Chương 4
Tác giả: George Orwell
Đến cuối mùa hè thì tin tức về Trại Súc Vật đã bay ra khắp nửa nước. Ngày nào Tuyết Tròn và Napoleon cũng cử từng đàn bồ câu thâm nhập vào các trang trại khác để tuyên truyền về cuộc Khởi Nghĩa và dạy hát bài "Súc Sinh Anh quốc".
Trong khi đó ông Jones hầu như ngày nào cũng ngồi trong nhà hàng Sư tử Đỏ ở Willingdon để than van với bất cứ người chịu chuyện nào về việc bị lũ súc vật vô tích sự cướp đoạt mất tài sản. Các chủ trại khác tỏ ra thông cảm, nhưng lại chẳng chịu giúp đỡ gì cả. Không những thế, trong thâm tâm bọn đó lại còn tìm cách lợi dụng tai hoạ của lão nữa. May là chủ hai điền trang tiếp giáp với Trại Súc Vật luôn luôn bất hoà với nhau. Một trại có tên là Trại Cáo, một trại lớn nhưng bị bỏ bê, canh tác theo lối cũ, nhiều chỗ cây mọc um tùm, các bãi chăn thả bị dẫm nát, hàng rào thì xiêu vẹo. Chủ trang trại này, ông Pilkington là một người vô lo, dùng phần lớn thì giờ vào việc săn bắn và câu cá. Trang trại thứ hai tên là Trại Keo, nhỏ hơn nhưng được chăm sóc kĩ lưỡng hơn. Chủ trang trại này là ông Frederick, một người thô bạo, sắc sảo, thường xuyên dính líu vào các vụ kiện cáo và nổi tiếng là một tay lừa gạt có hạng. Hai vị này ghét nhau đến nỗi không thể tìm được tiếng nói chung ngay cả trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Nhưng cuộc Khởi Nghĩa ở Trại Súc Vật đã làm cả hai hoảng sợ và họ tìm mọi cách ngăn không cho tin tức ở đó lọt vào trang trại của mình. Đầu tiên họ giả vờ chế giễu chuyện bọn súc vật tự điều hành trang trại. "Chỉ ba bảy hai mốt [1] ngày là toi", họ bảo. Họ tung tin là lũ súc vật trong Điền Trang (họ khăng khăng gọi là Điền Trang chứ không chịu chấp nhận tên Trại Súc Vật) suốt ngày tranh giành nhau và chẳng mấy nữa rồi sẽ chết đói thôi. Một thời gian sau, thấy lũ súc vật không chết đói, Frederick và Pilkington liền đổi giọng và bắt đầu nói về những cảnh tượng vô luân không thể tưởng tượng được đang diễn ra trong Trại Súc Vật. Họ bảo rằng lũ súc vật ăn thịt lẫn nhau, chúng tra tấn nhau bằng móng sắt nung đỏ, còn những con cái thì thành vợ chung. "Chống lại qui luật của Tự Nhiên thì kết quả như vậy đấy", Frederick và Pilkington nói.
Nhưng chuyện đó cũng chẳng có mấy người tin. Lời đồn về một trang trại kì lạ, nơi con người bị đuổi đi và các con vật tự điều hành lấy công việc tiếp tục được truyền tụng một cách tù mù và xuyên tạc, suốt năm đó làn sóng bạo động lan tràn khắp cả vùng nông thôn. Những con bò đực vốn dễ bảo bỗng trở nên hung dữ, cừu thì phá đổ hàng rào và dẫm nát đồng cỏ, bò cái hất đổ xô sữa, ngựa đua thì không chịu nhảy qua hàng rào mà hất tung kị sĩ lên cao. Nhạc điệu và lời của bài "Súc Sinh Anh quốc" phổ biến đến tận hang cùng ngõ hẻm. Nó được truyền bá với một tốc độ nhanh chưa từng thấy. Bài hát làm cho con người phát điên lên được, nhưng họ lại giả đò như đấy chỉ là một trò lố bịch. Ngay cả súc vật cũng không thể nào lại hát một thứ rác rưởi đê tiện như thế được, họ bảo. Con vật nào bị bắt quả tang đang hát bài đó lập tức bị đánh đòn tại trận. Thế mà vẫn không cấm tuyệt được. Sáo hót bài đó trên hàng rào, bồ câu gù trên cây, bài hát đi vào tiếng dế nỉ non, vào cả tiếng chuông nhà thờ nữa. Con người run lên mỗi lần nghe thấy nó, họ như nghe thấy điềm báo trước tai họa của chính mình.
Đầu tháng mười, khi đã thu hoạch và đưa hết ngũ cốc vào kho, một số đã được đập thì có một đàn bồ câu bất ngờ xé không khí lao tới đậu xuống sân trang trại, dáng vẻ vô cùng xúc động. Ông Jones cùng với gia nhân và khoảng nửa tá thanh niên của Trại Cáo và Trại Keo đã vượt qua cổng lớn và đang tiến vào trang trại này. Ông Jones lăm lăm khẩu súng đã lên đạn, còn những người khác đều được trang bị bằng gậy gộc. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ muốn tái chiếm trang trại.
Nhưng lũ súc vật không bị bất ngờ, ngược lại, chúng đã chuẩn bị cho sự kiện này từ lâu. Tuyết Tròn, trước đây đã từng nghiên cứu kĩ lưỡng cuốn sách viết về các chiến dịch của Julius Ceasar [2] , mà nó tìm thấy trong ngôi nhà chính, được phân công tổ chức phòng vệ. Nó lập tức đưa ra các mệnh lệnh và các con vật mau chóng chiếm lĩnh các vị trí được phân công.
Tuyết Tròn ra lệnh tấn công ngay khi nhóm người kia vừa tiến gần đến dãy nhà trong trang trại. Ba mươi lăm con bồ câu xuất kích, chúng bay qua bay lại và ỉa vào đầu đám người phía dưới, trong khi họ mải tránh và phủi thì lũ ngỗng, phục kích sẵn sau hàng rào xông ra và cắn vào chân. Nhưng đấy mới chỉ là đòn chiến thuật có tác dụng làm rối loạn hàng ngũ đối phương bởi vì người ta dễ dàng dùng gậy để xua lũ ngỗng đi. Mũi tấn công thứ hai được đưa ra mặt trận. Muriel, Benjamin và toàn thể bầy cừu do chính Tuyết Tròn dẫn đầu xông lên vây chặt đám người rồi lao vào húc lấy húc để trong khi Benjamin quay lưng về phía họ và đá vung vít. Nhưng lần này lũ súc vật cũng không thắng, gậy và giày đinh mà con người sử dụng là những vũ khí quá mạnh đối với chúng. Thấy tình thế bất lợi, Tuyết Tròn hí lên một tiếng và đấy chính là tín hiệu tạm lui binh, lũ súc vật vội tháo chạy vào trong sân.
Tiếng hò reo chiến thắng vang lên. Những người tấn công thấy quân thù đã bỏ chạy như dự kiến nên chẳng cần chỉnh đốn hàng ngũ, vội vàng xông lên truy kích. Đúng như Tuyết Tròn đã dự liệu. Khi người đã vào hết trong sân thì ba con ngựa, ba con bò và tất cả lũ lợn còn lại trước đó đã nằm mai phục sẵn trong chuồng bò liền lao ra cắt đứt đường rút lui. Tuyết Tròn hạ lệnh tổng công kích. Chính nó lao thẳng vào ông Jones. Ông Jones trông thấy nó lao tới liền bóp cò. Phát đạn ghém đã làm Tuyết Tròn bị thương dọc sống lưng, máu chảy lênh láng và làm chết một con cừu. Không lưỡng lự một giây, Tuyết Tròn cứ thế đâm thẳng tấm thân tạ rưỡi của nó vào chân ông Jones. Ông ngã sóng soài lên đống phân, súng văng ra xa. Nhưng khủng khiếp nhất là Chiến Sĩ, nó đứng trên hai chân sau và giáng xuống đầu người bằng những chiếc móng sắt. Cú nện đầu tiên của nó khiến anh chàng dọn chuồng ngựa của Trại Cáo ngã vật ra đất, bất tỉnh nhân sự. Có mấy người vứt gậy và bỏ chạy. Không bỏ lỡ thời cơ, lũ súc vật liền đuổi theo vòng quanh sân. Chúng húc bổng họ lên, rồi cắn, đá, đạp. Không có con nào trong trại là không tham gia báo thù theo cách của mình. Ngay con mèo cũng nhảy từ mái chuồng bò xuống vai anh chăn bò rồi vừa cắn vào cổ vừa gào như lên cơn động cỡn. Vừa thấy có thể rút lui được là mọi người vội chạy khỏi sân để ra đường lớn. Thế là thâm nhập chưa được năm phút, họ đã phải tháo chạy, phía sau là lũ ngỗng vừa cắn vào đùi vừa rú rít đuổi theo.
Có một người không chạy thoát. Trong sân, Chiến Sĩ đang cố lật anh dọn chuồng ngựa vẫn nằm úp mặt xuống bùn lên. Anh chàng không hề động đậy.
"Hắn chết rồi!", Chiến Sĩ buồn bã thốt lên, "Tôi đâu có định làm như vậy. Tôi quên mất là mình đeo móng sắt. Bây giờ ai mà tin là tôi không chủ ý chứ?"
"Thôi đừng có ủy mị, đồng chí!", Tuyết Tròn nói, máu trên lưng nó vẫn rỉ ra từng lúc, "Chiến tranh là chiến tranh. Người tốt là người đã chết."
"Tôi không có ý giết, ngay cả giết người", Chiến Sĩ cứ nhắc đi nhắc lại như thế, mắt đẫm lệ.
"Thế Mollie đâu nhỉ?", Có con nào đó hỏi.
Đúng là không thấy Mollie đâu. Ban đầu chúng rất lo, chúng sợ rằng Mollie có thể đã bị thương hoặc bị bọn người kia bắt theo cũng nên. Cuối cùng cô nàng đã được tìm thấy đang trốn trong chuồng ngựa, đầu rúc trong đống rơm. Nó đã bỏ trốn ngay khi nghe thấy tiếng súng nổ. Trong khi các con vật đi tìm Mollie thì anh chàng dọn chuồng ngựa hồi tỉnh và trốn mất.
Lũ súc vật đã tụ tập lại đầy đủ, chúng vô cùng phấn khích, tranh nhau nói. Lễ mừng chiến thắng được tổ chức ngay lập tức. Cờ được kéo lên và chúng hát bài "Súc Sinh Anh quốc" mấy lần liền, sau đó chúng làm lễ mai táng con cừu tử trận và trồng trên mộ của nó một bụi táo gai. Tuyết Tròn đọc một bài diễn văn ngay bên cạnh mộ chiến sĩ trận vong, nhấn mạnh rằng mọi con vật đều phải sẵn sàng hi sinh cho Trại Súc Vật khi cần.
Lũ súc vật nhất trí lập ra phần thưởng cho những chiến công vừa qua, đấy là danh hiệu Súc vật Anh hùng hạng nhất, danh hiệu này được trao ngay cho Tuyết Tròn và Chiến Sĩ. Phần thưởng là một chiếc huy chương đồng (chính là tấm đồng trang trí yên ngựa tìm được trong kho dụng cụ) được đeo vào ngày lễ và chủ nhật. Danh hiệu Súc vật Anh hùng hạng hai được trao cho con cừu đã hy sinh.
Chúng tranh cãi rất lâu về chuyện đặt tên cho chiến thắng. Cuối cùng chúng quyết định gọi là Chiến dịch Chuồng bò vì cuộc phục kích diễn ra trong chuồng bò. Chúng tìm được khẩu súng của ông Jones trong đám bùn, đạn thì trong trại vẫn có sẵn. Khẩu súng được mang đặt dưới chân cột cờ, giả như súng đại bác ở các nơi khác, chúng sẽ bắn súng mừng hai lần trong một năm, một lần vào dịp hạ chí để mừng ngày Khởi Nghĩa, lần khác vào ngày hai mươi tháng mười để mừng Chiến Thắng.