Tập I
Tác giả: Diễm Thanh
H ồng Phượng nhăn mặt kêu nhỏ:
- Phượng ơi? Làm ơn ngồi yên một chỗ được không? Đi tới đi lui tao chóng mặt quá.
Ngọc Phượng rùn vai, buông phịch người xuống chiếc ghế nhỏ. Cô liếc mắt nhìn Cát Phượng nằm rũ rượi trên giường, tóc tai xõa rối bời quanh gối. Ngọc Phượng than dài:
- Nhìn nó thế kia, tao đau lòng lắm. Tức chết được. Phải tìm hắn để hỏi cho ba mặt một lời.
Bích Phượng gật gù:
- Gặp hắn thì chắc chắn phải gặp rồi. Ngặt nỗi, hắn vẫn lo lắng cho Cát Phượng.
Hồng Phượng trầm tĩnh:
- Tụi mình không phủ nhận điều ấy. Căn bản, hắn vẫn là thằng đàn ông có trách nhiệm. Nhưng ...
Ngọc Phượng bặm môi:
- Không nhưng nhị gì nữa. Đã là đàn ông, dám làm dám chịu. Thời đại này là thời đại nào rồi, sao hắn còn phải cúc cung chờ sự chấp nhận của cha mẹ chứ.
Tao mặc kệ hắn tốt xấu trước giờ với bọn mình. Nếu lo không xong chuyện, để Cát Phượng khổ, tao nhất định ăn thua đủ với hắn.
Hồng Phượng dài giọng:
- Nghe khẩu khí của mày kìa. Ngon lành lắm. Mày đừng quên rằng, hắn thuộc hạng công tử con ông cháu cha. Hắn có tiền, có thế, hạng tép riu như tụi mình sờ được đến người hắn mới lạ đó.
Ngọc Phượng gắt lên:
- Bộ ỷ là con ông, con bà, rồi muốn làm gì thì làm à. Tao cóc sợ.
Bích Phượng nhỏ giọng:
- Bình tĩnh đi Ngọc Phượng. Sợ thì chả ai sợ ai cả. Vấn đề ở đây phải tế nhị đừng ồn ào, nếu mày không muốn Cát Phượng bị tổn thương.
Ngọc Phượng càm ràm:
- Ngay từ đầu tao đã nói rồi, cuộc tình của hai đứa không đi đến cuối được.
Nói mà không chịu nghe. Giờ phải làm sao đây?
Cát Phượng khẽ chống tay ngồi dậy. Hồng Phượng vội đưa tay đỡ bạn. Ngọc Phượng mau mắn kê thêm chiếc gối ôm chồng lên con thú bông:
- Mày yếu xìu thế kia, ngồi tựa vô đây đi.
Cát Phượng cười như ... mếu:
- Cám ơn mày.
Ngọc Phượng cong môi:
- Nghe hơi bị khách sáo đấy. Tụi mình là bạn bè kia mà. Mày uống chút nước nghen. Hồng Phượng, lấy cho nó ly sinh tố ngay đi.
Cát Phượng nói nhỏ:
- Không cần đâu. Tao rất vui, khi tụi mày ở bên tao. Tao không muốn ăn uống gì hết. Đừng quá lo lắng, mất công vì tao.
Vẫn là Ngọc Phượng, cô hất mặt:
- Hồi nãy, Hồng Phượng tự xay sinh tố. Bơ, sabôchê và mãng cầu, xoài nữa.
Bốn loại trái cây tụi mình ưa thích. Mày nên nhớ, cần phải ăn uống nhiều hơn, để lấy sức chiến đấu với "hồ lô" của mày. Tao không chấp nhận Cát Phượng kiêu hãnh bướng bỉnh dễ thương của nhóm "Tứ Phượng" bị thất thủ. Hè đang tới. Nhất định Phượng phải rực rỡ, đỏ tươi dưới bầu trời đầy nắng gió.
Bích Phượng cười khúc khích:
- Ôi? Tao có nghe lầm không nhỉ? Hôm nay có kẻ "tức nổ ruột đã xổ ra toàn giống văn vẻ". Hay thiệt.
Ngọc Phượng gắt lên:
- Hay gì chứ. Tao nói sai hay sao mày bắt bẻ tao? Trước giờ. Tứ Phượng chả phải "rất sống" trong mắt bạn bè thầy cô hồi xưa và đồng nghiệp hôm nay sao.
Hồng Phượng từ tốn đặt ly sinh tố vào tay Cát Phượng:
- Uống đi cho khỏe. Mày không đủ sức đấu võ miệng với nhỏ Ngọc đâu. Kệ nó đi. Nói gì thì nói, mày phải cố gắng lên. Cứ nằm kiểu này, bọn tao vừa thấy mình bất lực, vừa muốn trả thù giùm mày. Tứ Phượng dù trong hoàn cảnh nào, vẫn không thể gục ngã, nhớ không?
Cát Phượng rưng rưng:
- Tao biết rồi.
Nhìn Cát Phượng uống nước chậm rãi, Ngọc Phượng xốn xang:
- Mày ăn thêm chút gì không? Bún bò hay cháo gà. Tao xuống mua nghen.
Cát Phượng lắc đầu:
- Tao chưa đói, thật mà. Mày đừng lo lắng quá. Mày biết, tao là đứa háu đói nhất. Nhịn được mới lạ.
Bích Phượng chậm rãi:
- Con người lúc vui vẻ bình thường thì khác. Tao nghe con nhỏ phụ việc ở cửa hàng nói, từ tối qua đến giờ mày không ăn gì hết. Đúng không?
Cát Phượng cười nhẹ:
- Ừ thì đau bất tử, đau muốn chết, ăn gì nổi. Tao chưa thông báo, sao tụi mày biết mà tới vậy?
Bích Phượng nói:
- Sáng nay chủ nhật, ba tụi tao hẹn nhau đến quậy mày một bữa. Con Ngọc chả biết mắc chứng gì cứ la thèm ăn "cua rang me". Món đó phải đến nhà hàng "Hai chị em" thì mới được ăn đã miệng, tiền ít. Ai dè tới đó, tụi tao nghe tin mày vô cấp cứu. Rụng rời chân tay, con Ngọc hết thèm cua, nó xách xe chạy thẳng, báo hại tao và nhỏ Hồng chở nhau trên chiếc Max đuổi theo nó trối chết.
Bây giờ mày thấy trong người thế nào?
- Bớt đau nhiều. Nhưng tao rất mệt.
Hồng Phượng hỏi:
- Bác sĩ họ nói mày mắc bệnh gì?
Ngọc Phượng nhìn bạn:
- Mới hai tuần tao không gặp, mày ốm gì ghê quá. Y như bị ung thư vậy.
Cát Phượng ngập ngừng:
- Ung thư thì không. Nhưng tao ...
Ngọc Phượng từ tốn:
- Có chuyện nghiêm trọng đúng không? Mày kể rõ tụi tao nghe. Nếu không, lấp lấp lửng lửng kiểu này, tao nóng ruột lắm. Con nhỏ Nga bảo, mày và hắn ta dạo này luôn cãi cọ, mày khóc hoài. Khổ quá. Yêu làm gì cho khốn khổ thế chứ.
Bích Phượng cũng nói:
- Con Ngọc nói phải đó. Tụi mình gắn bó nhau gần chục năm, khác gì chị em ruột. Có ấm ức gì, mày kể ra, để tụi tao tính.
Cát Phượng cắn môi:
- Tao ... có ... năm tuần rồi.
- Hả?
- Trời đất ơi!
Cùng lúc ba cô gái trợn mắt, bật kêu to thảng thốt. Ngọc Phượng ôm vai bạn, giọng cô chùng thấp:
- Là thiệt hả Phượng? Mày là đứa khôn ngoan, bản lĩnh, sao lại để xẩy ra việc kinh khủng này chứ. Hắn biết chưa?
Cát Phượng gật đầu:
- Hoàng là người đưa tao vô cấp cứu.
Hồng Phượng hấp tấp:
- Rồi hắn nói thế nào? Ba mẹ mày biết không?
Ngọc Phượng xen vô:
- Tính toán gì nữa, mày nên hối hắn kết thúc giai đoạn tình yêu đi. Chuyện đổ bể, ba mẹ mày sống sao nổi. Tao nghe nói lấy chồng lấy vợ ngành an ninh, phải xét lý lịch tới ba đời lận. Rườm rà tốn thời gian kiểu đó, rồi phải làm sao hả Phượng?
Bích Phượng chép miệng:
- Vì thế, tao đâu dám quen mấy người có lý lịch đỏ. Tuy gia đình tao chả ai theo giặc. Nhưng đời ông đời cha tao thuộc dạng "tiểu thương" cũng khó nói là sạch sẽ. Gia đình mày liệu ổn không? Giá hồi trước mày yêu phứt ông Trung, trưởng phòng kinh doanh bên Ngân hàng chắc tốt hơn.
Ngọc Phượng lườm bạn:
- Mày ăn nói lung tung gì thế Bích? Tình yêu không thể chọn lựa so sánh.
Với lại, ông Hoàng trước giờ rất chu toàn và yêu thương Cát Phượng. Hắn còn luôn luôn tốt với mình đó thôi. Mày nói bậy, hắn nghe được, hắn coi thường cả bọn đó.
- Thì tao lo lắng cho Cát Phượng, nên mới nói chứ bộ.
Cát Phượng cười buồn:
- Mấy bà đừng cãi nhau nữa. Thật ra, tao hiểu tụi mày lo cho tao rất nhiều.
Nội ngoại nhà tao đều tốt. Bên ngoại đều là Đảng viên hết. Vấn đề tao lo ở đây là gia đình Hoàng. Họ không muốn anh ấy lấy tao.
Ngọc Phượng cau mày:
- Lý do vì không môn đăng hộ đối hả Phượng?
- Tao nghĩ đó chỉ là một phần nhỏ.
Hồng Phượng so vai:
- Nhà Cát Phượng bây giờ khang trang thua kém gì ai đâu. Dù không bằng gia đình họ, thì cũng không đến mức "không môn đăng hộ đối".
Bích Phượng cắn môi:
- Ăn thua là ở ông Hoàng. Hắn ta thương Cát Phượng thật lòng. Hắn ta nhất định bảo vệ nó. Bằng không ...
Ngọc Phượng nhăn mặt:
- Ê, con nhỏ kia! Mày ám chỉ cái gì hả? Bằng không thì sao?
Bích Phượng thản nhiên:
- Bỏ chứ sao nữa. Giờ mới năm tuần lo còn dễ. Thêm vài tuần nữa, vừa tội lỗi, vừa khó.
Cát Phượng chợt vòng tay ôm bụng, cô run run:
- Không! Tao không làm chuyện đó đâu.
Ngọc Phượng thở dài:
- Mày bình tĩnh đi Phượng. Nhỏ Bích thương mày nên nói vậy. Tụi tao đều lo cho mày. Mày ốm yếu xanh xao thế, ăn ngủ không được, sức đâu mày dưỡng thai. Đã vậy còn dư luận, còn danh dự gia đình, công việc nữa. Tất cả cần được tính toán cho thấu đáo.
Cát Phượng nghèn nghẹn:
- Nếu Hoàng không thuyết phục được gia đình, tao sẽ tự lo cho bản thân. Tao không muốn bỏ giọt máu của mình. Đứa bé vô tội và Hoàng là tình yêu của tao.
- Trời ạ!
Ngọc Phượng bật kêu. Ba cô gái đưa mắt nhìn nhau, bất lực. Họ quá rõ tính cách của Cát Phượng. Điều gì nó đã muốn, nó sẽ làm tới cùng. Huống hồ Hoàng thật sự yêu nó. Thời đại này chả lẽ vẫn còn cảnh gia đình ép uổng cấm đoán con cái tới chết ư?
Không! Hoàng là người đàn ông tốt. Chắc chắn anh có cách để bảo vệ tình yêu của mình.
Thương bạn đó, nhưng đành ngồi đếm thời gian để chờ đợi mà thôi. Cát Phượng không thể chấm dứt cuộc đời sự nghiệp của nó vào lúc này. Ông trời đã xui khiến cho bốn Phượng học chung lớp từ dạo cấp hai. Tình bạn của họ lớn lên theo tháng năm vui buồn của cuộc sống. Cát Phượng là đứa vui vẻ, nhanh nhẹn, dễ thương nhất nhóm. Người ta nói "hồng nhan đa truân" xin cho câu nói đó hãy tránh xa Cát Phượng của Tứ Phượng.
- Chị Hai! Chị sao vậy? Chưa khỏi bệnh, chị xuất viện làm gì.
Cát Tường lo lắng hỏi Cát Phượng, khi cô vừa bước vô cửa phòng.
Cát Phượng khẽ nói:
- Em về làm gì? Chị không sao. Đã nói rồi, vẫn không nghe chị sao?
Cát Tường thở ra:
- Em nóng ruột lắm. Nhà có hai chị em. Bao lâu nay, chị chăm sóc em từng chút. Chị ốm thế này, chả phải vì lo lắng cho em à? Em thờ ơ với chị, liệu em còn dám nhìn ba mẹ không?
- Nhưng em còn phải học. Cố gắng học để còn có cơ hội tìm công việc tốt cho cuộc sống sau này, Tường ạ. Đường xa, xe cộ chạy bán mạng. Chị không muốn em vì chị mà gặp nguy hiểm.
Cát Tường từ tốn:
- Hai yên tâm. Em học là học. Em quá sợ cái cảnh vô công ty làm không trình độ, bị người ta xài xể rồi. Em chạy xe cẩn thận. Hai đừng lo.
Cát Phượng thở ra:
- Không chủ quan được. Mình chạy đàng hoàng, nhưng gặp phải bọn say xỉn, chạy xe ẩu thì khổ, em hiểu không?
Cát Tường mỉm cười:
- Ối trời! Sống chết có số mà chị Hai.
Cát Phượng nói:
- Chị bó tay với em. Cãi không nổi. Thôi, lo tắm rửa đi, rồi mua cơm về ăn tạm. Mấy hôm nay chị không có nấu cơm.
- Cửa hàng buôn bán thế nào hả chị?
- Thì vẫn thế. Em coi có đứa bạn nào học ở đây, kêu tới làm bán thời gian phụ chị. Một mình nhỏ Nga xoay không nổi.
Cát Tường chậm rãi:
- Hay em đi đi về về phụ chị?
Cát Phượng gạt phắt:
- Không được! Chị em mình đã thỏa thuận. Cuối tuần em về là đủ.
- Nhưng chị vừa đi làm, vừa phải trông nom cửa hàng, em thấy chị yếu lắm.
Sức người có hạn. Chị phải cho em san sẻ cùng chị chứ.
Cát Phượng cười nhẹ:
- Công việc của chị, em biết mà, nhàn hạ và chị có thể nhờ bạn bè làm giúp.
Em học giỏi là chị vui rồi. Đừng lăn tăn nghĩ ngợi nhiều.
Cát Tường đành chép môi:
- Em đi tắm đây. Hồi trưa, em ăn mì gói, nên bây giờ bao tử biểu tình ầm ĩ cả. Chán ghê.
Cát Phượng nhăn mặt:
- Em đó! Bỏ cái tật làm biếng đi giùm chị. Sống một mình phải biết chăm sóc bản thân. Bất đắc dĩ mới ăn mì. Con gái ăn mì tôm nóng lắm.
- Em biết "ồi" mà Hai.
Nhìn theo em gái, Cát Phượng khẽ lắc đầu. Dạo này ở nhà trọ, chắc chắn là con nhỏ hà tiện này, ăn mì nhiều hơn cơm. nên nó cũng ốm thấy rõ. Dù sao Phượng vẫn muốn mình khỏe mạnh để lo cho Cát Tường. Ba mẹ già rồi, đã vậy còn phải chăm sóc Cu Ki nữa. Nhớ tới Cu Ki, Cát Phượng khẽ thở dài. Sự sai lầm nông nổi của Cát Tường đã khiến em cô dang dở học hành, yêu nhầm lấy lộn phải một kẻ siêng ăn nhác làm, mê rượu hơn việc kiếm tiền nuôi vợ con.
Xót cho em gái, nên khi Cát Tường bị té phải sanh non, ba mẹ cô đã cắn răng nhịn nhục để nuôi con, nuôi cháu. Thời gian đó, gia đình cô quá khốn khổ bởi sự đói ăn, thiếu tiền, bởi lời ong tiếng ve của thiên hạ. Vì thương con, thương một sinh linh bé bỏng, ba mẹ cô đã cố gắng gượng dậy ...
Mới đó mà đã hai năm trôi qua. Cu Ki bây giờ bụ bẫm hơn cả con nhà đủ cha, đủ mẹ. Cát Tường cười một mình. Lâu rồi cô không về nhà, không được đùa vui với thằng nhóc. Nhớ lắm. Nhưng ở vào tình thế hiện tại của cô, Phượng không đủ can đảm gặp ba cô ...
- Chị Hai nghĩ gì mà thừ người vậy. Nhớ ông Cá Heo hả?
Tiếng Cát Tường vang lên lảnh lót. Cát Phượng so vai:
- Nhớ cái đầu em. Chị nhớ thằng Cu Ki.
Cát Tường như nghẹn lại:.
- Em cũng thế. Nhưng mẹ không cho em về.
Cát Phượng khẽ khàng:
- Em đừng trách mẹ. Mẹ vất vả hơn mọi người, mẹ làm sao không muốn mẹ con em gặp nhau. Chỉ tại thằng quỷ ấy nó luôn kiếm tìm em.
Vỗ vai em, Phượng ân cần:
- Ráng lên em. Thời gian trôi mau thôi. Chị tin là em sẽ trưởng thành.
Cát Tường cười như mếu:
- Em biết rồi chị Hai. Em nhất định không phụ lòng kỳ vọng của ba mẹ và chị.
Chìa tay về phía chị, Tường nói:
- Cho em tiền đi mua cơm.
Cát Phượng lừ mắt:
- Chỉ dĩa cơm thôi, chả lẽ em không có tiền mua. Chớ bòn mót chị từng xu từng cắc.
Cát Tường cười toe:
- Tất nhiên là em không thể hết tiền rồi. Tại em về với chị, chủ nhà đã không làm gà đãi khách, thì phải móc hầu bao mua cơm chớ bộ.
Cát Phượng giơ tay:
- Con nhỏ này, lẻo mép quá. Tiền nè!
Cát Tường rùn vai:
- Chị Hai ăn gì?
- Kiếm canh chua mua ăn nghe Tường. Nhớ mua cho nhỏ Nga luôn.
Cát Tường đi rồi, Phượng lại ngồi thừ trước bàn trang điểm. Cát Tường phản ứng thế nào, nếu biết chuyện của cô? Tại sao ông trời lại nỡ đùa cợt tình cảm cả hai chị em cô nhỉ.
Vừa lúc chuông điện thoại rung, Cát Phượng nhìn vào số máy, cô từ tốn:
- Con nghe này mẹ.
Giọng bà Xuân đều đều trong máy:
- Con ổn không Phượng? Còn đau nữa không con?
Cát Phượng nhẹ giọng:
- Con ổn mẹ ạ. Con không đau nữa, nhưng con ngủ không được.
- Chuyện không muốn cũng xảy ra rồi. Mẹ không biết phải làm sao để bớt gánh nặng cho con. Gia đình ta tuy nghèo nhưng sống có tình người. Con lớn rồi, mẹ không ép con điều gì, chỉ mong con cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi. Con giải quyết thế nào tùy con.
- Con cám ơn mẹ. Con chỉ e ba con giận.
- Tính ba con nóng nảy con biết mà. Từ từ mẹ tìm cơ hội nói với ba con.
Hùm dữ còn không ăn thịt con. Huống hồ ba con rất thương tụi con.
Cát Phượng nghẹn đắng:
- Con xin lỗi mẹ. Con khiến ba mẹ thất vọng, con buồn lắm mẹ ạ.
Bà Xuân thở dài:
- Ba con, một đời ông ấy sống tốt. Vậy mà ... Thôi, con đừng nghĩ ngợi gì nữa. Mẹ muốn biết ý của thằng Hoàng.
- Dạ, anh ấy vẫn chăm sóc con. Ảnh đang cố gắng thuyết phục ba mẹ. Khó nhất là mẹ anh ấy.
- Thôi thì tùy con. Con liệu sao cho trọn vẹn thì làm. Nhưng con đừng cưỡng cầu quá. Sự cao ngạo, bất cần đôi khi đặt không đúng chỗ sẽ là sự suy sụp mòn mỏi đớn đau. Con hiểu ý mẹ chứ?
- Dạ!
- Nếu khó khăn quá, thì con hãy buông xuôi, mẹ sẵn sàng chịu đựng thay cho con.
Cát Phượng cắn răng:
- Vâng, con hứa sẽ cố mẹ ạ.
Bà Xuân hỏi:
- Cát Tường có về chỗ con không?
- Dạ, nó vừa đi mua cơm rồi mẹ ạ. Cu Ki đâu rồi mẹ?
- Ông ngoại chở đi mua mấy thứ lặt vặt rồi. Nó vẫn khỏe, nhưng quậy dữ lắm.
- Con gởi Hồng Phượng đem sữa về cho Cu Ki. Cháu cần gì, mẹ nhớ nói với con.
- Ừ, mẹ biết rồi. Bây giờ nó ăn cơm nên đỡ được vài hộp sữa mỗi tháng. Con hãy lo cho con trước. Con xảy ra chuyện thì khổ lắm, Phượng ạ. Thôi, con nghỉ đi, mẹ ra bán hàng cho khách.
Cát Phượng cắn môi:
- Con chào mẹ.
Tắt máy, Cát Phượng thảy chiếc di động lên gối. Hình dung vẻ mặt lo lắng bồn chồn của mẹ về cô. Phượng thấy thương mẹ đến nát lòng. Hình như cô đã sai khi chọn bến đỗ lúc này? Và nếu Hoàng rũ trách nhiệm, cô liệu đứng vững không?
- Chị Phượng ơi, ra phụ em một chút!
Tiếng nhỏ Nga kêu vội. Cát Phượng đưa tay chùi nhanh những giọt nước mắt. Cô đóng cửa phòng, đi lên phía quầy hàng. Nhỏ Nga đang bận rộn bán hàng. Khách mua hàng cả chục người khiến con bé lúng túng. Cát Phượng vội bước tới, lập tức một phụ nữ nói:
- Cô cho tôi một bịch cà phê G7, một ký đường tinh luyện, bốn lốc sữa chua cho trẻ em, hai hộp phô mai và một hộp khăn ướt loại tốt nhất.
Cát Phượng nhanh chóng lấy đồ cho khách, chưa tính xong tiền thì một cậu bé đã kéo tay Phượng:
- Cô ơi! Bán cho cháu cuốn tập 200 của Vĩnh Tiến. Cô có cuốn 500 bài toán nâng cao của lớp 10, cô lấy cho cháu luôn nhé.
Đúng lúc Cát Tường về tới. Cô nhanh chóng khóa xe, vào quầy hàng bán phụ chị. Là mẹ cô đã gợi ý, khi thấy chị Hai mướn nhà có mặt tiền khá rộng.
Vậy là quầy hàng văn phòng phẩm lẫn tạp hóa được bày bán. Mẹ đã đúng khi chỉ dẫn chị Hai. Nhờ quầy hàng này, cô được chị nuôi ăn học đàng hoàng.
Khách ra vô đông đúc cả ngày. Nhiều hôm chủ nhật, ba chị em bán đến mỏi tay, hoa mắt. Mệt một chút, song rất vui. Cũng từ ngày đó, cuộc sống gia đình cô đỡ cơ cực hơn. Cát Tường rất ngưỡng mộ sự nhanh nhẹn, tài ngoại giao của chị Hai cô.
Gần chín giờ tối, cửa hàng nhỏ của hai chị em mới vãn khách.
Cát Tường le lưỡi:
- Em đói mờ mắt rồi, Hai ơi.
Cát Phượng cười nhẹ:
- Đói thì nghỉ tay ăn cơm. Mà em mua cơm gì thế?
- Cơm gà cho chị và nhỏ Nga. Em ăn cá bống kho tộ. Canh chua cá lóc. Chắc phải hâm nóng lại chị ạ.
Nga hăng hái:
- Để em làm cho.
Cát Tường nói:
- Thôi đi cô nương. Mệt thì ngồi nghỉ để chị đạo diễn. Ủa! Mà nhỏ cũng đâu ăn được canh chua. Thôi thì ăn trước đi Nga.
Nga cười ỏn ẻn:
- Vậy cũng được. Em đói lâu rồi, tính làm mì gói ăn mà không sao nấu được.
Cát Tường khẽ lắc đầu. Gian hàng tuy không lớn, không đồ sộ như những đại lý khác. Nhưng mẹ và chị Hai đã cố gắng bày biện. Và lấy hàng về nhiều mặt hàng. Nhờ vậy mỗi ngày chị Hai có tiền ra vô. Cát Tường được yên tâm ở nhà trọ để học cho đàng hoàng. Chị Hai là chỗ dựa yêu thương của cô. Bây giờ chị cô gặp chuyện buồn, cô phải làm sao đây? Chuyện sai quấy của cô từng làm ba mẹ cô bị dư luận khinh khi, dòng họ chê bai. Là tại cô ham vui, không nghe lời ba mẹ. Còn chị Hai thông minh, bản lĩnh. Tại sao chị lại để chuyện này xảy ra? Thương chị buốt lòng, nhưng Cát Tường đành im lặng. Chị Hai không tự tháo gút trói buộc, chị không tự nói, thì Tường cũng không dám chọc buồn chị.
Nuốt tiếng thở dài vào lòng, cô nhanh chóng trút canh vào tô. Mùi canh chua bốc lên thơm ngon khiến Cát Tường nuốt nước miếng. Đói quá à. Chuyện gì từ từ tính. Phải "thực" trước mới đủ sức nói chuyện đạo nghĩa ...
Cát Tường giật mình, bởi nhiều tiếng ồn ào phía ngoài. Muốn "nướng".
thêm một chút cũng khó. Chưa tới bảy giờ, chị Hai đã mở cửa hàng. Sợ chị luôn! Vươn vai, Tường vừa nghĩ, vừa xếp lại mền gối, cô đẩy cửa phòng, định đi làm vệ sinh cá nhân. Cát Tường khựng bước. Tiếng gằn gằn khinh khỉnh của một người đàn bà đập vào tai cô:
- Hừ! Cô tưởng cô làm thế là đủ sức buộc gia đình tôi phải chấp nhận cô sao.
Đừng mơ mộng. Biết thân biết phận hãy nhận số tiền này, giải quyết đi. Cô đi làm cả đời chưa chắc đã có được số tiền đó. Nửa tỉ bạc đấy. Đủ để cô sống dư dả, nếu biết phải quấy.
Cát Tường nhíu mày. Con mụ nào mới bảnh mắt đã tới phá chị Hai cô thế?
Nghe cách nói, chắc bà ta liên quan đến anh Hoàng ... Mím môi, cô dợm bước lên, đúng lúc giọng chị Hai cô từ tốn:
- Thưa cô, cháu luôn biết mình là ai. Anh Hoàng yêu cháu, không phải một ngày một giờ. Anh Hoàng là người đàn ông tốt, cháu chọn ảnh, vì tụi cháu thấy hợp tính cách nhau. Chuyện cháu có thai là điều cháu không muốn ...
- Này! Cô nói cô không muốn, vậy sao bây giờ lại có hả? Phải vì thấy nhà chúng tôi giàu, cô muốn đào mỏ không?
Tiếng một người khác cắt lời Cát Phượng. Cát Tường giận run người. Cô muốn chạy lên tát cho con người kia vài cái. Nhưng, chị Hai không cho phép, cô không thể hàm hồ. Trước nhà, giọng Cát Phượng vẫn nhỏ nhẹ:
- Cháu xin lỗi. Mọi người muốn nghĩ sao thì tùy. Gia đình bà bác đây giàu ra sao, cháu không quan tâm lắm. Cháu nghèo kiếm tiền bằng sự lao động của mình, cháu không lợi dụng anh Hoàng. Chuyện lỡ dở thế này, cháu dại, cháu chịu. Gia đình bác thương con, thương cháu thì cho tụi cháu lấy nhau. Bằng không, cháu vẫn sống được. Còn số tiền này, với cháu,đúng là chỉ có trong mơ.
Người nghèo không quen xài tiền lớn. Cháu còn gia đình, cha mẹ phải chăm sóc. Cháu không muốn vì số tiền này, cháu phải mất mạng. Hơn nữa, đời con gái của cháu quý hơn vàng ngọc, là vô giá. Cháu cho người cháu yêu thương.
Cho không chứ không bán, bác ạ.
- Cô cũng dẻo miệng lắm. Hèn chi thằng cháu tôi không chết sao được.
Nhưng cuộc đời bây giờ, thực hư lẫn lộn. Ai mà biết "tác phẩm" đó do thằng nào tạo nên. Con gái sống buông thả, không người dạy dỗ, chuyện gì mà không dám làm.
Cát Phượng run bắn người. Cô chưa kịp trả lời, Cát Tường đã ào ra. Giọng Cát Tường phẫn nộ:
- Mấy con mụ nhà giàu kia, biến khỏi nhà tôi ngay. Các người lấy quyền gì dám đến đây nhục mạ chị tôi. Cút ngay, nếu không, tôi không khách sáo đâu.
Người phụ nữ ngoài bốn mươi, mặc đầm vòng vàng đeo đỏ cổ, trợn mắt:
- Con kia! Mày chửi ai hả? Không có chuyện, tụi tao dư hơi sao mà đến căn nhà trọ tồi tàn này. Mày giở thói côn đồ dọa ai hả?
Cát Tường nhếch môi:
- Tôi biết các bà là phu nhân của các quý ông có địa vị tiền bạc. Bộ dựa hơi chồng con rồi làm bậy hay sao? Tôi không hề dọa. Mà sẽ đánh bà trước, mời chính quyền tới sau. Pháp luật nào xử cho bà khi bà phạm tội xâm nhập gia cư người khác và lăng nhục danh dự người ta. Vài năm tù đó, thưa bà phu nhân.
Người phụ nữ chồm tới:
- Mày dám ...
- Thôi đi, dì Năm. Dì đừng có cãi tay đôi với con bé ấy. Mình về thôi. Bao nhiêu đó đủ rồi.
Quay sang Cát Phượng, bà ta hạ giọng:
- Tôi chỉ muốn tốt cho cháu, nên mới tới đây. Gia đình tôi đã chọn hôn sự cho thằng Hoàng. Nó là đứa hiếu thảo, trước sau gì nó cũng nghe cha mẹ. Sự thiệt thòi cháu phải gánh. Bỏ đi, để tìm hạnh phúc khác, khi cuộc đời của cháu còn quá trẻ. Vậy nhé!
Cát Phượng cắn môi lạnh lùng:
- Bác khoan đi! Bác đã nghi ngờ phủ nhận và gieo tiếng xấu cho cháu. Trong khi con trai bác đau khổ và biết rõ mọi việc. Bác làm được, bác cứ cưới vợ là bác sĩ, dược sĩ cho ảnh. Cháu sẽ bảo vệ và sanh đứa bé. Cháu muốn một lúc nào đó, chính bác phải ân hận. Trời cao có mắt bác ạ. Chào bác!
Người đàn bà mặc bộ đồ siêu bóng màu vàng khựng lại ánh mắt bà ta thoáng hoang mang khi nhìn ánh mắt sáng rực lấp lánh nước của Phượng. Hai người phụ nữ đi cùng kéo tay bà ta:
- Chị đừng phí lời với loại người không biết phải trái này. Mình về đi chị.
Cát Phượng kêu lên:
- Bác cầm gói tiền về đi. Nếu không, cháu sẽ ném ra đường đó.
Người phụ nữ được gọi là dì Năm cúi xuống nhặt gói tiền, rùn vai:
- Chó mà chê cứt, lạ thật.
Cát Tường hết chịu nổi cô xông tới dang tay tát thật mạnh vào mặt bà Năm.
Giọng cô rít lạnh:
- Khốn nạn! Bà tưởng bà là ai hả? Bà là người sao phải hạ mình nói chuyện với chó chứ? Hạng nhà giàu vô học!
Cát Phượng cuống quít kéo tay em gái:
- Em à! Sao em lại đánh người ta. Như thế là em hỗn, em vô lễ lắm. Em xin lỗi họ đi.
Bà Năm tru tréo:
- Con kia! Mày dám đánh bà, kể như đời mày tàn rồi con ạ. Khôn hồn thì cuốn gói đi. Nếu không, tao cho người đến băm nát mày thành tương.
Cát Phượng khổ sở:
- Cháu xin lỗi. Mong cô bỏ qua. Em cháu còn nhỏ, nó hành động không suy nghĩ.
Bà Năm nhìn xoáy vào mặt Phượng:
- Muốn tôi bỏ qua, cũng được. Với điều kiện, cô phải tránh xa thằng Hoàng.
Nhận tiền và đi nơi khác sống.
Cát Phượng nhẹ tênh:
- Cháu đảm bảo không gặp Hoàng. Nhưng cháu không nhận tiền của cô đâu.
Các cô về đi.
- Là cô hứa đó nhé.
Nhìn mấy người phụ nữ lên xe hơi, Cát Tường rít lên:
- Thật quá đáng. Chị làm ơn mạnh mẽ lên giùm em. Sợ gì cái hạng người này. Em không nghĩ đến anh Hoàng, nãy giờ em đấm bà ấy đó chết quá. Con mụ đó là ai vậy chị Hai?
Cát Phượng ngồi bệt xuống nền nhà. Cát Tường lấy cả hũ muối và tờ báo đốt lửa chạy ra cửa, ném theo chiếc xe hơi. Cô gái lẩm bẩm:
- Ba hồn chín mấy mụ sư tử cái ấy tan tác theo khói xe hơi cho rồi. Mới sáng sớm đã bị quỷ ám.
Quay vô nhà, cô hỏi lại:
- Chị chưa trả lời em!
Cát Phượng thở dài:
- Dì ruột của anh Hoàng. Bà mặc đồ bộ là mẹ ảnh. Em nóng quá, họ cho chúng ta là thứ mất dạy đó em. Cố gắng sống nhu một chút, Tường ạ.
Cát Tường cong môi:
- Em biết rồi. Tại đám người ấy, em thấy xốn mắt lắm. Chị mệt hả, chị vô nằm nghỉ đi, em đánh răng rồi pha sữa chị uống.
Đang rầu rĩ, nghe em nói, Phượng phải kêu lên:
- Trời đất! Con gái gì mà dậy còn chưa đánh răng rửa mặt. Ghê quá!
- Tại họ tới gây ồn ào, em sợ chị bị họ ăn hiếp lúc em đánh răng. Nên em ...
- Cái miệng hôi rình thế mà đi chửi rủa người ta. Em thiệt là ...
- Em mặc kệ. Em mà rủa, đảm bảo linh cho chị coi.
- Thôi thôi, dì làm ơn đi vô đánh răng rửa mặt giùm. Khách tới mua hàng nhìn bộ dạng em kìa, họ chạy tám cây số.
Cát Tường le lưỡi:
- Không dám đâu. À! Chị Hai ơi ...
Như đoán được điều em gái sắp hỏi, Cát Phượng xua tay rối rít:
- Hôi xì à! Cho chị xin được không em. Muốn gì cũng phải tẩy rửa bụi trần đã.
- Xời! Em ngủ trên giường nệm đàng hoàng bụi đâu dính vô chứ. Được rồi, em sẽ hỏi sau vậy.
Cát Tường đi rồi, Phượng lặng lẽ kéo rộng cửa. Cuộc đời dẫu phũ phàng tàn nhẫn cỡ nào, Phượng vẫn phải sống. Cô sống cho ba mẹ, cho mẹ con Cát Tường và cho cả cái mầm sống nhỏ nhoi vô tội đang hình thành trong cô. Dẫu là âm thầm, phải xa lánh bạn bè, nhưng cô phải nhất định bảo vệ kết tinh tình yêu của cô và Hoàng. Cô tin Hoàng không bỏ cô. Bao nhiêu đó đủ cô chịu đựng và vươn lên.
Nga đến với một giỏ trái cây trĩu tay. Cát Phượng kêu nhỏ:
- Em sao vậy? Nho còn đầy nhóc trong tủ, không lo ăn kẻo hư. Giờ còn bày đặt mua thêm đồ là sao? Bộ em mới vô mánh hả?
Nga cười nhẹ:
- Không có đâu! Bởi em có khi nào mua vé số mà trúng. Bơ và mít tố nữ mẹ em đem từ nhà lên. Mẹ bảo em đem qua cho chị một ít, ăn lấy thảo, cây nhà lá vườn.
- Mẹ em còn ở bển không? Sao không mời mẹ qua đây chơi luôn?
- Mẹ em đi thăm người bệnh, ghé em chưa được nửa tiếng rồi về luôn.
Nga chợt nhìn sâu vào mắt Phượng, cô lo lắng:
- Chị! Hình như chị vừa khóc? Chị gây lộn với anh Hoàng hả?
Cát Phượng lắc đầu không trả lời. Cát Tường trỗi giọng:
- Là các bậc phụ huynh mẫu hậu, cô dì của anh Hoàng vừa ghé đấy.
Nga kêu lên:
- Họ đến đây làm gì?
- Thì gạ gẫm chị Hai trao đổi tình yêu. Hồi nãy mày có mặt, chắc cũng không chịu nổi đâu. Nhìn bản mặt họ đáng ghét lắm.
Cát Phượng rầu rĩ:
- Tường à! Em đừng dùng cách đó để gọi họ. Dù sao đó cũng là mẹ anh Hoàng. Căng thẳng quá, lỡ mai mốt họ chấp nhận, chị phải làm sao?
Nga bứt dứt:
- Chị Phượng nói đúng đó chị Tường. Tội cho anh Hoàng kìa. Chả biết anh ấy xử trí ra sao, khi nghe được chuyện này. Họ có làm gì chị Phượng không?
Cát Phượng lắc đầu:
- Không có. Mà thôi, hai đứa ăn sáng rồi lo dọn lại hàng. Hôm nay ngày 20 tháng 11, chắc là đông khách đó.
Cát Tường chớp mắt:
- Chị Hai về nhà không?
- Chi vậy?
- Mọi năm, ngày này chị vẫn cùng bạn bè thăm thầy cô mà.
- Năm nay chị đã gởi quà tặng mấy thầy cô, nhờ Hồng Phượng rồi. Em muốn về thì cứ thu xếp về đi.
Cát Tường so vai:
- Em có ai quan tâm sâu sắc được như chị để tới thăm đâu. Em nhớ mẹ và Cu Ki. Nhưng mẹ dặn em không về ngày này.
Cát Phượng chép miệng:
- Tùy em. Chị nghĩ em đủ khôn lớn để biết việc làm của mình đúng hay sai.
Em không về thì ở lại phụ chị bán hàng.
- Em biết rồi.
Dứt câu, Cát Tường đi qua quán điểm tâm kế bên, mua cho mỗi người một tô bún bò. Dù cực dù đang phải làm việc để kiếm tiền, chị Hai cô vẫn sống rất thoáng lo cơm nước cho bản thân và mọi người rất đủ chất. Cầu xin cho cuộc đời chị đừng gặp rủi ro bất hạnh như Tường. Anh Hoàng là người tốt, chắc anh ấy không phụ bạc chị Hai cô đâu. Mong sao bàn tay cô không phải làm điều ác, để thay chị trừng phạt kẻ nhu nhược. Cu Ki đã không có cha trong đời. Xin ông trời hãy cho chị Hai con được hạnh phúc trọn vẹn.
Đang thận trọng đếm từng chiếc sim điện thoại để giao cho khách, Cát Phượng hơi cau mày khi điện thoại phát tín hiệu. Nhận ra số của Hoàng, cô dịu dàng:
- Em nghe này, Hoàng.
Giọng Hoàng trầm tĩnh:
- Em dậy chưa? Tình hình sức khỏe ổn không?
Cát Phượng từ tốn:
- Em không sao.
- Không sao thật hay là giấu anh hả Phượng? Chuyện gì từ từ anh giải quyết.
Em tuyệt đối phải bình tâm không được bỏ ăn, không được khóc, nhớ không?
Cát Phượng cắn môi, nghèn nghẹn:
- Đừng dặn em như con nít thế. Em biết chăm sóc bản thân em mà. Anh đã nói chuyện với mẹ anh rồi hả?
Hoàng kêu lên:
- Anh đâu đã về nhà. Anh đâu phải loại người vô trách nhiệm. Yên tâm đi bé.
Anh đủ sức bảo vệ tình yêu của anh. Ủa, sao tự dưng hỏi anh câu đó.
Cát Phượng ngần ngừ:
- Em ... là em tự suy đoán ấy mà.
Hoàng lo lắng:
- Hình như em đang giấu anh điều gì hả Phượng? Em không thể tự dưng hỏi anh vậy? Phải gia đình anh đã tìm em không?
Cát Phượng giật mình. Cô tự trách bản thân vì quá lo buồn, đã buột miệng hỏi câu không nên hỏi. Hoàng là người thông minh, anh ắt đoán biết được phản ứng của gia đình anh.
- Phượng! Em còn nghe máy không hả? Sao không trả lời anh?
Cát Phượng cố bình thản:
- Em mắc lấy hàng cho khách. Không ai tìm em cả. Em nói thật. Hôm nay ngày lễ, khách đến mua hàng gói quà đông, em xin lỗi anh nhé. Khi nào rảnh, em gọi cho anh.
Hoàng kêu lên:
- Em khoan tắt máy! Cát Tường không về phụ em hả? Em còn mệt, em không được làm quá sức, kẻo lại ảnh hưởng đến sức khỏe đấy.
- Tường đang bán hàng phía trước. Anh biết là công việc em rất nhiều, em không thể nghỉ anh ạ. Thời buổi này, kiếm được khách lấy hàng của mình không dễ. Em nghỉ là họ bỏ em ngay. Anh làm việc đi em không sao đâu. Vậy nghen anh!
Phía đầu máy bên kia chắc hẳn Hoàng đang lo lắng vì sự tắt máy đột ngột của cô.
- Tha lỗi cho em. Lòng em giờ đang nóng hơn lửa đốt.
Phượng không muốn anh vì cô mà trở thành đứa con bất hiếu với cha mẹ.
Em hứa không vứt bỏ kết tinh tình yêu của mình. Dẫu em bị cha mẹ em đánh đập, thậm chí không thừa nhận em, em vẫn chờ anh. Chờ câu trả lời tốt nhất cho chúng ta ...
Dòng suy nghĩ buồn của cô bị cắt đứt bởi tiếng gọi réo rắt của Cát Tường:
- Hai ơi! Có khách tìm chị nè.
Chùi nhanh những giọt lệ lặng thầm, cố giữ giọng thật bình thản, cô nhẹ nói:
- Ai vậy Tường. Chờ chị một chút nhé.
- Anh Quân tới lấy card. Cả chị Ly nữa đó.
Cát Phượng vội vã bước ra nhà ngoài. Chà! Các cô cậu học trò đang ríu rít kéo tay ba mẹ đòi mua món này món kia. Nhìn bọn nhỏ, Phượng chạnh lòng khi nhớ về ngày xưa của cô, nhà nghèo, nhưng mẹ luôn quan tâm lo lắng cho chị em cô. Sự lo lắng chỉ ở các bậc làm cha làm mẹ.
Đông Quân lên tiếng ngay, khi vừa thấy Phượng:
- Em lo cho anh hai trăm triệu card Mobi - Vina được không? Bạn hàng hối quá.
Cát Phượng cười nhẹ:
- Dạ! Anh cho số cụ thể coi sao.
- 1.000 card loại 200 ngàn. l.000 card loại 100 ngàn l.000 card loại 50 ngàn.
Mỗi mạng một nửa.
Cát Phượng trợn mắt:
- Đầu óc anh có ổn không? 1.000 card 200 thôi đã gần hai trăm triệu rồi đó.
Đông Quân xoa đầu:
- Ôi, là đầu óc! Khoảng 500 triệu, anh OK tiền ngay cho em.
- Vậy anh chờ em nửa tiếng. Anh đi đâu đó, chốc quay lại. Hôm nay khách đông, anh không có chỗ ngồi đâu.
Đông Quân gật đầu, đưa vào tay Phượng một cọc tiền:
- Anh đưa trước 100 triệu, nửa tiếng anh quay lại, đừng thiếu nghen.
- Anh làm ăn với em hổm rày, em đã thất hứa anh lần nào chưa?
- Vậy thì yên tâm, về nói cho mấy người kia họ đợi. Anh về trước nghe, Lưu Ly.
Lưu Ly cười:
- Dạ. Công nhận anh Quân lấy vợ rồi, lo làm ăn ghê thật.
Đông Quân khẽ so vai:
- Không làm, mai mốt tiền đâu nuôi con cái. Bai nghen.
Quân đi rồi, Cát Phượng hỏi Lưu Ly:
- Chị lấy nhiều ít hả chị?
Lưu Ly cười:
- Chị mới lấy hôm qua, bán phải vài ngày chứ em. Chị ghé tính rủ em đi siêu thị. Mấy ngày không gặp, sao em ốm quá vậy?
- Em mới đau một trận, phải đi cấp cứu. Nằm một chỗ, em nóng ruột quá việc ở nhà, việc cơ quan lu bu cả nên em xin về. Chị coi đó, bán được hàng nghỉ tiếc lắm.
- Công nhận em có thời đó, phải nắm giữ thôi.
Cát Phượng kéo tay Ly:
- Chị vô phụ em đếm card thành từng loại đi chị.
Lưu Ly ngần ngừ:
- Chị .... ngại quá.
- Chị em với nhau, chị ngại gì chứ. Em lúc nào cũng lấy hàng về sẵn. Em có được vài mối khá ngon. Cứ đều đều ngày vài trăm triệu, thì em đủ sức lo cho gia đình, chị ạ.
- Mối càng lớn, càng phải đề phòng. Em tuyệt đối không cho thiếu đấy.
- Em biết mà chị.
Nhìn căn phòng đầy đủ tiện nghi của Cát Phượng, Lưu Ly rùn vai:
- Hoàng thật có phước khi yêu được cô gái thông minh sắc sảo như em. Em và Hải Yến như mặt trăng mặt trời.
Cát Phượng nhìn sững Ly:
- Hải Yến là ai? Tự nhiên sao chị so sánh em với cô ta.
Vừa đếm card, Lưu Ly vừa nói:
- Ủa! Hoàng không kể em nghe về nhỏ Yến hả? Ừ! Nó không kể cũng phải, vì nó đâu thích cô ta. Hải Yến là con gái bà bạn thân của mẹ Hoàng. Bố cô ta là bác sĩ trưởng khoa gì đó ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Con nhỏ học trung cấp dược, ra trường được ba mẹ mở cho một nhà thuốc hoành tráng nhất nhì thành phố này.
- Bằng trung cấp cũng được phép kinh doanh dược hả chị?
- Thời buổi này, người có tiền, kẻ có bằng không có điều kiện thiếu gì.
Chuyện thuê bằng để mở nhà thuốc nhan nhản đó em.
- Thì ra vậy. Chắc cô ấy giàu lắm.
- Điều ấy thì công nhận đúng. Nhà nó có ba anh em, nó là gái duy nhất nên muốn gì lại không được. Nó thích thằng Hoàng mê mẩn. Năn nỉ mẹ nó nói chuyện với mẹ Hoàng. Đàn bà con gái mà gõ cửa xin tình cảm thì nhục lắm.
Nhưng mẹ nó thương con nên đến nói chuyện với mẹ Hoàng. Môn đăng hộ đối quá, mẹ thằng Hoàng gọi nó về coi mặt. Nhưng nó chả về lần nào.
Cát Phượng ngẩn ngơ:
- Sao chị rành chuyện vậy?
Lưu Ly chậm rãi:
- Dì út chị khá thân với dì của Hoàng, chuyện gì họ cũng kể nhau nghe hết.
- Anh Hoàng không hề kể em nghe, chị ạ.
- Thì nó có yêu thương gì cô ta đâu. Kể ra lỡ em buồn tủi thì sao? Con nhỏ ấy kênh kiệu lắm. Cách sống của nó không bao giờ Hoàng chấp nhận đâu. Em không cần suy nghĩ gì hết.
Cát Phượng dè dặt:
- Chị kể kiểu này khiến em tò mò kinh khủng.
- Chậc! Trước sau gì, nó cũng xuất hiện trước mặt em thôi. Bọn nhà giàu luôn nghĩ họ nắm trong tay hàng tỉ đồng. Họ muốn làm gì, thay trắng đổi đen đều dễ dàng. Nó nghĩ em nghèo, cần tiền và chị đoán nó sẽ tìm em để thương lượng.
Cát Phượng buồn buồn:
- Tình yêu mà coi như món hàng hóa để trao đổi mua bán, sao còn gọi là yêu cho được. Mẹ và dì của Hoàng tới tìm em rồi chị.
Lưu Ly chau mày:
- Nhanh vậy ư? Họ đã nói gì?
Cát Phượng nhếch môi đắng ngắt:
- Nhục mạ em đủ hết. Sau đó cho em một số tiền lớn. Yêu cầu em đi khỏi đây, không được để anh Hoàng biết.
Lưu Ly nghiến răng:
- Chị biết ngay mà. Bọn họ chỉ giỏi dùng tiền mua và bán. Thằng Hoàng tuy là đứa con hiếu thảo, luôn nghe lời mẹ nó. Riêng chuyện này, chị nghĩ, nó nhất định chống đối.
Cát Phượng thở dài:
- Chị tin Hoàng quá nhỉ. Con người ta khó nói lắm chị ơi. Đã là con ngoan hiếu thảo, ắt không tránh khỏi sự chọn lựa khi tình và hiếu được đặt lên bàn cân, Hoàng nhất định chọn chữ hiếu.
- Kìa em! Yêu thì phải tin nhau chứ.
Cát Phượng cười như khóc:
- Em tin ảnh hơn cả bản thân em. Khổ nỗi, số mệnh do ông trời tạo cho mỗi con người. Cha mẹ chỉ có một. Bởi thế đã là kẻ đủ đầy cha mẹ, thì không thể bất hiếu, không thể làm đau lòng người sinh ra mình. Bạn gái, tình yêu, thậm chí là hôn nhân hạnh phúc, không lấy người này thì lấy người khác. Thiếu gì giữa cuộc đời, biết bao người chấp nhận hôn nhân địa ngục để vui lòng bậc sinh thành. Bởi vậy, không có niềm tin tuyệt đối đâu chị.
Lưu Ly nhìn Phượng:
- Em xanh lắm, chắc ăn uống không được phải không? Dẫu thế nào em cũng phải kiên cường lên. Không được cưỡng cầu. Bởi tuổi em còn trẻ. Tương lai còn dài đừng tự ái, để rồi ôm nỗi hận nỗi buồn một mình.
Cát Phượng bối rối:
- Chị .... chị đã biết rồi sao?
Lưu Ly chậm rãi cầm tay Phượng:
- Con gái và đàn bà thật ra không khó nhận lắm đâu. Nhìn em, chị đoán thôi.
Bao lâu rồi?
- Dạ, tuần thứ bảy.
Lưu Ly dè dặt:
- Em tính để hay ...
Cát Phượng ngậm ngùi:
- Em không dám làm gì hết. Em sợ bị ông trời trả báo. Hoàng yêu em là thật.
Em không thể giết con mình. Hoàng cũng không cho em làm thế.
- Nhưng tình hình gia đình nhà cậu ta như vậy, họ không chấp nhận em thì sao?
Cắn môi, Phượng nói nhỏ:
- Bất kỳ thế nào, em cũng bảo vệ đứa con của em. Đứa bé không có tội. Tình yêu của bọn em không có lỗi. Tại sao bắt em phải vứt bỏ, phải làm kẻ độc ác, tàn nhẫn hả chị?
Lưu Ly thở dài buồn buồn:
- Con gái tụi mình luôn chịu thiệt thòi. Em nói vậy chị không dám bàn ra nữa. Ngày trước, chị vì tự ái trước lời nhục mạ của bà cô bạn trai chị, chị đã phá bỏ đứa bé khi thai đã hơn ba tháng. Chị trải qua nỗi đau kinh khủng đó rồi nên chị muốn em đừng giống chị. Cho tới bây giờ, chị vẫn bị ám ảnh bởi buổi trưa hôm đó. Bạn trai của chị đã thế còn nhu nhược, dám làm không dám nhận. Chị đã buông lời thề rất độc dành cho anh ta, kèm theo sự giúp đỡ của một ông thầy chuyên làm bùa chú.
Khẽ rùng mình, Phượng hỏi nhỏ:
- Anh ta bây giờ thế nào hả chị?
Nhếch môi Lưu Ly nói:
- Anh ta cưới một cô vợ rất giàu theo ý bà nội anh ta. Nhưng đã năm năm trôi qua anh ta vẫn không thể có con.
Cát Phượng dè dặt:
- Chị đã làm gì anh ta?
- Bác sĩ lấy nhau thai đưa cho chị về chôn. Chị đã thề và van xin sinh linh không được thành hình hài ấy hãy theo phá người đàn ông phụ tình kia. Hành anh ta không bao giờ có con cho đến chết.
- Chả lẽ linh nghiệm vậy hả chị?
- Chị không rõ. Vì ngày chị phá thai là ngày rằm tháng bảy. Mẹ chị nói, mấy ngày đó rất thiêng. Anh ta cưới vợ. Vợ anh ta có thai bốn lần, đều tới tháng thứ năm là sẩy thai. Lần nào cũng là hình một thai nhi trai. Cô vợ quá sợ hãi đã nhất định chia tay anh ta. Không có trời thì ai ở với ai hả em?
Cát Phượng ngồi thẫn thờ. Cô không dám hại ai hết. Chị Ly không có lỗi.
Nhưng lời van vái của chị ấy linh nghiệm. Rõ ràng là sinh linh tội nghiệp kia đã trả thù cho sự vô tình vô nghĩa của con người. Hai chị em nói chuyện thêm một lúc thì Quân quay lại lấy card. Lưu Ly không thể rủ Phượng đi chơi, bởi khách ra vô cửa hàng rất đông.
Cát Phượng hứa hẹn:
- Chị thông cảm nghen. Chủ nhật rảnh, em nhất định cùng chị đi mua sắm thỏa thích.
Lưu Ly dí ngón tay:
- OK! Là em tự hứa đó. Chị về nghen. Chào mấy đứa nhé!
Chậm rãi, Cát Phượng trở lại quầy. Chỉ một thoáng cô đã tất bật với những món đồ khách hỏi mua. Cám ơn số mệnh đã cho cô một cuộc sống sôi nổi thế này. Mỗi ngày không được bán buôn, được trả giá cười đùa với khách hàng chắc chắn cô sẽ rất buồn.
Cát Phượng như không tin vào mắt mình là Hoàng đó. Hoàng bằng xương bằng thịt đứng cách cô một con đường. Anh không nhìn thấy cô, bởi anh đang bận cười với cô gái vừa bước xuống xe. Chiếc xe hơi thể thao loại hàng hiếm, màu trắng đậu bên đường sang trọng và kiêu hãnh y như cô gái mặc đầm đỏ chói kia.
Trái tim Cát Phượng đau nhói. Anh nói chiều nay anh kẹt công việc. Tối anh mới sang cô được. Công việc của anh là cô gái nhà giàu kia sao? Từ khi nào vậy Hoàng, anh biết nói dối em? Cát Phượng khóc nghẹn ngào. Cô đề máy, đề hoài chiếc Attila nữ hoàng màu vàng vẫn không nổ máy. Nước mắt vẫn rơi xuống mắt, môi cô và thật bất ngờ, mưa từ đâu kéo tới, đổ xuống đường, thật nhanh.
Người ta hối hả trú mưa. Còn cô vẫn không biết làm sao cho chiếc xe nổ máy.
Không gian thoáng tối sầm mưa và gió gào thét dữ dội. Cát Phượng liêu xiêu, cố giữ cho mình đứng vững được trong mưa. Khổ nỗi, sức khỏe của Phượng đã phản bội cô, hất cô té xuống đường. Bởi cả buổi sáng nay cô chưa ăn chút gì trong bụng. Ăn gì cũng ói ra tuốt luốt.
Bên kia đường, Hoàng thảng thốt hét to:
- Cát Phượng!
Anh lao xuống xe, mặc kệ trời mưa xối xả, anh quỳ xuống đỡ cô lên:
- Phượng ơi! Em có sao không? Đừng làm anh sợ nghe em!
Điện thoại trong túi quần cô reo vang, anh mặc kệ, cứ ôm xốc cô về chiếc xe hơi. Cát Phượng chợt bật dậy, khi anh đặt cô vào xe:
- Bỏ em xuống! Em không đi xe này đâu!
- Em muốn chết hay sao chứ. Nghe lời anh đi nhé!
Ánh mắt cô vô cảm. Nhìn mắt cô chìm trong nước mưa và nhạt nhòa nước mắt, trái tim Hoàng nhức nhối, sợ hãi. Anh đã làm tan nát trái tim cô thêm một lần nữa rồi sao? Mấy tháng nay cô đã sống thu mình lại, khép kín với bao lo lắng, không dám chia sẻ cùng ai. Cô là tình yêu của anh, là niềm tự hào của anh với đám bạn lộn xộn của mình. Anh đã hứa suốt đời này, anh bảo bọc nâng niu cô, không bao giờ làm cô đau đớn. Vậy mà ... ánh mắt cô giờ đây thăm thẳm như một vực sâu không đáy.
- Anh bỏ em xuống. Chia tay đi! Anh không yêu em, không hề yêu. Vì nếu yêu em, anh đã không nói dối em.
Giọng Cát Phượng lạnh hơn những giọt nước mưa đang vô tình hắt lên anh, lên cô. Anh cắn môi đến rướm máu. Anh yêu cô là duy nhất. Anh không hề nói dối cô. Những gì cô vừa trông, không như cô nghĩ. Anh nói rõ ràng:
- Anh yêu em! Duy nhất một mình em thôi. Em phải tin anh. Đừng bướng nữa, để anh đưa em về, không thôi em bệnh mất. Em bệnh thì khổ lắm, biết không em?
Mặc kệ cô nói gì, anh vẫn ấn cô ngồi vào xe. Anh chạy nhanh qua dắt chiếc Attila gởi đại vào nhà một người không quen biết. Trở lại xe, anh cuống lên, khi Cát Phượng đã ngất xỉu. Thay vì đưa cô về nhà, Hoàng lái xe tới phòng khám bệnh của bạn anh nằm trên con đường đó.
Vũ chau mày, kéo cửa và hỏi bạn:
- Ông bà đưa nhau đi đâu để bị mắc mưa thế hả?
Hoàng kêu to:
- Mày kiếm cho Phượng bộ đồ thay đỡ, cô ấy lạnh lắm rồi.
Vũ lúc này mới nhận ra vẻ tím tái của Cát Phượng, anh hối hả gọi:
- Thủy ơi! Cho anh mượn bộ đồ của em thay cho bệnh nhân. Mau lên!
Rất nhanh, Thủy em gái Vũ cầm bộ đồ chạy ra. Cô nói nhanh:
- Hai anh lánh mặt, để em thay đồ cho chị.
Vũ dặn:
- Nhanh nghe em. Không thôi nguy hiểm tới tính mạng chị ấy đó.
- Em biết rồi.
Thủy vừa thay đồ cho Phượng, vừa tự hỏi:
"Anh chị này đưa nhau đi đâu mà để mắc mưa đến ngất xỉu thế chứ?".
Thủy thay xong cho Phượng bộ đồ mát mặc nhà của cô. Vũ khám bệnh cho Phượng thật kỹ. Tháo ống nghe đặt xuống bàn, anh nói đủ em gái rõ:
- Em chích ngay một mũi kháng sinh và mũi thuốc khỏe. Chị Phượng yếu lắm.
Quay sang Hoàng, Vũ nghiêm giọng:
- Cậu biết Phượng có thai không?
Hoàng gật đầu:
- Mình biết. Cô ấy và thai nhi ổn không Vũ?
Vũ gắt lên:
- Cậu làm thằng đàn ông đích thực là vậy sao? Sức khỏe Phượng rất yếu.
Hiện tại, thai nhi bình thường, nhưng kéo dài tình trạng suy sụp của Phượng hậu quả không tốt đâu. Hai người yêu nhau tới mức sâu đậm, có con rồi, sao cậu chưa cho cô ấy danh phận?
Hoàng thở dài:
- Mình xốn xang lắm chứ khi nhìn mỗi ngày Phượng mỗi ốm tong teo. Cô ấy không ăn được gì cả. Chuyện này dù biết, nhưng mình không giúp được cô ấy.
Còn chuyện đám cưới, mẹ mình không chấp nhận.
Vũ trợn mắt:
- Bác gái không chấp nhận, còn cậu tính sao? Cậu ăn ở với người ta đến mức có con, cậu không thể rũ bỏ trách nhiệm. Cậu phải chứng tỏ mình, đừng để gia đình gây sức ép.
- Tớ vì chuyện này đang muốn nổ tung đầu lên nè. Mẹ tớ không phải người khắt nghiệt. Chuyện bất ngờ khiến bà vốn cao ngạo không dễ chấp nhận. Tớ cần thời gian thuyết phục mẹ tớ.
Vũ lắc đầu:
- Mình xin lỗi vì đã xen vào chuyện của cậu. Chúng ta là bạn bè. Cả năm nay, ngoại trừ Phượng, cậu đâu còn cặp bồ ai. Phượng tuy nghèo, nhưng là cô gái có cá tính mạnh, lanh lẹ, tháo vát. Thời gian không chờ đợi ai hết. Thai mỗi ngày mỗi lớn, Cát Phượng ăn nói sao với mọi người. Cô ấy là con gái, mọi thua thiệt đều phải gánh lấy. Cậu phải thu xếp mau đi. Thời gian này Phượng rất cần sự quan tâm chăm sóc của người thân. Đừng khiến cô ấy bị lo sợ khủng hoảng đến tinh thần, sẽ là nguy cơ cho thai nhi đó.
Hoàng từ tốn:
- Cám ơn lời góp ý chân tình của cậu, mình sẽ cố gắng. Mình đã dự tính tới việc không thuyết phục được mẹ, thì mình sẽ thuê nhà, ra ngoài ở để lo cho Cát Phượng.
Vũ khích lệ:
- Tốt! Cậu tính thế là rất đúng. Cha mẹ giận thì mắng mỏ, chứ không bỏ con đâu. Chỉ cần cậu chân thành nhất định mẹ cậu sẽ nghĩ lại. Dù thế nào cũng phải quan tâm cô ấy. Thời gian từ một đến ba tháng, người mẹ thường bị "thai nghén" không cho ăn uống gì được. Nếu được chăm sóc tốt bằng tinh thần mọi việc sẽ tốt đẹp. Cậu hiểu chứ?
Hoàng gật đầu:
- Mình hiểu. Cám ơn cậu.
- Ơn nghĩa gì chứ. Là bạn bè, chuyện của cậu khác nào chuyện của tớ. Tớ muốn truyền cho Phượng vài chai nước biển, cậu đồng ý không?
Hoàng cười nhẹ:
- Bác sĩ nói sao, "em" nghe vậy. Miễn không ảnh hưởng đến thai nhi.
Vũ trầm tĩnh:
- Cát Phượng suy sụp tinh thần lẫn thể chất. Không ăn được phải truyền dịch rồi ép cô ấy uống sữa.
Hoàng chép miệng:
- Cậu nghĩ tớ là hòn đất chắc. Tớ mua toàn sữa cao cấp về cho Phượng uống.
Cô ấy rất lười biếng uống sữa. Nếu tớ không canh ép cổ uống, đảm bảo mỗi ngày vẫn hết hai lon sữa. Nhưng chả có giọt nào vô cơ thể. Cổ giấu tớ, cất đi chứ không uống.
- Bó tay với cô bé này.
Cát Phượng đã tỉnh lại. Nhưng cô không hé môi nói với Hoàng một tiếng, duy nhất ánh mắt nhìn anh cứ vời vợi trống vắng. Tưởng như ai nhìn vào mắt cô, cũng phải xót lòng, rơi lệ. Cuối cùng, cơn mưa cũng tạnh, chai nước biển thứ hai cũng hết. Đồng hồ chỉ số chín tròn chẵn. Điện thoại của Phượng đổ nhạc chờ.
Cát Phượng đưa máy lên, vẻ mệt mỏi qua giọng nói:
- Chị nghe này Nga.
Lập tức tiếng Nga gấp rút:
- Chị Phượng! Chị đi đâu suốt buổi chiều tối nay thế? Em và chị Cát Tường lo quá trời luôn. Chị ổn không?
Cát Phượng nhẹ lời:
- Chị ổn mà. Tại chị muốn yên ổn nên không nghe máy thôi. Cát Tường đi chưa em?
- Dạ chưa. Chị Tường bảo, chị chưa về, chị ấy sẽ ở lại chờ chị.
Cát Phượng nói:
- Chị không sao đâu. Em đưa chị Tường tiền để chị ấy đi, kẻo sáng mai dậy sớm mệt lắm.
- Chín mười giờ đêm rồi, đi gì nữa chị. Tụi em nấu cơm vẫn chờ chị đó, chị về ngay nhé.
- Chị biết rồi.
Cô tắt di động, quay sang bác sĩ Vũ, cười nhẹ:
- Phượng cám ơn anh. Ngày mai em sẽ gởi lại Thủy bộ đồ.
Vũ làm mặt ngầu:
- Ơn với cám gì hả cô bé. Đừng khách khí như vậy. Em ráng ăn uống đầy đủ, đừng để tiều tụy suy nhược quá. Em không muốn tổn hại đến thai nhi. Nhất định em phải ăn, không có lý do biện minh đâu.
Cát Phượng cúi đầu, cắn môi:
- Dạ! Em sẽ cố gắng. Chào anh, em về.
Cô cố giữ vẻ bình thản trước mặt Vũ cho đến khi ra tới xe của Hoàng. Anh ân cần mở cửa xe và nói:
- Em lên xe đi.
Cát Phượng nhếch môi:
- Từ nay, chiếc xe này không còn chỗ cho em nữa. Em đã hiểu rõ thân phận mình và không trách anh đâu. Em tự lo cho em được.
Dứt câu, cô kéo lại cổ áo, chậm rãi bước đi, mặc kệ anh thảng thốt gọi tên cô. Hoàng hối hả lên xe, chạy theo Cát Phượng. Cô thản nhiên vẫy một chiếc tắc xi vừa trờ tới. Chiếc tắc xi lao đi và Phượng không một lần nhìn lại phía sau.
Ánh mắt cô vẫn hun hút sâu thăm thẳm. Bây giờ cái vực sâu chông chênh, mênh mông ấy đã đong đầy nước mắt. Bờ mi dài cũng ướt sũng niềm đau.
Cát Phượng về phòng trọ trong tâm trạng buồn bã, đớn đau. Nhìn chị, Cát Tường hoảng hốt:
- Chị Hai! Chị sao vậy?
- Chị vẫn bình thường mà.
Cát Tường lắc đầu:
- Không đúng. Nhìn chị lúc này em lo lắm. Hình như chị vừa gặp phải một nỗi đau nào đó. Nói em nghe đi chị. Phải chị lại gặp mẹ anh Hoàng không?
Cát Phượng nhẹ giọng:
- Không có. Chị mắc mưa giữa đường, té xỉu, may anh Hoàng đi qua kịp đưa chị đến phòng khám.. Cát Tường lo lắng:
- Té xỉu hả chị? Em nói rồi, chị phải cố ăn vào bụng những món ăn tuy không ngon, song lúc này cốt yếu là món ăn nào không gây cảm giác nôn ói, bao tử chấp nhận là được. Chị không ăn, sữa lười uống, sức đâu mà chịu đựng.
Từ nay, chị không nên ra đường một mình bằng xe máy. Em sợ lắm. Chị đau ở đâu không?
- Chị không sao. Giờ thì thấy đói bụng. Hai đứa nấu món gì vậy?
Nga cười tươi:
- Cá bống kho tộ, thịt heo bóp gỏi dưa leo, cà rốt. Đúng y chang "ba nguyên liệu triệu món ngon". Mấy món này chị ăn được mà.
Cát Phượng mỉm cười:
- Ừ! Nghe quảng cáo, chị đã thèm ăn ghê đi. Dọn luôn đi hai đứa.
Cát Tường rùn vai:
- Chị thay đồ ra trước. Mặc đồ khín của ai, rộng thùng thình, nhìn tức cười ghê. Em hâm nóng canh một chút.
Nhìn xuống bộ đồ, Cát Phượng cười:
- Lỡ rồi, ăn xong, chị thay đồ cũng không sao. Đồ của em gái bác sĩ Vũ.
Cát Tường nhăn trán:
- Bác sĩ Vũ? Phải anh chàng bốn mắt dáng cao ráo, bảnh trai như người mẫu Bình Minh không chị?
- Ừ! Bạn của anh Hoàng. Anh Vũ đến đây vài lần rồi.
Mâm cơm được dọn lên bàn. Tô canh chua bốc hơi nghi ngút. Phượng gắp ngay đũa gỏi cho vô miệng nhai, rồi gật đầu:
- Được đấy! Sản phẩm hôm nay ai chế biến nhỉ?
Nga le lưỡi:
- Chị Tường chứ không phải em. Em nấu ăn toàn bị điểm kém, nên em nản lắm.
- Con gái nhất định phải biết khéo tay. Nấu cơm ngon canh ngọt cũng là một bí quyết giữ hạnh phúc gia đình. Em còn nhỏ, học từ từ sẽ nấu ngon. Phải tự tin chứ.
Nga cười:
- Chị nói giống hệt cách nói của mẹ em. Chị Hai em nấu nướng khỏi chê. Em giống ba, nên hậu đậu lắm chị ơi. May là nấu cơm điện. Chứ nấu bếp ga thôi là em đã chào thua, nói gì thổi cơm bếp củi. Thời buổi này, phụ nữ cũng không nhất thiết phải giỏi nấu nướng. May mắn lấy được chồng giàu, là OK thôi à.
Cát Tường trề môi:
- Mơ giữa ban ngày hả Nga? Con gái nhà nghèo như tụi minh, sống thực tế chút đi. Ngày xưa chị cũng vì mơ mộng, nên mới xảy ra vụ thằng Cu Ki. Giờ nhớ lại, chị mới ngậm ngùi cho số kiếp của mình. Tật ham vui và không nghe lời ba mẹ.
Nga rùn vai:
- Em đâu dám mơ cao chị ơi. Đùa tí cho chị Phượng đỡ buồn thôi.
Cát Phượng nghiêm giọng:
- Sao em không lên trường, chờ chị làm chi. Mai dậy sớm, vừa chạy xe vừa buồn ngủ nữa.
Cát Tường cười:
- Em quen dậy sớm rồi, Hai ơi. Chị thế này tự nhiên biến mất tăm suốt buổi chiều mưa gió, trái tim em họa là gỗ đá mới vô tình không lo lắng cho chị.
Chợt nhớ, Tường hỏi:
- Ủa! Hồi nãy ai đưa chị về? Xe chị để đâu?
Cát Phượng rùn vai:
- Anh Hoàng chở về. Còn xe, chị cũng không biết đang nằm ở đâu nữa.
- Trời đất! Chiếc xe mấy chục triệu chị làm như là chiếc xe đạp vậy? Không lẽ ai đã rinh mất khi chị té ư?
Cát Phượng cười:
- Không mất được. Giá có mất, đành chịu chứ sao. Chả lẽ em không nghe câu "mất thứ này, còn thứ khác" hả? Chị về được bình yên bên em không đáng giá hơn chiếc Attila sao. Còn người còn của.
Cát Tường chép miệng:
- Em biết là không gì quý hơn tính mạng. Nhưng mà ...
Cát Phượng cười:
- Thôi nào, chị nghĩ xe không mất đâu. Có thể anh Hoàng kịp cất giữ đâu đó rồi. Chúng ta ăn cơm nhé.
Dứt lời, Cát Phượng bưng chén cơm. Bữa tối quá trễ, so với thường ngày. Cả ba chị em đều đói bụng. Nên họ ăn rất ngon miệng.
Nhìn bàn ăn hầu như được chiếu cố gần hết các món ăn. Cát Tường rùn vai, nét mặt nhẹ nhõm:
- Lâu rồi há chị Hai, tối nay chị em mình mới ăn hết cơm canh. Ui cha, em no muốn bể bụng. Cơm do em nấu. Mà lạ ghê, ăn trên phòng trọ sao nuốt vô khó thế nào ấy.
Nga dí dỏm:
- Ăn một mình đau tức đó chị ơi.
Ba chị em bật cười vui vẻ. Cát Phượng nói:
- Khuya rồi, hai đứa dọn dẹp cho xong, còn đi ngủ. Sáng mai nhỏ Tường phải dậy sớm đấy.
- Dạ, em biết rồi.
Vào phòng, Cát Phượng gọi điện thoại về nhà. Mẹ cô chậm rãi:
- Mẹ nghe này Phượng.
Cát Phượng từ tốn:
- Cu Ki ngủ chưa mẹ?
- Đang tròn mắt coi quảng cáo, chả hiểu sao hôm nay nó ngủ muộn thế.
- Cháu chưa ngủ, chắc mẹ chưa ăn cơm phải không?
Giọng mẹ cô đều đều:
- Chưa con ạ. Còn con, cơm nước gì chưa? Chuyện đã tính đến đâu rồi? Mẹ chưa dám nói gì với ba con. Nhưng việc này không thể để lâu. Con liệu thu xếp cho sớm nghe con.
Cát Phượng giọng buồn buồn:
- Con không thay đổi ý định của con. Và con biết mẹ không muốn con làm điều thất đức. Con lớn rồi, con tự chịu trách nhiệm về việc làm của con.
Giọng cô chùng thấp:
- Tuần tới, con thu xếp về thăm ba mẹ, Cu Ki một ngày. Sau đó, con sẽ ở trên này cho đến khi nào có thể. Xin mẹ hãy bảo trọng sức khỏe. Con chỉ cần mẹ khỏe mạnh là con yên tâm rồi.
- Mẹ .... sẽ cố gắng, dù bệnh tật là điều không ai nói được trước. Con ngủ đi.
Phải cố gắng ăn ngủ. Qua tháng thứ ba, mọi việc sẽ bình thường trở lại, con ạ.
- Con cám ơn mẹ. Mẹ đưa máy cho Cu Ki. Con nhớ nó quá.
Lào xào một lúc, tiếng mẹ cô nói với Cu Ki rồi thằng nhỏ líu lo:
- Alô.
Cát Phượng cười, hỏi theo cách Cu Ki dễ trả lời:
- Chào con! Con ăn cơm chưa?
- Ăn cơm rồi.
- Con ngủ chưa?
- Mắc mùng ngủ.
- Con thương dì không?
- Thương.
- Chào dì đi nào.
- Bai bai! Hê lô dì.
- Ngủ ngon nhé, Cu Ki.
- Dạ!
Cát Phượng tươi nét mặt. Hình dung vẻ ngu ngơ ngoan hiền của thằng bé lúc cúi đầu "dạ", cô lại cười.
Cuộc đời đã lấy đi của ba mẹ cô rất nhiều thứ. Kèm theo bao nỗi đau đớn về bệnh tật, khiến ba mẹ mãi buồn tủi. Cho tới khi tình yêu của ba mẹ dành cho Cát Tường bị chính em chối bỏ, em đành đoạn nhìn mẹ khóc, nhìn cha buồn, đem cuộc đời non dại của em trao vào tay một thằng đàn ông không ra gì ... Kết cục là ba mẹ dù khổ cực vẫn không thể bỏ con. Nhục nhã, thiếu ăn thiếu tiền thuốc thang, mẹ vẫn nhất định giữ thằng Cu Ki lại để nuôi.
Thời gian dần xóa mờ vết sẹo trong tim mọi người Cu Ki lớn lên bằng sự thiếu sữa, thiếu tã. Nhưng đủ đầy tình yêu của ông bà, của Phượng.
Giờ đây, thằng bé như một thiên thần, mà ông trời đã bù đắp lại sự ra đi tàn nhẫn của em trai cô. Cô khẽ đưa tay lên xoa bụng. Nơi đó, đang tạo hình một mầm sống. Liệu nó có gặp bất hạnh như Cu Ki không? Cô tin vào tình cảm của Hoàng. Nhưng anh vượt qua được áp lực của gia đình anh không. Đây thật sự là điều khó nói ...
Sáng hôm sau, Phượng dậy thì Cát Tường đã đi học. Cô vẫn mặc được bộ áo dài ngày thường của mình. Hôm nay có cuộc họp ở công ty cô không thể tới trễ, vì người đại diện của công ty muốn gặp cô.
Nga băn khoăn:
- Chị khỏe hẳn chưa mà đi làm hả chị?
Cát Phượng cười:
- Chị khỏe rồi. Em coi hàng nghen, hôm nay chị không về sớm phụ em được.
Trưa, chị mua cơm hộp cho em nhé.
Nga cười:
- Chị lo cho chị được rồi. Trong cửa hàng thiếu gì món ăn. Chị không phải lo cho em? Ủa! Chị đi xe gì hả chị?
Cát Phượng khựng lại:
- Ừa nhỉ! Em không nhắc, chị cũng quên khuấy chứ. Chị kêu tắc xi vậy.
Nhưng cô chưa kịp gọi xe, thì Hoàng chạy xe máy của cô đến. Anh nhìn cô, hỏi nhỏ:
- Em còn mệt, sao không nghĩ thêm một ngày. Để anh ghé công ty xin phép cho em.
Cát Phượng từ tốn:
- Em không sao. Bây giờ có thể ăn cả tô bún lớn nữa. Hôm nay công ty có cuộc họp quan trọng, em không thể nghỉ.
Hoàng vẫn gặng:
- Em nói thật chứ?
- Cái anh này. Em đâu phải đứa thích mè nheo, làm nũng. Em ổn thật rồi.
- Vậy anh chở em đi ăn, rồi hãy đến công ty.
Cát Phượng nói:
- Em không còn nhiều thời gian. Anh chở em đến công ty luôn. Nếu đói, em ra ăn sau. Anh không đi làm hả?
Hoàng nói:
- Chiều anh mới phải trực. Anh định sáng nay em rảnh, cùng em đi qua nhà hàng "Hoa Hồng Vàng" chồng nốt số tiền, để nhận nhà hàng.
Cát Phượng chậm rãi:
- Anh vẫn muốn em đầu tư vào lĩnh vực này thật hả? Liệu mẹ anh có gây trở ngại không anh? Chúng ta vừa đi vừa nói chuyện.
Vén tà áo dài, cô ngồi nghiêng một phía, tay cô choàng qua eo anh. Chiếc Attila màu đen lướt nhanh vào dòng xe cộ buổi sáng.
Hoàng chậm rãi:
- Anh không muốn phải chọn lựa. Tình yêu anh dành cho em là thật. Anh cần thêm chút thời gian.
Cát Phượng khắc khoải:
- Thời gian ư? Em chờ được sao anh? Em không làm khó anh. Lỗi do em dễ dãi, giờ em sẽ tự chịu trách nhiệm. Em không ép anh, không muốn anh chọn lựa gì hết. Cha mẹ và tình yêu không thể tách rời. Ba mẹ anh không chấp nhận em, coi em là đứa em gái hư hỏng, em đành chịu. Anh chống đối cha mẹ, cố tình lấy em. Em sẽ sống ra sao trong mái gia đình không ai cảm thông và chia sẻ hả anh?
Hoàng vẫn cố gắng:
- Thật ra, mẹ anh là người tốt. Nhất thời bà đang giận, nên mới như vậy. Anh không muốn em phải đau khổ thiệt thòi.
Cát Phượng nhếch môi:
- Em đã có quyết định của em. Em không bỏ con em đâu. Sau này, em cũng không cho nó biết ai là cha nó. Rồi ba mẹ em cũng sẽ nguôi ngoai. Hùm dữ không ăn thịt con. Dẫu thế nào Cu Ki cũng sống rất tốt hơn hẳn nhiều đứa trẻ đủ đầy cha mẹ. Vì thế, thêm một đứa cháu không cha nữa, ba mẹ chắc chắn vẫn chăm sóc nuôi dạy nó. Anh hãy làm trọn hiếu thảo với mẹ anh nhé. Em không hận anh đâu.
Đập tay lên vai Hoàng, cô nói nhỏ:
- Anh cho em xuống.
- Chưa tới mà em.
- Em không muốn anh đưa tới cổng. Sau này ai đưa em đây? Anh dừng xe đi Hoàng.
Biết tính cô, Hoàng thắng xe thật chậm. Cô bước xuống xe nói rất thản nhiên:
- Anh đón taxi về nhà anh. Đưa xe cho em, trưa em còn về.
- Trưa, anh đón em đi ăn luôn.
- Không cần đâu. Dạo này em ăn uống khó, phải tự nấu mới ăn được. Vậy nhé!
Hoàng hơi lưỡng lự, nhưng thái độ của Phượng khiến anh không thể chần chừ. Anh đưa xe cho cô. Không nói một lời, cô lên xe, đề máy chạy thẳng xe vào cổng công ty. Hoàng bất lực nhìn theo cô day dứt ...
- Hoàng! Mẹ muốn nói chuyện với con.
Hoàng liếc nhìn mẹ đang ngồi coi tivi ở phòng khách. Anh không chào mà định bỏ lên lầu. Nghe mẹ nói, anh lầm lì bước về ghế xa lông. Ngồi đối diện mẹ, Hoàng từ tốn:
- Mẹ nói gì, nói đi, con nghe.
Bà Vân chau mày:
- Riết rồi con học thói ăn nói kiểu đó với mẹ đó hả?
- Con nói sai gì chứ?
Bà Vân cao giọng:
- Thôi được, mẹ không cãi với con nữa. Mẹ chỉ muốn con chấm dứt tình cảm với con bé đó.
Hoàng bặm môi:
- Con yêu cô ấy, tại sao mẹ lại cấm cản con. Con lớn rồi, xin mẹ để con tự quyết định hạnh phúc của mình.
Bà Vân đanh giọng:
- Mẹ phản đối. Nó và con không hợp tuổi, cố tình cưới rồi cũng đổ vỡ. Mẹ luôn tôn trọng con. Riêng chuyện này, mẹ nhất định không chấp nhận.
Hoàng hơi gắt:
- Mẹ vô lý thật. Mẹ không là con, làm sao biết tụi con không hợp. Mẹ làm ơn giùm con việc đi coi thầy, coi số. Chả đáng tin những gì họ nói hết. Mẹ không đồng ý, con sẽ chuyển ngành và tự cưới.
Bà Vân giận run:
- Con dám ăn nói với mẹ kiểu đó sao? Trời ơi! Con bị nó cho ăn bùa ngải gì thế. Tại sao phải đánh đổi công danh sự nghiệp vì một đứa con gái chứ? Nghe lời mẹ, con sẽ có tất cả.
Hoàng nhếch môi:
- Xin lỗi mẹ. Con không cần nhà lầu, xe hơi của mẹ. Con đủ sức tự gầy dựng cho con một gia đình.
- Anh ... Con ranh ấy có gì hơn Thiên Kim, mà anh mê muội lắm thế.
Hoàng đứng dậy:
- Mẹ đừng thuyết phục con nữa. Cát Phượng đang mang thai con của con.
Con không hại chết con của mình đâu.
Bà Vân hét nhỏ:
- Hừ! Ngu vừa thôi con. Lấy gì đảm bảo đó là con của con hả? Cách sống của con bé ấy, ai mà biết ngoài con ra, nó còn quen những ai.
Hoàng bực tức:
- Mẹ có thể đánh con, nhưng mẹ không được xúc phạm cô ấy. Con biết đâu là sự thật, thưa mẹ.
Dứt câu, anh bỏ đi ra ngoài thay vì trở lên phòng. Chưa biết đi đâu, Hoàng chợt nghe tiếng gọi:
- Anh Hoàng!
Anh nhận ra Ngọc Phượng, nên chậm rãi đi tới bên cô.
Ngọc Phượng nheo mắt:
- Cậu ấm mới mất quân hàm hay sao mặt mày ảm đạm quá vậy.
Hoàng cười gượng:
- Chào em. Lâu không gặp, Ngọc Phượng lên đời ghê.
Ngọc Phượng rùn vai:
- Lên đời gì anh ơi. Tại thời buổi xe tay ga chiếm lĩnh thị trường quá lớn.
Người ta đánh giá sự sang trọng của con người qua chiếc xe, em đành bấm bụng đổi xe và phải trả góp đó anh. Anh đi đâu mà cuốc "xe căng hải" vậy?
- Lâu lâu đổi tông một chút. Ngọc Phượng rảnh không, uống với anh ly cà phê.
Ngọc Phượng le lưỡi:
- Em không vào quán cà phê khi bụng em đang đói đâu.
Hoàng cười nhẹ:
- Anh hiểu rồi. Anh cũng chưa ăn sáng. Vậy mình cùng ăn nghen. Em thích phở hay bún?
Ngọc Phượng lém lỉnh:
- Cát Phượng hay ăn món nào nhất, anh biết rõ phải không? Tứ Phượng bọn em hầu như chung sở thích dùng điểm tâm.
- Cát Phượng muôn năm ăn bún bò Huế. Cay xé lưỡi. Anh không bao giờ dám bỏ ớt vô tô bún. Phượng thì dùng rất nhiều.
- Đàn ông con trai không ăn được cay, quả là hàng hiếm. Anh nên tập ăn cho quen. Bất cứ món ăn nào có thêm chút ớt vô, sẽ rất thú vị. Duy nhất một điều giống như số phận, Cát Phượng quá quen cay, nhưng lại rất sợ đắng. Lần này, nó thê thảm là cái chắc.
Hoàng thở dài:
- Em nói vậy, ý trách anh hả?
Ngọc Phượng lắc đầu:
- Em không dám. Em tin tình yêu anh dành cho Phượng chân thành. Sự việc tệ hại này, đúng ra anh không nên để có, khi anh chưa thuyết phục được gia đình. Cát Phượng bướng bỉnh, nó hận chuyện gì, sẽ lấy đó làm điều nhắc nhở.
Ba Cát Phượng rất kỳ vọng ở nó. Cuộc đời nhỏ Tường đã lỡ, dẫu nhà trai chỉ mới đến thưa chuyện. Họ không đủ tiền cưới đã đành. Anh yêu nó, không lẽ anh đành lòng nhìn nó chết mòn trong khổ đau nhục nhã?
Những sợi bún như mềm nhũn tắt nghẹn nơi cổ Hoàng. Cát Phượng là một trong bốn cô gái tên Phượng. Phượng không đẹp rực rỡ như Hồng Phượng, không trầm lặng như Bích Phượng. Cát Phượng nhỏ nhắn, khuôn mặt đẹp hài hòa, cách nói chuyện có duyên. Ai gặp cô một lần đều muốn được là bạn cô mãi mãi. Anh may mắn lọt vào trái tim cô khi cô vừa ra trường vào làm việc ở tổng đài l080. Đồng lương khiêm tốn, Cát Phượng đã tự tìm thêm việc để kiếm tiền nuôi em ăn học. Cô thông minh, nhạy bén trước cuộc sống. Cô đã vay vốn mở cửa hàng sách, văn phòng phẩm khi phát hiện được căn nhà cho thuê nằm gần trường học. Và Phượng đã may mắn khi mỗi ngày lượng học sinh, sinh viên và khách hàng tới cửa hàng cô rất đông. Phượng mê được làm chủ một nhà hàng.
Và anh đã giúp cô, sang được một nhà hàng đặc sản. Cuộc đời Phượng tưởng như không còn gì lo lắng nữa.
Vậy mà chính anh đem lại nỗi buồn cho cô. Tội là do anh. Anh không thể chối bỏ đạo lý làm người, anh phải làm sao khi mẹ anh quá sắt đá? ...
- Anh Hoàng!
Dòng suy tư bị câu gọi của Ngọc Phượng cắt ngang, Hoàng ngơ ngác:
- Gì thế Ngọc Phượng?
- Trời đất! Anh nghĩ gì mà thần mặt ra thế? Bún nguội ngắt rồi kìa.
Hoàng thở dài:
- Anh nghĩ đến Cát Phượng, anh nuốt không vô.
Ngọc Phượng từ tốn:
- Chuyện của anh và Phượng không còn nhiều thời gian. Anh muốn Phượng phải trốn lánh mọi người, trốn cha trốn mẹ, không dám về nhà hay sao? Mẹ Phượng bệnh tật rề rề không ai biết tốt xấu ra sao để phòng ngừa. Lỡ gia đình nó xảy ra chuyện lớn lúc ấy bụng nó không còn giấu được ai thì sao hả anh Hoàng? Anh nhất định phải chọn lựa. Mẹ anh còn trẻ, khỏe, bà không xảy ra chuyện gì đâu. Ăn thua là anh thôi. Sau này, em tin chắc mẹ anh sẽ không giận anh nữa.
Hoàng cười gượng:
- Cám ơn em đã nghĩ tốt cho anh. Cát Phượng đang giận anh. Anh muốn nhờ em một việc được không?
- Em sẵn sàng, miễn sao việc đó đem lại niềm vui cho bạn em.
- Hôm nay là ngày Cát Phượng hẹn giao nốt số tiền còn lại cho nhà hàng "Hoa Hồng Vàng". Phượng không chịu đi cùng anh. Giờ Ngọc Phượng đi với anh nhé.
Suy nghĩ một lát, Ngọc Phượng gật đầu - Vâng.
Hai người rời quán. Hoàng chở Ngọc Phượng đến ngân hàng Á Châu. Anh dặn cô đứng chờ và đi vào chỗ đặt máy ATM. Anh rút hết số tiền còn lại trong thẻ được một trăm tám chục triệu đồng. Anh bỏ tiền vào túi rồi trở ra chỗ Ngọc Phượng.
Ngọc Phượng mới nghe Cát Phượng nói loáng thoáng về dự định mở nhà hàng. Nhưng cô chưa từng đến nhà hàng Hoa Hồng Vàng. Nơi này hình như chỉ dành riêng cho những kẻ lắm tiền lắm bạc. Cô tròn mắt nhìn khuôn viên nhà hàng rồi bật thốt:
- Lớn quá vậy anh Hoàng? Đầu óc con nhỏ Cát Phượng này chứa toàn toan tính làm ăn. Mà anh Hoàng ơi, chắc mắc lắm hả anh?
- Trên dưới một tỉ đồng.
- Í, trời trời! Số tiền lớn thế, anh và Cát Phượng có đủ hay sao?
- Cát Phượng thích, anh sẵn sàng làm theo ý cô ấy. Tiền này anh dành để mua xe hơi. Phượng bảo hãy kiếm tiền trước. Xe pháo từ từ tính.
Ngọc Phượng từ tốn:
- Đó là trước đây, khi anh và Cát Phượng chưa chịu sự o ép của gia đình.
Bọn em chơi thân nhau từ hồi cấp hai. Gần mười bốn năm rồi, em rất hiểu tính Cát Phượng. Nó rất tự ái. Bình thường nó rất dễ dãi, không tính toán thiệt hơn.
Còn chuyện này, em sợ nó không chịu. Liệu gia đình anh tin được không, Cát Phượng có số tiền lớn thế. Nếu bị quy kết là lợi dụng anh để bòn mót, em dám chắc nó sẽ tung hê tất cả.
Hoàng trầm tĩnh:
- Anh biết. Nhưng tiền cọc đã đặt hết hai phần ba. Họ cần tiền nên sang nhượng. Bây giờ mình không mua, sẽ mất hết. Nhà hàng này làm ăn đang phát triển. Họ phải sang vì nợ tiền nhà nước không thể gia hạn. Cát Phượng rất muốn được làm chủ "Hoa Hồng Vàng".
- Thôi tùy anh. Tính sao cho ổn thì tính. Ủa! Rồi đầu bếp, mình phải tìm thay hả anh?
- Không! Đầu bếp tiếp tục làm một năm theo hợp đồng đã ký với chủ cũ.
Toàn bộ nhân viên cũng thế. Hết thời hạn, ai tiếp tục làm, sẽ ký hợp đồng mới.
Ngọc Phượng gật đầu:
- Vậy thì tốt. Em sắp nghỉ việc ở công ty Hàn Quốc. Nếu chưa tìm được việc, em sẽ tới giúp Cát Phượng. Nói thiệt nghe, cửa hàng văn phòng phẩm và tạp hóa của nó, bỏ cũng uổng lắm. Ngày nào cũng kiếm cả vốn lẫn lời hàng chục triệu. Ở thành phố mình, đâu phải dễ tìm được điểm bán hàng.
Hoàng nói:
- Anh nghe Cát Phượng nói, giao cửa hàng lại cho mẹ cô ấy. Việc mở nhà sách là ý tưởng của bác ấy.
Ngọc Phượng chép miệng:
- Nó hơi bị tham. Nhưng biết làm sao khi cơ hội kiếm được tiền không khó, phù hợp với sức khỏe của mẹ Phượng. Khổ nỗi, nhà nó quá ít người. Một chốn tới ... bốn què lận.
Cô cùng Hoàng vào phía trong tìm gặp chủ nhà hàng. Không đầy nửa giờ, mọi thủ tục pháp lý được hoàn tất. Hợp đồng thuê mặt bằng mở nhà hàng tới mười năm. Chủ cũ mới kinh doanh được ba năm rưỡi. Cơ ngơi này, Cát Phượng được tiếp quản, quả là cơ hội để Phượng thay đổi cuộc sống.
Dù không được chấp thuận, Hoàng vẫn tạo vốn cho Phượng làm ăn. Âu cũng là số phận ông trời đang thử thách hai con người này. Cô tin nhỏ bạn cô nhất định sẽ ăn nên làm ra. Một lúc nào đó nó sẽ không thấy mặc cảm về số phận nghèo khó của nó. Và những từ môn đăng hộ đối, khi ấy phải nghĩ lại.
Thiên Kim gỡ cặp kiếng mát to đùng khỏi mắt. Cô hỏi người trợ lý cùng đi:
- "Hoa Hồng Vàng" nghe nói bị phá sản phải đóng cửa, đúng không anh Kiên?
Quản lý Kiên từ tốn:
- Vợ chồng Quang Hà nghe nói về Úc vì công ty của gia đình họ bên ấy không có người điều hành. Làm ăn lớn nên không tránh khỏi vay mượn đâu cô.
Họ sang nhà hàng cả tỉ đồng, chứ không hề đóng cửa.
Thiên Kim kênh mặt:
- Đời mà, nói cho khỏi mất mặt thôi. Nhưng gấp gáp thế, họ vẫn sang được tiền tỉ quả là số họ còn hên. Anh biết ai tiếp quản không?
Kiên dè dặt:
- Tôi không rõ lắm. Hình như là hai chị em gái, họ ở quê lên.
Thiên Kim trề môi:
- Dân nhà quê dạo này bán đất được giá nên ôm tiền lên thành phố tính làm ông chủ, bà chủ đây mà. Anh cho người theo dõi họ, chúng ta nhất định phải nổi lên. Nhà hàng Sao Mai không thể để bọn nhà quê ấy qua mặt. Cần thiết, dạy bọn họ vài bài học cho dẹp tiệm luôn. Bọn nhà quê ngốc nghếch, họ tưởng mở nhà hàng, nấu nướng y như nấu cơm luộc rau ở nhà họ chắc. Thật nực cười.
Biết rõ tính cô chủ, Kiên im lặng. Anh không thích Thiên Kim. Nhưng chịu ơn ông Thiên Đạt, từng giúp ba mẹ anh qua cơn bạo bệnh. Anh theo ông đã năm năm. Chuyện lớn chuyện nhỏ trong làm ăn của ông Đạt, Kiên đều rành rẽ. Thiên Kim du học về nước, tiếp quản nhà hàng Sao Mai, mới mấy tháng, song cô chủ không được lòng nhân viên. Kiên còn biết cả việc ông Thiên Đạt muốn gả con gái vào nhà bà Hoàng Vân, một gia đình quan chức ở thành phố này. Bà Hoàng Vân có vẻ chịu Thiên Kim. Vì cô chủ luôn biết mua những món quà đắt tiền tặng cho bà Vân.
Người lớn tính thế, nhưng con trai bà Vân thì không chịu. Anh ta đã có bạn gái.
Kiên khẽ so vai. Anh đã biết chủ mua nhà hàng "Hoa Hồng Vàng". Anh muốn từ từ coi sự phản ứng của cô chủ mình ra sao. Ăn cây táo, rào cây xoan là điều không nên. Song cách sống, cách làm việc đầy thủ đoạn của cô chủ khiến anh không phục.
Vừa lúc chiếc Attila nữ hoàng màu trắng chạy ngang mặt chiếc xe hơi của Thiên Kim. Cô gái chạy xe mặc loại váy mới nhất đang thịnh hành trong giới doanh nhân trẻ, màu vàng chanh. Tóc xõa ngang vai, nhìn giống một nữ sinh ghé nhà hàng ăn điểm tâm vậy.
Thiên Kim nhăn mặt:
- Con nhỏ nào cũng bắt mắt ghê nhỉ?
Suýt chút Kiên đã bật miệng nói "con bé nhà quê" cô chủ vừa chê. Anh đã kịp ngừng lời. Hình như cô chủ của anh chưa biết mặt tình địch. Chà! Tương lai anh tha hồ được xem kịch hay không tốn tiền. Vậy thì cứ im lặng mà thưởng thức.
Kiên cười nhẹ:
- Cô chủ muốn ghé bên trong coi thử không?
Thiên Kim kêu lên:
- Anh đừng xúi dại tôi. Khi không, vào đó nhìn ngắm nhà hàng người ta để bị ăn chổi chà sao?
Kiên thủng thẳng:
- Họ không biết mình. Mình đóng vai khách ghé ăn đặc sản, ai dám mắng mình hả cô? Theo tôi cô cũng nên thử vài món của họ cho biết.
Thiên Kim gật gù:
- Anh nói đúng. Vậy anh vô cùng tôi nghe.
Dứt câu, cô mở cửa xe bước xuống ngay. Thái độ nôn nóng của Thiên Kim khiến Kiên thấy buồn cười. Nhưng cho vàng anh cũng đố dám cười.
Thiên Kim hơi ngỡ ngàng khi vô trong. Mới hơn tám giờ sáng, nhà hàng này đã đông khách. Tìm mãi mới được một bàn trống. Cô liếc mắt nhìn thực khách.
Hình như họ đều ăn phở và xúp.
Thiên Kim hỏi Kiên:
- Anh thích ăn gì thì kêu cho tôi luôn.
Phục vụ bàn bưng đến một khay nhỏ bên trên đặt hai chiếc ly và một bình trà. Cô gái khéo léo đặt xuống bàn và nhỏ nhẹ đưa cuốn Menu list.
- Mời anh chị chọn món ạ.
Kiên điềm tĩnh:
- Cho tôi hai tô phở bò,tái đặc biệt.
- Dạ! Xin chờ một chút sẽ có ngay ạ.
Cô gái đi rồi, Thiên Kim hạ giọng nói vừa đủ Kiên nghe:
- Nhà hàng cũng nấu mấy món điểm tâm nữa à? Tôi rất ít ăn phở, liệu nuốt nổi không đấy?
Kiên cười cười:
- Cuộc sống hiện tại phải phục vụ và nắm bắt được yêu cầu của khách. Tôi nghe nói phở đây khá ngon. Ngang ngửa với quán Hương Bắc đấy.
- Nhưng đã là nhà hàng, còn nấu làm gì những món điểm tâm này. Tôi nghĩ bọn họ chắc ế ẩm khách ăn đặc sản, nên tìm cách gỡ gạc lại.
Câu chuyện của Thiên Kim tạm ngừng vì phục vụ bàn đã bưng phở lên.
Thêm đĩa rau thơm xanh mướt được đặt kế bên.
Kiên chậm rãi nêm đủ gia vị vào tô của mình. Anh nêm giùm Thiên Kim, nhưng cô đã gạt đi:
- Anh cứ để tôi.
Kiên cũng lần đầu tiên vô đây ăn tô phở này. Nhưng quả thật, là dân trong ngành nấu ăn, anh hoàn toàn bị chinh phục bởi mùi vị của tô phở.
Anh hỏi khi thấy Thiên Kim đã ăn được chút ít.
- Cô chủ thấy sao?
Thiên Kim thẳng thắn:
- Không tệ lắm. Hèn gì mà đông khách như thế. Giá chắc cũng rẻ phải không?
Kiên cười:
- Tôi nghĩ tô đặc biệt này giá không dưới ba mươi lăm ngàn. Vật giá hiện tại, một lạng thịt bò đã mười lăm ngàn đồng, cô không nhớ sao?
Thiên Kim liếm môi:
- Nói như anh, những thực khách kia toàn dân sành ăn? Họ sẵn sàng chi trả với giá cao?
- Tất nhiên. Nhưng giá qui định ở đây là hai mươi tám ngàn một tô.
Thiên Kim lẩm nhẩm:
- Vậy thì không ổn rồi. Nguyên việc bán món điểm tâm buổi sáng, họ đã thu lãi tiền triệu. Kinh doanh như vậy, nói lỗ thật không thể tin được.
Kiên chậm rãi hỏi:
- Cô nói cái gì không ổn?
- Thì vụ họ bán điểm tâm. Khách vẫn không ngừng vô nhà hàng, dù hôm nay mới chỉ là ngày thứ sáu. Nếu vào ngày nghỉ cuối tuần, chắc chắn Hoa hồng Vàng không còn chỗ ngồi!
Tự dưng, Thiên Kim nghe nỗi ganh ghét trào lên trong lòng. Cô nhất định không thể thua Hoa Hồng Vàng. Một người được đào tạo bài bản chuyên nghiệp về cách điều hành một nhà hàng đạt tiêu chuẩn Quốc tế như cô, không thể thua một con bé vô danh tiểu tốt.
Thiên Kim nói, khi đã ngồi vào xe:
- Anh lái xe đưa tôi đến nhà bà Hoàng Vân luôn nhé.
Kiên kêu lên:
- Cô chủ quên rằng, mười giờ sáng nay, cô chủ có cuộc họp với hội đồng quản trị nhà hàng à?
- Tôi không quên. Tự nhiên tôi thấy mệt mỏi, anh gọi điện hẹn họ vào đầu tuần tới.
Nói rằng tôi bệnh. Tôi muốn đi mua sắm, nếu không đầu tôi vỡ tung mất.
Kiên thừa hiểu ý định của cô chủ. Anh gật đầu:
- Vâng! Tôi hứa làm theo lời cô.
- Còn nữa! Anh giúp tôi, nhất định phải tìm được bí quyết nấu nước lèo của phở nhé. Hoa Hồng Vàng tìm thực khách từ món ăn dân tộc này, chúng ta chả ngại gì không bắt chước họ. Vấn đề là ai sẽ nấu ngon hơn thôi.
- Chuyện này e rằng khó.
- Khó và tốn kém bao nhiêu, anh cũng phải tìm ra cách. Lệnh đấy.
Kiên âm trám:
- Tôi biết rồi. Ủa! Cô chủ không đi xe, rồi về bằng gì ạ.
- Anh sao "chậm tiêu" quá vậy. Tôi sang rủ má chồng tương lai đi siêu thị.
Nhà bà ấy có mấy chiếc xe hơi, không lẽ họ bắt tôi đi xe ôm về?
Kiên cười cười:
- Tôi quên mất.
Dừng xe, trước cổng căn nhà lầu cao bốn tầng, tọa lạc trên con đường đang có giá cao ngất ngưởng ở thành phố. Kiên chưa kịp mở cửa, thì Thiên Kim đã nhanh nhẹn tự mở cửa bước xuống. Cô vẫy tay:
- Anh về nhà hàng đi.
Chờ cho chiếc xe khuất sau khúc cua đường, Thiên Kim mới đưa tay bấm chuông cổng. Con bé giúp việc nhà bà Vân mở một bên cổng. Nó trố mắt nhìn Thiên Kim từ đầu đến chân, rồi mới nói:
- Chào cô Kim.
Thiên Kim giả lả:
- Chào em. Bà chủ có nhà không, Thư?
Thư gật đầu:
- Bà chủ trong phòng khách.
Thiên Kim điệu đàng bước vô nhà. Cô không hay biết, phía sau lưng cô, bé Thư trề môi dài cả thước, lẩm bầm:
- Đàn bà con gái gì lạ đời, suốt ngày lết đến nhà trai. Cậu Hoàng thật khốn khổ nếu lấy phải loại người điệu chảy nước này. Phát gớm!
Thiên Kim mà nghe được những lời này, chắc chắn bé Thư bị bẻ hết răng ăn cơm. Thiên Kim tươi cười:
- Con chào bác. Bác không đi đâu sao?
Bà Vân nhìn lên, tươi nét mặt:
- Thiên Kim hả cháu. Cháu không đến nhà hàng à? Đi chơi thế này, không sợ ba mẹ cháu la sao chứ?
Thiên Kim cười cười:
- Cháu lớn rồi, muốn làm gì tùy ý, ba mẹ cháu đâu cấm cản cháu. Việc nhà hàng đã có quản lý, cháu không cần phải có mặt thường xuyên. Cháu đến rủ bác đi siêu thị.
Khá lâu rồi, cháu không đi mua sắm.
Bà Vân cười nhẹ:
- Sao không rủ mẹ, lại qua rủ bác? Chắc chắn có ý đồ, đúng không?
Thiên Kim le lưỡi:
- Mẹ cháu thuộc tuýp người xưa, không thích mua sắm. Chỉ khoái đếm tiền thôi, bác ơi. Bác lại nghĩ xấu cho cháu rồi. Bác là người rành rẽ thời trang, cháu muốn nhờ bác tư vấn.
Bà Vân phì cười:
- Thời trang trẻ, ai đi nhờ mấy bà già hả cháu?
- Không ạ! Là các món trang sức chứ không phải áo quần. Bác giúp cháu nhé!
Bà Vân gật đầu:
- Cháu đã nhờ, bác phải đi thôi. Chờ bác dặn con bé Thư một chút.
Thiên Kim nhấp nhổm nhìn lên lầu. Đoán được ý cô, bà Vân nói:
- Hoàng đi làm rồi, chủ nhật mới về. Hôm ấy cháu qua ăn cơm cùng gia đình bác nhé.
Thiên Kim thoáng thất vọng:
- Nghề của anh Hoàng cũng cực bác nhỉ. Sao bác không mở cho ảnh một công ty tự mình làm chủ mình.
Bà Vân mỉm cười:
- Thằng Hoàng thích nghề này từ nhỏ. Nó không thích làm kinh doanh. Đây là nghề tốt, có cái hậu cho tuổi già, cứ để nó làm. Cháu tới đây bằng xe gì thế?
- Dạ, tài xế của ba cháu chở tới. Cháu cho anh ta lái xe về rồi. Mình đi tắc xi được không bác?
Bà Vân ngập ngừng:
- Nhà có xe, nhưng bác không biết lái bác thích chạy xe máy hơn, muốn đi đâu cũng tiện.
Thiên Kim cười gượng:
- Lâu rồi, cháu không đi xe máy, cháu sợ mình không làm chủ được tay lái.
Bác chờ cháu kêu tắc xi.
Không đầy mười phút, chiếc tắc xi của hãng Mai Linh đã trờ tới. Hai người lên xe, Thiên Kim nói tài xế chở tới siêu thị B.C. Chiếc tắc xi vừa chạy thì Hoàng lái xe về tới, bà Vân không hề biết hôm nay anh nghỉ. Bé Thư thấy Hoàng thì khoe ngay:
- Cậu hên thiệt. Cậu về nhanh chút xíu đảm bảo dính chấu cô Thiên Kim rồi.
Hoàng chau mày:
- Thiên Kim đến làm gì thế, Thư có biết không?
Bé Thư rùn vai:
- Còn mục đích gì, ngoài việc "cọc tìm trâu" nữa. Không gặp cậu, cô ấy rủ bà chủ đi siêu thị rồi. Chắc chắn hôm nay bà chủ có nhiều đồ mới. Còn cậu, chuẩn bị rửa tai để nghe kinh moral (đạo đức) tiếp tục đoạn "phận làm con phải tròn chữ hiếu".
Hoàng phì cười:
- Nhóc con! Dạo này cũng biết cách ví von kia đấy. Cậu ghé nhà lấy ít đồ rồi biến ngay thôi. Ngu gì để bị trói vào con trâu ngũ sắc ấy.
Bé Thư rũ ra cười nắc nẻ:
- Chết nhé! Cậu dám gọi người đẹp là trâu ngũ sắc.
Hoàng tỉnh bơ:
- Cậu nói theo nhóc đó chứ.
Bé Thư le lưỡi:
- Vậy thì người chết sẽ là cháu. Xin cậu giữ bí mật giùm. Nếu không con trâu ấy giẫm nát cháu mất.
- Còn phải xem nhóc theo phe ta hay địch.
- Cậu yên tâm. Cháu theo phe chính nghĩa ủng hộ cậu tới cùng.
Bật cười trước cách nói chuyện dí dỏm của bé Thư, Hoàng đi nhanh vào nhà. Anh về để lấy vài món đồ, sau đó sẽ ở luôn tại trạm. Anh tuyên chiến với mẹ anh, và nhất định không nhân nhượng mẹ!
Cát Phượng vừa ký hóa đơn chi tiền hàng vừa hỏi Ngọc Phượng:
- Mày mệt không?
Ngọc Phượng cười:
- Tao phải lau bàn rửa chén gì đâu mà mệt. Tao thấy mình đúng khi về đầu quân cho mày.
- Với bằng cử nhân kinh tế của mày, ngồi ở vị trí một nhà hàng nho nhỏ thế này là uổng phí tài năng đấy.
- Tao mặc kệ. Lương cũng cao như dạo tao làm cho công ty Hàn Quốc. Đã thế, làm cho mày, tao được ăn uống toàn đồ cao cấp, được tự do, không giống đi làm thuê cho bọn nước ngoài, họ chửi công nhân mình tệ lắm.
- Có gì bất ổn phải nói tao nghe nhé. Tình bạn và công việc là hai thứ khác nhau đấy.
- Tao biết rồi. Tình hình nhà cửa, ba mẹ mày thu xếp xong chưa?
Cát Phượng buồn buồn:
- Ba tao đang giận tao. Ông không chịu đi. Chắc để Cu Ki ở nhà với ông.
- Liệu ổn không?
- Mày quên là ba tao rất thương Cu Ki à? Hai ông cháu, nhà có tiếng nói cười, đỡ buồn hơn.
- Tính vậy cũng được. Tụi mình phận con cái, cha mẹ nuôi con cực khổ tháng năm, hư hỏng đứa nào, đành chịu. Bằng không, ai chả muốn con cái có đám cưới rỡ ràng, không rình rang như thiên hạ, cũng vui vẻ, danh giá với dòng tộc. Mày là đứa được ba mẹ kỳ vọng, giờ rơi vào hoàn cảnh éo le này, cha mẹ nào không buồn, không giận. Cũng còn may anh Hoàng tử tế, lo chu đáo cho mày. Nếu không, tao e chính mày cũng không qua nổi, nói gì người thân. Cố gắng chịu vậy. Ông trời không tàn nhẫn với người tốt đâu.
Cát Phượng gật đầu:
- Cám ơn mày đã hiểu tao. Quên nữa! Mày nhớ gọi điện thoại báo cho Hồng Phượng, Bích Phượng, chủ nhật về dự buổi tiệc khai trương nhà hàng. Tao lu bu sợ quên mất.
Ngọc Phượng cười:
- Tao gọi rồi. Lần này hai đứa nó rủ thêm bạn về góp vui. Mày dự tính làm những món nào chưa?
- Tao ưu tiên các món ăn Việt. Người Việt dùng hàng Việt vẫn dễ tiếp thu hơn.
- Nghe nói nhà hàng Sao Mai bán toàn món ăn Châu Âu. Chủ nhà hàng từng ra nước ngoài học. Hay là bọn mình cũng tìm thêm thực đơn dành cho người ngoại quốc?
Cát Phượng so vai:
- Tao không hứng thú với loại đồ ăn này. Khu nhà hàng của tụi mình, chủ yếu là người Việt, mức thu nhập ổn định, cuối tuần họ họp bạn bè, người thân để ăn bữa cơm mang hương vị của chính quê hương họ. Cố gắng nấu cho ngon vài món miền Bắc, vài món ăn xứ Huế, xứ Quảng ... đủ mệt rồi. Tao không thích bon chen sang lĩnh vực hàng ngoại, dù môi trường nào.
Ngọc Phượng cười:
- Thua mày luôn. Giống như sáng kiến bán phở Hà Nội, bún bò Huế, mì Quảng chứ gì?
Cát Phượng vẻ tự hào:
- Kết quả này thấy rồi đó. Hơn tháng nay, buổi sáng nhà hàng đông khách hơn buổi chiều ấy chứ.
Ngọc Phượng gật đầu:
- Điểm này, tao công nhận, mày tính đúng. Cứ đều đặn thế này, khoản thu nhập buổi sáng dư sức để mày chi trả tiền nhân viên. Chỉ vài năm mày nhất định giàu, chả thua ai.
Cát Phượng cười nhẹ:
- Tao đã sống những năm tháng thiếu trước hụt sau vất vả tảo tần của cha mẹ. Tuy ba mẹ không bao giờ để tao phải bon chen vào đời, phải không tiền đóng học. Nhưng bao năm, tao luôn làm phận học trò, dù khi nào tao cũng đóng học phí muộn. Vẫn đầy đủ chứ không đến mức phái nhờ vào nhà trường như ai khác. Bây giờ có cơ hội kiếm tiền, tao nhất định phải nắm bắt. Giàu, ai không mơ nhưng tao còn rất nhiều nợ nần phải trả, phải lo. Nên tao chả dám mơ giàu như mày nói.
Chợt nhớ cô hỏi:
- Mày đã ăn món nào bên Sao Mai chưa Phượng?
Ngọc Phượng gật đầu:
- Một lần, cách đây hơn ba tháng, tao đi dự sinh nhật nhỏ em họ. Con Hạ Vy tiệm vàng Đại Lợi. Nó đặt tiệc ở đó ăn toàn món ăn Tây. Nói thật nhé, không riêng tao, mà hầu hết năm bàn tiệc bàn nào cũng còn ê hề đồ ăn. Khẩu vị không hợp, khó ăn lắm.
Ngọc Phượng rùn vai:
- Để tao nhớ coi. Hôm ấy tao ăn được món mì ý, món xà lách trộn thập cẩm, tao khoái nhất, nhưng lại không thể ăn.
Cát Phượng nhẹ giọng:
- Mì Ý thì nhà hàng nào bây giờ không bán, ăn thua là cách nấu mà thôi. Sắp tới tao sẽ dành một trang Menu list giới thiệu toàn món ăn dân đã đơn thuần Việt.
Ngọc Phượng tò mò:
- Bật mí nghe thử, có món nào tao khoái khẩu không?
- Những món ăn thường ngày vẫn có trong các bữa ăn gia đình thôi. Rau tập tàng chấm mắm kho quẹt. Rau muống xào tỏi. Cua rang me ...
Ngọc Phượng kêu lên:
- Trời, trời! Một nhà hàng hơi bị hoành tráng thế này, ai lại bán toàn các món "cây nhà lá vườn". Kỳ chết!
- Mày không biết nên nói vậy. Dân sành ăn đã chán ngấy như món chim câu vịt tiềm cao cấp. Đôi khi vì quá bận bịu với cuộc sống họ không còn thời gian để ăn một bữa ăn đơn thuần Việt. Thèm đấy và các quán cơm bình dân cũng nhan nhản, nhưng khó có quán ăn nào đầy đủ điều họ cần. Món rau muống xào tỏi nếu tao hay mày xào chắc ăn vài đũa là ... rùng mình. Nhưng do đầu bếp Quốc Tuấn nấu thì miễn chê nhé. Ăn một dĩa muốn ăn thêm đó. Tao đã thử tài chú Tuấn rồi và tao tin là mình sẽ thắng.
Ngọc Phượng liếm môi:
- Nghe mày nói, tao thấy muốn ăn ngay à.
- Muốn ăn ngay thì tự nấu mà ăn tạm. Còn không thì cố chờ đến hôm ấy nhé.
- Đành chờ thôi chứ biết sao. Tao nổi tính tò mò rồi đó Phượng. Một nhà hàng nổi tiếng, trong tốp mười nhà hàng món ngon món lạ ở thành phố này, khi không lại bán mấy món rau muống, cua đồng rang ... Chà! Thực khách đến đây ắt giống tao, vì sự tò mò, vì giá rẻ nữa hả Phượng?
Cát Phượng trầm tĩnh:
- Giá rẻ tao chưa dám chắc. Món ngon của nhà hàng mình, bèo bèo cũng ba chục ngàn một dĩa, ngon thì đảm bảo.
Ngọc Phượng biết tính bạn. Cát Phượng là đứa thích làm điều khó. Nó đã muốn và thực hiện việc gì, việc đó ắt phải đem về siêu lợi nhuận. Ngọc Phượng nhớ hồi đầu, khi Cát Phượng hỏi đầu bếp biết nấu điểm tâm không. Chú Tuấn hỏi:
- Yêu cầu nước lèo thế nào? (Chú Tuấn hỏi ngược lại).
Cát Phượng cười cười:
- Phở Bắc Hải, đúng mùi vị Hà Nội, Bún bò đủ độ cay, độ béo của xứ Huế.
Mì Quảng sợi phải dai, dẻo, nước lèo ngon ngọt y như dân Đà Nẵng nấu vậy?
Chú Tuấn cười:
- Mì và bún, chú đảm bảo. Riêng món phở, chú nghe nói, người Bắc Hà có cách nấu riêng.
Cát Phượng cười nhẹ:
- Cháu sẽ tự tìm hiểu và cho chú công thức nấu.
Ngay tối đó, Phượng rủ Ngọc Phượng tới Hương Bắc một quán phở nổi tiếng nhất thành phố, vừa ăn vừa mua về đem nghiên cứu. Mất toi hai trăm ngàn, nhưng không thể phân tích được trong nước lèo được bỏ thêm nguyện liệu gì. Chính mẹ Cát Phượng đã nói:
- Ngày trước mẹ học ngành chế biến món ăn Việt, sau đó về thực tập tại cửa hàng phở nổi tiếng nhất Hà Nội. Phở Ngô Quyền. Mẹ để ý mãi phát hiện ra ngoài xương gà, xương bò, cứ mỗi nồi nước lèo loại ba mươi lít nước sẽ được bỏ vào đó một lạng Sá Sùng khô. Đây là đặc sản rất quý chỉ có ở vùng biển Đông Bắc ...