TRIẾT LÝ NIETZSCHE
Tác giả: Felicien Challaye
Nghiên cứu triết lý Nietzsche như thế nào? và trước tiên có một hay nhiều triết học Nietzsche. Có rất nhiều ý kiến khác biệt nhau về điểm quan trọng này. Dù không đi vào chi tiết các giải thích xung đột kia, ta cũng cần phải đặt vấn đề và giải quyết nó.
Từ tiểu sử, tác phẩm, thư từ của Nietzsche ta cũng không rút ra được một giải pháp thỏa đáng. Khi thì Nietzsche muốn làm nổi bật tính chất khác nhau giữa các quan điểm mà ông đã trải qua. Thí dụ vào tháng 3 năm 1885, ông viết cho Malwida von Meysenbug : " Điều khôi hài trong hoàn cảnh của tôi là người ta cứ lầm lẫn tôi với một ông giáo sư xưa cũ nào đó ở đại học Bâle, ông Frédéric Niezstche. Nhưng tôi có liên quan gì đến ông giáo sư nọ đâu? " Khi thì, ngược lại, ông nhấn mạnh vào tính chất liên tục của tư tưởng mình, như ông đã viết cho Peter Gast ngày 16 tháng 8 năm 1883 : " Sự hòa hợp toàn thể -- vô thức và vô ý - các ý tưởng trong cả đống sách mới chồng chất của tôi đã làm tôi ngạc nhiên ". Các lời tựa ông thường viết sau khi các tác phẩm xuất bản nhiều năm -- trên thực tế chúng chỉ là những lời bạt -- cho phép ta tin vào tính hợp nhất sâu thẳm trong tác phẩm của mình.
Phần đông các nhà chú giải (chẳng hạn như René Berthelot, William Salter v.v...) phân biệt ba thời kỳ trong triết học Nietzsche. Ông Andler cho rằng lối phân biệt này " ước chừng " đúng. Đầu tiên, từ 1869 đến 1876 là thời kỳ " bi quan lãng mạn " đánh dấu bằng ảnh hưởng của Schopenhauer và Wagner, đặc tính của giai đoạn này là lòng tin vào giá trị thánh thiện, chủ nghĩa anh hùng và tài năng thiên phú. Tiếp theo, từ 1876-1881, là thời kỳ của " khuynh hướng thực nghiệm hoài nghi ", ngự trị bởi các nhà luân lý Pháp và thực dụng Anh, ở đây lý tưởng độc nhất của triết gia là sự tự do tuyệt đối của tinh thần, trên đường đi tìm khắp các lĩnh vực chân lý. Sau hết, từ năm 1882 trở đi, là thời kỳ xây dựng trở lại (sau khi đã phá hủy), được đánh dấu đặc tính bằng tính chất gắn chặt vào đời sống hơn là cố gắng tiến về cái thực, đạt đến lý tưởng Siêu Nhân và Trở Về Vĩnh Cửu.
Một trong những người bạn thân của Nietzsche là Overbeck lại phân biệt ra bốn thời kỳ : thời kỳ Nietzsche là nhà giáo dục (1873 - 1875) ; thời kỳ Nietzsche là nhà phê bình (1876 - 1881) ; thời kỳ Nietzsche trữ tình (1881-1885 và thời kỳ Nietzsche điên loạn (1885 - 1888) .
Theo ông Andler, ta có thể phân biệt ra hai hay bốn hệ thống. Cuộc đời của Nietzsche trình bày cho ta thấy hai trực quan lớn theo các phân tích tỉ mỉ : trực quan của tư tưởng Schopenhauer ; một phân tích linh thị dần dần nguội tắt, từ cuốn Sự Vật Nhân Bảnđến cuốn Hiểu Biết Hài Hòa ; trực quán thứ hai là trực quan của Trở Về Vĩnh Cửu và sự xuất hiện kỳ diệu của Zarathoustra ; sau hết là việc phê bình và chú giải nền tảng mặc khải diệu kỳ đó.
Tuy nhiên một vài người ngưỡng mộ khác lại nhấn mạnh vào sự hợp nhất của tư tưởng Nietzsche, Andre Gide trong một trang ở cuốn Thác Ngôn nhấn mạnh đến cái " đều đặn đáng phục " của ông. Tuy không khẳng định quyết liệt như Gide, Henri Lichtenberger cũng lưu ý đến điểm mạch lạc của hệ thống tư tưởng Nietzsche. Ông phân chia ra thời kỳ Schopenhauer -Wagner là thời kỳ " hoàn toàn triết học" của Nietzsche. Trong thời kỳ này, bắt đầu bằng cuốn Sự Vật Nhân Bản, ông không tin rằng cần phải chia ra hai thời gian riêng để nghiên cứu từng phần riêng của nó. Ông viết : " Tôi tin rằng Nietzsche hoàn toàn chấp nhận trên thực tế một hệ thống mà các thành phần gắn liền với nhau." Hệ thống đó bao hàm " một phần tích cực và một phần tiêu cực ". Phần tích cực, tức là phần nghiên cứu phê bình con người nói chung, phần tiêu cực là phần khẳng quyết về Siêu Nhân.
*
Chúng ta kết luận thế nào về các ý kiến khác biệt này ?
Phải nhận rằng ngay từ hai tác phẩm lớn đầu tiên của Nietzsche cuốn Nguồn Gốc Kịch Bi và cuốn Quan Điểm Không Hiện Thời đã trình bày, trên rất nhiều điểm về Schopenhauer và Wagner, những ý tưởng mà sau đó tác giả từ bỏ ngay. Do đó thực là giả tạo khi chúng ta tìm cách đưa các chủ đề trên vào chung một hệ thống mạch lạc. Tốt hơn hết là đầu tiên, chúng ta hãy nhìn lại, một cách riêng rẽ và liên tục, hai tác phẩm trên để hiểu rõ những khởi đầu của tư tưởng triết học Nietzsche.
Nhưng trong các tác phẩm tiếp theo, sự khác biệt càng ngày càng tỏ ra kém quan trọng hơn sự trùng hợp.
Vì, chắc chắn Nietzsche cũng không hề khẳng định cùng một cách thế sự quan trọng của trí khôn so sánh với hành động cũng như ý nghĩa và giá trị của nỗ lực hướng về chân lý. Chúng ta không thể chối cãi có một phân tán quan trọng ở đây, và cũng không thể quên đánh dấu việc thay đổi quan điểm này dù cho phải cắt nghĩa chúng. Ta cũng tìm thấy những khẳng định khác nhau về một số vấn đề mang tính chất giai đọan, thí dụ như về giá trị so sánh giữa chiến tranh và hòa bình.
Nhưng ngòai sự kiện này phải công nhận rằng từ đầu đến cuối tác phẩm triết học của Nietzsche ta chỉ nhận thấy cùng một vấn đề, cùng một lý tưởng chỉ đạo, một khát vọng. Nietzsche luôn luôn đặt các vấn đề các giá trị mà con người gắn chặt với hành động và tình cảm của mình, ông tuyên bố xét lại, phá đổ, đảo ngược các giá trị. Ông thường xuyên phê phán các lý tưởng đạo đức và tôn giáo cổ truyền, cùng đề nghị khai phá một cách khoa học các nguồn gốc của chúng. Nietzsche hòan tòan kết tội lối tu khổ hạnh của đạo Cơ Đốc, cũng như các khuynh hướng mới về bình đẳng dân chủ và giải phóng phụ nữ. Luôn luôn Nietzsche ca ngợi bạo lực, sự gan dạ và yêu đời. Triết lý của ông hoàn tòan hướng về tương lai, về ngày mai, về những bình minh báo hiệu ngày tươi sáng nhất.
"Một kẻ hư vô xuất thần" - theo chữ dùng rất đúng của một trong những nhà phê bình Nietzsche, Karl Justus Obenauer- đã đưa ra những phê bình nghiêm khắc nhất về các quan niệm siêu hình, luân lý, tôn giáo, chính trị, xã hội, và cả đến nghệ thuật khoa học hiện thời của con người. Nhưng cùng lúc ông cũng mặc khải những chân lý mà ông cho là sôi động và khuây khỏa như Ý Chí Hùng Tráng, Đảo Giá Trị, Siêu Nhân, Trở Về Vĩnh Cửu.
Dưới đây ta lần lượt nghiên cứu các chủ đề:
- Những bước đầu của tư tưởng Nietzche
- Phê bình của Nietzsche.
- Mặc khải Nietzsche