Phần III
Tác giả: Hector Malot
Hai bên đường, có những hàng cây to lớn, như hai tấm màn, bao bọc con đường.
Trên sườn đồi, phía bên phải, một lầu chuông bằng đá đen vụt hiện lên rồi biến mất. Phía bên trái, có những ngôi nhà to lớn, trên mái nhấp nhô những công trình bằng chì. Phía xa xa, có những ống khói cao vút bằng gạch.
- Chúng ta sắp đến Marôcua. Rôdali nói. – Lát nữa chị sẽ thấy tòa lâu đài của ông Vunphran rồi những nhà máy. Mấy nếp nhà ở trong làng thì bị cây cối che khuất, khi chúng ta đứng ở phía trên chúng ta mới thấy rõ. Đối diện với phía bên kia con sông, là nhà thờ và nghĩa địa.
Thật thế, khi họ đến chỗ rặng liễu, đã được cắt xén thành là nên có dáng con nòng nọc, tòa lâu đài nổi lên hoàn toàn trong sự bài trí vĩ đại với ba dãy nhà có mắt tiền bằng đá trắng và ngói đỏ. Những nóc nhà cao, những ống khói cao, vút lên giữa bãi cỏ rộng. Ở đây, có trồng những lùm cây chạy đến cánh đồng và kéo dài đến phía xa, phụ thuộc vào các mô đất lên, xuống gồ ghề, tùy theo biến chuyển của khu đồi.
Ngạc nhiên, Perin di chậm lại, trong lúc Rôdali vẫn tiếp tục bước, nên trục trặc một chút khiến họ phải đặt giỏ xuống đất.
- Này, chị thấy tòa lâu đài đẹp chứ? – Rôdali hỏi.
- Rất đẹp!
- Thế mà ông Vunphran ở một mình trong ấy với một tá đầy tớ. Đó là chưa kể các bà làm vườn, giữ vườn. Bọn họ cũng ở trong những ngôi nhà mà chị trông thấy đấy, ở cuối khu vườn. trước khi vào làng. Có hai ống khói thấp và nhỏ hơn những ống khói các nhà máy. Đó là những ống khói của nhà máy điện để thắp sáng tòa lâu đài và những nồi xúpde bằng hơi nước, để sưởi ấm tòa lâu đài cũng như những nhà lồng kính để trông hoa. Ôi ở trong ấy, đẹp lắm! Chỗ nào cũng có vàng. Người ta nói mấy người cháu muốn đến ở với ông Vunphran nhưng ông ấy không thích họ. Ông thích sống đơn độc, ăn một mình. Điều thấy rõ là ông nhường ngôi nhà cũ ở phía ngoài các xưởng cho một người cháu và sắp xếp người kia cũng ở gần đấy. Như thế, hai ông ấy đều ở gần chỗ làm việc. Ấy thế mà các ngài cũng có lần đến trễ. Trong khi đó, ông Vunphran đã sáu lăm tuổi, là chủ, có thể nghỉ ngơi thì luôn có mặt ở bàn giấy, mùa hè cũng như mùa đông, lúc đẹp trời cũng như khi thời tiết xấu, chỉ trừ ngày Chủ nhật. Bởi vì người ta không bao giờ làm việc ngày Chủ nhật, ông chủ cũng như tất cả mọi người. Chị sẽ không thấy các ống khói nhả khói hôm nay.
Họ lại cầm chiếc giỏ lên. Chẳng mấy chốc, họ đã có một cái nhìn chung về các nhà xưởng, Perin chỉ nhìn thấy các ngôi nhà, cái mới, cái cũ, lợp ngói hay đá đen lẫn lộn quanh ống khói đồ sộ. Cái khối xám xịt, cao vút, đen thui, ở phía trên, như đè bẹp tất cả.
Cái làng này, Perin đã được nghe nhắc đến. Em luôn chú ý đến những gì quanh đấy.
Hai cô gái đã đến những ngôi nhà đầu tiên rải rác trong mấy cái sân, có trồng những cây táo khẳng khiu.
Cái gì làm Perin phải để ý? Đó là sự chen chúc: đàn ông, đàn bà, trẻ em, diện bộ cánh ngày lễ, quanh mỗi khu nhà hay trong những gian phòng thấp. Perin nhìn thấy những gì ở bên trong, qua mấy cánh cửa mở rộng. Dầu ở trong thành phố sự chen chúc cũng không đến như thế. Bên ngoài, họ chuyện trò một cách trống rỗng hay tay buôn thõng, dáng dấp thiếu phương hướng. Bên trong họ uống những thứ nước máu sắc khác nhau mà người ta nhận ra rượu tần, rượu cà phê hay rượu mạnh. Rồi họ chạm cốc hay chạm tách đập bàn với những giọng y hệt như đang cãi nhau.
- Sao lắm người uống rượu thế? Perin nói.
- Chưa thấm vào đâu so với ngày Chủ nhật kỳ phát lương nửa tháng. Chị sẽ thấy biết bao người đến trưa thì xỉu?
Mấy ngôi nhà Perin đi qua mang nét đặc biệt. Hầu hết, được xây dựng rất thô sơ hoặc bằng đất hay bằng gỗ trét đất sét, chúng tồn tại đã lâu, trông ra quá cũ kỹ. Mắt ta chú ý đến những cánh cửa lớn và cửa sổ quét sơn, như là tấm biển tô điểm ngôi nhà. Mà quả vậy, đó là thứ biển quảng cáo những ngôi nhà có buồng cho thuê. Nhờ cái nước sơn ấy, dầu ngôi nhà không được sửa chữa, cũng có vẽ sạch sẽ. Tuy nhiên, khi nhìn vào phía trong, người ta sẽ biết rõ sự thật.
- Chúng ta đã đến nơi! Rôdali vừa nói, vừa lấy bàn tay không mang xách, chỉ một nếp nhà gạch nhỏ, đang chắn con đường đi. Một bờ rào xén thẳng tắp ngăn cách ngôi nhà với con đường. Ở cuối sân, phía sau là cửa hàng bán lẻ và hiệu tạp hóa. Ở góc là một phòng trọ.
Trong bờ rào, có một hàng chấn song gỗ mở ra trên một cái sân nhỏ trồng táo… Ở giữa sân, một con đường rải sỏi dẫn đến ngôi nhà. Hai cô bé vừa bước được mấy bước trên con đường này thì một phụ nữ còn trẻ xuất hiện trên ngưỡng cửa, tru tréo goi Rôdali:
- Nhanh lên chứ! Đi Píchkynhi là một việc ghê gớm quá nên mày đủng đà đủng đỉnh thế hở?
Rôdali nói nhỏ
- Dì Dênôbi đấy. Lúc nào dì cũng khó tính như vậy đó.
- Mày thì thầm cái gì thế?
- Cháu nói: nếu người ta không khiêng cái giỏ giúp cháu thì bây giờ cháu cũng chưa về tới nhà!
- Mày có im mồm đi không! Ranh con?
Nghe những lời rầy là ấy, một bà to béo đến bên hành lang, hỏi:
- Các người còn nói cái gì nữa đấy?
- Dì Dênobi mắng cháu đi về trễ. Bà ơi, cái giỏ này nặng ghê lắm!
- Được, được! Bà bình thản nói. Để giỏ xuống đi, cháu! Thức ăn của cháu, bà để trên bếp lò, chắc còn đang nóng! Cháu vào lấy mà ăn!
Rôdali nói với Perin:
- Chị đợi tôi ngoài sân nhé! Tôi sẽ trở lại ngay mà! Chúng ta cùng ăn bữa trưa. Chị đi mua suất bánh của chị đi. Ông bán bánh ở cái nhà gạch thứ ba, bên trái. Chị đi nhanh lên nhé!
Khi Perin trở lại, Rôdali đang ngồi trước cái bàn đặt dưới bóng mát một cây táo. Hai đĩa ragu đã bày sẵn.
- Chị ngồi xuống đây! Chúng ta chia nhau món ragu này! Rôdali nói.
- Nhưng…
- Chị cứ nhận đi! Tôi đã thưa với mẹ Prăngxoadơ, bà tôi đồng ý!
Sự việc đã như thế, Perin nghĩ không nên để Rôdali phải van nài, em ngồi vào bàn.
- Tôi đã nói chuyện về phòng ở và đã điều đình xong. Chỉ trả hai tám xu cho bà tôi. Chị ở chỗ kia kìa.
Rôdali lấy ngón tay chỉ một cái nhà vách đất sét mà người ta chỉ nhìn thấy một phần ở phía sân. Phía còn lại, những ngôi nhà gạch che khuất. Căn nhà mà người ta trông thấy có vẻ cũ kỹ, hư hỏng đến nỗi người ta tự hỏi không biết làm sao mà nó lại đứng vững được!
- Chính nơi đó, mẹ Prăngxoadơ đã ở trước khi xây dựng được ngôi nhà bây giờ với số tiền công làm nhũ mẫu ông Étmông. Chị ở đấy, không được tốt bằng ở trong nhà. Nhưng người thợ không thể ở như những nhà tư sản, phải không chị?
Bên một cái bàn khác, cách chổ hai cô bé một khoảng, một ông trạc tứ tuần, nghiêm nghị, cứng đờ, trong chiếc vét tông cài cúc, đội cái mũ cao, đang chăm chú đọc trong quyển sách nhỏ đã đóng bìa.
- Ông Benđi đang đọc bài Kinh Chủ nhật của ông đấy. Rôdali nói khẽ.
Ngay tức khắc, cô bé lại phá tan sự tập trung chú ý của ông Benđi, cô nói:
- Ông Benđi, đây là cô gái nói được tiếng Anh.
- A, ông ta nói, mà không ngước lên. Hai phút sau, ông mới đưa mắt nhìn cô bé.
- Cô có phải là thiếu nữ Anh không?(1)
- Thưa ngài, không, nhưng mẹ cháu là người Anh(2). Không nói thêm tiếng nào, ông ta lại say sưa đọc bài Kinh Chủ nhật.
-----------------
Chú thích: (1) Bằng tiếng Anh trong nguyên văn.
(2) Cũng bằng tiếng Anh. Mẹ Perin là người Ấn Độ, lúc này còn là thuộc địa của Anh.
----------------
Hai cô bé đã ăn xong bữa cơm. Họ nghe tiếng lăn bánh của một chiếc xe nhẹ trên đường và ngay sau đó, xe đi chậm lại trước bờ rào.
- Hình như chiếc xe ngựa trần bốn bánh của ông Vunphran! Rôdali kêu lên và nhanh nhẹn đứng dậy.
- Đúng là ông ta rồi! Rôdali vừa nói, vừa chạy ra ngoài đường.
Perin không dám bỏ chổ ngồi, nhưng vẫn dõi mắt nhìn theo.
Trong chiếu xe bánh thấp ấy có hai người ngồi: một thanh niên và một cụ già. Cụ già tóc bạc, đội mũ rơm, đang ngồi im lặng. Tuy cụ ngồi, người ta cũng thấy cụ cao lớn: đó là ông Vunphran Panhđavoan.
Rôdali tiến đến gần chiếc xe ngựa.
- Có người đến. Anh thanh niên sắp xuống xe, nói.
- Ai đó? Ông Vunphran hỏi.
Rôdali trả lời câu hỏi ấy.
- Cháu là Rôdali đây, thưa ông.
- Cháu lên mời bà cháu xuống gặp ông.
Rôdali chạy vào nhà và trở ra rất nhanh với bà Prăngxoadơ.
- Kính chào ông Vunphran!
- Chào Prăngxoadơ!
- Thưa ông, chẳng hay ông muốn sai bảo gì tôi ạ?
- Tôi muốn nói với bà về câu Ôme em bà. Tôi vừa ở đằng ấy về. Tôi chỉ gặp mụ vợ nghiện rượu của cậu ấy, đang say khước. Mụ chẳng biết cái gì hết!
- Ôme đang ở Amiêng. Chiều nay, cậu ấy mới về.
- Bà nói với cậu ấy là tôi đã được báo: “Cậu ấy cho người ta thuê phòng khiêu vũ để tổ chức một cuộc họp”. Tôi không muốn có cuộc họp đó!
- Nhưng nếu cậu ấy đã lỡ cho thuê rồi!
- Thì trả tiền lại! Nếu không sau cuộc họp, tôi sẽ mời cậu ấy ra khỏi nhà! Đó là một trong những điều kiện thuê nhà giữa chúng tôi. Tôi sẽ thi hành rất nghiêm túc. Tôi không muốn có những cuộc họp như thế ở đấy!
- Ở Phlêxen cơ mà!
- Plêxen không phải là Marôcua! Tôi không muốn dân ở xứ tôi trở thành những du mục xứ Anru hay xứ Actoa. Các bà hãy cứ như cũ. Đó là ý muốn của tôi! Bà hãy nói cho Ôme hay! Chào Prăngxoadơ.
- Kính chào ông Vunphran.
Ông ta tìm trong túi áo gilê:
- Rôdali, cháu đâu rồi?
- Thưa ông, cháu ở đây ạ!
Ông chìa bàn tay, trong đó lấp lánh đồng mười xu.
- Đây, cho cháu!
- Ôi, thưa ông Vunphran, xin cảm ơn ông!
Rồi chiếc xe đi khuất.
Perin đã nghe rõ câu chuyện, không sót một từ nào. Cái giọng điệu đầy quyền lực và cái giọng ông Vunphran dùng, để nói lên cái ý muốn của ông ta đập mạnh vào trí óc Perin hơn là những lời nói của ông ta. “Tôi không muốn có cuộc họp đó! Đó là ý muốn của tôi!”. Chưa bao giờ, em nghe ai nói với ai cái giọng như thế! Chỉ cái giọng ấy thôi cũng đã nói lên ý chí cương quyết, không gì lay chuyển nổi. Cử chỉ ngập ngừng, do dự không phù hợp với những lời nói ấy!
Với dáng hân hoan, Rôdali đã trở lại:
- Ông Vunphran cho tôi mười xu! – Vừa nói cô bé vừa đưa đồng mười xu ra khoe.
- Tôi cũng đã trông thấy.
- Cầu cho dì Đênôbi đừng hay! Nếu dì biết, dì sẽ tịch thu mất, nói là để cất hộ!
- Tôi cứ ngỡ là ông ấy không biết chị?
- Sao? Ông ấy không biết tôi ư? Ông ấy là cha đỡ đầu của tôi kia mà!
- Ông ấy hỏi: “Rôdali ở đâu” khi chị đứng ngay bên cạnh!
- Trời ơi! Ông ấy không trông thấy mà!
- Ông ấy không trông thấy sao?
- Chị không biết ông mù ư?
- Mù à?
Perin thì thầm, nhắc lại tiếng ấy hai ba lần.
- Ông ấy mù đã lâu chưa chị? – Perin hỏi.
- Đã từ lâu lắm, thị giác của ông ta yếu nhưng chẳng ai để ý! Người ta nghĩ rằng vì con trai của ông đi vắng nên ông buồn. Trước đây ông khỏe mạnh, sau đó yếu dần. Ông bị tức ngực rồi bị ho. Rồi một hôm, ông không nhìn thấy để đọc và cũng chẳng nhìn thấy để đi! Hãy nghĩ xem cả xứ này lo lắng biết bao nếu ông ta bắt buộc phải bán hay phải rời bỏ những nhà máy này! Ừ, dễ không, ông ấy chẳng thèm bỏ cái gì hết! Ông vẫn tiếp tục như thể ông vẫn có đôi mắt sáng. Những ai đã trông chờ vào bệnh hoạn của ông để làm những người chủ đều được đặt lại vào vị trí của họ - đến đây, cô bé hạ thấp giọng – mấy ông cháu và ông giám đốc Taluen ấy mà!
Dì Đênôbi đứng trên ngưỡng cửa, gọi:
- Rôdali, mày vào chứ?
- Cháu vừa ăn xong!
- Có khách để mày phục vụ đây mà!
- Chị ơi, tôi phải đi đây!
- Chị đừng lo ngại về phần tôi.
- Chiều nay, chúng ta sẽ lại gặp nhau!
Rôdali đi về phía ngôi nhà, bước đi chậm chạp như là nuối tiếc.
Rôdali đi rồi, Perin muốn ngồi mãi bên bàn như đang trong nhà mình. Nhưng đây không phải là nhà của em! Cái sân này dành riêng cho khách trọ chứ không phải để cho thợ. Thợ thuyền chỉ được đến cái sân nhỏ ở phía trong. Ở đấy, không có cái bàn, cũng chẳng có ghế dài. Bởi vậy, em rời khỏi ghế dài rồi đi lang thang trên những con đường mở ra trước mắt.
Perin bước chậm rãi, nhẹ nhàng. Một lát sau, em đã vượt qua tất cả các con đường ấy. Em cảm thấy có những con mắt tò mò đang theo dõi nên em không tiện dừng lại tùy thích. Em cũng không dám đi trở lại trong cái phạm vi ấy. Ở phía bên trên dốc, đối diện với các xưởng, em đã nhìn thấy một khu rừng với các khối xanh lục nổi bật trên bầu trời. Ở đấy có lẽ em sẽ tìm được sự yên tĩnh trong ngày Chủ nhật này. Perin có thể ngồi ở đó mà chẳng ai để ý.
Thật thế, khu rừng vắng vẻ. Những đồng ruộng bao bọc chung quanh cũng vắng vẻ, cho nên ở bìa rừng, Perin có thể nằm dài thoải mái trên đám rêu. Trước mắt em là thung lũng. Tất cả xóm làng nằm giữa. Tuy Perin biết rõ vì đã nghe bố em kể, em vẫn gần như bị lạc trong mấy con đường rối rắm, quanh co kia. Nhưng đến bây giờ, đứng ở trên cao, em đã nhận ra xóm làng y như em nhớ lại và đã miêu tả cho mẹ, trong những đoạn đường dài. Xóm làng vẫn y như em thấy, trong những ảo giác của cái đói, y như là nơi đất Thánh. Perin đã nhiều lần tự hỏi một cách tuyệt vọng không biết em có vươn tới đó được không?
Và giờ đây em đã đến tận nơi. Cái thung lũng đang trải ra trước mắt. Perin có thể lấy ngón tay đặt lên mỗi con đường, mỗi mái nhà, ở chính chỗ của nó.
Vui biết mấy vì đó là sự thật! Là sự thật, cái xứ Marôcua mà Perin đã bao lần nhắc đến như là một ám ảnh. Từ khi đến nước Pháp, em đã tìm trên tấm bạt các xe đi qua và những toa goòng nằm trong các ga như thể em cần thấy các tên ấy để tin tưởng. Marôcua không còn là quê hương của mộng tưởng lạ lùng, mơ hồ hoặc khó nắm được. Quê hương ấy có thật!
Trước mắt Perin, nhìn bên kia xóm làng, trên dốc đối diện với chỗ em ngồi, những ngôi nhà của xưởng máy nổi lên. Nhìn màu sắc các mái nhà. Perin có thể biết được sự phát triển của nhà nhà máy như có một người dân địa phương đang kể cho em nghe.
Ở chính giữa và bên bờ sông, có một ngôi nhà xưa bằng gạch và ngói đen thui. Bên cạnh đó, là một đống ống khói cao và mảnh khảnh đã bị khói, gió biển và những cơn mưa gặm mòn. Đó là xưởng cũ, xưởng kéo sợi lanh đã bị bỏ trống từ lâu. Ba lăm năm trước đây, những người có đầu óc phóng khoáng ở vùng này, khinh khỉnh nói rằng ông tiểu chủ Vunphran Panhđavoan điên rồ, thuê cái xưởng ấy để sạt nghiệp. Nhưng ông chẳng những không sạt nghiệp, mà của cải lại đến với ông! Lúc đầu, rất ít, từng xu, từng xu, rồi hàng triệu, hàng triệu. Nhanh chóng, chung quanh bà mẹ Rigônhơ (1) ấy lúc nhúc một bầy con. Nhưng đứa lớn, cấu tạo chưa tốt, áo quần xấu xí, èo uột như mẹ chúng, cũng như thường xảy ra với những ai đã trãi qua đói khổ. Trái lại, những đứa khác, tuổi trẻ hơn đều bảnh bao, khỏe mạnh. Chúng quá khỏe, với những bộ quần áo, trang trí nhiều màu sắc, không còn chút dấu vết gì của túp lều khốn khổ bằng vôi, hồ hay bằng đất sét của mấy người anh còm cõi trước tuổi. Năm tháng không in dấu trên những cái trại bằng sắt và những mặt tiền màu hồng, hay trắng bằng gạch sơn. Chung quanh nhà máy cũ, mấy ngôi nhà đầu tiên chen chúc trên một đám đất chật hẹp. Những ngôi nhà mới ở cách nhau khá xa, trên những đồng cỏ bao quanh. Một con đường sắt nối liền các ngôi nhà mới ấy. Những trụ điện và cả một mạng lưới dây điện bao bọc nhà máy trong một tấm lưới mênh mông.
--------------
Chú thích: (1)Rigônhơ: nhân vật trong huyền thoại dân gian Pháp tiêu biểu cho người mẹ có đàn con quanh mình.
--------------
Perin đứng rất lâu, loay hoay giữa những con đường rối rắm. Em đi từ những ống khói to lớn, cao rộng đến những cột thu lôi lởm chởm trên các nóc nhà với những cột điện, xe goòng đường sắt, kho than. Bằng tưởng tượng, Perin cố gắng tái hiện cái thành phố nhỏ, ngày nay đã chết. trong lúc đó, nhà máy được đốt nóng, nổi khói, quay, kêu vù vù với tiếng ồn dễ sợ mà em từng được nghe trong cánh đồng ở Xanh Đơni, khi rời khỏi Paris.
Đôi mắt Perin quay về phía xóm làng. Em thấy ở đấy cũng phát triển theo cách của nhà máy. Những mái nhà xưa, bọc sêđum đầy hoa như những chiếc áo lễ màu vàng chất đống chung quanh nhà thờ. Mấy ngôi nhà mới, còn giữ được màu đỏ của ngói mới ra lò, rải rác trong thung lũng, giữa cánh đồng và cây cối, dọc theo dóng sông. Trái với những gì người trông thấy trong nhà máy đó là những ngôi nhà xưa, với cái bề ngoài kiên cố rất dễ coi và những ngôi nhà mới trông thảm hại. Ngày xưa, có lẽ những bác nông dân ở cái làng nông nghiệp Marôcua còn sung túc hơn ngày nay, họ ở trong cái làng công nghiệp này.
Giữa những ngôi nhà cũ ấy, một ngôi nhà đồ sộ nổi lên. Người ta phân biệt được nó, cũng như khu vườn trồng cây bao quanh, dẫn đến hai cái sân cao trồng cây leo có quả chạy dài đến con sông và đưa đến bãi giặt công cộng. Cái ngôi nhà ấy, Perin đã nhận ra: Đó là nhà của ông Vunphran khi đến cư trú tại Marôcua và ông chỉ rời nơi ấy để về tòa lâu đài mới của ông. Lúc còn bé, bố em chơi ở đấy, ở chổ bãi giặt công cộng trong những ngày có đông người. Bố em còn nhớ chỗ ấy vì đã được nghe mấy cô thợ giặt kể chuyện dài về những huyền thoại của xứ sở. Sau này, bố em kể lại cho con gái nghe: “Bà tiên của mỏ than bùn”, “Những người Anh bị sa lầy” và hàng chục truyện khác mà em còn nhớ rõ như mới nghe kể tối hôm qua.
Mặt trời dọi đến, buộc Perin phải dời chỗ. Chỉ đi vài bước, em đã tìm được. Ở đây, cỏ cũng rất mềm, rất thơm như nơi cũ. Ngồi ở đấy, em cũng nhìn thấy xóm làng và cả thung lũng. Em vẫn còn ở đấy mãi đến chiều tối, lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Đã từ lâu, Perin chưa được hưởng những phút như thế này. Thật ra, em không dám đắm mình trong cái ngọt ngào của yên tĩnh để xao lãng mối lo âu. Perin không nghĩ những thử thách đến đây đã chấm dứt! Em có việc làm, cơm ăn, chỗ ngủ. Thế nhưng, đâu phải đã hết! Em còn phải phấn đấu để thực hiện ước mơ của mẹ. Chuyện ấy chừng như quá khó khăn khiến Perin run lên, mỗi khi nghĩ đến. nhưng dẫu sao, em cũng đã đến được cái đất Marôcua này. Đó cũng là một kết quả to lớn, mà trước kia, em cứ phải lo sợ không bao giờ đạt được! Bây giờ Perin không được nản chí, dù cho thời gian chờ đợi kéo dài và việc chờ đợi khó khăn mấy nữa: Em sẽ có một mái nha che thân, mỗi ngày nhận được mười xu. Đó chẳng phải là một gia tài đối với cô gái khốn khổ từng nằm ngủ trên đường, chỉ có cây phong để ăn cho đỡ đói sao!
Perin nghĩ phải khôn ngoan, tự vạch cho mình một cách xử sự. Em phải tính trước những việc nên làm và nên tránh, những lời nên nói và đừng nói. Ngày mai, cuộc đời mới của em sẽ bắt đầu. Perin thấy mình quá dốt nát để làm cái việc khó khăn này. Em hiểu ngay, đó là một việc quá sức! Nếu mẹ đến được Marôcua, chắc mẹ sẽ biết cái gì cần làm. Em chưa có kinh nghiệm, cũng chẳng thông minh lại thiếu sự cẩn thận, tế nhị cần thiết. Em không thừa hưởng đức tính quý báu của người mẹ đáng thương ấy. Em chỉ là một con bé không dựa, chẳng ai dìu dắt, khuyên bảo.
Lòng tưởng nhớ mẹ, cộng thêm cái ý nghĩ ấy làm cho đôi mắt em đẫm lện. rồi Perin khóc vì không tự kiềm chế nổi. em nhắc lại lời than, đã bao lần nói đến, từ khi rời nghĩa địa như lời than ấy có phép màu nhiệm cứu được em.
- Mẹ! Mẹ thân yêu!
Thật ra, em đã được cứu vớt, tiếp thêm sức mạnh. Mệt nhọc và thất vọng, em đã từng chìm đắm trong phiền muộn nhưng rồi được đỡ dậy. phải chăng em đã phấn đấu đến cùng vì em vẫn nhắc hoài những lời trối trăn của người chết: “Mẹ thấy con hạnh phúc”. Có thật thế không? Có phải linh hồn những người sắp chết lửng lơ giữa đất và trời và biết được nhiều điều bí mật mà người đương trần không thể nhìn thấy? tâm trạng ấy không làm cho Perin suy yếu, trái lại có lợi cho em. Em thấy tim em khỏe hơn. Em hy vọng và tin tưởng, như có một làn gió nhẹ, tỉnh thoản lướt qua, trong không khí yêntĩnh của buổi chiều. Perin cảm thấy hình như mẹ vuốt ve đôi má đẫm lệ của em. Em nghe văng vẳng bên tai, lới khích lệ cuối cùng: “Mẹ thấy con hạnh phúc!”. Tại sao lại không chứ? Tại sao mẹ em lại không ở bên em lúc này, nghiêng mình trên người em như vị thần bổn mạng! Perin có ý nghĩ muốn nói chuyện với mẹ, xun mẹ nhắc lại dự đoán đã nói với em lúc ở Paris. Tuy trong tình trạng ấy, em cũng không tưởng tượng nổi bằng cách nào, với những từ thông thường của chúng ta, em có thể nói chuyện với mẹ, như với một phụ nữ đang sống. Perin cũng không tưởng tượng được bà mẹ trả lời cho em bằng cách nào. Nhưng bóng ma không nói như người sống. chắc chắn là với những người hiểu biết cái ngôn ngữ của họ, họ mới nói.
Cũng khá lâu, em bận rộn tìm kiếm, Perin nghiêng mình trên cái bí ẩn sâu thẳm, đang lôi kéo, làm em run sợ đến cuống lên. Như cái máy, đôi mắt Perin dán chặt vào những bông cúc đại đoá đang phô những đài hoa trắng trên đám cỏ ven rừng em đang nằm. rồi em vội vàng đứng lên, nhắm mắt để tránh sự lựa chọn, em hái vài đóa hoa, Perin trở về chổ cũ và ngồi trầm lặng. với bàn tay run run vì xúc động, em bắt đầu bứt một cành hoa.
- Tôi sẽ thành công… chút ít… kha khá… hoàn toàn. Tôi sẽ thành công… chút ít… kha khá… hoàn toàn…
Perin nói như thế, rất nghiêm túc cho đến khi chỉ còn vài cánh hoa. Bao nhiêu? Em không muốn đếm vì con số sẽ là lời giải đáp. Rất nhanh, tuy tim thắt lại, Perin lại bứt các cánh hoa. Tôi sẽ thành công… chút ít… kha khá… hoàn toàn… Vừa lúc ấy, một luồng hơi ấm luồn vào mái tóc và đôi môi Perin. Đây là câu trả lời của bà mẹ trong một cái hôn, cái hôn thắm thiết nhất bà dành cho con gái.
Cuối cùng Perin quyết định đứng lên. Đêm xuống. trong thung lũng chật hẹp này và thung lũng đằng xa kia của sông Xôm, những làn hơi nước trắng xóa lơ lửng nhẹ nhàng bay chung quanh các ngọn đồi mời ảo của hàng cây to lớn. trong đêm tối, nhiều vệt sáng nhỏ lấp ló khắp nơi, hoặc len sau các tấm kính. Có tiếng ồn không rõ trong đó xen lẫn một vài tiếng hát đi qua trong không khí yên tĩnh. Perin không còn sơn phải ở lại trong khu rừng hay trên đường cái vì đã quen gian khổ. Nhưng ở lại như thế có ích gì đâu? Bây giờ em đã có một mái nhà, một cái giường. Trước kia, em từng khổ sở vì thiếu những thứ ấy! Với lại, ngày mai Perin phải dậy sớm để đi làm. Tốt nhất em nên đi ngủ sớm.
Khi Perin vào trong làng, em thấy tiếng ồn ào và tiếng hát bay ra từ các quán rượu. người ta ngồi đầy ở các dãy bàn. Mùi cà phê, mùi rượu đã hâm nóng và mùi thuốc là ngậpcả đường cái như là một tửu điếm lớn. quán rượu nối tiếp không ngớt. Có khi cứ bà nhà cũng có ít nhất một cửa hiệu bán rượu! Trong những chuyến đi qua nhiều nước, Perin đã từng vượt qua nhiều đám đông đang ngồi uống rượu. nhưng chưa ở đâu, em nghe những lời kêu gào ầm ĩ từ cách phòng thấp vang ra, như ở đây.
Khi Perin bước vào sân mẹ Prăngxoadơ, em nhìn thấy ông Benđi vẫn đang ngồi đọc sách bên cái bàn lúc ấy. Một ngọn nến đặt trên bàn có mảnh báo che ánh sáng. Mấy con bướm đêm và muỗi bay lượn chung quanh. Ông ta chẳng thèm để ý vì đang say mê đọc.
Ông ngẩng đầu lên, nhận ra Perin khi em đi gần ông. Thế rồi, để được sung sướng nói cái ngôn ngữ của nước mình, ông lên tiếng:
- Chào cô!
Perin vội trả lời:
- Xin chào ông.
- Cô đi đâu về? Ông ta nói tiếp bằng tiếng Anh.
Perin cũng dùng ngôn ngữ ấy đáp lại:
- Cháu đi dạo trong rừng.
- Một mình?
- Vâng, một mình vì cháu chẳng quen ai ở Marôcua.
- Thế thì sao cô khôngngồi ở nhà đọc sách? Ngày Chủ nhật, không gì tốt hơn là đọc sách.
- Cháu không có sách.
- Cô theo đạo Thiên chúa?
- Vâng, thưa ông.
Trên ngưỡng cửa, Rôdali đang dựa vào khung cửa, ngồi nghỉ ngơi và hít thở không khí trong lành.
- Chỉ muốn đi ngủ chưa? Rôdali hỏi.
- Muốn lắm rồi.
- Tôi sẽ đưa chị đi. Nhưng chị phải thưa chuyện với mẹ Prăngxoadơ trước đã. Nào, chúng ta vào trong cửa hiệu.
Mọi việc đã được xếp đặt từ trước giữa hai bà cháu nên được giải quyết nhanh chóng. Perin nộp hai tám xu, đặt trên quầy, cộng thêm hai xu dầu đèn trong cả tuần lễ. với dáng điệu trầm tĩnh và mền khách, mẹ Prăngxoadơ nói.
- Thế là cô muốn cư trú ở xứ chúng tôi, phải không cô bé?
- Nếu có thể, thưa bà.
- Chuyện ấy dễ thôi, nếu cô muốn làm việc!
- Cháu cũng chỉ mong có thế!
- Thế thì mọi việc rồi sẽ trôi chảy. Cô không phải chỉ nhận năm mươi xăngtim mãi mà rồi sẽ lĩnh một phờrăng, có khi hai phờrăng. Sau này, nếu cô lấy chồng, một người thợ có tay nghề giỏi, cậu ta sẽ lĩnh đến ba phờrăng. Thế là cô sẽ có tất cả một trăm xu một ngày. Với số tiền ấy, người ta giàu đấy… nếu người ta không uống rượu, chỉ có thế thôi! Thật là hạnh phúc cho cái xứ này khi ông Vunphran cho nhân dân có công ăn, việc làm. Thật ra cũng có ruộng đất nhưng ruộng đất không thể nuôi sống tất cả. mọi người đòi ruộng đất phải cho họ ăn uống.
Trong lúc bà nhũ mẫu già, có uy tín và quen được mọi người kính nể, bắt đầu lên lớp bài học ấy, thì Rôdali với tay lấy một cái gói trong tủ. Perin vừa nghe, vừa đưa mắt theo dõi. Em nhận thấy những tấm vải lót giường người ta chuẩn bị cho em làm bằng thứ vải bao bì thô, màu vàng. Nhưng đã từ lâu, em không được ngủ nệm, em thấy tấm nệm ấy dầu không êm, cũng đã là hạnh phúc cho em! Đêm nay, em được cởi áo nằm ngủ. trên đường đi, La cucơri không chi phí về khoản giường nằm nên chẳng bao giờ bà ta có ý nghĩ cho em niềm vui ấy. trước khi về Pháp, gia đình Perin chỉ còn giữ lại những tấm nệm trải giường cho mẹ. Những tấm khác trên cỗ xe, nếu không rách nát thì đã được đem bán hết rồi!
Perin cầm một nửa cái gói đi theo Rôdali! Họ vượt qua sân. ở đó có hai chục người thợ: đàn ông, đàn bà, trẻ em đang ngồi trên khúc gỗ, hoặc những phiến đá. Họ hút thuốc, nói chuyện trong khi chờ đợi đến giờ ngủ. tất cả cái thế giới ấy không biết làm thế nào mà trú ngụ được trong nếp nhà cũ kĩ, chẳng to lớn này!
Perin nhìn thấy cái giường của mình khi Rôdali thắp một ngọn nến nhỏ để sau tấm lưới bằng dây sắt và đã tìm được câu trả lời. trong một khoảng sáu mét bề dài, hơn ba mét bề rộng người ta kê sáu cái giường dọc theo phên. Ở giữa các giường có một lối đi gần một mét. Sáu con người phải ngủ ở đấy, trong lúc chỉ đủ chỗ cho hai người! Đối diện với lối ra vào có một cửa sổ nhỏ mở ra trên tường. Từ cửa chính, người ta đã ngửi mùi chua lét, nồng nặc làm Perin suýt ngạt thở. Em không dám nói nhận xét của mình, trong lúc Rôdali vừanói, vừa cười:
- Hình như chị thấy hơi chật?
- Một chút thôi!
- Bốn xu không phải là một trăm xu mà!
- Đúng thế!
Với Perin cái phòng hơn chật hẹp này còn tốt hơn ở những khu rừng, những đám ruộng. em đã quen chịu đựng cái mùi của nhà trọ bác Hạt Muối, thì chắc em sẽ chịu được cái mùi của phòng trọ này thôi!
- Giường của chị ở đây này! – Rôdali vừa nói, vừa chỉ một cái giường đặt trước cửa sổ.
Cái mà Rôdali gọi “giường” là một ổ rơm đặt trên bốn cái chân có hai tấm ván và những thanh ngang nối lại. trên giường, có một cái xắc thay gối.
- Chị biết đấy, cây dương xỉ này còn tươi. Không ai để dương xỉ khô cho khách mới đến nằm ngủ. Không phải như thế cả đâu! Người ta kể rằng trong các khách sạn, cũng chẳng ai thèm thay nệm mới cho khách.
Trong phòng nhỏ này nếu có nhiều giường thì trái lại, người ta không nhìn thấy một cái ghế nào.
- Ở trên tường có đinh. Treo quần áo ở đấy tiện lắm. Rôdali nói để trả lời câu hỏi thầm lặng của Perin.
Có vài cái hộp, cái thúng dưới gầm giường cho khách trọ bỏ quần áo. Nhưng đây không phải là trường hợp của Perin. Cái đinh đóng ở phía chân giường đã đủ cho em rồi. Rôdali lại nói.
- Chị ở đây với những người tử tế. Ban đêm, bà Noaylen hơi nhiều lời khi bà quá chén, chị đừng thèm chú ý. Sáng mai, chị dậy cùng với mọi người. tôi sẽ nói cho chị hay chị cần làm những gì để được nhận vào xưởng. Chào chị.
- Chào chị, xin cám ơn.
- Mong được phục vụ chị.