Chuyện đằng ngoại
Tác giả: Đinh Ngọc Hùng
Bà ngoại tôi mấy lần sinh nở nhưng các bác đều bỏ mà đi. Mãi đến lúc mang thai mẹ tôi, ông trời mới thương cho bà được làm mẹ. Khi me tôi vừa bỏ bú thì ông ngoại tôi ốm mất. Trước lúc chết ông ngoại tôi giọi bà lại bên giường bảo:
- Mẹ già, vợ dại, con thơ,muốn ở lại mà Diêm Vương chẳng cho. Sau khi tôi chết, nhanh thì chín tháng, chậm thì ba năm,cho phép mình cởi tang tái giá.
Bà tôi vật vã ôm con ngồi khóc. Cụ thân sinh ra ông ngoại tôi chống cây gậy song, hết đi ra sân lại vào trong nhà lầm bầm chửi. Cụ chửi ông tôi cái tội bất hiếu, công sinh thành dưỡng dục chưa trả hết đã chốn chạy khỏi kiếp nhân gian. Cụ chửi vì gia đình độc đinh từ nay ai người hương khói. Cụ chửi mà nước mắt lưng tròng. Thì ông trời bắt chứ nào ai muốn thế. Ông tôi ra đi trong cảnh ngộ éo le ấy .
Sau khi ông ngoại tôi mất, cụ ngoại tôi vì thương con, lại suy nghĩ nhiều đến việc tông miếu nên cũng mất vào cuối năm đó. Trước lúc mất cụ chẳng trăng trối lại cho bà tôi câu gì. Thế là trong vòng một năm, trên đầu bà tôi đã chít hai vòng tang trắng. Cây cối trong vườn cũng phải hai lần mang tang chủ.
Sau cái chết của chồng, mẹ chồng, bà tôi ở lại mảnh đất đó nuôi con. Từ đó bà tôi không đi bước nữa mà ở vậy . Cũng có nhiều ngừơi ướm lời dạm hỏi, nhưng bà tôi thẳng thắn chối từ. Thời gian phẳng lặng trôi đi, cứ tưởng đối với bà đến cuối đời mọi cái vẫn dai dẳng như thế, song cuộc đời chẳng bình lặng chút nào. Đang cảnh mẹ goá con côi đùng cái bà tôi có chửa. Mọi người sững sờ. Dường như họ bị xúc phạm ghê gớm nên họ không tiếc lời dè bỉu. Họ bảo trước bao người ứơm hỏi đều đây đẩy chối từ, cứ tưởng là nhịn đươc đến chót đời, thế mà rồi cũng như ai.
Giữa dư luận tai tiếng của người làng, cậu Lựu tôi ra đời. Cậu Lựu ra đời không giống những đứa trẻ khác. Lúc lọt lòng đầu cậu bé tí như cái bóng đèn. Sợ khó nuôi bà ngoại tôi đem cậu bỏ ra búi tre, nhờ bà cụ hàng xóm ra nhặt, rồi sau đó xin lại. Đươc cái bà tôi mát tay nên cậu Lựu ăn khoẻ chóng lớn, không ốm đau gì. Bà tôi bảo, cậu Lựu là con cầu tự. Lúc có thai cậu, bà tôi xuống đền Cao cầu . Tôi nghe đồn, đền cao ở An Lạc thờ năm anh em họ Vương rất thiêng. Đền đó ai có gì cầu khẩn đến đó xin đài đều được như nguyện. Việc người dân quanh vùng đến đó thắp hương để cầu con, tôi cũng đã được nghe. Họ còn bảo, những đứa con trời con phật đó đều mang khuôn mặt tượng. Vì là con cầu nên cha mẹ không đươc phép mắng chửi, đánh đòn. Chửi mắng đánh đòn cũng như là xúc phạm các ngài sẽ bị các ngài quở. Tôi thấy cậu Lựu tôi có những nét khác thường thật . Da mặt cậu đỏ au, hai con mắt thô lố như con ốc nhồi. Thế nhưng cậu Lựu rất hiền. Để cậu không ốm đau quặt quẹo, bà tôi đem cậu bán cho nhà chùa. Bà bảo, để các ngài nuôi, khi lớn lên sẽ xin chuộc về. Hôm làm lễ chuộc cậu Lựu, bà tôi phải ăn chay một tuần và chuẩn bị mâm lễ dâng phật.
Người ta đồn cậu Lựu tôi là con ông Quyền công nông. Lời đồn đại đó không phải là không có căn cứ. Chuyện là thế này: Ông Quyền có một chiếc xe công nông dùng để chở vật liệu cho dân trong làng. Dạo đó bà tôi mua một chuyến đất phù sa để dải lên cái vũng trong vườn mà trước kia đã lấy đất làm gạch. Hôm đó chở đất, bà ngoại tôi cũng ra phụ. Lúc chiếc xe bò xuống dốc, không biết bà tôi loay hoay thế nào bị bánh xe cán dập xương ống chân. Đúng là hoạ vô đơn chí. Thế là kế hoạch lấp vũng đất trong vườn đành bỏ dở. Bà tôi phải nằm bó bột trên giường. Sau chuỵên đó, ông Quyền thường hay lui tới thăm bà. Có lẽ cậu Lựu tôi ra đời sau những lần qua lại đó. Đồn vậy chứ chẳng ai dám khẳng định. Cậu Lựu tôi dù lớn vẫn bị gọi là cù lần. Mà cậu cũng cù lần thật. Điều đó làm tôi thương cậu hơn. Cậu Lựu hơn tôi một giáp. Bà tôi bảo:
- Cùng là ngọ nhưng cậu còn lâu mới theo kịp đươc cháu.
Cậu Lựu chỉ nhăn nhở cười:
- Thì cháu khôn hơn cậu là phải rồi u ạ!
Tôi không vui vì lời khen của bà, mà chỉ muốn làm điều gì đó san sẻ cho cậu Lựu. Biết lòng tôi câu bảo:
- Mày thương tao, tao biết nhưng cái đầu cậu nó u tối lắm.
Chẳng là cậu Lựu tôi nói lắp nên tôi hay bắt cậu sửa. Đã có lần tôi thấy cậu sửa được nhưng mấy hôm sau lại nói lắp y như cũ.
Cậu Lựu rất chịu khó. Mọi công việc từ phát ruộng đến cày bừa cậu không từ việc gì. Buổi tối, cậu lại lăn lộn ngoài đồng đánh đó cá, đó tép. Mỗi sáng khi tôi đi học qua cổng làng, đã thấy bà tôi xách mẹt đi chợ về. Bà đi bán cá bán tôm cậu bắt được. Và sáng nào cũng thế, bà đều có khi thì cặp bánh rán lúc túi bỏng bẹ hay cái ngô luộc nóng hổi bỏ vào túi cho tôi ăn đường.
Dù bà tôi chỉ có mình cậu Lựu là con trai nhưng chuyện vợ con của cậu thật vất vả. Có lẽ cái số cậu tôi phải chật vật về đường vợ con như vậy. Nếu tôi có nói cậu Lựu tôi là người đáng thương cũng không sai chút nào. Tính cậu Lựu thế nên bị đám con giái trong làng chê. Cậu lại lăn lộn với sương gió nhiều nên cậu đen thui như một pho tượng đồng. Đã thế đôi mắt ốc nhồi nom càng lộ tướng. Đến tuổi lấy vợ, bà tôi giục cậu chuyện ấy, cậu chỉ đỏ mặt lúng túng. Tôi biết, cậu khổ tâm khi không biết làm cách nào để giáp mặt đám con gái. Bà ngoại tôi là người sắc sảo. Thấy con mình kém cỏi bà chẳng ngại đánh tiếng dạm đám này đám nọ. Cuối cùng thì cũng có một cô chịu lấy câu Lựu tôi. Cũng chủ yếu là do tác động của gia đình và sự hoạt bát của bà tôi. Lễ ăn hỏi của cậu Lựu tôi đã được dẫn sang. Nhà gái cũng đã nhận lễ và tới thăm nhà. Đồ làm cỗ đã được mẹ tôi cùng mấy người trong họ đi chợ mua về chất đầy nhà dưới. Thế nhưng còn hai ngày nữa tổ chức lễ cưới thì nhà gái đỗi, mang lễ sang trả. Ê chề, bà tôi đành cho đem hết những đồ thực phẩm đã mua ra chợ bán đổ bán tháo lấy lại chút vốn liếng. Ở nhà quê, để chuẩn bị cưới vợ gả chồng cho con cái đâu phải là chuyện đơn giản. Thấp nhất thì mỗi gia đình cũng phải có đôi lợn trong chuồng, sào lúa nếp trồng từ mùa trước và đôi chục ống đỗ đong từ tháng năm. Nếu là nhà trai còn vài trăm ngàn tiền mặt để mua đồ thách cưới và làm cỗ mời họ hàng, làng xóm nữa. Phải nói là rục rịch hàng năm trời ấy chứ. Đó là còn chưa kể mấy cân gà dẫn lễ hỏi và lễ chạm mặt. Ngần ấy, bà tôi xót cũng đúng thôi. Cậu Lựu tôi thất vọng ra mặt. Cậu bảo bà tôi:
- Con chẳng còn mặt mũi nào lấy ai nữa. Chắc cái số con sinh ra đã phải chịu thế rồi. Thôi! Cứ hai mẹ con sống với nhau là được. U đừng có đi cầu cạnh người nọ người kia cho mất mặt .
Thấy cậu nói thế, bà tôi tống cho cậu một thôi:
- Cái ngữ mày như thế không lấy nổi vợ cũng đúng thôi. Không lấy đứa
này thì lấy đứa khác. Con gái làng còn ế đầy ra đấy, không ai rước đi cho kia kìa. Đường là đàn ông mà nói những lời của đàn bà . Mày không lo nổi thì để tao lo. Xem rồi ai đã bằng ai.
Thế là những ngày sau đó,bà tôi đôn đáo chỗ nọ, chỗ kia tìm đám cho con trai. Không nói song mọi người cũng biết, bà tôi đang ngấm ngầm trả đũa nhà kia. Mà cũng đúng, nếu vào họ chắc họ cũng làm như vậy. Nhất là người làng với nhau thì việc làm của họ càng quá thể đáng .
Rồi sự vất vả của bà tôi cũng được đền đáp. Lần này là một đám ở làng bên, con một bà cùng tuổi với bà tôi. Hai người trong một lần đi lễ chùa cùng nhau, nhỏ to chuyện con cái, thế rồi cuối cùng cũng xuôi. Tránh những điều không hay như lần trước, bà tôi có vẻ thận trọng . Song rốt cuộc những lo lắng của bà tôi là thừa. Đám cưới của cậu tôi và mợ Lay được tổ chức tuy không thật linh đình nhưng chẳng thua kém một đám nào trong làng. Cuối cùng cậu Lựu tôi cũng đã có vợ .
Mợ Lay là người đàn bà có dáng nhỏ nhắn song nhanh nhẹn. Nhìn con mắt sắc như dao cau của mợ tôi cứ lành lạnh. Mợ Lay tôi không biết có phải muốn khẳng định vị thế của mình trong gia đình không, hay vì thấy cậu Lựu tôi quá lành nên sinh ra khinh khi ghét bỏ. Có ai đời vợ chồng lấy nhau về, mợ bắt cậu tôi gọi bằng chị. Đấy là cậu mợ còn ở với bà tôi,chứ nếu cậu mợ ra ở riêng, hay bà tôi về già rồi, thì không biết mợ tôi còn bắt cậu gọi bằng gì. Tưởng yên bề gia thất cho con, song từ ngày mợ về , gia đình bà tôi đâm ra cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Bà tôi gầy xọp đi trông thấy. Hai hốc mắt bà trũng sâu như cái hốc ở cây đa đầu làng. Dù thế, cuộc hôn nhân của cậu mợ cũng chỉ kéo dài được có gần sáu tháng. Bà ngoại tôi không đuổi,cậu tôi không đuổi mà mợ Lay chê chồng nên gói gém đồ đạc bỏ về.
Sau này mợ Lay xin một mảnh đất ở ngoài Đề Bô dựng nhà ra ở riêng. Mấy năm sau, mợ đi lại với một người đàn ông chỉ kém cha mình vài tuổi. Nghe nói ông này đã có gia đình song không có con trai nên muốn kiếm chỗ tìm người hương hoả. Ông này rất giàu, đã bỏ tiền cho mợ xây nhà và mua xe. Dường như còn muốn “danh chính ngôn thuận”, ông ta đến nhà mợ đặt vấn đề xin đi lại. Ông bố mợ điên tiết, vứt những thứ quà mà ông ta đặt trên bàn thờ đi, rồi tống cả hai ra khỏi nhà. Chuyện vụng trộm giữa mợ Lay với ông ta vẫn cứ phơi ra trước bàn dân thiên hạ. Hai người có với nhau một đứa con trai. Một đêm, ông ta bị cảm đột ngột chết tại nhà mợ. Tôi nghe đồn, hình như ông ta bị chết trong cái lúc làm chuyện ấy. Có dịp ngồi tâm sự, tôi hỏi cậu Lựu về những ngày cậu mợ còn chung sống. Thấy tôi cứ hỏi vặn, cậu phát bực gắt:
- Tao với cô ấy đã ngủ chung với nhau đêm nào đâu.
Từ sau ngày mợ Lay bỏ đi, cậu Lựu tôi ít về nhà. Thường thì cậu hay ngủ lại lều ở ngoài đồng. Ở nhà, buổi tối, tôi thường mang sách vở sang bà ngoại học bài và ngủ luôn lại đó. Bà tôi đã già đi nhiều lắm. Bắp tay, bắp chân tôi ngày một to ra rắn chắc,trong khi đó cổ tay , cổ chân bà ngày một toắt teo đi. Những lúc bà kêu mỏi tay, mỏi chân , tôi thường ngồi hàng giờ nắn bóp cho bà. Nắm những thớ thịt nhõng nhẽo của bà tôi thấy sao xót xa. Nhiều lúc tôi vô tình bắt gặp những giọt nước mắt chảy vội trên gò má người già.Một hôm cậu Lựu về muộn. Suốt bữa cơm cậu ăn không yên. Biết tính cậu bà tôi hỏi ngay:
-Anh Lựu có chuyện gì sao?
Cậu Lựu ngập ngừng một lát rồi buông bát xuồng mâm, nói quả quuyết:
-U lấy vợ cho con .
Bà tôi không tin vào những gì con trai vừa nói:
- Ý anh muốn tôi sang có nhời với nhà con Lay à?
- Không! - Cậu Lựu tôi đứng bật dậy- Cô ấy đã chê con rồi thì thôi. Có người con gái thương con và con cũng thương cô ấy, nhưng còn xem ý u ra sao?
-Là đứa nào?
-Cũng là người làng mình thôi. Cô Vị con ông Hồi ấy.
Bà ngoại tôi thẫn thờ một hồi lâu. Cuối cùng phải khó nhọc lắm bà mới cất lời được:
-Con bé ấy à? Ừ! Để rồi u liệu .
Đám cưới cậu Lựu, bà tôi chỉ làm có sáu măm ra mắt họ hàng. Mợ Vị không đẹp nước da mợ đen chẳng kém gì cậu tôi. Mợ có thân hính cao to nhưng đôi chân vòng kiềng. Ngón chân cái chẽ ra chỉ có ở người gốc Giao Chỉ. Ở làng, mợ Vị đã được xếp vào dạng quá lứa lỡ thì. Được cái cậu mợ tôi thương nhau thật lòng. Cái Hoè, đứa con gái đầu lòng của cậu mợ ra đời đã xoá đi mọi mặc cảm. Tình yêu thương bù đắp những thiếu hụt mất mát của mỗi con người.Hoè có khuôn mặt trái xoan và nước da xạm màu bánh mật. Đặc biệt nó có cái đầu thông minh bẩm sinh.Bố mẹ nó đến đếm có khi còn nhầm nhưng nó đã mấy lần được chọn đi thi học sinh giỏi của trường. Được đứa con ham học thế, cậu mợ tôi cũng mát mày mát mặt. Sau con Hoè thằng Huynh ra đời. Vậy là cậu mợ tôi đã có đủ cả nếp lẫn tẻ.
Mấy năm gần đây, bà tôi yếu đi nhiều.Mấy trận ốm cứ tưởng bà đã theo các cụ nay mai, thế rồi lại khoẻ, lại phăm phăm đi chợ. Trong thời buổi ngày nay, điều kiện kinh tế gia đình cậu tôi ngày càng khó khăn. Mợ Vị phải gồng mình đầu tắt mặt tối cùng bà tôi đi chạy chợ mong tăng thêm thu nhập cho gia đình. Song cái khó vẫn bộn bề khó. Sự cần mẫn của bà tôi của mợ cũng chẳng thể vực nổi kinh tế gia đình lên. Sau nhiều đêm suy nghĩ nung nấu, cậu Lựu tôi theo mấy người làng bên vào Nam kiếm việc. Bây giờ chỉ có đi Nam là kiếm việc dễ hơn cả. Ngoài bắc cũng ối người chuyển hẳn vào đó lập nghiệp. Thế là cậu tôi đi. Vào đó , cậu tôi biên thư về bảo làm bốc vác ở bến xe miền Đông. Mỗi ngày ăn tiêu đi rồi cũng còn để ra được dăm ba chục . Dăm ba chục cơ đấy. Một khoản thu nhập đáng kể mà không người nào ở làng tôi dám nghĩ đến. Cậu Lựu còn nói, trong này có rất nhiều cặp vợ chồng cùng vào. Chồng đi bốc vác, phụ hồ, vợ đi chạy chợ bán hàng rong. Nếu hai vợ chồng thì tiền của vợ đủ cho hai người ăn trong tháng, còn tiền chồng đi làm sẽ dư gửi về. Bây giờ, con Hoè và thằng Huynh cũng đã lớn, thôi thì để nó ở nhà với bà rồi mợ Vị thu xếp vào trong này. Đắn đo mấy ngày rồi mợ Vị tôi theo xe vào Nam . Mợ đi, ở nhà chỉ còn có bà tôi và hai đứa nhỏ. Dù nhà tôi tận đầu làng nhưng chiều nào mẹ tôi cũng đáo qua xem bà cháu ăn uống ra sao.
Vợ chồng cậu Lựu đi biền biệt suốt năm trời, mãi đến cuối năm, cậu mợ mới về ăn tết nguyên đán. Cậu mợ về, bà tôi khoẻ hẳn ra. Hoè và Huynh cứ níu lấy bố mẹ như sợ cậu mợ lại đi mất. Biết cậu mợ vào Nam làm ăn được, nhiều người làng kéo tới chơi. Họ đến còn vì muốn nhờ cậu mợ tôi, chỉ cho đường đi nước bước để ra giêng cũng theo vào Nam.
Đầu năm sau, khi vừa ăn tết xong, cậu mợ tôi lại rục rịch đi. Năm đó, Hoè đã lên lớp mười hai. Trước khi đi, mợ Vị tôi dặn dò nó nhiều lắm. Lúc cậu mợ đã lên xe, mà Hoè vẫn ôm thằng Huynh đứng mãi đầu làng. Hôm đó, sáu bảy cặp vợ chồng khác cũng đi cùng cậu mợ tôi. Cậu mợ tôi đi rồi, mấy bà cháu lại ở nhà lọ mọ nuôi nhau. Năm ấy, Hoè thi đại học. Nó nộp đơn vào hai trường đỗ cả hai. Tin Hoè đỗ đại học làm cả xóm tôi muốn vỡ ra. Không nén được nỗi mừng, tôi điện ngay cho cậu mợ. Khi cầm ống nghe, tôi thấy cậu Lựu “a” lên một tiếng, rồi lặng đi. Phải một lúc sau, tôi mới lại nghe tiếng cậu. Sau này tôi được biết lúc đó cậu Lựu đã khóc. Cậu Lựu tôi nói trong điện thoại:
-Ừ! Nhất định cậu phải về làm cỗ ăn mừng.
Vài hôm sau cậu Lựu tôi về thật. Cậu về chỉ có một mình. Tôi hỏi, sao mợ Vị không về, cậu bảo, cậu mợ còn phải tằn tiện lắm. Buổi tối , nhà bà tôi vui chưa từng thấy. Bữa cơm tuy muộn nhưng đầy đủ những người thân. Tửu lượng của tôi kém song cậu Lựu cứ ép tôi phải uống. Cậu bảo:
-Uống mừng cho em Hoè nó thi đỗ. Nhà chẳng có đàn ông chỉ có cậu cháu mình thôi.
Khi rượu đã ngà ngà, cậu Lựu tôi bần thần:
-Em nó chọn rồi. Nó bảo sau này muốn được đứng trên bục giảng của ngôi trường làng mình. Hoàn cảnh kinh tế cậu mợ, lo cho em ăn học chắc chật vật lắm, nhưng cũng phải cố thôi. Cậu nghĩ kỹ rồi. Dù sao cũng phải về cho em khỏi tủi, đợi em nhập trường song cậu lại vào. Phải dành dụm tiền cho mấy năm em nó học.
Nghe cậu Lựu nói tôi không sao nuốt nổi miếng thịt gà. Cổ họng tôi ức nghẹn . Thế đấy! Đến tận tuổi này, mà cậu mợ tôi vẫn chưa hết lo toan, vẫn phải gằn mình bươn chải trên đường đời.
Sau khi chào hết lượt họ hàng, tôi đưa Hoè lên trường nhập học. Hôm đi, cầm những đồng tiền mà cha mẹ vắt kiệt mồ hôi công sức mới kiếm được, Hoè đã khóc. Hôm đó, bà tôi cũng khóc, nhưng đó là giọt nước mắt mãn nguyện.
Sau hôm Hoè đi, cậu Lựu tôi lại vào Nam. Vậy là giờ đây ở nhà chỉ còn có bà tôi và cu Huynh. Mỗi lúc sang thăm bà, nhìn cảnh nhà trống vắng tôi lại mường tượng tất cả những gì đã từng xảy ra ở ngôi nhà này. Có phải đó chỉ là giấc chiêm bao?