Chương 10
Tác giả: Erich Maria Remarque
K hu đại học phơi mình dưới nắng trưa. Các sinh viên ra về trước nhứt đang xuống những bậc thang ở cửa. Kern nhón chân lên để cố tìm chiếc mũ dạ màu nâu của Ruth. Nàng cũng thường ra về trong số những người đầu tiên. Anh không thấy Ruth đâu cả. Thình lình, anh không còn thấy các sinh viên vừa ra. Bọn họ đã chạy trở vào. Chắc phải có chuyện gì xảy ra.
Đột nhiên, dường như bị bắn tung, một toán sinh viên bị tống vọt ra ngoài. Kern nghe có tiếng kêu la. Thế là đã có ẩu đả. “Đóng đinh bọn Do Thái! Đập bể mặt tụi nó đi! Tống cổ chúng nó về Palestine”.
Kern rảo bước và đứng lại bên cánh phải ngôi trường. Anh cố tránh bị lôi kéo vào nhưng đồng thời cũng muốn ở gần đó để có thể giúp Ruth thoát ra.
Một toán khoảng ba mươi sinh viên Do Thái cố mở đường để chạy. Họ bấu chặt vào nhau, định xuống các nấc thang. Chung quanh họ hàng trăm sinh viên đấm đá.
- Đập tụi nó! Phân tán tụi nó ra! Nắm từng đứa một!
Một sinh viên cao lớn hô to. Anh ta đang cầm đầu một toán hò reo tở mở, đánh phá một góc. Anh ta ném từng sinh viên Do Thái ra ngoài cho đồng bạn, kẻ dùng tay người dùng gậy hoặc gáy sách tha hồ nện.
Kern lo quá nhưng vẫn chưa thấy Ruth. Anh đoán có lẽ Ruth vẫn còn ở bên trong. Trên các bậc thang ngay cửa vào bây giờ chỉ còn có hai giáo sư. Một người để râu càm nhọn hai chia theo kiểu Francois Joseph, mặt hồng hào, vừa xoa tay vừa mỉm cười. Người kia, mặt xương xẩu và khắc nghiệt, lạnh lùng đứng nhìn cuộc hỗn loạn.
Một vài nhân viên Cảnh sát từ bên kia công trường hối hả chạy sang. Người tới trước đứng cách chỗ Kern chẳng bao xa. Ông ta ra lịnh cho hai đồng đội chạy sau:
- Đứng cả lại! Đừng dây dưa vào!
Một Cảnh sát viên hỏi:
- Chắc tụi Do Thái, hả?
Viên chức Cảnh sát tới trước, vừa gật đầu thì nhìn thấy Kern. Ông ta quắc mắt. Kern làm như chẳng nghe thấy gì cả. Anh đốt thuốc hút thuốc rồi bước tránh ra vài thước.
Một sinh viên Do Thái nhỏ thó vụt thoát ra. Hắn dừng lại một lúc dường như để hoàn hồn. Chợt thấy những người Cảnh sát, hắn chạy nhào tới kêu to:
- Mau đi, mau cứu họ! Họ bị giết hết bây giờ!
Hai người Cảnh sát nhìn họ như ngắm một vật lạ. Gã sinh viên bé nhỏ sững sờ một vài giây rồi bỗng chạy ngược thật mau về nơi đang ẩu đả. Nhưng hắn vừa chạy được mươi bước đã bị hai sinh viên khác xông tới chận đầu:
- Đồ Do Thái bẩn thỉu. Nó đi kêu lính. Được rồi, để tụi tao cho mầy kêu.
Một cái tát tai, người sinh viên nhỏ thó ngã té trong khi anh chàng sinh viên kia tống thêm một đạp vào bụng. Cả hai nắm lấy hắn mỗi người một chân và kéo xểnh đi trên thềm đường. Khuôn mặt trắng nhợt và đôi mắt mở trừng trừng của hắn nhìn thẳng về phía các người Cảnh sát. Cái miệng há hốc vì kinh hoàng mới đó là một lỗ đen ngòm. Bây giờ đã có một dòng máu nhểu ra. Hắn không kêu một tiếng.
Kern bỗng thấy miệng mình khô đắng. Anh muốn nhảy xổ lại vồ lấy hai gã tàn ác kia. Nhưng trước sự lưu ý chằm chặp của mấy người Cảnh sát còn đứng đó, Kern đành nghiến răng cho khỏi run bật lên và đi tránh ra xa.
Hai gã sinh viên kéo lôi nạn nhân đi qua chỗ Kern. Chúng đang cười cợt, không một nét hung bạo nào được nhận ra trên mặt chúng. Người ta chỉ thấy ở đó có cái gì hài lòng, chánh đáng và vô tội, dường như chúng đang tham dự một cuộc trình diễn thể thao chớ không phải là làm đổ máu một đồng loại.
Bất ngờ, cứu tinh hiện ra. Một sinh viên cao lớn, tóc hoe vàng, từ nãy giờ vẫn đứng yên bỗng nhíu mày khi thấy gã bé nhỏ bị kéo lê qua trước mắt. Anh ta chậm chạp xăn tay áo lên rồi từ từ bước tới nện cho hai gã sinh viên kai mỗi người một quả đấm như trời giáng.
Và cũng chậm chạp, người sinh viên tóc hoe vàng đỡ gã bé nhỏ đứng lên và bảo:
- Thôi, dông mau đi!
Rồi hắn lại từ từ tiến về phía đám đông. Hắn nghiêng đầu, ngắm gã sinh viên cầm đầu và tung thẳng một quả đấm vào mũi, tiếp theo là một cú móc ngược vào càm khiến anh chàng sụm xuống tại chỗ.
Ngay lúc đó, Kern thấy Ruth. Nàng đã làm rơi mất cái mũ và đang đứng ở bìa đám hỗn loạn.
Anh chạy tới:
- Mau Ruth! Chạy mau!
Ruth vẫn chưa nhận ra người yêu, mặt tái xanh, lắp bắp:
- Cảnh sát. Sao không can thiệp?
- Họ không can thiệp đâu. Mình phải rời khỏi chỗ nầy ngay.
Mãi tới lúc đó, Ruth mới nhận diện được Kern. Mặt nàng biến đổi đột ngột, như s8áp khóc.
- Ludwig, mình chạy đi.
Kern nắm tay Ruth và kéo chạy. Phía sau họ có những tiếng la thất thanh. Nhón sinh viên Do Thái đã bị chia cắt. Một toán đổ chạy ra công trường. Kern và Ruth bị kẹt vào giữa.
Một sinh viên nắm chặt cánh tay Ruth, hét to:
- Rébecca đây, tụi bây ơi! A, Sarah!
Tự nhiên, Kern bật tung như cái lò xo bị bóp ép. Anh không khỏi ngạc nhiên khi thấy gã vừa nắm tay Ruth quỵ xuống. Anh cũng không rõ là mình đã đánh thế nào.
- Cú trực tiếp đẹp lắm.
Người vừa khen là anh chàng tóc hoe vàng. Bây giờ anh ta đã chộp được hai sinh viên khác và dập đầu chúng lại. Vừa buông tay cho hai ngã lia ngã bất tỉnh, anh ta vừa nói với Kern:
- Làm như vậy tiện hơn.
Và anh ta lại chộp được hai sinh viên khác.
Kern bị trúng một gậy vào tai. Máu dồn lên mặt, anh phóng mình tới, đánh đập túi bụi, bất kể ai. Anh nghe tay mình chạm vào một cặp kính và một người lộn nhào. Anh lại xông tới nhưng thình lình đầu anh như nứt ra, và bức màn đỏ trước mắt từ từ biến mất thành đen.
Kern tỉnh dậy trong một phòng giam. Cổ áo anh rách nát, mặt anh chỗ bầm, chỗ rướm máu và đầu nhức như búa bổ, Kern đứng lên. Có tiếng người bên cạnh:
- Chào bạn.
Lại chính gã thanh niên tóc hoe.
- Xui quá, mình đang ở đâu vậy?
- Bị nhốt rồi. Chừng một hay hai ngày là tự do.
- Tôi thì còn lâu…
Kern vừa đáp vừa nhìn quanh. Tất cả là tám. Toàn là người Do Thái, trừ anh chàng tóc hoe. Không có Ruth.
Gã sinh viên cười:
- Bạn nhìn chung quanh để làm gì? Bộ trưởng họ bắt lầm hả? Sai rồi cưng. Chỉ có nạn nhân mới hân hạnh bị coi là tội phạm. Tâm lý siêu hiện đại mà!
- Anh có biết người con gái đi với tôi, ra sao không?
- Cô gái? À… không có gì đâu. Đánh nhau loạn xạ ngầu nhưng nguyên tắc là phải chừa con gái ra.
- Thật không?
- Cũng gần như vậy. Cảnh sát can thiệp ngay sau đó.
Kern nghĩ, thông hành của Ruth còn hiệu lực, thế chẳng rắc rối bao nhiêu…
- Còn ai bị bắt nữa không?
Anh chàng tóc hoe lắc đầu:
- Chắc hết rồi. Tôi là người cuối cùng. Họ còn do dự một lúc mới bắt tôi.
Kern thở ra nhẹ nhõm. Như vậy là Ruth không sao.
Gã tóc hoe nhìn Kern với vẻ châm chọc:
- Bạn còn ấm ức phải không? Người nào vô tội cũng thế. Chỉ có tôi là hài lòng và vui vẻ chấp nhận vì tôi tự ý tham gia.
- Anh điệu lắm.
- Điệu à? Bạn nên biết tôi là người kỳ thị không chê nổi. Nhưng không thể nào đứng yên trước một cuộc thảm sát như vậy được. Quả đấm trực tiếp của bạn nhanh và mạnh lắm. Có chơi quyền Anh không?
- Không.
- Phải học mới được. Nhưng bạn còn nóng nảy quá. Nếu tôi là giáo chủ dân Do Thái, tôi sẽ ra lịnh cho các bạn học đánh đấm vài giờ. Có biết võ mới thấy mấy người anh em chịu nể mình.
Kern sờ lên đầu:
- Nhưng ngay bây giờ thì không còn lòng dạ nào để học.
- Đó là một cú dùi cui. Cảnh sát yêu quý của chúng ta. Luôn luôn đứng về phe thắng. Tới tối là bớt đau, mình sẽ bắt đầu tập – Hắn nhìn quanh rồi duỗi dài hai chân ra – Mình tới đây được hai tiếng đồng hồ rồi. Nóng chảy ra mỡ. Phải có một bộ bài cũng đỡ.
Hắn vừa nói vừa nhìn các sinh viên Do Thái với nét mặt khinh khỉnh. Kern thọc tay vào túi:
- Tôi có một bộ đây.
Đó là bộ bài của Steiner cho và lúc nào Kern cũng mang theo trong mình như bùa hộ mạng.
Gã tóc hoe nhìn Kern, mắt sáng lên:
- Bạn được lắm. Nhưng chắc không biết chơi bài Bridge phải không? Dân Do Thái không hề biết chơi Bridge.
- Tôi chỉ mới Do Thái có một nửa thôi và biết chơi nhiều thứ.
- Vậy là cừ lắm. Bạn hơn tôi. Bây giờ bạn chỉ cho tôi cách đánh bài Thụy Sĩ, tới tối tôi dạy bạn đánh quyền Anh.
Hai người chơi bài cho tới tối. Trong khi đó, các sinh viên Do Thái giết thì giờ bằng những câu chuyện chánh trị và công lý.
Kern ăn được của gã tóc vàng bảy Đức kim về món phé. Anh cố tránh nghĩ tới Ruth. Gã tóc vàng gom bài lại rồi trả Kern số tiền vừa thiếu.
- Bây giờ tới phần thứ hai. Cố gắng trở thành một Dempsey thứ nhì.
Kern đứng dậy. Anh vẫn còn thấy mệt:
- Đầu tôi mà chịu một cú nữa là bể luôn.
- Đừng lo, đầu anh còn khá tốt để lấy mất của tôi bảy Đức kim. Nào, tiến lên! Đuổi con thỏ đi! Gởi cái phần nửa Do Thái còn lại đi chỗ khác.
- Được rồi. Tôi đã cố làm như thế gần một năm nay.
- Vậy là tốt. Bắt đầu tập chân. Tinh hoa của quyền Anh là sự nhanh nhẹn và dẻo dai của đôi chân. Phải tập nhún nhảy. Nhờ nhún nhảy mà đấm bể mặt kẻ thù. Aùp dụng triết lý của Nietzche.
Anh ta làm trước cho Kern xem và bảo làm theo.
Các sinh viên Do Thái ngưng bàn cãi. Một gã đeo kính đứng lên:
- Anh có vui lòng dạy tôi không?
- Sẵn sàng. Lột kính ra và vào đây. Hoạt động lên, thây ma sình!
Gã tóc vàng vừa nhảy vừa hô:
- Hai bước bên trái, hai bước bên phải. Bây giờ tất cả nhào vô học bài sấm sét. Không phải chỉ đánh bằng cánh tay mà đánh với sức mạnh của toàn thân.
Hắn lột áo ngoài ra. Các sinh viên bắt chước theo. Hắn bắt đầu chỉ đấm và né tránh, nghiêng người qua lại, chồm tới, ngửa lui.
Lúc tất cả đều đẫm mồ hôi, hắn ra hiệu dừng lại:
- Tốt lắm, các bồ đã hiểu rồi. Tám ngày còn bị nhốt hãy cố tập để chống kỳ thị chủng tộc. Hít hơi vào thật sâu, thở ra chầm chậm. Và bây giờ các bạn coi tôi biểu diễn một quả đấm trực tiếp, đòn lợi hại căn bản của quyền Anh.
Giữa lúc nhóm trẻ hăng say tập dượt, cửa phòng giam vụt mở ra. Các môn đệ của hắn lui vào một góc. Hắn trừng mắt với viên Giám thị:
- Đồ mặt dày! Quân ngu ngốc!
Rồi hắn quay lại phân trần với hai người lính:
- Những gì mà các ông vừa thấy là một bài học nhân bản hiện đại, hiểu chưa?
- Hiểu cái gì?
Gã tóc vàng ra điều thương hại:
- Khổ quá! “Đây là luyện tập thể xác, làm dịu dàng cơ thể”. Hiểu rồi, phải không? Aø, còn cái nầy là bữa ăn tối đây sao?
Viên Giám thị gật đầu:
- Vậy chớ còn gì?
Gã tóc vàng kê mũi vào ga-men rồi nhăn mặt:
- Đem mấy thứ nầy đi. Các người dám dọn bữa ăn tối như vậy cho tôi, hả? Đem nước rữa dĩa cho con trai ông Chủ tịch Thượng viện ăn à? Muốn phơi áo, phải không?
Hắn nhìn hai người lính gác:
- Tôi sẽ đệ đơn thưa vụ nầy. Tôi muốn gặp ngay giới chức cao cấp ở đây. Đưa tôi đi ngay. Cha tôi sẽ hỏi ông Tổng trưởng Nội vụ cho ra lẽ.
Cả viên Giám thị cùng hai người lính gác đều ngơ ngác. Họ không biết phải đối phó ra sao. Người lớn tuổi, dè dặt giải thích:
- Cậu cũng biết đồ ăn trong nhà tù nào cũng vậy thôi.
- Bộ tôi đang ở tù sao? Tôi chỉ mới bị câu lưu thôi. Anh không phân biệt nổi à?
- Dạ biết… Nhưng cậu có thể ăn theo sở thích với điều kiện xuất tiền túi. Nếu cậu đồng ý, chúng tôi sẽ nhờ người đi mua.
Thái độ gã tóc vàng dịu lại:
- Dữ không! Lâu quá mới nghe được một câu chí lý!
- Cậu có mua bia không?
Gã tóc vàng nhìn ông ta:
- Ông coi bộ tốt. Tên ông là gì?
- Rudoft Egger.
- Được lắm. Tôi sẽ nói lại với cha tôi. Nên tiếp tục như thế.
Hắn móc tiền trao cho viên Giám thị:
- Mua thật nhiều thịt bê với khoai tây chiên. Một chai Quetsch …
Rudolf Egger ấp úng:
- Rượu mạnh …
Gã tóc vàng cắt ngang:
- Vẫn được phép mang vào. Hai chai bia, một chai cho mấy ông, còn một chai của tụi nầy.
- Cám ơn cậu.
- Nếu bia không được lạnh thì coi chừng, tôi sẽ của ông một bàn chân. Nhưng nếu tốt thì cứ giữ hết tiền thối lại.
Egger cười nham nhở:
- Xin tuân lệnh, Công tước!
Bữa ăn riêng được mang tới. Gã tóc vàng mời Kern. Anh không muốn nhận lờivì nhận thấy các sinh viên Do Thái kia vẫn bằng lòng với các ga-men súp lểnh loãng.
Gã tóc vàng giục:
- Thời đại mới phải biết phớt tỉnh. Đây là bữa ăn của bọn bàn cờ tụi mình.
Kern đành nhận lời. Một lúc sau anh hỏi:
- Cha anh có biết anh bị bắt không?
Gã tóc vàng cười to:
- Bạn tin à? Cha tôi chỉ có một nhà máy dệt ở Linz thôi.
Kern ngạc nhiên. Gã tóc vàng vẫn bình thản:
- Dường như bạn không hiểu ra rằng chúng ta đang sống trong một thời đại dối gạt lẫn nhau. Nền dân chủ được thay thế bởi chánh sách mị dân. Hậu quả tất nhiên. Nào, mình uống.
Hắn rót một ly rượu mờianh chành sinh viên đeo kính. Anh này từ chối:
- Cám ơn, tôi không biết uống rượu.
- Tôi cũng đoán như thế.
Gã tóc vàng uống cạn ly rồi nhìn lên trần nhà:
- Đó cũng là một trong những lý do khiến các bồ bị ngược đãi suốt đời. Kern, hai đứa mình uống hết chai chớ?
- Cũng được.
Cả hai uống hết chai và nằm dài ra. Kern nghĩ là có thể sẽ ngủ ngon nhưng anh cứ thức giấc để tự hỏi “Họ có làm hại gì tới Ruth không? Bao lâu mình được thả?”
Kern bị xử hai tháng tù về tội gây thương tích, phá rối trật tự công cộng, chống lại nhân viên công lực và lưu trú bất hợp pháp. Anh phải gởi đồ riêng vào kho và mặc quần áo tù. Anh chợt nhận thấy bộ đồ tù có điều thích hợp: Anh tiết kiệm được quần áo của riêng mình.
Bạn tù của Kern gồm có một tên trộm, một gã lưu manh cỡ nhỏ và một giáo sư người Nga ở Kazan bị bắt về tội vô gia cư. Cả bốn người cùng làm việc tại xưởng may của khám đường.
Đêm đầu tiên là đêm khổ sở. Kern vẫn nhớ lời khuyên của Steiner nhưnh anh vẫn thấy buồn, không tài nào ngủ được.
Thình lình, ông giáo sư Nga hỏi:
- Biết tiếng Pháp không?
Kern giựt mình:
- Không.
- Muốn học không?
- Muốn. Học ngay bây giờ được không?
Người tù giáo sư lồm cồm ngồi dậy.
- Phải làm một cái gì để quên, chớ không thì điên luôn.
Kern nói thêm:
- Rakhỏi đây, chắc tôi sẽ tìm đường sang Pháp.
Hai người ngồi ở giường ngủ từng dưới. Bên trên họ, gã lưu manh đang dùng viết chì vẽ mấy hình tục tĩu lên tường. Người ông giáo sư quá ốm nên bộ đồ trông rộng thùng thình. Râu ông lù xù và mặt ngây ngô như con trẻ với đôi mắt xanh xanh.
Với một nụ cười hiền dịu, ông từ tốn nói với Kern:
- Chúng ta bắt dầu với từ ngữ đẹp nhứt nhân loạinhưng cũng dư thừa nhứt: Tự do.
Trong thời kỳ nầy, Kern học hỏi thêm nhiều thứ. Trong vòng ba ngày anh đã học được cách nói chuyện ngoài sân với các bạn tù khác mà không cần phải máy môi. Ở xưởng, anh luôn luôn ôn lại các bài học Pháp ngữ. Buổi tối, sau khi thụ huấn ông giáo sư Nga, Kern được gã trộm dạy cách mở khóa bằng một sợi dây thép và cách làm cho chó đừng sủa. Hắn cũng dạy cho Kern biết loại trái cây gì sẽ chín vào mùa nào và cách lẻn vào một kho rơm để ngủ mà không ai thấy. Tên lưu manh cỡ nhỏ mang lén vào được các tạp chí “Thời trang”. Thế là ngoài giờ đọc Thánh kinh ra, họ học hỏi cách ăn mặc xứng hợp với các buổi lễ và cách tổ chức những buổi tiếp tân.
Buổi sáng ngày thứ năm trong khi Kern ra dạo ngoài sân thì bị một viên Giám thị đụng mạnh vào người đến nỗi phải lảo đảo dựa vào tường.
Ông ta mắng lớn:
- Bộ đui hả?
Kern giả bộ như đứng không nổi đễ ngã xuống và thừa dịp phóng chân vào xương ống quyển của người Giám thị mà không bị cho là cố ý. Nhưng anh chưa kịp thực hiện ý định thì người Giám thị đã chụp áo anh và nói khẽ rất mau:
- Xin ra một giờ. Bảo là đau bụng – Và ông ta đổi giọng, hét to – Mau lên! Ai có thì giờ đâu mà đợi?
Kern tiếp tục đi vơ vẩn và tự hỏi, chẳng biết người Giám thị ấy có định ám hại mình không? Anh hỏi ý kiến tên trộm với kỹ thuật nói không máy môi.
- Mình có quyền xin ra. Đó là quyền ghi trong hiến pháp. Nhưng phải coi chừng.
- Được, để xem hắn định làm gì. Dầu sao cũng là dịp để thay đổi không khí.
Kern giả bộ đau bụng và người Giám thị đem anh ra. Tới một chỗ vắng, ông ta hỏi:
- Hút thuốc không?
- Luật cấm tù hút thuốc trong giờ làm việc.
Kern cười:
- A, ông định gài tôi hả? Không được đâu.
- Câm miệng. Biết Steiner không?
Kern nhìn sững người Giám thị:
- Không.
Anh sợ người ta gài bẫy để bắt Steiner.
- Không biết Steiner, hả?
- Không.
- Nghe đây. Steiner bảo cho chú mầy hay là Ruth vẫn bình yên. Không cần phải lo ngại. Khi ra tù, chú mầy phải làm cách nào để bị đuổi trở lại Tiệp Khắc rồi quay về đây. Nghe rõ chưa?
Kern bất giác run lên. Người Giám thị hỏi:
- Bây giờ chịu hút thuốc chưa?
Kern gật đầu. Người Giám thị rút một bao Memphis và một hộp diêm đưa cho Kern:
- Lấy đi. Của Steiner gửi cho chú mầy. Nếu bị bắt thì nhớ không phải là do tôi đưa. Vào trong kia hút một điếu đi, thở khói ra cái lỗ. Tôi ở ngoài nầy canh chừng.
Kern đi vào, lấy một điếu thuốc bẻ làm đôi và châm lửa. Anh hút từng hơi dài. Ruth vẫn bình yên có Steiner giúp đỡ. Kern nhìn bức tường loang lổ với những bức hình tục tằn và coi đó là căn phòng đẹp nhứt trên thế giới.
Thấy Kern trở ra, người Giám thị hỏi:
- Tại sao chú mầy chối là không biết Steiner?
Kern nói lãng:
- Ông hút thuốc?
Người Giám thị lắc đầu. Kern hỏi:
- Ông gặp Steiner trong trường hợp nào?
- Hắn cứu tôi ra khỏi một vụ rắc rối to. Thôi, trở lại.
Cả hai tới xưởng. Tên trộm và ông giáo sư nhìn Kern. Anh khẽ gật đầu và ngồi xuống. Ông giáo hỏi không thành tiếng:
- Không sao hả?
Kern lại gật đầu. Ông giáo nói như hơi gió:
- Mình tiếp tục với động từ “Đi”. Đây là một động từ bất quy tắc. Nào, je vais, tu vas…
- Khoan, mình lựa một động từ khác. Tiếng Pháp gọi lieben là gì?
- Lieben? Là Yêu thương. Nhưng đây là động từ có quy tắc.
- Chính tôi đang cần như vậy.
Nhà giáo được trả tự do bốn tuần sau, tên trộm sáu tuần và ít hôm sau tới phiên gã du thủ du thực. Anh chàng nầy, luôn mười hôm trước khi được thả, cố gạ Kern vào cuộc “đồng tình luyến ái”. Hôm cuối cùng, Kern hạ gã đo ván bằng một quả đấm trực tiếp học được của anh chàng sinh viên tóc vàng.
Một đêm, Kern được đưa tới một phòng giam khác trong đó đã có bốn người. Theo Kern thì tất cả đều là những kẻ di trú nhưng anh không buồn để ý. Quá mệt, anh tới chỗ nằm ngay. Tuy thế Kern không tài nào ngủ được. Khoảng quá nửa đêm, thêm hai người nữa tới. Kern không thấy họ nhưng nghe tiếng động.
Một giọng nói rụt rè trong bóng tối chợt vang âm:
- Mình ở đây có lâu không? Chừng nào họ thả ra?
Mãi một lúc sau mới có một giọng trầm trầm gắt gỏng:
- Cái đó còn tùy, nếu bạn ăn trộm và giết người thì tù chung thân. Nhưng nếu ám sát vì lý do chánh trị thì tám ngày thôi.
- Không phải, tôi mới bị bắt lần thứ hai vì không có giấy thông hành.
Giọng trầm vang lên:
- Vậy là nặng hơn nhiều. Ít lắm là bốn tuần.
- Chúa ơi! Vậy con gà quay của tôi sẽ ra sao? Chết rồi, tôi để nó trong vali. Chờ tới tôi ra, nó sẽ…
- Cố nhiên.
Kern lắng tai:
- Ông bạn đã có lần bị bắt và làm hé mất một con gà quay, phải không?
- Dạ phải. Xin lỗi ông là ai? Sao ông biết?
Kern phì cười. Tự nhiên anh cười đến gần ngộp thở. Anh không thể nào dằn được. Anh cười như điên dại, cười cho những ngày tháng tù tội đã qua, cười cho hả tức vì bị bắt oan, cười cho sự cô đơn, cười cho nỗi lo âu của Ruth. Anh cười và cười mãi một lúc lâu. Cuối cùng, Kern thở hổn hển:
- Con Gà! Chính là Con Gà bằng xương bằng thịt. Thật tình cờ!
Gã Con Gà nổi nóng:
- Tình cờ cái gì? Đó là một sự bất hạnh.
Người có giọng trầm cheo vào:
- Dường như ông bạn không được may mắn lắm với những con gà quay.
Một người khác ra chiều tức bực:
- Im đi! Người không có quê hương mà chỉ rên rỉ vì món ăn!
Giọng trầm làm ra vẻ quan trọng:
- Vậy là ông bạn với mấy con gà đó có sự liên hệ mật thiết.
Người vừa bảo “mất quê hương” gắt lên:
- Thì cứ ăn mỡ ngựa gỗ cũng được.
Giọng trầm không nhịn được:
- Có lẽ kiếp trước của ông ta là chồn nên bây giờ bị gà trả thù.
Anh chàng Con Gà cố nói lần chót:
- Thật là hạ cấp! Ai lại đi chế giễu một kẻ không may!
Bỗng có tiếng quát vang:
- Im đi! Đây là nhà tù chớ không phải hộp đêm.