watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Một nơi sạch sẽ sáng sủa - tác giả Ernest Hemingway Ernest Hemingway

Một nơi sạch sẽ sáng sủa

Tác giả: Ernest Hemingway

Đã khuya, và mọi người đã rời khỏi tiệm càphê, trừ một ông lão ngồi dưới bóng những lá cây dưới ánh sáng đèn điện. Ban ngày đường này bụi bậm, nhưng về ban đêm sương đêm làm cho bụi không bốc lên được và ông lão ưa ngồi khuya vì ông điếc và bây giờ về đêm, cảnh vật yên lặng, ông cảm thấy sự khác biệt. Hai anh bồi trong tiệm càphê biết rằng ông hơi say, và mặc dầu ông là một khách hàng đàng hoàng, họ biết rằng nếu ông say quá, ông sẽ ra về mà không trả tiền; bởi vậy mà họ vẫn canh chừng ông.
Một người nói: "Tuần trước ông đã định tự tử đấy."
"Sao vậy?"
"Ông thất vọng."
"Vì cái gì?"
"Chả có gì cả."
"Tại sao mày biết chả có gì?"
"Ông nhiều tiền lắm."
Họ cùng ngồi ở một chiếc bàn kê sát tường, cạnh cửa ra vào, và nhìn hàng hiên, nơi mà tất cả các bàn đều trống trơn trừ chỗ ông già ngồi dưới bóng lá cây nhẹ nhàng rung rinh trong gió. Một cô gái và một quân nhân đi qua ngòai phố. Đèn ngòai phố chiếu sáng vào con số bằng đồng đeo ở cổ áo quân nhân. Cô gái không mang khăn choàng đầu, rảo bước bên cạnh người lính.
Một người bồi nói: "Lính tuần sẽ lượm anh kia."
"Thì đã sao nếu anh ta có được cái mà anh ta theo đuổi?"
"Tốt hơn là bây giờ anh ta nên tránh đi vào phố. Lính tuần sẽ bắt anh. Cách đây năm phút họ vừa đi qua đây."
Ông già ngồi trong bóng tối lấy cái ly đập vào đĩa đựng chén. Người bồi trẻ lại bên ông già.
"Ông cần gì?"
Ông già nhìn anh. Ông nói: "Ly rượu nữa."
Anh bồi nói: "Ông sắp say rồi." Ông già lại nhìn anh. Anh quay đi.
Anh nói với người bồi kia: "Ông ấy sẽ ngồi suốt đêm. Tap buồn ngủ rồi; không bao giờ tao được đi ngủ trước ba giờ sáng. Tuần trước đáng lẽ ông ấy tự vẫn quách đi có xong không."
Anh bồi lấy ở quầy hàng trong tiệm một chai rượu và một chiếc dĩa khác, rồi đi lại bàn ông già. Anh đặt đĩa xuống và rót rượu đầy ly.
Anh nói với ông già điếc: "Tuần trước đáng lẽ ra ông tự vẫn quách đi cho rồi." Ông già giơ ngón tay ra hiệu. Ông nói: "Thêm chút nữa." Anh bồi tiếp tục rót rượu vào ly đến nỗi rượu tràn ra và chảy theo chân ly vào chiếc dĩa trên chốc cả chồng dĩa. Ông già nói: "Cảm ơn." Anh bồi cất chai rượu vào trong tiệm. Anh lại ngồi vào bàn với anh bạn đồng nghiệp.
Anh nói: "Bây giờ ông ấy say rồi."
"Đêm nào ông cũng say."
"Ông muốn tự vẫn để làm gì?"
"Tao biết sao được."
"Ông tự vẫn bằng cách nào?"
"Ông treo cổ bằng một sợi dây."
"Ai cắt dây hạ ông xuống?"
"Cháu gái ông."
"Tại sao họ làm như vậy?"
"Họ lo cho linh hồn ông."
"Ông có bao nhiêu tiền?"
"Nhiều lắm."
"Ông phải tới 80 tuổi."
"Tao cũng cho là tám mươi."
"Tao ước gì ông về đi, chưa bao giờ tao phải đi ngủ trước ba giờ sáng. Giờ đó đâu phải giờ đi ngủ?"
"Ông ngồi lỳ vì ông thích thế."
"Ông ấy cô đơn. Tao không cô đơn. Tao có vợ chờ tao ở nhà."
"Trước kia ông cũng có vợ."
"Bây giờ mà ông có vợ thì cũng chẳng ích lợi gì cho ông."
"Chưa chắc. Có vợ, có lẽ ông ấy khá hơn."
"Cháu gái ông săn sóc ông."
"Tao biết rồi. Khi nãy mày nói cô ta cắt dây và cứu ông."
"Tao không thích già như vậy. Một ông già là một cái gì khó thương lắm."
"Không phải bao giờ cũng vậy. Ông già này sạch sẽ. Ông uống mà không đánh đổ rượu. Ngay bây giờ đang say cũng vậy. Mày nhìn ông coi."
"Tao không muốn nhìn ông ấy. Tao chỉ muốn ông về đi. Ông không nể nang gì những kẻ phải làm việc. " Ông già ngước mắt từ ly rượu nhìn qua bên kia công viên rồi nhìn những anh bồi.
Ông chỉ ly rượu nói: "Cho ly nữa." Anh bồi vội vã đi tới bàn ông.
Anh nói: "Hết rồi. Đêm nay thôi. Đóng cửa bây giờ." Anh nói mà không cần ngữ pháp như những người ngu suẩn thường nói khi chuyện trò với người say hay người ngọai quốc.
Ông già nói: "Cho ly nữa."
"Không. Hết rồi." Anh bồi lấy khăn lau cạnh bàn và lắc đầu.
Ông già đứng dậy, chậm chạp đếm số dĩa đựng ly, lấy cái ví da đựng tiền trong túi ra, trả tiền và để lại nửa pêsêta để tưởng thưởng.
Anh bồi nhìn ông lão đi xuống phía dưới đường phố, ông lão rất già đi chuyệnh choạng nhưng có vẻ tư cách.
Trong lúc họ đang đóng cửa, anh bồi không vội hỏi: "Tại sao mày không để ông ngồi lại uống rượu? Chưa tới hai giờ rưỡi mà."
"Tao cần về nhà đi ngủ."
"Một tiếng đồng hồ thì có kể gì?"
"Đối với tao, một tiếng đồng hồ có nghĩa hơn là đối với ông nhiều lắm."
"Thì vẫn là một tiếng đồng hồ."
"Mày nói như thể chính mày cũng là ông già vậy. Ông ta có thể mua chai rượu và uống ở nhà."
"Uống ở nhà không giống như uống ở đây."
Anh bồi có vợ đồng ý: "Ừ, đâu có giống như uống ở đây." Anh không muốn bất công với ông già nhưng chỉ vì anh đang vội.
"Còn mày? Về nhà trước giờ thường lệ mày không sợ sao? (Ý nói không sợ có tình địch sao.)
"Mày muốn chửi tao hả?"
"Không đâu bồ ơi, tao giỡn chơi đó thôi."
Kéo cửa sắt xuống xong, anh bồi vội vã đứng dậy rồi nói: "Không, tao tin tưởng. Tao hoàn toàn tự tin."
Anh bồi nhiều tuổi hơn nói: "Mày còn trẻ, lại có lòng tin tưởng và có công việc làm, mày có tất cả mọi thứ."
"Còn mày thiếu cái gì?"
"Tao có công ăn việc làm, còn thì thiếu tất cả."
"Mày có tất cả những gì tao có."
"Không, chưa bao giờ tao có lòng tin tưởng và tao không còn trẻ nữa."
"Thôi, đừng nói chuyện vớ vẩn nữa, đóng cửa đi."
Anh bồi già nói: "Tao là thứ người thích ngồi tiệm càphê khuya với tất cả những người không muốn đi ngủ, với tất cả những người cần có ánh sáng về ban đêm."
"Tao thì cần về nhà ngủ."
Anh bồi già nói: "Chúng ta thuộc hai lọai người khác nhau." Bây giờ anh đã mặc xong áo để ra về và nói tiếp: "Không phải chỉ là vấn đề tuổi trẻ và lòng tin tưởng tuy rằng những cái đó đẹp đẽ lắm. Đêm nào tao cũng thấy ngại ngùng khi đóng cửa vì có thể có người cần tiệm càphê."
"Bồ ơi, còn có những hầm rượu mở cửa suốt đêm."
"Mày không hiểu. Đây là một tiệm càphê sạch sẽ và thích thú. Lại sáng sủa nữa. Ánh đèn rất tốt đẹp, và bây giờ, có bóng lá cây nữa."
Anh bồi trẻ nói: "Thôi về nhé!"
Anh kia nói: "Ừ, về nhé." Anh tắt đèn điện và tiếp tục nói chuyện một mình. Dĩ nhiên là cần ánh sáng, nhưng cần thiết là nơi đó phải sạch sẽ và thích thú. Không cần có âm nhạc. Chắc chắn là không cần âm nhạc. Anh cũng không thể đứng trước một quầy rượu và giữ được tư cách mặc dầu ở đó tất cả những gì cần thiết cho những giờ khắc này. Anh sợ sệt cái gì? Đó không phải sợ hãi hay kinh hoàng. Đó chỉ là cái hư không mà anh biết rõ quá. Tất cả là hư không, và con người cũng là cái hư không. Chỉ có một điều là cái đó cần có ánh sáng và phần nào sạch sẽ và trật tự. Có người sống trong hư vô mà không bao giờ cảm thấy cái hư vô đó, nhưng anh biết rằng tất cả chỉ là cái hư không rồi lại hư không.
Lạy hư không chúng tôi ở trên hư không, chúng tôi nguyện hư không cả sáng nước hư không trị đến vâng ý hư không dưới đất bằng trên hư không vậy. Xin hư không cho chúng tôi rầy hằng ngày dùng đủ và tha hư không chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có hư không chúng tôi lại chớ để chúng tôi sa chước hư không bèn chữa chúng tôi cho khỏi hư không; hư không. (I) Kính mừng hư không đầy hư không. Anh mỉm cười và đang đứng trước một quầy rượu trên có một chiếc máy lọc càphê sáng loáng chạy bằng hơi ép.
Người pha rượu hỏi: "Anh cần gì?"
"Không gì cả."
Người pha rượu nói: "Lại một thằng điên," rồi quay đi.
Anh bồi nói: "Cho một ly nhỏ."
Người bán rượu rót cho anh một ly.
Anh bồi nói: "Ánh đèn sáng và thích thú nhưng quán rượu không lịch sự."
Chủ quán nhìn anh không trả lời. Khuya quá rồi không phải lúc nói chuyện.
Chủ quán hỏi: "Ly nhỏ nữa chứ?"
Anh bồi nói: "Thôi, cám ơn," rồi đi ra. Anh không thích những quán rượu và hầm rượu. Một tiệm càphê sạch sẽ, sáng sủa là cái gì khác hẳn kia. Bây giờ, không nghĩ ngợi gì thêm nữa, anh sẽ trở về căn phòng của anh. Anh sẽ nằm trên giường và cuối cùng, khi trời sáng, anh sẽ ngủ. Anh tự bảo, dầu sao có lẽ chỉ là bệnh mất ngủ. Chắc hẳn nhiều người cũng bị mất ngủ như vậy.

(I) Nhại bài kinh "Lạy Cha" trong đạo Thiên Chúa.

(chú thích :trong thư quán đã có 1 bản dịch khác của truyện này, dưới tên hơi khác, nhưng tôi nghĩ bản dịch này hay hơn.)

Dịch giả: Lê Bá Kông

Các tác phẩm khác của Ernest Hemingway

Giã từ vũ khí

Ngư ông và biển cả

Nơi kinh đô thế giới

Người lính trở về

Một Nơi Chốn Khang Trang Vừa Sạch Vừa Đẹp

Gã Võ Sĩ