Chương 2
Tác giả: Đinh Lâm Thanh
Anh em cải tạo thường ở trần ngày cũng như đêm, trên người chỉ chiếc quần xà lỏn. Bộ áo quần mặc theo lúc ra đi được xếp lại cẩn thận để dành lúc ra tù trở về thành phố hoặc những lúc cần thiết như đi làm lý lịch, lên hội trường nghe nhồi sọ, bị quản giáo kêu lên làm tự kiểm, thì bất đắc dĩ phải khoác thêm chiếc áo lên người. Quần xà lỏn mặc suốt ngày đêm, không có nước giặt và thường xuyên bị ẩm vì mồ hôi muối. Tội nghiệp những miếng vải giảm dần tuổi thọ, mục và rách như trái xơ mướp. Có nhiều anh quần xà lỏn rách hết phần dưới chỉ còn lại một ít vải chung quanh lưng quần, mặc vào trông như các cô mang trên người chiếc mini jupekỷ lục sexy! Cũng có anh đành xé chiếc quần dài ra thành miếng nhỏ, quấn ngang phần dưới bụng như chiếc khố của người dân tộc thiểu số. Quản giáo kêu lên buộc làm tự kiểm, kết tội đi học tập cải tạo mà ăn mặc kiểu đóng khố hoặc đưa nguyên của ‘quý ’ ra ngoài theo kiểu dâm ô của bọn Mỹ-Ngụy là ngoan cố, chống đối cách mạng! Có anh thành thật trình bày, chỉ đem theo đồ dùng đúng mười ngày theo cách mạng đã hứa, nay quần bị mục nát chẳng còn gì để quấn cho kín ‘phần dưới’, thì cũng bị quản giáo khép vào tội ăn nói ‘linh tinh’ và có ý bôi xấu chế độ.
Xuống đến đây tù được thêm một món ăn mới. ‘Không có gì quý hơn trái su su’, anh em tù đã thay câu nói vàng ngọc của già Hồ để lại mỗi lần nghe kêu đi lãnh cơm! Khẩu phần mỗi bữa của từng người gồm một phần tám trái su su nấu nước muối và gần một chén bobo. Ăn uống như vậy phân đâu sản xuất được bao nhiêu để tưới rau. Báo cáo của đội rau, mỗi ngày chỉ thu hoạch chừng non một thùng, tù lại bị kiểm điểm sản xuất phân xanh không đủ tiêu chuẩn cho vườn rau cải thiện của bộ độivà quản giáo ! Anh bạn nằm bên tôi, ngày mai đến lượt chui xuống cầu tiêu hốt phân, không biết là mơ hay tỉnh mà cứ than vãn hoài. ‘Không cho ăn mà cứ đòi phân cho nhiều, lấy gì mà ẹ ra đây Hồ ơi. Ngày mai lấy đâu cho đủ tiêu chuẩn để nạp lên quan thầy đây, Hồ ơi là Hồ’ !
Một thời gian sau, tù được phép viết thư về xin gia đình tiếp tế và trong đợt đầu tiên, mỗi người được phép nhận hai ký. Ngày phát quà tập thể, bọn quản giáo tập hợp tù ở giữa sân và kêu tên từng người lên nhận về để lại dưới chân mình. Khi đã phát đủ, quản giáo ra lệnh cho mở ra cùng một lượt để chính trị viên, quản giáo và vệ binh canh chừng kiểm soát. Bọn chúng lúc đầu trố mắt ngạc nhiên những món hàng gởi đến nhưng sau đó ra lệnh tù sắp tất cả quà ngay ngắn lại dưới chân mình và đứng nghiêm để nghe lệnh. Chúng quát tháo:
- Đã vào đây rồi mà các anh vẫn còn giở trò qua mặt cách mạng, tìm cách thông tin liên lạc và móc nối với bọn CIA bên ngoài!
Không ai hiểu chúng muốn nói gì. Tất cả đang ngơ ngác thì tên chính ủy tiến đến lấy một cuốn giấy đi cầu đưa lên cao:
- Thế nầy là thế nào ? Các anh định dùng loại giấy nầy để thông tin ra ngoài với bọn giặc. Tôi cho các anh biết đừng hòng qua mặt cách mạng. Bọn Mỹ-Ngụy đã dùng các cuộn giấy như thế nầy gắn trên các máy để đánh điện cho nhau, bây giờ gia đình các anh gởi vào để các anh tiếp tục viết tin lén gởi ra ngoài. Cách mạng đã thông suốt ý đồ, nhìn thấy trong tim trong óc các anh. Đừng tưởng rằng khi cách mạng khám phá hành động gián điệp, các anh chỉ cần nuốt vào bụng hay bỏ giấy vào nước nó bấy ra là có thể qua mặt phi tang cách mạng một cách dễ dàng được đâu!
Tất cả đứng yên không ai dám cười, chừng phút sau một anh tù trưởng khối gải đầu vòng tay thưa:
- Dạ thưa anh cán bộ, giấy nầy dùng để …đi cầu ạ!
Tên chính ủy nạt lớn:
- Đừng lếu láo!
Nói xong hắn hầm hầm quay trở về ban chỉ huy tiểu đoàn.
Gói quà nhỏ đầu tiên, gia đình người nào gởi cũng giống nhau. Theo thứ tựưu tiên : cuộn giấy đi cầu, đôi dép râu, vài chiếc quần xà lỏn, bịch thuốc lào, ít cục đường, lon muối sả, lon muối đậu phộng, guigoz thịt kho mặn. Gia đình anh nào khá giả còn thêm gói café, hộp sữa đặc. Đêm đó, trong trại lần đầu tiên mới nghe được tiếng cười của mấy anh tù đang uống café, kéo thuốc lào hoặc vừa nuốt xong miếng đường trong miệng.
Sáng hôm sau thức dậy, đang sắp hàng đi đại tiện anh em tù rất đổi ngạc nhiên và không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi thấy vệ binh đi vòng vòng kiểm soát chung quanh cầu tiêu cộng cọng, có vệ binh còn nhặt một vài miếng giấy vệ sinh rải rác bên các miệng hố. Sau đó chừng nửa giờ, kẻng đánh tập họp tù ngoài sân, chính tên chính ủy hôm qua lại trở xuống, mặt hầm hầm,miệng la lớn :
- Thật là phí phạm, chế độ tư bản các anh còn bày nhiều trò rởm đời trong việc đi cầu xí. Cách mạng chiến đấu quanh năm suốt tháng trong rừng đâu cần giấy xanh giấy đỏ để đi ỉa mà đánh đâu thắng đó. Các anh có biết ngoài Bắc, trẻ con không có giấy để đi học trong lúc các anh trong Nam lại dùng để chùi đít!
Anh em cải tạo lần nầy không nhịn được, cười ồ lên. Phía sau cùng có anh tù nào đó lên tiếng, tất cả đều nghe rõ:
- Thế mà hôm qua hôm kia lên lớp cán bộ cứ oang oang cái mồm lên rằng, miền Bắc không thiếu một thứ gì. Tủ lạnh thì đi đầy đường không còn lối cho xe hơi, cà rem thì dư thừa phải phơi khô để xuất khẩu!
Cả bốn khối tù không nín được, tới đâu cũng phải cười để giải tỏa những ấm ức mấy lâu nay.
Một quản giáo, tay chụp ngay bá súng lục bên hông, chen vào đám tù tiến xuống phía sau, quá giận, lắp bắp đứt quảng:
- Thằng…thằng nào…phản động, thằng phản động nào vừa mới lên tiếng, ông bắn bỏ mẹ bây giờ!
Tất cả tù đứng yên, tên quản giáo đi vòng vòng nhìn vào mặt và tra khảo từng người một nhưng không tìm được thằng nào vừa phát ngôn bừa bãi. Kết quả cả tiểu đoàn tù phải học tập tự kiểm liên tục một tuần vì một câu nói cực kỳ phản động!
Trong thời gian bị nhốt ở Long Khánh, vì có sự hiện diện của dân chúng chung quanh khu vực sư đoàn 18 bộ binh cũ, tù may mắn không đi lao động bên ngoài mà chỉ xoay quanh những công tác đắp đường, làm vệ sinh, trồng rau cải trong khu vực. Ngày nào cũng tám tiếng làm việc, không có nước tắm giặt, đa số anh em bắt đầu nổi ghẻ trong người. Không thuốc, thiếu dinh dưỡng và nhất là vấn đề vệ sinh cá nhân, bệnh ghẻ lan tràn rất nhanh. Bộ chỉ huy trung đoàn tù giải quyết bằng cách cho luân phiên ra ngoài tắm, nhưng mỗi khi ra khỏi hàng rào phải ăn mặc chỉnh tề và tuyệt đối không được nhìn ngang liếc dọc, ra dấu làm hiệu hoặc liên hệ với dân địa phương. Nơi được phép tắm là một con mương nhỏ cũng nằm trong phạm vi thuộc khu vực sư đoàn 18 bộ binh cũ. Chiều ngang khoảng chừng gần ba mét, nước lên chỉ đến quá đầu gối một chút. Tù sắp thành hàng, áo quần đã toàn bộ tuột ra, đếm số từng đợt hai chục người và sẵn sàng đợi lệnh nhảy xuống đồng loạt. Trên hai bờ đất, vài ba quản giáo và hàng chục vệ binh súng cầm tay chỉa vào đám tù. Mỗi toán chỉ được phép tắm trong vòng một hai phút rồi phải bước lên nhường chỗ cho toán khác nhảy xuống. Mỗi lần ra tắm chúng tôi cũng gặp vài ba người đàn bà quanh quẩn chung quanh khu vực, đang cúi mình giả vờ làm cỏ, mặc dù chung quanh con mương không có khu ruộng lúa hay một vườn rau cải nào. Anh em tù nhận biết ngay là những người đàn bà kiếm cách xâm nhập vào khu vực để dò la tin tức người thân. Đám vệ binh lớn tiếng đuổi nhiều lần nhưng không kết quả, sau cùng chúng bắn chỉ thiên vài phát súng, mấy người đàn bà mới từ từ nhích ra xa. Chỉ trong một thời ngắn tin tức được đồn ra ngoài, hàng ngày các bà các cô xuất hiện nhiều chung quanh khu vực con mương. Chính điều nầy anh em tù không được ra ngoài tắm mương mỗi tuần mà chỉ còn cách lạy Trời mưa xuống…