Chương 10
Tác giả: DELLY
Từ buổi nói chuyện lần đầu với Hoàng thân Đờ Vitengrat ở lâu đài Petersburg, Bá tước Xêminkhốp đã có một lần nói chuyện nữa. Trong lần ấy, không ai đả động gì đến bà Bá tước đã quá cố cũng như đứa bé gái bị mất tích. Nhưng bức ảnh của Lilia vẫn để đấy và Vladimir lại nhìn thấy mắt ông bố vợ hướng về nó rất chăm chú. Chàng còn nhận thấy ở ông trạng thái bứt rứt, ông cố vượt qua để theo dõi câu chuyện. Được một người giúp việc báo tin chính xác về gia đình Xêminkhốp, Hoàng thân cho rằng triệu chứng băn khoăn kia một phần nào do những mối lo khắc nghiệt bủa vây ông, nhưng cũng do những nghi vấn về vai trò của Ixmen trong việc con gái ông bị mất tích. Điều này hoàn toàn phù hợp với ý muốn của Vladimir, vì có người làm vườn ở Trêvôrich và nắm được một số tin tức về Ixmen, chàng chuẩn bị đánh một đòn cuối cùng.
Hai hôm sau khi ông Đờ Grơiy đến chơi ở Txacoie, Bá tước Xêminkhốp nhận được lời của Hoàng thân Đờ Vitengrat mời ông đến xem một ấn phẩm quý hiếm chàng vừa có, lần này thì mời đến lâu đài Txacoie.
Trước hôm ấy, ông vừa bị một chủ nợ đến đe dọa. Những ngày trước nữa, ông cũng đã nhận được những cuộc thăm viếng loại ấy và ông bị hẫng trước cái hố sâu mở ra ở dưới chân.
"Đây là sự phá sản, bần cùng và cũng là sự mất danh dự", ông thất vọng nghĩ.
Mòn mỏi, già quá tuổi, ông cảm thấy không còn khả năng gắng gượng nữa. Tuy nhiên, ông còn một đứa con trai, đứa con tàn tật, khốn khổ! Nó sẽ ra sao? Ông làm thế nào để nuôi nó? Mẹ nó không ưa nó, không bao giờ chăm nom nó. Mụ sẽ ra đi mà bỏ mặc nó đấy, cũng như mụ chuẩn bị làm thế đối với chồng.
Thời gian gần đây, Bá tước nghi ngờ dự định của Ixmen và Myra. Nhưng ông đã chán nản đến mức độ nghĩ rằng: Mặc cho họ đi. Thà không nhìn thấy họ còn tốt hơn.
Trong tình trạng này, ông rất muốn viện lý do sức khỏe để từ chối lời mời của Hoàng thân. Nhưng đây không phải là lúc để mất một nhân vật quan trọng như vậy. Nếu Hoàng thân Đờ Vitengrat tiếp tục ưu đãi ông, có lẽ ông sẽ xin được sự giúp đỡ để có một vị trí đủ sống và chu cấp cho con trai ông. Vậy thì dù thế nào cũng vẫn phải là một triều thần tốt.
Và, ông cũng không biết thật rõ ràng, nhưng một tình cảm khác thôi thúc ông đến lâu đài Đờ Vitengrat: hy vọng lại nhìn thấy bức ảnh phụ nữ đã gây ấn tượng mạnh với ông về sự giống nhau với bà Hoàng thân Liuxka và Onga Rômanopna, người vợ trước đã mất của ông.
Hoài niệm ấy thường trở lại tâm trí ông. Rồi một nỗi buồn, một cái gì như lo sợ, làm tim ông thắt lại khi ông nghĩ: Con người tuyệt diệu kia, trẻ trung như thế, có đôi mắt nhìn trong trẻo đầy ánh sáng như thế, đã rơi vào ách của Hoàng thân Đờ Vitengrat ư? Ôi, tội nghiệp cô bé! Tội nghiệp cô bé khốn khổ!
Lời mời ông nhận được, ông không hề thốt ra trong nhà ông. Những lần trước, ông đã bị Ixmen gay gắt công kích và Myra điên khùng nhạo báng ông vì không có khả năng lợi dụng lúc Hoàng thân đang ngẫu hứng ưa thích ông, để có lợi cho mình. Rồi mối nghi ngờ ngày càng tăng lên, có cái gì đó như bản năng xui khiến ông phải đề phòng trong trường hợp này.
Ra khỏi phòng, ông gặp ả hầu buồng mới, đứa con gái tóc hung cóv ẻ tự phụ mà ông không ưa.
Ả đến phòng Myra. Cô ta đang trầm ngâm vẻ ủ rũ và tai ác.
Trông thấy ả hầu phòng, cô Nađôpulô nhỏm dậy, mắt nhìn vẻ bồn chồn.
- Thế nào?
- Tôi đem tin khá tốt đến, tiếu thư ạ. Kiên trì và mưu mẹo một chút thì gần như bao giờ cũng thành công. Ôi, tôi phải vất vả nhiều đấy! Vì người hầu trong nhà Điện hạ ít nói lắm! Cuối cùng tôi phải móc ngoặc với thằng phu đánh xe, nó mê tôi ngay. Nó chẳng biết có hay không có một người đàn bà trẻ trong lâu đài...
- Không thể thế được!
- Có thể, thưa tiểu thư. Những người hầu cận Hoàng thân trong dinh cơ này là những người giúp việc đã được thử thách. Họ đều câm lặng khi động đến chuyện của Điện hạ. Còn thằng say mê tôi là Piot chỉ là thằng đầy tớ hạng bét, lúc nào cũng loanh quanh ở chuồng ngựa, chỉ nhìn thấy ông chủ khi ông ra thăm ngựa. Vậy thì không thể trông cậy vào nó để hỏi thăm về vấn đề Lilia Vêrin. Nhưng tôi đã biết được điều này: hiện họ đang sửa sang trong vườn lâu đài nên có một cổng nhỏ mở cho đến tối cho thợ đi. Tôi sẽ vào bằng lối ấy tối mai để chuyện trò với Piot đáng yêu kia.
Nói đến đây, Dunia thốt ra một tiếng cười khẩy:
-... Nhưng cái thằng đáng thương ấy chờ tôi uổng công. Trái lại, lúc xẩm tối một người khác sẽ lợi dụng sự chỉ dẫn này mà vào vườn, nấp ở đấy, rồi khi trời tối hẳn sẽ đến gần lâu đài. Sau đó, làm thế nào để vào trong là việc của người ấy.
- Được, được, đấy sẽ là việc của ta! Và ta sẽ làm được! Tuy vậy, miễn là con chó đừng ở đấy. Nhưng nó thường đi theo chủ nó khắp nơi.
- Có lẽ ngày mai nó không đi theo chủ nó vì nó vừa bị nạn. Hôm qua, khi nó nhảy chồm lên chung quanh ngựa của Điện hạ như thói quen, một chiếc xe đã húc ngã nó. Nó bị thương ở đầu và gãy một chân. Tôi nghe thằng phụ xe nói thế. Như vậy là con vật kinh khủng ấy đã bất lực.
- Cực hay! Như thế là ta thật an toàn về khía cạnh ấy. Còn Hoàng thân, chàng ở lâu đà Petersburg tiếp khách ăn tối. Ta sẽ hành động không phải vội vàng và sẽ thận trọng về mọi phương diện để nó không thoát khỏi tay ta.
- Nhưng còn phải trốn thoát, thưa tiểu thư? Cổng sau có lẽ đóng mất rồi.
- Vậy thì chị phải đến chỗ hẹn với thằng Piot. Hãy lẳng lơ với nó một chút để nó đừng nghi ngờ. Hẹ nó sẽ quay lại... Rồik hi nghe thấy một tiếng còi nhỏ, chị gọi nó mở cửa cho chị. Lúc ấy, ta kiếm cách ra, nếu cần thì ra ngay trước mặt nó. Tất nhiên, chị làm ra vẻ không quen biết ta.
Dunia lắc đầu:
- Chúng ta chơi trò liều đấy, tiểu thư ạ! Hoàng thân sẽ dấy động khắp nơi để tìm ra thủ phạm của vụ mưu hại.
- Dù thế nào thì chị cũng không mạo hiểm gì cả. Cứ cho rằng thằng Piot kia có ngu xuẩn nói ra, điều này nó rất tránh vì như thế là thú nhận nó đã đưa một người con gái lạ mặt vào vườn, thì cũng chẳng ai ngờ được người đàn bà tóc nâu, mặt tô son phấn nó nói lại là cô Dunia Xtretnop tóc vàng tươi tắn.
- Vâng, tôi cũng nghĩ rằng không ai nhận ra tôi trong các lần lui tới đấy. Nhưng Hoàng thân rất sáng suốt... và Ngài sẽ khuấy động toàn ngành cảnh sát...
Vai Dunia run lên, mắt nhìn thoáng vẻ lo sợ. Cô Nađôpulô gay gắt nói:
- Đồ hèn! Chị có gì là mạo hiểm so với ta? Vậy chị có muốn trả thù Lilia không?
Mắt Dunia lộ vẻ hung ác:
- Có, tôi muốn trả thù. Vâng, tôi sẽ giúp tiểu thư!
oOo
Sáng hôm ấy, Hoàng thân Đờ Vitengrat ăn bữa sáng trong hoàng cung cùng với Hoàng đế. Chàng được Hoàng đế giữ lại khá lâu nên Bá tước Xêminkhốp đợi đã một giờ đồng hồ chàng mới bước vào phòng giấy.
- Bá tước thân mến, tôi rất tiếc vì đã làm ngài mất thì giờ! Nhưng hôm nay lại là ngày Hoàng thượng dành nhiều thì giờ để chuyện trò...
Vừa nói, Vladimir vừa bỏ găng tay lên bàn giấy và chìa tay cho khách.
Ra hiệu mời Bá tước lại ngồi vào chỗ ông vừa đứng lên chào, chàng cũng ngồi xuống bên bàn giấy và hỏi:
- Hình như ông ốm? Hay có điều gì quá bận tâm?
- Cả hai, thật thế, thưa Điện hạ. Những mối lo âu, day dứt... Xin Điện hạ miễn thứ cho nếu tôi có điều gì sơ xuất, lơ đãng. Đầu óc khốn khổ của tôi quá mệt mỏi trong thời gian này.
Thực ra ông đang cố chống lại cảm giác khó chịu đang xâm lấn ông.
- Ông được miễn thứ trước và hoàn toàn. Đây là ấn phẩm tôi muốn đưa ông xem. Nó vừa được phát hiện và có vẻ lý thú.
Bá tước cố gắng tập trung những ý nghĩ cứ lẩn tránh ông. Ông cầm cuốn sách cổ giữa mấy ngón tay và trong đầu óc suy nhược và hỗn loạn của ông chỉ bồng bềnh một ý nghĩ như một nỗi ám ảnh: Dù sao cũng phải chú ý, dù thế nào cũng không được làm mích lòng ông ấy.
Nhưng các nét chữ nhảy múa trước mắt ông. Tay ông run đến nỗi không lật được trang sách. Vladimir bỗng nói:
- Chắc ông thực sự quá mệt mỏi, ông Andre Paplovid ạ! Hôm khác ta sẽ xem...
Chàng giơ tay cầm lại cuốn sách.
Bá tước Xeminkhôp ấp úng:
- Xin Điện hạ thứ lỗi cho tôi. Vâng, thực tình hôm nay tôi không có khả năng...
Ngay lúc ấy có tiếng áo lụa sột soạt nhẹ. Trong khung cửa mở sang phòng khách bên kia, xuất hiện một người đàn bà trẻ, tóc vàng hung, áo khoác bằng sa tanh trắng rung rung trên áo lót màu hồng. Dưới hàng mi thẫm, đôi mắt cảm động long lanh sáng ngời hướng về phía Bá tước Xêminkhôp.
Vladimir nói một cách bình thản vừa buông cuốn sách xuống bàn:
- À, em đấy à, Elizabeth! Lại đây anh giới thiệu với em Bá tước Andre Paplovid Xeminkhop.
Bá tước đứng lên khi người thiếu phụ đến gần. Ông nhìn cô mắt đầy sửng sốt, kinh hoàng rồi xúc động mạnh.
Vladimir rời chỗ ngồi đến gần vợ và nói tiếp:
- Chính ông, như anh kể lại với em, nhận thấy sự giống nhau kỳ lạ giữa bà Hoàng Liuxka và em.
Bá tước ấp úng:
- Ồ, vâng, thật kỳ lạ... chưa từng thấy! Và cả cái tên Elizabeth... đấy là tên của đứa con gái bé nhỏ của tôi đã chết...
- Elizabeth... Andrepna Xeminkhôp... cũng là tên tôi.
- Elizabeth... Andrepna... Xeminkhôp ư?... - Tiếng ông thốt ra khản đặc. - Nhưng thế thì...? Không, không thể thế được! Lạy Chúa, có phải tôi mơ không? Xin Chúa hãy thương xót tôi!
Lilia vội tiến đến cầm lấy hai tay ông.
- Không, cha không mơ đâu! Con đúng là con gái cha, đứa con cha tưởng đã chết. Bà Fabien đem con đi, giấu con một nơi, để tránh mối nguy hiểm bà lo sợ cho con. Con đã sống ở một ngôi nhà nhỏ gác rừng thuộc lãnh địa Xtanitza dưới một tên giả, cho đến ngày Hoàng thân Đờ Vitengrat đem con theo.
- Con gái tôi! Bà là con gái tôi!
Ông loạng choạng vì quá xúc động. Vladimir đưa chiếc ghế tựa lại và ông buông mình xuống.
Ông ngắm nghía cô với niềm vui lạ lùng. Rồi bỗng một thoáng lo âu làm mắt ông mờ đi và quay về phía Hoàng thân, ông khẽ nói:
- Thế thì Điện hạ...?
Vladimir hiểu ý nghĩ của người cha.
- Tôi đã bí mật cưới con gái ông, ông Andre Paplovid ạ. Chỉ còn công bố chính thức cuộc hôn nhân này mà thôi.
- Cưới? Vậy thì con tôi là...?
- Bà Hoàng Đờ Vitengrat, và một trăm lần xứng đáng như thế. Đời nào tôi lại để cô ấy cho ai, cô Lilia xinh đẹp mà ông có hạnh phúc làm cha ấy, Bá tước thân mến ạ.
Bá tước Xeminkhôp đặt tay lên trán:
- Tôi mơ rồi! Tôi mơ mất rồi! Tìm được con gái tôi... mà nó lại là bà Hoàng Đờ Vitengrat! Nhưng Điện hạ đã nói đến mối nguy hiểm mà bà Fabien đã tránh cho nó?
- Phải, và điều ấy động đến một chỗ đau đớn của ông.
Bá tước rùng mình.
Lilia kéo ghế ngồi bên ông và kề trán vào môi ông.
- Cha tội nghiệp của con ơi, hôn con đi, can đảm lên và hãy nghĩ rằng con gái cha sẽ ở bên cha để chăm sóc và yêu mến cha.
- Con của cha! Chắc con phải tốt và đáng mến lắm!
Vladimir nói giọng vừa cảm động vừa vui vẻ:
- Thật thế, cô ấy là như thế đấy, còn hơn ông nghĩ nữa! Tôi đảm bảo với ông, cô ấy không làm tôi khổ sở, cô Lilia tuyệt vời của tôi, - rồi mỉm cười với vẻ giễu cợt và thú vị, chàng nói tiếp. - Tôi tin rằng cô ấy cũng có thể đảm bảo với ông như thế về chồng cô ấy, phải không Lilia, anh có quá ghê gớm với em không?
- Ồ, cha ơi, anh ấy rất tốt, quá tốt và con sung sướng lắm.
- Tốt lắm, tốt lắm, con yêu thương ạ!
Vladimir ngồi bên cha vợ, đọc cho ông nghe lời khai của bà Fabien. Nét mặt hốc hác của ông co rúm lại và Lilia áp mặt vào má ông lúc này đang tái xám, cảm thấy thân hình gầy guộc của ông run lên mãi.
Khi Vladimir đọc xong, Bá tước nghẹn ngào nói:
- Bà Fabien là một người trung thực, tử tế một cách chu đáo. Tôi tin rằng bà ấy đã nói hoàn toàn sự thực ở lời khai này. Nhưng nếu vậy tôi phải thừa nhận rằng...
- Rằng người đàn bà ông đã bất hạnh cưới làm vợ kế là kẻ tội phạm, nếu chưa có việc làm xảy ra thì cũng là mưu đồ. Về phần tôi, tôi không còn nghi ngờ gì cả. Vả lại, tôi có một hồ sơ ở đây và sẽ chuyển cho ông xem. Tôi muốn tránh cho ông điều khó chịu này nhưng cần phải để cho ông biết rõ con người đó thuộc loại nào và tại sao mụ lại không hề e ngại để làm mọi sự. Rồi Lilia, tôi gọi cô ấy như thế vì đã gặp nàng dưới tên ấy, sẽ đưa ông xem những quần áo Lilia đã mặc khi bà Fabien đưa cô đi khỏi Trevorich cùng với chiếc dây chuyền có mặt hình gia huy của ông. Sau cùng là tôi sẽ cho đưa người làm vườn kia đến đây ngày mai, người đồng mưu với bà gia sư, để ông nghe lời làm chứng của lão.
- Ồ, tôi không nghi ngờ gì nữa, thưa Điện hạ. Trời ơi! Tôi làm sao có thể nghi ngờ được? Vâng, tôi tin rằng mụ có khả năng làm bất cứ việc gì... kể cả việc ấy. Gần đây, tôi còn biết rõ hơn nữa là mụ là người thế nào...
- Phải tống mụ và đứa con gái đi khỏi nơi này. Chỉ cần đe dọa sẽ tiết lộ những điều liên lụy đến chúng, tôi sẽ làm chúng phải rời khỏi nước Nga trong hai mươi bốn giờ. Ông đừng bận tâm đến việc ấy, tôi sẽ đảm nhận. Ông sẽ không phải phiền não về những cảnh gây gỗ nặng nề. Với tôi, chúng sẽ không dám kháng cự.
- Xin cảm ơn Điện hạ! Tôi không còn đủ sức nữa. Tôi mệt mỏi, kiệt quệ...
Lilia thương xót và âu yếm nói:
- Tội nghiệp cha! Nhưng bây giờ cha không còn phải lo lắng việc gì nữa, cha sẽ thấy.
Vladimir gật đầu tán thành và cho ông biết:
- Tôi sẽ lo toan đến những việc rắc rối về tài chính của ông để ông được giải thoát không chậm trễ. Các chủ nợ sẽ được trả hết. Tôi sẽ mua dưới tên Lilia các tài sản mà bọn chúng đã cầm cố để ông hưởng trọn đời. Với những khỏan lợi tức phù hợp với vị trí của ông. Tất nhiên là con trai ông tiếp tục sống với ông và lúc nào cũng có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Lilia bởi vì nó tàn tật và bị mẹ bỏ rơi.
- Ôi, thưa Điện hạ... Tôi không biết bày tỏ lòng biết ơn của tôi như thế nào nữa! Tôi...
Giấc mơ hình như vẫn tiếp diễn với ông khi ông nghe con rể kể lại chuyện của Lilia.
Lúc ông rời lâu đài Bydangtanh thì đã có sự thỏa thuận giữa con rể ông và ông rằng sau ba ngày nữa, Hoàng thân sẽ tiến hành giải quyết về việc Ixmen và Myra, qua Ivan Xeminit, thư ký của chàng. Hôm trước chàng đã nói chuyện ấy với người thủ trưởng tối cao của ngành cảnh sát về giám sát hai người đàn bà kia ra khỏi nước Nga và đưa dấu hiệu nhận dạng của họ cho cảnh sát biên phòng để không bao giờ cho họ trở lại nữa.
Trong khi Lilia đi lấy những áo quần mặc lúc gọi là xảy ra tai nạn, Vladimir cũng cho cha vợ biết chàng đặc biệt dè chừng Myra vì ả quá say mê chàng.
-... Nó có khả năng ghen tuông một cách hung dữ và nếu có thể làm hại vợ tôi thì tôi tin rằng không gì ngăn cản được nó.
- Đúng, có thể như thế. Nó có vẻ bực bội ghê gớm đã một thời gian rồi, từ khi chúng tôi ở chỗ Điện hạ.
Hoàng thân mỉm cười, vẫn cái mỉm cười nhạo báng của chàng, và nói:
- Tôi biết điều ấy, - rồi chàng nói cho bố vợ biết việc cô Nađôpulô đến thăm phòng làm việc của chàng.
- Thật là liều lĩnh, - Bá tước Xêminkhop thốt lên. - Vâng, cầu cho con người ấy ở xa Lilia, Điện hạ nói đúng. May mắn thay, con bé yêu quý đã có ngay bên cạnh mình sự che chở đầy uy quyền.
- Thật thế, nhưng mưu mẹo của một người đàn bà ghen tuông thật quỷ quyệt và đề phòng đến đâu cũng không quá.