Chuyện Trong Nhà
Tác giả: Đỗ Thành
Mỗi lần gặp mặt tôi, mợ thường đem chuyện của cậu ra kể lể. Ðã bao nhiêu lần tôi xin mợ tha cho tôi, vì chuyện của cậu là chuyện của người lớn, tôi có nghe cũng chẳng thể góp được lời gì vào. Thiết tưởng chỗ vợ chồng, điều vui điều buồn, có gì thẳng thắn chia xẻ với nhau tiện hơn. Mợ thì không nghĩ như thế, mợ bảo anh bây giờ cũng lớn bộn rồi, nghe được câu chi cũng nhận ra đâu là phải, đâu là trái; phương chi cậu anh với anh đều là cánh đàn ông, chắc khi vui tâm sự với nhau dễ đi đến sự thông cảm. Tôi ậm ừ cho mợ vui lòng, rồi mợ nói gì thì tôi cũng xin nghe, nghe mà để đó chờ một dịp nào tỉ tê với cậu.
Chuyện mợ than vãn về cậu không có gì gọi là lớn, chung qui cũng chỉ than là cậu lớn tuổi rồi mà vẫn ham vui, ít chịu để ý đến việc nhà. Hở ra là cậu đi miết, đánh bè đánh bạn, có khi tối mịt vẫn chưa chịu về. Ðôi khi lại còn say sưa, lè nhè nghe bắt mệt. Tôi định bụng sẽ có lần năn nỉ cậu cho theo để coi cậu đi đến những đâu, làm gì, rồi về thưa lại cho mợ yên lòng, nhưng cứ mở lời là cậu bác đi. Cậu thoái thác : chỗ tụi tao là đám bạn già ráo, gặp nhau là nói chuyện trên trời, sắp nhỏ tụi bay ngồi lâu chịu sao thấu. Nửa chừng đòi về là tao đâm mất mặt bầu cua với bạn. Thôi mày lo kiếm chỗ đồng trang, đồng lứa mà đến chung vui, đừng theo cậu, con à.
Mà lỗi cũng tại mợ tôi nữa. Giận cậu thì có giận mà thương thì cứ thương. Trăm lần như một, mợ cằn nhằn cửi nhử, vậy mà cậu ỏn ẻn xin mợ ký cho cái măng đa là mợ nói lẫy rồi vẫn đưa. Cậu gọi cái măng đa là giỡn cho vui, chứ vợ chồng giúp nhau chút tiền thì cần gì phải đưa nhau ra bưu điện mua chi phiếu chi cho thất công hổng biết. Mợ móc trong túi ra, ít nhiều hổng để ý, đưa tuột cho cậu, cậu cười ruồi với mợ, thế là lảng lảng đi.
Thời buổi khó khăn, ai tìm ra đồng tiền cũng khó. Huống chi bạn bè cậu đều là những ông bạn cùng lớp, cùng trường, lớn lên ra đời cùng chung đơn vị, đến lúc đi tù cũng lại cụng đầu nhau, thế nên bây giờ ai cũng như kẻ thất thời, gặp nhau cho đỡ buồn giây lát.
Các ông kể lể với nhau chuyện người chuyện ta, chuyện to chuyện nhỏ, chuyện tào lao chẳng có đuôi đầu, gọi là ru cõi lòng nhau giữa cuộc đời thê thảm. Ðôi khi có ai nghe lỏm được ở đâu điều gì đó thì lại rỉ tai phổ biến cho nhau, người tin, người ngờ, rồi chuyện đâu bỏ đó.
Giá như ngày trước, các ông gặp nhau mà suông tuột như hồi này chắc là các ông không trụ nổi. Nhưng bây giờ mà kiếm cho ra chai rượu để nhâm nhi tưởng còn khó hơn tìm đường về thiên giới. Thôi thì ông nào có được món gì, đem theo món ấy, củ khoai, nhúm trà, cái bánh, thanh kẹo rồi họp nhau rỉ rả đốt thời gian. Thản hoặc có ông chẳng tìm ra món chi thì bạn bè gặp nhau vẫn hoàn toàn bình đẳng, chứ không so sánh, cằn nhằn.
Cậu tôi vui bè vui bạn như thế, song chẳng hôm nào vắng nhà. Một phần tại ngán tay khu vực nghi là tính chuyện mờ ám nên nhất thiết dù có trễ tới đâu thì tối cũng cố mà lết về. Mợ nấu ăn, có khi chờ hụt hơi không thấy bóng cậu nên một mình ngồi nuốt cơm, mãi đến khi cậu về lại trách : nhà có hai người, kẻ ăn trước, người ăn sau, sao chẳng chờ nhau lấy thảo. Mợ hấm hứ : ở đó mà chờ, biết ông về khi nao mà đợi. Nói thì nói vậy, nhưng cậu vừa ngồi vào bàn là mợ đã đon đả bưng thức ăn ra. Cậu ăn, mợ ngồi gắp món này món nọ, hỏi đẩy đưa cho cậu vui lòng.
Ăn rồi, mợ lo dọn dẹp thì cậu đi làm phận sự của cậu. Cậu rũ giường chiếu, giăng mùng rồi ra mời mợ đi nằm. Cậu ê a hát mấy câu, chừng quay lại hỏi chi đó thì mợ đã ngủ mất. Cậu lắc đầu nhủ : đàn bà ngủ dễ thiệt.
Chuyện trong nhà cậu mợ tôi cứ tới lui như vậy. Nghĩa là có một chút không vừa lòng, có một chút giận hờn, có một chút chê trách nhau, có một chút dỗi ghen, nhưng tuyệt nhiên không vì thế mà tính việc xa nhau cho được. Tôi đến chơi thấy vậy cũng mừng, nhất là đầu trên xóm dưới đã có dăm đám vợ chồng bỏ nhau vì chê bai cảnh đời cùng cực, cậu mợ tôi vậy mà vẫn sống được với nhau là hạnh phúc lắm rồi.
Có một dạo tôi ít ghé thăm cậu mợ. Công việc lu bu khiến tôi mở mắt không ra, còn thì giờ đâu mà đi đây đi đó. Vậy rồi hôm đó bất chợt làm sao tôi lại tạt bước qua. Cậu đang ngồi ăn cơm, mợ kề bên quạt cho cậu. Lỡ bước vô, tôi định lui ra để tránh cậu mợ mất tự nhiên trong cảnh hạnh phúc bên nhau. Nhưng không còn kịp, cậu đã nhìn thấy gọi tôi vào. Mợ vẫn điềm nhiên quạt cho cậu như chẳng có sự e lệ xảy ra. Cậu bảo tôi : chừng nào cưới vợ ráng kiếm một người như mợ nghe con. Bà có giận hờn gì đi nữa thì rồi cũng thứ tha coi như huề. Vợ chồng như bát nước đầy, đói no cùng chịu, vui vầy cùng chia. Sắp nhỏ tụi bay bây giờ lí la lí lắc, bặp vô nhau tưởng một dạ bên nhau, dè đâu một người lỡ sa cơ thất thế là kẻ kia vội đánh bài chuồn. Mày thấy đó, cậu hư biết mấy mà mợ nào có xa cậu được đâu.
Tôi thấy mợ đưa tay nhứ nhứ, song chỉ nhứ vậy thôi chớ không thấy đụng vào đâu. Rồi mợ cứ xuýt xoa : ông làm như ngon dữ. Bữa đó, tôi ở chơi nhà cậu mợ tới khuya. Cậu cứ nhẩn nha ăn, còn mợ cứ đổi tay quạt cho cậu liên hồi. Ðến khi cậu ăn xong, mợ lại bày bàn trà ra để cậu mợ với tôi ngồi uống. Cậu lấy cây đàn cò ra kéo í o, mợ vẫn quạt cả cho cậu với cho tôi. Cậu vừa kéo đàn vừa hát : đêm qua có lũ cò về, bay trên đồng ruộng rủ rê bạn tình. Trăng nhìn trăng cũng lặng thinh. Cò than vãn lấy cuộc tình lẻ loi… Tôi bạo dạn góp ý kiến : cậu hát câu nghe buồn quá. Cậu hỏi lại tôi chứ mày thấy vui nỗi gì, chỉ cho cậu coi. Rồi cậu quay quay cái đầu như hất cái sầu nào đang len lỏi đến. Mợ thấy cậu lắt lay sầu, mợ vội quạt nhanh tay hơn, rồi mợ lấy cái khăn lau lên trán cậu. Lúc đó tôi thấy cậu như người thất thần. Cậu thở dài nặng nhọc, nói bâng quơ mà nghe cay đắng làm sao.
Trời không trăng nên ánh đèn leo lét trông không thực. Chốc chốc tia sáng soi chỗ này chỗ khác trên mặt cậu, tôi thấy như có những vết lồi vết lõm cùng ở khuôn mặt này. Tôi nhìn cậu rất sâu, cậu càng đưa cái nhị nhanh tay hơn, tiếng đàn càng thêm réo rắt. Cậu nghiêng cái đầu như theo dõi tơ đàn, lâu lâu thở ra như trút đi niềm xót xa cay đắng. Mợ tôi và cả tôi cùng nín lặng chờ. Tôi đoán trong lòng cậu đang có những cơn sóng trào lên như bão tố. Nhưng cậu vẫn cứ đàn, tiếng đàn càng hung hăng như gió dồn vào đẩy sóng tăng thêm sức mạnh. Mợ tôi thẫn thờ nhìn cậu như người đang nhập cơn đồng thiếp múa may. Sau cùng thì tiếng thở dài của cậu bật ra khi cung đàn bật lên một nấc cao nhất và tắt lịm. Tôi thấy mồ hôi vã ra nơi trán cậu lấp loáng theo ánh đèn.
Ðó là lần duy nhất tôi gặp sự xuất thần nơi cậu khi đem tâm sự dồn vào tiếng đàn nhị giữa đêm. Tôi chợt hiểu ra tại sao trong con người cậu tôi có những đổi thay mạnh bạo đến vậy. Chả trách gì mợ tôi không làm sao xa nổi cậu, dù cho cậu có lỗi lầm đến thế nào đi nữa.
Tôi ở nhà cậu mợ về, dù trời rất trong, lại có gió, mà vẫn thấy mình ngột ngạt. Tôi đi mang theo tiếng đàn nhị của cậu. Lềnh bềnh câu hát của cậu quấn quít bước chân tôi : ta về đàn chẳng xa ta, ta về đôi mắt nhẩn nha nhìn vào. Thương em số phận ba đào, đàn ta thánh thót, em nào có vui. Cùng em xa vắng nụ cười, tình ơi xa cách một đời cực chưa…
Vâng cái cuộc đời cực chưa đó nó đã vương vấn tôi từ ngày tôi xa cậu. Mỗi lần nghe ai đàn, tôi lại thấy bóng cậu nghiêng đầu kéo cái nhị hôm nao. Nhưng cậu thì không còn nữa. Mợ tôi giờ đây còn có ai đàn để cho nghe khúc tương tư mà nhớ đời.
Bởi vậy tôi cứ thương cho mợ tôi lấy phải người có tâm hồn nghẹ sĩ nên đã dám quên đi để lo trọn đời chồng.