watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ngàn Năm Vẫn Đợi - tác giả DK Loan DK Loan

Ngàn Năm Vẫn Đợi

Tác giả: DK Loan

Đột nhiên tôi ngưng viết! Không có một yếu tố nào rõ rệt để giải thích cho việc tôi ngưng viết. Tôi chỉ ngưng viết, ngưng khơi khơi vậy thôi. Tôi ngồi hằng giờ trước máy, nhìn chiếc bàn phiếm như một người bệnh nặng sắp chết nhìn tô phở nóng hổi, thơm lừng mùi bò!
Đầu tiên tôi nghĩ đến việc cầu cứu với hai bật tiền bối. Một người là nhà báo, kiêm nhân viên giao dịch và lấy quảng cáo của một tờ báo rất ăn khách tại thành phố tôi đang cư ngụ. Còn người kia nguyên là giáo sư môn lý luận văn học của trường chuyên đào tạo các nhà văn trong nước. Một sáng thứ bảy, tôi mời hai ông đến một tiệm phở ngon có tiếng trong vùng. Tôi vô đề ngay trước khi mục ăn phở bắt đầu. Tôi nói mục đích tôi mời hai ông ra đây là xin hai ông cho tôi một lời khuyên hữu dụng để tôi có thể viết văn trở lại.
Ông nhà báo không ngần ngại cho ý kiến trước tiên. Theo ông thì tôi đang thiếu đề tài để viết, hoặc là đề tài của tôi quá hạn hẹp để cho tôi có hứng khởi tiếp tục viết. Nhưng tôi lịch sự bác bỏ ngay ý kiến của ông nhà báo. Thứ nhất là những truyện tôi đang viết dỡ dang, đã lên dàn bài và ý tứ đầy cả ra đấy, nhưng tôi vẫn không viết được. Thứ nhì là xung quanh tôi có biết bao nhiêu thứ để tôi có thể lấy làm đề tài. Ngay như trong hảng sản xuất đồ nhựa mà tôi đang làm, hàng ngày xẩy ra biết bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười, cũng đủ đề tài để cho tôi viết hơn chục cái truyện ngắn.
Khi ông nhà báo lắc đầu chào thua thì ông cựu giáo sư môn lý luận văn học bắt đầu cuộc thẩm vấn. Ông hỏi tôi đã học viết văn ở một trường chính quy nào chưa. Tôi lắc đầu. Ông hỏi tiếp, tôi có thường đọc những sách báo liên quan đến bộ môn phê bình văn học hay không, thì tôi cũng lắc đầu. Sau mấy cái lắc đầu nữa của tôi, thì ông tuyên bố lý do làm tôi ngưng viết: tôi đang rơi vào tình trạng khủng hoản phương hướng sáng tác. Để giải quyết vấn đề thì theo ông, tôi nhất định phải kinh qua một khoá đào tạo chính quy. Ông cho biết dù đã về hưu, nhưng với uy tính và tầm mức ảnh hưởng của ông, thì ông vẫn có thể giới thiệu cho tôi theo một khoá đào tạo ngắn hạng tại trường viết văn ông đã từng giảng dạy. Tôi hỏi khoá học bao lâu thì ông cho biết là học toàn thời chỉ mất một năm. Tôi cảm ơn sự nhiệt thành của ông, nhưng nếu phải về nước một năm để học thì e rằng cá nhân tôi sẽ lâm vào cơn khủng hoản tài chính mất thôi. Vấn đề xem như đến hồi bế tắc thì ba tô phở thơm phức mùi bò được đem ra. Hai bật tiền bối thong thả thưởng thức món phở. Riêng tôi thì không còn bụng nào để ăn, dù chỉ cho vơi một nửa tô phở để gọi là giử lễ với hai ông.
Nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc. Tôi cầu cứu đến một nhà văn ở tận bên Mỹ. Ông nhà văn nầy là chổ quen biết thân tình với ông chú ruột của tôi. Tuy ông đã có vài tác phẩm được một nhà xuất bản uy tín ở hải ngoại ấn hành, nhưng ông không phải là một nhà văn nổi tiếng. Tôi có đọc truyện ông viết. Tôi thấy văn ông không có gì đặc sắc, truyện cũng không có nhiều tình tiết ly kỳ và đôi khi ông viết hơi dài dòng. Nhưng văn ông viết ra sao, đối với tôi không có gì quang trọng. Quang trọng là tôi muốn nghe ông, với tư cách một nhà văn cho tôi một lời khuyên để tôi có thể viết văn trở lại. Tôi điện thoại cho ông vào ngày thứ bảy. Để tránh cho ông khỏi ngỡ ngàn trước sự đường đột của tôi, tôi tự giới thiệu mình là cháu của người bạn già cố tri của ông. Rồi tôi vắn tắc kể lại tình trạng ngưng viết thật thê thảm của tôi cho ông nghe. Nghe xong, ông ôn tồn khuyên tôi đừng quá quan tâm đến bố cục mà chỉ cần viết theo dòng suy tưởng trong đầu. Theo ông thì viết trước đã, cốt truyện tính sau. Tôi nói với ông là tôi không thể làm được như vậy. Tôi giải thích cho ông rõ, là khi tôi ngồi xuống viết thì trong đầu tôi không phải chỉ có một dòng ý tưởng duy nhất mà có khi đến ba bốn ý tưởng cùng xuất hiện một lúc. Và cũng có rất nhiều lần, đang viết truyện nầy, trong đầu tôi lại nẩy ra một ý mới cho truyện nọ. Nói tóm lại, ý tưởng trong đầu tôi rất dồi dào nhưng cũng rất hỗn độn. Nghe đến đây thì ông nhà văn phát cấu, ông không còn giử ý tứ nữa, phán luôn một câu: "Nói như chú mầy thì hết thuốc chửa rồi. Theo tao thấy thì đầu óc chú mầy chỉ hợp với việc buôn bán chứ không phải để viết văn!". Tôi thấy buồn. Tôi thấy người ta viết dễ dàng lắm kia mà! Có nhiều người cứ chừng như vài tuần là có một truyện ngắn hay ra gì để đăng lên báo mạng. Không lý nào tôi lại không viết được! Có lẽ đoán được tôi không vui, nên ông hứa là sẽ giới thiệu cho tôi một nhà văn khác để tôi tham khảo ý kiến. Nhưng ông yêu cầu tôi phải đợi đúng một tuần để ông liên lạc trước với ông nhà văn kia.
Người mà ông nhà văn bên Mỹ giới thiệu cho tôi là một nhà văn lớn trong nước. Một trong những tác phẩm của ông nhà văn nầy đã một thời làm xôn xao dư luận văn đàn, cả trong lẫn ngoài nước. Chính tôi cũng rất thích đọc những truyện của ông viết. Và dĩ nhiên không cần phải khen, văn ông viết rất hay. Tôi chờ đúng một tuần rồi gọi điện thoại cho ông. Hôm đó là ngày chúa nhật. Buổi sáng tôi gọi cho ông thì máy điện thoại di động của ông bị bận. Buổi trưa tôi gọi lại lần nữa thì ông đã tắt máy. Lần thứ ba tôi gọi vào khoảng sáu giờ chiều thì thật may mắn, ông bấm máy trả lời. Không để mất một giây phút quý báu nào của ông, tôi vào đề ngay chứ không dám nói dông dài, dù chỉ là một câu xã giao cho phải phép. Khi vừa nghe tôi tự giới thiệu xong thì ông ngắt lời tôi ngay. Ông nói hối hả và hào hứng: "Tớ nói cho nhà anh biết nhá, văn chưa chín thì viết tất không ra, cứ cố lại sượng mất thôi!". Tôi nghe rõ tiếng cười sảng khoái của ông trong điện thoại, và hình như ông đang ở trong một quán ăn vì tôi có nghe cả tiếng lao xao đàng hát xung quanh ông. Ông bảo tôi cứ chờ, chờ cho đến một lúc một nào đó thì tự khắc sẽ viết được trở lại, còn nhỡ mà không viết được luôn thì thôi, chứ không việc gì phải lo toán lên như vậy. Ông còn nói thêm là đã có nhiều năm, đến một chữ ông cũng không viết ra được, chứ đừng nói chi đến một truyện ngắn. Cuối cùng ông nói với tôi: "Thôi chào nhá, tớ bận lắm, đang chén dồi chó đây!".
Tôi gác điện thoại, ngồi thừ người suy nghĩ. Có lẽ tôi không còn cách nào khác hơn là chờ đợi. Tôi sẽ chờ! Nhưng biết chờ đến bao giờ?
Melbourne, tháng 9 năm 2005.
© DK Loan 2005

Các tác phẩm khác của DK Loan

Người từ trăm năm

Mỹ Duyên

Bộ Ngực Trong Tranh