Chương 1
Tác giả: Dũng Vũ
Thứ sáu, 24.06.2005
Chúng tôi tới Hong Kong vào đúng 7:08, giờ địa phương. Ngoài trời 25 độ C. Thời tiết xấu. Mưa lớn, gió mạnh. Chiếc máy bay phải bay vòng vòng trên bầu trời khá lâu mới được lệnh hạ cánh.
Chúng tôi hơi mệt. Suốt 10 tiếng đồng hồ bay từ Frankfurt tới đây, hai vợ chồng chỉ chợp mắt được một hai tiếng đồng hồ vì phải trông ba đứa con còn nhỏ.
Từ trên cao nhìn xuống, Hong Kong hiện ra như một Singapore thứ hai với nhiều hòn đảo nhỏ lấp lánh trong ánh đèn. Vô số những tòa nhà chọc trời nhô cao lên bầu trời. Đường sá chạy ngang dọc như bàn cờ. Tàu bè ở đây đóng theo kiểu Âu châu, trắng như sữa, đậu kín các bãi đáp. Nhiều chiếc đang lướt mình trên biển cả.
Đoạn đường từ lúc máy bay đáp xuống cho đến khi ngừng hẳn rất xa cho biết sân bay này rất rộng. Cơ sở hạ tầng hoàn hảo. Vô số máy bay quốc tế đậu khắp nơi. Máy bay đến và đi nườm nượp.
Hai cô tiếp viên phi hành đoàn đứng ngay cửa giã từ chúng tôi. Họ niềm nở một cách tự nhiên. Suốt hành trình họ đã ân cần lo lắng cho khách hàng, không quản ngại bất cứ điều gì, đặc biệt là không bao giờ thiếu nụ cười trên môi. Đối với người già cả, trẻ em, họ càng lưu ý nhiều hơn. Phải nói, Cathay Pacific là một hãng máy bay có phong cách phục vụ khách hàng rất ân cần theo kiểu Á đông, chìu khách hết mình. Ngay đến một chuyện nhỏ, muốn ăn mì gói, dẫu thứ này không nằm trong thực đơn, vẫn có như thường.
Cathay Pacific đã thành công qua sự tự thể hiện tính hiếu khách truyền thống của người Á châu. Biết khai thác vốn văn hóa, tinh thần sẵn có ấy, họ đã trở thành hãng máy bay số một của thế giới.
Chúng tôi băng qua khu chuyển tiếp. Nhân viên hải quan mặc đồng phục, áo xám nhạt, quần đen tươm tất, uy nghi như sĩ quan quân đội. Họ tươi cười chỉ dẫn khách đường đi, giúp khách đưa xách tay vào máy rà hành lý. Tôi có cái đồng hồ đeo tay để trong túi quần. Khi người nhân viên rà người tôi, máy reo lên, anh ta mỉm cười trấn an "Ông đừng lo, máy reo vì phát hiện ra kim loại. Xin ông cứ lấy vật trong túi ra là xong". Tôi rút chiếc đồng hồ ra. Anh ta nhìn thấy, gật đầu hai ba cái, cảm ơn, rồi giúp tôi lấy nhanh hành lý ở đầu ra của máy rà.
Cách cư xử của nhân viên hải quan Hong Kong tuy nghiêm chỉnh nhưng lịch thiệp, vui vẻ, tận tình giúp đỡ hành khách, chứ không hách dịch đã thuyết phục tôi rằng họ không đến nỗi xấu xí như "người Trung Quốc xấu xí" của Bá Dương.
Rời trạm hải quan, chúng tôi tìm cổng 36, đổi máy bay đi Sài Gòn.
Vào sâu bên trong, du khách hẳn sẽ ngạc nhiên trước một kiến trúc hiện đại sang trọng không thua kém gì Âu châu. Vật liệu chính là kiếng, thép và cẩm thạch. Nhiều đường nét làm tôi liên tưởng đến phong cách hậu hiện đại của Trần Viết Tuyên khi thiết kế phi trường Stuttgart từng được đánh giá là đẹp nhất châu Âu. So với phi trường Singapore hay Bangkok có lẽ nơi này có nhiều cửa hàng duty free hơn. Tuy không thể sánh với mức đồ sộ của phi trường Frankfurt nhưng nó cũng quá đủ lớn đối với một vùng đất nhỏ bé. Hong Kong văn minh, trật tự, tiện nghi, sạch sẽ. Nhà vệ sinh ở đây còn sạch sẽ và tân kỳ hơn ở Frankfurt. Tường và sàn đều lót đá cẩm thạch. Nhà cầu, bồn rửa tay, tiểu tiện bóng loáng. Nước xả tự động. Đến giấy vệ sinh cũng thuộc loại tốt. Không khí hoàn toàn không có mùi hôi. Trong nhà vệ sinh tuyệt đối cấm hút thuốc. Bên ngoài cũng thế. Người hút thuốc có phòng riêng bên cạnh. Phòng hút thuốc, ngoài bọc kiếng, trong cũng được lát đá cẩm thạch sang trọng, có máy lạnh, có ghế salon ngồi thoải mái như ở bên ngoài.
Phi trường Hong Kong đẹp nhưng cũng có cái bất tiện là lối đi quá dài giống như phi trường Amsterdam, Singapore vậy. Dù có đường cuốn, người già cả, trẻ con vẫn bị khó khăn khi phải di chuyển quá xa từ cổng này sang cổng khác.
Du khách Tây phương đến Hong Kong tấp nập. Da vàng da trắng trà trộn lẫn nhau rảo bước với hành lý của mình. Gọi là da vàng nhưng người Hong Kong khá trắng, vóc dáng cao, ăn mặc đẹp, lịch sự, hiếu khách, không tỏ vẻ khinh thường người Á đông khác, chẳng hạn như khi họ gặp tôi. Tôi trò chuyện với họ bằng tiếng Anh. Người Hong Kong nói tiếng Anh hơi khó nghe.
Chúng tôi đã tìm được cổng chuyển tiếp. Mọi việc xảy ra hết sức đơn giản và nhanh chóng: chỉ qua một cổng hải quan là tới đây. Khách xếp hàng chuẩn bị vào máy bay. Người già cả được ưu tiên làm thủ tục trước. Người có con nhỏ cũng được ưu tiên. Nhân viên hàng không làm việc nhanh nhẹn, gọn gàng. Họ đến tận từng người khách đang đứng xếp hàng để xem lại vé và hộ chiếu, chứ khách không cần đợi đến phiên mình được xé vé nơi quầy. Khách đi Việt Nam khoảng 200 người, đa số là người Việt và người Hoa. Số còn lại là du khách Tây phương, khoảng chục người.
Đúng 8:55, chúng tôi rời Hong Kong.
*
Còn vài tiếng nữa là đến Việt Nam. Chín năm rồi tôi chưa về lại. Riêng bà xã tôi thì đây là lần đầu. Đã đến lúc cho mấy mẹ con về thăm nhà và nhất là cho bên nhà biết mặt ba đứa nhỏ. Chúng tôi có ba đứa con. Thằng lớn năm tuổi. Hai đứa nhỏ sinh đôi gần ba tuổi, một trai, một gái. Lũ trẻ nóng lòng hỏi mãi "tới Việt Nam chưa ba?".
Tôi cũng cảm thấy nôn nao như tụi nhỏ. Không biết Việt Nam giờ ra sao, nhưng vẫn tin rằng, đất nước phải khá hơn xưa, phải đẹp hơn, văn minh không kém ai; đời sống dân chúng phải thoải mái hơn, trình độ dân trí phải cao hơn, không thua kém gì dân Hong Kong. Xem đài truyền hình VTV 4 ai cũng thấy bộ mặt Việt Nam hôm nay sáng sủa hơn xưa rất nhiều. Thật đáng mừng. Đọc báo Tuổi Trẻ, VnExpress, tôi thật cảm động trước những hình ảnh kiều bào được chào đón nồng nhiệt nơi phi trường; các cụ già, gia đình có con nhỏ được được người tình nguyện giúp đỡ tận tình. Truyền thống người Việt xưa nay là vậy, có tình người, hiếu khách chứ không lạnh lùng như dân Âu châu.
Tôi đã về Việt Nam làm việc vài lần. Nhưng lần này, cũng như 1996, tôi chỉ muốn làm một người bình thường về quê thăm nhà, nghỉ ngơi, đi chơi cho thoải mái, nhân tiện, gặp gỡ nhóm ngôn ngữ học, bạn bè và ghi lại những gì mình thấy, mình cảm nghĩ trong những ngày sống ở đây để kể cho mọi người cùng nghe. Riêng bà xã tôi thì lại muốn sinh hoạt với gia đình, bạn bè và cũng ủng hộ chương trình của tôi. Trong dịp này, tôi còn quan tâm đến đề tài ẩm thực Việt Nam.
*
Chiếc máy bay mang số CX 767 Cathay Pacific đang lượn vòng vòng trên không. Ngó xuống, Sài Gòn bên dưới. Tôi có thể nhận ra con sông Đồng Nai nước đỏ ngầu và con sông Sài Gòn uốn khúc ngay bán đảo Thanh Đa. Bầu trời Việt Nam trong vắt, không một áng mây. Nhà cửa bên dưới lúc nhúc, cái cao, cái thấp. Xa xa là những ngôi nhà mái ngói đỏ của một vùng ven đô nào đó. Đường sá hiện ra càng lúc càng lớn hơn, ngập tràn xe gắn máy như hai đàn kiến bò ngược chiều. Trên mặt đất, màu của nhà cửa, đường sá nhiều hơn màu xanh cây cỏ. Càng xuống sâu mới thấy mật độ xây dựng dày đặc chiếm hết thiên nhiên.
Ngồi bên cạnh tôi là một cô người Việt ở Mỹ thường về Việt Nam. Cô giải thích, bên dưới là khu Rạch Dừa, cầu Sài Gòn, rồi đến làng Đại học Thủ Đức. Chiếc máy bay lượn một vòng nữa tới Bình Quới, Gò Vấp, Tân Bình, ... cuối cùng đáp xuống phi đạo và thắng gấp. Phi đạo không được bằng phẳng lắm làm máy bay tưng tưng, kêu kình kịch. Sau vài phút máy bay ngừng hẳn. Đường vào nhà khách phi trường quá ngắn.
Sân bay Tân Sơn Nhất hôm nay không thay đổi mấy. Vẫn những vòm bê tông hình chữ U làm nơi tránh pháo kích cho phi cơ chiến đấu, cũ, đen mốc và loang lổ. Vẫn lác đác vài khu nhà kho, trạm bảo trì máy bay đã xuống cấp trầm trọng. Hai chiếc máy bay trực thăng cũ kỹ của Liên Xô phơi mình giữa nắng. Hai chiếc Airbus của hãng Vietnam Airlines sơn trắng mang biểu tượng con chim. Chỉ có một chiếc Boeing lớn sơn xanh mang biểu tượng hoa sen vàng. Ngoài ra không có một chiếc máy bay hãng quốc tế nào khác ngoại trừ chiếc Boeing của Cathay Pacific mà chúng tôi đang ngồi trong đó.
Xa xa bên tay trái là một khu rất lớn đang được xây dựng, hình như là phần mở rộng của phi trường.
Khác với mọi nơi trên thế giới, sân bay Tân Sơn Nhất có một điểm đặc biệt là chỗ nào cũng treo cờ quốc gia. Ở đằng xa có một dãy nhà còn kèm thêm những lá cờ xanh, đỏ, trắng, vàng, hồng, tím nhạt, ... Không hiểu sao các nước Cộng Sản thích treo những lá cờ như thế, có ý nghĩa gì.
Mặt đường nhựa bốc hơi nóng làm hình ảnh lung linh như những bóng ma. Tôi đoán bên ngoài rất nóng. Vài công nhân áo xanh, gầy gò lểu thểu bước đi. Một số ngồi chồm hổm dưới mái hiên, tránh nắng.
Cái tiến bộ của phi trường Tân Sơn Nhất ngày nay là hành khách có thể đi thẳng từ máy bay xuyên qua đường hầm di động vào tận sảnh đường thay vì phải đi xe bus. Bước vào trong, phòng có máy lạnh mát mẻ. Khu này hình như mới được sửa lại sau này. Tuy không hiện đại nhưng rộng rãi hơn xưa và sạch sẽ. Một bà công nhân mặc đồng phục xanh kiểu quần áo bà ba đang cầm chổi quét nơi này một chút, nơi kia một chút. Đối với du khách, đây là cái lạ đầu tiên khi vừa đặt chân tới Việt Nam. Ở những xứ khác, công việc quét dọn đều được sắp xếp vào lúc vắng người, không ai cầm cây chổi đi lều bều giữa chốn đông người như thế. Rất thiếu thẩm mỹ. Ở phi trường lại càng không nên vì đó là bộ mặt của quốc gia mà người ngoài sẽ nhìn thấy đầu tiên khi đặt chân đến.
Cái nhận xét tổng quát của tôi ngay lúc bước vào trong sảnh đường là phi trường Tân Sơn Nhất còn thô sơ và quá nhỏ so với phi trường của Bangkok, Singapore, Hong Kong. Du khách Tây phương quá ít. Hầu hết là kiều bào về thăm nhà. Không nhờ số đông này, có lẽ không khí còn vắng nữa.
Chuyến bay đến trễ hơn một tiếng do thời tiết xấu dọc đường. Chắc chắn người nhà chúng tôi đang nôn nóng đợi bên ngoài. Giống các nơi khác, trước hết du khách làm thủ tục nhập cảnh. Phi trường Tân Sơn Nhất có khá nhiều quầy công an làm việc này. Nhiều hơn Frankfurt. Trước sau gì cũng trễ, chúng tôi không hấp tấp, chấp nhận làm những hành khách cuối cùng. Giả như ở Hong Kong, người già cả, gia đình có con nhỏ sẽ được ưu tiên làm thủ tục nhanh hơn, nhưng ở Việt Nam thì không.
Chúng tôi xếp hàng sau cùng. Trước chúng tôi là 6 người. Người thứ nhất đang bị công an hỏi giấy. Anh ta thiếu tờ giấy màu vàng mà tiếp viên hàng không đã phát cho mỗi người trên đường đến Việt Nam, đại để là dùng để kê khai tên tuổi, đến Việt Nam làm gì, đã bao lần, mang theo bao nhiêu đô la, có mắc bệnh truyền nhiễm không, ... Anh ta bị buộc phải đến một quầy cuối dãy nhà để làm thủ tục ấy.
Hai người kế tiếp có lẽ là thương gia Nhật, Đại Hàn hay Đài Loan gì đó. Mỗi người trình giấy tờ, chỉ sau một phút là xong.
Người thứ tư là một phụ nữ Việt dắt đứa con. Cô chìa hộ chiếu Mỹ, mặt lộ vẻ lo sợ. Tuy vậy mọi việc đã diễn ra nhanh chóng và êm đẹp. Trước khi ra ngoài, cô trở lại nói với nhỏ với cô bạn đứng sau "Phải! 5". Cô bạn liền rút tiền nhét vào hộ chiếu. Người trước thoát, vào trong đứng đợi người sau. Những gì vừa xảy ra làm tôi hơi bất nhẫn, nhưng nó vẫn xảy ra bất chấp điều lưu ý trên tấm bảng yết thị treo trước mặt: khách không để tiền trong hộ chiếu.
Đến phiên chúng tôi, hai người lớn, ba trẻ nhỏ, tôi đưa ra giấy tờ đầy đủ. Tôi nhất định không cho ăn, xem anh công an này làm gì. Tôi ghi nhớ tên anh trong đầu.
Anh công an kề cà hỏi đủ thứ, cháu nào sinh đẻ ở đâu, quốc tịch gì, dầu đã biết các dữ liệu có ghi bằng tiếng Anh trong hộ chiếu Đức mà anh đang cầm trong tay. Cử chỉ anh thật chậm chạp. Đến phiên xem hộ chiếu tôi, người đã có quốc tịch Đức, anh ta giở từ trang này sang trang khác như thể trong đời làm việc, anh chưa hề thấy một cuốn hộ chiếu như vậy. Phải mất 15 phút, anh mới đánh xong tên tuổi vào máy tính. Kiểm tra lần nữa, xem hình trẻ em đi kèm như có vẻ câu giờ, anh lùa hết giấy tờ cho chúng tôi với một vẻ mặt không vui lắm. Tôi thừa biết, có tiền là xong và chỉ trong vòng vài phút. Còn không, hãy thử tưởng tượng, mỗi du khách tốn 15 phút làm thủ tục nhập cảnh, nhân lên 100 du khách thì sẽ mất bao nhiêu tiếng đồng hồ?
Cảnh sát Việt Nam ở khâu nhập cảnh mặc đồng phục xanh lá cây, đeo quân hàm đỏ. Vẻ nghiêm nghị của họ không giống cảnh sát các nước khác. Cảnh sát Đức, Singapore, Hong Kong cũng nghiêm nghị nhưng vui vẻ, lịch sự, biết dùng chữ "xin vui lòng" và "cám ơn", chứ không cộc lốc. Phong cách cảnh sát Việt Nam hầu như không thay đổi. Năm 1993, tôi về Việt Nam lần đầu, cũng thế, năm 1994 cũng thế, 1995, 1996 cũng thế và bây giờ cũng thế, chậm chạp, khinh khỉnh, thiếu thân thiện, ham ăn hối lộ. Cái phong cách này không những bị khách nước ngoài đánh giá là thiếu văn hóa mà còn làm hại ngành du lịch Việt Nam vốn đem lại rất nhiều lợi nhuận cho một xứ còn kém phát triển. Mất cảm tình, khách đến thăm một lần rồi đi, không trở lại. Việt Nam phải trả một cái giá rất đắt vì những con người này. Thiệt hại hằng trăm triệu, hằng tỷ đô la. Không những vậy, du khách còn có thể mất cảm tình luôn với chính quyền, đất nước, con người Việt Nam. Tai hại vô cùng.
Làm xong thủ tục nhập cảnh, tôi lịch sự cảm ơn anh công an. Anh nhìn tôi, không phản ứng gì rồi quay sang nói chuyện với người đồng nghiệp ở quầy bên cạnh. Tôi nghe loáng thoáng anh công an bên kia nói "Bữa nay được há. Tối nay sao?".
Rời khỏi khu nhập cảnh chúng tôi xuống tầng dưới lấy hành lý. Người đông như kiến. Ai cũng tìm được xe đẩy không biết kiếm đâu ra. Hỏi thăm mới biết xe đẩy nằm ở cuối dãy nhà. Tôi hơi bực mình và tự hỏi tại sao lại để xe xa quá, rất bất tiện cho người già cả và gia đình có con đông. Ở các phi trường khác không có tình trạng này. Ở đây cũng không có người của phi trường tự nguyện giúp đỡ hành khách. Phải cho tiền họ mới làm. Hóa ra kiều bào đâu được tiếp đón nồng hậu như báo chí quảng cáo. Hình ảnh đẹp đẽ ấy hình như chỉ có vào dịp Tết hoặc chỉ có tính cách phô trương, chứng tỏ.
Phải mất nửa tiếng chúng tôi mới gom được hết hành lý. Để mọi người ra khâu hải quan, chúng tôi thư thản vào duty free shop mua một ít quà. Ở đây có thể trả bằng đô la hoặc Euro. Khách phải trình hộ chiếu. Tôi mua hai cây thuốc lá, mỗi cây giá 12 đô. Cửa hàng vắng tanh. Người cuối cùng không chìa hộ chiếu mà là một cái thẻ gì đó có quốc huy Việt Nam (không phải thẻ chứng minh nhân dân) và trả tiền hai chai rượu Remy Martin. Chắc anh ta là nhân viên phi trường.
Tới khâu hải quan, khách đã ra ngoài gần hết. Trước chúng tôi chỉ còn một gia đình có hai cụ già và một cô con gái. Tôi phụ họ chuyển đồ vào máy rà rồi chất lên xe đẩy. Không một nhân viên hải quan nào phụ giúp họ. Cuối cùng tôi phải tạm ngưng để đi bắt lại mấy đứa con tôi đang chạy rong.
Nhân viên khâu hải quan hối khách đưa giấy tờ và làm việc rất nhanh. Nếu không có hàng cần khai báo, khách chỉ cần vào cổng xanh, đưa hành lý vào cho máy rà vài phút là xong. Không còn cảnh vòi tiền hay làm khó dễ khách hàng như xưa.
Chúng tôi là những người cuối cùng rời khỏi nội sảnh phi trường. Bên ngoài, người đón thân nhân còn đứng đầy bên hàng rào chắn. Không biết họ chờ ai, hay chờ người thân đi chuyến bay sau.
Bước ra ngoài, nhiệt độ thay đổi đột ngột. Nóng và ẩm. Người ngồi la liệt dưới đất, quạt phành phạch. Một người ngoại quốc xin chụp một tấm hình. Vài cô gái ngồi chồm hổm nhe răng cười gật đầu đồng ý.
Tôi đặc biệt ghét cái lối ngồi chồm hổm. Một thế ngồi vừa thô vừa tục. Nhưng ở đây không
chỉ có giới bình dân mới ngồi vậy mà cả các cô gái ăn mặc đẹp cũng ngồi như thế mà không biết ngượng.
Nơi đây cấm hút thuốc nhưng vẫn có gạt tàn thuốc lá cho khách hút thuốc thoải mái.
Chúng tôi gặp lại gia đình. Mọi người mừng rỡ, huyên thuyên thăm hỏi rồi kéo nhau lên Taxi về nhà. Xe đưa chúng tôi ra khỏi phi trường. Anh tài xế hiểu ý chạy từ từ để tôi dễ quay phim và đồng thời quan sát cảnh vật. Đường ngập xe hai bánh bấm còi inh ỏi. Cách đây chín năm, xe gắn máy đã nhiều, giao thông đã hỗn độn, giờ đây còn nhiều hơn và hỗn độn hơn. Hơn rất nhiều. Hệ thống đèn xanh đèn đỏ bây giờ rất tốt nhưng người vượt đèn đỏ vẫn còn phổ biến.
Tình trạng xây dựng cũng hỗn độn không kém. Nhà cái cao, cái thấp, nhô ra, thụt vào, đầy màu sắc, kiến trúc loạn xạ, Barock không ra Barock, Gothic không ra Gothic, không hẳn Tây phương, không hẳn Đông phương. Mỗi nhà là một cửa tiệm với cái bảng hiệu to tướng, bán đủ thứ đồ. Không khí bát nháo như một cái chợ trời.
Xe đi trên đường Lê Văn Sỹ (Trương Minh Giảng cũ), đến ngã tư Trần Quang Diệu (Trương Tấn Bửu cũ) thì bẻ phải. Khúc kênh Nhiêu Lộc khu này đã được giải tỏa, thoáng hẳn. Nước kênh vẫn đen và bốc mùi hôi thối.
Đến công trường Dân Chủ thì bị kẹt xe. Hàng ngàn chiếc xe gắn máy bu kín quanh công trường như thể không tìm thấy lối thoát.
Cuối cùng chúng tôi cũng về đến nhà bên vợ. Tôi muốn chọn nơi này làm địa điểm chính để vợ tôi sinh hoạt với gia đình sau nhiều năm xa cách. Ngôi nhà nhỏ tồi tàn, ẩm thấp, thiếu ánh sáng nằm trong một ngõ hẹp ngay ngã tư Điện Biện Phủ - Nguyễn Thượng Hiền. Trò chuyện với mọi người một chút, mẹ và anh tôi ra về, hẹn gặp lại sau. Chia quà cho mọi người xong, chúng tôi ăn cơm.
Trưa, được ăn bữa cơm gia đình ngon tuyệt. Thịt luộc, cà pháo, mắm tôm, dưa chua, canh cua rau đay với mướp. Đã lâu rồi tôi mới được ăn món canh này, đặc biệt là nấu với cua. Bên Ðức không có. Tôi vốn ít ăn, nhưng ngon miệng, cũng làm được hai bát.
Cơm nước xong, để mọi người tiếp tục sinh hoạt, tôi đến khách sạn nhận phòng. Chúng tôi sẽ ở khách sạn Phước Lợi, một dạng mini hotel, trong khu Bàn Cờ, đường số 2, cư xá Đô Thành. Khu này khá yên tĩnh và cũng gần nhà bên ngoại, đi lại thuận tiện, nhất là không phải băng qua đường lớn, rất nguy hiểm đối với trẻ con. Chúng tôi thuê phòng chủ yếu để ngủ qua đêm, còn ban ngày thì sinh hoạt bên nhà, nên không đòi hỏi nhiều tiện nghi. Tuy vậy phòng khá tốt, có hai giường đôi tạm đủ chỗ cho hai người lớn và ba đứa nhỏ, có sa lông, TV, máy lạnh, điện thoại, toilet sạch sẽ, bồn tắm, vòi sen, nước nóng. Giá 160000 mỗi ngày, khoảng 10 US$.
*
Chiều, tôi có hẹn với cô bạn học cũ, đã 27 năm rồi không gặp.
Ra khỏi nhà sớm, tiện đường, tôi muốn đi thăm khu nhà thờ Đức Bà trước khi đến quán Thanh Niên đúng 6 giờ chiều.
Khu nhà thờ Đức Bà có nhiều thay đổi. Vương Cung Thánh Đường được sửa sang mới mẻ và có lẽ vì vậy mà mất hẳn nét cổ kính. Tượng Đức Mẹ màu trắng ôm quả địa cầu, đứng thẳng giữa vườn hoa ngước mặt lên trời vẫn như xưa. Bưu điện thành phố được trùng tu, sáng và sang trọng. Khu này có thêm hai kiến trúc mới: tòa nhà Diamond Pazza nằm sau nhà thờ Đức Bà, đẹp và hiện đại; tòa nhà Metropolitan phía trước, màu xanh lá cây cao ngất cũng hiện đại không kém. Khung cảnh toàn khu vực khá hài hòa giữa cũ và mới. Những hàng cây cổ thụ cao chót vót vẫn còn. Đường phố sạch đẹp. Nhiều du khách nước ngoài qua lại. Vẫn còn nhiều xe ôm và người bán hàng rong.
Trời đã tối. Đèn đường đã bật sáng. Tôi đi bộ về quán Thanh Niên trên đường Nguyễn Văn Chiêm.
Quán Thanh Niên là một trong những quán Café đẹp đầu tiên của Sài Gòn thời 90. Hồi hai vợ chồng mới quen nhau, 1995, chúng tôi thường tới đây vào buổi tối, ngồi uống nước nghe nhạc. Ban nhạc có ba người, một chàng thanh niên chơi violin, một người đàn ông cỡ ngũ tuần thổi saxophon và một người phụ nữ thường mặc váy đen dài phủ chân, dáng hơi tròn, sang trọng, chơi piano với hết tâm hồn. Họ chỉ chơi nhạc hòa tấu của Phạm Duy, Cung Tiến, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên,... Quán yên tịnh, thanh lịch. Bây giờ cũng vậy. Khách ngồi ghế mây ngoài sân, chung quanh toàn tre trúc, bonsai, thật tuyệt. Chỉ tiếc là ban nhạc không còn nữa.
Lâu rồi tôi mới được hưởng lại không khí ngồi quán café Việt Nam. Điều mà tôi thích nhất là phong cách phục vụ của người Việt. Nhẹ nhàng, lễ phép, chìu khách, khác hẳn lối tiếp khách lạnh lùng của người Đức. Tôi gọi một chai bia Heineken. Anh tiếp viên trẻ còn cho tôi thêm một đĩa đậu phộng mặc dầu tôi không đặt. Kể cũng ngộ. Thế nhưng uống bia có chút đậu phộng nhấm nháp cũng vui.
Đang ngồi ghi nhật ký thì cô bạn tới.
Gần mười năm không về Việt Nam đã cảm thấy ngày trở về như một giấc mơ, giờ gặp lại bạn cũ, sau mấy chục năm, càng thêm ngỡ ngàng. Bất chợt biết bao kỷ niệm dồn dập đến.
H. cỡ tuổi tôi, dáng quý phái, gương mặt đẹp, phúc hậu, vẫn chưa có nét nhăn nào đáng kể. Ít ai nghĩ cô ấy đã 50. Ba mươi năm về trước, chúng tôi học chung lớp, khóa 1, khoa Thủy Sản, đại học Nông Nghiệp 4, Sài Gòn. Năm 1978, tôi đi vượt biên. H. cũng đi, không đến, đành ở lại, giờ có một công ty xuất khẩu hàng thủy sản rất thành đạt.
Để trở thành một thương gia thành đạt, H. phải thoát ra khỏi một công ty quốc doanh. Từ cương vị một phó giám đốc, H. có thể được chế độ nâng cao hơn với điều kiện phải vào đảng. H. từ chối và cũng không thể được bởi H. là một tín đồ Thiên Chúa Giáo.
H. nói, tôi là người may mắn đã thoát đi được, còn không sẽ nếm mùi cải tạo lao động xã hội chủ nghĩa, phải cắn răng thi hành ý tưởng xây dựng con người xã hội chủ nghĩa như thế nào. Tất cả phải lao động như trâu bò thì mới thỏa khẩu hiệu "Lao động là vinh quang".
Một người phụ nữ mảnh mai, yếu đuối như H. trong lúc mang thai cũng không được một ân huệ ngoại lệ. H. phải làm những việc nặng nhọc của đàn ông như tải rác, khuân vác hàng tôm cá, ... trong môi trường hôi hám và nhơ nhớp. Làm quá sức H. đổ bệnh nhưng vẫn phải ráng vực dậy mà lao động tiếp, đồng thời sợ đánh mất đi đứa con nằm trong bụng mình.
Thật điên rồ.
H. muốn biết ở Ðức và các xứ tư bản Âu châu thế nào. Tôi kể H. nghe.
Tất nhiên đối với người cộng sản, xã hội tư bản là một thứ vô nhân đạo cần phải diệt trừ. Vậy mà ở đó để phụ nữ mang thai làm việc nặng nề là một điều tuyệt đối cấm. Có chuyện gì xảy ra, người bố trí công việc sẽ đi tù. Một người mẹ đang mang thai cần phải được nghỉ ngơi, dưỡng thai, phải được khám sức khỏe và chăm sóc cẩn thận. Dĩ nhiên mọi thứ đều miễn phí. Chẳng hạn ở Đức, phụ nữ có thai 6 tháng không được phép đi làm mà vẫn lãnh lương. Sinh con xong, người mẹ còn được tiền thưởng, được ở nhà nuôi con và được trả tiền. Khi con được ba tuổi, nếu người mẹ muốn đi làm trở lại, bắt buộc hãng phải nhận. Không những người mẹ mà người cha cũng có quyền nghỉ việc một thời gian để nuôi con. Bảo hiểm sức khỏe sẽ trả tiền cho công việc đó. Người có con còn được giảm thuế thu nhập, được hưởng thêm tiền trẻ con, mỗi đứa khoảng 3 triệu đồng (khoảng 150 €) mỗi tháng. Không phải một đất nước giàu có như Đức mới ưu đãi bà mẹ có thai mà cả những nước nghèo ở châu Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha cũng vậy, cũng có tính xã hội tùy theo khả năng mình.
Nhiều lần lao động chân tay quá nặng, sợ hư thai, H. không còn chịu nổi, phải năn nỉ cấp trên cho mình một công việc nhẹ hơn. Nhưng không được. Họ cương quyết buộc người lao động phải vận động bắp thịt làm việc cực khổ thì mới đúng nghĩa là lao động. H. lý luận, một người phụ nữ như tôi đã biết mình yếu đuối, không thể lao động chân tay, nên mới chọn con đường vào đại học để lao động tri thức. Lao động tri thức cũng là lao động vậy. Nhưng vô ích.
Hệ quả là đất nước long đong, toàn dân chới với chỉ vì những con người lãnh đạo thiếu đầu óc, phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác.
H. hỏi tôi về thân phận người vượt biển. Tôi chỉ kể sơ bởi không có gì vui. Tôi định bụng khi nào gặp lại nhiều bạn cũ hơn, tinh thần thanh thản hơn, sẽ kể nhiều hơn.
Ngồi nói chuyện buồn, tiếng mưa rơi bên ngoài làm không khí càng thêm buồn bã. Chúng tôi ngưng lại. H. kêu người tính tiền. Trời đã khuya, cô bạn còn muốn mời tôi đi ăn tối để sống lại không khí ăn đêm của Sài Gòn. Chúng tôi đến một quán mì gần hồ Con Rùa trên đường Võ Văn Tần (Trần Quý Cáp cũ). Lâu nay không được thưởng thức món Tàu chính cống, tôi ăn rất ngon miệng.
Trước khi đưa tôi về nhà, cô bạn chở tôi đi một vòng Sài Gòn. Trong cơn mưa lất phất, tôi nhìn thấy mọi cảnh vật lờ mờ. Đi ngang qua trường cũ, đài truyền hình, sân vận động Hoa Lư, ... tất cả đều mới lạ. Đài truyền hình đang được xây thành cao ốc. Sân vận động Hoa Lư cũng được xây dựng mới từ lâu, không còn bức tường thành bọc bên ngoài, không còn hội quán Cây Tre một thời tôi từng được nghe Trịnh Công Sơn đệm đàn cho Khánh Ly hát.
H. chở tôi về nhà cho biết. Ngôi nhà đồ sộ, sang trọng. Không cần trở thành một đảng viên, H. cũng có thể xây dựng được một sự nghiệp to lớn không ngờ. Tôi thừa hiểu, bây giờ ở Việt Nam, muốn giàu có, chỉ có hai cách: một là có tri thức, còn không, phải có chức quyền.
Thứ bảy, 25.06.2005
Đêm trái giờ, ngủ không ngon.
7:00, điện thoại một vòng cho bạn bè báo đã đến Việt Nam bình an.
9:00, gọi taxi chở cả nhà đi ăn sáng. Taxi 7 chỗ có máy lạnh, ngồi thoải mái, tránh được cái nóng bức bên ngoài. Anh tài xế taxi còn trẻ, ăn mặc đẹp, thắt cà vạt lịch thiệp, nói chuyện thật lễ phép. Phong cách hơn hẳn giới tài xế taxi Ðức.
Tới nơi, đồng hồ taxi chỉ 15000 đồng (chưa tới 1 đô). Tôi gửi anh tài xế chẵn 20000. Anh lễ phép cảm ơn và giúp chúng tôi đưa 7 đứa nhỏ cùng hai ông bà cụ xuống xe.
Phở 24 nằm trên đường Lê Thánh Tôn, xéo xéo chợ Bến Thành. Quán có kiến trúc hình hộp tiêu biểu ở Việt Nam, rộng bốn thước, dài mười mấy thước, hai tầng. Lối trang trí bên trong đượm chút ít phong cách Nhật Bản. Phòng có máy lạnh, sạch sẽ. Tiếp viên lịch sự, niềm nở. Ngay cửa ra vào cũng có người đứng đón khách.
Quán tên 24 dễ làm người ta lầm tưởng là số nhà. Tôi cũng vậy. Hẹn Cao Xuân Hạo đến tiệm phở số 24 Lê Thánh Tôn. Ông kể, anh tài xế chở ông đã xoay bốn vòng mà vẫn không tìm thấy tiệm phở nào nằm ngay số 24 Lê Thánh Tôn, đành trở về. Về sau tôi mới biết và xin lỗi. 24 không có nghĩa là số nhà mà là phở giá 24000 đồng một tô. Tái, tái gầu, tái chín, tái nạm, gà, ... phở nào cũng 24000 trừ phở đặc biệt 29000 gồm đủ thứ, tái, nạm, gầu, gân, sách, ... và thêm một quả trứng gà non.
Ý tưởng đặt tên 24 khá thú vị. 24000 một tô, thật dễ nhớ. Chỉ có điều, nếu vật giá leo thang, phải tăng giá lên 25000, chẳng lẽ phải đổi tên quán thành phở 25 ?
Tôi ăn thử một tô phở tái. Giả như nước đậm đà hơn và đừng quá ngọt có lẽ ngon hơn.
Quán đông, đa số là người Việt hải ngoại và ngoại kiều. Chủ quán biết khai thác tâm lý khách và đã thành công. Sạch sẽ, vệ sinh là các yếu tố hàng đầu đối với du khách nước ngoài, nhất là toilet, cho nên toilet ở đây rất sạch sẽ. Ly, chén, muỗng, đũa đều sạch sẽ. Cách làm ăn có bài bản khá chuyên nghiệp, khác hẳn quốc doanh. Nhìn cách tổ chức, tôi đoán người chủ quán không phải người trong nước.
Ðiểm tâm xong, mọi người kêu xe về. Tôi muốn đi dạo một chút.
Quanh khu chợ Bến Thành có nhiều quán ăn. Quán cóc bình dân trên vỉa hè cũng có. Khách đa số là dân lao động, buôn bán, dân xe ôm, xích lô. Chưa đến giờ nghỉ trưa mà chỗ nào cũng đông. Không còn chỗ, khách ngồi chồm hổm ăn uống tự nhiên. Đĩa rau, chai nước mắm, hũ ớt, ... đều để trên mặt đường. Mấy bà bán bún riêu, bún bò, cơm tấm, ... tay vừa thoăn thoắt làm đồ ăn, miệng vừa ơi ới mời gọi khách.
Thức ăn vỉa hè khó tránh khỏi ruồi nhặng, bụi bặm đường phố. Thau nước rửa bát bẩn quá chừng. Nồi niêu xoong chảo, chén bát, thức ăn đều nằm ngay nắp cống. Nghe nói ăn ở ngoài đường ngon hơn trong tiệm. Riêng tôi, chẳng biết sao, chỉ thấy mất vệ sinh là đã sợ.
Quanh khu này, nạn chiếm lề đường vẫn còn. Đi trên vỉa hè lát gạch khá tốt, khách bộ hành vẫn phải lách lỏi qua những gánh hàng rong. Dưới đường, xe ôm, taxi đậu kín. Tuy nhiên, có một điểm đáng mừng là hầu như không còn cảnh ăn xin. Thỉnh thoảng mới thấy một đứa trẻ bán vé số hoặc một người mù đánh đàn điện, ca vọng cổ, có người dẫn đi xin tiền. Từ nãy giờ, chưa thấy người du khách da trắng nào bị chèo kéo. Bớt được sự phiền toái này, du khách mới được thoải mái và không có ấn tượng xấu về Việt Nam. Còn không, rất tai hại cho ngành du lịch Việt Nam, giống như trường hợp cảnh sát phi trường vậy.
Thăm phố một vòng, tôi lấy xe ôm về nhà. Từ chợ Bến Thành về chợ Vườn Chuối, anh xe ôm đòi 10000. Tôi cười và thử màn trả giá như người trong nước. Cuối cùng xuống 6000. Anh chịu chở. Về đến nhà, tôi đưa anh tờ 20000, anh thối lại, nhưng tôi tặng anh luôn. Anh cảm ơn rối rít. Tôi chúc anh một ngày đắt khách. Anh cũng ở gần đây, nhờ vậy tôi trở thành khách quen của anh.
*
Chiều nay nhà tôi có khách. Cả nhà chuẩn bị bữa cơm chiều. Nhà không đủ chén bát, bàn ghế, phải thuê thêm bên ngoài. Ở đây có dịch vụ này. Người ta mang đến cho mình đủ chén bát, bàn ghế xếp, chỉ cần mở ra, xếp đặt theo ý mình là xong. Thiếu thức ăn, cũng vậy, chỉ cần đặt là xong. Thế nhưng chúng tôi không cần. Thức ăn nhà tự nấu cả.
Vài người khách đã đến. Trời bỗng mưa to. Đúng là một trận mưa rào của vùng nhiệt đới. Mưa rơi rào rạt ngoài sân, gõ lộp độp trên mái nhà. Mưa làm không khí mát dịu hẳn.
Vị khách đầu tiên đến thăm chúng tôi là Th.. Vị chi đã bốn năm không gặp từ lúc Th. còn ở London cùng anh em văn nghệ ở Mỹ, Thụy Sĩ, … ghé Stuttgart thăm chúng tôi.
Th. là một người phụ nữ đa tài. Cô vừa là một kỹ sư tin học, vừa là một họa sĩ, vừa là một thương gia thành đạt ở Việt Nam. Cô bạn ở Mỹ về. Nói đúng hơn, cô sống ở Mỹ, sang Anh làm việc cho một hãng software một thời gian rồi sau đó mới về Việt Nam. Người phụ nữ trẻ đẹp, nghệ sĩ, duyên dáng rất đam mê nghệ thuật và thường tổ chức triển lãm tranh. Gần đây báo chí có nói, cô còn muốn biến nhà ga Đà Lạt thành phòng triển lãm. Th. kinh doanh rất giỏi. Cô bạn có một quán cà phê ở góc đường Nguyễn Du - Đồng Khởi tên là Café Paris. Hiện nay cô còn đang đầu tư xây dựng một khu du lịch sinh thái bên Hồ Tuyền Lâm Ðà Lạt rộng hằng chục hecta. Ngoài các công việc cực nhọc ấy, Th. còn lo việc từ thiện, đi dạy học cho trẻ em nghèo.
Vị khách thứ hai là Cao Xuân Hạo. Ông cụ ngoài 70, dáng xương xương, tóc hoa râm, gương mặt phúc hậu, để ít râu mép, đeo kính cận, trí thức, trầm ngâm, tuy vậy khá nghệ sĩ và chịu chơi. Ông cũng hút thuốc (Basto xanh), uống bia, tán gẫu vui vẻ.
Dịp này, tôi tặng ông một cuốn sách ông thích. Ông tặng lại tôi những cuốn sách mới của ông.
Trong nước, Cao Xuân Hạo được biết đến như một nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam. Không đảng viên, bình dị, ghét sự giả dối. Có lẽ ông không giàu có nhưng đã cống hiến cả đời mình cho tiếng Việt.
Trời mưa dứt. Anh chị tôi và những người khách khác cũng lần lượt tới.