Hồi 21
Tác giả: Gia Cát Thanh Vân
Phó Thiên Lân ẩn thân trên cao, thấy chim Anh Vũ Bích Linh cũng biết khuấy phá hai gã hung đồ thì chàng thích thú vô cùng. Tuy nhiên, chàng cũng hơi e ngại vì chim Bích Linh dẫu là một dị điểu thông minh, biết nói tiếng người nhưng hình thù bé nhỏ quá, không được uy mãnh như con quái điểu màu vàng, chỉ sợ hai tên Mật Ngạn, Mạnh Vũ bị chọc tức quá giận, xấu hổ quá mà ra tay sát hại, nên chàng vội vận khí đan điền, ngầm truyền công lực lên song chưởng để chuẩn bị kịp thời ra tay cứu giúp linh điểu nếu bị ám hại thình lình.
Chim Anh Vũ Bích Linh kể ra cũng rất có tài châm chọc khi nó nghe Ma Mật Ngạn lên tiếng hỏi, nó liền nghiêng đầu dòm trời với thái đội rất kiêu ngạo rồi ứng thanh đáp:
- Chim biết nói tiếng người có gì là lạ đâu ? Ta chỉ buồn cười chúng bay hình thù tuy giống người, nhưng cách nói chuyện thì chẳng giống người tí nào.
Chim Anh Vũ vừa dứt lời, Song Cổ Truy Hồn Mạnh Vũ đã tức giận cau đôi mày rậm chổi xề, khẽ “hừ” một tiếng định vung chưởng nhưng Ma Mật Ngạn có vẻ am hiểu hơn, hắn nghi ngờ một con linh điểu biết nói như vậy tất phải có chủ, nên một mặt hắn nháy mắt ra hiệu Mạnh Vũ chớ nên động thủ, một mặt hắn lắng tay nghe ngóng, quan sát động tĩnh chung quanh.
Con Anh Vũ cũng rất khôn ngoan hiểu rõ ý người, hình như nó đã đoán ra ý định của Ma Mật Ngạn và biết Phó Thiên Lân ở chỗ núp đang lo lắng cho nên nó vội cất tiếng trong trẻo như chuông tiếp tục nói:
- Tên xấu xa mặc áo sặo sỡ kia, mi chớ nên láo liên con mắt, làm bộ làm tịch như thế.
Mi nên biết sức ta tuy nhỏ vé không đánh nhau với ngươi được, nhưng ta bay rất nhanh, ngươi cũng không làm gì nổi ta đâu.
Ma Mật Ngạn không đổi sắc mặt, hắn chỉ giương cặp mắt lộ hung quang cất lên hồi cười âm trầm nghe rất chối tai, rồi nhìn chim Anh Vũ hỏi:
- Tại sao mi có tánh nghi ngờ quá vậy, một con chim tinh không như mi ai mà nỡ ra tay sát hại làm gì ? Chắc là chúng ta có nói câu nào phải không, nên mới làm cho mi buồn cười chứ gì ? Chủ mi là ai ? Sao không thấy lộ diện ?
Ngoài mặt, Ma Mật Ngạn tuy nói chuyện với chim Anh Vũ, nhưng kỳ thực hắn đang cố lắng tai nghe ngóng tất cả những động tĩnh trong mười trượng xung quanh để xem có người nào ẩn núp không ?
Còn Phó Thiên Lân, phần đã đựoc chim Anh Vũ lên tiếng ngầm báo hiệu là nó bay rất nhanh không sợ ai làm hại, phần thì chàng tự thị đã luyện tập được những biến hoá tinh vi trong pho Lục Lục Thiên Cương kiếm pháp và đã được dùng một số lớn linh dương tại hang Vô Sầu để tăng cừong chân khí nột lực hiện thời, chỉ cần tránh gặp những loại độc xà quái thú sức người khó đấu, còn đối với hai tên hung ác này chàng rất vừng tâm đủ sức chế phục nên chàng đã nín hơi bất động khiến Ma Mật Ngạn đã có lắng tai nghe ngóng nhưng cũng không phát giác được.
Lại nói, sau khi nghe Mật Ngạn nói, chim Anh Vũ Bích Linh liền nhại theo giọng người, cười nhạt mấy tiếng rồi mới líu lo đáp:
- Chủ nhân ta ở đây rất xa, nếu Người có ở đây thì bọn tâm địa xấu xa như chúng bay đã tan xác từ lâu rồi. Ta chỉ buồn cười cho chúng bay, mới nuôi được một con rắn nhỏ và một con chó nhỏ mà đã giỏi làm phách.
Song Cổ Truy Hồn Mạnh Vũ từ trước đến nay chưa hề thấy chim biết nói và lại biết rõ thái độ kiêu ngại như thế bao giờ, cho nên hắn đã quá tức giận mà thét lớn:
- Hừ, mi bảo thế nào là rắn nhỏ, chó nhỏ ? Mi đâu biết loại linh xà Thất tinh hồng của bạn ta đây da vảy khắp mình chỗ nào cũng có chất kỳ độc, lại còn hợp với cái lý:
Nhu năng khắc cương, cho nên dù có loại bảo kiếm như Can Tương, Mạc Tà cũng không làm hại nổi nó được. Còn loại Tam Trảo Kim Ngao của ta, thì đặc biệt lợi hại hơn nhiều. Mi chỉ là một con chim nhắt, mà đã biết nói khoác, ta thử hỏi mi có dám đấu thử một keo với hai linh vật của ta không ?
Con Anh Vũ Bích Linh cũng nhại lại một tiếng “Hừ”, rồi đáp:
- Một con chim nhỏ nhắt...? Sợ rằng lúc ta theo chủ nhân ta hành hiệp giang hồ hai tên tiểu quỷ chúng bay hãy còn ở trong bụng mẹ chưa ra đời cũng nên.
Càng nghe chim Anh Vũ nói, Song Cổ Truy Hồn Mạnh Vũ càng chối tai tức giận, hắn gầm lên một tiếng như quỷ rống rồi vung mạnh hữu chưởng, tung ra một luồng kinh khí ào ào như thác đổ, xoáy về phía mỏm đá chim Anh Vũ đậu, nhưng....
Lúc hữu chưởng của hắn ta giơ lên, con Bích Linh vẫn trừng cặp mắt đỏ quạch, đứng không nhúc nhích, đợi khí luồng chưởng phong ào ào cuộn gần tới nơi, nó mới khẽ vỗ cánh chao mình lượn sang bên cạnh hơn tám thước trông rất nhẹ nhàng linh điệu. Vách đá chỗ nó vừa đậu, bị chưởng phong của Mạnh Vũ xô đến đẩy ngã cây cỏ và cuốn những hòn đá bể tung lên như mưa.
Lần này, con Bích Linh bay đến đậu trên ngọn một cây nhỏ mọc trong khe núi, nó khẽ nghiêng nnghé cái đầu rồi với giọng điệu và thần sắc rất khôi hài, líu lo nói:
- Ta đã bảo chúng bay không làm gì nổi ta đâu, bây giờ thì tin rồi chứ ?
Thái Y Ma Mật Ngạn thấy Mạnh Vũ đã xuất chưởng mà chung quanh vẫn không có động tĩnh gì, thì hắn đoán chim Anh Vũ đã bay lạc đến đây có một mình chứ không có chủ đi theo, nên hắn trố cặp mắt lộ hung quang, rồi khẽ khua lắc cây dùi sắt có năm khoen cầm bên tay trái vang lên những tiếng “leng keng, leng keng”.
Thấy vậy, con Bích Linh liền líu lo với vẻ chế giễu:
- Này tên cụt tay kia, mi làm cái trò gì đó ? Nếu nói về kinh nghiệm giang hồ thì ta còn lịch duyệt hơn mi nhiều:
Có phải mi định khua động chiếc dùi sắt đó để gọi con rắn nhỏ của mi ra chứ gì ? Ta cho mi hay rằng, con Thất Tinh Hồn mà mi tự nhận oai lực vô song gì đó sẽ không dám thò ra khỏi hang cho xem.
Dứt lời, chim Bích Linh liền đổi giọng chim, hót mấy tiếng “hoét, hoét” vang dội.
Từ lúc Ma Mật Ngạn khua chiếc dùi sắt có năm vòng khoen, thì nơi cửa hang chúng vừa xuất hiện bỗng có tiếng “khè, khè” rất quái dị, nghe cũng biết ngay sẽ có một quái xà thuộc loại kỳ dị đang từ trong hang bò ra.
Nhưng lạ thay, sau khi con Bích Linh hót mấy tiếng “hoét, hoét” thì tiếng động “khè, khè” quái dị bỗng im bặt, hình như con quái sợ gặp kẻ đối đầu rất lợi hại mà cuộn tròn không dám nhúc nhích.
Thái Y Ma Mật Ngạn thấy linh xà Thất Tinh Hồng của mình nuôi dưỡng tự cho rằng có oai lực tuyệt luân, và sửa soạn dùng để đối phó với Hồng Y La Sát Cổ Phiêu Hương để trả mối thù chặt tay, nay bỗng nhiên sợ hãi co rút không dám ra khỏi hang bởi mấy tiếng hót của chim Anh Vũ Bích Linh, thì bất giác vừa kinh hãi, vừa tức giận mà trừng mắt nhướng mày, sùi cả bọt mép.
Thấy vậy, con Bích Linh liền đổi ra tiếng người chế giễu:
- Tuy sức lực của ta không có bao nhiêu, nhưng chỉ với chút kinh nghiệm kiến thức, ta cũng có thể làm cho những hạng người xấu xa như mi phải tức mà chết được.
Có phải con rắn độc Thất Tinh Hồng của mi sản sinh tại miền Tây Tạng không ? Tuy toàn thân nó mềm nhũn, không sợ các loại bảo kiếm Can Tương, Mạc Tà, nhưng nó lại rất sợ cứt chim sẻ, chỉ dính chút ít là thân thể sẽ bị thối nát ngay. Cho nên ta mới bắt chước giọng mấy con khổng tước hót lên vài tiếng là nó đã hoảng sợ, hồn phi phách tán, mà không dám nhúc nhích nữa.
Mấy lời nói của chim Bích Linh quả đã làm cho Thái Y Ma Mật Ngạn và Song Cổ Truy Hồn Mạnh Vũ tức chết đi được. Nhưng tức thì tức, chứ chúng cũng không biết làm thế nào hơn, bì đánh thì đánh không được, mà mắng nhiếc thì miệng lưỡi cũng không lại.
Thấy vậy, con Bích Linh lại càng đắc ý, cất tiếng cười khanh khách một hồi, rồi lắc lư cái đầu nói:
- Chúng bay làm gì mà phải tức giận đến nỗi cặp mắt toé lửa và toàn thân run rẩy như thế ? Hãy bình tĩnh nghe ta dạy thêm cho chúng bay chút kiến thức nữa.
Đến đây, nó ngưng nói, chớp chớp cặp mắt đỏ quạch nhìn Mạnh Vũ nói tiếp:
- Còn tên mọi kia, mi thử gọi con chó con của mi ra đây thử coi ta cũng có cách làm cho nó phải sợ hãi đến vỡ mật, chạy trốn vào trong hang cho mi xem.
Lúc này, quả Mạnh Vũ đã thấy nhức đầu nhức óc về con Anh Vũ này rồi, nên hắn rất sợ, nếu gọi con Tam Trảo Kim Ngao (chó vàng ba chân) ra, mà lại đúng như lời chim Bích Linh nói, thì thực là một chuyện buồn cười đến thối óc...!
Thấy dáng điệu do dự của Mạnh Vũ, con Bích Linh thích chí nhảy nhót mấy cái rồi lại lên tiếng:
- Lai lịch của con chó nhỏ đó, ta cũng biết rành rẽ. Nó vốn là một con vật pha giống giữa cha nó là Thiên Sơn Tuyết Hồng và mẹ nó là Thanh Hải Kim Ti Hầu. Bề ngoài nó trông bình thường, không có gì lạ, nhưng nó có sức mạnh hơn các loài hổ báo, nhất là nơi đầu móng thứ ba ở mỗi cẳng có một chất độc kỳ dị, chỉ khẽ cào xước máu là hết phương cứu chữa. Tuy nhiên, tạo hoá đã sinh ra một vật thì lại tạo ra một vật để khắc chế con Tam Trảo Kim Ngao ấy, sinh tính rất hiếu thuận và nó sợ nhất tiếng vượn hót, hễ cứ nghe tiếng là nó cho rằng mẹ nó sắp đến, mà mất hết vẻ hung hãn, trở thành thuần thục. Cho nên nếu mi gọi nó ra, ta chỉ cần bắt chước vài tiếng vượn hót là có thể đến móc hai mắt mà nó không dám động đậy.
Hai tên Mật Ngạn và Mạnh Vũ tuy có đánh cắp hai con đọc xà và quái thú của sư phụ chúng, nhưng chúng đều không hiểu rõ lai lịch của loại xà,thú này. Đến nay nghe chim Anh Vũ ly'luận, chúng mói bừng tỉnh ngộ, và cũng rất kinh hãi, không biết con chim tinh khôn, có trí thức uyên bác này do bậc thế ngoại cao nhân nào nuôi dưỡng.
Con Bích Linh thấy quả nhiên Mạnh Vũ không dám gọi con Tam Trảo Kim Ngao ra khỏi hang thì nó liền ngẩng cái đầu ngó về phía Thiên Lân ẩn núp vài cái, rồi cất tiếng cười lại bảo hai tên tiểu ma đầu:
- Con độc xà Thất Tinh Hồng và Tam Trảo Kim Ngao quả thực là một giống vật hung ác, sức người khó trị, nếu để ra đời, không biết sẽ làm hại bao nhiêu giang hồ hảo hán?
Vậy ta phải về thưa chủ nhân, cho mấy con Tây Tạng Khổng Tước, Thanh Hải Kim Ti Hầu đến đây, để tiêu diệt chúng đi, đặng trừ hại cho đời mới được.
Chưa dứt lời nói, nó đã đột nhiên vỗ cánh bay vọt lên tận mây xanh và mấy tiếng “trừ hại cho đời...” còn văng vẳng từ trên không vọng xuống.
Thái Y Ma Mật Ngạc và Song Cổ Truy Hồn Mạnh Vũ biết chủ nhân con Anh Vũ thông linh, trí thức phong phú này hẳn phải là một vị kỳ hiệp cái thế, nếu quả thực để nó đi gọi mấy con Khổng Tước và Kim Ti Hầu gì gì đó đến thì sẽ hết sức bất lợi cho chúng. Do đó, khi con Bích Linh đang nói, thì cả hai tên đều đưa mắt nháy nhau, ngậm vận công lực rồi thình lình, ba cánh chưởng vung lên một lượt, tung ra ba luồng cuồng phong ào ào như gió cuốn thác đổ, định đập chết linh điểu để trừ hậu họa.
Nhưng con Anh Vũ lại quá tinh không, lanh lẹ khi cuồng phong ào ào xoáy đến chỗ đậu, thì nó đã bay vút lên tận mây xanh và hướng về phía Thiên Lân ẩn mình nói lớn mấy tiếng “Ta sẽ trở lại”, đoạn biến mất trong lớp mây trắng.
Phó Thiên Lân biết câu nói:
“Ta sẽ trở lại” của chim Bích Linh có ý nói với chàng nghe và còn ngấm ngầm bảo chàng chớ nên vọng động. Nhưng Ma Mật Ngạn lại hiểu khác, hắn cho rằng chim Anh Vũ nói nó đi gọi Khổng Tước và Kim Ti Hầu rồi sẽ trở lại nên hắn vội cau mày nhìn Mạnh Vũ nói:
- Mạnh đại ca, con Anh Vũ ấy rất cổ quái và đáng ghét, chúng ta nên trở lại trong hang để bàn cách đối phó thì hơn.
Mạnh Vũ khẽ gật đầu đồng ý, rồi hai đứa kéo nhau chui vào hang, vần đáp lấp kín cửa lại.
Sau khi hai tên Mật Ngạn và Mạnh Vũ vừa lấp kín cửa hang, thì con Anh Vũ Bích Linh đã từ trong mây hiện ra, bay lượn một vòng trên đầu Phó Thiên Lân, rồi lẳng lặng chao xuống dưới chân một ngọn tiểu phong khác.
Phó Thiên Lân hiểu rõ dụng ý của chim Anh Vũ muốn chàng nên giấu kín hành tung, nên chàng cũng vội đề khí tung mình nhảy xuống sườn núi, rồi phi thân vào trong một cánh rừng rậm dứoi chân ngọn tiểu phong nọ.
Và khi Thiên Lân bước vào của rùng, con Bích linh đã đáp xuống đầu vai nói:
- Phó tướng công, Bích linh rất sợ hai tên hung ác ấy, chúng ta nên chạy xa xa một chút thì hơn.
Từ lúc nghe chim Bích Linh lên tiếng chế giễu chọc tức bọn Mật Ngạn và Mạnh Vũ, Thiên Lân càng yêu thích nó vô cùng nên chàng một mặt theo lời rảo bước đi sâu vào rừng rậm, một mặt khẽ vuốt bộ lông óng mượt của nó rồi mỉm cười:
- Đã có ta ngầm bảo vệ, Bích linh còn sợ gì chúng nữa ?
Con Anh Vũ khẽ lắc đầu:
- Phó tướng công chớ nên cậy tài, tướng công không đủ sức trị nổi con Kim Mao tiểu cẩu của tên mọi đó đâu.
Phó Thiên Lân ngạc nhiên hỏi:
- Ủa sao ban nãy chim Bích Linh nói con Tam Trảo Kim Ngao rất sợ tiếng vượn hót kia mà ?
- Đó chỉ là câu nói của Bích Linh đánh lừa bọn chúng thôi. Riêng con độc xà Thất Tinh Hồng quả có sợ cứt chim sẻ thực nhưng còn con Tam Trảo Kim Ngân thì đâu có sợ tiếng vượn hót, Vì lúc nó mới sinh ra, đã phanh thây nuốt xác cha mẹ là Thiên Sơn Tuyết Hồng và Thanh Hải Kim Ti Hầu rồi chứ đâu có biết hiếu thuận là cái gì ? Nếu đúng như lời Bích Linh nói thì ở trong rừng núi, lúc nào chả có tiếng vượn hót, và nó còn gan mật đâu mà sống nữa ? Nhất là Bích Linh chỉ giỏi bắt chước được tiếng chim và thông thạo tiếng người, chứ làm sao bắt chước được tiếng kêu của dã thú ?
Nghe nói, Phó Thiên Lân mới biết Mạnh Vũ đã mắc lừa Bích Linh một vố rất đau nên chàng thích thú nhìn nó mỉm cười hỏi:
- Bích Linh tuy có thông linh nhưng cũng chỉ là loài chim thôi, chẳng hay bích linh đã làm thế nào mà có được những điểu trí thức giang hồ phong phú như thế ?
Con Anh Vũ Bích Linh nghe Thiên Lân hỏi, thì trừng cặp mắt đỏ quạch rồi nghiêng đầu nói:
- Tại sao Phó tướng công lại coi thừơng Bích Linh như thế ? Năm xưa Bích Linh đã theo chủ nhân hành đạo giang hồ hàng hai, ba mươi năm ; và những điều mắt thấy tai nghe còn nhiều hơn nữa, chứ có phải như vậy đã hết đâu ?
Nghe nói, Thiên Lân bất giác bật cười, chàng biết về kinh nghiệm giang hồ con Bích Linh này còn dày dạn hơn chàng rất nhiều. Có một con chim linh mẫn như vậy để làm bạn hành hiệp giang hồ chẳng những đã thú vị mà còn lợi ích vô cùng, không biết lúc Thu Thủy gặp nó nàng sẽ cao hứng dến thế nào ?
Phó Thiên Lân từ lúc ngộ hiểm trong dãy núi Võ Đang phải hủy kiếm, làm mất kiếm Bích Huyết Chu Ngân đến nay, điều mà chàng quan tâm nhất là không biết Đan Tâm Kiếm Khách có bị bọn Vực Ngoại Tam Hung đem khúc kiếm gãy đến uy hiếp lợi dụng hay không ?
Đến nay, chàng suy tính đã thấy rõ không nên vì hai tên tiểu ma đầu này mà bỏ lỡ thời giờ cần phải đến Đan Tâm Bích trước để tham kiến Đan Tâm Kiếm Khách trình bày sự việc xảy ra. Kế đó mới đến Mãng Thương sơn tìm Bách Cầm Tiên Tử Công Tôn Đỉnh và sau cùng sẽ phải trở về Lãnh Nguyệt Bình gấp để cho người yêu là Nhân Thu Thủy khỏi phải trông chờ lo lắng. Đồng thời, bẩm rõ tình hình mọi sự với các vị tiền bối trong nhón Bình tung ngũ hữu và Tuệ Giác Thần Ni để trù định kế hoạch tiêu diệt quân tà trong dịp đại hội Hoàng Sơn.
Chủ ý đã định, Phó Thiên Lân liền thẳng đường hướng về Cao Lê Cống Sơn. Vì chàng đã có đến vùng này một lần, nên dường xá rất quen thuộc và chẳng mấy chốc đã tìm tới trước cửa Cửu Tử Động. Chàng cũng làm như lần trước, chắp tay đứng trang nghiêm ngoài cửa động, đề vận chân khí, dùng phép truyền âm nhật mật lớn tiếng hát bài Chính khí ca của Vãn Văn Sơn.
Lần trước, Động Đình Điếu Tẩu Vân Cửu Cao hát đến đọan:
“...Chí khí bàng bạc, lẫm liệt muôn đời...” thì Đan Tâm Kiếm Khách Như Thiên Hân đã ra tương kiến. Nhưng lần này, chàng đọc mãi đến đoạn:
“... Than ôi ta thực cùng bất lực...” mà trong động vẫn im lặng như tờ không chút động tĩnh.
Mãi đến lúc đọc hết bài Chính khí ca, dư âm đã tắt hẳn vẫn không thấy Như Thiên Hân xuất động, thì Phó Thiên Lân cảm thấy tình trạng đã xảy ra điều không hay rồi, nên trong lòng chàng hồi hộp thắc mắc vô cùng.
Trong lúc Thiên Lân đang đứng tần ngần suy nghĩ thì con Anh Vũ Bích Linh đã bay đến đậu trên tảng đá nổi giữa dòng suối rồi gọi chàng nói:
- Phó tướng công, mau lại đây xem, trên tảng đá có khắc chữ...!
Tảng đá chim Anh Vũ vừa chỉ, chính là nơi mà lần trước Đan Tâm Kiếm Khách đã ngồi trên đó cùng bọn chàng nói chuyện. Đến nay, nhìn kỹ quả có khắc một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt:
“ Đến thác không quên cựu chủ ân, Trọn đời chỉ phục vết châu ngân Đã rơi thiết kiếm vào tay giặc, Đại hội Hoàng Sơn - Vạn Kiếp môn” Đại ý bài thơ nói rõ Đan Tâm Kiếm Khách Như Thiên Hân đã bị ba tên ma đầu Đông Hải Kiêu Bà, Nam Hoáng Hạt Đạo và Đồng Cổ Thiên Tôn thao túng.
Hai câu trên bày tỏ lòng nhớ ơn của cựu chủ cho nên lão Kiếm khách đã lập lời thề, trọn đời chỉ phục tùng mệnh lệnh của người nào giữ điểm Bích Huyết Chu Ngân.
Giọt máu người chủ cũ ! Nhưng hai câu sau đã khiến Phó Thiên Lân hãi sợ đến phải lạnh mình nổi gai ốc và chàng tự biết rằng đã để lọt khúc kiếm gãy có điểm Châu Ngân vào tay lũ ma đầu Vực Ngoại Tam Hung là điều lầm lỗi lớn có thể làm đảo lộn cả thế giới võ lâm, và biến cuộc đại hội Hoàng Sơn sắp tới thành cuộc đổ máu chánh đạo tiêu ma yêu tà thắng thế gây thảm cảnh sát kiếp muôn đời.
Càng nghĩ Phó Thiên Lân càng thấy tội lỗi của mình sâu nặng thêm, cho nên chàng lại nảy sinh ý niệm dùng cái chết để giải thoát. Nhưng đến khi nhìn lại chim Anh Vũ Bích Linh và nhớ tới những lời dạy dỗ khuyên nhủ của Bách Điểu Tiên Nhân Đỗ Vô Sầu chàng lại quyết định thế nào cũng phải tìm gặp Bách Cầm Tiên Tử Công Tôn Đỉnh rồi gấp rút trở về Cửu Hoa Sơn báo lại tất cả mọi chuyện xảy ra cho các vị tiền bối kịp thời sắp xếp kế hoạch để may ra có thể cứu vãn một trường hao kiếp chăng ?
Ý nghĩ đã định, Phó Thiên Lân cũng khong dám lộ vẻ gì thất thố đối với vị kiếm khách trong động, mà chỉ cúi mình cung kín thi lễ trước Cửu Tử động, rồi gọi chim Anh Vũ rời khỏi Cao Lê Cống Sơn nhằm hướng Mãng Thương Sơn để đi tìm Công Tôn Đỉnh.
Lúc ở Lãnh Nguyệt Bình, tại Cửu Hoa Sơn, Phó Thiên Lân đã nghe Bạch Nguyên Chương kể chuyện lão chữa bệnh cho qua rồi được gặp Bách Cầm Tiên Tử Công Tôn Đỉnh, và chàng nghe nói vị trí của Bách Cầm động là rất bí ẩn. Hơn nữa chàng lại mới đến Mãng Thương sơn lần đầu cho nên công việc tìm kiếm rất khó khăn. Chàng đã lặn lội hầu như khắp những chỗ đèo sẩu.âm rạp mà không thấy gì. Bản tâm chàng cho rằng Công Tôn Đỉnh đã nuôi rất nhiều linh điểu chỉ cần tìm gặp vài con và do chim Bích Linh dùng điểu ngũ dò hỏi tức là có thể tìm thấy tung tích Công Tôn Đỉnh. Nào ngờ trọn bảy ngày lặn lội trong dãy Mãng Thương sơn, chàng vẫn không gặp được một con chim nào có vẻ thuộc loại linh điểu.
Một bữa nọ, Phó Thiên Lân sai con Anh Vũ Bích Linh bay lượn đi do thám trong dãy núi phía Nam, chỉ còn lại một mình chàng đứng trên đỉnh núi cao chót vót, trong lúc buồn bã, chàng ngẫu nhiên huýt gió để giải muộn bỗng phát hiện tiếng huýt gió truyền đi rất xa và hình như chung quanh đều có tiếng vọng lại.
Sau khi nghe một loạt tiếng vọng, Phó Thiên Lân bỗng nhiên xúc động linh cơ, chàng liền vận chân khí tụ nơi Đan Điền, rồi ngâm hai câu thơ có tính cách do thám:
“ Trong tay có sẵn thuốc linh. Giúp loài chim quạ biến hình trắng phau.” Giọng ngâm của chàng cao vút du dương, dội khắp không trung. Giây lát sau, bốn phía vọng lại những tiếng vang vang, nghe kỹ vẫn có thể có thể mang máng phân biệt từng tiếng trong hai câu thơ chàng vừa ngâm. Thấy vậy, Phó Thiên Lân liền ngâm liên tục tiếp mấy lượt, và sau tiếng vọng thứ mười ba thì đột nhiên ở trên không trung cũng văng vẳng đưa xuống giọng ngâm rất rõ ràng:
“Công phu đã thắng thuốc linh, Khiến cho chim quạ biến hình từ lâu.” Vừa nghe rõ hai câu thơ trên, Phó Thiên Lân mừng rỡ khôn tả, vì chàng nhận xét ý tứ lời thơ, đúng là do Công Tôn Đỉnh phát xuất nhưng hình như ông ta có ý không muốn gặp chàng.
Suy nghĩ giây lát, Phó Thiên Lân bỗng nhiên lại đề khí lớn tiếng ngâm hai câu thơ nữa nhưng đổi ý như sau:
“Dù cho linh điểu biến hình, Tìm đâu cho gặp người tình năm xưa?” Hai câu này chảng khác liều thuốc đúng căn bệnh rất hợp tình cảnh. Vì trong hai câu đáp thoại của Bách Cầm Tiên Tử Công Tôn Đỉnh vừa rồi, ông ta ngụ ý nói đã dùng công phu khổ tâm khiến cho linh điểu biến hình từ màu đen hoá trắng không cần đến linh dược.
Cho nên, lần này Phó Thiên Lân dụng ý nói lên rằng:
Dù cho linh điểu đã được biến hình, nhưng chân trời góc biển mênh mông biết chỗ nào tìm ra dấu vết của Bách Điểu Tiên Nhân Đỗ Vô Sầu? Chẳng lẽ đành mang mối sầu tương tư vạn cổ hay sao?
Quả nhiên, khi Phó Thiên Lân ngâm hai câu thơ trên ba lượt thì không gian có giọng ngâm đáp lại của Bách Cầm Tiên Tử với ngụ ý hỏi:
“Mối sầu dằng dặc thâm sơn, Ai kia có thể giải buồn được chăng?” Nghe hai câu thơ đáp, Phó Thiên Lân rất lấy làm cảm xúc, chàng thầm phục tấm lòng cương quyết của vị ẩn hiệp Công Tôn Đỉnh này, dù đã bị người yêu hất hủi phải ẩn cư nơi thâm sơn cô độc trong thời gian hàng sáu bảy mươi năm mà vẫn không thay lòng đổi dạ.
Đáng tiếc là cặp vợ chồng thần tiên này dù có được thoa? mãn tâm nguyện hợp tích song tụ nhưng đời người ngắn ngủi e rằng cũng chẳng cò lại được bao nhiêu ngày tháng hưởng hạnh phúc trần gian nữa.
Cảm xúc chuyện người, nghĩ tới cảnh mình, chẳng những hình dáng yêu kiều xinh đẹp của Nhân Thu Thủy hiện lên trong óc Thiên Lân mà cả đến những ngày được chiều chuộng triền miên ngoài Thúy Vi đảo cùng nhan sắc diễm lệ của Hồng Y La Sát Cổ Phiêu Hương cũng lần lượt hiện lên ngay trước ắmt.
Phó Thiên Lân đứng trên đỉnh núi suy nghĩ chuyện qua với vẻ mặt si ngây như gỗ đá, mặc cho Bách Cầm Tiên Tử Công Tôn Đỉnh ngâm đi ngâm lại hai câu thơ mấy lượt mà chàng vẫn như không nghe tiếng gì.
Khi giọng ngâm của Công Tôn Đỉnh tới lượt thứ bảy thứ tám thì bỗng nhiên tiếng “chăng” sau cùng của hai câu thơ trên, ông đã dùng thần công, biến từ giọng nhỏ như tơ thành một tiếng vang như sét đánh lưng trời khiến Thiên Lân phải chối óc giật mình và nhận ra mình đã suy nghĩ vẩn vơ quên cả trả lời khiến vị lão tiền bối phải bực mình chờ đợi nên chàng vội vàng thu tĩnh tâm thần suy nghĩ vài phút rồi đề khí đáp:
“Lấp bằng bể hận sầu tình, Nguyện làm sứ giả chim xanh đưa đường.” Hai câu thơ đáp lại của Phó Thiên Lân vừa dứt trong giây lát, trên không bỗng có tiếng động kỳ dị, rồi một bóng vàng xuất hiện mang theo luồng kình phong vù vù sa xuống chỗ chàng đang đứng.
Phó Thiên Lân vội xê dịch thân hình, lui về phía sau ba bước, giơ song chưởng thủ ngang ngực, đưa mắt chăm chú nhìn bóng vàng lúc đó đã đáp xuống trước mặt. Bóng vàng này là con quái điểu có hình thù to lớn giống như con quái điểu của Bách Điểu Tiên Nhân Đỗ Vô Sầu đã đưa chàng cùng con Anh Vũ Bích Linh từ dãy núi Võ Đang đến vùng biên giới Vân Nam. Chỉ có khác là con quái điểu của Đỗ Vô Sầu màu vàng như hoàng kim, còn con này thì màu vàng lợt.
Vừa đáp xuống đất, con quái điểu màu vàng lợt đã giương cặp quái nhãn màu đỏ như lửa nhìn ngắm Phó Thiên Lân một lượt khẽ hé mỏ kêu “Quắc, quắc” rồi với dáng điệu hiền lành, nó từ từ bước tới, vươn cổ luồn qua háng chàng.
Thấy con quái điểu làm như vậy, Phó Thiên Lân biết nó đã được lệnh của Bách Cầm Tiên Tử Công Tôn Đỉnh đến đón chàng tới Bách Cầm động nhưng chàng còn do dự, không biết con Anh Vũ Bích Linh kia bay đi tận đâu mà vẫn chưa thấy về. Chàng sợ rằng lúc về không thấy chàng nó sẽ lo lắng sợ hãi. Cho nên khi quái điểu luồn cổ qua háng chàng tuy chàng đã biết ý nhưng vẫn vội vàng nhảy lui ba bước rồi mỉm cười nói:
- Ta biết nhà ngươi được lệnh của công Tôn lão tiền bối tới đón ta nhưng ta còn có một con Anh Vũ cùng đi, hiện giờ nó đang bay ở dãy núi phía Nam. Vậy ngươi hãy chờ nó một lát rồi đi chăng ?
Con quái điểu này, tuy cũng thuộc loại thông linh nhưng hình như nó không hiểu rõ tiếng người nên nó chỉ giương cặp quái nhãn đỏ quạch, chớp chớp mấy cái với vẻ ngơ ngác rồi lại nhảy tới, vươn cổ hất Phó Thiên Lân lên lưng.
Phó Thiên Lân rất bực mình vì cảnh người và chim không hiểu nhau, đang trù trừ, tiến thoái lưỡng nan thì bỗng nhiên thấy nhẹ hẫng, thân hình đã bị quái điểu hất lên lưng, rồi vỗ cánh tung lên không chỉ trong chớp mắt đã tới mây xanh.
Lối mời khách bắt buộc kiểu này thực cũng làm cho người ta khó chịu. Phó Thiên Lân tuy quan tâm về con Anh Vũ Bích Linh nhưng chàng nghĩ đến sự khôn ngoan linh tuệ của nó, thì cũng hơi yên tâm, vì dù sao nó cũng chỉ quanh quẩn trong dãy Mãnh Thương sơn, chàng định bụng lát nữa gặp Bách Cầm Tiên Tử Công Tôn Đỉnh chàng sẽ thỉnh cầu sai một vài linh điểu đi tìm kiếm, thế nào cũng gặp. Nghĩ vậy, nên chàng vội ôm chặt cổ quái điểu mặc tình cho nó bay đi.
Quái điểu cõng Thiên Lân bay qua một ngọn núi cao rồi từ từ hạ xuống lưng chừng ngọn đèo, tiếp tục bay xuyên qua một đường hang tối om rồi tới cánh rùng hoa rực rỡ.
Tới đây, nó bay lượn vài vòng rồi đáp xuống một khoảng trống giữa rùng. Chàng thấy khắp cánh rừng hoa này đậu dày đặc những loại linh cầm dị điểu hiếm thấy, lớn nhỏ đều có đủ màu sắc đang rỉa lông rỉa cánh, múa hót líu lo.
Vì lúc trước Thiên Lân đã được nghe Bạch Nguyên Chương diễn tả lại quang cảnh lúc ông ta gặp Bách Cầm Tiên Tử nên khi vừa bước chân vào cánh rừng hoa chàng đã biết ngay nơi đây là Bách Cầm động, chỗ ẩn cư của Công Tôn Đỉnh và vị trí chỗ này cách ngọn núi chàng vừa đứng rất gần, nên chàng thầm nhủ thảo nào mà hai bên đều có thể dùng chân khí truyền thanh, ngâm thơ vấn đáp.
Trong lúc Phó Thiên Lân đang ngơ ngác ngắm nhìn cảnh vật chung quanh, bỗng nhiên bên tai có tiếng trong ấm hỏi:
- Mộng đẹp mau tàn, tơ dứt khó nối, mối hận tình duyên này của lão rất rắc rối. Lão đệ đã hai phen ngỏ lời với ngụ ý hình như đã hiểu rõ chuyện kín của lão năm xưa. Có phải quả thực lão đệ giúp được Công Tôn Đỉnh này nối lại tơ tình để hoàn thành giấc mộng cũ chăng ?
Lúc này Phó Thiên Lân hãy còn cho rằng vị Bách Cầm Tiên Tử lão tiền bối vẫn dùng phương pháp vận khí truyền thanh nói chuyện nên chàng định vận chân khí thì đột nhiên chàng thoáng thấy trên mặt đất có bóng lờ mờ. Giật mình quay lại, chàng đã thấy một vị lão nhân áo vàng mũ gai, tướng mạo phong thái rất thanh kỳ đang khoang tay đứng nhàn nhã đằng sau lưng chàng tự bao giờ.
Phó Thiên Lân rất lấy làm khâm phục về sự xuất hiện đột ngột không gây một tiếng động của lão nhân nên chàng vội vàng xốc lại quần áo ngay ngắn định cúi lạy ra mắt.
Thấy vậy, Bách Cầm Tiên Tử Công Tôn Đỉnh mỉm cười xua tay, phát ra một luồng kình khí nhu hoà vô hình, cản không cho Thiên Lân hạ bái rồi ôn tồn nói:
- Lão đã ẩn cư trong núi hơn một giáp tí, hàng ngày làm bạn với chim chóc, không quen lễ nghĩa phiền phức, lão đệ bất tất phải câu nệ. Xin lão đệ hãy cho ta biết tên họ là gì ? Và thuộc tông phái nào ?
Tuy biết vị kỳ hiệp này đã tu luyện đến mức siêu trần thoát tục không bị ràng buộc trong vòng lễ nghĩa thường tình nhưng Phó Thiên Lân vẫn không dám thất thố, vội cúi mình kính cẩn đáp:
- Vãn bối tên gọi Phó Thiên Lân, tuy đã được tiên sư La Phù Lão Nhân thâu nhận vào hàng môn đệ nhưng vì tư chất ngu muội nên tài nghệ rất kém cỏi, rất mong được Công tôn lão tiền bối ban ơn chỉ giúp.
Nghe danh hiệu La Phù Lão Nhân nét mặt Công Tôn Đỉnh vẫn dửng dưng, nhưng ba tiếng Phó Thiên Lân đã khiến ông ta thốt lên một tiếng “À” rồi lẩm bẩm tự hỏi:
- Nhân gian vạn sự ngẫu hợp khôn lường, chẳng lẽ Công Tôn Đỉnh này quả thực có ngày được cùng Đỗ hiền muội sum họp rồi chăng ?
Nghe nói, Phó Thiên Lân vội cúi mình đáp lời:
- Chính vãn bối vâng lệnh Đỗ Vô Sầu lão tiến bối đến đây để bái yết lão tiền bối đó.
Nghe vậy, Bách Cầm Tiên Tử Công Tôn Đỉnh bỗng chớp mắt, phóng hai tin thần quang sáng rực như điện chớp nhìn chăm chú vào mặt Phó Thiên Lân trầm giọng hỏi:
- Phó lão đệ nên biết người trong võ lâm rất kỵ việc nói dối. Mấy năm nay ta đã phái rất nhiều linh điểu tìm khắp các danh sơn trong thiên hạ mà vẫn không thấy tung tích của Đỗ Vô Sầu. Hôm nay, tại sao Phó lão đệ lại có thể vâng lệnh của bà ? Và làm cách nào để biết được nơi ẩn cư lão lão tại Mãng Thương sơn này ?
Phó Thiên Lân tự biết việc gặp gỡ của mình rất kỳ lạ khó tránh khỏi nghi ngờ cho Bách Cầm Tiên Tử nên chàng vội mỉm cười đáp:
- Thưa lão tiền bối, có phải khoảng mười năm trước, lão tiền bối đã đón tiếp tại đây một vị thần y đương thời tên gọi Trại Hoa Đà Bạch Nguyên Chương và lưu vị này lại Bách Cầm động một ngày chăng ?
Bách Cầm Tiên Tử Công Tôn Đỉnh thốt liên tiếng” À” rồi hỏi tiếp:
- Thế ra lão đệ có quen biết với Bạch Nguyên Chương đấy ư ? Thảo nào mà lão đệ chả biết rõ chỗ ẩn cư của lão. Sở dĩ những câu lão đã hỏi và sắp hỏi tới đây không phải có tính đa nghi, mà vì lão không tin ở trong đời lại có chuyện ngẫu nhiên trùng hợp đến như thế, nên lão mới hỏi kỹ lão đệ. Chẳng hay lão đệ nói phụng mệnh Bách Điểu Tiên Nhân Đỗ Vô Sầu đến đây, vậy có vật gì để làm chứng không ?
Nghe hỏi, Phó Thiên Lân tuy hơi khó chịu về sự kỹ tính của ông già này nhưng chàng cũng biết, phần nhiều những vị kỳ nhân cái thế như ông ít khi chịu thổ lộ những điều ẩn bí của đời mình cho người khác nghe, nên chàng vẫn phải tươi cười đáp:
- Bách Điểu Tiên Nhân Đỗ lão tiền bối có tặng vãn bối một con Anh Vũ biết nói tiếng người để....
Chàng chưa nói hết, thì trên đỉnh ngọn cây bên cạnh Công Tôn Đỉnh cũng có một con Anh Vũ màu xanh lam hình thù giống con Anh Vũ Bích Linh, đã dùng tiếng người xen lời hỏi:
- Có phải đó là Bích đệ của tôi không? Đã lâu lắm, chúng tôi không được gặp nhau, hiện giờ hắn ta ở đâu ?
Phó Thiên Lân thầm nghĩ, chuyện quái này nếu chàng không được thấy tận mắt mà chỉ nghe người khác nói thì thật khó tin nổi. Vì một con chim Anh Vũ sống hàng mấy chục năm đã là chuyện lạ lùng rồi huống chi lại còn nói thông thạo tiếng người, có kinh nghiệm giang hồ dày dặn và hiểu biết mọi điều khác nữa thì thực là chuyện thế gian hy hữu. Xem vậy, đủ rõ bất luận người ta hay giống vật chỉ cần có tư chất thông minh, lại được người nâng đỡ dạy dỗ và tự biết hăng hái cầu tiến, thì thế nào cũng trở thành nhân vật xuất sắc siêu trần bạt tuỵ.
Tuy trong lòng suy nghĩ cảm khái nhưng Phó Thiên Lân vẫn ứng thanh đáp lời con Anh Vũ vừa hỏi:
- Lúc ở ngoài đỉnh núi con Anh Vũ Bích Linh đã hiệp trợ vãn bối bay sang vùng Nam Sơn đê tìm kiếm Bách Cầm động. Và trong khi chờ đợi vãn bối lại được tiên cầm của lão tiền bối đến đón...
Nói đến đây, Thiên Lân bỗng sực nhớ đến tấm áo Bách Vũ Ngũ Sắc của Bách Điểu Tiên Nhân Đỗ Vô Sầu gửi tặng người yêu chàng là Tử Địch Thanh Loa Nhân Thu Thủy. Ngoài ra lại còn một chiếc lông màu vàng óng ánh chàng đã nhổ trên mình con quái điểu do sự chỉ dẫn của Bích Linh, cả hai vật đều có thể đưa ra làm chứng, thế mà chàng lại quên bẵng mất đi, thực là đáng trách...
Phó Thiên Lân còn đang suy nghĩ thì Bách Cầm Tiên Tử Công Tôn Đỉnh đã giơ tay vẫy con quái điểu vàng lợt lại gần rồi lẩm bẩm mấy câu bằng tiếng chim. Chỉ thấy con quái điểu khẽ kêu lên một tiếng đoạn vỗ cánh bay đi.
Nhân lúc Công Tôn Đỉnh dùng tiếng chim nói chuyên với quái điểu, Phó Thiên Lân vội lấy tấm áo Bách Vũ Ngũ Sắc và chiếc lông chim màu vàng óng ánh hai tay cung kính đưa trình cho lão ẩn hiệp.
Bách Cầm Tiên Tử Công Tôn Đỉnh mỉm cười xua tay, bảo Phó Thiên Lân hãy cất giữ manh áo Lông chim, còn chiếc lông chim vàng óng thì ông ta cầm ngắm nghía một hồi lâu, đoạn vuốt râu thở dài buồn bã.
Phó Thiên Lân đang bỡ ngỡ không hiểu tại sao bỗng nhiên vị kỳ nhân cái thế này lại có thái độ cảm khái bùi ngùi như thế thì Công Tôn Đỉnh đã chép miệng nói:
- Từ lúc cùng lão đệ ngâm thơ đối đáp, ta đã hiểu ngay chuyện lão đệ đến đây tìm ta là sự thực. Nhưng năm xưa ta đã bao phen thổ lộ tâm tình mà Đỗ Vô Sầu hiền muội vẫn kiêu ngạo lạnh nhạt đã đến câu thề “Qụa đen hoá trắng”, ta cũng đưa tin là lời thề thực.
Đến nay bỗng bà ấy lại phái lão đệ đi tìm, đã làm cho ta vui mừng quá độ mà sinh nghi ngờ, xin lão đệ chớ nên phiền trách ta có ý cậy mình già mà dám kiêu ngạo vô lễ.
Phó Thiên Lân thấy vị kỳ nhân này tự nhiên lại thay đổi thái độ khách sáo như vậy thì bất giác chàng đâm ra luống cuống luôn miệng nói:
“Vãn bối đâu dám ! Vãn bối đâu dám!”