Kẻ chết giả
Tác giả: Dino Buzzati
Một buổi sáng, họa sĩ quen biết Lucio Predonzani, 46 tuổi, bấy lâu nay đã lui về ẩn cư tại quê nhà ở Vimercate, mở tờ báo hàng ngày ra đọc. Ông vô cùng sửng sốt khi thấy ở trang ba có một dòng tít:
"Một tổn thất lớn đối với nền nghệ thuật Italia: họa sĩ Predonzani đã từ trần".
Bên dưới là một mẩu tin nhỏ:
"Vimercate đêm 21 tháng 2. Sau một cơn đau đột ngột, mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng không có kết quả, cách đây hai hôm họa sĩ Lucio Predonzani đã từ trần. Thể theo nguyện vọng của người quá cô, bản cáo phó này được đăng sau khi lễ an táng đã được cử hành".
Tiếp theo là một bài tưởng niệm dài gần một cột báo đầy những lời tán dương ký tên nhà phê bình nghệ thuật Giovanni Steffani. Thậm chí còn có một bức ảnh chụp nhà họa sĩ cách đây khoảng hai mươi năm.
Vô cùng kinh ngạc, Predonzani vội đọc lướt bài điếu văn, và mặc dù đọc lướt, ông vẫn nhanh chóng phát hiện ra một vài câu văn có ý châm chọc xen kẽ một cách khéo léo giữa những lời tán tụng.
- Matilde? Cô Matilde đâu rồi? - Predonzani gọi to khi đã định thần.
- Chuyện gì thế hả mình? - tiếng vợ ông ở phòng bên vọng sang.
- Vào đây, vào đây tôi bảo!
- Đợi em một chút, em đang dở tay là mấy cái áo.
- Cứ vào đây đã nào, trời đất ơi!
Giọng ông hoảng hốt đến nỗi Matilde vội vứt bỏ bàn là chạy sang phòng ông.
- Này cô xem đi! - Ông họa sĩ rên rỉ đưa tờ báo cho vợ.
Chị đọc báo mặt tái dần, và với sự phi lý kỳ diệu của đàn bà, chị bật khóc một cách tuyệt vọng.
- Ôi anh Lucio thân yêu, anh Lucio khốn khổ của em, cục vàng của em, - chị thổn thức trong tiếng nấc.
Cuối cùng thì cái cảnh này cũng làm cho ông chồng phát cáu.
- Này cô điên đấy à? Thế cô không thấy tôi đang ngồi sờ sờ ra đây ư? Cô không thấy là họ nhầm à?
Chị Mạtilde lập tức nín bặt nhìn chồng, nét mặt trở lại tươi tỉnh, rồi đột nhiên, cũng thật dễ dàng như khi chị vừa khóc, chị không nhịn được cười.
- Ôi lạy chúa tôi, thật buồn cười, ôi thật là khôi hài... Tha lỗi cho em nhé, anh Lucio..., một tổn thất đối với nền nghệ thuật..., thế mà ở đây anh vẫn khỏe như vâm? - chị ôm bụng vừa nói vừa cười.
- Thôi đủ rồi! - Ông họa sĩ bực mình quát lên. - Cô không hiểu gì à? Thật kinh khủng, kinh khủng? Được rồi, tôi sẽ cho gã chủ bút biết tay. Hắn sẽ phải trả giá đắt cho cái trò đùa này!
Thế rồi ông Predonzani vội vàng ra thành phố và đến ngay tòa báo. Ông chủ bút nồng nhiệt đón tiếp ông:
- Ồ thưa nhà họa sĩ bậc thầy, mời ngài ngồi. Ấy đừng, mời ngài ngồi sang đây. Xin mời ngài hút thuốc... ôi cái bật lửa chết tiệt này... Gạt tàn đây... Nào bây giờ mời ngài cho biết lý do gì cho phép tôi được hân hạnh đón tiếp ngài như thế này?
Ông ta vờ vịt hay quả không biết gì về cái chuyện đăng báo kia? Ông Predonzani cảm thấy lúng túng:
- Ờ à báo hôm nay... ở trang ba... có đăng tin là tôi đã chết...
- Đăng tin ngài chết ư? - ông chủ bút cầm lấy một tờ báo đang để trên bàn rồi giở ra đọc. Ông ta có vẻ lúng túng giây lát, chỉ giây lát thôi, rồi bình tĩnh lại một cách tài tình.
- À vâng, vâng, có chuyện không ổn ở đây, phải không ạ? Một sự nhầm lẫn kỳ lạ.
Ông ta làm ra vẻ như một người bố trách mắng con mình trước mặt một người qua đường bị con mình trêu ghẹo.
Ông Predonzani nóng tiết.
- Nhầm lẫn cái gì? - ông gầm lên. - Ông giết tôi rồi đấy! Thật ghê tởm.
- Vâng, vâng, - ông chủ bút bình thản nói. - Có lẽ bài báo đã vượt quá dự định ban đầu... Nhưng mặt khác, tôi hy vọng là ông đã đánh giá đúng lòng tôn kính của bản báo đối với tác phẩm của ông...
- Tôn kính ư? Ông làm hại tôi thì có.
- Vâng, phải công nhận là có mấy điểm không chính xác...
- Tôi còn sống mà ông bảo tôi đã chết... Thế mà ông lại gọi đó là mấy điểm không chính xác! Ông làm tôi phát điên lên được ông phải đính chính lại ngay. Và tất nhiên tôi có quyền yêu cầu phải được bồi thường thiệt hại.
- Thiệt hại ư? Nhưng thưa ông bạn thân mến, - Ông ta chuyển từ chữ "ngài" sang chủ "ông bạn" một cách trơn tru, đây là một dấu hiệu chẳng tốt lành gì. - Ông không thấy là ông đã gặp một điều cực kỳ may mắn à? Nếu là người khác thì người ta đã nhảy cẫng lên vì vui sướng đấy.
- May mắn cái gì?
- Là vì sau khi một nghệ sĩ qua đời thì lập tức tác phẩm của ông ta lên giá ngay. Thật vô tình, vâng thật vô tình là chúng tôi đã tạo cho ông một dịp may hiếm có.
- Thế tôi... tôi phải giả vờ chết thật à?... Tôi phải biến mất à?
- Hẳn rồi, nếu ông muốn lợi dụng dịp may có một không hai này... Trời đất ơi, chẳng lẽ ông lại bỏ lỡ dịp hay sao. Này nhé, ông thủ nghĩ xem, người ta sẽ tổ chức cho ông một cuộc trưng bày tranh sau khi chết... Chính chúng tôi cũng sẽ cố gắng quảng cáo cho ông... Cái đó sẽ đem lại cho ông hàng triệu đồng, ông ạ, và không phải chỉ có thế thôi đâu.
- Thế còn tôi? Tôi sẽ không được lộ mặt nữa ư?
- Yên xem nào: ông có cậu em trai nào không?
- Có, nhưng để làm gì? Chú ấy hiện đang sống ở Nam Phi.
- Tuyệt? Anh ấy có giống ông không?
- Cũng khá giống. Chỉ có điều là chú ấy để râu.
- Hay lắm: ông cũng để râu đi. Và ông sẽ đóng giả em trai mình. Mọi việc sẽ đâu vào đấy cả... Ông hãy nghe tôi: tốt hơn hết là ông cứ để mặc mọi việc muốn ra sao thì ra... Sau này ông sẽ hiểu... Còn nếu ông muốn đính chính cái tin này thì... Thực tình tôi cũng không biết sau này ai sẽ được lợi... Xin lỗi ông nhé, nhưng tôi xin nói thật là có đính chính cũng vô ích. Người ta không ưa những người chết sống lại đâu... Ngay cả trong giới nghệ thuật cũng vậy, ông biết đấy, người ta đã tốn biết bao hương nến cho ông rồi mà bây giờ ông lại sống lại thì chỉ làm cho mọi người khó chịu mà thôi.
Ông Predonzani không thể nói là không đồng ý. Ông về quê, giam mình trong buồng kín để chờ cho râu mọc dài ra. Còn vợ ông thì mặc đồ tang. Bạn bè lần lượt đến chia buồn cùng vợ ông, đặc biệt là Oscar Pradelli, anh này cũng là họa sĩ và trước đây luôn là cái bóng của Predonzani. Tiếp đó là các khách hàng đến mua tranh: đó là những người buôn tranh, là các nhà sưu tầm tranh. Những người đánh hơi thấy một món hời. Những bức tranh trước kia khó mà bán được 40, 50 nghìn đồng thì nay bán với giá 200 nghìn là thường. Trong khi đó tại một nơi kín đáo Predonzani tiếp tục vẽ hết bức tranh này đến bức tranh khác và dĩ nhiên là ông đề lùi ngày tháng lại.
Sau một tháng, khi râu đã mọc khá tốt ông Predonzani mới dám xuất hiện, tự giới thiệu là em trai của nhà họa sĩ quá cố và vừa ở Nam Phi trở về. Ông đeo kính và cố pha một giọng nói ngoại lai. Tuy vậy thiên hạ vẫn bảo ông giống anh trai như hai giọt nước.
Sau những ngày cấm cố, giờ đây ông thả sức dạo chơi, và một lần vì tò mò ông đã vào thăm nghĩa địa. Tại khu nhà mồ của dòng họ ông, ông thấy một ông thợ khắc đang khắc tên ông cùng ngày sinh và ngày mất lên tấm bia đá lớn trước của nhà mồ.
Ông nói với người thợ khắc rằng ông là em trai của người quá cố. Ông lấy chìa khóa mở cánh của bằng đồng của nhà mồ rồi bước vào bên trong. Một loạt quan tài xếp chồng lên nhau, trong đó có một chiếc mới đóng, rất đẹp, trên nắp có gắn một tấm bảng bằng đồng thau với dòng chữ "Lucio Predonzani". Nắp quan tài được gắn bằng đinh vít. Với một nỗi lo âu mơ hồ, ông gõ gõ ngón tay vào một đầu quan tài. Tiếng gõ vang lên âm thanh cửa một chiếc quan tài rỗng. Ông yên trí tự nhủ: càng tốt.
Thật kỳ lạ, khi Oscar Pradelli càng năng lui tới nhà ông thì Matilde - vợ ông - xem ra lại càng như hồi xuân trở lại. Bộ đồ tang trông rất hợp với chị. Ông Predonzani theo dõi sự biến đổi của vợ mình với một thái độ bao dung pha lẫn nỗi lo âu. Một buổi tối ông chợt cảm thấy thèm khát vợ mình, điều mà đã mấy năm nay không còn xuất hiện ở ông nữa. Ông đang thèm khát chính người vợ góa của mình. Về phần Pradelli, liệu lòng nhiệt tình của anh ta có tỏ ra không đúng lúc không? Nhưng khi Predonzam lưu ý Matilde về chuyện này thì chị ta giận giữ mắng ông:
- Anh đừng có nghĩ vớ vẩn? Tội nghiệp anh Oscar. Anh ấy là người bạn chân chính duy nhất của anh. Anh ấy là người duy nhất thực lòng thương tiếc anh. Anh ấy đã làm hết sức mình để cho em bớt cô đơn, thế mà anh lại nghi ngờ anh ấy. Anh không biết xấu hổ à?
Trong lúc đó ở thành phố người ta tổ chức một cuộc triển lãm tranh của Predonzani, thật là một thành công lớn. Trừ các khoản chi phí đi, cuộc triển lãm đã thu được năm triệu rưởi đồng. Sau đấy người ta nhanh chóng quên đi ông họa sĩ Predonzani cùng những bức tranh của ông, nhanh chóng một cách kỳ lạ. Tên ông càng ngày càng ít xuất hiện trên báo chí, và chẳng bao lâu người ta đã quên bẵng ông.
Ông Predonzani ngạc nhiên đau đớn nhận thấy rằng thiếu ông thế giới vẫn không hề suy chuyển; thiếu ông mặt trời vẫn mọc đằng đông và lặn đằng tây như ngày nào; cũng như trước đây, sáng sáng các bà nội trợ vẫn rũ thảm ngoài trời, tàu hỏa vẫn chạy ngược chạy xuôi, thiên hạ vẫn ăn uống và giải trí như thường lệ và đêm đêm, trai gái vẫn đứng hôn nhau trong công viên thành phố.
Cho đến một hôm, sau khi đi lang thang ngoài đồng về, ông Predonzani nhận ra chiếc áo đi mưa của ông bạn quý hóa Oscar Pradelli của mình treo trước cửa. Ngôi nhà chìm trong cảnh im ắng đầy vẻ ấm cúng mời chào. Bên trong vọng ra những giọng nói thì thầm xen lẫn những tiếng rên rỉ ngọt ngào.
Ông Predonzani rón rén quay lui. Ông nhẹ nhàng bước ra cổng rồi đi về phía nghĩa địa. Tối hôm đó trời mưa lâm thâm êm ả.
Bước tới truớc cổng nhà mồ của giòng họ, ông đưa mắt nhìn quanh. Không một bóng người. Ông liền rút chìa khóa mở cánh cửa bằng đồng ra.
Trong khi bóng tối cứ lan dần ông Predoilzani thong thả dùng con dao nhíp vặn những chiếc đinh vít tiên nắp chiếc quan tài mới nhất ra, đó là chiếc quan tài "của ông": ông Lucio Predonzani.
Ông bình tĩnh mở nắp quan tài rồi nằm vào trong, lựa chiều cho đúng với tư thế của những người sẽ vĩnh viễn ngủ giấc ngủ ngàn thu. Ông cảm thấy dễ chịu hơn là ông vẫn tưởng.
Không một chút bối rối, ông thong thả kéo nắp quan tài đậy lại. Khi nắp quan tài sắp sửa đóng kín, ông dừng tay một chút để nghe ngóng xem có ai gọi mình không. Nhưng chẳng có ai gọi cả.
Thế là ông liền buông tay cho nắp quan tài bịt kín lại.