watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ai Làm được-Chương 3 - tác giả Hồ Biểu Chánh Hồ Biểu Chánh

Hồ Biểu Chánh

Chương 3

Tác giả: Hồ Biểu Chánh

Chí Ðại quá giang đi lên Bạc Liêu, nằm trong ghe dàu dàu, lúc tiếc chỗ làm ăn, lúc tủi thân lưu lạc. Có hồi anh ta nhớ tới Bạch Tuyết thì trong lòng ngần ngại, trong trí bàng hoàng, tuy anh ta chẳng có ý gì riêng, song thầm hỏi quan Phủ đương yêu mình vì cớ nào thình lình lại đuổi mình, mà chẳng có một lời thương tiếc, hay là tại trong nhà ngài có nàng Bạch Tuyết, nên ngài không muốn nuôi mình nữa chăng?
Từ lúc qua nhà Khiếu Nhàn cho tới lúc nằm dưới ghe thì Chí Ðại nhứt định về Vũng Liêm thăm mồ mả cha mẹ rồi sẽ đi kiếm chỗ làm ăn. Mà lên lới Bạc Liêu rồi, anh ta lại đổi ý, tính vào quán ở đậu ít ngày đặng kiếm thử coi có chỗ dạy học hay không, rồi sau sẽ về thăm quê quán. Chí Ðại ở đó được ba bốn ngày, may gặp ông Bá Hộ, trong nhà con cháu đông, nên chịu rước Chí Ðại về ở mà dạy học. Chí Ðại có chỗ dung thân, trong lòng hớn hở, hẹn sáng bữa sau sẽ đem đồ vô nhà ông Bá Hộ mà ở.
Chiều bữa ấy anh ta ăn cơm rồi mới đi dạo chợ chơi. Vừa xuống tới mé sông, bỗng thấy một cô gái, tuy quần áo vải bô, song gương mặt sáng rỡ như trăng rằm, tay xách gói ở dưới ghe bước lên bờ rồi đứng ngó giáo giác. Chí Ðại đứng xa xa thấy hình dạng giống Bạch Tuyết, song trong trí không chắc, bởi vì không lẽ Bạch Tuyết lên Bạc Liêu làm chi, mà dầu có lên thì không lẽ đi một mình và mặc quần áo như vậy.
Anh ta lần bước lại gần, nàng ấy day lại ngó thấy vùng kêu lớn rằng: ''Thầy ký'', mặt mày coi hớn hở mà nước mắt lưng rưng muốn chảy. Chí Ðại nghe tiếng kêu, biết Bạch Tuyết thì trong lòng khấp khởi mắt ngó cô, miệng hỏi rằng: ''Cô đi dâu lên trên nầy?” Bạch Tuyết cúi đầu lặng thinh không đáp mà hai hàng nước mắt nhỏ giọt.
Chí Ðại thấy tình cảnh như vậy không hiểu duyên cớ thế nào muốn hỏi nữa, mà nghẹn ngùng không muốn hỏi, chỉ đứng ngó cô mà thôi. Anh ta thấy cô tuy mặc áo vải quần vải song đầu có choàng khăn lụa mới, chơn có mang guốc gù ngà[1], tay lại xách một gói áo quần bùm sùm, trong lòng phát nghi nên hỏi nữa rằng:
- Cô đi với ai?
Bạch Tuyết lau nước mắt, không chịu đáp lại hỏi rằng:
- Bây giờ thầy ở đâu?
- Tôi còn ở tại quán cơm, dưới chợ đây.
- Tôi lại đó được hay không?
- Ðược mà cô lại quán làm chi?
- Thầy dắt tôi lại đó rồi tôi nói chuyện hết cho thầy nghe.
Chí Ðại dắt Bạch Tuyết về tới quán thì trời đã chạng vạng tối, mà trong quán chưa đốt đèn, Chí Ðại sợ chủ quán nghĩ việc chẳng tốt nên vừa bước tới thì nói với chủ quán rằng:
- May tôi kiếm gặp con em tôi, nên dắt lại đây hỏi thăm việc nhà một chút.
Chủ quán nghe nói thì gật đầu và khuyên nên dắt lên lầu mà nói cho tiện, chớ ở từng dưới thiên hạ ra vô lộn xộn. Chí Ðại dắt Bạch Tuyết lên tới chỗ anh ta ngủ mấy bữa rày, thì Bạch Tuyết ké né, không biết ngồi chỗ nào, Chí Ðại nhắc ghế mời cô ngồi rồi quẹt lửa đốt đèn. Anh ta muốn biểu tiệm dọn cơm cho cô ăn, cô nói rằng cô đã dùng cơm dưới ghe hồi chiều rồi.
Chí Ðại nóng nảy muốn biết coi Bạch Tuyết đi lên Bạc Liêu làm gì, rồi sao thấy mình mừng quá rồi lại khóc nên hỏi rằng:
- Cô đi đâu một mình như vầy, xin cô nói phứt cho tôi nghe thử coi.
- Chẳng giấu thầy làm chi, tôi trốn cha tôi với dì tôi nên tôi lên đây.
Chí Ðại vừa nghe mấy lời thì biến sắc, nghẹn cổ, ngồi ngó Bạch Tuyết trân trân. Bạch Tuyết cúi mặt mà nói rằng:
- Dì tôi muốn gả tôi cho thằng cháu là con Xã trưởng Tân Thuận, đặng ngày sau đoạt gia tài của ông ngoại tôi. Tôi biết mưu kế, nhứt là tôi với dì tôi đã có thù riêng, nên tôi không chịu. Dì tôi đặt điều nói tôi lấy thầy và xúi cha tôi đuổi thầy đi. Thầy đi rồi cha tôi ép gả tôi nữa. Tôi không chịu vâng lời, dì tôi lại xúi cha tôi đánh tôi sưng mình sưng mẩy và mắng nhiếc tôi xấu hổ lắm. Nếu tôi ở nhà thì tôi phải thác thân về tay kẻ thù, bởi vậy tôi mới trốn mà đi đặng lập thế báo cừu cho mẹ tôi, vì ngày trước mẹ tôi chết oan lắm.
Chí Ðại nghe nói chưng hửng, thấy phận Bạch Tuyết lao đao động lòng thương, còn quên phận mình khi không mà mang tiếng, nên hỏi rằng:
- Phận cô là gái, bỏ chốn khuê phòng ra đi như vầy, thì còn gì danh giá, mà cô lên đây gặp tôi, bằng cô không gặp thì làm sao?
Bạch Tuyết đáp rằng:
- Tôi cũng biết là phận gái ra khỏi nhà một tấc đường thì phải mang tiếng nhơ. Song tôi đã xét kỹ rồi hết, thà là tôi mang tiếng nhơ, chớ tôi không đành phối hiệp với kẻ thù. Ðể tôi thuật hết chuyện nhà của tôi cho thầy nghe, rồi thầy xét giùm coi trốn mà đi phải hay là quấy.
- Nguyên hồi trước cha tôi cưới má tôi về ở mới hơn một năm, kế sanh tôi. Khi tôi được bốn tuổi, thì cha tôi mang bịnh hút. Má tôi tánh chất yếu đuối, tuy giỏi việc nhà, song không thạo làm nghề thuốc á phiện, làng họ muốn tấn ơn nên kiếm cho cha tôi một người góa chồng để làm tiểu thiếp và làm thuốc cho cha tôi hút. Người ấy là kế mẫu của tôi bây giờ đó, má tôi vốn con nhà hiền đức nên không chịu ghen tương như người ta, bởi vậy cưới dì tôi về hơn hai năm, lớn nhỏ thuận hòa chẳng hề nghe lời chi xích mích. Tuy vậy mà ý cha tôi càng ngày càng mê sa tiểu thiếp, xài tiền phí bạc tốn hao không biết bao nhiêu, nhiều khi lại còn hất hủi giằn thúc má tôi nữa. Má tôi thấy vậy ăn ngủ không được, nên trong mình sanh bịnh. Ông ngoại tôi có một chút gái nên cưng lắm, vừa nghe má tôi đau thì cho rước thầy Ðài hốt thuốc thiệt giỏi, má tôi uống năm sáu thang thuốc thì ăn ngủ được, trong mình mạnh lại như cũ. Ông ngoại tôi mừng rỡ, chẳng còn lo sợ nữa, nên đi lên Gia Ðịnh thăm anh em chơi. Má tôi ở nhà cứ uống thuốc thêm hoài cho thiệt mạnh. Chẳng dè đêm nọ uống thuốc vô rồi trong bụng quặn đau, đi sông không ngớt, đi thét má tôi nằm liệt tới sáng thì tắt hơi. Má tôi chết rồi, cha tôi biểu đem xác thuốc ra coi thì thấy bã đậu nhiều lắm. Cha tôi thất kinh sai làng đi bắt thầy thuốc Ðài. Ông nhìn xác thuốc thì lắc đầu, thề thốt nói rằng thang thuốc ấy không phải của ông hốt. Lúc đương cãi lẽ, ông già Sen, là người của ông ngoại tôi cấp theo giúp tay chơn má tôi, ổng lén vô phòng dì tôi kiếm được một thang thuốc còn nguyên chưa sắc, mới cầm đưa ra cho cha tôi coi. Cha tôi tra hỏi coi hồi chiều bữa trước ai đi hốt thuốc. Anh Vận bây giờ có vợ ở bên Cái Tàu, ảnh chịu ảnh đi hốt thuốc, mà ảnh lại khai rằng khi ảnh đi hốt thuốc về tới cầu mát, xảy gặp bà kế mẫu tôi. Bà biểu đưa thang thuốc cho bà cầm và biểu trở xuống xuồng buộc dây lại cho chặt. Một lát anh Vận trở lên cầu, bà kế mẫu tôi trao thang thuốc lại cho ảnh đem vô nhà, ảnh đem vô đưa cho má tôi, mà bất ý nên không coi có phải thang thuốc của ảnh đi lấy đem về hay là thang thuốc nào khác. Cha tôi biểu đưa thang thuốc của ông Sen tìm được trong phòng bà kế mẫu tôi cho ảnh nhìn, ảnh mở ra coi rồi nói thang thuốc đó là thang thuốc ảnh đi lấy bên thầy Ðài đem về, bởi thầy Ðài hốt thuốc trước mặt ảnh, ảnh không nhớ mấy vị kia, song ảnh nhớ chắc có ba trái táo đỏ. Cha tôi biểu dắt thầy Ðài lên: thầy thấy thang thuốc đó thầy cũng nhận là thang thuốc của thầy hốt. Cha tôi coi lại xác thuốc của má tôi uống thì không có trái táo. Cha tôi hỏi bà kế mẫu tôi vậy chớ vì cớ nào mà thang thuốc đó trong phòng bà. Bà biến sắc ú ớ không trả lời được, cách một hồi lâu bà mới nói ai đem vô để trong phòng hồi nào bà không hay. Thầy nghĩ đó mà coi có phải bà kế mẫu tôi tráo thuốc đặng giết má tôi mà giựt chồng hay không? Việc gian ác như vậy mà cha tôi lúc đó còn làm Cai Tổng, lại không nói tới dì tôi, để giải thầy thuốc Ðài lên tòa làm cho ổng bị tòa án kêu hai năm tù. Khi ông ngoại tôi về tới nhà thì chôn cất má tôi xong hết rồi, ông ngoại tôi đấm ngực kêu trời, bỏ ăn bỏ ngủ. Cách vài hôm ông ngoại tôi nghe xầm xì chuyện tráo thuốc mới qua nhà hỏi cha tôi. Cha tôi trả lời lôi thôi, mà ý lại binh vực dì tôi, nên ông ngoại tôi giận, rầy rà một hồi rồi bỏ ra đi về, từ ấy về sau không thèm nhìn biết đến cha tôi nữa, hễ nhớ tôi thì sai người qua rước tôi về chơi, chớ ông ngoại tôi không thèm tới lui. Ông ngoại mới thuận với cha tôi chừng vài năm nay, chớ mười mấy năm trước chẳng hề khi nào chịu nói tới cha tôi. Tôi chắc chuyện nầy ông ngoại tôi chưa nói cho thầy nghe bởi vì thuở nay ông ngoại tôi chẳng hề khi nào nói với tôi. Tôi biết rõ đầu đuôi mà thuật lại đây là nhờ có ông già Sen, ổng nói với tôi. Từ khi tôi biết rồi, thì tôi oán hận dì tôi lắm, tôi quyết làm thế nào tôi cũng báo thù cho má tôi được mới vui lòng. Có khi tôi muốn dọ ý ông tôi nên tôi đem việc ấy ra mà nói, chẳng dè nói tới thì ông tôi dàu dàu nên tôi không biết ý ông tôi thế nào. Tôi nói thiệt với thầy và nói cho có mặt đèn làm chứng cho tôi. Nếu tôi chưa trả thù cho má tôi được, thì tôi không thèm hưởng giàu sang chi hết. Cái thù của mẹ tôi mang nặng quá, mấy năm nay tôi ở chung một nhà với dì tôi thì tôi đã tím ruột bầm gan rồi, cha chả có lẽ nào bây giờ tôi đi phối hiệp với cháu của dì tôi là kẻ thù cho được. Bởi tôi nghĩ như vậy tôi mới trốn mà đi đây. Miễn tôi trả được thù cho má tôi thì thôi, tôi không kể thiên hạ cười chê chi hết.
Bạch Tuyết nói mà sắc mặt giận lắm. Chí Ðại ngồi nghe cũng phát giận song anh ta có ý muốn nghe cho rõ nên cứ ngồi lặng thinh. Chừng Bạch Tuyết nói rồi, anh ta thở dài mà nói rằng:
- Chuyện của cô tôi nghe mà tức quá, tôi ở Cà Mau hơn một năm. Ông bác có nói chuyện đó cho tôi nghe đâu. Chớ chi mà tôi biết quan Phủ sử sự như vậy, nói thiệt, thà tôi nghèo đói tôi chịu chớ không dám gần. Quan Phủ hiền từ lắm mà ngài nghe lời tiểu thiếp rồi làm những việc như vậy thì lòng nhơn của ngài chẳng khác nào lòng gian ác. Hèn chi ngài đuổi tôi! Hỗm rày tôi suy nghĩ hoài chẳng hiểu vì cớ nào, ngài đương chuộng tôi khi không lại đuổi tôi, rồi chừng tôi từ giả mà đi thì ngài cũng chẳng tỏ một lời thương tiếc. Cô có nói đây tôi mới hay, chớ không thì tôi có dè đâu!
Hai người chong đèn ngồi ngang nhau, người ngó ra cửa sổ mà trong trí lo tính, còn người cúi mặt xuống đất mà khóc thút thít. Chí Ðại suy nghĩ một hồi rồi nói với Bạch Tuyết rằng:
- Phận cô làm con phải báo thù cho mẹ thì phải lắm. Nhưng mà cô chẳng nên oán quan Phủ, bởi vì con oán cha thì trái luân lý cang thường.
- Cha tôi có giết tôi đi nữa tôi cũng không dám oán. Tôi quyết trả thù là trả thù dì tôi chớ.
- Hồi cô còn nhỏ chẳng nói làm chi, từ khi cô lớn khôn rồi cô quyết báo thù sao cô không tính với ông bác?
- Tôi đã nói với thầy, hễ tôi nhắc tới chuyện má tôi thì ông ngoại tôi buồn xo. Có khi tôi tỏ ý muốn báo thù thì ông ngoại tôi cứ lắc đầu mà nói rằng người quấy để cho trời hại, mình chẳng nên kết oán mà tổn đức. Thầy nghĩ đó mà coi, ông ngoại tôi tánh ý như vậy mà tôi muốn báo thù sao đặng.
- Bây giờ cô muốn báo thù mà cô tính làm như thế nào? Cô toan giết bà Phủ cho chết hay là tính làm sao?
- Thưa thầy, tuy tôi oán dì tôi, song tôi không có lòng độc ác như dì tôi vậy được. Nếu tôi muốn giết dì tôi thì tôi cần gì phải trốn đi. Tôi muốn làm thế nào mà cáo với quan trên, đặng quan trên làm tội dì tôi mà thôi. Miễn là làm cho ra lẽ dì tôi thuốc má tôi chết cho cha tôi biết, bao nhiêu đó thì đủ rồi, chẳng cần giết dì tôi làm chi.
Chí Ðại gầt đầu, mắt ngó Bạch Tuyết trân trân và nói rằng:
- Phận gái ít ai có tánh khí như cô mà cũng ít ai có lòng nhơn như cô vậy. Cô nói mấy lời ấy làm cho tôi kính phục cô quá, làm như vậy đã trọn thảo với mẹ mà cũng không mất thảo với cha nữa. Nhưng mà cô phải xét lại cho kỹ, chẳng nên hốt tốc[2], bởi vì hốt tốc sợ việc không thành mà còn phải bị hại nữa. Nay cô muốn đến quan mà cáo bà Phủ thì trước hết cô phải có đủ chứng cớ cho chắc chắn. Quan Phủ đang có quyền thế mạnh mẽ, tôi sợ thầy Ðài với anh Vận không dám làm chứng cho cô đâu. Ðã vậy mà việc tráo thuốc xẩy ra mười mấy năm rồi, bây giờ không còn tang cớ chi hết, tôi sợ Tòa không thể làm tội bà Phủ được. Tôi chắc bấy lâu nay ông bác ôm lòng sầu mà nhịn thua, ấy cũng là vì không có tang chứng, chớ không phải lòng nhơn từ của ông đến đỗi dung thứ kẻ gian ác như vậy đâu. Không được, tôi sợ cô đi kiện không thành, mà lại bị tội cáo gian nữa.
Bạch Tuyết nghe Chí Ðại phân rõ các điều hơn thiệt, cô lấy làm tức quá nên khóc và nói rằng:
- Nếu vậy, người ta giết mẹ tôi chết rồi bây giờ tôi không thể nào báo thù cho mẹ tôi được sao?
Chí Ðại thấy cô đau đớn thì động lòng, không muốn cho cô thất vọng, nên kiếm lời nói êm rằng:
- Không phải không thể báo thù được, nhưng xin cô thủng thẳng đợi dịp thuận tiện rồi sẽ hay.
- Ðợi mười bốn năm rồi, bây giờ còn đợi đến chừng nào nữa? Chớ chi biết trước việc nầy như vậy thì tôi ở nhà tự vận mà chết phức cho rồi, đi đâu làm chi!
Bạch Tuyết khóc mùi, làm cho Chí Ðại xốn xang hết sức, song không biết lấy lời chi mà khuyên giải. Chí Ðại để cô khóc một hồi lâu cho thỏa lòng sầu, rồi mới nói rằng:
- Tôi chỉ chỗ lợi hại cho cô thấy mà thôi chớ không phải tôi nói báo thù không được. Xin cô bớt buồn để trí tỉnh táo mà lo.
- Thưa thầy, thầy là người có học, nếu thầy biết thế nào mà báo thù giùm cho tôi được thì tôi nguyện trọn đời đem thân nầy làm trâu ngựa đền ơn cho thầy.
- Nếu tôi biết kế chi thì tôi chỉ liền cho cô, cần chi phải đợi cô mượn. Tôi khuyên cô phải chậm chậm đợi ông bác đi Huế về rồi cô sẽ tính với ông. Phải có ông mới xong. Bây giờ tôi xin cô mau mau trở về Cà Mau mà ở. Có lẽ trong một vài tháng đây ông bác sẽ về, chớ không lâu lắc chi mà sợ.
- Úy! Tôi về Cà Mau sao được! Tôi về thì cha tôi bắt gả ép tôi cho cháu của dì tôi còn gì.
Chí Ðại châu mày, ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi mới nói:
- Cô phải trở về, nếu không về thì cô đi đâu? Chớ chi cô là con trai thì dễ, ngặt cô là gái, lìa nhà ra đi có dễ chi đâu. Cô phải về, cô về nhà, nếu cô không ưng cháu bà Phủ thì thôi, quan Phủ ép cô mà cô không chịu, không lẽ quan Phủ giết cô?
- Tôi nghĩ kỹ rồi hết, tôi không thể nào trở về nhà được. Dầu cha tôi không thương có đánh chết tôi đi nữa tôi cũng không phiền. Ngặt vì người ta vu cho tôi lấy thầy, tôi tức giận nên trốn mà đi, lên đến đây lại gặp thầy nữa, bây giờ nếu tôi trở về thì lời vu oan ấy thành ra lời có thiệt, tôi mang tiếng xấu với thiên hạ đã đành rồi, mà còn hổ thẹn với dì tôi nữa, tôi chịu sao được. Tôi đã nhứt định, nếu tôi không báo thù cho má tôi được thì tôi không trở về Cà Mau.
- Nếu cô không về, bây giờ cô đi đâu? Xin cô phải suy nghĩ lại: phận cô là gái, mà lại con quan nữa, cô phải trọng danh tiết hơn người thường. Cô lo báo thù cho mẹ thì đáng khen, song nếu báo thù được, mà thất tiết của mình, thì sự khen ấy sợ cân không nặng bằng sự chê đâu.
Bạch Tuyết ngước mặt ngó ngay Chí Ðại và nói rằng:
- Sự đau đớn của tôi không biết lấy tiếng chi mà nói cho thầy hiểu rõ được. Tôi tuy là con gái nhà quan, mà tánh nết tôi chắc là không giống con nhà quan khác. Con gái người ta có cha yêu, mẹ mến, từ mới biết đi biết nói cho tới chừng khôn lớn nên người, trong nhà sẵn có mẹ dạy dỗ, cha răn nghiêm, tự nhiên quen thói tục cao sang, tự nhiên nhiễm gia phong thuần hậu. Ông ngoại tôi, thì trìu mến yêu thương, mà một vài tháng mới gần gũi được một lần, hễ gặp mặt thì ông ngoại tôi khóc hoài, nên cũng không dạy dỗ chi được. Chừng tôi được mười hai tuổi, ông Sen thuật chuyện dì tôi tráo thuốc giết má tôi cho tôi nghe. Từ ấy cho đến bây giờ, tôi coi dì tôi là người thù, tôi không tin lòng cha tôi nữa, ở trong nhà tôi muốn việc gì cũng không nói cho ai biết, tính việc gì cũng không nói cho ai hay, ở với cha mẹ mà cũng như ở một mình trong rừng, dường ấy làm sao tôi giống người thường được. Xưa nay khi vui mà lại buồn thảm, khi buồn mà phải giả vui, tập quen tánh dối rồi nên với ai tôi cũng dối hết thảy, bởi vì tôi biết có ai thương tôi đâu mà nói thiệt tình với họ. Việc riêng của tôi, tôi đem mà tỏ với thầy từ hồi đầu hôm cho tới bây giờ, ấy là tôi nói ra lần thứ nhứt, chớ thuở nay tôi chưa nói cho một người nào nghe hết. Tôi thấy ông ngoại tôi thương thầy, tôi chắc thầy là người biết điều, tôi không nghi ngại chi hết, nên tôi mới dám tỏ thiệt.
Bạch Tuyết nói tới đó rồi ngưng lại, coi bộ suy nghĩ lắm. Cách một lát, cô nói tiếp rằng:
- Tôi đã tỏ thiệt việc nhà của tôi cho thầy nghe rồi, bây giờ tôi cũng bày luôn lòng dạ của tôi cho thầy biết nữa, không lẽ tôi dám dấu diếm thầy. Không biết thầy có hiểu hay không, chớ hơn một năm nay tôi coi ý ông ngoại tôi yêu thầy lắm. Tuy ông ngoại tôi không tỏ ra, chớ ông ngoại tôi nói chuyện với tôi thường thường ông nói nhiều tiếng tôi hiểu ý muốn gả tôi cho thầy...
Bạch Tuyết nói mấy lời ấy rồi coi bộ hổ thẹn, nên cô ngồi day mặt vào vách, gỡ đất dính trong móng chơn, lặng thinh một hồi lâu, rồi thở ra mà nói tiếp rằng:
- Thân phận tôi bây giờ thiệt là khổ lắm. Nếu thầy thương ông ngoại tôi, thì thầy làm ơn cứu giùm tôi. Bây giờ tôi cũng như người lạc trong rừng, không biết đường đâu mà đi, trở về thì bị tay kẻ thù, bước tới thì bị sa chơn vào đường đời nguy hiểm, thiệt tôi không biết liệu sao cho được. Vậy tôi ký thác thân tôi cho thầy, xin thầy thương giùm. Nếu thầy không cứu tôi thì thà tôi chết, chớ tôi không thể nào trở về Cà Mau.
Chí Ðại rõ ý Bạch Tuyết thì mặt mày tái xanh, mồ hôi nhỏ giọt. Anh ta đi qua đi lại một hồi rồi đáp rằng:
- Cô tính như vậy thì quấy lắm. Cô theo tôi sao được. Cô theo tôi thì cô mang nhơ, mà tôi để cho cô đi theo tôi thì tôi cũng phải mang nhục nữa.
- Nếu thầy không thương thì tôi phải chết, chớ sống sao được.
Chí Ðại đứng lại, ngó ngay Bạch Tuyết mà nói rằng:
- Sao cô biết tôi không thương cô? Vì tôi thương nên tôi giữ tròn danh tiết cho cô, chớ làm nhục cô thì thương nỗi gì?
- Chớ bây giờ tôi tính làm sao?
- Cô không hiểu việc riêng của tôi. Tôi vốn con nhà bần tiện, chút thân côi cúc không nơi nương tựa, nên lưu lạc đến Cà Mau. Ông bác có lòng nhơn từ quảng đại, đem tôi về đải như thượng khách, rồi lại kiếm chỗ cho tôi làm ăn. Cái ơn tri ngộ ấy tôi chưa đền bồi, hễ nghĩ tới thì tôi rất buồn, có lý nào tôi lại còn dám làm điều trái đạo.
- Thầy để cho tôi đi theo thầy, ấy là thầy cứu tôi trong cơn khốn khổ nầy, chớ phải thầy dụ dỗ chi đó hay sao mà thầy ngại.
- Ai biết được trong bụng ngay của tôi mà cô khuyên tôi đừng ngại?
- Tôi biết thì đủ rồi, cần gì ai nữa.
Chí Ðại gãi đầu rồi đi qua đi lại, coi bộ bối rối lắm. Bạch Tuyết ngồi ngó anh ta không nói chi hết, trong trí chờ nghe coi anh ta định lẽ nào, Chí Ðại lại đứng gần Bạch Tuyết chống tay lên ghế nói nhỏ rằng:
- Nầy cô, thiệt nếu cô biết giùm bụng tôi thì tôi không ngại nữa. Xin cô đừng có tưởng rằng tôi không thương cô. Cô tưởng như vậy tôi đau lòng lắm. Tuy tôi biết mặt cô đã hơn một năm nay rồi, nhưng mà đêm nay tôi mới giáp được mặt nói chuyện với cô thong thả. Cô đã lấy thiệt tình mà đãi tôi, không lẽ tôi giả dối với cô. Tôi nghe rõ việc riêng của cô nãy giờ, lòng tôi ái truất không thể nào nói ra cho được. Tôi nói thiệt trong đời nầy, trừ cha mẹ ra rồi chẳng còn thương ai hơn là thương cô nữa. Chớ chi thương cô mà có thể báo thù giùm cho cô được, lại cũng giữ giùm cho cô toàn vẹn danh thơm tiếng tốt thì dầu cho tôi mang hại đến nỗi tan xương nát thịt đi nữa tôi cũng chẳng xá gì. Ngặt vì thân tôi côi cúc, phận tôi bần cùng, đã không có thế lực, mà cũng không có tiền tài, bởi vậy dầu thương cô tôi cũng chẳng biết làm sao giúp cô, thế thì cô theo tôi cô đã nhơ danh mà lại không có ích gì.
Bạch Tuyết đáp rằng:
- Mấy lời thầy nói hồi nãy tôi nghĩ phải lắm: thủng thẳng mà tính chớ không nên hốt tốc. Vậy thì tôi đi theo thầy đỡ ít ngày rồi sau ông ngoại tôi về rồi sẽ tính, chớ biết làm sao?
- Còn một điều nầy lấy làm khổ cho cô nữa; cô vốn con nhà sang trọng. Thuở nay ăn no ngủ kỹ, vào ra kẻ dạ người thưa, phận tôi nghèo nàn hèn hạ, cô kết tóc với tôi sợ e cô phải dầm sương gội nắng cực khổ thân cô.
- Việc đó là việc riêng của tôi, xin thầy chớ lo. Tôi vốn con quan, mà thầy dám chắc thuở nay tôi sung sướng sang trọng lắm sao? Thuở nay thân tôi thiệt no ấm, song trí tôi sầu não, nghĩ chẳng có khổ nào hơn. Thà là tôi cực khổ mà có người yêu mến cho tôi bày tỏ việc buồn của tôi, còn hơn là trở về sung sướng mà phải phối hiệp với kẻ thù, hoặc phải chết không trả oán cho mẹ được.
- Nãy giờ tôi lo là lo cho phận cô. Còn phận tôi, xin cô cũng lo giùm một chút chớ. Tôi mà dắt cô đi, tuy là vì tình vì nghĩa, vì thương yêu nhau, vì biết bụng nhau nhưng mà đối với thiên hạ tôi lấy làm hổ thẹn lắm. Tôi kết tóc trăm năm với cô, chi cho khỏi thiên hạ dị nghị, họ nói tôi giúp việc với quan Phủ, thấy cô giàu sang nên khuyến dụ cô. Mà đối với thiên hạ thì tôi ít lo, chớ thiệt đối với ông ngoại cô, tôi lấy làm thẹn thùa quá. Tôi nói chắc, hễ cô với tôi thương nhau thì không khi nào tôi dám thấy mặt ông ngoại cô nữa.
- Tôi có dặn ông Sen ở nhà chờ ông ngoại tôi về thuật rõ việc khổ của tôi cho ông ngoại tôi nghe. Hễ ông ngoại tôi biết rồi thì thầy có quấy chi đâu mà ngại.
- Thế nào ông lại không nghi, mà dầu ông không nghi, tôi làm như vầy thì trái đạo nghĩa lắm.
- Nếu thầy tính hơn thua, phải quấy hoài, thì thân tôi còn gì?
Bạch Tuyết tủi lòng, nên ngồi khóc nữa. Chí Ðại thấy vậy xốn xang không chịu được nên bỏ đi lại đứng cửa sổ mà ngó ra ngoài. Trời đã khuya rồi, trong quán đều ngủ hết, dưới đường vắng vẻ, không có một người qua lại.
Anh ta suy tới tính lui, không biết liệu thế nào cho xong, nếu mình giữ cho toàn danh nghĩa của mình, dắt Bạch Tuyết trở về Cà Mau mà giao lại cho quan Phủ thì sợ cô cùng trí rồi cô tự vận, tội ấy tại mình; còn nếu mà mình đem cô ấy đi kiếm chỗ mà giấu đặng chờ Bạch Khiếu Nhân về, thì lại e trai tơ gái lịch gần gũi nhau không thể giữ gìn cho trọn lễ nghĩa được.
Anh đứng suy nghĩ, một lát đứng ngó Bạch Tuyết một cái, thấy cô hình dung đẹp đẽ, sóng sắc dồi dào, đã vậy mà đêm khuya thanh vắng tình cảnh ngổn ngang, làm cho anh ta như dại như ngây bỏ trở đi vô, lúc gần tới bạch Tuyết ngồi nói rằng:
- Trời khiến như vậy, còn biết sao mà liệu.
Bạch Tuyết nghe mấy lời vùng đứng dậy, khít bên mình Chí Ðại, nước mắt nước mũi chàm ngoàm, ngó Chí Ðại một cách hữu tình mà nói nho nhỏ rằng:
- Em cảm ơn thầy lắm.
Chí Ðại đứng ngó trân trân, không nói chi được hết, chỉ gục mặt xuống đất mà khóc.
Hai người khóc một hồi lâu, bỗng nghe đồng hồ gõ năm giờ, ngoài đường thiên hạ đi lại nói chuyện inh ỏi, trong quán kẻ làm công thức dậy mở cửa lộp cộp. Bạch Tuyết lấy gói vàng trao cho Chí Ðại và hỏi coi tính sáng ngày dắt nhau đi đâu.
Chí Ðại mở gói thấy vòng vàng kiềng nhiều quá thì lòng chẳng vui nên nói rằng:
- Cô đem vàng theo nhiều chừng nào càng nhục thêm cho tôi nhiều chừng ấy.
- Ðồ nầy của ông ngoại em sắm riêng cho em, chớ không phải của cha em đâu.
- Của ai cũng vậy.
- Nếu thầy không vui thì em bỏ, em không cần đeo vòng đeo kiềng chi đâu.
- Ðể sáng tôi gởi về trả cho quan Phủ.
- Tự ý thầy, thầy tính sao cũng được.
Sáng ngày Chí Ðại kiếm một cái hộp, bỏ hết vòng kiềng vào rồi đem lên nhà dây thép mà gởi về cho quan Phủ tại Cà Mau. Anh ta đến nhà ông Bá Hộ nói dối rằng anh ta có việc nhà phải trở về cho mau, nên chưa dạy học đi dắt Bạch Tuyết xuống tàu về Vũng Liêm.
Chí Ðại về tới quê quán, ở đậu nhà phó xã Măng một bữa, đem Bạch Tuyết ra lạy mồ mả cha mẹ, rồi dắt nhau đi Sài Gòn, mà trước khi ra đi lại căn dặn vợ chồng phó xã Mang, nếu có ai đến hỏi thăm thì đừng nói có anh ta về đó.
Chí Ðại làm việc tại Cà Mau hơn một năm, tuy ăn ở khỏi tốn tiền song phải mua sắm quần áo, xài phí chút đỉnh, nên lúc ra trong mình chỉ còn dư được 50 đồng mà thôi.
Ở Bạc Liêu mấy ngày rồi về Vũng Liêm hao tốn nữa, nên khi lên tới Sài Gòn, trong túi còn có hai mươi lăm đồng. Tiền riêng của Bạch Tuyết còn được bốn mươi lăm đồng, hai người nhập chung thì thành số bảy chục đồng.
Hai vợ chồng không quen biết với một người nào ở Sài Gòn, nên lên tới đó không có chỗ ở đậu đặng kiếm sở làm, phải ở tại khách sạn Phước Lai, cứ mỗi ngày phải trả tiền phòng sáu cắc bạc. Vợ chồng nghĩ mình tiền bạc, hẹp hòi, còn kiếm chỗ làm cũng không chắc được, bởi vậy ăn xài tiện tặn hết sức, ăn cơm thì lại quán mua canh cải thịt kho sơ sài, đi chơi thì cứ dắt nhau đi bộ. Chí Ðại làm đơn vào sở Trường Tiền mà xin chỗ làm, thì họ nói không có chỗ trống, nên không thế cho được.
Bữa sau anh ta nghe nói sở Ba Son dễ xin mới làm đơn men tới nào dè đã có nhiều người vào đơn xin trước rồi nên họ bắt thi.
Tuần sau Chí Ðại vào thi đậu số 2, trong bụng mừng thầm chắc sẽ có chỗ làm chẳng dè họ biểu số l đi làm liền, còn số 2 phải chờ ít ngày, chừng nào có giấy đòi sẽ đi làm.
Chí Ðạt lật đật về khách sạn, nói lại cho vợ hay, tưởng là trong năm ba bữa họ sẽ kêu đi làm, té ra chờ hơn hai mươi ngày mà cũng chưa thấy tin tức chi hết. Anh ta nóng nảy làm đơn vào nhắc, thì họ biểu chờ chừng nào có chỗ trống họ sẽ kêu.
Ở Sài Gòn gần giáp tháng, túi nhẹ, mà chưa có chỗ làm. Chí Ðại buồn rầu, ban ngày đi thất thơ, ban đêm nằm nhau nháu.
Ðêm nọ, khách ở mấy phòng đều ngủ hết, anh dậy chong đèn ngồi mà lo, dòm thấy Bạch Tuyết nằm ngủ, tay gác qua trán mà mặt sáng như hoa nở, miệng vui như chúm chím cười, thì động lòng thương, rơi nước mắt.
Bạch Tuyết giựt mình mở mắt thấy chồng ngồi khóc. Chẳng hiểu việc gì, nên tay vịn chồng mà hỏi rằng:
- Có việc chi mà thầy buồn dữ vậy?
- Hôm ở dưới Bạc Liêu tôi đã nói với cô rằng tôi không có thể giúp ích cô được, mà lại sợ cô theo càng khổ thân cô...
- Bây giờ thầy ăn năn hay sao?
- Không, việc tôi làm lỡ rồi bây giờ dầu nát thân tôi, tôi cũng vui lòng, có lẽ nào tôi ăn năn. Tôi lo là lo cho phận cô đó mà thôi chớ.
- Xin thầy đừng lo cho em, bởi vì nếu tại em mà phải nhọc lòng thầy thì em buồn lắm.
- Vậy chớ cô quên báo thù cho mẹ hay sao?
- Làm sao mà em quên được. Em nghe thầy nói để thong thả ngày sau sẽ tính nên em làm lơ lảng mà chờ chừng nào thầy liệu được thì em cậy thầy làm chớ.
- Sự báo thù cho cô tôi coi khó lắm mà bây giờ cái khổ đã rấp tới nữa, bởi vì tiền bạc đã gần hết mà tôi kiếm chưa đươc chỗ làm. Nếu mai mốt hết rồi lấy chi mà nuôi nhau. Tôi đã nói trước với cô khổ lắm, cô ơi?
Chí Ðại nói tới đó nước mắt tuôn đầm dề. Bạch Tuyết lấy khăn lau nước mắt cho chồng và to nhỏ khuyên rằng:
- Xin mình đừng buồn, ở đời ai khỏi cực; có cực rồi chừng được sung sướng mới vui, chớ từ nhỏ chí lớn sung sướng hoài thì biết vui là gì. Nói cùng mà nghe, ví như Trời không thương, bắt đôi ta khốn khổ quá chịu không nổi, thì vợ chồng ta nằm ôm nhau mà chết cũng vui lòng, xin mình đừng buồn việc chi hết.
Chí Ðại nhìn vợ trong lòng khoan khoái vô cùng, mấy lời vàng đá ấy làm cho anh ta rất phỉ tình, mà cũng đau đớn. Bạch Tuyết thấy chồng thương cảm, thừa dịp nói rằng:
- Mình đừng kêu tôi bằng cô nữa chớ. Tiếng cô nghe vô tình quá.
- Thì em cũng đừng kêu qua bằng thầy nữa.
Hai người cười với nhau rồi kè vai nằm ngủ.
Chí Ðại tính không đợi sở Ba Son kêu nữa được, nên mấy ngày sau đi rảo khắp mấy hãng buôn xin chỗ mà làm. Ði tới đâu họ cũng hỏi trước đó có làm việc tại hãng nào hay không. Chí Ðại thiệt thà cứ nói tự thuở nay chưa giúp việc cho hãng nào hết, nên không hãng nào cho làm.
Bữa nọ Chí Ðại nghe nói Tòa Tân Ðáo có thiếu một người lon ton[3] đi giấy anh ta muốn xin vào làm đỡ, song làm việc hạ tiện sợ vợ không vui, nên về dọ thử bụng vợ rằng:
- Bạc của mình bây giờ còn có mười mấy đồng nếu đóng sòng phẳng mà chờ cho có sở sang trọng mới làm, thì vợ chồng ta chắc chết đói. Qua nghe nói Tòa Tân Ðáo đương cần dùng một người đi giấy qua muốn xin vô mà làm đỡ, ngặt làm tay sai cho người ta thẹn thùa quá nên qua chưa nhứt định.
Bạch Tuyết đáp rằng:
- Tìm vinh lánh nhục là lẽ thường. Nhưng mà em nghĩ nếu mình có tiền ở không mà ăn, thì thân mình mới khỏi ai giằn thúc; chớ mình nghèo đi kiếm chỗ làm ăn, làm chỗ nào lại khỏi bị người ta sai khiến. Chừng nào mình làm quấy, gạt gẫm người ta mà lấy tiền, hoặc chém giết người ta mà giựt của thì mới nhục. Xin anh đừng ngại chi hết, bất luận sang hèn, anh coi chỗ nào làm được thì anh xin mà làm, miễn là có chỗ dung thân rồi em sẽ đi may mướn vá thuê với anh kiếm tiền mà độ nhựt.
Chí Ðại nghe được mấy lời vàng đá, trong lòng đang buồn mà hóa ra vui. Rạng ngày anh ta vào Tòa Tân Ðáo xin đi lon ton.
Quan bằng lòng cho làm và định lương mỗi tháng là chín đồng. Anh ta vào làm việc gặp thầy tên Tú, vốn là bạn học anh ta hồi trước ở Vĩnh Long, vì thi rớt không vào trường Mỹ Tho được nên xin việc làm. Chí Ðại ngó thấy mừng rỡ hết sức, nên lật đật chạy lại hỏi thăm. Chẳng dè thầy nọ làm lơ, đã không chịu quen với Chí Ðại, lại còn bắt lỗi Chí Ðại vô phép làm cho Chí Ðại hổ thẹn mà nực cười, thẹn là thẹn thân hèn hạ, cười là cười thói kiêu căng, thầm nghĩ chớ chi mình giàu sang, chắc người không quen cũng xúm lại niềm nở.
Tối lại Chí Ðại thuật chuyện vô tình của thầy Tú lại cho Bạch Tuyết nghe, thì vợ tức cười, chớ không phiền trách. Anh ta thấy vợ chồng đồng tâm hiệp ý thì vui vẻ vô cùng, mới tính với vợ rằng mình ăn lương mỗi tháng chín đồng, tính ra nhầm một ngày có ba cắc. Ở khách sạn mỗi ngày tới sáu cắc, còn ăn cơm hết ba bốn cắt nữa, nếu ở như vậy hoài thì làm sao mà đủ xài nữa.
Bạch Tuyết khuyên chồng kiếm chỗ ở đậu đặng đỡ tốn hao, rồi cô ta kiếm áo quần may mướn đặng thêm tiền chút đỉnh. Bữa sau Chí Ðại làm quen với lon ton Thiệt rồi xin ở đậu mỗi tháng chịu một đồng bạc tiền phố.
Lon ton Thiệt chịu cho, song nài phải chịu phân nửa tiền phố là một đồng rưởi. Chí Ðại bằng lòng, mua một cái chõng, một chiếc chiếu và sắm chén đũa, nồi trách, rồi dọn dẹp về ở với lon ton Thiệt trên phía Cầu Kiệu.
Bạch Tuyết vì thương chồng nên không nệ cực khổ, hễ khi chồng đi làm thì cô ở nhà lãnh áo quần mà may mướn, mỗi tháng kiếm được năm bảy đồng nhập với lương của Chí Ðại thì đủ xài không thiếu hụt bữa nào.
Tuy chồng nghèo mà cô chẳng buồn, tuy chồng hèn hạ mà cô cũng kính luôn luôn, chẳng làm điều chi, chẳng nói chi mích bụng chồng mà thấy thiên hạ giàu sang cô cũng không phân bì so sánh.
Chí Ðại làm lon ton là tính làm đỡ chờ sở Ba Son kêu chẳng dè làm đến bốn tháng mà cũng chưa nghe tin tức. Bữa nọ anh ta đi làm về thấy Bạch Tuyết có sắc buồn. Tối lại anh to nhỏ với vợ rằng:
- Vì qua nên em hư danh xủ tiết, vì qua mà em phải cực hèn. Qua là đứa bất nghĩa, nhờ ơn ông, trở làm xấu cho ông, qua là đứa tiểu nhơn không cứu em lại làm cho em mang hại, bởi vậy ngày nay trời đất phạt qua nghèo hèn cực khổ như vầy đã đành rồi. Thảm cho em vì muốn báo thù cho mẹ mà phải hư thân, thiệt qua nghĩ đến việc ấy chừng nào, qua càng nát gan đứt ruột chừng nấy. Qua tính với em như vầy: có lẽ lúc nầy ông ngoại đi Huế đã về rồi, vậy để cho qua đưa em về Bạc Liêu đặng hỏi coi như ông ngoại về thiệt rồi, thì em ở với ông ngoại cho thân em hết cực khổ nữa.
Bạch Tuyết nghe nói vùng ngồi đậy hỏi rằng:
- Anh về với em hay không?
- Qua về sao đặng?
- Sao vậy?
- Qua còn mặt mũi nào dám thấy ông nữa.
- Em đã nói lỗi nầy tại em, chớ nào phải tại anh hay sao mà anh ngại.
- Qua không biết kiên tâm trì chí, bởi vậy lỗi tại qua chớ nào phải tại em.
- Thôi anh đừng cãi chi nữa cho thất công. Em nói thiệt nếu anh chịu về Cà Mau với em thì em mới đi, bằng không thì anh ở đâu em ở đó, giàu nghèo chẳng cần gì.
- Em cần phải về Cà Mau đặng toan mưu lo kế với ông ngoại mà báo thù cho má chớ.
Bạch Tuyết nghe nhắc việc báo cừu thì ngồi lặng thinh suy nghĩ một hồi rồi nắm tay chồng mà khóc và nói rằng:
- Em muốn báo thù cho má lắm. Ngặt vì anh đang gặp hồi hoạn nạn như vầy, em không nỡ lìa anh một ngày đặng. Thôi việc ấy để thủng thẳng ngày sau sẽ tính, chớ bây giờ em về, em sợ cha mẹ không thương lại càng khổ cho em nữa.
Chí Ðại thấy vợ có tình có nghĩa quá như vậy càng kính trọng hơn nhiều nữa.
Ngày qua tháng tới thấm thoát Chí Ðại làm lon ton tính đã quá một năm. Bữa nọ Bạch Tuyết có nghén mà lại cảm phong sương nên nóng vùi. Chí Ðại lo sợ, chạy đi kiếm thầy hốt thuốc cho vợ, nên đi làm trễ hết một giờ. Ông chủ vô nhà giấy kêu lon ton hai ba lần mà chẳng thấy mặt Chí Ðại, ông giận rầy la om sòm, rồi chạy giấy phạt tám ngày lương. Chừng Chí Ðại bước vô, nghe chuyện như vậy thì sợ nên lật đật vô năn nĩ ông chủ mà xin lỗi. Anh ta năn nĩ hết sức mà ổng không tha.
Anh trở ra bàn mà ngồi, phần thì lo cho vợ ở nhà, phần thì buồn vì nỗi bị phạt, nên ông chủ kêu hai ba tiếng mà anh ta không nghe. Ông chủ tưởng anh ta cứng đầu cứng cổ, nên kêu vô đánh hai bốp tai rồi chạy tờ xin đuổi.
Chí Ðại bị đánh lấy làm nhục nhã, tức giận muốn bỏ đi về, song nghĩ nhà nghèo vợ đau, nếu không nhẫn nhịn thì e khốn khổ hơn nữa nên phải dằn lòng ở mà làm. Chẳng dè sự nhẫn nhịn ấy không có ích gì bởi vì cách ba bữa có giấy quan trên cho đuổi, ông chủ kêu Chí Ðại vô mà cho hay, rồi dạy phải ra khỏi sở ngay lập tức. Chí Ðại hay tin chẳng lành ấy thì sảng sốt, tuy trong trí lo không có chỗ làm ăn, song bước chơn ra về lòng chẳng tiếc chúc nào hết. Anh ta về nhà thuật lại chuyện ấy cho vợ hay rồi vợ chồng nhìn nhau coi bộ buồn lắm.
Sáng bữa sau Chí Ðại kiếm chỗ khác xin làm, đi luôn trọn năm ngày mà chưa kiếm được chỗ nào hết. Trong rương còn có sáu bảy đồng bạc, anh ta lấy hốt thuốc cho vợ uống và mua gạo mua cá mà ăn, trong mấy ngày thì tiêu hết.
Bữa nọ hết tiền không biết lấy chi mua gạo mà ăn, Bạch Tuyết mới khuyên chồng đem một mớ quần áo ra tiệm cầm đồ mà cầm. Chí Ðại cùng thế rồi nên mới bất đắc dĩ đi, nhưng quá đau đớn trong lòng nên rưng rưng nước mắt.
Cầm mớ quần áo được ba đồng bạc đem về ăn xài mới năm sáu bữa thì hết nữa, mà cũng chưa có chỗ làm.
Bạch Tuyết nhờ uống thuốc nên hết nóng lạnh, mà dầu khỏi tốn tiền thuốc nữa, song cơm gạo không thể nhịn đặng, bởi vậy ba mớ áo với bốn cái quần lãnh của cô lần lần đã vào trong tiệm cầm đồ hết.
Chí Ðại lo sợ nên đi tối ngày không về nhà. Chiều bữa kia đi mỏi chơn quá mới lại ngồi trên cái băng để tại cầu Thủ Ngữ mà nghỉ.
Trên trời mây giăng đen kịt, dưới sông nước chảy lờ đờ. Người có việc buồn thấy cảnh như vầy càng buồn thêm.
Chí Ðại ngồi lo nỗi nhà không có gạo, mà vợ lại gần lâm bồn thì chua xót trong lòng, rồi thấy cảnh u ám dường như dục lòng buồn thêm, thì thối chí muốn nhào xuống sông Bến Nghé mà trả phức nợ trần cho rồi. Vừa tính cùng như vậy Chí Ðại liền nhớ tới Bạch Tuyết, nên ngồi ngó mặt nước trân trân mà suy nghĩ rằng: ''Bạch Tuyết vì muốn báo thù cho mẹ nên trao thân gởi phận cho mình, mình đã biết không đủ sức giúp người mà không dằn lòng được, làm cho phải thất tiết với mình bao nhiêu đó mình đã có tội nhiều rồi. Nay thấy nguy hiểm lại giựt mình muốn tìm đường mà tránh sao”. Chí Ðại vùng đứng dậy rồi lầm lũi đi về nhà.
Ðêm ấy anh ta không ngủ được, nằm tính trong trí rằng, nghề nào cũng nghề làm ăn, rất đỗi bọn cu ly kia, nó còn nuôi được vợ con nó thay, mình cũng đủ tay đủ chơn như nó, lý gì mình không chịu làm như nó. Anh ta sợ vợ buồn, nên không nói cho vợ hay.
Rạng ngày sau, thức dậy mặc áo quần cũ đi tuốt xuống nhà ga xe lửa Mỹ Tho tính kiếm mà vác mướn. Lúc Chí Ðại bước vô nhà ga xe lửa gần chạy nên thiên hạ lộn chộn, kẻ chen lấn mua giấy, người lật đật bưng đồ còn sắp bam bù đứa chạy đầu nầy xin vác rương, đứa chực đầu kia xin xách gói.
Tuy hồi hôm Chí Ðại đã quyết chí ra đó mà làm mướn, song đến nơi rồi thì mắc cỡ nên bợ ngợ đứng ngó, chớ không đành chạy tò tò theo người ta mà năn nỉ xin vác đồ, bởi vậy xe chạy rồi mà anh ta còn ngẩn ngơ chưa tỉnh lại.
Xe lửa chạy rồi, thiên hạ tản lạc lần lần, trong nhà ga còn có một khách đứng chơi vơi với vài tên bam bù ngồi ăn bánh.
Chí Ðại ra phía sau khoanh tay dựa lưng vào vách mà nghĩ thầm rằng làm bam bù thiệt là đê tiện mà nếu sợ xấu hổ không chịu làm thì mai mốt tiền đâu mà mua gạo ăn, rồi chừng vợ đẻ lấy chi mà nuôi nó.
Anh ta quyết chí chờ xe Mỹ Tho lên sẽ làm, chớ không dụ dự nữa.
Gần bảy giờ rưỡi rồi, nghe có tiếng xe lửa síp-lê[4] xa xa.
Xe kiếng[5], xe kéo chạy lại nhà ga rần rần, còn bam bù, cu ly[6] cũng tựu hội đông nức. Những người đi đón rước bà con đứng dọc theo mé nhà ga, còn bọn chực xách gói đứng dài theo đường xe lửa.
Chí Ðại bước lại gần bọn vác đồ. Cu ly đứa nào cũng tranh đứng trước, nên chen lấn nhau đấm cú nghe đùi đụi. Chí Ðại thấy vậy lấy làm buồn nên đứng sau xa mà ngó, chớ không dám bước lại gần.
Xe lửa vừa chạy tới, bọn cu ly nhảy ào lên, xô lấn nhau, có đứa té nhào xuống xe gần bị cán. Chí Ðại lắc đầu, thấy nghề hèn hạ mà còn giành giựt với nhau mới làm được thì thối chí ngã lòng, nên xây lưng đi về, tính mướn xe kéo mà kéo, tuy mệt một chút mà khỏi năn nỉ giành giựt.
Tối lại, Chí Ðại khóc mà tỏ thiệt với vợ việc mình tính làm hồi sớm mai mà không làm được và luôn dịp cũng nói mình quyết sáng ngày mai sẽ đi mướn xe mà kéo.
Bạch Tuyết nghe nói biến sắc, ngồi nhìn chồng một hồi rồi rơi lụy chứa chan, nói rằng thà hết tiền thì vợ chồng nằm ôm nhau mà chết một lượt còn vui lòng hơn nhiều.
Chí Ðại phải lấy lẽ phải quấy mà khuyên vợ lại.
Bạch Tuyết cản hết sức không được, nên sáng bữa sau phải để cho chồng đi, mà Chí Ðại vừa ra khỏi nhà thì cô cũng đội khăn đi nữa, tính đi kiếm chỗ làm mướn, chớ không để cho chồng cực khổ một mình, may có vợ lon ton Thiệt chạy theo níu lại, nói rằng có bụng có dạ phải dưỡng lấy thai, nên cô mới chịu trở vô nhà nằm mà khóc.
Chí Ðại thế giấy thuế thân mướn được một cái xe kéo. Khi thay áo xám quần cụt rồi nắm gọng xe kéo ra ngoài đường thì mặt mày tái xanh, trong lòng lạnh ngắt, hai hàng nước mắt rưng rưng.
Bữa đầu, ăn cơm và trả tiền xe rồi còn dư được chín cắc, Chí Ðại đem tiền về đưa cho vợ, Bạch Tuyết gượng gạo thò tay lấy tiền mà nước mắt chảy dầm dề.
Chí Ðại thấy vợ như vậy, phải gượng làm vui và không dám than mỏi mệt.
Kéo xe được mười ngày, mỗi ngày dư được năm, bảy cắc hoặc một đồng, đều đưa hết cho vợ cất. Bạch Tuyết không thể cản chồng được, mà phận mình mang mên gần ngày nên không thể giúp chồng thì buồn rầu hết sức.
Bữa nào cũng vậy, chồng đi kéo xe ăn cơm ngoài quán, vợ ở nhà không nỡ ăn cá thịt, cứ mua nước mắm húp mà nuốt cơm.
Ðêm nọ Chí Ðại hỏi vợ rằng:
- Em có tính thử coi ngày nào đẻ hay không?
- Em tính chắc tháng tới đây, lối chừng mùng năm, mùng sáu.
- Em gần ngày qua lo quá. Mình không có tiền dư lại ở đậu với người ta, chừng em đẻ tiền đâu mà thuốc men. Còn em đẻ ở nhà đây, biết vợ chồng anh lon ton Thiệt có vui lòng hay không?
- Hôm nay vợ anh lon ton Thiệt theo biểu em đẻ ở nhà hoài. Song em nghĩ ở nhà bất tiện lắm, bởi vì nhà chật, phần thì anh không có ở nhà. Vậy em tính em vô nhà thương thí trong Chợ Lớn mà nằm, chừng cứng cáp sẽ về.
- Em tính như vậy cũng xong, bởi vì việc sanh sản qua không hiểu chi hết, nếu đẻ ở nhà qua sợ quá.
Qua bữa mồng năm, Chí Ðại muốn ở nhà với vợ, Bạch Tuyết nói rằng bụng chưa đau đớn chi, nên chắc là chưa đẻ. Chí Ðại yên lòng mới đi kéo xe.
Ðến trưa, may gặp mối đi Tân Ðịnh, anh ta thừa dịp ấy mới đi thẳng về nghỉ một lát, chừng sửa soạn ra kéo xe đi nữa thì nghe vợ nói đau bụng. Anh ta lính quýnh hối vợ lên xe đặng anh ta kéo chạy riết vô nhà thương.
Ðường tuy xa song anh ta lo quá, nên chạy không biết mệt. Vô tới nhà thương, cậy mụ coi giùm thì họ nói tới tối mai mới đẻ. Chí Ðại để vợ ở đó kéo xe đem về trả cho chủ rồi mới trở vô thăm vợ.
Ðúng bảy giờ tối, Bạch Tuyết sanh được một đứa con trai, tóc đen mắt lớn, coi mạnh dạn lắm, vợ chồng thảy đều mừng rỡ. Bạch Tuyết móc túi lấy đưa cho Chí Ðại mười hai đồng bạc mà nói rằng:
- Anh lấy tiền đây mà cất giùm chút.
- Tiền đâu đó vậy?
- Hai mươi mấy ngày rày anh đưa cho em nên em để dành đó, chớ tiền ở đâu.
- Vậy chớ em không ăn xài hay sao mà tiền còn dữ vậy?
- Anh cực khổ quá mà em ăn xài sao đành. Anh cất giùm tiền rồi chừng em về sẽ mua mền và mua vải may quần áo cho con bận.
Chí Ðại lấy tiền bỏ túi, nghĩ tới tánh tình của vợ lại càng thương hơn trước nữa. Bạch Tuyết nằm trong nhà bảo sanh mười ngày, Chí Ðại ở nhà ban ngày đi kéo xe, ban đêm rảnh vô thăm vợ thăm con, chẳng sót bữa nào.
Qua ngày thứ mười một nhà thương không cho nằm nữa, Chí Ðại mới kéo xe vô rước vợ con đem về. Bạch Tuyết cứng cáp, ăn ngon, ngủ được, nên về nhà ra vô như thường. Chí Ðại có con thì thêm một mối lo nữa, nên ngày đêm kéo xe không dám nghỉ.
Bạch Tuyết tuy mạnh, song quanh quất một mình chẳng có ai giúp đỡ ban ngày, phải nấu cơm mà ăn, ban đêm phải thức mà săn sóc con cực nhọc dồn dập nên chưa đầy tháng mà đã mang bịnh thũng. Chí Ðại thấy vợ đau thì lo sợ, chạy mua thuốc lăng xăng, có mười mấy đồng bạc dư đem ra xây xài gần hết mà bịnh không thấy giảm.
Bởi Bạch Tuyết đau nên sữa không được tốt. Con bú sữa ấy rồi cũng sanh bịnh nữa, nên ngày đêm không ngủ cứ la khóc hoài. Bạch Tuyết trong mình không giỏi dỗ con không được. Chí Ðại thảm thiết, không đành bỏ vợ ở nhà mà đi kéo xe, nên phải ở nhà bồng con cho vợ nghỉ. Thằng nhỏ không đủ sữa bú nên la khóc om sòm, Chí Ðại bồng con mà ru, hai hàng nước mắt nhỏ giọt. Chí Ðại không đi kéo xe năm ngày thì trong nhà không còn một xu muốn mua cho con một hộp sữa bò thì không tiền mà mua, muốn hốt cho vợ một thang thuốc bắc, thì hốt chịu họ không hốt. Anh ta lấy làm bối rối, mới cậy lon ton Thiệt hỏi giùm cho năm đồng bạc, hứa góp mỗi ngày bốn cắc, góp mười lăm ngày thì dứt nợ.
Họ không chịu cho bạc rẻ như vậy, nài phải góp mỗi ngày năm cắc. Chí Ðại phần không thuốc cho vợ uống, phần không sữa cho con bú, túng thế quá nên phải chịu lấy năm đồng bạc góp nửa tháng, mỗi ngày gốp năm cắc.
Lấy năm đồng bạc về thì lật đật đi mua một hộp sữa bò cho con và rước thầy coi mạch hốt thuốc cho vợ liền. Thằng nhỏ có sữa bú thì bớt khóc một chút, còn Bạch Tuyết có thuốc uống mà bịnh không thấy giảm bao nhiêu.
Chí Ðại đi kéo xe chưa được, mỗi ngày phải lấy số tiền mới vay đem về đó mà góp lại. Anh ta góp được ba bữa, nghĩ làm như vậy mình thiệt hại quá, mới năn nỉ với chủ nợ xin đình chừng nào vợ bớt đau, mình đi kéo xe được rồi sẽ góp. Chủ nợ mắng nhiếc một hồi rồi sợ làm gắt Chí Ðại trốn thì mất bạc nên giả lòng nhơn mà cho đình song buộc phải bỏ ba ngày đã góp rồi đó đi, chừng nào khởi góp lại thì phải góp mười lăm ngày khác.
Thằng nhỏ nhờ có uống sữa bò thì bớt khóc, nhưng mà uống sữa rồi nó sanh bịnh hạ hơi. Bạch Tuyết biết con không ưa sữa bò song bị đau nên không có sữa, bây giờ biết lấy chi mà cho con bú.
Mấy đồng bạc đi vay đem về đó, lẩn quẩn ít ngày thì đã tiêu hết rồi, mà Chí Ðại cũng chưa đi kéo xe được, Chí Ðại muốn vay thêm bạc nữa, ngặt mình hỏi trước mà chưa góp được, bây giờ ai dám giùm thêm nữa.
Thằng nhỏ không có sữa bú một ngày một đêm la khóc tắt tiếng. Vợ lon ton Thiệt thấy vậy động lòng, mới mua cho một hộp sữa bò. Vì thằng nhỏ khát sữa lâu rồi nên chừng có sữa nó đòi uống hoài. Uống mới hết một phần hộp sữa thằng nhỏ sanh bịnh kiết rồi ít ngày nó vong mạng.
Vợ chồng Chí Ðại ôm con than khóc nghe rất thảm thiết. Chiều lại Chí Ðại gói con rồi vác đi chôn. Một mình lui cui cuốc đất rủi cuốc nhằm ngón chơn cái, máu chảy linh láng. Anh ta rán đào lỗ chôn con rồi thủng thẳng cà nhắc đi về lấy giẻ rách nhúng dầu hôi mà nịt ngón cẳng cái lại.
Qua bữa sau, Chí Ðại khuyên vợ ở nhà, để mình đi kéo xe mà kiếm tiền. Nào dè cầm xe chạy được một mối, ngón cẳng cái đứt hôm qua đó chảy máu ra nữa, nên nhức nhối chạy không được, phải trả xe mà về. Chí Ðại nằm gác tay lên trán mà than với vợ rằng:
- Em ôi! Có lẽ tại qua bất nghĩa nên Trời Ðất mới phạt qua khốn khổ như vầy. Qua nghĩ tội qua đáng lắm, nên qua chẳng dám phiền hà. Qua buồn là buồn cho phận em, vì qua mà phải chịu cực khổ đến nước nầy, nên qua thấy em qua đau lòng xót dạ hết sức. Qua đã suy xét kỹ rồi, nên qua tính nhự vầy: em để qua đưa em về dưới ông ngoại, em ở cho an thân. Còn phần qua thì rán làm ăn chừng nào khá rồi vợ chồng sẽ tái hiệp với nhau, chớ qua nghèo khổ mà em theo qua hoài, thì tội nghiệp thân em lắm, qua chịu không được.
Bạch Tuyết ngước mặt ngó chồng coi bộ không vui, song hỏi dịu dàng rằng:
- Anh biểu em về ở với ông ngoại, rồi anh đi đâu?
- Qua tính xuống dưới mấy chiếc tàu buôn xin ở làm công, đặng đi cùng các nước coi chỗ nào dễ làm ăn thì ở mà làm, chớ xứ mình qua coi khó làm giàu được.
- Làm giàu mà vợ chồng phải lìa nhau thì làm giàu, mà chi?
- Chớ ở chung với nhau, mà em cực khổ quá như vậy, qua vui sao được?
- Anh thấy em cực khổ anh thương nên anh muốn tính làm cho thân em sung sướng phải hay không?
Chí Ðại day mặt vào vách không dám trả lời. Bạch Tuyết tay vuốt tóc chồng, miệng nói tiếp rằng:
- Thân em được như vầy thì em chẳng trông mong chi nữa. Phận em là gái, hễ có chồng thì phải theo chồng, may giàu sang thì chung hưởng, rủi nghèo hèn thì đồng cực với nhau. Anh tưởng thân anh ăn bữa đói bữa no, còn phận em mâm cao cổ đầy như vậy em chịu được hay sao? Anh muốn trọn đạo làm chồng, nên tính cho thân em sung sướng; em đây em cũng muốn trọn đạo làm vợ, há em đành để cho anh cực khổ một mình sao? Em xin anh từ rày về sau cứ coi em là con nhà nghèo hèn kết bạn với anh đặng lo làm ăn vậy thôi chớ đừng có coi em là con nhà giàu sang nào hết.
- Em vì thương qua nên không nỡ lìa nhau, nếu em không nỡ lìa nhau thì em phải chịu cực mãn đời còn gì! Em phải xét lại, trời sanh em đã định cho em vào chỗ giàu sang sung sướng rồi, tại anh làm quấy, nên thân em mới sa vào vòng khổ não. Vậy em hãy nghe lời qua, nếu em cãi thì qua buồn lắm.
- Trời mưa cũng có khi nắng, người nghèo cũng có lúc giàu. Ở đời giàu nghèo ai dám đoán trước được. Xin anh đừng có thấy ngày nay cực khổ như vầy mà ngã lòng.
- Không, phận qua làm trai, Trời muốn khiến thế nào thì qua cũng chiều theo thế ấy, qua có buồn chí nản lòng bao giờ đâu. Qua lo là lo cho thận em mà thôi chớ.
- Xin anh đừng lo cho thân em, mà đừng có tưởng tại anh nên em mới cực khổ. Ngày nay vợ chồng mình cực khổ đây, chắc là tại Trời Phật định như vậy, chớ không phải tại ai hết. Mà nếu muốn chỉ lỗi ra, thì lỗi tại em, chớ có phải tại anh đâu. Thôi, xin anh hãy an lòng; bữa nay bịnh em mười phần đã giảm được năm rồi, còn ngón cẳng của anh có lẽ ít bữa đây nó sẽ lành. Vậy để em mạnh rồi, em sẽ lãnh đồ may mướn, vợ chồng xúm nhau làm mà nuôi nhau, miễn là vui với nhau thì thôi, giàu nghèo cần gì.
Qua bữa sau hết gạo nấu. Chí Ðại không vay hỏi bạc tiền nữa được túng thế phải lại tiệm gạo Chệt Xỏn ở gần đó năn nỉ mua chịu. Chệt Xỏn bán chịu cho một đồng bạc, song giao năm bữa phải lại giã gạo cho nó mà trừ. Chí Ðại mừng rỡ, lật đật bưng gạo đem về.
Chừng nấu cơm chín rồi, ngó lại chai nước mắm đã cạn khô, Chí Ðại trong lưng không còn một đồng xu, biết lấy chi mà mua đồ ăn nên hỏi vợ lon ton Thiệt xin ít hột muối bỏ vào ơ mà rang, rồi đâm nhỏ ra vợ chồng ăn với nhau.
Cách ít ngày Chí Ðại đã lành ngón cẳng cái, nên đi kéo xe mà kiếm tiền.
-----------------------------------------------
[1] còn gọi là ngù ngà. Ngù là nắp tròn chụp lên trên cái chót. Gù ngà là cái ngù tròn bằng ngà voi có chơn răng để vặn ở guốc đàn bà. Khi mang người ta dùng ngón chơn cái và ngón giữa kẹp cái chơn ngù.
[2] hấp tấp
[3] (planton) tùy phái
[4] thúc kèn
[5] loại xe do một hoặc hai con ngựa kéo. Thùng xe thường có bốn chỗ ngồi đối diện nhau. Bên hông xe có gắn kiếng (kính) để che mưa gió, vì vậy gọi là xe kiếng.
[6] (coolies, coul): phu khuân vác
Ai Làm được
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6