại định tìm đến nhà Dũng hỏi tội nó, nhưng chợt nghĩ giờ này chắc nó đã đi học rồi, thế là tôi viết cho bố mẹ mẩu giấy để lại “Con có việc phải trở lại đơn vị gấp”, rồi ra ga nhảy tầu vào Tây Nguyên sớm một ngày. Ngay khi vào đến đơn vị, việc đẩu tiên là tôi viết thư cho em, nhưng trong bì thư tôi chỉ nhét vào một trang giấy trắng tinh đánh dấu chấm hỏi to tướng ở giữa chứ không viết một chữ nào cả. Tôi gửi như thế bảy lá thư một tuần liền. Tôi chờ một một tuần, hai tuần rồi một tháng, nhưng tuyệt nhiên không nhận được thư trả lời nào của em. Tôi đâm ra lo lắng và chợt nghĩ hay là do ghen tuông quá mà mình đã cả giận mất khôn, nghi ngờ sai cho em rồi? Tôi liền ra bưu điện gọi cho Dũng bệu, thì được nó cho biết “anh làm cho Hoa Hồng ốm nặng rồi đấy”. Tôi hỏi ốm thế nào thì Dũng bảo “Nào em cũng có gặp được Hoa Hồng đâu, nó nằm ở viện nào mà bố mẹ nó cũng giấu không cho biết, hôm qua người yêu em gặp Thược Dược mới biết đấy chứ”. Tôi hỏi “mày có người yêu rồi à?” Thì Dũng bảo “Bạn cùng lớp đại học ấy mà, hôm đón anh về sợ anh mệt, em phải tranh thủ vào Trường Sư phạm đón Hoa Hồng về cho anh, nên nhờ người yêu em đi mua 20 mươi bông hoa hồng đưa trước đến nhà Hoa Hồng nói dối là anh cắt ở vườn nhà anh gửi đến nên Hoa Hồng thích lắm”. Tôi mới “à ra thế” và trách “Thế mà chúng mày chẳng cho tao biết trước gì cả”, nó lại bảo “biết trước thì mất hết tính bất ngờ, còn gì là vui nữa”, Tôi gắt lên trong máy “Vui, vui cái con khỉ, chúng mày giết tao rồi! Hãy tìm ngay đến bệnh viện xem Hoa Hồng bệnh tình ra sao rồi báo cho tao biết”. Tôi cho rằng chắc Hoa Hồng chỉ là bệnh tư tưởng, ức tôi mà sinh ốm đấy thôi, thằng Dũng gặp em, sẽ giải thích rõ mọi chuyện thì lại khỏi ngay ấy mà. Tuy vậy hôm sau vừa đến giờ nghỉ, tôi lại bỏ cả cơm tranh thủ ra bưu điện gọi cho Dũng xem tình hình của em ra sao, thì Dũng bảo “Mất hút rồi”. Tôi hỏi “Mất hút là thế nào?”, Dũng bảo “Tìm khắp các bệnh viện Hà Nội, mà chẳng thấy ở đâu cả”. Tôi bảo “ Sao không đến trường hay đến nhà mà hỏi”, Dũng bảo “Đến trường rồi, người ta cũng rất ngạc nhiên không hiểu sao Hoa Hồng bỏ học mà chẳng có lý do, còn đến nhà thì nhà đã bán và chuyển đi đâu rồi, chẳng ai biết địa chỉ cả”. Tôi bảo “Vô lý!” thì Dũng bảo “Em cũng thấy thậm vô lý!”.
Tôi viết liền đến hơn chục lá thư xin lỗi em, mà đều tuyệt vô âm tín. Tôi lo lắng quá. Tết đó tôi xin bằng được đơn vị cho nghỉ phép để về nhà gặp Hoa Hồng. Nhưng thật đáng tiếc suốt cả kỳ nghỉ phép mười ngày tôi, Dũng và cả người yêu nó nữa đi tìm Hoa Hồng khắp cả hang cùng ngõ hểm trong Hà Nội mà đều vô vọng. Có lẽ do hiểu lầm mà ghen tuông vô lối, tôi đã xúc phạm tình yêu trong trắng của em, em không thể tha thứ được, nên đã lẩn trốn không muốn gặp tôi nữa. Nhưng mà chả lẽ cả nhà em cũng hờn giận mà lẩn trốn tôi sao? Thật vô lý quá, không thể nào hiểu nổi! Hết phép tôi đành buồn bã trở lại Tây Nguyên.
Hai năm làm lính nghĩa vụ, lẽ ra tôi đã hoàn thành được ra quân, nhưng do thủ tục trên Trung đoàn làm chậm thế nào mà khóa chúng tôi phải kéo dài thêm hai tháng, nên dự định tháng sau tôi mới được ra quân. Những ngày tháng ở lại đơn vị sao nó nặng nề và dài lê thê đến thế, tôi mong từng ngày từng giờ để về đi tìm gặp em bằng được mà tạ lỗi. Khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là được ra quân thì nhận được điện báo hỏa tốc của Dũng đánh vào đơn vị “Anh Hùng về gấp gặp Hoa Hồng kẻo không kịp”. Tôi phát hoảng lên, “không kịp” là thế nào nhỉ? Em sắp lấy người khác à? Cũng có thể, mình bặt tin đến hai năm rồi còn gì, mà cũng đã hứa hẹn gì với nhau đâu, “Hoa đến thì thì hoa phải mở, đò đầy thì đò phải sang ngang”, không thể trách em được. Nhưng lấy ai thì cũng phải nói với nhau một câu đã chứ! Không thể như thế được. Ta không thể để mất mất em được, phải về ngay, phải về cho kịp! Tôi vội lên chỉ huy Trung đoàn đưa tờ điện báo cho Trung đoàn trưởng đọc và xin phép về gấp rồi lại vào để làm thủ tục ra quân. Vì thấy tôi đã hai năm rồi chưa về nhà, nên Trung đoàn trưởng giải quyết cho nghỉ phép một tuần. Vừa gặp Dũng ra đón ở ga Hà Nội tôi vội hỏi:
- Hoa Hồng sắp lấy chồng à?
- Sắp chết, chứ chồng con gì!
Nghe Dũng nói tôi phát hoảng, vội hỏi:
- Thật thế không? Tại sao mày không báo sớm cho tao biết.
- Biết nó ở đâu mà báo cho anh? Hôm qua Thược Dược tìm đến nhà em bảo là chị nó sắp chết rồi, muốn gặp anh, nhờ em báo cho anh. Em cũng phát hoảng lên theo Thược Dược đến nhà mới của nó thăm thì thấy bệnh tình nguy quá rồi anh ạ.
- Hoa Hoa Hồng bị bệnh gì?
- HIV.
- Cái gì? Mày không dọa tao đấy chứ?
- Đến lúc này em còn hơi đâu mà dọa anh nữa. Hôm qua em đến thì bố mẹ nó trách là ngay cái tối sinh nhật lần thứ 20 của Hoa Hồng, em và anh rủ nó đi rồi bỏ nó ở công viên. Có đúng hôm đó anh bỏ nó ở công viên không?
- Ừ,… thì sau đó làm sao nữa, nói mau đi xem nào!
- Sau đó nó ngồi khóc một mình ở công viên, bị bọn nghiện hút đến tấn công. Khi bố mẹ Hoa Hồng được công an gọi đến nhận con, thì Hoa Hồng đang bất tỉnh. Ông bà ấy sợ quá, mấy hôm sau cho Hoa Hồng đi xét nghiệm thì nhận được kết quả dương tính. Bà mẹ đau khổ đã định tự tử. Cả nhà xấu hổ nên muốn dấu mọi người thân quen, nên phải bán nhà đang ở, mua chung cư tít phía ngoại thành để chăm sóc Hoa Hồng. Ròng rã hai năm trời, cả nhà khánh kiệt để thuốc thang chạy chữa cho Hoa Hồng, nhưng không có kết quả. Bây giờ bệnh tình của Hoa Hồng chỉ còn tính từng ngày từng giờ nữa thôi. Hoa Hồng muốn trước khi vĩnh biệt cõi đời này được gặp anh lần cuối…
Nghe mỗi lời Dũng kể như từng nhát dao cắt cứa lòng tôi. Tôi ngồì sau xe vừa đấm vào lưng Dũng tôi vừa khóc rống lên “ Tôi đã giết em rồi Hoa Hồng ơi!”.
Dũng bảo tôi:
- Anh phải thật bình tĩnh, khi đến nhà Hoa Hồng anh cũng phải cẩn thận kẻo bố Hoa Hồng không kìm nén được sẽ giết anh đó.
- Bị giết tao cũng phải đến, Hoa Hồng mà chết tao còn sống làm gì nữa?
Nhà Hoa Hồng ở chung cư cao tầng, Dũng bấm thang máy chờ mãi mà mũi tên vẫn chỉ đang đi lên, tôi sốt ruột hỏi Dũng:
- Tầng mấy? Phòng nào?
- Tầng 18, phòng 1803.
Tôi lao vội ra thang bộ, hộc tốc chạy thẳng một mạch lên tầng 18. May mà từ phòng 1803 em của Hoa Hồng vừa mở cửa xách thùng rác đi ra, tôi vội hỏi:
- Chị Hoa Hồng đâu?
- Trong nhà ấy, sao bây giờ anh mới về?
Tôi không kịp trả lời nó, đẩy cửa lao vào. Tôi bàng hoàng thấy Hoa Hồng chỉ còn da bọc xương, mặc bộ quần áo trắng, nằn trên chiếc giường cá nhân trải ga trắng, mẹ em đang ngồi khóc thút thít bên cạnh. Tôi lao vào vồ lấy em mà khóc rống lên:
- Hoa Hồng, sao đến nông nỗi này! Trời ơi!...
Em cố gắng gượng nhắc đôi tay khẳng khiu toàn xương lên nhẹ nhàng ôm lấy đầu tôi như muốm kéo sát vào ngực mình, rồi thều thào nói:
- Anh đã về đấy ư? Em cứ tưởng không còn được gặp anh nữa cơ!
Tôi ôm chặt lấy em mà khóc. Em lại thều thào nói vào tai tôi:
- Được gặp anh là em mãn nguyện lắm rồi, đừng khóc nữa.
Tôi nói trong nước mắt:
- Hoa Hồng, hãy tha thứ cho anh. Anh đã hiểu lầm em, để đến nông nỗi này, hãy tha thứ cho anh nhé!...
Hoa Hồng khẽ nhúc nhắc cái đầu như biểu lộ gật gật đồng ý và càng ôm chặt tôi hơn như thể sợ bỏ ra là tôi lại đi mất. Tôi không sao kìm nén được những cơn nấc nghẹn lên cổ, rồi lại phát ra tiếng khóc to. Tay em nhẹ nhàng cố di chuyển sờ nắm khắp đầu tôi, mặt tôi… rồi trên hai hố mắt sâu trũng những giọt nước mắt khó khăn lăn ra hai gò má cũng chỉ còn da sát xương của em. Em lại thều thào ghé sát tai tôi hỏi:
- Hôm nay vừa đúng hai năm, anh giận em ở công viên mà bỏ đi, anh có nhớ không?
Tôi thẹn thùng không nhớ gì sất cả, nhưng vẫn cố gật gật cho em vui lòng. Em lại hỏi;
- Hoa hồng trong vườn nhà anh vẫn nở đẹp đấy chứ.
Tôi lại gật gật và xấu hổ vì không nhớ hôm nay là ngày sinh lần thứ 22 của em. Tôi bảo em:
- Để anh về lấy hoa đến mừng sinh nhật em nhé?
Em lại gật gật đồng ý. Tôi vội đứng lên lao ra cửa thì Dũng túm lại đưa cho tôi chìa khóa xe máy và vé gửi xe. Tôi đón lấy rồi huỳnh huỵch chạy bộ trở xuống, lấy xe phóng thẳng về. Về đến nhà, tôi đạp mạnh bung cả cánh cổng lao vào sân thì ôi thôi, vườn hoa nhỏ xinh và cả năm chậu hoa của tôi đều đã chết khô hết cả, chỉ còn những thân cây khô cứng đầy gai góc trơ trọi như những mẩu xương đang rã rời…Thấy người đạp cổng, mẹ tôi từ trong nhà chạy ra thấy tôi thì reo lên mừng rỡ:
- Hùng về đã đấy con?
Thay vì chào mẹ, tôi gào lên:
- Sao lại để hoa của con chết hết thế này? – Rồi lại quay xe lao ra đường phố. Tôi phóng đến quầy bán hoa, bảo cô hàng hoa gói cho 22 bông hồng thật đẹp, rồi phóng đến nhà em. Tôi hấp tấp ôm cả bó hoa lao vào phòng 1803, đến bên giường đưa cho em. Em mỉm cười sung sướng, cứ để nguyên cả nilon và giấy bọc, ôm bó hoa vào lòng và khẽ mấp máy môi:
- Hoa hồng anh trồng vẫn đẹp quá!
Nói rồi, ra hiệu cho tôi cắm hoa vào lọ. Khi tôi vừa cắm xong nhìn em và hỏi:
- Được chưa?
Em khẽ gật và giơ hai ngón tay ra hiệu bảo tôi lấy cho em hai bông. Em khẽ bảo tôi ngắt cành đi, gài cho em một bông lên mái tóc, một bông gài vào túi áo ngực em. Rồi em bảo tôi đỡ em ngồi dậy. Thấy tôi đỡ em ngồi dậy, mẹ em vội cầm cái gối đặt vào đầu giường cho em ngồi tựa lưng vào, nhưng em khẽ gạt chiếc gối đi và ra hiệu cho tôi ngồi hẳn lên giường ôm em ngồi vào lòng tôi. Tôi ngoan ngoãn làm theo. Khi đã ngồi gọn trong lòng tôi, em thì thào bảo bố lấy máy ảnh. Bố em vội mở tủ lấy máy ảnh. Em lại ra hiệu bảo đưa máy cho Dũng chụp. Khi Dũng dâng máy lên ngắm chụp thì em nép sát đầu vào ngực tôi mỉm cười. Ảnh sáng flah máy ảnh lóe sáng xong thì em cười sung sướng nói nhỏ:
- Ảnh cưới đấy!
Nhìn em cười và nói, tôi nấc lên nghẹn ngào và cả nhà đều rơi nước mắt theo. Thấy mọi người khóc, em lại thều thào nói:
- Bố, mẹ và mọi người đừng khóc nữa, con vui lắm mà!
Tôi ôm ghì em vào lòng và hôn nhẹ lên mái tóc dài bồng bềnh, rối bời của em. Em sung sướng để yên cho tôi hôn như thế rồi nhẹ nhàng thiếp đi, không bao giờ tỉnh lại nữa…
Tôi ôm mãi xác em mà gào lên trong tuyệt vọng, chẳng biết bao lâu, mọi người mới gỡ được chúng tôi ra.
Ngày hôm sau đưa đám tang em thì mẹ em ngất xỉu phải cấp cứu vào bệnh viện. Đưa tiễn em chỉ có bố, Thược Dược, tôi, Dũng, người yêu của nó và thầy cô, bạn bè hồi học cấp III. Bố em không báo cho ai trong họ hàng biết. Hàng xóm chỉ vài người sống liền kề đến, còn gia đình em chuyển đến đây sống biệt lập không quan hệ với ai cả. Hôm đó tôi là người đứng ra làm chủ tang lo liệu mọi việc. Dũng đã kịp phóng to bức “ảnh cưới” vừa chụp được hôm trước để làm ảnh rước của đám tang em. Cả đám tang chỉ có một chiếc xe tang chở quan tài người quá cố, những người đi đưa tiễn và ba vòng hoa trắng lầm lũi đi từ chung cư ngoại thành vào qua thành phố rồi đến Đài Hóa thân Hoàn vũ.
Lúc làm lễ truy điệu trước khi đưa em vào Đài Hoàn vũ, tôi nghẹn ngào đứng ra đọc điếu văn tiễn biệt em và cảm ơn mọi người đã đến “ đưa tiễn ‘vợ tôi’ về nơi an nghỉ cuối cùng”. Chắc nơi chín suối em cũng mỉm cười sung sướng với một câu có tính chất “công nhận” em là vợ tôi trong bài văn điếu tôi đã đọc rằng “Tình ta chưa nghênh hôn giá thú, nhưng lòng anh đã cưới lòng em”. Tôi thuê người phụ trách đài Hoàn vũ bốc hót tro thi hài em vào hai lọ, một lọ ký gửi tại nhà lưu niệm của nghĩa trang, một lọ tôi đem về.
Mấy ngày sau đó tôi cùng ‘gia đình vợ’ làm lễ cúng 3 ngày cho em và làm thủ tục đưa em vào chùa để qui y cửa phật. Còn mấy ngày phép, nhưng tôi chẳng muốn ở nhà thêm một ngày nào nữa. Tôi xin phép bố mẹ trở lại đơn vị, tôi nói với bố mẹ “chắc con đi lần này lâu mới về đấy, bố mẹ ở nhà hãy cố mà giữ gìn sức khỏe!”. Khi bước ra sân nhìn thấy những cọng hoa hồng đầy gai khô cứng như những mẩu xương, tôi khựng lại, mở ba lô lấy lọ tro ra nhúm một nhúm nhỏ rắc lên những thân cây chết, những mong linh hồn em hiện về, có phép mầu mà làm cho những cây hoa hồng sống lại. Mong thì mong vậy nhưng tôi thừa biết những khóm hoa hồng của tôi đã chết thật rồi không thể nào còn sống lại được nữa…
Trở lại đơn vị, tôi sống như người mất hồn. Chưa đầy một tháng sau tôi được ra quân. Mọi người vui vẻ hồ hởi được trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình. Còn tôi sau khi rời đơn vị đã lặng lẽ ở lại Tây Nguyên. Tôi đến một bản của người H’mông gần trường Đại học Sư phạm Tây Nguyên, phía ngoại thành Đà Lạt thuê một công đất trồng hoa hồng. Tôi dựng một chòi nhỏ ngay cạnh ruộng hoa để ở. Trong chòi tôi treo bức ‘ảnh cưới’ của mình và kê một chiếc bàn nhỏ đặt lọ tro của em. Hàng ngày mỗi khi thắp hương cho em tôi lại lẩm bẩm nói chuyện với em. Chỉ mấy tháng sau, ruộng hoa hồng của tôi đã nở rộ đầy hoa. Tôi chỉ bán cho những người buôn đến tận nơi tự cắt mang đi, chứ không mang hoa ra chợ bán. Những khách hàng là thanh niên, sinh viên đến vườn mua lẻ thì tôi hỏi mua hoa làm gì, ai nói mua hoa về mừng sinh nhật hay tặng bạn gái là tôi đều tặng, không lấy tiền. Tiếng lành đồn xa, ruộng hoa của tôi thành địa chỉ quen thuộc cho các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ thấy tôi tặng hoa không lấy tiền còn mời tôi bằng được đến nhà hay ra nhà hàng dự tiệc sinh nhật bạn gái của họ. Tôi đã trở thành một ông chủ làm nghề kinh doanh hoa hồng chuyên nghiệp của thành phố hoa Đà Lạt. Chỉ mới được hơn ba năm, nhờ thu hoạch bán hoa, tôi đã mua đứt được công đất đang thuê và xây được một ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi ngay cạnh ruộng hoa. Khách mua hoa là giới học sinh, sinh viên nhiều khi còn nhờ địa điểm nhà tôi làm nơi tổ chức sinh nhật, hội hè. Tuy sống độc thân, nhưng “trang trại hoa hồng” của tôi lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười của các bạn trẻ.
Một buổi sáng đẹp trời, nắng vàng rực rỡ, gió nhẹ hiu hiu, trời Đà Lạt trong xanh bất tận…Tôi đang mải miết bón phân, vun gốc cho những khóm hoa hồng thì nghe tiếng chào rất quen thuộc từ phía sau:
- Bán cho em một bó hoa hồng nào!
Tôi vừa quay lại thì phát hoảng lên vì thấy Hoa Hồng của tôi đang tươi cười tiến lại. Tôi bất giác kêu lên:
- Hoa Hồng, em… sao…
Hoa Hồng cũng sững lại và xúc động kêu lên như muốn gọi tôi tỉnh lại:
- Anh Hùng, em Thược Dược đây mà! Có phải chị Hoa Hồng đâu…
Tôi cố trấn tĩnh, dụi mắt nhìn lại Thược Dược và bảo:
- Trời! Em lớn quá rồi, mà sao giống chị Hoa Hồng đến vậy!
- Chẳng hiểu sao ai cũng nói em giống chị em như hai giọt nước.
- Em vào khi nào? Đi có một mình thôi à? Sao biết anh ở đây mà tìm? Bố mẹ có khỏe không? – Tôi mừng quá, hỏi em liên tiếp không cả cần nghe em trả lời.
Thược Dược bảo em vừa nhập học vào Trường Sư phạm Tây Nguyên, hỏi thăm anh, được các anh chị sinh viên cũ chỉ cho. Tôi hỏi:
- Sao em không thi vào một trường Đại học nào ngoài Hà Nội cho gần nhà, mà lại thi vào Đại học Tây Nguyên?
Thược Dược trả lời:
- Anh mang chị em vào đây mấy năm rồi chả về, nhớ quá nên em quyết định thi vào Sư phạm Tây Nguyên.
Nghe Thược Dược nói vậy, tôi lại xúc động nghẹn ngào, nước mắt trào ra không kiềm chế được. Tôi buông cuốc, dẫn Thược Dược vào nhà, ngồi uống nước, hỏi han chuyện trò một lúc. Rồi tôi lấy thóc ra sân gọi đàn gà cho ăn, lùa bắt được một con. Tôi đưa cho Thược Dược cái rổ bảo ra vườn hái giúp anh một nắm rau, rồi hai anh em làm thịt gà, nấu cơm chiêu đãi nhau. Vừa ăn cơn tôi vừa kể cho Thược Dược nghe đã thuê đất trồng hoa hồng, rồi bán hoa trúng giá, có tiền mua đất, làm nhà ra sao. Nghe xong Thược Dược bảo:
- Bây giờ thời đại kinh tế thị trường, xu hướng chung là phải đi vào sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành nghề, sao anh chỉ trồng mỗi một loại hoa hồng? Nhỡ chẳng may gặp năm hạn hán, sâu bệnh, hay được mùa nhưng rớt giá không bán chạy thì tính sao?
Tôi ngỡ ngàng trước câu hỏi bất ngờ nhưng đầy kinh nghiệm của một nhà kinh tế của cô sinh viên trẻ. Tôi hỏi lại em:
- Theo em thì phải trồng thêm cây gì, nuôi con gì bây giờ?
- Cái đó tùy anh tính toán rồi quyết định, nhưng theo em trước mắt cứ trồng thêm một vài loại hoa khác đi đã.
- Hoa gì?
Thược Dược ngập ngừng, rồi mạnh dạn nói:
- Như hoa… thược dược chẳng hạn…- Rồi mặt em bừng đỏ, nhìn tôi cười bẽn lẽn.
Ngay ngày hôm sau, tôi đã đi mua thêm giống hoa thược dược về trồng xen kẽ vào những luống hoa hồng đã lụi tàn. Chỉ sau một thời gian ngắn gặp mưa, những khóm hoa thược dược đã vươn xanh mơm mởm giữa thời tiết Đà Lạt mát mẻ.
Chủ nhật nào Thược Dược cũng từ trường đến, cùng tôi vun xới cho hoa. Tôi rất vui vì có em làm vườn cùng. Tôi bần thần chống cuốc ngắm nhìn em, lòng tôi rộn ràng sung sướng vì lúc nào như cũng có hình bóng Hoa Hồng ở ngay bên cạnh.
Ảnh Nguyen Thanh - VNthuquan.net
13/12/2009