Người từ trăm năm
Tác giả: DK Loan
Đối với tôi, mùa hè của những năm tuổi nhỏ luôn luôn rực rỡ. Rực rỡ với hoa phượng đỏ thắm trong sân trường và trên những con đường tôi vẫn đi qua. Tôi yêu những ngày hè rực rỡ ấy vô cùng, những ngày tháng rông chơi tưởng chừng như bất tận, không vướng bận sách vở, không lo lắng với những kỳ thi. Nhưng năm tôi được mười lăm tuổi, mùa hè đã thôi không còn rực rỡ nữa, vì sau khi xem xong tờ học bạ trong năm của tôi, mẹ tôi thở dài và nói gọn bân:"Phải cho mầy đi học hè !".
Nhà cô tôi nằm trong một cư xá thật khang trang và yên tịnh. Bên cổng cư xá, một cây phượng cao lớn trổ những chùm hoa đỏ ối, rực rỡ nỗi bật lên giữa những tán lá xum xuê xanh rì. Trong khuôn viên, hai dẫy nhà trệt mười căn đối mặt nhau thật trang nhã, còn giữa là khoảng sân rộng trải sỏi với hàng chậu sứ trồng hoa hải đường. Trong lúc mẹ tôi cùng cô tôi trò chuyện, tôi đứng tựa cửa sổ nhìn vẫn vơ ra khoảng sân trước nhà cô tôi. Tôi thoáng thấy một đứa con gái vóc dáng mãnh mai, tóc tết thành hai bím dài, ngồi trên chiếc ghế xích đu khuất sau dàng hoa dạ lý. Đứa con gái có gương mặt xương xương, đeo kín cận, tay cầm quyển sách và đang chăm chú đọc. Sau buổi học đầu tiên, tôi được biết đó là Quỳnh, con gái duy nhất của cô giáo chúng tôi.
Trong căn phòng khách rộng dùng làm phòng học, cô tôi kê một bảng đen lớn và tám đứa con trai chúng tôi chia nhau ngồi trên hai dãy bàn, loại bàn đính liền với băng ghế mà cô tôi mua lại của một trường nhà dòng. Những buổi học bao giờ cũng bắt đầu đúng tám giờ sáng, đến mười giờ, chúng tôi được nghỉ mười lăm phút, rồi sau đó vào học tiếp cho đến mười hai giờ trưa thì tan lớp. Trong giờ nghỉ, cô tôi cho Quỳnh mang bánh ngọt và nước lọc ra cho chúng tôi dùng. Dường như đó là lúc duy nhất tôi thấy Quỳnh rời tay khỏi những quyển sách. Vì sau khi chúng tôi ngồi vào bàn tiếp tục buổi học, Quỳnh lại lặng lẽ ra trước hiên nhà, ngồi đung đưa trên chiếc ghế xích đu khuất sau dàng hoa dạ lý, tiếp tục miệt mài vào những quyển sách trên tay. Tôi thấy đối với Quỳnh, mọi thứ hình như đều lặng lẽ như nhau, lặng lẽ trong cách ngồi đọc sách, lặng lẽ trong dáng đi và lặng lẽ ngay cả khi Quỳnh mở nụ cười nhè nhẹ trên môi !
Một tuần sau, những đứa con trai cùng lứa tuổi như tôi và cũng ham chơi hơn ham học như tôi, đã mau chóng kết thân với nhau. Hết giờ học, chúng tôi nán lại sau khoảng sân rộng nơi cuối khuôn viên cư xá để bày ra không biết bao nhiêu trò chơi lý thú, cho đến lúc mệt nhoài vì nóng và vì đói, chúng tôi mới vội vã chia tay nhau để ra về. Một hôm chúng tôi thấy cạnh góc cây hạnh đào một đụng cát to của ai đó vừa mới đổ ra. Một đứa trong bọn nghỉ ra trò chơi mới. Chúng tôi thay nhau leo lên cây hạnh đào rồi nhẩy xuống đụng cát. Chúng tôi hò reo, thách đố nhau xem đứa nào có thể nhẩy được từ trên cao nhất. Khi đến phiên, tôi leo lên đến chót vót ngọn hạnh đào và trong lúc đám bạn đang ầm ỉ reo hò để khích lệ, thì cô tôi tất tả chạy ra với cây thước bản trên tay. Cô tôi nói gần như thét:"Xuống mau, chơi thế là chơi dại, chơi ngông chứ không phải hay ho gì đâu !". Tôi vừa tuột xuống đất thì cô tôi chạy lại, một tay nắm lấy cổ áo của tôi, tay kia dùng thước quất vào mông tôi y như một bà mẹ đánh đòn đứa con hư hỏng. Và cứ mỗi một thước đánh vào mông, cô tôi buôn hai tiếng "Chừa nhá !" như để điểm nhịp. Tôi đau đã đành, nhưng không bằng nỗi tủi hổ khi thấy Quỳnh đứng xa xa nhìn, với một nụ cười lặng lẽ trên môi. Tôi đoán ra ngay, chính Quỳnh đã vào mách lại với cô tôi, vì sau giờ dạy học cô tôi còn phải bận rộn sữa soạn bữa ăn trưa, không mắt nào để ý đến những trò nghịch ngợm của đám học trò. Hôm sau, cô tôi phát cho mỗi đứa một lá thư để mang về trao tận tay cha mẹ. Kết quả là chúng tôi bị bắt phải về nhà ngay sau mỗi buổi học và những trò nghịch ngợm trong sân cư xá coi như chấm dứt từ đó. Cô tôi còn cẩn thận cho Quỳnh ra đứng trước cửa để trong chừng chúng tôi khi tan lớp, cho đến khi chúng tôi ra khỏi cư xá thì Quỳnh mới quay vào nhà. Từ đó tôi thấy ghét Quỳnh vô hạn ! Một đứa con gái, đã bị cận nặng mà lại thêm tật mách lẻo !
Rồi tôi cũng nghĩ ra được cách để trả thù Quỳnh. Sau buổi học ngày thứ bảy, tôi cố ý nán lại bằng cách giả kêu đau bụng rồi chui vào nhà cầu. Tôi đợi một khoảng, chừng như đủ lâu để đám bạn đã về hết thì tôi trở ra ngoài. Quỳnh gặp tôi, mắt thoáng ngạc nhiên nhưng rồi nở ngay một nụ cười. Tôi đến bên Quỳnh xởi lởi hỏi:"Cậu bị cận bao nhiêu độ thế hở ? Cho tớ mượn kính xem thử được không nào ?" Quỳnh có vẽ do dự, nhưng cuối cùng cũng tháo kính trao cho tôi. Chỉ đợi có vậy, tôi phóng nhanh ra sân, dấu cặp kính của Quỳnh vào một lùm cây, rồi ôm tập vở chạy một mạch ra khỏi cư xá. Tôi thấy vô cùng hả hê ! Quỳnh sẽ khốn đốn, sẽ phải quờ quạng như một kẽ loà và đương nhiên sẽ không đọc được sách. Thế cho đáng kiếp, đã cận nặng lại còn hay mách lẻo !
Nhưng khi tôi về đến nhà thì niềm hả hê của tôi cũng đã lắng đi gần cạn, và thay vào đó là nỗi bồn chồn và lo ngại. Đối với một đứa con gái hay mách lẻo như Quỳnh thì việc làm vừa qua của tôi không thể dễ gì bỏ qua được. Thế nào Quỳnh cũng sẽ mách lại với cô tôi. Nhất định là thế ! Và suốt buổi chiều hôm ấy cho đến khi trời sẫm tối, tôi cứ thắp thỏm chờ lúc cô tôi sang nhà để mắng vốn với mẹ tôi. Cứ chừng như có tiếng người gọi cổng là tim tôi như thắt lại, rồi khi biết đó là một người khách quen hay chỉ là chị bếp đi chợ chiều về thì tôi mới hoàn hồn, mới lấy lại nhịp thở cho điều hoà. Ngày chúa nhật, tôi lại đứng ngồi không yên, nơm mớp chờ đợi. Cho đến khi trời sẫm tối, tôi mới thực sự tin rằng cô tôi sẽ dành cho tôi một hình phạt vào ngày thứ hai.
Sáng thứ hai, tôi viện cớ bị bệnh để được ở nhà. Nhưng sau khi sờ lên tráng tôi, mẹ tôi đẩy tôi ra cửa và nói:"Đừng có chây lười con ạ !". Tôi đành thất thểu cắp vở đến cư xá. Tôi cứ thập thò ở cổng cư xá cho đế khi đám bạn đã kéo hết vào nhà cô tôi để bắt đầu buổi học thì tôi mới chạy một mạch vào theo. Tôi lắm lét ngồi vào bàn và thấp thỏm chờ đợi. Nhưng buổi học hôm ấy vẫn bình thường, cô tôi không có một vẽ gì quan tâm đặc biệt hơn đến tôi, trừ một lần tôi phải lên bản để giải bài toán.
Đến giờ nghỉ, tôi thật kinh ngạc khi thấy Quỳnh bước vào phòng học với cặp kính cận đeo trễ trên sóng mũi. Quỳnh đặt khay bánh ngọt xuống bàn rồi thong thả trở ra. Đi ngang qua chỗ tôi đứng, Quỳnh nói nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe:"Sao Tuấn nghịch thể hở ?". Hôm ấy, đến hết giờ học tôi lại kiếm cớ để chui vào nhà cầu. Một lúc sau, khi trở ra ngoài, tôi thấy Quỳnh đang ngồi trên ghế xích đu trước sân nhà. Khi thấy tôi bước ra sân, Quỳnh thong thả cài một tấm thẻ nhỏ vào trang sách đang đọc dỡ dang rồi gấp sách lại. Quỳnh tránh người sang một bên, vỗ nhè nhẹ lên khoảng tróng trên băng ghế xích đu, rồi nói với tôi:"Ngồi đi Tuấn". Tôi rón rén ngồi xuống cạnh Quỳnh. "Tuấn đừng lo, Quỳnh không mách lại với cô đâu !". Lời Quỳnh nói tuy nhỏ nhẹ nhưng vẫn làm tôi sượng cứng người. Tôi thấy mình quả là một thằng con trai hồ đồ như mẹ tôi thường trách mắng. Tôi muốn nói một lời xin lỗi với Quỳnh, nhưng lòng tự ái hảo của tôi lại ngăn tôi lại. Thay vào đó tôi hỏi chuyện Quỳnh như một cách để làm hoà:"Sách gì thế hở ? Hay lắm không ?" Quỳnh lẳng lặng trao quyển sách cho tôi. Nhìn qua tựa sách, tôi đoán là truyện về chiến tranh, chắc là hay lắm nên Quỳnh mê mãi đọc mấy hôm nay. Nhưng khi đọc lướt qua trang Quỳnh đang đọc dỡ dang, tôi thấy thất vọng. Tôi đọc thêm một vài đoạn ở những trang đầu, rồi ở những trang gần cuối, lại thấy càng thêm thất vọng. Tôi đưa trả sách lại cho Quỳnh, thẳng thắng nói:"Truyện chiến tranh mà nhạt thế nầy, chả đọc nỗi đâu !". Quỳnh chỉ cười:"Truyện tình trong thời chiến đấy, bây giờ chưa thích, biết đâu sau nầy Tuấn sẽ thấy thích".
Rồi Quỳnh hỏi tôi thích đọc những loại sách nào. Tôi trả lời gọn bân:"Sách kể truyện phiêu lưu mạo hiễm, truyện trinh thám và cả truyện kinh dị nữa !". Tất nhiên, mẹ tôi có mua một ít sách cho tôi đọc. Đó là những quyển sách kể truyện cổ tích, hay những truyện ngụ ngôn mang nặng tính đạo đức và luân lý. Những quyển sách đứng đắng, như cha tôi vẫn thường gọi để phân biệt với những quyển sách mà thỉnh thoảng tôi vẫn mượn của đám bạn cùng lớp. Đương nhiên cha tôi cấm tuyệt không cho tôi đọc loại sách vớ vẫn và thiếu đứng đắng đó. Nhưng khổ nỗi là những quyển sách vớ vẫn và thiếu đứng đắng ấy lại hấp dẫn tôi hơn là những quyển sách kể truyện cổ tích hay ngụ ngôn. Và tôi thú thật với Quỳnh, tôi chỉ đọc sách khi không còn có gì khác hơn để làm hay để chơi, như thế có nghĩa là suốt mùa hè tôi gần như không đụng đến một quyển sách nào cả !
Quỳnh nghe tôi kể xong, nghĩ ngợi một chút rồi đứng lên đi vào nhà. Một lúc sau Quỳnh trở ra với một quyển sách mỏng trên tay. Quỳnh đưa cho tôi quyển sách và nói:"Truyện của một cậu bé theo người quản gia đi tìm vàng ở miền tây nước Mỹ. Tuấn mang về đọc thử xem có thích không ?". Tôi mở ra ngay trang đầu, đọc một đoạn, rồi đọc thêm một vài đoạn nữa ở những trang giữa thì tôi đồng ý với Quỳnh, đây không phải là quyển sách quá nhàm chán như quyển sách dầy cộp Quỳnh đang đọc.
Hôm sau, hết giờ học tôi lại kiếm cớ nán lại để gặp Quỳnh. Lần nầy tôi không chui vào nhà cầu nữa mà lăng xăng quét dọn lớp học và lau bảng giúp cô tôi. Khi Quỳnh quay trở vào nhà, tôi đưa trả quyển sách và hớn hở nói:"Hay lắm, trưa về tớ đọc một hơi đến hết mới thôi !" Quỳnh cười rồi nhỏ nhẹ hỏi:"Thêm một quyển nữa nhá ?" Tôi tức khắc gật đầu.
Quỳnh đưa tôi vào gian phòng trong. Gian phòng hẹp, chỉ đủ để kê một bàn viết cạnh cửa sổ và sát tường là một tủ sách thật lớn, cao gần chạm trần nhà. Quỳnh nhìn qua từng dẫy sách, tìm kiếm một lúc lâu và cuối cùng Quỳnh lấy ra một quyển đưa cho tôi. Quyển sách tương đối dầy, gấp đôi quyển Quỳnh đã cho tôi mượn ngày hôm qua. Và cũng như lần trước, Quỳnh nói:"Một cuộc phiêu lưu kỳ thú của một cậu bé thông minh và nghịch ngợm !". Lần nầy tôi không cần phải đọc thử vài trang nữa, tôi tin Quỳnh đã chọn cho tôi đúng thứ tôi thích đọc.
Khi tôi ôm quyển sách cùng tập vở để ra về, Quỳnh đứng ở cửa nói với theo:"Đọc từ từ thôi nhá, tuần sau mới đổi lấy quyển khác đấy !". Nhưng tôi đã không đọc từ tốn như Quỳnh đã dặn dò. Trừ lúc ăn trưa và ăn chiều, tôi ôm rịt lấy quyển sách và đọc ngốn đọc ngấu đến gần nữa đêm thì xong. Ngày nghỉ cuối tuần nhưng trời lại mưa tầm tả, tôi không biết làm gì hơn là lôi quyển sách ra đọc lại một lần nữa. Lần nầy vì đã biết rõ câu chuyện nên tôi đọc từ tốn hơn. Tôi ngạc nhiên khi thấy được những điều rất thú vị mà lần trước, vì đọc quá vội vã để theo dỏi cốt truyện, tôi đã bỏ sót. Tôi thấy Quỳnh nói đúng, không nên đọc sách nhanh quá !
o0o
Còn chừng hai tuần thì hết mùa hè, cô tôi thôi lớp học để lủ học trò chúng tôi có được những ngày hè thật sự. Nhưng đối với tôi, những ngày đó tôi có mặt gần như thường xuyên tại nhà cô tôi mỗi buổi sáng. Những trò nghịch ngợm của những ngày hè, giờ như không còn đủ sức để lôi cuốn tôi như trước kia nữa. Mỗi sáng khi tôi đến nhà, Quỳnh luôn đón tôi bằng một nụ cười thay cho lời chào. Nụ cười của Quỳnh vẫn lăng lẽ, nhưng ánh mắt Quỳnh như có đượm thêm một chút đằm thắm mà tôi không thấy được trước đây.
Cô tôi rất vui vẽ và niềm nỡ mỗi khi gặp tôi, duy chỉ có một lần cô tôi nghiêm nghị nói với tôi:"Qua năm, Tuấn lên đệ nhị cấp rồi, đâu còn là trẻ con nữa, cố dành thời gian để mà học hành nhá !". Có lẽ lời nói ấy đã ảnh hưởng đến việc học của tôi hơn là hai tháng ròng rã đi học hè với cô tôi.
Qua năm học mới, tôi lên đệ nhị cấp và chọn ban toán. Việc đó làm cho cha tôi rất ngạc nhiên vì tôi vốn dốt toán, và tôi chăm chú vào việc học hành đến độ các anh chị tôi đều phải sững sốt kinh ngạc. Còn mẹ tôi thì vô cùng hài lòng !Gặp những người bạn, mẹ tôi không ngớt lời nhắc đến cô tôi, vì theo mẹ tôi, cô tôi là người duy nhất có thể cảm hoá một đứa con trai ham chơi hơn ham học như tôi !
Dù chăm học, nhưng tôi vẫn không quên những quyển sách Quỳnh cho mượn. Tôi đọc ít thôi, nhưng đều đặng, như tôi vẫn đều đặng gặp Quỳnh vào những sáng chúa nhật. Trên chiếc ghế xích đu khuất sau dàng hoa dạ lý, tôi thích được ngồi lặng lẽ bên Quỳnh, nhìn nắng sớm trải dài trên sân gạch, lơ mơ nghe tiếng chim rút rít ở đâu đó và ngủi mùi hoa dạ lý thoang thoáng thơm trong gió. Đôi lúc, Quỳnh hỏi khe khẻ:"Nghỉ gì thế hở Tuẩn ?", và tôi luôn đáp lại bằng một câu "Vẫn vơ thôi !". Lần nào cũng vậy, Quỳnh nhè nhẹ lắc đầu sau câu nói của tôi.
Rồi giữa niên học, lúc sắp đến Tết Nguyên Đáng, tôi quen với Thảo. Quen thật tình cờ. Hôm ấy, sau khi chăm chú đọc một bài tuỳ bút trên tờ báo xuân treo trong hội trường, tôi khe khẽ lắc đầu. Thảo đứng sau lưng tôi tự bao giờ, lên tiếng hỏi:"Không thấy hay sao ?". Lúc ấy tôi không biết bài tùy bút do Thảo viết và đã được bọn con trai không ngớt lời ca tụng. Tôi không ngần ngại chỉ ra chỗ xoàng xĩnh của bài viết. Thảo nghe xong không hỏi gì thêm, ngoài việc muốn biết tôi học lớp nào. Hôm sau Thảo đến lớp tìm tôi và thản nhiên trao cho tôi một bản thảo. "Đọc xong cho Thảo biết ý kiến nhá !", nói xong Thảo quay đi ngay trước khi tôi kịp nhận lời.
Từ khi quen với Thảo, tôi tự cảm thấy mình chững chạc hơn ra. Tôi đã có niềm kiêu hảnh ngấm ngầm những khi cùng Thảo đứng trò chuyện ở một góc nào đó trong sân trường, trước những cặp mắt nửa ganh tị và nửa thán phục của đám bạn cùng lớp ! Hẳn nhiên, tôi không nói cho Quỳnh biết tôi quen với Thảo và tôi dấu mọi người về việc tôi lui tới gặp Quỳnh vào mỗi sáng chúa nhật. Nhưng trong thành phố nhỏ bé ấy thì không có điều gì có thể giữ được lâu cho riêng mình. Một hôm Thảo hờn dỗi hỏi tôi:"Có phải Tuấn vẫn thường đến nhà cô Hoa để gặp Quỳnh ?". Tôi bối rối tránh ánh mắt của Thảo, cuối đầu khe khẽ gật. Thảo cười khẩy, giọng nói đầy mĩa mai:"Quỳnh lớn hơn Tuấn hai tuổi đấy, lại xấu, có biết không ?". Nghe Thảo nói về Quỳnh, tôi thấy lòng xốn xan kỳ lạ. Tôi ngẩn lên nhìn thẳng vào mắt Thảo, ương ngạnh đáp lại:"Biết chứ !".
Sau lần ấy, nhiều lần Thảo cố ý chạm mặt tôi nhưng vờ như không thấy. Tôi biết Thảo muốn tôi xuống nước, nói một lời xin lỗi hay ít ra cũng mở một nụ cười làm hoà trước tiên. Nhưng khi tôi nghỉ lại, thấy những lần chuyện trò với Thảo thật nhạt nhẽo, và thêm những lời Thảo nói về Quỳnh làm tôi nghỉ về Thảo khác hơn trước kia rất nhiều. Tôi cũng vờ như không biết Thảo làm mặt giận, im lìm như chưa từng quen biết với Thảo bao giờ.
o0o
Khi mùa hè trở lại với hoa phượng nở rộ trong sân trường, cũng là lúc tôi phải chia tay với Quỳnh. Cha tôi đưa cả nhà về một thành phố lớn, ở đó ông sẽ đảm nhiệm một chức vụ quan trọng mà ông hằng mong muốn từ nhiều năm qua. Lần cuối cùng gặp Quỳnh, tôi nói một cách khó khăn lời chia tay. Quỳnh nghe xong không nói gì cả, mắt nhìn ra khoảng sân nhỏ như mãi dỏi theo những chú chim sẽ đang nhẩy nhót cạnh chậu hoa quỳ. Một lúc sau Quỳnh đứng lên đi vào trong, rồi trở ra với với quyển sách dầy trên tay. Tôi nhận ra ngay quyển sách mà Quỳnh đã đưa cho tôi xem dạo nào, quyển sách mà tôi đã một lần chê dở. "Quỳnh tặng cho Tuấn". Một tay tôi đón quyển sách, tay kia tôi nắm lấy tay Quỳnh. Bàn tay Quỳnh khẽ rung nhè nhẹ trong tay tôi trong một khoảnh khắc đủ lâu để tôi cảm được nó mềm mại và ấm áp. Khi Quỳnh lặng lẽ rút tay về, tôi nói nhỏ:"Tuấn sẽ trở lại thăm Quỳnh".
Nhưng cuộc sống ở một thành phố lớn có rất nhiều cuốn hút so với một thành phố nhỏ ven biển, đã không để cho tôi có cơ hội trở lại thăm Quỳnh như tôi đã hứa. Tôi bận rộn với việc học, tôi háo hức chuẩn bị bước vào đời. Hết trung học, tôi thi đậu vào đại học và theo ngành kiến trúc. Vào năm thứ hai, tôi quen và yêu một cô sinh viên ban văn khoa. Tôi đắm mình trong tình yêu. Tôi nôn nao chờ đợi những buỗi hẹn hò cuối tuần, để cho nhau những lời tình tự và những nụ hôn đắm đuối. Tôi mãn nguyện với hiện tại và tràn trề hy vọng một tương lai tốt đẹp đang chờ đón tôi.
Nhưng cuộc tình ngỡ là trăm năm của tôi với cô sinh viên đài các ban văn khoa chỉ kéo dài không đến hai năm. Chia tay chỉ vì không hợp nhau nữa, đơn giản thế thôi ! Tôi ngồi lặng thinh nghe người tôi yêu nhẹ nhàn nói lời chia tay mà không buồn cật vấn hay trách cứ lấy một câu. Chỉ thấy lòng phiền muộn ! Và trong nỗi phiền muộn kéo dài, một hôm tôi chợt nhớ đến Quỳnh. Ý định trở lại thành phố nhỏ ven biển ấy để gặp lại Quỳnh lớn dần, ấp ủ trong trong lòng tôi. Nhưng tôi lại do dự, tôi lại đắng đo. Vì cũng như tôi, Quỳnh chắc hẳn cũng có một cuộc sống của riêng Quỳnh, một cuộc sống mà tôi tin là rất êm đềm và tôi tự thấy hổ thẹn khi nhận ra mình đã quá vô tình đánh mất thời gian và cùng với thời gian đánh mất là những cơ hội để gặp lại Quỳnh. Tôi đau buồn chấp nhận hiện thực, Quỳnh đã là dĩ vãng và tôi sẽ không gặp lại Quỳnh nữa !
Năm sau tôi ra trường với mảnh bằng kiến trúc. Cũng như bao nhiêu người khác, tôi cưới vợ, có vài đứa con, sống qua năm tháng đời tôi với những lo toan, những thăm trầm, những buồn vui lẫn lộn. Lần hồi, những kỹ niệm củ của đời người, dù muốn hay không cũng phôi pha trong lòng tôi theo ngày tháng. Thoảng có một lúc nào chạnh nhớ, cũng chỉ đủ làm gợn chút lưu luyến trong lòng, rồi thôi !
o0o
Và khi tuổi đời chồng chất, khi cuộc đời còn lại của tôi chỉ còn là những ngày dài cô đơn và tẽ nhạt, tẽ nhạt đến chừng như không còn làm cho tôi muốn sống thêm một ngày nào nữa, thì một hôm, tôi tìm lại được quyển sách của Quỳnh. Tôi cố nhớ đã trong thấy quyển sách lần cuối từ khi nào, trước khi nó bị bỏ quên cùng mớ sách củ. Nhưng tôi không còn nhớ nỗi, chỉ biết đã lâu, thật lâu lắm rồi, bốn hay năm mươi năm có hơn ! Tôi phủi bụi, lần mở trang đầu. Trên trang giấy ố vàng, nét chữ đề tặng của Quỳnh nhạt nhoà, có chỗ đã lem bẩn. Tôi đưa tay run rẩy lần theo nét chữ. Đột nhiên tôi thấy lại mùa hè rực rở của những năm tuổi nhỏ, thấy lại màu hoa phượng đỏ ối trước cổng của một cư xá yên tịnh, thấy lại những buổi sáng trời hanh hanh nắng trước sân nhà cô tôi cùng mùi hoa dạ lý thoang thoáng trong gió.
Tôi lặng lẽ gấp sách lại và lim dim mắt. Trong trái tim già nua của tôi tình yêu đầu đời hiện ra thật rỏ nét: Quỳnh và những trang sách thơm thơm mùi giấy !
Melbourne, tháng 8 năm 2006.
DK Loan