Cái cớ
Tác giả: Đỗ Thanh Vân
N hìn bó hoa. Lần này, trong ánh nắng xiên từng sợi vàng óng ánh li ti bụi mờ, Trung dường như cảm nhận được mùi hương dịu nhẹ theo gió lan tỏa vào đầu giường. Làn hương ấy hoang hoải quen thuộc khiến Trung thấy nhớ lại những ngày đã qua.
Thi thoảng người ta cần một cái cớ
Để tự an ủi rằng mình không cô đơn...
Trung thức dậy và nhìn thấy trên mé bàn làm việc gần cửa sổ một bó hoa hồng. Những bông hoa đỏ mịn màng ánh nhung lên trong vạt nắng xế ngày.
Bó hoa đấy là của ai?
Nếu là của Trung, thì ai là người đặt nó lên bàn?
Nếu chị Ba giúp việc là người đặt nó lên bàn, thì ai là người đã ghé qua nhà tặng bó hoa ấy?
Hay cũng có thể, chính người con gái ấy đã xin phép được lên tận phòng Trung, lựa ngay lúc Trung đang ngủ lu bù sau trận nhậu tất niên, lặng lẽ để lại đóa hoa trên bàn, và cũng như lúc đến, lại lặng lẽ ra về.
Trung đăm đăm nhìn. Có lẽ chỉ là dư âm còn sót lại của giấc mơ nhòe nhoẹt đêm qua, nhắm mắt vào lần nữa và mở ra lần nữa, sẽ chẳng còn thấy hoa đâu. Trung nhắm mắt thiếp đi, rồi mở mắt ra. Bó hoa vẫn còn nằm đó, nghiêng nghiêng mềm mại, ánh dưới nắng. Có lẽ là hoa ai đó tặng anh bạn phòng bên, nhưng đưa nhầm sang phòng Trung. Nhưng rõ ràng Trung nằm ngay đó, nếu cô gái nào đó, có vào nhầm phòng, thì ngay lập tức có thể nhận ra và sửa chữa sai lầm ấy.
Hôm nay đâu phải ngày gì đặc biệt? Một ngày cuối năm bình thường hơn cả bình thường. Không phải ngày lễ. Không phải sinh nhật. Mà dù cho có phải đi nữa, chưa ai trong số các cô gái Trung từng quen biết có thói quen tặng hoa cho đàn ông. Hay là của một thằng bạn nào rỗi việc, muốn trêu đùa Trung? Cuối năm thằng nào thằng nấy bận bù đầu, nếu có rảnh thật, có lẽ chúng nó sẽ mua hoa đi tặng bạn gái, thay vì mất thời gian vô bổ với Trung như thế này.
Trung miên man nhìn bó hoa, trong tư thế nằm nghiêng vùi nửa mặt vào gối - chiếc gối mềm nồng mùi rượu và hơi đàn ông rất-riêng-tư, đến độ, chưa có cô gái nào trong đời Trung được phép ngả đầu lên. Toàn thân uể oải dễ chịu, hoàn toàn thả lỏng, có cảm giác rượu đã làm cho máu huyết trong người chảy ngược chảy xuôi dễ dàng hơn. “Anh uống rượu cho nhiều vào. Rồi chết sớm đi cho em nhờ!”, Thanh đã nói với Trung như thế, khi Trung gục đầu xuống bàn, khóc âm thầm đúng kiểu bất lực khi biết chẳng thể níu kéo nổi một thứ tựa tình yêu kéo dài ba năm. Phụ nữ luôn như thế, sâu sắc trong sự giản đơn, Thanh nhìn Trung đầy chán chường, vì thất vọng một người đàn ông đã từng rất mạnh mẽ, lại trở nên say sưa vô độ. Cho đến bây giờ, chẳng còn dịp nào, mà cũng chẳng có lý do nào để Trung nói với Thanh rằng: rượu, cũng như nước mắt, chỉ là một cái cớ để người ta trở nên yếu mềm hơn. Một cái cớ.
Hay là Thanh?
Trung bật cười trước chính suy nghĩ của mình. Thanh có lẽ đã quên Trung lâu rồi. Chưa kể nàng đang sống ở Đà Lạt. Không cô gái nào lặn lội một quãng đường xa chỉ để tặng một bó hồng cho anh chàng người yêu cũ, bây giờ vẫn đang cần mẫn bóc từng ngày lịch của đời độc thân vô lo.
Hay là Thảo? Cô thư ký của văn phòng làm việc ngay ở lầu dưới? Mỗi lần Trung đi ngang qua để lên phòng, Thảo vẫn nhìn Trung cười rất tươi. Hai đứa có đi cà phê đôi ba lần. Song chẳng đâu vào đâu. Nhưng, trong tâm tưởng miên man của mình, Trung tin rằng, chỉ có Thảo là cô gái duy nhất dễ dàng vượt qua được sự “kiểm soát” gắt gao của chị Ba giúp việc vốn tính thẳng ruột ngựa, chẳng nể nang ai bao giờ, để lên phòng Trung mà đặt bó hoa.
Biết đâu cô ấy đã nhìn mình một lúc lâu trước khi rời phòng? Trung thoáng đỏ mặt, thói quen rất phụ nữ ấy, lại khiến bao nhiêu phụ nữ xiêu lòng. Trung chưa bao giờ được nhìn thấy chính mình trong lúc ngủ say, ở một tư thế không thể che giấu sự thiếu thốn tình cảm và thèm khát một thân người nóng ấm, mềm mại, dịu dàng kề bên. Thảo đã nhìn mình như thế thật sao? Trung thấy mặt mình nóng thêm. Từ trước đến giờ, đối với mọi người, Trung bao giờ cũng cố chứng tỏ sự thoải mái phóng khoáng hết sức của cuộc sống đàn ông độc thân, chưa muốn bị ràng dây, cắt cánh; cho đến lúc cô gái nào đó, nhìn thẳng vào Trung trong cơn ngủ mê, thẳng thắn và trơ lộ ra mọi sự yếu đuối bình thường của con người, của tâm hồn, của những ước ao.
Nhưng Thảo không thích hoa hồng. Đã có lần cô nói với Trung: “Hoa hồng chỉ là thứ phù du bên ngoài của tình yêu. Mau tàn và còn hay bị cưỡng ép đông lạnh đến rũ cả cuống!”. Trung chưa bao giờ tranh cãi điều này, với bản tính nhường nhịn vốn có, Trung chỉ cho phép mình tranh cãi về những vấn đề Trung xem là quan trọng, và chỉ với người Trung thương mến.
Nhìn bó hoa. Lần này, trong ánh nắng xiên từng sợi vàng óng ánh li ti bụi mờ, Trung dường như cảm nhận được mùi hương dịu nhẹ theo gió lan tỏa vào đầu giường. Làn hương ấy hoang hoải quen thuộc khiến Trung thấy nhớ lại những ngày đã qua. Cuộc tình ba năm, Trung đã bao lần tặng hoa cho Thanh – bó hoa kết bằng hồng và lan, xen lẫn với lưu ly và lá thủy tùng – tràn ngập yêu thương và lãng đãng giữa một xứ sở lạnh đầy hoa. Những nụ hôn vụng trộm đâu đó bên chái nhà, men bên rừng thông, tan vào trong hơi ấm của sương non. Những khoảnh khắc ôm nhau thật chặt trong tay, tưởng như đôi lứa là điểm ấm áp duy nhất giữa Đà Lạt lạnh và buồn. Lúc ấy, Thanh nói: “Đời em chỉ cần có mình anh!”.
Rời khỏi không gian yêu đương giá lạnh, xuống thành phố phẳng lì trơ trụi toàn cao ốc, “Đời em chỉ cần có mình anh” trở nên lạc lõng và ngại ngần. Ở đây, người ta không yêu nhau vụng trộm bằng những nụ hôn đầy sương và những đóa hoa còn rỉ nhựa đầu cành. Đến khi Trung hoàn toàn ổn định và dứt khoát, nắm chặt đôi tay mềm bé nhỏ của Thanh trong tay mình, nói được lời nói sâu tận cùng của người đàn ông cần tình yêu, và thèm khát một mái ấm thực sự: “Đời anh chỉ cần có mình em!”; thì Thanh, bằng một cử chỉ nhẹ nhàng kiên quyết, rút tay ra: “Đây không phải là Đà Lạt anh biết không?”.
Trung chưa bao giờ thấy hối tiếc vì mình đã xa rời thành phố buồn lặng và thơ mộng đến lạnh lẽo ấy, nhất là, nhờ chuyến đi xa đó, Trung nhìn lại rõ hơn một mối tình quá yểu chẳng đủ sức tồn tại, như gốc cây non, đưa sang nơi khác, lập tức tàn lụi đi ngay. Nhưng thi thoảng, trong cuộc sống bộn bề, hay giữa phố ngày cuối tuần các đôi lứa tay trong tay, Trung vẫn da diết nhớ Thanh. Dù sao, đôi bàn tay của em rất mềm, và đôi môi em rất ấm. Đã có ai nói với em như thế chưa?
Nếu có Thanh ở đây lúc này, nàng sẽ bình thản cười: “Anh thử nhớ xem có cô bé nào thầm thương trộm nhớ anh không?”. Trung dụi đầu lần nữa vào gối chăn, hít thở hương thơm ngan ngát cả căn phòng. Những khuôn mặt con gái lần lượt điểm qua trong trí nhớ. Cái đầu trống hoác đến lạ lẫm. Cô văn thư ở cơ quan, hay cô bé cộng tác viên của nhà xuất bản? Cô bạn học chung lớp tiếng Hoa buổi tối, hay cô bé nào trong câu lạc bộ thơ văn vẫn gặp nhau dăm bữa nửa tháng một lần? Không ấn tượng. Không kỷ niệm. Chỉ là mơ hồ hoài nghi.
Hơi rượu còn nồng váng vất. Trung dứt khoát trở mình đứng dậy, xuống nhà dưới, đem theo đóa hoa, bỏ lại sau lưng cả một gian phòng đang bề bộn xô xệch chăn gối, sách vở.
Chị Ba đang ngồi nhặt rau, nhìn Trung đầy thương cảm: “Hôm qua tưởng chú chết ngoài đường rồi chớ! Về đến nhà là quăng xe lăn đùng ra, chị với thằng Hải phải lôi mãi mới lên được tới phòng”. Trung gượng cười, tay giơ bó hoa ra: “Chị ơi, ai đặt bó hoa này lên phòng em?”. Chị có tật đãng trí, gục gặc đầu: “Chị chớ ai!”. “Vậy ai đến đưa hoa cho em?”. Chị lại gục gặc thêm lúc nữa, điệu bộ khổ sở: “Hình như là một ông chạy xe ôm, đến đưa hoa rồi đi liền hà!”. Trung ngớ người. Chẳng còn thiết ăn uống gì nữa. Trung quay trở lên phòng, mặc kệ chị Ba hớt hải gọi sau lưng: “Không ăn cơm thì chết làm sao. Thằng kia!”.
Nằm trên giường, vắt tay ngang trán, Trung tự rủa mình. Có lẽ độc thân lâu quá nên mắc chứng hoang tưởng về sự đào hoa của mình cũng nên. Trời! Chỉ trong một quãng nằm ườn trên giường, với cảm hứng từ bó hồng chẳng biết nguồn cơn, Trung có thể nhớ đến bao nhiêu cô gái, phần lớn là đã từng quan trọng, hoặc chẳng quan trọng gì trong đời. Một duyên cớ vô nghĩa lý hết sức!
Điện thoại rung nhẹ báo tin nhắn. Hay là... Trung tự dưng thấy mình ngớ ngẩn hết sức khi hồi hộp lần mở tin nhắn. Tin của một thằng bạn ở quê: “Bọn khốn. Hôm nay sinh nhật ta mà chẳng thằng nào thèm nhớ. Chán đời quá!”. Nghĩ thế nào, Trung lại nhảy phốc xuống giường.
“Chị ơi, chị chịu khó nhớ kỹ lại giùm em người đem tặng bó hoa có dặn gì không?”. Chị Ba, vẫn với cung cách gục gặc đến sốt ruột, hết lắc đầu, lại ậm ừ. Độ chừng mươi phút sau, ra chiều vận dụng hết khả năng trí nhớ, chị nói vẻ dè dặt: “Không nhớ chắc, nhưng hình như có nghe người ta nói loáng thoáng... ơ... sinh nhật... hay là du lịch gì đó...”. Mặc chị Ba ngơ ngác, căn vặn: “Có chuyện chi mà chú hỏi rát vậy?”. Trung thử xâu chuỗi lại: thằng bạn, sinh nhật, du lịch, bó hoa... Cũng sau khoảng mươi phút đăm đăm, Trung chợt nhớ ra, trong một lần thằng bạn từ quê lên thành phố chơi, hai đứa đã cùng đăng ký đi tour ở một công ty dịch vụ lữ hành, đăng ký ngày tháng năm sinh, và địa chỉ tại chỗ Trung ở bây giờ. Hôm nay là ngày sinh nhật của nó, công ty áp dụng chiêu bài gửi tặng hoa lấy lòng khách hàng.
Trung ngồi thơ thẩn bên bàn làm việc. Trời đã xế chiều. Nắng và gió nhẹ. Bó hồng dịu dàng lan tỏa mùi hương ngai ngái cuối mùa. Chẳng hít sâu, mà sao bất chợt Trung thèm được thở dài. Phải. Một hơi thật dài. Một cái cớ để tự cười buồn cho kẻ giàu trí tưởng tượng thiếu vắng tình yêu.