Chương 6
Tác giả: Dương Nghiễm Mậu
Những ngày tháng thảng thốt vây lấy tôi trong trống không vô nghĩa. Tôi lang thang ở ngoài đường nhiều hơn thời gian ở trong nhà, sách vở không còn làm tôi say mê, tôi không có vui chơi để khuây khỏa, tất cả mọi điều thành dửng dưng buồn tẻ. Tôi quên Hiền một cách tàn nhẫn. Một ngày xuống Trương chúng tôi đi ăn thịt chó, tôi uống rượu say, sức rượu của tôi không bao nhiêu, trong đêm khi trở về nhà tôi thấy chân tay tôi biến mất, trước mắt thì vô vàn những ánh sao đủ màu nhảy múa, thân thể tôi có lúc như bay nhảy trong khoảng không. Tôi không hiểu sao tôi có thể mang được mình về và nhận ra cầu xe lửa, tôi mệt lả và muốn khuỵu xuống, tôi bám vào thành cầu đá mà bước. Tôi chợt nhận thấy hai bóng trắng lung linh trước mắt, tới gần tôi nhận ra hai thân thể ôm sát lấy nhau dưới gậm cầu. Khối trắng di động lập lờ, tôi dụi mắt và nhìn thấy cái đầu tóc uốn quăn bù xù, sao trông có vẻ quen thuộc, tôi trấn tĩnh một chút, phải rồi, tôi nhủ thầm, đúng là con bé Tàu lai, tôi chạy về, leo lên gác, mở ngăn kéo bàn tìm con dao nhíp, mở lưỡi dao lớn rồi chạy xuống trở lại chỗ cũ, tôi tỉnh táo một cách thái quá, tim tôi rộn lên. Tôi cầm chắc lưỡi dao trong tay, tiến đến từ từ, hai bóng trắng vẫn còn cựa quậy như hai con rắn. Tôi tiến lên túm lấy tóc thằng đàn ông phía ngoài, dí mũi dao vào khoảng lưng trần, tôi nhận thấy mình nó oằn lên. Tôi nói chắc giọng: "Muốn sống đi ngay". Hắn luống cuống run rẩy buông đứa con gái ra, hắn lom khom nhặt quần áo rồi ù té chạy, đứa con gái cuống quít chưa biết làm gì thì tôi ôm thốc lấy và đè vào thành cầu, nó kháng cự một cách yếu ớt tôi thấy tôi nóng như than và đứa con gái mát lạnh, tôi sờ soạng trên khắp trên khắp thân thể nó và ép nó cứng vào cầu. Tôi nghĩ đến bộ ngực của con bé Tàu lai thì đưa tay lên, tôi bắt gặp… tôi hoảng hốt buông tay ra, lùi lại nhìn vào mặt đứa con gái, trong bóng tối lờ mờ tôi nhận ra đó là mặt một con đĩ già ở đầu cầu tôi quen mặt. Nó thấy tôi buông ra thì ù té chạy nhưng vấp phải tôi và ngã sấp xuống, tôi nghe thấy nó rên khe khẽ trong cuống họng như một con vật bị thương. Tôi nhặt con dao, rồi trở ra. Thằng đàn ông lúc trước đã đủ sức để trở lại đứng đón lối tôi về, nó la lên: "Mày là thằng nào". Tôi cầm chắc con dao trong tay: "Tao là thằng này, muốn gì?" Thằng khốn nạn cười khan: "Muốn xin mày tí huyết". Nó đứng bất động. Không chờ đợi tôi vụt bỏ chạy, thằng khốn nạn đuổi theo, tôi quay người lại, nó vừa chồm đến, tôi đưa ngược mũi dao ra. Nó kêu lên: "Trời, mày hại tao". Tôi rút dao ra và thấy máu, nó la lên dữ tợn rồi ôm bụng chạy. Tôi nghe tiếng động vang lên và vội vàng lùi vào nhà, tiếng kêu nó mất hút sau đó, nhận thấy con dao còn trong tay tôi đứng trong sân nhà liệng ra ngoài phía cầu, con dao mất tăm không một tiếng động.
Tôi lên gác ngồi im trong bóng tối hết đêm, tôi thấy tôi khô nóng tỉnh táo. Tôi đã giết người rồi sao? Hắn đã chết rồi sao, tôi lắng nghe tiếng động mơ hồ chừng như của những người di động trong đêm, có phải thằng khốn nạn đang lùng kiếm tôi.
Buổi sáng bắt đầu, tôi nghe tiếng những đứa em gọi nhau trở dậy ăn sáng đi học, tôi xuống nhà đi tắm và thấy tỉnh táo trở lại, tôi ngồi vào bàn ăn sáng với những đứa em, tôi ngồi yên xem những đứa em sửa soạn đi học, người làm lau quét nhà cửa, ông tôi ăn phở, thím tôi chải đầu và dỗ đứa nhỏ ăn sữa. Khi chuyến tàu thường lệ chạy qua tôi ra khỏi nhà. Tôi tự hỏi đi đâu. Tôi đi ra đường long rong không ý định. Chợt hình ảnh Hiền hiện ra, tôi leo xe điện lên Yên Phụ. Bà cụ hỏi han tôi. Hiền vắng nhà, bà mẹ nói nàng đi chợ. Căn nhà vắng vẻ một cách khiếp sợ. Tôi tình cờ soi thấy mặt mình hốc hác trong gương. Tôi đã thành một người giết người? Tôi nằm trên phản nơi nhà ngoài và thiếp đi. Khi tôi thức dậy tôi thấy Hiền ngồi ở bên, không khí im lặng buổi sớm mai vẫn vây phủ. Tôi cầm lấy tay Hiền. Tôi muốn nói với Hiền một điều gì đó nhưng cổ tôi khô. Cả hai chúng tôi yên lặng nhìn nhau.
Tôi ở lại ăn cơm trưa với gia đình Hiền. Trong bữa ăn anh Nghĩa hỏi tôi về tâm trạng thanh niên, tôi cười nói anh đã già rồi sao? Anh Nghĩa cười, tôi định nói đến những người trẻ hơn tôi, tôi có cảm tưởng họ không có ý tưởng gì hết, ngay cả một lý tưởng tầm thường như tôi: đi làm, lấy vợ, không tham vọng gì hết. Tôi nói: "Có lẽ tại chiến tranh". Anh Nghĩa im lặng ăn, lúc sau tôi hỏi:
"Chiến tranh làm thay đổi rất nhiều đến con người".
"Sao lại cứ phải là chiến tranh. Chiến tranh có việc của chiến tranh, mình có việc của mình chứ, đúng là thanh niên không còn lý tưởng nữa".
Tôi muốn nói chính vậy nhưng tôi im.
Buổi trưa tôi rủ Hiền ra đi dạo trên đường Cổ Ngư, ngồi trong bóng mát những gốc cây chúng tôi có dịp gợi lại những kỷ niệm cũ tôi nhắc đến những người bạn, nhắc đến Thịnh. Buổi chiều Hiền đưa tôi ra bến tàu điện. Về đến nhà trời đã chạng vạng tối. Tôi ngạc nhiên thấy Hùng mặc quần áo thường ngồi với ông tôi, tôi hỏi nó:
"Ra hồi nào? Mày không đi tu nữa sao?"
Nó lặng thinh. Sau bữa cơm tối nó leo lên gác tôi, tôi ngồi yên xem nó làm gì, nó kể với tôi chuyện không thể sống mãi như thế, nó bảo trong đầu nó toàn những kinh buổi sáng, trưa, chiều, tối… Nó nói ông tôi bằng lòng cho nó ra ở ngoài. Tôi lặng nghe nó nói không ngừng, mãi tôi mới nói:
"Nói hết chưa?"
Nó lúng túng như hối hận không biết làm sao, tôi nói tiếp:
"Từ giờ tao cấm mày không được lên căn gác này".
Hùng tức giận đi xuống. Bây giờ trong nhà lại có thêm một người tôi không chịu đựng được, một đứa em cùng cha khác mẹ tôi thù ghét. Tôi sờ lên vết sẹo nghĩ đến một người được gọi là mẹ nó, cái người đã định giết tôi.
Mỗi chiều Hùng thay ông tôi thu tiền những người tới góp, nó nịnh và làm vừa lòng ông tôi, nó cũng la lối, có khi như một người bần tiện, thời gian trong tu viện không làm nó thay đổi gì sao, có thực nó là con bố tôi. Nghe nó nói người ta khiến tôi không chịu được, tôi từ trên gác đi xuống chỉ vào mặt Hùng:
"Mày câm đi, nói gì lảm nhảm làm vậy?"
"Tại họ, họ thiếu, họ bớt đủ thứ chuyện…"
"Thì mày cũng phải nói sao cho nghe được chứ. Những năm mày không có mặt trong căn nhà này người ta đã dạy mày những gì? Người ta đã nói thế nào với mày? Mày còn bắt tao nghe thêm tiếng chửi bới của mày nữa sao, tao biết mẹ mày không dạy mày mà".
"Anh đừng sỉ nhục tôi. Tôi…"
"Tao không giành lấy quyền đó, tao chỉ nói cho mày im cái miệng đi thôi. Mày thử đọc kinh nghe chơi xem có hay hơn những điều mày nói lảm nhảm đó không".
Hùng lặng đi, ông tôi ngồi yên khiến tôi ngạc nhiên. Ngày Chủ nhật Thân trở ra, Hùng tìm cách lánh mặt. Khi Thân ở trên gác tôi hỏi: "Thằng Hùng nó ăn cắp gì trong nhà tu không?" Thân mỉm cười nhìn tôi. Thân nói:
"Anh ấy không chịu được thì ra, như vậy em thấy phải, mình không tin mà vì tự ái phải ép mình trong thèm khát thì còn tệ hại hơn nhiều".
Thân ngồi nơi bàn học của tôi lần đọc những sách vở trên đó, Thân trao đổi với tôi những chuyện trong gia đình, tôi nhắc lại ngày bố chúng tôi điên, tôi hỏi Thân, có hối hận vì đã có một ông bố như thế không. Thân nói Chúa an bài mọi chuyện. Tôi nhắc đến ngày giỗ mẹ tôi. Thân nói tôi không biết mẹ, biết bố tôi còn bất hạnh hơn anh nhiều, tôi có gì để nhớ đâu?
Trong nhiều ngày tôi và Hợp trở thành đôi bạn thân, tôi giới thiệu Hợp với Trương, Vịnh. Trong những lần đi chơi ít khi có Vịnh, chỉ có bộ ba chúng tôi.
Hợp nói với tôi mối tình đầu của Hợp với một người con gái trước cửa nhà tên là Yến. Hình ảnh về người con gái được Hợp nhắc đến thật yêu kiều, Hợp mô tả nàng chải tóc trước bao lơn buổi sáng, đi học buổi chiều với tà áo trắng, có lúc Hợp đau khổ nói với tôi làm sao để chinh phục được nàng. Tôi nói:
"Có khi mình còn tồi tệ hơn cậu nữa".
Một lần tôi, Trương và Vịnh đi chơi, trong quán cà phê, Trương hỏi:
"Tại sao cậu có thể thân với thằng Hợp được, mình thấy nó sống trưởng giả quá, nó phè phỡn một cách khó chịu".
Tôi chưa kịp trả lời thì Vịnh xen vào:
"Điều đó dễ hiểu".
Nói xong Vịnh khịt khịt lỗ mũi, tôi khó chịu hỏi:
"Tại sao?"
Vịnh ngó vào mặt tôi giọng gắt:
"Cậu không biết cậu ra sao nữa?"
"Cậu cho tôi một loại như Hợp, sao cậu không nói trắng ra rằng đó là bọn phải thanh toán, bọn tư sản, phản động sống trên đau khổ của những kẻ khác. Cậu có sẵn một cái mũ, gặp ai cậu cũng chụp lên đầu cho họ. Tôi sợ có lúc cậu đội cả cái mũ đó lên đầu cậu nữa. Tôi hay hắn có tội, tôi thấy chỉ có một cái tội có thể tặng ngay cho nó mà không sợ nhầm, đó là tội tổ tông".
Tôi nóng trên mặt một cách tức giận, Vịnh lặng đi một lúc:
"Cậu xem hoàn cảnh cuộc sống như thế này, nó không nghĩ được điều gì khác hơn sao, lúc nào tôi cũng nghe nó nói đến ăn uống, chuyện tình duyên. Nó tưởng nó sống vào cái thời thanh niên An Nam để tóc dài, đánh phấn, kẻ lông mày, chải dầu bóng… Chuyện tình yêu, vẽ vời mơ mộng, cùng thì rồi cũng… Cái bọn… chịu không được".
"Thôi đủ rồi cậu đứng nói thêm nếu không cậu lại sắp phải kết án cả cái hành động của cha mẹ cậu đã sinh ra cậu nữa".
Trương gắt lên:
"Tao đi để nghe bọn mày chửi bố nhau đó à. Đứa nào sống sao thì mặc cha nó cho xong, lằng nhằng…"
Tôi phân trần về Hợp cho Trương nghe, lúc sau mọi người đều im mỗi đứa theo đuổi những ý nghĩ riêng.
Nhiều đêm trong những giấc ngủ bập bồng thảng thốt, tôi thức dậy trong đêm tối. Tại sao chúng tôi chẳng còn một tuổi trẻ thơ mộng yên lành. Tôi lả đi trong buồn nản nhức nhối.