Chương 12
Tác giả: Dương thu Hương
Tôi đã trốn tỉnh lỵ Q mong sao cái chết của thiếu phụ má hồng không còn ám ảnh. Anh bạn lớn tuổi đã đưa tôi tới Hàng Nón, để làm quen với cô bé vừa kháu vừa hiền như thỏ. Cô ta trẻ lắm, vừa tròn hai mươi. Gương mặt tươi mát với làn da trắng như mỡ đọng. Giọng nói ríu rít, lanh chanh. Điệu bộ nũng nịu, êm ái… Bất cứ chàng trai nào ở tuổi hai mươi bảy như tôi cũng dễ chịu khi gặp người con gái như thế. Nhưng tôi, tôi thích cô dìu dịu như ta thích một con mèo tam thể đang ngủ trên sập gụ. Tiếng cười vô tư lự của cô, dáng đi nhún nhảy của một thiếu nữ quen ngậm kẹo suốt ngày, vầng trán ngắn với những món tóc uốn móc câu cầu kỳ… tất cả xa lạ quá. Những cảm giác cô gợi nên trong tâm hồn tôi nhạt như khói cuối chiều. Trái tim trai trẻ của tôi đã xót xa, đã bị cào xé bởi những hình ảnh khác. Ngay buổi đầu đưa tôi tới gặp cô bé phố Hàng Nón, anh bạn đồng nghiệp cao tuổi đã hỏi:
- Thế nào, có trở lại đây lần thứ hai không?
tôi không trả lời, im lặng đạp xe. Đi một đoạn phố nữa, anh nói:
- Có lẽ năm nay chú mày chưa lấy được vợ. Hoặc là mày còn ở giai đoạn ham chơi, hoặc là một thứ gì đó đã thu hút linh hồn của chú mày và biến chú mày thành gã trai ngẩn ngơ, lạnh lẽo.
Anh bỏ ý định kiếm vợ cho tôi, thay vào nhiệt tình ấy bằng chương trình bán chiếc Hon- đa 67 để mua một chiếc Ca- đi.
Tôi cứ đạp xe hoài quanh các khu phố, men theo hồ Tây lên Yên Phụ rồi lại vòng về chùa Quán Thánh. Hôm nào phấn chấn hơn tôi rủ mấy cậu bạn đem theo đồ ăn vào Hà Đông chơi. Nhưng buổi tối, lúc trở về thành phố, mọi cảnh trí trôi tuột khỏi óc não tôi như nhưng hạt mưa vuột qua tàu lá sen. Bên tai tôi lại vang lên tiếng sóng, những đám bọt xoay tròn trên dòng nước đục, con đò trôi và người đàn bà nằm trên đó đang máy máy khuôn miệng dường như chị sắp mỉm cười, lúm đồng tiền khoét sâu vào bên má…
- Em lạy các anh, các anh đi bây giờ thì em chết mất…
Tại sao chị lại mỉm cười trong lúc nói những lời thảm thiết ấy?… Làn môi mọng hé ra phô hai hàm răng trắng nõn. Những giọt lệ dâng đầy tròng mắt, sắp vỡ tan…
Giá như sự sai lệch của số kiếp đưa đẩy tôi gặp chị. Giá như sự xáo trộn của không gian và thời gian được tùy thuộc vào nhiệt tâm và khát vọng của con người. Giá như sự độc ác và ngu xuẩn không đày ải nhân loại vào địa vị kẻ sát nhân vô thức… Những tiếng nói thì thầm vang động trong óc não tôi, tựa tiếng thì thầm của thần linh ném giữa các vách đá. Hồi âm của chúng cuộn lên, như sóng biển dồn vào mõm vịnh hiểm trở, khiến tim tôi tan nát… Tôi cần gặp ai đó, mà sự hiện diện của họ san sẻ bớt cho tôi… Thanh Dương chắc chắn đang sa lầy giữa cạm bẫy của tình yêu và sự giằng trói của gia đình. Chỉ còn Vũ Sơn, có lẽ anh đã hoàn thành chuyến đi quan trọng ấy… Tôi đạp xe tới khu tập thể Một, theo địa chỉ đã ghi.
Người thường trực khu nhà Một là một ông lão quạu quọ, lắm lời. Tôi vừa cất tiếng hỏi Vũ Sơn, ông ta đã chăm chăm nhìn tôi qua hai tròng mắt kính tròn như hai viên trứng chim, vặn lại:
- Thế anh ở đâu?
Tôi đáp:
- Cháu ở Tràng Thi. Dân ven hồ Hoàn Kiếm.
Tưởng ông cụ mỉm cười, ai dè ông trợn mắt quát:
- Tôi không đùa. Anh đưa chứng minh thư tôi xem.
Tôi đành lấy vẻ nghiêm trang, móc tấm chứng minh thư trong túi, trịnh trọng đưa hai tay. Ông già xem hai ba lượt rồi trả lại tôi:
- Vào được.
Đã bước qua cổng, tôi lại quay đầu hỏi thêm:
Ông già, không chút mảy may vui vẻ, buông lời đáp:
- Phải, xa lắm. Hết một suất vé ô- tô- buýt là cùng.
Tôi khẽ lắc đầu, tự nhạo mình đã bỏ công một cách vô ích. Rồi rút trong túi tấm giấy ghi địa chỉ và sơ đồ nhà ở của Vũ Sơn, tôi vừa dò tìm, vừa đi. Chừng năm phút sau, tôi tới nơi. Phòng anh đang mở cửa, anh đang trùm chăn ngồi nhổ râu, mái đầu gật gù trên cần cổ ngẳng. Thấy tôi, anh dang cả hai tay:
- A, cậu bận lắm hay sao mà không đến?
Tôi đáp:
- Hôm nay vừa tròn một tháng. Tôi đúng hẹn đấy chứ?…
Chúng tôi đã hẹn nhau trên đường từ Q ra Hà Nội rằng sau bốn tuần lễ sẽ gặp nhau, khi Vũ Sơn đi công cán trở về. Nghe tôi nói, anh à lên một tiếng rồi gật đầu:
- Ờ ờ… Cậu là người chắc chắn đấy.
Tôi hỏi:
- Thuốc lá phần tôi đâu, hoặc rượu nho Bun cũng được?
Anh cười, tay vẫn trút nước sôi từ phích vào ấm mới bỏ trà:
- Lũ bạn trong cơ quan hút sạch thuốc, có hai chai rượu chúng nó cũng dốc cạn rồi. Tôi đoảng qua, đúng là tôi có lỗi với cậu…
Nói xong, anh rót nước mời tôi:
- Uống đi, trà Thái ướp ngâu cậu của ông lão trên làng đào Nhật Tân cho tôi. Cả khu tập thể này phải nắc nỏm khen ngon đấy.
Tôi uống nước. Quả thật, chè rất ngon. Hương thơm êm dịu, đằm và sau mỗi ngụm nước nóng, ta có cảm giác lâng lâng như đứng giữa vườn ngâu chín một ngày cuối hạ đầu thu. Vũ Sơn chợt vỗ đùi:
- Quên mất…
Anh đứng dậy, với trên xích đông gần trần nhà một gói giấy dầu nhỏ:
- Có quà thết cậu rồi đây - Anh nói - Tôi có cậu bạn vừa cưới vợ. Cô ả là con một bà góa chuyên làm bánh kẹo ở thị xã Hải Hưng. Cậu ta gửi cho tôi gói kẹo này.
Anh với cuốn sách đang đọc dở ở đầu giường, trút phắt cả mớ kẹo còn lại vào đấy. Xong, anh vo tờ giấy gói kẹo thành một cục ném vào gậm giường.
Tôi cười:
- Sao lại ẩu thế?
Anh tặc lưỡi:
- Ôi dà, sống được mấy ngày mà lo giữ vệ sinh… Ăn kẹo đi cậu. Cô ả này chắc xấu gái lắm nên ra sức nịnh chồng. Kẹo nó làm thật hết chê…
Chúng tôi ăn thứ kẹo hỗn hợp vừa lạc vừa vừng xay, nấu với đường trắng và mạch nha theo một công thức nào đấy mà kẹo cắn giòn tan, đường vỡ những mảnh óng ánh, trong như kính nhưng nhai lại thấy vị lúa non dẻo quẹo của mạch nha. Tôi khen:
- Kẹo đặc biệt thật, anh ạ.
Vũ Sơn tặc lưỡi:
- Ngon.
Rồi anh thêm một câu:
- Thằng nào tham ăn của ngọt thì cứ lấy quách một cô hàng kẹo. Tôi chưa kịp đáp lời anh đã vươn thẳng người lên, mặt tối sầm, anh nói:
- Cậu đã biết chuyện giữa Thanh Dương với cô Hạnh chưa? Hôm qua vợ cậu ấy lại tìm tôi, gầm gào như con sư tử cái. Cô ả cứ làm như chính tôi quyến rũ cậu ta vậy. Tôi tức mình, bảo: “Loại đàn bà như cô chồng nó chán cũng không oan”. Thế là cô ta chu chéo sỉ vả tôi, rồi đe dọa sẽ trả thù cô Hạnh. Chúng ta đều đã thành niên, người nào chịu trách nhiệm về hành động của người nấy, chẳng có lời khuyên can nào hữu hiệu trong đời, bởi lẽ chẳng ai có thể đổi được khát vọng và nhu cầu sống cho nhau. Cậu chưa có gia đình, chưa hiểu, nhưng tôi biết rằng trong một trăm cặp vợ chồng thì có tới năm mươi cặp chán lẫn nhau. Hoặc cô vợ chê anh chồng hiền lành, ngơ ngẩn, hoặc anh chồng chê chị vợ dốt nát, tham lam. Đời sống tăng trưởng và biến động, ngay cả những mặt hàng bày trên các quầy hàng ở chợ cũng nhiều gấp bội, đa dạng gấp bội so với những gánh hàng xen của ông bà, cha mẹ ta ngày xưa. Làm sao các nhu cầu tinh thần của con người lại không rối rắm và phức tạp hơn trước. Làm sao người ta có thể yêu mãi mãi một người đàn bà khi từ sáng tới chiều, từ ngày nọ qua ngày kia, từ tháng này sang tháng khác cô ta chỉ nhắc đi nhắc lại một điệp khúc buồn tẻ: Anh đã lo đủ tiền cho em mua áo rét chưa? Hoặc là “Nhà bà Đào vừa nâng một tầng gác nữa. Bao giờ nhà ta đủ tiền mà làm?”… Cái mặt người đàn bà dù đẹp đến mấy rồi cũng trở nên nhàm chán và theo quy luật thời gian no sẽ tàn tạ, héo úa đi… Nhưng đời sống tinh thần ngày càng nhàm chán thì không thể cứu gỡ. Nhất là khi sự thiếu hụt của vật chất lại ném những viên đá tàn bạo lên lớp men sứ mỏng manh của những ước vọng thuở đầu tiên… Tôi không bào chữa cho Dương, nhưng tôi muốn nói chuyện đời một cách công bằng. Việc Dương yêu cô Hạnh với tôi không có gì là khó hiểu. Nhưng điều đáng quan tâm là sự ứng xử của cậu ta trước mối tình này… Nam, tôi muốn hỏi ý kiến cậu một cách thẳng thắn: Cậu có tin rằng Thanh Dương đủ bản lĩnh đến tới cùng hay không?
Tôi đáp:
- Tôi không thể trả lời câu hỏi ấy. Anh hãy thông cảm cho tôi, chính anh cũng vậy thôi.
Vũ Sơn giương mắt nhìn tôi:
- Cậu muốn bảo cả tôi nữa phải không? Nhầm, tôi có thể nói huỵch toẹt cho cậu biết rằng… nhưng mà thôi, rồi cậu cũng sẽ được biết một cách nhanh chóng bởi các bi hài kịch thời nay diễn ra với tốc độ của tên lửa vượt đại châu. Duy có điều, cả tôi và cậu đều phải có nhiệm vụ bảo vệ cô Hạnh. Cho dù lúc này cô ấy có làm cách mạng kiểu tóc hoặc thay mốt quần áo nhưng thực chất đó vẫn chỉ là một cô bé tỉnh lẻ, con nhà lành. Cậu hãy tìm tới nơi cô ấy ở, và hỏi xem mọi chuyện ra sao?…
Tôi hứa với anh sẽ tới nhà Hạnh tuần sau. Vũ Sơn bảo:
- Địa chỉ cô ấy tôi ghi đây rồi.
Anh mở chiếc va ly lớn ở cuối giường, tìm cuốn sổ ghi địa chỉ Hạnh. Lúc anh cầm cuốn sổ lên, vô tình tôi liếc mắt vào va ly, và tôi thấy bộ com- plê cùng chiếc mũ lông của bố tôi nằm chồm hỗm trong đó, bên những thứ đồ vặt vãnh và quần áo lộn xộn khác.
- Té ra chúng đã thực hiện chuyến đi trọng đại trong chiếc va ly này…
Tôi thầm nghĩ và vội vã quay đi.