watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bảy tầng nhà - tác giả Dino Buzzati Dino Buzzati

Bảy tầng nhà

Tác giả: Dino Buzzati

eVăn: Dino Buzzati sinh năm 1906, mất năm 1972 ở Milan (Italy). Trước khi viết văn, ông là họa sĩ và nhà báo, từng là phóng viên chiến trường của tờ Corriere della Sera. Với Hoang mạc Tácta (1940), ông trở thành một trong những tên tuổi lớn của thế kỷ 20. C hủ để quen thuộc của Buzzati là sự chạy trốn thời gian, định mệnh loài người, sợ hãi đối với hư vô, thất bại của sự sống, bí ẩn của nỗi đau và cái ác.


Một sáng tháng ba đẹp trời, sau cả ngày ngồi tàu hỏa, Giuseppe Corte Corte đi vào trong thành phố nơi có một bệnh viện nổi tiếng. Anh cảm thấy người gai gai lạnh, nhưng vẫn quyết định đi bộ từ nhà ga đến bệnh viện. Anh xách theo mình một chiếc va li nhỏ.
Các bác sĩ đã khám thấy Giuseppe Corte có biểu hiện của bệnh và dù sao thì họ đã gửi anh đến điều trị tại bệnh viện nổi tiếng, chuyên đặc trị các căn bệnh như thế. Ở đây có các bác sĩ hàng đầu làm việc và được trang bị các y cụ hiện đại nhất.
Giuseppe Corte nhìn thấy bệnh viện từ đằng xa và nhận ra ngay qua một bức ảnh trong cuốn sách quảng cáo nhỏ. Bệnh viện trông thật nổi trội. Toà nhà bảy tầng màu trắng với những phần nhô ra và những hốc tường hơi hơi giống một khách sạn. Bao quanh là những cây cao.
Sau khi khám sơ bộ, trước khi bắt đầu xét nghiệm, Giuseppe Corte được xếp vào nằm trong một phòng bệnh dễ chịu ở tầng trên cùng - tầng bảy. Đồ đạc màu sáng, giấy dán tường sạch sẽ, những chiếc ghế gỗ bọc vải sặc sỡ. Cửa sổ trông ra một quang cảnh kỳ lạ, trải dài đến một trong các đại lộ đẹp như tranh vẽ của thành phố. Tất cả ở đây toát lên vẻ thanh bình, hiếu khách và tỏa sáng niềm hy vọng.
Giuseppe Corte nằm ngay xuống giường, bật ngọn đèn đặt ở đầu giường và lấy quyển sách mang theo ra đọc. Sau đó một nữ y tá bước vào và hỏi xem anh có cần gì không.
Giuseppe Corte không cần gì cả. Ngược lại anh thấy thích thú đưa ra một loạt câu hỏi với cô y tá trẻ trung về bệnh viện. Thế là anh biết được điểm đặc biệt lạ lùng của bệnh viện này. Các bệnh nhân nằm viện theo các tầng tùy thuộc vào tình trạng của họ. Ở tầng trên cùng - tầng bảy là những bệnh nhân nhẹ nhất. Bệnh nhân tầng sáu không hẳn là nặng nhưng cần phải theo dõi sát sao. Nằm ở tầng năm là những bệnh nhân bị biến chứng nặng và cứ như thế cho đến tận tầng hai. Tầng hai dành cho những bệnh nhân nguy kịch. Còn những bệnh nhân tầng một thì thực sự không còn hy vọng chữa khỏi.
Cách bố trí khác thường này của bệnh viện đơn giản hóa đến tối đa việc săn sóc bệnh nhân. Thêm vào đó, những bệnh nhân nhẹ có thể không phải đề phòng những người mà ngày cuối của họ đã được tính đến.
Toàn bộ bệnh nhân được chia thành bảy mức. Mỗi tầng là một thế giới khép kín thu nhỏ với những qui định và truyền thống riêng của mình. Phòng nào cũng có một bác sĩ của mình. Vì thế xuất hiện những cách thức chữa bệnh riêng. Chúng vẫn có điểm khác nhau mặc dù bác sĩ trưởng chỉ đạo công việc của bệnh viện theo một hướng.
Khi cô y tá đi khỏi, Giuseppe Corte cảm thấy người đã hết rét. Anh đến bên cửa sổ. Một thành phố xa lạ mở ra trước mắt anh. Nhưng anh không quan tâm đến thành phố. Anh hy vọng nhìn thấy những bệnh nhân ở các tầng bên dưới. Những phần nhô ra của toà nhà cho phép anh làm điều đó. Giuseppe Corte chú ý đến các cửa sổ tầng một. Các cửa sổ ở xa xa đâu đó và chỉ trông thấy từ phía bên. Vì thế anh không nhìn thấy gì đặc biệt. Hầu như tất cả các cửa sổ đều bị đóng kín bởi các cửa chớp xám xịt.
Ngay lúc đó một người đàn ông thò đầu ra từ cửa sổ phòng bên cạnh. Thỉnh thoảng họ lại đưa mắt nhìn nhau có ý chào hỏi, vì không biết phá vỡ sự im lặng như thế nào. Cuối cùng, Giuseppe Corte lên tiếng trước:
- Anh cũng mới vào viện à?
- Không, đã hai tháng rồi... - người phòng bên trả lời và sau một lúc im lặng, anh ta nói thêm không tự tin lắm: - Tôi nhìn thấy em trai tôi ở dưới kia.
- Em trai?
- Phải, - người phòng bên trả lời. - Chúng tôi cùng vào nằm viện. Đây là trường hợp thực sự hãn hữu. Nhưng em tôi bệnh ngày một nặng. Anh hình dung xem, bây giờ chú ấy đang nằm ở tầng bốn.
- Gì cơ, ở tầng bốn á?
- Tầng bốn, - anh ta xác nhận. Giọng anh ta rầu rĩ và sợ hãi đến mức Giuseppe Corte bất giác rùng mình.
- Thế nằm ở tầng bốn là những bệnh nhân thật sự nặng à? - anh tò mò hỏi.
- Lạy Chúa, họ vẫn chưa mất hết hy vọng, - người phòng bên lắc đầu. - Nhưng chính anh biết đấy, niềm vui còn ít lắm.
- Sẽ hết đời, - Corte nói tiếp bằng một giọng khá thoải mái và hài hước như thể nói đến chuyện buồn gì đó không liên quan đến anh, - nếu những bệnh nhân nặng nằm ở tầng bốn thì sẽ bị chuyển xuống tầng một phải không?
- Ồ, ở tầng một thì hoàn toàn không có người sống. Các bác sĩ ở đó phải bó tay. Lúc đó đến việc của cha đạo. Lúc đó, sẽ hết đời...
- Thế nhưng ở tầng một không nhiều bệnh nhân, - Giuseppe Corte ngắt lời anh ta, anh không chịu được khi nghe sự khẳng định lại những lời của mình. - Hầu như tất cả các phòng đều che rèm kín mít.
- Bây giờ vẫn còn một số để mở, còn buổi sáng đã đâu vào đấy, - người phòng bên nhếch môi cười cay đắng. - Nếu tất cả các cửa chớp mở ra, nghĩa là bệnh nhân vừa mới chết. Tự anh thấy đấy, ở những tầng khác các cửa sổ đều được che kín rèm. Xin lỗi anh, - anh ta nói tiếp, từ từ nghiêng người xuống. - Hình như trời trở lạnh. Tôi phải vào nằm đây. Chúc anh mau bình phục.
Người phòng bên biến mất, ô cửa trống không, cửa sổ đóng sầm lại. Sau đó đèn trong phòng vụt tắt. Giuseppe Corte đứng bất động cạnh cửa sổ, đưa mắt nhìn những cửa chớp mở toang dưới tầng một. Anh nhìn chúng, lòng lo âu về bệnh tật khi cố hình dung ra những bí ẩn u ám của nơi báo trước điềm gở này - nơi người ta chuyển bệnh nhân đến để chết. Giuseppe Corte cảm thấy lòng nhẹ hơn đôi chút vì anh đang quan sát chúng từ đằng xa. Hoàng hôn buông xuống thành phố. Các ô cửa sổ vốn rất nhiều của bệnh viện vụt sáng lên. Một mặt bệnh viện trông như một cung điện sáng choang ngày lễ. Duy chỉ có ở tầng một, dưới chân mặt tiền hình vòng tròn, hàng chục ô cửa sổ đang hoác ra những cái miệng đen sì.
Những số liệu khám sức khỏe chung khiến Giuseppe Corte yên tâm. Thường thì người ta vẫn dự đoán là nó tồi hơn, và sâu trong lòng mình anh đã chuẩn bị nghe chẩn đoán khắc nghiệt của bác sĩ. Anh hẳn sẽ không hề ngạc nhiên nếu bác sĩ tuyên bố rằng anh phải nằm ở tầng thấp hơn. Thân nhiệt hầu như không hạ, dù tình trạng chung không tồi. Bác sĩ điều trị thậm chí còn động viên Corte. Theo lời ông ta nói thì các mầm bệnh đã xuất hiện nhưng ở mức độ rất nhẹ. Có thể hai, ba tuần nữa chúng sẽ hoàn toàn biến mất.
- Nghĩa là tôi ở lại tầng bảy? - Giuseppe Corte hỏi một cách quan tâm.
- Tất nhiên! - bác sĩ trả lời, vỗ vai anh thân mật. - Thế anh định xuống đâu? Tầng bốn chứ? - ông ta bật cười cứ như thể mình vừa đưa ra một điều vô lý.
- Vậy thì được, - Corte nói. - Có điều, ông biết đấy, chỉ cần mắc bệnh, thì sẽ bắt đầu cảm thấy bất kỳ nỗi kinh hoàng nào...
Giuseppe Corte nằm lại trong phòng bệnh mà họ đã xếp cho anh ngay từ đầu. Dần dần anh làm quen với những bệnh nhân khác - tranh thủ những ngày hiếm hoi họ cho phép anh dậy. Anh bực tức thực hiện những yêu cầu của các bác sĩ và gắng hết sức để nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên tình trạng của anh không có những chuyển biến rõ ràng.
Khoảng 10 ngày sau một y sĩ già đến gặp Giuseppe Corte. Y sĩ đưa ra cho anh một yêu cầu hết sức thân tình. Ngày mai một quý bà cùng với hai con nhỏ phải vào viện. Hai phòng bệnh ở ngay bên cạnh phòng anh còn trống. Nhưng một phòng nữa thì không đủ. Liệu ngài Corte có đồng ý chuyển đến phòng khác, cũng tiện nghi và rộng rãi như thế hay không?
Tất nhiên Giuseppe Corte không phản đối. Với anh phòng này hay phòng khác có gì khác đâu? Mà ở nơi mới cô y tá sẽ dễ thương như thế nào?
- Xin chân thành cảm ơn ngài, - y sĩ nói, hơi nghiêng người xuống. - Tôi biết những người như ngài sẽ làm thế. Nếu ngài không phản đối, một giờ nữa chúng ta sẽ chuyển. Ngài thấy đấy, chúng ta phải chuyển xuống tầng dưới, - anh ta nói tiếp nhẹ như lông hồng. - Rất tiếc là tầng này không còn phòng trống nào nữa. Tôi cam đoan với anh đây chỉ là tạm thời, - khi nhìn thấy Corte ngồi phịch xuống giường và định tỏ ý bất bình viên y sĩ vội vàng nói: - Tạm thời thôi. Sau hai ngày nữa, ngay khi có phòng trống, anh sẽ có thể chuyển lên trên.
- Thành thực mà nói, - Corte cười nhẹ để tỏ thái độ rằng anh hoàn toàn không phải là trẻ con, - toàn bộ việc chuyển bệnh nhân này quả là không đúng với tôi.
- Ngài sao thế, việc này đâu liên quan đến sức khỏe của ngài. Tất nhiên tôi hiểu ý ngài. Nhưng vấn đề không phải như thế. Đây đơn giản là phải ga lăng với phụ nữ. Bà ấy rất cần ở bên cạnh các con mình, chỉ thế thôi. Và xin ngài đừng nghĩ là dường như ở đây còn che giấu chuyện gì đó nhé! - ông ta vừa nói vừa cười.
- Như tôi biết, - Giuseppe Corte nói. - Chỉ cần tôi xuôi theo, đây là dấu hiệu xấu.
Thế là Corte bị chuyển xuống tầng sáu. Anh tự tin rằng việc chuyển chẳng liên quan gì đến bệnh tật hay tình trạng nặng thêm của nó. Tuy nhiên, chính ý nghĩ bây giờ giữa anh và thế giới bình thường của những người khỏe mạnh đã xuất hiện một bức tường ngăn cách làm anh khó chịu. Ở tầng bảy, tại điểm đến, vẫn có sự giao tiếp với những người khác. Có thể nói rằng cuộc sống bình thường vẫn diễn ra. Ở tầng sáu thì đúng là một bệnh viện thực sự. Hành động của các bác sĩ, các y tá và kể cả những bệnh nhân đã khác. Họ nói công khai rằng ở đây chỉ chứa các bệnh nhân, mặc dù chính ra không bị bệnh nặng. Khi nói chuyện với các bệnh nhân khác, với các bác sĩ và các chị hộ lý, Giuseppe Corte nhận ra rằng ở tầng này mối liên hệ với tầng bảy khác hẳn. Ở tầng bảy không hẳn là bệnh nhân, mà chỉ là những người quá cả lo. Nói một cách nghiêm túc thì chính tất cả được bắt đầu chỉ từ tầng sáu.
Giuseppe Corte đoán rằng anh sẽ lại lên tầng bảy, nơi anh sẽ không dễ dàng gì làm theo những lời căn dặn của bác sĩ. Để trở về, anh cần phải khởi động một cơ chế không đơn giản, dù sao cũng không phải nỗ lực nhiều. Nếu anh cứ ngồi không như thế, sẽ không ai nghĩ đến việc chuyển anh lên trên, chỗ "những người gần như khỏe mạnh".
Giuseppe Corte thầm quyết định sẽ không hy sinh những quyền lợi và không để hoàn cảnh xỏ mũi. Anh khẳng định với các bệnh nhân khác rằng chỉ xuống đây một đôi ngày, rằng chính anh chuyển xuống tầng dưới vì kính trọng phụ nữ và rằng ngay khi có phòng trống, anh sẽ lại lên tầng bảy. Họ nghe anh nói mà không hề tỏ ra chú ý và dường như phụ họa theo anh một cách uể oải.
Khi nói chuyện với bác sĩ mới, Giuseppe Corte tin vào lẽ phải của mình. Bác sĩ thừa nhận rằng Corte hiển nhiên có thể ở tầng bảy. Bệnh anh h-o-à-n - t-o-à-n - n-h-ẹ - để tăng hiệu quả lời nói của mình, ông ta nhấn mạnh từng âm tiết. Tuy nhiên, theo ý kiến ông ta, ở tầng sáu việc chăm sóc và chữa trị thậm chí còn tốt hơn.
- Ông biết đấy, - bệnh nhân ngắt lời ông ta. - Chính ông đã nói rằng chỗ của tôi là ở tầng bảy. Thế nên tôi muốn quay trở lại tầng bảy.
- Không ai phản đối, - bác sĩ chống đỡ. - Công việc của tôi là đưa ra cho anh lời khuyên. Và tôi nói không phải với tư cách là một bác sĩ, mà như một người bạn chân tình. Tôi nhắc lại là bệnh anh thực ở dạng nhẹ, sẽ không phóng đại nếu nói rằng anh hoàn toàn không bị bệnh. Trường hợp của anh khác những dạng tương tự là lây lan rộng hơn. Tôi nói một cách đơn giản hơn: tiến triển bệnh cực thấp, nhưng quy mô lại đáng kể. Quá trình phá hủy các tế bào, - lần đầu tiên Giuseppe Corte nghe thấy những lời đáng sợ này trong suốt thời gian anh vào nằm viện, - quá trình phá hủy các tế bào chắc chắn đang ở giai đoạn đầu. Có thể nó còn chưa bắt đầu. Tuy nhiên chiều hướng chung, tôi nhắc lại, chiều hướng lan bệnh đồng thời đến các bộ phận lớn trong cơ thể. Vì thế, theo tôi, anh nên điều trị ở đây, ở tầng sáu. Chúng tôi sẽ cho anh một khóa trị liệu nhanh vẫn được giới thiệu trong những trường hợp tương tự.
Vài ngày sau Giuseppe Corte được thông báo rằng tổng giám đốc bệnh viện, sau khi bàn bạc kĩ với các đồng nghiệp đã thay đổi trật tự sắp xếp bệnh nhân. Mức độ của mỗi bệnh nhân, nếu có thể nói thế, đã giảm xuống phần nào. Phụ thuộc vào việc chữa trị, các bác sĩ điều trị chia bệnh nhân ra làm hai loại (có thể nói nội bộ như thế). Hiện loại nặng hơn theo trật tự bắt buộc sẽ chuyển xuống tầng thấp hơn. Chẳng hạn một nửa bệnh nhân từ tầng sáu - những bệnh nhân có dạng bệnh đang tiến triển, cần phải chuyển xuống tầng năm; còn những bệnh nhân nặng hơn của tầng bảy sẽ chuyển xuống tầng sáu. Ngay lập tức Giuseppe Corte thích sự thuyên chuyển mới này. Bây giờ đơn giản là anh sẽ trở về tầng bảy của mình.
Corte đã phí công khi chia sẻ những dự định của mình với cô y tá; anh đã phải sửng sốt. Anh cũng sẽ được chuyển, nhưng không phải lên trên - tầng bảy, mà là xuống dưới - tầng năm. Vì sao thì cô y tá rõ ràng mảy may không biết, Corte đã bị liệt vào loại bệnh nhân “nặng” của tầng sáu, và giờ anh sẽ bị chuyển xuống tầng thấp hơn.
Trấn tĩnh lại từ cú sốc đầu tiên, Giuseppe Corte trở nên hung dữ. Anh gào thét lên rằng họ đang xỏ mũi anh, rằng anh không muốn nghe thấy một chút nào về việc chuyển xuống tầng dưới, rằng anh có quyền của mình và rằng ban hành chính của bệnh viện không thể phớt lờ chẩn đoán của các bác sĩ một cách trắng trợn như thế.
Khi anh kêu gào đến kiệt sức thì bác sĩ đến để trấn an anh. Bác sĩ khuyên Corte bình tĩnh, nếu không thân nhiệt của anh sẽ lại tăng vọt lên và giải thích rằng đã có sự hiểu nhầm, ít nhất thì cũng một phần nào đó. Ông ta lại khẳng định là về nguyên tắc Giuseppe Corte phải nằm ở tầng bảy, nhưng ngay lập tức nói tiếp rằng có một số ý kiến khác về trường hợp của anh, dù hết sức cá nhân. Thực chất bệnh như anh rõ ràng đã có thể liệt vào loại phức tạp khi tính đến vùng bệnh đang lan rộng. Chính ông ta không hiểu vì sao anh lại bị liệt vào loại bệnh nhân nặng của tầng sáu. Rõ ràng là viên thư ký sáng nay gọi điện từ phòng giám đốc để hỏi lại bệnh án của Giuseppe Corte đã ghi sai những kết quả y học. Hơn hết là ban giám đốc đã cố tình “coi thường” kết luận của ông ta về tình trạng bệnh nhân: họ nói ông ta là một bác sĩ có kinh nghiệm, nhưng quá chủ quan. Nói chung, bác sĩ này đã thuyết phục Corte trước hết không nên lo lắng và không nên phản đối việc thuyên chuyển. Vì điều quan trọng là cần phải nghĩ đến việc chữa trị, chứ không phải là nằm ở đâu.
- Về việc chữa trị, - cuối cùng ông bác sĩ nói thêm. - Bác sĩ điều trị ở tầng năm có kinh nghiệm hơn nhiều. Bệnh viện có một nguyên tắc ngầm là bệnh nhân càng chuyển xuống tầng thấp hơn, các bác sĩ càng giỏi hơn. Ít nhất thì ban giám đốc cho là như thế. Các phòng đều thuận lợi và tiện nghi. Cửa sổ trông ra phong cảnh tuyệt vời. Chỉ từ tầng ba trở xuống thì tầm nhìn mới bị che lấp bởi các ngọn cây.
Đến chiều thân nhiệt của Giuseppe Corte thường tăng lên. Anh nghe những lời giải thích dài dòng của bác sĩ và cảm thấy mệt mỏi. Cuối cùng thì anh không còn chút sức lực nào nữa, không muốn và không phản đối sự thuyên chuyển bất công nữa. Anh cho phép chuyển mình đi mà không phản đối một lời nào cả.
Ở tầng năm, Giuseppe Corte nhận thấy chính điều dưới đây dù ít cũng là niềm an ủi đối với anh: theo ý kiến thống nhất của các bác sĩ, y tá, bệnh nhân, anh là bệnh nhân nhẹ nhất trong cả tầng. Ở tầng này anh may mắn hơn cả. Nhưng Corte buồn rầu bởi ý nghĩ rằng giữa anh và thế giới cũng những người bình thường giờ đã là hai bức tường ngăn cách.
Mùa xuân ùa đến với tất cả. Không khí trở nên ấm áp hơn, nhưng Corte đã thôi không nhìn ra ngoài cửa sổ như những ngày đầu. Đúng ra là nỗi kinh hoàng đã trở thành điều thực vớ vẩn. Corte đã phí công nhìn xuống các cửa sổ tầng một, vì tình cảm của anh đã bị hỗn loạn, còn cơn run khác thường lan khắp cơ thể. Phần lớn các ô cửa sổ vẫn đóng kín như trước và hình như chúng gần hơn nhiều.
Thỉnh thoảng bệnh tình của anh dường như ổn định. Hai ngày sau chân phải của Corte bắt đầu nổi ban, có gì đó giống như bị chàm. Một ngày trôi qua, rồi ngày nữa, mà nốt ban vẫn không biến mất.
- Những nốt ban này hoàn toàn không liên quan đến bệnh chính, - bác sĩ giải thích -. Phản ứng này thậm chí còn có ở chính những người khỏe mạnh. Cách phòng bệnh hiệu quả là phải tiến hành trị liệu nhanh bằng tia gamma.
- Thế chỗ các ông có trị liệu như thế không? - Corte hỏi.
- Còn phải nói, - bác sĩ tự hào đáp. - Bệnh viện của chúng tôi có tất cả những thiết bị cần thiết. Nhưng quả thật là có một cái khó...
- Còn cái khó nào nữa? - Corte hỏi, thoáng linh cảm thấy điều bất ổn.
- Vâng “cái khó” có lẽ rất khó nói, - bác sĩ mào đầu. - Ý tôi là máy chiếu tia gamma lại chỉ có ở tầng bốn, còn tôi lúc này hẳn sẽ không thuyết phục anh ba lần chuyển chỗ trong một ngày.
- Làm sao đây?
- Mong anh giữ bình tĩnh, cả khi cơn thịnh nộ của anh còn chưa nguôi hẳn, để chuyển xuống tầng bốn.
- Đủ rồi! - Giuseppe Corte kêu lên một cách tuyệt vọng. - Tôi chuyển thế là đủ rồi! Tôi sẽ đi xuống tầng bốn chỉ bằng đôi chân mình.
- Tất nhiên, - bác sĩ xuống giọng cầu hòa và cố gắng không gây áp lực , - nhưng anh biết đấy, với tư cách là bác sĩ điều trị, tôi cấm anh đi xuống dưới ba lần trong ngày.
Điều khó chịu nhất là nốt ban không những không hết, mà còn bắt đầu lan dần. Giuseppe Corte thực sự thấy bất an và vùi đầu suốt trong chăn. Anh không chịu nhượng bộ thêm ba ngày nữa. Rồi chính Corte đã phải yêu cầu bác sĩ sắp xếp khóa trị liệu cho anh và chuyển anh xuống tầng dưới.
Ở tầng bốn Giuseppe Corte thầm lấy làm vui vì ở đây anh rõ ràng là ngoại lệ. Các bệnh nhân tầng này thực sự bệnh nặng, họ hầu như không đứng dậy nổi. Anh tự cho mình hưởng sung sướng bằng cách đi từ phòng bệnh của mình đến phòng làm thủ tục và ngược lại - cùng với những tiếng hô đầy ngạc nhiên và khích lệ của các cô y tá.
Khi nói chuyện với bác sĩ điều trị mới, Giuseppe Corte vin vào hoàn cảnh đặc biệt của mình. Chỉ cần nghĩ: bệnh nhân, mà chỗ nằm đúng qui định của bệnh nhân đó là tầng bảy, thì bỗng dưng bị chuyển xuống tầng bốn. Khi nào nốt ban này khỏi, anh sẽ chuyển ngay lên trên. Anh sẽ không cho qua những cái cớ thoái thác mới nào nữa. Anh có quyền nằm trên tầng bảy.
- Tất nhiên là tầng bảy, còn tầng nào nữa! - bác sĩ bật cười, kết thúc việc khám. - Các bệnh nhân luôn quá cả nghĩ! Và tôi là người đầu tiên cam đoan rằng tình trạng của anh không tồi, vì thế anh hãy vui lên. Trong bệnh sử rõ ràng không thấy biểu hiện xấu đi đột ngột. Nhưng giữa cả tầng này và tầng bảy, thứ lỗi cho tôi nói thẳng, vẫn có đôi chỗ khác nhau! Tôi nhắc lại là trường hợp của anh không nặng đến mức ấy, nhưng bệnh vẫn là bệnh!
- Thế thì xuống tầng nào, - Giuseppe Corte bất ngờ nổi nóng, - các ông sẽ chuyển tôi xuống tầng nào nữa?
- Nào, anh biết đấy, anh đừng nóng tính như thế, tôi mới chỉ khám sơ bộ. Cần không dưới một tuần để đưa ra quyết định cuối cùng.
- Được rồi-được rồi, - Corte không chịu thôi, - nhưng dù sao ông có thể nói phỏng chừng như thế đúng không?
Để trấn an bệnh nhân, bác sĩ làm ra vẻ suy nghĩ, sau đó gật gù và nói một cách rõ ràng:
- Anh biết đấy, nói chung có thể xếp anh ở tầng sáu! Vâng-vâng, tầng sáu, - ông ta nói tiếp như thể khẳng định với mình.
Bác sĩ đoán rằng bằng cách đó sẽ vỗ yên bệnh nhân. Tuy nhiên mặt Giuseppe Corte vẫn lộ vẻ lo lắng. Bệnh nhân nhận thức được là các bác sĩ ở các tầng trên đã lừa anh. Bác sĩ mới này rõ ràng là dũng cảm hơn và có lương tâm hơn, - chính người này sâu trong lòng mình cho rằng chỗ của Giuseppe Corte không phải ở tầng bảy, mà ở tầng năm và huống hồ thuộc loại những bệnh nhân nặng! Corte cảm thấy thực sự chán ngán. Vào chiều hôm nay thân nhiệt anh đột ngột tăng lên.
Thời gian Corte ở tầng bốn là yên ổn nhất kể từ lúc anh nhập viện. Bác sĩ điều trị là người dễ chịu, quan tâm và ân cần hiếm thấy. Ông ngồi bên Corte khá lâu. Họ nói chuyện về nhiều chủ đề. Corte thích thú duy trì cuộc nói chuyện về thời gian làm thầy cãi của mình và nói chung là về cuộc sống trên thế giới. Anh cố gắng thuyết phục mình tin rằng anh còn quan hệ với những người khỏe mạnh, rằng anh còn liên quan đến thế giới của công việc như trước kia, rằng anh quan tâm cập nhật đến những sự kiện xã hội. Nhưng điều này không đem lại điều gì cả. Sớm hay muộn thì cuộc nói chuyện vẫn không tránh khỏi phải nhắc đến bệnh tật.
Mong muốn đạt được dù chỉ một tiến triển nào đó đối với Giuseppe Corte đã trở thành ảo tưởng. Nhờ trị liệu bằng tia gamma, nốt ban đã ngừng lan, nhưng không thể làm nó biến mất. Hàng ngày Giuseppe Corte không ngớt nói với bác sĩ về điều này. Anh giữ tinh thần và thậm chí thử gây cười, nhưng xem ra không đạt được thành công đặc biệt.
- Bác sĩ, ông nói xem, - một lần anh hỏi, - quá trình phá hủy các tế bào của tôi như thế nào?
- Lạy chúa, anh nói gì thế! - bác sĩ trách anh. - Và anh chộp điều này từ ai vậy? Công việc như thế không được rồi! Mà bệnh nhân gọi tên bệnh cơ đấy! Đừng để tôi nghe điều gì tương tự thế từ anh nữa.
- Được rồi, - Corte ngắt lời, - nhưng dù sao ông vẫn không trả lời.
- Giờ tôi xin trả lời, - bác sĩ lịch sự nói. - Quá trình phá hủy tế bào của anh thuộc loại yếu nhất, anh nghe thấy chứ, yếu nhất. Dù tôi đã xác định với anh là nó đều đặn.
- Đều đặn, ông mỉa mai à?
- Không nên đổ cho tôi những gì tôi không nói. Tôi chỉ nói “đều đặn”. Tuy nhiên, nó vẫn thế trong phần lớn các trường hợp. Thậm chí những chứng viêm nhẹ đôi khi cần phải cả điều trị cấp tốc lẫn lâu dài.
- Khi nào tôi có hy vọng khỏi bệnh?
- Khi nào à? Dự đoán trong những trường hợp này quả là khó... Mặc dù anh biết rằng... - ông ta nói sau một lúc suy nghĩ. - Tôi thấy anh hơi thao cuồng - sẽ sớm khỏi... Anh biết đấy, tôi hẳn sẽ khuyên anh... nếu không e là làm anh tức giận?
- Gì đây, bác sĩ, gì đây?
- Tôi đặt ra một vấn đề rõ ràng. Giả sử chính tôi bị bệnh như thế, thậm chí là bệnh nhẹ, và vào nằm viện của chúng tôi (Nhân tiện, tốt hơn là không tìm thấy). Thì ngay từ ngày đầu tiên, anh có hiểu điều này không, tôi hẳn sẽ không nghĩ đến việc nằm ở một trong những tầng dưới. Tôi có lẽ sẽ nằm ở...
- Tầng đầu tiên, - Corte nói chêm vào và mỉm cười giả tạo.
- Đừng nói bậy bạ! Tầng đầu tiên! - bác sĩ mỉa mai đáp. - Anh nói đấy nhé! Mà đấy chính xác là tầng ba hay thậm chí tầng hai. Ở các tầng thấp thì việc chữa trị tốt hơn đáng kể. Tôi xin đảm bảo. Thiết bị ở đó mạnh và hiện đại hơn, kể cả nhân sự cũng có kinh nghiệm hơn. Anh có biết người động viên cả bệnh viện chúng tôi là ai không?
- Có phải giáo sư Dati không?
- Chính ông ấy. Chính giáo sư Dati là tác giả phương pháp chữa bệnh của chúng tôi. Chính ông đã lập ra dự án trang thiết bị bệnh viện. Giáo sư Dati - người thầy chung của chúng tôi. Mà ông ấy làm việc, nói thế này nhé, giữa tầng một và tầng hai. Ở đó ông ấy phát tiết năng lượng lãnh đạo của mình. Nhưng anh hãy tin là lời nói và ảnh hưởng của giáo sư không lên được đến tầng ba. Càng lên cao, những chỉ thị của ông càng giảm uy lực. Chúng mất đi ý nghĩa của mình và trình ra trong thế giới giả dối. Trái tim của bệnh viện chúng tôi là ở bên dưới. Vì vậy, nếu anh muốn chữa khỏi bệnh - anh sẽ muốn xuống tầng dưới.
- Nói tóm lại, - giọng Giuseppe Corte run lên, - ông khuyên tôi...
- Còn một điều nữa tôi muốn nói thêm, - bác sĩ vẫn bình tĩnh, - rằng trong trường hợp của anh chúng tôi có tiến hành kích thích da. Chuyện nhỏ, nhưng phát chán ngấy. Nếu nốt ban lúc nào đó vẫn còn, thì thật sự đáng buồn chút ít. Mà anh hiểu không kém gì tôi là giữ tinh thần quan trọng như thế nào đối với việc bình phục. Trị liệu bằng tia gamma mới là một nửa công việc. Anh hỏi vì sao à? Có thể việc chiếu giọi chưa đủ mạnh. Dù thế nào chăng nữa thì thiết bị ở tầng ba vẫn mạnh hơn. Do đó xác suất loại bỏ chàm cao hơn nhiều. Còn điều này nghĩa là gì? Điều này nghĩa là ngay sau đó cơ thể hồi phục - cái khó khăn nhất đã ở đằng sau. Nếu anh chần chừ, sẽ không có đường quay lại. Khi anh cảm thấy người khỏe, anh sẽ lên chỗ chúng tôi, thậm chí lên cao hơn - tầng năm, sáu, kể cả tầng bảy mà không có trở ngại gì... Tất cả sẽ phụ thuộc vào “những tiến bộ” của anh.
- Quả thực ông nghĩ là việc chữa trị sẽ nhanh hơn chứ?
- Chắc chắn. Tôi nói như thể tôi đang ở trường hợp của anh vậy.
Bác sĩ nói với Giuseppe Corte kiểu như thế hàng ngày. Cuối cùng thì bệnh nhân hoàn toàn bị hành hạ vì vết chàm. Bất chấp trực giác không muốn xuống tầng dưới, anh quyết định nghe theo lời bác sĩ và chuyển xuống tầng thấp hơn.
Ở tầng ba Giuseppe Corte nhận ra ngay sự vui vẻ bất thường của các bác sĩ và đội ngũ phục vụ. Thật là lạ vì những bệnh nhân nằm đây đang gặp nguy hiểm thực sự. Ngày qua ngày sự vui vẻ đó chỉ tăng lên. Giuseppe Corte bắt chuyện với một nữ y tá để hỏi sao họ lại vui như thế.
- Phải chăng anh không biết? - cô y tá đáp. - Ba ngày nữa chúng tôi sẽ đi nghỉ.
- Đi nghỉ là sao?
- Rất đơn giản: tầng ba đóng cửa hai tuần, và toàn bộ đội ngũ nhân sự đi nghỉ. Chỗ chúng tôi tất cả các tầng thay phiên nhau đi nghỉ.
- Còn bệnh nhân?
- Vì bệnh nhân không nhiều, hai tầng sẽ nối thành một.
- Nghĩa là các chị gộp bệnh nhân ở tầng ba và tầng bốn lại?
- Không, - cô y tá chữa lại. - Tầng ba và tầng hai. Sẽ chuyển bệnh nhân từ tầng ba xuống.
- Xuống tầng hai? - Mặt Giuseppe Corte tái nhợt như người chết. - Tôi sẽ phải chuyển xuống tầng hai?
- Vâng. Anh sao thế? Sau hai tuần chúng tôi sẽ về và anh sẽ quay lại phòng này. Theo tôi, không có gì phải sợ.
Thế nhưng Giuseppe Corte hết sức sợ hãi. Anh linh cảm thấy một điều hoàn toàn khác. Nhưng anh không thể thuyết phục họ thôi không đi nghỉ. Thêm vào đó anh tin rằng khóa trị liệu cấp tốc mới sẽ có lợi cho anh, vì nốt ban gần như đã mất. Anh không quyết tâm tỏ ra phản đối việc liên tục bị chuyển. Dù sao anh đã nài nỉ, bất chấp những lời châm chọc của các y tá, để họ gắn vào cửa phòng bệnh mới của anh tấm biển ghi: “Giuseppe Corte Corte. Tầng ba. Tạm thời.”. Trong lịch sử bệnh viện chưa bao giờ xẩy ra điều gì tương tự. Nhưng các bác sĩ không phản đối: người nóng tính như Corte, bất cứ lời cấm đoán nào cũng có thể gây chấn động mạnh với anh ta.
Cần phải chờ hai tuần, không hơn không kém. Giuseppe Corte bắt đầu ương bướng đếm ngày. Anh nằm bất động trên giường và hàng giờ liền nhìn đồ đạc. Ở tầng hai vật dụng đã không còn mới và không vui mắt như ở các phòng bệnh của những tầng trên. Ở đây chúng đồ sộ hơn, cứng hơn và lạnh lùng hơn. Thỉnh thoảng Giuseppe Corte căng tai lắng nghe âm thanh từ tầng dưới - tầng chết chóc, tầng của “những người phải bị chết”, những tiếng rên hấp hối xa xôi dường như vẳng đến tai anh.
Tất nhiên tất cả chuyện này không thể không hành hạ Corte. Lòng anh đã không yên, mà bệnh tật vẫn bên mình. Anh thường xuyên sốt cao, người yếu hơn. Mùa hè đang thời kỳ oi nhất. Các cửa sổ hầu như luôn để mở. Nhưng nhìn qua chúng rõ ràng không còn thấy được nóc thành phố, không cả những ngôi nhà. Chỉ thấy bức tường cây xanh lét bao quanh bệnh viện.
Một tuần trôi qua. Khoảng gần hai giờ chiều một y sĩ và ba hộ lý đột ngột bước vào phòng bệnh.
- Như vậy là chúng ta đã sẵn sàng chuyển? - y sĩ hỏi bằng giọng pha trò có vẻ hiền từ.
- Chuyển là thế nào? - Giuseppe Corte khó nhọc hỏi. - Các anh lại đùa. Tầng ba còn đi nghỉ một tuần nữa mới về.
- Tầng ba ở đây là sao? - y sĩ hỏi lại một cách khó hiểu. - Tôi có lệnh chuyển anh xuống tầng một. Đây anh xem, - và anh ta chìa ra tờ thông báo chuyển bệnh nhân xuống tầng dưới. Tờ thông báo do chính giáo sư Dati ký.
Nỗi kinh hoàng và giận dữ đã ứ lên đến cổ, giờ tràn hết ra ngoài. Cả tầng nhà bị inh tai bởi những tiếng kêu gào đầy giận dữ.
- Lạy Chúa, yên nào, - các hộ lý kêu lên. - Tầng này toàn bệnh nhân nặng đấy.
Nhưng không ngăn lại được.
Người phụ trách, có học và lịch thiệp lao bổ về phía có tiếng kêu. Sau khi nghe kể lại, ông ta đưa mắt nhìn tờ giấy và lắng nghe Corte. Sau đó giận dữ quay về phía anh y sĩ và nói rằng có sự hiểu nhầm, rằng ông ta không đưa ra những lệnh như thế này, và đôi khi bệnh viện vẫn để xảy ra tình trạng lộn xộn, rằng người ta luôn giấu ông mọi chuyện... Trách mắng y sĩ xong, ông ta lịch sự giải thích với bệnh nhân và xin lỗi một cách chân thành.
- Chuyện là, - bác sĩ nói, - đúng một giờ trước giáo sư Dati đã đi công tác ngắn ngày và sẽ trở về sau hai ngày nữa. Tôi hết sức buồn nhưng không thể trái lệnh ông được. Anh hãy tin rằng chính ông cũng lấy làm tiếc về điều này. Thế cơ đấy! Tôi không cố tình để chuyện như thế xảy ra phải không?
Toàn thân Giuseppe Corte run lên không ngớt. Người ta nhìn anh thương hại. Cuối cùng anh mất tự chủ. Anh hoảng sợ như trẻ con. Cơn nức nở tuyệt vọng của Corte còn vẳng ra từ phòng anh khá lâu.
Anh nằm dài trên giường. Hơi nóng giữa trưa hè phả khắp thành phố. Corte nhìn những cây xanh ngoài cửa sổ, anh có cảm giác dường như anh rơi vào một thế giới nào đó trong suốt. Thế giới được tạo thành từ những bức tường kỳ lạ, được xây bằng gạch vô trùng, thế giới của sự yên tĩnh chết chóc và những hình nhân trắng toát, trống rỗng và vô cảm. Đột nhiên anh thấy lạ là những cây ngoài cửa sổ cũng hư ảo. Sau đó anh chắc thế vì nhận thấy những chiếc lá cây không hề lay động.
Cảm giác đó làm Giuseppe Corte sợ đến mức anh gọi cô hộ lý mang kính viễn anh thường không đeo khi nằm trên giường, đến cho anh. Chỉ khi đó anh mới bình tâm đôi chút. Qua kính dù sao anh vẫn thấy những thân cây có thật, còn những chiếc lá, dù yếu ớt, vẫn động đậy trước gió.
Cô hộ lý đi khỏi. Từ lúc hơn 3 giờ phòng bệnh tuyệt đối yên tĩnh. Sáu tầng nhà, sáu pháo đài kinh hoàng do sơ suất của ai đó đã đè lên người Giuseppe Corte bằng toàn bộ sức nặng nhẫn tâm của nó. Phải mất bao nhiêu năm để anh bò lên khỏi bờ vực này?
Tại sao trong phòng bệnh lại tối đen như thế? Vì giờ đang còn là ban ngày. Bằng những nỗ lực cuối cùng, Giuseppe Corte khó khăn như người bị bại liệt nhìn chiếc đồng hồ để trên chiếc bàn cạnh giường. Ba giờ rưỡi. Đảo mắt nhìn, anh nhìn thấy các cửa chớp, khi tuân theo một ý chí kỳ bí, chầm chậm hạ xuống, để ngăn con đường ra thế giới.

Các tác phẩm khác của Dino Buzzati

Kẻ chết giả

Thời hạn

Chiếc áo dị kỳ

Chiếc áo bùa ma

Tương đương

Thưa ông Chủ nhiệm

Sáng thế

Nô lệ

NHỮNG MÔ ĐẤT TRONG VƯỜN

Những gã thợ săn

Người Thiếu Nữ Bay Qua

Ngọn tháp Eiffel

Ngày Tận Thế

Hai người tài xế

Gặp gỡ Einstein

Đêm yên tĩnh

Colombre

Circé con