THIỀN MỘNG
Tác giả: Đinh Ngọc Hùng
Lần đầu tiên trở thành đàn bà chị đã khóc. Người đó ôm chị vào lòng vỗ về như một đứa trẻ.
Làng chị, có ngôi chùa gọi là chùa Phổ Địa. Ngôi chùa toạ lạc trên bãi đất cao phía tây đường cái. Ở cổng chùa, hai cây đa lớn, chùm rễ xum xuê, tán lá rậm rạp, ken dày vào nhau tạo thành không gian tĩnh mịch. Khuôn viên nhà chùa được gói gọn trong bốn bức tường xây bằng gạch cổ. Phía sau chùa, có một chiếc ao, trước kia thả bèo, giờ thả sen.
Ngôi chùa có từ bao giờ người cao tuổi nhất làng cũng không nhớ nổi. Điều đáng nói ngôi chùa còn lưu giữ một cái chuông lớn. Chiếc chuông này được liệt vào dạng có tiếng kêu hiếm gặp. Mỗi lần chùa gióng chuông, vang tới cả những làng bên kia sông. Các cụ trong làng bảo, ngày trước khi đúc chuông, dân làng bỏ vàng vào nên tiếng kêu mới ngân xa như vậy. Để đúc chiếc chuông này, hiệp thợ đã mất bảy ngày bảy đêm ròng rã.
Mẹ là vợ hai của bố. Mặc dù mẹ chỉ có với bố hai cô con gái song ông vẫn không về với người vợ cũ. Có vài lần chị gặp những người anh trai đến tìm bố. Chưa bao giờ họ tỏ ra thân thiện với ba mẹ con chị. Người làng thì bảo bà chị bắt chồng cho con gái.
Trước kia, người trụ trì chùa Phổ Địa là một vị sư có gốc gác trong làng. Nhưng từ khi vị sư già đó qua đời thì chùa đóng cửa. Chỉ dịp lễ lạt hoặc ngày rằm, chùa mới được mở cho dân vào thắp hương. Qua mấy năm, chùa Phổ Địa lại có hai vị sư tìm về, tiếp quản việc hương nhang đèn nến. Điều đáng nói, cả hai nhà sư đều là nữ. Pháp danh sư cụ là Đàm Thuyên, còn sư nữ là Đàm Thảnh. Sự xuất hiện của hai vị sư nữ khiến làng xôn xao. Thì đã đành trong đạo tu hành không phân biệt giới, nhưng với người dân điều này khó chấp nhận. Trong lí lẽ của họ người tu hành nhất thiết phải là đàn ông.
À quên, chưa kể chuyện này. Đó là chùa Phổ Địa rất kén người tu hành. Cái dớp này khiến người dân không khỏi lo lắng mỗi khi chùa có một vị sư mới tìm về. Trước đây cũng có một ông sư tu tại chùa này, ngày ngày tụng kinh gõ mõ, bốc thuốc cứu người. Dân làng mang ơn ông nhiều. Đi đâu ông cũng được người trong làng kính trọng. Có chùm nhãn, nải chuối mọi người cũng đem ra biếu sư. Giàn trầu nhà chùa bị gió quật đổ, mọi người chặt tre bắc lại cho nhà chùa. Nói thế để biết dân làng kính phật đến mức nào. Bỗng dưng một dạo mọi người thấy cửa chùa đóng nghim nghỉm. Qua cả ngày lễ lạt, cửa chùa cũng chẳng mở cho mọi người tới thắp hương. Rồi một bà đi dâng hương đền Lạc Đạo nghe được chuyện về kể, mọi người mới ngã ngửa ra. Thì ra, ông sư nọ đã trả lại ấn quyết nhà chùa hoàn tục.
Sau chuyện ấy, lại xảy ra chuyện có đôi nam nữ yêu nhau, đêm đêm vào trong vườn chùa tình tự. Cho đến một tối, họ đưa nhau vào nơi linh thiêng làm việc bậy bạ. Rồi họ lấy nhau, sinh con nhưng nhữmg đứa con họ đều khác người. Thân thể dỏng dớt, tay chân lều nghều như khỉ. Người ta bảo, họ dám làm việc đó ở nơi linh thiêng nên giờ bị phạt. Sau ngần ấy chuyện, hai vị sư nữ về, mọi người e dè cũng là dễ hiểu.
Sư cụ đã ngoài thất thập. Dáng người nhỏ thó rộng lùng thùng trong chiếc áo nâu, cái đầu gọt trọc. Nhìn sư cụ Đàm Thuyên người ta nghĩ đến một bà lão khắc khổ nhiều hơn một nhà tu hành. Ni cô Đàm Thảnh thì ngược lại. Đó là một cô gái độ mười tám đôi mươi. Dù khoác trên người bộ quần áo nâu sồng song những nét toát ra trên khuôn mặt thì không có chút gì của người thoát tục. Đôi mắt to tròn sâu thăm thẳm như chốn bể đời. Cái miệng không ăn trầu, không tô son nhưng lúc nào cũng đỏ tươi như một vệt máu. Nước da trắng hồng, cái cổ ba ngấn lồ lộ dưới chiếc áo nâu càng tôn thêm vẻ đẹp lạ lùng. Khuôn mặt đó vừa có những nét trần tục vừa mang nét không trần thế. “Một người con gái như thế sao lại gởi thân nơi cửa phật?”. Mỗi lần nhìn thấy Đàm Thảnh cầm chổi quét lá đa thấp thoáng ở cổng chùa, mọi người lại xì xào bảo nhau: "Chắc cuộc đời có gì uẩn khúc?”. “Mới mười mấy tuổi đầu hẳn bị tình phụ.”. Nhưng sau những câu nói đó, sự nuối tiếc lại nghiêng về phía họ. Những người đàn ông trạnh lòng nghĩ đến vợ mình. Những người đàn bà tủi cho nhan sắc của mình. Là một cô gái chị cũng đã có lần trạnh lòng.
Ở đời, cái gì khắc sâu đều khiến người ta nhớ. Cho dù có chôn vùi nó trong tiền thức thì một ngày kia nó vẫn sống lại như giấc mơ. Với chị đó là cái đêm ngắn ngủi ấy. Những ngón tay bấu chặt vào hông. Những cú huých. Không gian bốn bề ma mị. Khi người đàn bà không tự nguyện thì người đàn ông sẽ tìm cách chiếm đoạt.
- Lần đầu à?- Người đó hỏi.
Chị gật đầu. Nếu đó có thể gọi đó là một mối tình.
Mỗi ngày rằm và đầu tháng bà ngoại lại mang hoa quả, thẻ hương ra chùa thắp. Chị gái là người thường được bà cho theo xách làn. Mẹ phát cáu bảo:" Con gái gì mà suốt ngày lân la cửa chùa". Mẹ còn tuyên bố từ sau cấm chỉ không cho đi. Mẹ ngại ra chùa. Chắc tại bà tiếc việc. Mẹ là người suốt đời không muốn một phút tay chân đươc nghỉ ngơi. Mẹ chỉ đi ra ngoài khi có việc bắt buộc hoặc đi thăm ai đó ốm đau. Chị cũng có vài lần theo bà và chị gái ra nghe sư giảng kinh. Những lúc làm lễ, chị rất hay nhìn trộm Đàm Thảnh. Ngày xưa nói Thị Mầu lên chùa rồi yêu tiểu Kính Tâm, bây giờ nếu Đàm Thảnh là chú tiểu chắc chị cũng đem lòng yêu như Thị Mầu.
Ra sân chùa thấy Đàm Thảnh đun nước ở bếp, chị ngồi bắt chuyện. Đàm Thảnh cười. Trời ơi! Nụ cười đó không thể là nụ cười nơi cửa phật được. Nó quyến rũ hơn bất cứ nụ cười nào. Thấy chị ngẩn ra, Đàm Thảnh chắp tay:
-A di đà phật. Thí chủ sao thế?
- Chẳng sao đâu. Chỉ thấy tiếc khi Đàm Thảnh trong màu áo này.
Đàm Thảnh nhặt dưới đất lên một bông hoa đại, nhìn vào đó:
- Tôi không có gia đình. Sư cụ Đàm Thuyên đã nuôi tôi từ nhỏ.
- Chứ không phải vào chùa như người ta nói?
- Nói sao?
- Tình phụ!
Chị biết, Đàm Thảnh còn bỏ ngoài tai bao lời trêu ghẹo của người đời khi thấy cô xuất hiện ở cổng chùa hay có việc đi ra đường. Có lẽ đối với một cô gái bình thường thì đó là niềm kiêu hãnh, nhưng đằng này Đàm Thảnh là ni cô, còn gì bất nhã hơn.
Một công ty nước ngoài chọn làng chị xây dựng nhà máy chế biến hoa quả. Quyết định này đã khiến cuộc sống cả cộng đồng dân cư thay đổi. Kinh tế thị trường thật mạnh mẽ. Nó vươn tới cả những nơi hẻo lánh như làng này. Nhớ lại chục năm trước đây, người dân không bước chân ra khỏi luỹ tre làng. Cuộc sống vật chất eo hẹp, những hủ tục, lệ làng như ma chay, cưới hỏi nặng nề khiến nhiều gia cảnh điêu đứng. Làng thay đổi từng ngày. Nhìn lại quả chưa bao giờ dám nghĩ tới. Con người không thể tồn tại nếu mãi giấu mình trong bọc kén. Cũng không thể sống nếu cắt đứt mọi mối liên hệ với bên ngoài. Giờ chỉ với chiếc máy thu hình người ta có thể biết cả thế giới đang diễn biến ra sao, từ chuyện chính trị, khinh tế bạo loạn, khủng bố đến xung đột sắc tộc.
Sự du nhập của cái mới kéo theo những cái cũ hoặc cùng thay đổi hoặc mất đi. Ngẫm lại đời người lúc thăng lúc trầm, mình hôm nay chẳng là mình hôm qua. Và tất nhiên ngày mai mình lại là mình khác. Cuộc sống như dòng nước cứ trôi, con người vướng vào cảnh ngộ nào cũng gồng mình nên được.
Nơi đặt nhà máy là khoảnh đất giáp với chùa. Chỉ mấy ngày những ao chuôm bao năm nay chỉ để nghể nước mọc hoang đã được đổ đầy đất. Ngày trước, khi chưa xây dựng nhà máy, chỉ có một mình, ngôi chùa nằm ở một vị trí cao dáo. Giờ khi nhà máy xây xong và đi vào hoạt động ngôi chùa bị thu hẹp một cách đáng thương.
Chị gái lấy chồng. Lũ con gái tuổi chị cũng lần lượt về nhà chồng. Trong lúc chúng nó co kéo để vun vén cho một mái ấm riêng, chị thi đậu vào trường sư phạm. Sau ba năm học trở về làm giáo viên âm nhạc ở ngôi trường làng. Tưởng cuộc sống thế là ưu ái với mình, không ngờ những chuyển động biến thiên của cuộc sống bên ngoài vẫn tác động nhiều thế. Đôi lúc tự hỏi rồi đây cái gì đang chờ mình phía trước. Mẹ bảo:" Đối với người đàn bà mái ấm gia đình là quan trọng". Chị không phủ nhận điều đó. Chị gái cười ngất:" Cái gì mà quan trọng chứ. Thời nay câu nói ấy chưa chắc đúng.". Cái cười của chị khiến thấy ghét. Ông trời vốn không rộng lượng: cho người này cái này lại lấy đi cái khác. Phải chăng cái mà chị gái được ông trời cho lại chẳng đáng giá khiến chị coi rẻ. Chị nhổ tóc sâu cho mẹ, mẹ nói:" Con gái ngoài đôi rồi đấy". Chị cười mà chẳng biết mình buồn cười vì gì. Chị nhổ tóc sâu cho mẹ, mẹ nói:" Ở làng này con gái ngoài hăm là thấy lo". Chị vân vê sợi tóc trong tay. Không muốn để trong đầu mà lời mẹ cứ chui vào đáy óc. Chị nhổ tóc sâu cho mẹ, mẹ nói:" Bụng cái Vân nhọn thế là sinh con trai đấy, đứa đầu là gái thế là đủ cả nếp tẻ. Cùng tuổi với nhau mà mày…". Câu nói bỏ lửng của mẹ khiến chị đánh rơi sợi tóc. Chị nhổ tóc sâu cho mẹ. Tuổi ba mươi đến lúc nào chẳng rõ
Chị gái lấy chồng ở ngay làng. Nhà chồng chị gái giáp ngay chùa. Bà mẹ chồng chị gái hơn mẹ ba tuổi. Bà là người coi việc đi dâng hương ở các cửa chùa là phận sự. Chị gái bảo: “Bà ấy mê tín lắm. Ngay như chuyện hai đứa, bà ấy phải xem xét chán mới ưng thuận. Lúc yêu nhau tao với ông ấy đã mấy lần định chia tay nhưng không biết xem đâu người ta bảo tao là số quý tướng, gia đình có ăn lên làm gia là nhờ tao nên mới cố níu lấy.". Rồi chị nói tiếp:" Ai đời trông cháu, nó khóc lại lôi kinh phật ra đọc. Trẻ con hiểu thế nào được kinh kệ mà đọc cho nó nghe. Đồng bóng đến mức vậy. Đến lúc thằng bé biết bập bẹ nói thì câu nó nói sõi nhất là: A di đà phật ".
Sau một đêm có thể nhiều thứ sẽ biến mất. Chị đã chứng kiến sau một đêm người đó vĩnh viễn biến mất khỏi cuộc đời chị. Cũng dạng một giấc mơ chăng. Nhưng với chị đó là giấc mơ có thật.
Cái làng nhỏ bé này nom vậy mà cũng nảy sinh lắm chuyện: vợ chồng ly dị, anh em bất hoà tranh giành đất hương hoả, tệ nạn xã hội, nghiện hút, đĩ điếm. Rồi kiện cáo việc bớt xén tiền đền bù. Nhưng có hai chuyện mà chị nhớ nhất. Chuyện thứ nhất: đột nhiên ni cô Đàm Thảnh đi khỏi chùa. Có tin đồn ni cô bỏ theo một người con trai về xây dựng nhà máy chế biến hoa quả. Sư cụ Đàm Thuyên ngồi chết lặng. Không phải chỉ mình người bất ngờ mà ngay đến dân làng cũng bàng hoàng. Chùa làng giờ chỉ còn sư cụ Đàm Thuyên trụ trì. Câu chuyện về ni cô Đàm Thảnh cũng theo thời gian trôi vào quên lãng. Chuyện thứ hai: đang yên đang lành chị gái đùng đùng đâm đơn ra toà li dị chồng. Cha mẹ bàng hoàng trước sự việc này. Có hai đứa con gái, đứa sau chưa ai rước đi thì đứa trước đã qua một đời chồng. Mẹ bảo chị gái:
- Dù gì thằng con mày cũng là dòng dõi nhà người ta. Khi lớn nó lại theo về bên ấy thôi. Công của mày cũng chỉ là công cốc.
Chị gái cười xoà:
- Mẹ khỏi phải lo. Có phải dòng giống của họ đâu mà nhận.
Mẹ tái mặt. Chị không mấy ngạc nhiên vì điều đó. Cha thằng bé chắc là một người nào đó trong đám công nhân. Lúc nhà máy đang thi công, làng nhiều quán bia, quán cà phê mọc lên. Ngồi sau những quầy hàng là các cô gái trát phấn lên mặt còn vụng về. Sau khi cuộc sống trở lại làng có nhiều cô gái nuôi con một mình.
Thêm nhiều người đàn ông đến với chị nhưng rốt cuộc cũng chẳng đâu vào đâu. Chị xót xa nhận thấy trong số những người đó trên mái đầu đã pha hai màu tóc.
Làng nhiều người phát đạt nhờ đền bù đất sau khi xây dựng nhà máy, nhiều người phất lên vì đi nước ngoài. Những họ lớn kêu gọi con cháu đóng góp tiền của dựng từ đường. Chưa bao giờ làng có nhiều những ngôi từ đường to đẹp, khang trang thế. Ngôi chùa Phổ Địa cũng được xây dựng tu bổ lại. Một nửa số tiền tu bổ chùa do ông giám đốc nhà máy chế biến hoa quả người nước ngoài cung tiến. Ngày làm lễ động thổ sư cụ Đàm Thuyên làm lễ suốt đêm. Nghe nói việc vận hành nhà máy gặp hết trở ngại này đến trở ngại khác, đón thầy về xem bảo động đến cửa chùa. Muốn yên ổn phải làm cái lễ tạ. Giám đốc là người phương tây chẳng hiểu sao cũng tín việc này. Có lẽ nhập gia tuỳ tục thì sẽ được yên ổn.
Ngày hoàn thành chùa vợ chồng ông trưởng phòng địa chính cung tiến vào một bức tượng Di Lặc thuê ô tô trở đến. Chẳng hiểu sao dân làng ùn ùn kéo ra chặn không cho mang tượng vào chùa. Cuối cùng thương thuyết mãi pho tượng cũng được đặt lên bệ. Nhưng một dạo sau bỗng nhiên người ta không thấy pho tượng ở trong chùa nữa. Nó đã bị ai đó bí mật ném ra sông. Cuối năm ông trưởng phòng bị kỷ luật và chờ hầu toà vì liên quan đến việc bán đất công.
Từ khi biết rõ thằng Phú không phải dòng giống nhà mình, gia đình chồng cũ của chị gái chẳng còn ngó ngàng gì tới nó. Thế mới biết mọi mối quan hệ của con người đều được xác lập một cách tương đối, nó có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Ngay cả việc chị gái đột ngột ra tu tại chùa cũng khiến mọi không sao hiểu được. Phải chăng chị đã đến cái tuổi chiêm nghiệm ra một điều gì đấy.
- Còn thằng Phú- Chị hỏi.
- Nó đã quen sống một mình từ nhỏ.
Chị giận tím mặt bỏ về. Trách nhiệm người mẹ chị gái để đâu. Nhưng gần về đến nhà cái đầu căng nhức của chị lại giãn ra. Ừ! Ở đời ai làm gì đó mà chẳng có một lí do. Nó có thể không chấp nhận được với người này nhưng lại hợp lí với người khác. Cách sống của chị gái khiến cha mẹ chị choáng váng. Cha sinh uống rượu. Hễ uống rượu là ông lôi chị gái ra chửi. Có lúc sự tức giận của ông lây cả thằng Phú.
Hãy thừa nhận một điều cuộc sống đầy rẫy những bất ngờ. Việc chị gái đùng đùng bỏ cả thằng con trai vào chùa ở cũng là một chuyện bất ngờ. Nhưng việc chị gái đột ngột bỏ chùa hoàn tục lấy chồng nhanh như khi quyết định nương thân nơi cửa phật lại là một điều bất ngờ hơn. Chồng chị gái là phó giám đốc của nhà máy chế biến hoa quả. Anh ta là người Canađa tên Giô. Một người đàn ông phương tây cao to, mạnh mẽ. Cưới nhau tháng trước tháng sau một ngôi biệt thự to đùng mọc lên ngay đầu làng. Giô say chị gái như điếu đổ. Một lần vô tình vãn cảnh chùa, nhìn thấy chị thế là không rời được nữa. Đã cưới chị gái vậy mà nhiều lúc chị vẫn bắt gặp ánh mắt thèm muốn của Giô nhìn mình. Hay là con người mẫn cảm chị khéo tưởng tượng ra thế. Có lẽ chị gái cũng hợp với Giô. Hai người đi đâu cũng quấn lấy nhau như đôi sam. Thấy chị lôi chuyện nhạo, chị gái cười khanh khách nói:
- Cái số tao nó ba đào vậy đấy. Đời nom vậy mà dài lắm. Muốm kết thúc cũng không ngay được đâu.
Ở quê chị chưa hề ai có khái niệm đi nghỉ ngày cuối tuần, kể cả những gia đình khá giả. Vợ chồng chị gái cứ nay đi Sầm Sơn, Mai đi Đồ Sơn, rồi Hạ Long, Bãi Cháy…Nghe cách chị sắp xếp lịch mà chóng cả mặt. Người làng tò mò. Người làng đồn thổi. Người làng chửi rủa:" Con đĩ lấy tây". Cha lên mặt. Cha hậm hực. Cha chửi chị gái và ông con rể tây:" Lũ chó. Vì chúng may mà ông khổ". Thế mà trước mặt bố vợ, ông con rể chẳng nể nang mà đè nghiến cô vợ xuống giường. Ông tuyên bố không thèm bước chân vào nhà con gái và cấm cửa luôn ông con rể. Vậy mà vẫn có nhiều người đến cầu cạnh chị để xin cho con em mình vào làm công nhân trong nhà máy. Có người bảo: trước mặt chúng nó cầu cạnh, sau lưng chúng nó chửi, giúp cái loại vô ơn làm gì. Chị gái chỉ cười khẩy: " Đời nó thế, chấp làm gì.
Mấy lần gặp cảnh vợ chồng chị gái trên giường, chị cứ thấy thế nào ấy. Vừa muốn nhìn vừa muốn quay đi. Có lúc lại thấy tò mò cái lối sống lạ lẫm đó. Thấy chị ngẩn ra nhìn thằng Phú nhếch mép cười:
- Thích hả dì. Những lần khác còn bạo liệt hơn cơ.
Chị giật mình vì câu nói của một đứa trẻ. Chị bảo nó không nên nhìn những cảnh này. Nó Nói:
- Suốt ngày đập vào mắt không muốn thì cũng phải nhìn.
Sư Đàm Thuyên đổ bệnh nặng. Từ ngày sư cụ ốm, mấy bà trong xóm suốt ngày túc trực ngoài chùa. Cơm nước nấu luôn ngoài đó. Mẹ chị bảo:
- Sư cụ năm nay yếu đi nhiều. Sức này nhà chùa khó mà trụ được. Người tu hành chỉ trông vào sự hảo tâm của các phật tử thôi.
Thành thử tiền chữa bệnh cho sư Đàm Thuyên, làng, mỗi người đóng góp một ít. Hội phật giáo cũng có cắt cử người về, thi thoảng cổng nhà chùa lại xuất hiện vài bóng áo nâu.
Một buổi, sư Đàm Thuyên có vẻ khó ở hơn thường lệ. Không hiểu sao dạo này chị cũng hay nấn ná ra chùa. Đang loay hoay rửa ấm sắc thuốc ở cầu ao, chị nhìn thấy một người đàn bà đội nón, tay cầm làn, dắt theo một đứa trẻ rẽ vào cổng chùa. Một lát ngờ ngợ song chị nhận ra ngay. Đàm Thảnh!
Người đàn bà nghoảnh sang phía chị. Sau một giây lưỡng lự, Đàm Thảnh cũng nhận ra người quen. Đàm Thảnh bỏ nón cầm ở tay.
- Em nghe tin sư cụ ốm nên tìm về - Rồi Đàm Thảnh cúi mặt - Em bất nghĩa lắm phải không chị?
Lần đầu tiên chị nghe Đàm Thảnh gọi là chị chứ không phải hai từ thí chủ của ngày xưa. Vậy là Đàm Thảnh đã hoàn tục và đứa trẻ này là...
- Nó là con em!
Nghe mẹ nói đến mình, thằng nhỏ xấu hổ nép vào sau lưng mẹ, thò đầu qua háng. Vậy ra! Nhưng tại sao hoàn tục, Đàm Thảnh vẫn để cái đầu cạo trọc như ngày xưa. Câu hỏi đó cứ vương vấn trong chị suốt từ lúc gặp lại Đàm Thảnh.
Lúc đem thuốc vào cửa gian trong, chị thấy hai mẹ con Đàm Thảnh đang quỳ dưới đất. Mấy bà vừa rồi còn ở bên giường, nay đã lui ra phía sau chùa. Chị nhìn sư cụ, thấy miệng người mấp máy. Có lẽ người đang dặn dò Đàm Thảnh điều gì đó, chỉ thấy cái đầu trọc của Đàm Thảnh gật gật.
Từ hôm đó, hai mẹ con Đàm Thảnh ở lại chùa. Hàng ngày, chị lại thấy cô cầm chổi quét lá đa. Thằng Phú và thằng con Đàm Thảnh nhanh chóng chơi thân với nhau. Trẻ con dễ làm bạn thật!
Sư cụ Đàm Thuyên dần khoẻ lại. Cứ tưởng sư cụ đi ngay trong đợt ốm vừa rồi nhưng bệnh tật đã không quật ngã được người. Một hôm từ ngoài chùa về, mẹ bảo:
- Mẹ con Đàm Thảnh vừa đi. Chị hỏi đi bao giờ, bà bảo:
- Đi sớm qua.
Chị thần ra, những tưởng lần này mẹ con cô ở hẳn lại chùa, không ngờ…
- Sư Đàm Thuyên đuổi đi - Mẹ thủng thẳng - Cửa phật không dung nạp những người như thế.
Lòng chị có một chút buồn. Chị hướng về ngôi biệt thự của chị gái. Nó đang nhoè trong mưa. Sao cánh cửa lại mở toang. Sao lại lạnh lẽo thế. Giô dồn chị vào góc phòng. Hai cánh tay đầy lông lá của Giô đã túm chặt được chị. Chị hét lên. Giô cười. Chị càng thét Giô càng cười. Giô đè chị xuống giường. Giô gật áo trên người chị. Hai bầu vú chị bật tung trắng nhẫy. Giô đưa cái lưỡi lướt trên ngực chị. Mái tóc vàng hoe xoăn tít của Giô như mớ bùi nhùi quét vào mặt chị. Khi cái lưỡi của Giô sục vào mồm chị, chị há ra đón lấy. Chị cắn vào tay mình và tỉnh. Con người ta ai chẳng nằm mơ. Có những giấc mơ khiến cả đời nghĩ đến còn xấu hổ.
Buổi tối nay cảm tưởng điện thắp sáng của cả làng này đều dành cho căn nhà của chị gái. Ở đó đang nườm nượp người qua lại. Một bữa tiệc lớn mời khắp lượt họ hàng để ngày mai chị gái theo chồng sang trời tây sinh sống. Chị gái bảo:
- Sang đó rồi chị sẽ tìm cách đưa em sang.
Chị lắc đầu:
- Không. Em sẽ nuôi thằng Phú.
Sư Đàm Thuyên qua đời. Ngày sư mất, cả làng chị từ người già đến trẻ đều ra đưa đám. Lúc làm lễ hạ quan, chị cứ nấn ná chờ một người đàn bà có chiếc đầu trọc xuất hiện trước cửa chùa. ĐàmThảnh đã không về. Có thể cô không biết về cái chết của vị sư già đã nuôi dưỡng mình từ nhỏ. Cũng có thể mẹ con cô đã tới một nơi nào xa lắm. Hoặc giả vì một lời nguyền nào đó của sư Đàm Thuyên, mà cô không được phép xuất hiện trong tang lễ của người. Nói dại, biết đâu Đàm Thảnh chẳng còn trên cõi đời này.
Chị gái đi rồi, bố mẹ, chị và thằng Phú dọn về ở căn nhà rộng thênh thang có chỗ chân không đi đến. Ở căn nhà này chị hay bị ám ảnh cảnh chị gái với anh chồng tây ân ái. Hôm nay ở trường về chị thấy bực mình vì chuyện ông hiệu phó sắp về hưu giở trò ve vãn. Vậy mà con người ấy ngày trước chị đã từng kính phục biết bao.
Thằng Phú càng lầm lì hơn trước. Chị gái bảo, khi nào bên đó thu xếp ổn định chị sẽ về đón nó sang. Nhưng sẽ không bao giờ có cái ngày đó. Dáng nằm sõng xoài trong của nó với đứa bạn gái thật khủng khiếp. Chúng nó chỉ là những đứa trẻ mới lớn. Chúng nó tìm thấy gì trong cái trò chơi xác thịt ấy để rồi có kết cục như vậy. Chi gái điện về:" Thôi, nhờ dì thu xếp yên lành cho cháu. Chị không chắc về được". Những lúc một mình chị hay nghĩ đến lời chị gái. Nếu mình cũng lấy một ông tây thì sao nhỉ? Chắc chẳng sao. Giờ làng cũng có nhiều cô gái sang Đài Loan lấy chồng. Thế nhưng hôm trước ti vi đưa tin một cô gái lấy chồng Hàn Quốc bị đánh chết khiến ý nghĩ của chị tan biến. Một số gia đình có con lấy chồng nước ngoài cuống cuồng lên vì lo lắng.
Dạo này chị hay lang thang ra chùa mà không nhớ rằng ngôi chùa đã đóng cửa từ sau khi sư Đàm Thuyên chết. Khi người ta không giữ được cân bằng thì hay tìm đến một cứu cánh. Phải chăng chị cũng vậy. Sau khi người ấy vĩnh viễn ra đi, chị sống rụt rè, co mình như lúc nào cũng sợ cuộc đời thò những xúc tua bám hút mình. Với chị một lần đau là quá đủ. Chị không chấp nhận cách sống cách nghĩ của chị gái. Nhưng ở đời ai chẳng có một hạt nhân chân lý cho riêng mình. Chị gái khác chị dám quăng bản thân vào dòng đời để quẫy đạp, để giành giật. Được mất ai là người phán xét và tại sao người ta nhất thiết phải cần sự phán xét. Giữa cuộc đời rộng lớn này, không ít người sống trong thiền mộng. Chưa bao giờ thấy nói ai đó có dư một cuộc đời để dự trữ. Nhưng dù gì dòng đời vẫn cứ trôi. Và trong cuộc đời ít ai không từng hối hận. Chiều qua, ngoài cổng chùa, chị giật mình khi đứa học trò bắt con nó gọi bà giáo. Sáng nay trải đầu chị lại quơ được một nhúm tóc trắng.
Ngôi chùa Phổ Địa dù khuất giữa khu công nghiệp song vẫn chiếm một vị trí quan trọng đối với người làng. Nó chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm đất này. Nó mang hồn cốt đất này. Không biết tới đây nhà sư nào sẽ về trụ trì tại cửa chùa? Ở giữa làng rộn rình tiếng loa đài vọng lại. Đó là tiếng nhạc mừng đám cưới. Con gái ông Ao đi Hàn Quốc về dẫn theo một anh chàng bản xứ xấp xỉ tuổi cha mình. Ngày mai làng lại có một cô dâu khoác lên mình cái mác lấy chồng ngoại. Rằm tháng sau đã là ngày xá tội vong nhân.