Đoàn Thạch Biền
Chương 9
Tác giả: Đoàn Thạch Biền
Một buổi sáng đẹp trời mùa hạ. Nắng trong vắt. Chiếc xe hơi chở chúng tôi dừng lại ở bãi đậu xe trên thác Cam Ly. Hàng quán nơi đây ngoài hiên đều treo lủng lẳng những giò phong lan nở đầy hoa. Trên quầy xếp đầy những gói mứt dâu, mứt mận, mứt đậu và những hình gỗ cưa lọng để bán cho du khách.
Tôi dắt cô bé cùng với một số du khách đi thẳng xuống thác. Đang mùa khô, ở thượng nguồn ít nước. Thác không chảy ào ạt mà chảy róc rách như một con suối nhỏ. Chúng tôi ngồi nghỉ chân ở một tảng đá nhẵn thín. Có lẽ trước chúng tôi đã có cả triệu người ngồi.
Cô bé ngồi hai tay chống cằm nhìn những chiếc lá khô trôi theo dòng nước. Tôi hỏi:
- Em suy nghĩ gì vậy?
Cô bé lắc đầu. Tôi hỏi tiếp:
- Vết thương trên trán đã làm em nhức đầu?
- Không. Tự nhiên em thấy đầu em "nặng" quá.
Tôi cười đùa:
- Vậy hè này em nên tiếp tục đi học.
Cô bé ngước mắt nhìn tôi:
- Đi học làm đầu óc nhẹ đi?
- Đúng vậy. Nhồi nhét thật nhiều chữ nghĩa vào đầu, đầu người ta sẽ trống rỗng vì khỏi suy nghĩ.
- Em không thích một đầu óc trống rỗng.
- Nhưng không đi học như em, đầu óc sẽ hóa thành đá và nặng chình chịch.
- Em cũng mong được như vậy để khỏi nhớ đến cái đã mất.
Nhắc đến cái đã mất thật phiền. Tôi sợ em nổi cơn đòi lội suối đi tìm, bắt tôi lẽo đẽo lội theo canh chừng. Để em quên chuyện đó đi, tôi vẫy gọi một người thợ chụp hình. Cô bé nào mà chẳng thích chụp mình đang cười. Vả lại tôi cũng muốn chụp chung với em một tấm hình để làm kỷ niệm. Nhưng cô bé đã đứng dậy bỏ đi. Tôi đành xin lỗi người thợ chụp hình rồi chạy theo níu em đứng lại.
- Tôi quên em còn miếng băng dán trên trán, chụp hình trông rất xấu.
Cô bé lắc đầu:
- Không phải em sợ chụp hình mình xấu đâu mà em sợ những kỷ niệm. Em đã có những kỷ niệm quá buồn.
- Nhưng chụp hình đâu phải là một kỷ niệm buồn.
- Nó là kỷ niệm vui, nhưng cũng giống như một kỷ niệm buồn, nó sẽ làm em không quên được. Rồi em sẽ phải vất vả đi tìm kiếm nó.
Tôi chỉ xuống phía dưới chân thác, giữa những vòm cây xanh có những chuồng sắt.
- Thôi, chúng ta đi xuống dưới đó xem khỉ. Nó sẽ giúp em có một kỷ niệm buồn... cười. Mau quên.
Tôi nắm tay cô bé bước từng bước xuống những bậc thang đá quanh co. Đột nhiên em giằng tay em ra khỏi tay tôi và bước nhanh. Tôi vội đuổi theo nắm lấy vai em.
- Cẩn thận nhỏ, coi chừng ngã.
Cô bé hích hích vai như muốn thoát khỏi tay tôi.
- Em đã ngã một lần rồi. Em không sợ ngã nữa.
- Lần đó em ngã ở cầu thang trong nhà, chỉ u đầu sứt trán. Còn ngã ở đây sẽ bể đầu chết tươi.
- Lần đó, em sợ mất hộp quẹt nên đuổi theo chụp lấy nó mới bị ngã. Còn ở đây sức mấy mà ngã được.
- Em đã cất hộp quẹt ở nhà?
- Không. Ở đây ông đuổi theo chụp bắt em, chứ em đâu có đuổi theo ông. Vậy người sợ ngã là ông mới đúng.
Tôi đi sát sau lưng cô bé, nói:
- Nếu có ngã, tôi sẽ níu em ngã theo.
Cô bé quay lại nói:
- Em không sợ. Ngã hai người cái đau sẽ bị chia làm hai nên ít đau hơn khi ngã một mình.
Chúng tôi đứng lại bên chuồng sắt nước sơn loang lổ. Trong chuồng có hai con khỉ lớn và một con khỉ nhỏ lông vàng hoe, đang đu nhảy trên một cành cây khô.
Cô bé đang nhai kẹo cao su. Em chu miệng giữa hai song sắt chuồng khỉ, phùng má thổi ra một bong bóng lớn. Chú khỉ con tò mò đu người đến gần, đưa tay chụp bắt. Bụp. Quả bong bóng vỡ. Chú khỉ hoảng hốt kêu chí chóe rồi bỏ chạy.
Cô bé quay qua tôi, mỉm cười:
- Ông thấy em có giống con khỉ nhỏ đó không?
Tôi thở một hơi khói thuốc vào chuồng khỉ.
- Giống thế nào được. Em thông minh hơn nó nhiều.
- Em không thông minh hơn nó đâu. Em cũng đang chụp bắt một quả bóng dễ vỡ như nó.
- Quả bóng nào đâu?
- Quả bóng đó là trái tim của một người đang đứng sát bên em.
- Vậy thì nó không dễ vỡ đâu.
- Làm sao ông biết nó chắc chắn được?
- Biết chớ. Vì nó bằng sắt.
Tôi nói vậy để cô bé tin ở đời này không phải mọi thứ đều mong manh dễ vỡ. Còn có những cái rất bền vững. Nhưng rồi em đã lắc đầu thở dài.
- Thật đáng buồn. Như thế nó sẽ không bay lên được.
- Em muốn bay lên à? Được rồi. Hãy theo tôi.
Tôi nắm tay cô bé dang rộng ra rồi cùng chạy nhanh lên đồi dốc. Một viên sỏi làm tôi trượt chân loạng choạng ngã, nhưng tôi cũng kịp buông tay cô bé để em khỏi ngã theo.
Tôi lồm cồm bò dậy. Hai bàn tay tôi bị đá cào xước rỉ máu. Cô bé đến nắm tay tôi, thổi phù phù vào vết thương rồi nói:
- Sao ông lại buông tay em ra? Em đã nói ngã hai người, cái đau bị chia hai bên bớt đau đi.
Tôi nhăn nhó nói:
- Bớt đau sao được. Nếu cả hai cùng ngã, em sẽ ngã đè lên người tôi và tôi càng đau hơn.
Tôi đưa tay phủi bụi dính đầy ngực áo. Bụi bay ra thành quầng. Cô bé lấy tay quạt quạt đám bụi bay trước mặt em.
- Vậy mà ông dám nói trái tim ông bằng sắt. Em nghĩ trái tim ông bằng đất sét thì đúng hơn. Nó vừa bị vỡ, bụi bay tứ tung!