Tháng Bảy Nhớ Mông Lung
Tác giả: Đỗ Thành
T rời Cali tháng 8 dương lịch. Nóng không ra nóng, lạnh chẳng ra lạnh. Một tí mùa thu giăng giăng vào buổi sáng, cái nòng ngột ngạt kéo đến buổi trưa và những cơn gió đùng đùng rớt ở buổi chiều. Mưa rất vắng, vắng từ đầu năm tới tận bây giờ. Cho dẫu có lác đác rơi thì đường chưa ướt nước đã tắt ngóm ngay. Có buổi sáng tinh sương, Cali loang loáng nước. Người xa quê chợt băn khoăn không rõ đêm qua có giọt mưa rơi hay sương sớm chưa kịp tan nữa vậy.
Dương lịch là tháng 8, âm lịch vẫn lai rai dềnh dàng chớm tháng 7. Tháng Bảy nhớ mông lung, nhớ về một quê hương đã mất, nhớ về một mẹ đã không còn. Vu Lan mùa nhớ mẹ, nhớ bát cơm hóa than con dâng mẹ mà mẹ không nuốt nổi. Đường vào ngục A tỳ phải nhờ bao nhiêu vị tiếp độ mới trục được mẹ ra khỏi trầm luân.
Ngửa cổ trông mưa, mưa vẫn đủng đỉnh nơi đâu chưa ghé lại. Bài hát nhà kế bên vẫn bỏ quên chưa tắt, nghe vang vang trời chưa mưa, em cứ lạy trời mưa. Quê tôi gọi mưa quá nên tràn đìa giông bão, chẳng năm nào thiếu lụt lội tử vong. Vòng khăn tang năm qua chưa kịp gỡ thì năm nay lại quấn thêm một mảnh nữa lên đầu. Cha khóc con, vợ khóc chồng, tuổi già khóc lá xanh, người yêu khóc người yêu giã biệt.
Tôi nhớ mẹ tôi của thủa ngày xưa. Tháng 7 đến, mẹ lo sửa lễ để chuẩn bị đi cúng các chùa. Mẹ chưa qui y tam bảo, nhưng lòng mẹ ngùn ngụt tín, hạnh, nguyện. Mẹ ngửa mặt trông trời, không trách cha bỏ nhà ra đi để mẹ một nách mấy đứa con. Mẹ âm thầm nhẫn nhục nuôi con, chăm chút từng ngày, mong một mai lớn lên các con khỏi làm thân ăn nhờ ở đậu.
Tất cả những người thân trong gia đình tôi khi mất đi, mộ đều chôn ở nghĩa trang Bắc Việt. Con đường vào phải qua một trạm gác của bộ TTM, nhưng anh lính thấy cảnh mẹ con lôi thôi lếch thếch, cũng chẳng hỏi han mà lẳng lặng dở cổng cho qua. Mẹ dẫn các con vào chùa lễ Phật rồi vòng ra phía sau đến dọn mộ khấn thầm. Mẹ cầu gì lâm râm trong miệng, mẹ cầu cho mình, cho các con hay cầu cho người đã đi xa.
Tâm địa mẹ là tâm địa bồ tát. Mẹ có thể nhịn ăn, nhịn mặc để chia xẻ cho những người túng thiếu quanh mẹ. Có lần tôi hỏi mẹ vì sao làm như thế. Mẹ cười bảo có gì đâu, mình đủ thì nghĩ đến người khác một chút, thế thôi. Tôi lại hỏi con nghe người ta nói bố thí nếu có gây phúc thì cũng được một tẹo thôi, mẹ nghĩ thế nào về ý này. Mẹ bảo có người làm việc này hay việc nọ là để tạo duyên, tạo phước gì đó, còn mẹ làm rất âm thầm là chỉ mong có được một nụ cười khi nhìn thấy họ cười với mẹ thôi.
Chôn cất người thân ở một nơi, song mẹ lại sửa lễ ở một nơi. Ngôi chùa mẹ thường đến ở ngã năm Bình Hòa Gia Định. Thời đó Gia Định với Saigon còn như xa vời vợi, mỗi lần đi mẹ lo lắng hằng mấy ngày trước. Mẹ dặn tôi sang hẹn với chú Ba xe ngựa để chắc chắn xe của chú dành riêng chở gia đình. Mẹ sai chị đi chợ mua hương hoa trái cây và rửa phơi khô ráo từng thứ.
Ngày đi chùa, chú Ba thường cho tôi ngồi thõng chân nơi càng xe, lại trao giây cương và roi cho tôi điều khiển ngựa. Chú tróc tróc giật cương cho xe chạy, rồi dạy tôi cách cầm dây và roi giữ cho ngựa ruổi dong. Chú dặn đừng đánh ngựa, lâu lâu chỉ nhịp nhịp vào mông nó thôi, thả lỏng cương cho nó đi thong thả. Muốn quẹo mặt thì kéo mạnh dây phía hữu, muốn rẽ trái thì làm y như thế với sợi dây bên trái. Tôi ngồi đánh xe, mẹ gật gù khen.
Khóa lễ tháng 7 ở Bình Hòa kéo dài đến ba đêm. Mẹ và các con đến nơi, mẹ để chú Ba về lo việc đưa đón khách, nhưng dặn lên đón khi lễ dứt. Ba ngày đêm mẹ dự đủ các buổi lễ và nguyện. Bọn tôi ngồi sốt ruột nên lảng chạy nhung nhăng ra sân. Chỉ có giờ cơm là mẹ tìm cả lũ bắt vào thời chay, tuy các con không thích các món lạt, nhưng vì mải đùa nghịch bụng đói nên ăn cũng ngon ngon.
Chỉ buổi tối, trời bên ngoài tối mò, bọn nhỏ tụi tôi sợ ma mới ở lại bên trong chùa nghe pháp. Lời thầy giảng ào ào, êm êm khiến chị em tôi liu riu ngủ hồi nào không biết. Mẹ ngồi xếp bằng, hai đùi mẹ lềnh khênh là cái gối êm cho mấy đầu chị em tôi. Bọn nhỏ ngủ giữa tiếng rì rào dịu dàng của những lần đọc kinh hay cầu nguyện. Tiếng khánh, tiếng chuông, tiếng mõ lung linh bay lồng lộng giữa ánh đèn đêm nơi chánh điện.
Tối mười bốn chùa lập đàn cắt kết giải oan cho những chúng sinh đọa ngục A Tỳ. Đàn lung linh giữa những hình nhân treo vòng quanh cùng những lá phướn phất phơ trong gió. Mùi hương nghi ngút tỏa, nến cháy bập bùng, mùa Vu Lan cô hồn uổng tử tập trung về đàn chờ bố thí và giải oan. Bóng các thày chạy đàn ríu rít, mẹ và đại chúng chạy theo lướt thướt trong đêm. Tất cả dồn tâm lực để hồi hướng cho những người không may đọa địa ngục. Tôi nhìn vẻ thành khẩn của mẹ như hình dung của một Mục Kiền Liên đang cố cứu mẹ thiết tha. Tôi ước gì lòng bao la của mẹ cũng góp được một chút để bà Mục Liên thoát khỏi tội.
Tháng 7 nhớ vô cùng, nhớ mông lung về một thời đã mất. Mất tuổi thơ, mất Saigon, mất Mẹ, mất cái nghĩa trang Bắc Việt, mất Bộ TTM và cũng chẳng hiểu liệu ngôi chùa Bình Hòa đã mất luôn hay còn nữa. Tháng 8 dương Cali nhớ tháng 7 âm Saigon, những chiếc xe thổ mộ giờ hoàn toàn mất dạng. Hôm vừa rồi vào vườn Nhật chợt thấy một bánh xe gỗ cũ kỹ đặt dựa cạnh một ngôi nhà. Hình như đó là một trang trại ngày trước và bánh xe là thứ còn sót lại của vật ngày nao người ta dùng chở rơm, chở thóc nuôi thân.
Ôi, bàn tay thời gian vốn vô tình và tàn nhẫn. Những nhát vung lên xóa nát hình bóng của một thời. Ngày còn ở bên nhà, tôi ước gì có người đi gom tất cả những vật đã mất hoặc sắp mất để đặt vào một viện bảo tàng quốc gia. Để mai sau tuổi trẻ còn nhớ về cuộc sống của thế hệ hôm nay. Sẽ có ngày đứa bé nghe chuyện cái xe thổ mộ mà không sao tưởng tượng ra hình dung của vật đang được nói đó. Sẽ có ngày cháu chắt ta nghe về cái roi ngựa mà ngơ ngác chẳng biết nó ra sao. Còn nói chi hình ảnh ông thợ làm bánh xe ngồi gò từng chiếc nan gỗ để hoàn thành bánh xe ngựa, lại niềng thêm đai kim khí bên ngoài, ôi hoàn toàn mông lung như nỗi nhớ.
Tháng 8 trời Cali vẫn khát khô, chưa có một trận mưa. Cái máy hát nhà kể trên vẫn nhai đi nhai lại trời không mưa, em cứ lạy trời mưa. Gọi mưa về để làm gì. Lụt lội thế chưa đủ sao. Tsunami, giông bão, nước dâng khắp nơi : Bangladesh, Ấn Độ, Nam Dương, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật hàng bao nghìn người chết, mất nhà mất cửa, bụng đói, chưa đủ sao. Lại mới đây, ngay tại đất nước giàu có và văn minh này, lụt cũng đã sơi tái luôn suốt từ Minnesota, Wisconsin, Oklahoma, Missouri, nước ngập vậy chưa ngán sao mà còn “ lạu trời mưa xuống “ ?
Ngày xưa, đã bao lần tôi khóc vì lời hát : quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn. Bây giờ hằng năm nghe đây nghe kia quê nhà lụt lội. Người ta có thể bỏ ra hàng nghìn mỹ kim để thi nhau uống những chai rượu ngoại song lại rất cò kè khi cứu trợ đồng hương. Tàn tệ nhất là ong óng xin các nơi giúp đỡ để rồi tiền về thì chia xẻ cho nhau, dân khốn khổ ngửa cổ trông hoài không thấy.
Cái ý nghĩ cầu mong có một viện bảo tàng văn hóa chắc là thiên thu vô vọng. Đã mất lâu rồi cái xe kéo (có nơi gọi là xe tay), xe thổ mộ, xe cá. Đã mất lâu rồi những bễ lò rèn làm bánh xe gỗ, xe sắt. Tương lai rồi cái xe Lam cũng sẽ bị phế thải rất nhanh. Còn gì nữa đâu để mà thương mà nhớ.
Bây giờ người ta trầm trồ vì những danh từ kêu chói lói. Người ta hân hoan với thương xá, công viên, hí trường và những trò vui hào nhoáng trong khi người dân oan khiếu kiện khắp nơi. Đất nước tôi sao lê thê nỗi buồn, lận đận miếng cơm manh áo đến vậy nhỉ. Tháng 8 Cali, tôi làm thân xa quê hương ngong ngóng nhìn về trời bên kia quả đất. Núi trùng trùng không thấy nổi gì đâu, nhưng lòng sao đau như cắt.
Nhớ mông lung, nhớ thấm thía vô cùng. Mùa Vu Lan âm lịch gánh rổ cơm xiếu mẫu cố lên chùa để bố thí chúng sinh. Không mong được chút phước mà chỉ mong hồi hướng cho chính những người quanh mình. Cầu tất cả độ được nhau qua biển khổ trầm luân. Để sớm liễu thoát sinh tử mau về cõi Phật, sớm bỏ buông phiền não mà lìa dứt nợ trần. Còn Cali có mưa, chưa mưa, hay khi nào mưa, đó là việc của tạo hóa.
Đỗ Thành