watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cuộc Sống Không Có Tiếng Nói-Phần 2 - tác giả Đông Tây Đông Tây

Đông Tây

Phần 2

Tác giả: Đông Tây

Sáng sớm hôm sau, Gia Khoan còn chưa trở dậy thì đã bị Ông Chu vào tận giường dựng dậy. Thấy ông ta xắn tay áo hoa quyền, miệng sùi bọt mép như là muốn đánh cho một trận tơi bời mới hả giận, thì cũng cùng lúc đó, anh trông thấy Chu Linh. Hai tay cô buông xuôi, vai nhấp nhô vì khóc. Tóc cô rối bù như tổ quạ, một sợi cỏ còn dính trên tóc.
Ông Chu quát:
- Này Gia Khoan, tối hôm qua con Chu Linh ở với mày phải không? Nếu đúng như vậy, tao gả nó làm vợ mày cho rồi. Nó đã ưng mày, ưng một thằng điếc thì tao khỏi phải lo lắng vì nó cho nhọc lòng.
Chu Linh ngẩng đầu lên, nhìn Gia Khoan bằng đôi mắt đỏ hoe, bảo:
- Anh nói đi, cứ nói thực vào!
Gia Khoan cho rằng ông Chu muốn hỏi mình xem tối hôm qua có ngủ với Chu Linh hay không. Anh bị chuyện đó làm cho mất vía nên hai chân run bắn lên như đứng trên tuyết, đầu lắc lia lịa, lắp bắp:
- Không ạ, không ạ…
Cánh tay phải duỗi thẳng như cành cây của Chu Linh đột ngột giơ lên quá đầu, sau đó nặng nề đổ xuống má trái Gia Khoan. Cô như nghe thấy tiếng pháo nổ, bàn tay mình tê dại đi. Cô nhìn thấy Gia Khoan lệch hẳn người đi, dường như té ngã đến nơi. Gia Khoan ôm lấy má bên trái rát bỏng, cảm thấy chưởng này của Chu Linh còn nặng hơn chưởng tối hôm qua đến mười lần, xem ra anh có tội với Chu Linh thật, hoa. lớn sắp đổ xuống đầu. Nhưng anh đắc tội với Chu Linh ở chỗ nào, vì sao mình chẳng có tội gì mà bị đánh?
Chu Linh ôm lấy mặt quay người chạy đi, tóc cô từ trên đỉnh đầu rớt xuống. Gia Khoan vào nhà tìm cha, nói:
- Không hiểu vì sao cô ấy lại đánh con?
Nói chưa dứt câu, anh đã bị cha tát cho một cái nữa, nói:
- Ai bảo mày là thằng điếc? Ai bảo mày không biết mở mồm ra mà nói? Một con vợ tốt như thế mà mày lại không có phúc hưởng!
Gia Khoan bật khóc, khóc một trận rồi kiếm được con dao nhọn. Anh định giết người, nhưng những nơi anh chạy qua lại chẳng có một ai ngăn trở. Thế là anh chạy ra ngoài thôn, chạy đến đâu, gà chó tán loạn đến đấy, cành cây bị anh chặt đứt phăng. Anh nghĩ hay là tự đâm chết cho rồi, tránh khỏi làm đau tay người khác. Nhưng nghĩ tới ở nhà còn cha mù loà, chân anh liền chạy chậm lại.
Tối đến, Gia Khoan liền đóng cửa không ra ngoài. Theo ý cha, anh ngồi dưới đèn chẻ nan chuẩn bị đan cho cha chiếc chiếu trẹ Vương Lão Bính cho rằng đàn ông đan những đồ bằng nan tre cũng chẳng khác gì đàn bà đan len hoặc khâu đế giầy, chỉ cần tay họ có việc làm thì họ không ra ngoài gây chuyện thị phi nữa.
Chẻ được ba tối nan tre, lại đan ba ngày nữa, cái chiếu do anh đan bắt đầu ra hình cái chiếu. Cha anh đưa tay sờ chiếu xong thì lắc đầu thất vọng. Thấy cha xua tay liên hồi như muốn bảo anh đừng đan chiếu nữa, nên đan cái gùi đeo lưng và bảo anh dỡ ngay chiếu ra, anh liền nói:
- Con dỡ ngay ra đây!
Cha anh lập tức không xua tay nữa, khiến anh nghĩ thầm: “Mình đã đoán đúng ý cha rồi!”.
Buổi tối hôm Gia Khoan chăm chú tháo chiếu ra, Vương Lão Bính nghe thấy trên gác có tiếng chân người, ông nghĩ có lẽ con trai đang lục tìm cái gì trên đó. Ông cất tiếng gọi:
- Gia Khoan!
Không có tiếng trả lời, tiếng động trên gác càng mạnh. Ông già nghĩ tiếng động đó không giống tiếng Gia Khoan lục tìm thứ gì, huống hồ nhà ngoài vẫn có tiếng dỡ chiếu tre, con ông chỉ chăm chú dỡ chiếu chứ không biết trên gác có người.
Vương Lão Bính lồm cồm bò dậy từ trên giường, sờ soạng đi ra nhà ngoài. Ông vấp phải cái thùng đựng nước tiểu và làm đổ, nước tiểu để lâu ngày chảy loang ra đất, làm ướt cả quần áo ông, mùi khai nồng nặc toa? khắp nhà. Ông gượng đứng lên nhưng đầu ông va vào vách gỗ. Ông nghĩ, chắc mình đã ngã vào gầm giường và thử hướng về bốn phía khác nhau để chui ra, song bốn phía vẫn là vách gỗ, trán ông sưng lên bốn năm chỗ.
Ngửi thấy mùi khai nồng nặc, Gia Khoan tưởng cha đang đi tiểu. Mùi khai nồng kéo dài một lúc lâu, hơn nữa ngày một nồng nặc hơn, thế là anh xách đèn xem cha thế nào. Anh nhìn thấy cha bò dưới gầm giường, người bê bết ướt, mồm há ra, tay không ngừng chỉ lên gác.
Anh xách đèn chạy lên trên gác, thấy cửa gác đã bị người nào cạy ra, hơn mười miếng thịt muối không thấy đâu nữa, chỉ còn cái sào treo thịt muối là đang đung đưa trong gió, chẳng khác gì cây đu trống không. Anh gọi xuống dưới nhà:
- Thịt muối bị kẻ nào ăn trộm mất rồi!
Xẩm tối ngày thứ năm, cha Lưu Đình Lương là Lưu Thuận Xương mới trói hai tay con trai giải đến cửa sau nhà Vương Lão Bính, cổ Đình Lương còn treo hai miếng thịt muối bị ám khói đen. Đó là hai miếng thịt còn lại trong số thịt muối bị hắn ăn trộm. Lưu Thuận Xương đá vào bắp chân con một cái, Đình Lương quỳ thụp hai gối xuống trước mặt Vương Lão Bính. Lưu Thuận Xương nói:
- Lão Bính, tôi chữa được bệnh cho vô số người, thế mà lại không chữa nổi cái tật ở tay thằng này. Mấy ngày liền thấy nó không về nhà ăn cơm, tôi lấy làm lạ quá, thế là tôi liền theo dõi nó. Thì ra nó chui vào trong rừng đằng sau núi nướng thịt muối của nhà ông để ăn. Bọn chúng có tất cả bốn đứa, lại mang theo cả nồi niêu, mắm muối, tương dầu. Nhưng thằng khác tôi không quản, tôi chỉ trói thằng con tôi điệu đến đây cho bác xử.
Vương Lão Bính hỏi:
- Đình Lương, ngoài mày ra còn có những đứa nào?
Đình Lương đáp:
- Có thằng Cẩu Tử, Quang Vượng và Trần Bình Kim.
Vương Lão Bính giơ hai tay sờ từ đầu Đình Lương xuôi trở xuống và sờ thấy thịt. Sau đó ông sờ đến hai tay bị trói của cậu, lần mò cởi dây thừng ra, ông bảo:
- Từ rầy các cháu đừng có ăn trộm ăn cắp nữa. Cháu về đi.
Đình Lương đứng dậy ra về. Lưu Thuận Xương nói:
- Sao bác lại dễ tha thứ cho nó thế?
Vương Lão Bính đáp:
- Bác Thuận Xương, tôi là lão già mù, thằng con tôi lại điếc, chúng nó muốn trộm đồ nhà tôi thì chẳng khó khăn gì như lấy đồ nhà mình, tôi làm phật lòng bọn chúng là không xong.
Lưu Thuận Xương thở một hơi rõ dài, nói:
- Tình cảnh nhà bác phải thay đổi mới được. Bác lấy vợ cho cháu Gia Khoan đi, có lẽ như thế sẽ tốt hơn.
Vương Lão Bính đáp:
- Nhưng ai bằng lòng lấy nó đã chứ!
Trong lúc chữa bệnh cho người, Lưu Thuận Xương cũng để ý tìm vợ cho Gia Khoan. Một lần, ông dẫn đến cho anh một người goá chồng. Người ấy dắt theo đứa con gái chừng năm tuổi, trên tay còn bế một đứa trẻ chưa tới một tuổi. Người này mặt mũi rầu rĩ, chồng chị ta ốm chết chưa lâu, chị rất cần sức vóc đàn ông để cày bừa ruộng.
Con gái chị ta hết sức khôn ngoan, con bé vừa nhìn thấy Gia Khoan đã quỳ ngay xuống trước mặt, gục đầu lạy anh, thậm chí còn gọi liền ba tiếng “tía”. Lưu Thuận Xương lấy làm tiếc cho anh không nghe thấy ba tiếng gọi đó của con bé, nếu không thì cuộc hôn nhân này mười phần chắc đến chín.
Vương Gia Khoan xoa đầu con bé, kéo nó đứng lên, phủi sạch đất trên đầu gối cho nó. Phủi đất xong, tay anh không biết đặt vào đâu. Anh do dự đôi chút rồi cuối cùng nghĩ ra, tới bế đứa trẻ mới đẻ trên tay chị gái goá. Đứa bé ngoác mồm khóc ré lên, anh đưa tay vạch đùi nó ra, thấy con chim nổi cộm ở giữa háng. Anh vừa ấn ngón tay phải vào đó vừa cười hì hì với chị goá. Một tia nước tiểu từ háng vọt ra, thằng bé nín khóc, còn tay anh dính đầy nước tiểu.
Nhân lúc chị goá và con bé ăn cơm, Gia Khoan dùng ống trúc nhỏ còn thừa lại khi chẻ nan, gọt qua loa thành một cái sáo. Anh đưa lên miệng thổi mạnh mấy tiếng, chừng thấy đã thành tiếng mới đưa sáo cho con bé. Anh bảo nó khi nào ăn cơm xong thì thổi sáo ấy mà về nhà, mẹ con nó không cần đến tìm anh nữa.
Anh nhìn con bé vừa thổi sáo, vừa nhảy tưng tưng trở về con đường đã đến. Tiếng sáo thô vụng lúc ngừng lúc thổi, tuy không thành bài nhưng nghe ra vẫn có chút thê lương. Lưu Thuận Xương lắc đầu:
- Gia Khoan, cháu thật không có phúc phận.
Sau đó thầy lang còn giới thiệu cho anh mấy người phụ nữ đơn chiếc. Anh không chê họ già hoặc xấu mà chỉ vì không có ai đánh động được tim anh. Dường như bẩm tính anh đã thù ghét những người đàn bà muốn sống cùng anh. Lưu Thuận Xương đến nhà tìm Vương Lão Bính, nói:
- Bác Vương này, thằng con điếc của bác cứ kén cá chọn canh mãi, bao giờ mới thành được gia đình? Thôi, bác cứ làm chủ cho xong.
Vương Lão Bính nói:
- Nhờ bác tính cách giúp thêm cháu đã!
Khi Thuận Xương đưa người đàn bà thứ năm đến nhà họ Vương, mặt trời đã ngả về tây. Cô gái người tỉnh khác này tên là Trương Quế Lan. Lưu Thuận Xương phải đi cả một ngày đường mới đưa được cô ta về nhà họ Vương. Dưới ánh đèn, thầy lang luôn tay phủi bụi đất bám trên người và cũng không ngừng uống thả sức rượu nếp mà Gia Khoan mời. Sau hết cốc này đến cốc khác rượu nếp được nốc vào bụng, mặt thầy lang đỏ lên, cổ bạnh ra, ông ta bảo Vương Lão Bính:
- Bác Lão Bính ơi, cô gái này mặt nào cũng tốt, chỉ có tay trái là không dùng được. Mà thật ra cũng chẳng có gì, chỉ là không duỗi thẳng ra được mà thôi. Đêm nay, cô ấy ở lại nhà bác đấy!
Từ sau khi thịt muối bị ăn trộm, hai cha con Vương Lão Bính mới ngủ chung giường. Mục đích ngủ chung là đề phòng có trộm vào nhà, cha con có thể liên hợp hành động. Đêm hôm Trương Quế Lan đến nhà, Vương Gia Khoan vẫn ngủ cùng giường với chạ Cha anh luôn tay cấu đùi, véo tay con trai ra ý bảo anh ngủ cùng Quế Lan nhưng anh cứ cố sống cố chết nằm lì trên giường. Dần dần anh không chống cự nổi sức tấn công của cha, đành bò trở dậy.
Bò dậy rồi nhưng Gia Khoan cũng không tìm đến với Quế Lan, anh ngồi một mình trên gác phơi ngoài cửa. Chiếc đài bán dẫn lâu ngày không dùng, lúc này lại được đeo trên cổ. Chừng sau nửa đêm, Gia Khoan ngủ thiếp đi trên gác phơi, riêng cái đài suốt đêm không ngủ. Sau ba đêm liền như thế, Trương Quế Lan trốn khỏi nhà họ Vương.
Vợ chồng nhà giáo tiểu học Trương Phục Bảo, Diêu Dụ Bình còn chưa trở dậy thì nghe có tiếng gõ cửa. Trương Phục Bảo mở cửa, thấy Gia Khoan gánh một gánh nước đang đứng bên ngoài. Thầy giáo giụi mắt, vươn vai nói:
- Em gọi cửa có việc gì thế?
Chẳng kể thầy có cho phép hay không, Gia Khoan gánh nước đi thẳng qua cổng, đổ vào chum nước của nhà thầy. Anh bảo, từ nay về sau, em nhận bao số nước dùng của nhà thầy.
Sáng nào cũng vậy, Gia Khoan gánh nước qua cổng nhà thầy rất đúng giờ. Vợ chồng thầy giáo đoán không ra dụng ý của anh. Gánh xong nước, anh đến đứng ngoài cửa sổ lớp học xem học trò đọc bài buổi sáng. Có lúc anh xem đến khi cô Diêu Dục Bình hoặc thầy Trương Phục Bảo lên dạy tiết thứ nhất mới thôi. Thầy giáo nghĩ, cậu ta muốn nhờ mình cho biết chữ chăng? Tai của cậu ta có vấn đề, mình dạy làm sao đây?
Thầy giáo toan ngăn hành động đó của anh nhưng Gia Khoan không nghe. Gánh nước chừng nửa tháng, anh mới khẽ khàng thưa với cô giáo:
- Thưa cô, em nhờ cô viết giúp em viết lá thư gửi cho Chu Linh. Cô viết rằng em yêu cô ấy.
Cô giáo lập tức dùng tay ra hiệu. Nhìn theo tay cô giáo, anh đoán cô muốn bảo anh không cần viết thư, để cô tìm Chu Linh nói thẳng việc này ra là được. Gia Khoan nói:
- Em gánh cho cô khoảng năm chục gánh nước thì cô cũng viết cho em năm chục chữ và viết theo ý của em. Cô đừng bảo cho Chu Linh biết là thư của ai nhé. Em chỉ nhờ cô giúp cho việc đó thôi.
Cô giáo Diêu lấy bút ra, viết hộ Gia Khoan một lá thư kín đầy những chữ. Anh giắt tờ giấy đó như giắt một vật quý giá, đợi thời cơ đưa cho Chu Linh.
Anh giắt giấy trong lưng được ba ngày mà vẫn không có dịp nào trao cho Chu Linh. Khi nào ngồi một mình, anh lấy tờ thư đó ra xem đi xem lại, dường như đọc hiểu được nội dung lá thư.
Tối ngày thứ tư, thừa dịp cha mẹ Chu Linh đi thăm họ hàng, Gia Khoan đứng ngoài cửa sổ trao thư cho Chu Linh. Chu Linh xem xong thư, đứng trong cửa nhìn anh cười, cô còn giơ tay ra ngoài cửa sổ vẫy anh.
Chu Linh vừa toan bước ra thì mẹ cô đi thăm họ hàng về đứng chắn ngay ngoài cửa. Anh ngây người đứng chờ ngoài cửa sổ và chờ được hai chiếc giầy rách của ông bố Chu Linh. Hai chiếc giầy đó bay vèo qua cửa sổ và đập đúng vào đầu anh.
Cô giáo Diêu nhận thấy bức thư tình mà mình viết hộ không gây được tác dụng, liền trao lại việc ấy cho thầy giáo. Sau khi Gia Khoan trao thư thầy Trương viết hộ cho Chu Linh, anh chẳng những không nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của cô, mà cả đến bàn tay vẫy ngoài cửa sổ cũng không thấy nốt.
Ngay lúc đầu Chu Linh đã biết thư của Gia Khoan do người khác viết hộ. Cô điểm mặt tất cả những người viết được thư trong thôn cũng không sao đoán ra xuất xứ. Khi chữ của cô giáo biến thành chữ của thầy Trương, tâm tình cô trở nên lắm mỗi. Cô thấy tên người ở cuối thư từ Vương Gia Khoan trở thành Trương Phục Bảo. Cô không biết đây là cái lầm vô ý hay hữu ý. Nếu như hữu ý thì Vương Gia Khoan đã bị bức thư tình thứ hai biến đổi địa vị, từ chỗ là người tỏ tình biến thành người đưa thư…
Quanh quẩn ngoài cửa sổ nhà Chu Linh không chỉ có Vương Gia Khoan mà còn có Cẩu Tử, Lưu Đình Lương, Cu Đen và cả Dương Quang nữa. Tất nhiên còn bao gồm cả một vài người không tiện công khai họ tên (có người còn là cán bộ Nhà nước đã có vợ nữa). Bọn Cẩu Tử và Chu Linh cùng lớn lên từ tiểu học đến trung học cơ sở. Tất cả bọn họ đều cố ý hay vô tình mân mê bím tóc rất dầy và đen nhánh của cộ Cẩu Tử còn nói hắn vuốt ve bím tóc ấy chẳng khác gì vuốt ve sách vở khi vào học kỳ mới, chẳng khác gì vuốt ve lông gà con ở nhà hắn. Bây giờ Chu Linh đã cắt bím tóc rồi, trước mặt bọn Cẩu Tử bây giờ là cô gái xinh đẹp đang đợi lấy chồng. Cẩu Tử từng nói bây giờ hắn muốn sờ má cô.
Nhưng mùa hè năm ấy khi Vương Gia Khoan tỏ tìnhv ới Chu Linh thì bọn Cẩu Tử nhận ra sự thất bại của bọn chúng. Bọn chúng bắt đầu ném đất đá qua cửa sổ vào nhà cộ Ngoài cổng nhà họ Chu viết đầy những câu thô bỉ, vẽ đầy một số hình thù bộ phận cơ thể của con người. Gia Khoan cũng thất bại, chỉ có điều anh chưa ý thức được mà thôi.
Một hôm Cẩu Tử thấy Vương Gia Khoan đứng trên mái nhà cao của họ Chu, lợp ngói dưới ánh nắng gay gắt cho ông Chụ Cẩu Tử nghĩ, ông này đang bóc lột sức lao động của thằng điếc kia đây! Hắn vẫy tay gọi Gia Khoan từ nóc nhà xuống rồi lôi anh đến nhà cu Đen. Gia Khoan nhớ là chưa lợp xong mái,vừa đi vừa van Cẩu Tử đừng làm rách việc. Anh ra sức giãy giụa nhưng cuối cùng vẫn bị Cẩu Tử đẩy qua cổng nhà Cu Đen.
Cẩu Tử hỏi:
- Cu Đen, mày chuẩn bị xong chưa?
- Xong rồi! - Cu Đen đáp.
Cẩu Tử bèn quặt tay Gia Khoan rồi giữ chặt lấy, Dương Quang vít đầu anh xuống, ấn vào một chậu nước nóng, chẳng khác gì nhúng gà để vặt lông. Anh gắt lên:
- Các cậu làm gì thế?
Đầu tóc ướt át, anh bị Cẩu Tử và Dương Quang ấn ngồi xuống ghế, Cu Đen cầm dao cạo sắc lẹm đi tới, nói:
- Chúng tớ cạo đầu cho cậu đây, cạo một cái đầu trơn tru, bóng loáng. Đầu cậu sẽ như bóng đèn bốn mươi oắt, chiếu sáng cả nhà trên cửa nhà họ Chu và phòng riêng của Chu Linh nữa!
Cẩu Tử và Dương Quang cười ha hả, tóc của Gia Khoan từng mớ, từng mớ rơi xuống.
Cạo được nửa đầu, Cu Đen ra dấu cho Cẩu Tử và Dương Quang buông Gia Khoan ra. Anh đưa tay lên sờ đầu, sờ thấy còn nửa tóc, nói:
- Cu Đen, cậu cạo nốt giùm đi!
Cu Đen lắc đầu. Anh lại nói:
- Cẩu Tử, cậu cạo giúp tớ vậy.
Cẩu Tử cầm dao cạo cho anh khiến anh phải kêu thét lên:
- Cậu làm tớ đau chết đi được!
Cẩu Tử đưa dao cho Dương Quang, bảo:
- Cậu cạo cho nó đi!
Thấy Dương Quang nhăn nhở bước tới, nhận dao toan cạo, anh sợ hắn lại cạo đau như Cẩu Tử liền tránh khỏi ghế, giật luôn lấy dao trong tay Dương Quang. Anh bỏ chạy khỏi nhà Cu Đen và kiếm được mảnh gương. Nhìn vào gương, anh cạo nốt cho mình nửa đầu tóc còn lại.
Cạo xong, mặt trời đã xuống núi, anh mang theo cái đầu bóng loáng, trèo lên lần nữa nóc nhà họ Chu lợp nốt ngói. Cẩu Tử và Dương Quang đi qua nhà họ Chu, gọi to với Gia Khoan đang ở trên mái:
- Thằng bóng đèn, trời sắp tối rồi, còn chưa nghỉ tay à?
Gia Khoan không nghe thấy tiếng í ới phía dưới, nhưng ông già Chu nghe rõ lắm. Ngồi trên mái nhà, ông ném một hòn ngói vỡ, mảnh ngói sượt qua đầu Cẩu Tử khiến hắn vội vàng bỏ chạy.
Nửa đêm về sáng, ông già Chu bị nước mưa giội vào người làm cho thức giấc. Nước mưa từ chỗ ngói chưa lợp kín chảy xuống chẳng khác gì kẻ đi đêm, chui vào những ngóc ngách tối om của nhà họ Chụ Sự việc khiến ông già lo lắng cuối cùng đã xảy ra. Ông ngẩng đầu nhìn trời, trời đen như đít chảo, còn nước mưa như đỉa từ trên trời rơi xuống, bò khắp mặt ông trong lúc ông ngẩng mặt lên. Ông nghe thấy trên mái nhà có tiếng gọi vọng xuống:
- Lấy vải mưa!
Trong mưa, tiếng nói nghe không rõ, cứ như tiếng từ trời vọng xuống. Ông già Chu chỉ huy cả nhà gom hết mảnh nilông che mưa, chắn gió được rồi đưa lên cho người gọi trên mái nhà, tất cả đèn pin đều chiếu vào người ấy. Dân làng nghe tiếng cũng đem đủ loại vải mưa đến. Vải mưa như những miếng vá trên quần áo, được người gọi vá trên mái nhà.
Người kia đã chặn được nước mưa, và người ướt đẫm nước mưa ấy chính là anh điếc Vương Gia Khoan. Anh theo cầu thang đi xuống và được ông Chu kéo đến bên đống lửa. Chẳng mấy chốc, khắp người anh bốc hơi nước, hơi nước như khói chui ra từ lỗ chân lông.
Anh phát hiện ra trong số người đưa nilông đến có thầy giáo Trương Phục Bảo. Cu Đen xoa đầu anh rồi đưa tay làm dấu nói Trương Phục Bảo đang cặp với Chu Linh. Anh lắc đầu nói:
- Tớ không tin.
Mọi người rút khỏi nhà họ Chu, chỉ còn Gia Khoan ngồi lại bên đống lửa. Anh muốn nhờ hơi lửa hong khô quần áo mình. Anh nhìn thấy mắt phải Chu Linh hơi đỏ, dường như cô vừa khóc. Mắt cô nháy lia lịa, như là muốn ra hiệu cho người nào đó.
Nháy mắt một hồi rồi Chu Linh đi ra cửa. Gia Khoan theo sát phía sau. Anh không nghe Chu Linh nói gì nhưng cho rằng cô nháy mắt với anh. Chu Linh bảo mẹ:
- Lúc nãy con đưa vải mưa, bụi rơi vào trong mắt, con đi tìm Viên Viên nhờ nó xem hộ đây. Giường con bị nước mưa làm ướt rồi, đêm nay con ngủ với Viên Viên.
Gia Khoan nhìn thấy một người đứng ở góc nhà đợi Chu Linh. Nhờ ánh đèn pin loé lên, anh nhìn rõ người ấy là Trương Phục Bảo. Hai người đi dưới mưa một đoạn đường rồi cả hai lẩn vào một chuồng bò. Trương Phục Bảo một tay cầm đen pin, một tay lật mi mắt phải Chu Linh lên, phồng mồm thổi phù một cái. Gia Khoan nhìn thấy môi thầy giáo cơ hồ dính vào mắt Chu Linh, rồi trong phút chốc cặp môi ấy dính vào mắt cô gái thật. Đèn pin như ông già đột nhiên tắt thở, trước mắt Gia Khoan tối đen. Anh nghĩ, mình tưởng Chu Linh nháy mắt gọi mình, thì ra cô ta cố ý cho mình xem trò vui của cô ta.
Tạnh mưa, trời hửng. Cái đầu trọc của Gia Khoan như quả bí ngô dựng ngược, lắc lư dưới ánh nắng chói chang. Anh thấy căm ghét mình, căm giận nhất là cái tai. Tai người ta là tai, tai mình nào có phải tai? Nghĩ như thế rồi tay trái anh giơ cao dao cạo sắc lẹm lên, cắt đứt luôn tai phải. Anh nghĩ, tai mình chỉ là đồ trang trí, đáng cắt đi cho chó ăn!
Sang thu, những chiếc lá to bằng bàn tay từ trên cây bay xuống, chúng giống như bàn tay người vỗ xuống đất và tiếng vỗ bồm bộp ấy vang lên khắp thôn. Rất nhiều bàn tay dính chặt vào đất, không còn trở về chỗ cũ được. Phải đợi đến mùa xuân năm sau, cây mới lại trổ tay khác. Gia Khoan nghĩ, lá rụng rồi sang năm lại mọc, tai mình cắt đi, làm sao còn mọc được đây?
Anh thấy tiếc nuối lá cây, sáng tinh mơ anh đã ra đầu thôn ngồi xổm dưới gốc cây phong, lá phong màu đỏ nhạt rơi vãi xung quanh anh. Tay anh như móng chân gà, bới đi bới lại trong đám lá phong, ánh mắt dõi theo bàn taỵ Cậu ta tìm cái gì thế nhỉ, Trương Phục Bảo nghĩ.
Từ ngoài thôn đi tới một người, lúc tới gần, Trương Phục Bảo mới nhìn rõ, đó là Vương Quế Lâm, người thôn bên. Quế Lâm đi tới gốc cây, hỏi Gia Khoan tìm gì? Gia Khoan đáp, tìm tai. Quế Lâm cười khẩy một tiếng, bảo:
- Sao lại tìm tai ở đây? Tai cậu bị chó nó xơi rồi, tìm làm sao thấy?
Quế Lâm đi vào thôn, Trương Phục Bảo lẩn vào lùm cây ven đường để tránh ánh mắt của cậu này. Trương Phục Bảo nghĩ, mình ỉa luôn ở đây cho xong, lúc ấy thằng Gia Khoan chắc cũng bỏ đi rồi. Lúc Phục Bảo xách quần từ sau lùm cây bước ra, Gia Khoan vẫn cắm cúi tìm cái gì đó, không hề có ý đi khỏi. Phục Bảo chửi thầm:
- Đúng là con gà mái già đáng ghét!
Phục Bảo quay nhìn về phía thôn, thấy Chu Linh đi đã xạ Ông ta nghĩ, thế là hỏng việc mất rồi. Nhất định là khi mình đang đại tiện, Chu Linh đã đi qua cây phong. Thấy ở dưới gốc cây là thằng Gia Khoan chứ không phải mình, cô ta liền quay trở về. Nếu Chu Linh nấn ná thêm nửa giờ nữa thì lỡ mất chuyến xe lên phố huyện.
Khoảng năm phút sau, Phục Bảo thấy học trò của mình là Lưu Quốc Phương chạy như điên từ đường cái vào. Tới gốc cây phong, thằng bé dừng lại chốc lát. Nó nhặt ba cái lá phong rồi chạy về thôn. Tiếng chân chạy thình thịch của thằng bé như đập vào tim Phục Bảo, khiến ngực ông ta căng cứng đến không chịu nổi.
Khi Chu Linh nghe Quốc Phương nói ở dưới gốc phong chỉ thấy Gia Khoan thôi thì cô lập tức đổi ý. Cô đã hẹn với Phục Bảo chín giờ sáng nay gặp nhau dưới gốc phong, sau đó cùng lên bệnh viện huyện. Nhưng khi cô vừa ra khỏi thôn thì thấy Vương Quế Lâm đi vào. Cô nghĩ, nhất định anh chàng này đã trông thấy Phục Bảo ở dưới gốc cây. Việc của mình với ông giáo đã bị người ta đồn đại, nếu mình không tránh đi, để Quế Lâm thấy mình ra khỏi thôn và thấy cả Trương Phục Bảo thì cậu ta sẽ nghĩ thế nào? Nghĩ thế rồi Chu Linh quay trở về nhà.
Để cho cẩn thận hơn, Chu Linh kéo thằng bé Lưu Quốc Phương đang chạy qua cổng nhà mình lại, bảo nó trở lại đầu thôn nhặt cho cô ba chiếc lá phong. Lấy xong ba chiếc lá phong màu đỏ nhạt, thằng bé bảo Chu Linh:
- Em thấy anh điếc Vương Gia Khoan tìm cái gì đó ở dưới gốc cây phong.
Chu Linh hỏi:
- Em có trông thấy ai khác không?
Quốc Phương lắc đầu, đáp:
- Không ạ.
Không lên được huyện, Chu Linh trở nên bồn chồn không yên. Bà mẹ tinh ý là Dương Phượng Trì chợt nhớ ra lâu rồi không thấy con gái giặt băng vệ sinh. Bà sờ tay vào bụng con gái, tay bà liền nẩy bật lên vì một tiếng kêu thét. Điều bí mật mang thai của Chu Linh bị tay mẹ sờ thấy trước tiên…
Cuộc Sống Không Có Tiếng Nói
Vài lời về tác giả và tác phẩm
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5