Hồi 14
Tác giả: Độc Cô Hồng
Nói đoạn Hà Thất Phong lại tự vả vào miệng mình rồi nói tiếp:
- Ai da! Ta lại nói bậy nữa rồi.
Trí Tâm ngơ ngác:
- Hà bang chủ, việc này ra sao vậy?
Hà Thất Phong lật đật nói:
- Người một nhà cả, đừng dài dòng nữa, cứ để hắn theo ta lên núi vào gặp phương trượng.
Trí Tỉnh lên tiếng:
- Nhưng sư phụ chưa có lệnh, làm sao các đệ tử dám để Thiên thí chủ lên núi!
Ngay khi đó tăng nhân lúc nãy được Trí Tâm sai trở lên núi, bây giờ đã trở xuống.
Hắn chạy tới bên Trí Tâm rồi nói:
- Đại sư huynh! Có lệnh của sư phụ. Hãy để Thiên Trung lên núi.
Trí Tâm nhìn qua Trí Tỉnh như để hội ý, nhưng dù sao đã có lệnh thì làm sao chống lại lệnh.
Bất đắc dĩ, Trí Tâm nhìn sang Thiên Trung:
- Xin mời thí chủ.
Hà Thất Phong cười khì, vừa cùng Thiên Trung bước đi, lão vừa nói:
- Lát nữa vào gặp sư phụ, tiểu bối sẽ thuật lại mọi chuyện cho tất cả cùng nghe. Còn bây giờ Hà tiền bối cho biết tại sao lại có mặt trên Thiếu Lâm?
Hà Thất Phong chép miệng:
- Chuyện dài dòng lắm, để lát nữa lão già này sẽ cho ngươi biết.
Chẳng mấy chốc họ đã lên tới núi vào chánh điện.
Ở đây phía bên trên có bức tượng Phật tổ cao to, ngoài ra xung quanh còn có rất nhiều các tượng Phật khác bày la liệt ở các bục gỗ quanh khu chánh điện.
Trí Tâm, Trí Tỉnh cùng bước vào. Họ cúi đầu chào Tuệ Tăng đại sư:
- Sư phụ! Đệ tử đã đến.
Tuệ Tăng đại sư đang lần tràng hạt, mặt hướng về phía tượng Phật tổ bèn quay lại.
Thiên Trung lật đật quỳ xuống:
- Đệ tử là Thiên Trung bái kiến sư phụ.
Hai gã Trí Tâm, Trí Tỉnh ngơ ngác nhìn nhau.
Tuệ Tăng đại sư khoác tay:
- Đồ nhi hãy đứng lên đi. Còn hai đứa con nghe đây, Thiên Trung từ nay là sư đệ của hai con.
Trí Tâm bèn hỏi:
- Sắc này là như thế nào vậy sư phụ?
Tuệ Tăng đại sư đáp:
- Để lúc nào rảnh rỗi, sư phụ sẽ thuật lại cho các con nghe.
Hai gã chỉ còn biết gật đầu vâng dạ.
Thiên Trung lên tiếng:
- Ở Thiếu Lâm đã xảy ra chuyện gì vậy thưa sư phụ?
Tuệ Tăng đại sư thốt:
- Cách nay mấy hôm, đột nhiên lão tăng nhân được một phong thư vô danh gởi đến.
Người gửi đòi Thiếu Lâm phải giao ra Nghịch chân kinh và thập bát La Hán phổ lục.
Thiên Trung hỏi dồn:
- Dĩ nhiên sư phụ đâu chịu đưa chứ gì?
Hà Thất Phong xen vào:
- Cái đó là chắc như vậy rồi. Vật gia truyền của bổn phái, tùy tiện cho người khác được hay sao?
Tuệ Tăng đại sư nói tiếp:
- Có lẽ vì lý do đó nên cách nay hai hôm, Tàng kinh các bị đốt cháy. Cũng may ta đã sớm đoán ra được điều này, nên sau khi nhận được thơ, ta liền cho chuyển dời tất cả sách quí đi chỗ khác.
Thiên Trung mừng rỡ:
- Như vậy Tàng kinh các cháy không ảnh hưởng gì rồi.
Tuệ Tăng đại sư nói:
- Chỉ có cháy các sách kinh Phật mà thôi.
Thiên Trung lại hỏi:
- Có tìm ra thủ phạm gây ra trận hỏa hoạn ấy không?
Tuệ Tăng đại sư chép miệng:
- Ngay đêm hôm đó có hai đệ tử của chùa tuần tra ngang Các thư bị giết chết. Hai cây đèn lồng đó đã gây ra vụ cháy.
Thiên Trung nhíu mày:
- Không lẽ hai vị huynh đệ ấy lại đi đốt Tàng kinh các rồi tự vẫn hay sao?
Hà Thất Phong nói:
- Chuyện này ngươi không cần suy nghĩ cho mất công, lẽ dĩ nhiên hai sư đồ đó chẳng bao giờ làm chuyện ấy.
Thiên Trung bèn cất giọng:
- Trước khi lên đây, đệ tử cũng có nghe sơ qua về mọi chuyện, vậy bây giờ sư phụ tính sao?
Tuệ Tăng đại sư đáp:
- Thật ra địch nhân trong tối, còn chúng ta ngoài sáng. Thử hỏi có muốn ra tay cũng khó, cho nên ta chỉ cho môn đồ tuần tra canh gác phòng bị mà thôi.
Thiên Trung nhăn mặt:
- Đó đâu phải là thượng sách. Hiện ta chưa rõ được nhân vật đó là người như thế nào, cứ để sư huynh đệ tuần tra như vậy chẳng khác nào đưa họ vào chỗ chết.
Trí Tỉnh lên tiếng:
- Vậy theo đệ, ta nên làm gì?
Thiên Trung lắc đầu:
- Đệ cũng không biết. Nhưng hôm nay đệ đã đến đây thì quyết không để cho địch nhân muốn làm gì thì làm.
Vốn đã đấu qua với Thiên Trung, nên Trí Tâm có vẻ phấn chấn, thốt:
- Có thêm đệ, sư huynh cảm thấy vững tâm hơn.
Thiên Trung chợt hỏi:
- Còn Hà tiền bối cớ sao lại ở đây?
Hà Thất Phong nói:
- Ngươi còn hỏi nữa sao? Lần trước ta thay ngươi đến Thiên Nhai để gặp Kiếm Thần Lôi Nhất Bảo, chẳng dè lão bế quan một năm sau mới xuất quan.
- Rồi Hà tiền bối đi đâu?
- Ta năm lần bảy lượt đi gặp nhưng sư phụ ngươi nhất định không tiếp. Cuối cùng ta trở lại Hán Vũ thì hay tin Quan Âm sơn trang bị tàn phá.
Thiên Trung giật mình:
- Sao lại xảy ra chuyện đó?
Hà Thất Phong nói to:
- Có gì lạ! Thì mọi chuyện đều do Ưng Vương Ngũ Sát Doãn Chí Bình mà ra.
- Tên nghịch đồ đáng chết đó, phải trừng trị hắn mới được.
Tuệ Tăng đại sư cau mày:
- Đồ nhi! Con vừa nói gì mà nghịch đồ?
Thiên Trung bèn thuật lại mọi chuyện từ lúc chàng bị đánh rơi xuống vực ra sao, rồi gặp được Vô Địch Bất Khả Bại La Vô Vọng như thế nào, chàng kể hết cho mọi người cùng nghe.
Hà Thất Phong chép miệng:
- Thảo nào Doãn Chí Bình biết cách hạ độc Ưng Vương thần đơn.
Thiên Trung nói:
- Bây giờ theo ý của tại hạ ta nên đề phòng đêm nay địch nhân lẽn vào đây.
Ai nấy gật đầu cho là phải. Thiên Trung lại hỏi:
- Vậy Quan Âm sơn trang có hề gì không?
Hà Thất Phong thốt:
- Chỉ vì nóng lòng cứu Tống Kim Bình nên Quan Hi Vương bị Doãn Chí Bình đánh bại đến tử nạn.
- Thế hiện giờ Tống muội lưu lạc ở đâu?
Hà Thất Phong đáp:
- Tống cô nương đã trở lại Hán Vũ để chờ ngươi, nhưng sau khi nghe tin ngươi rơi xuống vực, Tống Kim Bình rất là đau buồn.
Thiên Trung thở dài:
- Thật tội nghiệp cho nàng quá. Có dịp tiểu bối sẽ đến Hán Vũ để gặp nàng.
Bỗng có một sải tăng tiến vào, nét mặt còn hốt hoảng:
- Bẩm phương trượng, Trí Không... bị giết chết rồi.
Hắn vừa nói vừa run cầm cập, chứng tỏ còn quá hãi hùng.
Mọi người trong chánh điện đều rúng động.
Tuệ Tăng đại sư cất giọng:
- Tại sao Trí Không chết, ai đã giết y?
Gã sải tăng đáp:
- Vừa rồi Trí Không còn nói với đồ đệ là y chột dạ, nên ra cầu tiêu. Nhưng mãi cho tới vừa rồi vẫn không thấy y vào nên đồ đệ sanh nghi, ra vườn sau thì thấy y nằm chết.
Trong người y chẳng có thương tích chi hết, nhưng toàn thân lạnh cứng. Có lẽ y bị cấp bệnh mà thác.
Tuệ Tăng đại sư thở phào một cái nói:
- Để ta ra coi.
Nói rồi lập tức đi liền, mọi người cũng vội theo sau.
Ra tới vườn rau sau chùa đã thấy bảy tám người đang xúm xít vào một chỗ. Mọi người thấy Tuệ Tăng đại sư tới đều tránh ra nhường lối đi.
Lúc này thi thể của Trí Không đã được lột hết quần áo ra rồi. Trong mình gã tuyệt không một vết máu.
Tuệ Tăng đại sư nhìn lướt qua rồi hỏi Hà Thất Phong đứng bên:
- Hà bang chủ thấy sao?
Hà Thất Phong lắc đầu:
- Tuyệt không một thương tích nào, nhưng chưa chắc bị cấp bệnh mà thác đâu.
Thiên Trung gật gù xen vào:
- Tiểu bối cũng đoán như vậy, bởi người mắc bệnh thác đi thì da thịt phải có biểu hiện ra ngoài. Còn đằng này chẳng thấy gì, có thể y bị giết bất đắc kỳ tử.
Trí Tỉnh nghiến răng:
- Nếu như vậy thì thật là quá đáng. Địch nhân chẳng coi Thiếu Lâm là gì cả.
Trí Tâm hùa theo:
- Đệ tử mà bắt được gã địch nhân đó, thề phân thây muôn mảnh mới hả dạ.
Tuệ Tăng đại sư thốt:
- Tạm thời đem xác Trí Không vào hậu viên, ngoài ra chớ đồn tin này rộng khắp làm môn đồ hoang mang. Trí Tâm, Trí Tỉnh, sư phụ giao công việc này cho hai con.
- Dạ!
Tuệ Tăng đại sư cùng Hà Thất Phong và Thiên Trung trở gót vào đại sảnh. Nét mặt mỗi người đều mang một sự lo lắng, nhưng không ai nói ra.
Suốt ngày hôm đó từ lúc Trí Không bị sát hại cho đến đầu canh một đêm ấy chẳng có chuyện gì đáng tiếc xảy ra nữa.
Mãi cho đến đầu canh hai, Thiên Trung đang ngồi tọa công trên giường, chợt chàng nghe có tiếng chân người bước nhẹ bên ngoài.
Thiên Trung bèn ngưng lại, rồi đưa tay búng nhẹ một cái làm ngọn bạch lạp trong phòng tắt phụt.
Chàng rón rén bước đến cửa sổ nghe ngóng, sau đó chàng đẩy một cánh cửa rồi phóng người ra ngoài.
Chàng đưa mắt nhìn tìm, thoắt thấy có hai bóng người đang đi về phía nhà bếp của chùa.
Thiên Trung cho là môn đồ của Thiếu Lâm canh tuần, đang đêm đói bụng nên mới mò vào nhà bếp.
Song chàng nhìn kỹ lại thấy dáng vẻ hai gã này khả nghi, vả lại họ vận đồng phục theo lối con nhà võ, đầu thì búi tóc cao, chứng tỏ không phải là người của Thiếu Lâm.
Thiên Trung liền dùng thuật phi hành đi trong đêm, lướt theo để xem rõ ra sao.
Hai bóng đen cứ ung dung đi thẳng vào nhà bếp, chẳng hề hay biết mình đang bị theo dõi. Bọn chúng bước tới cạnh một nồi cơm to, mở mắt nhìn vào.
Ánh đèn bên ngoài hắt vào cửa sổ nhà bếp, làm cho Thiên Trung nhìn rõ mặt hai gã họ, chàng giật mình thốt khẽ:
- Sao lại là hai gã này.
Thì ra Thiên Trung nhận rõ hai gã nọ chẳng xa lạ gì. Họ chính là Ngô Cương, Ngô Nhược mà chàng từng trò chuyện tại quán trà ngày hôm qua.
Thiên Trung nghĩ bụng:
"Sao họ lại có mặt ở đây? Không lẽ họ là..., không thể như thế được. Nếu họ là địch nhân của Thiếu Lâm, sao võ công tầm thường như vậy. Đến cả việc bị mình theo dõi mà chẳng hề phát hiện ra?".
Chàng cho những gì mình nghĩ là đúng, và kiên nhẫn chờ xem hai anh em họ Ngô sẽ làm gì.
Trong khi đó gã Ngô Cương lấy trong người ra một gói giấy nhỏ, sau ấy trút hết vào một lu nước dùng để nấu ăn. Còn gã Ngô Nhược thì rắc một thứ bột màu đen quanh nồi cơm. Màu của bột hòa với màu đen của nồi nên khó phát hiện.
Thiên Trung thấy vậy bụng bảo dạ:
"Hóa ra mình nghĩ tốt cho họ thì họ lại là kẻ xấu. Hành vi này không thể tha thứ được, phải vạch mặt bọn họ ra.".
Nghĩ xong chàng phóng người bay vào cửa sổ, lướt vào bên trong.
Hai gã họ Ngô giật mình vì thoáng thấy vệt mờ lướt ngang mặt họ, làm bọn chúng hốt hoảng đứng nép vào nhau.
Thiên Trung vào đến nơi liền chỉ tay vào mặt hai anh em họ Ngô:
- Thật các ngươi không biết trên dưới gì hết, Thiếu Lâm thù oán chi với hai ngươi, sao lại giết hết người này đến người kia. Lại còn đòi yêu sách kia, nọ. Hôm nay tại hạ quyết chẳng bỏ qua.
Nhận ra mặt co Thiên Trung, hai anh em họ Ngô phần nào bớt sợ. Gã Ngô Cương lên tiếng:
- Thiên thiếu hiệp chớ có hiểu lầm, tại hạ nào có ác ý với Thiếu Lâm đâu.
Thiên Trung hừ rõ to một tiếng:
- Hai ngươi còn chối nữa sao? Vậy vừa rồi tại hạ trông thấy tận mắt các ngươi bỏ độc vào nước và cơm, giờ còn chối nữa hay sao?
Ngô Nhược xua tay lia lịa:
- Thiên thiếu hiệp chớ có nghi oan mà tội cho hai anh em chúng tôi.
- Vậy hành động vừa rồi hai ngươi giải thích ra sao?
Ngô Cương bèn thốt:
- Chúng tôi bị bắt buộc mà thôi.
Thiên Trung nhíu mày:
- Không lẽ hai vị bị ai khác khống chế?
Ngô Nhược rầu rĩ nét mặt:
- Đúng là như vậy đó.
Thiên Trung chép miệng:
- Như vậy những cái chết của môn đồ Thiếu Lâm không do hai người gây ra?
Ngô Cương lắc đầu:
- Quả tình chúng tôi không có làm, mà chỉ mới ra tay đêm nay.
- Hai vị có thể nói rõ hơn được không?
Ngô Nhược kể:
- Sau khi hai anh em tại hạ cáo biệt huynh đài, ly khai khỏi Hoa Sơn, trên đường đi bị một người chặn lại gây sự. Sau đó chúng tôi bị người này khống chế bằng thuốc độc, rồi bảo chúng tôi đem loại bột này bỏ vào nước và cơm của Thiếu Lâm.
Thiên Trung hỏi:
- Người này còn sai các vị làm việc gì nữa không?
Ngô Cương lắc đầu:
- Không, người này bảo sau khi hoàn thành thì trở lại điểm cũ, sẽ cho thuốc giải.
- Thế người này là ai, và điểm hẹn đó ở nơi nào?
Ngô Nhược toan cất giọng trả lời thì ngay lúc đó bên ngoài cửa sổ có bóng người thấp thoáng, rồi cả hai anh em họ Ngô trợn trừng mắt, không kịp kêu lên một tiếng, đã ngã nhào xuống.
Đến lúc này Thiên Trung mới thấy rõ sau ót, nơi huyệt Á môn của họ đã bị hai chiếc lá của cây dương liễu đâm xuyên qua, chết tốt không kịp trối.
Giật mình, Thiên Trung thấy cách ra tay như vậy đoán ngay địch thủ là tay có hạng.
Chỉ bằng hai chiếc lá thật mỏng mà có thể sát hại được đối phương, điều này chứng tỏ nội công của người này thật cao thâm.
Chẳng chậm trễ, chàng tung người ra bên ngoài, rồi phóng vút lên mái chùa quan sát. Chàng nhận ra một bóng người vận y phục trắng đang chạy ở phía trước.
Chẳng bỏ lỡ cơ hội, Thiên Trung lập tức trổ thuật khinh công đuổi bám theo sau.
Một trước một sau, chạy đuổi một lúc đã ra khỏi chùa Thiếu Lâm, bất chợt bóng trắng phía trước dừng lại.
Thiên Trung cũng lập tức đình bộ. Chàng quan sát đối phương từ đầu tới chân, song không sao nhận biết là ai. Bởi người nọ trong đêm tối lại đội nón rộng vành, có mạng che phía trước.
Chàng thầm nhủ:
"Quái lạ, trời tối đen như thế này có nắng gì mà người này lại đội nón, lại có mạng che. Nếu vậy đôi mắt có lẽ rất sáng, chẳng bằng làm sao thấy đường.".
Thiên Trung bèn lên tiếng:
- Hành động vừa rồi của các hạ thật là chẳng quang mình chánh đại chút nào. Hạ độc thủ sau lưng kẻ khác, đó là hành vi của kẻ tiểu nhân.
Người nọ bật cười khanh khách:
- Bọn chúng chẳng hoàn thành được sứ mạng, còn nhiều chuyện bép xép. Chết là đáng lắm, có gì lạ đâu?
- Giết người không gớm tay, hành động đó giải thích như thế nào?
Người nọ chẳng thèm đếm xỉa gì tới việc đó mà cất giọng nói:
- Thiên Trung, mạng của ngươi quả thật lớn. Bị Doãn Chí Bình đánh cho một chưởng rơi xuống vực sâu, ấy vậy mà không chết. Nhưng đừng tưởng thế là ta sợ.
Thiên Trung ngạc nhiên không ít:
- Các hạ là ai, sao lại biết danh tánh của tại hạ?
- Chưa phải lúc để ngươi biết ta là ai.
Vừa lúc đó từ phía chùa Thiếu Lâm có ánh lửa lập lòe, quang cảnh dường như náo nhiệt lắm. Rồi tiếng chuông rền vang báo hiệu chùa đang gặp tai biến.
Thiên Trung giật mình, giậm chân tự trách:
"Chết rồi, mình bị gã này dùng chiêu điệu hổ ly sơn, dụ ra khỏi chùa, để người của gã dễ dàng hành động.".
Chàng quắt mắt nhìn qua người đội nón, gắt giọng:
- Ngươi thật là đê tiện.
Đoạn xoay người toan bỏ chạy về phía chùa Thiếu Lâm. Nhưng người nọ đã phóng tới áng ngay trước mặt.
- Đi đâu mà gấp rút như vậy? Hãy ở lại hầu chuyện với ta một lúc nữa cũng được mà.
Lửa giận bốc lên, Thiên Trung hét to một tiếng:
- Loài cẩu tặc, ta phải chỉ dạy ngươi mới được.
Chàng phóng người bay vọt tới, chưa kịp ra tay thì đã thấy từ cánh tay của đối phương một vật gì đó bay lướt tới.
Thiên Trung giật mình lạng người sang một bên. Chàng vọt người rất mau lẹ phi thường. Ám khí lướt tới cũng không phải chậm, nhưng đối với thân pháp của chàng thì nó còn chậm hơn một bậc.
Thiên Trung đảo lộn thân ảnh, hai tay để trước ngực, định bụng sẽ vươn ra bắt lấy ám khí một cách nhẹ nhàng.
Nào ngờ người nọ đã có dụng ý từ trước. Nhác thấy Thiên Trung đưa tay toan bắt lấy ám khí của mình, y bèn phẩy tay một cái, làm ám khí đang bay còn cách tầm tay chàng độ vài tấc đột nhiên rớt xuống đất đánh cạch một tiếng.
Thiên Trung vươn tay ra chút nữa thì bắt được một cách dễ dàng, nào ngờ bị đối phương phản đòn như vậy làm chàng ngượng đến đỏ mặt.
Thì ra người nọ có ý chọc tức Thiên Trung cho chàng phát cáu lên, như vậy sẽ mất cảnh giác.
Cho nên vừa thấy chàng ngượng ngập, y bèn vung tay lên lần nữa, liệng ra một tờ giấy đã được với tròn. Luồng lực đạo chuẩn xác phi thường mà cách ra đòn cũng vô cùng sắc xảo.
Bấy giờ Thiên Trung thấy cuộn giấy với tròn nhỏ xíu liệng tới đi rất gấp, so với ám khí lúc nãy còn mau lẹ hơn nhiều. Chàng hiểu ra ngay dụng ý của đối thủ liền.
Phàm những tay cao thủ nội gia cao thâm, có thể đả thương người bằng một cánh hoa hay một mảnh lá, cho nên tấm giấy cuộn tròn này mà liệng trúng thì chàng không khỏi bị thương.
Nhanh như ánh chớp, Thiên Trung giơ ngón tay bên phải lên búng một cái vào cuộn giấy, làm nó đang bay tới khựng lại ngay và khẽ vang lên một tiếng tách.
Cuộn giấy rách tan thành trăm mảnh vụn, bay như bươm bướm trước mặt chàng độ hai thước.
Người nọ thấy vậy không chịu được, bật tiếng reo:
- Tuyệt diệu! Ngươi sử dụng chiêu Bách điểu triều phụng hay lắm.
Những tay cao thủ hầu như ai cũng có thể luyện được Bách điểu triều phụng nhưng luyện tới được chỗ cao thâm thì quả thật chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Chỉ cần một chiêu cũng có thể đồng thời hạ sát hay đả thương đến mười người, thật là một chiêu lợi hại khiến cho đối phương khó lòng tránh khỏi.
Nhưng sở dĩ người nọ buột miệng khen Thiên Trung một tiếng là bởi chàng còn nhỏ tuổi mà công phu đã luyện đến cao thâm như vậy thì đáng nể phục lắm.
Nếu chàng tiếp tục rèn luyện để thuần thục hơn, búng ra một cái làm ra hàng trăm ngàn hạt giấy nhỏ hơn như bột, nhưng sắc bén như mũi dao chụp tới, thì e rằng những tay cao thủ đến đâu cũng có thể mất mạng ngay tức khắc.
Luận về công phu mà bàn luận, những người muốn luyện Bách điểu triều phụng muốn đạt được hiệu quả phải mất từ mười lăm đến hai mươi năm, họa ra mới đạt được như ý nguyện. Ngờ đâu một chàng trai còn trẻ tuổi lại biết tận dụng môn võ công này, thử hỏi sao không đáng thán phục.
Thiên Trung đánh trả lại được một đòn, liền cất giọng:
- Các hạ quá khen rồi.
Người nọ cười khẩy một tiếng:
- Tuy ngươi có thể sử dụng Bách điểu triều phụng song có làm gì được ta đâu.
Miệng thì nói nhưng tay của hắn đã gia tăng kình lực vào tay, bất thần phóng ra một chưởng.
Về phần Thiên Trung nghe đối phương trả lời có vẻ coi thường mình quá đáng, thì sự quật khởi trong lòng nổi dậy, bật thốt:
- Các hạ khi người quá đáng rồi đấy.
Dứt lời chàng bèn đưa tay đẩy ra một đạo kình quang bắt lấy chưởng pháp của địch thủ đang tới.
Hai luồng chưởng pháp bắn thẳng vào nhau tạo nên cơn lốc xoáy lên cực mạnh.
Cả hai đều có cảm giác khối nặng ngàn cân đang từ từ đè nặng lên đầu của họ.
Thiên Trung lật đật tăng cường thêm nội lực đưa vào chưởng pháp của mình.
Người nọ cũng hốt hoảng gia tăng kình lực vào chưởng pháp. Bất chợt người nọ nhìn thấy toàn thân nơi Thiên Trung bốc ra một làn khói mỏng như sương, bao bọc quanh thân thể chàng, hắn cảm thấy làm lạ nhíu mày lẩm bẩm:
- Sao lại có loại chưởng pháp lạ lùng đến thế? Mình chưa thấy bao giờ.
Trong lúc suy tư, phần nào khí lực nơi người này bị giảm sút, và nội khí của Thiên Trung được thế lấn áp lướt sâu vào chưởng phong đối thủ, đi thẳng tới luôn.
Người nọ đến chừng cảm nhận được việc này thì vận lực nhưng đã muộn màng.
Bùng!
Tiếng nổ như sấm sét ngang trời, làm mặt đất rung chuyển liên hồi.
Người nọ bị đẩy lùi ra sau tới mấy bước, còn Thiên Trung vẫn bình an như vại.
Đến lúc này, người nọ mới tỏ ra sửng sờ trước công lực phi phàm của đối phương.
Bất chợt hắn có cảm giác lòng bàn tay lạnh buốt như đang thò tay vào khối băng hà ngàn năm, vẫn chưa hết bàng hoàng.
Thiên Trung đẩy lùi được địch thủ, thì trong lòng phấn chấn không ít. Chàng liền di động thân ảnh lướt đi, định bụng nhân lúc đối thủ còn chưa đủ sức phản kháng sẽ lột luôn chiếc nón trên đầu để nhận diện là ai?
Chàng lướt đi như một bóng mờ, làn sương mỏng bao quanh người chàng tan loãng theo cử động, làm nó bay lơ lửng như người đang viễn du trên tầng mây ngàn thăm thẳm.
Người nọ trông thấy Thiên Trung lướt tới, lập tức hai chân trụ vững, tay đánh ra một cái.
Một luồng khí nóng phả ra giống như người ta đang bước vào một lò lửa lớn mới bước ra vậy.
Luồng nhiệt khí ấy công thẳng vào người Thiên Trung, làm chàng cảm thấy trước ngực nóng lên. Nhưng nhờ nội công của chàng vừa phát ra lúc nãy hàm chứa khí lạnh của hồ băng hàn nên phía ngoài tuy có nóng nhưng chẳng ảnh hưởng gì đến bên trong cơ thể của chàng.
Luồng nhiệt khí chạm phớt phía ngoài cách Thiên Trung một trượng bị ngay hàn khí còn bao quanh của chàng bao lấy, tạo nên luồng lực đạo nhu hòa.
Làn sương mỏng từ từ tan biến đi khi gặp nhiệt khí, thân hình Thiên Trung hiện ra rõ ràng hơn.
Thiên Trung bèn phất tay một cái, đưa ra một lực khí nữa, đẩy trệch luồng nhiệt khí sang một bên.
Cả giận, người nọ lập tức hét lên một tiếng, hai tay vận nguyên khí đánh thẳng ra.
Thiên Trung cười nhạt, chàng cũng xoay người để né tránh và nhận ra đối phương muốn dùng lực để đấu với chàng, nên lần này chàng đột ngột đưa cao tay lên và thân người cất lên cao đẩy ngược trở xuống.
Một đạo kình lực hùng dũng ào ạt ập tới trên đỉnh đầu đối thủ. Chàng quyết định sử dụng Từ phong thiên cân lực vì trong công phu này chứa đựng nội kình cả cương lẫn nhu.
Người nọ biết thế đánh này của Thiên Trung tinh diệu phi thường, bên trong ngấm ngầm luồng chân lực mãnh liệt trút ra không ngớt nên vội vàng phát huy công năng thêm nữa.
Bên tám lạng, bên nửa cân, tương đồng hiệu ứng, thật là kỳ phùng địch thủ.
Hia luồng kình lực chạm vào nhau khiến cho cánh tay của cả hai bên đau buốt, tê chồn. Cả trước ngực họ cũng ngấm ngầm đau làm cả hai đồng lùi bước hai bước.
Người nọ gật gù thốt:
- Quả nhiên anh hùng xuất thiếu niên, đáng nể đáng nể.
Hắn nói luôn hai lần chữ "đáng nể", chứng tỏ là trong lòng hắn rất bái phục Thiên Trung.
Chàng nhìn qua đối phương, đáp trả:
- Các hạ cũng đáng mặt anh tài, công phu không kém cõi, nhưng sao lại có hành động mờ ám?
Lời khen chẳng khác nào chê bai, làm cho người nọ hơi ngượng. Nhưng hắn bật cười rồi nói:
- Khi cần đạt được điều gì thì bất chấp thủ đoạn. Có xá chi chuyện cỏn con đó. nếu ngươi cứ nằn nặc xen vào chuyện của Thiếu Lâm, thì ta đây cũng không bỏ qua.
Thiên Trung cười khẩy:
- Thấy chuyện bất bình, người ngay còn phải ra tay can thiệp, huống hồ gì giữa tại hạ và Tuệ Tăng đại sư lại có mối quan hệ, thì hỏi sao không xen vào được.
Người nọ chép miệng:
- Nếu ngươi đã nói vậy, ta chẳng còn gì để nói thêm. Bây giờ hãy về lại Thiếu Lâm mà phụ với bọn họ chôn cất người chết là vừa.
Thiên Trung vội đưa tay ngăn lại:
- Nói vậy nghe sao phải. Lúc nãy các hạ ngăn không cho tại hạ đi, thì bây giờ đâu thể bỏ đi dễ dàng như vậy được.
Người nọ bật cười khinh bỉ:
- Không lẽ ngươi đủ sức giữ chân ta ở lại đây hay sao?
- Tại hạ không dám chắc nhưng các hạ muốn bỏ đi e chẳng được như ý đâu?
Người nọ tỏ ra thách thức:
- Vậy ngươi cứ thử xem.
Chữ "xem" còn vang động, thân người của hắn đã cất lên.
Thiên Trung nhanh chóng lắc người bay vọt theo.
Chẳng dè người nọ đã dự trữ từ trước. Hắn nhác thấy Thiên Trung bay vọt lên, bèn liệng ra một vật nhỏ.
Vật này xé gió bay ngược trở lại, tốc độ rất lớn, nghe vù một tiếng.
Thiên Trung chẳng dám xem thường, lật đật đảo ngược thân hình, uốn cong người lại, lộn tròn mấy vòng rơi trở lại phía sau.
Rồi chàng dùng tay gạt một cái, làm vật nhỏ bị đánh bạt rớt xuống đất vang lên tiếng cạch một cái.
Thiên Trung nhìn xuống nhận ra vật đó là cái nút áo bằng ngọc trai to bằng một hòn sỏi.
Chàng ngẩng đầu nhìn lên đã thấy người nọ phải đi đã khá xa.
Chàng chỉ biết lắc đầu vì biết có đuổi theo chưa chắc đã kịp. Vả lại nhìn thuật khinh công của người này khá giỏi nên chàng chỉ biết đứng nhìn, rồi cúi xuống nhặt cái nút áo bằng ngọc trai cho vào túi.
Sau đó chàng trổ thuật phi hành trở lại chùa Thiếu Lâm lập tức.
Chàng phi thân một mạch về chùa. Chưa tới nơi, xa xa đã trông thấy ngoài cổng lớn ánh lửa sáng rực và có đông người tụ tập.
Thiên Trung có vẻ xúc động tâm tình, bèn tiến vào chùa.
Chợt có mấy người nói:
- Thiên Trung về đến kia rồi!
- Nãy giờ đệ đi đâu làm mọi người trong chùa lo ngại.
Thiên Trung đáp vội:
- Đệ có chuyện mới ra ngoài, sư phụ và Hà tiền bối hiện đang ở đâu?
- Bên trong đại sảnh.
Thiên Trung bèn đi nhanh vào bên trong. Chàng nhìn thấy một ngọn cờ bỏ dưới đất.
Nhìn kỹ mới thấy đó chính là lá cờ tượng trưng cho chùa Thiếu Lâm, đã gãy cột và bị người ta quẳng xuống đó.
Thiên Trung nhìn kỹ thấy cột cờ không đứt tiện, hiển nhiên không phải nhát đao hay kiếm chặt, mà là do chưởng lực chấn động mạnh tạo ra.
Cột cờ này có đường kính rộng một xích (độ gần hai tấc), vậy mà kẻ đối đầu dùng chưởng lực đánh gãy, thì đủ biết võ công người này phải siêu phàm lắm.
Thiên Trung nhíu mày bụng bảo dạ:
"Người này muốn đánh gãy cột cờ tất phải ở trên cao đánh xuống. Người còn lơ lửng trên không, chẳng có điểm tựa để phát huy nội lực, mà đánh ra được chẳng này thì không phải chuyện dễ.".
Chàng bước vội vào đại sảnh. Vừa thấy chàng, Hà Thất Phong đã lên tiếng:
- Tiểu tử, ngươi đi đâu vậy? Lúc nãy ở đây xảy ra biến cố, ta đến phòng của ngươi chẳng thấy, đâm ra lo lắng quá chừng.
Thiên Trung cúi chào Tuệ Tăng đại sư, nói:
- Lúc nãy có việc nên đệ tử ra ngoài một chút.
Tuệ Tăng đại sư thốt:
- Đồ nhi làm chuyện gì cũng phải nên hết sức cẩn thận, lúc nãy không thấy ngươi ai cũng lo.
Thiên Trung bèn thuật lại mọi chuyện cho mọi người cùng nghe, từ lúc chàng phát hiện ra hai anh em họ Ngô như thế nào cho đến việc đuổi theo người đội nón rộng vành ra sao.
Nghe xong, Hà Thất Phong nhíu mày:
- Thật kỳ lạ quá, người này là ai?
Thiên Trung lên tiếng:
- Võ công của người đội nón rộng vành rất cao, nhưng so với kẻ đã đánh gãy cột cờ trước sân chùa thì còn thua đến mấy bậc.
Nói đoạn chàng nhìn Hà Thất Phong, hỏi:
- Lúc tiểu bối rời chùa, ở đây đã xảy ra biến cố như thế nào vậy?
Hà Thất Phong liền kể:
- Lúc ta đang ngủ chợt nghe có tiếng động lạ trên mái nhà, nên ta bèn phóng lên xem sao thì gặp Tuệ Tăng đại sư.
Tuệ Tăng đại sư tiếp lời:
- Lão tăng cũng đang ngã lưng thì nghe có tiếng chân bước sau hè, lập tức chạy ra coi, bỗng thấy có bóng người trên mái ngói. Nào ngờ lúc phóng lên lại là Hà bang chủ.
Hà Thất Phong kể tiếp:
- Kế đó chúng ta nghe môn đồ trong chùa la to:
"trong bếp có người chết" nên ta và đại sư bèn vào đó xem sao.
Tuệ Tăng đại sư chép miệng:
- Thoạt đầu lão tăng cứ ngỡ đó là môn đồ của Thiếu Lâm bị hại, đến chừng coi kỹ lại...
Hà Thất Phong nói:
- Lúc ấy ta sực nhớ đến ngươi bèn chạy một mạch tới phòng ngươi nhưng không thấy ngươi đâu. Kế đó đã nghe toàn chùa báo động có địch nhân xâm nhập.
Thiên Trung bèn hỏi:
- Thế sư phụ và Hà tiền bối có đối đầu với địch nhân không?
Hà Thất Phong lắc đầu:
- Có ai đâu chứ. Lúc đó bỗng dưng lửa cháy ngút trời, ai cũng lo chửa cháy, còn tâm tưởng đâu mà tìm địch nhân.
Thiên Trung vẫn còn thắc mắc:
- Thế còn cột cờ sao lại gãy?
Tuệ Tăng đại sư thốt:
- Lúc ấy lão tăng có đi ngang qua chỗ này, có thấy một bóng người. Song vì cứ nghĩ tới chuyện lo dập tắt lửa chẳng mấy chú ý. Đến chừng nghe một tiếng nổ lớn, xoay đầu nhìn lại đã thấy cột cờ gãy đôi.
Thiên Trung thở dài ra:
- Càng lúc càng bế tắc, không sao tìm ra được thủ phạm là ai.
Sực nhớ ra một việc, chàng liền lấy trong túi áo ra cái nút áo bằng ngọc trai:
- Người đội nón lúc nãy đã dùng vật này để ném tiểu bối. Có thể biết người qua vật được không?
Hà Thất Phong cầm lấy xem sơ qua rồi trao nó cho Tuệ Tăng đại sư coi.
Tuệ Tăng đại sư cũng chỉ biết trố mắt nhìn, sau đó nói:
- Hà bang chủ lịch lãm giang hồ từng ngao du đây đó, có biết gốc tích về nút áo này không?
Hà Thất Phong suy nghĩ một lúc, sau đó cất giọng:
- Người dùng nút áo này trên giang hồ không nhiều, song cũng không phải là ít.
Nhưng...
Thiên Trung nghe Hà Thất Phong bỏ lửng câu nói, bèn giục:
- Nhưng như thế nào vậy Hà tiền bối?
Hà Thất Phong lên tiếng:
- Ý của ta là loại nút áo bằng ngọc trai to như hòn sỏi này thì chỉ có hai người dùng đến.
Tuệ Tăng đại sư nhíu mày:
- Là ai vậy Hà bang chủ?
- Là Đường môn phu nhân và Quan Hi Vương Tống Tiểu Ngọc.
Thiên Trung lắc đầu lia lịa:
- Không thể như vậy được.
Tuệ Tăng đại sư chép miệng:
- Quan Hi Vương thì vừa tử nạn, chỉ còn có Đường môn phu nhân. Nhưng đã từ lâu bà ta không ra giang hồ nữa thì làm gì có chuyện ấy.
Thiên Trung vội nói:
- Hà tiền bối cố nhớ lại xem ngoài hai người trên ra, còn có ai nữa không?
Hà Thất Phong lắc đầu, khẳng định:
- Ta không thể nào nhớ sai bao giờ, chẳng lẽ ngươi cũng không tin lão già này hay sao?
Thiên Trung xua tay:
- Tiểu bối nào có suy nghĩ như vậy.
Tuệ Tăng đại sư từ tốn:
- Chuyện chưa rõ ràng, hay là ta cứ từ từ điều tra đi.
Ai nấy đều gật đầu cho rằng đó là cách duy nhất để tiếp tục điều tra cho ra mọi chuyện.
Bây giờ trời bên ngoài đã hừng sáng, Thiên Trung bèn nói:
- Để sáng rõ chuyện này, tiểu bối muốn được trở lại Tứ Xuyên để gặp Đường môn phu nhân.
Hà Thất Phong cau mày:
- Ngươi lại muốn đến đó sao?
- Còn cách nào nữa đâu?
Tuệ Tăng đại sư thốt:
- Đồ nhi nói vậy cũng phải, nếu chẳng tới đó thì chúng ta cứ mãi nghi ngờ cho Đường môn phu nhân, như vậy đâu có đúng.
Hà Thất Phong nói:
- Lão già này chỉ e bà ta chẳng tiếp ngươi.
Thiên Trung đáp:
- Vẫn còn người khác tiếp tiểu bối kia mà.
- Ngươi muốn nói Cao Phi Trí và Đại nương Mộng Trâm?
Thiên Trung gật đầu:
- Đúng như vậy, vả lại dù sao tiểu bối cũng là đệ tử của Thần Kiếm và Đường môn phu nhân có một thời là sư mẫu của tiểu bối.
Tuệ Tăng đại sư chép miệng:
- Đồ nhi nên cẩn thận, vì chuyện của Thiếu Lâm mà để ngươi bận tâm, lão tăng ái ngại vô cùng.
- Sư phụ đừng nói như vậy. Đệ tử đã là người của Phật môn, đóng góp chút công lao thì có gì đáng kể.
Hà Thất Phong nói:
- Ngươi đi đường nên cẩn thận.
- Hà tiền bối chớ quá lo ngại, mong người giúp đỡ cho Thiếu Lâm.
Hà Thất Phong ưỡn ngực:
- Ngươi đừng lo, có ta địch nhân khó làm gì nổi Thiếu Lâm lắm.
Thiên Trung thốt:
- Mong là như vậy.
- Đồ nhi đi sớm về sớm, sư phụ sẽ đợi tin.
Thiên Trung vòng tay:
- Đệ tử cố gắng hoàn tất sứ mạng, sư phụ nên bảo trọng.
Sau đó chàng cúi chào mọi người rồi ly khai Thiếu Lâm mà đi.