Chương 4
Tác giả: E.Bulwer Lytton
Chính vì đức tin mà kẻ đi trên đường đạo đã mạnh dạn trình bày những ý nghĩ của họ trước sự khâm phục của kẻ này, cũng như sự ghê tởm của kẻ khác. họ thách thức sự khinh bỉ của các nhà triết học và bình tĩnh trước sự kinh hoàng của dân chúng. Sự thẳng thắn của họ dần dần trở nên điều lợi ích. Và dân chúng vốn thuần phác cuối cùng phải nghĩ rằng hẳn có điều gì cao cả khiến cho người ta không lùi bước trước bất kỳ trở ngại nào, không sợ hãi bất cứ gian nguy nào, kể cả sự tra khảo cũng như phải lên đoạn đầu đài, họ chỉ vững tin vào sự phán xét cuối cùng của Chúa trời.
Trong số các nhân vật liều lĩnh, say mê, can đảm, nổi bật nhất là Olythus. Sau khi Apoecides đã chịu lễ rửa tội và được công nhận là một tín đồ, Olythus vội vàng thuyết phục anh từ bỏ nghi lễ và quần áo của người tu sĩ Isis.
•
• •
Mặt trời đã ngã về tây. Những người khách đến nhà Diomède dự tiệc đã được vài giờ rồi, tuy vậy họ không nhận thấy điều gì trong căn phòng tiệc đóng kín các cửa. Một vài người khách, đã đứng dậy và ra hiệu cho mọi người giải tán.
Sau khi Ione đã ra về, Glaucus đi ra phía cầu thang xuống phòng của Julia . một nữ nô lệ dẫn chàng vào, Julia đã có mặt ở đó.
- Glaucus – Nàng nói, đầu cúi xuống. – Tôi thấy chàng yêu Ione. Quả thật nàng đẹp thật.
- Julia, chính nàng cũng đáng yêu nên mới độ lượng như thế! – Chàng Hy Lạp nói. - Phải, tôi yêu Ione. Còn nàng, trong số các chàng trai đang bao giờ vây quanh nàng, nàng có thể chọn cho mình một người thật xứng đáng.
- Tôi cầu nguyện thần linh ban cho tôi điều đó, Glaucus xin chàng cầm lấy chuỗi ngọc mả tôi dành tặng cho người vợ chưa cưới của chàng. Cầu nữ thần Junon ban cho nàng đủ sức khoẻ để đeo nó lâu dài.
Nàng rót rượu chúc mừng của cha tôi rồi, giờ chàng uống với tôi nhé. Chúng ta cùng chúc mừng sức khoẻ và hạnh phúc vị hôn thê của chàng.
Julia khẽ nhấp môi vào ly rượu rồi đưa cho Glaucus. Phong tục bắt buộc chàng phải uống hết, Glaucus làm ngay, Julia không biết Nydia đã đánh tráo lọ nước bùa, chăm chú theo dõi hành động của Glaucus, vẻ mặt lo lắng, người nóng bừng bừng. Tuy mụ phù thuỷ đã báo trước có thể liều thuốc chưa có tác dụng ngay, Julia nghĩ rằng vẻ đẹp của nàng có thể làm tăng thêm mãnh lực của nước bùa. Nhưng nàng bị hụt hẩng, Glaucus lãnh đạm đặt chiếc ly xuống bàn và tiếp tục chuyện trò, giọng vẫn bình thường, không chút khác lạ. Nàng cố giữ chàng lại, nhưng Glaucus đã khéo léo từ chối.
- Ngày mai! – Nàng tự nhủ. – Tuy hôm nay thất bại, nhưng ngày mai ta sẽ thành công.
•
• •
Khi Glaucus về đến nhà, chàng thấy Nydia đang ngồi trước cổng vường. lo lắng bồn chồn, sợ sệt, mơ màng, cô quyết định lợi dụng cơ hội đầu tiên để thử tác dụng của nước bùa. Glaucus về đến nhà vừa lúc các ngôi sao đêm xuất hiện trên bầu trời.
- Trời nóng quá. – Glaucus vừa nói vừa ngồi xuống một chiếc ghế ngay cạnh cổng. - Nhờ cô gọi hộ người nô lệ. rượu làm cho tôi khó chịu quá, tôi muốn uống một chút gì cho dễ chịu.
Cơ hội mà Nydia mong đợi đã đến một cách hết sức bất ngờ. Cô nói:
- Để tôi đi pha cho ông một ly nước. Loại nước giải khát mà chính nàng Ione đã chế ra. Nó gồm mật ong và một chút rượu nhẹ.
- Cám ơn Nydia! – Glaucus trả lời. - Nếu Ione thích loại nước đó thì tôi cũng muốn như nàng vậy.
Nydia cau mày rồi mỉm cười. Cô đi khuất một lát rồi quay lại mang theo một ly nước giải khát đưa cho Glaucus. Lúc đó, Nydia chỉ mong ước mình thoát khỏi cảnh mù lòa dù chỉ trong một giây phút để nhận biết những tia sáng đầu tiên của tình yêu mà nàng hằng mong đợi.
Nydia tựa lưng vào tường. Mặt cô, vừa rồi hồng hào, bây giờ trắng bệch ra. Đôi bàn tay nhỏ nhắn, nắm chặt lại bối rối. Môi cô hé mở, mặt nhìn xuống đất, cô lo lắng chờ đợi những tiếng nói đầu tiên của Glaucus. Chàng đã đưa cốc lên miệng, vừa uống được vài ngụm, bỗng luồng mắt của chàng quay về phía Nydia và nhận thấy sự thay đổi đó. Vẻ mặt chờ đợi và lo sợ quá đỗi lạ thường của cô khiến chàng bất ngờ thôi không uống nữa và kêu lên:
- Nydia, cô bị ốm rồi hay sao vậy. Ôi, cô gái đáng thương của tôi?
Vừa nói câu đó, chàng đặt vội chiếc ly xuống đất rồi đứng dậy, bỗng chàng cảm thấy trái tim lạnh toát đi, một cảm giác mờ ảo, quay cuồng lung lay tận đầu óc của chàng. Một nỗi vui sướng bất thường không sao kìm nổi xâm chiếm tâm hồn chàng, người chàng lâng lâng, nhẹ bỗng. Không do chủ ý, chàng phá lên cười ầm ĩ, chàng vỗ tay, nhảy nhót. Sự kỳ lạ đó lại chấm dứt ngay, nhưng chỉ một lát, máu chàng lại sục sôi trong huyết mạch như một dòng thác lao ra biển. tai ù lên, chàng cảm thấy thái dương co giật. Rồi mắt chàng mờ đi. Qua cái màn mờ ảo, chàng nhìn thấy bức tường đối diện trên đó các hình thể chuyển động như những bóng ma. Điều lạ lùng nhất là chàng không thấy đau đớn nữa. Chàng gần như điên rồ và như người mất trí.
Khi nghe Glaucus hỏi, Nydia không trả lời. Nàng còn xúc động nên chưa thể lên tiếng. Chợt nghe tiếng cười kỳ lạ của Glaucus kéo nàng ra khỏi cơn mơ, nàng không nhìn thấy bước chân lảo đảo của chàng, nhưng nàng nghe thấy những câu ngắt quãng, không đầu đuôi, rồ dại mà chàng thốt ra. Nydia hoảng kinh, chạy đến chỗ chàng, lấy tay khua tìm, đến khi gặp được đầu gối của chàng. Gục đầu xuống đất, nàng ôm lấy chân chàng nức nở.
- Ôi, chàng nói với tôi đi. Chàng không ghét bỏ tôi chứ? Nói đi! Chàng…
- Có nữ thần sắc đẹp, cái đảo Chyre mới tuyệt mỹ làm sao! Người ta đổ đầy huyết quản tôi những rượu thay vì máu. Kìa, người ta đang mở mạchg máu ra cho chúng ta xem nó sôi, nó chảy ra sao. Mời ngài lại đây hỡi thần khoái lạc. Ngài cưỡi trên một con dê… lông nó xoắn tít thế kia. Còn các con ngựa, nhưng rượu của ngài mạnh qúa đối với người trần chúng tôi… Các làn sóng biếc của khu rừng đã cướp mất Nữ thần Zéphyre và dìm chết rồi. Không một cơn gió nhẹ nào rung các lá cây. Một cái vòi phun nước lên trời. A vòi nước, mi không thể nào dập tắt được các tia sáng của ánh sáng mặt trời Hy Lạp của ta dù mi có dùng đến những cánh tay khéo kéo bạc trắng của mi. Kìa, ai đó, dưới cành cây? Nó lẩn đi như ánh trăng. Nó đi một cách đạo mạo, dịu dàng, rầu rĩ. À, hãy chạy trốn đi… Đó là một nàng tiên, một nàng tiên của chốn sơn lâm. Ai trông thấy nàng tiên đó, sẽ hóa điên rồ! Trốn đi, nàng đã phát hiện ra ta…
Tinh thần của chàng trai Athène bất hạnh như có một sự thay đổi mới. Chàng đặt bàn tay lên mớ tóc óng ả của Nydia, mơn trớn các bím tóc, chàng nhìn nàng chăm chú. Khuôn mặt của Nydia gợi cho chàng nhớ đến Ione. Và cái hình ảnh mờ ảo đó càng làm cho thần kinh chàng thêm rối loạn, kèm theo tất cả sự mê đắm của chàng.
- Ta thề. – Glaucus hét lên. – Có thần Vệ Nữ, có thần Diane, hay thần Junon rằng, tuy lúc này ta phải gánh cả thế giới ở trên vai như Hercule, đồng bào của ta xưa kia… À phải, đồ La Mã ngu ngốc, tất cả những gì lớn lao đều là của người Hy Lạp. Không có chúng ta, các ngươi làm gì có thần linh. Tôi nói gì vậy? Như Hercule đồng bào của ta đã làm trước ta… Thế giới này, chỉ với một nụ cười của Ione, ta sẽ cho rơi xuống vực thẳm. A! Sắc đẹp tôn kính! – Chàng nói tiếp, giọng than vãn dịu dàng một cách khó tả, nàng không yêu tôi! Nàng không tốt với tôi… Tên Ai Cập đã vu khống tôi với nàng, nàng bỏ rơi tôi… Ôi, bây gìơ nàng đừng bỏ tôi mà đi. Phải chăng tôi không sinh ra ở cái xứ sở lừng lẫy của tổ tiên nàng? Tôi đã trèo lên đỉnh núi Phylê, tôi đã hái hoa giữa rặng Ilissus, nàng không nên bỏ tôi, vì tổ tiên của chúng ta đều là anh em cả. người ta bảo xứ sở này tươi đẹp, khí hậu trong lành, nhưng tôi muốn đưa nàng đi cùng với tôi… Ôi, ảo ảnh đen tối, sao mi lại hiện ra giữa ta và nàng?... Cái chết lạnh lùng và kinh khủng đã hằn vết lên trán mi một nụ cười khát máu. Tên của mi là Arbacès. Mi thấy đó, ta biết mi. Trốn đi, hỡi bóng tai hoạ, pháp thuật của mi chẳng giúp gì được cho mi.
- Glaucus! – Nydia lẩm bẩm, vừa rời chàng ra và ngã lăn bất tỉnh trên nền nhà, đau đớn vì hối hận và kinh hoàng.
- Ai gọi tôi? – Glaucus hét lên. – Ione phải chăng chính nàng ? Chúng nó đã cướp nàng đi, phải cứu lấy nàng. Ione, tôi sẽ đến cứu nàng, tôi đến ngay đây!
Nói tới đó, chàng tra Arbacès nhảy một bước ra khỏi nhà, miệng lẩm bẩm, bước chân vội vàng và lảo đảo chàng chạy đi dưới ánh sao. Liều thuốc độc thấm vào trong mạch máu như ngọn lửa vì tác dụng của nó ngày càng tăng kết hợp với sự bất an mà bữa tiệc để lại.
Đã quen với những sự huyên náo xảy ra sau các bữa tiệc đêm, khách bộ hành mỉm cười, né tránh khi gặp chàng, vừa thì thào bàn tán. Họ tưởng Glaucus vẫn còn chịu ảnh hưởng của thần Bacchus, cái đó rất được trọng vọng ở Pompéi. nhưng những ai nhìn kỹ chàng đều rùng mình hoảng hốt và nụ cười biến ngay trên môi họ. Cứ như vậy Glaucus chạy khắp các phố sầm uất nhất, theo thói quen hướng về ngôi nhà của Ione. Khi đến một khu vắng người hơn, chàng bước vào ngôi miếu thờ thần Cybèle và thấy một cảnh tượng kỳ lạ…
•
• •
Nóng lòng muốn biết tác dụng của liều thuốc độc ra sao. Ngay chiều hôm đó Arbacès quyết định đến nhà Ione để dò xét kết quả. Sau khi đeo thắt lưng lửa và khoác áo choàng vào người. Arbacès ra khỏi nhà, không quên mang theo cái dùi dùng để khắc chữ vào thẻ bài. Thật ra đó là một thứ vũ khí giết người của hắn . Mặt trăng tỏa ra một làn ánh sáng dịu dàng lên ngôi đền thờ thần Cybèle. Những cành cây cổ thụ tỏa bóng xuống mặt đất. Bầu trời lấp lánh những vì sao. Nhẹ nhàng, thận trọng đến mức gần như lén lút. Calénus đang tiến đến ngôi đền, nhưng ngược chiều với Arbacès. Hắn lướt nhanh dưới bóng cây, đến chỗ ngôi đền hắn chui vào một chỗ khá kín đáo để ẩn nấp. Hắn lấy cành cây che phủ xung quanh để khách qua đường không trông thấy hắn. Olythus và Apoecides đã giao hẹn sẽ gặp nhau tại đây. Hắn nghi ngờ rằng Apoecides sắp tố giác sự đồi bại của những tu sĩ thờ thần Isis với vị giáo đồ bí mật. Hắn muốn biết rõ hơn mục đích của chàng, rồi hắn sẽ thuật lại cho Arbacès rõ.
Lúc đó, Arbacès đang đi vội vã trên con đường dẫn đến nhà Diomède. Vừa đến ngang cửa đền lão bắt gặp Olythus nen dù đi ngang qua trước mặt lão, anh ta vẫn không chú ý.
- Này, Apoecides! – Arbacès gọi khi nhận ra chàng tu sĩ trẻ. – Trong cuộc chạm trán vừa qua, anh là kẻ thù của ta. Từ hôm đó đến nay ta rất muốn gặp lại anh, bởi ta mong rằng anh vẫn là người đồ đệ trung thành của ta.
Trông thấy tên Ai Cập, Apoecides rùng mình, rồi đột ngột dừng lại, chàng nhìn lão khinh bỉ:
- Đồ khốn kiếp, đồ lừa bịp, vậy ra người đã chui khỏi nấm mồ rồi à! Nhưng ngươi đừng có hòng mà mê hoặc ta được nữa.
- Im ngay. – Arbacès trả lời giọng thật khẽ, nhưng những lời sỉ nhục của chàng tu sĩ trẻ đã xúc phạm đến lòng kiêu hãnh của hắn khiến mặt hắn đỏ bừng bừng, môi hắn run bần bật. – Nói khẽ chứ, người ngoài nghe thấy những điều anh nói thì họ sẽ nghĩ sao. Và linh hồn của tổ tiên ta sẽ không cho phép ta tha thứ cho anh. Nhưng anh hãy bình tĩnh, nghe ta nói đây: Ta muốn cưới em gái anh. Anh cũng thừa khôn ngoan để thấy cuộc kết hôn giữa tên Hy Lạp với tôi không thể nào so sánh được với cuộc hôn nhân giữa ta và nàng. Ta là hậu duệ của các bậc đế vương Ai Cập. Dòng dõi lâu đời của ta cộng với tài sản vô tận là một ưu thế mà bọn Hy Lạp hay La Mã mà tổ tiên chúng nó vừa mới xuất hiện chẳng bao giờ có được. Một khi trở thành vợ ta, em gái anh sẽ được ta tôn thờ suốt đời.
- Arbacès, nếu ta có chìu theo nguyện vọng của ngươi thì em gái ta cũng ghê tởm cái không khí mà ngươi hít thở. Nhưng ta có lý do riêng mà tha thứ cho ngươi. Ta có thể bỏ qua việc người lợi dụng ta để phục vụ ý đồ của ngươi, nhưng không bao giờ người có thể thuyết phục để ta cùng chia sẻ thói hư tật xấu của ngươi. Không bao giờ ngươi có thể làm cho ta thành con người mê muội. Hãy liệu hồn. Ngay trong lúc này ta chuẩn bị để lột mặt nạ ngươi, cả ngươi và các thần linh giả dối của ngươi. Cuộc sống trụy lạc của ngươi cũng như tất cả bọn đệ tử thần Circé sẽ bị phơi trần dưới ánh sáng, những lời tiên tri bịp bợm của ngươi sẽ bị phát giác. Ngôi đền thờ tượng nữ thần Isis đã trở nên một chốn bị khinh bỉ. Cái tên của ngươi, Arbacès, sẽ bị thiên hạ phỉ nhổ.
Mặt tên Ai Cập đỏ lên rồi xám ngắt. Hắn nhìn trước, nhìn sau, nhìn xung quanh xem có ai ở gần đó không. Rồi đưa mắt nhìn Apoecides với một nỗi tức giận và đe dọa mà nếu không phải là Apoecides, không ai chịu đựng nổi vì nó rất ghê rợn. Apoecides không chút nao núng đáp lại bằng cái nhìn kiêu hãnh, thách thức.
- Apoecides! – Tên Ai Cập lại nói, giọng xúc động. – Hãy coi chừng. Anh định mưu toan điều gì? Anh bực mình mà nói không chút suy nghĩ như vậy, hay trong đầu óc anh có dự kiến một điều gì?
- Ta nói theo sự gợi ý của Chúa trời cao cả mà hiện nay ta đang phụng thờ. – Apoecides rắn rỏi trả lời. – Và ta tin tưởng chắc chắn rằng lòng bác ái sẽ thắng cái đạo đức giả của ngươi và cả con quỷ của tôn giáo Ai Cập Rồi ngươi sẽ rõ.
- Vậy thì mày phải chết. – Hắn nói.
Đúng lúc Apoecides sắp bỏ đi, Arbacès giơ bàn tay của hắn lên đâm thẳng mũi giùi vào ngực chàng tu sĩ trẻ.
Bị đâm trúng tim, Apoecides chết ngay, không một tiếng kêu, chàng đổ ập xuống dưới chân ngôi miếu tôn nghiêm. Arbacès ngắm chàng một lúc với một niềm vui sướng man rợ. Nhưng hắn nghĩ đến ngay sự nguy hiểm mà hắn có thể mắc phải… Hắn chùi cẩn thận hung khí lên áo của nạn nhân, rồi quấn lại chiếc áo choàng khi hắn sắp sửa bỏ đi bất chợt hắn thấy một chàng trai trẻ tiến lại gần hắn, bước chân anh ta chao đảo, hết sức lạ lùng. Nhờ ánh trăng, Arbacès nhìn thấy bộ mặt đó bệch, và hắn nhận ngay ra hình dáng của Glaucus, chàng Hy Lạp bất hạnh hát một bài ca rầu rĩ, lộn xộn, vô nghĩa.
- A! – Tên Ai Cập kêu lên. – Hắn đoán ra ngay được tình trạng của chàng và nguyên nhân đã gây ra tình trạng kinh khủng đó. Thế là liều thuốc đã phát huy tác dụng, số phận đã đưa nó tới đây, cùng một lúc ta đã thắng luôn cả hai kẻ thù.
Nhanh như cắt, Arbacès lẩn vào bên trong ngôi đền, náu mình trong bụi cây. Như một con hổ rình mồi, hắn theo dõi nạn nhân thứ hai. Hắn nhận thấy mắt chàng trai Athène đỏ ngầu, mặt méo xệch, môi tái nhợt. Hắn hiểu chàng Hy Lạp đã mất hết lý trí. Tuy vậy, khi Glaucus đến gần thi thể của Apoecides, bắt gặp cảnh tượng ghê rợn và bất ngờ đó chàng đừng bước lại, tuy tâm trí bị rối loạn, Glaucus vẫn đưa tay ôm lấy trán như muốn phục hồi trí nhớ.
- Ồ! Endyminon, sao anh ngủ say thế? Mặt trăng nói với anh những gi? Anh làm tôi thèm muốn quá, đã đến giờ phải dậy rồi. – Glaucus nói.
Chàng cúi xuống với ý định nâng Apoecides lên. Từ chổ ẩn, tên Ai Cập lao ra, và trong khi chàng Hy Lạp đang cúi người, hắn đánh luôn chàng một cú và ấn chàng lên thi thể người chết. Rồi hắn cố hết sức gào lên thật to:
- Đồng bào ơi! Cứu với! Ở đây có áng mạng, đừng để hung thủ chạy thoát!
Vừa kêu gào, hắn vừa lấy chân đè lên ngực Glaucus.
Để kìm hãm lòng thương hại tự nhiện của mình, hắn kêu to hơn và rút chiếc giùi nơi thắt lưng Glaucus ra, nhúng nó vào máu của kẻ bị giết rồi đặt nó cạnh xác chết, nhiều người chạy đến, một vài người mang theo cả đuốc, ánh lửa hắt sáng hàng cây.
Ai nấy đều kinh hoàng và giận điên người lên khi nhận ra người bị giết là một tu sĩ của đền thờ nữ thần Isis tôn kính. Nhưng họ lại càng sửng sốt hơn khi thấy kẻ bị buộc tội lại là chàng trai xứ Athène.
- Glaucus ! - Họ cùng hét lên. - Liệu chúng ta có tin được chăng?
- Theo tôi! – Một người nói với một người đứng bên cạnh. – Tôi lại cho chính tên Ai Cập là thủ phạm thì đúng hơn.
Một người lính xông vào giữa đám đông.
- Sao? Máu đổ chính nơi đền thờ? Ai là thủ phạm? – Anh ta nói.
Mọi người chỉ Glaucus:
- Chàng ta! – Có thần Mars chứng giám, chàng ta lại có vẻ là nạn nhân hơn. Ai buộc tội chàng?
- Tôi. – Arbacès nói, vừa hãnh diện đứng thẳng người lên.
Những đồ trang sức rực rỡ đính trên áo hắn, choáng ngợp con mắt của người lính, thuyết phục người đó một cách dễ dàng. Đó là một người làm chứng đáng kính trọng.
- Xin lỗi, ông cho biết tên. – Người lính nói.
- Arbacès! Tôi chắc ở Pompéi ai cũng biết cái tên này. Khi đi ngang qua ngôi miếu này, tôi trông thấy gã Hy Lạp và người tu sĩ này đang tranh luận rất sôi nổi. Tôi rất ngạc nhiện thấy tên Hy Lạp cất giọng oang oang, hành động cuồng loạn. Chắc nó bị say rượu hay điên rồ. Bất thình lình tôi thấy nó rút cái giùi ra. Tôi lao đến, định ngăn hắn nhưng không kịp. Hắn đã đâm nạn nhân hai nhát chí tử. Trong cơn giận dữ và khủng khiếp tôi đã xô hắn khá mạnh, hắn đổ luôn xuống không chống cự. Tôi đoán hắn không còn tự chủ được hành động của mình lúc hắn gây ra tai họa. Vì vừa mới hồi phục được sau một cơn bệnh trầm trọng, người tôi còn yếu lắm, nhất là đem so với sức lực của tên Glaucus trẻ tuổi, chắc ông cũng thấy rõ.
- Vừa lúc ấy anh cử động, chàng mở mắt và mấp máy môi. – Người lính nói. - Bị buộc tội như vậy, anh trả lời thế nào?
- Buộc tội, à! Cái gì đã làm thì làm cho tốt. Khi mụ phù thuỷ đã hướng con rắn lên ta… Khi thần Hécate đã dừng ở đó, cười vào tai ta, ta còn làm gì được nữa? Nhưng ta đau đớn quá, ta bủn rủn cả người, con rắn đã cắn ta. Đưa ta về giường cho gọi thầy thuốc đi, chính cụ Esculape sẽ đến thăm bệnh, nếu các người bảo với cụ ta là người Hy Lạp. Ôi, cám ơn! Ôi! đầu óc, ôi tuỷ xương , ta nóng cháy lên rồi.
Và sau một tiếng thở dài não nuột, chàng Athène ngã lăn vào tay những người đứng xem.
- Chàng đang trong cơn mê loạn. – Người lính nói vẻ thông cảm. – Và trong một cơn điên cuồng, chàng đã hạ sát vị tu sĩ. Hôm nay có ai gặp chàng không?
- Tôi! – Một người đang đứng xem nói. – Sáng nay tôi có gặp chàng. Chàng đi qua cửa hàng của tôi và ghé lại vào chỗ tôi. Chàng vẫn khoẻ mạnh tỉnh táo như chúng ta thôi.
- Tôi mới gặp chàng cách đây chưa đến một giờ, chàng đi qua các phố, mồm lẩm bẩm một mình và có những cử chỉ kỳ lạ đúng như ông Ai Cập vừa tả. – Một người khác nói.
- Nhân chứng đã xác nhận. Dù trong tình trạng nào chàng cũng bị giải đến toà án. Thật đáng thương! Còn trẻ và giàu có như thế! Nhưng cái án mạng thật là khủng khiếp! Một tu sĩ thờ thần Isis, và chết ở ngay cửa ngôi miếu cổ nhất của chúng ta.
Lời nói kích thích đám đông ghê gớm, không còn là một vụ án mạng bình thường nữa. Cả đám người kinh hoàng.
- Thật không lấy gì làm lạ về mặt đất rung chuyển khi có những con quỷ như vậy xuất hiện. – Một người nói.
- Cho vào tù! - Tất cả mọi người hét lên.
Một giọng nói lanh lảnh hơn tiếp nối, vẻ sung sướng.
- Bây giờ thì chẳng còn lo thiếu đấu sĩ cho lũ thú dữ nữa. – Đó là tiếng của một cô gái nô lệ của Diomède.
Và tất cả những tình cảm xót thương dành cho con người lhốn khổ này hình như tan biến hết. tuổi trẻ, vẻ đẹp biến mất, Glaucus chỉ còn là một thân xác không hồn.
- cho mang một cái cáng, để đặt người chết. – Arbacès nói. – một tu sĩ của đền thờ nữ thần Isis không thể được khiêng như một đấu sĩ nơi võ đài.
Những người đứng xem kính cẩn đặt xác Apoecides lên bãi cỏ. Rồi vội đi tìm các phương tiện chuyên chở để đưa Apoecides về nơi an nghỉ cuối cùng.
Vào lúc đó, Olythus bước vào. Ông đứng cạnh tên Ai Cập và lặng lẽ nhìn người chết với một nổi thương tâm khôn tả.
- Chàng bị ám sát! – Ông hét lên. – Có phải bọn chúng đã phát hiện được ý đồ lớn lao của chàng? Rồi vì sợ bị sỉ nhục mà chúng giết chàng?
Ông quay đầu lại, và bắt gặp bộ mặt nghiêm nghị của tên Ai Cập. Trong khi ông nhìn hắn, người ta có thể thấy rõ sự ghê tởm và căm thù nơi ông. Olythus chỉ vào Arbacès lớn tiếng nói:
- Có người đã ám sát chàng trẻ tuổi này! Hung thủ đâu? Trả lời đi, Arbacès! Có Chúa trời chứng giám, ta chắc kẻ đó chính là ngươi.
Bộ mặt sa sầm của Arbacès tái đi một lúc và có vẻ lo lắng, nhưng sự thay đổi đó chỉ thoáng qua, không ai nhận rõ. Rồi trấn tĩnh lại. Mặt hắn đỏ lên đầy tức giận:
- Ta biết vì sao ngươi dám buộc tội ta, và ta cũng đoán được tại sao nó làm như vậy. Hỡi những người có mặt tại đây, tên nào là đứa hung hãn nhất trong bọn Gia tô giáo. Tôi cũng không rõ người ta gọi chúng là gì. Có gì đáng ngạc nhiên hơn việc nó đi buộc tội một người Ai Cập mưu sát một tu sĩ của tôn giáo Ai Cập!
- Các bạn ơi, xin hãy yên lặng! – Olythus lại nói. Các bạn hãy nghe tôi. Người tu sĩ bị ám hại này, trước khi chết, đã cải giáo theo đạo gia tô rồi. Chàng đã phát thiện ra cuộc sống trụy lạc và những trò lừa bịp của tên Ai Cập này. Cũng như chàng nhận thúc được sự suy đồi của các tu sĩ thờ nữ thần Isis. Chàng đang chuẩn bị để vạch trần trước công chúng những tội lỗi đó. Chàng, một người xa lạ, không kẻ thù hằn. ai có thể làm cho chàng đổ máu nếu không phải là một trong những kẻ sợ hãi sự phát giác của chàng?
- Các ngươi đã nghe thấy nó nói chưa? – Arbacès hét lên. – Nó xúc phạm chúng ta. Nó chà đạp lên lòng tin của chúng ta vào nữ thần Isis.
- Làm sao mà ta có thể tin vào con quỷ đầy tội ác đó? – Olythus lạnh lùng trả lời.
Tiếng ồn ào kéo dài, mọi người rùng mình. Không một chút lo sợ, vì từ lâu đã chuẩn bị tinh thần đương đầu với nguy khốn. Olythus nói tiếp:
- Thi thể của người này không cần đến các nghi lễ giả dối và nhơ bẩn của các người. Nó thuộc về chúng ta. Chỉ có những người theo Chúa trời mới có quyền thực hiện nghi lễ cuối cùng cho người theo đạo Gia tô mà thôi.
Những lời đó, được cất lên bằng một giọng rất nghiêm nghị và kiên quyết, khiến đám đông không dám lộ ra hằn hộc.
Olythus với vầng trán đầy nếp nhăn, oai nghiêm, kiên nghị, sự bình tĩnh đầy lòng bác ái, khiến người ta phải kính cẩn. Tay trái của ông hạ xuống thi thể Apoecides, tay phải ông giơ lên trời.
Người lính lúc này lại tiến lên.
- Ông định đòi cái xác của người tu sĩ thờ thần Isis, coi như đó là người theo đạo Gia tô?
- Phải.
- Ông hãy thề trước ngôi miếu, trước bức tượng thần Cybèle này, trước nơi tôn nghiêm cổ kính nhất ở Pompéi, là người chết đã theo đạo của ông.
- Thật điên rồ! Ta không tin các thần tượng của người Ai Cập, tại sao ta phải thề trước tượng thần Cybèle.
Đám người kia la hét ầm ĩ.
- Các người quá ngây thơ và mù quáng. – Olythus cao giọng nói. - Tại sao các người có thể tin tưởng vào những bức tượng này nhỉ? Thậm chí các ngươi còn cho rằng chúng có mặt thậm chí có tay để cứu vớt linh hồn các người. Nhưng thật ra thì chính loài người đã tạo ra nó rồi tôn nó là thần linh và quỳ nạp dưới chân nó. Vậy các người hãy nghĩ rằng nó chỉ là hiện tượng để các người nhận ra sự ngu dốt của mình.
Vừa nói, vừa lao đến ngôi miếu, và trước khi có người định cản lại, Olythus đã lật đổ bức tượng gỗ từ trên bệ xuống.
- Các người thấy không. – Ông hét lên. - Bức tượng của các người không thể trả thù được. Thế mà là một vật được đem đi thờ phụng?
Mọi người không để cho ông nói thêm nữa. Một sự xúc phạm ghê gớm và liều lĩnh như vậy, trong một ngôi miếu được tôn sùng vào bậc nhất, làm cho đám dân chúng kinh hoàng và giận dữ phát điên lên. Họ chồm lên người Olythus, túm lấy ông và nếu không có sự can thiệp của người lính, hẳn Olythus đã bị băm vằm ra làm trăm mảnh.
- Trật tự! – Người lính thét lên. – Đưa tên báng bổ hỗn xược ra toà. Chúng ta đã mất khá nhiều thời gian về các chuyện đó rồi. Dẫn tên thủ phạm và người này đi, cho cái xác lên cáng rồi đưa về nhà nó.
Một tu sĩ bước ra:
- Tôi xin đảm nhiệm đưa người chết đó. – Hắn nói.
Mọi người đi theo khá đông.
Quay người lại, Arbacès gặp ngay cặp mắt của người thầy tu. Đó là Calénus. Trong ánh mắt của ông ta, có cái gì rõ ràng và khủng khiếp làm cho tên Ai Cập tự hỏi: “Nó có nhìn thấy sự việc không?
Một cô gái tách ra khỏi đám người, nhìn thẳng vào mặt Olythus:
- Thần Jupiter ơi! – Cô ta nói. – Đây là một người đàn ông, chúng ta đã có một đứa để nộp cho mãnh hổ, một đứa để nộp cho sư tử.
- Đúng! – Đám người gào lên. – Một đứa cho một con sư tử, một đứa cho một mãnh hổ.
•
• •
Đêm đã khuya, nhưng những nơi dân chúng thường tụ họp, vẫn còn đông người. Người ta có thể nhận thấy trên mặt những người nhàn rỗi, xuất hiện một nét nghiêm trang hơn thường lệ.
Một chàng trai trẻ tách khỏi đám đông và vội vã đi qua ngôi đền của nữ thần vận may. Chàng bước quá vội nên vẫn mạnh vào Diomède.
- Này! – Lão lái buôn kêu lên. - Mắt mày mù hay sao?
- À, ông Diomède đấy phải không? Xin ông tha lỗi cho cái tội vụng về của tôi. Tôi đang mãi suy nghĩ về một cuộc đời éo Lépidus. Ai có thể ngờ chàng Glaucus thân mến của chúng ta, chàng lại là hung thủ sát hại Apoecides.
- Xin lỗi! Claudius, có phải người ta định đưa chàng ra Viện Nguyên Lão không?
- Vâng. Người ta bảo vụ án đó quá kỳ lạ, chỉ có Viện Nguyên Lão mới có thể xét xử được thôi.
- Vậy chàng bị buộc tội công khai?
- Vâng! Ông không hề hay biết tí gì cả sao?
- Tôi vừa đi lo công chuyện từ Néapolis mới về sau hôm xảy ra án mạng.
- Người ta không còn nghi ngờ về tội ác của Glaucus nữa. – Claudius vừa nói vừa nhún vai. – Và những vụ án như thế sẽ được xét xử trước ngày tiến hành các “trò chơi”.
- Các trò chơi? Ôi thần linh cao cả! - Phải chăng họ bị kết tội và sau đó người ta sẽ đem nộp họ cho dã thú.
- Vâng!
- Thế còn tên xúc phạm thần Isis, theo đạo Gia tô ấy?
- Ôi! Tên già khốn kiếp ấy, nếu nó bằng lòng thờ phụng Cybèle hay thần Isis, người ta sẽ tha thứ cho nó. Nếu không, nó cũng chịu chung số phận với tên kia. Nhưng nàng Julia xinh đẹp có được khoẻ mạnh không?
- Cám ơn, sức khoẻ con gái tôi rất tốt.
- Ông nhắc nàng nhớ đến tôi nhé! Nhờ ông đấy. Ông nhìn kìa, ở cửa nhà ông quan toà. Ai đang đi ra thế? Thần Pollux ơi… chính lão Ai Cập! Có việc gì mà lão đến gặp quan toà?
- Chắc lại bàn về tên sát nhân, nhưng nguyên nhân nào đưa đến vụ án mạng kinh khủng ấy? Glaucus sắp cưới cô em gái người tu sĩ mà?
- Phải. Một vài người cho là Apoecides phản đối cuộc hôn nhân đó. Rồi xảy ra cãi nhau. Chắc chắn Glaucus đang say rượu. Chàng ta mất cả lý trí nên mới ra nông nổi ấy.
- Khổ thân chàng! Chàng có mời được trạng sư giỏi không?
- Một người giỏi nhất Pompéi nhận bào chữa cho chàng. Nhưng lúc này nữ thần Isis đang được dân chúng tôn sùng mãnh liệt nên vụ án khó mà chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp cho Glaucus.
- Về điểm này tôi không có ý kiến, bởi tôi có ít hàng hoá ở Alexandrie, tôi phải khẩn cầu thần Isis.
- Vâng. thôi chào ông.
Diomède về nhà, Claudius tiếp tục con đường của mình.
- Nếu Glaucus bị đưa ra làm mồi cho sư tử. – Claudius suy nghĩ. – Julia chỉ còn cách yêu ta là hơn cả. Chắc chắn ta sẽ trở thành người yêu quý của nàng và như vậy ta có thể cưới nàng làm vợ, nhưng thần linh ơi, tiền nong của ta đã bắt đầu cạn. Trong khi hãy còn thời gian, tốt nhất là ta nên cưới vợ, từ bỏ cờ bạc và cuộc sống đầy phú quý của ta.
Đang mãi suy nghĩ, Claudius thấy có ai kéo áo, chàng bèn quay lại và nhận ra Arbacès.
- Chào chàng Claudius quý phái, xá tội cho tôi đã ngắt quãng dòng suy tư của chàng. Nhờ chàng chỉ hộ cho tôi nhà ông Salluste.
- Nó chỉ cách đây vài bước, nhưng ông Salluste có tiếp khách chiều nay không?
- Tôi cũng không rõ. – Tên Ai Cập trả lời. - Nếu ông cho phép, tôi xin đi cùng với ông một đoạn nữa. Nhưng ông cho tôi biết cô gái khốn khổ sắp lấy chàng Athène, em gái của vị tu sĩ bị ám sát bây giờ ra sao?
- Than ôi! Nàng như người mất trí, đôi lúc nàng nguyền rủa tên sát nhân, nhưng rồi bất thình lình nàng thét lên: Ôi, anh của tôi ơi! Glaucus không phải là kẻ ám hại anh! Tôi không bao giờ tin như thế. Rồi nàng im lặng. Nàng lẩm bẩm với vẻ kinh hoàng “Nhưng nếu đúng là chàng…!”
- Tội nghiệp nàng Ione!
- Nhưng may mắn cho nàng, các lễ nghi mà tôn giáo bắt buộc nàng phải thực hiện trong đám tang, đã khiến nàng không còn thời gian chú ý đến cả chính nàng và Glaucus. Trong đau khổ hình như nàng không còn nhớ Glaucus đã bị bắt giam và sắp đến ngày xử án. Khi ma chay chàng Apoecides xong xuôi đâu vào đấy rồi, lý trí của nàng sẽ hồi phục, lúc đó tôi sợ mọi người sẽ bất bình thấy nàng lao đi cứu tên sát nhân đã ám hại anh trai nàng.
- Đừng để cho dư luận bàn tán xôn xao.
- Tôi cũng đã phòng xa về điều đó. Tôi là người đỡ đầu của nàng và tôi được phép đưa nàng về nhà tôi sau đám tang Apoecides. Ở đó nàng sẽ được bình tâm.
- Ông Arbacès, ông làm như vậy là phải. Nhưng đã đến nhà ông Salluste. Xin thần linh phù hộ cho ông.
Tên Ai Cập tự nhủ, sau khi Claudius đi khỏi. – Ta không phải là kẻ khát máu. Ta vui lòng cứu thoát tên Hy Lạp nếu nó thú nhận tội mưu sát và bằng lòng từ bỏ Ione mãi mãi.
Qua một cửa ngõ, hắn đến gần ngôi nhà của Salluste. Lúc đó hắn nhận thấy một bộ mặt tối tăm trùm trong một chiếc áo khoác nằm trên bậc cửa.
- Dậy đi! – Hắn nói, vừa lấy chân đá vào người đó. – Mày cản lối đi.
- Ai đấy? – Một giọng phụ nữ kêu lên. Ánh trăng sáng chiếu lên khuôn mặt nhợt nhạt của Nydia. Cô nhắc lại. – Tôi có nhận ra tiếng nói của ông.
- Cô mù! Cô làm gì ở đây vào lúc khuya khoát như vậy? Liệu việc đó có hợp với giới tính và tuổi tác của cô không?
- Tôi nhận ra ông rồi. Ông là Arbacès.
Rồi cô phục xuống chân hắn, chắp tay lại, kêu lên:
- Hỡi con người oai vệ, xin ông hãy cứu lấy chàng! Chàng không phải là thủ phạm. Chính tôi đã gây ra tất cả. Họ không cho tôi vào gặp chàng. Họ xô đẩy kẻ mù lòa khốn khổ. Ôi! Chắc ông có thuật pháp, có thuốc giải bùa mê, vì chính nước bùa đã làm cho chàng mê loạn như vậy.
- Im ngay, đồ trẻ con, ta biết hết, mày không quên tao đã cùng Julia đến hang mụ phù thuỷ. Tay nàng đã rót cho chàng liều thuốc độc nhưng vì danh dự mà nàng phải im hơi lặng tiếng. Mày đừng tự trách móc mình cái gì phải xảy ra, sẽ xảy ra. Ta đến gặp tên tội phạm, nó có thể được cứu thoát! Thôi ta đi.
Arbacès gỡ tay cô gái ra. Lão gõ cửa nhà Salluste, người nô lệ mở cửa đưa Arbacès vào. Nydia làm theo:
- Chàng ra sao? Cho tôi biết tình hình của chàng được không? – Nàng hỏi.
- Lại vẫn là mày, đồ điên! Mày không biết xấu hổ anh? Hình như nó đã hồi tỉnh rồi.
- Cảm tạ thần linh! Ông không cho tôi vào gặp chàng à?
- Cút ngay!
Chiếc cửa đóng lại và Nydia thở dài, ngã gục xuống bậc cửa, cô trùm lại chiếc áo khoác, tiếp tục nằm chờ. Trong khi đó Arbacès đã vào gian phòng nơi Salluste đang dự bữa ăn với người hầu cận thân tín.
- Sao ông lại đến vào giờ này! Mời ông ly rượu nhé!
- Không, thưa ông Salluste. Cám ơn ông. Tôi đến đây không phải để tìm thú vui. Sức khoẻ của người tù của ông ra sao? Người ta nói nó đã khôi phục lại lý trí?
- Than ôi! Đúng như vậy. – Salluste trả lời không nén nổi thương cảm. Thần kinh và thể xác của chàng bị suy nhược đến nỗi tôi khó mà nhận ra người bạn danh tiếng của tôi nữa. Có điều kỳ lạ là chàng không sao giải thích nổi cơn điên cuồng mà chàng mắc phải. Chàng chỉ nhớ mang máng các sự kiện. Và tuy có sự làm chứng của ông, chàng vẫn cương quyết cho rằng chàng vô tội trước cái chết của Apoecides.
- Cho phép tôi gặp Glaucus. – Tên Ai Cập nói. – Salluste gật đầu, đưa hắn đến căn phòng nhỏ, phía ngoài có hai người nô lệ đứng gác. Cửa mở, Salluste rút lui, để lại tên Ai Cập với Glaucus.
Một ngọn đèn leo lết cháy trên giá gỗ, soi rõ chiếc giường chật hẹp. Glaucus nằm trên giường, xanh xao, tiều tuỵ. Arbacès cũng không ngờ chàng thay đổi nhanh chóng như vậy.
Tên Ai Cập ngồi xuống cạnh giường. Glaucus vẫn nằm im lìm không nhận thấy sự có mặt của hắn. Arbacès lên tiếng: “Glaucus, trước kia chúng ta là những kẻ thù địch. Giờ đây, ta đến với chàng giữa đêm khuya tĩnh mịch”
Glaucus nhổm dậy, xúc động trước tiếng nói bất ngờ của kẻ thù. Ánh mắt họ gặp nhau. Mặt chàng Athène nhiều lúc đỏ lên và gò má sạm của tên Ai Cập lại tái nhợt. Cuối cùng, Glaucus ngoảnh mặt đi, khẽ thở dài, đưa tay ôm lấy trán, ngã xuống giường và lẩm bẩm: “Phải chăng ta vẫn còn mê?”
- Không, Glaucus, chàng đã tỉnh. Thề có thần linh chứng giám, trước mặt chàng là người có thể cứu được chàng. Chàng đã phạm tội giết người, và xúc phạm thần linh nữa. Chính mắt ta đã trông thấy, nhưng ta có thể cứu được chàng. Ta có thể chứng nhận chàng mất lý trí, chàng hành động không phải như một người làm chủ được mình. Hãy ký tên vào tờ giấy này, xác nhận chính chàng đã giết chết Apoecides, chàng sẽ tránh khỏi bản án tử hình.
- Ông nói gì thế, Arbacès? Không phải tôi giết Apoecides, tôi thấy chàng ta nằm dài dưới đất, thân thể đẫm máu, chàng ta chết trước khi tôi đến đó. Ông định khép tôi vào tội mưu sát? Ông nói láo! Cút ngay!
- Hãy suy nghĩ cho kỹ, ngươi sẽ phải đương đầu với nanh vuốt của sư tử, cùng những lời la ó của đám dân chúng thô tục,chịu đựng cái nhìn của đám người đó vào lúc nhà người hấp hối, tay chân tan nát, tên tuổi nhuốc nhơ, thi thể không mồ mả, dòng họ người sẽ nhục nhã muôn đời.
- Sự nhục nhã không phải do chính ta làm mất tình cảm của kẻ khác. Nhục nhã là do ta không tôn trọng ta. Đi ra ngay! Ta ghê tởm mày. Trước kia, ta vẫn căm ghét mày. Giờ đây ta vẫn khinh bỉ mày.
- Được, ta sẽ đi! – Arbacès nói, tuy thất vọng nhưng hắn không khỏi có chút thương xót và kính phục Glaucus. Chúng ta chỉ còn gặp lại nhau hai lần nữa thôi. Một ngày ở phiên tòa và một ngày ngươi bị giết chết. Vĩnh biệt.
Hắn từ từ đứng dậy, quấn lại chiếc áo khoác, rời khỏi căn phòng. Hắn đến gặp Salluste:
- Chàng vừa mất trí hay đúng hơn vẫn bướng bỉnh. – Hắn nói. - Chẳng còn chút hy vọng gì nữa.
- Ngài không nên nói như vậy. Không nên buộc tội một người uống rượu giỏi như vậy. Đó là việc phải thánh toán giữa thần Bacchus và thần Isis.
- Rồi chúng ta sẽ biết kết quả! – Tên Ai Cập nói.
Chốt chiếc cửa sắt được kéo lên, cửa lại mở. Arbacès đi ra. Cô Nydia khốn khổ lại vùng dậy một lần nữa.
- Ông có cứu được chàng không? – Cô kêu lên, tay chắp lại.
- Cô đi theo tôi, có một chuyện tôi muốn nói với cô.