watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Những ngày tươi đẹp-Chương 5 - tác giả Đoàn Thạch Biền Đoàn Thạch Biền

Đoàn Thạch Biền

Chương 5

Tác giả: Đoàn Thạch Biền

Nhờ sự săn sóc tận tình của Ngọc, ba ngày sau tôi đã khỏe mạnh. Sáng chủ nhật, ăn điểm tâm xong tôi quyết định không nằm nhà chờ cô bé nữa. Tôi cần phải đến thăm dì Phong, ăn "vớt vát" hai bữa cơm có gà vịt để bồi bổ thêm cho sức khỏe. Khi qua nhà bác Năm dặn khỏi nấu cơm cho tôi ngày hôm nay, tôi không nhìn thấy Ngọc, có lẽ nàng đi trực ở nhà thương.
Muốn đón xe lam đến nhà dì Phong, tôi có thể đi băng rẫy ra ngoài quốc lộ đứng đợi xe. Nhưng thường những chuyến xe đó đông nghẹt khách và may mắn lắm tôi mới tìm được một chỗ ngồi trên mui. Để chắc ăn, tôi đi bộ dọc theo bờ biển. Vào phố có bến xe lam và tôi sẽ tìm được dễ dàng một chỗ ngồi thoải mái trong khoang xe. Sáng nay, nước biển dâng cao. Những ngọn sóng bạc đầu từ xa ùa đập vào bờ, bọt bắn tung như làm mưa bụi. Tiếng sóng gầm ầm ĩ nghe vui tai. Có thể hôm nay là ngày biển động. Những con chim màu nâu nhạt bay lượn uể oải trên không, đột nhiên lao nhanh xuống mặt biển xanh thẫm kiếm mồi rồi lại bay lên, đúng vào lúc những cơn sóng ùa đến tưởng đã phủ chụp lấy chúng.
Trời trong sáng, không một đám mây, dấu hiệu của một ngày nắng ráo, nhưng thời tiết ở miền biển khó mà đoán trước vì thường thay đổi bất ngờ. Những đám mây từ phương xa có thể kéo đến quần tụ trong chốc lát và rồi cơn mưa sẽ đổ xuống ào ạt.
Phải khum tay che gió quẹt một lúc ba que diêm, tôi mới châm được điếu thuốc. Tuy bước đi chậm rãi trên bãi cát lún, tôi cũng đã làm kinh động những con chim bay vụt lên từ những bụi cây bồn bồn, lá dày nổi gân trắng và hoa màu tím nhạt khôang hương. Chẳng cần dùng ống nhòm, tôi cũng nhận ra bóng người từ xa đi đến chính là cô bé. Tôi mùng rỡ quẳng điếu thuốc chạy thật nhanh đến gặp em.
Hôm nay, cô bé mặc áo pull màu trắng bỏ trong quần jean màu xanh. Vai em mang một túi vải màu cờ Pháp và em thắt một chiếc khăn quàng cổ màu đỏ rực. Hai giải khăn bị gió thổi tung lên, quấn vào mái tóc đen dài trông thật đẹp mắt.
Gặp cô bé, tôi định cất tiếng chào trước, nhưng nói chẳng ra hơi, vì đã chạy trên cát lún mệt đừ. Cô bé cài chiếc kính màu vàng nhạt lên mái tóc và hỏi:
- Ông chạy đua à?
Tôi gục gục đầu.
- Phải... Phải... Tôi vừa chạy đua với cái bóng của tôi.
- Để làm gì vậy?
- Xem ai gặp em trước.
- Vậy ông thua cuộc rồi.
Tôi chỉ cái bóng in trên cát sau lưng mình.
- Sức mấy mà thua. Nó còn ở sau lưng tôi.
Cô bé chạy vòng ra phía sau lưng tôi và khi tôi quay lại, cái bóng của tôi đã in lên người em. Cô bé nói:
- Ông thấy chưa. Cái bóng của ông đã thắng cuộc, vì chính nó bắt được em.
Tôi cười lắc đầu chịu thua tánh khôn lanh ma giáo của cô nhỏ.
- Em đi đâu mà mấy ngày nay tôi không gặp em ở ngoài bãi biển? Ngày nào tôi cũng đợi em đến uống cà phê.
- Em cũng muốn đến thăm ông, nhưng nghĩ để ông yên tĩnh học nên thôi. Em nhớ thời khóa biểu của ông ghi nghỉ ngày chủ nhật nên hôm nay đến thăm ông. Còn ông định đi đâu sáng nay?
Nói xạo luôn luôn có lợi và chẳng làm ai chết chóc bao giờ, nên tôi mạnh dạn nói:
- Nhớ em quá, tôi định xuống phố tìm gặp em.
Cô bé cười.
- Ông xạo ghê. Ông biết nhà em ở đâu mà đi tìm?
- Tôi đi tìm cầu may vậy mà. Chúa đã dạy "Hãy tìm sẽ thấy". Nếu cứ nằm lì ở nhà làm sao tôi gặp em được.
- Cứ nằm lì ở nhà, ông lại gặp em dễ dàng hơn.
Tôi trợn mắt hỏi:
- Sao kỳ cục vậy?
- Je suis "où" je ne suis pas. Em có mặt ở nơi mà em vắng mặt.
- Đấy có phải là câu "Thần chú" tôi cần đọc để gặp em?
- Không. đây là câu thơ của Jacques Prévert, ông cần nhớ để hiểu em.
- Bây giờ em về nhà tôi hay đi uống cà phê?
- Thôi khỏi: Sáng nay, em định đến rủ ông đi picnic. Chúng ta sẽ đi tới một nơi xa lạ rong chơi suốt ngày. Em có mang theo đồ ăn trưa trong túi này.
Cô bé giơ cao cái túi vải căng đầy cho tôi thấy.
Tôi nhanh nhẩu nói:
- Vậy để tôi đi mượn chiếc xe Honda của cậu em, chúng ta sẽ đi chơi suối Vĩnh Hảo.
Cô bé nhăn mặt.
- Dẹp cái xe Honda của cậu em ông đi.
Tôi nghĩ mình thật dại dột, khi không nhắc đến cậu em là quái gì để cô bé giận lây sang tôi. Không biết phải "thanh minh, thanh nga" thế nào cho hợp lý, tôi bèn xuống giọng năn nỉ.
- Em đừng giận tôi nghe.
Cô bé trợn mắt nhìn tôi như con cọp sắp vồ mồi và vì "phản ứng tự vệ" tôi đã vội nhảy lùi ra sau một bước.
- Giận ông? Tại sao em phải giận ông?
- Vì chuyện cậu em tôi đã đối xử hỗn với em.
- Ô, ông đừng quan trọng hóa chuyện đó quá. Đó chỉ là chuyện nhỏ nhặt. Nếu ông hiểu rõ em, ông sẽ biết tại sao em khônng có thì giờ để ý đến chuyện nhỏ nhặt.
Chúa ơi, tôi đã hiểu lầm cô bé rồi. Tôi đâu có ngờ em có tâm hồn cao thượng dữ vậy? chắc còn lâu tôi mới hiểu rõ em vì tâm hồn tôi là một mảnh đất đen cằn cỗi còn thấp bé hơn mặt biển, làm sao có thể gặp được tâm hồn em là một đám mây trắng phiêu bồng trên cao?
Đi bộ băng qua những rẫy dưa, đậu phụng, khoai mì của thiên hạ, chúng tôi đến một nơi đầy những đồi cát trắng xóa. Chẳng có cây cỏ nào mọc ở vùng cát này. Mặt cát phẳng mịn chỉ có dấu chân của gió đã để lại những dấu vết như gợn sóng. Nắng chói chang trên những đỉnh cát cao ở phía xa, thỉnh thoảng có những cơn gió thổi, cát ở đó bay mù trông như một lớp sương trắng mờ đục.
Đứng trước cảnh bao la đến rợn người, tôi bật tiếng kêu rú lên khiến cô bé giật mình bịt chặt hai tai, khi tôi ngừng tiếng rú, mặt em còn tái xanh. Tôi đặt tay lên vai em trấn an và nói xin lỗi. Cô bé gượng cười.
- Ông làm em sợ hết hồn. Ông hay "lên cơn" ẩu vậy sao?
Tôi cười.
- Có lẽ thú tính trong tôi còn nhiều, tôi cần phải cố gắng hơn nữa mới trở nên con người.
- Ông tuổi con cọp?
- Tôi tuổi Taureau. Nào chúng ta leo lên "động cát" chơi.
Tôi nắm tay cô bé chạy trên mặt cát lún đến mắt cá chân. Cát vào giày làm chúng tôi khó chịu phải ngùng lại. Tôi tháo đôi giày da "sần" ra khỏi chân, cột chung với Bata của cô bé rồi đeo cả hai đôi giày quanh cổ. Tôi nắm tay cô bé tiếp tục chạy lên đồi cát.
Cát em trượt dưới bàn chân trần của tôi. Nhột nhạt, thích thú. Tôi có cảm tưởng mình đang chạy trên một thảm nhung. Trong khi chạy chẳng thấy mệt nhưng lên đến đỉnh đồi cả hai đều đứng ôm ngực thở không ra hơi. Trước mẳt chúng tôi những đồi cát quây lại thành vòng tròn và tạo thành một "thung lũng cát" ở giữa. Cát dưới đó có màu tím nhạt.
Đứng trên đồi cao tôi có thể nhìn thấy biển màu xanh ở phía trước những đồi cát, sau lưng tôi, tiếp giáp với núi là rừng cây màu xanh thẫm. Cô bé nhìn tôi nói:
- Ông nói "động cát" ở chỗ nào đâu, sao em không thấy?
- Em đang đúng trên nó thôi.
Cô bé không tin, hỏi:
- Ông nói "động cát" nằm ở trong đồi cát này? Em có thấy đường nào dẫn vào "động cát” đâu? Vậy làm sao người ta có thể đi vào đó được?
Tôi giải thích.
- Em hiểu lầm rồi. Lần đầu nghe tiếng "động cát" tôi cũng tưởng đó là hang động do cát tạo nên giống như Grotte bằng đá. Nhưng sau đó tôi mới biết người miền này gọi là “động cát" vì cát ở đây di động. Năm nay chúng nằm ở chỗ này, nhưng sang năm chúng bị gió thổi, di chuyển đến nằm ở một chỗ khác. Còn "đồi cát" thì đứng yên vì cát ở đó biến thành đất, có cây cỏ mọc giữ cho cát không bị gió thổi đi.
Cô bé gật gù.
- Vậy muốn đi vào "động cát" mình phải chờ đợi đến khi nào chết mới được người ta chôn vào đó.
Tôi cười.
- Nếu em nôn nóng em có thể tự bới cát đi vào "động cát" ngay bây giờ cũng được.
Cô bé lắc đầu.
- Em khônng cần phải nôn nóng vì đã có vé trong tay.
- Vé gì?
- Vé đi vào cõi chết.
- Dẹp chuyện chết chóc hắc ám đó đi. Tôi tiếc đã không đem máy ảnh để chụp cảnh em đang đứng trên "động cát" lúc này, trông đẹp vô cùng.
Cô bé cười.
- Ông không nên tiếc làm gì. Những tấm ảnh rồi sẽ nhạt nhòa, chỉ có kỷ niệm trong đầu là tươi đẹp mãi.
Một cơn trốt đột nhiên ở đâu ào đến, xoay tròn quanh chúng tôi. Cát bay lên mù mịt. Cô bé loay hoay cúi đầu né cho cát khỏi tạt vào mặt và vô tình em lùi dần đến triền động cát. Tôi cố hét lên coi chừng nhưng gió đã tạt cát vào miệng mũi khiến tôi chẳng nói ra hơi. Cô bé bị gió thổi mất thăng bằng, ngã lăn trên triền cát dốc. Tôi vội phóng người theo chụp giữ em lại.
Nhờ đà phóng đi nhanh, khi rơi xuống triền cát, tay tôi đã chụp trúng vai cô bé. Tôi vội dang rộng tay chân, bấm sâu xuống cát để làm giảm độ rơi, nhưng triền cát quá dốc và trơn trượt dưới sức gió đẩy khiến chúng tôi rời nhau và lăn xuống nhanh. Lăn xuống rất nhanh.
Đầu óc tôi quay cuồng chẳng còn hay biết gì. Tôi nhắm mắt để cát khỏi lọt vào và nghe rõ tiếng lùng bùng của những hạt cát trong tai. Bị hất văng đi một đoạn xa, rơi xuống, tôi nằm im ê ẩm cả người. Mắt vừa hé mở, những hạt cát ở mí mắt, chân mày rơi xuống, tôi phải nhắm mắt ngay lại. Chà xát hai tay lên lên phủi những hạt cát dính quanh mắt.
Trước mắt tôi là một màu tím nhạt mênh mông. Như vậy tôi đã rơi xuống đáy thung lũng cát. Cách tôi khoảng năm thước, cô bé nằm sấp người, chân tay xoải rộng. Tôi vội chống tay bò đến gần em.
- Nhỏ, em có bị thương không?
Cô bé lắc đầu. Tôi đỡ em ngồi dậy, móc túc quần lấy khăn tay giũ sạch cát rồi phủi nhẹ nhàng những hạt cát ím nhạt bám trên khuôn mặt em. Mắt vẫn nhắm chặt, em hỏi:
- Ông cảm thấy thế nào?
- Tôi hoàn toàn không bị thương.
- Em muốn hỏi ông khi rơi xuống, ông cảm thấy thế nào?
- Tôi hơi chóng mặt.
- Còn em khi rơi xuống, em cảm thấy rất êm dịu, ước gì em cứ rơi xuống mãi. Nếu chết cũng như là rơi xuống, em khôing còn sợ hãi cái chết nữa.
Tôi thắc mắc không hiểu vì sao cô bé này hay nói đến chuyện chết chóc quá vậy. Phải chăng em đã bị một điều gì đen tối ám ảnh?
Nhưng nghĩ đến chuyện chết chóc chẳng hay ho gì, tôi nói lảng sang chuyện khác.
- Cái túi vải của em đâu rồi?
Cô bé mở mắt nhìn tôi. Đôi mắt em mọng ướt. Em đã khóc hay những hạt cát đã làm em chảy nước mắt? Em nói:
- Cũng như ông, cái túi vải đã rời xa em khi em rơi xuống. Người ta luôn luôn rơi xuống một mình giống như chết vậy, phải không ông?
Tôi kéo em đúng dậy và ôm chặt em trong đôi tay.
- Đừng nói đến chuyện chết chóc và rơi xuống nữa. Tôi luôn luôn ở bên em khi đi lên.
Tôi đưa mắt nhìn quanh mặt cát tím, tìm xem cái túi vải nằm ở đâu, nhưng không thấy. Nhìn lên triền động cát, tôi thấy cái túi vải đã bị phủ lấp một phần, nằm trên vệt rơi xuống của chúng tôi và hai đôi giày cũng nằm trên cát dốc.
Lên đến đỉnh động cát, một tay xách túi vải và một tay xách hai đôi giày, tôi hỏi cô bé.
- Chiếc kính đeo mắt của em đâu?
- Rơi mất rồi.
Tôi lại đưa mắt tìm quanh và thấy chiếc kính nằm ở phần triền cát gần đỉnh, nhờ gọng kính phản chiếu ánh sáng mặt trời nhấp nháy. Tôi cẩn thẩn đi xuống lượm chiếc kính lên. Mặt kính đã vỡ. Chắc khi rơi xuống, cô bé đã lăn người lên trên nó. Đưa chiếc kính cho em, tôi nói:
- Thật đáng tiếc, nó bị vỡ rồi.
Cô bé cười.
- Đừng tiếc ông a. Phải có một cái gì đổ vỡ trong bất cứ cuộc chơi nào, cuộc chơi đó mới có ý nghĩa. Em không thích sự việc luôn luôn hoàn hảo, tròn trịa. Những gì hoàn hảo tròn trịa đều giống con số khôeng. Ông thấy đó, tượng Vénus đẹp vì gãy hai tay.
Đeo chiếc kính vỡ lên mắt giả làm kính cận, cô bé nheo mắt nhìn tôi hỏi:
- Ông trông em có vẻ "trí thức" không?
Tôi cười đáp.
- Chẳng cần phải nhìn thấy em đeo kính, chỉ nghe em nói tôi cũng biết em "trí thức" ghê gớm lắm.
Mặt trời đã lên cao. Nắng chói chang chiếu xuống những động cát trắng trông nhức mắt. Không có một bóng mát để ẩn thân, chúng tôi phải đi bộ về nghỉ trưa ở một vườn dừa của dì Phong, cách động cát khoảng hai cây số.
Đến được vườn dừa, mặt trời đã ở ngay trên đỉnh đầu. Chọn một cây dừa có nhiều tàng lá, tôi nằm dài ngả lưng dưới bóng mát và cô bé ngồi dựa vào gốc cây. Tôi nói:
- Kiến bò bụng rồi. Em có gì ăn lấy ra đi.
Cô bé kéo fermeture túi vải, lôi ra một tờ nhật báo trải trên mặt cát. Em lấy ra tiếp hai ổ bánh mì, một hộp confiture, một gói chocolat, một con dao và hai trái cam.
- Có vậy thôi à?
Cô bé cười.
- Chừng đó, ông đã ăn hết chưa mà đòi thêm?
Chúa ơi, cô bé đã hiểu lầm khả năng ăn uống của tôi rồi. Nếu mấy hôm trước em được chứng kiến cảnh tôi ăn "giải buồn" một lúc hết chục trái xoài chắc em đã không hỏi tôi câu hỏi thừa thãi đó.
Hãy chứng minh khả năng ăn uống của mình bằng hành động chứ đừng bằng lời nói: Một câu cũng có vẻ "danh ngôn" lắm chứ bộ đùa sao. Tôi nghĩ và nhào đến lấy dao rạch bụng một ổ bánh mì, trét đầy confiture vào rồi bẻ nửa gói chocolat cầm tay để kịp ăn đúng vào lúc một miếng bánh mì trong miệng được nuốt trôi. Trong khi tôi nhai ngấu nghiến, cô bé còn kiểu cọ cắt ổ bánh mì còn lại thành từng khoanh bánh mỏng. Em chậm rãi trét đều confiture trên mặt khoanh bánh rồi bẻ một miếng chocolat nhỏ cầm tay.
Cô bé vừa ăn xong một nửa khoanh bánh, tôi đã ăn xong một ổ bánh mì. Chẳng đợi em ngỏ lời nhờ ăn giúp phần bánh còn lại, tôi đã nhanh tay lấy bánh ăn luôn. Một người galant như tôi, đâu có bao giờ đợi đến khi đàn bà con gái nhờ giúp mới giúp. Phải đoán ý của họ mà hành động trước chứ!
Ăn hết khoanh bánh mì mỏng dính cô bé trổ tài bổ cam nhanh và khéo. Tôi cũng đâu có chịu thua em, tôi trổ tài ăn cam nhanh và khéo đến nỗi không để rơi ra khỏi miệng mình một hột cam, chứ đừng nói đến một giọt nước cam.
Lấy khăn lau miệng xong, tôi hỏi cô bé.
- Em ăn cam ngọt không?
- Một mình ông ăn hết hai trái cam, em có ăn được miếng nào đâu mà biết ngọt hay chua.
Tôi nhún vai.
- Ồ, em cần gì phải ăn cho mất công. Khi mua chắc em đã biết rõ trái cam nào ngọt nên mới chọn lấy phải không?
Mặc dù, một mình ăn hết hai trái cam nhưng tôi vẫn chưa đã khát. Tôi cởi áo ném xuống cát và trèo ngay lên một cây dừa trĩu quả. Cây dừa không cao lắm, chỉ cần nhoi người vài lần tôi đã bám được một bẹ dừa và đu lên ngồi chễm chệ ở ngọn cây.
Cô bé đứng ở dưới reo vang.
- Ông trèo dừa hay quá.
Tôi làm loa tay nói vọng xuống.
- "Leo cây" là nghề của tôi mà. Em hãy đúng cách xa bụi cây kia, tôi sẽ ném dừa xuống đó.
Chọn một buồng dừa trái có cơm vừa đủ ăn, tôi hái từng trái ném xuống một bụi cỏ rậm rạp cho khỏi bể. Hết buồng dừa, tôi định hái thêm một buồng khác thì nghe có tiếng cô bé la lên.
- Thôi đủ rồi. Ông định tắm bằng nước dừa sao?
Tôi leo xuống khỏi cây dừa. Không có dao lớn để chặt, tôi cầm cả trái dừa đập vào gốc cây. Vỏ trái dừa vừa nứt ra nước chảy tung toé, tôi đưa trái dừa lên tu một hơi hết sạch. Tôi đập trái thứ hai đưa cô bé. Em sợ nước dừa chảy ướt người, làm bẩn chiếc áo pull trắng nên lấy hộp confiture nói với tôi đổ vào. Tôi lắc đầu, giơ trái dừa lên cao.
- Uống vậy không ngon. Nào em ngửa mặt lên, tôi để nước dừa chảy thành vòi cho em uống.
Nhìn cô bé chúm chím miệng uống từng ngụm nhỏ như con mèo muống nước, tôi buồn cười quá nên run tay làm vòi nước dừa chảy thẳng vào mũi em. Cô bé ôm mặt ho sặc sụa một hồi rồi ôm ngực thở dốc.
- Ông cố ý hại em.
Tôi cười.
- Đâu phải lỗi tại tôi. Lỗi tại em há miệng quá nhỏ.
Nước dừa làm tôi no căng bụng. Tôi đi tìm một chỗ thoáng mát nằm ngả lưng trong khi cô bé đi loanh quanh trong vườn. Tiếng lá dừa khua động lào xào đều đặn và những cơn gió mát đã làm mí mắt tôi nặng trĩu. Đang thiu thiu ngủ tôi giật mình nghe tiếng cô bé la.
- Ông ơi, có con gì ghê quá! Tôi nhổm dậy thấy mặt mũi cô bé tái mét. Tôi hỏi:
- Em gặp rắn hả?
Cô bé lắc đầu.
- Không phải đâu. Con gì trông lạ hoắc.
- Hay con quái vật thời tiền sử?
- Quái vật em đâu có sợ. Con này trông giống...
- Con cọp à?
- Không, nó giống con thằn lằn, nên em mới làm em hoảng hồn.
Tôi bật cười.
- Em thật kỳ. Quái vật không sợ lại đi sợ con thằn lằn. Con vật em gặp tôi đã biết rồi. Đó là con "dông". Nó là bà con họ hàng với thằn lằn, cắc kè, rắn mối, kỳ đà. Thịt nó ăn rất ngon. Em thấy nó ở đâu chỉ cho tôi bắt nhậu chơi.
Cô bé nhăn mặt.
- Ông chọc quê em hả?
- Tôi nói thật chứ đùa sao. Nào, đi mau lên không nó chạy mất.
Tôi cúi lượm con dao trên tờ báo rồi mạnh dạn nắm tay cô bé kéo đi. Nếu cô bé đã gặp con rắn thì thuê tiền tôi cũng không dám mạnh dạn đi bắt nó, nhưng con "dông" thì tôi phải đi bắt gấp. Tôi đã đi theo bác Năm đi bắt dông ở vườn dừa này về nhậu nhiều lần nên cũng khá thành thạo. Khi cô bé chỉ cho tôi biết nơi em đã thấy con dông, tôi nói em đứng yên một chỗ để tôi đi quanh tìm miệng hang con dông ẩn mình.
Dò theo một vệt dài trên cát, dấu vết do đuôi con dông để lại khi bò đi, tôi đã tìm ra một miệng hang gần gốc dừa. Thường con dông đào hang rất sâu, phải dùng cước mới bắt được chúng. Hên cho tôi đây là hang dông "mát” nên không sâu lắm. Tôi dùng dao hì hục đào một hồi và bắt tại trận hai anh chị dông đang tâm tình với nhau. Số anh dông này thật xui, đi thăm người yêu không coi ngày nên đã gặp tôi và làm chị dông mái xui luôn.
Tôi nói cô bé đi lượm lá dừa, củi khô trong vườn đem về nhóm lửa. Mười phút sau, tôi đã nướng xong hai con dông, cạo sạch lớp da cháy đen bên ngoài con dông, lớp thịt bên trong chín vàng béo ngậy. Tôi chặt đầu một con dông và mổ bụng nó quăng đi bộ lòng rồi đưa cho cô bé. Em le lưỡi lắc đầu nguầy nguậy.
- Eo ơi! ai mà dám ăn.
Tôi nói:
- Thịt dông ngon tuyệt vời. Em ăn đi rồi sẽ biết Thiên đàng không ở đâu xa, nó nằm ngay trong thịt con dông. Bộ em chối từ lên Thiên đàng hả?
- Thôi em không dám đụng đến "Thiên đàng thịt dông" của ông đâu.
Thế mới biết đâu phải ai cũng hiểu rõ Thiên đàng nằm ở chỗ nào? Nhiều khi Thiên đàng nằm ngay trước mắt mà người ta cứ mất công tìm kiếm nó mãi tận nơi xa xôi mù mịt. Tôi không phải là người thích năn nỉ kẻ khác vào Thiên đàng, nên một mình tôi đã đớp luôn hai con dông một cách ngon lành. Buổi chiều trong khi chúng tôi đứng đón xe lam ở quốc lộ để về nhà, cơn mưa lớn đã bắt đầu đổ xuống, không một dấu hiệu sấm chớp báo trước. Tôi vội dẫn cô bé chạy băng đường vào trú mưa trong một vườn táo.
Đứng dưới tàng một cây táo cành lá rậm rạp xòe ra như một cái lọng lớn, chúng tôi đã tránh được cơn mưa phủ chụp lên người. Nhưng chỉ một lúc sau, những giọt mưa từ lá cây đã nhỏ xuống uớt vai. Cơn mưa chắc còn lâu mới dứt. Không thể đi bộ về phố huyện quá xa, tôi nói cô bé hãy đi băng qua vườn táo về nhà tôi tạm trú.
Chúng tôi nắm tay nhau chạy thật nhanh từ cây táo này, đến núp mưa dưới tàng một cây táo khác, nhưng vẫn bị mưa ướt như chuột lột. Tôi nắm tay cô bé định chạy tiếp, em giật mạnh tay tôi và nói:
- Thôi chúng ta cứ đi từ từ, chạy làm gì cho mệt, đằng nào cũng ướt rồi.
- Tôi sợ nước mưa thấm vào người em sẽ bị bệnh.
- Em đã là một người bệnh từ lâu rồi nên không sợ nữa. Còn ông là một người khỏe mạnh, vậy ông phải coi chùng bị bệnh.
Tôi cười.
- Như thế bị bệnh rất sung sướng. Tôi cầu mong bị bệnh giống em.
Cô bé nhăn mặt.
- Ông đừng nói vậy. Bị bệnh không sung sướng đâu.
- Bị bệnh rất sung sướng vì tôi sẽ được gần em. "đồng bệnh tương lân" mà.
Cô bé cười.
- Ông lầm rồi. Khi ông bị bệnh, em sẽ tránh xa ông ngay vì em không thích bị truyền nhiễm.
Chạy ra khỏi vườn táo, chúng tôi đến một rẫy đậu phụng đã được nhổ. Mặt đất trống không và tôi thấy rõ cơn mưa trắng xóa trước mặt. Tôi choàng tay qua vai cô bé, dìu em bước đi chậm rãi trên mặt đất ướt trơn trượt.
Cơn mưa càng lúc càng nặng hạt. Tôi không thể ngước mắt nhìn trời vì những ngọn roi mưa quất xuống mặt đau rát. Người ướt đẫm nhưng tôi không cảm thấy lạnh. Những cơn mưa miền biển thường đem lại sự tươi mát hơn là giá buốt. Tôi có cảm tưởng như đang tắm dưới một vòi sen to lớn, sau những giờ phút rong chơi giữa trời nóng bức nên thoải mái vô cùng. Tôi bấm vai cô bé hỏi:
- Em lạnh không?
- Rất lạnh. Nếu không có ông đi bên cạnh.
- Ngay lúc này em thich ước muốn điều gì?
- Mưa mãi mãi và chúng ta sẽ trôi đi.
- Trôi đi đâu? Trôi ra biển cho cá mập nuốt à?
- Không. Trôi đến cõi chết.
- Cõi chết cái búa! Tôi không khoái trôi đến nơi đó một tí nào?
- Vậy ông khoái trôi đến đâu?
- Trôi đến một restaurant để ăn một đùi gà chiên bơ và uống một ly rượu vang.
- Restaurant cái búa!
Tôi bật cười nghe em nói "cái búa". Cô bé này dùng chữ cũng "đắc địa" lắm lắm.
Mưa vẫn rơi tầm tã. Mọi vật nhòa đi và như sắp biến mất khiến tôi buột miệng hỏi cô bé.
- Này nhỏ, em tên gì?
- Sao đến bây giờ ông mới hỏi tên em? có quan trọng lắm không?
- Rất quan trọng vì đã đến lúc tôi sợ em biến mất. Một người vô danh khi biến mất, tôi sẽ không biết tìm người đó ở đâu.
- Biết một cái tên cũng vô ích, khi người đó sẽ thật sự biến mất khỏi cõi đời này.
- Nhưng một cái tên sẽ giúp người ta nhớ đến người đó dễ dàng.
- Em không muốn được nhớ đến. Khi đã biến mất em không muốn để lại một dấu vết nào. Nhưng nếu ông nghĩ một cái tên là quan trọng, ông cứ gọi em bằng cái tên nào đó ông thích.
- "Mưa".
Cô bé ngoảnh mặt nhìn tôi.
- Tên đó không dở lắm đâu vì rất hợp với thời tiết.
Qua khỏi rẫy đậu phụng, chúng tôi đã đi vào vườn cây ăn trái của nhà dì Phong. Nhìn mãi, tôi mới thấy căn nhà tranh thấp thoáng sau màn mưa và những tàng cây xanh lá. Tôi dìu cô bé đi về phía căn nhà. Em nói:
- Thôi để em đi bộ dọc theo bờ biển về nhà ngay bây giờ?
- Em không sợ lạnh sao?
- Có lạnh em mới biết những lúc bên ông là ấm áp.
- Tôi sợ em sẽ ngã trên bãi biển, vì ngoài đó lúc này gió thổi rất mạnh và em đã mệt rồi. Hãy để tôi đưa em về nhà.
- Cám ơn ông. Em rất thích được ngã một mình.
Cô bé bỏ đi một đoạn rồi quay lại nói:
- Chút nữa em quên mất, tối mai bảy giờ mời ông đến ăn sinh nhật của em.
- "Mưa" nhà em ở đâu?
- Ở trên mây.
- Nhỏ, nhà em ở đâu?
- Ở trên mặt đất.
Tôi hét lên.
- Nhỏ, tôi hỏi thật.
- Ông, em không nói đùa. Ông đã nói chúa dạy "Hãy tìm sẽ thấy". Vậy ông hãy chịu khó tìm. Em sẽ đứng đợi ông trên balcon một ngôi nhà màu trắng gần biển.
Mưa vẫn đổ xuống như một tấm màn trắng phủ chụp không gian. Nếu cô bé không quàng chiếc khăn đỏ quanh đầu, chắc tôi sẽ không còn nhìn thấy em khi em đã đi được một đoạn xa. Lạy chúa, con xin Ngài đừng cho cô bé ngã một mình trên bãi biển. Chắc Ngài cũng biết cô bé còn quá nhỏ để phải ngã một mình.
Những ngày tươi đẹp
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 15
Chương 17