watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Dấu Chân Người Tị Nạn-Subic Bay, Vì Sao Lạc. - tác giả Đồng Sa Băng Đồng Sa Băng

Đồng Sa Băng

Subic Bay, Vì Sao Lạc.

Tác giả: Đồng Sa Băng

Tháng Năm biển Đông vẫn còn yên lặng, sóng không lớn quá cấp ba, nước biển màu xanh và bầu trời quang đãng. Ba chiếc tàu đánh cá Việt Thủy rời hải cảng Singapore ngày 10-5-1975 đi Subic Bay, Phi Luật Tân. Ba con tàu nối đuôi và chạy cách nhau trong tầm mắt.


Mỗi con tàu chứa khoảng ba, bốn trăm người với một số thức ăn, và nước uống. Thức ăn hầu hết là đồ hộp được cung cấp bởi phái đoàn Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc. Khối người trên tàu chen chúc nhau trong một không gian chật hẹp. Di chuyển trên tàu cả là một vấn đề phiền phức, nên, hầu hết người ta chỉ ngồi một chỗ suốt đoạn đường đi. Bốn đứa chúng tôi (Th, H, C và tôi) là những người độc thân, không gia đình, không thân thuộc và nhảy lung tung từ tàu này qua tàu kia để được đi chung, nên cuối cùng không được “tiếp tế” lương thực và nước uống trước khi tàu rời bến. Nhưng thân thanh niên, khỏe mạnh, một thân một mình nên những điều đó không làm chúng tôi phân vân.


Sự phân chia và chọn người lái tàu đã được sắp xếp từ hải cảng Singapore mấy ngày qua. Hôm lên đường chiếc Việt Thủy 3 được điều khiển bởi một tài công người Nhật Bản. Người “Thuyền trưởng” Nhật Bản này đã khai báo và cho biết rằng ông ta có mười lăm năm kinh nghiệm đi biển, và đặc biệt ông biết nhìn trăng sao trên bầu trời là có thể xác định được vị trí và hoạch định ra hải trình. Những lời tuyên bố tài năng của ông làm cho lòng người tỵ nạn thêm yên tâm, và không ngần ngại trao thân phận, sinh mạng gia đình cho tài nhìn trăng sao của ông!


Việt Thủy là tàu đánh cá loại nhỏ, dụng cụ hải hành không đầy đủ và tối tân gì mấy. Tàu được trang bị với sáu máy log thẳng, chạy bằng dầu diesel. Trên tàu không có thợ máy chuyên nghiệp, cho nên mọi lo toan về trợ giúp đều do vị “Thuyền trưởng” xem xét và kiểm soát trước giờ ra đi.


Thời tiết yêm xui, ba con thuyền nối đuôi nhau băng qua khúc biển giữa Mã Lai và Nam Dương trong bình an. Những người tỵ nạn xúm nhau từng nhóm theo gia đình, đùm bọc ngồi xúm xít trong khoang tàu. Thỉnh thoảng những tiếng la khóc của những đứa trẻ vì đói khác và nóng nực. Hai ngày sau con tàu đến vùng duyên hải Borneo. Vì tàu nhỏ, đông người nên Việt Thủy chạy rất chậm và dựa theo ven biển Borneo cho an toàn. Vùng biển này xanh biết và nhiều san hô trải dài đến biển Palawan. Ngày đó Việt Thủy đi ngang qua những hòn đảo nhỏ của Trường Sa, nhưng có lẽ không mấy người để ý hay biết đến.


Hai ngày một đêm trôi qua thật chậm. Bốn đứa chúng tôi quay quần bên thành tàu, chia xẽ nhau những làn khói thuốc, nhìn bọt nước, những gợn sóng bạc đầu và từng đàn cá chuồn bay lẹt xẹt trên mặt biển. Có những lúc đói bụng, ruột gan cào nghe ột oạt tôi lại lục những gói mì còn sót trong túi hành trang cho đở đói. Nhưng nước sôi lại không có nên chỉ biết nhai và nuốt đại những sợi mì. Trên tàu những gia đình lớn bé đều được cung cấp những lon đồ hộp và sữa đặc. Người trên tàu xuống bếp nấu cơm và đun nước sôi. Nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không được chia xẽ đến một miếng ăn, ngay cả khi đói khác đến khờ người. Gia đình nào cũng thủ cho bản thân họ, tôi nghĩ đó cũng là chuyện thường khi con người nằm trong cảnh lâm nguy, nên cũng chẳng lấy làm buồn. Đoàn người trên tàu chật như nem, không có chỗ trống, tôi ngồi co chân trên nắp thùng phi bên cạnh mái che bằng vải. Có những hôm trời mưa, những giọt mưa đọng trên miếng vải che, chúng tôi đẩy chỗ thủng cho những giọt nước mưa trên miếng vải chảy vào lon nhựa để uống cho qua cơn khác.


Không gì làm tôi lảng vảng xuống hầm máy xem chơi. Và vào ngày thứ hai viên “Thuyền trưởng” cần người giúp chấm dầu. Đám bốn đứa chúng tôi liền tình nguyện làm “thợ chấm dầu”. Và từ đó tôi thường trực dưới hầm máy. Lần đầu tiên trong đời tôi đi làm thợ máy! Tôi nghĩ chắc cũng dễ thôi, chỉ cần cầm lon dầu chấm vào ổ máy là xong. Vậy mà bốn đứa chúng tôi trở thành người quan trọng. Và cái quan trọng lớn nhất đối với chúng tôi là từ ngày đi làm “thợ máy” chúng tôi được chia xẽ những miếng cơm, giọt nước từ những gia đình trên tàu mỗi khi đói khác.


Đến ngày thứ tư ba chiếc Việt Thủy vẫn còn trong tầm mắt trên vùng biển san hô giữa Trường Sa và Borneo.


Nhưng chiều hôm thứ tư con tàu Việt Thủy 3, con tàu chạy sau cùng bỗng nhiên chạy chậm lại.


Viên thuyền trưởng người Nhật xuống phòng máy xem, phát gíac hai trong sáu máy không còn chạy! Người thuyền trưởng nói: “Máy tàu bị lột dên.” Tôi nghĩ máy không bị lột dên mới là chuyện lạ! Vì khối người đông như kiến, con tàu đã quá tải và hai hôm nay người thuyền trưởng bảo tăng vận tốc máy, ép tàu chạy cho lẹ để kịp với hai chiếc kia. Mọi người trên tàu nhôn nháo sợ sệt, rù rì bàn tán khi biết máy tàu bị hư. Việt Thủy 1 và 2 càng lúc càng đi xa. Nhưng nếu có còn đâu đây cũng không kéo thêm Việt Thủy 3 nổi, vì mỗi con tàu đã kéo ngoài khả năng của nó!


Việt Thủy 3 tắt máy để sửa.


Con thuyền bắt đầu trôi. Ngoài những mảnh san hô màu xanh xanh trắng trắng thấp thoáng dưới đáy biển, và những ngọn sóng bạc đầu, người ta không nhìn thấy gì khác. Một khối người đông như nem trên tàu tự dưng bất động, chỉ còn nghe tiếng nguyện cầu và những ánh mắt buồn, lo lắng. Trời về chiều, không mưa, không gió nhưng trong lòng mọi người đã cảm thấy lạnh. Tôi rời phòng máy bước lên sàn tàu, đưa mắt nhìn vào khoảng chân không, giống như lòng tôi đang trống rỗng.


Vị thuyền trưởng lay hoai sửa chữa, một hồi sau tiếng máy tàu lại nổi lên. Mọi người châu mặt về người thuyền trưởng, viên thuyền trưởng nói: “Chỉ chạy được bốn máy thôi.” Ông dặn dò những người chấm dầu xong bước lên phòng lái. Những nỗi lo âu trên từng gương mặt lại từ từ chìm xuống. Việt Thủy 3 chạy rất chậm và đã ngoài tầm mắt của Việt Thủy 1,2.


Từ đây Việt Thủy 3 một mình trên biển Đông.


Đêm về muôn ngàn vì sao lấp lánh trên không, con tau vẫn ì ạch mang đoàn người di chuyển về hướng Manila. Trên tàu vấn đề ăn, uống, và việc giải quyết chuyện cá nhân là cả một vấn đề, nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, vì ở hoàn cảnh này con người không còn biết mắc cở nữa. Vị thuyền trưởng hằng đêm vẫn nhìn bầu trời đầy trăng sao để định vị, và lèo lái con tàu cho đến đích. Tôi nhìn ông với lòng đầy khâm phục. Kiến thức của tôi về thiên văn học rất hạn hẹp, tôi chỉ biết có sao Bắc Đẫu, có dãy Ngân Hà, có trăng non trăng già. Nhưng để nhìn những vì tinh tú trên bầu trời và hoạch ra một hải trình để đi thì ngoài khả năng của tôi và nhiều người. Và rồi con tàu vần chạy, và đoàn người vẫn đếm từng ngày hồi hộp, mong thấy bờ bến.


Đến ngày thứ bảy con tàu vẫn chạy theo ven biển, nhưng nơi nào thì cả vị thuyền trưởng cũng không biết! Mọi người trên tàu bắt đầu thắc mắc. Theo như bài tính đơn giản, tàu chạy 10 hải lý một giờ thì khoảng năm ngày hơn là tàu phải đến Subic Bay. Nhưng đã bảy ngày rồi, Subic Bay vẫn như vì sao lạc. Nhiều người trên tau đâm ra lo sợ và góp ý cùng vị thuyền trưởng nên tấp vào bờ để biết tàu đang ở đâu. Vậy là Việt Thủy chuyển mũi tàu hướng vào ven bờ. Khi vào gần bờ, nhiều người dân địa phương, da đen luốc chèo thuyền độc mộc đến cập vào Việt Thủy. Sau khi cho xem bản đồ và hỏi ra thì biết Việt Thủy đã đi lạc về bắc Phi Luật Tân hơn một ngày hải hành, và sắp vào địa phận của giống dân man rợ Bắc Phi vẫn còn ăn thịt người! Mọi người thở phào nhẹ nhỏm, và trong đám đông có nhiều tiếng xì xầm về tài nhìn trăng sao của vị thuyền trưởng!


Việt Thủy cập vào bờ và mọi người trên tàu trút hết nỗi sợ hãi xuông biển. Những người dân Phi Luật Tân miền biển đen đuốc nhưng rất hiền hòa, tiếp đón con tàu Việt Thủy rất niềm nở. Họ chèo thuyền độc mộc mang đầy dừa tươi cập bên Việt Thủy và xin đổi lấy đồ hộp. Biết là sẽ được đến Subic Bay nay mai nên những người trên Việt Thủy không ngần ngại đổi những lon đồ hộp lấy dừa tươi uống. Và có lẽ chính quyền địa phương đã được lệnh nên mang Bác Sĩ và thuốc men đến khám bệnh chích thuốc cho người trên tàu. Với một ít vốn liếng Anh Văn tôi trở thành một thông dịch viên cho những cuộc khám bệnh cho dân tỵ nạn trên tàu. Hầu hết những lời khai bệnh chỉ là nhức đầu, sổ mũi, nóng lạnh nên với vốn liếng Anh Văn bặp bẹ tôi đã giúp nhiều gia đình có con em nhỏ.



Từ đó tôi được nhiều thiện cảm với đòng bào trên tàu hơn, và cũng từ đó họ ân cần ban bố cho tôi một ít thức ăn như sữa đặc và đồ hộp. Tôi vẫn đưa tay nhận lấy mà trong lòng thầm nghĩ: “Những thứ này không cho thì ngày mai cũng sẽ bỏ lại trên tàu thôi, những ngày qua đói khác xin thì không cho, bây giờ mình giúp họ họ lại bố thì của thừa này đây, nghĩ mà buồn cười cho con người.”



Nhưng rồi tôi vẫn làm nhiệm vụ của một thông dịch viên vui tươi.


Đến bây giờ, chắc có lẽ nhiều người đi trên con tàu Việt Thủy vẫn còn đâu đây và chắc chắn họ cũng nhớ những giây phút này. Nhưng có lẽ điều mà tôi nhớ mãi là hình ảnh những người con gái Phi Luật Tân xinh đẹp chích thuốc và săn sóc những đứa bé bị bịnh, vội vàng trao những mảnh giấy nhỏ có đề tên và địa chỉ trước khi Việt Thủy quay đầu về hướng Nam, với một lời dặn ân cần là khi nào đến Mỹ hãy viết thư liên lạc với mấy cô. Tôi gom góp những mảnh giấy nhỏ bỏ vào tuối, lòng vui cười vãy tay chào tạm biệt, và biết vẫn còn có những tấm lòng cao thượng.


Việt Thủy quay đầu rời bến, qua ngày hôm sau là đến Subic Bay. Mọi người vui mừng rời con tàu cũ kỷ, để lại tất cả những thức ăn, nước uống lại trên tàu, bước chân vào trại tỵ nạn Subic Bay.


Trại tỵ nạn là những túp lều bằng vải, nằm san sát trên một sân cỏ bằng phẳng, đã được dựng lên từ lâu. Mỗi túp lều chu vi khoảng 4, 5 thước vuông và được kê hai ba dãy giường bố nhà binh cho khoảng tám người ở. Ngoài những lều vải, trại Subic Bay còn có những khu barrack nằm rãi rác trong khu rừng cây xanh um. Vào giai đoạn đầu của làn sóng tỵ nạn, chiến dịch Đời Sống Mới (Operation New Life), Subic Bay là trung tâm chuyển tiếp, đón nhận thuyền nhân, lập hồ sơ rồi đưa đi những nơi khác như Guam, Wake và vào lục địa Hoa Kỳ. Những lúc cao điểm Subic Bay có thể lên đến vài ngàn người tỵ nạn.



Hằng ngày người tỵ nạn được ăn ba bửa: sáng, trưa, tối. Và những dịch vụ vệ sinh đều được binh lính Mỹ phục dịch. Nhưng sau vài ba tuần lễ đầu, vì tinh thần vệ sinh chung trở nên bê tha nên trại tỵ nạn phân chia những nam thành viên thay phiên nhau đi làm dịch vụ vệ sinh trong trại.



Subic Bay nằm trên hòn đảo Grande Island gần Manila, trên đảo có vài bãi tắm nước trong xanh và nhiều cá bơi lội trong dòng nước. Người tỵ nạn suốt ngày bơi lội ở những bãi tắm này. Ngoài ra trên đỉnh đồi Subic là rừng xoài bên cạnh những nhà tù được xây lên từ thời Phi Luật Tân còn là thuộc địa của Tây Ban Nha.


Một điều đặc biệt là khoảng một tháng trước ngày Sài Gòn thất thủ, vị giáo sư toán của trường đại học Khoa Học Sài Gòn, Lâm Lý Hùng, đã dùng thuyền gỗ nhỏ đưa gia đình (9 người gồm hai vợ chồng và 7 người con) rời Sài Gòn đi Úc Đại Lợi. Ngày đó, khoảng tháng 3, 1975, người dân Sài Gòn xôn xao bàn tán về chuyến đi của gia đình giáo sư Lâm Lý Hùng. Nhiều người ca ngợi lòng can đảm của ông, và nhiều người khác đánh giá sự độc tài của chế độ cộng sản qua chuyến đi một còn một mất của gia đình ông. Khi gia đình giáo sư Lâm Lý Hùng còn lênh đênh ngoài khơi Thái Bình Dương thì Sài Gòn mất, và gia đình ông nhập vào đoàn người tỵ nạn tại Subic Bay. Có lúc giáo sư Lâm Lý Hùng cũng là trại trưởng của trại tỵ nạn Subic Bay.


Người tỵ nạn ở đây, trong khi chờ làm thủ tục để đi định cư, họ được học Anh Văn và đời sống phong tục của dân Mỹ. Chiều tối về, ngày nào cũng vậy, ban quảng trị trại chiếu phim hoạt họa trên màng ảnh lớn cho toàn trại xem. Những khúc phim ngắn của Road Runner, chú thỏ Bug Bunny và cảnh rượt bắt của những con vật trong đời sống hằng ngày, mà mỗi lần một khúc phim chấm dứt là một tràng cười nổi lên, kế đến là hàng chữ “That’s All Folks” lại hiện ra. Có phải những khúc phim đó muốn nhắc lại cho mọi người biết là cuộc chiến giữa Nam Bắc Việt Nam cũng chỉ là những cuộc chém giếc, rượt bắc như trò đùa của những con nộm mà giờ chót đã đến, đã hết rồi, để chỉ còn tràng cười và hàng chữ “That’s All Folks.” Trong hàng khán giả kia đâu phải chỉ có đám con nít! Họ là những nhà trí thức, những vị giáo sư, bác sĩ, kỷ sư, những cấp chỉ huy và những người sinh viên rường cột của nước nhà, là tinh hoa của miền Nam Việt Nam. Đã bị đánh lừa, bị phản bội và bây giờ được nhắc nhở bằng một tràng cười và câu: “Chỉ vậy thôi, các bạn.”



Sau khi nhập trại, làm thủ tục đăng ký tên tuổi nghề nghiệp, tôi lại lang thang trong trại tìm người thân. Tôi đến thung lủng tỵ nạn nơi có treo bảng thông tin to như tấm bảng đen dưới gốc cây, đọc những tin nhắn tìm người thân trên đó. Không thấy tên nào quen, tôi lại lang thang trong rừng người và bất chợt tôi gặp lại hết những người đi trên Long Châu: Anh Hoàng và những anh chị em của anh Hoàng. Tất cả đã đến đây trước bốn đứa chúng tôi. Tay bắt mặt mừng, anh Hoàng gom hết anh em lại và điểm danh không thiếu một ai. Nhưng Điễn và những người lính Lôi Hổ trên tàu há miệng Hải Quân ở căn cứ chuyển vận kho 18, Tân Thuận thì không có mặt trên Subic Bay, họ đã đi thẳng đên Guam hoặc Wake.



Vài ba tuần sau khi đến Subic Bay, anh Hoàng, T và ông Si trở lại Long Châu chạy qua Guam.


Còn lại chúng tôi hằng ngày chỉ biết tắm biển, lên ăn, rồi lại xuống tắm biển rồi lại ăn. Chiều về chun vào mấy lớp Anh Văn học năm ba chữ hoặc lên hồ bơi, bơi lội, thụt bi-da. Sướng quá nên chúng tôi nói: “Vui chơi đời tỵ nạn” là vậy! Có một điều làm những người tỵ nạn chúng tôi rất hãnh diện là đội bóng chuyền của dân tỵ nạn. Nói đúng ra là vài tay bóng chuyền cừ khôi của Hải Quân VNCH. Tôi nhớ một người tên Thạch Sến và một người tên Giám. Hai anh này chơi bóng chuyền rất hay và làm cho đội bóng chuyền của binh lính Mỹ và Philippine phải nghiêng đầu kính phục. Thạch Sến một mình chấp 6 tay bóng chuyền Mỹ mà vẫn thắng vẽ vang dưới tiếng vỗ tay ầm ỉ của người xem! Cho nên những buổi chiều nhiều người kéo nhau ra chờ xem đấu bóng chuyền.


Khoảng một tháng sau lần lượt những người trên đảo đều rời Subic Bay qua căn cứ không quân Clark để đi tiếp. Những người còn lại của nhóm anh Hoàng trên tàu Long Châu đều ra đi khác chuyến. 20-6-1975 tôi rời Subic Bay lên chiếc C-130 (máy bay di chuyển quân đội của Hoa Kỳ) tại căn cứ Clark với vài ba trăm người khác, bay qua Guam.


Những người đến sau tiếp tục ở lại Subic Bay, trầm mình trong làn nước biển xanh, và chiều về lại xem những khúc phim rượt chạy để cuối cùng âm thanh của hàng chữ “That’s All Folks” và tiếng cười lại vang lên trong tâm tư khó chịu của người thất trận!



Chiếc C-130 vội cất cánh rời phi đạo Clark, trong nhấp nháy tôi nhìn lại Subic Bay nhỏ như hột cát. Tiếng động cơ máy bay ầm ì đều đặng, và đoàn người ngồi yên lặng, dõi mắt nhìn qua khung cửa sổ, cố ghi lại hình ảnh một vài giờ vui.




Đồng Sa Băng. 26 tháng 6, 2009.
Dấu Chân Người Tị Nạn
Tháng Tư Nhớ … Tháng Tư
Biển và tôi
Long Châu, Những Ngày Rong Ruổi
Subic Bay, Vì Sao Lạc.
Guam và Bản Tình Ca
Pendleton, Người Di Tản Cuối
Thousand Oak
Con Đường Mòn Không Tên
Pepperdine University
Ngựa Hoang
Mùa Thu 1977